Đời và nhạc Trịnh Công Sơn
Đặng Tiến
Trịnh Công Sơn chánh quán Huế, làng Minh Hương, tổ tiên gốc Trung Hoa. Làng Minh Hương nay sát nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế ngày xưa.
Anh sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Lạc Giao, tỉnh Đắc Lắc, lớn lên trong một gia đình buôn bán giữa trung tâm thành phố Huế. Nhà đông anh chị em, ba trai năm gái, mà anh là con trưởng. Tuy có thăng trầm, nhưng nói chung là khá giả.
Trịnh Công Sơn theo học chương trình Pháp, tại Trung học Pháp tại Huế, đến hết cấp 2. Năm ấy, 1955, cùng lớp có ca sĩ Kim Tước (Giáo sư Decoux, dạy khoa học, thỉnh thoảng mang đàn vĩ cầm vào lớp, đàn đệm cho học sinh hát). Lúc này Trịnh Công Sơn chơi guitare đã hay. Trường giải thể, dời vào Đà Nẵng, Trịnh Công Sơn có lúc theo học trường Thiên Hựu, Providence ở Huế. Rồi chuyển vào Sài Gòn, học tại trường Jean Jacques Rousseau. Sau đó vào học trường Sư Phạm Quy Nhơn, rồi đi dạy học vài năm tại Lâm Đồng.
Anh tự học nhạc một mình, và đã kể lại:
Thưở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitare đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitare như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Đó là những năm 56-57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ… Dạo ấy ba tôi đã mất…[1]
Những câu hỏi người tò mò có thể đặt ra: một người chỉ học trường Pháp, giáo trình Việt ngữ rất hạn chế và lỏng lẻo, khi đặt lời ca, sao có thể sử dụng tiếng Việt điêu luyện đến như thế? Thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn, tham luận, đều xuất sắc. Bạn bè nhận được thư riêng, đều nhớ rằng Sơn chữ đẹp văn hay.
Tự học đàn hát, rồi sáng tác một mình, Trịnh Công Sơn không thuộc một nhóm sáng tác nào, như những người đi trước, như Lê Thương, Hoàng Quý trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước trong nhóm Myosotis tại Hà Nội, nhóm Hoàng Mai Lưu tại Nam Bộ. Cũng như sau này, anh sẽ tự học vẽ một mình.
Câu hỏi tò mò thứ hai: tự học nhạc, rồi từ rất sớm đã lao mình vào đời sống sáng tác và tranh đấu, làm sao anh có thể liên tục sáng tác khoảng 600 ca khúc, phần lớn được yêu chuộng?
Nói rằng Trịnh Công Sơn là thiên tài, cũng dễ thôi. Nhưng trở thành thiên tài trên một đất nước như Việt Nam, được thừa nhận là thiên tài trong một xã hội như Việt Nam — nhất là sau cuộc đổi đời 1975 — thật không đơn giản.
Mục đích của bài này là giải thích sự hình thành của thiên tài Trịnh Công Sơn, giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn và tìm hiểu vị trí của Trịnh Công Sơn trên những trầm luân của đất nước, chủ yếu là khúc quanh 1975.
Chúng tôi cũng muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về sau một số tư liệu rải rác đây đó, e mai đây khó kiếm, khi những than khóc và tung hô đã lắng xuống.
* *
*
Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Đất Việt, năm 1985:
Đến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Đi chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác. [2]
Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.
* *
*
Khi đặt câu hỏi: sao một thanh niên, rất trẻ, chỉ học “trường Tây” mà sử dụng tiếng Việt tài hoa đến vậy, tôi không có thành kiến — vì bản thân mình cũng chỉ học “trường Tây” — mà chỉ muốn tìm hiểu nguồn sáng tạo trong ngôn ngữ.
Trịnh Công Sơn, có lẽ — đây là giả thuyết dè dặt — không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó, nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải hiểu nghĩa chính xác. Ví dụ bài Tình Sầu:
Tình xa như trời / Tình gần như khói mây /
Tình trầm như bóng cây / Tình reo vui trong nắng /
Tình buồn làm cơn say
… Cuộc tình lên cao vút / Như chim mỏi cánh rồi /
Như chim xa lìa bầy / Như chim bỏ đường bay /
Mạch lạc nội tại (cohérence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan ý nghĩa: “tình xa như trời” thì hợp lý, nhưng gần, sao lại như “khói mây”? “Tình lên cao vút,” sao lại “như chim mỏi cánh rồi”? “Tình reo vui trong nắng,” thì phải đối ngẫu với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại say sưa vào đây?
Thật ra, mạch lạc nội tại được cấu trúc trên hình thức ngôn ngữ: những từ lặp lại: tình, chim, như, những vần luyến láy: mây, cây, say, bay, những từ đối lập: xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh nối tiếp nhau, không cần ăn khớp với lý luận, lại được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe.
Chúng ta thử so sánh, để tìm hiểu chứ không phân định hơn thua, một lời nhạc tương tợ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh:
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian …
Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée), nhưng câu sau của Đoàn Chuẩn và Từ Linh được cấu tứ theo ngữ nghĩa và quy ước, theo điển cố: gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu. Nét mới là màu xanh lá thư bị xoá nhoè giữa những ước lệ được liên kết thành một xâu chuỗi kiên cố, chặt chẽ quá làm mất chất thơ. Thêm vào đó là những câu thất ngôn Đường luật rất chỉnh chu:
Lá vàng từng cánh / rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm / trên đất xưa
Bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay rất hay, nhưng hay một cách khác, được yêu chuộng ở một giới thính giả khác.
Phạm Duy, thời trẻ, đã có những sáng tạo tân kỳ:
Buồm về dội nắng đôi vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi
(Tiếng Đàn Tôi, 1947)
Sau đó, anh trở về với ngôn ngữ duy lý:
Bao giờ em giở lại vườn dâu (hỡi em)
Là một câu thơ tuyệt vời: vườn dâu là niềm thương nhớ muôn trùng một nền văn minh đã khuất bóng. Nhưng Phạm Duy lại bồi thêm câu sau:
Để anh bắc gỗ xây nhịp cầu (anh) bước sang…
(Quê Nghèo, 1948)
Thì cái ý đã thu hẹp cái tứ. Câu hát trở thành thô thiển, và giới hạn âm vang. (Tôi đã có dịp trình lên anh Phạm Duy ý này, anh cười vui: thế à?)
Tác phẩm Lê Thương uyên bác cả nhạc lẫn lời, đã được người đời yêu thích. Trịnh Công Sơn sẽ không viết được những câu văn vẻ như Lê Thương:
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng…
(Hòn Vọng Phu)
nhưng đã viết:
Đàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông
(…)
Đàn bò tìm dòng sông
Nhưng dòng nước cạn khô
Đàn bò bỗng thấy buồn,
bỗng thấy buồn…
(Du Mục)
Những hình ảnh ngoài trí tưởng tượng của Lê Thương — ông vua đặt lời ca — theo sự đánh giá của Phạm Duy.
Đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới, phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước.
* *
*
Trịnh Công Sơn tự học nhạc, chứ không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Khi bắt đầu sáng tác, được khích lệ, mới “trao đổi nhạc lý với bạn bè,” anh không nói rõ là những ai.
Câu hỏi thứ hai người tò mò đặt ra là: học nhạc một mình, thì vốn liếng nhạc thuật lấy đâu ra mà sáng tác nhiều, nhanh và hay như thế?
Nhiều người cho là tác phẩm anh đơn giản về mặt nhạc thuật, nói là nghèo nàn cũng được.
Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.” [3]
Lối nhạc hồn nhiên, dung dị này lại đáp ứng lại với nhu cầu thời đại, theo Phạm Duy: “Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại.” [4]
Một thính giả bình thường, yêu quý Trịnh Công Sơn, đã viết sau khi anh qua đời: “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta” (Vũ Thư Hiên, Varsovie, 4/2001). Nhận xét không đúng nhưng tiêu biểu.
Dù cho rằng nhạc thuật đơn điệu, thì cũng phải thừa nhận tài năng, có phần học tập, có phần thiên phú. Hoa hồng đẹp là do cây hồng, nhưng cũng còn nhờ vào đất đai, phân tro, mưa nắng, người chăm sóc, thậm chí cần cả người ngắm, hoa hồng mới có giá trị cái đẹp hoa hồng. Dù ở đây chỉ là một đoá vô thường.
Ta thử nhớ lại thời đại phát sinh tài năng Trịnh Công Sơn.
Năm anh 15 tuổi, 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, cả hai miền Nam Bắc đều hoá thân trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa mới.
Ở miền Nam, văn hoá phương Tây tràn ngập thị trường, nhất định phải ảnh hưởng mạnh mẽ đến tuổi mười lăm.
Sách báo, đĩa nhạc Pháp du nhập ồ ạt vào Việt Nam hằng ngày, giá thực tế rẻ hơn tại Paris nhờ trợ cấp hối đoái, và đây lại là thời kỳ phát minh và phát triển của loại sách bỏ túi và đĩa hát rãnh mịn (microsillon), phát hành rộng rãi, kèm theo những phương tiện truyền thanh mới. Thời trước, tuy Việt Nam là thuộc địa Pháp, nhưng văn chương Pháp chỉ du nhập qua nhà trường, giáo trình dừng lại ở cuối thế kỷ XIX: uyên bác như Xuân Diệu mà không biết Apollinaire. Sau 1954, văn hoá Pháp —và phương Tây — du nhập thẳng vào thị trường. Công chúng đọc Françoise Sagan tại Sài Gòn cùng lúc với Paris. Trên hè phố, nhất là tại các quán cà phê, người ta bàn luận về Malraux, Camus, cả về Faulkner, Gorki, Husserl, Heiddeger.
Nhà văn Bửu Ý, bạn Trịnh Công Sơn — học trước Sơn hai lớp tại Lycée Français Huế — hát Lá Rụng (Les Feuilles Mortes) một lần với Juliette Gréco; Đời Hồng Tươi (La Vie en Rose) một lần với Edith Piaff; Barbara một lần với Yves Montand; trong khi Thanh Tâm Tuyền dịch “Barbara” của Jacques Prévert, đăng trên Sáng Tạo và nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngân nga “Barbara.” Nguyễn Trần Kiềm, bạn cùng lớp với Sơn, đi cyclo che nắng bằng sách của Sartre.
Người ta thắc mắc về những tên ca khúc Trịnh Công Sơn cầu kỳ như Mưa Hồng, Tuổi Đá Buồn, trong khi Thanh Tâm Tuyền viết “Đêm Màu Hồng,” về sau trở thành phòng trà lừng danh, lại viết thêm Lệ Đá Xanh, được danh hoạ Đinh Cường, bạn thân Trịnh Công Sơn, vẽ thành tranh trừu tượng, v.v.
Song hành với sách báo, các cơ quan văn hoá Tây phương mở cửa hoạt động: Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Pháp, Trung Tâm Văn Hoá Đức… dĩ nhiên là với những động cơ chính trị trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chúng tôi không đề cập ở đây, chỉ nhấn mạnh ở ảnh hưởng văn hoá phương Tây thời đó trên đời sống trí thức miền Nam. Những Chiều Chủ Nhật Buồn nằm trong căn gác đìu hiu… Ô hay mình vẫn cô liêu, rồi đến Ngày chủ nhật buồn còn ai, còn ai:… Tuổi buồn Em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ… Không thể không nhắc đến bài Chủ Nhật Buồn, Sombre Dimanche của Seress Rejso, nghe nói đã có người tự tử vì nó. Hay vì những hư vô, cô liêu, hững hờ, thịnh hành một thời. Trong bài viết “Nỗi lòng của tên Tuyệt Vọng” anh đã tiết lộ “tôi vốn thích triết học và vì thế, tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình.” Ví dụ như : “Vết lăn trầm hằn lên phiến đá” mà anh gọi là di thạch: roche errante, người hát không hiểu gì, nhưng vẫn thích hát! Nhưng nói là Rolling Stones cũng không sai.
Ca khúc Trịnh Công Sơn gợi suy tư, đáp ứng lại nhu cầu trí thức chính đáng ở một thiểu số và ảo tưởng trí thức thời thượng ở một đa số, trong đó có các cô cậu, ở mục Tìm Bạn Bốn Phương trên các báo, tự giới thiệu là “yêu màu tím” và “nhạc họ Trịnh,” hay “nhạc TCS” viết tắt.
Thời kỳ này, Nguyễn văn Trung đã viết bài “Ảo ảnh Thanh Thuý.” Nói về ảo ảnh Trịnh Công Sơn, ông ấy cũng có thể viết một bài hay.
Nhạc Trịnh Công Sơn đơn giản: một nhược điểm tạo dựng thành công. Phạm Duy nhận xét về Trịnh Công Sơn “Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này.” Lại là một yêu cầu khác của thời đại: những Georges Brassens, Joan Baez lẫy lừng với cây đàn ghi-ta. Ca khúc Trịnh Công Sơn, có thể hát cho vài người nghe, cho một nhóm, hay trước quảng đại quần chúng. Nó đi vào quần chúng, nhất là giới thanh niên: Nó khác với nhạc phòng trà, có giàn nhạc và do ca sĩ hát, và thính giả đi nghe (và nhìn) ca sĩ nhiều hơn là nghe ca khúc.
Thời Trịnh Công Sơn cũng là thời của các tác-gia-soạn-giả-trình-diễn (auteur compositeur interprète) chẳng bao năm mà trở thành huyền thoại: Jacques Brel, Bob Dylan. Báo chí Mỹ gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan Việt Nam, vì nội dung phản chiến, mà còn vì phong cách trình diễn.
Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc giao hưởng. Những soạn giả bậc thầy của nhạc lý Việt Nam thời đó, như Vũ Thành, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi không có quần chúng.
Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại, sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại, gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.
* *
*
Phân chất những lớp phù sa đã tấp vào dòng nhạc của mình qua những giao lưu văn hoá, Trịnh Công Sơn có nói đến những ảnh hưởng ngoại lai:
Thưở nhỏ tôi rất thích nhạc tiền chiến và có nghe một số nhạc nước ngoài. Những năm 60, tôi có nghe nhạc Blues nói về thân phận của người da đen ở Mỹ. Tôi rất thích nhạc của Louis Amstrong, D. Ellington… Tôi thấy loại nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình. [5]
Và cũng trên số báo Đất Việt đó, anh cho biết thêm về ảnh hưởng: “Những năm 64-66, sáng tác có chất Blues, những năm 67-72, lại mang nhiều chất dân ca.”
“Chất dân ca” ở đây, phải hiểu theo nghĩa folk songs của Bob Dylan và Joan Baez thịnh hành thời đó. Cả hai danh ca đều hơn Sơn hai tuổi, cùng một thế hệ, cùng một lý tưởng chống chiến tranh, cùng một cây ghi-ta, cùng một điệu hát; “dân ca” ở đây không phải là hò mái nhì, hò giã gạo của quê hương. Nhạc dân tộc trong thời gian đầu, dường như không mấy ảnh hưởng đến anh. Những bài theo chủ đề ru con của Trịnh Công Sơn không mấy âm hưởng những bài hát ru em Việt Nam.
Sau này, thỉnh thoảng người nghe có nhận ra chút âm hưởng hò Huế, như trong Thuở Bống Là Người, hay điệu ru dân tộc, như Lời Mẹ Ru Con thì cũng chỉ là đôi biệt lệ, không tiêu biểu.
Gần đây, sách báo thường trích dẫn câu Trịnh Công Sơn: “Tôi chỉ là tên hát rong, đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo.”
Lại phải hiểu chữ “hát rong” theo nghĩa hiện đại: không phải là ông sẩm chợ, hát vè Thất Thủ Kinh Đô ở phố Đông Ba mà Huy Cận đã mô tả, mà hình ảnh người du ca hiện đại, những baladins itinérants trong ca khúc Bob Dylan, trong quan niệm Nhạc Du Bất Tận, Never Ending Tour (1988). Nhà thơ Tô Thùy Yên, chuộng thuyết chính danh, nên đã nói rõ điều này và gọi Trịnh Công Sơn là “người du ca chính hiệu”:
Người du ca là một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn là một nhạc sĩ.
Người du ca thường khi xuất hiện và nổi bật trong những thời đại được coi là u uất nhiễu nhương, những thời đại mà tiếng nói con người bị lấn át, tự do con người bị cưỡng chế, giá trị con người bị hạ thấp, hạnh phúc con người bị tước đoạt và ước vọng con người bị bao vây.
Thành thử những tác phẩm du ca có thể là những tác phẩm yếu hơi, dễ dãi, sơ sài, những tác phẩm thành hình trong một thoáng cảm hứng nhất thời, những tác phẩm như những ký tự ghi chép vội vàng trên một trang giấy tình cờ, và thả bay ngay theo thời thế.
Trong Cõi Tạm, ăn xổi ở thì này, nơi con người chôm liền chộp lẹ mọi cơ hội để mua lẻ và mua rẻ chút hư danh, có người còn viết được những lời như vậy, là nghiêm túc và tâm huyết. Nhất là viết cho một người vừa khác phe, vừa khác phái.
Văn Cao cũng là một người sành chữ nghĩa. Trong câu chuyện thân mật, anh thường nói: “Sơn là một troubadour (kẻ hát rong) có tài.” Nhưng khi viết về Trịnh công Sơn, anh dùng chữ chantre, trang trọng hơn, trong nghĩa “kẻ ngợi ca”: “bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, và biết đau đến tận cùng những nỗi đau của Tổ Quốc Mẹ hiền.”[6] Troubadour hát nhạc mua vui cho trần thế, Chantre hát những Lời Buồn Thánh. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn cũng chỉ tự xưng là troubadour, như tên đặt cho phòng tranh anh triển lãm chung với Đinh Cường, Bửu Chỉ tại Gallery Tự Do, tháng 8/2000.
Năm 1969, bạn anh, họa sĩ Trịnh Cung, đã vẽ bức tranh đẹp, tên là Le troubadour = Kẻ du ca, hát để kêu gọi hoà bình. Những chuyện này đều tương quan với nhau.
Khi Phạm Duy gọi ca khúc Trịnh Công Sơn là những ballades, không cùng một nguồn gốc với chữ baladin, cũng là có ý trang trọng.
Các vị ấy tài cao, ý sâu mà lòng thì rộng rãi; cho nên lời cũng khoáng đạt.
* *
*
Hôm qua trăng sáng lờ mờ
Em đi tát nước, tình cờ gặp Anh
Người con gái Việt Nam da vàng, ngày xưa, đã hát như thế trong ca dao, là để che giấu khát vọng tình yêu, chứ trong đời sống nông thôn thời ấy, làm gì có cái tình cờ.
Đời sống thế giới hiện nay, nghĩ cho cùng, cũng vậy thôi. Những giai điệu blues, nhạc phản kháng Bob Dylan, Joan Baez, thơ Prévert, Aragon, Eluard… Trịnh công Sơn đã gặp gỡ, trên dòng nhạc, dòng thơ, dòng tâm tư. Và dòng lịch sử, dân tộc và thế giới. Trong cao trào lớn của loài người, giữa lòng thế kỷ hai mươi: cao trào giải phóng dân tộc, chủng tộc và giai cấp. Đừng quên việc giải phóng phụ nữ: người phụ nữ Pháp đi phá ngục Bastille từ 1789, mãi đến 1946 mới có quyền đầu phiếu.
Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi: sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của Ý Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Đêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt.
Đan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Đan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn, rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ… ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Đứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao… Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ.
Người đàn bà trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu, thậm chí với tình dục. Nhạc Trịnh Công Sơn không nói đến tình dục, vì nói đến… làm gì?
Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Đò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải… đi lấy chồng: hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ: Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt… Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ… Và, ở một chân trời khác, họ cũng không phải ba đảm đang, ba sẵn sàng, làm Người Mẹ Cầm Súng, xung phong đi gỡ mìn ở Ngã Ba Đồng Lộc…
Sau 1975, khi “Em ở Nông trường, em ra Biên giới” thì người nghe có cảm giác cô Tấm đã trở thành cô Cám, và Trịnh Công Sơn sẽ gào gọi Bống hỡi Bống hời, cô Tấm thỉnh thoảng có tái hiện, nhưng cũng đã tân trang nhiều lắm.
Trong xã hội Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa chắc gì người phụ nữ đã được giải phóng, và tôn trọng đúng mức. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, họ được giải phóng và tôn trọng. Tôn trọng người đàn bà, không phải là tán tỉnh, Trịnh Công Sơn, rất hồn nhiên đã hiểu ra và nói vào điều đó.
* *
*
Nhạc phản chiến, đòi hỏi hoà bình của Trịnh Công Sơn thì nhiều người biết, sẽ có nhiều người viết về đề tài này. Mới đây, trong buổi tưởng niệm Trịnh Công Sơn, tại Californie, anh Đỗ Ngọc Yến có nói rõ và nói đúng, khác với Đỗ Ngọc Yến cách đây 40 năm và 20 năm.
Tôi không đủ thì giờ viết về đề tài này, nhưng sẽ đề cập đến ở một dịp khác, nay chỉ vội nói ngay mấy ý kiến chủ quan:
1. Dù đánh giá ra sao đi nữa, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ này.
Không có Miền Nam, cũng có thể có một Trịnh Công Sơn, nhưng là một Trịnh Công Sơn khác, đại khái như một Phạm Tuyên hay Phan huỳnh Điểu.
2. Chính quyền Cộng Sản, sau 1975, sau những thăm dò, đã lưu dung một phần trong nhạc phẩm Trịnh Công Sơn và đã khéo sử dụng Trịnh Công Sơn. Có thể nói sau 25 năm chiến thắng, thành công hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, của chính sách văn hoá của chính quyền cộng sản, là tiếp thu nhạc Trịnh Công Sơn, mà công đầu là Thành Uỷ TPHCM. Dùng chữ “chính sách,” là để nhìn toàn cảnh, chứ đối với một cá nhân, chắc chỉ có những quyết định cục bộ, nhất thời, bất thành văn. Dù sao, họ cũng chỉ kế thừa kinh nghiệm Liên Xô vào thời kỳ Tân Chính Sách Kinh Tế (NEP) những năm 1920, sau cuộc nội chiến, khi Lenine thu dung những nhà văn, nhà thơ “bạn đường” (Popoutchiki) như Alexis Tolstoi hay Zamiatine.
Trong chiến tranh chống Pháp, người Cộng Sản đã không thu phục được Phạm Duy. Sau 1954, họ không thu phục được Văn Cao. Nhưng sau 1975, họ thu hoạch được Trịnh Công Sơn, như vậy đã là thành công. Thành công về mặt hiện tượng, không phải về mặt bản chất. Về mặt bản chất, chuyên chính vô sản không bao giờ chấp nhận cái gì khác họ, không phải do họ tạo ra. Mặt khác, ca khúc Trịnh Công Sơn trước kia và bây giờ không có “tiêu chuẩn” đáp lại quy luật của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cố gắng đến đâu thì cây cam cũng không tạo được quả chanh. Trước kia “hai mươi năm nội chiến từng ngày” là sai đường lối, bây giờ hỏi “Em còn nhớ hay Em đã quên” vẫn sai lập trường.
Chấp nhận — dù trong giới hạn — những dư vang của một chế độ chính trị mà mình cố công bôi xoá, chính quyền TPHCM, trong chừng mực nào đó, đã nhượng bộ quần chúng, đã gián tiếp thừa nhận mình thất bại, trong việc ngăn chặn nhạc vàng, và nhất là trong việc đào tạo một nền âm nhạc mới đáp ứng với quần chúng. Chính quyền Trung ương Hà Nội ‘wait and see’ để cho TPHCM “phát huy sáng kiến”; nếu rách việc thì ra tay chận đứng một “quyết định địa phương,” nếu vô hại thì án binh bất động, và thêm được tiếng là cởi mở, hoà hợp.
3. Về phía Trịnh Công Sơn, anh cũng khéo thoả hiệp với chính quyền mới. Việc anh ở lại Việt Nam sau 1975, hợp tác với các hội văn nghệ Huế, rồi TPHCM là hợp lý, sau khi đã sáng tác “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm”… Đó là sự chọn lựa tự do của anh. Cũng như Nguyễn Trãi xưa kia, cháu ngoại nhà Trần, mà không phò tá các phong trào kháng chiến Hậu Trần, lại đi hợp tác với đám nông dân Lam Sơn. Hay như Ngô Thời Nhậm, nhiều đời ăn lộc chúa Trịnh vua Lê, mà đã đi hợp tác với nhóm áo vải Tây Sơn. Từ đó người ta có thể thông cảm khi anh làm một số bài ca ngợi chế độ mới, không hay lắm và ít được hát, ít người biết: âu cũng là điều may mắn cho anh, vì anh đã có một số câu chữ không hay và không cần thiết.
Anh là người được hưởng nhiều bổng lộc của chính quyền, nhiều hơn những cán bộ đã vào sinh ra tử trong cả hai cuộc chiến tranh. Anh có thể hát Đời Cho Ta Thế. Thật ra, đời không cho ai cái gì mà chỉ đổi chác; anh đã phải trả giá, có khi là giá rất đắt. Anh không trả thì nhiều người khác phải trả. Ý thức điều đó có lần anh viết:
Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng. Nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì phải có trách nhiệm với mọi người.
Nói thì ngon lành như thế. Thực tế không đơn giản: người ta cho anh bó hoa, chai rượu. Ai cho anh trách nhiệm? Anh hát “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,” khi bạn anh, Thái Bá Vân, nhà phê bình nghệ thuật tài danh, thuộc Viện Mỹ Thuật Hà Nội than: “Một năm không được một ngày vui.” Muốn mua vui, phải vào Sài Gòn… chơi với Sơn. Nhưng chẳng qua là niềm vui của phận “chim lồng cá chậu”; hiểu như thế, bạn bè không đòi hỏi gì nhiều ở một nghệ sĩ yếu đuối, sống chết giữa trùng vây như anh.
Người ta đánh giá một tác giả qua những tác phẩm anh ta đã thực hiện, chứ không qua những tác phẩm mà “lẽ ra” anh ta phải thực thực hiện. Nhân danh cái “lẽ ra” ấy, người làm văn học nghệ thuật đã là nạn nhân của bao nhiêu là oan khiên, oan khốc và oan khuất.
Không những vì chút tình riêng, nhưng còn vì tình đời, luật công bình, luật tương đối, luật chơi, chúng ta nên gạt sang một bên nhiều cái “lẽ ra” đối với Trịnh Công Sơn, mà chỉ xét những cái anh đã làm ra.
4. Qua bốn mươi năm truân chuyên, Trịnh Công Sơn đã có những đóng góp lớn lao vào nền văn học nghệ thuật, vào đời sống xã hội, và lịch sử chính trị. Phần lớn sự nghiệp anh đã thành hình và thành công dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, mà mọi người đã biết. Bài này tạm thời chưa nói đến.
Ngoài quần chúng cũ, nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì yêu thích hay để nhớ lại ngững âm hao xưa cũ, thì thính giả khác, giới thanh niên Việt Nam ngày nay, hay người miền Bắc trước 1975, đón nhận ra sao?
Trong xã hội Việt Nam ngày nay, ca khúc Trịnh Công Sơn mang lại chất Thơ cho đời sống. Nhìn qua một số đĩa hát CD, thu nhiều bài của nhiều soạn giả, thì cái tên chung thường mượn tiêu đề của Trịnh Công Sơn, như Lời Thiên Thu Gọi (Hồng Nhung), Xin Mặt Trời Hãy Ngủ Yên (Mỹ Linh), những tiêu đề nhiều âm vang, nhiều thi vị. Những nhạc sĩ khác, Dương Thụ, Phú Quang, Trần Tiến, Bảo Chấn… đều tài cao, nhưng được đào tạo và trưởng thành trong một xã hội duy dụng và thực dụng, óc sáng tạo cao siêu của họ không đặt ra những câu hỏi vớ vẩn như là Sóng Về Đâu? Vì thực tế: sóng thì… về đâu? Trong một mẩu xã hội nào đó, đặt những câu hỏi như thế, là có cơ nguy bị nhốt vào nhà thương điên.
Chủ nghĩa hiện thực xã hội rất nghiêm khắc, yêu chuộng văn vần, một loại văn xuôi diễn ca (prose versifiée), với điều kiện loại văn vần ấy không có chất Thơ. Thi phẩm của “công thần” Nguyễn Đình Thi còn bị gạt ra nói gì đến “hàng thần” Trịnh Công Sơn? Nhưng ca khúc Trịnh Công Sơn đã lọt qua được các mắt lưới, vì đã cấp thời đáp lại được “lời gọi của khoảng trống” (l’appel du vide) và ca khúc là một thể loại nhẹ, phù phiếm (genre léger), chính quyền dung dưỡng vì có khả năng chận đứng bất cứ lúc nào – như đã làm với nhạc Văn Cao ngày xưa: thậm chí bài Quốc Ca còn bị hăm doạ thay đổi. Và đang làm với Phạm Duy ngày nay. Trong các CD thu tại Việt Nam hiện nay có ai thấy Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc Vũ Thành?
Chính quyền dung dưỡng ca khúc Trịnh Công Sơn không phải vì động cơ nghệ thuật, nhưng như một thế phẩm (ersatz), trong thời kỳ quá độ, như bác sĩ ban thuốc an thần cho bệnh nhân mất ngủ. Trong khi chờ đợi, thính giả hưởng lạc khoản, được ngày nào hay ngày ấy. Họ đang được nghe bài Sóng Về Đâu một trong ca khúc cuối đời Trịnh Công Sơn:
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu
Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao
Xã hội chủ nghĩa có thể tạo ra nhiều bài hát hay hơn. Nhưng tạo ra được cái gì na ná như thế thì vô phương. Thiên tài không phải là người không bắt chước ai, mà là người không để ai bắt chước được mình.
5. Chứng từ cho giá trị một tác phẩm nghệ thuật, là khả năng kết hợp rộng rãi và lâu dài của nó. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát rộng rãi ở Miền Nam trước 1975, chúng ta đã biết. Nhưng trước 1975, Miền Bắc đã nghe và đã thích nhạc này, như Văn Cao đã kể lại[7]. Nguyễn Duy kể thêm rằng ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã nghe:
Mặt trận Đường Chín — Nam Lào (1971)… trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng… Nghe, nghe trộm — vâng, lúc đó gọi là nghe trộm — đài Sài Gòn, tình cờ ‘gặp’ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly… Diễm Xưa… Mưa vẫn mưa rơi… làm sao em biết bia đá không đau… Quỷ thật! giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên ‘ghim’ lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như Cánh Vạc Bay… Quái thật!… Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối ấy… ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy… nhưng còn là cái gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái Đẹp… Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao… Và cũng hơi ma quái thế nào… [8]
Người ác ý có thể ngờ vực: Nguyễn Duy là nhà báo có quyền nghe đài, sau này là bạn rượu của Trịnh Công Sơn, nên thêm thắt. Thì đây, một chứng từ khác đến từ một anh bộ đội, không quen biết gì, không điếu đóm gì với Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn văn Thọ, hiện ở Berlin:
Năm 1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rât tốt.
Đêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn.
Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hoà bình.
Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hoà bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó.
Quý hoá hơn nữa, anh Thọ đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hát Nối Vòng Tay Lớn, buổi trưa ngày 30/4/1975, trên đài Sài Gòn:
Mặt đất bao la… anh em ta về… gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng…”
Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.
Chúng tôi tiến vào Sài Gòn…
Nối Vòng Tay Lớn
Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc thường dễ nổi cáu và nổi doá.
Đấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh.
Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao?
Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó?
Sau này, Thọ sang sinh sống tại Đức, theo diện xuất khẩu lao động, vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn:
Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát ‘Tôi ơi đừng tuyệt vọng’… và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó. [9]
Ở một chân trời khác, nhiều người oán trách Trịnh Công Sơn về việc lên đài hát Nối Vòng Tay Lớn, trưa ngày 30.4.1975. Thật ra, anh có hát hay không hát, thì chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng tan rã. Anh có hát, và có hợp tác với chính quyền mới, âu cũng là một cách cứu vãn vết tích văn hoá của nền Việt Nam Cộng Hoà đã đào tạo ra anh về mặt tài năng và sự nghiệp, thậm chí tạo ra cả một huyền thoại Trịnh Công Sơn.
Một lần nữa, ông Nguyễn Văn Trung, sau “Ảo ảnh Thanh Thúy” nếu viết “Trịnh Công Sơn Thực Chất Và Huyền Thoại” cũng sẽ nghĩ ra nhiều điều hay.
Nếu có ai đó nói rằng: Trịnh Công Sơn là một khổ nhục kế, để kéo dài hơi thở văn hoá của một chế độ chính trị đã bị bức tử, thì là lời đại ngôn, duy cảm, nghịch lý, vớ vẩn.
Vớ vẩn như một số lời ca trong tác phẩm Trịnh Công Sơn. Nhưng biết đâu chẳng là sự thực? Sự thực trong bao nhiêu cái vớ vẩn, kể cả trong lịch sử.
Chế Lan Viên, năm 1984, đã viết: “Văn hoá của thực dân mới là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới. Quân sự, chính trị thực dân mới có chết, có băng hà thì nó cũng truyền ngôi cho văn hoá.”[10] Và Chế Lan Viên không phải là người vớ vẩn, viết lách vớ vẩn.
* *
*
“Không xa đời và cũng không xa mộ người…”
Trịnh Công Sơn đã xa đời lúc 12 giờ 45 tại Sài Gòn, ngày 01.4.2001.
Đám tang ngày 4 tháng Tư, nghe nói lớn lắm, hàng trăm tràng hoa ngập con hẻm 47 Duy Tân. Hàng vạn người đưa tiễn, trong đó có thể có người đi tiễn một điều gì khác, một tâm tình hay u hoài nào đó của riêng mình, chẳng hạn.
André Malraux có nói đâu đây rằng “trong Thiên Chúa Giáo, chỉ có những pho tượng là vô tội.” Trịnh Công Sơn đã sống non nửa sau cuộc đời, trong một chế độ chính trị mà các pho tượng cũng không phải là vô tội.
Những đoá hoa đặt trên mộ Toa, Sơn ơi, không phải là đoá hoa nào cũng vô tội.
Bây giờ moa mới khóc Toa đây. Tại nhà moa, ngồi ở chỗ Toa ưa ngồi vẽ, nhìn dòng sông nhỏ, mà Toa đã gọi là sông An Cựu.
Sơn ơi, đời này, và sang đời khác nữa, làm gì có đến hai dòng sông An Cựu;
an cựu, Sơn ơi.
Đặng Tiến
Orléans, 14.04.2001
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Trịnh Công Sơn, Nhạc và Đời, nxb Tổng Hợp Hậu Giang
[2] Đất Việt, Canada tháng 6, 1986
(Thật ra bài Ướt Mi, làm năm 1958, nxb An Phú, in 1959)
[3] Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, nxb Trẻ, TPHCM, 1991, tr. 115
[4] Phạm Duy, Hồi Ký Thời Phân Chia Quốc Cộng, nxb Phạm duy Cường, California, 1991, tr. 287
[5] Đất Việt, Canada tháng 6,1986
[6] Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, nxb Trẻ, TPHCM, 1991
[7] Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, nxb Trẻ,, TPHCM, 1991.
[8] Nguyễn Duy, trong Tôi Thích Làm Vua, nxb Văn Nghệ, TPHCM, 1987
[9] Nguyễn Văn Thọ, “Nhớ Trịnh Công Sơn,” Nước Đức, ngày 4.4.2001
[10] Chế Lan Viên, “Văn hoá thực dân mới chết hay chưa chết,” trong Ngoại Vi Thơ, tr. 121, nxb Thuận Hoá, Huế, 1987
Đặng Tiến
----------------------
2 bình luận »
Bằng Phong Đặng văn Âu viết:
Ghi chú của BBT Da Màu:
“Bình luận/nhắn tin” dưới đây của ông Đặng Văn Âu vi phạm quy định của tạp chí Da màu. Chúng tôi cho hiển thị chỉ với mục đích tham khảo. Bạn đọc có thể theo dõi phần trả lời của tạp chí Da màu ở đây: Tạp chí Da Màu lên tiếng về bình luận của độc giả Đặng Văn Âu
BBT Da Màu
——————————
Thưa anh < tên bị xóa >,
< đoạn bị xóa để bảo vệ danh tính người nhận>. Tôi vốn qúy Sơn, nhưng từ khi anh ta vâng lệnh Nhà Nước viết thư cho ca sĩ Joan Baez thì tôi đánh giá Sơn thấp. Tôi không hề cho Sơn là cộng sản, vì Sơn cũng thừa biết Cộng Sản không bao giờ cho phép Sơn được tự do sáng tác như ở Miền Nam. Nhưng khi tôi đọc thư Sơn viết cho Ngô Kha (Bửi Ý còn giữ một phiên bản) thì tôi giận Sơn vô cùng, vì một mặt chơi thân với mình, một mặt khác Sơn toa rập với cộng sản. Khi một người mình qúy mến mà lừa mình thì đau hơn là người xa lạ lừa mình.
Tôi thực tình không muốn nhắc đến Sơn, nhưng khi đọc trên Thanh Niên Onliine thấy mấy Việt Cộng nhào ra bênh Sơn bằng lời lẽ trịch thượng như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường miệt thị Trịnh Cung, thì tôi mới lên tiếng. Những người như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa bao giờ bị chính quyền Miền Nam khủng bố đàn áp, lại được học hành tử tế và được tuyển dụng làm giáo sư, mà chạy theo Việt Cộng, dẫn Việt Cộng về tàn sát dân Huế là điều không thể tha thứ được. Đất Nước càng ngày càng tồi tệ, Trung Quốc hống hách, chiếm đất, chiếm biển mà nhân dân bày tỏ sự phẫn nộ thì Nhà Nước CSVN đàn áp. Thế mà những ông VC xưa kia chống ngoại bang (Mỹ) rất hăng hái; còn bây giờ thì câm như hến. Một lũ hèn, bồi bút mà cứ mở miệng ra là tranh đấu!
Chiếm Miền Nam, Việt Cộng hành xử như một bọn thổ phỉ, vơ vét của cải, đuổi dân đi vùng Kinh tế mới để chiếm nhà chiếm đất. Thế mà bọn theo Cộng vẫn gọi đó là cách mạng giải phóng! Đó là cái bất lương của kẻ đã mang danh cầm bút! Trí thức quái gì cái bọn đó!
Nguyễn Đắc Xuân được gọi là “nhà nghiên cứu” mà viết một bài chửi Trịnh Cung thật quá tệ về văn từ và phong cách, lê thê, luộm thuộm, mè nheo …
Vì không biết địa chỉ email của anh, nên tôi phải viết lên Damau.org để hy vọng được anh sẽ đọc đôi điều cảm nghĩ của tôi.
Da Màu có email cho tôi là đã nhận bài viết của tôi và hứa sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Nhưng không thấy Da Màu trả lời thì tôi biết xu hường lập trường của họ.
Kính chúc anh dồi dào sức khỏe để viết khỏe.
Trân trọng,
Bằng Phong Đặng văn Âu (hoalong1@att.net)
.- 18.04.2009 vào lúc 6:21 am
Nguyễn Văn Thà viết:
Xin nói một chút về giả thuyết dè dặt trên kia:
1.
TCS có những bài ca gồm nhiều hình ảnh, biểu tượng xé lẻ, cũng có thể do ông chịu ảnh hưởng kiểu diễn tả những lát đời chắp nối bằng những sắc màu (mosaique) của ngũ quan, của tâm tư trong cuộc đời cũng gồm những lát như thế, như trong nhiều bài trong thơ mới thế kỷ 20 trên thế giới, của Jacques Prévert chẳng hạn, hay Sylvia Plath, hay ai đó nữa ai mà biết được. Nhưng cũng có thể TCS chẳng chịu ảnh hưởng ai cả; tại sao hễ nói đến cái hay, cái tài của một nghệ sĩ Việt Nam thì nhất định phải chịu ảnh hưởng của phương, của phái, của người nước ngoài nào đó. Thú thật tôi đọc rất nhiều các tác phẩm văn, thơ nước ngoài, tôi thấy họ chẳng có gì ghê gớm lắm đâu.
2.
Tôi thấy có một số ca khúc của TCS có tính liên lạc nội tại trong các vế và trong bố cục nữa, mang tính-truyện, có mở, có kết đàng hoàng, ví dụ bài Níu Tay Nghìn Trùng (1) hay bài Lời Mẹ Ru… là những bài thơ có kết cấu cổ điển, và ngôn từ rất Việt Nam nhưng được sắp xếp một cách rất khác người. Ngôn từ đó, lối sắp xếp đó tạo nên những mảng màu, những giòng cảm xúc đánh động được tri giác thẩm mỹ, tâm tư của người nghe, nhất là người Việt. Dùng từ nào, và sắp xếp làm sao, thì ngay chính tác giả cũng không sao giải thích được, dù là tác giả thiên tài. (Tác giả nào giải thích được chuyện mình sáng tác ra sao, tác giả ấy ta không nên tốn thời giờ đọc, nghe họ.)
Vậy, TCS rất rành tiếng Việt, dù ông ta không học chương trình Việt, nhưng còn tiếng mẹ cũa người mẹ mà ông rất thương, xứ Huế, Sài Gòn hay cả một miền Nam với văn hóa Việt cũ, mới được phổ biến, và nở rộ vào thời điểm đó… Không khó lắm để giỏi tiếng Việt trong một môi trường như thế. Tôi biết nhiều người có tú tài Pháp, thậm chí có anh còn được điểm cao nhất các trường Tây toàn Đông Nam Á, khi viết bài thi văn chương Pháp (anh ta viết vể Baudelaire), khi viết văn Việt cũng ngành ngọn như ai. Huống hồ TCS là một thiên tài.
(1)
Níu tay nghìn trùng
Một chiều kia có người tình trẻ
Đi lang thang quanh ngôi thành cổ
Từ bờ môi hát lên nhè nhẹ
Từ lời ca rớt thành cơn mưa
Một chiều kia có mây mù mù
Mây rơi nhanh rơi trên cửa nhà
Người tình kia mất con đường về
Và trời kia mất em từ độ
Mặt trời xa đã bay về gần
Rơi trên sông rơi sau bờ thành
Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn lại em áo lụa thinh không
Mặt trời như trái cây tuyệt vọng
Rơi trong đêm rơi trong đời nàng
Và từ đó có em thì thầm
Lời quạnh hiu suốt con đường tình
Một chiều kia có em buồn buồn
Thân mong manh như lau sậy hiền
Về đồi mây thắp hương nằm mộng
Rồi ngủ quên giữa trời mênh mông
Một chiều kia có em nhẹ nhàng
Đi không nhanh chân không vội vàng
Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh
Về cội xưa níu tay nghìn trùng.
.- 21.04.2009 vào lúc 10:30 am
9/11/09
Đặng Tiến : Học hành tục ngữ, ngôn ngữ
Học hành tục ngữ, ngôn ngữ
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 3 bình luận ♦ 20.10.2009 .
Bài này viết cho mạng Da Màu, trả lời thắc mắc của vài bạn đọc Da Màu về ngôn ngữ. Nó chỉ có nội dung ngôn ngữ học thuần túy, từ tốn đóng khung trong việc chữ nghĩa. Vô bổ cho nhiều người.
Có bạn hỏi về hai câu :
1.có học phải có hạnh
2.có học phải có hành
Thứ tự a, b là theo tiến trình của câu hỏi, không phải là trật tự ưu tiên.
Thắc mắc là: hai câu này có phải là tục ngữ? Là tục ngữ thì câu nào phái sinh câu nào, thậm chí có quan hệ cấu trúc hay không? Nếu không phải là tục ngữ, thì chúng nó ở đâu ra?
Xin lý giải như sau:
1.1 Tục ngữ là câu nói ngắn, thông dụng, súc tích, thu gọn một ý tưởng hay nhận xét về xã hội hay con người. Tục ngữ là câu nói quen tai, quen miệng; khi người sử dụng xem nó là tục ngữ thì nó là tục ngữ.
Người viết lý luận kỹ càng hơn, thường kiểm tra lại câu mà mình cho là tục ngữ, xem nó có trong sách vở hay không, chủ yếu là các bộ sưu tập, như Tục ngữ Phong Dao, 1928 của Nguyễn văn Ngọc, tái bản nhiều lần; có lúc họ dựa trên trí nhớ văn học: « Ở bầu thì tròn » chẳng hạn, nhất định là tục ngữ, vì đã có trong thơ Nguyễn Trãi, từ đầu thế kỷ XV.
Khi không tìm thấy trong văn liệu, thì một là bỏ qua không nhắc tới, hai là đặt nghi vấn.
1.2 Có học phải có hạnh không hiện hình trong các sưu tập, văn liệu mà tôi có dưới tay. Tham khảo các chuyên gia về ngữ học, thì không ai biết, nhưng có người nhớ mài mại là có nghe đâu đó.
Cuối cùng, tìm mãi cũng phải ra: trong Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước), câu Có học phải có hạnh là đầu đề bài số18, trích dẫn một câu nói của Sài Thế Viễn nhân vật trong bài, dịch từ chữ Hán (tr. 23). Sách trong loạt Việt Nam, tiểu học tùng thư, do các nhà giáo Trần trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn văn Ngọc và Đặng đình Phúc soạn thảo, khoảng 1920, do nha học chính Đông Pháp phát hành dưới danh nghĩa Rectorat de l’Université Indochine (Viện Đại Học Đông Dương) và phổ biến ở các trường tiểu học toàn quốc. Bản tôi sử dụng, tái bản 1948, nhưng từ 1935 đã in lại lần thứ 8. Không biết ấn bản đầu tiên là năm nào.
Phụ bản 1: Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước).
Đầu đề bài số 18: Có học phải có hạnh
Phụ bản 2: Bìa sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ấn bản 1948
Câu này, các thầy, cô giáo thường nắn nót chép lên bảng, phía trên cao, trước giờ vào lớp. Lâu ngày nó thành cách ngôn. Xem nó là tục ngữ hay không thì tùy người. Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Hà Nội, 1999, có câu a này. Nhưng không có câu b sau.
1.3 Câu b, có học phải có hành, là tục ngữ, hiện hình trong nhiều sách, cơ bản là các sách chuyên đề: Tục Ngữ Việt Nam [1], 1975, tr. 309, tái bản 1993, tr. 323, của nhóm Chu Xuân Diên, hay sách cùng tên 1995, tr. 118 của nhóm Nguyễn Xuân Kính [2]. Họ đều là chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian. Hai sách chuyên khảo này không ghi câu a. Sưu tập cơ bản của Nguyễn văn Ngọc, 1928, không ghi cả hai câu a lẫn câu b.
2.1 Vấn đề tiếp theo: hai câu a và b có quan hệ không? Theo tôi thì không, chúng nảy sinh và phát triển theo hai mô hình ngôn ngữ khác nhau. Vì không biết câu nào có trước nên không nói được là câu nọ sinh câu kia. Câu b có học có hành thấy trong sưu tập 1975, thì phải xuất hiện trước đó, không biết từ bao giờ. Có học có hạnh có thể xuất hiện từ thập niên 1920, có thể lá sáng kiến của người làm sách giáo khoa, nên không được các chuyên gia xem như tục ngữ, ví dụ và kể cả Nguyễn văn Ngọc là người đồng soạn Quốc văn giáo khoa Thư. Hoặc các tác giả Từ điển Khai Trí Tiến Đức, 1931, cùng ở trong nhóm tu thư này.
Không biết, thì nói là không biết.
2.2 Có học có hành có thể phát triển qua từ kép học hành, vừa láy âm vừa quan hệ nghĩa, thông dụng từ lâu, vì có trong từ điển A.de Rhodes 1651. Hay ca dao :
Làm thơ mà dán gốc chanh,
Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn
Gái bỏ bán buôn, gái còn lịch sự
Trai bỏ học hành, một chữ năm roi
Có học có hành phát triển theo quy luật từ kép nhân đôi. Ví dụ «có tật có tài», «có tiếng có miếng», tạo ra tục ngữ, thành ngữ tứ tự, bốn chữ, thường gặp trong các ngôn ngữ đơn âm, như tiếng Việt, tiếng Hoa…
Về mặt ý tưởng, khái niệm «học hành» gặp tư tưởng «tri hành» ngày xưa, «biết dễ, làm khó» (tri dị hành nan). Tôn Văn đổi lại: «biết khó, làm dễ» để khuyến học. Sau này lại gặp tư tưởng phương tây: lý thuyết (học) nên đi đôi với thực hành, một phương châm đắc dụng trong trường học ngày nay.
2.3 Câu «có học phải có hạnh» cũng có thể phát xuất từ hai khái niệm học và hạnh, dù rằng tiếng Việt không có từ kép «học hạnh», có lẽ vì chữ học là động từ, chữ hạnh là danh từ. Nhưng về âm vang, thì hai từ này đôi lứa xứng đôi.
Trong truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều bị Thúc Ông truy tố, và được quan tòa tha, câu 1469, vì:
«Thương vì hạnh, trọng vì tài».
Hạnh đây là nết na, và tài là tài làm thơ của cô gái lầu xanh. Có thể câu thơ đi từ tục ngữ «hữu tài vô hạnh» được ghi trong Từ điển Khai Trí. Từ vô hạnh khá thông dụng.
Nết na, là một quan tâm của nhà nho xưa. Khi bước vào trường quốc ngữ đầu thế kỷ 20 thì họ chuyển vào sách giáo khoa: «có học phải có hạnh», phát huy ý tưởng đạo đức, hạnh kiểm, vào cách ngôn êm tai : học – hạnh.
2.4 Xin đề xuất thêm một giả thuyết. Việt Nam bước vào thế kỷ XX, Âu hóa và canh tân, giống như Âu Châu khi bước vào thời Phục Hưng, với những tiến bộ tư tưởng và khoa học. Các nhà nho cuối mùa làm Quốc văn Giáo khoa Thư, vào lúc giao thời, là những nhà tân học đầu mùa; họ còn nặng ảnh hưởng văn hóa cổ truyền, mà lại nồng nhiệt với trào lưu khoa học mới, nên tâm đắc với câu nói của Rabelais, thời Phục Hưng, mà khi đi học, họ phải học thuộc lòng.
Và phải bình giảng trong luận văn: Science sans conscience n’est que ruine de l’âme (Tri thức không có lương thức chỉ là tàn tạ của tâm hồn). Các cụ rất khoái những câu như thế này, văn Tây mà ngân nga như tứ thư, ngũ kinh: cũng đối ngẫu, cũng luyến láy, cũng hình tượng và cũng đạo lý như…Ta! Hay không kém gì Ta!
Kết quả: tri thức mà không có lương thức… trong ý thức hay vô thức, nó sinh ra một cái gì đó, na ná, xêm xêm, như… có học phải có hạnh.
Nhưng đây là giả thuyết của tôi, chỉ đáng giá đúng cái giá của nó. Nghĩa là không bao lăm.
Đặng Tiến
16-10-2009
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương văn Đang, Phương Tri, nxb Khoa Học Xã Hội, 1975, và 1993, Hà Nội
[2] Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Xuân Kính, Phan Hồng Sơn, nxb Văn Hóa, 1995, Hà Nội.
------------
3 bình luận »
đứa bé viết:
Lại cũng là dấu nặng lắc lơ lâu lâu rồi. Đứa bé kính gởi đến Học giả Đặng Tiến mấy lời :
1) Có học phải có hạnh : câu này không bền bĩ và ít người biết có lẽ vì 2 lý do :
a) Về đồng nghĩa, câu này không mang sức nặng và chiều sâu tư tưởng bằng câu Tiên học lễ hậu học văn.
b) Chữ HẠNH rất mông lung, mông lung cả trong cái đạo Công dung ngôn hạnh, càng mông lung hơn trong câu Kiều 1469 : Thương vì hạnh trong vì tài. Hạnh của Kiều là hạnh gì ? Hạnh làm sao ? Cần phải bàn lại.
2) Ngay trong câu chuyện của Sài Thế Viễn, không ai không nhận ra 2 chữ Học – Hành đã được sử dụng. Chữ Hạnh chỉ là nói tắt của Phẩm hạnh. Lại phải nói rõ chút nữa :
a) Hạnh không thể xứng đôi vừa lứa với Học để thành 1 câu lưu đời được. Trong nội hàm chữ Học đã có chữ Hạnh. Học ăn học nói học gói học mở. Học kĩ thuật, học kinh thư, học đạo đức, học yêu đương… Như vậy, nôm na, Hạnh cũng chỉ là một môn học.
b) Học đi đôi với hành : đúng như Học giả Đặng Tiến xét, 2 từ này mới thực sự tạo nên một trường nghĩa bền lâu và có giá trị.
Đứa bé nôm na non nớt vậy thôi.
.- 20.10.2009 vào lúc 9:10 pm
Lê Hữu viết:
Phần lý giải và truy tầm gốc gác hai câu “Có học phải có hạnh” và “Có học phải có hành”.
của anh Đặng Tiến rất đạt tình đạt lý, lại có trưng dẫn tài liệu rất “có sức thuyết phục”.
Phải phục cung cách làm việc rất cẩn trọng của anh Đặng Tiến, đã soi sáng thêm về… “ngôn ngữ”, “tục ngữ”.
Về tài liệu “Quốc văn giáo khoa thư” ấy, tôi cũng đọc được trên online trước đây thưa anh, nay được xem bản chụp của anh, càng thêm mức khả tín.
Một tài liệu tương tự, sách “Luân-lý Giáo-khoa thư” lớp Sơ-đẳng, cũng do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, Nha Học-chính Đông-pháp xuất bản (1941, in lần thứ 13), cũng có câu ấy, “Có học phải có hạnh” (trang 24), được minh họa bằng chuyện kể về Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu. Bên dưới là một trong các link dẫn vào trang web chụp lại một số trang của tài liệu này. Anh có thể vào xem cho vui:
http://vietnamlibrary.informe.com/lunon-ln-ginoo-khoa-th-vtddam-trang-1-50-dt2500.html
Thân kính,
.- 21.10.2009 vào lúc 8:28 am
Đặng Tiến viết:
Nết na trả lời anh Đứa Bé:
1.Trong câu Kiều 1469, chữ hạnh nghĩa là nết na, chủ yếu là của người phụ nữ; đây cũng là nội hàm chính của chữ ấy.
Đào duy Anh có lý khi giải thích dứt khoát như vậy.
Kiều, cô gái lầu xanh , khi ấy đã trả lời quan phủ, bằng câu 1423, để đời:
“Đục trong thân cũng là thân”.
Nhà thơ Vũ hoàng Chương, giai đoạn cuối,1976, khẳng định tư cách của mình với câu này.
2.Trên cơ bản, anh không phản biện, mà đã cũng cố thêm quan điểm của tôi. Chỉ sợ mất lòng người khác.
Thôi,bỏ qua đi,phiên phiến thôi.
Nói sang chuyện khác.
Đặng Tiến
.- 21.10.2009 vào lúc 9:34 am
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 3 bình luận ♦ 20.10.2009 .
Bài này viết cho mạng Da Màu, trả lời thắc mắc của vài bạn đọc Da Màu về ngôn ngữ. Nó chỉ có nội dung ngôn ngữ học thuần túy, từ tốn đóng khung trong việc chữ nghĩa. Vô bổ cho nhiều người.
Có bạn hỏi về hai câu :
1.có học phải có hạnh
2.có học phải có hành
Thứ tự a, b là theo tiến trình của câu hỏi, không phải là trật tự ưu tiên.
Thắc mắc là: hai câu này có phải là tục ngữ? Là tục ngữ thì câu nào phái sinh câu nào, thậm chí có quan hệ cấu trúc hay không? Nếu không phải là tục ngữ, thì chúng nó ở đâu ra?
Xin lý giải như sau:
1.1 Tục ngữ là câu nói ngắn, thông dụng, súc tích, thu gọn một ý tưởng hay nhận xét về xã hội hay con người. Tục ngữ là câu nói quen tai, quen miệng; khi người sử dụng xem nó là tục ngữ thì nó là tục ngữ.
Người viết lý luận kỹ càng hơn, thường kiểm tra lại câu mà mình cho là tục ngữ, xem nó có trong sách vở hay không, chủ yếu là các bộ sưu tập, như Tục ngữ Phong Dao, 1928 của Nguyễn văn Ngọc, tái bản nhiều lần; có lúc họ dựa trên trí nhớ văn học: « Ở bầu thì tròn » chẳng hạn, nhất định là tục ngữ, vì đã có trong thơ Nguyễn Trãi, từ đầu thế kỷ XV.
Khi không tìm thấy trong văn liệu, thì một là bỏ qua không nhắc tới, hai là đặt nghi vấn.
1.2 Có học phải có hạnh không hiện hình trong các sưu tập, văn liệu mà tôi có dưới tay. Tham khảo các chuyên gia về ngữ học, thì không ai biết, nhưng có người nhớ mài mại là có nghe đâu đó.
Cuối cùng, tìm mãi cũng phải ra: trong Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước), câu Có học phải có hạnh là đầu đề bài số18, trích dẫn một câu nói của Sài Thế Viễn nhân vật trong bài, dịch từ chữ Hán (tr. 23). Sách trong loạt Việt Nam, tiểu học tùng thư, do các nhà giáo Trần trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn văn Ngọc và Đặng đình Phúc soạn thảo, khoảng 1920, do nha học chính Đông Pháp phát hành dưới danh nghĩa Rectorat de l’Université Indochine (Viện Đại Học Đông Dương) và phổ biến ở các trường tiểu học toàn quốc. Bản tôi sử dụng, tái bản 1948, nhưng từ 1935 đã in lại lần thứ 8. Không biết ấn bản đầu tiên là năm nào.
Phụ bản 1: Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước).
Đầu đề bài số 18: Có học phải có hạnh
Phụ bản 2: Bìa sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ấn bản 1948
Câu này, các thầy, cô giáo thường nắn nót chép lên bảng, phía trên cao, trước giờ vào lớp. Lâu ngày nó thành cách ngôn. Xem nó là tục ngữ hay không thì tùy người. Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Hà Nội, 1999, có câu a này. Nhưng không có câu b sau.
1.3 Câu b, có học phải có hành, là tục ngữ, hiện hình trong nhiều sách, cơ bản là các sách chuyên đề: Tục Ngữ Việt Nam [1], 1975, tr. 309, tái bản 1993, tr. 323, của nhóm Chu Xuân Diên, hay sách cùng tên 1995, tr. 118 của nhóm Nguyễn Xuân Kính [2]. Họ đều là chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian. Hai sách chuyên khảo này không ghi câu a. Sưu tập cơ bản của Nguyễn văn Ngọc, 1928, không ghi cả hai câu a lẫn câu b.
2.1 Vấn đề tiếp theo: hai câu a và b có quan hệ không? Theo tôi thì không, chúng nảy sinh và phát triển theo hai mô hình ngôn ngữ khác nhau. Vì không biết câu nào có trước nên không nói được là câu nọ sinh câu kia. Câu b có học có hành thấy trong sưu tập 1975, thì phải xuất hiện trước đó, không biết từ bao giờ. Có học có hạnh có thể xuất hiện từ thập niên 1920, có thể lá sáng kiến của người làm sách giáo khoa, nên không được các chuyên gia xem như tục ngữ, ví dụ và kể cả Nguyễn văn Ngọc là người đồng soạn Quốc văn giáo khoa Thư. Hoặc các tác giả Từ điển Khai Trí Tiến Đức, 1931, cùng ở trong nhóm tu thư này.
Không biết, thì nói là không biết.
2.2 Có học có hành có thể phát triển qua từ kép học hành, vừa láy âm vừa quan hệ nghĩa, thông dụng từ lâu, vì có trong từ điển A.de Rhodes 1651. Hay ca dao :
Làm thơ mà dán gốc chanh,
Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn
Gái bỏ bán buôn, gái còn lịch sự
Trai bỏ học hành, một chữ năm roi
Có học có hành phát triển theo quy luật từ kép nhân đôi. Ví dụ «có tật có tài», «có tiếng có miếng», tạo ra tục ngữ, thành ngữ tứ tự, bốn chữ, thường gặp trong các ngôn ngữ đơn âm, như tiếng Việt, tiếng Hoa…
Về mặt ý tưởng, khái niệm «học hành» gặp tư tưởng «tri hành» ngày xưa, «biết dễ, làm khó» (tri dị hành nan). Tôn Văn đổi lại: «biết khó, làm dễ» để khuyến học. Sau này lại gặp tư tưởng phương tây: lý thuyết (học) nên đi đôi với thực hành, một phương châm đắc dụng trong trường học ngày nay.
2.3 Câu «có học phải có hạnh» cũng có thể phát xuất từ hai khái niệm học và hạnh, dù rằng tiếng Việt không có từ kép «học hạnh», có lẽ vì chữ học là động từ, chữ hạnh là danh từ. Nhưng về âm vang, thì hai từ này đôi lứa xứng đôi.
Trong truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều bị Thúc Ông truy tố, và được quan tòa tha, câu 1469, vì:
«Thương vì hạnh, trọng vì tài».
Hạnh đây là nết na, và tài là tài làm thơ của cô gái lầu xanh. Có thể câu thơ đi từ tục ngữ «hữu tài vô hạnh» được ghi trong Từ điển Khai Trí. Từ vô hạnh khá thông dụng.
Nết na, là một quan tâm của nhà nho xưa. Khi bước vào trường quốc ngữ đầu thế kỷ 20 thì họ chuyển vào sách giáo khoa: «có học phải có hạnh», phát huy ý tưởng đạo đức, hạnh kiểm, vào cách ngôn êm tai : học – hạnh.
2.4 Xin đề xuất thêm một giả thuyết. Việt Nam bước vào thế kỷ XX, Âu hóa và canh tân, giống như Âu Châu khi bước vào thời Phục Hưng, với những tiến bộ tư tưởng và khoa học. Các nhà nho cuối mùa làm Quốc văn Giáo khoa Thư, vào lúc giao thời, là những nhà tân học đầu mùa; họ còn nặng ảnh hưởng văn hóa cổ truyền, mà lại nồng nhiệt với trào lưu khoa học mới, nên tâm đắc với câu nói của Rabelais, thời Phục Hưng, mà khi đi học, họ phải học thuộc lòng.
Và phải bình giảng trong luận văn: Science sans conscience n’est que ruine de l’âme (Tri thức không có lương thức chỉ là tàn tạ của tâm hồn). Các cụ rất khoái những câu như thế này, văn Tây mà ngân nga như tứ thư, ngũ kinh: cũng đối ngẫu, cũng luyến láy, cũng hình tượng và cũng đạo lý như…Ta! Hay không kém gì Ta!
Kết quả: tri thức mà không có lương thức… trong ý thức hay vô thức, nó sinh ra một cái gì đó, na ná, xêm xêm, như… có học phải có hạnh.
Nhưng đây là giả thuyết của tôi, chỉ đáng giá đúng cái giá của nó. Nghĩa là không bao lăm.
Đặng Tiến
16-10-2009
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương văn Đang, Phương Tri, nxb Khoa Học Xã Hội, 1975, và 1993, Hà Nội
[2] Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Xuân Kính, Phan Hồng Sơn, nxb Văn Hóa, 1995, Hà Nội.
------------
3 bình luận »
đứa bé viết:
Lại cũng là dấu nặng lắc lơ lâu lâu rồi. Đứa bé kính gởi đến Học giả Đặng Tiến mấy lời :
1) Có học phải có hạnh : câu này không bền bĩ và ít người biết có lẽ vì 2 lý do :
a) Về đồng nghĩa, câu này không mang sức nặng và chiều sâu tư tưởng bằng câu Tiên học lễ hậu học văn.
b) Chữ HẠNH rất mông lung, mông lung cả trong cái đạo Công dung ngôn hạnh, càng mông lung hơn trong câu Kiều 1469 : Thương vì hạnh trong vì tài. Hạnh của Kiều là hạnh gì ? Hạnh làm sao ? Cần phải bàn lại.
2) Ngay trong câu chuyện của Sài Thế Viễn, không ai không nhận ra 2 chữ Học – Hành đã được sử dụng. Chữ Hạnh chỉ là nói tắt của Phẩm hạnh. Lại phải nói rõ chút nữa :
a) Hạnh không thể xứng đôi vừa lứa với Học để thành 1 câu lưu đời được. Trong nội hàm chữ Học đã có chữ Hạnh. Học ăn học nói học gói học mở. Học kĩ thuật, học kinh thư, học đạo đức, học yêu đương… Như vậy, nôm na, Hạnh cũng chỉ là một môn học.
b) Học đi đôi với hành : đúng như Học giả Đặng Tiến xét, 2 từ này mới thực sự tạo nên một trường nghĩa bền lâu và có giá trị.
Đứa bé nôm na non nớt vậy thôi.
.- 20.10.2009 vào lúc 9:10 pm
Lê Hữu viết:
Phần lý giải và truy tầm gốc gác hai câu “Có học phải có hạnh” và “Có học phải có hành”.
của anh Đặng Tiến rất đạt tình đạt lý, lại có trưng dẫn tài liệu rất “có sức thuyết phục”.
Phải phục cung cách làm việc rất cẩn trọng của anh Đặng Tiến, đã soi sáng thêm về… “ngôn ngữ”, “tục ngữ”.
Về tài liệu “Quốc văn giáo khoa thư” ấy, tôi cũng đọc được trên online trước đây thưa anh, nay được xem bản chụp của anh, càng thêm mức khả tín.
Một tài liệu tương tự, sách “Luân-lý Giáo-khoa thư” lớp Sơ-đẳng, cũng do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, Nha Học-chính Đông-pháp xuất bản (1941, in lần thứ 13), cũng có câu ấy, “Có học phải có hạnh” (trang 24), được minh họa bằng chuyện kể về Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu. Bên dưới là một trong các link dẫn vào trang web chụp lại một số trang của tài liệu này. Anh có thể vào xem cho vui:
http://vietnamlibrary.informe.com/lunon-ln-ginoo-khoa-th-vtddam-trang-1-50-dt2500.html
Thân kính,
.- 21.10.2009 vào lúc 8:28 am
Đặng Tiến viết:
Nết na trả lời anh Đứa Bé:
1.Trong câu Kiều 1469, chữ hạnh nghĩa là nết na, chủ yếu là của người phụ nữ; đây cũng là nội hàm chính của chữ ấy.
Đào duy Anh có lý khi giải thích dứt khoát như vậy.
Kiều, cô gái lầu xanh , khi ấy đã trả lời quan phủ, bằng câu 1423, để đời:
“Đục trong thân cũng là thân”.
Nhà thơ Vũ hoàng Chương, giai đoạn cuối,1976, khẳng định tư cách của mình với câu này.
2.Trên cơ bản, anh không phản biện, mà đã cũng cố thêm quan điểm của tôi. Chỉ sợ mất lòng người khác.
Thôi,bỏ qua đi,phiên phiến thôi.
Nói sang chuyện khác.
Đặng Tiến
.- 21.10.2009 vào lúc 9:34 am
Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng
Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦
♦ 23.04.2009 .Bài báo « Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị » của Trịnh Cung trên mạng Damau.org ngày 01.4.2009 đã gây ra nhiều âm thanh và cuồng nộ.
Là người có dính líu ít nhiều đến nội vụ, tôi đã được bạn bè yêu cầu lên tiếng. Đáp lại những yêu cầu chính đáng ấy – nhất là từ mạng damau.org – tôi xin nói ngay, vắn tắt:
a) Tôi không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, về đại ý cũng như cung cách diễn đạt. Nhưng theo một châm ngôn, tương truyền của Voltaire: “tôi không tán thành những điều anh nói, nhưng nguyện phấn đấu đến tàn hơi, để anh được nói lên những điều đó”. Điều này, tôi học lóm được nơi các nhà tranh đấu cho dân chủ ở phương Tây.
b) Bài báo của Trịnh Cung nêu lên một câu hỏi chính trị; cuộc tranh luận gay gắt từ lúc đầu, kéo dài đến hôm nay – hơn ba tuần – mang bản chất chính trị, không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.
Có những tranh luận nâng cao, mở rộng tư cách người viết và người đọc. Có những tranh luận làm con người thấp xuống, nhỏ lại. Biết vậy, mà vẫn phải nhận.
c) Trước một án mạng, người điều tra thường đặt câu hỏi: án mạng có lợi cho ai?
Trước hằng loạt bài báo gây thương tổn, tôi thắc mắc: cuộc tranh luận không tốt đẹp này, có lợi cho ai?
Tôi không có câu trả lời. Người nào có được giải đáp, tấc lòng sẽ thanh thản hơn.
Chấm dứt phần chính yếu.
Dưới đây, chỉ là phụ chú.
*
Nói là dính líu đến nội vụ vì tôi thân thiết với nhạc sĩ đã quá cố và họa sĩ suýt quá cố. Cách đây hơn tháng, từ Pháp về nước, ghé Sài gòn hơn tuần, tôi đã đến thắp hương cho Sơn hai lần, một lần đi với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vào, một lần với nhà văn Lữ Quỳnh từ Mỹ về, vào chiều 27 tháng hai. Trước và vào ngày đó, tôi có gặp, đi ăn cơm và rong chơi với Trịnh Cung nhiều lần. Để nói rằng giữa chúng tôi, không có vấn đề gì.
Ngoài ra, với những nhân vật chính yếu được nhắc nhở tới, với tôi đều là chỗ “thâm giao” (chữ này của Trịnh Cung). Do đó nhiều người muốn tôi lên tiếng.
A – Tham vọng hay không ?
A1. Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. Cả hai ông họ Trịnh là những công dân giàu lòng ưu ái với đất nước. Vậy thôi.
A2. Bài báo của Trịnh Cung không chứng minh được tham vọng chính trị của nhạc sĩ. Cao điểm của bài là đoạn TCS cuối tháng 4-1975 chờ chức Quốc vụ Khanh. Đây quả là “tham vọng”. Nhưng TC nhớ nhầm thời điểm: chuyện xảy ra khoảng 1970, và do lời Nguyễn hữu Đống kể lại. Đống là ai, thì TC đã nói rõ. Nhưng sự kiện và thời điểm, vẫn theo lời Đống là thế này: khoảng 1970, chiến tranh tàn khốc và trở thành phi lý, vì đã có Hòa hội Paris. Đống và các bạn âm mưu một cuộc đảo chánh trong hòa bình, với lực lượng thanh niên, sinh viên thành phố biểu tình, đốt đuốc tuần hành, và sẽ có những đơn vị quân đội lật đổ chính quyền Thiệu. Âm mưu mà thành công, thì người bạn của Đống (không phải là anh rể), là TCS, sẽ giữ bộ văn hóa, nhạc Kinh Việt Nam (1968) sẽ được dùng làm quốc ca.
Đống cũng còn nói loạt bài Kinh Việt Nam là do anh gợi ý cho tác giả. Tôi cho rằng không đúng.
Đặng Tiến & Nguyễn Hữu Đống
Đấy là lời Đống, kể cho nhiều người nghe, có lẽ cho TC năm 1992, và cho tôi nghe nhiều lần, lần cuối vào tháng 12.2007 tại nhà tôi, tại Pháp. Trước đó ít lâu, anh có kể cho Nguyễn Đắc Xuân, ông này viết lại nguyên si trên tạp chí Hồn Việt, số 1, tháng 7-2007, mà không mách xuất xứ.
Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch.
A3. Chi tiết này chứng tỏ TC không am tường chính trị. Những ngày cuối tháng 4-1975, Sài gòn sống trên dầu sôi lửa bỏng. Việc thành lập chính quyền Dương văn Minh với thủ tướng Vũ văn Mẫu là cuộc thương lượng gian nan. Làm sao có chỗ đứng cho phó thủ tướng Nguyễn hữu Đống hay quốc vụ khanh Trịnh Công Sơn ? Làm sao TCS lại là đại diện Phật giáo ? Sơn là phật tử nhưng có hoạt động cho đảng phái Phật giáo ngày nào đâu ? Đại diện Phật giáo lúc ấy là thủ tướng Vũ văn Mẫu. Đại diện Công giáo là Nguyễn văn Huyền, phó thủ tướng hay phó tổng thống gì đó. TC bỏ công đi hỏi Lý Quý Chung làm gì ?
Một khi không am tường chính trị và thời sự thì làm sao gán cho người khác tham vọng chính trị ?
Ngoài ra, chính TC cũng nhận xét « không có chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa MTGPMN và TCS… (…) TCS không ở trong một đường dây nào của tổ chức ».
Muốn có tham vọng chính trị thì phải có đảng phái, đoàn thể. Ba tập nhạc phản chiến không đủ chứng minh « ý thức làm chính trị chống chế độ Sài gòn » như TC nói. TCS chỉ chống chiến tranh qua sáng tác âm nhạc, chứ không « làm chính trị chống chế độ ».
Và rồi nhiều bài trong ba tập nhạc phản chiến nói trên hiện nay vẫn không được hát.
Độc giả nào đọc đến đây, nghĩ như tôi rằng TC không am tường chính trị, thì có thể chia sẻ với tôi : cuộc tranh luận này có đáng gì đâu mà phải ồn ào và nặng lời với nhau.
A4. Vậy thì nguồn gốc tranh biện ở đâu ?
Nó bắt nguồn từ hiềm khích của TC với TCS, đã có từ lâu, về việc TCS hợp tác với chính quyền sau 1975. Năm 1978, TC đi học tập về, TCS xin được hộ khẩu từ Huế vào lại Sài gòn. Mùa hè 1979, tôi từ Pháp về thăm nhà. Tháng 8.1979, gặp TC tại Sài gòn, tôi hỏi : « Lâu nay ông có gặp Sơn không ? ». Đáp : « Moa không chơi với nó ». Hỏi : « tại sao ». Đáp : « Nó thỏa hiệp với chính quyền ». Hỏi : « Thì phải làm vậy để sống và sáng tác chớ ? ». Đáp : « Nhưng nó không cần làm tới mức đó ». Hỏi : « Bây giờ tôi đi gặp nó, ông có đi với tôi không ? ». Đáp : « Ừ, đi thì đi ».
Vậy là tối hôm ấy, hai ông đã tái hợp tại nhà thân nhân tôi, số 4 đường Phan Kế Bính, quận 1, cùng với nhiều bạn họa sĩ, bạn cũ, có thêm người mới nhập tịch là họa sĩ Lưu Công Nhân.
Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».
Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra.
A5. Nhưng tại sao hôm nay anh mới nói ra và phát biểu dữ dằn như vậy, lại nhằm ngày giỗ bạn ?
Xin thưa : Để giải tỏa những ẩn ức, bức xúc làm cho anh « quằn quại ». Ngày TCS mất, TC đang ở Mỹ và lâm bệnh, tưởng là nan y. Trong buổi tưởng niệm TCS do báo Người Việt tổ chức tại quận Cam, đầu tháng tư, năm 2001, anh đã phát biểu hăng say, ca ngợi TCS hết mình, tại một miền đất khách gồm nhiều người căm hận TCS. TC tự cho mình là chí tình và dũng cảm. Bây giờ về lại quê nhà, giữa một rừng hợp xướng tụng ca chối tai thì TC ngột ngạt, ân hận rằng có lúc nào đó mình đã nói quá đà. Những lời mình xưng tụng bạn, thì cũng na ná như bản đồng ca. Còn những u uất của riêng mình, của bè bạn, và của khối quần chúng không có tiếng nói thì không phát biểu được. Vậy TC phải nói, trên một mạng lưới điện tử ở hải ngoại, cho được tự do.Và nói vào ngày giỗ, vì trước kia mình đã phát ngôn vào ngày tưởng niệm. Mình chỉ nói được nửa sự thật, thì bây giờ nói nửa phần còn lại. Do đó hai diễn ngôn, 2001 và 2009 mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch. Kỳ thật, đây là hai mặt của một đồng tiền, không mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau. Nó còn biểu hiện cái lô gíc trong nội tâm, ý thức, và tiềm thức của một TC ẩn ức muốn tự giải thoát ra khỏi « ngục tù trong tôi suốt 30 năm qua » bằng một bài viết với kết luận « không còn một sự lựa chọn nào khác ».
Tiếc rằng tâm sự của anh bị phản kích kịch liệt. Một phần lỗi tại anh : bài viết thô tháp, thiếu tập trung, thiếu chính xác. Phần khác, còn nhiều lý do ngoài sự dự đoán của anh.
Khoảng 1956, Nguyễn Tuân lên thượng du, từ Sapa gửi về Tô Hoài một lá thư không ghi ngày tháng, khoảng 100 chữ vu vơ, kèm theo tái bút : « Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó ». Bây giờ TC chạm vào tổ ong, đành phải chịu hậu quả.
Nhưng vẫn còn những thắc mắc, ví dụ câu hỏi của Lữ Phương, hay Phương Ngạn trên mạng Eo gió : « phải chăng có một thế lực nào đó đang đứng sau lưng TC, xúi dục ông đi ngược với lương tri ?».
Tôi nghĩ trả lời được : Không có thế lực nào xui dục TC (và Phương Ngạn), anh cũng không đi ngược lại lương tri mà trái lại còn tuân theo thôi thúc của lương tri.
Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ngược lại tôi: đằng sau tràng đại pháo oanh kích tự do lên TC, thì có thế lực nào chăng ? Thì tôi chịu thua, không trả lời nổi.
Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống như trong mê hồn trận : ngẩng lên thì sợ đầu chạm tổ ong, bước xuống thì sợ chân đạp tổ kiến. Trong một cuộc đời lắm ong nhiều kiến.
A6. Tiện việc, cũng nói qua về cái tên Trịnh Cung : tôi hoàn toàn không biết gì về việc anh mượn họ của người bạn nhạc sĩ để làm bút danh. Thời 1962, tôi quen anh, chưa có bút danh này. Bức tranh Mùa thu tuổi nhỏ – được giải thưởng tại cuộc triển lãm quốc tế cuối năm 1962 – ký tên Nguyễn văn Liễu. Sau đó, anh mới lấy bút danh Trịnh Cung, mà chúng tôi gọi đùa là Tử Cung. Thời này TCS dạy học ở Blao và chưa nổi tiếng. TC ở tại số 18 chợ Trương Minh Giảng, trong một căn phòng nhỏ, 3×4m, thường đi chơi với nhóm nhà thơ Ninh Chữ, Hoàng Trúc Ly, triết gia Phạm Công Thiện, thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Nhóm này không thân với TCS.
Có lần ai đó hỏi về bút hiệu mới – không có ý nghĩa gì cả – thì TC trả lời chọn vì âm vang và tiện cho việc ký tên dưới bức tranh. Tên thật Nguyễn văn Liễu dài quá. Hai chữ Trịnh Cung gọn gàng và dễ ký đẹp. Anh còn cho biết thêm là đã tìm ra bút danh này trong một cầu tiêu khi tạm trú ở nhà ông bác phía Tân Định-Đa Kao gì đó. Tôi tin vào lời kể của đương sự hơn là giả thiết mượn họ của người khác làm bút danh cho mình.
Còn lý do khác : TC là người tự cao, thậm chí kiêu kỳ. Chơi trò gì, chơi với ai, anh cũng thường muốn chơi trội, cao hơn thiên hạ một cái đầu, ai may mắn lắm mới được họa sĩ xếp ngang vai. Nhiều người không ưa anh vì tánh tình, chứ không phải vì chuyện thị phi. Một họa sĩ lừng danh từng thân thiết với TC, trong Hội Họa sĩ Trẻ, sang Paris, tôi hỏi thăm TC, được trả lời « mình không gặp ». Hỏi « tại sao ? ». Đáp « thằng đó lối lắm ».
Từ lời kể của TC, đến những sự kiện tôi chứng kiến, đến tâm tính TC, tôi cho rằng bút danh TC không do vay mượn.
Mà nói cho cùng, dù anh có mượn họ của TCS làm bút hiệu, thì khi anh bất bình cũng phải cho anh phát biểu chứ ?
B –Gạn đục khơi trong .
Bài báo của TC nêu lên những nghi vấn về chính trị, nhưng không lấy gì làm thời sự, chỉ khơi lại những chuyện cũ đã xa xưa. Bài đăng trên mạng Damau.org ở hải ngoại. Nhưng lập tức báo Thanh Niên là báo giấy có thế lực lớn trong nước, của đoàn thể, có chỉ đạo, phản ứng thô bạo, lên án TC bằng tiêu đề « Ngậm máu phun người ». (Cái gì mà ghê gớm vậy ?)
Tiếp theo là Vietnamnet, báo mạng của nhà nước. Cuộc tranh luận – tranh nhiều hơn luận – mỗi lúc một gay gắt, thấp kém, trong khung chính trị đậm nét.
Nhà văn Lữ Phương giàu kinh nghiệm đã nhận định đúng : « tất cả những gì đáng nói ở đây là nội dung chính trị trong cuộc đời TCS chứ không phải là giá trị của tác phẩm nghệ thuật » (mạng Viet-studies, ngày 6-4). Vậy chẳng nên dài dòng về nghệ thuật, cũng không nên rề rà về chuyện bạn bè tình nghĩa.
B1. Nối vòng tay lớn : Việc TCS lên đài Sài gòn trưa ngày 30-4-1975, hát Nối vòng tay lớn là một sự kiện biệt lập, đã xảy ra trong bối cảnh lịch sử, quân sự, chính trị, tâm lý, phức tạp. Không thể trình bày giản lược như TC đã làm : « hát Nối vòng tay lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS tác giả của ca khúc đã dự báo cho ngày huy hoàng này của quân giải phóng và bi thảm cho VNCH ».
Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người cảm nhận, tiếp thu một cách khác nhau, giải thích khác nhau. Với thời gian, sự kiện có nơi loãng đi, có nơi đanh lại. Bàn cãi vô ích mà có khi còn làm con người đã xa nhau, càng xa nhau.
Theo tôi thì lúc ấy, TCS mừng hòa bình hơn là mừng chiến thắng. Bài hát làm từ 1968, bày tỏ khát vọng đoàn viên, chứ không dự báo điều gì. Bài hát ấy, những con người ấy, cây đàn ghi-ta ấy, thời điểm ấy, địa điểm ấy, trùng phùng trong một cơ may. Không ai dự báo, tiên liệu hay xếp đặt được.
Sài gòn hôm ấy, buổi trưa ấy, chưa hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của lực lượng Giải phóng. Đài phát thanh nằm trong tay một nhóm sinh viên và thanh niên. Gọi họ là Việt cộng, là tay sai Cộng sản cũng được, nhưng trên bản chất chính yếu, họ là tuổi trẻ của Sài gòn, của Miền Nam, nói là của VNCH cũng được. Họ không là kẻ chiến thắng, cũng không là người chiến bại : có đánh chác gì đâu mà thắng với bại.
Nối vòng tay lớn nói là khúc hát Khải hoàn, hay tiếng hát Thiên nga, hay tiếng hát Dã tràng, đều được. Sáng tác 1968, và thai nghén trước đó, Nối vòng tay lớn 1968 là khát vọng, tháng 4-1975 là khát vọng, hôm nay tháng 4-2009 vẫn là khát vọng.
Mà dường như vòng tay ai đó mỗi ngày một khép.
Khát vọng hòa bình là tâm thức của một thời đại. Trịnh Cung 1969 có một bức sơn dầu tuyệt vời, tên bằng tiếng Pháp là Le Jeune troubadour (Đứa Trẻ Du Ca), 100 x 80cm, vẽ cậu nhạc sĩ trẻ, ôm đàn ca hát hòa bình đang trở về, một buổi mai thôn xóm, có con chim non về đậu trên mái tóc. Tuổi trẻ, ôi tuổi trẻ của chúng ta, gian nan và thống khổ, sao mà thơ ngây và mơ mộng đến thế !!!
B2. Tôi ra nước ngoài từ 1966, nói chuyện 1975 là dựa vào tư liệu. Về tiếng hát TCS, trưa ngày 30-4, tôi mường tượng ba loại phản ứng :
x-) Những người hân hoan, mừng chiến tranh chấm dứt. Bài hát bày tỏ ước mong đoàn tụ ; ước mong hòa hợp dân tộc không thành, lỗi không phải tại người dân.
y-) Những người công phẫn, oán trách thái độ phản trắc. Bây giờ trong nước hay ngoài nước vẫn còn oán hận.
z-) Những người bàng quan, không đặt vấn đề gì. Chuyện bọt bèo của lịch sử, cái gì đã qua thì cho qua. Hát hay không hát, cũng đến vậy thôi. Bỏ đi Tám.
Mỗi thành phần có tỉ lệ bách phân ra sao thì không rõ, đề nghị độc giả đoán giùm. Vui thôi.
Thành phần x có tiếng nói, dồi dào, trong và ngoài nước ;
Thành phần y, chỉ có tiếng nói ngoài nước. Nay có TC, ở trong nước, phát biểu giúp họ một số ý kiến thì cũng là một giải tỏa cho người trong nước.
Thành phần z không quan tâm, cho cuộc tranh luận là lỗi thời vớ vẩn.
Theo tôi, cả ba thành phần đều có cái tình, cái lý riêng, cần được lắng nghe và tôn trọng. Đồng ý hay không, không nhằm nhò gì, nhất là hơn 30 năm sau.
B3. Nhân vụ việc đài phát thanh này, xin bổ sung về Tôn Thất Lập
Thời điểm tháng 4-1975, anh ở Paris, trong phái đoàn sinh viên yểm trợ MTDTGPMN dự hòa hội. Anh trú ngụ tại nhà bạn Việt kiều cùng lứa tuổi, số 2 Square des Mimosas, thường lui tới hội Huynh đệ Việt nam, số 18 đường Cardinal Lemoine, tôi thường gặp anh ở đây và một vài buổi chiêu đãi hội, hè gì đó. Anh có xuất bản tập nhạc « Cánh chim từ vùng lửa đỏ » 1974 Paris, nay tôi còn giữ trong tay. Tham dự buổi phát thanh 30-4-1975 tại Sài gòn dĩ nhiên không thể có mặt Tôn Thất Lập. Hôm ấy có nhiều người, có cả ký giả nước ngoài. Tôi thử hỏi vài người hiện diện thì không ai nhớ chuyện đuổi TCS ra khỏi đài phát thanh.
B4. Nêu câu hỏi này nọ, là quyền của TC, về bất cứ đề tài gì. Tiếc rằng cách trình bày của anh làm mất hiệu lực vấn đề được nêu lên.
TCS là nhân vật của công chúng. Đánh giá tư cách nhạc sĩ, là quyền của công chúng, trong đó có TC. Anh lại có quyền sử dụng những hiểu biết riêng để minh họa cho lý luận. Nhưng anh không cần viện dẫn cuộc chiến tranh đã qua, vì không có ích lợi gì cho lập luận, mà chỉ khơi lại : « những oán hận dai dẳng vần con chưa dọn sạch, những tâm thức tàn dư của một thời xung đột đã qua, nay vẫn còn đè nặng lên tâm tư nhiều người Việt, từ bên này đến bên kia » như Lữ Phương đã nhận xét.Cụ thể hơn nữa, TC không cần trở lại vị thế sĩ quan cũ, không cần biện minh, kết án, ít nhất là trong đề tài này ; con đường anh trải qua, không liên quan gì đến con đường TCS, và nhiều người khác, đã chọn. Đây lại là chuyện tự do và dân chủ.Vả lại, có ai tắm lại được hai lần trong cùng một dòng sông ? Lập luận của anh, do đó không những mất hiệu lực, mà còn cho tạo cảm giác ẩm mốc, « cái mùi chơi trội kiểu chiến tranh tâm lý ở Miền Nam trước 1975 » (Lữ Phương).
Bản chất chính trị của đề tài kéo theo cuộc tranh luận khập khểnh, là việc không tránh được. Nhưng chính anh tạo điều kiện cho nó xuống cấp. Anh không gạn đục khơi trong. Mà đã làm ngược lại
Thông cảm với anh, khi anh đau lòng kết luận « không còn sự lựa chọn nào khác », tôi thành thực nghĩ rằng : vẫn một chọn lựa nội dung ấy, anh còn nhiều cách nói khác ôn tồn hơn.
Bài viết TC, với những sai sót, nhược điểm, chứng tỏ niềm cô đơn ghê gớm của anh. Thời xưa, một người bạn thân thiết đã có câu thơ anh tâm đắc, thường ngân nga:
Cô đơn đỉnh núi gần trời
Nghiêng vai ta khoác nụ cười áo xanh
Niềm cô đơn êm ái ấy, nụ cười áo xanh nọ, thời gian kia, nay đã xa khơi. Có u hoài, là tiếc cho « mùa thu tuổi nhỏ » 1962 xa khơi, chứ không phải TC « cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma » như Lữ Phương đã viết, hơi nhanh, hơi gọn. Và Lữ Phưong đặt « giả thuyết » : « TC mượn TCS như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư đen sắp tới ».
« Giả thuyết » như vậy là ác, là lập trình bản án dụng tâm (procès d’intention). Mà theo tôi vừa không đáng vừa không đúng : TC không có chiến hữu nào cả, nếu có thì đã có người biên tập lại bài báo cho tề chỉnh và tuyên truyền hiệu quả hơn.
Vả lại thời buổi này, người khôn của khó, ai dại gì đi làm « chiến hữu » với TC ?
Ngoài đề
Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc.
Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề.
Hiện nay, tại Paris đang có cuộc triển lãm lớn về danh họa gốc Nga Kandinsky, ông tổ của nền hội họa trừu tượng, đánh dấu cái nhìn mới về nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX.
Trong hồi ký Nhìn lại Quá khứ, Kandinsky kể rằng, năm 1908, tại Murnau (Đức quốc) một buổi chiều đi chơi về, ông bắt gặp một bức tranh lạ lùng, tuyệt diệu, mà không nhận ra được đề tài. Nhìn kỹ, ông nhận ra là tranh của chính mình nhưng treo lệch theo chiều cạnh, không đúng hướng. Từ đó, ông thôi vẽ theo hình dung, mà sáng tác, lập thuyết trừu tượng.
Chuyện thật và không thật.
Thật vì chính tác giả kể lại
Không thật vì một trường phái hội họa, một khúc quành lớn trong lịch sử mỹ thuyật loài người, không thể nảy sinh từ một sự kiện tình cờ, một bức tranh treo ngược. Hội họa trừu tượng đã manh nha trong tiềm thức nhân loại từ thời tiền sử.
Từ giai thoại này, ta thấy : không thể từ một hay nhiều sự việc, dù có thật, trong một đời người, mà suy ra cuộc sống của người ấy, nhất là một nghệ sĩ.
Rồi từ cuộc sống có thực của người ấy, ta không thể suy diễn ra giá trị nghệ thuật mà họ sáng tạo.
Từ sự kiện đến cuộc đời, rồi từ cuộc đời đến tác phẩm, con cá chép phải vượt qua ba cấp, « vũ môn tam cấp », để hóa rồng.
Rồng là một chủ đề quen thuộc trong văn chương, nghệ thuật đông và tây phương.
Dù rằng, hay chính vì, rồng chưa bao giờ có thật.
Rồng chưa bao giờ có thật.
Đặng Tiến
Orleans, 21.04.2009
12 bình luận »
Minh Đức viết:
Trong phần mở đầu bài viết Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị, tác giả Trịnh Cung có trích ra câu trong sách của Hoàng Tá Thích: “Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”, và trong bài viết của Bửu Chỉ: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” và dưới đó là những chi tiết đưa ra để chứng minh rằng Trịnh Công Sơn cũng có những quan tâm, những toan tính về chính trị. Đầu đề “Tham vọng chính trị” dễ làm cho người đọc hiểu đó là tham vọng quyền hành cho cá nhân. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới. Trong chuyện Nguyễn Hữu Đống cho Trịnh Công Sơn làm một chức vụ gì đó trong chính quyền mới thì việc Trịnh Công Sơn có muốn giữ một chức vụ nào đó trong chính quyền hay không mới là quan trọng. Nếu Trịnh Công Sơn quả tình có muốn một chân trong chính quyền thì quả là Trịnh Công Sơn cũng có tham vọng chính trị, có toan tính chính trị cho bản thân. Theo như cách thuật lại của cả Trịnh Cung và Đặng Tiến, dù cho có khác nhau, thì Trịnh Công Sơn không từ chối một chức vụ mà Nguyễn Hữu Đống đề nghị. Việc TCS gia nhập phong trào đấu tranh lật đổ chính quyền miền Nam thì đã quá rõ là có quan tâm đến chính trị. Cũng như việc TCS đồng ý với đường lối của MTDTGPMN khi nghe Nguyễn Ngọc Lan bàn cũng là có đề cập đến chính trị. Chuyện xét cho Trịnh Công Sơn làm đảng viên đảng CSVN cũng là bằng chứng cho thấy TCS có tham vọng chính trị. Dù cho có phải là Hoàng Hiệp bác đi hay không, dù cho việc kết nạp vào đảng CS không thành thì việc TCS có ưng vào đảng CS mới là yếu tố quan trọng. Giả sử nếu việc kết nạp được chấp thuận thì TCS có từ chối vào đảng CSVN hay không? Theo Trịnh Cung kể thì TCS quả có ý muốn xin vào đảng CSVN nhưng ý muốn đó không thành tựu. Việc TCS chấp nhận phục vụ cho chế độ CSVN, nhờ thế mà xin được hộ khẩu tại TPHCM và được cấp nhà cũng là dấu hiệu của việc có quan tâm đến chính trị và có tham vọng chính trị vì đó là thái độ chấp nhận đường lối chính trị của đảng CSVN và phục vụ cho đường lối này. Chấp nhận phục vụ cho chế độ thì được ưu đãi hơn, có đời sống vật chất dễ dãi hơn và được báo chí của chế độ ca tụng. Nếu bảo rằng vì một người không thuộc một tổ chức nào thì không có tham vọng chính trị thì không đúng, là chỉ xét theo bề ngoài. Tham vọng chính trị là ý muốn trong tâm tư người đó rồi sau đó vì tham vọng và người đó có sẽ gia nhập tổ chức nào hay không. Về sau TCS cũng có tham gia tổ chức của chế độ CSVN, đó là Hội Văn Nghệ. Hội Văn Nghệ của chế độ CSVN là một hội mang tính chất chính trị chứ không phải là một hội thuần túy văn nghệ như tại các nước tự do. Hội Văn Nghệ là hội nằm dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN, có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị của đảng CSVN. Đó là bước đầu của con đường tham vọng dù là rất nhỏ bé so với những cán bộ đầy quyền hành của chế độ. Rồi sau này đi thêm bước nữa là gia nhập đảng CSVN chẳng hạn.
.- 23.04.2009 vào lúc 1:52 am
Mai Anh Vũ viết:
Tôi cũng nghĩ rằng nếu “cung cách diễn đạt” của TC đỡ gay gắt hơn, không phán xét và rao giảng đạo đức thì bài viết sẽ không phải chịu phản ứng mạnh mẽ như vậy. Nếu hoạ sĩ chỉ viết trên cương vị một người bạn gần gũi với NS TCS với mục đích “làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa nay đã thành người thiên cổ” (lời BBT Da Màu) thì chắc sự việc đã diễn tiến theo chiều hướng khác.
Tôi cũng thấy một thực tế là rất nhiều người hăng hái cổ xuý cho dân chủ, nhân quyền, tự do tư tưởng nhưng họ lại rất thiếu tôn trọng quan điểm của những người khác.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:08 am
Hà Thủy viết:
Bài viết hay,rõ ràng và có vẻ trung thực.Nó như một cơn mưa đang làm dịu bớt đi những cơn nóng về đề tài này.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:43 am
Trinh - Trung Lap viết:
Xem ra đến giờ này dường như giữa các tác giả vẫn chưa thống nhất định nghĩa về chính trị nhỉ !
Tác giả Đặng Tiến thì căn cứ trên khái niệm :
‘…..Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền……..”
Tôi còn nhớ trong 1 tác phẩm, Nhà văn Sơn Nam có kể rằng : Tướng Nguyễn Khánh của Việt nam cộng hòa thì cho rằng …”chính trị là đường lối chính sách cai trị nhân dân….”
Theo bình luận của Tác giả Minh Duc ở trên thì :”….nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới…..”.
Như vậy lại xuất hiện thêm 2 từ mới : tình trạng chính trị và khung cảnh chính trị !!
Ngoài ra từ hôm thảo luận đến giờ, tôi thì dùng từ “chính kiến” (quan điểm chính trị), có người dùng từ “tư thế chính trị”,…
và cứ đà này Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc cũng “bó tay.com” với Quý vị luôn.
Tôi thấy có những cụm từ sau đã được phổ dụng ở các quốc gia :
- kinh tế chính trị (political economics – các nước Phương Tây có chấp nhận môn này)
- sinh mệnh chính trị
- tù chính trị
- chính trị học
…..
Còn ở đây Họa sĩ Trịnh Cung thì dùng từ “tham vọng chính trị”. Tôi cho rằng từ này làm cho người ta hiểu cách cảm tính theo nhiều nghĩa và gây ra nhiều phản ứng rất khác nhau.
Tôi xin đưa ra 1 ví dụ buồn cười như thế này để thấy hiểu sai nhiều khi cũng tai hại lắm. Rằng : mấy người dân ở 1 đất nước không có dân chủ thì rất sợ nhận xét lãnh đạo quốc gia của họ vì họ nghĩ như vậy là họ đang “phạm chính trị” và họ có thể bị phiền toái với cảnh sát.
Còn người dân ở 1 nước phát triển thì họ hiểu được họ có quyền công khai nhận xét những đường lối chính sách của 1 nội cát đang lèo lái quốc gia của 1 nhiệm kỳ nào đó. Thậm chí họ cũng không ngại phát biểu khi dược phỏng vấn trên truyền hình.
Vậy tôt nhất, tôi thấy chúng ta nên dùng đúng cụm từ mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng khi Ông nói về chính trị. Đó là cách hay nhất để đánh giá Ông khi đưa về 1 cách hiểu chung. Đó là cụm từ “xu hướng chính trị” (Ông dừng từ này trong 1 cuộc phỏng vấn)
Vì rằng xu hướng chính trị của 1 cá nhân, theo tôi, thường được thể hiện qua các hành động cụ thể sau :
- bỏ phiếu/ không bỏ phiếu (có ý thức) khi bầu cử những vị trí trong 1 nội cát/ đảng phái.
- diễu hành/biểu tình ủng hộ hoặc phản đối những chính sách của chính quyền, đảng phái.
- tham gia hoạt động (bí mật hoặc công khai)nhằm xây dựng, bảo vệ và duy trì 1 chính quyền/ đảng phái.
- đưa ra ý kiến/ tác phẩm ủng hộ hay chống đối chính sách của 1 chính quyền/ đảng phái.
Căn cứ trên những tiêu chí đại loại như trên chúng ta sẽ thấy ngay xu hướng của Trịnh mà không cần bàn cãi gì nữa, ok ?
Không nên dùng chữ “tham vọng” trong trường hợp này vì không đủ chứng cứ thuyết phục. Tôi cho rằng 1 cá nhân đôi khi cũng không ý thức được mình có đang tham vọng hay không nữa hay đó là bản năng hoặc sở thích nhất thời.
Thân ái,
.- 23.04.2009 vào lúc 9:15 am
Lũy viết:
Bài viết của Đặng Tiến thật ra cũng không khơi sáng được vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị (phần chủ đề của cuộc tranh luận). Trong phần chính anh nhận định từ mấy tuần nay, cuộc tranh luận “…không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.” Phần phụ chú thật ra là phần chính. Qua những hiểu biết bên trong, Đặng Tiến chỉ muốn phân trần cho Trịnh Công Sơn và cả cho Trịnh Cung vì cả hai đều là bạn. Anh không muốn nhìn thấy cả hai đều bị tỗn thương vì những điều không nên và không đáng. Theo tôi thì Đặng Tiến nhân bài viết này đở giùm cho Trịnh Cung đang bị đánh hội đồng tơi bời hoa lá và không khéo, (hình như đã và đang xảy ra) cả vợ và con đang bị liên lụy bởi cái giả thuyết độc ác của Lữ Phương. Thật ra, nói cho cùng thì cũng nhân dịp này để cho mọi người bênh/chống có dịp để xả stress bị dồn nén trong bấy lâu. Trong cái dở cũng thấp thoáng một điều không dở.
Phụ chú: Hình như anh Đặng Tiến cũng có quen biết với Nguyễn Trọng Tạo. Không biết anh có lời nào khi Nguyễn Trọng Tạo dành một chổ trang trọng trong blog của mình để đăng bài của ông Thuận Nghĩa. Sở dỉ tôi nhắc đến bởi thấy anh có nhắc qua các bài đăng trong báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ
.- 23.04.2009 vào lúc 10:19 am
Thanh Bình viết:
Bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến đã góp phần giải tỏa những nghi vấn về các sự kiện chủ yếu trong bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Chuyện “quốc vụ khanh”, Tôn Thất Lập …
Riêng chuyện bài ca “Nối vòng tay lớn” do Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sàigòn trưa 30/4/75, theo ông Đặng Tiến, là do những thanh niên yêu nước miền Nam, Sàigòn, “không là kẻ thắng, cũng không là kẻ bại”, gặp nhau tình cờ mà thành. Lúc đó đương nhiên là chưa có “người miền Bắc” vào chỗ đó. Nếu có vào được cũng chẳng biết làm gì với cái đống máy móc xa lạ ấy. Nhưng những kẻ dám vào và được vào chỗ quan trọng đó trong ngày 30/4/75, sau lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh chắc chắn phải có sự “chỉ đạo” của tổ chức nội thành CS. Điều quan trọng là họ đã lựa TCS chứ không phải ai khác. TCS, một nhạc sĩ lừng danh “phản chiến”, hát tiếng hát “hòa bình” trong ngày “đại thắng” có ý nghĩa gì? Thật ra, khung cảnh thuận lợi nhất để hát bài này phải là lúc hai miền Nam, Bắc ký kết Hiệp định Paris đình chiến, chấm dứt chiến tranh. Nhưng ngày 30/4/75 là lúc đa số người miền Nam có mặc cảm chiến bại. Lời hát đó thay vì là lời “hòa bình”, nhanh chóng biến thành lời ca “đắc thắng” trong tai người “bại trận”. Không thể nói vui là có kẻ bàng quan, cho qua, “bỏ di tám”…Kẻ đó là những ai? Họ là thành phần “thứ ba” hay “thứ tư” nào đó trong cộng đồng người Việt miền Nam?
.- 23.04.2009 vào lúc 10:43 am
dk_anh viết:
Nhà phê bình Đặng Tiến đã khơi mở (có thể gợi ý) để nhẹ nhàng khép lại một cuộc tranh luận có thể làm tổn thương cả hai phía. Kẻ bị hoang mang là những thính giả trẻ tuổi đành ôm ấp câu hát ngậm ngùi của Vũ Thành An ” Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa… ?”
Để thay đổi không khí nặc mùi thuốc súng, xin phép được post một bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, một người bạn của hai nghệ sĩ họ Trịnh :
Xúc phạm
Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
người cười nói xúc phạm người ngậm tăm
Siêng làm xúc phạm phàm ăn
kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng
Đàn kêu tưng tửng từng tưng
con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu
Bông hoa xúc phạm con sâu
con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà
Ông bụt xúc phạm con ma
lão say khước xúc phạm bà tỉnh queo
Cái sang xúc phạm cái nghèo
cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh
Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh
cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm
Cõi dương xúc phạm cõi âm
cõi thiên xúc phạm cõi trần tục gian
Đàn kêu tang tảng tàng tang
nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi
Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi
người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau/…
Nguyễn Duy
.- 23.04.2009 vào lúc 6:43 pm
Bkhanh viết:
Kính gửi Ban biên tập Da màu,
Tôi thật bất ngờ khi thấy dường như mùi chiến tranh vẫn còn đâu đây trong khi nghĩ rằng Ban biên tập đã thông báo khép lại các tranh luận liên quan đến đề tài này
Tôi là người sinh sau năm 75, trẻ tuổi nhưng chắc không hoang mang như anh/chị dk_anh viết. Đối với tôi, cách nhìn nhận về tài năng và giá trị âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề bị ảnh hưởng bởi những thông tin mà họa sĩ TC đưa ra vì không liên quan. Tôi không có ý định tham gia phán xét tư tưởng chính trị, tư cách cá nhân của người khác vì tôi tôn trọng quyền tự do của họ nhưng không thể không bày tỏ sự thất vọng về những người thuộc thế hệ trước, ở cả hai phía, những người dường như chỉ chờ đợi một cái cớ để ra sức bảo vệ cho chính thể Cộng hòa hay Cộng sản không toàn vẹn của mình, cho dù phải nhắm mắt bịt tai về những sự thật thuộc về thế giới, phe phái bên kia, cho dù phải vắt óc suy nghĩ và tìm cách diễn giải rồi phán xét lời nói của người khác cứ như mình là đại diện của công lý toàn vũ trụ, hoặc cho dù phải lên gân cốt “phun châu nhả ngọc” những từ ngữ rất khó coi, nặng mùi tâm lý chiến giữa thời bình. Thật trả trách vì sao đất nước bao nhiêu năm vẫn lẹt đẹt, cộng hòa hay cộng sản thì đã đem lại được gì để dân tộc Việt Nam hiện nay có thể tự hào, nếu không muốn nói là không bị coi thường bởi các quốc gia khác. Đừng nói đến mấy ngàn năm lịch sự hào hùng, tôi tin những người dân bình thường ở các nước khác chẳng mấy khi biết, mà họ chỉ biết vì sao Việt nam đói nghèo, lạc hậu, tham nhũng, vì sao tỷ lệ phạm tội của cộng đồng người Việt ở nước họ cao. Xin phép đươc nói luôn đây không phải là tôi nghe “tuyên truyền” từ đâu mà chính là những gì tôi đã trải qua khi học tập và làm việc tại ít nhất 2 quốc gia có cộng đồng người Việt lớn. Nói dài dòng như vậy, để các quý vị đang hăng say bảo vệ cho lý tưởng chính trị của mình thấy rằng, dân tộc (hay ít nhất là một người trẻ như tôi) sẽ biết ơn các quý vị, dù các vị theo phe cộng hòa hay cộng sản nếu các vị là nhà khoa học, nghệ sĩ (như TCS), thương gia,… góp phần đem lại niềm tự hào về con người Việt Nam trên thế giới, chứ chẳng có ích gì nếu cứ mất thời gian tô xanh tô đỏ cho những thực thể chính trị hoặc đã trở thành bóng ma, hoặc vẫn còn đang mò mẫm.
Vì vậy, tôi mong rằng Ban biên tập Da màu hạn chế các ý kiến cá nhân vô bổ, chẳng đem lại thông tin nào có giá trị về sự thật. Thay vào đó dành đăng tải các nội dung văn chương nghệ thuật có giá trị, hoặc các thông tin về xác nhận sự thật (có hay không có) từ cả 2 phía.
Xin cám ơn Ban biên tập đã dành thời gian đọc ý kiến của tôi.
.- 24.04.2009 vào lúc 12:27 am
Ho Truong viết:
Xin nêu một giả thiết:
Có thể nhac si Tôn Thât Lập đã nói về TCS “mày có tư cách gì mà hát ở đây!” khi TTL đã về Saigon,nghe bạn bè kể lại việc TCS ôm đàn hát NVTL trưa ngay 30/4 tai Dai Phat thanh.Sau đó TCS hoac ai đó trong đám ban be, lúc trà dư tửu hậu kể lại với TC cũng nên.
Nhân đọc bài viết của Bùi Văn Phú viết về ca từ TCS, tôi có ý nghĩ :Điều lớn nhất, chung nhất của TCS là hát ca cho phận người, phận người mong manh, phận người nhỏ nhoi trong chiến tranh, trong tình yêu,trong cõi đời, cõi người ta,…
Đời ông cũng khổ lắm!
.- 24.04.2009 vào lúc 1:36 am
Ho Truong viết:
Ở ý kiến trước tôi có viết “Nhân đọc bài viêt của Bui Van Phu về ca từ TCS” ,xin đính chính :bài viết của Bùi VĨnh Phúc. Xin lỗi hai tác giả và xin cám ơn ông Bùi Vĩnh Phúc về bài viết rất đặc sắc của ông. Tiên đây xin phép trích một vài ca từ TCS ông đã dùng trong bài viết để bổ sung cho phần bình luân của tôi : Cái lớn nhất, chung nhất:TCS hát ca cho phận người.
Trước 1975, phải chăng chúng ta đã chia sẻ cùng TCS nỗi xót xa về phận người
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi mệt nhoài.
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?
•Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
•Người ra đi bến sông nằm lạnh
Này nhân gian có nghe đời nghiêng
Lời cỏ cây hát trên da người
Bầy vạc bay qua
Kêu mòn tịch lặng
Đường đời không xa
Sao chồn gối chân (…)
Dù ta như con đường dài vắng người
Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Và sau 1975, vùi trong những cơn say , bạn có nghĩ rằng , TCS tìm đến rượu là vì:
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng / rơi rất gần rơi xuống trong tôi
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng
Ông đã từng tự hỏi:
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua?
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say?
Hư vô vẫn là ám ảnh không nguôi suốt đời ông:
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô / Nhìn em bóng nắng
Ca khúc “Một cõi đi về” cũng nói cho ta biết tâm tư của ông trong những ngày tháng đó. Và trong những ngày tháng đó ông đã thao thức, trăn trở về một con đường, để cuối đời vẫn “Tiến thoái lưỡng nan”.
.- 24.04.2009 vào lúc 4:50 pm
Bùi Vĩnh Phúc viết:
Xin cám ơn độc giả Ho Truong về những góp ý quý báu.
Vụ TC & TCS tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt. Trình bày và tôn trọng những cái nhìn khác biệt, những đóng góp thích đáng từ nhiều chiều. Và bỏ đi những ý kiến, những bài viết quá cực đoan, quá khích. Tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt việc này. Tôi cũng nghĩ, ở một mức độ nào đó, cũng giống như đối với Pablo Picasso, Pablo Neruda, Sartre, chúng ta có thể chú ý đến cuộc sống cá nhân, cuộc sống chính trị và xã hội của họ để hiểu thêm về con người và những yếu tố xác định tác phẩm của những nghệ sĩ hay nhà tư tưởng lớn ấy; nhưng cái lắng đọng với thời gian, cái để lại trong cuộc đời một người nghệ sĩ phải là tác phẩm của ông ta hay bà ta. Những cái khác chỉ là những phụ chú mà thôi.
.- 25.04.2009 vào lúc 4:31 pm
Thế Nhân viết:
Lại một người bạn TCS viết về TCS và TC. Ông Đặng Tiến không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, „về đại ý cũng như cung cách diễn đạt“ đã viết:
„Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. ………………………………………………. Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch“
Viết với phong cách, ngôn từ như thế để hạ giá bài viết của TC và dẫn chứng 2 ông bạn họ Trịnh không biết gì về chính trị (khác với tiêu đề tham vọng chính trị) có trịch thượng, nhưng nông cạn và thiếu cẩn trọng không? Theo tôi, TCS đã có ý thức chính trị rõ ràng khi viết lời tựa cho tập nhạc Kinh Việt Nam (1968) để phản đối chiến tranh và nói lên thân phận đau thương của người Việt. Ai lớn lên ở miền Nam trong những năm đó mà không 1 lần hát những bản Gia tài của mẹ,Người con gái VN da vàng hay Nối vòng tay lớn. Tôi cũng thế thôi. Nhưng việc làm của TCS những năm sau đó có đi đôi với lời hát hay không là vấn đề đau thương khác! Vì mỉa mai thay, trong lúc TCS thụ hưởng sự che chở, đón đưa của 1 số tướng tá, quân quyền miền Nam nhậu nhẹt đến “Đêm Không Ngủ, Ngày Bất Tỉnh” thì bao nhiêu người ở thế hệ ông hay thế hệ sau ông không có điều kiện để lựa chọn như ông đã bỏ mình trong cuộc chiến mà ông cho là vô nghiã, phi lí, lời ông „20 năm nội chiến từng ngày“, chỉ vì họ đã lớn và sống ở miền Nam trong thời chiến; Nếu có may mắn hơn thì sau 75 cũng phải bao năm miệt mài học tập trong các trại cải tạo.
Về nguyên nhân về sự bất hòa giữa TCS và TC, đoạn A4 được kết thúc như sau.
„Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra“
Viết như thế để minh chứng điều gì trong sự bất hòa „quan trọng“ này, 30 năm sau ông chỉ nhớ được có thế sao? hay nó cũng chỉ là chuyện trà rượu tầm thường vào năm 1979 của 1 ông Việt kiêù yêu nước về thăm VN tạo điều kiện „tái hợp“ cho 2 ông bạn bất hòa, 1 ông là cựu sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo về bị TCS tẩy chay ngầm (lời đương sự trong bài liên quan) và 1 ông sau khi đi sản xuất tự túc được thuyên chuyển công tác về Sài Gòn (lời 1 ông bạn khác của TCS, ông Nguyễn Đắc Xuân công bố trên Da Mầu ngày 17.04.09 : „Với lương tháng 64 đồng là cao so với cán bộ, nhưng đối với TCS, số tiền ấy không đủ để mua thuốc hút và mua rượu cho ba mươi ngày…. TCS không thể kéo dài cuộc sống bấp bênh “ăn ít uống nhiều” .…..thân mẫu của anh cũng không thể rút ruột kéo dài tình trạng phải gởi cho con trai làm công tác cách mạng ở Huế mỗi tháng một chỉ vàng mãi được“) để „thây kệ toa moa uống rượu tiếp“. Có lẽ trước và sau đó cũng thế thôi. Nhưng trong năm 79 đời sống ở VN thật khó khăn trước kinh tế thời bao cấp, bao người vẫn học tập chưa có ngày về, vô số người Việt trên đường tìm tự do đã bỏ mình ở biển Đông. Các ông có biết chăng?
Sau khi vòng vo dông dài có lúc đả cả hai, có lúc khen lúc chê 2 ông bạn họ Trịnh, tôi không ngạc nhiên khi ông viết :“Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc. Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề“. Nhưng xin được phép nhắc khẽ ông! Ông thành khẩn viết bài này vì những yêu cầu chính đáng của bạn bè cơ mà!
Đây là câu chuyện bạn bè của TCS. Tôi mượn lời của người phương Tây để kết thúc.
Xin thượng đế bảo vệ tôi trước những bạn bè, còn với những thù địch tôi sẵn có khả năng tự vệ. (Dieu me protège de mes amis, de mes ennemis, je m´en occupe moi-même !)
Thế Nhân
.- 27.04.2009 vào lúc 3:54 am
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦
♦ 23.04.2009 .Bài báo « Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị » của Trịnh Cung trên mạng Damau.org ngày 01.4.2009 đã gây ra nhiều âm thanh và cuồng nộ.
Là người có dính líu ít nhiều đến nội vụ, tôi đã được bạn bè yêu cầu lên tiếng. Đáp lại những yêu cầu chính đáng ấy – nhất là từ mạng damau.org – tôi xin nói ngay, vắn tắt:
a) Tôi không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, về đại ý cũng như cung cách diễn đạt. Nhưng theo một châm ngôn, tương truyền của Voltaire: “tôi không tán thành những điều anh nói, nhưng nguyện phấn đấu đến tàn hơi, để anh được nói lên những điều đó”. Điều này, tôi học lóm được nơi các nhà tranh đấu cho dân chủ ở phương Tây.
b) Bài báo của Trịnh Cung nêu lên một câu hỏi chính trị; cuộc tranh luận gay gắt từ lúc đầu, kéo dài đến hôm nay – hơn ba tuần – mang bản chất chính trị, không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.
Có những tranh luận nâng cao, mở rộng tư cách người viết và người đọc. Có những tranh luận làm con người thấp xuống, nhỏ lại. Biết vậy, mà vẫn phải nhận.
c) Trước một án mạng, người điều tra thường đặt câu hỏi: án mạng có lợi cho ai?
Trước hằng loạt bài báo gây thương tổn, tôi thắc mắc: cuộc tranh luận không tốt đẹp này, có lợi cho ai?
Tôi không có câu trả lời. Người nào có được giải đáp, tấc lòng sẽ thanh thản hơn.
Chấm dứt phần chính yếu.
Dưới đây, chỉ là phụ chú.
*
Nói là dính líu đến nội vụ vì tôi thân thiết với nhạc sĩ đã quá cố và họa sĩ suýt quá cố. Cách đây hơn tháng, từ Pháp về nước, ghé Sài gòn hơn tuần, tôi đã đến thắp hương cho Sơn hai lần, một lần đi với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vào, một lần với nhà văn Lữ Quỳnh từ Mỹ về, vào chiều 27 tháng hai. Trước và vào ngày đó, tôi có gặp, đi ăn cơm và rong chơi với Trịnh Cung nhiều lần. Để nói rằng giữa chúng tôi, không có vấn đề gì.
Ngoài ra, với những nhân vật chính yếu được nhắc nhở tới, với tôi đều là chỗ “thâm giao” (chữ này của Trịnh Cung). Do đó nhiều người muốn tôi lên tiếng.
A – Tham vọng hay không ?
A1. Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. Cả hai ông họ Trịnh là những công dân giàu lòng ưu ái với đất nước. Vậy thôi.
A2. Bài báo của Trịnh Cung không chứng minh được tham vọng chính trị của nhạc sĩ. Cao điểm của bài là đoạn TCS cuối tháng 4-1975 chờ chức Quốc vụ Khanh. Đây quả là “tham vọng”. Nhưng TC nhớ nhầm thời điểm: chuyện xảy ra khoảng 1970, và do lời Nguyễn hữu Đống kể lại. Đống là ai, thì TC đã nói rõ. Nhưng sự kiện và thời điểm, vẫn theo lời Đống là thế này: khoảng 1970, chiến tranh tàn khốc và trở thành phi lý, vì đã có Hòa hội Paris. Đống và các bạn âm mưu một cuộc đảo chánh trong hòa bình, với lực lượng thanh niên, sinh viên thành phố biểu tình, đốt đuốc tuần hành, và sẽ có những đơn vị quân đội lật đổ chính quyền Thiệu. Âm mưu mà thành công, thì người bạn của Đống (không phải là anh rể), là TCS, sẽ giữ bộ văn hóa, nhạc Kinh Việt Nam (1968) sẽ được dùng làm quốc ca.
Đống cũng còn nói loạt bài Kinh Việt Nam là do anh gợi ý cho tác giả. Tôi cho rằng không đúng.
Đặng Tiến & Nguyễn Hữu Đống
Đấy là lời Đống, kể cho nhiều người nghe, có lẽ cho TC năm 1992, và cho tôi nghe nhiều lần, lần cuối vào tháng 12.2007 tại nhà tôi, tại Pháp. Trước đó ít lâu, anh có kể cho Nguyễn Đắc Xuân, ông này viết lại nguyên si trên tạp chí Hồn Việt, số 1, tháng 7-2007, mà không mách xuất xứ.
Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch.
A3. Chi tiết này chứng tỏ TC không am tường chính trị. Những ngày cuối tháng 4-1975, Sài gòn sống trên dầu sôi lửa bỏng. Việc thành lập chính quyền Dương văn Minh với thủ tướng Vũ văn Mẫu là cuộc thương lượng gian nan. Làm sao có chỗ đứng cho phó thủ tướng Nguyễn hữu Đống hay quốc vụ khanh Trịnh Công Sơn ? Làm sao TCS lại là đại diện Phật giáo ? Sơn là phật tử nhưng có hoạt động cho đảng phái Phật giáo ngày nào đâu ? Đại diện Phật giáo lúc ấy là thủ tướng Vũ văn Mẫu. Đại diện Công giáo là Nguyễn văn Huyền, phó thủ tướng hay phó tổng thống gì đó. TC bỏ công đi hỏi Lý Quý Chung làm gì ?
Một khi không am tường chính trị và thời sự thì làm sao gán cho người khác tham vọng chính trị ?
Ngoài ra, chính TC cũng nhận xét « không có chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa MTGPMN và TCS… (…) TCS không ở trong một đường dây nào của tổ chức ».
Muốn có tham vọng chính trị thì phải có đảng phái, đoàn thể. Ba tập nhạc phản chiến không đủ chứng minh « ý thức làm chính trị chống chế độ Sài gòn » như TC nói. TCS chỉ chống chiến tranh qua sáng tác âm nhạc, chứ không « làm chính trị chống chế độ ».
Và rồi nhiều bài trong ba tập nhạc phản chiến nói trên hiện nay vẫn không được hát.
Độc giả nào đọc đến đây, nghĩ như tôi rằng TC không am tường chính trị, thì có thể chia sẻ với tôi : cuộc tranh luận này có đáng gì đâu mà phải ồn ào và nặng lời với nhau.
A4. Vậy thì nguồn gốc tranh biện ở đâu ?
Nó bắt nguồn từ hiềm khích của TC với TCS, đã có từ lâu, về việc TCS hợp tác với chính quyền sau 1975. Năm 1978, TC đi học tập về, TCS xin được hộ khẩu từ Huế vào lại Sài gòn. Mùa hè 1979, tôi từ Pháp về thăm nhà. Tháng 8.1979, gặp TC tại Sài gòn, tôi hỏi : « Lâu nay ông có gặp Sơn không ? ». Đáp : « Moa không chơi với nó ». Hỏi : « tại sao ». Đáp : « Nó thỏa hiệp với chính quyền ». Hỏi : « Thì phải làm vậy để sống và sáng tác chớ ? ». Đáp : « Nhưng nó không cần làm tới mức đó ». Hỏi : « Bây giờ tôi đi gặp nó, ông có đi với tôi không ? ». Đáp : « Ừ, đi thì đi ».
Vậy là tối hôm ấy, hai ông đã tái hợp tại nhà thân nhân tôi, số 4 đường Phan Kế Bính, quận 1, cùng với nhiều bạn họa sĩ, bạn cũ, có thêm người mới nhập tịch là họa sĩ Lưu Công Nhân.
Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».
Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra.
A5. Nhưng tại sao hôm nay anh mới nói ra và phát biểu dữ dằn như vậy, lại nhằm ngày giỗ bạn ?
Xin thưa : Để giải tỏa những ẩn ức, bức xúc làm cho anh « quằn quại ». Ngày TCS mất, TC đang ở Mỹ và lâm bệnh, tưởng là nan y. Trong buổi tưởng niệm TCS do báo Người Việt tổ chức tại quận Cam, đầu tháng tư, năm 2001, anh đã phát biểu hăng say, ca ngợi TCS hết mình, tại một miền đất khách gồm nhiều người căm hận TCS. TC tự cho mình là chí tình và dũng cảm. Bây giờ về lại quê nhà, giữa một rừng hợp xướng tụng ca chối tai thì TC ngột ngạt, ân hận rằng có lúc nào đó mình đã nói quá đà. Những lời mình xưng tụng bạn, thì cũng na ná như bản đồng ca. Còn những u uất của riêng mình, của bè bạn, và của khối quần chúng không có tiếng nói thì không phát biểu được. Vậy TC phải nói, trên một mạng lưới điện tử ở hải ngoại, cho được tự do.Và nói vào ngày giỗ, vì trước kia mình đã phát ngôn vào ngày tưởng niệm. Mình chỉ nói được nửa sự thật, thì bây giờ nói nửa phần còn lại. Do đó hai diễn ngôn, 2001 và 2009 mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch. Kỳ thật, đây là hai mặt của một đồng tiền, không mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau. Nó còn biểu hiện cái lô gíc trong nội tâm, ý thức, và tiềm thức của một TC ẩn ức muốn tự giải thoát ra khỏi « ngục tù trong tôi suốt 30 năm qua » bằng một bài viết với kết luận « không còn một sự lựa chọn nào khác ».
Tiếc rằng tâm sự của anh bị phản kích kịch liệt. Một phần lỗi tại anh : bài viết thô tháp, thiếu tập trung, thiếu chính xác. Phần khác, còn nhiều lý do ngoài sự dự đoán của anh.
Khoảng 1956, Nguyễn Tuân lên thượng du, từ Sapa gửi về Tô Hoài một lá thư không ghi ngày tháng, khoảng 100 chữ vu vơ, kèm theo tái bút : « Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó ». Bây giờ TC chạm vào tổ ong, đành phải chịu hậu quả.
Nhưng vẫn còn những thắc mắc, ví dụ câu hỏi của Lữ Phương, hay Phương Ngạn trên mạng Eo gió : « phải chăng có một thế lực nào đó đang đứng sau lưng TC, xúi dục ông đi ngược với lương tri ?».
Tôi nghĩ trả lời được : Không có thế lực nào xui dục TC (và Phương Ngạn), anh cũng không đi ngược lại lương tri mà trái lại còn tuân theo thôi thúc của lương tri.
Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ngược lại tôi: đằng sau tràng đại pháo oanh kích tự do lên TC, thì có thế lực nào chăng ? Thì tôi chịu thua, không trả lời nổi.
Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống như trong mê hồn trận : ngẩng lên thì sợ đầu chạm tổ ong, bước xuống thì sợ chân đạp tổ kiến. Trong một cuộc đời lắm ong nhiều kiến.
A6. Tiện việc, cũng nói qua về cái tên Trịnh Cung : tôi hoàn toàn không biết gì về việc anh mượn họ của người bạn nhạc sĩ để làm bút danh. Thời 1962, tôi quen anh, chưa có bút danh này. Bức tranh Mùa thu tuổi nhỏ – được giải thưởng tại cuộc triển lãm quốc tế cuối năm 1962 – ký tên Nguyễn văn Liễu. Sau đó, anh mới lấy bút danh Trịnh Cung, mà chúng tôi gọi đùa là Tử Cung. Thời này TCS dạy học ở Blao và chưa nổi tiếng. TC ở tại số 18 chợ Trương Minh Giảng, trong một căn phòng nhỏ, 3×4m, thường đi chơi với nhóm nhà thơ Ninh Chữ, Hoàng Trúc Ly, triết gia Phạm Công Thiện, thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Nhóm này không thân với TCS.
Có lần ai đó hỏi về bút hiệu mới – không có ý nghĩa gì cả – thì TC trả lời chọn vì âm vang và tiện cho việc ký tên dưới bức tranh. Tên thật Nguyễn văn Liễu dài quá. Hai chữ Trịnh Cung gọn gàng và dễ ký đẹp. Anh còn cho biết thêm là đã tìm ra bút danh này trong một cầu tiêu khi tạm trú ở nhà ông bác phía Tân Định-Đa Kao gì đó. Tôi tin vào lời kể của đương sự hơn là giả thiết mượn họ của người khác làm bút danh cho mình.
Còn lý do khác : TC là người tự cao, thậm chí kiêu kỳ. Chơi trò gì, chơi với ai, anh cũng thường muốn chơi trội, cao hơn thiên hạ một cái đầu, ai may mắn lắm mới được họa sĩ xếp ngang vai. Nhiều người không ưa anh vì tánh tình, chứ không phải vì chuyện thị phi. Một họa sĩ lừng danh từng thân thiết với TC, trong Hội Họa sĩ Trẻ, sang Paris, tôi hỏi thăm TC, được trả lời « mình không gặp ». Hỏi « tại sao ? ». Đáp « thằng đó lối lắm ».
Từ lời kể của TC, đến những sự kiện tôi chứng kiến, đến tâm tính TC, tôi cho rằng bút danh TC không do vay mượn.
Mà nói cho cùng, dù anh có mượn họ của TCS làm bút hiệu, thì khi anh bất bình cũng phải cho anh phát biểu chứ ?
B –Gạn đục khơi trong .
Bài báo của TC nêu lên những nghi vấn về chính trị, nhưng không lấy gì làm thời sự, chỉ khơi lại những chuyện cũ đã xa xưa. Bài đăng trên mạng Damau.org ở hải ngoại. Nhưng lập tức báo Thanh Niên là báo giấy có thế lực lớn trong nước, của đoàn thể, có chỉ đạo, phản ứng thô bạo, lên án TC bằng tiêu đề « Ngậm máu phun người ». (Cái gì mà ghê gớm vậy ?)
Tiếp theo là Vietnamnet, báo mạng của nhà nước. Cuộc tranh luận – tranh nhiều hơn luận – mỗi lúc một gay gắt, thấp kém, trong khung chính trị đậm nét.
Nhà văn Lữ Phương giàu kinh nghiệm đã nhận định đúng : « tất cả những gì đáng nói ở đây là nội dung chính trị trong cuộc đời TCS chứ không phải là giá trị của tác phẩm nghệ thuật » (mạng Viet-studies, ngày 6-4). Vậy chẳng nên dài dòng về nghệ thuật, cũng không nên rề rà về chuyện bạn bè tình nghĩa.
B1. Nối vòng tay lớn : Việc TCS lên đài Sài gòn trưa ngày 30-4-1975, hát Nối vòng tay lớn là một sự kiện biệt lập, đã xảy ra trong bối cảnh lịch sử, quân sự, chính trị, tâm lý, phức tạp. Không thể trình bày giản lược như TC đã làm : « hát Nối vòng tay lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS tác giả của ca khúc đã dự báo cho ngày huy hoàng này của quân giải phóng và bi thảm cho VNCH ».
Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người cảm nhận, tiếp thu một cách khác nhau, giải thích khác nhau. Với thời gian, sự kiện có nơi loãng đi, có nơi đanh lại. Bàn cãi vô ích mà có khi còn làm con người đã xa nhau, càng xa nhau.
Theo tôi thì lúc ấy, TCS mừng hòa bình hơn là mừng chiến thắng. Bài hát làm từ 1968, bày tỏ khát vọng đoàn viên, chứ không dự báo điều gì. Bài hát ấy, những con người ấy, cây đàn ghi-ta ấy, thời điểm ấy, địa điểm ấy, trùng phùng trong một cơ may. Không ai dự báo, tiên liệu hay xếp đặt được.
Sài gòn hôm ấy, buổi trưa ấy, chưa hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của lực lượng Giải phóng. Đài phát thanh nằm trong tay một nhóm sinh viên và thanh niên. Gọi họ là Việt cộng, là tay sai Cộng sản cũng được, nhưng trên bản chất chính yếu, họ là tuổi trẻ của Sài gòn, của Miền Nam, nói là của VNCH cũng được. Họ không là kẻ chiến thắng, cũng không là người chiến bại : có đánh chác gì đâu mà thắng với bại.
Nối vòng tay lớn nói là khúc hát Khải hoàn, hay tiếng hát Thiên nga, hay tiếng hát Dã tràng, đều được. Sáng tác 1968, và thai nghén trước đó, Nối vòng tay lớn 1968 là khát vọng, tháng 4-1975 là khát vọng, hôm nay tháng 4-2009 vẫn là khát vọng.
Mà dường như vòng tay ai đó mỗi ngày một khép.
Khát vọng hòa bình là tâm thức của một thời đại. Trịnh Cung 1969 có một bức sơn dầu tuyệt vời, tên bằng tiếng Pháp là Le Jeune troubadour (Đứa Trẻ Du Ca), 100 x 80cm, vẽ cậu nhạc sĩ trẻ, ôm đàn ca hát hòa bình đang trở về, một buổi mai thôn xóm, có con chim non về đậu trên mái tóc. Tuổi trẻ, ôi tuổi trẻ của chúng ta, gian nan và thống khổ, sao mà thơ ngây và mơ mộng đến thế !!!
B2. Tôi ra nước ngoài từ 1966, nói chuyện 1975 là dựa vào tư liệu. Về tiếng hát TCS, trưa ngày 30-4, tôi mường tượng ba loại phản ứng :
x-) Những người hân hoan, mừng chiến tranh chấm dứt. Bài hát bày tỏ ước mong đoàn tụ ; ước mong hòa hợp dân tộc không thành, lỗi không phải tại người dân.
y-) Những người công phẫn, oán trách thái độ phản trắc. Bây giờ trong nước hay ngoài nước vẫn còn oán hận.
z-) Những người bàng quan, không đặt vấn đề gì. Chuyện bọt bèo của lịch sử, cái gì đã qua thì cho qua. Hát hay không hát, cũng đến vậy thôi. Bỏ đi Tám.
Mỗi thành phần có tỉ lệ bách phân ra sao thì không rõ, đề nghị độc giả đoán giùm. Vui thôi.
Thành phần x có tiếng nói, dồi dào, trong và ngoài nước ;
Thành phần y, chỉ có tiếng nói ngoài nước. Nay có TC, ở trong nước, phát biểu giúp họ một số ý kiến thì cũng là một giải tỏa cho người trong nước.
Thành phần z không quan tâm, cho cuộc tranh luận là lỗi thời vớ vẩn.
Theo tôi, cả ba thành phần đều có cái tình, cái lý riêng, cần được lắng nghe và tôn trọng. Đồng ý hay không, không nhằm nhò gì, nhất là hơn 30 năm sau.
B3. Nhân vụ việc đài phát thanh này, xin bổ sung về Tôn Thất Lập
Thời điểm tháng 4-1975, anh ở Paris, trong phái đoàn sinh viên yểm trợ MTDTGPMN dự hòa hội. Anh trú ngụ tại nhà bạn Việt kiều cùng lứa tuổi, số 2 Square des Mimosas, thường lui tới hội Huynh đệ Việt nam, số 18 đường Cardinal Lemoine, tôi thường gặp anh ở đây và một vài buổi chiêu đãi hội, hè gì đó. Anh có xuất bản tập nhạc « Cánh chim từ vùng lửa đỏ » 1974 Paris, nay tôi còn giữ trong tay. Tham dự buổi phát thanh 30-4-1975 tại Sài gòn dĩ nhiên không thể có mặt Tôn Thất Lập. Hôm ấy có nhiều người, có cả ký giả nước ngoài. Tôi thử hỏi vài người hiện diện thì không ai nhớ chuyện đuổi TCS ra khỏi đài phát thanh.
B4. Nêu câu hỏi này nọ, là quyền của TC, về bất cứ đề tài gì. Tiếc rằng cách trình bày của anh làm mất hiệu lực vấn đề được nêu lên.
TCS là nhân vật của công chúng. Đánh giá tư cách nhạc sĩ, là quyền của công chúng, trong đó có TC. Anh lại có quyền sử dụng những hiểu biết riêng để minh họa cho lý luận. Nhưng anh không cần viện dẫn cuộc chiến tranh đã qua, vì không có ích lợi gì cho lập luận, mà chỉ khơi lại : « những oán hận dai dẳng vần con chưa dọn sạch, những tâm thức tàn dư của một thời xung đột đã qua, nay vẫn còn đè nặng lên tâm tư nhiều người Việt, từ bên này đến bên kia » như Lữ Phương đã nhận xét.Cụ thể hơn nữa, TC không cần trở lại vị thế sĩ quan cũ, không cần biện minh, kết án, ít nhất là trong đề tài này ; con đường anh trải qua, không liên quan gì đến con đường TCS, và nhiều người khác, đã chọn. Đây lại là chuyện tự do và dân chủ.Vả lại, có ai tắm lại được hai lần trong cùng một dòng sông ? Lập luận của anh, do đó không những mất hiệu lực, mà còn cho tạo cảm giác ẩm mốc, « cái mùi chơi trội kiểu chiến tranh tâm lý ở Miền Nam trước 1975 » (Lữ Phương).
Bản chất chính trị của đề tài kéo theo cuộc tranh luận khập khểnh, là việc không tránh được. Nhưng chính anh tạo điều kiện cho nó xuống cấp. Anh không gạn đục khơi trong. Mà đã làm ngược lại
Thông cảm với anh, khi anh đau lòng kết luận « không còn sự lựa chọn nào khác », tôi thành thực nghĩ rằng : vẫn một chọn lựa nội dung ấy, anh còn nhiều cách nói khác ôn tồn hơn.
Bài viết TC, với những sai sót, nhược điểm, chứng tỏ niềm cô đơn ghê gớm của anh. Thời xưa, một người bạn thân thiết đã có câu thơ anh tâm đắc, thường ngân nga:
Cô đơn đỉnh núi gần trời
Nghiêng vai ta khoác nụ cười áo xanh
Niềm cô đơn êm ái ấy, nụ cười áo xanh nọ, thời gian kia, nay đã xa khơi. Có u hoài, là tiếc cho « mùa thu tuổi nhỏ » 1962 xa khơi, chứ không phải TC « cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma » như Lữ Phương đã viết, hơi nhanh, hơi gọn. Và Lữ Phưong đặt « giả thuyết » : « TC mượn TCS như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư đen sắp tới ».
« Giả thuyết » như vậy là ác, là lập trình bản án dụng tâm (procès d’intention). Mà theo tôi vừa không đáng vừa không đúng : TC không có chiến hữu nào cả, nếu có thì đã có người biên tập lại bài báo cho tề chỉnh và tuyên truyền hiệu quả hơn.
Vả lại thời buổi này, người khôn của khó, ai dại gì đi làm « chiến hữu » với TC ?
Ngoài đề
Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc.
Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề.
Hiện nay, tại Paris đang có cuộc triển lãm lớn về danh họa gốc Nga Kandinsky, ông tổ của nền hội họa trừu tượng, đánh dấu cái nhìn mới về nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX.
Trong hồi ký Nhìn lại Quá khứ, Kandinsky kể rằng, năm 1908, tại Murnau (Đức quốc) một buổi chiều đi chơi về, ông bắt gặp một bức tranh lạ lùng, tuyệt diệu, mà không nhận ra được đề tài. Nhìn kỹ, ông nhận ra là tranh của chính mình nhưng treo lệch theo chiều cạnh, không đúng hướng. Từ đó, ông thôi vẽ theo hình dung, mà sáng tác, lập thuyết trừu tượng.
Chuyện thật và không thật.
Thật vì chính tác giả kể lại
Không thật vì một trường phái hội họa, một khúc quành lớn trong lịch sử mỹ thuyật loài người, không thể nảy sinh từ một sự kiện tình cờ, một bức tranh treo ngược. Hội họa trừu tượng đã manh nha trong tiềm thức nhân loại từ thời tiền sử.
Từ giai thoại này, ta thấy : không thể từ một hay nhiều sự việc, dù có thật, trong một đời người, mà suy ra cuộc sống của người ấy, nhất là một nghệ sĩ.
Rồi từ cuộc sống có thực của người ấy, ta không thể suy diễn ra giá trị nghệ thuật mà họ sáng tạo.
Từ sự kiện đến cuộc đời, rồi từ cuộc đời đến tác phẩm, con cá chép phải vượt qua ba cấp, « vũ môn tam cấp », để hóa rồng.
Rồng là một chủ đề quen thuộc trong văn chương, nghệ thuật đông và tây phương.
Dù rằng, hay chính vì, rồng chưa bao giờ có thật.
Rồng chưa bao giờ có thật.
Đặng Tiến
Orleans, 21.04.2009
12 bình luận »
Minh Đức viết:
Trong phần mở đầu bài viết Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị, tác giả Trịnh Cung có trích ra câu trong sách của Hoàng Tá Thích: “Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”, và trong bài viết của Bửu Chỉ: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” và dưới đó là những chi tiết đưa ra để chứng minh rằng Trịnh Công Sơn cũng có những quan tâm, những toan tính về chính trị. Đầu đề “Tham vọng chính trị” dễ làm cho người đọc hiểu đó là tham vọng quyền hành cho cá nhân. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới. Trong chuyện Nguyễn Hữu Đống cho Trịnh Công Sơn làm một chức vụ gì đó trong chính quyền mới thì việc Trịnh Công Sơn có muốn giữ một chức vụ nào đó trong chính quyền hay không mới là quan trọng. Nếu Trịnh Công Sơn quả tình có muốn một chân trong chính quyền thì quả là Trịnh Công Sơn cũng có tham vọng chính trị, có toan tính chính trị cho bản thân. Theo như cách thuật lại của cả Trịnh Cung và Đặng Tiến, dù cho có khác nhau, thì Trịnh Công Sơn không từ chối một chức vụ mà Nguyễn Hữu Đống đề nghị. Việc TCS gia nhập phong trào đấu tranh lật đổ chính quyền miền Nam thì đã quá rõ là có quan tâm đến chính trị. Cũng như việc TCS đồng ý với đường lối của MTDTGPMN khi nghe Nguyễn Ngọc Lan bàn cũng là có đề cập đến chính trị. Chuyện xét cho Trịnh Công Sơn làm đảng viên đảng CSVN cũng là bằng chứng cho thấy TCS có tham vọng chính trị. Dù cho có phải là Hoàng Hiệp bác đi hay không, dù cho việc kết nạp vào đảng CS không thành thì việc TCS có ưng vào đảng CS mới là yếu tố quan trọng. Giả sử nếu việc kết nạp được chấp thuận thì TCS có từ chối vào đảng CSVN hay không? Theo Trịnh Cung kể thì TCS quả có ý muốn xin vào đảng CSVN nhưng ý muốn đó không thành tựu. Việc TCS chấp nhận phục vụ cho chế độ CSVN, nhờ thế mà xin được hộ khẩu tại TPHCM và được cấp nhà cũng là dấu hiệu của việc có quan tâm đến chính trị và có tham vọng chính trị vì đó là thái độ chấp nhận đường lối chính trị của đảng CSVN và phục vụ cho đường lối này. Chấp nhận phục vụ cho chế độ thì được ưu đãi hơn, có đời sống vật chất dễ dãi hơn và được báo chí của chế độ ca tụng. Nếu bảo rằng vì một người không thuộc một tổ chức nào thì không có tham vọng chính trị thì không đúng, là chỉ xét theo bề ngoài. Tham vọng chính trị là ý muốn trong tâm tư người đó rồi sau đó vì tham vọng và người đó có sẽ gia nhập tổ chức nào hay không. Về sau TCS cũng có tham gia tổ chức của chế độ CSVN, đó là Hội Văn Nghệ. Hội Văn Nghệ của chế độ CSVN là một hội mang tính chất chính trị chứ không phải là một hội thuần túy văn nghệ như tại các nước tự do. Hội Văn Nghệ là hội nằm dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN, có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị của đảng CSVN. Đó là bước đầu của con đường tham vọng dù là rất nhỏ bé so với những cán bộ đầy quyền hành của chế độ. Rồi sau này đi thêm bước nữa là gia nhập đảng CSVN chẳng hạn.
.- 23.04.2009 vào lúc 1:52 am
Mai Anh Vũ viết:
Tôi cũng nghĩ rằng nếu “cung cách diễn đạt” của TC đỡ gay gắt hơn, không phán xét và rao giảng đạo đức thì bài viết sẽ không phải chịu phản ứng mạnh mẽ như vậy. Nếu hoạ sĩ chỉ viết trên cương vị một người bạn gần gũi với NS TCS với mục đích “làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa nay đã thành người thiên cổ” (lời BBT Da Màu) thì chắc sự việc đã diễn tiến theo chiều hướng khác.
Tôi cũng thấy một thực tế là rất nhiều người hăng hái cổ xuý cho dân chủ, nhân quyền, tự do tư tưởng nhưng họ lại rất thiếu tôn trọng quan điểm của những người khác.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:08 am
Hà Thủy viết:
Bài viết hay,rõ ràng và có vẻ trung thực.Nó như một cơn mưa đang làm dịu bớt đi những cơn nóng về đề tài này.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:43 am
Trinh - Trung Lap viết:
Xem ra đến giờ này dường như giữa các tác giả vẫn chưa thống nhất định nghĩa về chính trị nhỉ !
Tác giả Đặng Tiến thì căn cứ trên khái niệm :
‘…..Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền……..”
Tôi còn nhớ trong 1 tác phẩm, Nhà văn Sơn Nam có kể rằng : Tướng Nguyễn Khánh của Việt nam cộng hòa thì cho rằng …”chính trị là đường lối chính sách cai trị nhân dân….”
Theo bình luận của Tác giả Minh Duc ở trên thì :”….nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới…..”.
Như vậy lại xuất hiện thêm 2 từ mới : tình trạng chính trị và khung cảnh chính trị !!
Ngoài ra từ hôm thảo luận đến giờ, tôi thì dùng từ “chính kiến” (quan điểm chính trị), có người dùng từ “tư thế chính trị”,…
và cứ đà này Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc cũng “bó tay.com” với Quý vị luôn.
Tôi thấy có những cụm từ sau đã được phổ dụng ở các quốc gia :
- kinh tế chính trị (political economics – các nước Phương Tây có chấp nhận môn này)
- sinh mệnh chính trị
- tù chính trị
- chính trị học
…..
Còn ở đây Họa sĩ Trịnh Cung thì dùng từ “tham vọng chính trị”. Tôi cho rằng từ này làm cho người ta hiểu cách cảm tính theo nhiều nghĩa và gây ra nhiều phản ứng rất khác nhau.
Tôi xin đưa ra 1 ví dụ buồn cười như thế này để thấy hiểu sai nhiều khi cũng tai hại lắm. Rằng : mấy người dân ở 1 đất nước không có dân chủ thì rất sợ nhận xét lãnh đạo quốc gia của họ vì họ nghĩ như vậy là họ đang “phạm chính trị” và họ có thể bị phiền toái với cảnh sát.
Còn người dân ở 1 nước phát triển thì họ hiểu được họ có quyền công khai nhận xét những đường lối chính sách của 1 nội cát đang lèo lái quốc gia của 1 nhiệm kỳ nào đó. Thậm chí họ cũng không ngại phát biểu khi dược phỏng vấn trên truyền hình.
Vậy tôt nhất, tôi thấy chúng ta nên dùng đúng cụm từ mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng khi Ông nói về chính trị. Đó là cách hay nhất để đánh giá Ông khi đưa về 1 cách hiểu chung. Đó là cụm từ “xu hướng chính trị” (Ông dừng từ này trong 1 cuộc phỏng vấn)
Vì rằng xu hướng chính trị của 1 cá nhân, theo tôi, thường được thể hiện qua các hành động cụ thể sau :
- bỏ phiếu/ không bỏ phiếu (có ý thức) khi bầu cử những vị trí trong 1 nội cát/ đảng phái.
- diễu hành/biểu tình ủng hộ hoặc phản đối những chính sách của chính quyền, đảng phái.
- tham gia hoạt động (bí mật hoặc công khai)nhằm xây dựng, bảo vệ và duy trì 1 chính quyền/ đảng phái.
- đưa ra ý kiến/ tác phẩm ủng hộ hay chống đối chính sách của 1 chính quyền/ đảng phái.
Căn cứ trên những tiêu chí đại loại như trên chúng ta sẽ thấy ngay xu hướng của Trịnh mà không cần bàn cãi gì nữa, ok ?
Không nên dùng chữ “tham vọng” trong trường hợp này vì không đủ chứng cứ thuyết phục. Tôi cho rằng 1 cá nhân đôi khi cũng không ý thức được mình có đang tham vọng hay không nữa hay đó là bản năng hoặc sở thích nhất thời.
Thân ái,
.- 23.04.2009 vào lúc 9:15 am
Lũy viết:
Bài viết của Đặng Tiến thật ra cũng không khơi sáng được vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị (phần chủ đề của cuộc tranh luận). Trong phần chính anh nhận định từ mấy tuần nay, cuộc tranh luận “…không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.” Phần phụ chú thật ra là phần chính. Qua những hiểu biết bên trong, Đặng Tiến chỉ muốn phân trần cho Trịnh Công Sơn và cả cho Trịnh Cung vì cả hai đều là bạn. Anh không muốn nhìn thấy cả hai đều bị tỗn thương vì những điều không nên và không đáng. Theo tôi thì Đặng Tiến nhân bài viết này đở giùm cho Trịnh Cung đang bị đánh hội đồng tơi bời hoa lá và không khéo, (hình như đã và đang xảy ra) cả vợ và con đang bị liên lụy bởi cái giả thuyết độc ác của Lữ Phương. Thật ra, nói cho cùng thì cũng nhân dịp này để cho mọi người bênh/chống có dịp để xả stress bị dồn nén trong bấy lâu. Trong cái dở cũng thấp thoáng một điều không dở.
Phụ chú: Hình như anh Đặng Tiến cũng có quen biết với Nguyễn Trọng Tạo. Không biết anh có lời nào khi Nguyễn Trọng Tạo dành một chổ trang trọng trong blog của mình để đăng bài của ông Thuận Nghĩa. Sở dỉ tôi nhắc đến bởi thấy anh có nhắc qua các bài đăng trong báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ
.- 23.04.2009 vào lúc 10:19 am
Thanh Bình viết:
Bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến đã góp phần giải tỏa những nghi vấn về các sự kiện chủ yếu trong bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Chuyện “quốc vụ khanh”, Tôn Thất Lập …
Riêng chuyện bài ca “Nối vòng tay lớn” do Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sàigòn trưa 30/4/75, theo ông Đặng Tiến, là do những thanh niên yêu nước miền Nam, Sàigòn, “không là kẻ thắng, cũng không là kẻ bại”, gặp nhau tình cờ mà thành. Lúc đó đương nhiên là chưa có “người miền Bắc” vào chỗ đó. Nếu có vào được cũng chẳng biết làm gì với cái đống máy móc xa lạ ấy. Nhưng những kẻ dám vào và được vào chỗ quan trọng đó trong ngày 30/4/75, sau lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh chắc chắn phải có sự “chỉ đạo” của tổ chức nội thành CS. Điều quan trọng là họ đã lựa TCS chứ không phải ai khác. TCS, một nhạc sĩ lừng danh “phản chiến”, hát tiếng hát “hòa bình” trong ngày “đại thắng” có ý nghĩa gì? Thật ra, khung cảnh thuận lợi nhất để hát bài này phải là lúc hai miền Nam, Bắc ký kết Hiệp định Paris đình chiến, chấm dứt chiến tranh. Nhưng ngày 30/4/75 là lúc đa số người miền Nam có mặc cảm chiến bại. Lời hát đó thay vì là lời “hòa bình”, nhanh chóng biến thành lời ca “đắc thắng” trong tai người “bại trận”. Không thể nói vui là có kẻ bàng quan, cho qua, “bỏ di tám”…Kẻ đó là những ai? Họ là thành phần “thứ ba” hay “thứ tư” nào đó trong cộng đồng người Việt miền Nam?
.- 23.04.2009 vào lúc 10:43 am
dk_anh viết:
Nhà phê bình Đặng Tiến đã khơi mở (có thể gợi ý) để nhẹ nhàng khép lại một cuộc tranh luận có thể làm tổn thương cả hai phía. Kẻ bị hoang mang là những thính giả trẻ tuổi đành ôm ấp câu hát ngậm ngùi của Vũ Thành An ” Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa… ?”
Để thay đổi không khí nặc mùi thuốc súng, xin phép được post một bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, một người bạn của hai nghệ sĩ họ Trịnh :
Xúc phạm
Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
người cười nói xúc phạm người ngậm tăm
Siêng làm xúc phạm phàm ăn
kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng
Đàn kêu tưng tửng từng tưng
con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu
Bông hoa xúc phạm con sâu
con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà
Ông bụt xúc phạm con ma
lão say khước xúc phạm bà tỉnh queo
Cái sang xúc phạm cái nghèo
cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh
Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh
cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm
Cõi dương xúc phạm cõi âm
cõi thiên xúc phạm cõi trần tục gian
Đàn kêu tang tảng tàng tang
nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi
Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi
người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau/…
Nguyễn Duy
.- 23.04.2009 vào lúc 6:43 pm
Bkhanh viết:
Kính gửi Ban biên tập Da màu,
Tôi thật bất ngờ khi thấy dường như mùi chiến tranh vẫn còn đâu đây trong khi nghĩ rằng Ban biên tập đã thông báo khép lại các tranh luận liên quan đến đề tài này
Tôi là người sinh sau năm 75, trẻ tuổi nhưng chắc không hoang mang như anh/chị dk_anh viết. Đối với tôi, cách nhìn nhận về tài năng và giá trị âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề bị ảnh hưởng bởi những thông tin mà họa sĩ TC đưa ra vì không liên quan. Tôi không có ý định tham gia phán xét tư tưởng chính trị, tư cách cá nhân của người khác vì tôi tôn trọng quyền tự do của họ nhưng không thể không bày tỏ sự thất vọng về những người thuộc thế hệ trước, ở cả hai phía, những người dường như chỉ chờ đợi một cái cớ để ra sức bảo vệ cho chính thể Cộng hòa hay Cộng sản không toàn vẹn của mình, cho dù phải nhắm mắt bịt tai về những sự thật thuộc về thế giới, phe phái bên kia, cho dù phải vắt óc suy nghĩ và tìm cách diễn giải rồi phán xét lời nói của người khác cứ như mình là đại diện của công lý toàn vũ trụ, hoặc cho dù phải lên gân cốt “phun châu nhả ngọc” những từ ngữ rất khó coi, nặng mùi tâm lý chiến giữa thời bình. Thật trả trách vì sao đất nước bao nhiêu năm vẫn lẹt đẹt, cộng hòa hay cộng sản thì đã đem lại được gì để dân tộc Việt Nam hiện nay có thể tự hào, nếu không muốn nói là không bị coi thường bởi các quốc gia khác. Đừng nói đến mấy ngàn năm lịch sự hào hùng, tôi tin những người dân bình thường ở các nước khác chẳng mấy khi biết, mà họ chỉ biết vì sao Việt nam đói nghèo, lạc hậu, tham nhũng, vì sao tỷ lệ phạm tội của cộng đồng người Việt ở nước họ cao. Xin phép đươc nói luôn đây không phải là tôi nghe “tuyên truyền” từ đâu mà chính là những gì tôi đã trải qua khi học tập và làm việc tại ít nhất 2 quốc gia có cộng đồng người Việt lớn. Nói dài dòng như vậy, để các quý vị đang hăng say bảo vệ cho lý tưởng chính trị của mình thấy rằng, dân tộc (hay ít nhất là một người trẻ như tôi) sẽ biết ơn các quý vị, dù các vị theo phe cộng hòa hay cộng sản nếu các vị là nhà khoa học, nghệ sĩ (như TCS), thương gia,… góp phần đem lại niềm tự hào về con người Việt Nam trên thế giới, chứ chẳng có ích gì nếu cứ mất thời gian tô xanh tô đỏ cho những thực thể chính trị hoặc đã trở thành bóng ma, hoặc vẫn còn đang mò mẫm.
Vì vậy, tôi mong rằng Ban biên tập Da màu hạn chế các ý kiến cá nhân vô bổ, chẳng đem lại thông tin nào có giá trị về sự thật. Thay vào đó dành đăng tải các nội dung văn chương nghệ thuật có giá trị, hoặc các thông tin về xác nhận sự thật (có hay không có) từ cả 2 phía.
Xin cám ơn Ban biên tập đã dành thời gian đọc ý kiến của tôi.
.- 24.04.2009 vào lúc 12:27 am
Ho Truong viết:
Xin nêu một giả thiết:
Có thể nhac si Tôn Thât Lập đã nói về TCS “mày có tư cách gì mà hát ở đây!” khi TTL đã về Saigon,nghe bạn bè kể lại việc TCS ôm đàn hát NVTL trưa ngay 30/4 tai Dai Phat thanh.Sau đó TCS hoac ai đó trong đám ban be, lúc trà dư tửu hậu kể lại với TC cũng nên.
Nhân đọc bài viết của Bùi Văn Phú viết về ca từ TCS, tôi có ý nghĩ :Điều lớn nhất, chung nhất của TCS là hát ca cho phận người, phận người mong manh, phận người nhỏ nhoi trong chiến tranh, trong tình yêu,trong cõi đời, cõi người ta,…
Đời ông cũng khổ lắm!
.- 24.04.2009 vào lúc 1:36 am
Ho Truong viết:
Ở ý kiến trước tôi có viết “Nhân đọc bài viêt của Bui Van Phu về ca từ TCS” ,xin đính chính :bài viết của Bùi VĨnh Phúc. Xin lỗi hai tác giả và xin cám ơn ông Bùi Vĩnh Phúc về bài viết rất đặc sắc của ông. Tiên đây xin phép trích một vài ca từ TCS ông đã dùng trong bài viết để bổ sung cho phần bình luân của tôi : Cái lớn nhất, chung nhất:TCS hát ca cho phận người.
Trước 1975, phải chăng chúng ta đã chia sẻ cùng TCS nỗi xót xa về phận người
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi mệt nhoài.
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?
•Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
•Người ra đi bến sông nằm lạnh
Này nhân gian có nghe đời nghiêng
Lời cỏ cây hát trên da người
Bầy vạc bay qua
Kêu mòn tịch lặng
Đường đời không xa
Sao chồn gối chân (…)
Dù ta như con đường dài vắng người
Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Và sau 1975, vùi trong những cơn say , bạn có nghĩ rằng , TCS tìm đến rượu là vì:
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng / rơi rất gần rơi xuống trong tôi
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng
Ông đã từng tự hỏi:
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua?
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say?
Hư vô vẫn là ám ảnh không nguôi suốt đời ông:
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô / Nhìn em bóng nắng
Ca khúc “Một cõi đi về” cũng nói cho ta biết tâm tư của ông trong những ngày tháng đó. Và trong những ngày tháng đó ông đã thao thức, trăn trở về một con đường, để cuối đời vẫn “Tiến thoái lưỡng nan”.
.- 24.04.2009 vào lúc 4:50 pm
Bùi Vĩnh Phúc viết:
Xin cám ơn độc giả Ho Truong về những góp ý quý báu.
Vụ TC & TCS tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt. Trình bày và tôn trọng những cái nhìn khác biệt, những đóng góp thích đáng từ nhiều chiều. Và bỏ đi những ý kiến, những bài viết quá cực đoan, quá khích. Tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt việc này. Tôi cũng nghĩ, ở một mức độ nào đó, cũng giống như đối với Pablo Picasso, Pablo Neruda, Sartre, chúng ta có thể chú ý đến cuộc sống cá nhân, cuộc sống chính trị và xã hội của họ để hiểu thêm về con người và những yếu tố xác định tác phẩm của những nghệ sĩ hay nhà tư tưởng lớn ấy; nhưng cái lắng đọng với thời gian, cái để lại trong cuộc đời một người nghệ sĩ phải là tác phẩm của ông ta hay bà ta. Những cái khác chỉ là những phụ chú mà thôi.
.- 25.04.2009 vào lúc 4:31 pm
Thế Nhân viết:
Lại một người bạn TCS viết về TCS và TC. Ông Đặng Tiến không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, „về đại ý cũng như cung cách diễn đạt“ đã viết:
„Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. ………………………………………………. Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch“
Viết với phong cách, ngôn từ như thế để hạ giá bài viết của TC và dẫn chứng 2 ông bạn họ Trịnh không biết gì về chính trị (khác với tiêu đề tham vọng chính trị) có trịch thượng, nhưng nông cạn và thiếu cẩn trọng không? Theo tôi, TCS đã có ý thức chính trị rõ ràng khi viết lời tựa cho tập nhạc Kinh Việt Nam (1968) để phản đối chiến tranh và nói lên thân phận đau thương của người Việt. Ai lớn lên ở miền Nam trong những năm đó mà không 1 lần hát những bản Gia tài của mẹ,Người con gái VN da vàng hay Nối vòng tay lớn. Tôi cũng thế thôi. Nhưng việc làm của TCS những năm sau đó có đi đôi với lời hát hay không là vấn đề đau thương khác! Vì mỉa mai thay, trong lúc TCS thụ hưởng sự che chở, đón đưa của 1 số tướng tá, quân quyền miền Nam nhậu nhẹt đến “Đêm Không Ngủ, Ngày Bất Tỉnh” thì bao nhiêu người ở thế hệ ông hay thế hệ sau ông không có điều kiện để lựa chọn như ông đã bỏ mình trong cuộc chiến mà ông cho là vô nghiã, phi lí, lời ông „20 năm nội chiến từng ngày“, chỉ vì họ đã lớn và sống ở miền Nam trong thời chiến; Nếu có may mắn hơn thì sau 75 cũng phải bao năm miệt mài học tập trong các trại cải tạo.
Về nguyên nhân về sự bất hòa giữa TCS và TC, đoạn A4 được kết thúc như sau.
„Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra“
Viết như thế để minh chứng điều gì trong sự bất hòa „quan trọng“ này, 30 năm sau ông chỉ nhớ được có thế sao? hay nó cũng chỉ là chuyện trà rượu tầm thường vào năm 1979 của 1 ông Việt kiêù yêu nước về thăm VN tạo điều kiện „tái hợp“ cho 2 ông bạn bất hòa, 1 ông là cựu sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo về bị TCS tẩy chay ngầm (lời đương sự trong bài liên quan) và 1 ông sau khi đi sản xuất tự túc được thuyên chuyển công tác về Sài Gòn (lời 1 ông bạn khác của TCS, ông Nguyễn Đắc Xuân công bố trên Da Mầu ngày 17.04.09 : „Với lương tháng 64 đồng là cao so với cán bộ, nhưng đối với TCS, số tiền ấy không đủ để mua thuốc hút và mua rượu cho ba mươi ngày…. TCS không thể kéo dài cuộc sống bấp bênh “ăn ít uống nhiều” .…..thân mẫu của anh cũng không thể rút ruột kéo dài tình trạng phải gởi cho con trai làm công tác cách mạng ở Huế mỗi tháng một chỉ vàng mãi được“) để „thây kệ toa moa uống rượu tiếp“. Có lẽ trước và sau đó cũng thế thôi. Nhưng trong năm 79 đời sống ở VN thật khó khăn trước kinh tế thời bao cấp, bao người vẫn học tập chưa có ngày về, vô số người Việt trên đường tìm tự do đã bỏ mình ở biển Đông. Các ông có biết chăng?
Sau khi vòng vo dông dài có lúc đả cả hai, có lúc khen lúc chê 2 ông bạn họ Trịnh, tôi không ngạc nhiên khi ông viết :“Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc. Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề“. Nhưng xin được phép nhắc khẽ ông! Ông thành khẩn viết bài này vì những yêu cầu chính đáng của bạn bè cơ mà!
Đây là câu chuyện bạn bè của TCS. Tôi mượn lời của người phương Tây để kết thúc.
Xin thượng đế bảo vệ tôi trước những bạn bè, còn với những thù địch tôi sẵn có khả năng tự vệ. (Dieu me protège de mes amis, de mes ennemis, je m´en occupe moi-même !)
Thế Nhân
.- 27.04.2009 vào lúc 3:54 am
ĐẶNG TIẾN : CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão
CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 1 bình luận ♦ 7.11.2009 .
LTS: Nhà nhân chủng học và tư tưởng gia Claude Lévi-Strauss vừa qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Paris, hưởng thọ 100 tuổi. Nhân sự kiện này, tạp chí Da Màu xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà biên khảo Đặng Tiến về Claude Lévi-Strauss.
Gửi anh Nguyễn Tài Cẩn, ngọn mây Tần
Nhà bác học Pháp Claude Lévi-Strauss sinh ngày 28 tháng 11 năm 1908 tại Bruxelles – Bỉ. Tuần này là ông lên thượng thọ trăm tuổi, tôi dùng từ “giai lão” trong nghĩa “đẹp lão”: mừng ông còn khỏe và minh mẫn. Vào tuổi cổ lai hy, là một học giả lừng danh, đã có nhiều đóng góp lớn lao vào nền học thuật nhân loại già nửa thế kỷ, ông là một tấm gương sáng cho giới trí thức thế giới, nhất là ngành biên khảo đương thời và hậu thế..
Gần đây, ông còn dí dỏm: Khi người cao tuổi qua đời, thì chết ít thôi, chỉ chết cái phần còn lại đã hư hao đi nhiều. Câu nói thường thôi, đúng thôi nhưng phát xuất từ tác giả Con người trần trụi (L’Homme nu, 1971), thì lời hóm hỉnh mang một thoáng u hoài cảm động.
Tiểu sử và sự nghiệp ông, nhiều người đã biết, tài liệu nơi nơi đã ghi. Mùa xuân năm nay 2008, nhà xuất bản Gallimard, Paris, ấn hành tuyển tập Claude Lévi-Strauss, trong tủ sách quý La Pléiade, được giới học thuật chào mừng như một sự cố, vì nhà xuất bản này chỉ in sách văn chương, mà Lévi-Strauss lại chuyên biên khảo về dân tộc học – ngoại trừ hồi ký Nhiệt đới buồn thiu, Tristes Tropiques, 1955, lúc xuất bản được đề bạt lĩnh giải văn chương Goncourt, nhưng không được, vì không phải là tác phẩm giả tưởng… Nhà xuất bản Gallimard, rất kinh viện, khi chọn in tác phẩm Lévi-Strauss trong bộ La Pléiade văn học, thì đã mặc nhiên thừa nhận sách ông là tác phẩm văn chương, và ông là nhà văn, bên cạnh nhà nghiên cứu. Cũng như ông nhiều lần thừa nhận thầy mình, trong ngành dân tộc học, là những nhà văn Montaigne, Balzac và Rousseau, nhất là Rousseau. Và đồng nghiệp tương tác và tương đắc của mình, không thuộc đồng khoa dân tộc học, mà là nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson.
Giá trị văn học trong tác phẩm Lévi-Strauss trước đây đã nhiều người thừa nhận. Nhưng quyết định của nhà Gallimard vẫn là một khai mở dứt khoát. Nhờ đó tôi, với tư cách nhà văn, hôm nay có thể an tâm viết về Lévi-Strauss, một bậc thầy về mặt trí thức. Mà cũng là bậc thầy về văn học.
Sách Lévi-Strauss chuyên môn, uyên bác nhưng không phải bài nào cũng khó đọc. Người đọc trung bình, lướt qua vài ba trang, vẫn có thể biết thêm, học thêm được cái gì đó. Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng về những bình luận việc ăn uống, trên giá sách tại Hà nội, có cuốn Sống và Chín, Le Cru et le Cuit (1964) của Lévi-Strauss, dày cộm, tôi nhìn vào chăm chú. Ông giải thích sách đẹp, bày cho đẹp, thỉnh thoảng chỉ đọc dăm trang (1979). Theo gương ông, tôi cũng lật lật cuốn nọ cuốn kia, và học được nhiều chuyện : hiểu thêm về từ “cậu” trong tiếng Việt khi đọc Nhân chủng học cấu trúc, Anthropologie structurale, 1958, trang 47, về từ “anh, em” khi đọc Cấu trúc sơ đẳng trong quan hệ họ hàng, Les Structures élémentaires de la parenté (1949, 1967) trang 432,. Đọc Hình thái học truyện cổ, Morphologie du conte (1958) của Propp, nhiều điểm không hiểu, tôi đọc lời giới thiệu trong Nhân chủng học cấu trúc 2, (1973) ch 8, của Lévi-Strauss, thì hiểu ngay.
Học mót, lắm khi vở lẽ, chợt sáng mắt sáng lòng.
Là người hàm ân Claude Lévi-Strauss, để chúc mừng ngày sinh nhật ông, tôi mạn phép công bố một bài viết đã lâu, nhằm giới thiệu tác phẩm Nhìn Nghe Đọc, Regarder Ecouter Lire[1], 1993 được ông xem như là tác phẩm út oi – chữ của Nguyễn Tuân. Từ ấy đến nay, quả là ông không có sách khác, và tiểu luận này được chọn vào cuối tuyển tập La Pléiade- Gallimard tháng 5-2008.
Claude Lévi-Strauss là một trong vài người khai sáng trào lưu cấu trúc luận đã gây ảnh hưởng sâu và rộng trong những khoa học nhân văn, xã hội thế giới năm mươi năm gần đây. Tại Việt Nam, đã có nhiều người giới thiệu như Nguyễn Văn Trung ở miền Nam[2], Hoàng Trinh ở miền Bắc[3] thời kỳ đất nước còn bị phân chia. Hoàn cảnh đất nước thời điểm ấy (trước sau 1970, thời hòa hội Paris) chưa cho phép giới nghiên cứu Việt nam tiếp thu đầy đủ, công bình những thành tựu của khoa học nhân văn Phương Tây. Ngày nay, trào lưu cấu trúc đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nên kiểm điểm lại một cách khách quan những thành tựu xem còn gì có thể tiếp thu hay thừa kế nhân đọc lại tác phẩm mới của Lévi-Strauss.
Nhìn Nghe Đọc dưới hai trăm trang thân chữ lớn là tác phẩm ngắn, dễ đọc nhất của tác giả, một tiểu phẩm so với sự nghiệp của ông. Một loại mạn đàm nghệ thuật hoặc tùy bút hiểu theo nghĩa Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, vì tác giả viết tùy hứng nhưng vẫn theo dụng ý truyền đạt phương pháp luận, kinh nghiệm tri thức. Tựa đề gồm ba động từ Nhìn Nghe Đọc báo hiệu nội dung tác phẩm, những suy tư của tác giả khi nhìn hội họa, nghe âm nhạc và đọc sách cổ kim, song song với thao tác nghiên cứu, lập thuyết trong địa hạt dân tộc học chuyên môn của mình. Tác phẩm phản ánh một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và uyên bác đằng sau bộ óc bác học bao la và nghiêm túc.
Sách gồm hai mươi bốn chương bề ngoài rời rạc. Lévi-Strauss cho rằng mình ráp nối « cắt dán » theo kiểu họa sĩ Max Ernst. Nhưng người đọc sành điệu cảm thấy ngay « cấu trúc » ngầm của một bản hòa tấu đa dạng, phong phú, hài hòa và nhất quán, qua sợi chỉ mành kết hợp là lập trường Lévi-Strauss mà người đọc đã làm quen, đã học tập từ hơn nửa thế kỷ nay. Những chuyên khảo của tác giả trước đây, dù khó đọc và nghiêm nghị vẫn phảng phất màu sắc và âm hưởng của nghệ thuật, từ Poussin đến Ravel, Wagner. Trong Sống và Chín (Le Cru et le Cuit, 1964) ông đã xem nhạc sĩ Wagner như « cha đẻ của lối phân tích cấu trúc huyền thoại ». Ba mươi năm sau, lần lên thêm một thế kỷ nữa, ông xem nhạc sĩ Rameau (1683-1764) với « lý thuyết hợp âm (accords) đã đi trước phương pháp giải thích cơ cấu » (tr.43)
*
Tác phẩm mở ra bằng một nhạc khúc trong Tìm thời gian đã mất của Marcel Proust để đi tới họa phẩm Poussin (1594-1655) với hai bức tranh Những người chăn cừu ở Arcadia vẽ lần đầu khoảng 1630, lần thứ nhì tám năm sau, dựa trên một tác phẩm cùng đề tài của Guerchin vẽ khoảng 1622. Từ hai tác phẩm của một tác giả, vẽ theo một chủ đề có sẵn, Lévi-Strauss muốn đưa ra những khác biệt về cấu trúc để đi đến phương pháp sáng tác, « cách suy tưởng » (tr.15) của nghệ sĩ qua nhiều khâu khớp khác nhau, nhiều thời đại và chân trời khác nhau, từ Đông Á sang Tây Âu (tr.39-40).
Với hội họa, Lévi-Strauss lắm duyên nhiều nợ : bố là họa sĩ, dượng là họa sĩ lừng danh, ông trưởng thành tại số 22 đường Poussin tại Paris… Với âm nhạc, tương quan còn sâu sắc hơn : ông suốt đời viết lách trong âm nhạc, suy nghĩ bằng âm nhạc, cho nên những trang ông viết về âm nhạc chủ yếu về Rameau rất uyên bác, thậm chí rất kỹ thuật. Trong một bài báo, có lần ông tuyên bố : « Âm nhạc và huyền thoại là hai chị em, cùng do ngôn ngữ sinh ra, rồi mỗi người đi một hướng – như trong huyền thoại kẻ Nam người Bắc, không bao giờ tái hợp »[4].
Ca ngợi Rameau, Lévi-Strauss dựa trên kịch hát Castor và Pollux chính xác hơn là dựa trên một giai điệu aria chuyển điệu với ba nốt nhạc fa-la-mi để chứng tỏ rằng Rameau đã cách tân âm nhạc thời đó, và sở dĩ làm được là nhờ thính giả thế kỷ XVIII sành điệu hơn thính giả về sau, và gần gũi người sáng tác hơn. Nhưng để tìm ra sự chuyển giọng (modulation) từ fa thứ sang la bémol và mi bémol trưởng trong nhạc bản 1754 (tr.51), Claude Lévi-Strauss đã phải tìm tòi so sánh với nhiều nhạc thoại của kịch bản và phải nghe nhiều lần nhiều nhạc thoại, mới thấy sự xê xích so với thoại 1737. Nói vậy để thấy công sức lao động của một nhà bác học lừng danh về dân tộc học khi nói chuyện chơi về âm nhạc, trong một trang phiếm luận, một tiểu phẩm được tác giả gọi là « trái chứng » (caprice) hay là « hí hoáy chắp vá » (Un grand collage ou un bricolage) 4.
Liên hệ với nhạc Rameau, Claude Lévi-Strauss đã giới thiệu và đề cao Chabanon (1730-1792) một nhà âm nhạc học ít người còn nhớ, không có tên trong các từ điển thông dụng. Theo ông, Chabanon, trong âm nhạc, đã tìm ra những nguyên lý mà sau này De Saussure sẽ sử dụng trong ngôn ngữ học cấu trúc. « Những tư tưởng về ngôn ngữ học hiện đại đã thành hình từ những suy tư về âm nhạc chứ không phải về ngôn ngữ » (tr.95). Lévi-Strauss tỏ ra rất tâm đắc với Chabanon, người từ hai thế kỷ trước, đã viết : « Trong âm nhạc, mỗi âm không mang ý nghĩa nào cả. Mỗi âm hầu như trống rỗng, vừa vô nghĩa vừa vô tính » (tr.95) nhưng kết hợp thành chuỗi thì tạo ra được nhạc ngữ gây được lạc thú. Đây là một quan điểm Lévi-Strauss đã tích lũy từ lâu, và trong một bài phỏng vấn năm 1977, ông đã từng so sánh : « Ngôn ngữ có ba giai đoạn âm kết hợp thành từ, từ kết hợp thành câu. Ở âm nhạc, âm phát triển thành câu, không qua từ, không có từ vựng. Ở huyền thoại, không có âm, chỉ có từ phát triển thành câu. So với ngôn ngữ thì âm nhạc là huyền thoại thiếu một khâu »4. Lévi-Strauss có nghệ thuật trình bày, đúc kết ngắn gọn ít người sánh kịp.
Giới văn học, dĩ nhiên đặc biệt lưu tâm đến lời Lévi-Strauss giải thích bài thơ Nguyên âm (Voyelles) của Rimbaud (1871).
A đen, E trắng, I đỏ, U lục, O xanh…
A thường thường gợi lên màu đỏ, sao nhà thơ lại hình dung màu đen ? Đi từ những khám phá của linh mục Castel (1688-1757) muốn tạo ra “cây đàn thị giác”, tạo tương quan giữa âm thanh và màu sắc, qua những khoa học vật lý, thần kinh, ngôn ngữ, Lévi-Strauss đã giải thích màu đen ở đây là “màu đỏ dưới trạng thái tiềm tàng” (tr.131) và ông đã viện dẫn nhiều văn liệu để minh chứng. Cũng cần nhắc lại rằng lý luận của ông tiếp nối công trình, giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire ông viết chung với Roman Jacobson (1962) có Benveniste góp ý, được xem như khuôn mẫu của phương pháp cấu trúc áp dụng vào việc phân tích văn chương, vô hình trung tạo ra “trường phái” phê bình cấu trúc, mà ông có đôi lần phủ nhận.
Tác phẩm khép lại với ba chương Nhìn vào đồ vật, như cái ngoái nhìn u hoài của nhà khảo cổ vào buổi xế chiều. Đặc sắc là mấy trang viết về những vật dụng đan lát như giỏ, thúng, rổ, rá, gùi… “trạng thái thăng bằng mong manh giữa thiên nhiên và văn hóa”, một chủ thể trung tâm trong tư tưởng Lévi-Strauss xưa nay. Khảo sát những vật dụng đan lát ở các bộ lạc châu Mỹ chưa có chữ viết, ông nhìn thấy khía cạnh thực dụng, trang trí và tín ngưỡng. Theo huyền thoại địa phương, đồ đan lát, một mặt phải không thấm nước (như gàu bên ta), mặt khác sợi đan phải tạo ra được mô-típ trang trí theo quy luật. Từ đó, các dân tộc đã phân biệt Giỏ cứng và Giỏ mềm: có bộ lạc da đỏ tưởng tượng “Giỏ mềm như những quỷ cái bắt trộm và ăn thịt trẻ con” (tr.163) có khi “quyến rũ đàn ông rồi cắt dương vật bằng âm hộ có răng” (tr.164). Lévi-Strauss đã tỉa ra một nhận định đơn giản mà sâu sắc:
“Đó đây khắp Tân Thế Giới, con người xem gùi – giỏ như những đồ vật đa cảm. Chúng đến từ thiên nhiên, tiếp thu được quy chế văn hóa qua công trình tiểu công nghệ đơn giản rồi sẽ trở về với thiên nhiên” (tr.166). Đã mong manh, chúng lại phù du: chỉ dùng được một lần, “nhưng dù hỏng nát, chúng vẫn gìn giữ phẩm chất văn hóa, mơ hồ tạo lòng kính trọng. Chúng là vật bất ly thân của người phụ nữ” (tr.166-167).
Những nhận định như thế vừa uyên bác vừa thi vị, nhân ái: ấy là phong cách riêng của Lévi-Strauss. Độc giả bàng quan, đọc lướt qua những dòng như thế, cũng thấy phẩm chất của mình được nâng cao.
Lévi-Strauss là một kẻ hoài nghi. Năm 1993, trả lời phỏng vấn, ông có tâm sự : « Tôi thấm thía một luận lý tối hậu: không có gì tồn tại. Dĩ nhiên, muốn sống, phải làm như là sự vật có ý nghĩa ; đó là triết lý tạm bợ cho cuộc đời, nhưng là triết lý cấp hai »4 .
Ông tin ở giá trị con người, bẩm sinh và vĩnh cửu, dù có nổi trôi theo lịch sử – và tác phẩm nghệ thuật là một chứng tích. Kết luận Nhìn Nghe Đọc, vừa buồn bã, vừa phấn khởi.
« Nhìn dưới tỷ lệ hằng nghìn năm, những dục vọng con người đồng hóa vào nhau. Thời gian không thêm được gì, không bớt được gì cho yêu thương và thù hận, cho những dấn thân đấu tranh và khát vọng : xưa và nay, cũng chỉ vậy mà thôi. Tình cờ, xóa đi mười, hai mươi thế kỷ lịch sử, kiến thức chúng ta về bản chất con người cũng không thay đổi bao nhiêu. Mất mát không bù đắp lại được là những tác phẩm nghệ thuật mà những thế kỷ kia đã tạo nên. Vì con người chỉ khác nhau, thậm chí chỉ tồn tại, qua tác phẩm của mình. Như tượng gỗ sinh ra từ thân cây, chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới chứng tỏ được hiển nhiên, rằng qua thời gian giữa người với người, có cái gì đó đã thực sự xảy ra » (trang cuối).
*
Trào lưu cấu trúc đã đi qua. Cùng với trận gió đã thổi qua đường phố Paris mùa xuân 1968. Từ ấy đến nay, thời gian đã mang đi bao nhiêu khuôn mặt lớn lao của nền văn học Pháp : Sartre và Aron, Barthes và Foucault, Lacan và Althusser…
Claude Lévi-Strauss là người còn lại của thế hệ trí thức ấy, được dư luận văn chương và báo chí ngưỡng mộ, một cách đằm thắm và dường như nhất trí. Không nhất thiết vì những đóng góp chuyên môn của ông : người đọc Lévi-Strauss không nhiều ; tận tụy một đời, Lévi-Strauss không những mang lại cho đời một cách nhìn đời, ưu ái, tin cậy với một thoáng hoài nghi. Ông còn được cảm tình nhờ phong cách hàng ngày : dung dị, từ tốn, uyển chuyển, khúc triết, nhân ái và thân ái.
Với ai được dịp gần ông, về mặt học thuật hay trong thực tế, Lévi-Strauss là tấm gương sáng, về lao động trí thức và về cách ứng phó với cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, một trần gian đa đoan, và một nhân gian nhiễu sự.
Ngoài đề :
Nhìn người, không cần gì phải nghĩ đến ta, vì nghĩ đến ta, có khi lại buồn vơ vẩn.
Có lúc buồn vơ vẩn như thế, tôi lại nhớ đến một người bạn vong niên, nhà ngữ học Nguyễn tài Cẩn, cũng tuổi cao, cùng phương trời xa…Vì vậy, bài này, tôi đề tặng anh Cẩn.
Cái gì thân, thì nó cũng xa, có khi xót xa…
6-9-1994,
Viết lại tại Paris, 10-11-2008
Đặng Tiến
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Claude Lévi-Strauss, Nhà xuất bản Plon, Paris, 1993.
[2] Nguyễn Văn Trung : Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu. Tạp chí Bách Khoa thời đại, Sài Gòn, số 293 ngày 15-3-1969 (và nhiều bài khác)
[3] Hoàng Trinh : Bước đầu phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3 (135) tháng 5 và 6-1972.
Lê Sơn : Văn học Liên Xô phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5 (137) tháng 9-10 năm 1972 và một số bài khác.
[4] Claude Lévi-Strauss, tạp chí Magazine Littéraire, Paris, số 311 tháng 6-1993, tr. 15, 24, 44 và 26 (Số đặc biệt về Lévi-Strauss và Nhìn Nghe Đọc, nhiều bài hay)
bài đã đăng của Đặng Tiến
■CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão - 07.11.2009
■Học hành tục ngữ, ngôn ngữ - 20.10.2009
■Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - 02.10.2009
■Âm trầm Tuệ Sĩ - 24.08.2009
■Giới thiệu Họa sĩ Thanh Trí - 08.08.2009
■Phê bình huyền thoại - 30.05.2009
■Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng - 23.04.2009
■Đời và nhạc Trịnh Công Sơn - 18.04.2009
■Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng - 13.04.2009
■Mấy lối giảng thơ - 09.04.2009
■Thơ là gì ? - 06.04.2009
■Đọc sách: Mùa biển động - 26.03.2009
■Thơ Miền Nam trong thời chiến - 06.04.2007
.
1 bình luận »
đỗ xuân tê viết:
Đọc bài của Đặng Tiến, một-biên-khảo-bậc-thầy về ngôi sao vừa tắt, tôi ngạc nhiên sao anh viết nhanh vậy, nhưng đọc xong mơí biết anh mơi viết lại. Như vậy càng công phu hơn. Tôi đã đọc Tristes Tropiques khi còn là học trò của giáo sư Nghiêm Thẩm (người cùng thời và rất ái mộ structuralism của Strauss), nên rất thú vị khi đọc bài của anh. Quả thật tác giả lớn đa tài trong nhiều lãnh vực mang sắc thái ‘Da Màu’ này đã để lại dấu ấn sâu sắc cho văn học và khoa học nhân văn, mà theo tôi là song song với sự miệt mài nghiên cứu, ông còn chịu lặn lội đến những bộ lạc xa xôi vùng Amazon để phá tan huyền thoại về ‘những con người man dã’, chứng minh dù họ mang đời sống bộ lạc nhưng vẫn có sắc thái tinh tế, ham tìm tri thức biểu hiện trong cách nhìn qua vật thể và phi vật thể của một đời sống văn hóa có thật (The Savage Mind,1962). Cám ơn anh ĐT về bài viết không phiên phiến chỉ viết cho vui vậy mà. đxt
.- 08.11.2009 vào lúc 11:51 am
--------------------------------------------------------------------------------
@ damau.org (tạp chí văn chương Da Màu) 2006 - 2009 Trở về đầu trang Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)
Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 1 bình luận ♦ 7.11.2009 .
LTS: Nhà nhân chủng học và tư tưởng gia Claude Lévi-Strauss vừa qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Paris, hưởng thọ 100 tuổi. Nhân sự kiện này, tạp chí Da Màu xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà biên khảo Đặng Tiến về Claude Lévi-Strauss.
Gửi anh Nguyễn Tài Cẩn, ngọn mây Tần
Nhà bác học Pháp Claude Lévi-Strauss sinh ngày 28 tháng 11 năm 1908 tại Bruxelles – Bỉ. Tuần này là ông lên thượng thọ trăm tuổi, tôi dùng từ “giai lão” trong nghĩa “đẹp lão”: mừng ông còn khỏe và minh mẫn. Vào tuổi cổ lai hy, là một học giả lừng danh, đã có nhiều đóng góp lớn lao vào nền học thuật nhân loại già nửa thế kỷ, ông là một tấm gương sáng cho giới trí thức thế giới, nhất là ngành biên khảo đương thời và hậu thế..
Gần đây, ông còn dí dỏm: Khi người cao tuổi qua đời, thì chết ít thôi, chỉ chết cái phần còn lại đã hư hao đi nhiều. Câu nói thường thôi, đúng thôi nhưng phát xuất từ tác giả Con người trần trụi (L’Homme nu, 1971), thì lời hóm hỉnh mang một thoáng u hoài cảm động.
Tiểu sử và sự nghiệp ông, nhiều người đã biết, tài liệu nơi nơi đã ghi. Mùa xuân năm nay 2008, nhà xuất bản Gallimard, Paris, ấn hành tuyển tập Claude Lévi-Strauss, trong tủ sách quý La Pléiade, được giới học thuật chào mừng như một sự cố, vì nhà xuất bản này chỉ in sách văn chương, mà Lévi-Strauss lại chuyên biên khảo về dân tộc học – ngoại trừ hồi ký Nhiệt đới buồn thiu, Tristes Tropiques, 1955, lúc xuất bản được đề bạt lĩnh giải văn chương Goncourt, nhưng không được, vì không phải là tác phẩm giả tưởng… Nhà xuất bản Gallimard, rất kinh viện, khi chọn in tác phẩm Lévi-Strauss trong bộ La Pléiade văn học, thì đã mặc nhiên thừa nhận sách ông là tác phẩm văn chương, và ông là nhà văn, bên cạnh nhà nghiên cứu. Cũng như ông nhiều lần thừa nhận thầy mình, trong ngành dân tộc học, là những nhà văn Montaigne, Balzac và Rousseau, nhất là Rousseau. Và đồng nghiệp tương tác và tương đắc của mình, không thuộc đồng khoa dân tộc học, mà là nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson.
Giá trị văn học trong tác phẩm Lévi-Strauss trước đây đã nhiều người thừa nhận. Nhưng quyết định của nhà Gallimard vẫn là một khai mở dứt khoát. Nhờ đó tôi, với tư cách nhà văn, hôm nay có thể an tâm viết về Lévi-Strauss, một bậc thầy về mặt trí thức. Mà cũng là bậc thầy về văn học.
Sách Lévi-Strauss chuyên môn, uyên bác nhưng không phải bài nào cũng khó đọc. Người đọc trung bình, lướt qua vài ba trang, vẫn có thể biết thêm, học thêm được cái gì đó. Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng về những bình luận việc ăn uống, trên giá sách tại Hà nội, có cuốn Sống và Chín, Le Cru et le Cuit (1964) của Lévi-Strauss, dày cộm, tôi nhìn vào chăm chú. Ông giải thích sách đẹp, bày cho đẹp, thỉnh thoảng chỉ đọc dăm trang (1979). Theo gương ông, tôi cũng lật lật cuốn nọ cuốn kia, và học được nhiều chuyện : hiểu thêm về từ “cậu” trong tiếng Việt khi đọc Nhân chủng học cấu trúc, Anthropologie structurale, 1958, trang 47, về từ “anh, em” khi đọc Cấu trúc sơ đẳng trong quan hệ họ hàng, Les Structures élémentaires de la parenté (1949, 1967) trang 432,. Đọc Hình thái học truyện cổ, Morphologie du conte (1958) của Propp, nhiều điểm không hiểu, tôi đọc lời giới thiệu trong Nhân chủng học cấu trúc 2, (1973) ch 8, của Lévi-Strauss, thì hiểu ngay.
Học mót, lắm khi vở lẽ, chợt sáng mắt sáng lòng.
Là người hàm ân Claude Lévi-Strauss, để chúc mừng ngày sinh nhật ông, tôi mạn phép công bố một bài viết đã lâu, nhằm giới thiệu tác phẩm Nhìn Nghe Đọc, Regarder Ecouter Lire[1], 1993 được ông xem như là tác phẩm út oi – chữ của Nguyễn Tuân. Từ ấy đến nay, quả là ông không có sách khác, và tiểu luận này được chọn vào cuối tuyển tập La Pléiade- Gallimard tháng 5-2008.
Claude Lévi-Strauss là một trong vài người khai sáng trào lưu cấu trúc luận đã gây ảnh hưởng sâu và rộng trong những khoa học nhân văn, xã hội thế giới năm mươi năm gần đây. Tại Việt Nam, đã có nhiều người giới thiệu như Nguyễn Văn Trung ở miền Nam[2], Hoàng Trinh ở miền Bắc[3] thời kỳ đất nước còn bị phân chia. Hoàn cảnh đất nước thời điểm ấy (trước sau 1970, thời hòa hội Paris) chưa cho phép giới nghiên cứu Việt nam tiếp thu đầy đủ, công bình những thành tựu của khoa học nhân văn Phương Tây. Ngày nay, trào lưu cấu trúc đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nên kiểm điểm lại một cách khách quan những thành tựu xem còn gì có thể tiếp thu hay thừa kế nhân đọc lại tác phẩm mới của Lévi-Strauss.
Nhìn Nghe Đọc dưới hai trăm trang thân chữ lớn là tác phẩm ngắn, dễ đọc nhất của tác giả, một tiểu phẩm so với sự nghiệp của ông. Một loại mạn đàm nghệ thuật hoặc tùy bút hiểu theo nghĩa Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, vì tác giả viết tùy hứng nhưng vẫn theo dụng ý truyền đạt phương pháp luận, kinh nghiệm tri thức. Tựa đề gồm ba động từ Nhìn Nghe Đọc báo hiệu nội dung tác phẩm, những suy tư của tác giả khi nhìn hội họa, nghe âm nhạc và đọc sách cổ kim, song song với thao tác nghiên cứu, lập thuyết trong địa hạt dân tộc học chuyên môn của mình. Tác phẩm phản ánh một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và uyên bác đằng sau bộ óc bác học bao la và nghiêm túc.
Sách gồm hai mươi bốn chương bề ngoài rời rạc. Lévi-Strauss cho rằng mình ráp nối « cắt dán » theo kiểu họa sĩ Max Ernst. Nhưng người đọc sành điệu cảm thấy ngay « cấu trúc » ngầm của một bản hòa tấu đa dạng, phong phú, hài hòa và nhất quán, qua sợi chỉ mành kết hợp là lập trường Lévi-Strauss mà người đọc đã làm quen, đã học tập từ hơn nửa thế kỷ nay. Những chuyên khảo của tác giả trước đây, dù khó đọc và nghiêm nghị vẫn phảng phất màu sắc và âm hưởng của nghệ thuật, từ Poussin đến Ravel, Wagner. Trong Sống và Chín (Le Cru et le Cuit, 1964) ông đã xem nhạc sĩ Wagner như « cha đẻ của lối phân tích cấu trúc huyền thoại ». Ba mươi năm sau, lần lên thêm một thế kỷ nữa, ông xem nhạc sĩ Rameau (1683-1764) với « lý thuyết hợp âm (accords) đã đi trước phương pháp giải thích cơ cấu » (tr.43)
*
Tác phẩm mở ra bằng một nhạc khúc trong Tìm thời gian đã mất của Marcel Proust để đi tới họa phẩm Poussin (1594-1655) với hai bức tranh Những người chăn cừu ở Arcadia vẽ lần đầu khoảng 1630, lần thứ nhì tám năm sau, dựa trên một tác phẩm cùng đề tài của Guerchin vẽ khoảng 1622. Từ hai tác phẩm của một tác giả, vẽ theo một chủ đề có sẵn, Lévi-Strauss muốn đưa ra những khác biệt về cấu trúc để đi đến phương pháp sáng tác, « cách suy tưởng » (tr.15) của nghệ sĩ qua nhiều khâu khớp khác nhau, nhiều thời đại và chân trời khác nhau, từ Đông Á sang Tây Âu (tr.39-40).
Với hội họa, Lévi-Strauss lắm duyên nhiều nợ : bố là họa sĩ, dượng là họa sĩ lừng danh, ông trưởng thành tại số 22 đường Poussin tại Paris… Với âm nhạc, tương quan còn sâu sắc hơn : ông suốt đời viết lách trong âm nhạc, suy nghĩ bằng âm nhạc, cho nên những trang ông viết về âm nhạc chủ yếu về Rameau rất uyên bác, thậm chí rất kỹ thuật. Trong một bài báo, có lần ông tuyên bố : « Âm nhạc và huyền thoại là hai chị em, cùng do ngôn ngữ sinh ra, rồi mỗi người đi một hướng – như trong huyền thoại kẻ Nam người Bắc, không bao giờ tái hợp »[4].
Ca ngợi Rameau, Lévi-Strauss dựa trên kịch hát Castor và Pollux chính xác hơn là dựa trên một giai điệu aria chuyển điệu với ba nốt nhạc fa-la-mi để chứng tỏ rằng Rameau đã cách tân âm nhạc thời đó, và sở dĩ làm được là nhờ thính giả thế kỷ XVIII sành điệu hơn thính giả về sau, và gần gũi người sáng tác hơn. Nhưng để tìm ra sự chuyển giọng (modulation) từ fa thứ sang la bémol và mi bémol trưởng trong nhạc bản 1754 (tr.51), Claude Lévi-Strauss đã phải tìm tòi so sánh với nhiều nhạc thoại của kịch bản và phải nghe nhiều lần nhiều nhạc thoại, mới thấy sự xê xích so với thoại 1737. Nói vậy để thấy công sức lao động của một nhà bác học lừng danh về dân tộc học khi nói chuyện chơi về âm nhạc, trong một trang phiếm luận, một tiểu phẩm được tác giả gọi là « trái chứng » (caprice) hay là « hí hoáy chắp vá » (Un grand collage ou un bricolage) 4.
Liên hệ với nhạc Rameau, Claude Lévi-Strauss đã giới thiệu và đề cao Chabanon (1730-1792) một nhà âm nhạc học ít người còn nhớ, không có tên trong các từ điển thông dụng. Theo ông, Chabanon, trong âm nhạc, đã tìm ra những nguyên lý mà sau này De Saussure sẽ sử dụng trong ngôn ngữ học cấu trúc. « Những tư tưởng về ngôn ngữ học hiện đại đã thành hình từ những suy tư về âm nhạc chứ không phải về ngôn ngữ » (tr.95). Lévi-Strauss tỏ ra rất tâm đắc với Chabanon, người từ hai thế kỷ trước, đã viết : « Trong âm nhạc, mỗi âm không mang ý nghĩa nào cả. Mỗi âm hầu như trống rỗng, vừa vô nghĩa vừa vô tính » (tr.95) nhưng kết hợp thành chuỗi thì tạo ra được nhạc ngữ gây được lạc thú. Đây là một quan điểm Lévi-Strauss đã tích lũy từ lâu, và trong một bài phỏng vấn năm 1977, ông đã từng so sánh : « Ngôn ngữ có ba giai đoạn âm kết hợp thành từ, từ kết hợp thành câu. Ở âm nhạc, âm phát triển thành câu, không qua từ, không có từ vựng. Ở huyền thoại, không có âm, chỉ có từ phát triển thành câu. So với ngôn ngữ thì âm nhạc là huyền thoại thiếu một khâu »4. Lévi-Strauss có nghệ thuật trình bày, đúc kết ngắn gọn ít người sánh kịp.
Giới văn học, dĩ nhiên đặc biệt lưu tâm đến lời Lévi-Strauss giải thích bài thơ Nguyên âm (Voyelles) của Rimbaud (1871).
A đen, E trắng, I đỏ, U lục, O xanh…
A thường thường gợi lên màu đỏ, sao nhà thơ lại hình dung màu đen ? Đi từ những khám phá của linh mục Castel (1688-1757) muốn tạo ra “cây đàn thị giác”, tạo tương quan giữa âm thanh và màu sắc, qua những khoa học vật lý, thần kinh, ngôn ngữ, Lévi-Strauss đã giải thích màu đen ở đây là “màu đỏ dưới trạng thái tiềm tàng” (tr.131) và ông đã viện dẫn nhiều văn liệu để minh chứng. Cũng cần nhắc lại rằng lý luận của ông tiếp nối công trình, giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire ông viết chung với Roman Jacobson (1962) có Benveniste góp ý, được xem như khuôn mẫu của phương pháp cấu trúc áp dụng vào việc phân tích văn chương, vô hình trung tạo ra “trường phái” phê bình cấu trúc, mà ông có đôi lần phủ nhận.
Tác phẩm khép lại với ba chương Nhìn vào đồ vật, như cái ngoái nhìn u hoài của nhà khảo cổ vào buổi xế chiều. Đặc sắc là mấy trang viết về những vật dụng đan lát như giỏ, thúng, rổ, rá, gùi… “trạng thái thăng bằng mong manh giữa thiên nhiên và văn hóa”, một chủ thể trung tâm trong tư tưởng Lévi-Strauss xưa nay. Khảo sát những vật dụng đan lát ở các bộ lạc châu Mỹ chưa có chữ viết, ông nhìn thấy khía cạnh thực dụng, trang trí và tín ngưỡng. Theo huyền thoại địa phương, đồ đan lát, một mặt phải không thấm nước (như gàu bên ta), mặt khác sợi đan phải tạo ra được mô-típ trang trí theo quy luật. Từ đó, các dân tộc đã phân biệt Giỏ cứng và Giỏ mềm: có bộ lạc da đỏ tưởng tượng “Giỏ mềm như những quỷ cái bắt trộm và ăn thịt trẻ con” (tr.163) có khi “quyến rũ đàn ông rồi cắt dương vật bằng âm hộ có răng” (tr.164). Lévi-Strauss đã tỉa ra một nhận định đơn giản mà sâu sắc:
“Đó đây khắp Tân Thế Giới, con người xem gùi – giỏ như những đồ vật đa cảm. Chúng đến từ thiên nhiên, tiếp thu được quy chế văn hóa qua công trình tiểu công nghệ đơn giản rồi sẽ trở về với thiên nhiên” (tr.166). Đã mong manh, chúng lại phù du: chỉ dùng được một lần, “nhưng dù hỏng nát, chúng vẫn gìn giữ phẩm chất văn hóa, mơ hồ tạo lòng kính trọng. Chúng là vật bất ly thân của người phụ nữ” (tr.166-167).
Những nhận định như thế vừa uyên bác vừa thi vị, nhân ái: ấy là phong cách riêng của Lévi-Strauss. Độc giả bàng quan, đọc lướt qua những dòng như thế, cũng thấy phẩm chất của mình được nâng cao.
Lévi-Strauss là một kẻ hoài nghi. Năm 1993, trả lời phỏng vấn, ông có tâm sự : « Tôi thấm thía một luận lý tối hậu: không có gì tồn tại. Dĩ nhiên, muốn sống, phải làm như là sự vật có ý nghĩa ; đó là triết lý tạm bợ cho cuộc đời, nhưng là triết lý cấp hai »4 .
Ông tin ở giá trị con người, bẩm sinh và vĩnh cửu, dù có nổi trôi theo lịch sử – và tác phẩm nghệ thuật là một chứng tích. Kết luận Nhìn Nghe Đọc, vừa buồn bã, vừa phấn khởi.
« Nhìn dưới tỷ lệ hằng nghìn năm, những dục vọng con người đồng hóa vào nhau. Thời gian không thêm được gì, không bớt được gì cho yêu thương và thù hận, cho những dấn thân đấu tranh và khát vọng : xưa và nay, cũng chỉ vậy mà thôi. Tình cờ, xóa đi mười, hai mươi thế kỷ lịch sử, kiến thức chúng ta về bản chất con người cũng không thay đổi bao nhiêu. Mất mát không bù đắp lại được là những tác phẩm nghệ thuật mà những thế kỷ kia đã tạo nên. Vì con người chỉ khác nhau, thậm chí chỉ tồn tại, qua tác phẩm của mình. Như tượng gỗ sinh ra từ thân cây, chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới chứng tỏ được hiển nhiên, rằng qua thời gian giữa người với người, có cái gì đó đã thực sự xảy ra » (trang cuối).
*
Trào lưu cấu trúc đã đi qua. Cùng với trận gió đã thổi qua đường phố Paris mùa xuân 1968. Từ ấy đến nay, thời gian đã mang đi bao nhiêu khuôn mặt lớn lao của nền văn học Pháp : Sartre và Aron, Barthes và Foucault, Lacan và Althusser…
Claude Lévi-Strauss là người còn lại của thế hệ trí thức ấy, được dư luận văn chương và báo chí ngưỡng mộ, một cách đằm thắm và dường như nhất trí. Không nhất thiết vì những đóng góp chuyên môn của ông : người đọc Lévi-Strauss không nhiều ; tận tụy một đời, Lévi-Strauss không những mang lại cho đời một cách nhìn đời, ưu ái, tin cậy với một thoáng hoài nghi. Ông còn được cảm tình nhờ phong cách hàng ngày : dung dị, từ tốn, uyển chuyển, khúc triết, nhân ái và thân ái.
Với ai được dịp gần ông, về mặt học thuật hay trong thực tế, Lévi-Strauss là tấm gương sáng, về lao động trí thức và về cách ứng phó với cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, một trần gian đa đoan, và một nhân gian nhiễu sự.
Ngoài đề :
Nhìn người, không cần gì phải nghĩ đến ta, vì nghĩ đến ta, có khi lại buồn vơ vẩn.
Có lúc buồn vơ vẩn như thế, tôi lại nhớ đến một người bạn vong niên, nhà ngữ học Nguyễn tài Cẩn, cũng tuổi cao, cùng phương trời xa…Vì vậy, bài này, tôi đề tặng anh Cẩn.
Cái gì thân, thì nó cũng xa, có khi xót xa…
6-9-1994,
Viết lại tại Paris, 10-11-2008
Đặng Tiến
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Claude Lévi-Strauss, Nhà xuất bản Plon, Paris, 1993.
[2] Nguyễn Văn Trung : Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu. Tạp chí Bách Khoa thời đại, Sài Gòn, số 293 ngày 15-3-1969 (và nhiều bài khác)
[3] Hoàng Trinh : Bước đầu phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3 (135) tháng 5 và 6-1972.
Lê Sơn : Văn học Liên Xô phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5 (137) tháng 9-10 năm 1972 và một số bài khác.
[4] Claude Lévi-Strauss, tạp chí Magazine Littéraire, Paris, số 311 tháng 6-1993, tr. 15, 24, 44 và 26 (Số đặc biệt về Lévi-Strauss và Nhìn Nghe Đọc, nhiều bài hay)
bài đã đăng của Đặng Tiến
■CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão - 07.11.2009
■Học hành tục ngữ, ngôn ngữ - 20.10.2009
■Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - 02.10.2009
■Âm trầm Tuệ Sĩ - 24.08.2009
■Giới thiệu Họa sĩ Thanh Trí - 08.08.2009
■Phê bình huyền thoại - 30.05.2009
■Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng - 23.04.2009
■Đời và nhạc Trịnh Công Sơn - 18.04.2009
■Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng - 13.04.2009
■Mấy lối giảng thơ - 09.04.2009
■Thơ là gì ? - 06.04.2009
■Đọc sách: Mùa biển động - 26.03.2009
■Thơ Miền Nam trong thời chiến - 06.04.2007
.
1 bình luận »
đỗ xuân tê viết:
Đọc bài của Đặng Tiến, một-biên-khảo-bậc-thầy về ngôi sao vừa tắt, tôi ngạc nhiên sao anh viết nhanh vậy, nhưng đọc xong mơí biết anh mơi viết lại. Như vậy càng công phu hơn. Tôi đã đọc Tristes Tropiques khi còn là học trò của giáo sư Nghiêm Thẩm (người cùng thời và rất ái mộ structuralism của Strauss), nên rất thú vị khi đọc bài của anh. Quả thật tác giả lớn đa tài trong nhiều lãnh vực mang sắc thái ‘Da Màu’ này đã để lại dấu ấn sâu sắc cho văn học và khoa học nhân văn, mà theo tôi là song song với sự miệt mài nghiên cứu, ông còn chịu lặn lội đến những bộ lạc xa xôi vùng Amazon để phá tan huyền thoại về ‘những con người man dã’, chứng minh dù họ mang đời sống bộ lạc nhưng vẫn có sắc thái tinh tế, ham tìm tri thức biểu hiện trong cách nhìn qua vật thể và phi vật thể của một đời sống văn hóa có thật (The Savage Mind,1962). Cám ơn anh ĐT về bài viết không phiên phiến chỉ viết cho vui vậy mà. đxt
.- 08.11.2009 vào lúc 11:51 am
--------------------------------------------------------------------------------
@ damau.org (tạp chí văn chương Da Màu) 2006 - 2009 Trở về đầu trang Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)