NGUYỄN TRƯỜNG TỘ NHÀ THIẾT KẾ VĨ ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC
Ở THẾ KỶ XIX
Nguyễn Đình Chú
Đúng là thời gian đã và đang ủng hộ Nguyễn Trường Tộ, đưa ông ngày một về gần với chúng ta, với đất nước hôm nay. Khoa học xã hội và nhân văn vẫn cần tiếp tục khám phá Nguyễn Trường Tộ, nhưng không ít mỹ từ cao sang đã dành để tôn vinh ông: “Người yêu nước sáng suốt”, “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”, “Nhà cải cách lớn của dân tộc”, “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, “Nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX”, “Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế” … Đến lượt tôi, tôi xin mệnh danh: “Nguyễn Trường Tộ: một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. Công việc thiết kế chính là công việc vạch đường chỉ lối, hoạch định chiến lược, chiến thuật, bày mưu định kế, xây dựng mô hình, phác hoạ mẫu này, mẫu khác để từ đó mà có sự thi công với vai trò điều khiển của công trình sư. Trong xây dựng, ở những công trình lớn đồ sộ, thiết kế và thi công là hai công đoạn khó bề kết làm một. Thiết kế phải có trước. Thi công là chuyện tiếp theo.
Từ cách nghĩ đó, trong đầu óc tôi, Nguyễn Trường Tộ đã hiện lên sừng sững như một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước Việt Nam ta rất mực yêu thương và cũng rất mực đau thương ở thế kỷ XIX. Rất tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước đã có một người con ưu tú, kiệt xuất, đầy đủ tư cách và khả năng là một nhà thiết kế vĩ đại mà không được chuyển tiếp làm vị tổng công trình sư. Lịch sử oái oăm là thế. Bi kịch là thế. Và Nguyễn Trường Tộ là nhân vật bi kịch của lịch sử oái oăm đó.
Để hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của nhà thiết kế Nguyễn Trường Tộ, hẳn là phải trở lại hoàn cảnh lịch sử đất nước ở thế kỷ XIX với hai đặc điểm cơ bản là:
1. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn thay thế triều đại Tây Sơn huy hoàng nhưng sớm nở, tối tàn, đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố thống nhất đất nước, mở rộng bờ cõi, kiện toàn thiết chế xã hội… nhưng vẫn không đủ để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng và cuối cùng rơi vào hoạ xâm lăng, nhục nhã.
2. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX là cuộc xâm lăng có đặc điểm rất khác so với trước. Trước là chuyện phong kiến nước lớn bắt nạt phong kiến nước nhỏ. Nay là chuyện phương Tây trên đường phát triển bắt nạt phương Đông lạc hậu; là chuyện đụng độ giữa hai hình thái xã hội: Xã hội tư bản chủ nghĩa mà theo K.Mác đã nói trong Tuyên ngôn Cộng sản là “Một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa có thể tạo ra một khối lượng của cải bằng hàng năm phong kiến cộng lại” và xã hội phong kiến nông nghiệp nghèo nàn, bế tắc. Cho nên ở thế kỷ XIX, mất nước đâu là chuyện riêng một Việt Nam. Chỉ trừ Nhật Bản và Thái Lan, còn Lào, Miên, Miến Điện, Mã Lai, Singapo, Philipin, Nam Dương, Ấn Độ đều mất. Cả đến Trung Hoa với chủ nghĩa đại Hán, từng xưng hùng, xưng bá trong khu vực mà cũng đã bị một số nước phương Tây xa tít kia đến xâu xé, chưa đến nỗi mất nước nhưng cũng đã phải nằm kềnh ra đó chứ còn gì.
Với cuộc thế khác xa thời trước và ngặt nghèo tày trời như vậy, một câu hỏi lớn ôi là lớn, một bài toán khó ôi là khó đối với Tổ quốc Việt Nam là:
Bằng con đường nào, bằng phương thức nào để giành lại giang sơn gấm vóc? Để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, tiến dần vào cõi văn minh phú cường?
Để có câu trả lời đích đáng trước câu hỏi lớn này, để có thể giải bài toán khó này của thời đại, cần rất nhiều điều kiện, nhưng trước hết phải xử lý đúng hai vấn đề sau đây:
1. Vấn đề tình và lý, tâm và trí, động cơ và hiệu quả trong cuộc sống nói chung ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Cụ thể ở đây là trong hoàn cảnh đất nước đang bế tắc và đã rơi vào hoạ xâm lăng. Thì đấy, trong thực tế, đã thấy có hai trạng thái rõ rệt:
a. Sự lúng túng, bất lực, lý chẳng ra lý, tâm chẳng ra tâm, trí chẳng ra trí, động cơ thì mập mờ, hiệu quả thì thảm hại, của triều đình nhà Nguyễn.
b. Sự vùng lên kiên cường bất khuất, lãnh đạo nhân dân chống xâm lược, hết đợt này đến đợt khác của các sĩ phu mà tình, mà tâm, mà khí phách thì hữu dư được lịch sử muôn đời ca ngợi, nhưng xem ra thì lý, thì trí chưa đủ độ cần thiết, nên cuối cùng vẫn chịu thất bại đắng cay.
Rõ ràng là trước câu hỏi lớn và khó, trước bài toán khó của thời đại, đã phải có một cách xử sự mới, vượt lên truyền thống. Nghĩa là, vẫn phải có tình, có tâm mà truyền thống đã có, nhưng phải có một thứ lý, một thứ trí mới hẳn, mang tính hiện đại, có nhiều khả năng đảm bảo hiệu quả cho đất nước.
2. Vấn đề không phụ thuộc (độc lập: indépendant), phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant), và con đường dành độc lập là thế nào? Indépendant và Interdépendant là hai phương diện, cũng có thể nói là hai quy luật tồn tại trong sự sống, không chỉ với một quốc gia, mà còn là với mọi cộng đồng sống, kể cả cuộc sống cá nhân. Tuy vậy, trong nhận thức về hai quy luật này và từ đó là trong hành động, không phải ở đâu lúc nào cũng giống nhau. Kể cả con đường giành độc lập dân tộc trước hoạ xâm lăng thì vẫn có hai phương thức bạo động và không bạo động. Có thể nói trong lịch sử nước ta, từng quen với quy luật độc lập. Trước ngoại xâm thì cũng quen dùng phương thức bạo động mà chưa quen, với quy luật phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant) trong tình thế không bình thường là kẻ thù đã xâm chiếm đất nước và cũng chưa quen đi con đường giành độc lập không bạo động. Nhưng ở thế kỷ XIX, trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp, trong thực tế, đã có một số người Việt Nam, dù tự giác hay chưa tự giác, tự giác nhiều hay ít, đã sống với quy luật interdépendant, để rồi phải chịu đựng tiếng bấc, tiếng chì, thậm chí là sự lên án, sự mạt sát trong một bộ phận của người đời nhưng xem ra thời gian lại đang ủng hộ họ. Bởi thành quả mà họ để lại cho đất nước vẫn là thành quả muôn đời, trừ người không biết nhận thức mà vẫn phủ nhận phũ phàng. Trương Vĩnh Ký, cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đầu thế kỷ XX là những trường hợp tiêu biểu cho đường hướng interdépendant đó, dĩ nhiên, mới là trên phương diện văn hoá. Về chính trị, Phan Châu Trinh là người đi theo quy luật interdépendant này, và Phan Bội Châu về sau cũng vậy…
Từ những gì được nói trên đây, tôi xin được coi Nguyễn Trường Tộ là người số một, thậm chí là độc nhất vô nhị có tư cách trả lời câu hỏi lớn, giải bài toán khó của đất nước Việt Nam ta ở thế kỷ XIX. Dĩ nhiên, là mới ở phương diện nhà thiết kế. Bởi lẽ ở ông cái tình, cái tâm cũng lớn như ai. Nhưng quan trọng hơn là có cái lý, cái trí đột khởi mà đương thời chưa thấy ai sánh kịp. Bởi lẽ: với những người Việt Nam ưu tú, cùng thời thì hoặc là nhiệt tâm đeo đuổi phương thức giành độc lập bằng vũ trang mà hầu như chưa nghĩ gì tới quy luật Interdépendant, thậm chí còn đối địch với nó; hoặc là nhiệt tâm đi theo quy luật Interdépendant mà né tránh hoàn toàn con đường vũ trang giành độc lập. Trong khi Nguyễn Trường Tộ thì có tất cả. Với Nguyễn Trường Tộ là Interdépendant nhưng vẫn Indépendant. Mà Indépendant không vũ trang bạo động nhưng khi cần vẫn có vũ trang bạo động ít ra là trong ý đồ.
Để hiểu chất lượng thành quả thiết kế của Nguyễn Trường Tộ, trước hết lại phải hiểu được con người của Nguyễn Trường Tộ mà ở đó nổi lên những nét đặc sắc như sau:
1. Về nhân cách và cá tính sống: Nguyễn Trường Tộ quả là một người theo đạo Thiên chúa hết lòng hết dạ với giống nòi và rất tự tin vào sự hiểu biết, vào “tài ứng dụng với đời ” của mình. Chính ông đã tự nói điều đó trong nhiều bản điều trần bên cạnh những lời nói khiêm nhường, hạ mình. Ông là người rất có ý thức và bản lĩnh trong việc xa lánh chức tước, danh vọng để đeo đuổi lý tưởng cứu nước, giúp đời. Ông là người đã sống trọn với chữ Nhẫn theo ý nghĩa chân chính nhất của nó, nhằm vượt qua những sự mè nheo của thế gian để đạt tới lẽ sống cao cả của mình.
2. Về văn hoá: Nguyễn Trường Tộ là một hiện tượng hội tụ đột khởi tới mức đương thời, kể cả sau nữa, cũng không dễ mấy ai vượt qua, mặc dù di sản của ông để lại chủ yếu chỉ 58 bản điều trần. Ông là một giáo sỹ kiêm một nhà Hán học, một nhà Đông phương học, một nhà Tây học, mặc dù chẳng có bằng cấp gì. Qua những bản điều trần, thấy rõ ông có trình độ Hán học uyên thâm. Thuộc Bắc sử (sử Tàu), hiểu Nho giáo, đến nơi đến chốn. Cũng qua các bản điều trần, thấy ông hiểu phương Tây một cách khá toàn diện, không chỉ trên phương diện chính trị, xã hội mà cả các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, hiện đại từ chuyện lớn vĩ mô, đến chuyện vi mô cụ thể. Ở thời đại của ông, không một người Việt Nam nào lại hiểu biết tình hình thế giới, khu vực được như ông. Với đất nước mình cũng vậy, đương thời khó có ai hiểu sâu sát được như ông. Tôi nói thế mà không sợ quá lời, một khi bản thân đã ít nhiều so sánh hệ thống văn bản điều trần của ông với nhiều thư tịch đương thời trong đó có đình đối sách mà nhà vua, người ra đề thi thường có yêu cầu các đại thí sinh phản ánh tình hình thực tế đất nước.
3. Về tư duy: Nguyễn Trường Tộ cũng là người có một năng tư duy đột khởi, hiếm lạ so với tầng lớp đại nho, đại thức đương thời, đủ làm cơ sở vững chắc đảm bảo chất lượng tối ưu cho suy nghĩ, hành động và tầm vóc văn hoá của ông. Trong tư duy Nguyễn Trường Tộ nổi lên mấy đặc điểm sau:
- Có khả năng tư duy nắm bắt những vấn đề vĩ mô, khái quát, chiến lược mà vẫn không xa rời những điều vi mô, cụ thể, chiến thuật. Ví dụ: bàn “Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp” (Di thảo số 32 ngày 12.3.1868) là đụng đến một đại sự của quốc gia mà không quên dặn “Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải 30 chiếc… 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải 20, 30 đôi để thay đổi luôn mới được ”.
- Có khả năng tư duy tích hợp (intégration) vốn là một phương diện rất cần trong việc huy động tri thức, liên kết hiểu biết đa diện đa chiều nhằm tạo hiệu quả cao cho hành động. Khoa học hiện đại đang rất coi trọng khả năng tư duy tích hợp, khoa học tích hợp này. Không chỉ toán riêng, lý riêng, mà còn là toán lý. Không chỉ sinh riêng, hoá riêng mà còn là sinh hoá…Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ, ta thấy rõ năng lực tư duy này. Ví như trong Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), bàn chuyện xây nhà ở kinh thành, phải xây gạch lợp ngói. Thì trong ý nghĩ của ông không chỉ là chuyện để có nhà ở mà còn là chuyện “phải xắp xếp lại phương hướng cho hợp với binh pháp. Như vậy mới có ích lợi lớn. Như các nước phương Tây dùng nhà cửa làm thành. Đường sá qua lại chằng chịt. Ở những chỗ quan yếu có pháo đài nhỏ. Quan dân nhờ đó dễ phòng thủ. Một khi có biến, dân chúng đều rút vào nhà hết. Có ai chạy lộn xộn ngoài đường thì đó là quan binh hoặc quân loạn nghịch mà thôi nên dễ kiểm soát tầm nã”.
- Có khả năng tư duy so sánh mà hiệu quả nhận thức từ đó dẫn đến hiệu quả hành động cao hơn là không có so sánh. Nhất là năng lực tư duy so sánh lại được dựa trên một tầm độ hiểu biết chuyện đời Đông Tây kim cổ, văn hoá Đông Tây kim cổ như Nguyễn Trường Tộ đã có thì đúng là đương thời khó ai sánh kịp, mà cả hậu thế, cũng không dễ ai hơn. Trong Tám việc cần làm gấp, Nguyễn Trường Tộ từng viết: “Đem nước ta so với thế giới mà xem mới thấy mình có nhiều thiếu sót… Nếu sau khi quan sát thế giới rồi chịu nghiên cứu cho sâu, học cho hết, sau đó nhìn lại nước mình mới thấy lời nói của tôi là thiết thực xác đáng”. Một ví dụ: Trong khi bàn việc “Sửa sang cương giới”, ông so sánh và thấy: “Bản đồ cương giới của Trung Quốc ngày nay rõ ràng hơn của ta gấp bội nhưng so với các nước phương Tây, Trung Quốc chỉ đáng một phần mười ”.
- Có khả năng tư duy triết học dù chưa phải là một triết gia. Năng lực tư duy triết học là năng lực tư duy cao sâu hơn tư duy xã hội học, tư duy cụ thể, thiển cận. Loại tư duy này cho phép vượt lên trên trình độ nhận thức hiện tượng để nhận thức về mối quan hệ giữa các hiện tượng vốn là phức tạp, trừu tượng, thậm chí là bí hiểm. Ở Nguyễn Trường Tộ, qua các di thảo của ông cho thấy, tư duy triết thể hiện ở hai trạng thái: kinh viện và thực tiễn. Kinh viện là những điều cao sâu ít nhiều đã có ở thư tịch, chủ yếu là của phương Đông, Trung Hoa cổ đại. Ví như khi “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận), ông đã dựa vào triết lý về chữ Thế để mở đầu cho sự lập luận: “Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “Thế” mà thôi. Chỉ “Thế” là nói bao gồm cả thiên thời, nhân sự cho nên, người biết rõ “Thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc”. Hoặc như khi “Bàn về tự do tôn giáo ” (Giáo môn luận 29.3.1863) ông cũng bắt đầu từ ý tưởng “Trộm nghĩ rằng cái đức lớn của trời đất là sự sống. Sống là gì? Là làm cho muôn vật được bảo toàn thiên tính của nó. Vì vậy trên trời có sao sáng mây đẹp thì cũng có gió lớn mưa to, dưới đất có lúa tươi thóc tốt, thì cũng có cỏ xấu, sâu độc. Tuy tốt xấu khác nhau nhưng đều được sinh nở không cái nào bị hại. Như vậy, mới sáng tỏ cái đại toàn của trời đất. Chứ cái gì đẹp thì tô bồi, cái gì xấu thì dẹp bỏ, cái gi hay thì che chở, cái gì dở thì huỷ hoại thì không làm sao thấy được cái vĩ đại, cái kỳ diệu của tạo vật. Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì nếu trên đời này, nếu có ngọt mà không có đắng, người ta sẽ không biết vị ngọt là đáng yêu, có ấm mà không có lạnh, người ta sẽ không biết được cái thích thú của sự ấm áp, có trắng mà không có đen, trắng không tự mình phơi bày cái đẹp được … Cho nên trời đất không vì tốt xấu mà phân biệt mưa sương, không vì văn minh dã man mà phân biệt sự che chở….”.
Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã đụng vào quy luật đối trọng (Contre-poids) vốn là quy luật lớn nhất của sự sống. Còn triết lý thực tiễn ở Nguyễn Trường Tộ chính là những lẽ thường tình trong sự sống con người. Ví như: “Phải biết sống theo hoàn cảnh mới là người sáng suốt hiểu đúng đạo lý” (Tám việc cần làm gấp), “Thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế diễu” (Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp), “Biết rõ uy thế của ta của họ để tuỳ cơ ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo” (Trả lời cái câu hỏi của triều đình) “Phàm việc đời không kể lớn nhỏ chưa có việc gì hoàn toàn tốt đẹp mười phần mà không hư hỏng chút nào, cũng chưa có việc gì hoàn toàn hư hỏng mười phần mà không có ích lợi chút nào” (Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 tháng 2. Tự đức 21), “Thói thường người ta chỉ lo cứu hoạn mà không biết phải lo làm sao cho mối hoạ không sinh ra (Tiễu trừ giặc biển)”. “Ở đời nếu phải tai hoạ thì hãy chọn cái hoạ nhỏ.” “Ăn trộm thì không gì bằng ăn trộm nước” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh).
*
* *
Với tư chất như trên, Nguyễn Trường Tộ trở thành nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX. Nội dung thiết kế bao gồm không biết bao nhiêu là vấn đề, sự việc, bộ phận, chi tiết. Lịch sử tiếp cận, đánh giá, nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ từ khởi thủy là các tác giả Đại Nam thực lục chính biên, tiếp đến là Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo, tiếp đến nữa là các vị Lê Thước, Nguyễn Trọng Thuật trên Nam phong tạp chí, Đào Đăng Vỹ trên La Patrie annamite, Hải Vân trên Hà thành thời báo, Phan Trần Chúc trên tuần báo Tân Việt Nam, Sử Tử Bình,Lục Y Lang trên Tiếng Dân, Đào Duy Anh trên báo Tri Tân, Bulletin des amis du vieux Huế, Từ Ngọc với sách Nguyễn Trường Tộ (1941) và rất nhiều người nữa tiếp theo trong đó đáng chú ý nhất là Cao Xuân Huy với luận văn “Hệ thống tư tưởng triết học của Nguyễn Trường Tộ”(1960), Đặng Huy Vận – Chương Thân – với công trình “Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị cải cách của ông” (1961), Trần Văn Giàu trong sách “Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam”(Từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám) (1973), Trương Bá Cần với sách “Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo” (2002), Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh với kỷ yếu hội thảo khoa học có tên sách “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước” (1992)… đã đề cập, đã giải mã không biết bao nhiêu điều về Nguyễn Trường Tộ. Hôm nay đến lượt tôi, người đi sau đã được học tập tiền nhân, liệu có thể nói gì thêm khi đã nổi lên trong đầu óc một ấn tượng bao quát về “Nguyễn Trường Tộ – nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX” chứ không chỉ là nhà duy tân, nhà cải cách, nhà canh tân đất nước? Hy vọng rằng cách thay đổi mệnh danh này về Nguyễn Trường Tộ may gì cũng tạo được một cách nhìn toàn diện hơn nữa về Nguyễn Trường Tộ và từ đó cũng có thể làm rõ hơn nữa tầm vóc vĩ đại của ông. Tôi xin trình bày nội dung thiết kế của Nguyễn Trường Tộ dựa theo không chỉ một mục tiêu duy tân cải cách mà hai mục tiêu là:
- Tìm cách giành lại phần lãnh thổ đã mất cho đất nước.
- Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường.
A. Phần Một
Năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng. Năm 1859, Pháp bỏ Đà Nẵng vào đánh Gia Định. Năm 1862: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 1867: Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong khi Nguyễn Trường Tộ bắt đầu công việc điều trần tạm ghi là vào năm 1863. Nguyễn Trường Tộ mất ngày 10.10.1871, sau khi Nam bộ đã mất trọn 4 năm và ở Pháp có Công xã Paris xảy ra đầu năm 1871.
Pháp xâm lược đất nước. Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã không đi theo con đường truyền thống mà các sĩ phu yêu nước thời đó đã đi là cùng nhân dân vùng lên anh dũng, võ trang chống Pháp, nghĩa là theo quy luật indépendant bằng lối đi độc đạo là bạo động. Nguyễn Trường Tộ, bằng trí tuệ riêng, bằng cách tính toán riêng đã chủ trương đi theo con đường khác mà dân tộc chưa quen đi là theo quy luật interdépendant (phụ thuộc lẫn nhau), chủ trương trước mắt tạm “hoà” mà không “chiến”. Vấn đề “hoà” hay “chiến” là vấn đề lớn nhất của lịch sử lúc này. Trong thực tế, đã diễn ra tình trạng ở những người có trách nhiệm cầm đầu vận nước đương thời trong đó có phái chủ chiến, có phái chủ hoà, kể cả tình trạng lúng túng, hoà không ra hoà, chiến không ra chiến. Hoà cũng lắm kiểu: hoà do yếu đuối, bạc nhược, sợ địch. Hoà do có sự tính toán thiệt hơn về trước mắt và lâu dài. Nguyễn Trường Tộ cũng hoà nhưng rõ ràng là ông có sự tính toán đa dạng, đa diện, đa mưu, đa kế hơn những người chủ hoà khác. Mặc dù, với chủ trương hoà này, đương thời ông phải chịu không ít sự hiềm nghi, kể cả đến hôm nay, với hầu hết người Việt Nam có suy nghĩ thấu đáo thì sự hiềm nghi đã được rũ bỏ, chỉ còn lại sự tôn vinh nồng nhiệt. Nhưng một vài người Việt sống ở nước ngoài, không hiểu vì lẽ gì, không những không rũ bỏ mà phần nào còn cường điệu sự hoài nghi ở mức xúc phạm đến con người kiệt xuất này. Mong rằng các vị đó sẽ có lúc hồi tâm tìm hiểu lại một cách kỹ càng để tự điều chỉnh mình cho phù hợp với đà chung của học giới. Trở lại với Nguyễn Trường Tộ mà thấy thương cho ông ngày đó. Ông tâm huyết với đất nước lớn lao là thế mà đã phải gánh chịu bao sự eo xèo, hiềm nghi để phải nhiều lần thanh minh, phải như tự kêu lên rằng: Tôi không phải là tay sai cho ngoại bang. Tôi chỉ là người đang tìm một con đường cứu nước theo kiểu khác mà tôi thấy nó mới thật sự có hiệu quả. Hãy đọc lại một vài đoạn trong bài Trần tình của ông:
“Tôi bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi, những hoài bão và việc làm của tôi có chỗ khác hơn người (NĐC nhấn mạnh)…
“Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt giành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay, nước chảy. Vả lại, tôi cũng không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lại theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người….”(NĐC nhấn mạnh)
“… Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn. Về việc học không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi dùng để đền đáp lại cái mà trời cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào”… “… Kíp đến lúc người Pháp gây hấn với ta, tôi đã cực lực chối từ lời mời của họ. Nhưng sau nghĩ lại tình thế nước ta hiện nay tạm hoà là thượng sách. Vì chưa đủ sức chống chọi được với họ, cho nên, phải uốn nắn mà theo họ. Như thế may ra góp được một phần nhỏ đối với việc hoà. Nỗi khổ tâm của tôi phải uyển chuyển để được chu toàn thật không bút nào tả được. Tôi đã dự định trong lòng từ lâu, nếu như việc đó được thành công thì tôi lại bay bổng cao xa ngao du khắp bốn bể… ” “…. Nếu quả tôi có lòng phản bội Tổ quốc thì sao tôi lại có thể cẩn thận suy nghĩ, bí mật lo liệu được như vậy?...” “… Mặt trời cho dẫu không soi đến. Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ”. Trong di thảo “Tâm sự với Trần Tiến Thành” (19.3.1866) ông cũng viết: “… Tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mong được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý đồ gì khác mà thật vượt ra ngoài lẽ thường tình. Theo lẽ thường mà nói thì những việc làm của tôi như vậy, thật là khó hiểu, bấy lâu nay tôi không gánh vác việc gia đình, không thiết tha tài lợi, cả Tây Nam cũng đều thấy, như thế cốt để gạn lọc ý chí, đào luyện tính tình mà bảo dưỡng việc học tập của mình. Tất cả những điều đó vốn là để mong đợi thời hành sự để mong làm được một vài điều lòng hằng ôm ấp, để trọn ơn trên, để tròn thế sự. Chứ đâu phải cam chịu chôn mình trong cảnh tối tăm tịch mịch ? Trung và hiếu vốn là hai điều khó giữ vẹn. Nhưng chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình thì việc an nguy của quốc gia thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt, không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước. Trung không thành thì hiếu cũng chưa chắc giữ được…”
Rõ ràng là Nguyễn Trường Tộ đã phải chịu sự hiềm nghi nặng nề trong khi bằng trí tuệ riêng của mình mà chủ trương tạm hoà (chứ không phải hoà) với Pháp. Thật là đáng quý dù bị hiềm nghi nặng nề mấy, ông vẫn kiên tâm theo đuổi đường lối vừa riêng, vừa mới của mình trong đó có chủ đích là giành lại phần lãnh thổ của đất nước đã bị mất cho thực dân Pháp. Ông cũng ghét thực dân Pháp như ai là người Việt Nam yêu nước đương thời. Ông theo dõi rất sát sao và mật báo cho triều đình biết âm mưu của thực dân Pháp: “Hiện nay ba tỉnh ngoài họ đã không trả, ba tỉnh trong lại lăm le muốn lấy, rồi tương lai sẽ gây biến động gì nữa, cứ suy việc trước ắt biết” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh 18.7.1864) “Những sự tình trong lời xin của họ tôi đã nói rõ trong tờ bẩm trước. Nếu việc xin của họ gặp khó khăn, trở ngại, họ cũng không cưỡng ép mà cứ dần dần thi hành cái âm mưu quỷ quyệt để mưu chiếm lấy hết… Hiện nay họ đã sai người đi theo Tiền Giang dọc thẳng các đường đến tận Vân Nam. Những nước nhỏ ở phía Tây ven sông thuộc Xiêm La thường bị họ dùng kế ly gián để dễ bề sai khiến. Họ còn lên tiếng xin nước ta cho họ sai người dọc theo đường núi từ Bình Thuận ra Bắc đến Tuyên Quang để dò đường trước rồi sẽ sai binh thuyền dọc theo ven biển từ Bình Thuận đến Quảng Yên qua cái cảng khẩu và mặt biển để dò nông sâu, vẽ vào bản đồ. Sở dĩ họ cần làm như thế là không những chỉ mưu lợi mà còn dụng ý rất thâm, tôi đã mật báo rồi, nay không dám nói rõ nữa” (Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước 15.2 – 17.3.1866), “Nay xem triều đình của họ đã có mật nghị, muốn lấy trọn sáu tỉnh hợp với Cao Miên để làm cửa ngõ lấy vùng đất hai bên sông Cửu Long dọc lên tận Vân Nam…” (tài liệu vừa dẫn). Trong “Tám việc cần làm gấp”, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc lại âm mưu của Pháp gồm 5 kế độc là: “1) Giúp bọn làm loạn chia cắt đất nước. 2) Giả hoà rồi đánh ta bất thình lình. 3) Lập ngôi soán vị rồi chuyên quyền. 4) Mượn đường diệt giặc. 5) Lấy êm bằng cách hối lộ”. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, với nhiệt tâm cứu nước theo đường lối riêng của mình, có lúc ông đã cật vấn triều đình Huế: “... Binh chưa mạnh sao không chăm lo võ bị cho mạnh… Kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, tại sao không hỏi han nhắc nhở nhau tìm mưu lập kế để ngăn ngừa? … Tại sao không đem tâm lực ra mà lo những việc cần kíp trước mắt, lại đem dùng vào những chuyện xa xôi, không thiết thực ? Tôi sợ kẻ địch xung quanh đang bức bách ta ngày kia sẽ đem giáo hoá luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta. Chừng đó ăn năn sao kịp” (Tám việc cần làm gấp 15.11.1867). Nguyễn Trường Tộ đã bày mưu định kế để tiến tới chỗ tống khứ thực dân Pháp ra khỏi Nam bộ, giành lại lãnh thổ trọn vẹn của đất nước. Trong kế sách của ông, có đủ biện pháp, có đủ chiến thuật khá là hiện đại mà nói chung là dùng trí hơn là dùng lực. Cụ thể, có mấy điểm nổi bật như sau:
- Dùng Anh để kìm Pháp: phải nói đây là một kế sách rất cao tay. Bởi ông biết rõ mối quan hệ Anh – Pháp trong lịch sử và đương thời vốn chẳng hay ho gì, vốn có sự hiềm khích nhau. Trong “Kế hoạch duy trì hoà ứơc mới” (18 – 24 tháng 3 - 1864), ông từng viết: “Nếu muốn mưu tính việc thiên hạ, khiến những bọn ghét nhau tự xâu xé lẫn nhau để ta được nhân đó mà hưởng lợi”… “Tôi xét thấy sự thế hiện nay chỉ có người Anh có thể cộng tác được với ta. Vì Anh và Pháp có mối thù truyền kiếp. Nay người bác của vua Pháp bị người Anh đày ở ngoài một đảo xa xôi, người Pháp lấy làm xấu hổ. Người Anh mất Hợp chủng quốc do Pháp hất cảng; người Pháp sở dĩ tạm thời hợp tác với người Anh vì người Anh giỏi về đường biển. Nay nếu có đánh nhau thì người Pháp chỉ giỏi về đường bộ, không thể biến hoá được. Vả lại, người Anh đã chủ được tình thế phương Đông hơn gấp 10 Pháp. Cho nên Pháp phải miễn cưỡng hoà thuân với Anh. Nhưng tính người Pháp hay kiêu điệu, lại hay dèm pha, nên càng dễ ly gián. Người Anh tuy được nhiều nơi nhưng chưa chỗ nào hiểm trở bằng Gia Định. Nay nếu Pháp lấy được Gia Định thì sẽ bất lợi cho mình. Nên có cơ hội thuận tiện, lẽ nào người Anh bỏ qua. Nay nếu ta tỏ ý cần mượn người Anh thì cũng dễ nói:” Việc ly gián Anh – Pháp còn được Nguyễn Trường Tộ nói lại nhiều lần trong nhiều văn bản khác, và trong khi bàn chuyện này, Nguyễn Trường Tộ cũng đã nghĩ đến cái nạn “đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau” (lời của Nguyễn Trường Tộ). Và ông có cách biện giải, tựa như trong chuyện đánh cờ tướng vậy, gặp nước cờ này thì đi nước cờ khác, gặp tình thế nào sẽ tìm cách giải quyết tình thế ấy theo binh pháp “tương kế tựu kế” rất biến hoá. Nguyễn Trường Tộ còn chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp với các nước khác mà Napoléon đã gây ra là YphaNho, Áo Đại Lợi, Nga La Tư, Ý Đại Lợi, Hà Lan…. và mở rộng quan hệ với nước ngoài nói chung nhằm tạo thế đứng cho đất nước trên trường quốc tế để từ đó tranh thủ mọi sự ủng hộ, khai thác nhiều quan hệ lợi cho đất nước hơn ở tình trạng chỉ bó hẹp lại trong quan hệ giữa ta với Pháp mà đã bị Pháp bắt nạt, kìm chế.
- Vừa khoét sâu vào mâu thuẫn của nội bộ thực dân Pháp, vừa tranh thủ sự ủng hộ của người Pháp. Nguyễn Trường Tộ nắm khá rõ mối quan hệ giữa Tây soái ở Gia Định và Chính phủ Pháp trong đó có chuyện dối trá của Tây soái trong các báo cáo về tình hình ở Việt Nam. Do đó ông tìm cách gây bất lợi cho Tây soái trước Tây triều. Bấy giờ có Aubaret (Hà Bá Lý) là một sĩ quan của Pháp sang xâm lược Việt Nam nhưng là một người có học, từng tiếp kiến Nguyễn Đình Chiển và dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, từng khuyên triều đình Pháp trả lại ba tỉnh Đông Nam bộ cho ta, lại có thâm thù với Tây soái, nên Nguyễn Trường Tộ dặn “sứ bộ đi Tây ngầm tìm được ông ta, dùng lời nói khôn khéo và cầu kế với ông cũng được”. (Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 . 2 Tự Đức 21).
- Vạch kế hoạch thu hồi 6 tỉnh một khi có thời cơ. Thật là kinh ngạc về khả năng dự báo của Nguyễn Trường Tộ. Ngay từ năm 1864 mà ông đã dự báo “Nước Pháp vài năm sau tất sẽ có nội loạn” (Kế hoạch duy trì hoà ước mới(18 – 24 tháng 3 năm 1864). Quả đúng như thế. Ba năm sau, năm 1871, cuộc cách mạng đầu tiên của công nhân và nông dân Pháp nổ ra và nhất thời thắng lợi (18 -3). Chính phủ Chie (Adolpie Thiers) bỏ chạy về Vecxay (Versailles), nhân dân Paris tiến hành bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, lập Hội đồng công xã (28.3). Nguyễn Trường Tộ với nhận thức, “đại phàm việc thiên hạ, để thời cơ trôi qua mà hối tiếc, với thời cơ chưa đến mà cưỡng làm, đều sai lầm như nhau cả. Cho nên người khôn tuỳ thời mà giải quyết công việc, tuỳ việc mà ra mưu, gặp thời làm được thì gấp rút ra tay, không bỏ qua cơ hội”. Lúc này là lúc có cơ hội. Nguyễn Trường Tộ vạch “Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh” (1.2.1871), trước cả ngày công xã Paris thành công. Ông nói rõ: “Hiện nay người Pháp đang gặp vận hội thay đổi lớn. Chính là lúc ta nên gấp rút đặt kế hoạch. Năm trước tôi đã nói “kỳ hạn khôi phục trong mười năm” là cũng đã liệu trước sẽ có cơ hội này, chứ không phải nói quàng, nói hão. Những lời trình bày của tôi trong những năm gần đây, tất cả đều quy vào việc tạm hoà để nghỉ sức, canh tân để mạnh thế của ta, cầu viện để giúp thêm cho ta. Còn dùng binh lực để quyết liệt một phen thì chưa nói đến. Vì muốn khôi phục lại được tất phải đổi mới tiến lên và giao thiệp rộng. Có hai cái ấy làm cơ sở, binh lực mới từ đó mà ra. Nhưng làm hai điều này phải khá lâu chớ không phải kể năm kể tháng mà được. Nếu không lo làm nhanh, đã muộn lại muộn thêm, khi thời cơ đến mà phương tiện chưa đủ hoá chẳng đáng tiếc lắm ru?”.
Trong kế hoạch này, trước hết Nguyễn Trường Tộ chỉ ra những thuận lợi liên quan đến thời cơ và nêu lên nhiều biện pháp cụ thể để tuỳ cơ mà áp dụng như:
1. Cử một đại thần vào gặp Tây soái ở Gia Định khuyên dồn quân về một nơi còn lại các nơi khác trả lại cho ta hết.
2. Sai người đi khắp sáu tỉnh , xúi dân đâu đâu cũng dự bị làm loạn và tung tin khắp nơi khiến cho y (Tây soái) biết được việc ấy.
3. Sai người đi Hương cảng bảo các khách buôn giàu, hứa ngày sau sẽ cho buôn bán ở một hai cửa biển lớn và cho bán nha phiến cả nước mà không đánh thuế, nhưng trước hết xin họ xuất tiền cho mua một số đại pháo, nhờ thuê cho một số người Anh lưu vong, xây một số pháo đài theo kiểu Tây ở cửa Thuận An, Nghệ An, Đà Nẵng, sông Gianh…
4. Từ Nghệ An trở vào Nam, giả vờ thôi thúc quân lính, ban rõ hiệu lệnh phao tin khắp mọi nơi nổi lên đánh giặc.
5. Sai người đi Cao Miên tìm Cầm Bô lấy lời khôn khéo xui sử y trên ấy nổi dậy trước, dưới này ta sẽ đánh thúc lên…
6. Làm công tác binh vận kêu gọi những người Việt được Pháp huấn luyện làm lính tập, mã tà… hãy là người còn có lòng người, còn nhớ đến Tổ quốc, tất cả đâu đó sẵn sàng.
7. Kêu gọi Hoa Kiều từng là khách nhưng ở nước Nam đã lâu, bị Tây ức hiếp, nhân lúc này hãy ngầm tiếp tay với người Nam để có lợi về sau.
8. Tranh thủ tầng lớp quan lại từng làm quan cho Pháp bằng cách tỏ lời thông cảm với hoàn cảnh vạn bất dĩ của họ, chỉ cho họ thấy lợi hại trước tình hình mới.
9. Dùng thủ thuật gây nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ người Pháp và cả những người cộng tác với Pháp, tìm cách kéo họ về phía mình.
10. Mật sai các đại gia thế tục trong 6 tỉnh Nam bộ họp nhau làm tờ thương nguyện gửi lên quan Tây sở tại, tung tin triều đình Việt Nam sắp hành động, gây sức ép để Pháp phải làm theo ý ta.
Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam bộ của Nguyễn Trường Tộ còn có nhiều điều khác nữa. Ở đây không thể nói hết. Nhưng điều này thì không thể không nói. Đó là “kế hoạch đánh úp Gia Định”. Trên cơ sở theo dõi sát sao, hiểu biết khá tường tận tình hình nước Pháp vào đầu năm 1871, với ý thức tranh thủ, chớp thời cơ, chỉ sau 8 ngày dâng “kế hoạch thu hồi sán tỉnh” (1.2.1871), Nguyễn Trường Tộ dâng tiếp điều trần “Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định” (9.2.1871). Nội dung gồm 2 bước:
- Bước 1: là gấp rút cử phái bộ đi Pháp để tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước từng ít nhiều có mặt này mặt khác, mẫu thuẫn với Pháp, nhân dịp này đứng về phía Việt Nam. Đó là các nước Y Pha Nho, Anh, Thổ. Tìm cách tranh thủ Giáo hoàng La Mã để Giáo hoàng ra lệnh rút các giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam về nước, nhường chỗ cho các giáo sĩ người YPhaNho – Gặp gỡ, thuyết phục, lung lạc tâm lý giới cầm quyền nước Pháp trong hoàn cảnh đang bị rối loạn trả lại 6 tỉnh Nam bộ cho Việt Nam. Mặt khác, cũng không quên tìm cách lung lạc tâm lý của Tây soái ở Gia Định.
- Bước 2: Nếu bước 1 đã thành công thì không cần bước 2, nhưng không thành công thì bước 2 sẽ là như sau: Nguyễn Trường Tộ đóng vai trò trá hình, làm phản gián bằng cách giả xin bổ ông một chức quan trong triều nhưng lại ăn nói phạm thượng để bị cách chức. Từ đó, ông sẽ đóng vai trò của một người chiêu hồi với Tây soái. Và với vai trò chiêu hồi giả này, ông làm việc cho Tây nhưng thực tế là để đi khắp Lục tỉnh tìm cách móc nối với các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị nhiều thứ trong đó có cả chuẩn bị vũ khí, luyện tập binh sự, chờ đợi thời cơ. Ngoài ra còn ra Bắc móc nối với những người từng có dã tâm muốn vào làm việc với Tây soái, lừa Tây soái cấp giấy tiếp nhận họ nhưng lại bí mật gửi cho triều đình biết loại người này. Riêng với một số người trong bọn này đã vào Gia Định, thì cuối cùng lại biến họ thành người có công với đất nước trong việc đánh úp Gia Định. Mặt khác, bố trí người tìm cách lung lạc tâm lý Tây soái, xúi nó rút quan võ về nước, thay bằng quan văn. Mọi việc chuẩn bị như thế là không thể nóng vội mà hỏng việc phải trong khoảng 2 năm. Cuối cùng việc chuẩn bị hoàn thành thì chuyển sang kế hoạch đánh úp, trước hết bằng cách nhân đêm khởi sự: phá đê ngăn nước để “Các thuyền Tây ở mặt dưới không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc vùi xuống dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết ”.Trong khi đó hô hào quần chúng nổi dậy. Theo ông là: “Phải nuốt giận mà vào, thừa lúc họ đang buông lỏng không phòng bị mới có thể đuổi giết họ được.”
Quả thật chỉ qua hai bản điều trần về việc thu hồi 6 tỉnh, đánh úp Gia Định cũng đủ thấy Nguyễn Trường Tộ là một nhà cứu quốc, một nhà chiến lược chiến thuật, một nhà tâm lý chiến, đại tâm, đại trí, đại tài. Xin hãy đọc thêm mấy dòng cuối của điều trần “Bố trí kế hoạch đánh úp Gia Định” để rõ thêm ông là người thế nào:
“Tôi lại có tâm sự xin trần tình một lời lên rằng: Nếu được triều đình tin dùng thì trên đội đức Hoàng đế, uy quyền triều đình, giữa nhờ các quan tổng binh, chỉ vẽ phương lược, dưới nhờ tướng sĩ đồng lòng, may mà quét sạch quân thù, khi trở về, tôi xin từ chức về vườn ngay để phụng dưỡng mẹ già mà thôi. Khi nào triều đình có việc cần đến, tôi lại vâng mệnh, việc xong lại xin về như trước, còn tước lộc quyết không dám nhận”.
B. Phần Hai
Là phần thiết kế duy tân đất nước cũng không chỉ với một mục tiêu mà hai mục tiêu có quan hệ tương hộ: duy tân để giành độc lập. Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường. Nội dung thiết kế phần hai này là vô cùng phong phú. Có dịp đối sánh với những gì mà thế hệ sau ông, các nhà Duy Tân, các nhà Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX từng đề cập tới, mới thấy hết tầm vóc phong phú, bề thế của Nguyễn Trường Tộ, nhất là ở phương diện của một cá nhân trong khi sau đó là của phong trào gồm nhiều cá nhân. Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ và những công trình nghiên cứu về ông đã có, sẽ thấy rõ điều đó. Ở đây chỉ xin điểm lại những nét chính như sau:
1- Vấn đề chính thể xã hội
Chính thể xã hội vừa là cơ sở tồn tại vừa là mục tiêu hướng tới của mọi phương diện hoạt động trong cuộc sống của một quốc gia, kể cả một khi có công cuộc duy tân. Sau Nguyễn Trường Tộ, với các nhà Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỷ XX thì công cuộc duy tân đã dược tiến hành với khát vọng xây dựng một xã hội dân chủ tư sản. Trong khi với Nguyễn Trường Tộ trước đó thì vẫn duy trì chế độ phong kiến. Bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng” (cuối tháng 5.1866) thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên phải thấy mô hình chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ nhe nhắm lại có những nét riêng so với chế độ phong kiến đương thời của nhà Nguyễn như sau:
- Đã thấy rõ những mặt trái; những xấu xa của chế độ phong kiến đương thời. Sau này có người mệnh danh ông là “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, chính là từ đó. Xin dẫn ra đây một vài lời của ông để biết cái cảm hứng phê bình ở ông là thế nào?
“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sinh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của nhân dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi. Trong triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn các bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra lâu rồi… đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát nhân dân mình, giận cá chém thớt. Khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây” Thật đúng như câu nói “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”.
- Chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ muốn có là một chế độ phong kiến hoà mục. Có thể nói đây là chỗ Nguyễn Trường Tộ còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, của Khổng nho vốn có thuyết “trung dung” mà sau này bị các học giả Mác xít cho là phản động, là “điều hoà mâu thuẫn giai cấp” là thủ tiêu đấu tranh giai cấp để duy trì chế độ người bóc lột người. Nhưng gần đây thì khác. Trên đất nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa, người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Hoa lại kêu gọi bỏ chữ “đấu” mà theo chữ “Hoà”. Với Nguyễn Trường Tộ, đúng là muốn có một chế độ phong kiến dựa trên chữ Hoà. Trong bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng”, ông từng viết:
“….mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài qui luật này ra đều là tội cả”.
“…Đó là điều mà sách kinh đời xưa đã ghi chép như vậy, các bậc hiền triết đã làm như vậy, những người khai sáng đã tạo lập qui mô như vậy. Phong tục đã kết thành như vậy, các nước đã noi theo một trật tự như vậy mà một mai có người muốn lập lại một cái gì khác, thật cũng khó có thể làm được. Cho nên làm vua biết rõ cái thế trường cửu đã có, không có bụng nghi ngờ bề tôi ở dưới, kẻ làm dân biết rõ cái thế lợi hại của việc trị việc loạn nên không có chí phạm thượng. Trên dưới tự mình không nghi ngờ lẫn nhau. Mọi việc đều có sự phó thác rõ ràng người nhận lãnh vui lòng, không có điều gì tối tăm, lo lắng, cho nên dễ đi đến chỗ đúng đắn, dễ cởi mở, dễ phân giải, tất cả đều do thật lòng tin tưởng nhau…”
Khi đưa ra những ý kiến như trên, Nguyễn Trường Tộ không chỉ dựa vào kinh điển nho gia xưa mà còn có sự quan sát, suy tính từ chế độ xã hội ở những nước như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác ở phương Tây. Chính ông đã nói thế.
- Tuy vẫn theo chế độ phong kiến nhưng lại rất đề cao pháp luật. Có thể nói chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ chủ trương là chế độ phong kiến pháp quyền, chứ không là độc quyền. Trong điều trần “Tám việc cần làm gấp”, ông đã đề nghị mở khoa luật với ý tưởng. “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật và những luật mới bổ sung từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia…. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi ở các nước Phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bỏ cuộc nào. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong bộ ấy”.
Có thể có người cho rằng Nguyễn Trường Tộ đã có hạn chế trong chủ trương “Ngôi vua là quí chức quan là trọng”. Với cách nghĩ thông thường thì đúng thế là hạn chế. Nhưng quan sát lịch sử nhân loại xưa và nay cho thật thấu đáo để nghĩ thì chuyện cũng không phải là đơn giản khi nói đến hạn chế này của Nguyễn Trường Tộ.
2. Nội dung duy tân, cải cách
Trong hệ thống điều trần của Nguyễn Trường Tộ, hai văn bản trực tiếp có nội dung duy tân, cải cách tập trung nhất là: “Bản kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh khoảng 20 – 6 đến 18 – 7 năm 1864” và bản “Tám việc cần làm gấp” (15.11.1867)
Trong “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh”, Nguyễn Trường Tộ đã từ việc tổng kết lại tình hình lịch sử Đông Tây, Đông văn minh trước, Tây văn minh sau, nhưng Tây khôn ngoan vượt lên trên Đông theo quy luật vừa cạnh tranh, vừa học tập, lợi dụng nhau trong sự sống; từ việc nhìn lại lịch sử đất nước hiện đang bị cản trở bởi những người “Cứ viện xưa chống nay nói quấy qúa làm rối loạn việc chính trị, đàm luận xì xào để chia bè lập đảng mà bài bảng triều đình. Họ có biết đâu thời thế đổi thay, có những cái của đời xưa không áp dụng cho đời nay được” Ông để xuất những điều cấp thiết. “Đó là …. các phương pháp làm hạt nổ và đúc súng, đúc kim loại cùng các môn quang học, cơ học, hoá học, khai mỏ than”. Cách đề xuất của Nguyễn Trường Tộ chính là cách xây dựng phát triển cơ sở khoa học kỹ thuật tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, làm giàu đất nước. Đúng là rất hiện đại như ngày nay đất nước đã và đang làm. Cũng từ cách đặt vấn đề một cách hiện đại như thế, ông cho việc làm giàu trước mắt gồm các điều khoản:
Một là khai thác nguồn lợi về biển
Hai là khai thác nguồn lợi về rừng
Ba là khai thác nguồn lợi về đất đai
Bốn là khai thác nguồn lợi về mỏ.
Ở mỗi điểm được nêu lên, ông đều có cách biện giải đến nơi đến chốn dựa trên sự hiểu biết về chuyên môn, về tình hình thế giới và đặc biệt là có tư tưởng lớn. Ví như ở đây, bàn đến chuyện làm giàu, ông đã phản bác lại quan điểm nho gia đang ngự trị lớp người hủ nho trong quan niệm “an bần lạc đạo” (an tâm trước cảnh nghèo để vui với đạo), “Phi thương bất phú, vi phú bất nhân” (không buôn bán thì không giàu. Nhưng đã làm giàu thì không đạo đức). Ông nói: “Về tài lợi nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai oán trách thu nhập ấy, đó là nền tảng của nhân nghĩa” (NĐC nhấn mạnh). Nguyễn Trường Tộ chủ trương làm giàu để có lợi cho dân. Ông nói: “Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của cải. Do đó mà nước giàu mà dân cũng giàu”. “Nay nói về việc nước, khi đã có đủ của cải rồi thì lệnh trưng thu của cải trong dân chúng để cung ứng cho việc nước sẽ ngày càng giảm bớt mà sự nghiệp củng cố cho nước mạnh sẽ ngày càng tăng”. Ông vạch ra cho mọi người thấy “Có nhiều lối làm giàu, nếu đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết”. Trong “Tám việc cần làm gấp” để canh tân đất nước, ông nêu lên gồm:
Điều thứ nhất: xin gấp rút sửa đổi việc võ bị
Điều thứ hai: xin hợp tỉnh để giảm bớt số quan lại và khoá sinh
Điều thứ ba: xin gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ
Điều thứ tư: xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng
Điều thứ năm: điều chỉnh thuế ruộng đất
Điều thứ sáu: sửa đổi lại cương giới
Điều thứ bảy: nắm rõ dân số
Điều thứ tám: Lập viện dục anh và trại tế bần
Mỗi điều cũng lại là một nội dung vừa phong phú vừa đích đáng. Trong đó vẫn có phần xác lập quan điểm, nhận thức làm nền cho các biện pháp cụ thể. Ví như trong điều thứ tư “xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” thì bắt đầu là việc giới thuyết “học là gì”, tiếp đến là nhận định, phê phán tình hình học thuật đương thời là “từ trẻ đến già, từ trường công đến trường tư đua nhau trau chuốt từng câu hay từng chữ kheó sao mà tệ mạt đến thế. Nếu đem cái công phu đã bỏ tâm trí một đời ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì cũng có thể chống được giặc, Nếu đem cái công lao nửa đời người đã dùng để học thuộc lòng những tên người tên xứ, rập khuôn việc chính trị, nhắc lại những cặn bã, xa xưa của Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống Nguyên mà học những việc hiện tại như binh, hình, luật lệ, tài chính, thương mại xây dựng canh nông, dệt và những cái mới khác thì dần dần cũng có thể làm cho nước mạnh dân giàu. Tại sao đến nay vẫn chưa nghe dân chúng khuyên nhau học những cái thực dụng ấy, mà chỉ ưa chuyện kỳ dị xa xưa, bàn bạc những chuyện từ họ Hy Hoàng, còn việc nước, dân tình được mất đều phó mặc cho triều đình. Vậy phải chăng họ tự xem họ như con nít? Không phải lỗi ở họ mà chính ở học thuyết… Nói về học thuyết mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại (Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói, tôi sẽ nói rõ).
Đoạn văn này đáng xem là linh hồn, là điều cốt lõi nhất làm nền cho mọi đều nghị cải cách, mọi bộ phận, mọi chi tiết trong bản thiết kế duy tân của Nguyễn Trường Tộ. Ở đây trong điều thứ tư này, Nguyễn Trường Tộ đã đi đến những đề nghị cụ thể gồm các việc thành lập: 1) Khoa nông chính. 2) Khoa thiên văn và khoa Địa lý. 3) Khoa công kỹ nghệ. 4) Khoa luật học. Và “Dùng quốc âm” với quan điểm cơ bản là:
“Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng, tập tục sẽ làm thay đổi con người, dù người tốt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, huống gì những hạng dưới, lòng người đã hư hỏng thì khó tìm được người chuộng nghĩa thực tâm sốt sắng việc công.” Rõ là Nguyễn Trường Tộ đã rất gần với quan điểm trong thời đại hôm nay: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội” và “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Trong nội dung duy tân, cải cách của Nguyễn Trường Tộ ngoài những điều trên đây còn có rất nhiều vấn đề cụ thể, thuộc các lãnh vực: quân sự, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, thuế khoá, nông nghiệp, tài nguyên, khai mỏ, giáo dục, khoa học kỹ thuật, giao thông vận tải, hành chính, ngoại giao, cải cách phong tục, tôn giáo… Riêng về tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ xứng đáng là một người đẹp đời, đẹp đạo trọn vẹn. Ông chủ trương tự do tôn giáo. Ông đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Ông tìm cách tranh thủ một số linh mục Thiên chúa giáo tham gia công việc khôi phục lãnh thổ của đất nước. Ông thiết tha đoàn kết lương giáo. Và ở ông, ít nhiều cũng hé lên một ý tưởng xây dựng đạo giáo Thiên chúa độc lập của Việt Nam một khi mà ông bày kế thuyết phục Giáo hoàng La mã gọi các giáo sĩ Pháp về nước vì đã thấy có sự phức tạp trong quan hệ giữa các linh mục đó với quyền lợi dân tộc.
*
* *
Bạn đọc kính mến!
Như thế là tôi đã quá dài dòng về Nguyễn Trường Tộ, mặc dù trong thâm tâm và về cảm hứng vẫn còn muốn nói nhiều nữa về ông. Ít ra thì cũng thấy mình bất cập trước những gì mà nhà thiết kế vĩ đại này đã cống hiến cho đất nước ở thời buổi bế tắc, khổ nhục ấy. Trước khi dừng bút, tôi chỉ xin quý vị độc giả thông cảm cho tôi ở bài viết này, chủ đích là muốn tạo ra một cách nghĩ, một cách đánh giá bản thiết kế vĩ đại, rất vĩ đại đó hơn là việc nói lại một cách chi ly, cặn kẽ bản thiết kế. Và cũng xin nói lại: Thật là tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước rằng lịch sử quá khắc nghiệt, đã không cho Nguyễn Trường Tộ được làm tiếp vai trò của một tổng công trình sư. Giá gì ông được làm tiếp vai trò đó thì không chừng, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thời đó đã trở thành một “Nhật Bản thứ hai”. Chẳng phải có người đã coi Nguyễn Trường Tộ là Y Đằng Bác Văn của Việt Nam đó sao! Nhưng sự sống thật là trớ trêu. Nguyễn Trường Tộ nếu sinh ra trên đất Nhật thì sẽ không chừng sẽ thành Y Đằng Bác Văn. Chứ ở Việt Nam ta thời đó thì cũng chỉ là Nguyễn Trường Tộ. Mà ngay cả Y Đằng Bảo Văn nếu sinh ở Việt Nam thì cũng là Nguyễn Trường Tộ thất bại mà thôi.
Nhân kỷ niệm 180 năm sinh Nguyễn Trường Tộ
Yên Hoà thư trai Mậu Tý, trọng thu
(9. 2008)
Chú thích
(1) Những trích văn trong bài viết này đều lấy từ sách “Nguyễn Trường Tộ: con người - di thảo” của Trương Bá Cần. NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 2002.
Lên trang viet studies ngày 2-2-2010
2/2/10
Lê Đăng Doanh : Mùa xuân của tư duy và hành động
Mùa xuân của tư duy và hành động
Tác giả: Lê Đăng Doanh
Bài đã được xuất bản.: 02/02/2010 14:35 GMT+7
Nhìn lại thập kỉ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Trong thời khắc thiêng liêng giao thời, kết thúc năm cũ, đón năm mới, mỗi người trong chúng ta đều dành cho riêng mình những phút suy tư, nghĩ về những việc trong năm cũ, những điều đã làm được và chưa làm được, nghĩ về năm mới với những dự báo, những dự định, hoài bão cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có cá nhân mình.
Suy nghĩ để hành động, vì tất cả đều bắt đầu bằng hành động mới đi đến biến đổi hiện thực. Năm Canh Dần 2010 này là năm cuối cùng của một thập kỉ, cũng là dịp để ta nhìn lại cả mười năm qua và dự tính công việc cho mười năm tới.
Tiếp theo những năm đầu cải cách và hội nhập trong những thập kỷ 1990, trong thập niên 2001 - 2010 này, Việt Nam đã tiếp tục có những thành tựu nhất định và vẫn được Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ca ngợi và nêu gương cho các nước nghèo, chậm phát triển về thành tích tăng trưởng kinh tế cao và xóa đói giảm nghèo nhanh. Lời khen đó có người ví với phiếu "bé ngoan" cho những đứa trẻ mẫu giáo.
Từ năm 2008 nước ta cũng đã vượt qua ngưỡng "nước thu nhập thấp" (935 đôla Mỹ/ người) - một từ hoa mỹ để chỉ nước nghèo - để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy ta chưa ở mức thấp nhất trong nhóm các nước này. Đó là những tiến bộ có thực đáng trân trọng tuy còn dưới tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam.
Có lẽ ít người nhớ lại rằng Ngân hàng Thế giới, trong cuốn sách Sự thần kỳ Đông Á, đã ca ngợi hết lời Indonesia và nêu gương kinh tế Indonesia cho chúng ta học tập trong những ngày đầu Đổi mới, cho đến khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1997. Người khen không chịu trách nhiệm gì khi kẻ được khen bị đổ vỡ. Lời khen tuy nghe sướng tai nhưng không giúp chúng ta phát hiện ra tật bệnh và yếu kém của mình.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và dũng cảm sửa chữa để tiến lên.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và có dũng cảm sửa chữa để tiến lên. Và càng không thể lấy lời khen ngợi của người khác để lấp liếm, che đậy thiếu sót của chính mình.
Nhìn lại thập kỷ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Cơ cấu hàng xuất khẩu chậm thay đổi, sau mười năm vẫn chủ yếu là dầu thô, may mặc, da giầy, là những sản phẩm gia công sử dụng nhiều lao động lương thấp. Tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao tăng từ 2% (1999) lên 8% (2008) chủ yếu do các DN đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2006), 76% tổng tài sản quốc gia của nước ta là tài nguyên (đất, rừng, gỗ...), 20% là tài sản vật chất đã xây dựng được (cầu đường, bến cảng...) chỉ có gần 7% tài sản là tri thức, con người được đào tạo, thể chế... trong khi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD có thu nhập trên 10.000 đôla Mỹ/ người, tỷ lệ tài nguyên chỉ là 2%, tài sản 17% và tri thức là 80%. Riêng ở Nhật Bản, tài nguyên chiếm chỉ hơn 0% một chút mà thôi.
Trong mười năm qua, nước ta đạt được quá ít tiến bộ về giáo dục - đào tạo, về chống tham nhũng, về hạn chế tai nạn giao thông, trong khi nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe, úng lụt tăng lên nhanh chóng.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế khác đã tiến rất nhanh dựa trên tri thức, thể chế, sức sáng tạo của con người.
Trước nguy cơ biến đổi khí hậu, tài nguyên của nước ta bị đe dọa sẽ thu hẹp nghiêm trọng, viễn cảnh tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thực sự u ám và lỗi thời.
Chúng ta phải thực sự đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại tiến chậm như vậy trên những lĩnh vực đã thấy vấn đề, đã dùng những từ to tát nhất như "quốc nạn", "nội xâm" đối với tham nhũng, đã bao lần "hạ quyết tâm", "quyết liệt chiến đấu" nhưng kết quả đạt được trong thực tế còn quá ít, tình hình cơ bản chưa có nhiều thay đổi về chất.
Khi đã có cố gắng nhất định trong nhiều năm nhưng chưa thành công thì phải xem lại cách đặt vấn đề của những cố gắng và căn nguyên đích thực của các tật bệnh đó.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường nói: "Tất cả chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa, và cũng vừa là bị cáo". Có lẽ, về mặt tinh thần, đã là người Việt Nam yêu nước, sẽ không có ai nỡ thoái thác trách nhiệm của mình trước dân tộc, song trách nhiệm của người nông dân ở Mù Cang Chải và trách nhiệm của người cầm cân nảy mực đất nước trước những vấn nạn này là khác nhau!
Thà đốt lên một que diêm còn hơn là ngồi trong tối mà than vãn tối hoài. Ngày xuân, cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giành lại đất nước cho cả dân tộc ta, mỗi người chúng ta phải suy nghĩ và hành động nhiều hơn là chỉ đốt một que diêm.
Theo TBKTSG số Xuân
© TUANVIETNAM.NET
Tác giả: Lê Đăng Doanh
Bài đã được xuất bản.: 02/02/2010 14:35 GMT+7
Nhìn lại thập kỉ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Trong thời khắc thiêng liêng giao thời, kết thúc năm cũ, đón năm mới, mỗi người trong chúng ta đều dành cho riêng mình những phút suy tư, nghĩ về những việc trong năm cũ, những điều đã làm được và chưa làm được, nghĩ về năm mới với những dự báo, những dự định, hoài bão cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có cá nhân mình.
Suy nghĩ để hành động, vì tất cả đều bắt đầu bằng hành động mới đi đến biến đổi hiện thực. Năm Canh Dần 2010 này là năm cuối cùng của một thập kỉ, cũng là dịp để ta nhìn lại cả mười năm qua và dự tính công việc cho mười năm tới.
Tiếp theo những năm đầu cải cách và hội nhập trong những thập kỷ 1990, trong thập niên 2001 - 2010 này, Việt Nam đã tiếp tục có những thành tựu nhất định và vẫn được Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ca ngợi và nêu gương cho các nước nghèo, chậm phát triển về thành tích tăng trưởng kinh tế cao và xóa đói giảm nghèo nhanh. Lời khen đó có người ví với phiếu "bé ngoan" cho những đứa trẻ mẫu giáo.
Từ năm 2008 nước ta cũng đã vượt qua ngưỡng "nước thu nhập thấp" (935 đôla Mỹ/ người) - một từ hoa mỹ để chỉ nước nghèo - để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy ta chưa ở mức thấp nhất trong nhóm các nước này. Đó là những tiến bộ có thực đáng trân trọng tuy còn dưới tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam.
Có lẽ ít người nhớ lại rằng Ngân hàng Thế giới, trong cuốn sách Sự thần kỳ Đông Á, đã ca ngợi hết lời Indonesia và nêu gương kinh tế Indonesia cho chúng ta học tập trong những ngày đầu Đổi mới, cho đến khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1997. Người khen không chịu trách nhiệm gì khi kẻ được khen bị đổ vỡ. Lời khen tuy nghe sướng tai nhưng không giúp chúng ta phát hiện ra tật bệnh và yếu kém của mình.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và dũng cảm sửa chữa để tiến lên.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và có dũng cảm sửa chữa để tiến lên. Và càng không thể lấy lời khen ngợi của người khác để lấp liếm, che đậy thiếu sót của chính mình.
Nhìn lại thập kỷ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Cơ cấu hàng xuất khẩu chậm thay đổi, sau mười năm vẫn chủ yếu là dầu thô, may mặc, da giầy, là những sản phẩm gia công sử dụng nhiều lao động lương thấp. Tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao tăng từ 2% (1999) lên 8% (2008) chủ yếu do các DN đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2006), 76% tổng tài sản quốc gia của nước ta là tài nguyên (đất, rừng, gỗ...), 20% là tài sản vật chất đã xây dựng được (cầu đường, bến cảng...) chỉ có gần 7% tài sản là tri thức, con người được đào tạo, thể chế... trong khi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD có thu nhập trên 10.000 đôla Mỹ/ người, tỷ lệ tài nguyên chỉ là 2%, tài sản 17% và tri thức là 80%. Riêng ở Nhật Bản, tài nguyên chiếm chỉ hơn 0% một chút mà thôi.
Trong mười năm qua, nước ta đạt được quá ít tiến bộ về giáo dục - đào tạo, về chống tham nhũng, về hạn chế tai nạn giao thông, trong khi nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe, úng lụt tăng lên nhanh chóng.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế khác đã tiến rất nhanh dựa trên tri thức, thể chế, sức sáng tạo của con người.
Trước nguy cơ biến đổi khí hậu, tài nguyên của nước ta bị đe dọa sẽ thu hẹp nghiêm trọng, viễn cảnh tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thực sự u ám và lỗi thời.
Chúng ta phải thực sự đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại tiến chậm như vậy trên những lĩnh vực đã thấy vấn đề, đã dùng những từ to tát nhất như "quốc nạn", "nội xâm" đối với tham nhũng, đã bao lần "hạ quyết tâm", "quyết liệt chiến đấu" nhưng kết quả đạt được trong thực tế còn quá ít, tình hình cơ bản chưa có nhiều thay đổi về chất.
Khi đã có cố gắng nhất định trong nhiều năm nhưng chưa thành công thì phải xem lại cách đặt vấn đề của những cố gắng và căn nguyên đích thực của các tật bệnh đó.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường nói: "Tất cả chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa, và cũng vừa là bị cáo". Có lẽ, về mặt tinh thần, đã là người Việt Nam yêu nước, sẽ không có ai nỡ thoái thác trách nhiệm của mình trước dân tộc, song trách nhiệm của người nông dân ở Mù Cang Chải và trách nhiệm của người cầm cân nảy mực đất nước trước những vấn nạn này là khác nhau!
Thà đốt lên một que diêm còn hơn là ngồi trong tối mà than vãn tối hoài. Ngày xuân, cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giành lại đất nước cho cả dân tộc ta, mỗi người chúng ta phải suy nghĩ và hành động nhiều hơn là chỉ đốt một que diêm.
Theo TBKTSG số Xuân
© TUANVIETNAM.NET
1/2/10
Hợp Lưu - Tuyển tập về Nhà Thơ Bùi Giáng
--------------------------------------------------------------------------------
.
Tuyển tập về
Nhà Thơ Bùi Giáng
Hợp Lưu
---o0o---
***
MỤC LỤC
PHẦN 1
Thư Toà soạn
Vĩnh biệt Bùi Giáng
Bùi Giáng kẻ tận hiến. Huy Tưởng
Ông nhớ con (thơ) . Bùi Giáng
Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng. Mai Thảo
PHẦN 2
Thử phác họa đôi nét về cõi thơ Bùi Giáng. Huỳnh Hữu Ủy
Đi tu tâm niệm (thơ) . Bùi Giáng
Bùi Giáng: Một vùng đất hẹp và một thế giới. Nguyễn Hoàng Vân
Thân tình gửi anh Bùi Giáng. Huy Cận
Ở Chùa. Ngô Cang
Bùi Giáng bốn mùa. Phạm Thiên Thư
Trích “Sổ tang”
PHẦN 3
Nguyên khởi về cõi tinh mật Bùi Giáng. Khiêm Lê Trung
Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị. Huỳnh Ngọc Chiến
Bùi Giáng trong “cõi người ta”. Ý Nhi
PHẦN 4
Truy niệm. Thường Quán
Hiện Tượng Bùi Giáng. Thụy Khuê
Bùi Giáng càng điên càng tỉnh, càng già càng lãng mạn. Nguyễn Hưng Quốc
Bùi Giáng, nhà thơ của Ngày tháng ngao du. Cung Tích Biền
Đọc lại Mưa nguồn. Thận Nhiên
Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và mầu hoa trên ngàn. Bùi Vĩnh Phúc.
Công Án Tử Sinh. Hoàng Nguyên Nhuận
Thư Toà soạn ^
Bùi Giáng là một hiện tượng nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, cả nước nói chung gần nửa thế kỷ qua. Ông được biết đến không chỉ ở tài thơ lẫy lừng, sự quảng bác, trí năng quán thế của mình, mà còn ở chính con người, đời sống phiêu hốt đến kỳ bí có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Bùi Giáng gắn liền với những giai thoại, vô số những giai thoại, chắc chắn nhiều thế hệ sau này sẽ còn nhắc đến.
Ngày 17 tháng 10 năm 1998, thiên tài thơ ca lạ lùng ấy vừa từ giã trần gian, sau cơn tai biến mạch máu não.
Bùi Giáng ra đi, thơ ca Việt Nam cận đại mất một nhà thơ lớn.
Tám năm qua, tòa soạn Hợp Lưu nhận được không ít thơ đề nghị nên thực hiện một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Chúng tôi ghi nhận đề nghị ấy với nhiều hứng khởi. Nhưng do vài lý do ngoài ý muốn, số báo chưa thể ra đời.
Nay, Bùi Giáng ra người thiên cổ, Chúng tôi hiểu rằng không thể chần chờ lâu hơn. Ðiều bất ngờ: tuy thực hiện gấp rút, nhưng số báo lại được đáp ứng nồng nhiệt từ hầu hết những ngòi bút & nghệ sĩ Việt Nam uy tín hiện đang sống rãi rác khắp năm châu: Mai Thảo, Huy Tưởng, Cung Tích Biền, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Nguyên Nhuận, Võ Ðình, Ðinh Cường, Huỳnh Hữu Uûy, Huệ Thu, Thường Quán, Thụy Khuê, Kim Cương, Trần Tuấn Kiệt, Trịnh Công Sơn, Huy Cận, Bùi Chí Vinh, Nguyền Lương Vị, Phạm Thiên Thư, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Vân, Ngô Cang, Khiêm Lê Trung, Huỳnh Ngọc Chiến, Y Ù Nhi, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Văn Hạng,... Thêm Một khích lệ nữa cần được ghi nhận, trước cái tang của Bùi Giáng, khoảng cách địa dư và mọi e ngại đã bị xóa bỏ, bằng minh chứng cụ thể: những đóng góp của các bạn văn trong nước đến với Hợp Lưu nhanh và nhiệt tình vượt ngoài ước mong của tòa soạn. Nhân đây, chúng tôi gởi lời cám ơn chân thành đến một vài văn hữu và bằng hữu hiện sống tại Sài Gòn. Không có sự tiếp tay của các bạn, số báo này không thể đến với độc giả sớm và tương đối hoàn chỉnh như đã.
Lời cảm ơn cũng xin được gởi đến các ông Bùi Vịnh, Bùi Như Hải, đã cung cấp khá đầy đủ mọi tư liệu chúng tôi cần, như Sổ Tang, hình ảnh, thủ bút... của thi sĩ Bùi Giáng.
Gần một thập niên, Hợp Lưu được đánh giá tốt qua những số báo chủ đề đặc biệt về các văn học: Hoàng Xuân Hãn, Văn Cao, Phan Khôi, Mai Thảo, Tạ Trọng Hiệp, Tô Thùy Yên. Chúng tôi hy vọng với số báo này, một lần nữa, Hợp Lưu không phụ lòng độc giả.
Cận kề cái tang lớn của văn học Việt Nam chúng tôi vừa đề cập bên trên, giới làm và thưởng ngoạn nghệ thuật cũng vừa mất đi một tài năng khác: họa sĩ Nghiêu Ðề từ trần hôm thứ Hai ngày 9 tháng 11 vừa qua tại San Diego, USA, sau 5 tháng chiến đấu với căn bệnh nan y. Chúng tôi sẽ nói nhiều về Nghiêu Ðề trong số báo sau.
Ngoài phần đặc biệt về Bùi Giáng, Hợp Lưu cũng giới thiệu đến độc giả những chuyện ngắn rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hương, Trần thị Ngh...., và một chuyện vừa (đăng trọn) của một tác giả nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng vì lý do ngoài ý muốn, phải tạm dấu tên. Phần thơ ca, cũng đặc sắc không kém, với những thi phẩm mới nhất của Huy Tưởng, Thường Quán, Du Tử Lê, Ðỗ Trung Quân, Phan Nhiên Hạo...
Riêng với các tác phẩm lẽ ra sẽ đi trong số này nhưng phải gác lại, đồng thời vài mục thường xuyên như Phỏng Vấn, Tin Văn Học... cũng cùng chịu chung số phận, vì giới hạn số trang. Chúng tôi thành thật xin lỗi các tác giả và độc giả.
Sau cùng, chu kỳ của Hợp Lưu rơi đúng vào tháng 12 của năm cũ và tháng 1, năm mới, nên, như mọi năm, số báo này được xem là số Xuân Kỹ Mão 1990, Hợp Lưu trân trọng chúc độc giả và văn hữu một Tân Niên an bình và hạnh phúc.
HỢP LƯU
Vĩnh Biệt Bùi Giáng^
Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế vào 14 giờ ngày 7/10/1998 (nhằm ngày 17/8 Mậu Dần) tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi.
Trong những năm gần đây, dù sức khỏe héo cạn, sau một thời gian dài tinh thần phân tán, điên đảo điêu linh, ông đã lấy lại phong độ phiêu bồng và hùng hậu, dành nhiều thời gian cho việc sáng tác, giảm thiểu tối đa việc “hí lộng ta bà” cùng “giảm tửu” đến mức thấp nhất, làm việc miệt mài với nhiều hứng khởi.
Từ giữa tháng 9/1998, sức khỏe ông đột ngột suy giảm nhanh chóng. Trong đêm 23/9, ông thức khuya, có uống lại chúc rượu để gây hưng phấn, trong lúc đang làm việc thì bị ngã quỵ tại nhà riêng (số 482/29 Lê Quang Ðịnh, Bình Thạnh).
Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, chụp Scanner và phát hiện ông bị đứt mạch máo não, tụ huyết hôn mê sâu. Sau cùng ban giám đốc bệnh viện quyết định giải phẫu vào lúc 21 giờ ngày 25/ 9 và hoàn thành vào lúc 23 giờ 30 cùng ngày. Từ ngày 26/9 đến 6/10, ông vẫn hôn mê, tuy đôi lúc có những dấu hiệu khả quan (mở mắt, co duỗi và phản xạ...) nhưng đến ngày 7/10 ông đột nhiên suy yếu nhanh chóng, và đến 14 giờ thì tắt thở trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng.
Thi hài ông được quàng tại phòng tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, sau đó được an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức, vào ngày 11/10/1998 (nhằm ngày 21/8 Mậu Dần).
Trong thời gian thi sĩ Bùi Giáng lâm trọng bệnh cũng như lúc nằm xuống, ông đã được nhiều thân hữu, nhân sĩ và người hâm mộ quan tâm, chăm sóc với hết lòng trọng vọng và thân ái đối với đấng tài ba
Bùi Giáng, kẻ tận hiến^
Lời đọc trước mộ
Huy Tưởng
Kính thưa anh Bùi Giáng,
Việc anh dứt áo ra đi hôm nay, theo lẽ biến dịch của vạn hữu, là như nhiên, và đã được chính anh cũng như tất cả chúng tôi ở đây, cùng những ai yêu quí thơ ca Việt Nam trên cùng khắp mọi miền thế giới, đã chuẩn bị trước. Ấy vậy mà, tin anh qua đời, chúng tôi vẫn cứ bị choáng váng, lòng đầy nhớ tiếc và đau đớn tột cùng.
Thưa anh Bùi Giáng.
Ngợi Ca và tuyên xưng anh, dù với lời lẽ lộng lẫy hay hàm súc đến đâu chăng nữa, trong hạn hữu một bài viết và ngay cả những số báo đặc biệt về anh, có lẽ cũng khó lòng với tới tới chốn cao vợi và quảng bác mà anh đã dày công hàm dưỡng và đắm đuối vun đắp nên. Có phải vì lẽ đó đã khiến cho tôi luôn ngần ngại đẻ nói hay để viết về anh (?) Cho dù tôi vẫn thầm hứa trước lòng kỳ vọng anh dành cho, dù vẫn muốn ôm được anh riêng cho mình. Tôi cứ phải thức tỉnh rằng, vốn sống, vốn chữ nghĩa và cảm thức của mình vẫn chưa thể hứng chờ nổi chiếc bóng lồng lộng, đa âm sắc và linh hoạt của anh. Có phải, càng viết nhiều thì càng bày lộ sự thiếu sót trầm trọng của mình trước thiên tài bát ngát nơi anh?
Anh Bùi Giáng,
Mấy lời biện bạch vụng về và hàm hồ như vậy, chẳng biết anh có tạm bằng lòng mà lượng thứ cho tôi?
Xin hãy để cho lòng nhân thế dịu lại sau cái mất mát lớn lao này, nén cơn xúc động, bình tâm để được gần gũi anh một cách chân thật và sâu sắc hơn, từ tốn trước một gia tài độ sộ của thông tuệ và tài hoa ngất trời điên đảo mãi tỏa sáng.
Ngoài những tư tưởng và chũ nghĩa mà anh Bùi Giáng để lại, đã làm giàu có đáng kể cho kho tàng tiếng Việt, anh còn thật sự ghi đậm lên tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, rằng anh là một sinh thể luôn bị lay động và bị cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi thơ ca. TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy nhất - thơ ca – Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về nơi chốn lâm chung – Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vậy tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng.
Nói đến sự Tận Hiến, tôi chợt nhớ ai đó đã nói, đại khái: “Nếu người không chết trong cuộc tại thế, thì người sẽ mất tích, sau khi qua đời”. Và hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi kính cẩn tiễn đưa anh – Kẻ Tận Hiến. Kẻ, đã chết trong cuộc tại thế này sang bên kia thế giới, cũng có nghĩa rằng, xin được thay cho người mai hậu, đón chào đấng tài hoa của thế kỷ trước ngàn sau bát ngát...
Trong khung cảnh thiêng liêng và đầy cảm động hôm nay, tôi không dám rậm lời, chỉ xin nói lên một vài cảm nghĩ tận đáy lòng liêm kính của mình để bái biệt anh, xin như góp một chiếc đinh nhỏ cùng nhau treo bức chân dung kỳ vĩ của anh lên khoảng tường lớn trong căn nhà Thơ ca Việt Nam.
Trong ngàn ngàn châu báu anh để lại, tôi có nhớ được một bài thơ anh viết đã từ lâu, tôi quên mất tựa đề, như một lời tạ từ với trần gian cố quận.
Anh Bùi Giáng,
Không có gì hơn bằng chính lời anh, xin được thay anh, tôi đọc bài thơ ấy để anh được ngỏ lời chia biệt với cõi người ta:
Rồi Mai đi về xứ nào chẳng biết
Ðỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Ði lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng biết
Tôi nào biết cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên nga và ngấn tích tiên sa
Bờ dạt bèo hay bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Ðông Á mất đâu rồi
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi...
Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời đâu suất...
Huy Tưởng
11/10/98
Ông nhớ con^
Bùi Giáng
Ông nhớ con như nhớ một trăng tròn
Và trăng khuyết cũng tấm lòng từ đó
Ông tự hỏi với ngàn sao lấp ló
Ở nơi nào còn có áng mây bay
Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng^
Mai Thảo
Cả hai đều đã ra đi
LTS:
Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”.
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng.
Cả hai đã ra đi.
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
HỢP LƯU
Thủ bút của Bùi Giáng
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.
Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.
Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới. Vắn tắc là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.
Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.
Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”
Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói. “Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”
Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.
Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy.
Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:
Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ
Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.
Ghé thăm trái mận ban đầu
Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai
Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau
Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.
Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạ, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.
Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.
Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng mộ tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tô đã hiểu tại sao Bùi Giáng cừ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt.
Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.
Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.
Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.
(.....)
Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.
MAI THẢO
---o0o---
Source: Đặc San Hợp Lưu ( số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)
--------------------------------------------------------------------------------
Webmaster:quangduc@quangduc.com Trở về Trang Thơ Ca
Đầu trang
Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544
.
Tuyển tập về
Nhà Thơ Bùi Giáng
Hợp Lưu
---o0o---
***
MỤC LỤC
PHẦN 1
Thư Toà soạn
Vĩnh biệt Bùi Giáng
Bùi Giáng kẻ tận hiến. Huy Tưởng
Ông nhớ con (thơ) . Bùi Giáng
Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng. Mai Thảo
PHẦN 2
Thử phác họa đôi nét về cõi thơ Bùi Giáng. Huỳnh Hữu Ủy
Đi tu tâm niệm (thơ) . Bùi Giáng
Bùi Giáng: Một vùng đất hẹp và một thế giới. Nguyễn Hoàng Vân
Thân tình gửi anh Bùi Giáng. Huy Cận
Ở Chùa. Ngô Cang
Bùi Giáng bốn mùa. Phạm Thiên Thư
Trích “Sổ tang”
PHẦN 3
Nguyên khởi về cõi tinh mật Bùi Giáng. Khiêm Lê Trung
Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị. Huỳnh Ngọc Chiến
Bùi Giáng trong “cõi người ta”. Ý Nhi
PHẦN 4
Truy niệm. Thường Quán
Hiện Tượng Bùi Giáng. Thụy Khuê
Bùi Giáng càng điên càng tỉnh, càng già càng lãng mạn. Nguyễn Hưng Quốc
Bùi Giáng, nhà thơ của Ngày tháng ngao du. Cung Tích Biền
Đọc lại Mưa nguồn. Thận Nhiên
Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và mầu hoa trên ngàn. Bùi Vĩnh Phúc.
Công Án Tử Sinh. Hoàng Nguyên Nhuận
Thư Toà soạn ^
Bùi Giáng là một hiện tượng nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, cả nước nói chung gần nửa thế kỷ qua. Ông được biết đến không chỉ ở tài thơ lẫy lừng, sự quảng bác, trí năng quán thế của mình, mà còn ở chính con người, đời sống phiêu hốt đến kỳ bí có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Bùi Giáng gắn liền với những giai thoại, vô số những giai thoại, chắc chắn nhiều thế hệ sau này sẽ còn nhắc đến.
Ngày 17 tháng 10 năm 1998, thiên tài thơ ca lạ lùng ấy vừa từ giã trần gian, sau cơn tai biến mạch máu não.
Bùi Giáng ra đi, thơ ca Việt Nam cận đại mất một nhà thơ lớn.
Tám năm qua, tòa soạn Hợp Lưu nhận được không ít thơ đề nghị nên thực hiện một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Chúng tôi ghi nhận đề nghị ấy với nhiều hứng khởi. Nhưng do vài lý do ngoài ý muốn, số báo chưa thể ra đời.
Nay, Bùi Giáng ra người thiên cổ, Chúng tôi hiểu rằng không thể chần chờ lâu hơn. Ðiều bất ngờ: tuy thực hiện gấp rút, nhưng số báo lại được đáp ứng nồng nhiệt từ hầu hết những ngòi bút & nghệ sĩ Việt Nam uy tín hiện đang sống rãi rác khắp năm châu: Mai Thảo, Huy Tưởng, Cung Tích Biền, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Nguyên Nhuận, Võ Ðình, Ðinh Cường, Huỳnh Hữu Uûy, Huệ Thu, Thường Quán, Thụy Khuê, Kim Cương, Trần Tuấn Kiệt, Trịnh Công Sơn, Huy Cận, Bùi Chí Vinh, Nguyền Lương Vị, Phạm Thiên Thư, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Vân, Ngô Cang, Khiêm Lê Trung, Huỳnh Ngọc Chiến, Y Ù Nhi, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Văn Hạng,... Thêm Một khích lệ nữa cần được ghi nhận, trước cái tang của Bùi Giáng, khoảng cách địa dư và mọi e ngại đã bị xóa bỏ, bằng minh chứng cụ thể: những đóng góp của các bạn văn trong nước đến với Hợp Lưu nhanh và nhiệt tình vượt ngoài ước mong của tòa soạn. Nhân đây, chúng tôi gởi lời cám ơn chân thành đến một vài văn hữu và bằng hữu hiện sống tại Sài Gòn. Không có sự tiếp tay của các bạn, số báo này không thể đến với độc giả sớm và tương đối hoàn chỉnh như đã.
Lời cảm ơn cũng xin được gởi đến các ông Bùi Vịnh, Bùi Như Hải, đã cung cấp khá đầy đủ mọi tư liệu chúng tôi cần, như Sổ Tang, hình ảnh, thủ bút... của thi sĩ Bùi Giáng.
Gần một thập niên, Hợp Lưu được đánh giá tốt qua những số báo chủ đề đặc biệt về các văn học: Hoàng Xuân Hãn, Văn Cao, Phan Khôi, Mai Thảo, Tạ Trọng Hiệp, Tô Thùy Yên. Chúng tôi hy vọng với số báo này, một lần nữa, Hợp Lưu không phụ lòng độc giả.
Cận kề cái tang lớn của văn học Việt Nam chúng tôi vừa đề cập bên trên, giới làm và thưởng ngoạn nghệ thuật cũng vừa mất đi một tài năng khác: họa sĩ Nghiêu Ðề từ trần hôm thứ Hai ngày 9 tháng 11 vừa qua tại San Diego, USA, sau 5 tháng chiến đấu với căn bệnh nan y. Chúng tôi sẽ nói nhiều về Nghiêu Ðề trong số báo sau.
Ngoài phần đặc biệt về Bùi Giáng, Hợp Lưu cũng giới thiệu đến độc giả những chuyện ngắn rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hương, Trần thị Ngh...., và một chuyện vừa (đăng trọn) của một tác giả nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng vì lý do ngoài ý muốn, phải tạm dấu tên. Phần thơ ca, cũng đặc sắc không kém, với những thi phẩm mới nhất của Huy Tưởng, Thường Quán, Du Tử Lê, Ðỗ Trung Quân, Phan Nhiên Hạo...
Riêng với các tác phẩm lẽ ra sẽ đi trong số này nhưng phải gác lại, đồng thời vài mục thường xuyên như Phỏng Vấn, Tin Văn Học... cũng cùng chịu chung số phận, vì giới hạn số trang. Chúng tôi thành thật xin lỗi các tác giả và độc giả.
Sau cùng, chu kỳ của Hợp Lưu rơi đúng vào tháng 12 của năm cũ và tháng 1, năm mới, nên, như mọi năm, số báo này được xem là số Xuân Kỹ Mão 1990, Hợp Lưu trân trọng chúc độc giả và văn hữu một Tân Niên an bình và hạnh phúc.
HỢP LƯU
Vĩnh Biệt Bùi Giáng^
Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế vào 14 giờ ngày 7/10/1998 (nhằm ngày 17/8 Mậu Dần) tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi.
Trong những năm gần đây, dù sức khỏe héo cạn, sau một thời gian dài tinh thần phân tán, điên đảo điêu linh, ông đã lấy lại phong độ phiêu bồng và hùng hậu, dành nhiều thời gian cho việc sáng tác, giảm thiểu tối đa việc “hí lộng ta bà” cùng “giảm tửu” đến mức thấp nhất, làm việc miệt mài với nhiều hứng khởi.
Từ giữa tháng 9/1998, sức khỏe ông đột ngột suy giảm nhanh chóng. Trong đêm 23/9, ông thức khuya, có uống lại chúc rượu để gây hưng phấn, trong lúc đang làm việc thì bị ngã quỵ tại nhà riêng (số 482/29 Lê Quang Ðịnh, Bình Thạnh).
Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, chụp Scanner và phát hiện ông bị đứt mạch máo não, tụ huyết hôn mê sâu. Sau cùng ban giám đốc bệnh viện quyết định giải phẫu vào lúc 21 giờ ngày 25/ 9 và hoàn thành vào lúc 23 giờ 30 cùng ngày. Từ ngày 26/9 đến 6/10, ông vẫn hôn mê, tuy đôi lúc có những dấu hiệu khả quan (mở mắt, co duỗi và phản xạ...) nhưng đến ngày 7/10 ông đột nhiên suy yếu nhanh chóng, và đến 14 giờ thì tắt thở trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng.
Thi hài ông được quàng tại phòng tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, sau đó được an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức, vào ngày 11/10/1998 (nhằm ngày 21/8 Mậu Dần).
Trong thời gian thi sĩ Bùi Giáng lâm trọng bệnh cũng như lúc nằm xuống, ông đã được nhiều thân hữu, nhân sĩ và người hâm mộ quan tâm, chăm sóc với hết lòng trọng vọng và thân ái đối với đấng tài ba
Bùi Giáng, kẻ tận hiến^
Lời đọc trước mộ
Huy Tưởng
Kính thưa anh Bùi Giáng,
Việc anh dứt áo ra đi hôm nay, theo lẽ biến dịch của vạn hữu, là như nhiên, và đã được chính anh cũng như tất cả chúng tôi ở đây, cùng những ai yêu quí thơ ca Việt Nam trên cùng khắp mọi miền thế giới, đã chuẩn bị trước. Ấy vậy mà, tin anh qua đời, chúng tôi vẫn cứ bị choáng váng, lòng đầy nhớ tiếc và đau đớn tột cùng.
Thưa anh Bùi Giáng.
Ngợi Ca và tuyên xưng anh, dù với lời lẽ lộng lẫy hay hàm súc đến đâu chăng nữa, trong hạn hữu một bài viết và ngay cả những số báo đặc biệt về anh, có lẽ cũng khó lòng với tới tới chốn cao vợi và quảng bác mà anh đã dày công hàm dưỡng và đắm đuối vun đắp nên. Có phải vì lẽ đó đã khiến cho tôi luôn ngần ngại đẻ nói hay để viết về anh (?) Cho dù tôi vẫn thầm hứa trước lòng kỳ vọng anh dành cho, dù vẫn muốn ôm được anh riêng cho mình. Tôi cứ phải thức tỉnh rằng, vốn sống, vốn chữ nghĩa và cảm thức của mình vẫn chưa thể hứng chờ nổi chiếc bóng lồng lộng, đa âm sắc và linh hoạt của anh. Có phải, càng viết nhiều thì càng bày lộ sự thiếu sót trầm trọng của mình trước thiên tài bát ngát nơi anh?
Anh Bùi Giáng,
Mấy lời biện bạch vụng về và hàm hồ như vậy, chẳng biết anh có tạm bằng lòng mà lượng thứ cho tôi?
Xin hãy để cho lòng nhân thế dịu lại sau cái mất mát lớn lao này, nén cơn xúc động, bình tâm để được gần gũi anh một cách chân thật và sâu sắc hơn, từ tốn trước một gia tài độ sộ của thông tuệ và tài hoa ngất trời điên đảo mãi tỏa sáng.
Ngoài những tư tưởng và chũ nghĩa mà anh Bùi Giáng để lại, đã làm giàu có đáng kể cho kho tàng tiếng Việt, anh còn thật sự ghi đậm lên tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, rằng anh là một sinh thể luôn bị lay động và bị cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi thơ ca. TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy nhất - thơ ca – Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về nơi chốn lâm chung – Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vậy tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng.
Nói đến sự Tận Hiến, tôi chợt nhớ ai đó đã nói, đại khái: “Nếu người không chết trong cuộc tại thế, thì người sẽ mất tích, sau khi qua đời”. Và hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi kính cẩn tiễn đưa anh – Kẻ Tận Hiến. Kẻ, đã chết trong cuộc tại thế này sang bên kia thế giới, cũng có nghĩa rằng, xin được thay cho người mai hậu, đón chào đấng tài hoa của thế kỷ trước ngàn sau bát ngát...
Trong khung cảnh thiêng liêng và đầy cảm động hôm nay, tôi không dám rậm lời, chỉ xin nói lên một vài cảm nghĩ tận đáy lòng liêm kính của mình để bái biệt anh, xin như góp một chiếc đinh nhỏ cùng nhau treo bức chân dung kỳ vĩ của anh lên khoảng tường lớn trong căn nhà Thơ ca Việt Nam.
Trong ngàn ngàn châu báu anh để lại, tôi có nhớ được một bài thơ anh viết đã từ lâu, tôi quên mất tựa đề, như một lời tạ từ với trần gian cố quận.
Anh Bùi Giáng,
Không có gì hơn bằng chính lời anh, xin được thay anh, tôi đọc bài thơ ấy để anh được ngỏ lời chia biệt với cõi người ta:
Rồi Mai đi về xứ nào chẳng biết
Ðỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Ði lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng biết
Tôi nào biết cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên nga và ngấn tích tiên sa
Bờ dạt bèo hay bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Ðông Á mất đâu rồi
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi...
Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời đâu suất...
Huy Tưởng
11/10/98
Ông nhớ con^
Bùi Giáng
Ông nhớ con như nhớ một trăng tròn
Và trăng khuyết cũng tấm lòng từ đó
Ông tự hỏi với ngàn sao lấp ló
Ở nơi nào còn có áng mây bay
Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng^
Mai Thảo
Cả hai đều đã ra đi
LTS:
Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”.
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng.
Cả hai đã ra đi.
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
HỢP LƯU
Thủ bút của Bùi Giáng
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.
Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.
Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới. Vắn tắc là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.
Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.
Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”
Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói. “Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”
Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.
Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy.
Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:
Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ
Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.
Ghé thăm trái mận ban đầu
Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai
Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau
Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.
Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạ, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.
Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.
Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng mộ tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tô đã hiểu tại sao Bùi Giáng cừ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt.
Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.
Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.
Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.
(.....)
Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.
MAI THẢO
---o0o---
Source: Đặc San Hợp Lưu ( số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)
--------------------------------------------------------------------------------
Webmaster:quangduc@quangduc.com Trở về Trang Thơ Ca
Đầu trang
Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544
Lê Anh Minh - Tóm tắt ngữ pháp Hán ngữ cổ đại
Tóm tắt ngữ pháp Hán ngữ cổ đại
Vietsciences- Lê Anh Minh
PHẦN I – TỔNG QUAN
I. Đặc điểm của từ vựng Hán ngữ cổ đại:
1. Từ cổ đại đa số là đơn âm tiết, từ hiện đại thường là song âm tiết (cũng có một số ít từ đa âm tiết).
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
* Gắn thêm một âm tiết vào trước hoặc sau từ cổ đại (ý nghĩa không đổi):
sư 師 / lão sư 老師 (thầy giáo); di 姨 / a di 阿姨 (dì); trác 桌 / trác tử 桌子 (cái bàn); thạch 石 / thạch đầu 石頭 (đá); nữ 女 / nữ nhi 女兒 (con gái); nguyệt 月 / nguyệt lượng 月亮 (mặt trăng); mi 眉 / mi mao 眉毛 (chân mày); học 學 / học tập 學習 (học); tư 思 / tư khảo 思考 (suy nghĩ); mỹ 美 / mỹ lệ 美麗 (đẹp); nguy 危 / nguy hiểm 危險 (nguy hiểm); v.v...
* Dùng từ khác hẳn (diễn tả cùng một ý nghĩa): Thí dụ
(cổ đại / hiện đại): nhật 日 / thái dương 太陽 (mặt trời); duyệt 悅 / cao hứng 高興 (vui); dịch 弈 / hạ kỳ 下棋 (đánh cờ); quan 冠 / mạo tử 帽子 (cái nón); v.v...
2. Từ cổ có ý nghĩa khác với từ hiện nay:
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
– Địa phương sổ thiên lý 地方數千里 (diện tích vài ngàn dặm / nơi đó [xa] vài ngàn dặm)
– Kỳ thực vị bất đồng 其實味不同 (quả của nó có vị khác / thực tế, vị nó khác)
3. Từ xưa nay không còn dùng: Từ xã tắc 社稷 (ám chỉ quốc gia) nay không còn dùng nữa.
II. Ý nghĩa của từ và phạm vi sử dụng biến đổi từ cổ đại đến hiện đại:
1. Chuyển nghĩa:
Từ khoái 快 nghĩa xưa là «xứng ý, vui thích»; nghĩa nay là «nhanh chóng».
Từ hi sinh 犧牲 nghĩa xưa là «các gia súc (trâu, lợn, dê, ...) đem đi cúng tế»; nghĩa nay là «xả bỏ sinh mạng vì một chính nghĩa hay lý tưởng nào đó».
2. Phạm vi cụ thể sang phạm vi tổng quát:
Từ hà 河 xưa ám chỉ «sông Hoàng Hà», nay chỉ chung chung là «sông».
Từ Trung Quốc 中國 xưa ám chỉ khu vực trung nguyên, nay ám chỉ cả nước Trung Quốc.
3. Phạm vi tổng quát sang phạm vi cụ thể:
Từ cốc 榖 (谷) xưa ám chỉ chung «ngũ cốc», nay ám chỉ «lúa gạo» (đạo cốc 稻穀).
4. Sắc thái tình cảm thay đổi:
Từ khả lân (liên) 可憐 xưa nghĩa là «hết sức khả ái», nay là «đáng thương xót».
Từ tỳ bỉ 卑鄙 xưa nghĩa là «địa vị thấp thỏi, kiến thức hẹp hòi», nay nghĩa là «phẩm chất xấu ác».
III. Hiện tượng giả tá:
Giả tá là rắc rối cố hữu của Hán ngữ cổ đại. Học giả đời Thanh là Du Việt 俞樾 từng nhắc nhở độc giả rằng: «Độc cổ nhân thư, bất ngoại hồ chính cú đậu, thẩm tự nghĩa, thông cổ văn giả tá. Nhi tam giả chi trung, thông giả tá vưu yếu.» 讀古人書不外乎正句讀審字義通古 文假借而三者之中通假借尤要 (Đọc sách người xưa [cần chú ý] không ngoài [ba điều]: Đọc đúng [phạm vi] câu văn [tức là ngắt câu cho đúng bởi cổ văn viết không chấm câu, gọi là bạch văn 白文], tra xét đúng nghĩa chữ, và tinh thông chữ giả tá trong cổ văn. Trong ba điều ấy, tinh thông giả tá là tối quan trọng).
1. Hiện tượng thông giả (mượn dùng thông với):
Nói chung, nếu hai từ có ý nghĩa và âm đọc gần giống nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này thay cho từ kia. Thí dụ phản 反 thông với phản 返 , tri 知 thông với trí 智 , v.v... Hiện tượng thông giả đều dựa trên âm đọc, nếu hai từ A và B không liên quan với nhau về âm thanh (âm đọc) thì chúng không phải là thông giả. Đôi khi một từ có thể thông với nhiều từ khác: Từ tịch 辟 (vua, triệu vời, trừng phạt) thông với các từ: tỵ 避 (tránh), tịch 闢 (khai mở, bài trừ), tịch 僻 (không thành thực). Tuỳ theo ngữ cảnh mà ta hiểu và dịch cho đúng.
2. Hiện tượng giả tá (mượn dùng):
Nói chung, nếu hai từ có âm đọc gần giống nhau tuy ý nghĩa khác nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này thay cho từ kia.
Thí dụ:
thệ 逝 (chết) là giả tá của thệ 誓 (thề nguyền),
nữ 女 (con gái) là giả tá của nhữ 汝 (mi, ngươi),
thuyết 說 (nói) là giả tá của duyệt 悅 (vui vẻ), v.v...
Nếu A là giả tá của B thì ta đọc câu văn với ý nghĩa của B.
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất duyệt diệc hồ? 有朋自遠方來不說亦乎 (Có bạn từ phương xa đến chẳng phải là không vui hay sao?). Ở đây chữ 說 phải đọc là duyệt, không đọc là thuyết.
Do hiện tượng giả tá này, khi đọc Hán ngữ cổ đại ta phải dùng từ điển Hán ngữ cổ đại, thì may ra mới hiểu đúng văn bản.
IV. Hiện tượng từ đa âm đa nghĩa:
Một từ có thể đa âm và đa nghĩa. Đây là hiện tượng chung của các ngôn ngữ, không riêng gì Hán ngữ cổ đại hay hiện đại. Thí dụ từ 數 có hai âm Hán Việt là «số» và «sổ», về Hán âm thì có 4 âm: /shù/ (số đếm; số lượng; vài lần; tướng số, thuật số; phương thuật, đạo thuật; số mệnh), /shǔ/ (liệt kê; kể lể tội lỗi), /shuò/ (lớp lang, tầng lớp), /cù/ (nhỏ nhặt kín đáo).
V. Sự hoạt dụng:
Hoạt dụng là sự biến đổi ý nghĩa của một từ theo chức năng của nó trong ngữ cảnh cụ thể, thông thường là sự chuyển từ loại (như danh từ sang động từ, v.v...). Ý nghĩa của từ biến đổi, nhưng hiện tượng này khác với hiện tượng từ đa âm đa nghĩa.
1. Hoạt dụng của danh từ:
Danh từ nhận 刃 (mũi dao) thành động từ (đâm chết ai, giết ai bằng dao). Thí dụ: Tả hữu dục nhận Tương Như. 左右欲 刃 相如 (Quân sĩ bên trái và bên phải muốn đâm chết Tương Như.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Danh từ tướng 將 (tướng quân) biến thành động từ (làm tướng, phong làm tướng) trong thí dụ: Tề Uy vương dục tướng Tôn Tẫn. 齊威王欲 將 孫臏 (Vua Uy nước Tề muốn phong Tôn Tẫn làm tướng.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách) trong thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
2. Hoạt dụng của tính từ:
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Tính từ phú quý 富貴 (giàu sang) biến thành động từ (làm cho giàu sang) trong thí dụ: Năng phú quý tướng quân giả, thượng dã. 能 富貴 將軍者上也 (Người có thể làm cho tướng quân giàu sang chính là hoàng thượng đó.)
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc) trong thí dụ: Ngư nhân thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài rất kinh ngạc về nó.)
VI. Sử động & ý động dụng pháp:
Khái niệm «sử động» 使動 và «ý động» 意動 được nêu ra lần đầu kể từ năm 1922, trong Quốc Văn Pháp Thảo Sáng 國文法草創 của Trần Thừa Trạch 陳承澤 (bấy giờ ông dùng thuật ngữ «trí động» 致動 và «ý động» 意動 ). Ngay sau đó giới nghiên cứu ngữ pháp của Trung Quốc nhanh chóng công nhận hai khái niệm «sử động» (hay «trí động») và «ý động» này. Cách dùng «sử động» và «ý động» rất thường thấy trong Hán ngữ cổ đại. Thực chất, sử động và ý động là sự hoạt dụng (dùng linh hoạt) của danh từ, tính từ, và động từ tác động vào một tân ngữ kế sau nó. Sử động (giống như causative form của tiếng Anh) ngụ ý «khiến cho ai/cái gì trở nên thế nào/ra sao». Còn ý động là sự hoạt dụng (=chuyển từ loại) biến danh từ hay tính từ trở thành động từ, tác động vào tân ngữ kế sau nó, ngụ ý «xem nó /là gì/như thế nào/ra sao». Động từ không có ý động dụng pháp.
1. Sử động dụng pháp:
a/ Sử động của động từ:
– Động từ ẩm 飲 (uống) trở thành «mời ai uống» (đọc là ấm).
Thí dụ: Tấn hầu ấm Triệu Thuẫn tửu. 晉侯 飲 趙盾酒 (Tấn hầu mời Triệu Thuẫn uống rượu.)
– Động từ thực 食 (ăn) trở thành «cho ai ăn» (đọc là tự).
Động từ kiến 見 (thấy) trở thành «làm cho ai thấy; sai ai ra trình diện» (đọc là hiện).
Thí dụ: Chỉ Tử Lộ túc, sát kê vi thử nhi tự chi, hiện kỳ nhị tử yên. 止子路宿, 殺雞為黍而 食 之, 見 其二子焉 ([Ông ta] giữ Tử Lộ ở lại nghỉ qua đêm, giết gà làm cơm thết đãi, rồi sai hai đứa con của mình ra trình diện Tử Lộ.)
– Động từ hoạt 活 (sống) trở thành «làm cho ai sống».
Thí dụ: Hạng Bá sát nhân, thần hoạt chi. 項伯殺人, 臣 活 之 (Hạng Bá giết người, thần làm cho kẻ đó sống lại.)
b/ Sử động của danh từ:
Nói chung, danh từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Danh từ sinh 生 (sự sống) trở thành động từ (làm cho sống, làm sống lại).
Danh từ nhục 肉 (thịt) biến thành động từ (bồi đắp thịt).
Thí dụ: Tiên sinh chi ân, sinh tử nhi nhục cốt dã. 先生之恩, 生 死而 肉 骨也 (Ân đức của ngài quả là làm cho kẻ chết sống lại và làm cho xương khô được bồi đắp thịt trở lại.)
c/ Sử động của tính từ:
Nói chung, tính từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Tính từ lục 綠 (xanh lá cây) trở thành động từ (làm cho xanh).
Thí dụ: Xuân phong hựu lục giang nam ngạn. 春風又 綠 江南岸 (Gió xuân khiến cho bờ sông phía nam thêm xanh.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) trở thành động từ (làm cho yếu).
Thí dụ: Chư hầu khủng cụ, hội minh nhi mưu nhược Tần. 諸侯恐懼會盟而謀 弱 秦 (Các nước chư hầu sợ hãi, bèn hợp lại, liên minh mưu tính làm suy yếu nước Tần.)
2. Ý động dụng pháp:
a/ Ý động của danh từ:
– Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách, xem là khách).
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
b/ Ý động của tính từ:
– Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc).
Thí dụ: Ngư nhân thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài thấy nó rất lạ lùng.)
– Tính từ tiểu 小 (nhỏ) biến thành động từ (thấy cái gì nhỏ bé).
Thí dụ: Khổng Tử đăng Đông sơn nhi tiểu Lỗ, đăng Thái sơn nhi tiểu thiên hạ. 孔子登東山而 小 魯, 登泰山而 小 天下 (Khổng Tử lên núi Đông thì thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên núi Thái thì thấy thiên hạ nhỏ bé.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) biến thành động từ (xem cái gì là yếu);
tính từ viễn 遠(xa) biến thành động từ (xem cái gì là xa).
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy nước Ngô là ở xa.)
Chú ý (I): Tính từ được dùng theo sử động hay ý động là tuỳ theo ngữ cảnh. Sự phân biệt này khá tinh tế, bởi vì cấu trúc của cả hai đều là «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ». Nói chung, với sử động dụng pháp, tính từ biến thành động từ tác động vào tân ngữ, khiến nó như thế nào. Còn ý động dụng pháp ngụ ý một sự nhận định (đánh giá/nhận xét) của chủ ngữ đối với tân ngữ. Do đó nó mang tính chủ quan.
* Thí dụ 1:
Viễn 遠 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «cách xa ra».
Thí dụ: Kính quỷ thần nhi viễn chi 敬鬼神而遠之 (Kính quỷ thần nhưng cách xa họ ra).
(b) Theo ý động dụng pháp là «nhận thấy xa xôi».
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy nước Ngô là ở xa.)
* Thí dụ 2:
Mỹ 美 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «làm cho tốt đẹp».
Thí dụ: Quân tử chi học dã dĩ mỹ kỳ thân. 君子之學也以美其身 (Cái học của người quân tử là để làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp.)
(b) Theo ý động dụng pháp là «xem là tốt đẹp».
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã; ngô thiếp chi mỹ ngã giả, úy ngã dã; khách chi mỹ ngã giả, dục hữu cầu vu ngã dã. 吾妻之美我者私我也; 吾妾之美我者畏我也; 客之美我者欲有求于我也 (Vợ ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng riêng tư đối với ta; thiếp ta xem ta là tốt đẹp, ấy là vì sợ ta; khách xem ta là tốt đẹp, ấy là muốn cầu cạnh ở ta.)
Chú ý (II):
Sự khác biệt giữa ý động của tính từ và ý động của danh từ ở chỗ:
(a) «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là thế nào [tính từ].
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã. 吾妻之 美 我者私我也 (Vợ ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng riêng tư đối với ta.)
(b) «danh từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là cái gì [danh từ].
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
VII. Bị động dụng pháp:
1. Dùng «kiến» 見 trước động từ:
– Nhân giai dĩ kiến vũ vi nhục, cố đấu dã. 人皆以 見侮 為辱故鬥也 (Người ta đều xem việc bị khinh bỉ là cái nhục, cho nên họ mới đánh nhau.)
2. Dùng «ư» 於 (= «vu» 于) sau động từ:
– Quân hạnh ư Triệu vương. 君幸 於 趙王 (Ngài được vua Triệu sủng ái.)
– Khích Khắc thương ư thỉ, lưu huyết cập lũ. 郤克 傷於 矢流血及屨 (Khích Khắc bị trúng tên [thọ thương], máu chảy xuống giầy.)
3. Dùng cả «kiến» 見 và «ư» 於 (= «vu» 于):
– Ngô trường kiến tiếu ư đại phương chi gia. 吾長 見笑於 大方之家 (Tôi ắt sẽ bị mọi người chê cười mãi.)
– Nhiên nhi công bất kiến tín ư nhân, tư bất kiến trợ ư hữu. 然而公不 見信於 人私不 見助於 友 (Thế mà về mặt công thì không được người ta tin cậy, về mặt tư thì không được bạn bè giúp đỡ.)
4. Dùng «vi» 為 :
– Phụ mẫu tông tộc giai vi lục một. 父母宗族皆 為戮沒 (Cha mẹ và họ hàng [của kẻ ấy] đều bị giết sạch.)
– Thân vi Tống quốc tiếu. 身為宋國笑 (Bản thân bị nước Tống cười chê.)
5. Dùng kết cấu «vi為 + tác nhân + sở 所 + động từ »:
– Vi địch nhân sở sát. 為敵人所殺 (Bị kẻ địch giết.)
6. Dùng «bị» 被 trước động từ:
– Tín nhi kiến nghi, trung nhi bị báng, năng vô oán hồ? 信而見疑忠而被謗能無怨乎 (Chân thành thì bị nghi ngờ, trung thành thì bị sàm báng, sao mà không oán cho được?) [Chú: kiến nghi cũng là dạng bị động]
Chú ý: Cấu trúc bị động với chữ «bị» bắt đầu được dùng kể từ cuối đời Chiến Quốc.
VIII. Các dụng pháp khác:
Sử động, ý động, và bị động là ba dụng pháp được giải thích trong hầu hết các sách hiện nay về ngữ pháp Hán ngữ cổ đại. Còn vài dụng pháp khác ít được bàn đến:
1. Vị động 為動 dụng pháp:
– Bá Di tử danh vu Thủ Dương sơn hạ, Đạo Chích tử lợi vu Đông Lăng chi thượng. 伯夷 死名 于首陽山下, 盜跖 死利 于東陵之上 (Bá Di chết vì danh nơi chân núi Thủ Dương, Đạo Chích chết vì lợi trên gò Đông Lăng.)
– Ngô phi bi nguyệt dã. 吾非 悲刖也 (Ta chẳng phải vì hình phạt chặt chân mà buồn.)
2. Đối động 對動dụng pháp:
– Toại trí Khang thị vu Thành Dĩnh nhi thệ chi viết: Bất cập Hoàng Tuyền vô tương kiến dã. 遂寘姜氏于城潁而 誓之 曰: 不及黃泉無相見也 (Bèn an trí Khang thị tại Thành Dĩnh rồi đối mặt mà thề rằng: Chừng nào đến Suối Vàng thì mới gặp nhau.)
– Dĩ sự Tần chi tâm lễ thiên hạ chi kỳ tài. 以事秦之心 禮 天下之奇才 (Lấy lòng phụng sự nước Tần mà thi lễ đối với bậc kỳ tài trong thiên hạ.)
3. Dữ động 與動 (= cấp động 給動) dụng pháp:
– Chu lương Hàn Tần. 周糧 韓秦 (Nước Chu cung cấp lương thực cho nước Hàn và nước Tần.)
– Hữu nhất mẫu kiến Tín cơ, phạn Tín, cánh phiếu sổ thập nhật. 有一母見信饑 飯信, 竟漂數十日 (Có bà lão thấy Hàn Tín đói, bèn đem cơm cho Tín ăn; rồi giặt giùm y phục vài mươi ngày.)
– Y thực cơ hàn giả, từ phụ chi đạo dã. 衣食 饑寒者 慈父之道也 (Tặng cơm áo cho kẻ đói lạnh, đó là đạo lý của bậc cha hiền.)
4. Nhân động 因動 dụng pháp:
– Cật triêu nhĩ xạ, tử nghệ. 詰朝爾射, 死藝 (Đến sáng mai khi ngươi bắn tên, do nghề bắn giỏi mà bị chết đấy.)
– Đông noãn nhi nhi hào hàn, niên phong nhi thê đề cơ. 冬暖而兒號寒年丰而妻啼飢 (Mùa đông ấm mà con kêu gào vì lạnh, năm được mùa mà vợ khóc vì đói.)
PHẦN II – CẤU TRÚC CƠ BẢN
I. Câu đơn
1. Câu phán đoán
a/ «... 者, ... 也 ».
Thí dụ: Liêm Pha giả, Triệu chi lương tướng dã. 廉頗者, 趙之良將也 (Liêm Pha là tướng giỏi của nước Triệu.)
Biến thể: Hoặc lược bỏ 者 và 也. Thí dụ: Tuân Khanh, Triệu nhân. 荀卿, 趙人 (Tuân Khanh là người nước Triệu.) = Tuân Khanh giả, Triệu nhân dã. 荀卿者, 趙也.
b/ «... 也 ».
Thí dụ: Thử Đông Hải dã. 此東海也 (Đây là Đông Hải.)
c/ «... 為 ... ».
Thí dụ: Dân vi quý, quân vi khinh. 民為貴,君為輕 (Dân thì quý, vua thì nhẹ.)
d/ «... 曰 ... ».
Thí dụ: Ấu nhi vô phụ viết cô. 幼而無父曰孤 (Nhỏ dại không cha gọi là mồ côi.)
e/ «... 是 ... ».
Thí dụ: Cự thị phàm nhân. 巨是凡人 (Cự là kẻ tầm thường.)
f/ «... 則 ... ».
Thí dụ: Thử tắc Nhạc Dương Lâu chi đại quan dã. 此則岳陽樓之大觀也 (Chỗ này ắt là nơi có thể quan sát rộng khắp của lầu Nhạc Dương.)
g/ «... 即 ... ».
Thí dụ: Lương phụ tức Sở tướng Hạng Yến. 梁父即楚將項燕 (Cha của Lương tức là tướng Hạng Yến của nước Sở.)
h/ «... 乃 ... ».
Thí dụ: Đương lập giả nãi công tử Phù Tô. 當立者乃公子扶蘇 (Người đáng lập là công tử Phù Tô.)
i/ «... 非 ... ».
Thí dụ: Nhân phi thảo mộc. 人非草木 (Người đâu phải là cây cỏ.)
j/ «... 匪 ... ».
Thí dụ: Ngã tâm phỉ thạch. 我心匪石 (Lòng ta nào phải là đá.)
2. Câu trần thuật
a/ «Chủ ngữ + động từ».
Thí dụ: Hạng Vương nộ. 項王怒 (Hạng Vương nổi giận.)
b/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ».
Thí dụ: Điền Trung hữu châu. 田中有珠 (Điền Trung có ngọc châu.)
c/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ gián tiếp (: người) + tân ngữ trực tiếp (: vật)».
Thí dụ: Từ giả tứ kỳ xá nhân chi tửu. 祠者賜其舍人卮酒 (Người cúng tế tặng cho môn khách của mình một nậm rượu.)
d/ «Chủ ngữ + động từ 1+ kiêm ngữ + động từ 2 + tân ngữ». (Kiêm ngữ = thành phần vừa là tân ngữ của động từ 1 vừa là chủ ngữ động từ 2.)
Thí dụ: Đế mệnh Khoa Nga thị nhị tử phụ nhị sơn. 帝命夸娥氏二子負二山 (Vua ra lệnh hai con của Khoa Nga vác hai quả núi.) – Tần vương bái Lý Tư vi khách khanh. 秦王拜李斯為客卿 (Vua Tần cho Lý Tư làm khách khanh.)
e/ «Chủ ngữ + động từ 1+ tân ngữ 1 + 而 + động từ 2 + tân ngữ 2».
Thí dụ: Tống nhân / thích kỳ lỗi / nhi / thủ chu. 宋人 釋其耒 而 守株 (Người nước Tống đã vất bỏ cày của mình mà ôm gốc cây.)
f/ «Chủ ngữ + 不如 (=不若) + tân ngữ».
Thí dụ: Từ Công / bất nhược / quân chi mỹ. 徐公 不若 君之美 (Từ Công không đẹp như ngài.)
g/ «cấu trúc bị động».
Xem lại các thí dụ ở mục IX trên đây.
3. Câu miêu tả
a/ «Chủ ngữ + tính từ».
Thí dụ: Tấn cường. 晉強 (Nước Tấn mạnh.)
b/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 而 + tính từ 2».
Thí dụ: Vệ nhược nhi bần. 衛弱而貧 (Nước Vệ yếu và nghèo.)
c/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 且 + tính từ 2».
Thí dụ: Lão nông chi thê tật thả hãn. 老農之妻嫉且悍 (Vợ lão nông phu kia đã ghen ghét mà còn hung dữ.)
d/ «Chủ ngữ + số từ».
Thí dụ: Hậu cung giai lệ tam thiên. 後宮佳麗三千(Người đẹp trong hậu cung có 3000 người.)
4. Câu hỏi
a/ «Chủ ngữ + danh từ + 歟 ».
Thí dụ: Phu tử thánh giả dư? 夫子聖者歟 (Phu tử là bậc thánh chăng?)
b/ « 孰 (= 誰) + 能...».
Thí dụ: Thục năng vô hoặc? 孰能無惑 (Ai mà không có điều nghi hoặc?)
c/ « A 與 B+ 孰 + tính từ» = « A 孰與 B + tính từ».
Thí dụ: Ngô dữ Từ Công thục mỹ ? 吾與徐公孰美 [= Ngô thục dữ Từ Công mỹ? 吾孰與徐公美] (Ta với Từ Công ai đẹp hơn?)
d/ «... 何也 ».
Thí dụ: Kim tử hữu ưu sắc, hà dã? 今子有憂色, 何也 (Nay ngài có vẻ lo âu, sao thế?)
e/ «Chủ ngữ + 不亦 + tính từ + 乎 ».
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc duyệt hồ? 有朋自遠方來不亦說乎 (Có bạn từ phương xa đến chẳng là vui sao?)
f/ « 豈 ».
Thí dụ: Khởi hữu thử lý? 豈有此理 (Lẽ nào có cái lý ấy?)
g/ « 胡 ».
Thí dụ: Hồ bất quy? 胡不歸 (Sao chẳng quay về đi?)
h/ « 安 ».
Thí dụ: Ngô an vãng nhi bất lạc? 吾安往而不樂 (Ta đi đâu mà chẳng thấy vui?) – Binh bần dân khổ, ngô an khả độc lạc? 兵貧民苦吾安可獨樂 (Binh nghèo dân khổ, làm sao ta có thể vui sướng riêng một mình cho được?)
i/ « 盍 ».
Thí dụ: Hạp các ngôn nhĩ chí? 盍各言爾志 (Mỗi người trong các anh sao chẳng nói lên chí hướng của mình đi?)
5. Câu phủ định
a/ « 不 / 弗 + động từ/tính từ ».
Thí dụ: Đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử. 得之則生弗得則死 (Được nó thì sống, không được nó thì chết.)
Chú ý: «Bất» và «phất» dùng thông với nhau. Kể từ đời Hán Chiêu Đế 漢昭帝 (Lưu Phất Lăng 劉弗陵, 86-74 tcn), do kỵ huý, «phất» bị thay thế bằng «bất».
b/ « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » (ngăn cản/cấm đoán).
Thí dụ: Đại vô xâm tiểu. 大毋侵小 (Nước lớn chớ xâm lược nước nhỏ.) – Vô vọng ngôn. 毋妄言 (Chớ nói càn.) – Khuyến quân hưu thán hận. 勸君休嘆恨 (Xin ông đừng than thở oán hận.) – Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ. 莫愁前路無知己 (Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ.) – Dĩ vãng sự vật truy tư, vị lai sự vật nghinh tưởng, hiện tại sự vật lưu niệm. 已往事勿追思, 未來事勿迎想, 現在事勿留念 (Việc đã qua chớ truy cứu nữa, chuyện mai sau chớ đón trước mà nghĩ ngợi; việc hiện tại chớ lưu lại làm kỷ niệm.).
c/ « 未 / 未嘗 ... » (chưa/ chưa từng).
Thí dụ: Kiến ngưu vị kiến dương dã. 見牛未見羊也 (Anh đã thấy trâu chứ chưa thấy dê.)
d/ « 非 / 匪 + danh từ ».
Thí dụ: Tử phi ngư an tri ngư chi lạc? 子非魚安知魚之樂 (Ông chẳng phải là cá, sao biết được niềm vui của cá?)
e/ « 亡 ».
Thí dụ: Nhân giai hữu huynh đệ, ngã độc vong. 人皆有兄弟我獨亡 (Ai cũng có anh em, riêng ta thì không.) – Vấn hữu dư, viết vong hĩ. 問有餘曰亡矣 (Hỏi có dư không, thì trả lời là không.)
f/ « 否 ».
Thí dụ: Phàm thử ẩm tửu, hoặc túy hoặc phủ. 凡此飲酒或醉或否 (Lần đó uống rượu, có người say, có người không say.) – Như thử tắc động tâm phủ hồ? 如此則動心否乎 (Nếu thế nó có làm động tâm của ngài không?) – Tri khả phủ, tri dã. 知可否知也 (Biết điều có thể và điều không thể, đó là biết vậy.)
f/ « 靡 ».
Thí dụ: Thiên mệnh mỵ thường. 天命靡常 (Mệnh trời không cố định.)
6. Câu cầu khiến
a/ Câu phát biểu ngụ ý cầu khiến.
Thí dụ: Tử vị ngã vấn Mạnh Tử. 子為我問孟子 (Xin ngài hỏi Mạnh Tử giùm tôi.)
b/ « 請 ... ».
Thí dụ: Vương thỉnh độ chi. 王請度之 (Xin nhà vua hãy đo đạc nó.) «Thỉnh» có thể đi với ngôi thứ nhất: Thần thỉnh vị vương ngôn nhạc. 臣請為王言樂 (Cho phép thần vì bệ hạ mà nói về âm nhạc.)
c/ Dùng « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » để tỏ sự ngăn cản / cấm đoán.
(Xem các thí dụ ở mục 5b ngay trên đây.)
II. Câu phức
1. Câu ghép.
Ghép hai câu đồng đẳng (ngang hàng), ngụ ý «và», «hoặc/hay», «nhưng/mà». Thí dụ:
– Nhậm trọng nhi đạo viễn. 任重而道遠 (Trách nhiệm nặng nề mà đường thì xa.)
– Sự Tề hồ, sự Sở hồ? 事齊乎事楚乎 (Phục vụ cho nước Tề hay nước Sở?)
2. Câu chính-phụ.
Ghép hai câu có quan hệ «chính-phụ». Câu chính mang ý chính, câu phụ diễn tả: sự nhượng bộ (tương phản), nguyên nhân, điều kiện, ...
a/ Câu phụ chỉ nhượng bộ.
Dùng các chữ « 雖 / 縱 » trong câu phụ chỉ nhượng bộ. Thí dụ:
– Tuy Nghiêu, Thuấn. Vũ, Thang phục sinh, phất năng cải dĩ. 雖堯舜禹湯復生, 弗能改已 (Dù cho Nghiêu Thuấn, Vũ, Thang có sống lại cũng không thay đổi được gì.)
b/ Câu phụ chỉ nhân quả.
Câu chính (chỉ kết quả) mở đầu là « 故 / 是以 / 是故 ». Thí dụ:
– Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc dữ tranh. 夫唯不爭, 故天下莫與爭 (Vì ta không tranh với ai nên thiên hạ không tranh với ta.)
– Kỳ ngôn bất nhượng, thị cố thẩn chi. 其言不讓, 是故哂之 (Lời lẽ hắn không khiêm nhường, nên ta mỉm cười hắn.)
c/ Câu phụ chỉ điều kiện.
Dùng các chữ « 苟 / 若 / 如 / 使 /非 » trong câu phụ chỉ điều kiện. Thí dụ:
– Cẩu vô dân, hà dĩ hữu quân. 苟 無民何以有君 (Nếu không có dân, có vua để làm gì?)
– Cẩu hữu dụng ngã giả, kỳ nguyệt nhi dĩ khả dã. 苟有用我者, 期月而已可也 (Nếu có ai dùng ta, ắt trong một tháng việc này sẽ xong.)
– Sử nhân bất dục sinh, bất ố tử, tắc bất khả đắc nhi chế dã. 使人不欲生不惡死則不可得而制也 (Nếu dân không ham sống và không sợ chết, thì không thể nào khống chế được họ.)
– Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị. 非我族類其心必異 (Nếu không cùng tộc loại với ta, lòng dạ của họ ắt sẽ khác đi.)
Sách tham khảo
1. Điền Thụy Quyên 田瑞娟 & Trương Liên Vinh 張聯榮, Văn Ngôn Văn Yếu Lãm 文言文要覽, Bắc Kinh Đại học xbx 北京大學出版社, 1988.
2. Lưu Cảnh Nông 劉景農, Hán Ngữ Văn Ngôn Ngữ Pháp 漢語文言語法. Trung Hoa Thư Cục 中華書局, 1994.
3. Lý Lâm 李林, Cổ đại Hán Ngữ Ngữ Pháp Phân Tích 古代漢語語法分析, Trung Quốc Xã hội Khoa học xbx 中國社會科學出版社, 1996.
4. Thân Tiểu Long 申小龍, Trung Quốc Cú Hình Văn Hoá 中國句型文化, Đông Bắc Sư phạm Đại học xbx 東北師範大學出版社, Cát Lâm 吉林, 1988.
5. Trần Cao Xuân 陳高春 (chủ biên), Thực Dụng Hán Ngữ Ngữ Pháp Đại Từ Điển 實用漢語語法大辭典, Chức Công Giáo Dục xbx 職工教育出版社, Bắc Kinh 北京, 1989.
6. Christoph Harbsmeier, Aspects of Classical Chinese Syntax, Curzon Press, Denmark, 1981.
7. Edwin G. Pulleyblank, Outline of Classical Chinese Grammar, UBC Press, Vancouver, 2000.
8. Gregory Chiang, Language of the Dragon – A Classical Chinese Reader, Vol 1, Cheng&Tsui Company, USA, 1998.
9. Harold Shadick & Ch’iao Chien, A First Course in Literary Chinese, Vol 1, Cornell University Press, 1992.
10. Michael A. Fuller, An Introduction to Literary Chinese, Harvard University Press, 1999.
© http://vietsciences.org và http://vietsciences.free.fr Lê Anh Minh
Vietsciences- Lê Anh Minh
PHẦN I – TỔNG QUAN
I. Đặc điểm của từ vựng Hán ngữ cổ đại:
1. Từ cổ đại đa số là đơn âm tiết, từ hiện đại thường là song âm tiết (cũng có một số ít từ đa âm tiết).
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
* Gắn thêm một âm tiết vào trước hoặc sau từ cổ đại (ý nghĩa không đổi):
sư 師 / lão sư 老師 (thầy giáo); di 姨 / a di 阿姨 (dì); trác 桌 / trác tử 桌子 (cái bàn); thạch 石 / thạch đầu 石頭 (đá); nữ 女 / nữ nhi 女兒 (con gái); nguyệt 月 / nguyệt lượng 月亮 (mặt trăng); mi 眉 / mi mao 眉毛 (chân mày); học 學 / học tập 學習 (học); tư 思 / tư khảo 思考 (suy nghĩ); mỹ 美 / mỹ lệ 美麗 (đẹp); nguy 危 / nguy hiểm 危險 (nguy hiểm); v.v...
* Dùng từ khác hẳn (diễn tả cùng một ý nghĩa): Thí dụ
(cổ đại / hiện đại): nhật 日 / thái dương 太陽 (mặt trời); duyệt 悅 / cao hứng 高興 (vui); dịch 弈 / hạ kỳ 下棋 (đánh cờ); quan 冠 / mạo tử 帽子 (cái nón); v.v...
2. Từ cổ có ý nghĩa khác với từ hiện nay:
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
– Địa phương sổ thiên lý 地方數千里 (diện tích vài ngàn dặm / nơi đó [xa] vài ngàn dặm)
– Kỳ thực vị bất đồng 其實味不同 (quả của nó có vị khác / thực tế, vị nó khác)
3. Từ xưa nay không còn dùng: Từ xã tắc 社稷 (ám chỉ quốc gia) nay không còn dùng nữa.
II. Ý nghĩa của từ và phạm vi sử dụng biến đổi từ cổ đại đến hiện đại:
1. Chuyển nghĩa:
Từ khoái 快 nghĩa xưa là «xứng ý, vui thích»; nghĩa nay là «nhanh chóng».
Từ hi sinh 犧牲 nghĩa xưa là «các gia súc (trâu, lợn, dê, ...) đem đi cúng tế»; nghĩa nay là «xả bỏ sinh mạng vì một chính nghĩa hay lý tưởng nào đó».
2. Phạm vi cụ thể sang phạm vi tổng quát:
Từ hà 河 xưa ám chỉ «sông Hoàng Hà», nay chỉ chung chung là «sông».
Từ Trung Quốc 中國 xưa ám chỉ khu vực trung nguyên, nay ám chỉ cả nước Trung Quốc.
3. Phạm vi tổng quát sang phạm vi cụ thể:
Từ cốc 榖 (谷) xưa ám chỉ chung «ngũ cốc», nay ám chỉ «lúa gạo» (đạo cốc 稻穀).
4. Sắc thái tình cảm thay đổi:
Từ khả lân (liên) 可憐 xưa nghĩa là «hết sức khả ái», nay là «đáng thương xót».
Từ tỳ bỉ 卑鄙 xưa nghĩa là «địa vị thấp thỏi, kiến thức hẹp hòi», nay nghĩa là «phẩm chất xấu ác».
III. Hiện tượng giả tá:
Giả tá là rắc rối cố hữu của Hán ngữ cổ đại. Học giả đời Thanh là Du Việt 俞樾 từng nhắc nhở độc giả rằng: «Độc cổ nhân thư, bất ngoại hồ chính cú đậu, thẩm tự nghĩa, thông cổ văn giả tá. Nhi tam giả chi trung, thông giả tá vưu yếu.» 讀古人書不外乎正句讀審字義通古 文假借而三者之中通假借尤要 (Đọc sách người xưa [cần chú ý] không ngoài [ba điều]: Đọc đúng [phạm vi] câu văn [tức là ngắt câu cho đúng bởi cổ văn viết không chấm câu, gọi là bạch văn 白文], tra xét đúng nghĩa chữ, và tinh thông chữ giả tá trong cổ văn. Trong ba điều ấy, tinh thông giả tá là tối quan trọng).
1. Hiện tượng thông giả (mượn dùng thông với):
Nói chung, nếu hai từ có ý nghĩa và âm đọc gần giống nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này thay cho từ kia. Thí dụ phản 反 thông với phản 返 , tri 知 thông với trí 智 , v.v... Hiện tượng thông giả đều dựa trên âm đọc, nếu hai từ A và B không liên quan với nhau về âm thanh (âm đọc) thì chúng không phải là thông giả. Đôi khi một từ có thể thông với nhiều từ khác: Từ tịch 辟 (vua, triệu vời, trừng phạt) thông với các từ: tỵ 避 (tránh), tịch 闢 (khai mở, bài trừ), tịch 僻 (không thành thực). Tuỳ theo ngữ cảnh mà ta hiểu và dịch cho đúng.
2. Hiện tượng giả tá (mượn dùng):
Nói chung, nếu hai từ có âm đọc gần giống nhau tuy ý nghĩa khác nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này thay cho từ kia.
Thí dụ:
thệ 逝 (chết) là giả tá của thệ 誓 (thề nguyền),
nữ 女 (con gái) là giả tá của nhữ 汝 (mi, ngươi),
thuyết 說 (nói) là giả tá của duyệt 悅 (vui vẻ), v.v...
Nếu A là giả tá của B thì ta đọc câu văn với ý nghĩa của B.
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất duyệt diệc hồ? 有朋自遠方來不說亦乎 (Có bạn từ phương xa đến chẳng phải là không vui hay sao?). Ở đây chữ 說 phải đọc là duyệt, không đọc là thuyết.
Do hiện tượng giả tá này, khi đọc Hán ngữ cổ đại ta phải dùng từ điển Hán ngữ cổ đại, thì may ra mới hiểu đúng văn bản.
IV. Hiện tượng từ đa âm đa nghĩa:
Một từ có thể đa âm và đa nghĩa. Đây là hiện tượng chung của các ngôn ngữ, không riêng gì Hán ngữ cổ đại hay hiện đại. Thí dụ từ 數 có hai âm Hán Việt là «số» và «sổ», về Hán âm thì có 4 âm: /shù/ (số đếm; số lượng; vài lần; tướng số, thuật số; phương thuật, đạo thuật; số mệnh), /shǔ/ (liệt kê; kể lể tội lỗi), /shuò/ (lớp lang, tầng lớp), /cù/ (nhỏ nhặt kín đáo).
V. Sự hoạt dụng:
Hoạt dụng là sự biến đổi ý nghĩa của một từ theo chức năng của nó trong ngữ cảnh cụ thể, thông thường là sự chuyển từ loại (như danh từ sang động từ, v.v...). Ý nghĩa của từ biến đổi, nhưng hiện tượng này khác với hiện tượng từ đa âm đa nghĩa.
1. Hoạt dụng của danh từ:
Danh từ nhận 刃 (mũi dao) thành động từ (đâm chết ai, giết ai bằng dao). Thí dụ: Tả hữu dục nhận Tương Như. 左右欲 刃 相如 (Quân sĩ bên trái và bên phải muốn đâm chết Tương Như.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Danh từ tướng 將 (tướng quân) biến thành động từ (làm tướng, phong làm tướng) trong thí dụ: Tề Uy vương dục tướng Tôn Tẫn. 齊威王欲 將 孫臏 (Vua Uy nước Tề muốn phong Tôn Tẫn làm tướng.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách) trong thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
2. Hoạt dụng của tính từ:
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Tính từ phú quý 富貴 (giàu sang) biến thành động từ (làm cho giàu sang) trong thí dụ: Năng phú quý tướng quân giả, thượng dã. 能 富貴 將軍者上也 (Người có thể làm cho tướng quân giàu sang chính là hoàng thượng đó.)
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc) trong thí dụ: Ngư nhân thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài rất kinh ngạc về nó.)
VI. Sử động & ý động dụng pháp:
Khái niệm «sử động» 使動 và «ý động» 意動 được nêu ra lần đầu kể từ năm 1922, trong Quốc Văn Pháp Thảo Sáng 國文法草創 của Trần Thừa Trạch 陳承澤 (bấy giờ ông dùng thuật ngữ «trí động» 致動 và «ý động» 意動 ). Ngay sau đó giới nghiên cứu ngữ pháp của Trung Quốc nhanh chóng công nhận hai khái niệm «sử động» (hay «trí động») và «ý động» này. Cách dùng «sử động» và «ý động» rất thường thấy trong Hán ngữ cổ đại. Thực chất, sử động và ý động là sự hoạt dụng (dùng linh hoạt) của danh từ, tính từ, và động từ tác động vào một tân ngữ kế sau nó. Sử động (giống như causative form của tiếng Anh) ngụ ý «khiến cho ai/cái gì trở nên thế nào/ra sao». Còn ý động là sự hoạt dụng (=chuyển từ loại) biến danh từ hay tính từ trở thành động từ, tác động vào tân ngữ kế sau nó, ngụ ý «xem nó /là gì/như thế nào/ra sao». Động từ không có ý động dụng pháp.
1. Sử động dụng pháp:
a/ Sử động của động từ:
– Động từ ẩm 飲 (uống) trở thành «mời ai uống» (đọc là ấm).
Thí dụ: Tấn hầu ấm Triệu Thuẫn tửu. 晉侯 飲 趙盾酒 (Tấn hầu mời Triệu Thuẫn uống rượu.)
– Động từ thực 食 (ăn) trở thành «cho ai ăn» (đọc là tự).
Động từ kiến 見 (thấy) trở thành «làm cho ai thấy; sai ai ra trình diện» (đọc là hiện).
Thí dụ: Chỉ Tử Lộ túc, sát kê vi thử nhi tự chi, hiện kỳ nhị tử yên. 止子路宿, 殺雞為黍而 食 之, 見 其二子焉 ([Ông ta] giữ Tử Lộ ở lại nghỉ qua đêm, giết gà làm cơm thết đãi, rồi sai hai đứa con của mình ra trình diện Tử Lộ.)
– Động từ hoạt 活 (sống) trở thành «làm cho ai sống».
Thí dụ: Hạng Bá sát nhân, thần hoạt chi. 項伯殺人, 臣 活 之 (Hạng Bá giết người, thần làm cho kẻ đó sống lại.)
b/ Sử động của danh từ:
Nói chung, danh từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Danh từ sinh 生 (sự sống) trở thành động từ (làm cho sống, làm sống lại).
Danh từ nhục 肉 (thịt) biến thành động từ (bồi đắp thịt).
Thí dụ: Tiên sinh chi ân, sinh tử nhi nhục cốt dã. 先生之恩, 生 死而 肉 骨也 (Ân đức của ngài quả là làm cho kẻ chết sống lại và làm cho xương khô được bồi đắp thịt trở lại.)
c/ Sử động của tính từ:
Nói chung, tính từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Tính từ lục 綠 (xanh lá cây) trở thành động từ (làm cho xanh).
Thí dụ: Xuân phong hựu lục giang nam ngạn. 春風又 綠 江南岸 (Gió xuân khiến cho bờ sông phía nam thêm xanh.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) trở thành động từ (làm cho yếu).
Thí dụ: Chư hầu khủng cụ, hội minh nhi mưu nhược Tần. 諸侯恐懼會盟而謀 弱 秦 (Các nước chư hầu sợ hãi, bèn hợp lại, liên minh mưu tính làm suy yếu nước Tần.)
2. Ý động dụng pháp:
a/ Ý động của danh từ:
– Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách, xem là khách).
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
b/ Ý động của tính từ:
– Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc).
Thí dụ: Ngư nhân thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài thấy nó rất lạ lùng.)
– Tính từ tiểu 小 (nhỏ) biến thành động từ (thấy cái gì nhỏ bé).
Thí dụ: Khổng Tử đăng Đông sơn nhi tiểu Lỗ, đăng Thái sơn nhi tiểu thiên hạ. 孔子登東山而 小 魯, 登泰山而 小 天下 (Khổng Tử lên núi Đông thì thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên núi Thái thì thấy thiên hạ nhỏ bé.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) biến thành động từ (xem cái gì là yếu);
tính từ viễn 遠(xa) biến thành động từ (xem cái gì là xa).
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy nước Ngô là ở xa.)
Chú ý (I): Tính từ được dùng theo sử động hay ý động là tuỳ theo ngữ cảnh. Sự phân biệt này khá tinh tế, bởi vì cấu trúc của cả hai đều là «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ». Nói chung, với sử động dụng pháp, tính từ biến thành động từ tác động vào tân ngữ, khiến nó như thế nào. Còn ý động dụng pháp ngụ ý một sự nhận định (đánh giá/nhận xét) của chủ ngữ đối với tân ngữ. Do đó nó mang tính chủ quan.
* Thí dụ 1:
Viễn 遠 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «cách xa ra».
Thí dụ: Kính quỷ thần nhi viễn chi 敬鬼神而遠之 (Kính quỷ thần nhưng cách xa họ ra).
(b) Theo ý động dụng pháp là «nhận thấy xa xôi».
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy nước Ngô là ở xa.)
* Thí dụ 2:
Mỹ 美 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «làm cho tốt đẹp».
Thí dụ: Quân tử chi học dã dĩ mỹ kỳ thân. 君子之學也以美其身 (Cái học của người quân tử là để làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp.)
(b) Theo ý động dụng pháp là «xem là tốt đẹp».
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã; ngô thiếp chi mỹ ngã giả, úy ngã dã; khách chi mỹ ngã giả, dục hữu cầu vu ngã dã. 吾妻之美我者私我也; 吾妾之美我者畏我也; 客之美我者欲有求于我也 (Vợ ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng riêng tư đối với ta; thiếp ta xem ta là tốt đẹp, ấy là vì sợ ta; khách xem ta là tốt đẹp, ấy là muốn cầu cạnh ở ta.)
Chú ý (II):
Sự khác biệt giữa ý động của tính từ và ý động của danh từ ở chỗ:
(a) «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là thế nào [tính từ].
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã. 吾妻之 美 我者私我也 (Vợ ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng riêng tư đối với ta.)
(b) «danh từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là cái gì [danh từ].
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
VII. Bị động dụng pháp:
1. Dùng «kiến» 見 trước động từ:
– Nhân giai dĩ kiến vũ vi nhục, cố đấu dã. 人皆以 見侮 為辱故鬥也 (Người ta đều xem việc bị khinh bỉ là cái nhục, cho nên họ mới đánh nhau.)
2. Dùng «ư» 於 (= «vu» 于) sau động từ:
– Quân hạnh ư Triệu vương. 君幸 於 趙王 (Ngài được vua Triệu sủng ái.)
– Khích Khắc thương ư thỉ, lưu huyết cập lũ. 郤克 傷於 矢流血及屨 (Khích Khắc bị trúng tên [thọ thương], máu chảy xuống giầy.)
3. Dùng cả «kiến» 見 và «ư» 於 (= «vu» 于):
– Ngô trường kiến tiếu ư đại phương chi gia. 吾長 見笑於 大方之家 (Tôi ắt sẽ bị mọi người chê cười mãi.)
– Nhiên nhi công bất kiến tín ư nhân, tư bất kiến trợ ư hữu. 然而公不 見信於 人私不 見助於 友 (Thế mà về mặt công thì không được người ta tin cậy, về mặt tư thì không được bạn bè giúp đỡ.)
4. Dùng «vi» 為 :
– Phụ mẫu tông tộc giai vi lục một. 父母宗族皆 為戮沒 (Cha mẹ và họ hàng [của kẻ ấy] đều bị giết sạch.)
– Thân vi Tống quốc tiếu. 身為宋國笑 (Bản thân bị nước Tống cười chê.)
5. Dùng kết cấu «vi為 + tác nhân + sở 所 + động từ »:
– Vi địch nhân sở sát. 為敵人所殺 (Bị kẻ địch giết.)
6. Dùng «bị» 被 trước động từ:
– Tín nhi kiến nghi, trung nhi bị báng, năng vô oán hồ? 信而見疑忠而被謗能無怨乎 (Chân thành thì bị nghi ngờ, trung thành thì bị sàm báng, sao mà không oán cho được?) [Chú: kiến nghi cũng là dạng bị động]
Chú ý: Cấu trúc bị động với chữ «bị» bắt đầu được dùng kể từ cuối đời Chiến Quốc.
VIII. Các dụng pháp khác:
Sử động, ý động, và bị động là ba dụng pháp được giải thích trong hầu hết các sách hiện nay về ngữ pháp Hán ngữ cổ đại. Còn vài dụng pháp khác ít được bàn đến:
1. Vị động 為動 dụng pháp:
– Bá Di tử danh vu Thủ Dương sơn hạ, Đạo Chích tử lợi vu Đông Lăng chi thượng. 伯夷 死名 于首陽山下, 盜跖 死利 于東陵之上 (Bá Di chết vì danh nơi chân núi Thủ Dương, Đạo Chích chết vì lợi trên gò Đông Lăng.)
– Ngô phi bi nguyệt dã. 吾非 悲刖也 (Ta chẳng phải vì hình phạt chặt chân mà buồn.)
2. Đối động 對動dụng pháp:
– Toại trí Khang thị vu Thành Dĩnh nhi thệ chi viết: Bất cập Hoàng Tuyền vô tương kiến dã. 遂寘姜氏于城潁而 誓之 曰: 不及黃泉無相見也 (Bèn an trí Khang thị tại Thành Dĩnh rồi đối mặt mà thề rằng: Chừng nào đến Suối Vàng thì mới gặp nhau.)
– Dĩ sự Tần chi tâm lễ thiên hạ chi kỳ tài. 以事秦之心 禮 天下之奇才 (Lấy lòng phụng sự nước Tần mà thi lễ đối với bậc kỳ tài trong thiên hạ.)
3. Dữ động 與動 (= cấp động 給動) dụng pháp:
– Chu lương Hàn Tần. 周糧 韓秦 (Nước Chu cung cấp lương thực cho nước Hàn và nước Tần.)
– Hữu nhất mẫu kiến Tín cơ, phạn Tín, cánh phiếu sổ thập nhật. 有一母見信饑 飯信, 竟漂數十日 (Có bà lão thấy Hàn Tín đói, bèn đem cơm cho Tín ăn; rồi giặt giùm y phục vài mươi ngày.)
– Y thực cơ hàn giả, từ phụ chi đạo dã. 衣食 饑寒者 慈父之道也 (Tặng cơm áo cho kẻ đói lạnh, đó là đạo lý của bậc cha hiền.)
4. Nhân động 因動 dụng pháp:
– Cật triêu nhĩ xạ, tử nghệ. 詰朝爾射, 死藝 (Đến sáng mai khi ngươi bắn tên, do nghề bắn giỏi mà bị chết đấy.)
– Đông noãn nhi nhi hào hàn, niên phong nhi thê đề cơ. 冬暖而兒號寒年丰而妻啼飢 (Mùa đông ấm mà con kêu gào vì lạnh, năm được mùa mà vợ khóc vì đói.)
PHẦN II – CẤU TRÚC CƠ BẢN
I. Câu đơn
1. Câu phán đoán
a/ «... 者, ... 也 ».
Thí dụ: Liêm Pha giả, Triệu chi lương tướng dã. 廉頗者, 趙之良將也 (Liêm Pha là tướng giỏi của nước Triệu.)
Biến thể: Hoặc lược bỏ 者 và 也. Thí dụ: Tuân Khanh, Triệu nhân. 荀卿, 趙人 (Tuân Khanh là người nước Triệu.) = Tuân Khanh giả, Triệu nhân dã. 荀卿者, 趙也.
b/ «... 也 ».
Thí dụ: Thử Đông Hải dã. 此東海也 (Đây là Đông Hải.)
c/ «... 為 ... ».
Thí dụ: Dân vi quý, quân vi khinh. 民為貴,君為輕 (Dân thì quý, vua thì nhẹ.)
d/ «... 曰 ... ».
Thí dụ: Ấu nhi vô phụ viết cô. 幼而無父曰孤 (Nhỏ dại không cha gọi là mồ côi.)
e/ «... 是 ... ».
Thí dụ: Cự thị phàm nhân. 巨是凡人 (Cự là kẻ tầm thường.)
f/ «... 則 ... ».
Thí dụ: Thử tắc Nhạc Dương Lâu chi đại quan dã. 此則岳陽樓之大觀也 (Chỗ này ắt là nơi có thể quan sát rộng khắp của lầu Nhạc Dương.)
g/ «... 即 ... ».
Thí dụ: Lương phụ tức Sở tướng Hạng Yến. 梁父即楚將項燕 (Cha của Lương tức là tướng Hạng Yến của nước Sở.)
h/ «... 乃 ... ».
Thí dụ: Đương lập giả nãi công tử Phù Tô. 當立者乃公子扶蘇 (Người đáng lập là công tử Phù Tô.)
i/ «... 非 ... ».
Thí dụ: Nhân phi thảo mộc. 人非草木 (Người đâu phải là cây cỏ.)
j/ «... 匪 ... ».
Thí dụ: Ngã tâm phỉ thạch. 我心匪石 (Lòng ta nào phải là đá.)
2. Câu trần thuật
a/ «Chủ ngữ + động từ».
Thí dụ: Hạng Vương nộ. 項王怒 (Hạng Vương nổi giận.)
b/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ».
Thí dụ: Điền Trung hữu châu. 田中有珠 (Điền Trung có ngọc châu.)
c/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ gián tiếp (: người) + tân ngữ trực tiếp (: vật)».
Thí dụ: Từ giả tứ kỳ xá nhân chi tửu. 祠者賜其舍人卮酒 (Người cúng tế tặng cho môn khách của mình một nậm rượu.)
d/ «Chủ ngữ + động từ 1+ kiêm ngữ + động từ 2 + tân ngữ». (Kiêm ngữ = thành phần vừa là tân ngữ của động từ 1 vừa là chủ ngữ động từ 2.)
Thí dụ: Đế mệnh Khoa Nga thị nhị tử phụ nhị sơn. 帝命夸娥氏二子負二山 (Vua ra lệnh hai con của Khoa Nga vác hai quả núi.) – Tần vương bái Lý Tư vi khách khanh. 秦王拜李斯為客卿 (Vua Tần cho Lý Tư làm khách khanh.)
e/ «Chủ ngữ + động từ 1+ tân ngữ 1 + 而 + động từ 2 + tân ngữ 2».
Thí dụ: Tống nhân / thích kỳ lỗi / nhi / thủ chu. 宋人 釋其耒 而 守株 (Người nước Tống đã vất bỏ cày của mình mà ôm gốc cây.)
f/ «Chủ ngữ + 不如 (=不若) + tân ngữ».
Thí dụ: Từ Công / bất nhược / quân chi mỹ. 徐公 不若 君之美 (Từ Công không đẹp như ngài.)
g/ «cấu trúc bị động».
Xem lại các thí dụ ở mục IX trên đây.
3. Câu miêu tả
a/ «Chủ ngữ + tính từ».
Thí dụ: Tấn cường. 晉強 (Nước Tấn mạnh.)
b/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 而 + tính từ 2».
Thí dụ: Vệ nhược nhi bần. 衛弱而貧 (Nước Vệ yếu và nghèo.)
c/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 且 + tính từ 2».
Thí dụ: Lão nông chi thê tật thả hãn. 老農之妻嫉且悍 (Vợ lão nông phu kia đã ghen ghét mà còn hung dữ.)
d/ «Chủ ngữ + số từ».
Thí dụ: Hậu cung giai lệ tam thiên. 後宮佳麗三千(Người đẹp trong hậu cung có 3000 người.)
4. Câu hỏi
a/ «Chủ ngữ + danh từ + 歟 ».
Thí dụ: Phu tử thánh giả dư? 夫子聖者歟 (Phu tử là bậc thánh chăng?)
b/ « 孰 (= 誰) + 能...».
Thí dụ: Thục năng vô hoặc? 孰能無惑 (Ai mà không có điều nghi hoặc?)
c/ « A 與 B+ 孰 + tính từ» = « A 孰與 B + tính từ».
Thí dụ: Ngô dữ Từ Công thục mỹ ? 吾與徐公孰美 [= Ngô thục dữ Từ Công mỹ? 吾孰與徐公美] (Ta với Từ Công ai đẹp hơn?)
d/ «... 何也 ».
Thí dụ: Kim tử hữu ưu sắc, hà dã? 今子有憂色, 何也 (Nay ngài có vẻ lo âu, sao thế?)
e/ «Chủ ngữ + 不亦 + tính từ + 乎 ».
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc duyệt hồ? 有朋自遠方來不亦說乎 (Có bạn từ phương xa đến chẳng là vui sao?)
f/ « 豈 ».
Thí dụ: Khởi hữu thử lý? 豈有此理 (Lẽ nào có cái lý ấy?)
g/ « 胡 ».
Thí dụ: Hồ bất quy? 胡不歸 (Sao chẳng quay về đi?)
h/ « 安 ».
Thí dụ: Ngô an vãng nhi bất lạc? 吾安往而不樂 (Ta đi đâu mà chẳng thấy vui?) – Binh bần dân khổ, ngô an khả độc lạc? 兵貧民苦吾安可獨樂 (Binh nghèo dân khổ, làm sao ta có thể vui sướng riêng một mình cho được?)
i/ « 盍 ».
Thí dụ: Hạp các ngôn nhĩ chí? 盍各言爾志 (Mỗi người trong các anh sao chẳng nói lên chí hướng của mình đi?)
5. Câu phủ định
a/ « 不 / 弗 + động từ/tính từ ».
Thí dụ: Đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử. 得之則生弗得則死 (Được nó thì sống, không được nó thì chết.)
Chú ý: «Bất» và «phất» dùng thông với nhau. Kể từ đời Hán Chiêu Đế 漢昭帝 (Lưu Phất Lăng 劉弗陵, 86-74 tcn), do kỵ huý, «phất» bị thay thế bằng «bất».
b/ « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » (ngăn cản/cấm đoán).
Thí dụ: Đại vô xâm tiểu. 大毋侵小 (Nước lớn chớ xâm lược nước nhỏ.) – Vô vọng ngôn. 毋妄言 (Chớ nói càn.) – Khuyến quân hưu thán hận. 勸君休嘆恨 (Xin ông đừng than thở oán hận.) – Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ. 莫愁前路無知己 (Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ.) – Dĩ vãng sự vật truy tư, vị lai sự vật nghinh tưởng, hiện tại sự vật lưu niệm. 已往事勿追思, 未來事勿迎想, 現在事勿留念 (Việc đã qua chớ truy cứu nữa, chuyện mai sau chớ đón trước mà nghĩ ngợi; việc hiện tại chớ lưu lại làm kỷ niệm.).
c/ « 未 / 未嘗 ... » (chưa/ chưa từng).
Thí dụ: Kiến ngưu vị kiến dương dã. 見牛未見羊也 (Anh đã thấy trâu chứ chưa thấy dê.)
d/ « 非 / 匪 + danh từ ».
Thí dụ: Tử phi ngư an tri ngư chi lạc? 子非魚安知魚之樂 (Ông chẳng phải là cá, sao biết được niềm vui của cá?)
e/ « 亡 ».
Thí dụ: Nhân giai hữu huynh đệ, ngã độc vong. 人皆有兄弟我獨亡 (Ai cũng có anh em, riêng ta thì không.) – Vấn hữu dư, viết vong hĩ. 問有餘曰亡矣 (Hỏi có dư không, thì trả lời là không.)
f/ « 否 ».
Thí dụ: Phàm thử ẩm tửu, hoặc túy hoặc phủ. 凡此飲酒或醉或否 (Lần đó uống rượu, có người say, có người không say.) – Như thử tắc động tâm phủ hồ? 如此則動心否乎 (Nếu thế nó có làm động tâm của ngài không?) – Tri khả phủ, tri dã. 知可否知也 (Biết điều có thể và điều không thể, đó là biết vậy.)
f/ « 靡 ».
Thí dụ: Thiên mệnh mỵ thường. 天命靡常 (Mệnh trời không cố định.)
6. Câu cầu khiến
a/ Câu phát biểu ngụ ý cầu khiến.
Thí dụ: Tử vị ngã vấn Mạnh Tử. 子為我問孟子 (Xin ngài hỏi Mạnh Tử giùm tôi.)
b/ « 請 ... ».
Thí dụ: Vương thỉnh độ chi. 王請度之 (Xin nhà vua hãy đo đạc nó.) «Thỉnh» có thể đi với ngôi thứ nhất: Thần thỉnh vị vương ngôn nhạc. 臣請為王言樂 (Cho phép thần vì bệ hạ mà nói về âm nhạc.)
c/ Dùng « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » để tỏ sự ngăn cản / cấm đoán.
(Xem các thí dụ ở mục 5b ngay trên đây.)
II. Câu phức
1. Câu ghép.
Ghép hai câu đồng đẳng (ngang hàng), ngụ ý «và», «hoặc/hay», «nhưng/mà». Thí dụ:
– Nhậm trọng nhi đạo viễn. 任重而道遠 (Trách nhiệm nặng nề mà đường thì xa.)
– Sự Tề hồ, sự Sở hồ? 事齊乎事楚乎 (Phục vụ cho nước Tề hay nước Sở?)
2. Câu chính-phụ.
Ghép hai câu có quan hệ «chính-phụ». Câu chính mang ý chính, câu phụ diễn tả: sự nhượng bộ (tương phản), nguyên nhân, điều kiện, ...
a/ Câu phụ chỉ nhượng bộ.
Dùng các chữ « 雖 / 縱 » trong câu phụ chỉ nhượng bộ. Thí dụ:
– Tuy Nghiêu, Thuấn. Vũ, Thang phục sinh, phất năng cải dĩ. 雖堯舜禹湯復生, 弗能改已 (Dù cho Nghiêu Thuấn, Vũ, Thang có sống lại cũng không thay đổi được gì.)
b/ Câu phụ chỉ nhân quả.
Câu chính (chỉ kết quả) mở đầu là « 故 / 是以 / 是故 ». Thí dụ:
– Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc dữ tranh. 夫唯不爭, 故天下莫與爭 (Vì ta không tranh với ai nên thiên hạ không tranh với ta.)
– Kỳ ngôn bất nhượng, thị cố thẩn chi. 其言不讓, 是故哂之 (Lời lẽ hắn không khiêm nhường, nên ta mỉm cười hắn.)
c/ Câu phụ chỉ điều kiện.
Dùng các chữ « 苟 / 若 / 如 / 使 /非 » trong câu phụ chỉ điều kiện. Thí dụ:
– Cẩu vô dân, hà dĩ hữu quân. 苟 無民何以有君 (Nếu không có dân, có vua để làm gì?)
– Cẩu hữu dụng ngã giả, kỳ nguyệt nhi dĩ khả dã. 苟有用我者, 期月而已可也 (Nếu có ai dùng ta, ắt trong một tháng việc này sẽ xong.)
– Sử nhân bất dục sinh, bất ố tử, tắc bất khả đắc nhi chế dã. 使人不欲生不惡死則不可得而制也 (Nếu dân không ham sống và không sợ chết, thì không thể nào khống chế được họ.)
– Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị. 非我族類其心必異 (Nếu không cùng tộc loại với ta, lòng dạ của họ ắt sẽ khác đi.)
Sách tham khảo
1. Điền Thụy Quyên 田瑞娟 & Trương Liên Vinh 張聯榮, Văn Ngôn Văn Yếu Lãm 文言文要覽, Bắc Kinh Đại học xbx 北京大學出版社, 1988.
2. Lưu Cảnh Nông 劉景農, Hán Ngữ Văn Ngôn Ngữ Pháp 漢語文言語法. Trung Hoa Thư Cục 中華書局, 1994.
3. Lý Lâm 李林, Cổ đại Hán Ngữ Ngữ Pháp Phân Tích 古代漢語語法分析, Trung Quốc Xã hội Khoa học xbx 中國社會科學出版社, 1996.
4. Thân Tiểu Long 申小龍, Trung Quốc Cú Hình Văn Hoá 中國句型文化, Đông Bắc Sư phạm Đại học xbx 東北師範大學出版社, Cát Lâm 吉林, 1988.
5. Trần Cao Xuân 陳高春 (chủ biên), Thực Dụng Hán Ngữ Ngữ Pháp Đại Từ Điển 實用漢語語法大辭典, Chức Công Giáo Dục xbx 職工教育出版社, Bắc Kinh 北京, 1989.
6. Christoph Harbsmeier, Aspects of Classical Chinese Syntax, Curzon Press, Denmark, 1981.
7. Edwin G. Pulleyblank, Outline of Classical Chinese Grammar, UBC Press, Vancouver, 2000.
8. Gregory Chiang, Language of the Dragon – A Classical Chinese Reader, Vol 1, Cheng&Tsui Company, USA, 1998.
9. Harold Shadick & Ch’iao Chien, A First Course in Literary Chinese, Vol 1, Cornell University Press, 1992.
10. Michael A. Fuller, An Introduction to Literary Chinese, Harvard University Press, 1999.
© http://vietsciences.org và http://vietsciences.free.fr Lê Anh Minh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)