Mùa xuân của tư duy và hành động
Tác giả: Lê Đăng Doanh
Bài đã được xuất bản.: 02/02/2010 14:35 GMT+7
Nhìn lại thập kỉ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Trong thời khắc thiêng liêng giao thời, kết thúc năm cũ, đón năm mới, mỗi người trong chúng ta đều dành cho riêng mình những phút suy tư, nghĩ về những việc trong năm cũ, những điều đã làm được và chưa làm được, nghĩ về năm mới với những dự báo, những dự định, hoài bão cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có cá nhân mình.
Suy nghĩ để hành động, vì tất cả đều bắt đầu bằng hành động mới đi đến biến đổi hiện thực. Năm Canh Dần 2010 này là năm cuối cùng của một thập kỉ, cũng là dịp để ta nhìn lại cả mười năm qua và dự tính công việc cho mười năm tới.
Tiếp theo những năm đầu cải cách và hội nhập trong những thập kỷ 1990, trong thập niên 2001 - 2010 này, Việt Nam đã tiếp tục có những thành tựu nhất định và vẫn được Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ca ngợi và nêu gương cho các nước nghèo, chậm phát triển về thành tích tăng trưởng kinh tế cao và xóa đói giảm nghèo nhanh. Lời khen đó có người ví với phiếu "bé ngoan" cho những đứa trẻ mẫu giáo.
Từ năm 2008 nước ta cũng đã vượt qua ngưỡng "nước thu nhập thấp" (935 đôla Mỹ/ người) - một từ hoa mỹ để chỉ nước nghèo - để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy ta chưa ở mức thấp nhất trong nhóm các nước này. Đó là những tiến bộ có thực đáng trân trọng tuy còn dưới tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam.
Có lẽ ít người nhớ lại rằng Ngân hàng Thế giới, trong cuốn sách Sự thần kỳ Đông Á, đã ca ngợi hết lời Indonesia và nêu gương kinh tế Indonesia cho chúng ta học tập trong những ngày đầu Đổi mới, cho đến khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1997. Người khen không chịu trách nhiệm gì khi kẻ được khen bị đổ vỡ. Lời khen tuy nghe sướng tai nhưng không giúp chúng ta phát hiện ra tật bệnh và yếu kém của mình.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và dũng cảm sửa chữa để tiến lên.
Mỗi dân tộc có trách nhiệm với chính mình phải tạo ra cơ chế dân chủ để kịp thời phát hiện thiếu sót và có dũng cảm sửa chữa để tiến lên. Và càng không thể lấy lời khen ngợi của người khác để lấp liếm, che đậy thiếu sót của chính mình.
Nhìn lại thập kỷ qua, chúng ta tiếp tục tăng trưởng về lượng trên những gì thiên nhiên đã ban tặng nhưng đạt được quá ít thay đổi về chất và chưa tạo được cơ sở nào cho một đột phá trong tương lai.
Cơ cấu hàng xuất khẩu chậm thay đổi, sau mười năm vẫn chủ yếu là dầu thô, may mặc, da giầy, là những sản phẩm gia công sử dụng nhiều lao động lương thấp. Tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao tăng từ 2% (1999) lên 8% (2008) chủ yếu do các DN đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2006), 76% tổng tài sản quốc gia của nước ta là tài nguyên (đất, rừng, gỗ...), 20% là tài sản vật chất đã xây dựng được (cầu đường, bến cảng...) chỉ có gần 7% tài sản là tri thức, con người được đào tạo, thể chế... trong khi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD có thu nhập trên 10.000 đôla Mỹ/ người, tỷ lệ tài nguyên chỉ là 2%, tài sản 17% và tri thức là 80%. Riêng ở Nhật Bản, tài nguyên chiếm chỉ hơn 0% một chút mà thôi.
Trong mười năm qua, nước ta đạt được quá ít tiến bộ về giáo dục - đào tạo, về chống tham nhũng, về hạn chế tai nạn giao thông, trong khi nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe, úng lụt tăng lên nhanh chóng.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế khác đã tiến rất nhanh dựa trên tri thức, thể chế, sức sáng tạo của con người.
Trước nguy cơ biến đổi khí hậu, tài nguyên của nước ta bị đe dọa sẽ thu hẹp nghiêm trọng, viễn cảnh tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thực sự u ám và lỗi thời.
Chúng ta phải thực sự đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại tiến chậm như vậy trên những lĩnh vực đã thấy vấn đề, đã dùng những từ to tát nhất như "quốc nạn", "nội xâm" đối với tham nhũng, đã bao lần "hạ quyết tâm", "quyết liệt chiến đấu" nhưng kết quả đạt được trong thực tế còn quá ít, tình hình cơ bản chưa có nhiều thay đổi về chất.
Khi đã có cố gắng nhất định trong nhiều năm nhưng chưa thành công thì phải xem lại cách đặt vấn đề của những cố gắng và căn nguyên đích thực của các tật bệnh đó.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường nói: "Tất cả chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa, và cũng vừa là bị cáo". Có lẽ, về mặt tinh thần, đã là người Việt Nam yêu nước, sẽ không có ai nỡ thoái thác trách nhiệm của mình trước dân tộc, song trách nhiệm của người nông dân ở Mù Cang Chải và trách nhiệm của người cầm cân nảy mực đất nước trước những vấn nạn này là khác nhau!
Thà đốt lên một que diêm còn hơn là ngồi trong tối mà than vãn tối hoài. Ngày xuân, cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giành lại đất nước cho cả dân tộc ta, mỗi người chúng ta phải suy nghĩ và hành động nhiều hơn là chỉ đốt một que diêm.
Theo TBKTSG số Xuân
© TUANVIETNAM.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét