Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 1)
29/04/2010 | 12:49 chiều | Chưa có phản hồi.
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
Lời toà soạn: Loạt bài phỏng vấn này thuộc dự án nghiên cứu cuối học kỳ mùa Xuân 2010 của sinh viên lớp Việt văn, Đại học Berkeley. Những người thực hiện phỏng vấn đều còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X và cả thế hệ 9X. Với một số bạn, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai (sau tiếng Anh). Họ trò chuyện với cha, mẹ, dì, dượng, cô, chú và người quen, hỏi về thời thơ ấu, về cuộc sống trước và sau biến cố 30.4.1975, về kinh nghiệm hội nhập quê hương thứ hai và ghi lại những cảm tưởng ban đầu của mình.
Khi chọn đăng loạt bài này, talawas biên tập, bỏ phần câu hỏi, sắp xếp lại các câu trả lời theo thời gian và viết tắt tên (hoặc sử dụng bút danh) của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn.
1. Bài phỏng vấn của Đoàn Viên
Tôi tên là Nam Đ. Năm nay tôi 56 tuổi. Nơi tôi sinh ra lúc đó thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, một tỉnh vành đai thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa trước đây. Mẹ tôi sinh ra tôi vào tháng 9 năm 1954, chỉ khoảng hai tháng sau khi gia đình tôi di cư từ Bắc vào Nam theo Hiệp định Geneva chia đôi đất nước. Những năm tháng thời thơ ấu của tôi đất nước Việt Nam tương đối yên bình. Nhưng dần dà chiến sự ngày càng sôi động, ác liệt và kéo dài tận đến khi tôi trưởng thành và gia nhập Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuộc chiến kết thúc vào ngày 30/4/1975 mà trong đó tôi cũng là một thành viên của quân đội thua trận.
Cuộc sống ở Việt Nam mà cụ thể là miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) từ khi tôi có trí nhớ luôn gắn liền với sự rình rập của chiến tranh. Cuộc chiến ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của toàn xã hội, thậm chí ngay cả với những thanh niên trẻ đang còn trong ghế học đường như tôi và các bạn bè cùng lứa. Hàng ngày chúng tôi vẫn nghe và theo dõi về những chuyển biến trong tình hình chiến sự. Sức ảnh hưởng của chiến tranh mạnh đến độ mà không những trên báo chí mà cả rất nhiều thơ văn, ca nhạc, điện ảnh đều có liên quan tới chiến tranh.
Tuy thế, đời sống người dân miền Nam thời trước 1975 nói chung là khá sung túc. Vật giá thời gian đó khá rẻ. Như gia đình cha mẹ tôi, chỉ một mình cha tôi đi làm và tuy không dư dả nhiều nhưng cũng đã có thể nuôi cả một gia đình với 10 người con. Anh em chúng tôi ai nấy được ăn học đầy đủ.
Cuộc sống cư dân thành thị có nhiều phương tiện sinh hoạt mới và hiện đại, như đi xe hơi, dùng quạt điện, mặc áo vest. Thanh niên thời tôi mới lớn thì để tóc dài chạm vai như con gái. Thời gian đó, style rất được ưa chuộng vì nó bắt chước theo cách để tóc và trang phục của các thành viên ban nhạc Anh Quốc “The Beatles”. Ban nhạc này lúc đó rất nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn tới thanh niên của thập niên 60 tại Việt Nam.
Người dân thành thị hay đi nghe hòa nhạc, xem cine với điện ảnh phương Tây. Người ta nghe các ca khúc Pháp, Mỹ và có chút lãng quên nhạc dân tộc xưa cũ. Thời trang thay đổi từng năm. Trang phục thì áo sơ mi, quần jean v.v… chứ không còn áo dài, khăn đóng nữa. Những giá trị Khổng, Nho bị giới trẻ coi thường, thậm chí còn bị chỉ trích…
Trong văn học, xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết về tình cảm nam nữ, đả phá lối sống cũ, đề cao lối sống mới. Thơ ca, thì lớp nhà thơ trẻ không còn thích lối thơ cũ như lục bát, đường luật. Họ thấy quá gò bó để diễn tả tình cảm và cảm xúc của mình. Thay vào đó là lối thơ mới giống như lối của Tự Lực Văn Đoàn đầu thế kỷ 20, với nhiều ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây.
Âm nhạc thì bị ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc Âu, Mỹ. Nhiều ca khúc theo âm điệu Âu, Mỹ và thậm chí có nhiều bài nhạc nước ngoài được viết lời Việt nữa. Giới trẻ lúc đó rất thích loại nhạc này.
Cái mới có những điều rất hay, nó cho người ta tiếp cận tiến bộ của văn minh phương Tây, làm cho xã hội và từng cá nhân trong xã hội đó hưởng tiện nghi của nền văn minh, tạo cho xã hội và con người phát triển hơn. Đây là những điều tốt mà ảnh hưởng của phương Tây mang lại. Nhưng chính nền văn minh và nếp sống phương Tây quá tự do và phóng khoáng cũng có những điều không hay, không phù hợp với nếp sống Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khi còn là học sinh, tôi thường đọc những sách báo dành cho tuổi học trò như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi v.v… Rồi khi lớn hơn chút nữa là tạp chí Bách Khoa, Kiến Thức Ngày Nay và sách của các tác giả như Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long v.v… cũng như một số báo hàng ngày. Tôi thích những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn và Văn Cao. Tôi cũng rất thích những loại nhạc nói về tình yêu trong sáng của tuổi trẻ, nhạc lính và tâm tình của người trẻ đối với cuộc chiến.
Nhân vật chính trị mà tôi hâm mộ thời đó là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuy rằng, ông có sai lầm về chính sách trong lúc điều hành đất nước, nhất là một nước đang trong tình trạng chiến tranh, ông là người có tâm, có đạo đức và cũng rất ngoan đạo. Bản thân tôi cũng là một người Công giáo.
Sau thời kỳ học sinh, đến khi trưởng thành tôi gia nhập quân đội, phục vụ tại ban 5, chiến tranh chính trị, thuộc Liên đoàn 31 Biệt Động Quân. Tôi phụ trách làm hướng đạo sinh quân đội của Liên đoàn, đồng thời là giáo viên của trường trung tiểu học Phan Hạnh. Học sinh và hướng đạo sinh đều là con em của binh sĩ thuộc Liên đoàn và cả con em của người dân cư ở khu vực đó. Trừ những lúc chiến tranh căng thẳng, cuộc sống của tôi và gia đình khá ổn định. Tôi có thu nhập đủ để tự lo cho gia đình và bản thân. Tôi rất thích công việc dạy học nên khi làm việc tôi cảm thấy vui và thoải mái. Những lúc rảnh rỗi, tôi về thăm nhà hay đi giải trí cùng bạn bè. Thế nhưng mỗi lúc chiến trường có biến động thì không những tôi mà những người xung quanh đều lo lắng và cuộc sống cũng bị đảo lộn. Tôi chấm dứt công việc kể từ ngày 30/4/1975.
Vào ngày hôm đó, tôi đang trên đường về nhà sau khi nghe tin thua trận. Lúc đó tôi mang tâm trạng buồn bã. Tôi thấy chua xót như mất mát đi một cái gì đó rất lớn. Trong lòng tôi cảm thấy hoang mang giống như là người đi lạc vậy, nhất là khi về thấy Sài Gòn trong tình trạng hỗn loạn.
Sau ngày 30/4, tôi phải dự một lớp học chính trị trong 10 ngày. Sau khi học chính trị 10 ngày đó, tôi được chính quyền cộng sản trả lại quyền công dân. Tôi không biết tôi mất quyền công dân từ bao giờ.
Xã hội Việt Nam, sau 30/4, trong đó có cả gia đình tôi, là một xã hội nghèo nàn, đầy rẫy những khó khăn, hàng hóa cực kì thiếu thốn. Mọi gia đình, mọi người đều ăn độn bo bo hay bột mì vì thiếu gạo, mặc dù Việt Nam là một nước nông nghiệp và đã từng xuất cảng gạo trước đó. Mọi người lúc đó đều thiếu ăn thiếu mặc; mọi phẩm vật tiêu dùng hầu như đều biến mất khỏi các quầy hàng. Có một chuyện mà tôi nhớ mãi: một lần tôi và vợ tôi đi ngang qua một tiệm bán hủ tiếu nhỏ ven đường. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm chúng tôi thèm thuồng lắm. Chúng tôi cũng như nhiều người thời đó đều thiếu dinh dưỡng. Dù rất muốn ăn, nhưng vợ chồng tôi đành phải bước đi vì nếu vào ăn thì ngày hôm sau sẽ không còn tiền đi chợ. Tôi kể điều này ra để nói đến tình trạng thiếu thốn, nghèo khổ của xã hội. Đây là tình hình chung của phần lớn xã hội chứ không phải của riêng ai.
Tôi và gia đình sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 2002. Gia đình tôi sang Mỹ bằng phi cơ và khi sang tới nơi thì được giúp đỡ của người thân nên không có khó khăn nhiều lắm. Trong suốt chuyến đi, tôi hay nghĩ về tương lai của gia đình mình và không biết làm thế nào để hội nhập vào cuộc sống mới khi chúng tôi vẫn chưa biết tiếng Anh và không quen biết đường xá đi lại. Tôi còn cảm thấy rất buồn và nhớ người con gái lớn của tôi còn ở lại.
Sau khi sang Mỹ, rất không may là tôi bị bệnh suy thận vào giai đoạn cuối. Cho nên ngay sau đó tôi phải lọc thận mỗi tuần 3 lần. Vì lý do sức khỏe nên tôi không thể làm việc.
Tuy không thể làm việc, nhưng qua những lần đi bệnh viện, đi lọc thận và tới các cơ sở y tế liên quan đến căn bệnh của mình, tôi có cơ hội để giao tiếp với người bản xứ và cả những người dân di cư như gia đình tôi. Tôi thấy rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất. Và đôi khi tôi cũng thấy được cả sự khác biệt về văn hóa với người bản xứ. Trước khi rời khỏi Việt Nam, tôi đã xem rất nhiều sách báo, phim ảnh cũng như theo dõi về đất nước và con người Hoa Kỳ. Vì thế nên những thông tin cơ bản về nước Mỹ tôi cũng phần nào nắm được. Thế nhưng để thực sự hội nhập vào nhịp sống ở đất nước mới thì cần nhiều thời gian hơn. Nay thì cuộc sống của gia đình tôi đã rất ổn định nên những khó khăn trong thời gian đầu mới sang Mỹ không còn nữa.
Khi sống xa đất nước, ngoài nỗi nhớ con, cháu, tôi còn nhớ tới bạn bè và những nơi tôi thường đến. Những quán ăn, quán cá phê đều gắn với kỷ niệm trong suốt những năm tháng tôi sống suốt hơn 40 năm. Tôi đặc biệt nhớ tết cổ truyền Việt Nam. Không khí Tết nhộn nhịp, thân quen thực sự chỉ có ở Việt Nam mới có. Vì cuộc sống bên Mỹ quá bận rộn, thêm vào đó là người Mỹ không ăn mừng Tết Việt Nam nên Tết ở xứ người cũng rất buồn.
Tôi có trở lại Việt Nam một lần để thăm con gái, cháu ngoại và thân nhân. Tuy chỉ sau vài năm nhưng, thành phố tôi sống lúc trước đây thay đổi quá nhiều. Bây giờ nó quá ngột ngạt. Đường phố đầy những người và xe cộ, thường xuyên bị kẹt xe. Lưu thông trên đường phố hỗn loạn hơn trước. Người dân đa số rất thiếu ý thức về giao thông. Không khí cũng trở nên ô nhiễm và bụi bặm hơn. Vì đã quen với trật tự của đường phố và không khí của Mỹ nên tôi có chút không quen. Đặc biệt vật giá đắt hơn trước rất nhiều.
So với trước năm 75, người ta bây giờ đặt tiền bạc vật chất lên trên hết. Họ đánh giá người khác bằng tiền bạc, sang hèn, chứ không bằng tư cách hay đạo đức như trước năm 75. Việc coi trọng tiền bạc vật chất đến nỗi mà người làm giả hàng tiêu dùng, giả cả thuốc chữa bệnh bất kể tính mạng con người.
Nếu được chọn lựa, tôi muốn được trở lại sống vào thời kỳ sau năm 1954 cho đến khoảng năm 1960. Đây là khoảng thời gian thơ ấu của tôi và cũng là một thời kỳ thanh bình của đất nước Việt Nam. Vào thời gian này, người miền Bắc chưa xâm nhập vào miền Nam và gây ra chiến tranh ngày càng ác liệt. Xã hội chưa có những tệ trạng và rối ren do tình trạng chiến tranh gây ra. Đất nước sống trong thanh bình, tự do. Cuộc sống mọi người dân tương đối no ấm và yên ổn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Đời sống trước năm 1975 qua lời kể gắn liền với cuộc chiến Việt Nam. Những người may mắn không phải đối mặt với súng đạn và chết chóc trên chiến trường thì cũng luôn lo lắng và theo dõi tình hình cuộc chiến. Tầm ảnh hưởng của chiến tranh đi vào đời sống của người dân và đặc biệt tới đời sống tinh thần của họ. Các thành viên khác trong gia đình tôi, những người đã sinh ra và sống tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, vẫn thường nhắc lại thời họ đi lính cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhắc lại những sự kiện nổi bật như Tết Mậu Thân. Đặc biệt, mọi người đều rất yêu thích những ca khúc “tiền chiến” hay những ca khúc về lính. Tôi và những người của thế hệ sau này chưa bao giờ phải sống trong cảnh chiến tranh rình rập như vậy, nên không thấy rõ được giá trị của cuộc sống thanh bình. Thế nên cảm giác “chua xót, mất mát, hoang mang” mà người trả lời phỏng vấn đã trải qua trong ngày thật quá khó có thể tưởng tượng được.
Một điểm đáng chú ý về đời sống tại Việt Nam trước 1975 là sức ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ. Theo lời kể thì âm nhạc, thơ văn, cách ăn mặc và cả lối sống đều thấy sự ảnh hưởng của phương Tây. Thơ văn tiền chiến đầu thế kỷ 20 cho thấy sức ảnh hưởng của Pháp. Trong khi đó, những nơi vui chơi giải trí của miền Nam Việt Nam trước 1975 như hòa nhạc, hộp đêm, rạp chiếu phim đều du nhập từ Mỹ.
So với Việt Nam hiện tại thì những người đã từng sống ở Việt Nam trước 1975 thích cuộc sống trước kia hơn. Đa phần những người tôi biết, nhất là người trả lời phỏng vấn, đều nhận xét thấy và không thích những sự thay đổi tiêu cực về giá trị đời sống tại Việt Nam hiện nay: sự coi trọng vật chất quá mức, thang giá trị của phẩm chất con người thay đổi dựa trên vật chất.
2. Bài phỏng vấn của T. Lê
Tôi là Trần N. H., năm nay 61 tuổi. Tôi không nhớ rõ lắm về thời thơ ấu, chỉ nhớ là lúc nhỏ được ba má cưng nhứt nhà vì là con trai út trong số mấy anh em trai. Nhà tôi có tất cả 6 anh chị em: 3 trai, 3 gái. Trước năm 1954, cả nhà sống ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau đó thì năm 1954 di cư vào Nam, định cư ở Quy Nhơn. Tôi học tiểu học, với trung học đệ nhất cấp ở đây. Lúc lên trung học thì nhà có mở tiệm sửa xe đạp, nên hàng ngày cũng hay ra tiệm phụ giúp ba. Khoảng năm 1965 thì tôi vào Tuy Hòa học trung học đệ nhị cấp ở trường Đặng Đức Tuấn. Đặng Đức Tuấn là trường Công giáo. Thời đó cha Nguyễn Trọng Huấn làm hiệu trưởng.
Học xong lớp 11 thì tôi xung phong đi lính, nhưng không phải ra trận, chỉ làm công việc văn phòng. Làm lính văn phòng nói chung không có gì nguy hiểm. Lương cũng cao. Tính ra lương đi lính, chi tiêu ăn uống, lặt vặt, lo cho gia đình, vợ con hết thì cũng còn dư được cả cây vàng. Rồi cũng được trợ cấp đồ Mỹ, đồ hộp, quần áo… Cứ hàng tháng, đồ Mỹ phát về sở là tôi hốt cả bao đem về cho nhà.
Đời sống ở Việt Nam trước 1975 tốt. Tự do, muốn làm gì thì làm. Tiếp xúc được nhiều cái văn minh của Mỹ. Giáo dục được chánh quyền quan tâm. Thời tôi đi học, nhiều đứa học giỏi cuối năm được phát thưởng cả chiếc xe đạp. Mà thời đó xe đạp quý lắm.
Tôi đọc nhiều sách báo, nhưng lâu quá nên không còn nhớ tên. Tôi thường hay đọc mấy tin về chiến trường vì mình làm lính mà. Tôi thích nghe nhạc vàng, hâm mộ hai ca sĩ Duy Khánh và Nhật Trường, nhất là bài “Xin anh giữ trọn tình quê” của Duy Khánh.
Cuối tháng 3 năm 1975, tôi nghe tin cộng sản chuẩn bị đánh vào Tuy Hòa. Mấy ông sĩ quan cấp trên bỏ chạy hết rồi. Người dân, người ta cũng bắt đầu chạy khỏi Tuy Hòa nên tôi cùng cả gia đình lo chạy vào trong Cam Ranh. Khi đó vợ tôi đang mang bầu đứa con thứ hai (mất năm 3 tuổi). Được ít ngày thì nghe tin cộng sản chiếm xong Tuy Hòa, nghe đâu chuẩn bị đánh vào Nha Trang và Cam Ranh. Lúc đó cả nhà định chạy vào Sài Gòn, nhưng thấy người dân bị pháo kích của cộng sản chết trên đường bộ nhiều quá, nên ba vợ quyết định ở lại Cam Ranh cho an toàn. Tôi cũng muốn ở lại Cam Ranh để lo cho vợ sắp sinh, nhưng sợ cộng sản biết tôi đi lính sẽ trả thù nên tôi với Th. (là lính địa phương quân Việt Nam Cộng hòa) đi ghe trốn vào Sài Gòn trước. Lúc đó đi cũng day dứt lắm vì để vợ với con trai đầu ở lại (vì sợ họ đi cùng sẽ gặp nguy hiểm). Rồi tôi đi ghe ra biển, gặp tàu hàng của Mỹ, được tụi nó đưa vào trong đảo Phú Quốc.
Ở Phú Quốc đến ngày 27, 28 tháng 4 thì tôi với Th. vào Sài Gòn. Lúc đó, người dân Hóc Môn kéo vào Sài Gòn đông lắm. Nhiều người chết vì trúng đạn pháo 122 ly của cộng sản. Sài Gòn hỗn loạn. Người Công giáo tụ tập ở các nhà thờ, tòa giám mục để cầu nguyện, xưng tội. Tôi và Th. trú ở Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cho đến sau ngày 30/4/1975. Lúc đó ai cũng sợ. Đâu ai dám ra đường. Sợ bị cộng sản nó bắn chết.
Sau giải phóng 2, 3 tuần, tôi về lại Tuy Hòa. Tôi với Th. bị cộng sản bắt đi học tập khoảng 1, 2 tháng gì đó. Tôi chỉ là bậc trung sĩ, hạ sĩ quan, còn Th. làm lính địa phương quân nên cũng không bị tội gì nặng. Mấy ông sĩ quan cấp lớn bị bắt đưa ra Hà Nội, còn lại một số thì bị đưa lên trại A30 ở Đồng Bò, La Hai, rồi cũng có mấy người bị xử bắn ở Phú Thứ.
Sau 1975, tôi cũng tính đi vượt biên nhưng sợ. Sau khi vợ sanh thêm thằng con thì tôi không còn ý định đi vượt biên nữa. Nếu đi thì dẫn cả nhà cùng đi, mà nghe nhiều người chết ngoài biển nên thấy nản. Nhưng thằng H., con trai đầu của tôi, lúc đó học lớp 7, nói nó muốn đi. Nghĩ nếu nó đi được thì cũng có tương lai cho nó. Với lại nó đi cùng dì cậu nó nên cũng cảm thấy an tâm phần nào.
H. bảo lãnh vợ chồng tôi qua Mỹ năm 2001. Khi sang đây, tôi buồn lắm. Đi mà để lại ba đứa con nên thấy không an tâm chút nào. Nhưng nghĩ con cái nó cũng lớn hết rồi. Với lại vợ chồng tôi đi là cũng nghĩ đến tương lai của tụi nó. Qua bên này ráng lấy quốc tịch cho sớm để bảo lãnh anh em tụi nó qua. Tội nhất là thằng H. Lúc tôi đi Mỹ, nó mới học xong lớp 12. Cũng lớn rồi, nhưng vợ chồng vẫn thường cưng nó, lo cho nó từng ly từng tí. Giờ để nó ở lại cho anh nó trông cũng thấy tội.
Lúc đặt chân tới Mỹ, cảm giác của tôi shock lắm. Thấy nước Mỹ nó lớn quá. Hồi giờ tôi có đi nước ngoài lần nào đâu. Ở quê Tuy Hòa, lâu lâu vào Sài Gòn là đã thấy văn minh lắm rồi. Giờ sang Mỹ, đi trên mấy đường cao tốc, thấy nó bự và văn minh quá.
Sau khi sang Mỹ, tôi làm nhiều jobs lắm. Lúc mới qua ở Cali, tôi phụ Ph. sửa TV với mấy đồ điện tử lặt vặt. Sau đó sang bên Kansas làm ở nhà hàng của M., rồi theo mấy ông Việt Nam đi đào mấy lỗ chạy ống nước. Năm 2003, tôi sang bên Massachusetts làm cho hãng mấy nước nóng, lắp phích điện, chạy dây… Rồi làm thêm nghề in hình trên mấy cái áo thun. Ở Massachusetts cũng gần 5 năm. Giữa năm 2007 thì thằng H. chuyển sang làm ở Arizona nên vợ chồng tôi theo nó sang Arizona. Ở đó thì tôi đi làm hãng bò. Đến năm 2008 thì cả nhà dọn sang sống ở nam Cali. Tôi làm thợ tiện từ đó cho đến nay.
Bây giờ tôi cảm thấy thích nghi được với lối sống bên này. Đường sá ít nhiều cũng rành. Xe cộ cũng biết lái. Đi nhà băng, ngân hàng, chợ búa … gặp tụi Mỹ, tụi Mễ thì cũng nói, cũng hiểu được chút đỉnh. Nói chung là đã quen được với cuộc sống bên này. Còn khó khăn thì chủ yếu là ngôn ngữ. Tôi lớn tuổi rồi. Tiếng u, tiếng tây nhiều khi mình không rành. Nói đâu quên đó.
Từ lúc qua Mỹ tới giờ, tôi về Việt Nam được hai lần. Một lần về với vợ khoảng năm 2003, 2004 gì đó. Lần mới đây thì năm 2008, về lo đám cưới cho thằng H.
Mấy lần về Việt Nam và nghe tin tức, báo chí, tôi thấy Việt Nam giờ cũng thoải mái như trước năm 1975. Có khác chủ yếu là tự do. Thời trước người dân họ có tự do nhiều hơn, muốn làm gì thì làm, không sợ mấy ông cảnh sát, mấy người có chức có quyền chèn ép. Nói chung bây giờ sau đổi mới, Việt Nam cũng tiến bộ nhiều rồi. Việc buôn bán, phương tiện đi lại này nọ cũng tốt. Chỉ có mấy năm sau 1975 đến năm 1990 là quá tệ. Mấy ông cộng sản nhà nước, ổng chèn ép, tịch thu đất đai, tài sản… Buôn bán làm ăn khó khăn lắm. Bây giờ thì luật pháp Việt Nam cũng có phần rõ ràng hơn. Không phải mấy ổng muốn làm gì cũng được.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhà cũ, người thân, bạn bè, bà con lối xóm. Ở bên này tuy vật chất đầy đủ, nhưng nhiều khi thấy thiếu thốn về tinh thần. Hồi xưa ở Việt Nam hằng ngày đi uống cà phê, gặp bạn bè. Còn bên này sáng thức dậy đi làm, chiều về nhà đóng cửa, coi TV. Mấy tháng nay vợ tôi về Việt Nam, thằng H. thì đi làm xa, tôi về nhà chỉ ăn cơm nước một mình. Lớn tuổi rồi, nhà lại vắng nên nhiều khi cũng buồn.
Vợ chồng tôi tính tới chuyện sẽ về định cư lại ở Việt Nam. Đợi cho thằng H. qua bên này, rồi khi nào anh em tụi nó đứa nào cũng có công ăn sự nghiệp ổn định thì lúc đó tụi tôi mới về Việt Nam. Sống ở đâu đi nữa thì cũng không bằng ở quê hương mình.
Mong ước của tôi bây giờ là con cái, gia đình sống tập trung lại gần nhau. Thằng H. ở Việt Nam, con H. ở Boston, thằng H. ở Sacramento. Mong thì mong vậy nhưng tôi nghĩ cũng khó. Ở bên Mỹ mà, đâu phải như ở Việt Nam. Con cái nó kiếm được jobs ở đâu, nó thấy nơi nào thuận tiện thì nó làm ở đó. Phần tôi làm cha, thấy con cái nó có jobs, có của ăn của để là cũng mừng cho tụi nó rồi.
Nhiều người cứ nghĩ Mỹ là thiên đường, rồi qua bên này thất nghiệp, kiếm đồng tiền thấy khó khăn thì bị shock. Ở đâu cũng vậy, mình phải chịu khó. Làm để cho con cái nó có tương lai, sự nghiệp.
Nhận xét của người phỏng vấn
Thú thật đây là lần đầu tiên tôi có được một buổi nói chuyện rất cởi mở và thân tình với dượng tôi. Từ trước tới nay, mỗi năm vẫn gặp dượng dưới Orange County hay trên Sacramento hai, ba lần, nhưng gặp nhau thì cũng chỉ hỏi thăm sức khỏe; dượng thì hỏi cháu việc học, cháu thì hỏi dượng việc làm. Đâu có bao giờ tôi dám hỏi dượng về suy nghĩ riêng tư, tâm sự, hay mấy chuyện thời chiến xa xưa, nghe có vẻ to tát, già dặn quá. Lần này phỏng vấn dượng, lúc đầu làm thì nghĩ “à, mình làm vậy thôi, dự án nghiên cứu cuối khóa của lớp mà”, nhưng làm xong rồi thì mới thấy được cái giá trị của nó. Thấy còn nhiều cái mình còn chưa biết quá. Không giấu gì, bản thân tôi là một người cũng rất “nghiện” lịch sử Việt Nam từ năm 1954-1975. Tôi đã xem khá nhiều phim tài liệu như Cuộc chiến tranh 10,000 ngày của Daniel Costelle, cuộc chiến tại An Lộc 1972, Xuân Lộc 1975, Khe Sanh, Huế, Sài Gòn 1968… Rồi cũng đọc qua mấy bài phỏng vấn của tạp chí Der Spiegel với cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, hay các cuốn hồi ký của Henry Kissinger, William Westmoreland. Tưởng mình cũng biết được khá đầy đủ về những góc cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng nghe dượng kể những chuyện chạy giặc, những trận pháo kích của cộng sản trên các tuyến đường di tản từ Trung vào Nam, rồi cuộc sống ở Việt Nam trước và sau năm 1975 thì mới thấy còn quá nhiều điều mình chưa biết.
Điểm thứ hai mà tôi muốn thổ lộ là qua cuộc phỏng vấn, tôi thấy thương những bậc làm cha làm mẹ người Việt mình quá. Nhất là những người chân ướt chân ráo sang Mỹ thời kỳ đầu sau năm 1975, hay những người có tuổi rồi được bảo lãnh qua Mỹ những năm gần đây. Dượng tôi lúc qua bên này đâu còn trẻ gì, mà phải chịu khó chịu khổ, làm đủ “jobs”, đi tiểu bang này tiểu bang kia để kiếm đồng tiền, khó khăn vất vả lắm. Nhưng dượng làm vì con cái. Cũng kiếm chút ít đồng bạc rồi gửi về cho anh H., cho phía nội, phía ngoại ở Việt Nam. Mới tháng 12 vừa rồi xuống dưới Orange County, đi nhà thờ Việt ở dưới đó, tôi gặp một bác Việt Nam tuổi cũng năm mấy, mới qua bên này, thất nghiệp, mỗi tuần được cha cố nhận quét dọn nhà thờ một, hai lần, lương tạm bợ. Thấy tội nghiệp lắm. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày viễn xứ (30/4/1975 – 30/4/2010), ngoài việc tri ân các bậc làm cha làm mẹ đã không ngại gian khổ, hy sinh để đi tìm một cuộc sống tự do, dân chủ nơi đất khách, tôi cũng ước mong là người Việt mình ở bên này mở rộng vòng tay giúp đỡ những gia đình người Việt vừa mới sang định cư để họ có thể hòa nhập tốt vào cuộc sống mới.
3. Bài phỏng vãn của Nhân Hùng
Tôi tên là Mary. H, 58 tuổi. Gia đình tôi có 3 anh em, nên thường hay chơi chung với nhau. Tôi và em gái học ở trường Gia Long trước năm 1975. Sau trường này đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai.
Thời trước 75, tôi là một nữ sinh vô tư, chỉ biết đi học và chơi cùng các bạn cùng trường, như những nữ sinh khác, nên không nắm rõ lắm về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi thích đọc truyện dịch hay những sách dịch từ tiểu thuyết Pháp, đọc tạp chí Ngày nay và mấy tập san của trường. Rồi thích nghe các ca sĩ yêu thích ca những bài hát dịch từ tiếng anh như nhóm The Cat’s Trio, The Apple Three…, những bài như “Chủ Nhật tươi đẹp – Beautiful Sunday”.
Tôi tốt nghiệp năm 1972 và cũng lấy chồng năm ấy.
Ngày 30/4/75, tôi cùng chồng và con gái rời Việt Nam. Trước tiên, quân đội Mỹ đưa gia đình tôi qua Guam. Sau đó, chồng tôi làm thủ tục để xin tị nạn. Đến tháng 8 năm 1975, cả gia đình được nhập cư vào Hoa Kỳ.
Mặc dù đã học tiếng Anh ở trường cũ, nhưng ngôn ngữ ở Hoa Kỳ thật khó khăn. Gặp chuyện gì, rất khó diễn tả cho người Mỹ hiểu. Tôi phải đi học ở trường dành cho người thành niên. Tôi cũng đi nhà thờ và được giới thiệu việc làm.
Lúc mới qua Mỹ, vợ chồng tôi ở apartment, cũng có vài người Việt. Hàng xóm chỉ đưa nhau vài cái băng cassette của mấy ca sĩ như Nhật Trường để giải buồn. Hồi đó, nhà ăn hay chợ của người Việt rất ít, hầu như là không có. Đến khoảng năm 1980, bắt đầu có chợ của người Việt. Thời ấy cũng không có sách tiếng Việt cho mình đọc. Mấy đứa trẻ ở nhà hay mở hoạt hình thì tôi học tiếng Anh từ đấy. Còn bây giờ, mấy đứa nhỏ ở nhà không biết tiếng Việt rành nên chúng chỉ coi truyền hình của Mỹ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe nhạc của Ngô Thuỵ Miên.
Từ khi sang Mỹ, tôi chưa về lại Việt Nam, vì gia đình và con cái đã ở Mỹ. Đời sống ở đây khác Việt Nam. Phụ nữ ở đây được tôn trọng và cơ hội cũng công bằng hơn. Con gái tôi có thể lựa chọn bất kỳ ngành gì mình thích, và đặc biệt là chính phủ tài trợ hoàn toàn học phí trước khi vào college. Khi tôi đi làm, cũng được lên chức supervisor sau khi làm việc lâu năm, chứ không bị phân biệt nam nữ.
Sống ở Mỹ, tôi chỉ nhớ thời học sinh của mình.
Nhận xét của người phỏng vấn
Sau năm 1975, nhiều sự kiện xảy ra và nhiều người rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống mới. Tại Mỹ, họ có nhiều cơ hội dành cho phụ nữ. Phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng như nhau. Chính vì thế, cơ hội đi học của phụ nữ cao hơn so với những nước Châu Á. Mặc dù, bà Mary là nữ sinh Gia Long (được coi là một biểu hiện của tự do cho phái nữ), bà vẫn khẳng định, nước Mỹ tạo ra được một môi trường công bằng đối với phái nữ. Con gái bà được theo ngành nghề mà mình yêu thích và ba mẹ không hề ép buộc cô phải làm điều gì cô không thích. Mặc dù con gái bà không biết đọc tiếng Việt, nhưng đó là sự lựa chọn của cô ta. Ở nước Mỹ, quyền phụ nữ được tôn trọng hơn so với nhiều nước khác. Mỹ cũng tạo điều kiện cho phụ nữ có những vai trò thiết yếu trong chính quyền, ví dụ bà Hillary Clinton đã ứng cử tổng thống năm 2008. Một ví dụ khác là bà Meg Whitman, cựu CEO của Ebay, cũng chuẩn bị ra tranh cử thống đốc của tiểu bang California. Bản thân bà Mary cũng được thăng chức khi làm việc tốt, không bị phân biệt đối xử. Và khi sai phạm, phụ nữ cũng bị cảnh cáo như những đồng nghiệp nam của họ.
© 2010 talawas
30/4/10
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 2)
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 2)
29/04/2010
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Annie N.
Tôi là C. Phạm, hiện đang sống ở thành phố Ventura, California.
Sau khi di cư từ ngoài Bắc vào, gia đình tôi ở Tam Hiệp, Đồng Nai. Khi còn nhỏ, tôi theo mẹ đi bán ở chợ, rồi đi học. Đến khoảng 12 tuổi, tôi bắt đầu vừa đi học vừa đi đánh giày, sau đó đi bán báo. Bán ế nên đọc báo, và tập tành viết báo. Lúc đó tôi khoảng 14-15 tuổi, có một số bài được chọn đăng. Vào thời điểm đó, họ trả tiền cho một bài được đăng tương đương với tiền công làm một ngày của một người trung bình, và trả tiền ngay lập tức khi nhận bài. (Ví dụ một người bình thường ở đây hiện nay làm được $100/ ngày, thì khi bài báo được đăng sẽ được trả số tiền tương tự). Cho nên cuộc sống dễ chịu hơn vì tiền kiếm được dễ hơn. Đi bán mấy trăm tờ báo mỗi ngày cũng không bằng.
Thời đó chủ yếu tôi đọc tờ Tuổi ngọc của nhà văn Duyên Anh, chuyên viết về truyện ngắn, thơ văn tình yêu vớ vẩn của tuổi học trò. Khi đó tôi còn là học sinh, nên đây là tờ báo tôi thường đọc nhất. Hầu hết học sinh sinh viên nào cũng biết đến tờ báo này.
Tôi cũng hay đọc Xây dựng, một trong những tờ báo lớn thời điểm đó, giống như báo Người Việt bên này hiện giờ. Ngoài ra còn có tờ Chính luận, Sóng thần. Nội dung và số phát hành của những tờ này tương đương nhau. Chủ yếu viết về quảng cáo thương mại, tin tức xảy ra trong tuần. Đa số các tờ báo mang tính trung lập vì bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, bóng dáng dân chủ trong những tờ báo ở miền Nam thì cao hơn ở miền Bắc. Sau 1975, hầu hết những tờ báo này bị dẹp hết. Những tờ báo mới xuất hiện sau 1975 thiên về chính trị nhiều hơn, bị kiểm duyệt trước khi đăng, nội dung toàn kêu gọi “yêu lao động, yêu Bác Hồ, ủng hộ tư tưởng đường lối của Đảng”. Nửa tiếng đầu giờ, nhà trường thường đem báo Nhân dân ra đọc cho sinh viên nghe.
Về âm nhạc, tôi thích Khánh Ly (bài Hạ Trắng, Biển Nhớ), Hoàng Oanh, Thái Thanh và Thanh Lan (bài Bang Bang). Hai nhạc sĩ tôi yêu thích là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.
Khi tốt nghiệp Tú tài II, sự kiện mùa hè rực lửa xảy ra. Trong miền Nam có lệnh tổng động viên, đóng cửa các trường đại học và trung học bậc cao. Tất cả nam thanh niên từ mười tám tuổi trở lên là thầy hay trò cũng đều bị bắt đi lính hết. Thiếu cân bằng nam nữ đến nỗi mỗi khi có một người con trai trở về, thì tất cả con gái trong trường xúm lại. Chỉ một số người có điều kiện gia cảnh có tiền hoặc bị bệnh nặng thì được ở lại, hoặc những thanh niên dưới 18 tuổi thì được hoãn chưa phải đi lính. Những người nào có bằng Tú tài thì cho vào học ở trường sĩ quan quân đội để ra làm chỉ huy. Tôi là assistant physician, làm trưởng nhóm của 30 y tá coi về y tế cho tiểu đoàn khoảng 400 người.
Cuộc sống ở miền Nam trước 1975 thoải mái hơn ngoài Bắc nhiều. Tuy vất vả, nhưng ai cũng được đến trường nếu có thời gian. Nhìn chung, vẫn là có tiền có quyền. Có nhiều loại hình kinh tế, người dân thoải mái kinh doanh buôn bán, không có kiểm soát gắt gao.
Ngày 30/4/75, tôi vẫn làm trưởng nhóm về y tế trong một tiểu đoàn quân đội. Cảm giác lúc ấy là bây giờ chưa biết sẽ thế nào, cuộc đời sẽ sang một bước ngoặt khác. Hoang mang và không biết đi về đâu. Sau đó, tôi bị bắt đi cải tạo. Vì chỉ làm quân y trong quân đội, nên tôi được học tập cải tạo ở một nơi ít cực nhọc hơn so với những sĩ quan khác.[1]
Thời này, tôi thích nhất bài “Nửa hồn thương đau”, do ca sĩ Thái Thanh hát. Khi đó đang trong trại cải tạo. Giờ cơm trưa, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện ồn ào. Một người cất giọng hát “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi. Nghe tình đang chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…” Cả trại im bặt đi, chùng xuống buồn não nề. Hầu như mọi người cảm nhận được từng lời từng chữ của bài hát.
Chính quyền mới lệnh là tất cả những người sĩ quan, quan chức cải tạo, con của Ngụy quân đều không được vào học trường đại học. Cai trị người dân bằng gạo, nếu làm gì sai thì sẽ cắt phần gạo được phép mua.
Mãi cho tới 1986-1988, đặc biệt là khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì hình thức cai trị cũng khác đi nhiều. Tính từ lúc bắt đầu Nguyễn Văn Linh lên, đời sống được thả lỏng hơn. Người dân bắt đầu được tự do buôn bán, làm ăn. Không còn bị kiểm soát gắt gao như trước đó. Có nhiều cơ hội cho những người như tôi tìm cách vươn lên và thoát khỏi cuộc sống cùng cực hiện tại.
Trước năm 1988, học sinh đi học không phải đóng tiền, nhưng sau năm 1988 thì Liên Xô không còn viện trợ cho Việt Nam. Những sĩ quan cải tạo ngày xưa nếu có tiền thì có thể đăng ký đi học đại học. Cho nên tôi đi học, lấy bằng cử nhân Anh văn. Và đi dạy cho các giám đốc của những hãng xưởng. Tuy Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao, cuộc sống khá hơn, nhưng thời điểm đó, trong số những sĩ quan Ngụy quân thì chỉ có vài người là thoát khỏi cảnh cùng cực, 90% còn lại vẫn nằm trong vòng quản giáo của cộng sản.
Tôi sang Mĩ năm 1995, theo diện H.O. Khi mới sang, khó khăn đầu tiên là không có người thân ở đây, chỗ ở khó khăn, công việc không có. Xe cộ không có, đưa ba đứa con đi học ba trường khác nhau là hết 1 buổi sáng. Vợ đi làm nails, tôi thì đưa con đi học, rồi đi học ở community college (cao đẳng cộng đồng), rồi transfer (chuyển tiếp) qua Cal State Northbridge, lấy bằng B.S. hóa học, rồi đi làm cho hãng Amgen. Vì mắc bệnh tiểu đường, mà công việc đòi hỏi phải bay đi những nước khác, không đủ sức khỏe, nên tôi nghỉ làm, dạy kèm ở nhà. Sau năm năm, công việc ổn định, con cái học hành thành đạt thì có niềm vui và động viên cố gắng hơn. Bây giờ ba đứa con tôi đều đang học trường đại học Stanford. Hai người đang thực tập bác sĩ ở đó, người con út đang học bằng thạc sĩ. Nhìn chung là đã hội nhập được với xã hội bên này.
Ở Mỹ, tôi nhớ gia đình, người thân, nhớ những ngày tháng cơ cực cùng mẹ đi buôn bán thuở niên thiếu, và những buổi nắng gắt xếp hàng hằng giờ để đợi tới lượt mua gạo, và bị hạch sách đủ điều.
Từ ngày sang đây, tôi chưa bao giờ quay trở lại Việt Nam. Tất cả gia đình, anh em, người thân đều ở bên đó. Sống bên này tạm đủ, chủ yếu cho các con đi học, nên chưa có điều kiện trở về.
Nhìn chung mà nói thì đất nước bây giờ đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, xét về tiến độ và tốc độ thì mình thua xa những nước lân cận. Nhớ ngày xưa miền Nam Việt Nam hơn xa South Korea (Nam Hàn). Mức sống, môi trường, kinh tế thời đó là thuộc hàng có hạng trong khu vực Đông Nam Á và một số nước trong châu Á. Vậy mà hiện giờ những người bên South Korea, những người nông dân Trung Quốc có thể mang một số tiền ít ỏi sang và chọn lấy vợ bên Việt Nam là những cô gái trẻ cần tiền cho bản thân hoặc gia đình. Điều này rất đáng buồn và sỉ nhục vì chúng ta vốn không thua những nước đó. Điều này cho thấy cái dở của chính quyền nhà nước Việt Nam. Rồi còn có rất nhiều vấn đề về kinh tế chính trị như việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc.
Tôi tuy không về Việt Nam, nhưng cũng có theo dõi những tờ báo online như tờ Tuổi trẻ chẳng hạn, hoặc một số báo chí khác, thấy có những con người vì miếng cơm bát gạo mà phải làm những công việc nguy hiểm tính mạng (sập cầu gây chết người). Đối mặt với khó khăn sinh nhai, liệu có mấy người quan tâm đến tình hình chuyện gì đang xảy ra đối với đất nước? Hơn nữa, các chính sách giáo dục và tuyên truyền đều quá dở. Việc bắt giữ những người đấu tranh cho tôn giáo vi phạm nhân quyền cũng ít người quan tâm, mà nếu có cũng không được tự do để kêu gọi giúp đỡ và thể hiện sự đồng tình.
Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở Việt Nam, nhiều mặt khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bộ máy quan liêu, không công bằng, không cầu tiến, hữu danh vô thực.
Nhận xét của người phỏng vấn
Ngày ông ngoại tôi còn sống, tôi thường nghe mẹ và ông ngoại nói về cuộc sống sau giải phóng cơ cực, khổ sở vô cùng vì nhà cửa tài sản bị tịch biên, ông ngoại bị đày đi tù biệt xứ. Bà ngoại một mình với 8 đứa con còn nhỏ, đã quen cuộc sống vợ của sĩ quan, đến khi ông ngoại bị bắt thì không biết làm gì. Mẹ tôi phải nghỉ học đi buôn để phụ bà ngoại lo cho các em, cho nên gia đình bên ngoại của tôi rất ghét nói về chính quyền và nhà nước Việt Nam. Ngược lại, khi nói chuyện với bác C., tôi thấy ở bác không có sự căm hờn, uất giận như ông ngoại tôi. Chỉ thấy ở bác sự tiếc nuối cho thời hoàng kim đã qua, cho cơ hội tiến lên mà nhà nước Việt Nam đã để tuột mất. Việt Nam đã có cơ hội được tiếp nhận nền văn hóa và công nghệ tiên tiến của Pháp từ sớm như vậy; nếu chính quyền nhà nước biết tận dụng nó để xây dựng đất nước thành một cường quốc giàu mạnh thì tốt biết mấy.
Về mặt văn chương, thơ ca: Người lớn tuổi thì thích những tình khúc nhạc vàng, những tình khúc tiền chiến, những thơ văn thời tiền chiến vẫn được lưu giữ và tái bản. Không chỉ những người sống từ thời chế độ cũ, mà ngay cả những bạn trẻ cũng cho là những tình khúc vàng mới hay và có nghĩa. Những loại nhạc thị trường sáng tác bây giờ không mang tính “nghệ thuật”, hát như nói, ngôn từ bình dân, không trau chuốt như những tác phẩm ngày xưa.
Qua bài phỏng vấn với bác C. , tôi thấy có một số điểm đúng với đặc điểm của báo chí tính từ lúc sơ khai đến nay. Trước năm 1975, báo chí miền Nam thiên về quảng cáo thương nghiệp, buôn bán nhiều hơn về chính trị. Tuy có hạn chế, nhưng ký giả tương đối được tự do viết và đăng bài với nhiều nội dung khác nhau. Ngược lại, từ sau 1975 tới khoảng 1986, báo chí không viết nhiều về quảng cáo thương nghiệp mà viết về tình hình chính trị kinh tế, về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Điều đó cũng đúng, vì lúc ấy, với chính sách bế quan tỏa cảng và cai trị độc quyền của cộng sản, thì kinh tế miền Nam Việt Nam hoàn toàn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi so với nhịp độ phát triển của thế giới. Bắt đầu từ sau 1986, khi có sự nới lỏng trong công tác quản lý và đường lối cai trị đất nước thì báo chí lại phát triển theo chiều hướng trước đây, lại thiên về quảng cáo thương nghiệp. Càng về sau này, càng có nhiều loại hình báo chia làm nhiều thể loại nhằm phục vụ nhiều đối tượng người đọc như Thể thao, Thanh niên, Người lao động, Tiền phong, Công an, Nhân dân, Phụ nữ, Điện ảnh, rồi có cả Mực tím và Hoa học trò dành cho học sinh sinh viên. Nói chung báo chí có rất nhiều loại hình khác nhau, nhưng phần chiếm diện tích nhiều nhất vẫn là giải trí và quảng cáo. Cũng có đăng truyện ngắn, ký sự, thơ văn như thời xưa. Tuy nội dung thì thời nào viết truyện ấy, nhưng ngày nay không có được mấy tác phẩm để lại tiếng vang lớn như ngày xưa. Báo chí ở Việt Nam bây giờ có thể xem là công nghiệp báo chí, vì họ viết báo thì ít, mà chủ yếu đăng quảng cáo thì nhiều, và thu nhiều tiền hơn cả tiền làm và bán báo. Về điểm này thì vẫn giống như ngày xưa: lợi nhuận thu được là một phần động lực khiến người ta làm báo và theo nghề báo nhiều hơn.
Theo tôi, từ báo chí cho đến thơ ca, nhạc kịch, theo thời gian đều thay đổi sao cho phù hợp với thời, thế, và nhu cầu của độc giả. Vì nếu không có độc giả, thì chẳng có sự ra đời và phát triển của báo và công nghiệp làm báo. Được mặt này thì mất mặt khác, nghĩa là để hình thức được phong phú đa dạng thu hút người đọc với hình ảnh đẹp, tin tức giật gân, thì nội dung chắc chắn sẽ kém chiều sâu vì chẳng có thời gian đầu tư trau chuốt mà sẽ viết theo kiểu mì ăn liền. Cũng có thể từ nhỏ lớn lên, nghe những bản nhạc mà bố mẹ tôi thường nghe, đọc những cuốn tiểu thuyết cũ kĩ mà bố mẹ tôi lưu giữ thành một bộ sưu tập, nên tôi có suy nghĩ khác với những bạn chưa từng được tiếp xúc với chúng bao giờ. Tuy nhiên, tôi không theo quan niệm hay chiều hướng hoài cổ; tôi vẫn nghe những bài hát mới, nhưng vẫn rất thích những bản nhạc vàng và những cuốn sách từng góp phần làm phong phú kho tàng văn thơ của văn học Việt Nam.
2. Bài phỏng vấn của H. Trần
Tôi tên là D. Ngô, năm nay 61 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Buôn Mê Thuột. Cha mẹ tôi khá giả, nên họ cho tôi đi học. Cũng giống như những đứa trẻ khác, thời thơ ấu tôi thường chơi các trò chơi dân gian.
Trước năm 1975, tôi làm y tá được vài năm cho trạm xá ở Buôn Mê Thuột. Một thời gian sau đó thì tôi lấy chồng. Sau khi lấy chồng thì tôi đi dạy cấp một. Chồng là sĩ quan, bản thân tôi là giáo viên, nên cuộc sống hai vợ chồng khá giả. Tôi thường hay đọc truyện của Quỳnh Giao, Lê Hằng. Tôi thích ca sĩ Khánh Ly và diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Tôi thích dòng nhạc trữ tình của Vũ Thành An, nhất là mười bài Không Tên của nhạc sĩ này. Và tôi cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc đó cuộc sống rất thoải mái. Tình cảm hàng xóm láng giềng rất vui. Tuy nhiên, tiến gần đến giai đoạn 1975 thì tâm lý mọi người rất lo lắng vì tình hình chiến tranh trở nên căng thẳng. Đặc biệt là những người có thân nhân làm việc cho Việt Nam Cộng hòa như gia đình của tôi.
Cuối tháng 3 năm 1975, Buôn Mê Thuột rất hỗn loạn, tôi và chồng tôi phải chạy vào Sài Gòn lẩn trốn. Trong ngày 30/04/1975, tôi rất hoảng sợ và lo lắng cho chồng tôi, và cũng hoảng sợ vì tiếng pháo kích của cả hai bên. Sau một thời gian thì chồng tôi bị bắt đi cải tạo, còn tôi ở lại Sài Gòn buôn bán lặt vặt để kiếm sống.
Tôi qua Mỹ năm 1995. Tôi đi diện HO, bằng phương tiện máy bay. Tôi rất thích thú vì đây là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài, nơi mà tôi nghĩ là tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau một vài ngày đặt chân lên nước Mỹ, tôi đi học ESL được 6 tháng. Sau đó, tôi làm đầu bếp cho tiệm fastfood togo tại trường đại học Berkeley. Tôi làm công việc này liên tục gần 15 năm cho đến nay. Sau mỗi ngày làm việc, tôi về nhà nấu ăn và ăn tối cùng gia đình. Sau đó, tôi thường coi phim Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tôi cũng thường hay xem băng đĩa những chương trình ca nhạc như Paris By Night, Vân Sơn. Tuy nhiên, từ khi qua Mỹ đến giờ thì tôi không hề đọc báo hay đọc truyện, vì thành phố mà tôi đang sinh sống không có sách báo của người Việt.
Theo tôi, các hoạt động văn hóa văn nghệ của người Việt Nam tại Mỹ ngày càng phong phú. Các tờ báo, đài phát thanh tiếng Việt ngày càng nhiều. Những chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt là ở những thành phố đông người Việt như San Jose hay Orange County (Quận Cam). Các chương trình cũng trở nên hấp dẫn hơn nhờ sự góp mặt của các ca sĩ trẻ đến từ Việt Nam.
Cũng như những người lớn tuổi khác, sống ở Mỹ, trở ngại lớn nhất của tôi là ngôn ngữ. Ngoài ra, tôi không có trở ngại gì khác. À, sắp tới tôi sẽ gặp một khó khăn là tôi sẽ bị mất việc. Nhà hàng sẽ phải đóng cửa vì nhà trường tăng tiền thuê mặt bằng lên gấp đôi. Tình hình việc làm bây giờ rất khó khăn, tôi không biết là có thể kiếm được việc làm mới hay không.
Sống ở bên này, điều tôi nhớ nhất khi tôi còn ở Việt Nam chính là tình cảm hàng xóm láng giềng và tình họ hàng. Anh em họ hàng thường hay tụ tập và trò chuyện rất vui trong những dịp cúng giỗ ông bà hay dịp Tết. Tôi rất nhớ những kỷ niệm đó bởi vì tôi gần như không còn cơ hội vui vẻ như thế kể từ khi tôi qua Mỹ. Tuy nhiên, anh, chị, em tôi đã sang hết bên này, trừ một người anh còn ở bên Việt Nam, nên tôi không có ý định hồi hương. Nhưng tôi rất thích về thăm quê hương.
Từ khi sang Mỹ, tôi có về Việt Nam 3 lần. Lần gần đây nhất là tôi về thăm người anh đang bị bệnh rất nặng. Việt Nam hôm nay thì khác xưa nhiều lắm. Thành phố nào cũng được phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, cuộc sống của người nghèo thì không khác xưa lắm. Họ vẫn phải vật lộn từng ngày để kiếm từng bữa ăn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Sau một thời gian sống ở Mỹ, tôi có cơ hội để tiếp xúc với nhiều người định cư trước. Những người này đến Mỹ theo nhiều diện khác nhau như vượt biên hay đoàn tụ gia đình. Phần lớn họ thật sự hòa nhập nhanh chóng với môi trường sống mới. Đặc biệt là những người nhập cư trẻ tuổi. Với những người lớn tuổi, họ thường gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như rào cản về ngôn ngữ hay sự thiết lập những mối quan hệ xã hội mới. Như lời tâm sự của cô D., điều mà những người Việt định cư ở nước ngoài không thể nào quên khi nhắc đến Việt Nam là tình cảm hàng xóm láng giềng, tình họ hàng. Đó là những thứ mà phần lớn họ không tìm được khi định cư ở nước ngoài. Họ thường phải dành hết thời gian để bắt kịp được nhịp sống hối hả: làm việc suốt ngày, sau đó về nhà nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo. Họ ít khi có thời gian để đi chơi xa cùng gia đình vì ai cũng có công việc riêng của mình. Nền kinh tế của Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh trong giai đoạn gần đây. Điều này ít nhiều cũng thay đổi cách nghĩ của người Việt đang định cư ở nước ngoài. Những người này đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam để làm ăn. Một số cũng muốn hồi hương để tìm lại cảm giác ấm áp của quê cha đất tổ, nơi họ tìm thấy được sự khăng khít của tình hàng xóm, tình họ hàng.
3. Bài phỏng vấn của Đoàn B.
Tôi tên là Đoàn Kh., năm nay 76 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi sống ở miền Bắc Việt Nam. Cha tôi mất sớm. Năm mười lăm tuổi, tôi lại bị thất lạc mẹ và phải sống với dì. Cuộc sống vất vả, hằng ngày tôi phải đi bắt cua để kiếm ăn. Năm 1954, tôi di cư vào Sài Gòn một mình và bắt đầu cuộc sống mới tại đây.
Trước năm 1975, tôi từng là lính nhảy dù của miền Nam Việt Nam, rồi sau đó chuyển nghành sang cảnh sát đặc biệt. Thời đó, dân Sài Gòn sống thoải mái, có công ăn việc làm. Một công chức có thể nuôi một gia đình. Buôn bán ở lề đường được, không bị cảnh sát bắt. Cuộc sống ăn uống có dễ dãi hơn vì thu nhập cũng đủ. Nếu sống cần kiệm thì có thể mua sắm được những vật dụng cần thiết.
Tôi thích đọc truyện trưởng Kim Dung và một số tác phẩm văn học Việt Nam như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bởi vì tác phẩm này phản ánh cuộc sống lam lũ, dân quê của người nông dân thời bấy giờ. Về nhạc thì tôi thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và thể loại nhạc tiền chiến. Tôi hâm mộ chính trị gia Ngô Đình Diệm vì ông ấy rất được lòng dân và trị an thời này cũng rất tốt.
Ngày 30/4/75, gia đình tôi sửa soạn chạy loạn, nhưng không biết chạy đi đâu. Tôi có cảm giác sợ hãi, không biết tương lai gia đình mình sẽ đi về đâu khi không có mình, vì lúc đó ý nghĩ “Việt cộng sẽ giết chết những người lính cộng hòa” cứ lảng vảng trong đầu tôi. Sau đó, tôi bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi mãn hạn tù “cải tạo” về, cuộc sống tôi rất vất vả. Tôi bị bệnh và bị lệnh quản chế của chính quyền nên không thể kiếm được việc làm. Vợ con tôi phải buôn gánh bán bưng vì họ không thể kiếm việc làm trong các xí nghiệp.
Tôi sang Mỹ vào năm 1996 bằng máy bay. Khi rời xa quê hương, tôi lo lắng về nơi mình đến. Tuy nhiên, vì nghĩ cho tương lai của con cháu sau này, cho dù sợ cũng phải đi. Sang đây, tôi không đi làm vì tuổi tác không cho phép. Tôi không thấy mình hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống bên này vì sự khác biệt của ngôn ngữ và văn hóa. Tôi thường đọc báo chí tiếng Việt nói về cuộc sống cộng đồng ở nơi tôi ở.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ hàng xóm láng giềng và những người thân thuộc. Tôi cũng nhớ về Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi định cư bên này, tôi có về Việt Nam một lần. Tôi thấy cuộc sống của người dân có vẻ vất vả hơn trước. Hơn nữa, tôi cũng thấy có nhiều tệ nạn xã hội hơn. Chính phủ không lo gì đến đời sống nhân dân. Tệ nạn tham nhũng của chính phủ ở mức độ địa phương cũng lộ liễu hơn.
4. Bài phỏng vấn của Hồ Ng.
Tôi là Vân T., năm nay 52 tuổi. Tôi lớn lên ở Huế trong thời kì chiến tranh nên phải chạy tránh những trận chiến lớn như Tết 1968 và Hè 1972. Mỗi lần được yên bình, không có tiếng bom đạn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù rất ngắn ngủi. Trước 1975, tôi vẫn còn là học sinh trung học trường Quốc Học, Huế. Vì còn nhỏ nên tôi chỉ đi học và nếu rảnh thì phụ giúp mẹ buôn bán.
Việt Nam trước 1975 rất nghèo. Hầu hết mọi phương tiện, trường học đều tập trung tại thành phố. Nhà tôi cách Huế chừng 5 km, nhưng đến năm 1967 mới có điện và đến 1972 mới có nước máy dẫn đến. Những làng quê thì càng nghèo hơn nữa.
Thời đó, thỉnh thoảng tôi thích đọc truyện của Từ Kế Tường và Mường Mán viết về tình yêu tuổi học trò. Tôi hâm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Lệ Thu, ca sỹ Khánh Ly. Tôi cũng rất thích tiếng hát, lời nhạc của Lê Uyên Phương.
Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình di tản vào Đà Nẵng cách Huế chừng 100 km. Hoàn cảnh lúc đó rất hỗn loạn. Tôi lo lắng cho người thân, bạn bè và có cảm giác sợ hãi. Sau ngày 30/4/1975, tôi trở về lại Huế và tiếp tục đi học, nhưng vẫn trong tâm trạng âu lo vì không biết chế độ mới thay đổi như thế nào.
Tôi vượt biên đến Hồng Kông từ Huế bằng ghe nhỏ và đến Mỹ từ Hồng Kông bằng máy bay. Đó là một chuyến đi dài và nguy hiểm, chết nhiều hơn sống, nhưng nó cũng là chuyến đi thay đổi định mệnh của tôi. Sang Mỹ, sau 2 năm đầu khó khăn, tôi xin vào học ở University of Minnesota. Tôi làm nhiều nghề như làm vườn, dọn tuyết, bồi bàn trong lúc còn đi học. Đến khi ra trường, tôi xin việc ở hãng 3M và làm cho đến bây giờ.
Sau 29 năm ở Mỹ, tôi đã hiểu được đời sống ở đây, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ hội nhập hoàn toàn được. Tôi rất thích đời sống chính trị, văn hóa nơi đây, nhưng tôi vẫn nghiền những món ăn Việt Nam. Thật sự bây giờ cuộc sống của gia đình tôi ổn định và hạnh phúc. Các con tôi sinh ra ở đây, nước Mỹ là quê hương duy nhất của chúng. Tôi mong các con biết tiếng Việt thật giỏi để gần gũi với cộng đồng người Việt.
Là người di dân đã lâu, tôi thấy tự tin và kiên nhẫn là hai thứ cần nhất. Tự tin mình có thể làm được những gì mình muốn. Người Việt mình thường hay thiếu tự tin, thiếu tự lập vì bố mẹ và người lớn đã lấy đi sự tự chủ của mình. Nghèo thì càng thiếu tự tin hơn nữa vì giai cấp xã hội. Mỹ là xã hội bình đẳng, nên hãy tự tin và làm những gì mình muốn trong khả năng của mình như đi học lại, mua một căn nhà, hay mở một cửa tiệm…
Sống ở Mỹ, tôi nhớ người thân và bạn bè. Tôi nhớ không khí Tết ở Việt Nam và các món ăn của Việt Nam. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Tôi thấy đời sống bây giờ tiện nghi, đầy đủ hơn. Hòa bình làm đời sống thôn quê dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi thấy khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng rộng mà chính phủ Việt Nam chưa thật sự có chương trình nào để cải thiện. Con người Việt Nam hiện tại sống thực dụng hơn, tình cảm không còn gắn bó như trước.
Nhận xét của người phỏng vấn
Cuộc sống của người Việt Nam trước năm 1975 rất khó khăn cả về mặt vật chất và tinh thần, nhất là những người sống xa thành phố. Ngày ngày, cảm giác đang sống trong thời kỳ chiến tranh vẫn luôn hiện hữu qua tiếng bom. Thỉnh thoảng lại nghe tin bạn bè, người thân trong họ hàng ngã xuống hay bị thương tật vì bom đạn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, con người vẫn tìm niềm vui và hạnh phúc qua tiếng nhạc lời ca hoặc các tiểu thuyết viết về tình yêu, tình bạn bè. Cái không gian yên bình tĩnh lặng dường như là điều gì đó rất đáng quý mà người dân Việt Nam mong chờ trong giai đoạn đó. Mong ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh có lẽ là ước mơ lớn nhất của mọi người Việt trước năm 1975. Tuy thời điểm 30/4/1975 chấm dứt chiến tranh, mang lại sự yên bình cho đất nước, nhưng cảm giác hoang mang và lo âu trong giai đoạn đó là điều khó có thể tránh khỏi. Mỗi người có thể có nhiều nhận thức khác nhau về sự thay đổi của xã hội và đất nước, và họ phải tự chọn cho mình một cuộc sống khác nhau. Một số người chấp nhận sự đổi thay chế độ trên đất nước Việt Nam, một số khác lại chọn con đường vượt biên tìm đến các đất nước tự do hơn, phồn vinh hơn, mặc dù vẫn biết sự sống và cái chết rất gần nhau trên những con thuyền nhỏ mong manh vượt biển!
Bây giờ khi nhìn vào những điều kiện và cơ hội tôi đang có, tôi cảm thấy mình may mắn rất nhiều so với hoàn cảnh sống của cha mẹ tôi. Ở độ tuổi học sinh như tôi, họ đã phải học tập trong môi trường không bình yên của chiến tranh, phải trải qua những tháng ngày lo âu sợ hãi khi sống chung với bom đạn gần kề vào những năm 1968, 1972, 1975. Họ phải làm việc rất nhiều để bươn chải kiếm sống, vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ trước và cả sau 1975. Trong giai đoạn khó khăn đó, tình cảm gia đình là chỗ dựa tinh thần để giúp con người vượt qua và có động lực sống tốt hơn. Vì thế, tôi thật sự trân trọng và gìn giữ tình cảm gia đình cũng như quê hương Việt Nam của mình.
© 2010 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ví dụ như ông ngoại của người thực hiện phỏng vấn, vì từng làm Đại tá ngoài tỉnh Khánh Hòa, nên bị bắt đi cải tạo biệt xứ ở trong rừng, biệt tích mấy năm không biết tung tích. Sau đó được thả về, tuy nhiên, sau đó bị theo dõi cuộc sống thường ngày.
29/04/2010
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Annie N.
Tôi là C. Phạm, hiện đang sống ở thành phố Ventura, California.
Sau khi di cư từ ngoài Bắc vào, gia đình tôi ở Tam Hiệp, Đồng Nai. Khi còn nhỏ, tôi theo mẹ đi bán ở chợ, rồi đi học. Đến khoảng 12 tuổi, tôi bắt đầu vừa đi học vừa đi đánh giày, sau đó đi bán báo. Bán ế nên đọc báo, và tập tành viết báo. Lúc đó tôi khoảng 14-15 tuổi, có một số bài được chọn đăng. Vào thời điểm đó, họ trả tiền cho một bài được đăng tương đương với tiền công làm một ngày của một người trung bình, và trả tiền ngay lập tức khi nhận bài. (Ví dụ một người bình thường ở đây hiện nay làm được $100/ ngày, thì khi bài báo được đăng sẽ được trả số tiền tương tự). Cho nên cuộc sống dễ chịu hơn vì tiền kiếm được dễ hơn. Đi bán mấy trăm tờ báo mỗi ngày cũng không bằng.
Thời đó chủ yếu tôi đọc tờ Tuổi ngọc của nhà văn Duyên Anh, chuyên viết về truyện ngắn, thơ văn tình yêu vớ vẩn của tuổi học trò. Khi đó tôi còn là học sinh, nên đây là tờ báo tôi thường đọc nhất. Hầu hết học sinh sinh viên nào cũng biết đến tờ báo này.
Tôi cũng hay đọc Xây dựng, một trong những tờ báo lớn thời điểm đó, giống như báo Người Việt bên này hiện giờ. Ngoài ra còn có tờ Chính luận, Sóng thần. Nội dung và số phát hành của những tờ này tương đương nhau. Chủ yếu viết về quảng cáo thương mại, tin tức xảy ra trong tuần. Đa số các tờ báo mang tính trung lập vì bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, bóng dáng dân chủ trong những tờ báo ở miền Nam thì cao hơn ở miền Bắc. Sau 1975, hầu hết những tờ báo này bị dẹp hết. Những tờ báo mới xuất hiện sau 1975 thiên về chính trị nhiều hơn, bị kiểm duyệt trước khi đăng, nội dung toàn kêu gọi “yêu lao động, yêu Bác Hồ, ủng hộ tư tưởng đường lối của Đảng”. Nửa tiếng đầu giờ, nhà trường thường đem báo Nhân dân ra đọc cho sinh viên nghe.
Về âm nhạc, tôi thích Khánh Ly (bài Hạ Trắng, Biển Nhớ), Hoàng Oanh, Thái Thanh và Thanh Lan (bài Bang Bang). Hai nhạc sĩ tôi yêu thích là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.
Khi tốt nghiệp Tú tài II, sự kiện mùa hè rực lửa xảy ra. Trong miền Nam có lệnh tổng động viên, đóng cửa các trường đại học và trung học bậc cao. Tất cả nam thanh niên từ mười tám tuổi trở lên là thầy hay trò cũng đều bị bắt đi lính hết. Thiếu cân bằng nam nữ đến nỗi mỗi khi có một người con trai trở về, thì tất cả con gái trong trường xúm lại. Chỉ một số người có điều kiện gia cảnh có tiền hoặc bị bệnh nặng thì được ở lại, hoặc những thanh niên dưới 18 tuổi thì được hoãn chưa phải đi lính. Những người nào có bằng Tú tài thì cho vào học ở trường sĩ quan quân đội để ra làm chỉ huy. Tôi là assistant physician, làm trưởng nhóm của 30 y tá coi về y tế cho tiểu đoàn khoảng 400 người.
Cuộc sống ở miền Nam trước 1975 thoải mái hơn ngoài Bắc nhiều. Tuy vất vả, nhưng ai cũng được đến trường nếu có thời gian. Nhìn chung, vẫn là có tiền có quyền. Có nhiều loại hình kinh tế, người dân thoải mái kinh doanh buôn bán, không có kiểm soát gắt gao.
Ngày 30/4/75, tôi vẫn làm trưởng nhóm về y tế trong một tiểu đoàn quân đội. Cảm giác lúc ấy là bây giờ chưa biết sẽ thế nào, cuộc đời sẽ sang một bước ngoặt khác. Hoang mang và không biết đi về đâu. Sau đó, tôi bị bắt đi cải tạo. Vì chỉ làm quân y trong quân đội, nên tôi được học tập cải tạo ở một nơi ít cực nhọc hơn so với những sĩ quan khác.[1]
Thời này, tôi thích nhất bài “Nửa hồn thương đau”, do ca sĩ Thái Thanh hát. Khi đó đang trong trại cải tạo. Giờ cơm trưa, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện ồn ào. Một người cất giọng hát “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi. Nghe tình đang chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…” Cả trại im bặt đi, chùng xuống buồn não nề. Hầu như mọi người cảm nhận được từng lời từng chữ của bài hát.
Chính quyền mới lệnh là tất cả những người sĩ quan, quan chức cải tạo, con của Ngụy quân đều không được vào học trường đại học. Cai trị người dân bằng gạo, nếu làm gì sai thì sẽ cắt phần gạo được phép mua.
Mãi cho tới 1986-1988, đặc biệt là khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì hình thức cai trị cũng khác đi nhiều. Tính từ lúc bắt đầu Nguyễn Văn Linh lên, đời sống được thả lỏng hơn. Người dân bắt đầu được tự do buôn bán, làm ăn. Không còn bị kiểm soát gắt gao như trước đó. Có nhiều cơ hội cho những người như tôi tìm cách vươn lên và thoát khỏi cuộc sống cùng cực hiện tại.
Trước năm 1988, học sinh đi học không phải đóng tiền, nhưng sau năm 1988 thì Liên Xô không còn viện trợ cho Việt Nam. Những sĩ quan cải tạo ngày xưa nếu có tiền thì có thể đăng ký đi học đại học. Cho nên tôi đi học, lấy bằng cử nhân Anh văn. Và đi dạy cho các giám đốc của những hãng xưởng. Tuy Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao, cuộc sống khá hơn, nhưng thời điểm đó, trong số những sĩ quan Ngụy quân thì chỉ có vài người là thoát khỏi cảnh cùng cực, 90% còn lại vẫn nằm trong vòng quản giáo của cộng sản.
Tôi sang Mĩ năm 1995, theo diện H.O. Khi mới sang, khó khăn đầu tiên là không có người thân ở đây, chỗ ở khó khăn, công việc không có. Xe cộ không có, đưa ba đứa con đi học ba trường khác nhau là hết 1 buổi sáng. Vợ đi làm nails, tôi thì đưa con đi học, rồi đi học ở community college (cao đẳng cộng đồng), rồi transfer (chuyển tiếp) qua Cal State Northbridge, lấy bằng B.S. hóa học, rồi đi làm cho hãng Amgen. Vì mắc bệnh tiểu đường, mà công việc đòi hỏi phải bay đi những nước khác, không đủ sức khỏe, nên tôi nghỉ làm, dạy kèm ở nhà. Sau năm năm, công việc ổn định, con cái học hành thành đạt thì có niềm vui và động viên cố gắng hơn. Bây giờ ba đứa con tôi đều đang học trường đại học Stanford. Hai người đang thực tập bác sĩ ở đó, người con út đang học bằng thạc sĩ. Nhìn chung là đã hội nhập được với xã hội bên này.
Ở Mỹ, tôi nhớ gia đình, người thân, nhớ những ngày tháng cơ cực cùng mẹ đi buôn bán thuở niên thiếu, và những buổi nắng gắt xếp hàng hằng giờ để đợi tới lượt mua gạo, và bị hạch sách đủ điều.
Từ ngày sang đây, tôi chưa bao giờ quay trở lại Việt Nam. Tất cả gia đình, anh em, người thân đều ở bên đó. Sống bên này tạm đủ, chủ yếu cho các con đi học, nên chưa có điều kiện trở về.
Nhìn chung mà nói thì đất nước bây giờ đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, xét về tiến độ và tốc độ thì mình thua xa những nước lân cận. Nhớ ngày xưa miền Nam Việt Nam hơn xa South Korea (Nam Hàn). Mức sống, môi trường, kinh tế thời đó là thuộc hàng có hạng trong khu vực Đông Nam Á và một số nước trong châu Á. Vậy mà hiện giờ những người bên South Korea, những người nông dân Trung Quốc có thể mang một số tiền ít ỏi sang và chọn lấy vợ bên Việt Nam là những cô gái trẻ cần tiền cho bản thân hoặc gia đình. Điều này rất đáng buồn và sỉ nhục vì chúng ta vốn không thua những nước đó. Điều này cho thấy cái dở của chính quyền nhà nước Việt Nam. Rồi còn có rất nhiều vấn đề về kinh tế chính trị như việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc.
Tôi tuy không về Việt Nam, nhưng cũng có theo dõi những tờ báo online như tờ Tuổi trẻ chẳng hạn, hoặc một số báo chí khác, thấy có những con người vì miếng cơm bát gạo mà phải làm những công việc nguy hiểm tính mạng (sập cầu gây chết người). Đối mặt với khó khăn sinh nhai, liệu có mấy người quan tâm đến tình hình chuyện gì đang xảy ra đối với đất nước? Hơn nữa, các chính sách giáo dục và tuyên truyền đều quá dở. Việc bắt giữ những người đấu tranh cho tôn giáo vi phạm nhân quyền cũng ít người quan tâm, mà nếu có cũng không được tự do để kêu gọi giúp đỡ và thể hiện sự đồng tình.
Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở Việt Nam, nhiều mặt khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bộ máy quan liêu, không công bằng, không cầu tiến, hữu danh vô thực.
Nhận xét của người phỏng vấn
Ngày ông ngoại tôi còn sống, tôi thường nghe mẹ và ông ngoại nói về cuộc sống sau giải phóng cơ cực, khổ sở vô cùng vì nhà cửa tài sản bị tịch biên, ông ngoại bị đày đi tù biệt xứ. Bà ngoại một mình với 8 đứa con còn nhỏ, đã quen cuộc sống vợ của sĩ quan, đến khi ông ngoại bị bắt thì không biết làm gì. Mẹ tôi phải nghỉ học đi buôn để phụ bà ngoại lo cho các em, cho nên gia đình bên ngoại của tôi rất ghét nói về chính quyền và nhà nước Việt Nam. Ngược lại, khi nói chuyện với bác C., tôi thấy ở bác không có sự căm hờn, uất giận như ông ngoại tôi. Chỉ thấy ở bác sự tiếc nuối cho thời hoàng kim đã qua, cho cơ hội tiến lên mà nhà nước Việt Nam đã để tuột mất. Việt Nam đã có cơ hội được tiếp nhận nền văn hóa và công nghệ tiên tiến của Pháp từ sớm như vậy; nếu chính quyền nhà nước biết tận dụng nó để xây dựng đất nước thành một cường quốc giàu mạnh thì tốt biết mấy.
Về mặt văn chương, thơ ca: Người lớn tuổi thì thích những tình khúc nhạc vàng, những tình khúc tiền chiến, những thơ văn thời tiền chiến vẫn được lưu giữ và tái bản. Không chỉ những người sống từ thời chế độ cũ, mà ngay cả những bạn trẻ cũng cho là những tình khúc vàng mới hay và có nghĩa. Những loại nhạc thị trường sáng tác bây giờ không mang tính “nghệ thuật”, hát như nói, ngôn từ bình dân, không trau chuốt như những tác phẩm ngày xưa.
Qua bài phỏng vấn với bác C. , tôi thấy có một số điểm đúng với đặc điểm của báo chí tính từ lúc sơ khai đến nay. Trước năm 1975, báo chí miền Nam thiên về quảng cáo thương nghiệp, buôn bán nhiều hơn về chính trị. Tuy có hạn chế, nhưng ký giả tương đối được tự do viết và đăng bài với nhiều nội dung khác nhau. Ngược lại, từ sau 1975 tới khoảng 1986, báo chí không viết nhiều về quảng cáo thương nghiệp mà viết về tình hình chính trị kinh tế, về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Điều đó cũng đúng, vì lúc ấy, với chính sách bế quan tỏa cảng và cai trị độc quyền của cộng sản, thì kinh tế miền Nam Việt Nam hoàn toàn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi so với nhịp độ phát triển của thế giới. Bắt đầu từ sau 1986, khi có sự nới lỏng trong công tác quản lý và đường lối cai trị đất nước thì báo chí lại phát triển theo chiều hướng trước đây, lại thiên về quảng cáo thương nghiệp. Càng về sau này, càng có nhiều loại hình báo chia làm nhiều thể loại nhằm phục vụ nhiều đối tượng người đọc như Thể thao, Thanh niên, Người lao động, Tiền phong, Công an, Nhân dân, Phụ nữ, Điện ảnh, rồi có cả Mực tím và Hoa học trò dành cho học sinh sinh viên. Nói chung báo chí có rất nhiều loại hình khác nhau, nhưng phần chiếm diện tích nhiều nhất vẫn là giải trí và quảng cáo. Cũng có đăng truyện ngắn, ký sự, thơ văn như thời xưa. Tuy nội dung thì thời nào viết truyện ấy, nhưng ngày nay không có được mấy tác phẩm để lại tiếng vang lớn như ngày xưa. Báo chí ở Việt Nam bây giờ có thể xem là công nghiệp báo chí, vì họ viết báo thì ít, mà chủ yếu đăng quảng cáo thì nhiều, và thu nhiều tiền hơn cả tiền làm và bán báo. Về điểm này thì vẫn giống như ngày xưa: lợi nhuận thu được là một phần động lực khiến người ta làm báo và theo nghề báo nhiều hơn.
Theo tôi, từ báo chí cho đến thơ ca, nhạc kịch, theo thời gian đều thay đổi sao cho phù hợp với thời, thế, và nhu cầu của độc giả. Vì nếu không có độc giả, thì chẳng có sự ra đời và phát triển của báo và công nghiệp làm báo. Được mặt này thì mất mặt khác, nghĩa là để hình thức được phong phú đa dạng thu hút người đọc với hình ảnh đẹp, tin tức giật gân, thì nội dung chắc chắn sẽ kém chiều sâu vì chẳng có thời gian đầu tư trau chuốt mà sẽ viết theo kiểu mì ăn liền. Cũng có thể từ nhỏ lớn lên, nghe những bản nhạc mà bố mẹ tôi thường nghe, đọc những cuốn tiểu thuyết cũ kĩ mà bố mẹ tôi lưu giữ thành một bộ sưu tập, nên tôi có suy nghĩ khác với những bạn chưa từng được tiếp xúc với chúng bao giờ. Tuy nhiên, tôi không theo quan niệm hay chiều hướng hoài cổ; tôi vẫn nghe những bài hát mới, nhưng vẫn rất thích những bản nhạc vàng và những cuốn sách từng góp phần làm phong phú kho tàng văn thơ của văn học Việt Nam.
2. Bài phỏng vấn của H. Trần
Tôi tên là D. Ngô, năm nay 61 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Buôn Mê Thuột. Cha mẹ tôi khá giả, nên họ cho tôi đi học. Cũng giống như những đứa trẻ khác, thời thơ ấu tôi thường chơi các trò chơi dân gian.
Trước năm 1975, tôi làm y tá được vài năm cho trạm xá ở Buôn Mê Thuột. Một thời gian sau đó thì tôi lấy chồng. Sau khi lấy chồng thì tôi đi dạy cấp một. Chồng là sĩ quan, bản thân tôi là giáo viên, nên cuộc sống hai vợ chồng khá giả. Tôi thường hay đọc truyện của Quỳnh Giao, Lê Hằng. Tôi thích ca sĩ Khánh Ly và diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Tôi thích dòng nhạc trữ tình của Vũ Thành An, nhất là mười bài Không Tên của nhạc sĩ này. Và tôi cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc đó cuộc sống rất thoải mái. Tình cảm hàng xóm láng giềng rất vui. Tuy nhiên, tiến gần đến giai đoạn 1975 thì tâm lý mọi người rất lo lắng vì tình hình chiến tranh trở nên căng thẳng. Đặc biệt là những người có thân nhân làm việc cho Việt Nam Cộng hòa như gia đình của tôi.
Cuối tháng 3 năm 1975, Buôn Mê Thuột rất hỗn loạn, tôi và chồng tôi phải chạy vào Sài Gòn lẩn trốn. Trong ngày 30/04/1975, tôi rất hoảng sợ và lo lắng cho chồng tôi, và cũng hoảng sợ vì tiếng pháo kích của cả hai bên. Sau một thời gian thì chồng tôi bị bắt đi cải tạo, còn tôi ở lại Sài Gòn buôn bán lặt vặt để kiếm sống.
Tôi qua Mỹ năm 1995. Tôi đi diện HO, bằng phương tiện máy bay. Tôi rất thích thú vì đây là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài, nơi mà tôi nghĩ là tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau một vài ngày đặt chân lên nước Mỹ, tôi đi học ESL được 6 tháng. Sau đó, tôi làm đầu bếp cho tiệm fastfood togo tại trường đại học Berkeley. Tôi làm công việc này liên tục gần 15 năm cho đến nay. Sau mỗi ngày làm việc, tôi về nhà nấu ăn và ăn tối cùng gia đình. Sau đó, tôi thường coi phim Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tôi cũng thường hay xem băng đĩa những chương trình ca nhạc như Paris By Night, Vân Sơn. Tuy nhiên, từ khi qua Mỹ đến giờ thì tôi không hề đọc báo hay đọc truyện, vì thành phố mà tôi đang sinh sống không có sách báo của người Việt.
Theo tôi, các hoạt động văn hóa văn nghệ của người Việt Nam tại Mỹ ngày càng phong phú. Các tờ báo, đài phát thanh tiếng Việt ngày càng nhiều. Những chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt là ở những thành phố đông người Việt như San Jose hay Orange County (Quận Cam). Các chương trình cũng trở nên hấp dẫn hơn nhờ sự góp mặt của các ca sĩ trẻ đến từ Việt Nam.
Cũng như những người lớn tuổi khác, sống ở Mỹ, trở ngại lớn nhất của tôi là ngôn ngữ. Ngoài ra, tôi không có trở ngại gì khác. À, sắp tới tôi sẽ gặp một khó khăn là tôi sẽ bị mất việc. Nhà hàng sẽ phải đóng cửa vì nhà trường tăng tiền thuê mặt bằng lên gấp đôi. Tình hình việc làm bây giờ rất khó khăn, tôi không biết là có thể kiếm được việc làm mới hay không.
Sống ở bên này, điều tôi nhớ nhất khi tôi còn ở Việt Nam chính là tình cảm hàng xóm láng giềng và tình họ hàng. Anh em họ hàng thường hay tụ tập và trò chuyện rất vui trong những dịp cúng giỗ ông bà hay dịp Tết. Tôi rất nhớ những kỷ niệm đó bởi vì tôi gần như không còn cơ hội vui vẻ như thế kể từ khi tôi qua Mỹ. Tuy nhiên, anh, chị, em tôi đã sang hết bên này, trừ một người anh còn ở bên Việt Nam, nên tôi không có ý định hồi hương. Nhưng tôi rất thích về thăm quê hương.
Từ khi sang Mỹ, tôi có về Việt Nam 3 lần. Lần gần đây nhất là tôi về thăm người anh đang bị bệnh rất nặng. Việt Nam hôm nay thì khác xưa nhiều lắm. Thành phố nào cũng được phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, cuộc sống của người nghèo thì không khác xưa lắm. Họ vẫn phải vật lộn từng ngày để kiếm từng bữa ăn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Sau một thời gian sống ở Mỹ, tôi có cơ hội để tiếp xúc với nhiều người định cư trước. Những người này đến Mỹ theo nhiều diện khác nhau như vượt biên hay đoàn tụ gia đình. Phần lớn họ thật sự hòa nhập nhanh chóng với môi trường sống mới. Đặc biệt là những người nhập cư trẻ tuổi. Với những người lớn tuổi, họ thường gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như rào cản về ngôn ngữ hay sự thiết lập những mối quan hệ xã hội mới. Như lời tâm sự của cô D., điều mà những người Việt định cư ở nước ngoài không thể nào quên khi nhắc đến Việt Nam là tình cảm hàng xóm láng giềng, tình họ hàng. Đó là những thứ mà phần lớn họ không tìm được khi định cư ở nước ngoài. Họ thường phải dành hết thời gian để bắt kịp được nhịp sống hối hả: làm việc suốt ngày, sau đó về nhà nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo. Họ ít khi có thời gian để đi chơi xa cùng gia đình vì ai cũng có công việc riêng của mình. Nền kinh tế của Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh trong giai đoạn gần đây. Điều này ít nhiều cũng thay đổi cách nghĩ của người Việt đang định cư ở nước ngoài. Những người này đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam để làm ăn. Một số cũng muốn hồi hương để tìm lại cảm giác ấm áp của quê cha đất tổ, nơi họ tìm thấy được sự khăng khít của tình hàng xóm, tình họ hàng.
3. Bài phỏng vấn của Đoàn B.
Tôi tên là Đoàn Kh., năm nay 76 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi sống ở miền Bắc Việt Nam. Cha tôi mất sớm. Năm mười lăm tuổi, tôi lại bị thất lạc mẹ và phải sống với dì. Cuộc sống vất vả, hằng ngày tôi phải đi bắt cua để kiếm ăn. Năm 1954, tôi di cư vào Sài Gòn một mình và bắt đầu cuộc sống mới tại đây.
Trước năm 1975, tôi từng là lính nhảy dù của miền Nam Việt Nam, rồi sau đó chuyển nghành sang cảnh sát đặc biệt. Thời đó, dân Sài Gòn sống thoải mái, có công ăn việc làm. Một công chức có thể nuôi một gia đình. Buôn bán ở lề đường được, không bị cảnh sát bắt. Cuộc sống ăn uống có dễ dãi hơn vì thu nhập cũng đủ. Nếu sống cần kiệm thì có thể mua sắm được những vật dụng cần thiết.
Tôi thích đọc truyện trưởng Kim Dung và một số tác phẩm văn học Việt Nam như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bởi vì tác phẩm này phản ánh cuộc sống lam lũ, dân quê của người nông dân thời bấy giờ. Về nhạc thì tôi thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và thể loại nhạc tiền chiến. Tôi hâm mộ chính trị gia Ngô Đình Diệm vì ông ấy rất được lòng dân và trị an thời này cũng rất tốt.
Ngày 30/4/75, gia đình tôi sửa soạn chạy loạn, nhưng không biết chạy đi đâu. Tôi có cảm giác sợ hãi, không biết tương lai gia đình mình sẽ đi về đâu khi không có mình, vì lúc đó ý nghĩ “Việt cộng sẽ giết chết những người lính cộng hòa” cứ lảng vảng trong đầu tôi. Sau đó, tôi bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi mãn hạn tù “cải tạo” về, cuộc sống tôi rất vất vả. Tôi bị bệnh và bị lệnh quản chế của chính quyền nên không thể kiếm được việc làm. Vợ con tôi phải buôn gánh bán bưng vì họ không thể kiếm việc làm trong các xí nghiệp.
Tôi sang Mỹ vào năm 1996 bằng máy bay. Khi rời xa quê hương, tôi lo lắng về nơi mình đến. Tuy nhiên, vì nghĩ cho tương lai của con cháu sau này, cho dù sợ cũng phải đi. Sang đây, tôi không đi làm vì tuổi tác không cho phép. Tôi không thấy mình hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống bên này vì sự khác biệt của ngôn ngữ và văn hóa. Tôi thường đọc báo chí tiếng Việt nói về cuộc sống cộng đồng ở nơi tôi ở.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ hàng xóm láng giềng và những người thân thuộc. Tôi cũng nhớ về Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi định cư bên này, tôi có về Việt Nam một lần. Tôi thấy cuộc sống của người dân có vẻ vất vả hơn trước. Hơn nữa, tôi cũng thấy có nhiều tệ nạn xã hội hơn. Chính phủ không lo gì đến đời sống nhân dân. Tệ nạn tham nhũng của chính phủ ở mức độ địa phương cũng lộ liễu hơn.
4. Bài phỏng vấn của Hồ Ng.
Tôi là Vân T., năm nay 52 tuổi. Tôi lớn lên ở Huế trong thời kì chiến tranh nên phải chạy tránh những trận chiến lớn như Tết 1968 và Hè 1972. Mỗi lần được yên bình, không có tiếng bom đạn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù rất ngắn ngủi. Trước 1975, tôi vẫn còn là học sinh trung học trường Quốc Học, Huế. Vì còn nhỏ nên tôi chỉ đi học và nếu rảnh thì phụ giúp mẹ buôn bán.
Việt Nam trước 1975 rất nghèo. Hầu hết mọi phương tiện, trường học đều tập trung tại thành phố. Nhà tôi cách Huế chừng 5 km, nhưng đến năm 1967 mới có điện và đến 1972 mới có nước máy dẫn đến. Những làng quê thì càng nghèo hơn nữa.
Thời đó, thỉnh thoảng tôi thích đọc truyện của Từ Kế Tường và Mường Mán viết về tình yêu tuổi học trò. Tôi hâm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Lệ Thu, ca sỹ Khánh Ly. Tôi cũng rất thích tiếng hát, lời nhạc của Lê Uyên Phương.
Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình di tản vào Đà Nẵng cách Huế chừng 100 km. Hoàn cảnh lúc đó rất hỗn loạn. Tôi lo lắng cho người thân, bạn bè và có cảm giác sợ hãi. Sau ngày 30/4/1975, tôi trở về lại Huế và tiếp tục đi học, nhưng vẫn trong tâm trạng âu lo vì không biết chế độ mới thay đổi như thế nào.
Tôi vượt biên đến Hồng Kông từ Huế bằng ghe nhỏ và đến Mỹ từ Hồng Kông bằng máy bay. Đó là một chuyến đi dài và nguy hiểm, chết nhiều hơn sống, nhưng nó cũng là chuyến đi thay đổi định mệnh của tôi. Sang Mỹ, sau 2 năm đầu khó khăn, tôi xin vào học ở University of Minnesota. Tôi làm nhiều nghề như làm vườn, dọn tuyết, bồi bàn trong lúc còn đi học. Đến khi ra trường, tôi xin việc ở hãng 3M và làm cho đến bây giờ.
Sau 29 năm ở Mỹ, tôi đã hiểu được đời sống ở đây, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ hội nhập hoàn toàn được. Tôi rất thích đời sống chính trị, văn hóa nơi đây, nhưng tôi vẫn nghiền những món ăn Việt Nam. Thật sự bây giờ cuộc sống của gia đình tôi ổn định và hạnh phúc. Các con tôi sinh ra ở đây, nước Mỹ là quê hương duy nhất của chúng. Tôi mong các con biết tiếng Việt thật giỏi để gần gũi với cộng đồng người Việt.
Là người di dân đã lâu, tôi thấy tự tin và kiên nhẫn là hai thứ cần nhất. Tự tin mình có thể làm được những gì mình muốn. Người Việt mình thường hay thiếu tự tin, thiếu tự lập vì bố mẹ và người lớn đã lấy đi sự tự chủ của mình. Nghèo thì càng thiếu tự tin hơn nữa vì giai cấp xã hội. Mỹ là xã hội bình đẳng, nên hãy tự tin và làm những gì mình muốn trong khả năng của mình như đi học lại, mua một căn nhà, hay mở một cửa tiệm…
Sống ở Mỹ, tôi nhớ người thân và bạn bè. Tôi nhớ không khí Tết ở Việt Nam và các món ăn của Việt Nam. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Tôi thấy đời sống bây giờ tiện nghi, đầy đủ hơn. Hòa bình làm đời sống thôn quê dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi thấy khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng rộng mà chính phủ Việt Nam chưa thật sự có chương trình nào để cải thiện. Con người Việt Nam hiện tại sống thực dụng hơn, tình cảm không còn gắn bó như trước.
Nhận xét của người phỏng vấn
Cuộc sống của người Việt Nam trước năm 1975 rất khó khăn cả về mặt vật chất và tinh thần, nhất là những người sống xa thành phố. Ngày ngày, cảm giác đang sống trong thời kỳ chiến tranh vẫn luôn hiện hữu qua tiếng bom. Thỉnh thoảng lại nghe tin bạn bè, người thân trong họ hàng ngã xuống hay bị thương tật vì bom đạn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, con người vẫn tìm niềm vui và hạnh phúc qua tiếng nhạc lời ca hoặc các tiểu thuyết viết về tình yêu, tình bạn bè. Cái không gian yên bình tĩnh lặng dường như là điều gì đó rất đáng quý mà người dân Việt Nam mong chờ trong giai đoạn đó. Mong ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh có lẽ là ước mơ lớn nhất của mọi người Việt trước năm 1975. Tuy thời điểm 30/4/1975 chấm dứt chiến tranh, mang lại sự yên bình cho đất nước, nhưng cảm giác hoang mang và lo âu trong giai đoạn đó là điều khó có thể tránh khỏi. Mỗi người có thể có nhiều nhận thức khác nhau về sự thay đổi của xã hội và đất nước, và họ phải tự chọn cho mình một cuộc sống khác nhau. Một số người chấp nhận sự đổi thay chế độ trên đất nước Việt Nam, một số khác lại chọn con đường vượt biên tìm đến các đất nước tự do hơn, phồn vinh hơn, mặc dù vẫn biết sự sống và cái chết rất gần nhau trên những con thuyền nhỏ mong manh vượt biển!
Bây giờ khi nhìn vào những điều kiện và cơ hội tôi đang có, tôi cảm thấy mình may mắn rất nhiều so với hoàn cảnh sống của cha mẹ tôi. Ở độ tuổi học sinh như tôi, họ đã phải học tập trong môi trường không bình yên của chiến tranh, phải trải qua những tháng ngày lo âu sợ hãi khi sống chung với bom đạn gần kề vào những năm 1968, 1972, 1975. Họ phải làm việc rất nhiều để bươn chải kiếm sống, vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ trước và cả sau 1975. Trong giai đoạn khó khăn đó, tình cảm gia đình là chỗ dựa tinh thần để giúp con người vượt qua và có động lực sống tốt hơn. Vì thế, tôi thật sự trân trọng và gìn giữ tình cảm gia đình cũng như quê hương Việt Nam của mình.
© 2010 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ví dụ như ông ngoại của người thực hiện phỏng vấn, vì từng làm Đại tá ngoài tỉnh Khánh Hòa, nên bị bắt đi cải tạo biệt xứ ở trong rừng, biệt tích mấy năm không biết tung tích. Sau đó được thả về, tuy nhiên, sau đó bị theo dõi cuộc sống thường ngày.
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 3)
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 3)
30/04/2010 | 5:49 sáng |
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Y. Nguyễn
Tôi là Bùi H. Hồi xưa tôi ở miền quê lội dưới bùn cực khổ, chủ yếu được dạy về kiến thức đạo đức giáo dục, tôn trọng người lớn tuổi hơn mình. Tôi trốn miền Bắc vô miền Nam, cha chết khi chiến tranh với Việt cộng, cuộc sống rất cơ cực, khắc nghiệt không tưởng tượng được.
Hồi đó, Mỹ, Nga, Trung cộng giúp Việt Nam với danh nghĩa chống Pháp để giành độc lập. Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin: Đối với người giàu có (bị áp dụng chính sách áp bức) chẳng hạn như bớt 1/3 bơ gạo để quyên góp, sau thành 2/3; người nào trải qua không sống được với cộng sản nên phải ra đi. Hồi đó, người ta vào thành phố bằng đường chính, còn đường nhỏ thì không cho đi. Do kiểm soát chặt chẽ quá nên chỉ có một triệu người ra đi lúc đó. Đời sống rất cực; lúc đó phải có bằng cấp ăn học mới có công ăn việc làm khá. Tôi học hết tiểu học, rồi lên Sài Gòn học junior high school. Hồi đó học ở Việt Nam khó lắm chứ không dễ, phải thi đậu mới được lên lớp trên. Tôi học trường Đại học Phú Thọ, rất khó, 3000 chỉ lấy có 30 người, tôi là một trong 30 người.
Hồi nhỏ tôi hay đọc báo của nhà văn Quyên Di, hiện là giáo sư đại học trường Long Beach dạy về văn học Việt Nam. Tôi đọc từ năm 8 tuổi đến năm hai mươi mấy tuổi. Đọc báo này rất quý và có lợi cho tuổi trẻ. Tôi đọc báo hằng ngày, tiểu thuyết, sách rất nhiều. Hay hay dở tôi đều đọc cả, vì hay hay dở đều có lợi. Đọc cái dở để mình biết mình tránh.
Trước năm 1975, tôi có đọc một quyển sách học làm người. Tôi rất quý quyển sách này. Nhờ nó mà tôi may mắn. Nó giúp cho tôi biết cách sống từ nhỏ; cho đến giờ vẫn còn áp dụng được. Những người ở Mỹ làm chức lớn đều đọc qua quyển này. Nó giúp người ta trau dồi, giúp biết cách suy nghĩ, biết làm sao ăn nói, xử sự. Để đọc quyển này phải có một kiến thức tối thiểu. Hơn nữa phải đọc nhiều lần. Nó dạy mình làm sao biết cách làm cho người khác phục mình, làm cho họ không chê trách mình. Những người làm lớn thường đọc thì mới biết cách điều khiển.
Báo chí thời tôi hồi đó nhiều lắm, tập trung chính ở Sài Gòn, chẳng hạn như Tia sáng, Chính luận, Ngôn luận, Tiếng chuông. Những trang đầu là tin tức chiến tranh khắp nước, tin xây dựng nông thôn, tin về trong nước, rao vặt bán hàng là trang bên trong, rồi tiểu thuyết. Báo chí miền Bắc thì đa số là để kích động dân chúng chống Mỹ cứu nước đánh nhau, chứ không phải văn chương. Nói một cách tổng quát là chỉ đề cao Bác Hồ, chủ nghĩa Mác-Lê, chứ không phải là văn chương tự do.
Tôi thích nhạc hay về cả về âm thanh và nội dung chứ không thiên về một cái gì hết. Đặc biệt tôi thích những bài về quê hương Việt Nam, chẳng hạn như: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi...” (hát). Ca sĩ mà tôi thích nhất là Thái Thanh, với nhiều bài như “Hương cao vô tận,” rồi “Tình ca” do Phạm Duy sáng tác. Thái Thanh có một chất giọng rất đặc biệt. Những bài Thái Thanh hát là những bản nhạc vượt thời gian rất hay, cho đến giờ tôi vẫn thích. Tôi không biết nhiều về nhạc lý, nhưng khi nghe nhạc tôi có thể biết được bản nào có quality hay không. Hồi đó lúc đầu, ca sĩ Khánh Ly rất phổ thông, nhưng chỉ là cao trào nhất thời, chứ không có giá trị mấy. Cho đến sau này thì mới thật sự có vài bản hay của Khánh Ly. Còn có Phương Dung với bài “Con nhạn trắng Gò Công”. Đó là những bản nhạc rất hay mà người khác hát không được. Tài tử văn nghệ lúc đó thì phần lớn về cải lương và rất ít phim ảnh. Hồi đó phim ảnh còn rất yếu, kỹ thuật đóng dở, ví dụ Kiều Trinh, không xuất sắc mấy.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi không phải gia nhập quân đội. Vì bố và ông anh lớn chết, là con trai duy nhất nên tôi được miễn trừ để lấy vợ nối dõi tông đường. Tôi làm trong hãng (nhân sự) lớn, có một chiếc tàu tương đương tàu quốc tế. Nhờ chiếc tàu này mà tôi được đến Mỹ. Lúc đó thời thế thay đổi, mỗi người một số phận. Số tôi rất may vì được đi theo một đoàn tàu trốn ra. Tôi cảm thấy mình là người quá may mắn sung sướng vì không phải đi lính và được làm trong hãng lớn. Đời sống người sĩ quan như tôi lúc đó lương 20/30 ngàn một tháng, không đủ để có một cuộc sống thoải mái (vì phải sống xa gia đình cơ cực thì làm sao mà đủ). Hồi đó, lương người tốt nghiệp đại học tối đa khoảng 25 đến 35 ngàn một tháng. Người dân thường thì lương khoảng 10 ngàn là quá, rất hiếm người có đủ để chi tiêu hay có đời sống gọi là trung bình, trừ những người mua bán hoặc làm cho hãng Mỹ, tiếp xúc với Mỹ, thì mới có tiền.
Đời sống Việt Nam ngày xưa ở miền quê bom đạn ở gần nghe thấy hết. Hồi đó tôi còn nhớ, cách 2 cây số gần nhà, tôi tận mắt chứng kiến cộng sản giết người rất dã man. Bọn chúng đem kiếm ra chặt đầu người ta vào ban đêm, nên ban đêm tôi không dám để cho tụi nó thấy mình có ánh sáng trong nhà. Tôi phải bật đèn dầu rồi che kín lại cho bọn chúng không nhìn thấy để mà học bài. Thời đó đời sống làm lụng khổ cực, tinh thần thì hỗn loạn vì Việt Cộng nằm vùng giết những người xung quanh rất đáng sợ. Ban ngày dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng hòa, còn ban đêm cộng sản đến uy hiếp, thành ra ban ngày ai mà theo chính phủ thì đêm đến lại lo sợ cộng sản uy hiếp mình và ngược lại. Đời sống áp bức lo sợ như vậy nên không thể biết những người xung quanh mình là theo người phía nào. Có những người bán tin tức gọi là cán bộ nằm vùng – spy tiếng Mỹ. Con biết người bán tin tức là sao không? Họ là Việt cộng, bí mật báo cáo, tự nhiên đến gõ cửa dẫn người ta đi luôn, hay nhốt tù người ta. Thành ra hồi đó có những người xung quanh nhiều khi ngủ dậy thấy người thân mình đi đâu mất không biết là do vậy.
Hồi nhỏ tôi còn nhớ, lúc đang đi học ở high school, tôi nghe nói có người bị khủng bố cách 2 cây số. Tôi đến nơi chứng kiến tận mắt. Người cộng sản chặt đầu người ta trước mặt mọi người, mổ bụng rồi gài mìn. Người nhà của người chết thấy thương mà lật lên thì người bị lật và người lật đều chết luôn nên ai cũng sợ. Cộng sản bây giờ khác cộng sản 75. Lính Việt cộng hồi xưa không có quần áo mặc, dép cũng không có mà đi.
Tôi kính trọng Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm vì hồi đó, khi đánh nhau với Việt cộng, Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách Ấp chiến lược. Chính sách này rất hay vì nó tránh Việt cộng trà trộn với quốc gia. Chính sách này gom dân vào một chỗ (giống như chung cư), xung quanh có hàng rào lính canh gác. Vì vậy, người ban đêm mà lảng vảng là biết ngay là cộng sản; ban ngày họ có thể trà trộn được, nhưng ban đêm ai cũng biết ai, nên Việt cộng vô không được. Đây là thời điểm tốt nhất, ông Ngô Đình Diệm rất giỏi. Thật đáng tiếc là về sau người ta hủy bỏ chính sách đó, rất uổng. Sau này, ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm có viết một cuốn sách tên là “Nhân Vị”. Sách này rất hay vì dạy người chỉ huy phải làm sao để có uy tín, để điều khiển được người khác. Ngô Đình Diệm là người tôi nghe được, thấy được, là người đối chọi cộng sản hay nhất. Ông từng đi du học bên ngoài, nhưng khi trở về ông làm lợi cho quốc gia mà không cho bản thân mình.
Vào ngày 28 hay 29 tháng 4 năm 75, tôi còn nhớ lúc đó là dội bom dinh Độc Lập. Đêm đó rất hỗn loạn và tôi lo sợ. Sau ngày đó, đất nước sụp đổ, cộng sản vô, nên mình rất sợ. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam rất sợ. Tôi còn nhớ, cả đêm tôi không ngủ. Tôi trèo lên nóc lầu quan sát tình hình. Máy bay đạn đỏ rực trên trời, tiếng súng nổ khắp nơi. Lúc đó sợ nhưng không biết làm sao.
Đêm trước ngày 30 tháng 4, tôi rất sợ. Tôi không đi đâu vì không ai dám đi trong lúc này. Xong sau thấy người ta bắt đầu đi nhiều nên tôi cũng đi luôn. Tôi đến con đường ra chỗ tàu, lính cản không cho vô (đường biển). Rồi tôi gặp hai người liên lạc sĩ quan hải quân, họ chở tui và gia đình lên tàu. Lúc đó, không còn nhân viên, không có ai làm việc trên tàu, dưới máy có một mình ông engineer, không biết làm sao qua hải cảng được vì tàu lớn mà người quá ít. Tôi là chỉ huy mà phải làm hết. Tôi nói với mấy người trên tàu là các anh phải giúp tôi. Lúc đó ai muốn đi thì đi, không còn luật lệ hay bất cứ cái gì hết. Có một chiếc tàu khác nhỏ hơn tàu tôi, người tràn lên đầy nghẹt, nhưng sau mới biết là tàu bị chết máy. Tàu tôi chở được mười ngàn tấn hàng, lớn quá nên không ai dám lên hết. Lúc đó cảnh sát đóng cổng thương cảng không cho vô, nhưng nếu cho vàng tiền bạc thì họ cho vô nên người ta vô được. Tới nơi rồi cứ đi bừa thôi. Tàu đi chở khoảng 800 người. Chưa rời khỏi hải cảng, trên đường đi ra thì tàu bị bắn. Trái đạn lớn nước vô tàu, nhiều người hoảng sợ nhảy xuống vô bờ. Bắn đến nỗi hư hệ thống ga của tàu. Tôi phải đổi lại hệ thống lái. Sau đó lần hai bị bắn xối xả, may không trúng chỗ người nằm. Đến lần thứ ba tàu bị bắn thì nhà văn Chu Tử, nổi tiếng viết những tiểu thuyết dày về yêu ghét hờn bị bắn trúng. Viên đạn bắn vào tàu trúng vào chỗ ông ấy ngồi. Ông chết trên đường đi tìm tự do.
Sau đó tàu gặp hạm đội của Mỹ, nhưng họ không giúp. Họ ra lệnh mình cứ đi tới Phi Luật Tân. Họ không giúp vì lúc đó có nhiều tàu bè quá, và vì tàu của mình lớn, nên họ nói có khả năng chạy tiếp. Đến nơi thì người trên đảo giúp mang những người bị thương ra khỏi tàu. Cả chết và bị thương là 23 người. Sau đó người ta chở đồ ăn cung cấp cho tàu và giúp mình sửa chữa chỗ hổng trên tàu. Tàu lủng một lỗ khoảng 7 fts. Đến Guam thì ở đó hai tháng, cập vào trại tị nạn ở khoảng một tháng, làm thủ tục rồi đến Mỹ khoảng tháng 7/1975.
Trước đây tôi từng qua Mỹ nên biết đời sống khó vô cùng. Hồi đó tôi biết tiếng Anh nhưng không giỏi. Rồi tôi có quen một người bạn engineer (Mỹ trắng). Ông ta chở tôi về nhà chơi. Tôi bảo ông là thấy đời sống vật chất ở Mỹ sướng, thấy nhiều người đi đây đó như đi Wisconsin. Ông ta mới kể cho tôi nghe là lương kỹ sư 1200$ mà tao phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm xe đủ thứ. Vì vậy nên không dư một đồng nào và cũng không đi đâu được cả. Lúc đó tôi mới cảm thấy đời sống ở Mỹ này rất khó. Mà không chỉ riêng tôi. Trước khi qua đây, nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cũng biết đời sống Mỹ rất khó. Khi mất nước, họ không dám đi mà ở lại chấp nhận đi học tập cải tạo, sống cực khổ trên đất nước quê hương nghèo.
Khi tới Mỹ, tôi nghĩ mình phải cố gắng trau dồi tiếng Anh, học cái căn bản để làm công việc mới. Lúc mới đến, tôi học bằng technician, ở Santa Ana. Sau đó, tôi apply thì nó nhận (resume good). Tôi được nhiều người nhận. Vì có kinh nghiệm, học thức nên tôi vẫn kiếm việc được, dù cuộc sống rất khó khăn. Kiến thức và cố gắng hội nhập là cái cần nhất trong lúc này. Chủ yếu là mình phải chấp nhận. Con có biết chấp nhận là sao không? Chấp nhận nghĩa là bằng lòng với những gì mà mình đang có, nhưng vẫn tiếp tục trau dồi để vương lên. Vấn đề đòi hỏi là ở chỗ thời gian thôi chứ cũng không khó lắm. Vì đi làm cho Mỹ trước 75, biết tiếng Anh căn bản trước rồi nên cũng đỡ. Đa số những người qua đây từng làm cho hãng Mỹ thì ok vì họ biết căn bản.
Kỉ niệm lúc còn nhỏ ở Việt Nam mà tôi nhớ nhất là đi câu, đi thả diều, bắt cá tắm sông. Tôi thích cảnh đẹp đồng bằng sông ngòi Việt Nam, con người Việt Nam. Con người rất hiền lành chất phác dễ thương. Họ nghèo và an phận với cuộc sống của họ. Tôi còn nhớ lần đó tôi trèo lên hái trái bưởi làm bể đồ nhà người ta. Ông chủ nhà nói thôi nó đã cũ rồi, có bể cũng không sao hết con. Tôi có đưa tiền đền nhưng họ không nhận.
Kể từ khi rời đất nước, tôi trở về Việt Nam lần đầu là năm 1995. Tôi về thăm người thân, nhưng lúc tôi về thì mẹ mất rồi, tôi chỉ còn cháu và anh em ở Việt Nam. Trở về thăm, tôi thấy những gia đình sống ở Việt Nam còn quá nghèo. Sau đó, lần cuối cùng là năm 2005 tôi về thăm gia đình. Sau khi tôi về thì người chú mất. Tôi về Việt Nam, hài lòng là thăm được người thân yêu nhưng rất buồn vì thấy đời sống ở bển còn cơ cực. Tôi mơ ước kỉ niệm, đi tìm kỉ niệm, nhưng lúc về Việt Nam thì nó không còn nữa. Sông ngòi ô nhiễm, bị tàn phá trụi lủi.
Theo tôi, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam có hai nhóm người chính. Nhóm người buôn bán thì giàu. Tiền lương trung bình người có trình độ đại học là 100 đô la một tháng, tức 30 đồng một ngày. Hầu hết người ta không có công ăn việc làm. Lương giáo sư có 600 ngàn thì sao mà sống. Có một điều khi trở về thì tôi không thấy sự khác biệt giữa cộng sản và không cộng sản như trước kia trên thành phố Sài Gòn. Mình không làm gì thì họ không động tới mình. Nhưng chính quyền cộng sản vẫn hiện diện và dân chúng vẫn nghèo khổ.
Tôi thấy chỉ về Việt Nam chơi chứ không thể sống. Lý do là vì thực tế y tế; tôi sợ y tế Việt Nam không bảo đảm, kiến thức con người còn thiếu thốn, dụng cụ văn minh tối tân mua về nhưng chưa chắc đã biết sử dụng. Hơn nữa, đời sống xung quanh cực khổ. Là người có đạo đức, mình không thể về đó sống sung sướng trong khi những người xung quanh còn khổ được. Sống ở đây rất là enjoy, lạnh có heat, nóng có máy lạnh, có phương tiện di chuyển. Về Việt Nam, ra Vũng Tàu gần vậy mà đi phải đi tới 4 tiếng đồng hồ, đường phố chật hẹp, không thể nào sống nổi. Đa số những người tôi biết về Việt Nam sống, có người ở được 2 tháng, có người 6 tháng, hoặc nhiều lắm là 8 tháng, chưa ai vượt quá một năm mà sống được. Người thích về Việt Nam là người làm ăn, hoặc có tiền bạc thích sống kiểu thuê người làm, hoặc không có công ăn việc làm ở đây thì mới về Việt Nam.
Nhận xét của người phỏng vấn
Khi bắt đầu trả lời phỏng vấn, bác H. nói “ngày xưa chủ yếu dạy về kiến thức đạo đức giáo dục.” Câu nói của bác làm tôi nhớ đến những điều vừa học trong thời gian qua. Văn học Việt Nam đặt nặng về đạo đức giáo dục, dạy cho người ta cách làm người, nên nó ăn sâu vào suy nghĩ và hành vi của cả một đời người từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Bác H. là một minh chứng sống của ảnh hưởng đó. Bác nói về một cuốn sách “dạy làm người” mà bác trân trọng và quý, cho đến bây giờ bác vẫn còn đọc lại, vẫn còn thấy được giá trị của quyển sách này trong đời sống thực của mình. Ngoài ra, khi nói chuyện với bác, tôi có cảm giác rất cảm thông và hiểu tâm trạng của bác khi bác kể về thời thơ ấu của mình lúc di cư vào Nam. Nghe bác nói, “cuộc sống tôi rất cực khổ… con không tưởng tượng được…”, tôi nhớ tới nhân vật Xuân trong “Tiếng đàn” của Hoàng Đạo. Xuân luôn có mặc cảm, có cảm giác xa lạ như đang đứng trên một đất nước khác trong chuyến đi của mình đến Huế. Đó là tâm lý chung của người miền Bắc khi đặt chân lên một miền đất mới. Cuộc sống và tuổi trẻ của bác H. bắt đầu bằng sự lập nghiệp ở miền Nam xa lạ, một hành trình đầy gian khổ, gắn liền với những sự kiện bất ổn của chiến tranh. Cuộc trò chuyện với bác H. giúp tôi thấy cuộc sống của mình rất may mắn hơn những người thế hệ trước đây vì họ phải trải qua bao thử thách lớn, lâm vào tình cảnh là người rời bỏ quê hương của mình để có thể tìm đến một cuộc sống tự do nơi đất Mỹ.
2. Bài phỏng vấn của M. Berry
Tôi tên là Nguyễn M.T., được 62 tuổi. Tôi sinh ở Sài Gòn, lúc nhỏ tôi đi học ở tiểu học và trung học, sau đó tôi đi lính. Thời nhỏ tôi muốn trở thành bác sĩ, nhưng sau khi học hết trung học, tôi phải nhập ngũ, vào quân đội. Sau đó tôi chuyển qua không quân, cho nên không có dịp học y khoa.
Tôi đọc báo nhiều hơn đọc sách và thích báo về chính trị nhiều hơn, chẳng hạn báo Độc lập. Khi đọc sách, tôi đọc về lịch sử, truyện cười, tình yêu, tình cảm, và lãng mạn. Tôi hâm mộ các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, và Lý Thường Kiệt. Tôi thích những bài hát của Trịnh Công Sơn – như Diễm xưa, Cát bụi, và Mưa hồng, thích các ca sỹ Khánh Ly và Lệ Thu. Tôi cũng thích những loại nhạc khác như nhạc tình cảm, nhạc trẻ, và nhạc Tây như Beatles và ABBA.
Tôi làm máy bay vận tải. Khi trên trời, tôi chụp hình và thả pháo sáng. Thời đó tôi đã lập gia đình, có một con gái, nhưng đời sống chật vật khó khăn và lương lậu ít ỏi. Đời sống ở Việt Nam trước 1975 đa số dễ dàng; mọi người được tự do đi lại, rất thoải mái, có nhiều cơ hội. Họ có quyền phê bình chính phủ.
Ngày 30/4/75, tôi ở căn cứ U Tapao ở Thái Lan. Lúc đó tôi có cảm giác mất mát, hoang mang, mụ mị, không biết đất nước như thế nào, không biết đi đâu, không biết tương lai về đâu. Tôi ở Thái Lan khoảng một tuần, đi máy bay đến Guam, sau đó từ Guam đến Mỹ bằng máy bay. Chính phủ Mỹ cho tôi đến Doanh trại Chafee, tiểu bang Arkansas. Tôi ở đó một tháng. Rồi tôi với gia đình chuyển sang sống ở tiểu bang Maryland. Tôi phải bảo trợ họ từ Pháp sang. Tôi đi làm bồi bàn và đồng thời đi học về máy tính để trở thành một kỹ sư phần mềm. Vào năm 1977, chúng tôi đi Washington DC và sống ở tiểu bang Virginia năm năm, rồi năm 1980 chuyển sang tiểu bang California. Chúng tôi sống ở Riverside hai năm, lúc đó tôi làm kỹ sư máy tính cho Siêu thị Brothers. Từ năm 1984, chúng tôi chuyển tới San Jose. Tôi làm kỹ sư máy tính cho công ty National Semiconductor.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ tất cả mọi thứ, cuộc sống hàng ngày, đồ ăn, lối sống, sinh quán, đường phố, nhà cửa, bạn bè, người thân. Tôi cũng thường nhớ thời thơ ấu và thời lớn lên. Nhưng sau một thời gian hơi dài thì tôi thấy mình đã hội nhập được. Tôi học về văn hóa của người Mỹ bằng cách đi làm. Mới đầu, tôi thấy khó tiếp xúc. Nhưng dần dần tôi bắt đầu làm bạn với người Mỹ, tìm hiểu về các môn thể thao, âm nhạc, vân vân. Khía cạnh khó khăn nhất là ngôn ngữ. Nhưng bây giờ tôi cảm giác nước Mỹ là quê hương thứ hai của mình.
Kể từ khi rời Việt Nam, tôi đã trở lại rất nhiều lần rồi. Gần như năm nào tôi cũng về. Lần đầu tôi về (sau khi miền Nam thất thủ) là năm 1991 khi ông cụ mất, và phải về để cúng bái. Tôi thấy chế độ của chính quyền hiện tại rất ràng buộc, không có tự do cá nhân như ngày xưa, dân nghèo hơn, đa số không có dịp học nhiều, người địa phương có vẻ thận trọng, đắn đo lời nói hoặc là không được nói, không được phát biểu quan điểm. Khi phát biểu ý kiến, họ rất cẩn thận.
Trong tương lai, tôi hy vọng Việt Nam sẽ được có tự do nhiều hơn và người dân giàu có hơn. Tôi nghĩ tự do quan trọng hơn giàu có. Theo tôi, tự do làm nước giàu có và may mắn hơn. Tôi lo sợ trong tương lai thế hệ trẻ không có giáo dục, không học hỏi nhiều. So với cách đây 30 năm, bây giờ văn hóa Việt Nam đang cải thiện đến một mức độ tốt hơn. Tuy nhiên, thế hệ trẻ cần học nhiều, học tiếng Anh, học lịch sử độc lập, học về nước Tàu, nước Pháp, học về một ngàn năm độc lập của Việt Nam. Độc lập là quan trọng vô cùng. Họ phải học về lịch sử, văn hóa, truyền thống, hiếu nghĩa, trọng nghĩa. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều quá, trộn văn hóa ngoại quốc nhiều quá, giống như Hàn Quốc. Thế hệ trẻ cho rằng họ rất tinh vi, nhưng họ thật sự tham lam. Họ cố gắng để làm giàu mà không cần học tập, họ kết hôn với người nước ngoài để làm giàu, nó thật sự là buồn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Tôi luôn ngạc nhiên bởi sự kiên cường và những cống hiến của thế hệ trước. Thế hệ này trải qua chiến tranh, tị nạn, đói nghèo, khủng bố chính trị, và tái định cư tại nước ngoài, nhưng họ vẫn kiên trì và tạo ra cuộc sống mới. Nhiều người làm như vậy mà không trở nên cay đắng hay nuôi ác tâm. Ngược lại, tôi nghĩ họ là một nhóm người giàu lòng từ thiện, vui vẻ, và trung thực. Mất quê hương và khởi động lại ở nước ngoài là một việc cực kỳ khó khăn. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Mỹ không thể làm điều đó.
Tôi đồng ý với nhiều lo ngại của thế hệ lớn về thế hệ trẻ. Phải biết lịch sử mới hiểu được bản sắc riêng của mình. Việc theo đuổi tiền tài mà không cần xem xét đến khía cạnh đạo đức sẽ dẫn đến thảm họa xã hội và thất bại cá nhân. Tôi hy vọng mình có thể giúp thế hệ lớn kể những câu chuyện của họ để giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của độc lập, tự do, và hòa bình. Người Việt thường nhiều hy vọng và lạc quan. Trong khi họ hiểu được nỗi buồn qua âm nhạc, thơ, và văn học, họ vẫn tin rằng tương lai có thể tiếp tục cải thiện. Qua sự kết hợp giữa kiến thức và hy vọng đó, tôi cảm thấy rằng thế hệ người Việt đi trước thực sự có những điều để giảng dạy toàn bộ thế giới. Họ là hiện thân của những bài học lịch sử. Tôi thực sự may mắn được biết những người thuộc thế hệ này của Việt Nam.
3. Bài phỏng vấn của M. Nguyễn
Tôi tên Hà L., sinh năm 1953 tại Huế, Việt Nam, là con thứ 9 trong một gia đình có 15 người con. Gia đình tôi thuộc loại dân nghèo thành thị. Cha tôi làm công chức, lái xe ở ti công chánh thị xã. Mẹ tôi ở nhà chăm sóc con cái. Cả 15 anh em đều được đi học. Hồi nhỏ tôi vừa đi học, vừa đi quét rác và lượm củi giúp gia đình. Anh em tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn đi làm thuê và đi học trong đó. Cha tôi mất sớm, nên gia đình khó khăn hơn lúc trước. Mẹ tôi phải đi làm thuê kiếm từng bữa qua ngày, may mắn là cũng nuôi lớn mấy anh em tôi. Năm 1964, một số anh em tôi qua đời vì bị bệnh đậu mùa. Một số khác qua đời vì đạn lạc và mìn. Gia đình tôi chỉ còn lại 9 người.
Khi lên 7, tôi vào học trường tiểu học Nam Giao. Sau khi thi đậu đệ thất, tôi được học trường trung học Đồng Khánh ở Huế từ lớp 6-12. Tới năm 1973, tôi thi vào trường sư phạm Qui Nhơn. Học ở đó được một năm rưỡi thì giải phóng miền Nam, tôi phải chạy loạn vào Sài Gòn.
Tôi sống trong thời chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa và cộng sản. Cả gia đình tôi về mặt vật chất hơi thiếu thốn, nhưng cuộc sống khá ổn định. Các anh em trai của tôi đến 12, 13 tuổi được gởi vào Qui Nhơn, vào nhà bà con làm thuê và giúp việc. Còn chị em gái tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn học. Khoảng thời gian còn nhỏ, tôi hay nghe tin những người lính tử trận khắp nơi, dần dần tôi được chứng kiến cảnh họ chết ngay trước nhà. Cảm giác khá hinh hãi, nhưng dần tôi cũng ý thức được đó là chiến tranh. Tiếng bom mìn dần trở thành một thứ âm thanh tôi nghe thường xuyên. Những lúc chiều đến, mỗi khi nghe tiếng còi Thiếu Quân Lục hú, ai ai cũng hối hả chạy về nhà trốn trong hầm. Mỗi lần như thế, thêm tiếng đạn cannon bắn, tôi sợ ghê lắm. Xuân Mậu Thân 1968, cộng sản tấn công Huế làm cả nhà tôi tan tác. Gia đình tôi phải chạy vào trường trốn. Một tháng sau cuộc công kích, tôi trở lại nhà và phải chứng kiến cảnh một số người thân và láng giềng bị chôn sống trên đồi. Thêm vào đó là cái chết của ông hàng xóm. Ổng là lính xây dựng nông thôn, bị Việt cộng giết trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tôi nhớ sáng sớm nghe tiếng cả nhà ổng khóc thảm thiết, chạy qua coi mới thấy xác ông nằm trong nhà, đầu bị bôi vôi trắng toát. Phải chứng kiến những cảnh như vậy làm cho tinh thần tôi bị chấn thương. Tôi sống trong sợ sệt, đặc biệt là khi đêm xuống, tôi cứ nghĩ tới chuyện Việt cộng về. Tôi không hình dung ra Việt cộng là ai, cứ tưởng họ là người rừng, không biết họ sẽ giết ai, không biết khi nào sẽ đến phiên gia đình tôi bị giết cảnh cáo như ông lính xây dựng nông thôn kia. Khi lớn lên vào Qui Nhơn học, tôi cũng không dám đi xe về thăm nhà vì sợ bị Việt cộng phục kích, cho xe nổ mìn. Cuộc sống kinh hoàng của tôi kéo dài cho đến năm 1975.
Xã hội miền Nam trước 1975 rất quan trọng việc học. Trẻ em đều được đến trường mà không phải nộp lệ phí. Tất cả mọi người dân đời sống nghèo khổ và phải lao động khá vất vả. Con nít ngoài việc học còn phải phụ gia đình đi làm thêm hoặc đi xa nhà làm thuê nuôi gia đình (như các anh em tôi). Còn con trai đến tuổi quân dịch, nếu thi hỏng tú tài bán phần hay toàn phần thì phải nhập ngũ, ngoại trừ những gia đình chỉ có một người con trai thì được miễn. Còn về xã hội, tôi nhớ có một khoảng thời gian gọi là Gia đình trị (hình như năm 1963). Lúc đó toàn quyền lãnh đạo đều nằm trong tay gia đình Ngô Đình Diệm. Tôi nhớ họ đàn áp đạo Phật ghê lắm. Gia đình tôi ở trong xóm chùa nên có lúc nghe những thầy trong chùa mang nồi chảo ra đánh, khuyến khích mọi người mang bàn thờ ra để ngoài đường, mục đích là biểu tình chống đối những chính sách của Diệm.
Tôi hay đọc những tiểu thuyết lãng mạn của Nhật Tiến, Nhã Ca, truyện Tuổi Hoa, hoặc những truyện dịch của nước ngoài như Hàm cá mập, Ngư ông và biển cả, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú, v.v… Tôi thích nghe nhạc tiền chiến (“Lá thư”, “Mộng dưới hoa”, “Đưa em đi tìm động hoa vàng”) và các nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn, thích ca sĩ Thái Thanh và Khánh Ly.
Ngày 30/4/75, tôi đang ở Sài Gòn (đi di tản) và tạm trú ở nhà người bà con xa. Cảm giác của tôi lúc đó rất sợ hãi và cảm thấy bế tắc. Không có anh em, không cha mẹ, tình cảnh loạn lạc, tôi sợ không biết có bao giờ gặp lại được người thân nữa hay không. Cảm giác vô cùng hoang mang và lạc lõng. Tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao khi quân giải phóng đến Sài Gòn vì việc học của tôi đang bị bỏ lỡ. Chính quyền mới lên cai trị thì tôi chắc chắn rằng hệ thống, cơ cấu giáo dục sẽ bị thay đổi ít nhiều. Mà không có học, không có bằng cấp thì tôi không biết phải làm gì để nuôi bản thân và gia đình. Tôi cũng không biết làm cách nào để trở lại Huế và sự an nguy của gia đình ở ngoài đó tôi cũng còn chưa biết ra sao.
Sau 30/4, tôi tìm mọi cách trở lại Qui Nhơn vào lại trường cũ để xin học rồi lấy bằng ra trường. Nhưng nhà trường lúc ấy có thông báo là không nhận và bắt tôi trở về quê quán nếu muốn học tiếp. Sau khi trở về Huế, tôi nộp đơn vào trường sư phạm để tiếp tục học. Ở trường sư phạm, người ta bắt tôi phải vừa đi thực tập ở những trường tiểu học vạn đò, vừa phải đi học chính trị. Học xong họ mới cấp bằng cho tôi tốt nghiệp. Có bằng cấp rồi, họ điều tôi về các vùng ven, xa nhà mấy chục cây số để dạy. Tôi dạy được mười năm thì nghỉ để lo việc gia đình, và tiếp tục ở nhà lo việc bếp núc cho đến khi sang Mỹ.
Tôi sang Mỹ năm 2004 bằng máy bay. Khi nhận được giấy phỏng vấn, tôi tràn trề hi vọng được đổi đời và được thoát khỏi chế độ khắc nghiệt. Tôi mua vé vào Sài Gòn 10 ngày trước khi đi vì tôi mong được đi lắm, cộng thêm niềm vui vì được đi cả nhà và được đoàn tụ với gia đình anh em bên kia. Khi tới Mỹ thì tôi lại thấy lo và lạc lõng vì không biết tiếng và không biết lúc nào có thể hội nhập được với đời sống mới. Tôi cũng rất lo vì không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình, ngay đến chuyện ăn ở cũng không biết (mặc dù em tôi có thể lo chỗ ở, nhưng bản thân tôi muốn được tự túc lo cho cả gia đình mình).
Sang đây, chồng tôi đi làm, con cái đi học, bản thân tôi thì ở nhà lo việc nội trợ. Ban đêm tôi có đi học thêm ESL, mục đích là để phần nào hòa nhập với cuộc sống ở đây nhanh hơn. Buổi đầu thì cũng không thấy hội nhập hoàn toàn vì tôi còn bỡ ngỡ về tiếng nói, xã hội, con người. Ra đường tôi không nói chuyện được với ai, nên gặp khó khăn nhiều khi đi mua sắm hoặc khi muốn giao tiếp với người nước ngoài. Truyền thống và văn hóa ở đây khác so với Việt Nam, nên tôi chưa quen với những phong tục hay cách ăn mặc và ứng xử. Vì tôi cũng đứng tuổi rồi nên phải một thời gian dài sau tôi mới bắt đầu quen dần với đời sống ở đây.
Sang Mỹ, tôi nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu, nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên, nhớ những thời gian làm lụng cực khổ. Hầu như đêm nào tôi cũng theo dõi tin tức ở Việt Nam, từ kinh tế đến đời sống, xã hội từ những website trên mạng. Tôi cũng hay đọc báo do cộng đồng người Việt ở Mỹ xuất bản.
Đời sống của người Việt ở Mỹ cao hơn và đầy đủ hơn người trong nước về mọi mặt. Ví dụ như sức khỏe. Ở Mỹ, những người income thấp sẽ có chương trình Medicare giúp đỡ tiền bảo hiểm sức khỏe. Nếu không đủ ăn thì có food stamps hay là những chương trình tài trợ ở nhà thờ hoặc những tổ chức từ thiện. Ở Việt Nam thì những điều này hầu như không có. Ở Mỹ, tôi được tự do phát biểu ý kiến qua những hệ thống truyền thông như báo chí, truyền hình. Còn ở Việt Nam, cuộc sống của nhân dân bị bưng bít quá nhiều nên đời sống tinh thần không được thoải mái bằng cuộc sống ở đây. Ở đây, người ta có thể tự do biểu tình chống đối một đảng phái chính trị (như cuộc biểu tình quan chức nhà nước Việt Nam sang thăm viếng) mà không bị đi tù. Người ta có thể đứng ngoài đường cầm cờ, bảng hiệu, hô hò để phát biểu ý kiến mà vẫn được cho phép. Trong khi đó nếu ở Việt Nam, những chuyện như thế này đều bị cấm đoán.
Tôi thích thay đổi chế độ cộng sản thành chế độ tự do. Tôi thấy nếu thay đổi được chế độ thì xã hội Việt Nam sẽ rất văn minh và tiến bộ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không thua gì các nước như Thái Lan hay Nhật Bản. Tôi thấy hồi xưa Thái Lan không bằng Việt Nam, nhưng vì chế độ cộng sản vào sau năm 1975, Việt Nam không được phát triển nhiều nên bây giờ thua rất nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam bây giờ, dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận không được tôn trọng. Tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng. Mặc dù vậy, đời sống so với trước năm 75 được nâng cao nhiều, có phần tiến bộ hơn. Hiện nay, tôi thấy Việt Nam có nhiều nhà cao tầng, khách sạn, xe cộ đi lại đông hơn. Đồng thời du lịch phát triển mạnh nên Việt Nam bây giờ được biết đến nhiều hơn so với những năm về trước.
Nhận xét của người phỏng vấn
Qua những gì được nghe kể trong cuộc phỏng vấn, tôi thấy rằng những người lớn lên trong chiến tranh thường bị tổn thương nặng về mặt tâm lí vì phải chứng kiến chết chóc và mất mát nhiều trong gia đình và xã hội. Từ đó, họ đâm ra thù ghét và muốn đổ lỗi cho một phe phái nào đó, và trong trường hợp này là quân đội giải phóng (Việt cộng). Khi nghe mẹ kể những câu chuyện về Tết Mậu Thân, tôi thấy sự thật rất trái ngược với những gì học trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù khi mới định cư sang Mỹ, thấy thái độ của người Việt ở đây rất khác với những người ở Việt Nam, tôi chưa hiểu rõ nguyên do của sự khác biệt này. Bây giờ nhờ cuộc phỏng vấn này, tôi mới hiểu ra được vấn đề. Cộng đồng người Việt ở đây rất đoàn kết và phát triển (về mặt văn hóa và tuyên truyền), nhưng vẫn có một số mặt không được tích cực. Qua lời kể và quan sát thì người Việt ở đây sống khá hoài cổ. Họ chỉ sống trong quá khứ, luôn hướng về những hoài niệm chiến tranh, vẫn mang lòng thù hận, vẫn luôn đi biểu tình phản kháng chế độ cộng sản. Tôi cho rằng không có gì sai khi kỉ niệm hoặc tưởng nhớ những ngày lễ, nhưng thay vì tiếp tục đăng các bài báo chỉ trích hoặc liên tục đi biểu tình phản đối cộng sản ở Mỹ, người Việt có thể sống thoải mái hơn nếu họ nhận thức được rằng sống trong kí ức xấu của chiến tranh không bao giờ thay đổi được quá khứ.
Về mặt con người và xã hội, ảnh hưởng của phong trào lãng mạn được thấy rõ qua những tiểu thuyết và tác phẩm văn học mà mẹ tôi đọc trong khoảng thời gian trước. Sự du nhập của truyện nước ngoài và truyện dịch vào thời điểm này rất lớn (đặc biệt là của những nhà văn Mỹ, phải chăng là vì chiến tranh có sự tham gia của quân đội Mỹ?). Những tác phẩm văn thơ tiền chiến được phổ nhạc cũng khá phổ biến trong giới thanh niên thời đó. Về mặt đời sống, hoàn cảnh gia đình vẫn rất nghèo, và truyền thống phong kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng chưa được thay đổi nhiều. Bà ngoại tôi, trước khi chồng mất, đảm nhận công việc nội trợ và phó thác việc xã hội cho chồng. Chỉ sau khi ông mất, vì hoàn cảnh túng quẫn và còn con nhỏ, bà mới đi làm thêm để nuôi gia đình. Mẹ tôi, mặc dù được đi học, nhưng bà cuối cùng cũng phải ở nhà để lo việc gia đình, chỉ phụ thuộc vào ba tôi. Ngay khi qua đến Mỹ rồi, được sống ở một xã hội văn minh và hiện đại hơn nhiều, vai trò truyền thống này vẫn không được thay đổi.
© 2010 talawas
30/04/2010 | 5:49 sáng |
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Y. Nguyễn
Tôi là Bùi H. Hồi xưa tôi ở miền quê lội dưới bùn cực khổ, chủ yếu được dạy về kiến thức đạo đức giáo dục, tôn trọng người lớn tuổi hơn mình. Tôi trốn miền Bắc vô miền Nam, cha chết khi chiến tranh với Việt cộng, cuộc sống rất cơ cực, khắc nghiệt không tưởng tượng được.
Hồi đó, Mỹ, Nga, Trung cộng giúp Việt Nam với danh nghĩa chống Pháp để giành độc lập. Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin: Đối với người giàu có (bị áp dụng chính sách áp bức) chẳng hạn như bớt 1/3 bơ gạo để quyên góp, sau thành 2/3; người nào trải qua không sống được với cộng sản nên phải ra đi. Hồi đó, người ta vào thành phố bằng đường chính, còn đường nhỏ thì không cho đi. Do kiểm soát chặt chẽ quá nên chỉ có một triệu người ra đi lúc đó. Đời sống rất cực; lúc đó phải có bằng cấp ăn học mới có công ăn việc làm khá. Tôi học hết tiểu học, rồi lên Sài Gòn học junior high school. Hồi đó học ở Việt Nam khó lắm chứ không dễ, phải thi đậu mới được lên lớp trên. Tôi học trường Đại học Phú Thọ, rất khó, 3000 chỉ lấy có 30 người, tôi là một trong 30 người.
Hồi nhỏ tôi hay đọc báo của nhà văn Quyên Di, hiện là giáo sư đại học trường Long Beach dạy về văn học Việt Nam. Tôi đọc từ năm 8 tuổi đến năm hai mươi mấy tuổi. Đọc báo này rất quý và có lợi cho tuổi trẻ. Tôi đọc báo hằng ngày, tiểu thuyết, sách rất nhiều. Hay hay dở tôi đều đọc cả, vì hay hay dở đều có lợi. Đọc cái dở để mình biết mình tránh.
Trước năm 1975, tôi có đọc một quyển sách học làm người. Tôi rất quý quyển sách này. Nhờ nó mà tôi may mắn. Nó giúp cho tôi biết cách sống từ nhỏ; cho đến giờ vẫn còn áp dụng được. Những người ở Mỹ làm chức lớn đều đọc qua quyển này. Nó giúp người ta trau dồi, giúp biết cách suy nghĩ, biết làm sao ăn nói, xử sự. Để đọc quyển này phải có một kiến thức tối thiểu. Hơn nữa phải đọc nhiều lần. Nó dạy mình làm sao biết cách làm cho người khác phục mình, làm cho họ không chê trách mình. Những người làm lớn thường đọc thì mới biết cách điều khiển.
Báo chí thời tôi hồi đó nhiều lắm, tập trung chính ở Sài Gòn, chẳng hạn như Tia sáng, Chính luận, Ngôn luận, Tiếng chuông. Những trang đầu là tin tức chiến tranh khắp nước, tin xây dựng nông thôn, tin về trong nước, rao vặt bán hàng là trang bên trong, rồi tiểu thuyết. Báo chí miền Bắc thì đa số là để kích động dân chúng chống Mỹ cứu nước đánh nhau, chứ không phải văn chương. Nói một cách tổng quát là chỉ đề cao Bác Hồ, chủ nghĩa Mác-Lê, chứ không phải là văn chương tự do.
Tôi thích nhạc hay về cả về âm thanh và nội dung chứ không thiên về một cái gì hết. Đặc biệt tôi thích những bài về quê hương Việt Nam, chẳng hạn như: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi...” (hát). Ca sĩ mà tôi thích nhất là Thái Thanh, với nhiều bài như “Hương cao vô tận,” rồi “Tình ca” do Phạm Duy sáng tác. Thái Thanh có một chất giọng rất đặc biệt. Những bài Thái Thanh hát là những bản nhạc vượt thời gian rất hay, cho đến giờ tôi vẫn thích. Tôi không biết nhiều về nhạc lý, nhưng khi nghe nhạc tôi có thể biết được bản nào có quality hay không. Hồi đó lúc đầu, ca sĩ Khánh Ly rất phổ thông, nhưng chỉ là cao trào nhất thời, chứ không có giá trị mấy. Cho đến sau này thì mới thật sự có vài bản hay của Khánh Ly. Còn có Phương Dung với bài “Con nhạn trắng Gò Công”. Đó là những bản nhạc rất hay mà người khác hát không được. Tài tử văn nghệ lúc đó thì phần lớn về cải lương và rất ít phim ảnh. Hồi đó phim ảnh còn rất yếu, kỹ thuật đóng dở, ví dụ Kiều Trinh, không xuất sắc mấy.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi không phải gia nhập quân đội. Vì bố và ông anh lớn chết, là con trai duy nhất nên tôi được miễn trừ để lấy vợ nối dõi tông đường. Tôi làm trong hãng (nhân sự) lớn, có một chiếc tàu tương đương tàu quốc tế. Nhờ chiếc tàu này mà tôi được đến Mỹ. Lúc đó thời thế thay đổi, mỗi người một số phận. Số tôi rất may vì được đi theo một đoàn tàu trốn ra. Tôi cảm thấy mình là người quá may mắn sung sướng vì không phải đi lính và được làm trong hãng lớn. Đời sống người sĩ quan như tôi lúc đó lương 20/30 ngàn một tháng, không đủ để có một cuộc sống thoải mái (vì phải sống xa gia đình cơ cực thì làm sao mà đủ). Hồi đó, lương người tốt nghiệp đại học tối đa khoảng 25 đến 35 ngàn một tháng. Người dân thường thì lương khoảng 10 ngàn là quá, rất hiếm người có đủ để chi tiêu hay có đời sống gọi là trung bình, trừ những người mua bán hoặc làm cho hãng Mỹ, tiếp xúc với Mỹ, thì mới có tiền.
Đời sống Việt Nam ngày xưa ở miền quê bom đạn ở gần nghe thấy hết. Hồi đó tôi còn nhớ, cách 2 cây số gần nhà, tôi tận mắt chứng kiến cộng sản giết người rất dã man. Bọn chúng đem kiếm ra chặt đầu người ta vào ban đêm, nên ban đêm tôi không dám để cho tụi nó thấy mình có ánh sáng trong nhà. Tôi phải bật đèn dầu rồi che kín lại cho bọn chúng không nhìn thấy để mà học bài. Thời đó đời sống làm lụng khổ cực, tinh thần thì hỗn loạn vì Việt Cộng nằm vùng giết những người xung quanh rất đáng sợ. Ban ngày dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng hòa, còn ban đêm cộng sản đến uy hiếp, thành ra ban ngày ai mà theo chính phủ thì đêm đến lại lo sợ cộng sản uy hiếp mình và ngược lại. Đời sống áp bức lo sợ như vậy nên không thể biết những người xung quanh mình là theo người phía nào. Có những người bán tin tức gọi là cán bộ nằm vùng – spy tiếng Mỹ. Con biết người bán tin tức là sao không? Họ là Việt cộng, bí mật báo cáo, tự nhiên đến gõ cửa dẫn người ta đi luôn, hay nhốt tù người ta. Thành ra hồi đó có những người xung quanh nhiều khi ngủ dậy thấy người thân mình đi đâu mất không biết là do vậy.
Hồi nhỏ tôi còn nhớ, lúc đang đi học ở high school, tôi nghe nói có người bị khủng bố cách 2 cây số. Tôi đến nơi chứng kiến tận mắt. Người cộng sản chặt đầu người ta trước mặt mọi người, mổ bụng rồi gài mìn. Người nhà của người chết thấy thương mà lật lên thì người bị lật và người lật đều chết luôn nên ai cũng sợ. Cộng sản bây giờ khác cộng sản 75. Lính Việt cộng hồi xưa không có quần áo mặc, dép cũng không có mà đi.
Tôi kính trọng Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm vì hồi đó, khi đánh nhau với Việt cộng, Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách Ấp chiến lược. Chính sách này rất hay vì nó tránh Việt cộng trà trộn với quốc gia. Chính sách này gom dân vào một chỗ (giống như chung cư), xung quanh có hàng rào lính canh gác. Vì vậy, người ban đêm mà lảng vảng là biết ngay là cộng sản; ban ngày họ có thể trà trộn được, nhưng ban đêm ai cũng biết ai, nên Việt cộng vô không được. Đây là thời điểm tốt nhất, ông Ngô Đình Diệm rất giỏi. Thật đáng tiếc là về sau người ta hủy bỏ chính sách đó, rất uổng. Sau này, ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm có viết một cuốn sách tên là “Nhân Vị”. Sách này rất hay vì dạy người chỉ huy phải làm sao để có uy tín, để điều khiển được người khác. Ngô Đình Diệm là người tôi nghe được, thấy được, là người đối chọi cộng sản hay nhất. Ông từng đi du học bên ngoài, nhưng khi trở về ông làm lợi cho quốc gia mà không cho bản thân mình.
Vào ngày 28 hay 29 tháng 4 năm 75, tôi còn nhớ lúc đó là dội bom dinh Độc Lập. Đêm đó rất hỗn loạn và tôi lo sợ. Sau ngày đó, đất nước sụp đổ, cộng sản vô, nên mình rất sợ. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam rất sợ. Tôi còn nhớ, cả đêm tôi không ngủ. Tôi trèo lên nóc lầu quan sát tình hình. Máy bay đạn đỏ rực trên trời, tiếng súng nổ khắp nơi. Lúc đó sợ nhưng không biết làm sao.
Đêm trước ngày 30 tháng 4, tôi rất sợ. Tôi không đi đâu vì không ai dám đi trong lúc này. Xong sau thấy người ta bắt đầu đi nhiều nên tôi cũng đi luôn. Tôi đến con đường ra chỗ tàu, lính cản không cho vô (đường biển). Rồi tôi gặp hai người liên lạc sĩ quan hải quân, họ chở tui và gia đình lên tàu. Lúc đó, không còn nhân viên, không có ai làm việc trên tàu, dưới máy có một mình ông engineer, không biết làm sao qua hải cảng được vì tàu lớn mà người quá ít. Tôi là chỉ huy mà phải làm hết. Tôi nói với mấy người trên tàu là các anh phải giúp tôi. Lúc đó ai muốn đi thì đi, không còn luật lệ hay bất cứ cái gì hết. Có một chiếc tàu khác nhỏ hơn tàu tôi, người tràn lên đầy nghẹt, nhưng sau mới biết là tàu bị chết máy. Tàu tôi chở được mười ngàn tấn hàng, lớn quá nên không ai dám lên hết. Lúc đó cảnh sát đóng cổng thương cảng không cho vô, nhưng nếu cho vàng tiền bạc thì họ cho vô nên người ta vô được. Tới nơi rồi cứ đi bừa thôi. Tàu đi chở khoảng 800 người. Chưa rời khỏi hải cảng, trên đường đi ra thì tàu bị bắn. Trái đạn lớn nước vô tàu, nhiều người hoảng sợ nhảy xuống vô bờ. Bắn đến nỗi hư hệ thống ga của tàu. Tôi phải đổi lại hệ thống lái. Sau đó lần hai bị bắn xối xả, may không trúng chỗ người nằm. Đến lần thứ ba tàu bị bắn thì nhà văn Chu Tử, nổi tiếng viết những tiểu thuyết dày về yêu ghét hờn bị bắn trúng. Viên đạn bắn vào tàu trúng vào chỗ ông ấy ngồi. Ông chết trên đường đi tìm tự do.
Sau đó tàu gặp hạm đội của Mỹ, nhưng họ không giúp. Họ ra lệnh mình cứ đi tới Phi Luật Tân. Họ không giúp vì lúc đó có nhiều tàu bè quá, và vì tàu của mình lớn, nên họ nói có khả năng chạy tiếp. Đến nơi thì người trên đảo giúp mang những người bị thương ra khỏi tàu. Cả chết và bị thương là 23 người. Sau đó người ta chở đồ ăn cung cấp cho tàu và giúp mình sửa chữa chỗ hổng trên tàu. Tàu lủng một lỗ khoảng 7 fts. Đến Guam thì ở đó hai tháng, cập vào trại tị nạn ở khoảng một tháng, làm thủ tục rồi đến Mỹ khoảng tháng 7/1975.
Trước đây tôi từng qua Mỹ nên biết đời sống khó vô cùng. Hồi đó tôi biết tiếng Anh nhưng không giỏi. Rồi tôi có quen một người bạn engineer (Mỹ trắng). Ông ta chở tôi về nhà chơi. Tôi bảo ông là thấy đời sống vật chất ở Mỹ sướng, thấy nhiều người đi đây đó như đi Wisconsin. Ông ta mới kể cho tôi nghe là lương kỹ sư 1200$ mà tao phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm xe đủ thứ. Vì vậy nên không dư một đồng nào và cũng không đi đâu được cả. Lúc đó tôi mới cảm thấy đời sống ở Mỹ này rất khó. Mà không chỉ riêng tôi. Trước khi qua đây, nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cũng biết đời sống Mỹ rất khó. Khi mất nước, họ không dám đi mà ở lại chấp nhận đi học tập cải tạo, sống cực khổ trên đất nước quê hương nghèo.
Khi tới Mỹ, tôi nghĩ mình phải cố gắng trau dồi tiếng Anh, học cái căn bản để làm công việc mới. Lúc mới đến, tôi học bằng technician, ở Santa Ana. Sau đó, tôi apply thì nó nhận (resume good). Tôi được nhiều người nhận. Vì có kinh nghiệm, học thức nên tôi vẫn kiếm việc được, dù cuộc sống rất khó khăn. Kiến thức và cố gắng hội nhập là cái cần nhất trong lúc này. Chủ yếu là mình phải chấp nhận. Con có biết chấp nhận là sao không? Chấp nhận nghĩa là bằng lòng với những gì mà mình đang có, nhưng vẫn tiếp tục trau dồi để vương lên. Vấn đề đòi hỏi là ở chỗ thời gian thôi chứ cũng không khó lắm. Vì đi làm cho Mỹ trước 75, biết tiếng Anh căn bản trước rồi nên cũng đỡ. Đa số những người qua đây từng làm cho hãng Mỹ thì ok vì họ biết căn bản.
Kỉ niệm lúc còn nhỏ ở Việt Nam mà tôi nhớ nhất là đi câu, đi thả diều, bắt cá tắm sông. Tôi thích cảnh đẹp đồng bằng sông ngòi Việt Nam, con người Việt Nam. Con người rất hiền lành chất phác dễ thương. Họ nghèo và an phận với cuộc sống của họ. Tôi còn nhớ lần đó tôi trèo lên hái trái bưởi làm bể đồ nhà người ta. Ông chủ nhà nói thôi nó đã cũ rồi, có bể cũng không sao hết con. Tôi có đưa tiền đền nhưng họ không nhận.
Kể từ khi rời đất nước, tôi trở về Việt Nam lần đầu là năm 1995. Tôi về thăm người thân, nhưng lúc tôi về thì mẹ mất rồi, tôi chỉ còn cháu và anh em ở Việt Nam. Trở về thăm, tôi thấy những gia đình sống ở Việt Nam còn quá nghèo. Sau đó, lần cuối cùng là năm 2005 tôi về thăm gia đình. Sau khi tôi về thì người chú mất. Tôi về Việt Nam, hài lòng là thăm được người thân yêu nhưng rất buồn vì thấy đời sống ở bển còn cơ cực. Tôi mơ ước kỉ niệm, đi tìm kỉ niệm, nhưng lúc về Việt Nam thì nó không còn nữa. Sông ngòi ô nhiễm, bị tàn phá trụi lủi.
Theo tôi, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam có hai nhóm người chính. Nhóm người buôn bán thì giàu. Tiền lương trung bình người có trình độ đại học là 100 đô la một tháng, tức 30 đồng một ngày. Hầu hết người ta không có công ăn việc làm. Lương giáo sư có 600 ngàn thì sao mà sống. Có một điều khi trở về thì tôi không thấy sự khác biệt giữa cộng sản và không cộng sản như trước kia trên thành phố Sài Gòn. Mình không làm gì thì họ không động tới mình. Nhưng chính quyền cộng sản vẫn hiện diện và dân chúng vẫn nghèo khổ.
Tôi thấy chỉ về Việt Nam chơi chứ không thể sống. Lý do là vì thực tế y tế; tôi sợ y tế Việt Nam không bảo đảm, kiến thức con người còn thiếu thốn, dụng cụ văn minh tối tân mua về nhưng chưa chắc đã biết sử dụng. Hơn nữa, đời sống xung quanh cực khổ. Là người có đạo đức, mình không thể về đó sống sung sướng trong khi những người xung quanh còn khổ được. Sống ở đây rất là enjoy, lạnh có heat, nóng có máy lạnh, có phương tiện di chuyển. Về Việt Nam, ra Vũng Tàu gần vậy mà đi phải đi tới 4 tiếng đồng hồ, đường phố chật hẹp, không thể nào sống nổi. Đa số những người tôi biết về Việt Nam sống, có người ở được 2 tháng, có người 6 tháng, hoặc nhiều lắm là 8 tháng, chưa ai vượt quá một năm mà sống được. Người thích về Việt Nam là người làm ăn, hoặc có tiền bạc thích sống kiểu thuê người làm, hoặc không có công ăn việc làm ở đây thì mới về Việt Nam.
Nhận xét của người phỏng vấn
Khi bắt đầu trả lời phỏng vấn, bác H. nói “ngày xưa chủ yếu dạy về kiến thức đạo đức giáo dục.” Câu nói của bác làm tôi nhớ đến những điều vừa học trong thời gian qua. Văn học Việt Nam đặt nặng về đạo đức giáo dục, dạy cho người ta cách làm người, nên nó ăn sâu vào suy nghĩ và hành vi của cả một đời người từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Bác H. là một minh chứng sống của ảnh hưởng đó. Bác nói về một cuốn sách “dạy làm người” mà bác trân trọng và quý, cho đến bây giờ bác vẫn còn đọc lại, vẫn còn thấy được giá trị của quyển sách này trong đời sống thực của mình. Ngoài ra, khi nói chuyện với bác, tôi có cảm giác rất cảm thông và hiểu tâm trạng của bác khi bác kể về thời thơ ấu của mình lúc di cư vào Nam. Nghe bác nói, “cuộc sống tôi rất cực khổ… con không tưởng tượng được…”, tôi nhớ tới nhân vật Xuân trong “Tiếng đàn” của Hoàng Đạo. Xuân luôn có mặc cảm, có cảm giác xa lạ như đang đứng trên một đất nước khác trong chuyến đi của mình đến Huế. Đó là tâm lý chung của người miền Bắc khi đặt chân lên một miền đất mới. Cuộc sống và tuổi trẻ của bác H. bắt đầu bằng sự lập nghiệp ở miền Nam xa lạ, một hành trình đầy gian khổ, gắn liền với những sự kiện bất ổn của chiến tranh. Cuộc trò chuyện với bác H. giúp tôi thấy cuộc sống của mình rất may mắn hơn những người thế hệ trước đây vì họ phải trải qua bao thử thách lớn, lâm vào tình cảnh là người rời bỏ quê hương của mình để có thể tìm đến một cuộc sống tự do nơi đất Mỹ.
2. Bài phỏng vấn của M. Berry
Tôi tên là Nguyễn M.T., được 62 tuổi. Tôi sinh ở Sài Gòn, lúc nhỏ tôi đi học ở tiểu học và trung học, sau đó tôi đi lính. Thời nhỏ tôi muốn trở thành bác sĩ, nhưng sau khi học hết trung học, tôi phải nhập ngũ, vào quân đội. Sau đó tôi chuyển qua không quân, cho nên không có dịp học y khoa.
Tôi đọc báo nhiều hơn đọc sách và thích báo về chính trị nhiều hơn, chẳng hạn báo Độc lập. Khi đọc sách, tôi đọc về lịch sử, truyện cười, tình yêu, tình cảm, và lãng mạn. Tôi hâm mộ các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, và Lý Thường Kiệt. Tôi thích những bài hát của Trịnh Công Sơn – như Diễm xưa, Cát bụi, và Mưa hồng, thích các ca sỹ Khánh Ly và Lệ Thu. Tôi cũng thích những loại nhạc khác như nhạc tình cảm, nhạc trẻ, và nhạc Tây như Beatles và ABBA.
Tôi làm máy bay vận tải. Khi trên trời, tôi chụp hình và thả pháo sáng. Thời đó tôi đã lập gia đình, có một con gái, nhưng đời sống chật vật khó khăn và lương lậu ít ỏi. Đời sống ở Việt Nam trước 1975 đa số dễ dàng; mọi người được tự do đi lại, rất thoải mái, có nhiều cơ hội. Họ có quyền phê bình chính phủ.
Ngày 30/4/75, tôi ở căn cứ U Tapao ở Thái Lan. Lúc đó tôi có cảm giác mất mát, hoang mang, mụ mị, không biết đất nước như thế nào, không biết đi đâu, không biết tương lai về đâu. Tôi ở Thái Lan khoảng một tuần, đi máy bay đến Guam, sau đó từ Guam đến Mỹ bằng máy bay. Chính phủ Mỹ cho tôi đến Doanh trại Chafee, tiểu bang Arkansas. Tôi ở đó một tháng. Rồi tôi với gia đình chuyển sang sống ở tiểu bang Maryland. Tôi phải bảo trợ họ từ Pháp sang. Tôi đi làm bồi bàn và đồng thời đi học về máy tính để trở thành một kỹ sư phần mềm. Vào năm 1977, chúng tôi đi Washington DC và sống ở tiểu bang Virginia năm năm, rồi năm 1980 chuyển sang tiểu bang California. Chúng tôi sống ở Riverside hai năm, lúc đó tôi làm kỹ sư máy tính cho Siêu thị Brothers. Từ năm 1984, chúng tôi chuyển tới San Jose. Tôi làm kỹ sư máy tính cho công ty National Semiconductor.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ tất cả mọi thứ, cuộc sống hàng ngày, đồ ăn, lối sống, sinh quán, đường phố, nhà cửa, bạn bè, người thân. Tôi cũng thường nhớ thời thơ ấu và thời lớn lên. Nhưng sau một thời gian hơi dài thì tôi thấy mình đã hội nhập được. Tôi học về văn hóa của người Mỹ bằng cách đi làm. Mới đầu, tôi thấy khó tiếp xúc. Nhưng dần dần tôi bắt đầu làm bạn với người Mỹ, tìm hiểu về các môn thể thao, âm nhạc, vân vân. Khía cạnh khó khăn nhất là ngôn ngữ. Nhưng bây giờ tôi cảm giác nước Mỹ là quê hương thứ hai của mình.
Kể từ khi rời Việt Nam, tôi đã trở lại rất nhiều lần rồi. Gần như năm nào tôi cũng về. Lần đầu tôi về (sau khi miền Nam thất thủ) là năm 1991 khi ông cụ mất, và phải về để cúng bái. Tôi thấy chế độ của chính quyền hiện tại rất ràng buộc, không có tự do cá nhân như ngày xưa, dân nghèo hơn, đa số không có dịp học nhiều, người địa phương có vẻ thận trọng, đắn đo lời nói hoặc là không được nói, không được phát biểu quan điểm. Khi phát biểu ý kiến, họ rất cẩn thận.
Trong tương lai, tôi hy vọng Việt Nam sẽ được có tự do nhiều hơn và người dân giàu có hơn. Tôi nghĩ tự do quan trọng hơn giàu có. Theo tôi, tự do làm nước giàu có và may mắn hơn. Tôi lo sợ trong tương lai thế hệ trẻ không có giáo dục, không học hỏi nhiều. So với cách đây 30 năm, bây giờ văn hóa Việt Nam đang cải thiện đến một mức độ tốt hơn. Tuy nhiên, thế hệ trẻ cần học nhiều, học tiếng Anh, học lịch sử độc lập, học về nước Tàu, nước Pháp, học về một ngàn năm độc lập của Việt Nam. Độc lập là quan trọng vô cùng. Họ phải học về lịch sử, văn hóa, truyền thống, hiếu nghĩa, trọng nghĩa. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều quá, trộn văn hóa ngoại quốc nhiều quá, giống như Hàn Quốc. Thế hệ trẻ cho rằng họ rất tinh vi, nhưng họ thật sự tham lam. Họ cố gắng để làm giàu mà không cần học tập, họ kết hôn với người nước ngoài để làm giàu, nó thật sự là buồn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Tôi luôn ngạc nhiên bởi sự kiên cường và những cống hiến của thế hệ trước. Thế hệ này trải qua chiến tranh, tị nạn, đói nghèo, khủng bố chính trị, và tái định cư tại nước ngoài, nhưng họ vẫn kiên trì và tạo ra cuộc sống mới. Nhiều người làm như vậy mà không trở nên cay đắng hay nuôi ác tâm. Ngược lại, tôi nghĩ họ là một nhóm người giàu lòng từ thiện, vui vẻ, và trung thực. Mất quê hương và khởi động lại ở nước ngoài là một việc cực kỳ khó khăn. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Mỹ không thể làm điều đó.
Tôi đồng ý với nhiều lo ngại của thế hệ lớn về thế hệ trẻ. Phải biết lịch sử mới hiểu được bản sắc riêng của mình. Việc theo đuổi tiền tài mà không cần xem xét đến khía cạnh đạo đức sẽ dẫn đến thảm họa xã hội và thất bại cá nhân. Tôi hy vọng mình có thể giúp thế hệ lớn kể những câu chuyện của họ để giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của độc lập, tự do, và hòa bình. Người Việt thường nhiều hy vọng và lạc quan. Trong khi họ hiểu được nỗi buồn qua âm nhạc, thơ, và văn học, họ vẫn tin rằng tương lai có thể tiếp tục cải thiện. Qua sự kết hợp giữa kiến thức và hy vọng đó, tôi cảm thấy rằng thế hệ người Việt đi trước thực sự có những điều để giảng dạy toàn bộ thế giới. Họ là hiện thân của những bài học lịch sử. Tôi thực sự may mắn được biết những người thuộc thế hệ này của Việt Nam.
3. Bài phỏng vấn của M. Nguyễn
Tôi tên Hà L., sinh năm 1953 tại Huế, Việt Nam, là con thứ 9 trong một gia đình có 15 người con. Gia đình tôi thuộc loại dân nghèo thành thị. Cha tôi làm công chức, lái xe ở ti công chánh thị xã. Mẹ tôi ở nhà chăm sóc con cái. Cả 15 anh em đều được đi học. Hồi nhỏ tôi vừa đi học, vừa đi quét rác và lượm củi giúp gia đình. Anh em tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn đi làm thuê và đi học trong đó. Cha tôi mất sớm, nên gia đình khó khăn hơn lúc trước. Mẹ tôi phải đi làm thuê kiếm từng bữa qua ngày, may mắn là cũng nuôi lớn mấy anh em tôi. Năm 1964, một số anh em tôi qua đời vì bị bệnh đậu mùa. Một số khác qua đời vì đạn lạc và mìn. Gia đình tôi chỉ còn lại 9 người.
Khi lên 7, tôi vào học trường tiểu học Nam Giao. Sau khi thi đậu đệ thất, tôi được học trường trung học Đồng Khánh ở Huế từ lớp 6-12. Tới năm 1973, tôi thi vào trường sư phạm Qui Nhơn. Học ở đó được một năm rưỡi thì giải phóng miền Nam, tôi phải chạy loạn vào Sài Gòn.
Tôi sống trong thời chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa và cộng sản. Cả gia đình tôi về mặt vật chất hơi thiếu thốn, nhưng cuộc sống khá ổn định. Các anh em trai của tôi đến 12, 13 tuổi được gởi vào Qui Nhơn, vào nhà bà con làm thuê và giúp việc. Còn chị em gái tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn học. Khoảng thời gian còn nhỏ, tôi hay nghe tin những người lính tử trận khắp nơi, dần dần tôi được chứng kiến cảnh họ chết ngay trước nhà. Cảm giác khá hinh hãi, nhưng dần tôi cũng ý thức được đó là chiến tranh. Tiếng bom mìn dần trở thành một thứ âm thanh tôi nghe thường xuyên. Những lúc chiều đến, mỗi khi nghe tiếng còi Thiếu Quân Lục hú, ai ai cũng hối hả chạy về nhà trốn trong hầm. Mỗi lần như thế, thêm tiếng đạn cannon bắn, tôi sợ ghê lắm. Xuân Mậu Thân 1968, cộng sản tấn công Huế làm cả nhà tôi tan tác. Gia đình tôi phải chạy vào trường trốn. Một tháng sau cuộc công kích, tôi trở lại nhà và phải chứng kiến cảnh một số người thân và láng giềng bị chôn sống trên đồi. Thêm vào đó là cái chết của ông hàng xóm. Ổng là lính xây dựng nông thôn, bị Việt cộng giết trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tôi nhớ sáng sớm nghe tiếng cả nhà ổng khóc thảm thiết, chạy qua coi mới thấy xác ông nằm trong nhà, đầu bị bôi vôi trắng toát. Phải chứng kiến những cảnh như vậy làm cho tinh thần tôi bị chấn thương. Tôi sống trong sợ sệt, đặc biệt là khi đêm xuống, tôi cứ nghĩ tới chuyện Việt cộng về. Tôi không hình dung ra Việt cộng là ai, cứ tưởng họ là người rừng, không biết họ sẽ giết ai, không biết khi nào sẽ đến phiên gia đình tôi bị giết cảnh cáo như ông lính xây dựng nông thôn kia. Khi lớn lên vào Qui Nhơn học, tôi cũng không dám đi xe về thăm nhà vì sợ bị Việt cộng phục kích, cho xe nổ mìn. Cuộc sống kinh hoàng của tôi kéo dài cho đến năm 1975.
Xã hội miền Nam trước 1975 rất quan trọng việc học. Trẻ em đều được đến trường mà không phải nộp lệ phí. Tất cả mọi người dân đời sống nghèo khổ và phải lao động khá vất vả. Con nít ngoài việc học còn phải phụ gia đình đi làm thêm hoặc đi xa nhà làm thuê nuôi gia đình (như các anh em tôi). Còn con trai đến tuổi quân dịch, nếu thi hỏng tú tài bán phần hay toàn phần thì phải nhập ngũ, ngoại trừ những gia đình chỉ có một người con trai thì được miễn. Còn về xã hội, tôi nhớ có một khoảng thời gian gọi là Gia đình trị (hình như năm 1963). Lúc đó toàn quyền lãnh đạo đều nằm trong tay gia đình Ngô Đình Diệm. Tôi nhớ họ đàn áp đạo Phật ghê lắm. Gia đình tôi ở trong xóm chùa nên có lúc nghe những thầy trong chùa mang nồi chảo ra đánh, khuyến khích mọi người mang bàn thờ ra để ngoài đường, mục đích là biểu tình chống đối những chính sách của Diệm.
Tôi hay đọc những tiểu thuyết lãng mạn của Nhật Tiến, Nhã Ca, truyện Tuổi Hoa, hoặc những truyện dịch của nước ngoài như Hàm cá mập, Ngư ông và biển cả, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú, v.v… Tôi thích nghe nhạc tiền chiến (“Lá thư”, “Mộng dưới hoa”, “Đưa em đi tìm động hoa vàng”) và các nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn, thích ca sĩ Thái Thanh và Khánh Ly.
Ngày 30/4/75, tôi đang ở Sài Gòn (đi di tản) và tạm trú ở nhà người bà con xa. Cảm giác của tôi lúc đó rất sợ hãi và cảm thấy bế tắc. Không có anh em, không cha mẹ, tình cảnh loạn lạc, tôi sợ không biết có bao giờ gặp lại được người thân nữa hay không. Cảm giác vô cùng hoang mang và lạc lõng. Tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao khi quân giải phóng đến Sài Gòn vì việc học của tôi đang bị bỏ lỡ. Chính quyền mới lên cai trị thì tôi chắc chắn rằng hệ thống, cơ cấu giáo dục sẽ bị thay đổi ít nhiều. Mà không có học, không có bằng cấp thì tôi không biết phải làm gì để nuôi bản thân và gia đình. Tôi cũng không biết làm cách nào để trở lại Huế và sự an nguy của gia đình ở ngoài đó tôi cũng còn chưa biết ra sao.
Sau 30/4, tôi tìm mọi cách trở lại Qui Nhơn vào lại trường cũ để xin học rồi lấy bằng ra trường. Nhưng nhà trường lúc ấy có thông báo là không nhận và bắt tôi trở về quê quán nếu muốn học tiếp. Sau khi trở về Huế, tôi nộp đơn vào trường sư phạm để tiếp tục học. Ở trường sư phạm, người ta bắt tôi phải vừa đi thực tập ở những trường tiểu học vạn đò, vừa phải đi học chính trị. Học xong họ mới cấp bằng cho tôi tốt nghiệp. Có bằng cấp rồi, họ điều tôi về các vùng ven, xa nhà mấy chục cây số để dạy. Tôi dạy được mười năm thì nghỉ để lo việc gia đình, và tiếp tục ở nhà lo việc bếp núc cho đến khi sang Mỹ.
Tôi sang Mỹ năm 2004 bằng máy bay. Khi nhận được giấy phỏng vấn, tôi tràn trề hi vọng được đổi đời và được thoát khỏi chế độ khắc nghiệt. Tôi mua vé vào Sài Gòn 10 ngày trước khi đi vì tôi mong được đi lắm, cộng thêm niềm vui vì được đi cả nhà và được đoàn tụ với gia đình anh em bên kia. Khi tới Mỹ thì tôi lại thấy lo và lạc lõng vì không biết tiếng và không biết lúc nào có thể hội nhập được với đời sống mới. Tôi cũng rất lo vì không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình, ngay đến chuyện ăn ở cũng không biết (mặc dù em tôi có thể lo chỗ ở, nhưng bản thân tôi muốn được tự túc lo cho cả gia đình mình).
Sang đây, chồng tôi đi làm, con cái đi học, bản thân tôi thì ở nhà lo việc nội trợ. Ban đêm tôi có đi học thêm ESL, mục đích là để phần nào hòa nhập với cuộc sống ở đây nhanh hơn. Buổi đầu thì cũng không thấy hội nhập hoàn toàn vì tôi còn bỡ ngỡ về tiếng nói, xã hội, con người. Ra đường tôi không nói chuyện được với ai, nên gặp khó khăn nhiều khi đi mua sắm hoặc khi muốn giao tiếp với người nước ngoài. Truyền thống và văn hóa ở đây khác so với Việt Nam, nên tôi chưa quen với những phong tục hay cách ăn mặc và ứng xử. Vì tôi cũng đứng tuổi rồi nên phải một thời gian dài sau tôi mới bắt đầu quen dần với đời sống ở đây.
Sang Mỹ, tôi nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu, nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên, nhớ những thời gian làm lụng cực khổ. Hầu như đêm nào tôi cũng theo dõi tin tức ở Việt Nam, từ kinh tế đến đời sống, xã hội từ những website trên mạng. Tôi cũng hay đọc báo do cộng đồng người Việt ở Mỹ xuất bản.
Đời sống của người Việt ở Mỹ cao hơn và đầy đủ hơn người trong nước về mọi mặt. Ví dụ như sức khỏe. Ở Mỹ, những người income thấp sẽ có chương trình Medicare giúp đỡ tiền bảo hiểm sức khỏe. Nếu không đủ ăn thì có food stamps hay là những chương trình tài trợ ở nhà thờ hoặc những tổ chức từ thiện. Ở Việt Nam thì những điều này hầu như không có. Ở Mỹ, tôi được tự do phát biểu ý kiến qua những hệ thống truyền thông như báo chí, truyền hình. Còn ở Việt Nam, cuộc sống của nhân dân bị bưng bít quá nhiều nên đời sống tinh thần không được thoải mái bằng cuộc sống ở đây. Ở đây, người ta có thể tự do biểu tình chống đối một đảng phái chính trị (như cuộc biểu tình quan chức nhà nước Việt Nam sang thăm viếng) mà không bị đi tù. Người ta có thể đứng ngoài đường cầm cờ, bảng hiệu, hô hò để phát biểu ý kiến mà vẫn được cho phép. Trong khi đó nếu ở Việt Nam, những chuyện như thế này đều bị cấm đoán.
Tôi thích thay đổi chế độ cộng sản thành chế độ tự do. Tôi thấy nếu thay đổi được chế độ thì xã hội Việt Nam sẽ rất văn minh và tiến bộ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không thua gì các nước như Thái Lan hay Nhật Bản. Tôi thấy hồi xưa Thái Lan không bằng Việt Nam, nhưng vì chế độ cộng sản vào sau năm 1975, Việt Nam không được phát triển nhiều nên bây giờ thua rất nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam bây giờ, dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận không được tôn trọng. Tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng. Mặc dù vậy, đời sống so với trước năm 75 được nâng cao nhiều, có phần tiến bộ hơn. Hiện nay, tôi thấy Việt Nam có nhiều nhà cao tầng, khách sạn, xe cộ đi lại đông hơn. Đồng thời du lịch phát triển mạnh nên Việt Nam bây giờ được biết đến nhiều hơn so với những năm về trước.
Nhận xét của người phỏng vấn
Qua những gì được nghe kể trong cuộc phỏng vấn, tôi thấy rằng những người lớn lên trong chiến tranh thường bị tổn thương nặng về mặt tâm lí vì phải chứng kiến chết chóc và mất mát nhiều trong gia đình và xã hội. Từ đó, họ đâm ra thù ghét và muốn đổ lỗi cho một phe phái nào đó, và trong trường hợp này là quân đội giải phóng (Việt cộng). Khi nghe mẹ kể những câu chuyện về Tết Mậu Thân, tôi thấy sự thật rất trái ngược với những gì học trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù khi mới định cư sang Mỹ, thấy thái độ của người Việt ở đây rất khác với những người ở Việt Nam, tôi chưa hiểu rõ nguyên do của sự khác biệt này. Bây giờ nhờ cuộc phỏng vấn này, tôi mới hiểu ra được vấn đề. Cộng đồng người Việt ở đây rất đoàn kết và phát triển (về mặt văn hóa và tuyên truyền), nhưng vẫn có một số mặt không được tích cực. Qua lời kể và quan sát thì người Việt ở đây sống khá hoài cổ. Họ chỉ sống trong quá khứ, luôn hướng về những hoài niệm chiến tranh, vẫn mang lòng thù hận, vẫn luôn đi biểu tình phản kháng chế độ cộng sản. Tôi cho rằng không có gì sai khi kỉ niệm hoặc tưởng nhớ những ngày lễ, nhưng thay vì tiếp tục đăng các bài báo chỉ trích hoặc liên tục đi biểu tình phản đối cộng sản ở Mỹ, người Việt có thể sống thoải mái hơn nếu họ nhận thức được rằng sống trong kí ức xấu của chiến tranh không bao giờ thay đổi được quá khứ.
Về mặt con người và xã hội, ảnh hưởng của phong trào lãng mạn được thấy rõ qua những tiểu thuyết và tác phẩm văn học mà mẹ tôi đọc trong khoảng thời gian trước. Sự du nhập của truyện nước ngoài và truyện dịch vào thời điểm này rất lớn (đặc biệt là của những nhà văn Mỹ, phải chăng là vì chiến tranh có sự tham gia của quân đội Mỹ?). Những tác phẩm văn thơ tiền chiến được phổ nhạc cũng khá phổ biến trong giới thanh niên thời đó. Về mặt đời sống, hoàn cảnh gia đình vẫn rất nghèo, và truyền thống phong kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng chưa được thay đổi nhiều. Bà ngoại tôi, trước khi chồng mất, đảm nhận công việc nội trợ và phó thác việc xã hội cho chồng. Chỉ sau khi ông mất, vì hoàn cảnh túng quẫn và còn con nhỏ, bà mới đi làm thêm để nuôi gia đình. Mẹ tôi, mặc dù được đi học, nhưng bà cuối cùng cũng phải ở nhà để lo việc gia đình, chỉ phụ thuộc vào ba tôi. Ngay khi qua đến Mỹ rồi, được sống ở một xã hội văn minh và hiện đại hơn nhiều, vai trò truyền thống này vẫn không được thay đổi.
© 2010 talawas
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)
Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)
30/04/2010 | 4:27 chiều | 1 phản hồi
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Tăng D.
Tôi là Nguyễn Đ., sinh năm 1935 tại thôn L. Q., huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha làm thầy giáo tiểu học, mẹ thì làm ruộng; cuộc sống cũng đủ ăn qua ngày. Trước 10 tuổi, tôi chỉ có chơi với học thôi, nhưng tới 10 tuổi thì bắt đầu cực. Sau năm 1945 thì rất vất vả. Cực là vì sao? Tại chiến tranh đó. Pháp đánh vào vùng chính, nên chính phủ thời đó đưa dân tản cư vô trong núi, ở thị xã Hà Lam, quận Thăng Bình. Lúc đó gia đình không còn gì hết, học hành cũng bị gián đoạn luôn. Mới đầu còn nhỏ nhỏ thì đi mót khoai, mót sắn, hoặc là mót lúa. Lớn lên được 13, 14 tuổi thì đi đốn củi, hái rau, bắt ốc. Cứ như vậy mà sống qua ngày cho đến khi hòa bình lập lại thì về quê, năm đó là 1955.
Lúc 18, 19 tuổi thì tôi có nhiều người theo tán rồi, nhưng mà chưa dính anh nào hết. Chồng tôi lúc đó làm việc cùng một chỗ ngân hàng với cha tôi nên mới làm quen. Ông tán bố trước rồi mới tán con… ta nói đi đường tắt mà. Tới năm 1955, tôi được 20 tuổi thì cưới chồng, sau đó về quê chồng ở Duy Xuyên làm ruộng, chằm nón. Đến năm 1960 thì hai vợ chồng chuyển xuống Hội An. Chồng làm hạ sỹ quan tài chánh. Năm 1962, tôi mua nhà rồi mở tiệm buôn bán hàng tạp hóa. Tới năm 1970 thì chuyển qua buôn gạo. Lúc đầu chỉ buôn nhỏ, nhưng sau thì làm lên thành đại bài. Tôi mua gạo ở công ty ngoài Đà Nẵng rồi bán lại ở Hội An. Làm ăn cũng khá giả cho đến 1975 thì sụp tiệm.
Đời sống của người dân trước 1975 dưới quyền ông Diệm hay ông Thiệu thì cũng bình thường. Người dân tự do buôn bán, rất thịnh vượng, không bị trở ngại nhiều. Dân chúng làm ăn vui vẻ, thoải mái. Hội An thuộc trung tâm của tỉnh Quảng Nam nên ít bị bom đạn, còn mấy vùng thôn quê thì chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên cuộc sống cũng vất vả hơn, đất đai trồng trọt hiếm hoi.
Thời đó tôi chỉ lo đi buôn kiếm tiền nuôi gia đình thôi nên không có thời giờ đọc sách. Chữ nghĩa thì ít, học chưa hết tiểu học thì phải đi tản cư rồi, vô núi thì trường lấy đâu ra mà học. Rảnh rỗi thì ngồi đọc mấy tờ Phụ nữ mới . Đặc biệt có mục “Đời không có áo cưới” rất hay, tội nghiệp lắm, kể về nhiều cuộc đời bị dang dở, khổ cực lắm. Tin tức thì tôi thường nghe người ta truyền miệng khi ra đi buôn, hoặc nghe chồng nói sơ vậy thôi.
Hồi đó tôi ham coi hát cải lương, hát bội, rồi kịch nữa. Cải lương thì có Minh Phụng, Lệ Thủy, rồi Thanh Sang, Mỹ Châu; hát bội thì có Thanh Bạch, Thanh Tòng; kịch nói thì có Túy Hồng, Kim Cương, và La Thoại Tân. Tôi thích coi mấy người đó nhất. Tác giả thì chỉ có đọc sách nhiều mới biết; tôi không đọc nên cũng chẳng biết nhiều. Ca nhạc thì có Hùng Cường với Mai Lệ Huyền. Hai người hát bài “Đám cưới nhà binh” và “Túp lều lý tưởng”… một túp lều tranh hai trái tim vàng đó. Chế Linh thì hát bài “Đồi tím hoa sim.” Còn “Lan và Điệp” nữa. Những bài đó hay.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi ở nhà ở Hội An; khi nghe tin giặc tới thì lo khăn gói mà chạy ra Đà Nẵng để vô Sài Gòn, nhưng không đi được; tàu xe đông nghẹt người nên phải về lại Hội An. Trời ơi, về tới nhà thì thấy cửa mở tan hoang, đồ đạc bị người ta lấy hết trơn không còn chi hết. Lúc đó thì vừa đau khổ vì mất đồ, vừa hoang mang vì lo sợ không có của nuôi con, lại bị lạc chồng nữa. Tất cả xảy ra trong một buổi nên cảm thấy như mình mất trụi hết, trắng tay. May mà cũng còn cái nhà mới xây, vừa được một năm.
Sau ngày 30 tháng 4 thì chồng tôi đi tù vì trước đó ông đang làm sỹ quan. Hồi đó thiếu ăn thiếu mặc; nhà đông con nên rất vất vả. Tôi vừa phải gánh vác gia đình, vừa phải đi thăm nuôi chồng ở tận ngoài Bắc, khổ cực vô cùng. Chồng đi tù cũng 7 năm chứ đâu ít. 2 năm đầu ở Nghệ Tĩnh, rồi 2 năm ở Lạng Sơn, sau chuyển vô Hàm Tân, hình như thuộc tỉnh Phan Rang thì phải, vô đó thêm 3 năm nữa thì được về. Tình cảnh ngoài Bắc lúc đó cực hơn trong Nam nhiều lắm. Dân nghèo, đói, khổ cực vô cùng, rất tội nghiệp. Mình chưa đi thì không biết miền Bắc, chứ đi rồi thì thấy họ cũng như mình, nghèo khổ không thể tả được.
Trong thời gian chồng đi tù, tôi về quê làm ruộng thuê cho người ta, dẫn theo hai người con lớn. Sau này ruộng bị vô hợp tác xã nên không làm nổi, phải xuống Hội An làm công nhân xưởng dệt. Làm được hai năm thì cũng bị hợp thức hóa nhà nước, nên bỏ không làm nữa. “Hợp tác xã” và “hợp thức hóa” nói nôm na là sau này đều bị nhà nước quản lý hết, của tư gì thì cũng thành của nhà nước cả. Tuy hết làm, nhưng tôi cũng để dành được một ít vốn nên trở lại đi buôn lương thực như ngày xưa. Sáng sớm lên quê mua hàng rồi mang về Hội An bán lại. Thời đó khổ lắm, không được tự do như ngày xưa. Lâu lâu lại bị mấy người thuế vụ rượt bắt, tịch thu mất vốn. Rồi cứ như vậy đó, buôn bán tàm tạm để sống qua ngày cho tới khi đi Mỹ.
Gia đình tôi qua Mỹ định cư năm 1991 theo diện H.O. Lần đầu tiên đi máy bay, tôi có cảm giác hơi sợ, nhưng mà ngồi một lát thì cảm thấy “perfect.” Rất vui! Cả nhà đi máy bay từ Sài Gòn qua Thái Lan, ở trại định cư khoảng 10 ngày rồi bay qua New York, vùng tuyết lạnh. Khi mà rời khỏi Việt Nam, thì tinh thần thoải mái, cảm thấy tự do, vui vẻ hơn.
Sau khi sang Mỹ, mấy năm đầu có một bà giáo người Mỹ đỡ đầu. Bà giáo dạy tôi tiếng Anh trong trường ESL. Vừa đi học vừa đi làm cho tới khi bị trượt tuyết té gãy tay thì thôi không làm việc nặng được, chỉ ở nhà giữ con em kiếm ít tiền. Mới đầu tôi cũng thấy khó khăn vì sự bất đồng ngôn ngữ, chưa cảm thấy quen với thời tiết khí hậu lạnh, nhưng dần dần rồi thì cũng thích nghi được với những khác biệt. Lúc đầu không biết tiếng Anh thì đi học ESL, đi đâu thì có mấy con dẫn đi, sau quen dần thì tự đi. Khi đã biết được chút tiếng Anh, rồi có quốc tịch Mỹ, thì cũng thấy mình hòa nhập một chút. Thêm nữa là có nhiều cộng đồng người Việt ở đây nên cuộc sống cũng dễ dàng, thuận tiện.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất là tắm biển Cửa Đại. Lâu lâu lại thèm một dĩa bánh bèo của bà dì Bảy, hay là một trái vú sữa thiệt ngọt lịm. Ngày xưa vì quá lo làm ăn nuôi gia đình nên không để ý đến những gì chung quanh, nhưng nếu có dịp thì tôi rất muốn được về hưởng thụ những gì mộc mạc, đáng nhớ của quê hương mà không nơi đâu có thể tìm thấy được.
Tôi về Việt Nam cũng được vài lần rồi. Về hình thức thì đất nước mỗi ngày một đổi mới. Nhờ có ngoại giao và đầu tư của nước ngoài mà Việt Nam được tân tiến hơn, người dân được văn minh hơn, cuộc sống đỡ khổ hơn. Mọi người có vẻ sống được sung túc hơn, không bị đói như hồi xưa vì nạn chiến tranh nữa. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn còn xa lắm. Người giàu thì càng ngày càng giàu, con cái họ có điều kiện phát triển, được đi du học khắp nơi. Người nghèo thì tuy không bị đói, nhưng phải sống rất lam lũ, nhiều nơi còn có trẻ em bị thất học. Cái nghèo vẫn còn đeo đẳng người dân Việt Nam.
Việt Nam tuy đã có nhiều thay đổi mới nhưng vẫn chưa đạt được đến mức người dân hằng mơ ước. Giá như chính quyền nhà nước cởi mở hơn thì không những nền kinh tế mà nhiều lãnh vực khác sẽ phát triển mạnh hơn. Thêm vào đó, Việt kiều nên tạo điều kiện để giúp đỡ người dân bằng cách gửi tiền về đầu tư, hay giao lưu về nhiều mặt như khoa học kỹ thuật, thương mại, sức khỏe y tế.
Nhận xét của người phỏng vấn
Qua cuộc phỏng vấn này, tôi đã có cơ hội nói chuyện và hiểu thêm về cuộc sống của bà ngoại, cũng như của người Việt từ trước và sau năm 1975. Là người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên khi chinh chiến đã tàn, tôi không được biết và cũng không phải trải nghiệm những mất mát và đau đớn mà chiến tranh đã gây ra cho con người và đất nước. Bây giờ tôi có thể hiểu được vì sao nhiều người Việt tỵ nạn khi rời khỏi Việt Nam, mặc dù rất yêu quê hương xứ sở, vẫn nhất quyết không trở về trước khi chính quyền nhà nước thay đổi. Những vết thương mà chiến tranh để lại cho con người thật quá lớn.
Ngoài sự tàn khốc của chiến tranh thì tôi còn nhận thấy được nhiều diễn biến trong xã hội. Tôi thấy ở bà ngoại sự hy sinh và đảm đang của những người phụ nữ Việt Nam vì chồng vì con mà gánh vác gia đình. Tôi thấy ở những người cậy quyền thế sự bóc lột sức lao động của người dân yếu thế. Nhiều người tìm đường giải thoát bằng cách đi ra nước ngoài, nhưng còn có những người không được may mắn, vẫn phải chịu vất vả. Tôi mong rằng họ cũng sẽ sớm tìm được sự bình yên, hạnh phúc như bao người khác.
2. Bài phỏng vấn của H. Nguyen
Tôi là Lâu T., sinh năm 1947, năm nay 64 tuổi. Tôi là con gái thứ tám trong một gia đình lao động. Hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi được ba mẹ cho đi học. Nhưng vì gia đình nghèo nên lên lớp 3 thì tôi vừa học vừa phụ làm cùng gia đình. Hồi xưa gia đình tôi dán tem cho những lọ thuốc. Phụ thêm một tay làm thì sẽ nhanh hơn, để ba mẹ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Học hết lớp 9 thì tôi nghỉ học. Sau đó đi làm được một thời gian rất ngắn thì tôi lấy chồng, rồi ở nhà lo việc nội trợ và trông nom con cái.
Đời sống nói chung ở Việt Nam trước 1975 tôi chỉ nhớ sơ sơ. Tôi nhớ phần lớn những gia đình đều thuộc tầng lớp lao động. Họ làm chủ yếu là để lo cho những miệng ăn trong gia đình. Cũng có một số gia đình khá giả thời đó, nhưng không nhiều. Con cái trong những gia đình khá giả thì may mắn hơn vì họ có thể học lên đại học hoặc đi du học nước ngoài; còn những người trong gia đình lao động như tôi thì học cao nhất là tới lớp 12 thôi.
Hồi đó tôi hay đọc những tờ báo như Tự do và Dân chủ. Tin tức trong báo chí phần lớn là về chiến tranh. Tôi thấy như vậy cũng tốt, vì hầu hết các gia đình đều có người thân đi lính. Tôi cũng có mấy người anh đi lính nên đọc báo mà không thấy tin tức gì ở nơi đóng quân của mấy ảnh bị đánh thì tôi cũng bớt lo hơn.
Về âm nhạc, tôi thích nhất nhạc Trịnh Công Sơn vì nó sâu sắc và dễ đi vào lòng người. Ngày xưa tôi có nghe nhạc của Trúc Phương, nhưng không thích bằng nhạc Trịnh. Tôi thích các nữ ca sĩ Khánh Ly, Thái Thanh, Hoàng Oanh và Trang Mỹ Dung. Ca sĩ nam thì thích Elvis Phương và Nhật Trường. Về mặt chính trị và văn học, hồi đó tôi làm nội trợ nên không quan tâm lắm. Nếu báo chí mà không đăng tin về những sự kiện, những nơi xảy ra đột kích, pháo kích thì tôi cũng chẳng coi làm gì.
30 tháng 4 năm 1975 là một ngày tôi không bao giờ quên được. Lúc đó, tôi đang mang bầu T. Đau bụng quá nên tôi vào bệnh viện Nguyễn Thái Học lúc bấy giờ (bác T. không nhớ rõ tên bệnh viện là Nguyễn Văn Học hay Nguyễn Thái Học, bây giờ là bệnh viện Gia Định ở thành phố Hồ Chí Minh). Lúc tôi tới bệnh viện thì nó không còn giống một cái bệnh viện nữa vì mọi người chạy hỗn loạn, tiếng súng bên ngoài thì cứ nổ lên liên tục. Tôi thật sự không biết phải làm sao nữa. Lúc đó, một ông bác sĩ mặc áo blue trắng đến hỏi và đã đỡ sinh cho tôi. Ông ta tận tình giúp tôi và như thế T. được ra đời một cách khoẻ mạnh. Ông ấy rất tốt bụng vì thật ra đang có máy bay chờ ông ta trên sân thượng để chở đi. Vì thấy tôi như vậy nên ông ta đã hoãn máy bay lại trong vài giờ. Sau khi đỡ sinh cho tôi, ông ta hỏi tôi có muốn đi thì lên máy bay cùng với ông ta. Vì còn con ở nhà nên tôi từ chối. Ông ta là người bác sĩ có một không hai trên đời. Tôi rất muốn gặp lại ông ta để nói lời cám ơn.
Đến năm 1988, tôi cùng chồng và con vượt biên qua Mỹ. Tôi đi tàu qua đến được đảo ở Thái Lan. Đời sống trên đảo rất cực khổ và khó khăn. Tị nạn ở đó khoảng 6 tháng thì có phái đoàn của Mỹ tới bảo lãnh gia đình tôi đi. Họ dẫn gia đình tôi và nhiều người khác nữa đến tị nạn ở đảo Guam. Ở đảo Guam được khoảng 3 tháng thì được phái đoàn của đạo Tin Lành bảo lãnh qua sống ở tiểu bang Indiana.
Sau khi qua Mỹ, được sự giúp đỡ của những người ở nhà thờ, tôi và chồng được đi học tiếng Anh để có thể giao tiếp với những người khác. Các con của tôi cũng đi học. Vợ chồng tôi ngoài học tiếng Anh thì xin việc làm để có tiền trang trải mọi thứ trong gia đình. Tất nhiên là tôi không thể hội nhập được với cuộc sống mới. Lúc mới qua, tôi cảm thấy hoang mang và lạc lõng khi không cùng ngôn ngữ và phong tục. Thời tiết thì khắc nghiệt; nhiều lúc gặp bão tuyết tôi sợ lắm. Đồ ăn nước uống cũng lạ nên lúc đầu tôi đâu có ăn được. Tôi rất buồn và nhớ gia đình mình ở Việt Nam. Tôi nhớ nhất là bữa cơm gia đình với ba mẹ và anh em. Tuy nó giản dị và đạm bạc, nhưng nó rất ấm cúng.
Tôi đã về thăm Việt Nam 6, 7 lần rồi. Lần gần nhất đây là năm ngoái. Tôi thấy trước năm 1975 và hiện nay có rất nhiều sự thay đổi quan trọng. Nói về đời sống, tôi thấy đời sống Việt Nam hiện nay tốt hơn. Trước năm 1975, mọi người đi làm hầu hết chỉ vì miếng ăn; bây giờ thì tôi thấy đời sống có thoải mái hơn vì hầu hết ai cũng khá giả và có thể sắm sửa rất nhiều thứ trong gia đình. Về xã hội, tôi thấy Việt Nam cũng tốt hơn vì đường phố sạch sẽ và văn minh hơn. Về con người, tôi thấy bề ngoài con người lịch sự và thanh tao hơn, nhưng bên trong họ nghĩ gì và làm gì thì tôi không biết vì tôi thấy có nhiều sự tham nhũng và hối lộ hơn. Thời nào cũng có tham nhũng và hối lộ hết, nhưng trước năm 1975, những chuyện này xảy ra ít, với quy mô nhỏ hơn, nên không ai để ý tới. Bây giờ, tôi thấy tham nhũng và hối lộ rõ ràng và với quy mô lớn hơn. Chẳng hạn như chuyện thi giùm và mua bằng cấp giả.
Tôi không nghĩ là mình sẽ về Việt Nam sống hoặc cho con cái của mình về Việt Nam làm việc vì giao thông và nền y tế của Việt Nam cần được phát triển hơn nữa. Người dân chưa có ý thức lắm về giao thông nên có thể xảy ra nhiều tai nạn chết người. Còn về y tế, tôi thấy khi có tiền người ta mới chữa bệnh cho mình. Tôi thấy tính mạng của con người sống ở Việt Nam không được bảo vệ lắm.
Nhận xét của người phỏng vấn
30 tháng 4 là một ngày hết sức hỗn loạn, người dân hoang mang không biết cuộc đời của mình sẽ ra sao. Đó là ngày mà nhiều người phải bỏ mạng vì những viên đạn vô tình, ngày mà nhiều người muốn ra nước ngoài để tìm cuộc sống mới. Và cũng chính ngày đó, một bé gái được ra đời dưới bàn tay của một bác sĩ nhân hậu. Tôi cảm thấy rất cảm kích và ngưỡng mộ người bác sĩ đó. Theo lời của bác T., mọi người trong bệnh viện lúc ấy ai làm việc của người đó, người thì cố gắng lấy càng nhiều thuốc về nhà càng tốt, người thì bỏ bê bệnh nhân của mình mà chạy về nhà; mặc dù đã năn nỉ một số bác sĩ, không một ai để ý tới sự hiện diện và cầu cứu của bác T. Bác đã gần như tuyệt vọng thì một ông bác sĩ đến và giúp bác sinh. Ông ta sống và làm việc đúng như một bác sĩ chân chính, quan tâm trên hết đến tính mạng của bệnh nhân. Ông ta đã hoãn chuyến bay của mình lại vài giờ để giúp bác T. mổ cứu sống bé gái trong bụng của bác. Không chỉ là người bác sĩ tận tâm, ông còn là một con người nhân từ. Vì thấy hoàn cảnh hoảng loạn, ông ngỏ ý mời bác T. và chồng bay cùng với đoàn của ông trên chiếc máy bay đã chờ sẵn trên sân thượng. Khi bác T. từ chối không đi, ông đã vui vẻ đẩy bác trên xe lăn ra gặp chồng rồi từ biệt lên máy bay. Một con người tốt bụng và cao thượng như ông khó có thể tìm được lúc bấy giờ.
3. Bài phỏng vấn của Thụy Đăng
Tôi tên Bùi Tr., năm nay 50 tuổi. Lúc nhỏ tôi học ở trường tư thục Công giáo. Cấp 2 và 3, tôi học tại trường nữ Gia Long, rất nổi tiếng trước năm 1975. Mẹ tôi đi làm cho một tư sở. Ba tôi là lính chế độ cũ. Nhà tôi không khá giả gì, nhưng cũng đủ ăn. Đời sống trước năm 1975 có phần giản dị, bình lặng hơn sau 1975. Thành phố Sài Gòn mát mẻ và sạch sẽ, không bụi bặm và ô nhiễm như sau này. Dân số không đông và xe cộ không nhiều.
Trước năm 1975, tôi thường đọc sách trong thư viện trường. Tôi đã đọc qua các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… Ngoài ra tôi còn thích sách loại bỏ túi của nhà xuất bản Tuổi Hoa. Lúc trước có nhiều sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt hoặc có nhiều tác giả lấy cốt truyện của tác phẩm nước ngoài rồi phóng tác lại, dùng bối cảnh, con người Việt Nam. Tôi hâm mộ các tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Thùy An (người viết sách cho nhà xuất bản Tuổi Hoa) và Hà Mai Anh (người dịch quyển Grand Coeurs). Về âm nhạc, tôi nghe phần lớn những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Tôi thích nhất bài “Những con mắt trần gian” của Trịnh Công Sơn và bài “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy.
Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình trú dưới gầm cầu thang để tránh bom đạn. Lúc đó tôi rất sợ nhưng lại cảm thấy sự ấm cúng của tình cảm gia đình. Sau ngày 30 tháng 4 thì mẹ tôi thất nghiệp và ba tôi vào trại cải tạo.
Tôi di cư sang Mỹ vào năm 2002 bằng máy bay. Sau đó, tôi vào học ESL ở một trường college. Tôi cảm thấy rất khó khăn để hội nhập vào môi trường mới bởi vì sự khác biệt quá lớn trong ngôn ngữ và phong tục tập quán. Người ta thường nói là ở Mỹ mọi người được đối xử công bằng, nhưng thật ra thì cũng giống như Việt Nam, cũng là nhất thân nhì thế. Đi làm ở Việt Nam thì cần quen biết, ở Mỹ thì cần letter of recommendation (thư giới thiệu). Đối với tôi thì cả hai đều không có gì khác biệt.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất những món ăn Việt Nam. Mặc dù ở đây cũng có những món ấy nhưng mùi vị thì hoàn toàn khác. Tôi về thăm Việt Nam vào năm 2006. Không có gì thay đổi nhiều từ khi tôi đi, nhưng con người trước và sau 1975 khác nhau rất nhiều. Bây giờ con người chú trọng vật chất nhiều hơn là tình nghĩa giữa người và người. Hồi trước người ta đối với nhau chân thật hơn rất nhiều.
4. Bài phỏng vấn của Cao H.
Tôi là L.T.N., 63 tuổi. Tôi sinh trưởng tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, không còn nhớ nhiều những hình ảnh và kỷ niệm về Hà Nội. Tôi chỉ còn nhớ hồi nhỏ tôi được theo học tại trường tiểu học Hàng Vôi.
Trước năm 1975, Sài Gòn – miền Nam Việt Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đời sống của người dân khá ổn định và được hưởng những quyền tự do căn bản, tuy rằng gia đình nào cũng có người thân gia nhập quân đội. Chúng tôi hay đọc báo hằng ngày để theo dõi tin tức thế giới và trong nước. Hồi còn ở trung học, tôi rất say mê đọc truyện Tàu, nhất là những truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung. Tôi thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn và nhạc của Ngô Thụy Miên.
Sau khi học xong trung học, tôi ra nhập quân đội, như những thanh niên cùng tuổi khác, vì đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.Thời gian ở trong quân ngũ là thời kỳ vui và nhiều kỷ niệm nhất khi còn sống ở Việt Nam trước năm 1975.
Ngày 26/4/1975, tôi nhờ có người quen biết, đưa vào phi trường Tân Sơn Nhất đợi di tản. May mắn chúng tôi được phi cơ quân sự Hoa Kỳ chuyên chở qua đảo Guam. Ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở đảo Guam, và cùng mọi người chờ đợi tin tức ở Việt Nam. Khi nghe tin Việt Nam cộng hòa đã rơi vào tay cộng sản, tất cả mọi người ở trên đảo đều bàng hoàng xúc động về sự mất mát quá lớn này. Chúng tôi ở trại tị nạn trong khoảng thời gian hơn 2 tuần, rồi được đưa sang định cư ở Hoa Kỳ, sống trong trại tị nạn Pendleton, San Diego.
Sau một thời gian dài sống trong trại tị nạn và được nhà thờ bảo trợ, tôi quyết định ra ngoài kiếm sống. Tôi đi học Anh ngữ vào buổi tối, còn ban ngày thì đi làm những việc lao động để kiếm sống, rồi sau đó ghi tên vào trường cao đẳng để học nghề chuyên môn. Có bằng cấp, tôi kiếm được những việc khá hơn, đời sống ổn định hơn.
Trong những năm đầu, ai cũng rất bỡ ngỡ khi hội nhập vào đời sống mới, phần vì khó khăn về ngoại ngữ, phần vì tinh thần vẫn còn đau buồn vì mất nước. Hơn nữa, cộng đồng người Việt hãy còn thưa thớt, không quy tụ đông đảo, nên sự tương trợ lẫn nhau không được bao nhiêu, mỗi người phải tự học hỏi và tìm hiểu để hội nhập vào đời sống mới.
Sau thời gian dài định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã có dịp quay về Việt Nam để thăm thân nhân. Sau hơn 30 năm, đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay, tuy đời sống của người dân dã được cởi mở phần nào, nhưng nếu so sánh những quyền tự do mà người dân thời Việt Nam Cộng hòa đã có, thì người dân ở Việt Nam hiện nay hãy còn thiếu rất nhiều quyền tự do căn bản của một người dân.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ rất nhiều thứ ở Việt Nam. nhất là nhớ những ngôi chùa cổ kính v.v… Dù sống ở đâu, thì tôi lúc nào cũng vẫn là người Việt.
Nhận xét của người phỏng vấn
Ấn tượng lớn nhất của tôi sau khi phỏng vấn bác L.T.N là sự khác biệt rõ nét về suy nghĩ và cảm xúc của người Bắc và người Nam. Những tác phẩm ta đã học trong kỳ này thường do những người Bắc viết và nói về xã hội miền Bắc tiền chiến. Nếu tôi có thể phỏng vấn được một người dân Bắc chính thống thì mới có cơ hội tìm hiểu được tầm ảnh hưởng của văn chương Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng mà để hiểu được cảm xúc của một người Bắc, mà lại di cư sang Mỹ thì thật khó- phần lớn những người tị nạn sang Hoa Kỳ đều là người miền Nam. Bác L.T.N là bác họ của tôi, là người Bắc nhưng lại di cư vào Nam lúc còn trẻ nên vẫn bị ảnh hưởng nhiều của nước Việt Nam Cộng hòa và cũng bị tuyển đi lính như bao người. Cuộc phỏng vấn này giúp tôi hiểu thêm nhiều điều thú vị về những kinh nghiệm và cảm nghĩ của một người lính cộng hòa. Trong khi những người lính cộng sản coi ngày 30 tháng 4 là một ngày vinh quang- ngày giải phóng miền Nam, thì những người lính cộng hòa lại “bàng hoàng xúc động” vì bị mất nước. Tuy nhiên, bác L.T.N không có thái độ thù địch với những người dân Bắc như những người miền Nam khác, phần vì họ hàng của bác là người Bắc. Bác L.T.N đã về thăm quê hương và nhớ nhiều thứ ở quê hương, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng bác không muốn về Việt Nam sinh sống, và rằng người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản không có quyền tự do như những người dân dưới chế độ cộng hòa. Mặc dù vậy, bác vẫn mãi mãi coi mình là người Việt, chứng tỏ cũng có những người dân miền Nam đã di cư nhưng vẫn yêu nước không kém gì người dân miền Bắc.
© 2010 talawas
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)”)
1. Trung Nu Hoang nói:
01/05/2010 lúc 12:50 sáng
Tôi thực sự xúc động khi được biết có một Bác Sĩ ở BV Nguyễn Văn Học, vào giờ phút rối ren cùng cực của ngày cuối tháng 4.75, vẫn nán lại đỡ đẻ cho bà Lâu T. và phải hoãn chuyến bay. Sau đó, ông lại hỏi có muốn di tản thì ông cho đi theo chuyến bay luôn. Thật là một vị Lương Y đúng mức.
Qua những dòng PH ngắn ngủi này tôi xin chân thành tỏ bày lòng cảm mến cao độ đến vị BS “vô danh” nọ. Mong rằng tất cả các BS trên thế giới này, nhất là các BS đang làm việc trong các BV ở Việt Nam hiện nay, cần noi gương vị BS này trong việc phục vụ bệnh nhân để xứng đáng với khẩu hiệu được treo nhan nhản khắp các BV trong nước: “Lương y như từ mẫu”! Khi mà trên nhiều báo chí, nhiều trang mạng v.v. cho biết về tình trạng hơi bị phổ biến ở các BV Việt Nam hiện nay, các BS thường coi trọng câu hỏi… ĐẦU TIÊN của bệnh nhân rồi mới quyết định chữa hay không và chữa như thế nào, tùy thuộc vào câu trả lời “đạt yêu cầu” hay không!!
30/04/2010 | 4:27 chiều | 1 phản hồi
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Tăng D.
Tôi là Nguyễn Đ., sinh năm 1935 tại thôn L. Q., huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha làm thầy giáo tiểu học, mẹ thì làm ruộng; cuộc sống cũng đủ ăn qua ngày. Trước 10 tuổi, tôi chỉ có chơi với học thôi, nhưng tới 10 tuổi thì bắt đầu cực. Sau năm 1945 thì rất vất vả. Cực là vì sao? Tại chiến tranh đó. Pháp đánh vào vùng chính, nên chính phủ thời đó đưa dân tản cư vô trong núi, ở thị xã Hà Lam, quận Thăng Bình. Lúc đó gia đình không còn gì hết, học hành cũng bị gián đoạn luôn. Mới đầu còn nhỏ nhỏ thì đi mót khoai, mót sắn, hoặc là mót lúa. Lớn lên được 13, 14 tuổi thì đi đốn củi, hái rau, bắt ốc. Cứ như vậy mà sống qua ngày cho đến khi hòa bình lập lại thì về quê, năm đó là 1955.
Lúc 18, 19 tuổi thì tôi có nhiều người theo tán rồi, nhưng mà chưa dính anh nào hết. Chồng tôi lúc đó làm việc cùng một chỗ ngân hàng với cha tôi nên mới làm quen. Ông tán bố trước rồi mới tán con… ta nói đi đường tắt mà. Tới năm 1955, tôi được 20 tuổi thì cưới chồng, sau đó về quê chồng ở Duy Xuyên làm ruộng, chằm nón. Đến năm 1960 thì hai vợ chồng chuyển xuống Hội An. Chồng làm hạ sỹ quan tài chánh. Năm 1962, tôi mua nhà rồi mở tiệm buôn bán hàng tạp hóa. Tới năm 1970 thì chuyển qua buôn gạo. Lúc đầu chỉ buôn nhỏ, nhưng sau thì làm lên thành đại bài. Tôi mua gạo ở công ty ngoài Đà Nẵng rồi bán lại ở Hội An. Làm ăn cũng khá giả cho đến 1975 thì sụp tiệm.
Đời sống của người dân trước 1975 dưới quyền ông Diệm hay ông Thiệu thì cũng bình thường. Người dân tự do buôn bán, rất thịnh vượng, không bị trở ngại nhiều. Dân chúng làm ăn vui vẻ, thoải mái. Hội An thuộc trung tâm của tỉnh Quảng Nam nên ít bị bom đạn, còn mấy vùng thôn quê thì chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên cuộc sống cũng vất vả hơn, đất đai trồng trọt hiếm hoi.
Thời đó tôi chỉ lo đi buôn kiếm tiền nuôi gia đình thôi nên không có thời giờ đọc sách. Chữ nghĩa thì ít, học chưa hết tiểu học thì phải đi tản cư rồi, vô núi thì trường lấy đâu ra mà học. Rảnh rỗi thì ngồi đọc mấy tờ Phụ nữ mới . Đặc biệt có mục “Đời không có áo cưới” rất hay, tội nghiệp lắm, kể về nhiều cuộc đời bị dang dở, khổ cực lắm. Tin tức thì tôi thường nghe người ta truyền miệng khi ra đi buôn, hoặc nghe chồng nói sơ vậy thôi.
Hồi đó tôi ham coi hát cải lương, hát bội, rồi kịch nữa. Cải lương thì có Minh Phụng, Lệ Thủy, rồi Thanh Sang, Mỹ Châu; hát bội thì có Thanh Bạch, Thanh Tòng; kịch nói thì có Túy Hồng, Kim Cương, và La Thoại Tân. Tôi thích coi mấy người đó nhất. Tác giả thì chỉ có đọc sách nhiều mới biết; tôi không đọc nên cũng chẳng biết nhiều. Ca nhạc thì có Hùng Cường với Mai Lệ Huyền. Hai người hát bài “Đám cưới nhà binh” và “Túp lều lý tưởng”… một túp lều tranh hai trái tim vàng đó. Chế Linh thì hát bài “Đồi tím hoa sim.” Còn “Lan và Điệp” nữa. Những bài đó hay.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi ở nhà ở Hội An; khi nghe tin giặc tới thì lo khăn gói mà chạy ra Đà Nẵng để vô Sài Gòn, nhưng không đi được; tàu xe đông nghẹt người nên phải về lại Hội An. Trời ơi, về tới nhà thì thấy cửa mở tan hoang, đồ đạc bị người ta lấy hết trơn không còn chi hết. Lúc đó thì vừa đau khổ vì mất đồ, vừa hoang mang vì lo sợ không có của nuôi con, lại bị lạc chồng nữa. Tất cả xảy ra trong một buổi nên cảm thấy như mình mất trụi hết, trắng tay. May mà cũng còn cái nhà mới xây, vừa được một năm.
Sau ngày 30 tháng 4 thì chồng tôi đi tù vì trước đó ông đang làm sỹ quan. Hồi đó thiếu ăn thiếu mặc; nhà đông con nên rất vất vả. Tôi vừa phải gánh vác gia đình, vừa phải đi thăm nuôi chồng ở tận ngoài Bắc, khổ cực vô cùng. Chồng đi tù cũng 7 năm chứ đâu ít. 2 năm đầu ở Nghệ Tĩnh, rồi 2 năm ở Lạng Sơn, sau chuyển vô Hàm Tân, hình như thuộc tỉnh Phan Rang thì phải, vô đó thêm 3 năm nữa thì được về. Tình cảnh ngoài Bắc lúc đó cực hơn trong Nam nhiều lắm. Dân nghèo, đói, khổ cực vô cùng, rất tội nghiệp. Mình chưa đi thì không biết miền Bắc, chứ đi rồi thì thấy họ cũng như mình, nghèo khổ không thể tả được.
Trong thời gian chồng đi tù, tôi về quê làm ruộng thuê cho người ta, dẫn theo hai người con lớn. Sau này ruộng bị vô hợp tác xã nên không làm nổi, phải xuống Hội An làm công nhân xưởng dệt. Làm được hai năm thì cũng bị hợp thức hóa nhà nước, nên bỏ không làm nữa. “Hợp tác xã” và “hợp thức hóa” nói nôm na là sau này đều bị nhà nước quản lý hết, của tư gì thì cũng thành của nhà nước cả. Tuy hết làm, nhưng tôi cũng để dành được một ít vốn nên trở lại đi buôn lương thực như ngày xưa. Sáng sớm lên quê mua hàng rồi mang về Hội An bán lại. Thời đó khổ lắm, không được tự do như ngày xưa. Lâu lâu lại bị mấy người thuế vụ rượt bắt, tịch thu mất vốn. Rồi cứ như vậy đó, buôn bán tàm tạm để sống qua ngày cho tới khi đi Mỹ.
Gia đình tôi qua Mỹ định cư năm 1991 theo diện H.O. Lần đầu tiên đi máy bay, tôi có cảm giác hơi sợ, nhưng mà ngồi một lát thì cảm thấy “perfect.” Rất vui! Cả nhà đi máy bay từ Sài Gòn qua Thái Lan, ở trại định cư khoảng 10 ngày rồi bay qua New York, vùng tuyết lạnh. Khi mà rời khỏi Việt Nam, thì tinh thần thoải mái, cảm thấy tự do, vui vẻ hơn.
Sau khi sang Mỹ, mấy năm đầu có một bà giáo người Mỹ đỡ đầu. Bà giáo dạy tôi tiếng Anh trong trường ESL. Vừa đi học vừa đi làm cho tới khi bị trượt tuyết té gãy tay thì thôi không làm việc nặng được, chỉ ở nhà giữ con em kiếm ít tiền. Mới đầu tôi cũng thấy khó khăn vì sự bất đồng ngôn ngữ, chưa cảm thấy quen với thời tiết khí hậu lạnh, nhưng dần dần rồi thì cũng thích nghi được với những khác biệt. Lúc đầu không biết tiếng Anh thì đi học ESL, đi đâu thì có mấy con dẫn đi, sau quen dần thì tự đi. Khi đã biết được chút tiếng Anh, rồi có quốc tịch Mỹ, thì cũng thấy mình hòa nhập một chút. Thêm nữa là có nhiều cộng đồng người Việt ở đây nên cuộc sống cũng dễ dàng, thuận tiện.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất là tắm biển Cửa Đại. Lâu lâu lại thèm một dĩa bánh bèo của bà dì Bảy, hay là một trái vú sữa thiệt ngọt lịm. Ngày xưa vì quá lo làm ăn nuôi gia đình nên không để ý đến những gì chung quanh, nhưng nếu có dịp thì tôi rất muốn được về hưởng thụ những gì mộc mạc, đáng nhớ của quê hương mà không nơi đâu có thể tìm thấy được.
Tôi về Việt Nam cũng được vài lần rồi. Về hình thức thì đất nước mỗi ngày một đổi mới. Nhờ có ngoại giao và đầu tư của nước ngoài mà Việt Nam được tân tiến hơn, người dân được văn minh hơn, cuộc sống đỡ khổ hơn. Mọi người có vẻ sống được sung túc hơn, không bị đói như hồi xưa vì nạn chiến tranh nữa. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn còn xa lắm. Người giàu thì càng ngày càng giàu, con cái họ có điều kiện phát triển, được đi du học khắp nơi. Người nghèo thì tuy không bị đói, nhưng phải sống rất lam lũ, nhiều nơi còn có trẻ em bị thất học. Cái nghèo vẫn còn đeo đẳng người dân Việt Nam.
Việt Nam tuy đã có nhiều thay đổi mới nhưng vẫn chưa đạt được đến mức người dân hằng mơ ước. Giá như chính quyền nhà nước cởi mở hơn thì không những nền kinh tế mà nhiều lãnh vực khác sẽ phát triển mạnh hơn. Thêm vào đó, Việt kiều nên tạo điều kiện để giúp đỡ người dân bằng cách gửi tiền về đầu tư, hay giao lưu về nhiều mặt như khoa học kỹ thuật, thương mại, sức khỏe y tế.
Nhận xét của người phỏng vấn
Qua cuộc phỏng vấn này, tôi đã có cơ hội nói chuyện và hiểu thêm về cuộc sống của bà ngoại, cũng như của người Việt từ trước và sau năm 1975. Là người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên khi chinh chiến đã tàn, tôi không được biết và cũng không phải trải nghiệm những mất mát và đau đớn mà chiến tranh đã gây ra cho con người và đất nước. Bây giờ tôi có thể hiểu được vì sao nhiều người Việt tỵ nạn khi rời khỏi Việt Nam, mặc dù rất yêu quê hương xứ sở, vẫn nhất quyết không trở về trước khi chính quyền nhà nước thay đổi. Những vết thương mà chiến tranh để lại cho con người thật quá lớn.
Ngoài sự tàn khốc của chiến tranh thì tôi còn nhận thấy được nhiều diễn biến trong xã hội. Tôi thấy ở bà ngoại sự hy sinh và đảm đang của những người phụ nữ Việt Nam vì chồng vì con mà gánh vác gia đình. Tôi thấy ở những người cậy quyền thế sự bóc lột sức lao động của người dân yếu thế. Nhiều người tìm đường giải thoát bằng cách đi ra nước ngoài, nhưng còn có những người không được may mắn, vẫn phải chịu vất vả. Tôi mong rằng họ cũng sẽ sớm tìm được sự bình yên, hạnh phúc như bao người khác.
2. Bài phỏng vấn của H. Nguyen
Tôi là Lâu T., sinh năm 1947, năm nay 64 tuổi. Tôi là con gái thứ tám trong một gia đình lao động. Hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi được ba mẹ cho đi học. Nhưng vì gia đình nghèo nên lên lớp 3 thì tôi vừa học vừa phụ làm cùng gia đình. Hồi xưa gia đình tôi dán tem cho những lọ thuốc. Phụ thêm một tay làm thì sẽ nhanh hơn, để ba mẹ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Học hết lớp 9 thì tôi nghỉ học. Sau đó đi làm được một thời gian rất ngắn thì tôi lấy chồng, rồi ở nhà lo việc nội trợ và trông nom con cái.
Đời sống nói chung ở Việt Nam trước 1975 tôi chỉ nhớ sơ sơ. Tôi nhớ phần lớn những gia đình đều thuộc tầng lớp lao động. Họ làm chủ yếu là để lo cho những miệng ăn trong gia đình. Cũng có một số gia đình khá giả thời đó, nhưng không nhiều. Con cái trong những gia đình khá giả thì may mắn hơn vì họ có thể học lên đại học hoặc đi du học nước ngoài; còn những người trong gia đình lao động như tôi thì học cao nhất là tới lớp 12 thôi.
Hồi đó tôi hay đọc những tờ báo như Tự do và Dân chủ. Tin tức trong báo chí phần lớn là về chiến tranh. Tôi thấy như vậy cũng tốt, vì hầu hết các gia đình đều có người thân đi lính. Tôi cũng có mấy người anh đi lính nên đọc báo mà không thấy tin tức gì ở nơi đóng quân của mấy ảnh bị đánh thì tôi cũng bớt lo hơn.
Về âm nhạc, tôi thích nhất nhạc Trịnh Công Sơn vì nó sâu sắc và dễ đi vào lòng người. Ngày xưa tôi có nghe nhạc của Trúc Phương, nhưng không thích bằng nhạc Trịnh. Tôi thích các nữ ca sĩ Khánh Ly, Thái Thanh, Hoàng Oanh và Trang Mỹ Dung. Ca sĩ nam thì thích Elvis Phương và Nhật Trường. Về mặt chính trị và văn học, hồi đó tôi làm nội trợ nên không quan tâm lắm. Nếu báo chí mà không đăng tin về những sự kiện, những nơi xảy ra đột kích, pháo kích thì tôi cũng chẳng coi làm gì.
30 tháng 4 năm 1975 là một ngày tôi không bao giờ quên được. Lúc đó, tôi đang mang bầu T. Đau bụng quá nên tôi vào bệnh viện Nguyễn Thái Học lúc bấy giờ (bác T. không nhớ rõ tên bệnh viện là Nguyễn Văn Học hay Nguyễn Thái Học, bây giờ là bệnh viện Gia Định ở thành phố Hồ Chí Minh). Lúc tôi tới bệnh viện thì nó không còn giống một cái bệnh viện nữa vì mọi người chạy hỗn loạn, tiếng súng bên ngoài thì cứ nổ lên liên tục. Tôi thật sự không biết phải làm sao nữa. Lúc đó, một ông bác sĩ mặc áo blue trắng đến hỏi và đã đỡ sinh cho tôi. Ông ta tận tình giúp tôi và như thế T. được ra đời một cách khoẻ mạnh. Ông ấy rất tốt bụng vì thật ra đang có máy bay chờ ông ta trên sân thượng để chở đi. Vì thấy tôi như vậy nên ông ta đã hoãn máy bay lại trong vài giờ. Sau khi đỡ sinh cho tôi, ông ta hỏi tôi có muốn đi thì lên máy bay cùng với ông ta. Vì còn con ở nhà nên tôi từ chối. Ông ta là người bác sĩ có một không hai trên đời. Tôi rất muốn gặp lại ông ta để nói lời cám ơn.
Đến năm 1988, tôi cùng chồng và con vượt biên qua Mỹ. Tôi đi tàu qua đến được đảo ở Thái Lan. Đời sống trên đảo rất cực khổ và khó khăn. Tị nạn ở đó khoảng 6 tháng thì có phái đoàn của Mỹ tới bảo lãnh gia đình tôi đi. Họ dẫn gia đình tôi và nhiều người khác nữa đến tị nạn ở đảo Guam. Ở đảo Guam được khoảng 3 tháng thì được phái đoàn của đạo Tin Lành bảo lãnh qua sống ở tiểu bang Indiana.
Sau khi qua Mỹ, được sự giúp đỡ của những người ở nhà thờ, tôi và chồng được đi học tiếng Anh để có thể giao tiếp với những người khác. Các con của tôi cũng đi học. Vợ chồng tôi ngoài học tiếng Anh thì xin việc làm để có tiền trang trải mọi thứ trong gia đình. Tất nhiên là tôi không thể hội nhập được với cuộc sống mới. Lúc mới qua, tôi cảm thấy hoang mang và lạc lõng khi không cùng ngôn ngữ và phong tục. Thời tiết thì khắc nghiệt; nhiều lúc gặp bão tuyết tôi sợ lắm. Đồ ăn nước uống cũng lạ nên lúc đầu tôi đâu có ăn được. Tôi rất buồn và nhớ gia đình mình ở Việt Nam. Tôi nhớ nhất là bữa cơm gia đình với ba mẹ và anh em. Tuy nó giản dị và đạm bạc, nhưng nó rất ấm cúng.
Tôi đã về thăm Việt Nam 6, 7 lần rồi. Lần gần nhất đây là năm ngoái. Tôi thấy trước năm 1975 và hiện nay có rất nhiều sự thay đổi quan trọng. Nói về đời sống, tôi thấy đời sống Việt Nam hiện nay tốt hơn. Trước năm 1975, mọi người đi làm hầu hết chỉ vì miếng ăn; bây giờ thì tôi thấy đời sống có thoải mái hơn vì hầu hết ai cũng khá giả và có thể sắm sửa rất nhiều thứ trong gia đình. Về xã hội, tôi thấy Việt Nam cũng tốt hơn vì đường phố sạch sẽ và văn minh hơn. Về con người, tôi thấy bề ngoài con người lịch sự và thanh tao hơn, nhưng bên trong họ nghĩ gì và làm gì thì tôi không biết vì tôi thấy có nhiều sự tham nhũng và hối lộ hơn. Thời nào cũng có tham nhũng và hối lộ hết, nhưng trước năm 1975, những chuyện này xảy ra ít, với quy mô nhỏ hơn, nên không ai để ý tới. Bây giờ, tôi thấy tham nhũng và hối lộ rõ ràng và với quy mô lớn hơn. Chẳng hạn như chuyện thi giùm và mua bằng cấp giả.
Tôi không nghĩ là mình sẽ về Việt Nam sống hoặc cho con cái của mình về Việt Nam làm việc vì giao thông và nền y tế của Việt Nam cần được phát triển hơn nữa. Người dân chưa có ý thức lắm về giao thông nên có thể xảy ra nhiều tai nạn chết người. Còn về y tế, tôi thấy khi có tiền người ta mới chữa bệnh cho mình. Tôi thấy tính mạng của con người sống ở Việt Nam không được bảo vệ lắm.
Nhận xét của người phỏng vấn
30 tháng 4 là một ngày hết sức hỗn loạn, người dân hoang mang không biết cuộc đời của mình sẽ ra sao. Đó là ngày mà nhiều người phải bỏ mạng vì những viên đạn vô tình, ngày mà nhiều người muốn ra nước ngoài để tìm cuộc sống mới. Và cũng chính ngày đó, một bé gái được ra đời dưới bàn tay của một bác sĩ nhân hậu. Tôi cảm thấy rất cảm kích và ngưỡng mộ người bác sĩ đó. Theo lời của bác T., mọi người trong bệnh viện lúc ấy ai làm việc của người đó, người thì cố gắng lấy càng nhiều thuốc về nhà càng tốt, người thì bỏ bê bệnh nhân của mình mà chạy về nhà; mặc dù đã năn nỉ một số bác sĩ, không một ai để ý tới sự hiện diện và cầu cứu của bác T. Bác đã gần như tuyệt vọng thì một ông bác sĩ đến và giúp bác sinh. Ông ta sống và làm việc đúng như một bác sĩ chân chính, quan tâm trên hết đến tính mạng của bệnh nhân. Ông ta đã hoãn chuyến bay của mình lại vài giờ để giúp bác T. mổ cứu sống bé gái trong bụng của bác. Không chỉ là người bác sĩ tận tâm, ông còn là một con người nhân từ. Vì thấy hoàn cảnh hoảng loạn, ông ngỏ ý mời bác T. và chồng bay cùng với đoàn của ông trên chiếc máy bay đã chờ sẵn trên sân thượng. Khi bác T. từ chối không đi, ông đã vui vẻ đẩy bác trên xe lăn ra gặp chồng rồi từ biệt lên máy bay. Một con người tốt bụng và cao thượng như ông khó có thể tìm được lúc bấy giờ.
3. Bài phỏng vấn của Thụy Đăng
Tôi tên Bùi Tr., năm nay 50 tuổi. Lúc nhỏ tôi học ở trường tư thục Công giáo. Cấp 2 và 3, tôi học tại trường nữ Gia Long, rất nổi tiếng trước năm 1975. Mẹ tôi đi làm cho một tư sở. Ba tôi là lính chế độ cũ. Nhà tôi không khá giả gì, nhưng cũng đủ ăn. Đời sống trước năm 1975 có phần giản dị, bình lặng hơn sau 1975. Thành phố Sài Gòn mát mẻ và sạch sẽ, không bụi bặm và ô nhiễm như sau này. Dân số không đông và xe cộ không nhiều.
Trước năm 1975, tôi thường đọc sách trong thư viện trường. Tôi đã đọc qua các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… Ngoài ra tôi còn thích sách loại bỏ túi của nhà xuất bản Tuổi Hoa. Lúc trước có nhiều sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt hoặc có nhiều tác giả lấy cốt truyện của tác phẩm nước ngoài rồi phóng tác lại, dùng bối cảnh, con người Việt Nam. Tôi hâm mộ các tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Thùy An (người viết sách cho nhà xuất bản Tuổi Hoa) và Hà Mai Anh (người dịch quyển Grand Coeurs). Về âm nhạc, tôi nghe phần lớn những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Tôi thích nhất bài “Những con mắt trần gian” của Trịnh Công Sơn và bài “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy.
Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình trú dưới gầm cầu thang để tránh bom đạn. Lúc đó tôi rất sợ nhưng lại cảm thấy sự ấm cúng của tình cảm gia đình. Sau ngày 30 tháng 4 thì mẹ tôi thất nghiệp và ba tôi vào trại cải tạo.
Tôi di cư sang Mỹ vào năm 2002 bằng máy bay. Sau đó, tôi vào học ESL ở một trường college. Tôi cảm thấy rất khó khăn để hội nhập vào môi trường mới bởi vì sự khác biệt quá lớn trong ngôn ngữ và phong tục tập quán. Người ta thường nói là ở Mỹ mọi người được đối xử công bằng, nhưng thật ra thì cũng giống như Việt Nam, cũng là nhất thân nhì thế. Đi làm ở Việt Nam thì cần quen biết, ở Mỹ thì cần letter of recommendation (thư giới thiệu). Đối với tôi thì cả hai đều không có gì khác biệt.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất những món ăn Việt Nam. Mặc dù ở đây cũng có những món ấy nhưng mùi vị thì hoàn toàn khác. Tôi về thăm Việt Nam vào năm 2006. Không có gì thay đổi nhiều từ khi tôi đi, nhưng con người trước và sau 1975 khác nhau rất nhiều. Bây giờ con người chú trọng vật chất nhiều hơn là tình nghĩa giữa người và người. Hồi trước người ta đối với nhau chân thật hơn rất nhiều.
4. Bài phỏng vấn của Cao H.
Tôi là L.T.N., 63 tuổi. Tôi sinh trưởng tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, không còn nhớ nhiều những hình ảnh và kỷ niệm về Hà Nội. Tôi chỉ còn nhớ hồi nhỏ tôi được theo học tại trường tiểu học Hàng Vôi.
Trước năm 1975, Sài Gòn – miền Nam Việt Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đời sống của người dân khá ổn định và được hưởng những quyền tự do căn bản, tuy rằng gia đình nào cũng có người thân gia nhập quân đội. Chúng tôi hay đọc báo hằng ngày để theo dõi tin tức thế giới và trong nước. Hồi còn ở trung học, tôi rất say mê đọc truyện Tàu, nhất là những truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung. Tôi thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn và nhạc của Ngô Thụy Miên.
Sau khi học xong trung học, tôi ra nhập quân đội, như những thanh niên cùng tuổi khác, vì đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.Thời gian ở trong quân ngũ là thời kỳ vui và nhiều kỷ niệm nhất khi còn sống ở Việt Nam trước năm 1975.
Ngày 26/4/1975, tôi nhờ có người quen biết, đưa vào phi trường Tân Sơn Nhất đợi di tản. May mắn chúng tôi được phi cơ quân sự Hoa Kỳ chuyên chở qua đảo Guam. Ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở đảo Guam, và cùng mọi người chờ đợi tin tức ở Việt Nam. Khi nghe tin Việt Nam cộng hòa đã rơi vào tay cộng sản, tất cả mọi người ở trên đảo đều bàng hoàng xúc động về sự mất mát quá lớn này. Chúng tôi ở trại tị nạn trong khoảng thời gian hơn 2 tuần, rồi được đưa sang định cư ở Hoa Kỳ, sống trong trại tị nạn Pendleton, San Diego.
Sau một thời gian dài sống trong trại tị nạn và được nhà thờ bảo trợ, tôi quyết định ra ngoài kiếm sống. Tôi đi học Anh ngữ vào buổi tối, còn ban ngày thì đi làm những việc lao động để kiếm sống, rồi sau đó ghi tên vào trường cao đẳng để học nghề chuyên môn. Có bằng cấp, tôi kiếm được những việc khá hơn, đời sống ổn định hơn.
Trong những năm đầu, ai cũng rất bỡ ngỡ khi hội nhập vào đời sống mới, phần vì khó khăn về ngoại ngữ, phần vì tinh thần vẫn còn đau buồn vì mất nước. Hơn nữa, cộng đồng người Việt hãy còn thưa thớt, không quy tụ đông đảo, nên sự tương trợ lẫn nhau không được bao nhiêu, mỗi người phải tự học hỏi và tìm hiểu để hội nhập vào đời sống mới.
Sau thời gian dài định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã có dịp quay về Việt Nam để thăm thân nhân. Sau hơn 30 năm, đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay, tuy đời sống của người dân dã được cởi mở phần nào, nhưng nếu so sánh những quyền tự do mà người dân thời Việt Nam Cộng hòa đã có, thì người dân ở Việt Nam hiện nay hãy còn thiếu rất nhiều quyền tự do căn bản của một người dân.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ rất nhiều thứ ở Việt Nam. nhất là nhớ những ngôi chùa cổ kính v.v… Dù sống ở đâu, thì tôi lúc nào cũng vẫn là người Việt.
Nhận xét của người phỏng vấn
Ấn tượng lớn nhất của tôi sau khi phỏng vấn bác L.T.N là sự khác biệt rõ nét về suy nghĩ và cảm xúc của người Bắc và người Nam. Những tác phẩm ta đã học trong kỳ này thường do những người Bắc viết và nói về xã hội miền Bắc tiền chiến. Nếu tôi có thể phỏng vấn được một người dân Bắc chính thống thì mới có cơ hội tìm hiểu được tầm ảnh hưởng của văn chương Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng mà để hiểu được cảm xúc của một người Bắc, mà lại di cư sang Mỹ thì thật khó- phần lớn những người tị nạn sang Hoa Kỳ đều là người miền Nam. Bác L.T.N là bác họ của tôi, là người Bắc nhưng lại di cư vào Nam lúc còn trẻ nên vẫn bị ảnh hưởng nhiều của nước Việt Nam Cộng hòa và cũng bị tuyển đi lính như bao người. Cuộc phỏng vấn này giúp tôi hiểu thêm nhiều điều thú vị về những kinh nghiệm và cảm nghĩ của một người lính cộng hòa. Trong khi những người lính cộng sản coi ngày 30 tháng 4 là một ngày vinh quang- ngày giải phóng miền Nam, thì những người lính cộng hòa lại “bàng hoàng xúc động” vì bị mất nước. Tuy nhiên, bác L.T.N không có thái độ thù địch với những người dân Bắc như những người miền Nam khác, phần vì họ hàng của bác là người Bắc. Bác L.T.N đã về thăm quê hương và nhớ nhiều thứ ở quê hương, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng bác không muốn về Việt Nam sinh sống, và rằng người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản không có quyền tự do như những người dân dưới chế độ cộng hòa. Mặc dù vậy, bác vẫn mãi mãi coi mình là người Việt, chứng tỏ cũng có những người dân miền Nam đã di cư nhưng vẫn yêu nước không kém gì người dân miền Bắc.
© 2010 talawas
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)”)
1. Trung Nu Hoang nói:
01/05/2010 lúc 12:50 sáng
Tôi thực sự xúc động khi được biết có một Bác Sĩ ở BV Nguyễn Văn Học, vào giờ phút rối ren cùng cực của ngày cuối tháng 4.75, vẫn nán lại đỡ đẻ cho bà Lâu T. và phải hoãn chuyến bay. Sau đó, ông lại hỏi có muốn di tản thì ông cho đi theo chuyến bay luôn. Thật là một vị Lương Y đúng mức.
Qua những dòng PH ngắn ngủi này tôi xin chân thành tỏ bày lòng cảm mến cao độ đến vị BS “vô danh” nọ. Mong rằng tất cả các BS trên thế giới này, nhất là các BS đang làm việc trong các BV ở Việt Nam hiện nay, cần noi gương vị BS này trong việc phục vụ bệnh nhân để xứng đáng với khẩu hiệu được treo nhan nhản khắp các BV trong nước: “Lương y như từ mẫu”! Khi mà trên nhiều báo chí, nhiều trang mạng v.v. cho biết về tình trạng hơi bị phổ biến ở các BV Việt Nam hiện nay, các BS thường coi trọng câu hỏi… ĐẦU TIÊN của bệnh nhân rồi mới quyết định chữa hay không và chữa như thế nào, tùy thuộc vào câu trả lời “đạt yêu cầu” hay không!!
Trần Quốc Việt – Bài văn vào Đại học Berkeley năm 1996
Trần Quốc Việt – Bài văn vào Đại học Berkeley năm 1996
30/04/2010 | 11:25 sáng | 2 phản hồi
Tác giả: Trần Quốc Việt
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: tự sự > Đại học Berkeley
Tôi sinh ra đời là đứa bé tàn tật trong một gia đình nghèo đông con ở Việt Nam. Buồn thay, tôi cũng sinh ra đời để vội vã lớn lên trong hoàn cảnh của một trong những cuộc nội chiến tàn nhẫn và đẫm máu nhất trong thế kỷ hai mươi, “thế kỷ đau thương”.
Không lạ gì khi tuổi thơ nhạy cảm và non dại của tôi bị ám ảnh từng cơn bởi nỗi sợ chiến tranh. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần rất nhỏ những gì tôi trải qua. Chiến tranh thực sự đã cướp đi ở tôi sự ngây thơ cần thiết và quý giá cũng như sự bình an bình thường trong tâm hồn. Tựa như tấm vải liệm vô hình của số phận, chiến tranh đã phủ kín những năm đầu đời của tôi dưới bầu trời này. Tôi thấy những xác chết đáng thương hình hài không nguyên vẹn, nỗi lo sợ dường như lúc nào cũng phảng phất trên khuôn mặt của ba má, và nghe những tin tức cùng những tin đồn đáng sợ hàng ngày về cuộc chiến truyền lan khắp nơi trong thành phố và đôi lúc được nhắc đến bên bữa cơm tối gia đình. Thỉnh thoảng giữa khuya khi có pháo kích, má tôi thường đánh thức tôi dậy và giục tôi chạy thật nhanh ra khỏi nhà. Chúng tôi thường ngồi núp trong cái hầm trú ẩn đắp bằng những bao cát ở ngoài sân. Rồi sáng hôm sau tôi đi học và lại nghe bạn bè kể những chuyện tương tự. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi sớm đủ chín chắn để nhận thức rằng sống được là điều đáng quan tâm nhất còn mọi thứ khác, từ chuyện cổ tích đến những giấc mơ, dần dần đều phai nhạt thành những gì xa xỉ gần như đã không còn nữa.
Mỉa mai thay, kết thúc bất ngờ của chiến tranh chỉ tạo ra những bi kịch liên tiếp. Ba tôi bị tống vào những trại cưỡng bức lao động ở các vùng miền bắc xa xôi. Chị đầu tôi quá tuyệt vọng nên đã trốn khỏi Việt Nam. Người mẹ nhẫn nhại và can đảm của tôi đã vất vả vô cùng để nuôi gia đình còn lại với đàn con mười đứa. Năm ấy tôi chưa đầy mười ba tuổi.
Hoà bình, trong trường hợp tôi, còn tệ hơn chiến tranh. Tôi không thể theo học các trường cao đẳng hay đại học sau khi tôi học xong trung học. Tôi học lên được nhưng tôi không có đủ tư cách chính trị để được học tiếp. Dù sao, chế độ hầu như đã phân loại gia đình tôi là những công dân hạng hai lạc hậu về mặt chính trị, là tầng lớp bị hắt hủi nhất trong bậc thang giai cấp đương thời.
Mười năm sau, ba tôi trở về nhưng ông đã khô héo cả tinh thần lẫn thể chất. Chẳng bao lâu tôi đưọc theo học đại học sau khi tôi thi đậu một kỳ thi đại học khó. Niềm vui đi học tiếp của tôi song lại quá ngắn ngủi. Sau ngay tháng đầu tiên ở trường đại học, tôi cay đắng nhận ra rằng trường chỉ còn là bộ máy tuyên truyền thô bạo của chế độ hà khắc. Ở đấy kiến thức và các chân lý phổ quát sẵn sàng bị bóp méo để cho ra lò những cán bộ trung thành về chính trị nhưng trống vắng phần nào về tâm hồn thay vì tạo ra nhưng con người say mê và có ích. Ví dụ, ngành học của tôi là tiếng Anh, nhưng trên thực tế, tôi phải học một thứ tiếng Anh bị chính trị hoá quá nặng và chỉ những môn học về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không bao giờ có cơ hội học những môn cần thiết cho việc giáo dục bình thường như các môn về nhân văn, nghệ thuật, và xã hội.
Tôi đã bảo vệ được tâm hồn của mình trước tất cả những nỗ lực cải tạo ý thức hệ của chế độ. Nhưng, tựa như một ốc đảo hoàn toàn khép kín, tôi ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, cô đơn hơn, và rỉ sét hơn về tinh thần trong khi các làn sóng thông tin và tinh thần dân chủ đang chảy qua khắp thế giới bên ngoài. Sau khi ra trường, tôi không thể nào tìm được việc làm do “vết nhơ” chính trị trong quá khứ của ba tôi. Trong thời gian lạc lõng về lòng tin này, tôi viết một vài tiểu phẩm kín đáo chỉ trích những bất bình đẳng trong xã hội và cũng bắt đầu mơ về Abraham Lincoln và về Tượng Nữ Thần Tự Do ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Gia đình tôi di dân đến Hoa Kỳ vào năm 1992. Giống như bao di dân khác đến Mỹ, chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới của mình với nhiều hy vọng và lạc quan. Hơn nữa, tôi cố gắng quên đi quá khứ trĩu nặng những đau buồn của mình ở Việt Nam, một quê hương rất nghèo và bất hạnh mà tôi mãi mãi thương yêu. Tuy nhiên, tôi hiểu tôi nên sống cho hiện tại và tương lai ở Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Rõ ràng quên đi một phần đời mình hoàn toàn không dễ dàng. Giống như những giọt nước mắt bỗng dưng chợt đến, quá khứ thỉnh thoảng lẻn vào tôi trong giấc ngủ.
Hiện nay, tôi đang cần cù học những môn yêu cầu cho chuyên ngành thương mại, và đồng thời tôi say sưa lấp đầy những lỗ hổng lớn trong kiến thúc của mình. Không có gì ngạc nhiên khi những trải nghiệm cay đắng trong quá khứ giúp tôi tìm thấy con đường đi đúng trong hiện tại. Tôi trở thành người dạy kèm tự nguyện môn toán và tiếng Anh cho những học sinh mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như học sinh người Việt, người Mễ, người Đại Hàn vân vân. Kỳ diệu là qua lắng nghe những câu chuyện họ kể tôi cũng nhận thức ra đôi điều. Điều đầu tiên là ngôi làng toàn cầu của chúng ta không hẳn là hạnh phúc như có nhiều người trong chúng ta tưởng. Điều thứ hai là câu chuyện về cuộc đời quá khứ của tôi không hẳn là câu chuyện rất không bình thường chừng nào vẫn còn nghèo đói, chiến tranh và thất học.
Đối với tôi, giấc mơ Mỹ là một nền học vấn tốt. Khi mơ ước ấy thành sự thật, nó sẽ giúp tôi làm được gì đó tích cực hơn trong cuộc đời còn lại của mình. Trường đại học của các bạn là nơi kế tiếp tôi muốn tiếp tục nuôi tiếp giấc mơ suốt đời ấy.
Nguyên bản tiếng Anh
Personal Statement by Viet Quoc Tran
I was born a disabled boy in a poor and crowded family in Vietnam. More sadly, I was also born to hastily grow up in the circumstances of one of the most bloody and merciless civil wars in the twentieth century, a “century of sorrow.”
Not surprisingly, my sensitive and tender childhood was fitfully obsessed by fears of the war. However, this was just the tip of the iceberg. Indeed, the war robbed me of precious, necessary innocence and of an ordinary peace of mind as well. Like an invisible shroud of fate, the war certainly wrapped up my first years under the sun. I saw the pitifully maimed corpses, the almost constant anxiety reflected on my parents’ faces, and heard the frightening war-related news and rumors circulated daily around my hometown and sometimes at the dinner table of the family. Sometimes at night when there would be an air raid my mother would wake me up and urge me to quickly run out of the house . We would hide in our sandbag-built shelter in the yard. Then, the following morning I went to school and heard similar stories from my classmates. From such situations I was soon mature enough to realize that to live was the most important concern and that everything else, from fairytales to dreams, gradually faded into nearly lost luxuries.
Ironically, the sudden end of the war brought about only successive tragedies. My father was thrown into the forced-labor camps in remote northern regions. My eldest sister was so hopeless that she managed to escape from Vietnam. My persistent, courageous mother extraordinarily struggled to support our remaining family with ten children. By that time I was not yet thirteen years old.
Peace was, in my case, worse than the war. I could not study at any college or university after I graduated from high school. I was academically eligible but not politically qualified to study more. After all, the Communist regime had already classified my family as politically backward second class, the untouchables of a modern caste system.
Ten year later, my father was free but already physically and mentally withered. Soon I was accepted to study at a university after I had passed a difficult entrance examination. My joy was, however, short-lived. After the first month at the university, I bitterly came to realize that it has been reduced almost to a rudely propagandizing apparatus of the repressive regime. There knowledge and general truths were readily distorted and manipulated to turn out the politically loyal yet partly soulless cadres rather than the useful and motivated persons. For instance, my major was English but, in practice, I had to learn a heavily politicalized English language and only Communism-related courses. I never had any chance to study courses necessary to general education, such as the arts, humanities and social sciences.
I managed to protect my mind and heart from all the ideological efforts of the regime. Somehow, like a totally closed oasis, I became mentally poorer, lonelier and rustier while waves of information and of democratic spirit continued to wash over the outside world. After my graduation I could not land any job due to the political “stain” on the past of my father. During this period of confidence disorientation, I wrote a couple of coded stories criticizing social inequalities and also began to dream of Abraham Lincoln and of the Statue of Liberty beyond the Pacific Ocean.
My family immigrated into the United States in 1992. Like the other immigrants to America, we have started our new lives with a lot of hope and optimism. Moreover, I have tried to forget my sorrow-laden past life in Vietnam, a very poor and unlucky land which I will always love so much. Nevertheless, I understand that I should live for the present and the future in America, my second country. Obviously, to forget a part of my life is far from easy. Like rediscovered tears, the past sometimes sneaks on me in sleep.
At present, I have been diligently studying required courses of business, my major, and, at the same time, interestedly filling big holes in my knowledge. No wonder, the bitter experiences in the past have helped me find the right path to follow in the present. I have become a voluntary tutor in Math and English, especially for those students whose first language is not English, such as the Vietnamese, Mexican, Koreans and so on. Wonderfully, they also help me realize many things through my listening to their stories . The first thing is that our global village is not really as happy as some of us have thought. Secondly, my story of past life is not an extreme one as long as there are still poverty, war and ignorance.
For me, the American Dream is a good education. Once the dream comes true, it will enable me to achieve something more positive in the remaining productive years of my life. Your university is the next place where I want to continue growing toward that lifelong dream.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Phản hồi
2 phản hồi (bài “Trần Quốc Việt – Bài văn vào Đại học Berkeley năm 1996”)
1. Trung Nu Hoang nói:
01/05/2010 lúc 1:07 sáng
Cậu bé 13 tuổi ngày đó, sau 35 năm đã là 48 tuổi, có thể có…cháu nội, cháu ngoại rồi không chừng! Ở tuổi này, sau 35 năm mài dũa, cải tạo trong môi trường mới, con người thường chồng chất “nỗi sợ” liên lụy tới gia đình, con cháu. Ngang tàng và nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Tuân mà cũng phải thốt lên với bạn văn ở Miền Nam sau ngày 30.4.75: ” Tao sống được đến ngày hôm nay là nhờ…biết SỢ”. Đọc bài viết của “cậu bé 48 tuổi” thấy phảng phất “bài văn mẫu” (đúc theo khuôn) để được cho lên mặt báo của “lề phải” ở trong nước. Chuyện dễ hiểu!
2. Sacroyant Nguyen nói:
01/05/2010 lúc 12:09 sáng
Còn đây là “Tiết lộ về ngày 30/4 của cậu bé 13 tuổi”. Các góc nhìn khác nhau quá! Mời các bác xem chơi
http://24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tiet-lo-ve-ngay-30/4-cua-cau-be-13-tuoi-c46a294039.html
30/04/2010 | 11:25 sáng | 2 phản hồi
Tác giả: Trần Quốc Việt
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: tự sự > Đại học Berkeley
Tôi sinh ra đời là đứa bé tàn tật trong một gia đình nghèo đông con ở Việt Nam. Buồn thay, tôi cũng sinh ra đời để vội vã lớn lên trong hoàn cảnh của một trong những cuộc nội chiến tàn nhẫn và đẫm máu nhất trong thế kỷ hai mươi, “thế kỷ đau thương”.
Không lạ gì khi tuổi thơ nhạy cảm và non dại của tôi bị ám ảnh từng cơn bởi nỗi sợ chiến tranh. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần rất nhỏ những gì tôi trải qua. Chiến tranh thực sự đã cướp đi ở tôi sự ngây thơ cần thiết và quý giá cũng như sự bình an bình thường trong tâm hồn. Tựa như tấm vải liệm vô hình của số phận, chiến tranh đã phủ kín những năm đầu đời của tôi dưới bầu trời này. Tôi thấy những xác chết đáng thương hình hài không nguyên vẹn, nỗi lo sợ dường như lúc nào cũng phảng phất trên khuôn mặt của ba má, và nghe những tin tức cùng những tin đồn đáng sợ hàng ngày về cuộc chiến truyền lan khắp nơi trong thành phố và đôi lúc được nhắc đến bên bữa cơm tối gia đình. Thỉnh thoảng giữa khuya khi có pháo kích, má tôi thường đánh thức tôi dậy và giục tôi chạy thật nhanh ra khỏi nhà. Chúng tôi thường ngồi núp trong cái hầm trú ẩn đắp bằng những bao cát ở ngoài sân. Rồi sáng hôm sau tôi đi học và lại nghe bạn bè kể những chuyện tương tự. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi sớm đủ chín chắn để nhận thức rằng sống được là điều đáng quan tâm nhất còn mọi thứ khác, từ chuyện cổ tích đến những giấc mơ, dần dần đều phai nhạt thành những gì xa xỉ gần như đã không còn nữa.
Mỉa mai thay, kết thúc bất ngờ của chiến tranh chỉ tạo ra những bi kịch liên tiếp. Ba tôi bị tống vào những trại cưỡng bức lao động ở các vùng miền bắc xa xôi. Chị đầu tôi quá tuyệt vọng nên đã trốn khỏi Việt Nam. Người mẹ nhẫn nhại và can đảm của tôi đã vất vả vô cùng để nuôi gia đình còn lại với đàn con mười đứa. Năm ấy tôi chưa đầy mười ba tuổi.
Hoà bình, trong trường hợp tôi, còn tệ hơn chiến tranh. Tôi không thể theo học các trường cao đẳng hay đại học sau khi tôi học xong trung học. Tôi học lên được nhưng tôi không có đủ tư cách chính trị để được học tiếp. Dù sao, chế độ hầu như đã phân loại gia đình tôi là những công dân hạng hai lạc hậu về mặt chính trị, là tầng lớp bị hắt hủi nhất trong bậc thang giai cấp đương thời.
Mười năm sau, ba tôi trở về nhưng ông đã khô héo cả tinh thần lẫn thể chất. Chẳng bao lâu tôi đưọc theo học đại học sau khi tôi thi đậu một kỳ thi đại học khó. Niềm vui đi học tiếp của tôi song lại quá ngắn ngủi. Sau ngay tháng đầu tiên ở trường đại học, tôi cay đắng nhận ra rằng trường chỉ còn là bộ máy tuyên truyền thô bạo của chế độ hà khắc. Ở đấy kiến thức và các chân lý phổ quát sẵn sàng bị bóp méo để cho ra lò những cán bộ trung thành về chính trị nhưng trống vắng phần nào về tâm hồn thay vì tạo ra nhưng con người say mê và có ích. Ví dụ, ngành học của tôi là tiếng Anh, nhưng trên thực tế, tôi phải học một thứ tiếng Anh bị chính trị hoá quá nặng và chỉ những môn học về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không bao giờ có cơ hội học những môn cần thiết cho việc giáo dục bình thường như các môn về nhân văn, nghệ thuật, và xã hội.
Tôi đã bảo vệ được tâm hồn của mình trước tất cả những nỗ lực cải tạo ý thức hệ của chế độ. Nhưng, tựa như một ốc đảo hoàn toàn khép kín, tôi ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, cô đơn hơn, và rỉ sét hơn về tinh thần trong khi các làn sóng thông tin và tinh thần dân chủ đang chảy qua khắp thế giới bên ngoài. Sau khi ra trường, tôi không thể nào tìm được việc làm do “vết nhơ” chính trị trong quá khứ của ba tôi. Trong thời gian lạc lõng về lòng tin này, tôi viết một vài tiểu phẩm kín đáo chỉ trích những bất bình đẳng trong xã hội và cũng bắt đầu mơ về Abraham Lincoln và về Tượng Nữ Thần Tự Do ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Gia đình tôi di dân đến Hoa Kỳ vào năm 1992. Giống như bao di dân khác đến Mỹ, chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới của mình với nhiều hy vọng và lạc quan. Hơn nữa, tôi cố gắng quên đi quá khứ trĩu nặng những đau buồn của mình ở Việt Nam, một quê hương rất nghèo và bất hạnh mà tôi mãi mãi thương yêu. Tuy nhiên, tôi hiểu tôi nên sống cho hiện tại và tương lai ở Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Rõ ràng quên đi một phần đời mình hoàn toàn không dễ dàng. Giống như những giọt nước mắt bỗng dưng chợt đến, quá khứ thỉnh thoảng lẻn vào tôi trong giấc ngủ.
Hiện nay, tôi đang cần cù học những môn yêu cầu cho chuyên ngành thương mại, và đồng thời tôi say sưa lấp đầy những lỗ hổng lớn trong kiến thúc của mình. Không có gì ngạc nhiên khi những trải nghiệm cay đắng trong quá khứ giúp tôi tìm thấy con đường đi đúng trong hiện tại. Tôi trở thành người dạy kèm tự nguyện môn toán và tiếng Anh cho những học sinh mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như học sinh người Việt, người Mễ, người Đại Hàn vân vân. Kỳ diệu là qua lắng nghe những câu chuyện họ kể tôi cũng nhận thức ra đôi điều. Điều đầu tiên là ngôi làng toàn cầu của chúng ta không hẳn là hạnh phúc như có nhiều người trong chúng ta tưởng. Điều thứ hai là câu chuyện về cuộc đời quá khứ của tôi không hẳn là câu chuyện rất không bình thường chừng nào vẫn còn nghèo đói, chiến tranh và thất học.
Đối với tôi, giấc mơ Mỹ là một nền học vấn tốt. Khi mơ ước ấy thành sự thật, nó sẽ giúp tôi làm được gì đó tích cực hơn trong cuộc đời còn lại của mình. Trường đại học của các bạn là nơi kế tiếp tôi muốn tiếp tục nuôi tiếp giấc mơ suốt đời ấy.
Nguyên bản tiếng Anh
Personal Statement by Viet Quoc Tran
I was born a disabled boy in a poor and crowded family in Vietnam. More sadly, I was also born to hastily grow up in the circumstances of one of the most bloody and merciless civil wars in the twentieth century, a “century of sorrow.”
Not surprisingly, my sensitive and tender childhood was fitfully obsessed by fears of the war. However, this was just the tip of the iceberg. Indeed, the war robbed me of precious, necessary innocence and of an ordinary peace of mind as well. Like an invisible shroud of fate, the war certainly wrapped up my first years under the sun. I saw the pitifully maimed corpses, the almost constant anxiety reflected on my parents’ faces, and heard the frightening war-related news and rumors circulated daily around my hometown and sometimes at the dinner table of the family. Sometimes at night when there would be an air raid my mother would wake me up and urge me to quickly run out of the house . We would hide in our sandbag-built shelter in the yard. Then, the following morning I went to school and heard similar stories from my classmates. From such situations I was soon mature enough to realize that to live was the most important concern and that everything else, from fairytales to dreams, gradually faded into nearly lost luxuries.
Ironically, the sudden end of the war brought about only successive tragedies. My father was thrown into the forced-labor camps in remote northern regions. My eldest sister was so hopeless that she managed to escape from Vietnam. My persistent, courageous mother extraordinarily struggled to support our remaining family with ten children. By that time I was not yet thirteen years old.
Peace was, in my case, worse than the war. I could not study at any college or university after I graduated from high school. I was academically eligible but not politically qualified to study more. After all, the Communist regime had already classified my family as politically backward second class, the untouchables of a modern caste system.
Ten year later, my father was free but already physically and mentally withered. Soon I was accepted to study at a university after I had passed a difficult entrance examination. My joy was, however, short-lived. After the first month at the university, I bitterly came to realize that it has been reduced almost to a rudely propagandizing apparatus of the repressive regime. There knowledge and general truths were readily distorted and manipulated to turn out the politically loyal yet partly soulless cadres rather than the useful and motivated persons. For instance, my major was English but, in practice, I had to learn a heavily politicalized English language and only Communism-related courses. I never had any chance to study courses necessary to general education, such as the arts, humanities and social sciences.
I managed to protect my mind and heart from all the ideological efforts of the regime. Somehow, like a totally closed oasis, I became mentally poorer, lonelier and rustier while waves of information and of democratic spirit continued to wash over the outside world. After my graduation I could not land any job due to the political “stain” on the past of my father. During this period of confidence disorientation, I wrote a couple of coded stories criticizing social inequalities and also began to dream of Abraham Lincoln and of the Statue of Liberty beyond the Pacific Ocean.
My family immigrated into the United States in 1992. Like the other immigrants to America, we have started our new lives with a lot of hope and optimism. Moreover, I have tried to forget my sorrow-laden past life in Vietnam, a very poor and unlucky land which I will always love so much. Nevertheless, I understand that I should live for the present and the future in America, my second country. Obviously, to forget a part of my life is far from easy. Like rediscovered tears, the past sometimes sneaks on me in sleep.
At present, I have been diligently studying required courses of business, my major, and, at the same time, interestedly filling big holes in my knowledge. No wonder, the bitter experiences in the past have helped me find the right path to follow in the present. I have become a voluntary tutor in Math and English, especially for those students whose first language is not English, such as the Vietnamese, Mexican, Koreans and so on. Wonderfully, they also help me realize many things through my listening to their stories . The first thing is that our global village is not really as happy as some of us have thought. Secondly, my story of past life is not an extreme one as long as there are still poverty, war and ignorance.
For me, the American Dream is a good education. Once the dream comes true, it will enable me to achieve something more positive in the remaining productive years of my life. Your university is the next place where I want to continue growing toward that lifelong dream.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Phản hồi
2 phản hồi (bài “Trần Quốc Việt – Bài văn vào Đại học Berkeley năm 1996”)
1. Trung Nu Hoang nói:
01/05/2010 lúc 1:07 sáng
Cậu bé 13 tuổi ngày đó, sau 35 năm đã là 48 tuổi, có thể có…cháu nội, cháu ngoại rồi không chừng! Ở tuổi này, sau 35 năm mài dũa, cải tạo trong môi trường mới, con người thường chồng chất “nỗi sợ” liên lụy tới gia đình, con cháu. Ngang tàng và nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Tuân mà cũng phải thốt lên với bạn văn ở Miền Nam sau ngày 30.4.75: ” Tao sống được đến ngày hôm nay là nhờ…biết SỢ”. Đọc bài viết của “cậu bé 48 tuổi” thấy phảng phất “bài văn mẫu” (đúc theo khuôn) để được cho lên mặt báo của “lề phải” ở trong nước. Chuyện dễ hiểu!
2. Sacroyant Nguyen nói:
01/05/2010 lúc 12:09 sáng
Còn đây là “Tiết lộ về ngày 30/4 của cậu bé 13 tuổi”. Các góc nhìn khác nhau quá! Mời các bác xem chơi
http://24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tiet-lo-ve-ngay-30/4-cua-cau-be-13-tuoi-c46a294039.html
Nguyễn Chính – Thư ngỏ gửi nhà văn Chu Lai
Nguyễn Chính – Thư ngỏ gửi nhà văn Chu Lai
Tác giả: Nguyễn Chính
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Ngày 30/4/2010
Thưa ông!
Những ngày tháng Tư này người Việt Nam mình dù ở đâu, quốc nội hay hải ngoại, nếu không vô cảm đều đau đáu nghĩ về thân phận đất nước mình, dân tộc mình. Vâng! Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, sau khi thoát khỏi kiếp nô lệ kéo dài ngót 80 năm bởi thực dân, đế quốc, lại tiếp tục lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài nhất, đổ máu nhiều nhất, bi thương nhất, hậu quả tệ hại nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhân ngày 30 tháng Tư, nhìn lại cuộc chiến 1954 – 1975, trên các trang báo mạng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm trí trái ngược nhau, nhưng đều có chung một mong muốn là làm sao để dân mình được mãi sống trong thanh bình, đất nước mình thực sự được tự do, độc lập, dân chủ, văn minh, giàu mạnh… Muốn vậy, thì phải hòa hợp, hòa giải. Vì hiện tại, vì tương lai của đất nước, của muôn đời con cháu mà hòa hợp, hòa giải thật sự, thật lòng. Từ suy nghĩ đó, sau khi đọc ý kiến của ông trên báo Đại Đoàn Kết số 91-92, ngày 29/4/2010, rằng: “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ, nhưng không có nghĩa là quên đi quá khứ. Vì nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…”, tôi xin kính gửi đến ông vài thiển ý như sau:
Thứ nhất, ai cũng biết quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy liên tục đối với một đời người, đối với một đất nước, một dân tộc. Có quá khứ hào hùng, vinh quang, nhưng cũng có quá khứ bi thương, khốn nạn để lại những gánh nặng đầy máu và nước mắt cho hiện tại và tương lai. Cuộc chiến năm 1954 – 1975 đang được những nhà làm sử chân chính của hiện tại và rồi sẽ được hậu thế phán xét, định nghĩa thật chính xác, thỏa đáng, công bằng và khách quan. Còn chúng ta, những thế hệ đi qua chiến tranh, may mắn còn sống sót, nay cũng sắp về với cát bụi, dù của chế độ miền Bắc, hay miền Nam, đã thừa biết cái giá phải trả cho chiến tranh của đất nước mình, nhân dân mình. Nhất lại là một người cầm bút như ông mà vẫn ôm cái chủ kiến kẻ cả, trịch thượng như vậy thì tôi thấy nguy quá. Ông bảo “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ…” Hai từ “có thể” rất mù mờ, có thể thế này, có thể thế khác, nghĩa là chưa chắc đã được thực hiện. Hoặc vạn bất dĩ có thực hiện thì cũng chỉ là giải pháp tình thế, là động tác giả. Còn hai từ “gác lại” thì đáng sợ lắm thưa ông. Vì “gác lại”, nghĩa là tạm thời cất vào chỗ nào đó, hay tạm gác lên trần nhà, trong xó bếp… vì một mục tiêu trước mắt, hay một mưu toan nào đó, khi cần lại lôi ra, dùng văn nô, bồi bút làm cho mới rợi. Thế là lại đấu tố, lại kỳ thị, lại vân vân… Thì bao nhiêu bài học quá khứ còn sờ sờ ra đấy, chưa ai quên đâu, thưa ông Chu Lai.
Thứ hai, ông còn bảo rằng: “Nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…” Ông nói không sai. Nhưng sao tôi thấy thật quá nhẫn tâm và vô cảm với những bà mẹ, những người chồng, người cha, người em, người con của những người lính thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không may ngã xuống trong cuộc chiến nồi da, xáo thịt đó. Là một nhà văn, ông đã nghĩ và nói trái với thiên chức của người cầm bút, là góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng loại, mà đó lại là đồng bào của mình. Phát biểu như thế trong dịp 30 tháng Tư này trên tờ Đại Đoàn Kết, một tờ báo lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ông đã vô tình xát thêm muối vào vết thương lòng của bà con mình đấy. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt, một người làm chính trị, sau chiến tranh ngồi đến chức Thủ tướng, mà trước khi về với đất còn nhận thức ra cái nỗi đau ở tầm dân tộc ấy. Trong khi ông, nhà văn Chu Lai, dù đã 35 năm qua rồi mà xem ra cái sát khí vẫn còn ghê gớm lắm.
Đọc xong bài trả lời phỏng vấn của ông trên tờ báo nói trên, tôi lục trong trí nhớ của mình xem nhà văn Chu Lai gắn liền với những tác phẩm để đời nào. Không! Tôi không thể nhớ được. Vậy thì tôi là một bạn đọc “dỏm” rồi còn gì. Theo bài báo, ông Chu Lai là nhà văn, nhà viết kịch kia mà. Tôi liền điện hỏi những người bạn “mọt” sách của mình về những nhà văn, nhà viết kịch mà họ yêu mến của nước ta. Họ kể vanh vách cả tên và tác phẩm: Những thiên đường mù – Dương Thu Hương; Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc trường; Bến không chồng – Dương Hướng; Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp; Thiên sứ – Phạm Thị Hoài; Rừng cười – Võ Thị Hảo; Khách ở quê ra – Nguyễn Minh Châu; Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn; Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 – Lưu Quang Vũ… Không thấy, tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến tác phẩm gắn với bút danh nhà văn Chu Lai. Chắc mấy vị đồng niên mọt sách của tôi cũng là thứ bạn đọc “dỏm” mất rồi.
35 năm qua rồi, nhân ngày 30 tháng Tư, là một bạn đọc, tôi nghĩ sau ngần ấy năm đã là quá muộn, chỉ mong người Việt mình dù ở quê nhà hay bất cứ chân trời góc biển nào hãy cùng nhau hòa hợp thật sự, hòa giải thật lòng, để cuộc chiến nồi da xáo thịt 1954 – 1975 mãi chìm vào dĩ vãng. Mong những nhà văn Việt Nam, bằng tác phẩm thứ thiệt cùng chỉ cho ra, cho rõ mặt những thế lực ngoại bang từng “xúi nguyên, giục bị” làm chiến tranh, làm cách mạng bằng máu của đồng bào mình. Vậy thôi!
Xin trân trọng kính chào ông!
© 2010 Nguyễn Chính
Tác giả: Nguyễn Chính
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Ngày 30/4/2010
Thưa ông!
Những ngày tháng Tư này người Việt Nam mình dù ở đâu, quốc nội hay hải ngoại, nếu không vô cảm đều đau đáu nghĩ về thân phận đất nước mình, dân tộc mình. Vâng! Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, sau khi thoát khỏi kiếp nô lệ kéo dài ngót 80 năm bởi thực dân, đế quốc, lại tiếp tục lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài nhất, đổ máu nhiều nhất, bi thương nhất, hậu quả tệ hại nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhân ngày 30 tháng Tư, nhìn lại cuộc chiến 1954 – 1975, trên các trang báo mạng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm trí trái ngược nhau, nhưng đều có chung một mong muốn là làm sao để dân mình được mãi sống trong thanh bình, đất nước mình thực sự được tự do, độc lập, dân chủ, văn minh, giàu mạnh… Muốn vậy, thì phải hòa hợp, hòa giải. Vì hiện tại, vì tương lai của đất nước, của muôn đời con cháu mà hòa hợp, hòa giải thật sự, thật lòng. Từ suy nghĩ đó, sau khi đọc ý kiến của ông trên báo Đại Đoàn Kết số 91-92, ngày 29/4/2010, rằng: “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ, nhưng không có nghĩa là quên đi quá khứ. Vì nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…”, tôi xin kính gửi đến ông vài thiển ý như sau:
Thứ nhất, ai cũng biết quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy liên tục đối với một đời người, đối với một đất nước, một dân tộc. Có quá khứ hào hùng, vinh quang, nhưng cũng có quá khứ bi thương, khốn nạn để lại những gánh nặng đầy máu và nước mắt cho hiện tại và tương lai. Cuộc chiến năm 1954 – 1975 đang được những nhà làm sử chân chính của hiện tại và rồi sẽ được hậu thế phán xét, định nghĩa thật chính xác, thỏa đáng, công bằng và khách quan. Còn chúng ta, những thế hệ đi qua chiến tranh, may mắn còn sống sót, nay cũng sắp về với cát bụi, dù của chế độ miền Bắc, hay miền Nam, đã thừa biết cái giá phải trả cho chiến tranh của đất nước mình, nhân dân mình. Nhất lại là một người cầm bút như ông mà vẫn ôm cái chủ kiến kẻ cả, trịch thượng như vậy thì tôi thấy nguy quá. Ông bảo “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ…” Hai từ “có thể” rất mù mờ, có thể thế này, có thể thế khác, nghĩa là chưa chắc đã được thực hiện. Hoặc vạn bất dĩ có thực hiện thì cũng chỉ là giải pháp tình thế, là động tác giả. Còn hai từ “gác lại” thì đáng sợ lắm thưa ông. Vì “gác lại”, nghĩa là tạm thời cất vào chỗ nào đó, hay tạm gác lên trần nhà, trong xó bếp… vì một mục tiêu trước mắt, hay một mưu toan nào đó, khi cần lại lôi ra, dùng văn nô, bồi bút làm cho mới rợi. Thế là lại đấu tố, lại kỳ thị, lại vân vân… Thì bao nhiêu bài học quá khứ còn sờ sờ ra đấy, chưa ai quên đâu, thưa ông Chu Lai.
Thứ hai, ông còn bảo rằng: “Nếu chúng ta quên quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hy sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng…” Ông nói không sai. Nhưng sao tôi thấy thật quá nhẫn tâm và vô cảm với những bà mẹ, những người chồng, người cha, người em, người con của những người lính thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không may ngã xuống trong cuộc chiến nồi da, xáo thịt đó. Là một nhà văn, ông đã nghĩ và nói trái với thiên chức của người cầm bút, là góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng loại, mà đó lại là đồng bào của mình. Phát biểu như thế trong dịp 30 tháng Tư này trên tờ Đại Đoàn Kết, một tờ báo lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ông đã vô tình xát thêm muối vào vết thương lòng của bà con mình đấy. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt, một người làm chính trị, sau chiến tranh ngồi đến chức Thủ tướng, mà trước khi về với đất còn nhận thức ra cái nỗi đau ở tầm dân tộc ấy. Trong khi ông, nhà văn Chu Lai, dù đã 35 năm qua rồi mà xem ra cái sát khí vẫn còn ghê gớm lắm.
Đọc xong bài trả lời phỏng vấn của ông trên tờ báo nói trên, tôi lục trong trí nhớ của mình xem nhà văn Chu Lai gắn liền với những tác phẩm để đời nào. Không! Tôi không thể nhớ được. Vậy thì tôi là một bạn đọc “dỏm” rồi còn gì. Theo bài báo, ông Chu Lai là nhà văn, nhà viết kịch kia mà. Tôi liền điện hỏi những người bạn “mọt” sách của mình về những nhà văn, nhà viết kịch mà họ yêu mến của nước ta. Họ kể vanh vách cả tên và tác phẩm: Những thiên đường mù – Dương Thu Hương; Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh; Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc trường; Bến không chồng – Dương Hướng; Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp; Thiên sứ – Phạm Thị Hoài; Rừng cười – Võ Thị Hảo; Khách ở quê ra – Nguyễn Minh Châu; Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn; Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 – Lưu Quang Vũ… Không thấy, tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến tác phẩm gắn với bút danh nhà văn Chu Lai. Chắc mấy vị đồng niên mọt sách của tôi cũng là thứ bạn đọc “dỏm” mất rồi.
35 năm qua rồi, nhân ngày 30 tháng Tư, là một bạn đọc, tôi nghĩ sau ngần ấy năm đã là quá muộn, chỉ mong người Việt mình dù ở quê nhà hay bất cứ chân trời góc biển nào hãy cùng nhau hòa hợp thật sự, hòa giải thật lòng, để cuộc chiến nồi da xáo thịt 1954 – 1975 mãi chìm vào dĩ vãng. Mong những nhà văn Việt Nam, bằng tác phẩm thứ thiệt cùng chỉ cho ra, cho rõ mặt những thế lực ngoại bang từng “xúi nguyên, giục bị” làm chiến tranh, làm cách mạng bằng máu của đồng bào mình. Vậy thôi!
Xin trân trọng kính chào ông!
© 2010 Nguyễn Chính
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)