30/4/10

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)
30/04/2010 | 4:27 chiều | 1 phản hồi

Tác giả: talawas

Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn

1. Bài phỏng vấn của Tăng D.

Tôi là Nguyễn Đ., sinh năm 1935 tại thôn L. Q., huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha làm thầy giáo tiểu học, mẹ thì làm ruộng; cuộc sống cũng đủ ăn qua ngày. Trước 10 tuổi, tôi chỉ có chơi với học thôi, nhưng tới 10 tuổi thì bắt đầu cực. Sau năm 1945 thì rất vất vả. Cực là vì sao? Tại chiến tranh đó. Pháp đánh vào vùng chính, nên chính phủ thời đó đưa dân tản cư vô trong núi, ở thị xã Hà Lam, quận Thăng Bình. Lúc đó gia đình không còn gì hết, học hành cũng bị gián đoạn luôn. Mới đầu còn nhỏ nhỏ thì đi mót khoai, mót sắn, hoặc là mót lúa. Lớn lên được 13, 14 tuổi thì đi đốn củi, hái rau, bắt ốc. Cứ như vậy mà sống qua ngày cho đến khi hòa bình lập lại thì về quê, năm đó là 1955.

Lúc 18, 19 tuổi thì tôi có nhiều người theo tán rồi, nhưng mà chưa dính anh nào hết. Chồng tôi lúc đó làm việc cùng một chỗ ngân hàng với cha tôi nên mới làm quen. Ông tán bố trước rồi mới tán con… ta nói đi đường tắt mà. Tới năm 1955, tôi được 20 tuổi thì cưới chồng, sau đó về quê chồng ở Duy Xuyên làm ruộng, chằm nón. Đến năm 1960 thì hai vợ chồng chuyển xuống Hội An. Chồng làm hạ sỹ quan tài chánh. Năm 1962, tôi mua nhà rồi mở tiệm buôn bán hàng tạp hóa. Tới năm 1970 thì chuyển qua buôn gạo. Lúc đầu chỉ buôn nhỏ, nhưng sau thì làm lên thành đại bài. Tôi mua gạo ở công ty ngoài Đà Nẵng rồi bán lại ở Hội An. Làm ăn cũng khá giả cho đến 1975 thì sụp tiệm.

Đời sống của người dân trước 1975 dưới quyền ông Diệm hay ông Thiệu thì cũng bình thường. Người dân tự do buôn bán, rất thịnh vượng, không bị trở ngại nhiều. Dân chúng làm ăn vui vẻ, thoải mái. Hội An thuộc trung tâm của tỉnh Quảng Nam nên ít bị bom đạn, còn mấy vùng thôn quê thì chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên cuộc sống cũng vất vả hơn, đất đai trồng trọt hiếm hoi.

Thời đó tôi chỉ lo đi buôn kiếm tiền nuôi gia đình thôi nên không có thời giờ đọc sách. Chữ nghĩa thì ít, học chưa hết tiểu học thì phải đi tản cư rồi, vô núi thì trường lấy đâu ra mà học. Rảnh rỗi thì ngồi đọc mấy tờ Phụ nữ mới . Đặc biệt có mục “Đời không có áo cưới” rất hay, tội nghiệp lắm, kể về nhiều cuộc đời bị dang dở, khổ cực lắm. Tin tức thì tôi thường nghe người ta truyền miệng khi ra đi buôn, hoặc nghe chồng nói sơ vậy thôi.

Hồi đó tôi ham coi hát cải lương, hát bội, rồi kịch nữa. Cải lương thì có Minh Phụng, Lệ Thủy, rồi Thanh Sang, Mỹ Châu; hát bội thì có Thanh Bạch, Thanh Tòng; kịch nói thì có Túy Hồng, Kim Cương, và La Thoại Tân. Tôi thích coi mấy người đó nhất. Tác giả thì chỉ có đọc sách nhiều mới biết; tôi không đọc nên cũng chẳng biết nhiều. Ca nhạc thì có Hùng Cường với Mai Lệ Huyền. Hai người hát bài “Đám cưới nhà binh” và “Túp lều lý tưởng”… một túp lều tranh hai trái tim vàng đó. Chế Linh thì hát bài “Đồi tím hoa sim.” Còn “Lan và Điệp” nữa. Những bài đó hay.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi ở nhà ở Hội An; khi nghe tin giặc tới thì lo khăn gói mà chạy ra Đà Nẵng để vô Sài Gòn, nhưng không đi được; tàu xe đông nghẹt người nên phải về lại Hội An. Trời ơi, về tới nhà thì thấy cửa mở tan hoang, đồ đạc bị người ta lấy hết trơn không còn chi hết. Lúc đó thì vừa đau khổ vì mất đồ, vừa hoang mang vì lo sợ không có của nuôi con, lại bị lạc chồng nữa. Tất cả xảy ra trong một buổi nên cảm thấy như mình mất trụi hết, trắng tay. May mà cũng còn cái nhà mới xây, vừa được một năm.

Sau ngày 30 tháng 4 thì chồng tôi đi tù vì trước đó ông đang làm sỹ quan. Hồi đó thiếu ăn thiếu mặc; nhà đông con nên rất vất vả. Tôi vừa phải gánh vác gia đình, vừa phải đi thăm nuôi chồng ở tận ngoài Bắc, khổ cực vô cùng. Chồng đi tù cũng 7 năm chứ đâu ít. 2 năm đầu ở Nghệ Tĩnh, rồi 2 năm ở Lạng Sơn, sau chuyển vô Hàm Tân, hình như thuộc tỉnh Phan Rang thì phải, vô đó thêm 3 năm nữa thì được về. Tình cảnh ngoài Bắc lúc đó cực hơn trong Nam nhiều lắm. Dân nghèo, đói, khổ cực vô cùng, rất tội nghiệp. Mình chưa đi thì không biết miền Bắc, chứ đi rồi thì thấy họ cũng như mình, nghèo khổ không thể tả được.

Trong thời gian chồng đi tù, tôi về quê làm ruộng thuê cho người ta, dẫn theo hai người con lớn. Sau này ruộng bị vô hợp tác xã nên không làm nổi, phải xuống Hội An làm công nhân xưởng dệt. Làm được hai năm thì cũng bị hợp thức hóa nhà nước, nên bỏ không làm nữa. “Hợp tác xã” và “hợp thức hóa” nói nôm na là sau này đều bị nhà nước quản lý hết, của tư gì thì cũng thành của nhà nước cả. Tuy hết làm, nhưng tôi cũng để dành được một ít vốn nên trở lại đi buôn lương thực như ngày xưa. Sáng sớm lên quê mua hàng rồi mang về Hội An bán lại. Thời đó khổ lắm, không được tự do như ngày xưa. Lâu lâu lại bị mấy người thuế vụ rượt bắt, tịch thu mất vốn. Rồi cứ như vậy đó, buôn bán tàm tạm để sống qua ngày cho tới khi đi Mỹ.

Gia đình tôi qua Mỹ định cư năm 1991 theo diện H.O. Lần đầu tiên đi máy bay, tôi có cảm giác hơi sợ, nhưng mà ngồi một lát thì cảm thấy “perfect.” Rất vui! Cả nhà đi máy bay từ Sài Gòn qua Thái Lan, ở trại định cư khoảng 10 ngày rồi bay qua New York, vùng tuyết lạnh. Khi mà rời khỏi Việt Nam, thì tinh thần thoải mái, cảm thấy tự do, vui vẻ hơn.

Sau khi sang Mỹ, mấy năm đầu có một bà giáo người Mỹ đỡ đầu. Bà giáo dạy tôi tiếng Anh trong trường ESL. Vừa đi học vừa đi làm cho tới khi bị trượt tuyết té gãy tay thì thôi không làm việc nặng được, chỉ ở nhà giữ con em kiếm ít tiền. Mới đầu tôi cũng thấy khó khăn vì sự bất đồng ngôn ngữ, chưa cảm thấy quen với thời tiết khí hậu lạnh, nhưng dần dần rồi thì cũng thích nghi được với những khác biệt. Lúc đầu không biết tiếng Anh thì đi học ESL, đi đâu thì có mấy con dẫn đi, sau quen dần thì tự đi. Khi đã biết được chút tiếng Anh, rồi có quốc tịch Mỹ, thì cũng thấy mình hòa nhập một chút. Thêm nữa là có nhiều cộng đồng người Việt ở đây nên cuộc sống cũng dễ dàng, thuận tiện.

Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất là tắm biển Cửa Đại. Lâu lâu lại thèm một dĩa bánh bèo của bà dì Bảy, hay là một trái vú sữa thiệt ngọt lịm. Ngày xưa vì quá lo làm ăn nuôi gia đình nên không để ý đến những gì chung quanh, nhưng nếu có dịp thì tôi rất muốn được về hưởng thụ những gì mộc mạc, đáng nhớ của quê hương mà không nơi đâu có thể tìm thấy được.

Tôi về Việt Nam cũng được vài lần rồi. Về hình thức thì đất nước mỗi ngày một đổi mới. Nhờ có ngoại giao và đầu tư của nước ngoài mà Việt Nam được tân tiến hơn, người dân được văn minh hơn, cuộc sống đỡ khổ hơn. Mọi người có vẻ sống được sung túc hơn, không bị đói như hồi xưa vì nạn chiến tranh nữa. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn còn xa lắm. Người giàu thì càng ngày càng giàu, con cái họ có điều kiện phát triển, được đi du học khắp nơi. Người nghèo thì tuy không bị đói, nhưng phải sống rất lam lũ, nhiều nơi còn có trẻ em bị thất học. Cái nghèo vẫn còn đeo đẳng người dân Việt Nam.

Việt Nam tuy đã có nhiều thay đổi mới nhưng vẫn chưa đạt được đến mức người dân hằng mơ ước. Giá như chính quyền nhà nước cởi mở hơn thì không những nền kinh tế mà nhiều lãnh vực khác sẽ phát triển mạnh hơn. Thêm vào đó, Việt kiều nên tạo điều kiện để giúp đỡ người dân bằng cách gửi tiền về đầu tư, hay giao lưu về nhiều mặt như khoa học kỹ thuật, thương mại, sức khỏe y tế.

Nhận xét của người phỏng vấn

Qua cuộc phỏng vấn này, tôi đã có cơ hội nói chuyện và hiểu thêm về cuộc sống của bà ngoại, cũng như của người Việt từ trước và sau năm 1975. Là người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên khi chinh chiến đã tàn, tôi không được biết và cũng không phải trải nghiệm những mất mát và đau đớn mà chiến tranh đã gây ra cho con người và đất nước. Bây giờ tôi có thể hiểu được vì sao nhiều người Việt tỵ nạn khi rời khỏi Việt Nam, mặc dù rất yêu quê hương xứ sở, vẫn nhất quyết không trở về trước khi chính quyền nhà nước thay đổi. Những vết thương mà chiến tranh để lại cho con người thật quá lớn.

Ngoài sự tàn khốc của chiến tranh thì tôi còn nhận thấy được nhiều diễn biến trong xã hội. Tôi thấy ở bà ngoại sự hy sinh và đảm đang của những người phụ nữ Việt Nam vì chồng vì con mà gánh vác gia đình. Tôi thấy ở những người cậy quyền thế sự bóc lột sức lao động của người dân yếu thế. Nhiều người tìm đường giải thoát bằng cách đi ra nước ngoài, nhưng còn có những người không được may mắn, vẫn phải chịu vất vả. Tôi mong rằng họ cũng sẽ sớm tìm được sự bình yên, hạnh phúc như bao người khác.

2. Bài phỏng vấn của H. Nguyen

Tôi là Lâu T., sinh năm 1947, năm nay 64 tuổi. Tôi là con gái thứ tám trong một gia đình lao động. Hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi được ba mẹ cho đi học. Nhưng vì gia đình nghèo nên lên lớp 3 thì tôi vừa học vừa phụ làm cùng gia đình. Hồi xưa gia đình tôi dán tem cho những lọ thuốc. Phụ thêm một tay làm thì sẽ nhanh hơn, để ba mẹ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Học hết lớp 9 thì tôi nghỉ học. Sau đó đi làm được một thời gian rất ngắn thì tôi lấy chồng, rồi ở nhà lo việc nội trợ và trông nom con cái.

Đời sống nói chung ở Việt Nam trước 1975 tôi chỉ nhớ sơ sơ. Tôi nhớ phần lớn những gia đình đều thuộc tầng lớp lao động. Họ làm chủ yếu là để lo cho những miệng ăn trong gia đình. Cũng có một số gia đình khá giả thời đó, nhưng không nhiều. Con cái trong những gia đình khá giả thì may mắn hơn vì họ có thể học lên đại học hoặc đi du học nước ngoài; còn những người trong gia đình lao động như tôi thì học cao nhất là tới lớp 12 thôi.

Hồi đó tôi hay đọc những tờ báo như Tự do và Dân chủ. Tin tức trong báo chí phần lớn là về chiến tranh. Tôi thấy như vậy cũng tốt, vì hầu hết các gia đình đều có người thân đi lính. Tôi cũng có mấy người anh đi lính nên đọc báo mà không thấy tin tức gì ở nơi đóng quân của mấy ảnh bị đánh thì tôi cũng bớt lo hơn.

Về âm nhạc, tôi thích nhất nhạc Trịnh Công Sơn vì nó sâu sắc và dễ đi vào lòng người. Ngày xưa tôi có nghe nhạc của Trúc Phương, nhưng không thích bằng nhạc Trịnh. Tôi thích các nữ ca sĩ Khánh Ly, Thái Thanh, Hoàng Oanh và Trang Mỹ Dung. Ca sĩ nam thì thích Elvis Phương và Nhật Trường. Về mặt chính trị và văn học, hồi đó tôi làm nội trợ nên không quan tâm lắm. Nếu báo chí mà không đăng tin về những sự kiện, những nơi xảy ra đột kích, pháo kích thì tôi cũng chẳng coi làm gì.

30 tháng 4 năm 1975 là một ngày tôi không bao giờ quên được. Lúc đó, tôi đang mang bầu T. Đau bụng quá nên tôi vào bệnh viện Nguyễn Thái Học lúc bấy giờ (bác T. không nhớ rõ tên bệnh viện là Nguyễn Văn Học hay Nguyễn Thái Học, bây giờ là bệnh viện Gia Định ở thành phố Hồ Chí Minh). Lúc tôi tới bệnh viện thì nó không còn giống một cái bệnh viện nữa vì mọi người chạy hỗn loạn, tiếng súng bên ngoài thì cứ nổ lên liên tục. Tôi thật sự không biết phải làm sao nữa. Lúc đó, một ông bác sĩ mặc áo blue trắng đến hỏi và đã đỡ sinh cho tôi. Ông ta tận tình giúp tôi và như thế T. được ra đời một cách khoẻ mạnh. Ông ấy rất tốt bụng vì thật ra đang có máy bay chờ ông ta trên sân thượng để chở đi. Vì thấy tôi như vậy nên ông ta đã hoãn máy bay lại trong vài giờ. Sau khi đỡ sinh cho tôi, ông ta hỏi tôi có muốn đi thì lên máy bay cùng với ông ta. Vì còn con ở nhà nên tôi từ chối. Ông ta là người bác sĩ có một không hai trên đời. Tôi rất muốn gặp lại ông ta để nói lời cám ơn.

Đến năm 1988, tôi cùng chồng và con vượt biên qua Mỹ. Tôi đi tàu qua đến được đảo ở Thái Lan. Đời sống trên đảo rất cực khổ và khó khăn. Tị nạn ở đó khoảng 6 tháng thì có phái đoàn của Mỹ tới bảo lãnh gia đình tôi đi. Họ dẫn gia đình tôi và nhiều người khác nữa đến tị nạn ở đảo Guam. Ở đảo Guam được khoảng 3 tháng thì được phái đoàn của đạo Tin Lành bảo lãnh qua sống ở tiểu bang Indiana.

Sau khi qua Mỹ, được sự giúp đỡ của những người ở nhà thờ, tôi và chồng được đi học tiếng Anh để có thể giao tiếp với những người khác. Các con của tôi cũng đi học. Vợ chồng tôi ngoài học tiếng Anh thì xin việc làm để có tiền trang trải mọi thứ trong gia đình. Tất nhiên là tôi không thể hội nhập được với cuộc sống mới. Lúc mới qua, tôi cảm thấy hoang mang và lạc lõng khi không cùng ngôn ngữ và phong tục. Thời tiết thì khắc nghiệt; nhiều lúc gặp bão tuyết tôi sợ lắm. Đồ ăn nước uống cũng lạ nên lúc đầu tôi đâu có ăn được. Tôi rất buồn và nhớ gia đình mình ở Việt Nam. Tôi nhớ nhất là bữa cơm gia đình với ba mẹ và anh em. Tuy nó giản dị và đạm bạc, nhưng nó rất ấm cúng.

Tôi đã về thăm Việt Nam 6, 7 lần rồi. Lần gần nhất đây là năm ngoái. Tôi thấy trước năm 1975 và hiện nay có rất nhiều sự thay đổi quan trọng. Nói về đời sống, tôi thấy đời sống Việt Nam hiện nay tốt hơn. Trước năm 1975, mọi người đi làm hầu hết chỉ vì miếng ăn; bây giờ thì tôi thấy đời sống có thoải mái hơn vì hầu hết ai cũng khá giả và có thể sắm sửa rất nhiều thứ trong gia đình. Về xã hội, tôi thấy Việt Nam cũng tốt hơn vì đường phố sạch sẽ và văn minh hơn. Về con người, tôi thấy bề ngoài con người lịch sự và thanh tao hơn, nhưng bên trong họ nghĩ gì và làm gì thì tôi không biết vì tôi thấy có nhiều sự tham nhũng và hối lộ hơn. Thời nào cũng có tham nhũng và hối lộ hết, nhưng trước năm 1975, những chuyện này xảy ra ít, với quy mô nhỏ hơn, nên không ai để ý tới. Bây giờ, tôi thấy tham nhũng và hối lộ rõ ràng và với quy mô lớn hơn. Chẳng hạn như chuyện thi giùm và mua bằng cấp giả.

Tôi không nghĩ là mình sẽ về Việt Nam sống hoặc cho con cái của mình về Việt Nam làm việc vì giao thông và nền y tế của Việt Nam cần được phát triển hơn nữa. Người dân chưa có ý thức lắm về giao thông nên có thể xảy ra nhiều tai nạn chết người. Còn về y tế, tôi thấy khi có tiền người ta mới chữa bệnh cho mình. Tôi thấy tính mạng của con người sống ở Việt Nam không được bảo vệ lắm.

Nhận xét của người phỏng vấn

30 tháng 4 là một ngày hết sức hỗn loạn, người dân hoang mang không biết cuộc đời của mình sẽ ra sao. Đó là ngày mà nhiều người phải bỏ mạng vì những viên đạn vô tình, ngày mà nhiều người muốn ra nước ngoài để tìm cuộc sống mới. Và cũng chính ngày đó, một bé gái được ra đời dưới bàn tay của một bác sĩ nhân hậu. Tôi cảm thấy rất cảm kích và ngưỡng mộ người bác sĩ đó. Theo lời của bác T., mọi người trong bệnh viện lúc ấy ai làm việc của người đó, người thì cố gắng lấy càng nhiều thuốc về nhà càng tốt, người thì bỏ bê bệnh nhân của mình mà chạy về nhà; mặc dù đã năn nỉ một số bác sĩ, không một ai để ý tới sự hiện diện và cầu cứu của bác T. Bác đã gần như tuyệt vọng thì một ông bác sĩ đến và giúp bác sinh. Ông ta sống và làm việc đúng như một bác sĩ chân chính, quan tâm trên hết đến tính mạng của bệnh nhân. Ông ta đã hoãn chuyến bay của mình lại vài giờ để giúp bác T. mổ cứu sống bé gái trong bụng của bác. Không chỉ là người bác sĩ tận tâm, ông còn là một con người nhân từ. Vì thấy hoàn cảnh hoảng loạn, ông ngỏ ý mời bác T. và chồng bay cùng với đoàn của ông trên chiếc máy bay đã chờ sẵn trên sân thượng. Khi bác T. từ chối không đi, ông đã vui vẻ đẩy bác trên xe lăn ra gặp chồng rồi từ biệt lên máy bay. Một con người tốt bụng và cao thượng như ông khó có thể tìm được lúc bấy giờ.

3. Bài phỏng vấn của Thụy Đăng

Tôi tên Bùi Tr., năm nay 50 tuổi. Lúc nhỏ tôi học ở trường tư thục Công giáo. Cấp 2 và 3, tôi học tại trường nữ Gia Long, rất nổi tiếng trước năm 1975. Mẹ tôi đi làm cho một tư sở. Ba tôi là lính chế độ cũ. Nhà tôi không khá giả gì, nhưng cũng đủ ăn. Đời sống trước năm 1975 có phần giản dị, bình lặng hơn sau 1975. Thành phố Sài Gòn mát mẻ và sạch sẽ, không bụi bặm và ô nhiễm như sau này. Dân số không đông và xe cộ không nhiều.

Trước năm 1975, tôi thường đọc sách trong thư viện trường. Tôi đã đọc qua các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… Ngoài ra tôi còn thích sách loại bỏ túi của nhà xuất bản Tuổi Hoa. Lúc trước có nhiều sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt hoặc có nhiều tác giả lấy cốt truyện của tác phẩm nước ngoài rồi phóng tác lại, dùng bối cảnh, con người Việt Nam. Tôi hâm mộ các tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Thùy An (người viết sách cho nhà xuất bản Tuổi Hoa) và Hà Mai Anh (người dịch quyển Grand Coeurs). Về âm nhạc, tôi nghe phần lớn những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Tôi thích nhất bài “Những con mắt trần gian” của Trịnh Công Sơn và bài “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy.

Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình trú dưới gầm cầu thang để tránh bom đạn. Lúc đó tôi rất sợ nhưng lại cảm thấy sự ấm cúng của tình cảm gia đình. Sau ngày 30 tháng 4 thì mẹ tôi thất nghiệp và ba tôi vào trại cải tạo.

Tôi di cư sang Mỹ vào năm 2002 bằng máy bay. Sau đó, tôi vào học ESL ở một trường college. Tôi cảm thấy rất khó khăn để hội nhập vào môi trường mới bởi vì sự khác biệt quá lớn trong ngôn ngữ và phong tục tập quán. Người ta thường nói là ở Mỹ mọi người được đối xử công bằng, nhưng thật ra thì cũng giống như Việt Nam, cũng là nhất thân nhì thế. Đi làm ở Việt Nam thì cần quen biết, ở Mỹ thì cần letter of recommendation (thư giới thiệu). Đối với tôi thì cả hai đều không có gì khác biệt.

Sống ở Mỹ, tôi nhớ nhất những món ăn Việt Nam. Mặc dù ở đây cũng có những món ấy nhưng mùi vị thì hoàn toàn khác. Tôi về thăm Việt Nam vào năm 2006. Không có gì thay đổi nhiều từ khi tôi đi, nhưng con người trước và sau 1975 khác nhau rất nhiều. Bây giờ con người chú trọng vật chất nhiều hơn là tình nghĩa giữa người và người. Hồi trước người ta đối với nhau chân thật hơn rất nhiều.

4. Bài phỏng vấn của Cao H.

Tôi là L.T.N., 63 tuổi. Tôi sinh trưởng tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, không còn nhớ nhiều những hình ảnh và kỷ niệm về Hà Nội. Tôi chỉ còn nhớ hồi nhỏ tôi được theo học tại trường tiểu học Hàng Vôi.
Trước năm 1975, Sài Gòn – miền Nam Việt Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đời sống của người dân khá ổn định và được hưởng những quyền tự do căn bản, tuy rằng gia đình nào cũng có người thân gia nhập quân đội. Chúng tôi hay đọc báo hằng ngày để theo dõi tin tức thế giới và trong nước. Hồi còn ở trung học, tôi rất say mê đọc truyện Tàu, nhất là những truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung. Tôi thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn và nhạc của Ngô Thụy Miên.

Sau khi học xong trung học, tôi ra nhập quân đội, như những thanh niên cùng tuổi khác, vì đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.Thời gian ở trong quân ngũ là thời kỳ vui và nhiều kỷ niệm nhất khi còn sống ở Việt Nam trước năm 1975.

Ngày 26/4/1975, tôi nhờ có người quen biết, đưa vào phi trường Tân Sơn Nhất đợi di tản. May mắn chúng tôi được phi cơ quân sự Hoa Kỳ chuyên chở qua đảo Guam. Ngày 30/4/1975, chúng tôi đang ở đảo Guam, và cùng mọi người chờ đợi tin tức ở Việt Nam. Khi nghe tin Việt Nam cộng hòa đã rơi vào tay cộng sản, tất cả mọi người ở trên đảo đều bàng hoàng xúc động về sự mất mát quá lớn này. Chúng tôi ở trại tị nạn trong khoảng thời gian hơn 2 tuần, rồi được đưa sang định cư ở Hoa Kỳ, sống trong trại tị nạn Pendleton, San Diego.

Sau một thời gian dài sống trong trại tị nạn và được nhà thờ bảo trợ, tôi quyết định ra ngoài kiếm sống. Tôi đi học Anh ngữ vào buổi tối, còn ban ngày thì đi làm những việc lao động để kiếm sống, rồi sau đó ghi tên vào trường cao đẳng để học nghề chuyên môn. Có bằng cấp, tôi kiếm được những việc khá hơn, đời sống ổn định hơn.

Trong những năm đầu, ai cũng rất bỡ ngỡ khi hội nhập vào đời sống mới, phần vì khó khăn về ngoại ngữ, phần vì tinh thần vẫn còn đau buồn vì mất nước. Hơn nữa, cộng đồng người Việt hãy còn thưa thớt, không quy tụ đông đảo, nên sự tương trợ lẫn nhau không được bao nhiêu, mỗi người phải tự học hỏi và tìm hiểu để hội nhập vào đời sống mới.

Sau thời gian dài định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã có dịp quay về Việt Nam để thăm thân nhân. Sau hơn 30 năm, đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay, tuy đời sống của người dân dã được cởi mở phần nào, nhưng nếu so sánh những quyền tự do mà người dân thời Việt Nam Cộng hòa đã có, thì người dân ở Việt Nam hiện nay hãy còn thiếu rất nhiều quyền tự do căn bản của một người dân.

Sống ở Mỹ, tôi nhớ rất nhiều thứ ở Việt Nam. nhất là nhớ những ngôi chùa cổ kính v.v… Dù sống ở đâu, thì tôi lúc nào cũng vẫn là người Việt.

Nhận xét của người phỏng vấn

Ấn tượng lớn nhất của tôi sau khi phỏng vấn bác L.T.N là sự khác biệt rõ nét về suy nghĩ và cảm xúc của người Bắc và người Nam. Những tác phẩm ta đã học trong kỳ này thường do những người Bắc viết và nói về xã hội miền Bắc tiền chiến. Nếu tôi có thể phỏng vấn được một người dân Bắc chính thống thì mới có cơ hội tìm hiểu được tầm ảnh hưởng của văn chương Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng mà để hiểu được cảm xúc của một người Bắc, mà lại di cư sang Mỹ thì thật khó- phần lớn những người tị nạn sang Hoa Kỳ đều là người miền Nam. Bác L.T.N là bác họ của tôi, là người Bắc nhưng lại di cư vào Nam lúc còn trẻ nên vẫn bị ảnh hưởng nhiều của nước Việt Nam Cộng hòa và cũng bị tuyển đi lính như bao người. Cuộc phỏng vấn này giúp tôi hiểu thêm nhiều điều thú vị về những kinh nghiệm và cảm nghĩ của một người lính cộng hòa. Trong khi những người lính cộng sản coi ngày 30 tháng 4 là một ngày vinh quang- ngày giải phóng miền Nam, thì những người lính cộng hòa lại “bàng hoàng xúc động” vì bị mất nước. Tuy nhiên, bác L.T.N không có thái độ thù địch với những người dân Bắc như những người miền Nam khác, phần vì họ hàng của bác là người Bắc. Bác L.T.N đã về thăm quê hương và nhớ nhiều thứ ở quê hương, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng bác không muốn về Việt Nam sinh sống, và rằng người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản không có quyền tự do như những người dân dưới chế độ cộng hòa. Mặc dù vậy, bác vẫn mãi mãi coi mình là người Việt, chứng tỏ cũng có những người dân miền Nam đã di cư nhưng vẫn yêu nước không kém gì người dân miền Bắc.

© 2010 talawas


Phản hồi
1 phản hồi (bài “Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)”)

1. Trung Nu Hoang nói:
01/05/2010 lúc 12:50 sáng
Tôi thực sự xúc động khi được biết có một Bác Sĩ ở BV Nguyễn Văn Học, vào giờ phút rối ren cùng cực của ngày cuối tháng 4.75, vẫn nán lại đỡ đẻ cho bà Lâu T. và phải hoãn chuyến bay. Sau đó, ông lại hỏi có muốn di tản thì ông cho đi theo chuyến bay luôn. Thật là một vị Lương Y đúng mức.
Qua những dòng PH ngắn ngủi này tôi xin chân thành tỏ bày lòng cảm mến cao độ đến vị BS “vô danh” nọ. Mong rằng tất cả các BS trên thế giới này, nhất là các BS đang làm việc trong các BV ở Việt Nam hiện nay, cần noi gương vị BS này trong việc phục vụ bệnh nhân để xứng đáng với khẩu hiệu được treo nhan nhản khắp các BV trong nước: “Lương y như từ mẫu”! Khi mà trên nhiều báo chí, nhiều trang mạng v.v. cho biết về tình trạng hơi bị phổ biến ở các BV Việt Nam hiện nay, các BS thường coi trọng câu hỏi… ĐẦU TIÊN của bệnh nhân rồi mới quyết định chữa hay không và chữa như thế nào, tùy thuộc vào câu trả lời “đạt yêu cầu” hay không!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét