29/3/09

ĐOÀN VỊ THƯỢNG : Hai “cái tôi” của Trịnh Công Sơn

Hai “cái tôi” của Trịnh Công Sơn
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng” là một cách nói lạ, vì ngoài Trịnh Công Sơn, trước đây hầu như trong ngôn ngữ văn học nói chung, ca từ nói riêng, chưa có ai tự kêu “tôi” như thế

Cũng như bao “cách nói” khác của nhạc sĩ, người ta dễ dàng chấp nhận câu hát đó vì sức thuyết phục một cách linh mẫn trong ngôn ngữ riêng của ông, như nó đã luôn làm được như thế. Nhiều nhà thơ sau đó cũng hay “gọi tôi” trong các câu thơ của mình, coi đó thuần túy chỉ như một lối xưng hô, như khi ta cất tiếng gọi một ai đó vậy thôi.



Nhưng, Trịnh Công Sơn không phải là kẻ lập dị trong ca từ, thực ra, trong tâm thức của ông luôn có một “cái tôi” hằng hữu khác nhìn ngó “cái tôi” hiện thực đang sống. Và khi ông gọi “tôi” chính là cái tôi kia đang gọi cái tôi này, giống như một người đang gọi một người, ta đang gọi một kẻ khác.



Đi tìm “cái tôi” bất biến



Trong triết học Ấn Độ có một khái niệm về đại ngã, trong Phật học có một khái niệm về chân thân hay bản lai diện mục. Với âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã một mình tự làm một triết học, tôn giáo học cho riêng mình. Tiếng gọi tôi của ông luôn là một cuộc hoài hương tha thiết đêm ngày hòng tìm lại cái tôi đó giữa “cõi tạm” trần gian mà ông đang sống. Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài một hôm thấy được đời tôi (Tự tình khúc).



Một lần bóng núi in bên sông dài một lần thấy bóng tôi (Một lần thoáng có). Ông là người, không phải là núi, nhưng thấy núi lại thấy mình, ấy là vì có một “cái tôi” khác của ông mang bản thể núi - vững vàng hơn vô lượng lần cái thân thể lau sậy mình đang có - chân như bất động trước những làn gió rối của thời đại. Nhưng nói “thấy được đời tôi” chỉ là một cách tự khuyến khích mình, nhủ mình rằng “tôi ơi đừng tuyệt vọng” đó thôi, nó chỉ mới là một sự lần ra manh mối đường về chứ chưa “về” thật sự.



Nó vẫn còn là một giấc mơ xa vắng và ông vẫn còn lận đận lắm trong cuộc hồi hương mờ mịt cuối ngõ cuối trời này: Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận. Về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm giấc mơ. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi (Tiến thoái lưỡng nan). Không tìm thấy được cái tôi đó, mỗi ngày ông đều buồn bã thấy Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi. Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi (Xa dấu mặt trời) là vậy.



Có những lúc tuyệt vọng thật sự, ông cất tiếng than van: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. Còn bao lâu tôi xa anh xa em xa tôi? (Phúc âm buồn). Ta hiểu vì sao ông nói “xa anh xa em”, và rồi cả “xa tôi” nữa. Vì những “cái” anh, em và tôi kia đều cũng chỉ là một, là “cái tôi” hiện sinh phù du, còn ông, ông muốn trở về với “cái tôi” hằng hữu bất biến nào đó của mình kia.



Cái tôi đó có khi hiện thân là một Con mắt còn lại nhìn cái tôi phù trầm này một cách thương cảm: Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi. Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp. Con mắt còn lại là con mắt ai. Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài.
Chân dungTrịnh Công Sơn. Tranh:Trần Như Hiển

Những tiếng thở dài như thế có giá trị như một lời an ủi, một sự khuyến khích, động viên mà chỉ có Trịnh Công Sơn mới nghe ra (chữ ông hay dùng, như một bí nhiệm) để tiếp tục lên đường tìm về cố quận, dù dâu bể thời gian và cuộc đời có như bão tố điên cuồng phá hủy thân xác lau sậy mình: Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng. Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn. Tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố. Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ (Dã tràng ca). Quả thật, với một người đang riết róng tìm về với một tiếng gọi nào đó dành cho riêng mình, thời gian đi theo “nó” chỉ là những “gót chân hờ”mà thôi.



Và tiếng gọi riết róng kia chính là một cái tôi trên cao đang ra sức dìu dắt, nâng đỡ cái tôi dưới thấp đi xuyên qua mịt mùng thân phận người. Ở đây, một lần nữa, ta lại phải khen thiên tài sử dụng chữ nghĩa của ông! Và nói thêm, đã có nhiều thi sĩ cũng bắt chước ông gọi tên mình, nhưng là gọi cái tên hiện sinh (dễ đặt và dễ thay đổi) của họ thật, chứ không phải “cái tôi” này gọi “cái tôi” kia như của Trịnh: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ. Thanh Tâm Tuyền.



Nói cách khác, cái tôi trên cao ấy là một tên gọi khác của cội nguồn, nơi ông luôn muốn lần về. Vì vậy, đang khi sống, dù là giữa hội hè, ông vẫn luôn tự cảnh báo: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời. Những cái tôi là núi, là bóng cây, là mưa đó cơ chừng là miên viễn, là “lời thiên thu gọi”, là những hóa thân thăng hoa cho cái tôi lau sậy buồn, dễ và chóng tan rã.



Tan giữa hư không



Vào giờ ngọ một ngày đầu mùa hè 2001, Trịnh Công Sơn đã làm một cuộc chuyển di từ cái tôi này sang cái tôi kia thênh thang. Hệt như ông đã tiên lượng trước, cũng là hò hẹn trước bao lâu nay, trong những lời kinh tự khấn Ra đồng giữa ngọ, từ năm 1974: Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Miệng môi hồng đỏ như đóa hoa vông. Hoa vông mùa hè lập lòe thinh không. Hoa vông chào mừng mùa hè thênh thang (...) Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không. Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong. Tan trong cội nguồn. Một lần nữa, ta thấy, ông lại khấn nhắc về cái tôi là giọt mưa trong và tan trong cội nguồn. Ông đã về thực sự.



Nhưng còn cái tôi hiện sinh lau sậy vừa quá vãng kia, ông làm gì với “nó”? Thì ông lại lấy cái tôi vừa hóa thân “an ủi” lại nó: Xin ngủ trong vòng nôi. Ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây (Ru ta ngậm ngùi). Chỉ có người này mới ru được người kia, nhưng Trịnh Công Sơn, nhờ có hai cái tôi, đã ru được chính mình. Vòng nôi chính là cánh tay mẹ và mẹ ông vẫn đang tiếp tục “ru” thân xác ông - cái tôi mà bà đã sinh ra - trong nghĩa trang Gò Dưa, nơi ông nằm cạnh mẹ. Và cái vòm cây ông đang nằm dưới đó, nó cũng lại thu bóng cùng ông, hệt như đã hứa với nhau, trong câu hát ngày nào thuở sinh thời: Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi.

ĐOÀN VỊ THƯỢNG

* Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào VN

Nhiều dự án lớn trong ngành xây dựng: Đa số nhà thầu ngoại trúng thầu

* Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào VN

TT(Hà Nội)- Ngày 27-3, Tổng hội Xây dựng VN tổ chức buổi tọa đàm về kích cầu trong xây dựng. Thực trạng lớn nhất được đưa ra tại buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hóa VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc...

Chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - khẳng định các nhà thầu VN đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất... “Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được”...

Vừa đi cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người”. Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN - cho biết không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy ximăng, nhiều dự án nhà máy điện lớn ở VN đều đang được các nhà thầu Trung Quốc làm.

Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Huynh, là họ không thuê nhân công VN mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại. “Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào VN. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Tôi có thăm một nhà máy ximăng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toilet họ cũng không dùng hàng VN mà mua hàng Trung Quốc” - ông Huynh nói.

Ông Trần Hồng Mai - viện phó Viện Kinh tế xây dựng - góp thêm một thực trạng khi cho biết có thể các nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân Trung Quốc...

Cùng lo ngại như ông Trần Văn Huynh “nếu các công trình lớn đều vào các nhà thầu ngoại sẽ dần triệt tiêu nội lực”, nhiều chuyên gia đề nghị nên có chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Ông Huynh phân tích: “Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao chưa chắc đã là rẻ, không nên tư duy cứ giá thấp là trúng thầu”. Ông Trần Hồng Mai viện dẫn Luật đấu thầu đã quy định phải ưu tiên doanh nghiệp VN nhưng nhiều chủ đầu tư VN lại “quên” điều này. Ông Mai cho rằng Nhà nước cần có chính sách để “nhắc” các chủ đầu tư.

CẦM VĂN KÌNH

Copyright@2007 Tuổi Trẻ

Source : Báo Tuổi Trẻ

Wafa Sultan nói với thế giới Hồi giáo (1)

Wafa Sultan nói với thế giới Hồi giáo (1)

29/03/2009

Trần Ngọc Cư

Lời người dịch: Wafa Sultan là một trong những tiếng nói quyết liệt nhất, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới tại các nước Hồi giáo. Bà được Tạp chí Time của Mĩ bầu chọn năm 2006 là một trong 100 nhân vật làm thay đổi thế giới. Sultan sinh ra trong một gia đình theo giáo phái Sunni và được đào tạo để trở thành một bác sĩ tâm thần tại Syria trước khi sang Mĩ định cư vào năm 1989. Sau biến cố 11-9-2001, bà được thế giới chú ý nhờ những bài tham luận bằng tiếng Á rập về tình trạng nhân quyền ở Trung Đông và nhờ những lần xuất hiện trên các kênh truyền hình của Al Jazeera và CNN. Đoạn văn mà chúng tôi trích dịch sau đây lấy từ 6 phút video do Viện nghiên cứu Báo đài Trung đông MEMRI (Middle East Media Research Institute), một tổ chức của người Do Thái, phổ biến rộng rãi trên mạng và được hàng triệu người xem.

Phát biểu của Wafa Sultan, ngày 21-2-2006, trong cuộc tranh luận với Faisal al-Qassem, người chủ trì chương trình The Opposite Direction đài Al Jazeera, và giáo sĩ Ibrahim Al-Khouli:

Sultan: Cuộc xung đột chúng ta đang chứng kiến khắp thế giới ngày nay không phải là một cuộc xung đột giữa các tôn giáo hay giữa các nền văn minh. Nhưng đó là cuộc chạm trán giữa hai lực xung khắc, giữa hai thời đại. Đó là cuộc xung đột giữa một não trạng thuộc Thời Trung cỗ và một não trạng thuộc Thế kỷ 21. Đó là cuộc xung đột giữa văn minh và lạc hậu, giữa người văn minh và người mọi rợ, giữa tính man dã và sự hợp lí. Đó là cuộc xung đột giữa tự do và áp bức, giữa dân chủ và độc tài. Đó là cuộc xung đột giữa một bên là quyền làm người và bên kia là sự vi phạm quyền làm người. Đó là cuộc xung đột giữa những kẻ coi phụ nữ như súc vật và những kẻ coi phụ nữ như con người. Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay không phải là sự xung khắc giữa các nền văn minh. Các nền văn minh không đối đầu nhau, nhưng các nền văn minh thi đua nhau.



Faisal al-Qassem: Căn cứ vào điều bà vừa phát biểu, tôi hiểu là bà muốn nói rằng những gì đang xảy ra ngày nay chính là cuộc xung đột giữa văn hóa phương Tây và tính lạc hậu, mung muội của người Hồi giáo. Có phải bà muốn nói như vậy không?



Sultan: Vâng, đó chính là điều tôi muốn nói.

Faisal al-Qassem: Ai đã xướng xuất quan niệm rằng có sự xung đột giữa các nền văn minh? Phải chăng đó là quan niệm của Samuel Huntington? Nhất định không phải là của Bin Laden rồi. Tôi muốn tranh luận về đề tài này, nếu bà không ngại…

Sultan: Người Hồi giáo đã xướng xuất từ ngữ này. Người Hồi giáo đã khởi động cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Đấng Tiên tri của Hồi giáo đã nói: “Ta được lệnh trừng trị thế gian cho đến khi nào thế gian này chịu tin vào Allah và vị Ngôn sứ của Ngài”. Khi người Hồi giáo chia thế gian này thành phe Hồi giáo và phe phi-Hồi giáo, đồng thời hô hào trừng trị người khác cho đến khi họ chịu tin vào những điều chính người Hồi giáo tin tưởng, thì người Hổi giáo đã khởi động cuộc xung đột này và châm ngòi cho cuộc chiến này. Để chặn đứng cuộc chiến này, họ phải duyệt xét lại kinh điển và các chương trình giáo lí của đạo Hồi, trong đó đầy dẫy các lời kêu gọi trừng trị kẻ bỏ đạo và chống lại người ngoại đạo. Người đối thoại với tôi hôm nay [giáo sĩ Ibrahim Al-Khouli] nói rằng ông không bao giờ xúc phạm tín ngưỡng của người khác. Nhưng có nền văn minh nào trên mặt trái đất này lại cho phép ông gọi người khác bằng những danh xưng mà họ không lựa chọn cho mình? Khi thì ông gọi họ là Al-Dhimma, bọn ngụ cư ngoại đạo, khi thì ông gọi họ là “Người theo Kinh thánh”, nhưng cũng có khi ông gọi họ là khỉ, là heo, hoặc có khi ông gọi người Ki-tô-giáo là “những kẻ làm Allah phẫn nộ”. Ai nói với ông họ chỉ biết có một cuốn sách là Kinh thánh? Họ không chỉ biết một cuốn sách mà thôi, họ có nhiều loại sách khác nhau. Tất cả những tư liệu khoa học mà ông thừa hưởng hôm nay là của họ, là thành quả tư duy tự do và sáng tạo của họ. Ai cho ông cái quyền gọi họ là “những kẻ làm Allah phẫn nộ” hay “những kẻ lầm đường lạc lối”, rồi đến đây rêu rao rằng tôn giáo của ông không cho phép ông xúc phạm đến tín ngưỡng người khác? Tôi không theo Ki-tô-giáo, không theo Hồi giáo hay Do Thái giáo. Tôi chỉ là một con người thế tục. Tôi không tin vào cõi siêu nhiên, nhưng tôi tôn trọng quyền của những ai tin vào cõi ấy.

Ibrahim Al-Khouli: Có phải bà là kẻ dị giáo không?

Sultan: Ông muốn nói gì thì nói. Tôi là một người thế tục, tôi không tin vào các đấng siêu nhiên…

Ibrahim Al-Khouli: Nếu bà là quân dị giáo, thì có khiển trách bà về tội phỉ báng Hồi giáo, phỉ báng Đấng Tiên tri và Kinh thánh Cô-ran…cũng vô ích thôi.

Sultan: Dị giáo hay không, đây là vấn đề cá nhân, không mắc mớ gì đến ông. Này hỡi ông anh, ông có quyền tin vào những hòn đá, miễn là ông đừng cầm những hòn đá ấy mà chọi vào mặt tôi. Ông có quyền thờ lạy ai thì thờ lạy, nhưng đức tin của kẻ khác không mắc mớ gì đến ông, dù người ta có tin Chúa Ki-tô, con của bà Ma-ri-a, là Đấng cứu thế hay chỉ là quỉ Xa-tăng. Hãy để cho người khác giữ lấy tín ngưỡng của họ. Người Do Thái thoát ra khỏi Cuộc thảm sát do bàn tay Đức quốc xã, đã làm cho thế giới khâm phục, không phải bằng con đường khủng bố, mà bằng chính sức làm việc của mình, chẳng hề la ó, kêu ca. Nhân loại mang ơn các nhà bác học Do Thái về hầu hết các phát kiến khoa học của Thế kỷ 19 và Thế kỷ 20. Mười lăm triệu con người, sống tản mác khắp thế giới, đã đoàn kết lại và giành quyền sống cho mình bằng chính sức cần lao và bằng kiến thức. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào nổ bom tự sát trong một quán ăn Đức. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào đốt phá nhà thờ. Chúng ta chưa hề thấy một người Do Thái nào phản đối một việc gì bằng cách giết người. Người Hồi giáo đã biến ba tượng Phật [ở Afghanistan] thành đá vụn. Chúng ta không hề thấy tín đồ Phật giáo thiêu hủy một thánh đường Hồi giáo nào, giết hại một tín đồ Hồi giáo nào hay đốt phá một sứ quán nào. Chỉ có người Hồi giáo bảo vệ đức tin của mình bằng cách đốt phá nhà thờ, giết người và phá hủy các sứ quán. Con đường hung bạo này sẽ không đi tới đâu. Người Hồi giáo phải tự hỏi họ có thể làm gì để đóng góp cho nhân loại trước khi họ đòi hỏi nhân loại phải kính nễ họ.

Nguồn: video Wafa_Sultan_Debating_Islamic_Clergic

Talawas 2009

27/3/09

Barack Obama bị tố cáo gian lận bầu cử

Barack Obama bị tố cáo gian lận bầu cử

28/03/2009 | 8:27 sáng |

Tác giả: Lê Diễn Đức

Chuyên mục: Thế giới


Vài lời về quyền được nói

Tìm hiểu về hệ thống chính trị thế giới, tuần báo uy tín của Anh quốc “The Economist” cho hay, trong số 167 nước thì có 82 quốc gia có thể chế dân chủ với các chỉ số (index) khác nhau.

Dân chủ hàng đầu thuộc về các nước Thuỵ Điển, Hà Lan, Na-Uy, Đan Mạch… Tàng tàng bậc trung thì có Thuỵ Sĩ, Đức, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ… Chưa hoàn mỹ (flawed democracy) có Singapore, Đài Loan, Nam Hàn, Ý, Ba Lan…

Số còn lại gồm 30 quốc gia có chế độ lai tạp (hybrid regime) và 55 quốc gia có chế độ chuyên chế (authoritarian regime), trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba còn lại từ khối xã hội chủ nghĩa.

Với các con số trên đây, các nước dân chủ và có (vẻ) hơi hướng dân chủ rõ ràng nặng ký hơn, với tỷ lệ 112/55. [1]

Cứ cho rằng, thể chế dân chủ chưa phải là mô hình hoàn hảo nhất mà nhân loại tìm ra, cho đến nay vẫn chưa có mô hình nào khả dĩ hơn.

Một trong những điều tôi thích nhất mà thể chế dân chủ bảo đảm cho công dân của mình là quyền được nói.

Tự do ngôn luận trong hệ thống dân chủ không có đất ưu đãi cho ai. Như câu nói bất hủ của nhà báo, nhà xã hội học Pháp Louis Terrenoir: “Báo chí phải được nói tất cả để một số người không được làm tất cả!”

Chuyện được nói ở Hoa Kỳ và ông Obama

Chuyện được nói và quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ làm khốn đốn nhiều người, kể cả tổng thống, ai cũng đã biết.

Liệu với Barack Obama, người giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11 năm ngoái sẽ nhận được nhân nhượng phần nào? Thưa không. Ít có có cử chỉ nào của ông lọt khỏi các con mắt tinh ranh của mấy tay nhà báo. Thậm chí vấn đề ăn vận của bà đệ nhất phu nhân cũng không nằm ngoài tầm ngắm.

Hơn hai tháng ở cương vị tổng thống, xem ra Barack Obama không dễ dàng thực hiện các cam kết tranh cử của mình. Những vụ trục trặc, “nhầm lẫn” từ lúc bổ nhiệm nhân sự cho nội các, đến vụ tiền thưởng của AIG ầm ĩ từ vài ngày nay, ít nhiều đã lấy đi một phần thiện cảm của công chúng Mỹ và thế giới đối với ông.

Chứng kiến các cuộc trò chuyện sau chuyến đi Mỹ mới đây, tôi cảm thấy người Mỹ bắt đầu đặt nghi vấn về những lời hứa của Barack Obama. Mặc dù đã dồn hết tâm huyết ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức để giành được sự ủng hộ bội chi ngân sách 1,7 ngàn tỷ đôla không tiền lệ cho chương trình kích hoạt kinh tế, ông Obama hiện đang gặp phải nhiều phản ứng bất lợi.

Người ta nói tới việc thâm hụt ngân sách cho năm 2009 sẽ kéo theo gánh nặng mà người đóng thuế phải chịu cho 10 năm tiếp theo. Theo K. Haskett, American Enterprise Institute (Shot Publication 6/03/2009) thì, thâm hụt cho thập kỷ sau sẽ tới 7 ngàn tỷ đôla!

Trong lúc phải tập trung mọi cố gắng và trí não cho lĩnh vực kinh tế và đối ngoại, ông Barack Obama lại phải đối đầu với dư luận cho rằng ông đã gian lận trong bầu cử.

Ngày 25-26/03/2009 Worlnetdaily.com cho hay, sĩ quan hưu trí của hải quân Mỹ Walter Fitzpatrick III, với thành tích 20 năm vận động công khai hoá các hành vi phạm pháp trong quân đội Hoa Kỳ, đã tố cáo đương kim tổng thống “phản bội”.

Trong đơn kiện ra toà, Walter Fitzpatrick viết về Barack Obama như sau:

“Ông đã vào được Nhà Trắng nhờ sử dụng sức mạnh, toan tính, che giấu sự thật, sự kiêu ngạo, lừa dối và thủ đoạn. Đóng vai tổng thống và tổng chỉ huy quân đội, ông đã loại bỏ kiểm soát dân sự đối với tổ chức quân sự”.

“… Tôi gọi ông và những người cộng tác của ông là những kẻ phản bội. Những hành động của ông đang tạo nên nguy hiểm. Ông đã thay đổi cơ bản hình thái chính phủ. Hiến pháp đang bị vi phạm”.

“Tôi xác định ông, một người sinh ra ở nước ngoài, là kẻ thù nội tâm của Hoa Kỳ”.

Sau khi nộp đơn tại toà án Tối cao Liên Bang, Walter Fitzpatrick đã được các cận vệ của tổng thống thuộc “Secret Service” dẫn độ về nhà. Qua cuộc trao đổi ngắn, thấy rằng Walter Fitzpatrick không có sự đe doạ nào với tổng thống họ đã ra về.

Trước đó, cũng theo Worlnetdaily.com, Alan Keyes, một chính khách, nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi thuộc đảng Cộng Hoà, đã từng tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 tại California nói, rằng ”… Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống Hoa Kỳ chỉ có thể là người được sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thế nhưng rất nhiều người và các tổ chức công dân khẳng định Obama sinh ra tại Kenya và sang Hoa Kỳ với bố mẹ khi còn là trẻ sơ sinh”.

alankeyesobama“Rõ ràng là các hành động của Obama trong mục đích giành ghế tổng thống đã làm ngơ trước tất cả các câu hỏi về tiêu chuẩn bắt buộc khi tranh cử tổng thống (…) Chúng tôi sẽ làm tất cả để mọi người biết được sự thật. Nếu như Barack Obama không hội đủ các điều kiện pháp quy đối với tổng thống Hoa Kỳ thì tất các các văn bản mà ông ta ký sẽ không có hiệu lực pháp lý. Và như vậy, mọi quyết định của ông ta phải bị bãi bỏ” – Alan Keynes nói.

Nhận được rất nhiều đơn khiếu kiện của các cá nhân và tổ chức xã hội, trong ngày 25/03/2009, Toà án Tối cao và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã xác nhận chính thức trước công luận rằng, vấn đề nơi sinh của tổng thống Barack Obama sẽ được xem xét.

Một số tổ chức xã hội do Orly Taitz của “Defend Our Freedom” làm đại diện đòi toà phải công bố bản khai sinh gốc của Obama. Bản khai sinh gốc rất quan trọng từ góc độ hiến pháp của Hoa Kỳ. Cũng giống như ông Alan Keynes, nhiều người nói rằng, ông Obama không sinh ra tại Hawaii mà là Kenya.

Quyết định ngày 25/03 của Toà án Tối cao Hoa Kỳ mang tính bước ngoặt vì các vị thẩm phán trước đó không ai muốn thụ lý việc này.

Có lẽ các bạn cũng như tôi sẽ thích thú chờ hồi kết của một màn kịch hấp dẫn.

Nhưng dù gì đi nữa, không thể nào phủ nhận được quyền tự do được nói thứ thiệt của đất nước Cờ Hoa!●

——————————–

[1]: http://www.economist.com/media/

Nguyên Ngọc : Tây Nguyên trước nguy cơ bị tàn phá vì dự án khai thác bauxit

Tây Nguyên trước nguy cơ bị tàn phá vì dự án khai thác bauxit



Nguyên Ngọc


Nguồn: Thông Luận ngày 05/03/2009 lúc 02:21:53 EST

Bất chấp những ý kiến phản đối của giới chuyên gia và của dư luận Việt Nam nói chung, Tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là chính phủ vẫn cương quyết thực hiện dự án khai thác bauxit tại vùng Tây Nguyên. Tuy không phải là một nhà khoa học, nhà văn Nguyên Ngọc là người vẫn gất gắn bó với Tây Nguyên và hiểu rất rõ về vùng này. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc về dự án nói trên.

Dự án này đã được phê duyệt từ đầu năm 2007. Trong bản thông báo, thủ tướng Việt Nam giao cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tổ chức một Hội thảo khoa học về việc thăm dò khai thác bauxit, cũng như ảnh hưởng của dự án này đến môi trường. Thế nhưng, ông Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cho báo chí là không được đưa tin về ảnh hưởng của dự án khai thác bauxit đến môi trường ở Tây Nguyên.

Sự bưng bít thông tin này lại càng khiến cho nhiều người dân Việt Nam nói chung và người dân Tây Nguyên nói riêng vẫn mơ hồ về tác động của một dự án mà theo nhiều chuyên gia, không hề có lợi chút nào cả về mặt kinh tế lẫn môi trường, mà lại gây tác hại về nhiều mặt cho vùng Tây Nguyên.


RFI: Ban Việt ngữ RFI rất hân hạn được tiếp chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc hôm nay. Thưa ông, trước hết xin ông nhắc lại những phản ứng của giới chuyên gia và dư luận nói chung về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Trước hết cũng phải nói rằng, thật ra, có hai luồng dư luận : dự luận phản đối những dự án bauxit ở Tây Nguyên và dư luận đồng tình với những dự án đó. Tuy nhiên, số ý kiến không đồng tình thì nhiều hơn rất nhiều. Những ý kiến phản biện đều cho là những dự án đó đều không được về tất cả mọi phương diện. Chiến lược lấy khai thác tài nguyên làm chính là một khái niệm rất cũ, thế giới người đã đi qua cái đó rồi.

Vừa rồi anh Trần Văn Thọ có một bài viết rất hay về quan hệ Bắc - Nam trong sự phát triển. Theo tác giả, phía Nam phải vượt qua giai đoạn chỉ khai thác tài nguyên cho phía Bắc. Điều đó rất đúng. Việt Nam mà cứ lay hoay trong cái đó thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia, những dự án này hoàn toàn không có lợi, mà thậm chí bị thua thiệt rất nhiều về mặt kinh tế.

Đó là nói về ý kiến của giới chuyên gia, con dư luận nói chung quan tâm nhiều đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá xã hội của Tây Nguyên.

RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, theo ông, như vậy những dự án khai thác bauxit sẽ có tác động như thế nào về môi trường và văn hoá, xã hội đối với Tây Nguyên?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Về môi trường tự nhiên, như ta đã biết, Tây Nguyên giống như mái nhà của Đông Dương. Mình làm gì trên cái mái nhà đó, nếu không khéo có thể làm rún động toàn bộ khu vực. Khai thác bauxit thì sẽ hũy hoại rừng, điều đó đã rõ. Như ở Dăk Nong chẳng hạn. Các mỏ bauxit của Tây Nguyên có đặc điểm là lớp quặng rất mỏng, chỉ từ 3 đến 5 mét hoặc nhiều lắm là 5 đến 7 mét. Vì vậy, diện phân bố của nó rất rộng. Trước khi lấy bauxit thì phải phá rừng ở trên, sau đó bóc một lớp đất, rồi sau đó mới đến lớp bauxit.

Cho nên, diện sinh thái bị huỷ hoại, bị thay đổi là rất rộng và như vậy là nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân Tây Nguyên và đến toàn khu vực Nam Đông Dương. Nếu nó ảnh hưởng đến sườn của Cam Bốt thì có nghĩa là nó ảnh hưởng đến cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Tây Nguyên giống như là máy điều hòa khí hậu cho cả vùng Đông Dương. Nếu bị tàn phá thì nó sẽ có ảnh hưởng đến khí hậu của toàn bộ khu vực này.

RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, người dân Tây Nguyên đa số sống nhờ vào các cây công nghiệp. Vậy thì họ có thật sự cảm thấy lo lắng khi thấy chính phủ sẽ triển khai dự án khai thác bauxit, một dự án sẽ phá rất nhiều diện tích canh tác?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Đúng là đa số dân Tây Nguyên sống dựa rất nhiều vào các loại cây công nghiệp, như cao su hay cà phê. Ở trên tôi chỉ mới nói đến tác động về môi trường, về đất đai, nhưng còn phải nói đến nguồn nước nữa. Vấn đề nước ở Tây Nguyên hết sức khó khăn, vì ở vùng này sáu tháng mưa, sáu tháng nắng. Bây giờ, kiếm đủ nước để tưới cho các cây công nghiệp cũng đã là khó khăn. Nếu thực hiện dự án bauxít thì sẽ đòi hỏi rất nhiều nước, cho nên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc canh tác cao su, cà phê.

Thế nhưng, do đa số người dân ở Tây Nguyên không được thông tin đầy đủ, cho nên, có nhiều người nghĩ rằng làm bauxit có nghĩa là công nghiệp hoá, tức là sẽ làm giàu cho các địa phương. Thật ra, kinh nghiệm suốt mấy chục năm qua cho thấy là ở Tây Nguyên chưa bao giờ có nơi nào đưa được người dân bản địa vào trong các nhà máy hiện đại cả. Ngay cả việc trồng cao su, cà phê, nếu sử dụng máy móc hiện đại thì cũng đã khó mà đưa người dân bản địa vào.

Nhiều chuyên gia đã tính toán rằng với số vốn đầu tư đó, thay vì đổ vào dự án bauxit, nếu đổ vào cho cao su và cà phê thì sẽ có lợi hơn rất nhiều, cả về mặt thu nhập lẫn tạo ra công ăn việc làm. Thế nhưng, do không được thông tin đầy đủ, những người nào có quyền lợi bị động chạm trực tiếp thì mới lo lắng, nhưng cũng có những người hy vọng vào dự án đó. Những người chủ trương làm thì chỉ tuyên truyền những cái hay ho, những kết quả tốt đẹp mà bauxit có thể đem lại. Cho nên, không phải ai cũng thấy ngay sự nguy hại, sự thiệt thòi. Chính vì thế mà các chuyên gia phải cố gắng thông tin nhiều hơn nữa cho nhân dân.

RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, là một người thường xuyên đến vùng Tây Nguyên, ông đã chứng kiến những tác hại hại đến môi trường ở Tây Nguyên như thế nào trong những năm qua?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Những năm phát triển vừa qua đã tàn phá Tây Nguyên rất nhiều. Rừng Tây Nguyên nay còn rất ít. Tôi biết rõ là nơi có rừng tốt, tức là nhìn đẹp mắt, nay chỉ còn ở khu vực núi Ngọc Linh, phía Bắc Kon Tum và vùng Kon Plông ở phía Tây Kon Tum. Kon Tum là nơi giữ được rừng tương đối tốt hơn cả. Ngoài ra cũng có một số khu bảo tồn. Nhưng ngay cả những khu đó cũng bị phá nhiều.

Nói chung, so với thời chiến tranh, rừng Tây Nguyên về cơ bản đã mất gần hết. Điều này rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, vì nó gây nên khô hạn, làm đảo lộn khí hậu, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống văn hoá xã hội của Tây Nguyên. Dân Tây Nguyên có nền văn hoá gắn rất chặt với tự nhiên, cho nên khi tự nhiên bị tàn phá thì nó ảnh hưởng rất xấu đến văn hoá và xã hội.

RFI: Vậy thì trong những dự án lớn như vậy, theo ông, chính phủ cần phải công bố rộng rãi cho dân chúng để mọi người biết và tham gia đóng góp ý kiến?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Những việc liên quan trực tiếp đến người dân, dù lớn hay nhỏ, người dân đều phải được thông tin. Bưng bít thông tin với người dân là sai. Người phải có quyền được thông về những việc có liên quan đến họ chứ!

Khai thác bauxit là dự án lớn nhất ở Tây Nguyên từ trước đến nay, vậy mà người dân không được thông tin đầy đủ là không được. Những ý kiến có thể là khác nhau, nhưng phải thông tin cho người dân cả nước biết, đặc biệt là ngươi dân ở Tây Nguyên.

Có những điều mà các nhà khoa học gọi là tri thức bản điạ. Người dân Tây Nguyên sống trong cái môi trường tự nhiên và văn hoá đó từ hàng bao nhiêu nghìn năm nay rồi. Họ có những tri thức đặc biệt, nhờ đó mà họ đã tồn tại và vượt qua những thử thách từ hàng nghìn năm nay. Khi tiến hành những dự án lớn như vậy, nếu không quan tâm xử trí vấn đề tri thức này thì sẽ rất nguy hiểm.

RFI: Trước đây, khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế) đã từng dẹp bỏ dự án bauxít vì thấy không có lợi. Theo ông thì chúng ta có nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, để rút tỉa những kinh nghiệm từ những nước khác đã từng có những dự án tương tự?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi thấy việc thủ tướng giao cho phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức một hội thảo về vấn đề này, trong đó mời cả chuyên gia trong và ngoài nước, là tốt, bởi vì khai thác bauxit là việc mà nhiều nước đã làm. Họ đã từng gặp những thách thức và ta phải xem họ đã giải quyết những thách thức như thế nào, như vấn đề môi trường, bùn đỏ, ảnh hưởng đến tự nhiên và xã hội.

Có nơi giải quyết thành công, nhưng cũng có nơi giải quyết không thành công. Theo tôi biết thì Trung Quốc đã đóng cửa hàng trăm mỏ bauxit và chủ trương là đưa cái đó ra nước ngoài. Tôi nghĩ là cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài.

RFI: Chúng tôi xin cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc.

Thanh Phương thực hiện
Nguồn: Radio RFI, ngày 04/03/2009.

25/3/09

Nguyễn Thành Sơn : Toạ đàm về Bauxite

Toạ đàm về Bauxite
Nguyễn Thành Sơn Cập nhật : 19/03/2009 14:17

Chúng tôi xin đăng dưới đây nguyên văn bản báo cáo của TS Nguyễn Thành Sơn về cuộc toạ đàm về Bauxite ngày 20/2/2009 trong đó ông "chưa có điều kiện phát biểu". Đây là một tài liệu hết sức quan trọng về vấn đề này của một chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam.


Cuộc Tọa đàm về bauxite
ngày 20/2/2009


Nguyễn Thành Sơn



Diễn Đàn : Chúng tôi xin đăng dưới đây nguyên văn bản báo cáo của TS Nguyễn Thành Sơn về cuộc toạ đàm về Bauxite ngày 20/2/2009 trong đó ông "chưa có điều kiện phát biểu". Đây là một tài liệu hết sức quan trọng về vấn đề này của một chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam. Mọi ý kiến phản biện đều đã được các nhà khoa học và các nhà văn hoá có uy tín nêu rõ và phổ biến rộng rãi. Trong khi đối lại chúng chỉ có những phát biểu sặc mùi chính trị vừa giả dối vừa "cả vú lấp miệng em" của những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, hay những ý kiến ngu ngơ nói cho vừa lòng lãnh đạo của các cấp thấp hơn trong ngành. Nếu đề án này tiếp tục họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước con người và lịch sử.

Nguồn : từ bản pdf của Viet-studies




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO

V/v làm rõ một số ý kiến tại cuộc Tọa đàm về bauxite ngày 20/2/2009


Trân trọng kính gửi:

-đ/c Trương Tấn Sang UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
-đ/c Ngô Văn Dụ Bí thư TW Đảng CSVN, Chánh Văn phòng TW Đảng


Tôi được mời tham gia cuộc Tọa đàm về bauxite do VP TW tổ chức ngày 20/2/2009. Do thời lượng Tọa đàm có hạn, vì chưa có điều kiện phát biểu, chấp hành ý kiến chỉ đạo của đ/c Ngô Văn Dụ- chủ trì Tọa đàm, tôi xin được trình bầy với Ban Bí thư và Văn phòng TW Đảng CSVN một số ý kiến như sau:

1/ Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với đa số các ý kiến tại cuộc Tọa đàm đều cho rằng việc lựa chọn nhà thầu TQ vào Tây Nguyên là một nguy cơ rất lớn đối với an ninh quốc phòng. Trong các tham luận công khai, tôi cũng như các nhà khoa học đều hiểu, nhưng chưa nêu thẳng vấn đề: lựa chọn nhà thầu TQ là một sai lầm cố ý của TKV (Tập đoàn Than và Khoáng sản ).. Tôi xin nói rõ hơn như sau:

- Là cán bộ của TKV, đến nay tôi đã có kinh nghiệm (hiểu rõ cách đấu thầu) qua không ít hơn 6 cuộc đấu thầu quốc tế các dự án nhiệt điện chạy than của TKV khi tôi được giao trực tiếp tham gia (là gíam đốc cty Tư vấn), hay quản lý (là trưởng ban điện lực) và phụ trách (là Tổng giám đốc cty nhiệt điện). Tôi có thể khẳng định, nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài của đất nước (chứ không phải của chủ đầu tư) thì không thể có một nhà thầu TQ nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào.

- Để chọn được nhà thầu TQ, TKV đã hạ rất thấp các tiêu chuẩn công nghệ trong đấu thầu, đã lựa chọn công nghệ thải bùn đỏ bằng công nghệ “ướt” rất lạc hậu và rất nguy hại cho môi trường mà cả thế giới đã không còn chấp nhận (ngay cả TQ, Nga và Ấn Độ cũng đang chuyển dần các nhà máy của mình từ công nghệ “ướt” sang công nghệ “khô”, các nước ở vùng nhiệt đới có mưa nhiều giống như Tây Nguyên cũng không áp dụng công nghệ này). Đây là một quyết định để dẫn tới việc chỉ các nhà thầu TQ có thể tham gia đấu thầu và có thể chào giá rất thấp (vì TQ đang có sẵn công nghệ, đang cần phải “bán sắt vụn” lại có dịp để “chuyển giao” sang VN).

- Việc nâng công suất nhà máy lên gấp 2 lần so với quy hoạch ban đầu và triển khai đồng loạt cả hai dự án lớn cũng được TKV làm theo “lời khuyên” của nhà thầu TQ, với lý do làm “nhỏ” thì các nhà thầu sẽ không tham gia. Thực tế cho thấy, tuy đã làm “lớn”, nhưng do cố tình lựa chọn công nghệ lạc hậu chỉ có ở TQ, nên cũng chẳng có nhà thầu nào khác (ngoài các nhà thầu TQ) tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, tương tự như dự án luyện đồng Sinh Quyền, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm alumina cũng rất quan trọng. Tôi e ngại rằng (để đấu thầu, giảm chi phí đầu tư), chất lượng sản phẩm alumina do TQ chào sẽ rất thấp để sau này TQ sẽ mua lại với giá rẻ mạt (như hiện đang mua loại đồng của Sinh Quyền). TQ không có công nghệ nguồn về nhôm, cũng phải đi nhập của các nước phát triển, còn sản phẩm alumina của TQ có chất lượng khác nhau và có tiêu chuẩn thấp hơn so với của các nước phát triển.

2/ Về ý kiến cho rằng cần phát triển bauxite hơn phát triển cây công nghiệp (của các đ/c Hoàng Sỹ Sơn- phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Phan Tuấn Pha- Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông)

Cả hai đ/c đại diện cho Đảng bộ và UBND các tỉnh có dự án bauxite đều phát biểu ủng hộ tiếp tục triển khai các dự án bauxite vì hai lý do chính: (i) bauxite có lợi thế hơn sản phẩm nông nghiệp (cà phê, chè, điều, cau su) vì giá bán sản phẩm nông nghiệp rất biến động; và (ii) nếu không khai thác bauxite thì (bauxite vẫn chỉ là đất), 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ phê phán chúng ta tại sao không khai thác!.

(i) Trước hết, tôi cho rằng cả hai ý kiến này đều không chính xác, và nếu xem xét kỹ thì đây là những ý kiến phản khoa học, do thiếu thông tin. Bauxite gắn chặt với vùng đất đỏ bazan trên Tây Nguyên là tài nguyên khoáng sản có hạn, không tái sinh, còn cây công nghiệp là nguồn tài nguyên vô hạn, có tái sinh (nhờ được trồng trên đất bazan tài sản vô giá của quốc gia này). Thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. Phát triển cây công nghiệp góp phần duy trì và làm tăng thêm mầu xanh cho môi trường, giảm các nguy cơ như lũ ống, lũ quyét, hạn hán kéo dài, duy trì và phát huy được thế mạnh của đất đỏ bazan. Còn khai thác bauxite sẽ làm mất đi thế mạnh của Tây Nguyên, hủy diệt mầu xanh, làm thay đổi thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan, làm tăng thêm nguy vơ về hạn hán kéo dài, lũ ống, lũ quyét xẩy ra nhiều hơn. Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của VN là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên (do sẽ thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi) và có nguy cơ còn làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu (Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM v.v.).

(ii) Giá bán sản phẩm nông nghiệp tuy có biến động nhưng nhu cầu tiêu dùng của cả loài người về cà phê, chè, đều là ổn định, được tiêu thụ ở rất nhiều nước, không có sản phẩm thay thế. Giá bán sản phẩm bauxite biến động rất lớn, nhu cầu của TG cũng thay đổi và chỉ được sử dụng chủ yếu tập trung ở một số nước có ngành chế tạo xe hơi và máy bay như Mỹ, Nhật, Đức, Nga, TQ. Tôi xin cập nhật những thông tin gần đây nhất: giá bán nhôm trên Thị trường Giao dịch Kim loại Luân Đôn (LME) giao động rất lớn, giá thấp nhất 1040U /tấn (1993) và cao nhất lên tới 3249 U /tấn (2006). Chỉ từ tháng 7/2008 đến tháng 10/2008 giá nhôm tại LME đã giảm từ 3300 xuống còn 1885 rồi 1500 U /tấn. Theo đánh giá của các chuyên gia về nhôm, hiện nay giá bán hòa vốn đối với 75% các nhà máy phải là 2500U /tấn trong khi giá thành sản xuất bình quân của thế giới 2700-3200U /tấn. Vì thế các nước đã và đang tiếp tục cắt giảm sản lượng (chỉ tính riêng năm 2008: TQ đã cắt giảm 18% sản lượng nhôm tương đương với công suất 3,22-3,70 triệu tấn/năm, 10% sản lượng alumina; tập đoàn Alcoa của Mỹ đã giảm 18% sản lượng nhôm tương đương với 3,5 triệu tấn/năm; Brazin giảm tới 40% sản lượng nhôm; Nga- giảm 25%, Tadzickistan (thuộc LX cũ)- 10% v.v.). Trong các năm tới thị trường và giá bán của sản phẩm bauxite sẽ còn tiếp tục biến động theo chiều hướng xấu đi: dự báo năm 2009, nhu cầu alumina của TQ chỉ có 27,83 tr. tấn, trong khi tổng công suất của các nhà máy sản xuất lên tới 32,97 tr.tấn (thừa 5,14 tr.tấn).

(iii) Về ý kiến (của tỉnh Đắc Nông) cho rằng cần khai thác bauxite ngay bây giờ chứ không để giành cho thế hệ sau, “nếu không khai thác thì bauxite cũng chỉ là đất thôi”: đây cũng là ý kiến phản khoa học và ngắn về tầm nhìn. Tôi xin báo cáo như sau:

- Nếu hiện nay chúng ta sớm phát triển ngành công nghiệp bauxite-nhôm, thì chúng ta phải đối mặt với một bất cập rất lớn không thể vượt qua là thiếu điện giá rẻ. Trên thế giới các nước đều gắn nhôm với thủy điện, vì chỉ có thủy điện mới cho giá rẻ (dưới 3cents/kWh) trong khi tỷ trọng chi phí về điện trong chi phí sản xuất nhôm rất cao (chiếm tới 40-65%). Gần đây, Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ đã phải cho vay bù lãi suất tới 2-3%/năm để một công ty nhôm của TQ đầu tư 3,2 tỷ U xây dựng nhà máy nhôm ở Mã Lai vì hai lý do: (i)Khuyến khích việc đưa các dự án nhôm tiêu hao nhiều điện năng ra nước ngoài (trong khi TQ cũng không phải thiếu điện trầm trọng như VN); (ii) Nhà máy nhôm này (do TQ nắm không ít hơn 50%) được quyền mua toàn bộ sản lượng điện của nhà máy thủy diện Bakun công suất 2400MW sẽ được Mã Lai xây dựng ở tỉnh Saravac với giá bán điện chỉ có 2 cents/kWh. Dự án thủy điện này cũng do một tổng công ty nhà nước khác của TQ là Sinohydro xây dựng. Toàn bộ sản phẩm nhôm sẽ được bán lại cho TQ. Các tập đoàn nhôm UC Ruasal (Nga) và Alcoal (Mỹ) cũng coi việc đầu tư vào các nhà máy thủy điện để có được nguồn điện lớn với giá rẻ là ưu tiên số 1 trong hoạt động của mình. Toàn bộ tiềm năng về thủy điện của các tỉnh Tây Nguyên, nếu được khai thác hết cũng chỉ tương đương với dự án nói trên của Mã Lai.

- Nếu sau 20-30 năm nữa chúng ta mới phát triển ngành công nghiệp nhôm, thì con cháu chúng ta sẽ không “phê phán chúng ta là dốt”, như ý kiến của đ/c bí thư tỉnh Đắc Nông, ngược lại, thế hệ mai sau sẽ phải cám ơn chúng ta là đã rất thông minh, có tầm nhìn xa về khoa học công nghệ. Nhân đây tôi xin nói rõ hơn:

+Tại cuộc hội thảo đầu tiên về bauxite ở Đắk Nông tháng 12/2007 do tỉnh Đắt Nông và TKV tổ chức, trong tham luận của mình tôi đã lưu ý đến bom Napal- là một loại bom cháy, có sức hủy diệt cao là một phát minh của Đại học Ha Vớt Hoa Kỳ, rất có hại trong chiến tranh, nhưng rất có ích trong phát triển kinh tế.

+Theo dự báo của các nhà khoa học, sau 20-30 năm nữa, trình độ khoa học công nghệ (trong đó có các công nghệ về hóa-lý) sẽ cho phép chúng ta áp dụng phát minh trên của Đại học Ha Vớt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Kim loại nhôm sẽ được sử dụng để phát điện (có thể thay cho dầu mỏ, khí đốt và than đá hay uranium đang dần cạn kiệt) với hiệu suất rất cao. Theo tính toán của các nhà khoa học, để sản xuất ra 1 “đơn vị nhôm”, chúng ta cần 1 “đơn vị năng lượng” (đơn vị này hiện nay rất lớn). Nhưng sau 20-30 năm nữa, trình độ công nghệ cho phép thực hiện qui trình ngược lại, từ 1 “đơn vị nhôm” chúng ta có thể sản xuất ra được gần 2 “đơn vị năng lượng” dựa trên nguyên lý hoạt động của bom Napal (phản ứng ô xy hóa của kim loại nhôm tinh khiết cho phép chúng ta thu được một lượng nhiệt rất lớn).

+Ngoài ra hiện nay ô xít nhôm Al2O3 (là alumina- sản phẩm của các dự án bauxite Tây Nguyên để xuất khẩu) mới chỉ được dùng làm nguyên liệu thô cho ngành luyện nhôm và sản xuất một số hóa chất đơn giản khác. Nhưng trong tương lai, cũng như các loại ô xít kim loại khác sẽ được sử dụng để khử khí thải CO2 trong các nhà máy nhiệt điện để thu được khí CO (là một dạng khí cháy, có nhiệt năng cao) có thể tái sử dụng lại ngay cho chính các nhà máy nhiệt điện hay cho các lò hơi công nghiệp. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều thành tựu (bản quyền và bí quyết công nghệ) trong vấn đề này (chủ yếu cũng là của Mỹ).

+Trên quan điểm khoa học và công nghệ, Đảng ta đã rất sáng suốt khi trong Báo cáo chính trị của Đại hội X đã bỏ cụm từ “khai thác bô-xít và sản xuất alumin” ra khỏi danh mục các sản phẩm cần được hỗ trợ đầu tư phát triển, thay vào đó, đã khẳng định “Khẩn trương thu hút vốn trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện một số dự án quan trọng về khai thác dầu khí, lọc dầu và hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng. Có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô”. Tôi cho rằng, ý kiến của đ/c Bí thư tỉnh Ủy Đắk Nông tại cuộc Tọa đàm là không có tính khoa học và càng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.


hinh-1

Tỷ trọng phân bố trữ lượng bô-xít Việt Nam theo vùng
(Nguồn: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV)


3/Về ý kiến cho rằng công nghệ của TQ là tốt: Tại cuộc Hội thảo do Liên hiệp các hội KHKT VN (VUSTA) tổ chức ngày 19/1/2009 vừa qua, trong Báo cáo của mình tôi đã nêu rõ một ví dụ về công nghệ lạc hậu, không hiệu quả (công nghệ luyện đồng) mà TQ mới chuyển giao cho TKV trong dự án đồng Sinh Quyền gần đây. Tôi cho rằng không cần nhắc lại. Nhân đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Những nhà máy alumina phía Nam TQ (mà TKV đã tổ chức cho một số cán bộ ngoài TKV đi thăm quan) sử dụng loại bô xít (sa khoáng) khác hẳn với bô xít của Tây Nguyên (phong hóa) về nguồn gốc. Quá trình sản xuất alumina thực chất là các quá trình hóa-lý. Việc lựa chọn công nghệ phải dựa trên kết quả phân tích về thành phần thạch học và thành phần hóa học của quặng chứ không thể sao chép “copy” và đánh giá công nghệ bằng mắt thường. Ngoài ra, chất lượng quặng bauxite của VN (tuy chưa có được đánh giá chi tiết, nhưng) căn cứ vào các thông tin hiện có, thì không cao, đòi hỏi phải tuyển để nâng cao chất lượng trước khi áp dụng công nghệ Bayer.

4/ Về ý kiến cho rằng khai thác bauxite sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và không chiếm nhiều đất canh tác của các tỉnh Tây Nguyên:

-Trước hết, về kinh tế, các nhà khoa học đều khẳng định điều ngược lại. Rất may, lần nào, theo báo cáo tại cuộc Tọa đàm của chính đ/c Hoàng Sỹ Sơn- phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, các dự án bauxite hàng năm chỉ đóng góp 120-150 tỷ đồng cho ngân sách địa phương chứ không phải 1500-2000 tỷ (được phóng đại lên 10 lần) như trả lời trên báo của đ/c Chủ tịch tỉnh Đắk Nông. Thực ra mức đóng góp này là không tương xứng so với số tiền rất lớn VN phải đi vay để đầu tư, và thấp hơn nhiều nếu chúng ta đầu tư vào mục đích khác, không phải là bauxite.

-Về diện tích chiếm đất, tuy diện tích không lớn so với toàn vùng lãnh thổ của Tây Nguyên, nhưng diện tích đất bị các dự án chiếm dụng vĩnh viễn lại là những nơi có giá trị canh tác cao, và (theo báo cáo của sở TNMT Đắk Nông) lớn hơn nhiều lần diện tích được tạo ra hàng năm (so với thành tích mở rộng khai hoang, trồng rừng) của các địa phương này.

5/Về nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: tôi cho rằng ý kiến của đ/c Chủ tịch VUSTA (Hồ Uy Liêm) nêu trong Tọa đàm (đã không đại diện cho các nhà khoa học) là rất khiếm nhã. Tôi nghĩ cá nhân đ/c Hồ Uy Liêm cần chính thức xin lỗi Đại tướng về lời phát biểu gây nghi ngờ nội dung bức thư.

Tôi hoàn toàn ủng hộ và thêm cảm phục Đại Tướng về bức thư đầy tâm huyết và đầy trách nhiệm đó. Bản thân tôi đã từng làm đại diện cho Bộ Mỏ và Than của VN làm việc tại Ban Thư ký của COMECON trong cùng thời gian phía Chính Phủ VN đưa dự án bô-xít Tây Nguyên vào Chương trình hợp tác đa biên của COMECON (ngoài tôi, khi đó còn có nhiều người khác chứng kiến như các anh Dương Đức Ưng- đại diện cho Bộ Cơ khí Luyện Kim (nay là Bộ Công thương), Lê Dũng- đại diện cho UB KHKT (nay là Bộ Khoa học công nghệ) v.v.). Chúng tôi có đủ thông tin và điều kiện để tìm hiểu dự án này. Những vấn đề Đại tướng đã nêu trong thư là hoàn toàn chính xác. Khi đó (và cả bây giờ), Liên Xô và các nước thành viên COMECON rất cần bô-xít của VN để luyện nhôm cung cấp cho ngành chế tạo xe hơi, máy bay, và trang thiết bị quân sự-quốc phòng. Liên Xô (cũ) không cần chè của VN (khi đó người dân LX chỉ dùng chè của Ấn Độ hay của Srilanca), mà chỉ cần bô-xit của VN, những vẫn khuyên VN không phát triển dự án bô-xít mà phát triển các nông trường chè.

6/Về nhiều ý kiến cho rằng bài tham luận của TKV là “rất hay nhưng khó tin”. Nhân đây, tôi cũng xin bình luận thêm như sau:

-Trước hết, có thể thống nhất một điều là: VN lần đầu tiên triển khai các dự án bauxite, chưa có kinh nghiệm thực tế, nên những vấn đề đang được nêu ra đều chỉ nằm trên giấy (kể cả nhận định của Bộ Công thương, hay cam kết của TKV), còn dừng ở mức độ lý thuyết, dựa trên các thông tin trên TG (của các nhà khoa học) đều chưa được thực tế chứng minh đúng/sai . Điều có thể ai cũng đã nhận ra là tính rủi ro (về mọi mặt: công nghệ, kỹ thuật, môi trường, an ninh, quốc phòng, v.v...) trên thực tế quá cao, còn những giải pháp mới chỉ là "khẩu hiệu".

-Bản thân tôi là một cán bộ làm việc ở TKV từ khi TKV mới được thành lâp đến nay (hiện nay tôi được giao giữ chức Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng -TKV, là chi nhánh của TKV tại Hưng Yên để phát triển bể than Đồng bằng sông Hồng), tôi cũng cho rằng những "giải pháp" của TKV không có cơ sở khoa học, mới chỉ dừng lại ở mức độ nói về vấn đề bùn đỏ ( có độ pH cao), TKV cam kết là không nguy hại, có thể xử lý được. Nhưng, như trên tôi đã nêu, bùn đỏ sẽ ít nguy hiểm khi được xử lý bằng công nghệ thải "khô", còn với công nghệ thải "ướt" như TKV và các nhà thầu TQ đang áp dụng ở Tây Nguyên (chất lỏng 54,4%, chất rắn 45,6%) thì lại rất nguy hại bởi các lý do sau: (i) "Khô" có nghĩa là ít chất sút ăn da lẫn trong bùn đỏ; (ii) Nếu thải "khô", các thành phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn "ướt" thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp; (iii) Với công nghệ "khô" thì các đập chắn của các hồ bùn đỏ không phải chịu lực, chỉ có chức năng "chắn". Ngược lại, với công nghệ thải "ướt", các đập của hồ bùn đỏ (theo lựa chọn của TKV cao tới 25m, dài 282m, nằm trên độ cao 850m so với mực nước biển) sẽ giống như các đập hồ thủy điện, phải chịu lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra, nên kém an toàn.

-TKV nói sẽ rất coi trọng vấn đề xử lý vấn đề bùn đỏ theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, vì lợi ích của chủ đầu tư, các thiết kế hồ bùn đỏ đều lấy theo tiêu chuẩn GB của TQ. Với qui mô hồ thải bùn đỏ lớn như của TKV (rộng 116ha), các nước trên thế giới phải đầu tư hàng trăm triệu US , trong khi hồ bùn đỏ của TKV do TQ thiết kế có mức đầu tư ít hơn nhiều lần. Thực tế các dự án nhiệt điện của TKV do các nhà thầu TQ thực hiện đã cho thất, các tiêu chuẩn GB của TQ thường thấp hơn nhiều so với của các nước khác, trong khi đó các nhà thầu TQ thường hay "nói một đằng làm một nẻo", càng không ai dám tin.

-Vấn đề hoàn thổ và bảo vệ môi trường trong khai thác bauxie: mọi người đều hiểu rất rõ thực trạng môi trường của vùng Quảng Ninh hiện nay như thế nào?

-Một điều nữa không thể khÔng làm các đại biểu nghi ngờ là: (i) Tác giả của những bài trình diền, tham luận đó của TKV là anh Nguyễn Chí Quang - người đã từng bị Thanh tra Chính Phủ yêu cầu TKV buộc thôi việc trong dịp Thanh tra CP làm việc với TVN năm 1999-2000. Sau khi bị sa thải, thời gian gần đây, anh Quang lại đích thân Chủ tịch HĐQT TKV nhận làm "cố vấn riêng" cho cá nhân Chủ tịch HĐQT. Mặc dù vậy, trong các giao dịch, anh Quang vẫn tự coi mình là cố vấn của HĐQT TKV, cũng có mặt cùng Chủ tịch HĐQT để báo cáo trong nhiều cuộc hội thảo và công khai phát biểu dưới tư cách là "đại diện cho TKV"; (ii) Các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm và trình độ thực sự về bauxie-nhôm trước đây (khi làm việc với COMECON, như Hoàng Kim Phú, Tô Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng Ban v.v.) thì không được TKV sử dụng, trong khi TKV lại tích cực sử dụng một kỹ sư đã về hưu là Dương Thanh Sùng - người được đánh giá (công khai tại hội thảo của VUSTA) là chỉ thuộc loại "chai lọ" trong lĩnh vực bauxite-nhôm. Chính vì sự mập mờ này đã làm cho nhiều người (ngay cả trong TKV và cả bản thân Đại tướng) không thể tin cậy vào những gì "TKV nói".

7/ Về thái độ tiếp thu ý kiến của TKV: Gần đây tôi nhận được công văn "MẬT" của Đảng ủy TKV gửi cho cá nhân tôi với nột dung hình như là tôi đang bị mắc lừa các thế lực phản động hay đang chống lại nghị quyết của Đảng vì đã có những phát biểu chống lại các dự án bô-xít của TKV. Tôi rất bất bình về nội dung công văn này. TKV không những không tiếp thu ý kiến của tôi (trong khi TKV chưa có ý kiến nào để phản bác và dư luận rộng rãi đều đồng tình ủng hộ ý kiến của tôi", nhưng Đảng ủy TKV lại có văn bản mang tính răn đe theo kiểu "cả vú lấp miệng em" như vậy là không thể chấp nhận được. Nhân đây, tôi xin chính thức báo cáo với Ban Bí thư cũng như VP TW Đảng về vấn đề này như sau:


hinh-2

Bản đánh máy và được chụp hình lại

-Từ trước khi thủ tướng phê duyệt quy hoạch bô-xít, tôi đã viết nhiều bài báo khoa học phân tích tính không khả thi của các dự án bauxite đăng trên các tạp chí của VN. Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007, tôi đuợc mời tham luận tại cuộc Hội thảo đầu tiên ở Đắk Nông (12/2007) đến nay, tôi (tuy đang hưởng lương do TKV trả) vẫn đã và đang chính thức phát biểu công khai, minh bạch ý kiến của cá nhân tôi với tư cách là một cán bộ KHKT phản đối việc triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên.

-Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đối các việc làm của TKV hay của Bộ Năng lượng (cũ). Những ý kiến phản đối của tôi trước đây được cho là "trái" với các quyết định của TKV, và của Bộ NL đến nay đều được thời gian chứng minh là hoàn toàn đúng đắn (như việc chấm thầu không đúng của dự án điện Na Dương, việc sửa đổi hồ sơ mời thầu có lợi cho nhà thầu trong các dự án điện, việc di chuyển nhà sàng Hòn Gai ra địa điểm Nam Cầu trắng, việc gia tăng qua mức sản lượng than của các mỏ để xuất khẩu cho TQ, v.v..)

-Cũng chính vì "trung ngôn thì nghịch nhĩ" tôi đã từng "được" TKV "xử lý" theo cách áp đặt cho luân chuyển công tác theo tiêu chí việc gì đang làm tốt thì không cho làm nữa, giao cho việc mới khó hơn, để nhường chỗ cho những "chung thần" chỉ biết làm theo.

-Bản thân tôi, là một cán bộ KHKT được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho đi đào tạo nhiều lần ở nước ngoài, là một Đảng viên ĐCSVN (tôi được kết nạp tại chi bộ Vụ Kế hoạch Bộ Mỏ và Than từ 1983), tôi luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đúng lương tri, phục vụ suốt đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, chứ không phải chỉ biết làm theo ý đồ và phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Bố đẻ tôi là Đảng viên, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huy hiệu các chiến sỹ bị địch bắt tù đầy đã giáo dục tôi hiểu rõ thế lực phản động là ai và mình cần phải làm gì?.

-Tôi không cần phải được Đảng Ủy TKV nhắc nhở về việc tôn trọng pháp luật, trong khi TKV đã cố tình lợi dụng cơ quan ngôn luận của mình (Tạp chí Than-Khoáng sản VN) để công khai vi phạm Luật báo chí, tung tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự của tập thể công ty do tôi phụ trách (đúng vào dịp tôi đang bận dự thảo về bauxite ở Đắk Nông)

8/ Về Hội thảo sắp tới do Chính Phủ sẽ tổ chức:

(i) Tôi cho rằng cần được chuẩn bị kỹ và phải có đủ thời lượng cần thiết, tạo được tính công khai, dân chủ, tránh hình thức vội chụp mũ; (ii) Nội dung Hội thảo nên tập chung ưu tiên bàn kỹ về tính khả thi về kinh tế, đánh giá hiệu quả kinh tế đầy đủ; và (iii) Để tiết kiệm thời lượng cho việc trao đổi đầy đủ có lẽ không nên mời các đối tác nước ngoài tham dự vì có nhiều vấn đề tế nhị và nhậy cảm.

Kinh nghiệm cho thấy tại hội thảo 10/2008 ở Đắk Nông vừa qua, các đối tác nước ngoài chỉ lợi dụng thời lượng của hội thảo để làm marketing và quảng bá cho bản thân họ. Còn trên thực tế họ làm như thế nào thì phía VN (Bộ Cơ khí luyện kim trước kia và TKV ngày nay) đã đi xem, thăm quan, khảo sát gần như khắp TG rồi. Nếu đã mời đối tác nước ngoài, cần mời đầy đủ cả các đối tác cũng đã từng khuyên chúng ta không nên làm ồ ạt như hiện nay (như nhà thầu của Pháp)

Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn các đ/c đã cho phép tôi có dịp trình bầy ý kiến của mình. Xin kính chúc các đồng chí sức khỏe và hạnh phúc.

Kính thư,

TS. Nguyễn Thành Sơn


Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org