Tây Nguyên trước nguy cơ bị tàn phá vì dự án khai thác bauxit
Nguyên Ngọc
Nguồn: Thông Luận ngày 05/03/2009 lúc 02:21:53 EST
Bất chấp những ý kiến phản đối của giới chuyên gia và của dư luận Việt Nam nói chung, Tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là chính phủ vẫn cương quyết thực hiện dự án khai thác bauxit tại vùng Tây Nguyên. Tuy không phải là một nhà khoa học, nhà văn Nguyên Ngọc là người vẫn gất gắn bó với Tây Nguyên và hiểu rất rõ về vùng này. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc về dự án nói trên.
Dự án này đã được phê duyệt từ đầu năm 2007. Trong bản thông báo, thủ tướng Việt Nam giao cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tổ chức một Hội thảo khoa học về việc thăm dò khai thác bauxit, cũng như ảnh hưởng của dự án này đến môi trường. Thế nhưng, ông Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cho báo chí là không được đưa tin về ảnh hưởng của dự án khai thác bauxit đến môi trường ở Tây Nguyên.
Sự bưng bít thông tin này lại càng khiến cho nhiều người dân Việt Nam nói chung và người dân Tây Nguyên nói riêng vẫn mơ hồ về tác động của một dự án mà theo nhiều chuyên gia, không hề có lợi chút nào cả về mặt kinh tế lẫn môi trường, mà lại gây tác hại về nhiều mặt cho vùng Tây Nguyên.
RFI: Ban Việt ngữ RFI rất hân hạn được tiếp chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc hôm nay. Thưa ông, trước hết xin ông nhắc lại những phản ứng của giới chuyên gia và dư luận nói chung về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Trước hết cũng phải nói rằng, thật ra, có hai luồng dư luận : dự luận phản đối những dự án bauxit ở Tây Nguyên và dư luận đồng tình với những dự án đó. Tuy nhiên, số ý kiến không đồng tình thì nhiều hơn rất nhiều. Những ý kiến phản biện đều cho là những dự án đó đều không được về tất cả mọi phương diện. Chiến lược lấy khai thác tài nguyên làm chính là một khái niệm rất cũ, thế giới người đã đi qua cái đó rồi.
Vừa rồi anh Trần Văn Thọ có một bài viết rất hay về quan hệ Bắc - Nam trong sự phát triển. Theo tác giả, phía Nam phải vượt qua giai đoạn chỉ khai thác tài nguyên cho phía Bắc. Điều đó rất đúng. Việt Nam mà cứ lay hoay trong cái đó thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia, những dự án này hoàn toàn không có lợi, mà thậm chí bị thua thiệt rất nhiều về mặt kinh tế.
Đó là nói về ý kiến của giới chuyên gia, con dư luận nói chung quan tâm nhiều đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá xã hội của Tây Nguyên.
RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, theo ông, như vậy những dự án khai thác bauxit sẽ có tác động như thế nào về môi trường và văn hoá, xã hội đối với Tây Nguyên?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Về môi trường tự nhiên, như ta đã biết, Tây Nguyên giống như mái nhà của Đông Dương. Mình làm gì trên cái mái nhà đó, nếu không khéo có thể làm rún động toàn bộ khu vực. Khai thác bauxit thì sẽ hũy hoại rừng, điều đó đã rõ. Như ở Dăk Nong chẳng hạn. Các mỏ bauxit của Tây Nguyên có đặc điểm là lớp quặng rất mỏng, chỉ từ 3 đến 5 mét hoặc nhiều lắm là 5 đến 7 mét. Vì vậy, diện phân bố của nó rất rộng. Trước khi lấy bauxit thì phải phá rừng ở trên, sau đó bóc một lớp đất, rồi sau đó mới đến lớp bauxit.
Cho nên, diện sinh thái bị huỷ hoại, bị thay đổi là rất rộng và như vậy là nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân Tây Nguyên và đến toàn khu vực Nam Đông Dương. Nếu nó ảnh hưởng đến sườn của Cam Bốt thì có nghĩa là nó ảnh hưởng đến cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Tây Nguyên giống như là máy điều hòa khí hậu cho cả vùng Đông Dương. Nếu bị tàn phá thì nó sẽ có ảnh hưởng đến khí hậu của toàn bộ khu vực này.
RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, người dân Tây Nguyên đa số sống nhờ vào các cây công nghiệp. Vậy thì họ có thật sự cảm thấy lo lắng khi thấy chính phủ sẽ triển khai dự án khai thác bauxit, một dự án sẽ phá rất nhiều diện tích canh tác?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Đúng là đa số dân Tây Nguyên sống dựa rất nhiều vào các loại cây công nghiệp, như cao su hay cà phê. Ở trên tôi chỉ mới nói đến tác động về môi trường, về đất đai, nhưng còn phải nói đến nguồn nước nữa. Vấn đề nước ở Tây Nguyên hết sức khó khăn, vì ở vùng này sáu tháng mưa, sáu tháng nắng. Bây giờ, kiếm đủ nước để tưới cho các cây công nghiệp cũng đã là khó khăn. Nếu thực hiện dự án bauxít thì sẽ đòi hỏi rất nhiều nước, cho nên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc canh tác cao su, cà phê.
Thế nhưng, do đa số người dân ở Tây Nguyên không được thông tin đầy đủ, cho nên, có nhiều người nghĩ rằng làm bauxit có nghĩa là công nghiệp hoá, tức là sẽ làm giàu cho các địa phương. Thật ra, kinh nghiệm suốt mấy chục năm qua cho thấy là ở Tây Nguyên chưa bao giờ có nơi nào đưa được người dân bản địa vào trong các nhà máy hiện đại cả. Ngay cả việc trồng cao su, cà phê, nếu sử dụng máy móc hiện đại thì cũng đã khó mà đưa người dân bản địa vào.
Nhiều chuyên gia đã tính toán rằng với số vốn đầu tư đó, thay vì đổ vào dự án bauxit, nếu đổ vào cho cao su và cà phê thì sẽ có lợi hơn rất nhiều, cả về mặt thu nhập lẫn tạo ra công ăn việc làm. Thế nhưng, do không được thông tin đầy đủ, những người nào có quyền lợi bị động chạm trực tiếp thì mới lo lắng, nhưng cũng có những người hy vọng vào dự án đó. Những người chủ trương làm thì chỉ tuyên truyền những cái hay ho, những kết quả tốt đẹp mà bauxit có thể đem lại. Cho nên, không phải ai cũng thấy ngay sự nguy hại, sự thiệt thòi. Chính vì thế mà các chuyên gia phải cố gắng thông tin nhiều hơn nữa cho nhân dân.
RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, là một người thường xuyên đến vùng Tây Nguyên, ông đã chứng kiến những tác hại hại đến môi trường ở Tây Nguyên như thế nào trong những năm qua?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Những năm phát triển vừa qua đã tàn phá Tây Nguyên rất nhiều. Rừng Tây Nguyên nay còn rất ít. Tôi biết rõ là nơi có rừng tốt, tức là nhìn đẹp mắt, nay chỉ còn ở khu vực núi Ngọc Linh, phía Bắc Kon Tum và vùng Kon Plông ở phía Tây Kon Tum. Kon Tum là nơi giữ được rừng tương đối tốt hơn cả. Ngoài ra cũng có một số khu bảo tồn. Nhưng ngay cả những khu đó cũng bị phá nhiều.
Nói chung, so với thời chiến tranh, rừng Tây Nguyên về cơ bản đã mất gần hết. Điều này rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, vì nó gây nên khô hạn, làm đảo lộn khí hậu, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống văn hoá xã hội của Tây Nguyên. Dân Tây Nguyên có nền văn hoá gắn rất chặt với tự nhiên, cho nên khi tự nhiên bị tàn phá thì nó ảnh hưởng rất xấu đến văn hoá và xã hội.
RFI: Vậy thì trong những dự án lớn như vậy, theo ông, chính phủ cần phải công bố rộng rãi cho dân chúng để mọi người biết và tham gia đóng góp ý kiến?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Những việc liên quan trực tiếp đến người dân, dù lớn hay nhỏ, người dân đều phải được thông tin. Bưng bít thông tin với người dân là sai. Người phải có quyền được thông về những việc có liên quan đến họ chứ!
Khai thác bauxit là dự án lớn nhất ở Tây Nguyên từ trước đến nay, vậy mà người dân không được thông tin đầy đủ là không được. Những ý kiến có thể là khác nhau, nhưng phải thông tin cho người dân cả nước biết, đặc biệt là ngươi dân ở Tây Nguyên.
Có những điều mà các nhà khoa học gọi là tri thức bản điạ. Người dân Tây Nguyên sống trong cái môi trường tự nhiên và văn hoá đó từ hàng bao nhiêu nghìn năm nay rồi. Họ có những tri thức đặc biệt, nhờ đó mà họ đã tồn tại và vượt qua những thử thách từ hàng nghìn năm nay. Khi tiến hành những dự án lớn như vậy, nếu không quan tâm xử trí vấn đề tri thức này thì sẽ rất nguy hiểm.
RFI: Trước đây, khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế) đã từng dẹp bỏ dự án bauxít vì thấy không có lợi. Theo ông thì chúng ta có nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, để rút tỉa những kinh nghiệm từ những nước khác đã từng có những dự án tương tự?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi thấy việc thủ tướng giao cho phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức một hội thảo về vấn đề này, trong đó mời cả chuyên gia trong và ngoài nước, là tốt, bởi vì khai thác bauxit là việc mà nhiều nước đã làm. Họ đã từng gặp những thách thức và ta phải xem họ đã giải quyết những thách thức như thế nào, như vấn đề môi trường, bùn đỏ, ảnh hưởng đến tự nhiên và xã hội.
Có nơi giải quyết thành công, nhưng cũng có nơi giải quyết không thành công. Theo tôi biết thì Trung Quốc đã đóng cửa hàng trăm mỏ bauxit và chủ trương là đưa cái đó ra nước ngoài. Tôi nghĩ là cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài.
RFI: Chúng tôi xin cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc.
Thanh Phương thực hiện
Nguồn: Radio RFI, ngày 04/03/2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét