Lữ
Mỗi ngày, tôi trẻ lại
Trong rừng thu, tôi đã nghe lá nói. Những chiếc lá xì xào với nhau mỗi khi cơn gió đến. Thoạt đầu, tôi nghe lá nói tiếng Hoà Lan. Rồi tôi nghe lá nói tiếng Việt. Ôi, tiếng Việt nghe sao mà thân thương. Đó là tiếng nói, là ngôn ngữ tôi đã xa lìa từ thuở bé. Đó là âm thanh quen thuộc của tuổi thơ. Tôi tò mò hỏi: “Các em biết nói từ lúc nào?” Nhưng những chiếc lá im lặng, làm bộ như không biết gì cả.
Làm sao các em không biết gì được. Các em biết làm ra màu vàng, màu đỏ thật đẹp trên thân lá. Các em biết nhảy múa trong không gian. Các em biết vẫy tay trong nắng mới. Các em biết rơi xuống như một cơn mưa. Và các em biết nói. Tôi đã được một nhà thơ tiết lộ cho tôi hay là các em biết nói:
Trời lạnh lên rồi gió vút qua
Lá vàng tập đọc chữ ê a
Đôi lời nghe được đôi lời mất
Vài chữ Hoà Lan vài chữ Ta.
Tôi không tin gì mấy. Nhưng bây giờ thì rõ ràng lắm rồi. Lá biết nói. Em biết nói thì em phải biết nghe. Con người cũng biết nghe. Nhưng con người ít chịu nghe nhau lắm. Em có biết tại sao không? Tại vì người ta đã bắt đầu dùng bộ óc quá nhiều. Người ta suy nghĩ ngày, suy nghĩ đêm. Suy nghĩ nhiều đến độ không sao ngủ được. Em hãy tưởng tượng những chiếc lá không ngủ, thức suốt đêm mà trằn trọc.
Tôi đã từng thức dậy sớm và bắt gặp một rừng thu đang ngủ. Những đám mây trong rừng cũng đang ngủ. Và tôi cao hứng ngâm lên những câu:
Thức dậy sớm hơn mây
Đi dạo quanh chân núi
Đi chơi giữa rừng cây
Rừng mùa thu trăm sắc
Trên lá sương đọng đầy (...)
Phải rồi, chúng ta đều cần những giấc ngủ bình an. Các em cứ ngủ. Hôm nào dậy muộn một chút cũng không sao. Tôi đã từng thấy mặt trời ngủ quên. Nhất là vào mùa đông, không khí thật lạnh và mặt trời nhất định không chịu dậy sớm. Tôi đã nghe chim chóc trong rừng phàn nàn về mặt trời. Có con chim nói: “Ta đổi mặt trời khác. Tìm một mặt trời siêng năng hơn đến sống với chúng ta.” Và có lần, đàn chim đã đem mặt trời xuống đất đó em. Đàn chim tính làm lớn chuyện. Tôi đã phải đứng ra can ngăn: “Đừng làm vậy. Mình sống với nhau, phải có tình, có nghĩa.”
Chính hai chữ “tình nghĩa” đã cứu được mặt trời. Nhưng vào mùa đông thì mặt trời vẫn ngủ thật nhiều. Tôi thường hay thức dậy sớm. Khi có một giấc ngủ ngon, thức dậy sớm ta thấy tinh thần khoẻ lắm. Tôi sẽ pha một bình trà nóng. Tôi bỏ trà vô bình, chế nước sôi và để cho bình trà ngồi yên.
Ngồi yên trong giây phút
Hương thơm đã ngạt ngào
Một mình khi sương sớm
Độc bình lúc trăng sao.
Bài thơ thật dễ thương phải không em? Của bạn tôi đó. Bạn tôi uống trà một mình vào những đêm trăng. Tôi cũng uống trà một mình, vào buổi sáng. Mỗi buổi sáng, thức dậy tôi luôn thấy mình trẻ lại. Tôi sẽ ngồi thật yên để nghe một ngày đang đi tới. Lắng nghe. Tôi không dùng tới cái đầu, mà dùng trái tim của mình để lắng nghe. Ai cũng biết lắng nghe hết. Vậy mà đâu có mấy ai còn dùng tới trái tim của mình.
Một ngày mới sẽ đến. Chậm thôi. Và tôi hát:
Vào ngày mới
Lòng thênh thang
Chân bước tới
Không vội vàng (...)
Một ngày mới luôn làm cho ta trẻ lại. Chúng ta không bao giờ già. Tôi trẻ lại và em cũng vậy. Mỗi buổi sáng, chúng ta đều trở thành những em bé sơ sinh. Tự thân buổi sáng cũng là một em bé.
Vậy mà tôi biết rất nhiều người sợ già. Có người còn tin rằng chúng ta sinh ra, và chỉ sống trên thế gian này bảy, tám mươi năm thôi. Trong thời gian ngắn ngủi đó, chúng ta già nua và chết đi. Em nghe có dễ sợ không? Già nua và chết đi. Hai con ma này ám ảnh nhiều người lắm. Con ma đầu họ “Lão”. Con ma thứ hai họ “Tử”. Tôi biết chúng nó chứ sao không. Nghịch phá số một và hay làm người ta sợ hãi. Thật là hết chỗ nói.
Ngày xưa, có một người dạy phương pháp diệt trừ hai con ma. Nhưng mà nếu biết lắng nghe bằng trái tim, ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta không bao giờ già nua cả. Không già nua và cũng không chết đi. Ngày nào, tôi cũng trẻ lại. Tôi được sinh ra trở lại. Có ai không được sinh ra trở lại vào buổi sáng đâu?
Ngày nào, em cũng được sinh ra trở lại. Và hôm nay chính tai tôi nghe em tập đọc. Tại sao em biết tiếng Hoà Lan vậy? Tôi hả? Tôi lớn lên ở Hoà Lan. Tôi đã đạp xe đến trường vào những mùa đông buốt giá. Hai tay tôi đỏ lên vì lạnh cóng. Tôi vừa học tiếng Hoà Lan, vừa học tiếng Việt. Có khi tôi không biết mình suy nghĩ trong ngôn ngữ nào. Và cũng có khi tôi không biết mình đang nghe thứ tiếng gì.
À, tôi nhớ ra rồi. Hồi mới đến Hoà Lan như là một đứa bé, tôi lập tức hiểu cô giáo người Hoà Lan. Tôi không cần học chữ nào cũng hiểu được cô. Còn người lớn, họ phải học lâu lắm mới hiểu tiếng Hoà Lan nổi. Sau này gặp lại cô giáo, tôi đã hỏi: “Em đã hiểu cô mà không cần biết tiếng Hoà Lan. Tại sao vậy? Cô dạy tiếng Hoà Lan cho rất nhiều trẻ em ngoại quốc. Có ai nói cho cô biết điều này hay không?” Cô giáo trả lời: “Trẻ em có khả năng lắng nghe. Chúng không nghe bằng những ý niệm trong đầu, cho nên cũng không cần đến ngôn ngữ.”
Phải rồi, lúc đó tôi đã nghe bằng trái tim. Khi nghe bằng trái tim, ta không cần đến ngôn ngữ. Tôi đã lắng nghe sự sống. Tôi đã biết lắng nghe em. Nơi sự sống, tôi thấy mọi người và mọi loài đang đổi mới trong từng giây từng phút. Và mỗi ngày, tôi trẻ lại.
Pháp, 10-2007
8/12/08
7/12/08
Cái sân vuông và nơi thờ Phật
Lữ
Cái sân vuông và nơi thờ Phật
Tặng nhà văn Hoàng Ngọc Thư
Nhà tôi có ba tầng. Tầng cao nhất được dành riêng để thờ Phật. Đó là một nơi chốn trang nghiêm. Hồi còn nhỏ, mỗi buổi sáng tôi theo mẹ lên lầu thượng, quì trước bàn thờ Phật, kính cẩn chắp tay nghe mẹ tôi tụng kinh. Nếu bạn hỏi tôi có biết là mình đang làm gì không, thì tôi buộc lòng phải trả lời là “không”. Tôi không biết Phật là ai, và những câu mẹ tôi đang đọc mang ý nghĩa gì. Tôi chỉ biết quì bên mẹ, và đó chính là niềm hạnh phúc của tôi.
Trên lầu thượng có một cái sân vuông, lộ thiên. Ban ngày, tôi thường lên đó chơi. Cái sân vuông là thế giới mầu nhiệm của tuổi thơ tôi. Ở đó, tôi chơi một mình. Đồ chơi của tôi là một cái hộp giấy với vài trăm cái nút chai đủ màu sắc khác nhau. Với óc tưởng tượng của tôi, mỗi cái nút chai có thể trở thành một con người. Tôi sáng tạo ra hàng trăm con người khác nhau. Và tôi nhớ rõ từng người một. Tôi cho họ gặp nhau, nói chuyện, giận hờn, đuổi bắt, rồi thương yêu nhau.
Khi nào chơi thoả thuê rồi, tôi vào bên trong nhà, đi quanh quẩn quanh bàn thờ Phật. Không hiểu sao, tôi chưa bao giờ dám mời những nhân vật nút chai của tôi vào trong, đùa chơi trước cái bàn thờ Phật. Những nhân vật của tôi tha hồ chơi bên ngoài. Còn bên trong này là nơi tôi quì bên mẹ, cung kính, hướng lên pho tượng trang nghiêm, lặng lẽ. Trong tâm thức của một đứa bé, tôi đã phân biệt rạch ròi cái sân vuông, và khu thờ Phật ở trên lầu thượng. Ngồi trước bàn thờ Phật, tôi luôn luôn là một đứa bé ngoan ngoãn. Bước ra ngoài cái sân vuông, tôi sáng tạo hẳn một thế giới cho mình.
Với người khác, nhìn vào, thì cái sân vuông trống rỗng. Với tôi, thì không cái gì mà không có mặt ở trong cái sân vuông đó. Cái sân vuông là một thế giới. Nó phong phú, kỳ diệu không thua gì thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống bây giờ. Nó cũng có vua, có quan, có giàu, có nghèo, có thương, có ghét, có núi, có sông, có hơn, có thua… Và nhiều khi các nhiều nhân vật nút chai của tôi bị stress; họ sợ hãi, hốt hoảng, đau khổ, tủi thân, chán nản… Tôi tự hỏi, tại sao tôi không cho những nhân vật của tôi sống với nhiều hạnh phúc hơn? Trên cái sân vuông đó, tôi có uy quyền của Tạo Hoá. Tôi đã không cho những nhân vật của tôi sống hài hoà với nhau hơn. Tại sao? Câu trả lời thật đơn giản: lúc ấy tôi chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Rồi tôi gặp cái sân vuông trở lại. Lớn lên, tôi nhận ra cuộc đời cũng là một cái sân vuông. Tôi lại tiếp tục sáng tạo những nhân vật trong cuộc đời bằng tâm thức của mình. Mỗi chúng ta, đều có một cái quyền sáng tạo. Chúng ta có quyền ban phát cho những con người chung quanh chúng ta khổ đau hay hạnh phúc. Và ta tiếp tục gây ra khổ đau cho những người trong thế giới quanh ta. Ta nói những câu đáng lẽ không nên nói. Ta làm những điều đúng ra không nên làm, vì những lời nói, việc làm đó tạo ra khổ đau. Ta tạo ra khổ đau. Tại sao? Tại vì chúng ta chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Khi khổ đau, ta trách Tạo Hoá. Ta không biết ta cũng đang sáng tạo. Sự tạo tác của ta làm ra thế giới chúng ta đang sống. Ta tạo tác nhiều lắm. Và tôi nghĩ, tại sao chúng ta không tạo tác thêm nhiều hạnh phúc ở trong thế giới này? Tôi muốn cho đứa bé ngày xưa lớn lên chút nữa. Đứa bé sẽ không còn thích thú khi thấy những nhân vật nút chai của mình làm khổ nhau bằng những lời nói cay độc. Lớn lên là gì? Khi nào một con người thật sự lớn lên? Với tôi, con người chỉ trưởng thành khi nào biết ra giá trị của hạnh phúc. Nếu không, chúng ta vẫn còn bé thơ hoài. Như những đứa trẻ, chúng ta thường khổ đau vì những chuyện rất nhỏ.
Nhiều khi, tôi bắt gặp mình quì bên mẹ, ngước mặt nhìn lên bàn thờ đặt trên lầu thượng. Mẹ tôi mất đã lâu rồi, nhưng sự ấm áp được quì bên cạnh và nghe tiếng mẹ tụng kinh vẫn còn đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được trong kinh Phật nói những gì. Nhưng mà tôi không ganh tị với những con người thông thái, có khả năng giải nghĩa lời Phật dạy thật trôi chảy. Với tôi, đến với Phật có nghĩa là đến với mẹ. Trái tim tôi trong sáng, hạnh phúc. Tôi nghe tiếng mẹ hoà trong nhịp mõ đều đặn.
Những khi mẹ tôi bệnh, dì tôi thường dạy tôi lên bàn thờ xin đức Phật phù hộ độ trì cho mẹ tôi mau khỏi. Trái tim bé thơ của tôi tràn ngập tình thương. Tôi chắp hai tay lại, ngước mặt nhìn đức Phật hiền từ, mà cầu mong sự che chở. Cái nơi chốn ngọt ngào, đầy sự dịu dàng, thương yêu đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở về. Khi rời khỏi cái sân vuông của cuộc sống, ta lại đến trước bàn thờ Phật của mình, để mà thấy được gần gũi với những người ta thương.
Rồi ta lại bước ra cái sân vuông. Cái sân trống rỗng. Thỉnh thoảng, tôi lại hỏi rằng những nhân vật của sân vuông tôi có đủ hạnh phúc hay không? Và tôi cũng bắt đầu tự hỏi mình: “Còn ta nữa. Ta có biết là mình đang được chơi thật thú vị trên cái sân vuông trống không này không?” Được chơi là một hạnh phúc lớn. Trong cuộc sống, biết bao nhiêu người để cho mình bị lôi theo những gì xảy ra chung quanh mình, mà quên mất cuộc chơi của mình.
Bây giờ, trên trang giấy trắng này, tôi lại bắt gặp cái sân vuông ngày xưa. Trang giấy cũng là sân vuông. Tôi lại nắm cái quyền sáng tạo. Thật may thay, trên trang giấy trắng, cái sân vuông trống này, tôi đã biết học tạo dựng hạnh phúc. Tôi muốn tạo dựng hạnh phúc trên cái sân vuông. Và tôi muốn luôn luôn có thể trở về với nơi thờ Phật trang nghiêm, nơi tôi đã từng quì bên mẹ, ngây thơ và trong sáng.
Hoà Lan, 18-5-2008
Cái sân vuông và nơi thờ Phật
Tặng nhà văn Hoàng Ngọc Thư
Nhà tôi có ba tầng. Tầng cao nhất được dành riêng để thờ Phật. Đó là một nơi chốn trang nghiêm. Hồi còn nhỏ, mỗi buổi sáng tôi theo mẹ lên lầu thượng, quì trước bàn thờ Phật, kính cẩn chắp tay nghe mẹ tôi tụng kinh. Nếu bạn hỏi tôi có biết là mình đang làm gì không, thì tôi buộc lòng phải trả lời là “không”. Tôi không biết Phật là ai, và những câu mẹ tôi đang đọc mang ý nghĩa gì. Tôi chỉ biết quì bên mẹ, và đó chính là niềm hạnh phúc của tôi.
Trên lầu thượng có một cái sân vuông, lộ thiên. Ban ngày, tôi thường lên đó chơi. Cái sân vuông là thế giới mầu nhiệm của tuổi thơ tôi. Ở đó, tôi chơi một mình. Đồ chơi của tôi là một cái hộp giấy với vài trăm cái nút chai đủ màu sắc khác nhau. Với óc tưởng tượng của tôi, mỗi cái nút chai có thể trở thành một con người. Tôi sáng tạo ra hàng trăm con người khác nhau. Và tôi nhớ rõ từng người một. Tôi cho họ gặp nhau, nói chuyện, giận hờn, đuổi bắt, rồi thương yêu nhau.
Khi nào chơi thoả thuê rồi, tôi vào bên trong nhà, đi quanh quẩn quanh bàn thờ Phật. Không hiểu sao, tôi chưa bao giờ dám mời những nhân vật nút chai của tôi vào trong, đùa chơi trước cái bàn thờ Phật. Những nhân vật của tôi tha hồ chơi bên ngoài. Còn bên trong này là nơi tôi quì bên mẹ, cung kính, hướng lên pho tượng trang nghiêm, lặng lẽ. Trong tâm thức của một đứa bé, tôi đã phân biệt rạch ròi cái sân vuông, và khu thờ Phật ở trên lầu thượng. Ngồi trước bàn thờ Phật, tôi luôn luôn là một đứa bé ngoan ngoãn. Bước ra ngoài cái sân vuông, tôi sáng tạo hẳn một thế giới cho mình.
Với người khác, nhìn vào, thì cái sân vuông trống rỗng. Với tôi, thì không cái gì mà không có mặt ở trong cái sân vuông đó. Cái sân vuông là một thế giới. Nó phong phú, kỳ diệu không thua gì thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống bây giờ. Nó cũng có vua, có quan, có giàu, có nghèo, có thương, có ghét, có núi, có sông, có hơn, có thua… Và nhiều khi các nhiều nhân vật nút chai của tôi bị stress; họ sợ hãi, hốt hoảng, đau khổ, tủi thân, chán nản… Tôi tự hỏi, tại sao tôi không cho những nhân vật của tôi sống với nhiều hạnh phúc hơn? Trên cái sân vuông đó, tôi có uy quyền của Tạo Hoá. Tôi đã không cho những nhân vật của tôi sống hài hoà với nhau hơn. Tại sao? Câu trả lời thật đơn giản: lúc ấy tôi chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Rồi tôi gặp cái sân vuông trở lại. Lớn lên, tôi nhận ra cuộc đời cũng là một cái sân vuông. Tôi lại tiếp tục sáng tạo những nhân vật trong cuộc đời bằng tâm thức của mình. Mỗi chúng ta, đều có một cái quyền sáng tạo. Chúng ta có quyền ban phát cho những con người chung quanh chúng ta khổ đau hay hạnh phúc. Và ta tiếp tục gây ra khổ đau cho những người trong thế giới quanh ta. Ta nói những câu đáng lẽ không nên nói. Ta làm những điều đúng ra không nên làm, vì những lời nói, việc làm đó tạo ra khổ đau. Ta tạo ra khổ đau. Tại sao? Tại vì chúng ta chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Khi khổ đau, ta trách Tạo Hoá. Ta không biết ta cũng đang sáng tạo. Sự tạo tác của ta làm ra thế giới chúng ta đang sống. Ta tạo tác nhiều lắm. Và tôi nghĩ, tại sao chúng ta không tạo tác thêm nhiều hạnh phúc ở trong thế giới này? Tôi muốn cho đứa bé ngày xưa lớn lên chút nữa. Đứa bé sẽ không còn thích thú khi thấy những nhân vật nút chai của mình làm khổ nhau bằng những lời nói cay độc. Lớn lên là gì? Khi nào một con người thật sự lớn lên? Với tôi, con người chỉ trưởng thành khi nào biết ra giá trị của hạnh phúc. Nếu không, chúng ta vẫn còn bé thơ hoài. Như những đứa trẻ, chúng ta thường khổ đau vì những chuyện rất nhỏ.
Nhiều khi, tôi bắt gặp mình quì bên mẹ, ngước mặt nhìn lên bàn thờ đặt trên lầu thượng. Mẹ tôi mất đã lâu rồi, nhưng sự ấm áp được quì bên cạnh và nghe tiếng mẹ tụng kinh vẫn còn đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được trong kinh Phật nói những gì. Nhưng mà tôi không ganh tị với những con người thông thái, có khả năng giải nghĩa lời Phật dạy thật trôi chảy. Với tôi, đến với Phật có nghĩa là đến với mẹ. Trái tim tôi trong sáng, hạnh phúc. Tôi nghe tiếng mẹ hoà trong nhịp mõ đều đặn.
Những khi mẹ tôi bệnh, dì tôi thường dạy tôi lên bàn thờ xin đức Phật phù hộ độ trì cho mẹ tôi mau khỏi. Trái tim bé thơ của tôi tràn ngập tình thương. Tôi chắp hai tay lại, ngước mặt nhìn đức Phật hiền từ, mà cầu mong sự che chở. Cái nơi chốn ngọt ngào, đầy sự dịu dàng, thương yêu đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở về. Khi rời khỏi cái sân vuông của cuộc sống, ta lại đến trước bàn thờ Phật của mình, để mà thấy được gần gũi với những người ta thương.
Rồi ta lại bước ra cái sân vuông. Cái sân trống rỗng. Thỉnh thoảng, tôi lại hỏi rằng những nhân vật của sân vuông tôi có đủ hạnh phúc hay không? Và tôi cũng bắt đầu tự hỏi mình: “Còn ta nữa. Ta có biết là mình đang được chơi thật thú vị trên cái sân vuông trống không này không?” Được chơi là một hạnh phúc lớn. Trong cuộc sống, biết bao nhiêu người để cho mình bị lôi theo những gì xảy ra chung quanh mình, mà quên mất cuộc chơi của mình.
Bây giờ, trên trang giấy trắng này, tôi lại bắt gặp cái sân vuông ngày xưa. Trang giấy cũng là sân vuông. Tôi lại nắm cái quyền sáng tạo. Thật may thay, trên trang giấy trắng, cái sân vuông trống này, tôi đã biết học tạo dựng hạnh phúc. Tôi muốn tạo dựng hạnh phúc trên cái sân vuông. Và tôi muốn luôn luôn có thể trở về với nơi thờ Phật trang nghiêm, nơi tôi đã từng quì bên mẹ, ngây thơ và trong sáng.
Hoà Lan, 18-5-2008
Lữ : Khi ngài giảng về sự thật
Lữ
Khi ngài giảng về sự thật
KHI NGÀI GIẢNG VỀ SỰ THẬT
I.
Đức Thế Tôn nói: “Có một sự thật mầu nhiệm. Sự thật ấy chính là hạnh phúc. Ta gọi nó là lạc đế.” Vừa nghe đến đó thì các thầy nhao nhao phản đối: “Không, khổ đế mới là sự thật. Cuộc đời chứa đầy khổ đau.”
Đức Thế Tôn im lặng. Một hồi sau ngài mới nói tiếp: “Vâng, khổ đau là một sự thật. Chúng ta cần phải thực tập nhận diện khổ đau. Mọi khổ đau đều có nguyên nhân của nó. Và nguyên nhân của khổ đau là gì? Là thói quen nhận thức của chúng ta.” Các thầy lại lên tiếng: “Tập đế. Nguyên nhân của khổ đau là tập đế.”
II.
Sau bài pháp thoại, các thầy hoan hỷ hành trì theo lời đức Thế Tôn chỉ dạy. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của các thầy. Phải rồi, niềm tin có khả năng mang niềm vui đến cho con người. Các thầy thấy mình may mắn, có một người thầy thật giỏi, thuyết pháp thật hay.
Nhưng đức Thế Tôn lại mang một tâm trạng khác thường. Các thầy có vẻ thuộc lòng những bài pháp mà đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng. Đây không phải là một tin mừng. Ngài nghĩ: “Phải chi họ quên bớt những điều ta đã từng giảng dạy thì hay biết mấy. Ngày hôm nay, ta muốn giảng về lạc đế, nhưng các thầy lại tưởng rằng ta nhớ lầm. Các thầy chỉ muốn ta giảng về khổ đế mà thôi. Tiếc thật!”
Từ đàng xa, đức Thế Tôn thấy đại đức A Nan đang trùng tuyên lại những điều ngài vừa thuyết giảng. Đức Thế Tôn than thở: “A Nan, A Nan. Sự thông minh, nhớ dai của thầy đang hại ta đó thầy biết không. Ôi cái trí nhớ, cái trí nhớ của con người. Chúng ta không biết quên. Phải chi các thầy quên được những gì ta đã từng hướng dẫn. Sự sống bao la, lớn rộng vô cùng. Bám vào lời pháp của ta, các thầy có thể đánh mất sự sống. Ta muốn giảng cho các thầy nghe sự mầu nhiệm của giáo lý lạc đế. Nhưng các thầy không còn không gian ở trong lòng để mà tiếp nhận cái mới nữa. Làm mới chính mình khó khăn thay. Mà làm mới hàng môn đệ của mình lại càng khó khăn hơn nữa.”
III.
Một hôm, thầy A Nan hỏi đức Thế Tôn: “Bạch đức Thiện Thệ, xin ngài hãy giảng cho chúng con nghe thêm về giới. Sau khi đức Thế Tôn nhập niết bàn rồi, thì chúng con cần phải để tâm hành trì những giới nào để cho thân tâm mình được thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn im lặng như đang suy nghĩ thật sâu về câu hỏi của thầy A Nan. Cuối cùng, ngài nói: “Chúng ta chỉ nên giữ lại những giới điều thật căn bản thôi A Nan. Các thầy phải nhớ trên hai trăm giới là nhiều quá.”
Câu nói của đức Thế Tôn làm cho thầy A Nan giật mình. Thầy có cảm tưởng như thầy vừa nghe lầm. Thầy hỏi lại: “Bạch đức Thiện Thệ, bạch đức Thiên Nhân Sư, có phải ngài vừa dạy chúng con phải thiết lập thêm giới để cho thân tâm thường thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn hiểu ý thầy A Nan, nên lắc đầu nói: “Không, ta bảo các thầy phải bỏ bớt cho thân tâm được thanh tịnh.” Thầy A Nan hoang mang: “Làm sao bỏ bớt được những giới điều mình đã thiết lập? Tất cả những giới mà đức Thế Tôn dạy con hành trì đều chứa những chân lý thật mầu nhiệm. Con không thấy mình có thể bỏ bớt đi một giới nào cả. Xin đức Thiện Thệ hãy nói lại cho con hiểu rõ là chúng ta phải thiết lập thêm những giới nào? Chúng con còn có nhiều khiếm khuyết lắm. Chúng con cần hành trì giới thật là miên mật.”
Đức Thế Tôn cười. Ngài cười thật tươi như vừa khám phá một điều gì thật vui ở trong lòng. Ngài nói: “Ta có bảo là thầy không cần hành trì giới luật cho thật miên mật đâu. Thầy tu sao mà có hạnh phúc là được. Bởi vì lạc đế là một sự thật mầu nhiệm.”
Thầy A Nan lẩm bẩm: “Lạc đế? Rõ ràng sự thật thứ nhất là khổ đế. Đức Thế Tôn lớn tuổi rồi. Trí nhớ đã bắt đầu bỏ rơi ngài. Ta phải tận tâm dùng tuổi trẻ, trí nhớ của mình mà giúp đức Thế Tôn.” Nghĩ vậy, thầy lễ phép thưa: “Bạch đức Thế Tôn, bạch đức Thiện Thệ, sự thật thứ nhất là khổ đế.”
Đức Thế Tôn nghe vậy thì chán nản, lắc đầu nói: “Làm gì có sự thật, A Nan. Không có sự thật đâu. Sự thật nó nằm ở đâu thầy biết không? Sự thật chỉ có mặt ở trong sự sống mà thôi. Cái sự thật đó, nó mới hoài.”
IV.
Ngày hôm đó, trong bài giảng, đức Thế Tôn cố tình không nhắc tới dấu ấn khổ đau. Các thầy nghe bài giảng mà cảm thấy như thiếu thốn một cái gì. Rồi bài thuyết pháp kế tiếp cũng vậy. Và cuối cùng, vào một ngày đẹp trời, đức Thế Tôn giảng về giáo lý tam pháp ấn, ngài nói: “Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và niết bàn…” Đến đây thì các thầy không còn kiên nhẫn nữa, nhiều người nói lớn: “Không, tam pháp ấn, ba dấu ấn mầu nhiệm của giáo lý do đức Thế Tôn tuyên thuyết là khổ, vô thường và vô ngã. Xin đức Thế Tôn giảng cho chúng con nghe về khổ đau.”
Đức Thế Tôn từ tốn nói: “Ta giảng về khổ đau là để cho các thầy tiếp xúc được với sự vắng mặt của khổ đau. Sự thật thứ ba mà ta thường giảng là diệt đế, tức là khổ diệt đế, sự vắng mặt của khổ đau. Dấu ấn khổ đau là để cho ta tiếp xúc, trân quí sự sống mầu nhiệm đang có mặt. Sự thật mầu nhiệm đó là lạc đế. Nếu cho ta bắt đầu lại sự nghiệp của mình, ta sẽ giảng sự thật thứ nhất là lạc đế. Nhưng ta biết là tất cả đã trở nên muộn màng. Vâng, ngày hôm nay ta sẽ giảng cho quí thầy nghe về khổ đau ...”
Đó là một buổi giảng thật tuyệt vời. Đức Thế Tôn giảng về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Người ta kể lại là trong những hơi thở cuối cùng, đức Thế Tôn cũng giảng về tứ diệu đế là khổ, tập, diệt và đạo. Vậy mà đọc lại những kinh điển được giảng trong thời gian trước khi ngài nhập niết bàn chừng mười năm, người ta vẫn còn thấy rõ nỗ lực làm cuộc cách mạng giáo lý của ngài. Nhất là trong kinh An Ban Thủ Ý, ta còn thấy rõ sự cố tình làm lơ, không nói đến dấu ấn khổ đau, mà còn nhiều lần nhắc đến sự có mặt của hạnh phúc ở ngay trong thân, tâm và trong sự sống chung quanh ta.
Pháp, 11-11-2008
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
Khi ngài giảng về sự thật
KHI NGÀI GIẢNG VỀ SỰ THẬT
I.
Đức Thế Tôn nói: “Có một sự thật mầu nhiệm. Sự thật ấy chính là hạnh phúc. Ta gọi nó là lạc đế.” Vừa nghe đến đó thì các thầy nhao nhao phản đối: “Không, khổ đế mới là sự thật. Cuộc đời chứa đầy khổ đau.”
Đức Thế Tôn im lặng. Một hồi sau ngài mới nói tiếp: “Vâng, khổ đau là một sự thật. Chúng ta cần phải thực tập nhận diện khổ đau. Mọi khổ đau đều có nguyên nhân của nó. Và nguyên nhân của khổ đau là gì? Là thói quen nhận thức của chúng ta.” Các thầy lại lên tiếng: “Tập đế. Nguyên nhân của khổ đau là tập đế.”
II.
Sau bài pháp thoại, các thầy hoan hỷ hành trì theo lời đức Thế Tôn chỉ dạy. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của các thầy. Phải rồi, niềm tin có khả năng mang niềm vui đến cho con người. Các thầy thấy mình may mắn, có một người thầy thật giỏi, thuyết pháp thật hay.
Nhưng đức Thế Tôn lại mang một tâm trạng khác thường. Các thầy có vẻ thuộc lòng những bài pháp mà đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng. Đây không phải là một tin mừng. Ngài nghĩ: “Phải chi họ quên bớt những điều ta đã từng giảng dạy thì hay biết mấy. Ngày hôm nay, ta muốn giảng về lạc đế, nhưng các thầy lại tưởng rằng ta nhớ lầm. Các thầy chỉ muốn ta giảng về khổ đế mà thôi. Tiếc thật!”
Từ đàng xa, đức Thế Tôn thấy đại đức A Nan đang trùng tuyên lại những điều ngài vừa thuyết giảng. Đức Thế Tôn than thở: “A Nan, A Nan. Sự thông minh, nhớ dai của thầy đang hại ta đó thầy biết không. Ôi cái trí nhớ, cái trí nhớ của con người. Chúng ta không biết quên. Phải chi các thầy quên được những gì ta đã từng hướng dẫn. Sự sống bao la, lớn rộng vô cùng. Bám vào lời pháp của ta, các thầy có thể đánh mất sự sống. Ta muốn giảng cho các thầy nghe sự mầu nhiệm của giáo lý lạc đế. Nhưng các thầy không còn không gian ở trong lòng để mà tiếp nhận cái mới nữa. Làm mới chính mình khó khăn thay. Mà làm mới hàng môn đệ của mình lại càng khó khăn hơn nữa.”
III.
Một hôm, thầy A Nan hỏi đức Thế Tôn: “Bạch đức Thiện Thệ, xin ngài hãy giảng cho chúng con nghe thêm về giới. Sau khi đức Thế Tôn nhập niết bàn rồi, thì chúng con cần phải để tâm hành trì những giới nào để cho thân tâm mình được thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn im lặng như đang suy nghĩ thật sâu về câu hỏi của thầy A Nan. Cuối cùng, ngài nói: “Chúng ta chỉ nên giữ lại những giới điều thật căn bản thôi A Nan. Các thầy phải nhớ trên hai trăm giới là nhiều quá.”
Câu nói của đức Thế Tôn làm cho thầy A Nan giật mình. Thầy có cảm tưởng như thầy vừa nghe lầm. Thầy hỏi lại: “Bạch đức Thiện Thệ, bạch đức Thiên Nhân Sư, có phải ngài vừa dạy chúng con phải thiết lập thêm giới để cho thân tâm thường thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn hiểu ý thầy A Nan, nên lắc đầu nói: “Không, ta bảo các thầy phải bỏ bớt cho thân tâm được thanh tịnh.” Thầy A Nan hoang mang: “Làm sao bỏ bớt được những giới điều mình đã thiết lập? Tất cả những giới mà đức Thế Tôn dạy con hành trì đều chứa những chân lý thật mầu nhiệm. Con không thấy mình có thể bỏ bớt đi một giới nào cả. Xin đức Thiện Thệ hãy nói lại cho con hiểu rõ là chúng ta phải thiết lập thêm những giới nào? Chúng con còn có nhiều khiếm khuyết lắm. Chúng con cần hành trì giới thật là miên mật.”
Đức Thế Tôn cười. Ngài cười thật tươi như vừa khám phá một điều gì thật vui ở trong lòng. Ngài nói: “Ta có bảo là thầy không cần hành trì giới luật cho thật miên mật đâu. Thầy tu sao mà có hạnh phúc là được. Bởi vì lạc đế là một sự thật mầu nhiệm.”
Thầy A Nan lẩm bẩm: “Lạc đế? Rõ ràng sự thật thứ nhất là khổ đế. Đức Thế Tôn lớn tuổi rồi. Trí nhớ đã bắt đầu bỏ rơi ngài. Ta phải tận tâm dùng tuổi trẻ, trí nhớ của mình mà giúp đức Thế Tôn.” Nghĩ vậy, thầy lễ phép thưa: “Bạch đức Thế Tôn, bạch đức Thiện Thệ, sự thật thứ nhất là khổ đế.”
Đức Thế Tôn nghe vậy thì chán nản, lắc đầu nói: “Làm gì có sự thật, A Nan. Không có sự thật đâu. Sự thật nó nằm ở đâu thầy biết không? Sự thật chỉ có mặt ở trong sự sống mà thôi. Cái sự thật đó, nó mới hoài.”
IV.
Ngày hôm đó, trong bài giảng, đức Thế Tôn cố tình không nhắc tới dấu ấn khổ đau. Các thầy nghe bài giảng mà cảm thấy như thiếu thốn một cái gì. Rồi bài thuyết pháp kế tiếp cũng vậy. Và cuối cùng, vào một ngày đẹp trời, đức Thế Tôn giảng về giáo lý tam pháp ấn, ngài nói: “Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và niết bàn…” Đến đây thì các thầy không còn kiên nhẫn nữa, nhiều người nói lớn: “Không, tam pháp ấn, ba dấu ấn mầu nhiệm của giáo lý do đức Thế Tôn tuyên thuyết là khổ, vô thường và vô ngã. Xin đức Thế Tôn giảng cho chúng con nghe về khổ đau.”
Đức Thế Tôn từ tốn nói: “Ta giảng về khổ đau là để cho các thầy tiếp xúc được với sự vắng mặt của khổ đau. Sự thật thứ ba mà ta thường giảng là diệt đế, tức là khổ diệt đế, sự vắng mặt của khổ đau. Dấu ấn khổ đau là để cho ta tiếp xúc, trân quí sự sống mầu nhiệm đang có mặt. Sự thật mầu nhiệm đó là lạc đế. Nếu cho ta bắt đầu lại sự nghiệp của mình, ta sẽ giảng sự thật thứ nhất là lạc đế. Nhưng ta biết là tất cả đã trở nên muộn màng. Vâng, ngày hôm nay ta sẽ giảng cho quí thầy nghe về khổ đau ...”
Đó là một buổi giảng thật tuyệt vời. Đức Thế Tôn giảng về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Người ta kể lại là trong những hơi thở cuối cùng, đức Thế Tôn cũng giảng về tứ diệu đế là khổ, tập, diệt và đạo. Vậy mà đọc lại những kinh điển được giảng trong thời gian trước khi ngài nhập niết bàn chừng mười năm, người ta vẫn còn thấy rõ nỗ lực làm cuộc cách mạng giáo lý của ngài. Nhất là trong kinh An Ban Thủ Ý, ta còn thấy rõ sự cố tình làm lơ, không nói đến dấu ấn khổ đau, mà còn nhiều lần nhắc đến sự có mặt của hạnh phúc ở ngay trong thân, tâm và trong sự sống chung quanh ta.
Pháp, 11-11-2008
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)