3/7/07

Thơ đến từ đâu - Nam Dao

Loạt bài: Thơ đến từ đâu

16.1.2007
Nam Dao
Như khi cởi quần lột yếm trần mình múa trước nhân gian
Nguyễn Đức Tùng thực hiện

1
Nguyễn Đức Tùng:

Hờ hững buốt căm bờ sóng lụy
Cuồng si lửa rụi bến đa tình

Đó là anh viết về Hoàng Cầm. Trong đời, anh có kỷ niệm nào với các nhà thơ lớp trước ở Hà Nội như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… hay không ?

Nam Dao: Trong cuốn bút ký Những con người, những bóng ma (NXB Văn Mới, California, 2006) tôi kể mối quan hệ của tôi với Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Phần lớn những bài ký này có đăng lại trên website Ăn mày văn chương. Vậy xin thôi không nhắc ở đây.

Xin được bắt đầu từ subject của bức điện thư mà anh gửi cho tôi: Chuyện trò về thơ đêm Giáng Sinh. Hôm nay, ngày 24, tôi nghe đi nghe lại “Ave Maria”. Và như mọi năm, tôi vẫn nao nao hồi tưởng chuyện sau khi Chúa Cứu Thế ra đời thì hàng trăm trẻ con đẻ cùng ngày bị sát hại trong thành Jerusalem. Cứu rỗi nào cũng cần máu đổ ư? Kinh khiếp hơn, lại là máu của những đứa trẻ vô tội! Có người bảo, cũng như Chúa, thơ cứu rỗi. Nhưng thơ ơi, nếu có dính máu thì xin chỉ có chút máu rướm ra từ tâm hồn người làm thơ, máu ở nghĩa bóng, chứ đừng là máu ở nghĩa đen của những đứa trẻ sơ sinh 2000 năm trước. Dẫu như thế, thơ chỉ cứu rỗi người làm thơ thôi thì cũng đủ! Thế giới không cần mùi tanh và sắc đỏ nữa đâu...

Giáng sinh năm 1981 là thời điểm tôi có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà thơ, nhà văn anh kể tên. Thời đó còn “căng’’, và họ là những người “có vấn đề’’, là bọn “Nhân văn’’, “người ta’’ khuyên không nên quan hệ. Chẳng đến nỗi ngây thơ không biết, nhưng tôi tự nhủ, thế cuộc phải đổi thay, hoà bình lập lại rồi, và xã hội trước mặt cần nới khỏi những gút thắt khiên cưỡng một thời đã qua. Tối Giáng sinh 81, anh chị Lân ở phố Hàng Bè mời Nguyễn Tuân, Văn Cao và tôi. Tôi lấy xe đạp đèo chị Băng, vợ anh Văn Cao, đi chợ mua một bó hoa cho chị Sâm, vợ anh Lân, pianist sắp sửa đi Phi châu hợp tác văn hoá - nghĩa là đi dạy duơng cầm kiếm ăn và có dịp... đóng đến 60-70% lợi tức vừa là thuế, vừa là bồi dưỡng cho đồng nghiệp tại chức trong nước. Chị Sâm đón chúng tôi ở chân cầu thang, thấy tôi loay hoay khóa xe đạp, gọi con rồi bảo: “Cứ để đấy, cháu nó trông xe’’. Cháu nó là một thiếu nữ dong dỏng cao, nhan sắc, hai con mắt như cười, nhìn chú nó (chắc thành anh thì mới hợp lẽ trời), ánh mắt tinh quái trêu chọc. Chao ôi, trót thành chú nó thì phải lên gác với các bác, mặc dầu bụng bảo dạ, ở dưới chuyện trò với cháu nó có phải hay không! Biết đâu, cháu ơi, ngày đó chú lì, cứ ở dưới thì đời đã chẳng qua một bước ngoặt... với cháu? Bây giờ, cháu đã thành bà nội bà ngoại chưa? Còn nhớ nhau không? Ối a cái kiếp nòi tình, nghĩ lại xót xa!

Ăn uống một lát thì Nguyên Hồng từ Bắc Giang mới về Hà Nội cũng tới, tóc bạc, mặt cương nghị, đẹp lão nhất trong số các “lão ông’’ viết lách. Câu chuyện xoay quanh cái việc Đảng và Nhà Nước đang mở cuộc thi chọn một bài quốc ca mới thay Tiến quân ca của Văn Cao. Can sự trầm ngâm im lặng. Thình lình mất điện. Cháu nó thắp nến, vụt đến, rồi vụt đi, ném cho chú nó một cái liếc sắc như dao bổ cau. Nhưng không khí đặc quánh sau dăm tiếng thở dài. Nguyên Hồng thình lình đứng phắt lên, tay giơ chào như anh bộ đội cụ Hồ ba mươi năm về trước, ngẩng cao đầu hát Tiến quân ca, nước mắt ròng ròng trên má. Có tiếng nấc. Tiếng thút thít. Điện vẫn mất và lửa dăm ngọn nến chao đảo dưới những cơn gió lùa vào qua khe cửa sổ. Lát sau, anh chị Lân mang ra một cái đĩa hát bằng nhựa đen của những năm 40, muốn nghe phải có kim, to như kim máy khâu. Đó là quà cưới anh chị mà Văn Cao tặng ngày còn trên chiến khu Việt Bắc. Anh chị Lân tặng lại tôi, viết... để nhớ Hà Nội. Nguyên Hồng thì nguệch ngoạc... Tôi đã hát trong lúc rất xúc động. Văn Cao lẳng lặng ra ngồi trước dương cầm. Thình lình, anh chao người, rồi bổ những ngón tay xuống phím. Không ai nói với ai. Văn Cao ngưng, ngón tay anh nhỏ máu ròng ròng, tóc tai rũ rượi. Tôi đèo Văn Cao về nhà ở phố Yết Kiêu. Anh rượu vào, người lại mỏng mảnh. Tôi vòng tay ra sau, sợ anh ngã. Văn Cao lẩm bẩm: “Có đứa nào nó túm áo tôi, ông ạ…’’. Anh lẩm bẩm như thế suốt con đường về, trong tiếng gió xào xạc.

Để nhớ Hà Nội... Vâng, đúng một phần tư thế kỷ sau, tôi vẫn nhớ Hà Nội, như thế, trong gió đông những mùa xa. Và vẫn cứ xúc động, như hôm xưa, cái đêm Giáng sinh có những tiếng khóc ấy.

Nguyễn Đức Tùng: Trong tập bút ký, không thấy Đặng Đình Hưng... nhưng trong thơ thì:

Cầu ao ngồi gió đợi
Ngày xưa chẳng bao giờ
Xõa tóc hong kẻo ướt
Trong khoang một cơn mơ

Đó là anh viết về Đặng Đình Hưng. Trong đời, anh có kỷ niệm nào với Đặng Đình Hưng hay không? Và anh nghĩ sao về thơ của ông?

Nam Dao: Vì chưa viết gì về anh Hưng, nhân anh hỏi, tôi xin gợi lại vài kỷ niệm. Tôi gặp anh Hưng đầu năm 82, đến chơi với anh ở khu tập thể Trung Tự, hội ngộ với những người mến mộ anh, bạn bè đùa gọi là “triều đình’’ Đặng Đình Hưng. Nhà anh, độ đâu 30 mét vuông, tường treo đầy thơ, chiếu trải sàn thi đầy... rượu. Và thật bất ngờ, cô diễn viên trong phim Tội lỗi cuối cùng’ mà tôi đã đến thăm ở dốc Hàng Than có đó, nhưng không ra mặt. Anh Hưng bảo: “Cô ấy đau bụng. Chú vào buồng trong xoa bụng cho cô ấy, người ta chờ đấy...’’. Chao ôi, vào cũng dở, mà không vào thì... hóa ra phụ lòng người ta ư? Và trong cái triều đình lổn nhổn này, 10/10 là có công an, thế nào lại cũng thêm một báo cáo. Thôi, anh hùng bất quá mỹ nhân quan mà! Tôi vào, trong bóng đen chập chùng, chỉ có cặp mắt ấy sáng lên. Đặt tay lên trán (chứ không phải bụng) thấy đầu cô ấy hâm hấp nóng. Chuyện trò một lát, anh Hưng thò đầu vào, nói: “Cho chú ấy ra với anh em, chiếm lấy một mình à?’’. Dĩ nhiên là tôi phải ra thôi. Và cô ấy thì cứ ở trong buồng khiến lòng tôi nổi lửa, lát sau cô giận hờn xuống thang lấy xe đạp về một mình. Chao ôi, lại chao ôi, đường Hà Nội tối mùa đông vừa gập gềnh, vừa giá lạnh. Thế mà tôi chỉ biết tần ngần trông theo, lỡ hẹn với một khúc quanh có ai đó gọi là định mệnh chăng? Kể lại kỷ niệm này, để ta thấy anh Hưng phóng khoáng, không “nghiêm’’ như mấy ông anh thơ khác của tôi!

Trước Tết ít hôm, anh Hưng đến tìm tôi ở khách sạn Hoàn Kiếm. Anh gọi xích lô (như cái xe ba-gác trong Sài Gòn), bắt tôi lên ngồi cạnh, bảo bác xe đánh một vòng Bờ Hồ. Tôi ngượng tím người (thời đó, ngồi xe như thế chướng lắm, chẳng có tính giai cấp gì cả), nhưng chiều anh. Cất cao đầu, anh nhìn trước mặt, không nói năng. Khi xe trờ tới Bưu điện, anh nhẹ giọng, báo tin Đặng Thái Sơn vừa qua một vòng (tôi không nhớ có phải vòng 3 hay không?) trong giải Chopin. Rồi anh lẩm bẩm: “Nó như sao Bắc Đẩu cõi này’’. Rồi như bừng tỉnh, anh quay lại nhìn, giọng chân thành: “Xin lỗi chú, anh nói bậy rồi!”. Lúc đó sao mà anh cô đơn lạ! Nhớ lại, trước đó hơn năm, ngực anh bị một khối u, chẳng hiểu u lành hay u ác. Hoàng Cầm làm “U gì’’, chép cho tôi, ghi để em nhớ chuyện anh Hưng, rất hay nhưng ít phổ biến...

Tôi nhớ: “Bao giờ về quê trong khoanh một cái ao ngồi giặt yếm cả ngày.’’’ Thơ Đặng Đình Hưng đấy. Nhớ, nên trong đoạn thơ tặng anh, tôi cũng ra cầu ao, nhưng biết cái ngày xưa đó qua rồi, và hong tóc để trong khoang mơ không có cái ướt át của những giọt nước mắt. Thơ Đặng Đình Hưng đầy tính nhạc. Đó là phong vị đặc thù khiến anh khác với những “Tư mã’’ bạn anh như các anh Dần, Cầm, Đạt... Tập thơ Bến lạ là một đột phá thơ, óng ánh sắc thiên hà, chắc chắn vẫn đọng lại nhiều dư âm trong những tâm hồn thơ hôm nay.

Nguyễn Đức Tùng: Vài năm trở lại đây, tôi được đọc thơ Lê Đạt (mà trước đây vì hoàn cảnh riêng, tôi chưa có dịp đọc, trừ vài trích đoạn rải rác, lọt giữa một vài bài viết mà thú thật, tôi không nhớ rõ lắm):

Anh muốn gối trăng em
Một tình như duyên lạ
Nhé yêu anh bây giờ
Quên đi anh ngày cũ

Tôi ngạc nhiên. Tôi có cảm giác rằng ở Việt Nam hiện nay, hình như ông là một trong vài người hiếm hoi đến được gần với thơ hơn cả.

Anh có đồng ý thế không?

Ngoài ra, cách đây nhiều năm, nhân sự ra đời của tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt, ở Việt Nam và hình như cả hải ngoại, đã có nhiều cuộc tranh luận liên quan đến thơ của những nhà thơ như Lê Đạt, Dương Tường… Theo anh, có những sự khác nhau nào giữa các nhà thơ trên đây? Có thể nói gì về đóng góp của Lê Đạt, Dương Tường… vào sự vận động của thơ Việt Nam hiện đại? Họ có vai trò gì trong dòng chảy thơ Việt Nam của những ngày sắp tới?

Nam Dao: Lê Đạt là phu chữ, như anh tự nhận. Phu thì mệt lắm, nhất là những con chữ nặng nghìn cân khi thành thơ thì bỗng hững đi cứ tưởng như không còn trọng lượng. Thí dụ nhé:

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
Mây mấy độ thu
...

Câu hững đi, là câu thứ ba: một đời thơ chưa chắc gì ai cũng có. Thơ Lê Đạt hay ở những tuyệt chiêu như vậy.

Ngay sau Đổi mới thì Lê Đạt và Dương Tường in chung những bài thơ tình. Thơ Dương Tường thời đó thuộc khuynh hướng “lyric’’, nhưng nay thì khác. Anh mặc quần áo lòe loẹt (chẳng biết có trát phấn bôi son không) lên múa thơ ở L’Espace Hà Nội, tức là anh ấy đã “vật thể hóa’’ (chosification) chính bản thân để thành thơ như một bày biện có tên là installation. Thể loại bày biện này rất phù du, hay ở chỗ nó tạo ra một cách chống lại sự bất tử mà các vị văn nghệ sĩ xưa nay háo hức (nhưng tinh khôn cất giấu vào đáy lòng, dĩ nhiên trừ cụ Nguyễn Du, “chỉ’’ xin ba trăm năm). Nhưng cái gì phù du thì chỉ thoáng qua thôi, tự nó đã xác định chính nó là thế (và không thể khác được).

Nguyễn Đức Tùng: Còn về những người khác trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm, như Hoàng Cầm, Trần Dần...? Anh nghĩ sao về sự khác biệt trong thơ của những nhà thơ ta vừa kể? Họ có còn vai trò nào trong thơ Việt Nam hiện nay và sắp tới?

Nam Dao: Tập Về Kinh Bắc của anh Hoàng Cầm là một tuyệt tác, nhất là những bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Về với ta”... Anh Trần Dần với Cổng tỉnh tạo âm vang, nhưng thật ra, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong thi nghiệp Trần Dần. Hiện nay, tuyển tập thơ Trần Dần ở dạng bản thảo mà tôi có cơ may được đọc cho thấy anh có lẽ là nhà thơ sáng tạo bậc nhất, rất hiếm hoi trong nền thi ca Việt Nam mình.

Anh hỏi về sự khác biệt trong thơ của họ? Vâng, họ khác nhau, và thơ họ khác nhau mặc dầu họ gần gũi, chung đụng với nhau. Bởi họ là chính họ, chứ chẳng phải ai khác, và thơ họ, cũng thế. Để đáp câu anh hỏi, có lẽ phải một quyển sách, và xin dành cho những người làm văn học sử sau này nghiên cứu nghiêm túc vấn đề.

Nói đến vai trò trong thơ Việt Nam, ta đừng quên một mảng lớn những nhà thơ cũng cỡ tuổi anh em Nhân văn nhưng sống trong miền Nam. Xin kể qua: Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Thùy Yên... Vai trò của họ đối với sự vận động của thơ ca như anh vừa đề cập thì có nhiều điều để nói lắm; mà muốn có cái nhìn thấu đáo, cũng cần phải xem ảnh hưởng của họ ở thế hệ sau như thế nào nữa. Tôi ao ước một ngày kia sẽ được đọc một biên khảo như vừa nói, chứ không chỉ dừng lại ở những cảm nhận kiểu Hoài Thanh, quan trọng thật, nhưng chưa là một công trình có phương pháp luận...


Nguyễn Đức Tùng: Khi đọc thơ, anh làm cách nào để nhận ra một bài thơ dở (để khỏi phải tiếp tục mất thì giờ cho nó nữa)?

Nam Dao: Câu hỏi này cũng cùng loại như những câu hỏi trên nhưng đã bớt cạm bẫy hơn một chút. Không thưa thốt, ắt lần này đúng là trốn tránh kiểu người hùng trong bóng tối, súng lục dao găm chưa rút ra, đợi thơ dở đi ngang là đòm một phát, đâm một nhát (rồi chạy). Thứ nhất, thế nào là một bài thơ? Thơ nằm ở vần, điệu ư? Với tôi, vần điệu có hay không, không thành vấn đề. Nhạc (loại nhạc ứa ra từ âm ngữ) quan trọng hơn, có thì... tốt thôi. Nhưng nhạc không nhất thiết phải hài hoà theo kiểu “bằng bằng trắc bằng bằng trắc bằng”; có thể chơi toàn vần trắc, rất lạ, như thể nhạc jazz vậy, mà lại có khả năng chuyên chở được cái trắc trở nào đó của hiện thực như Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn. Hoàn toàn có thể nói đó là thơ hay. Còn thơ dở? Anh hỏi, tôi xin tóm gọn: là loại thơ vần thừa, điệu thứa, nhạc không có, và nhất là thơ làm đỏm siêu hình, thơ triết giả, thơ từ trí tuệ lên gân, thơ tuyên huấn, thơ phát động chiến dịch nuôi heo, võ trang lòng yêu nước, thơ hồ hởi vào WTO, thơ ca ngợi chiến dịch biên giới, thơ thương nhớ thời Tự Lực Văn Đoàn, vân vân... Loại dở nhất tôi gọi là thơ huỵch toẹt, có gì nói nấy, nói hoài không mỏi, nói đến độ khả năng liên tưởng của người đọc bị triệt tiêu... Nó ở cực hoàn toàn đối nghịch với cách tôi cảm nhận thơ. Với tôi, thơ nằm ở lằn mức mỏng mảnh giữa ngôn từ và sự im lặng triền miên của cõi vô ngôn, anh ạ!

Nguyễn Đức Tùng: Như thế là anh đã nêu ra mấy loại thơ dở:

 Không có nhạc

 Làm đỏm, làm dáng

 Thơ phục vụ chính trị


 Thơ hoài niệm

 Thơ không kín đáo
Có đúng thế không thưa anh? Nhưng tôi không hiểu rõ mấy chữ “vần thừa, điệu thứa” cụ thể là thế nào?

Nam Dao: Loại cuối anh gọi là thơ không kín đáo nhưng tôi thì bảo là thứ thơ huỵch toẹt, ý cũng ngoại mà ngôn cũng ngoại. Dưới dạng vần điệu nào đi chăng nữa, những loại thơ anh vừa kê tôi cho là vè, chứ không phải là thơ. Vè thì vần thừa điệu thứa cụ thể nhiều lắm. Vần điệu nghe cho êm tai thì đánh đàn, thổi sáo... chắc hiệu quả hơn, cứ gì phải dùng đến những con chữ! Còn thơ phục vụ này nọ, cứ chăng khẩu hiệu lên, việc chi phải gieo vần cho mệt. Riêng về loại anh gọi là “thơ hoài niệm” thì tôi không đồng ý với hai “chữ hoài niệm”. Có lẽ đúng hơn là loại thơ khuôn sáo, cứ bản cũ sao lại với cái ngày xưa ấy và ba cái “sáng tạo’’ như gỉ mắt lúc sáng dậy còn nhập nhòa chữ nghĩa nhưng rửa mặt xong thì trôi vèo đi.

Nguyễn Đức Tùng: James Wright đã từng tâm sự: Cực kỳ đau khổ vì một tập thơ dở, tôi thả bộ xuống đồng cỏ hoang, rủ chuồn chuồn châu chấu bay theo (“Depressed by a book of bad poetry, I walked toward the pasture, invite insects to join me”) (Đây là cái nhan đề dài của một bài thơ, chép theo trí nhớ). Thì ra không phải chỉ có hai chúng ta là phải đau khổ vì chuyện này. Để tránh bị depressed như trên, tôi thường có cách riêng của mình. Đó là thói quen đọc một hay hai câu thơ đầu tiên cuả bài thơ. Khi bắt gặp những câu mở đầu như thế này:

And will the flowers die?
And will the people die?
(Bendan Kennelly)


I’d like to live a slower life
(John Newlove)

You do not do, you do not do
Anymore, black shoe
(Sylvia Plath)

tôi không thể bỏ ngang, gấp sách lại để làm việc khác được. “Phương pháp” riêng của tôi không biết có bỏ sót nhiều bài thơ hay hay không?

Nam Dao: Nói thật nhé, bà Chúa rất kỵ phương pháp, anh ạ. Với thơ, vô chiêu thắng hữu chiêu. Ngắn gọn thế thôi!

Nguyễn Đức Tùng: Anh viết:

Quán bia ôm
Ôm đi!
Cho mãi đêm dài
Như dằng dặc những tháng năm qua
Khẩu hiệu xưa trên bức tường nhà
Đang tróc thịt lột da
Chữ cái chữ con lổn nhổn
“ yêu ước nghĩ ...à ...êu xã ... ội chủ…ĩa ”

Em ôm
tôi là tượng đá
Tôi ôm một vòng khẳng khiu
Như cành khô trụi lá

Em kêu một ly chanh đá
Miệng ly vệt son nhạt nhòa
...

Người ta vào bia ôm để… ôm. Còn anh thì làm thơ. Ngoài đời, anh Nam Dao khô khan đến thế sao?

Nam Dao: Ấy ấy, dzậy mà không phải chỉ dzậy đâu! Đời tôi đi bia ôm ba lần. Lần đầu, vừa đỗ Tú Tài I, bạn bè rủ đi đến một cái quán cạnh rạp ciné Văn Hoa bên Gia Định. Thời đó, xa lắm rồi, chưa có từ “bia ôm’’, tôi thì mới được 16 tuổi, vừa tò mò, vừa nây nẩy sức sống, nhưng nhát nên chẳng dám... làm gì!

Lần thứ nhì, rất ấn tượng. Đó là năm 88, tôi về Hà Nội sau 6 năm biệt xứ vì “hoàn cảnh’’ lắm, và được một người bạn dẫn đi xem Hà Nội “đổi mới’’ trong một quán bia ở trên phố Bà Triệu. Giữa bàn với bàn kia, người ta quây cót, giữ cho khách “vô tư’’ trong hoàn cảnh đất chật người đông và khi “đất nước ta còn nghèo’’, câu đầu lưỡi biện minh cho tút tụt mọi chuyện tạm chưa đáp ứng được. Vừa ngồi xuống ghế (đẩu), hai nàng kiều nữ sáp lại cười cợt, hỏi han, dĩ nhiên là kêu ngay đồ uồng, rất tự nhiên gọi cả cho mình, hoan hỉ bảo “các anh muốn phục vụ thế nào chúng em cũng sẽ phấn đấu tốt...’’. Nhìn quanh là đèn dầu (tối hôm ấy điện bị cúp), ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Nhạc thì vẫn đỏ, ò è phát từ một chiếc cát-sét chạy bằng pin, rè rè kêu “... tôi đi giữa trời Hà Nội rực rỡ mến yêu. Đường tôi đi, Ba Đình lịch sử...’’. Cót bên trái, tiếng thở khò khè đứt quãng. Rồi văng vẳng tiếng ấm ức như từ họng nuốt xuống bụng, không ra khóc, không ra cười. Đưa mắt hỏi, cô phục vụ nháy, nói ối a yêu nhau cởi áo cho nhau í mà... Cô gầy ngoẳng, đưa cánh tay khẳng khiu lên choàng vai tôi, môi tô son đỏ chót, răng nhe ra cười, trắng nhởn. Tay cầm ly chanh đá, miệng ly có vệt son, nước đá đọng trên thành ly ứa ra nhìn như vết máu ứa, cô thản nhiên bảo, uống nhanh rồi lại “chỗ’’ em, thân mật, kín đáo, an toàn, bảo đảm. Tôi lắc đầu, bụng chợt thắt lại... Ra đến ngoài, tai tôi vẫn bị cái thanh âm ấm ức không ra khóc, không ra cười đuổi theo, nhìn sang bên kia đường thì mắt thấy một cái khẩu hiệu trải nắng mưa nên chữ còn chữ mất... “yêu ước nghĩ ...à ...êu xã ... ội chủ…ĩa ”

Còn lần thứ ba, mới hè đây thôi. Tôi xuống Vĩnh Long, tối lại được chèo kéo đi karaokê. Thì đi, biết đâu tôi lại phát hiện ra tố chất ca sĩ của mình. Thế là, hốp, sà vào một cái quán sân trong đầy những bóng hồng, bóng xanh, quần bò, váy cũn, áo trên rốn... của thời hội nhập. Bà chủ mở cửa một căn phòng, ghế bọc ni-lông mầu đo đỏ, đèn xanh xanh, ở giữa phòng là giàn karaokê cồng kềnh, đen trùi trũi như một con trâu đang ngủ. Một nàng tiến đến, cúi xuống vỗ về thế nào mà con trâu rú lên, tiếng loa eng éc, nhưng chỉ lát sau là được điều chỉnh lại cho hài hòa hội nhập với nếp sống văn minh. Chúng tôi chưa ngồi thì ba bốn két Heineken đã an tọa, và tiếng mở nút chai lốp đốp như pháo chuột... “Dzô đi các anh!”, một em lên tiếng, giọng miền Nam sao mà dễ thương truyền cảm đến thế! Rồi... “Nhạc chi đây? Cải lương hay tân nhạc, anh?” Cô bé mắt đen lay láy sà vào lòng tôi, tay nâng ly áp vào miệng tôi, hỏi nhưng chẳng đợi tôi đáp, xuống ngay một câu vọng cổ thật mùi. Tôi cảm thấy bàn tay nàng đang vân vê, nhẹ nhàng, tế nhị chứ không có cái kiểu trấn lột cảm giác theo qui luật thị trường, có định hướng gì thì cũng chỉ thuận mua vừa bán. Nhìn sâu vào mắt nàng, tôi cố xem hình bóng tôi? Và tôi ôm vai nàng (đấy nhé, có khô khan đâu), tự hỏi tôi có phải là một người hiệp sĩ đang vào hang hùm để cứu cô gái “chữ trinh còn một chút này” ra khỏi cái vòng áo cơm ngặt nghèo? Tiếng nhạc xình xình đến nhức óc khiến lát sau tôi gỡ tay nàng, mở cửa bước ra ngoài hít thở một chút lấy sức. Nàng theo ra. Chúng tôi trò chuyện. Đại khái, tôi hỏi em bao nhiêu tuổi, tên thật là gì, trước đây làm chi, nay kiếm ăn bằng karaokê được nhiêu một tháng. Nghĩa là tôi hỏi tất tật những câu hỏi vô duyên không đợi bất cứ lời đáp nào. Ậm ừ, nàng nói nhưng tôi đâu có nghe. Lát sau, nàng sẽ sàng, em ca riêng cho anh, anh cho em boa nghe. Rồi tay đánh nhịp, miệng nàng ca, tỉ tê... Và tôi bỗng lạnh sống lưng, nghe một câu. Câu ấy, như thế này: “Anh có học thức mà lại đàng hoàng!” Chu choa, tay nào nghĩ ra câu ca nghe độc vậy cà? Hai từ mà sao thấy nhức nhối lạ! Nhưng từ khi nghe câu ca đó, tôi đâm ra ngần ngại, cứ lúng túng, vẩn vơ, biết mình không là anh hiệp sĩ có dáng dấp nhân vật của Cervantes. Nàng bất ngờ hỏi: “Anh dzề Sè Gòn cho em theo với?”. “Theo anh làm chi?” “Thì sống như mọi người, em ở nhà, nấu cơm chờ anh đi làm về, chớ sống như em thế này cơ cực tủi nhục lắm!” “Tại sao em muốn theo anh?” “Vì anh có học thức mà lại đàng hoàng.” “Sao em biết anh có học thức?” “Anh mang kiếng trắng!” “Sao em biết anh đàng hoàng?” “Vì... anh hổng có... làm tới như mấy người. Em biết mà!” Thế là tôi chỉ còn biết cười - loại cười màu vàng - rủ nàng vô phòng. Lại xập xình kèn trống. Lại dzô, dzô... một trăm phần trăm. Con trâu đen thỉnh thoảng phát khùng rú rít với cái họng 200 watts. Lát sau, tôi lỉnh đi, lên xe, ra băng sau chiếc xe 12 chỗ, lủi thủi nằm một mình. Khi bạn bè ra hỏi, tôi kêu nhức đầu. Và khi xe chạy, tôi ngoái lại nhìn, nàng đang ngơ ngác như đi tìm một cái gì để níu lại, dẫu chỉ có thể là niềm vô vọng...

Kể anh nghe dài dòng để anh hiểu tôi đâu có vào bia ôm để làm thơ! Thơ đến từ đâu? Tôi đoan chắc: Thơ không đến từ những quán bia ôm. Nhưng thơ có thể đến từ cuộc đời của những con người trong những quán bia ôm mà ta có cơ duyên cảm nhận được… Bài thơ “Đêm chợ” anh vừa chép ra tôi làm năm 89. Đến năm 2005, hình như đêm ngày một chợ, đêm hoài, đêm mãi... mình “mà lại đàng hoàng” thì, anh biết đấy, cực kỳ hâm... nhất là khi vào bia ôm!

Nguyễn Đức Tùng:

Gió ơi xin quét cho sạch đất
Cho ngày phanh ngực bước thênh thang

Thơ anh có những bài đầy nhiệt huyết với cuộc đời. Sau nhiều năm tháng, thăng trầm, bầu nhiệt huyết ấy giờ đây ra sao?

Nam Dao: Cũng vậy thôi, trời sinh tính, dung tích máu me trong người vẫn bằng ấy. Còn độ lạnh nóng thì tùy mùa, nhưng nói chung tôi vẫn giữ được thân nhiệt ổn định, kể cả khi mùa đông ở Quebec nhiệt độ có khi xuống đến -30 độ C. Với năm tháng, thay đổi dễ nhận nhất là tóc tôi bạc đi, và tôi ít lạc quan tếu hơn xưa. Chỉ có điều đáng buồn là thỉnh thoảng tôi bị nhức vai trong những độ chuyển mùa, có lẽ là phong thấp, phải không bác sĩ?

Nguyễn Đức Tùng: Rồi chúng ta cũng phải quen đi với những thay đổi thôi. Mới đầu bị đau nhức, bị bệnh, ai cũng buồn, lo, thất vọng, thậm chí tức giận, nhưng rồi nếu biết dịu xuống, biết lắng nghe, thì một tiếng nói khác sẽ tới, và chúng ta sẽ học được nhiều điều từ tiếng nói thì thầm ấy. Cách đây nhiều năm, tôi đã từng đau như thế sau khi bị ngã té từ trên cao xuống, nằm dán mình trên mặt đất cả giờ trong đêm khuya, không biết mình bị gãy xương sườn.

Nam Dao: Đùa bác sĩ tí mà... Nhức vai thì nhằm nhò chi. Anh bị ngã chứ còn tôi, hơn hai mươi năm về trước tôi... (thú thật nhé) đã định chết... cơ đấy! Đó là thuở tôi mất hết: gia đình, quê hương, người yêu...và sắp mất luôn cả nghề nghiệp. Kinh hoàng ghê lắm, đêm không ngủ, mở mắt thì ngày cũng là những trũng sâu không chút ánh sáng. Nhà tôi trên dốc, tuyết phủ, đường trơn trượt như đi trên mỡ. Và tôi, cứ đi lên rồi đi xuống, trong cái lạnh -20 độ, gió lên thì xuống đến -30, mặt mũi cứng lại, tim đông lạnh, ý thức thì đóng băng vào cách chết, chết thế nào cho nhanh, cho gọn... Gần nhà tôi, có Cecilia S, người Chili, từng dịch thơ tôi sang tiếng Tây Ban Nha ngày chúng tôi cùng chống lại cuộc chiến ở Salvador. Tôi về, Cecilia không biết từ lúc nào đến ngồi trên cầu thang lên tầng appartment tôi ở. Cầm một bông hồng, nàng trao vào tay tôi, nói vỏn vẹn “...là một nhà thơ thì không chết được!’’... Bông hồng đó đã cứu tôi! Bất chấp nghịch cảnh, bông hồng vẫn đó, ở trong ta...

Nguyễn Đức Tùng: Anh lãng mạn lắm. Nhưng điều đáng mừng là có một thứ gì đó trong chúng ta không thay đổi. Đó là thứ gì thì mỗi người có thể khác nhau.

Milosz đã từng viết: “The purpose of poetry is to remind us how difficult it is to remain just one person, for our house is open, there are no keys at the doors.” (Mục đích của thơ là nhắc nhở chúng ta rằng thật khó biết bao giữ cho được mình vẫn là mình, bởi vì căn nhà của chúng ta cửa mở, và không hề có chìa khoá.)

Với Nam Dao, điều không thay đổi ấy có phải là nỗi thôi thúc đi tìm sự thực của lịch sử không? Hay tôi lại đoán trật nữa rồi? Lịch sử đầy gió và lửa có phải là gánh nặng trên vai anh không?

Nam Dao: Không, điều không thay đổi ấy là bông hồng của Cecilia S. một buổi tối mùa đông đã sưởi lại đời tôi thời đóng đá. Tôi sống, và hơn mười năm sau tôi mới viết tiểu thuyết lịch sử Gió lửa. Không có bông hồng đó, chỉ còn tro tàn, làm gì có gió, có lửa, phải không anh? Nói về lịch sử, nếu là những sự kiện thuộc quá khứ, không đổi được, tự thân nó không là gánh nặng. Nhưng khi những quá khứ không đáng lập lại vậy mà vẫn cứ tồn tại, chẳng những ở hiện tại mà còn có khả năng đeo đẳng trong cả tương lai thì quả là gánh nặng khó đèo bòng cho hơn năm mươi ký xương da tôi. Nhưng đó là vấn đề văn hóa, không phải thuần lịch sử nữa. Trong lời ngỏ Gió lửa, tôi đã viết:
“... Những trang sử Việt Nam trên dưới năm trăm năm qua phơi trải chiều dài một cuộc nội chiến vẫn ám ảnh đâu đó như một thứ ác nghiệp đang còn rình rập ẩn náu chỉ đợi cơ hội là lại làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Dĩ nhiên, yếu tố tình cờ có, yếu tố khách quan có. Nhưng lịch sử vẫn là, nói cho cùng, sản phẩm của những con người suy tư và hành động trong một mẫu hình văn hoá nhất định. Vậy thì yếu tố nào trong mẫu hình kia là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta ? Nặn đất sét làm tượng Thành Hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy thì thụp đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta cùng dựng lên, một khi, theo qui luật tồn tại, những quyền lực đó xung đột với nhau? Tránh cho cảnh lệ lại rơi máu lại đổ, không thể không đặt cả cái mẫu hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn’’.

Nguyễn Đức Tùng: Anh viết nhiều vở kịch. Kịch và thơ giống nhau ra sao?

Nam Dao: Đông cũng như Tây, xưa kịch là thơ. Ở ta, chèo miền Bắc chẳng hạn, hay cải lương miền Nam, đều đậm vần điệu - tố chất của thơ. Kịch nói (văn xuôi) xuất hiện sau và mới chỉ chiếm chỗ kịch – thơ trong thế kỷ qua. Anh đọc, chắc thấy kịch của tôi như Treo đầu dây Quan họ thì có quan họ, như Sân đền thì có những bài hát chầu văn còn trong Kịch câm thì đủ, có cả ca vọng cổ, chèo... Nhưng dẫu sử dụng thơ thì vẫn kịch khác thơ nhiều lắm. Thơ là sự kết tinh giữa ngôn ngữ và xúc cảm. Kịch phải dàn trải, tính diễn giải nhiều, và phải dụng thoại, tức là cái động giữa những con người với nhau. Anh nói chuyện kịch, tôi lại nhớ đến kịch thơ Kiều Loan của anh Cầm. Trong kịch anh ấy có những câu xuất thần: “Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc. Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”. Những câu như thế trong kịch thì đúng là thơ, thơ thứ thiệt!

Bộ môn thoại kịch của chúng ta rất... mỏng. Nhưng mong tương lai sẽ khác!

Nguyễn Đức Tùng: Là một trí thức, nổi tiếng trong lĩnh vực toán kinh tế, tham gia hăng hái vào phong trào “yêu nước” trước đây, anh có những suy nghiệm nào về lẽ thành bại ở đời? Và của một dân tộc? Bài học nào anh muốn kể lại cho con cháu của mình?

Nam Dao: Thứ nhất, miễn cho tôi hai chữ “trí thức” mà tôi càng ngày càng dị ứng. May mắn được đi học, tôi có học thức và cố làm sao mà lại đàng hoàng, thế thôi. Còn sự thành bại của riêng mình? Giả thử có cái phép lạ cho phép tôi xóa bài làm lại từ đầu, thì... tôi cũng sẽ làm y chang như tôi đã làm. Tôi sẽ chọn lựa và hành động như đã từng, mặc dầu những điều tôi ấp ủ thì 10 điều có đến 8, 9 không thành hiện thực, tức là tôi bại. Nhưng bại mà tôi vẫn lại cứ chọn thì có người cho là thành, bởi trong một hoàn cảnh lịch sử ngoài tầm với của mỗi cá nhân, tôi đã sống trọn vẹn và chân thật, chẳng có gì để hối tiếc mà than thân trách phận. Còn thành bại của một dân tộc? Phải về những vùng sâu vùng xa mới thấy cái gốc của những con người Việt Nam, dẻo dai và biết thích ứng nhưng vẫn giữ được mình. Sống giữa hai nền văn minh khổng lồ là Hoa và Ấn mà còn là người Việt, muốn tiếp tục là người Việt, không phải là lẽ dĩ nhiên đâu. Thành bại của một dân tộc là văn hóa của dân tộc đó. Hiện nay, có những điều đáng buồn, đáng lo. Nhưng dăm ba chục năm trong lịch sử một dân tộc không dài hơn tiếng muỗi vo ve bên tai. Tôi không bi quan, và săn tay nặn óc làm những gì tôi làm được để góp tay vun trồng cái nền văn hóa đó.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ thế này: không một người trí thức Việt Nam nào, nhất là khi người ấy là nhà thơ, trong giai đoạn hiện nay, lại không tự đặt cho mình nhiệm vụ chính yếu của cuộc đời là đi tìm sự thật bị chôn vùi dưới các tầng đất, sự thật của cuộc chiến tranh vừa qua và các tội ác đối với dân tộc, các hài kịch và bi kịch của từng gia đình, đi tìm bài học từ những thất bại và thành công của chính bản thân họ, thoát ra khỏi nhà tù mà tự họ xây lên cho mình, và đi kể lại cho các thế hệ sau về những ngã đường phải tránh và gieo thêm những niềm hi vọng mới.

Suy nghĩ như thế, tôi có phần thất vọng trước tình hình văn học và thơ ca Việt Nam như hiện nay. Anh nghĩ sao, thưa anh?

Nam Dao: Chớ... chớ bi quan với cái tình hình văn học buổi giao thời! Tôi cho là thời gian sẽ gạn đục khơi trong, và một khi nước lắng xuống, lòng sông của chúng ta sẽ phơi ra những sự đẹp đẽ khuất sau lớp bùn thời sự.

Nguyễn Đức Tùng: Anh là một trong những người viết chính của website Ăn mày văn chương, xin anh nói về trang báo văn học mới lạ này? Hình như nó có khuynh hướng khép kín?

Nam Dao: Chuyện đơn giản thế này. Gặp gỡ nhau ở Paris, bạn bè rủ nhau làm một cái trạm văn, ai viết gì thấy được hay ai đọc được văn thấy bản nào hay thì giới thiệu với độc giả bốn phương trời mười phương Phật nay được Bill Gate chắp cho đôi cánh internet. Tại sao lại gọi là ăn mày? Ăn mày là ăn mày thời giờ của người đọc văn chương, bởi lẽ viết ra thì mong có người đọc chứ không trốn vào cái kiểu “tôi viết cho tôi ấy mà’’ hay “em chã’’... Ăn mày văn chương không “khép’’ như anh nghĩ, nhưng không phải là một tờ báo tháng tháng đăng bài văn hữu gửi tới và cũng chẳng hề có chủ trương, tuyên ngôn gì... Vui, và thấy có chút hữu ích trên cái mạng toàn cầu rắc rối gấp triệu lần mạng nhện, khiến độc giả rất mất thời giờ đi tìm... cái đáng để bố thí thời gian. Thế thôi, anh ạ!

Nguyễn Đức Tùng: Là người sống lâu năm ở Quebec, Canada, anh có đọc các nhà thơ Canada hiện nay như Avison, Atwood, Cohen, Page, Souster, Friesen, Amabile, Newlove, Moore…? Anh nghĩ gì về họ? Thơ của các nhà thơ Canada có ảnh hưởng gì đến cách viết của anh không? hay anh hoàn toàn không quan tâm đến họ?

Nam Dao: Thú thật trình độ tiếng Anh của tôi chỉ dùng vào việc chuyên môn và giao tiếp, nên tôi chưa nắm bắt được cái “hay’’ trong văn chương. Có đọc, tôi đọc tiếng Pháp, và cảm nhận được đôi phần văn chương Pháp, hoặc các bản dịch sang tiếng Pháp. Đấy, tôi bị giới hạn như thế. Nhưng xin qua một vấn đề khác, có dính líu đến câu anh hỏi. Mỗi ngôn ngữ ít nhất cũng là một “ngữ cảnh văn hoá”. Làm sao thơ tiếng Anh hay tiếng Pháp hay tiếng gì đi chăng nữa có thể ảnh hưởng lên việc sáng tác bằng tiếng Việt? Nếu có, ảnh hưởng ấy ở mức độ nào? Câu hỏi dĩ nhiên không chấp nhận cách trả lời kiểu “mỹ phẩm thì có tô lên mặt người Âu người Á cũng OK hết, miễn là đẹp (lại rất chủ quan về cái đẹp đấy)’’. Và câu hỏi lại càng cấp bách, nhức nhối khi ta đề cập đến sáng tác thơ, Chúa của ngôn ngữ, là lý tưởng để với tới của mọi thể loại dùng con chữ diễn tả và biểu hiện cái phần “hồn’’ khởi từ linh thức vi diệu và kỳ bí... Hiện nay, đọc nhiều bài thơ cách tân, tôi có cảm tưởng như đọc thơ dịch, khó vào lắm!

Nguyễn Đức Tùng: Riêng tôi thì tin chắc rằng sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ trên thế giới là rất lớn. Tuy nhiên ngôn ngữ thơ là một hiện tượng đặc biệt khác. Vậy xin anh nói thêm về vấn đề này.

Nam Dao: Thơ là gì, thơ và đến từ đâu? Câu trả lời, nếu có, tôi nghĩ không đến từ định nghĩa thơ mà là từ ý thức về cứu cánh của thơ nói riêng, của nghệ thuật nói chung. Đi tìm một định nghĩa phổ quát là bó chặt thơ vào một hệ thống qui luật. Nàng thơ vốn yêu tự do, không chịu đựng được những trói buộc, nhưng có lẽ vẫn độ lượng cười mỉm bảo chúng ta rằng bất cứ lời nào thăng hoa được kiếp nhân gian nàng đều trân trọng, chiu chắt. Như hình tượng tôi đã nguệch ngoạc ra, nhà thơ quậy lớp bùn vô thức và có cơ duyên nhặt được một cái gì lấp lánh của ánh sao rơi từ thưở thời gian chỉ là một chấm điểm khởi đi. Từ cái lấp lánh nhặt được, nhà thơ thốt lời như thế cách đem cái ánh sáng trở về bầu trời trên cao hun hút, với ước vọng trả lại cái lấp lánh cho vì sao xa xưa, hay kỳ diệu hơn, tạo ra một tinh tú mới. Khi những con người trên mặt đất nhìn lại được ánh lấp lánh kia trên trời, họ kêu lên, ô hay đẹp thế, thật thế... mà sao đến nay ta mới nhìn thấy. Thì hóa ra những ánh lấp lánh kia đã sẵn có trong tâm linh mọi người, và lời đánh thức cái đẹp, cái thật, cái tốt, kéo chúng từ trạng thái tiềm ẩn ra mặt trời cho sự sống nẩy hoa, là thơ. Nhân đây, tôi trích đoạn chương cuối của cuốn Bể dâu mà tôi vừa hoàn thành trong bộ tam tiểu thuyết lịch sử Đất trời-Gió lửa-Bể dâu. Đối thoại giữa một vị bác sĩ chữa bệnh “điên’’ cho một cựu chiến binh:

“... Và không thể kìm mình, tôi mặc cho nước mắt tôi đổ ra. Tôi cũng khóc, khóc cho hả. Dân ôm lấy vai tôi nức nở. Đám bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong nhà thương ùa ra xem. Ai đời, anh bác sĩ trẻ ôm con bệnh của mình cùng khóc. Tôi cố nén:

‘Anh Dân ơi! Bây giờ ai cũng bảo là chúng mình cùng điên…’

Nhìn tôi, Dân đưa tay quệt mắt. Tôi nghẹn giọng :

‘Thế giới này điên, điên... điên đến độ kẻ tưởng mình không điên chính là người điên nhất!’

Dân mỉm cười. Một lúc sau, Dân nói, giọng độ lượng:

‘ Mặc, ai nói gì mặc ai! Vô tư đi thôi!’

Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi hỏi:

‘... nhưng cái gì cứu được chúng ta bây giờ, bác sĩ?’

‘Cái Đẹp! Tôi quả quyết.’

‘Có phải bác sĩ bảo là một trong ba cái Chân-Thiện-Mỹ?’

‘Không, tôi đáp, ba cái đó là một. Cái gì đúng, cái gì tốt, thì tự thân đều đẹp cả. Cái đẹp của Tâm Hồn... Một cái Đẹp toàn diện là thế! Thế giới chỉ có thể thay đổi bằng cái Đẹp ấy... Và chỉ cái Đẹp mới giữ được trí nhớ!’

‘Không, giữ trí nhớ là những trang sử, ai cũng nói vậy!’

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi:

‘Sử do người chiến thắng viết, và họ chỉ nói già ra là một nửa sự thật. Còn nửa kia, dối trá cả, chẳng đáng tin. Bây giờ làm gì có người yêu sự thật lịch sử đến độ bị thiến như ông Tư Mã Thiên đâu!’

Dân ngẫm nghĩ, rồi khẩn khoản:

‘Tôi phải làm gì?’

Tôi buột miệng:

‘ Làm thơ…’

Dân bật cười:

‘Người điên làm thơ?’

Tôi nói, giọng chắc như đóng đinh:

‘Chứ sao! Điên làm thơ, thơ mới hay. Còn tỉnh, người ta làm tiền bằng đủ cách, cách hiển nhiên là chiếm chức trọng quyền cao. Bây giờ họ thế cả!’ ...’’

Đánh bạo thưa thốt dài lời như vậy, tôi vẫn hiểu rằng... Và cẩn thận kèm vào những điều vừa nói, theo thiển ý... thì rất chủ quan. Và mong được các bậc cao nhân thứ cho cái lỗi đánh trống qua cửa nhà sấm, vui lòng chỉ ra những bất cập.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh Nam Dao về cuộc trò chuyện hào hứng và những tâm sự cảm động của anh. Trước khi tạm biệt vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới, tôi xin chép tặng anh mấy câu thơ của Irving Layton, nhà thơ nổi tiếng Canada, rất có hương vị mùa xuân. Tôi chỉ chép đoạn mở đầu, vì bài thơ dài.

Who is that in the tall grasses singing
By herself near the water
I can not see her
But can it be her
Than whom the grasses so tall
Are taller,
My daughter,
My lovely daughter?

(Ai hát ngoài kia trong cỏ xa
Cỏ cao cao khuất. Chỉ lời ca
Vang bên bờ nước. Kìa ai đó?
Ai hát kia? ngoài con gái ta?)

Chúc anh một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, và có dịp gặp lại những người đẹp của anh.

31.12. 2006

© 2007 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét