30/4/10

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 2)

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 2)
29/04/2010
Tác giả: talawas

Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn

1. Bài phỏng vấn của Annie N.

Tôi là C. Phạm, hiện đang sống ở thành phố Ventura, California.

Sau khi di cư từ ngoài Bắc vào, gia đình tôi ở Tam Hiệp, Đồng Nai. Khi còn nhỏ, tôi theo mẹ đi bán ở chợ, rồi đi học. Đến khoảng 12 tuổi, tôi bắt đầu vừa đi học vừa đi đánh giày, sau đó đi bán báo. Bán ế nên đọc báo, và tập tành viết báo. Lúc đó tôi khoảng 14-15 tuổi, có một số bài được chọn đăng. Vào thời điểm đó, họ trả tiền cho một bài được đăng tương đương với tiền công làm một ngày của một người trung bình, và trả tiền ngay lập tức khi nhận bài. (Ví dụ một người bình thường ở đây hiện nay làm được $100/ ngày, thì khi bài báo được đăng sẽ được trả số tiền tương tự). Cho nên cuộc sống dễ chịu hơn vì tiền kiếm được dễ hơn. Đi bán mấy trăm tờ báo mỗi ngày cũng không bằng.

Thời đó chủ yếu tôi đọc tờ Tuổi ngọc của nhà văn Duyên Anh, chuyên viết về truyện ngắn, thơ văn tình yêu vớ vẩn của tuổi học trò. Khi đó tôi còn là học sinh, nên đây là tờ báo tôi thường đọc nhất. Hầu hết học sinh sinh viên nào cũng biết đến tờ báo này.

Tôi cũng hay đọc Xây dựng, một trong những tờ báo lớn thời điểm đó, giống như báo Người Việt bên này hiện giờ. Ngoài ra còn có tờ Chính luận, Sóng thần. Nội dung và số phát hành của những tờ này tương đương nhau. Chủ yếu viết về quảng cáo thương mại, tin tức xảy ra trong tuần. Đa số các tờ báo mang tính trung lập vì bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, bóng dáng dân chủ trong những tờ báo ở miền Nam thì cao hơn ở miền Bắc. Sau 1975, hầu hết những tờ báo này bị dẹp hết. Những tờ báo mới xuất hiện sau 1975 thiên về chính trị nhiều hơn, bị kiểm duyệt trước khi đăng, nội dung toàn kêu gọi “yêu lao động, yêu Bác Hồ, ủng hộ tư tưởng đường lối của Đảng”. Nửa tiếng đầu giờ, nhà trường thường đem báo Nhân dân ra đọc cho sinh viên nghe.

Về âm nhạc, tôi thích Khánh Ly (bài Hạ Trắng, Biển Nhớ), Hoàng Oanh, Thái Thanh và Thanh Lan (bài Bang Bang). Hai nhạc sĩ tôi yêu thích là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.

Khi tốt nghiệp Tú tài II, sự kiện mùa hè rực lửa xảy ra. Trong miền Nam có lệnh tổng động viên, đóng cửa các trường đại học và trung học bậc cao. Tất cả nam thanh niên từ mười tám tuổi trở lên là thầy hay trò cũng đều bị bắt đi lính hết. Thiếu cân bằng nam nữ đến nỗi mỗi khi có một người con trai trở về, thì tất cả con gái trong trường xúm lại. Chỉ một số người có điều kiện gia cảnh có tiền hoặc bị bệnh nặng thì được ở lại, hoặc những thanh niên dưới 18 tuổi thì được hoãn chưa phải đi lính. Những người nào có bằng Tú tài thì cho vào học ở trường sĩ quan quân đội để ra làm chỉ huy. Tôi là assistant physician, làm trưởng nhóm của 30 y tá coi về y tế cho tiểu đoàn khoảng 400 người.

Cuộc sống ở miền Nam trước 1975 thoải mái hơn ngoài Bắc nhiều. Tuy vất vả, nhưng ai cũng được đến trường nếu có thời gian. Nhìn chung, vẫn là có tiền có quyền. Có nhiều loại hình kinh tế, người dân thoải mái kinh doanh buôn bán, không có kiểm soát gắt gao.

Ngày 30/4/75, tôi vẫn làm trưởng nhóm về y tế trong một tiểu đoàn quân đội. Cảm giác lúc ấy là bây giờ chưa biết sẽ thế nào, cuộc đời sẽ sang một bước ngoặt khác. Hoang mang và không biết đi về đâu. Sau đó, tôi bị bắt đi cải tạo. Vì chỉ làm quân y trong quân đội, nên tôi được học tập cải tạo ở một nơi ít cực nhọc hơn so với những sĩ quan khác.[1]

Thời này, tôi thích nhất bài “Nửa hồn thương đau”, do ca sĩ Thái Thanh hát. Khi đó đang trong trại cải tạo. Giờ cơm trưa, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện ồn ào. Một người cất giọng hát “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi. Nghe tình đang chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…” Cả trại im bặt đi, chùng xuống buồn não nề. Hầu như mọi người cảm nhận được từng lời từng chữ của bài hát.

Chính quyền mới lệnh là tất cả những người sĩ quan, quan chức cải tạo, con của Ngụy quân đều không được vào học trường đại học. Cai trị người dân bằng gạo, nếu làm gì sai thì sẽ cắt phần gạo được phép mua.

Mãi cho tới 1986-1988, đặc biệt là khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì hình thức cai trị cũng khác đi nhiều. Tính từ lúc bắt đầu Nguyễn Văn Linh lên, đời sống được thả lỏng hơn. Người dân bắt đầu được tự do buôn bán, làm ăn. Không còn bị kiểm soát gắt gao như trước đó. Có nhiều cơ hội cho những người như tôi tìm cách vươn lên và thoát khỏi cuộc sống cùng cực hiện tại.

Trước năm 1988, học sinh đi học không phải đóng tiền, nhưng sau năm 1988 thì Liên Xô không còn viện trợ cho Việt Nam. Những sĩ quan cải tạo ngày xưa nếu có tiền thì có thể đăng ký đi học đại học. Cho nên tôi đi học, lấy bằng cử nhân Anh văn. Và đi dạy cho các giám đốc của những hãng xưởng. Tuy Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao, cuộc sống khá hơn, nhưng thời điểm đó, trong số những sĩ quan Ngụy quân thì chỉ có vài người là thoát khỏi cảnh cùng cực, 90% còn lại vẫn nằm trong vòng quản giáo của cộng sản.

Tôi sang Mĩ năm 1995, theo diện H.O. Khi mới sang, khó khăn đầu tiên là không có người thân ở đây, chỗ ở khó khăn, công việc không có. Xe cộ không có, đưa ba đứa con đi học ba trường khác nhau là hết 1 buổi sáng. Vợ đi làm nails, tôi thì đưa con đi học, rồi đi học ở community college (cao đẳng cộng đồng), rồi transfer (chuyển tiếp) qua Cal State Northbridge, lấy bằng B.S. hóa học, rồi đi làm cho hãng Amgen. Vì mắc bệnh tiểu đường, mà công việc đòi hỏi phải bay đi những nước khác, không đủ sức khỏe, nên tôi nghỉ làm, dạy kèm ở nhà. Sau năm năm, công việc ổn định, con cái học hành thành đạt thì có niềm vui và động viên cố gắng hơn. Bây giờ ba đứa con tôi đều đang học trường đại học Stanford. Hai người đang thực tập bác sĩ ở đó, người con út đang học bằng thạc sĩ. Nhìn chung là đã hội nhập được với xã hội bên này.

Ở Mỹ, tôi nhớ gia đình, người thân, nhớ những ngày tháng cơ cực cùng mẹ đi buôn bán thuở niên thiếu, và những buổi nắng gắt xếp hàng hằng giờ để đợi tới lượt mua gạo, và bị hạch sách đủ điều.

Từ ngày sang đây, tôi chưa bao giờ quay trở lại Việt Nam. Tất cả gia đình, anh em, người thân đều ở bên đó. Sống bên này tạm đủ, chủ yếu cho các con đi học, nên chưa có điều kiện trở về.

Nhìn chung mà nói thì đất nước bây giờ đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, xét về tiến độ và tốc độ thì mình thua xa những nước lân cận. Nhớ ngày xưa miền Nam Việt Nam hơn xa South Korea (Nam Hàn). Mức sống, môi trường, kinh tế thời đó là thuộc hàng có hạng trong khu vực Đông Nam Á và một số nước trong châu Á. Vậy mà hiện giờ những người bên South Korea, những người nông dân Trung Quốc có thể mang một số tiền ít ỏi sang và chọn lấy vợ bên Việt Nam là những cô gái trẻ cần tiền cho bản thân hoặc gia đình. Điều này rất đáng buồn và sỉ nhục vì chúng ta vốn không thua những nước đó. Điều này cho thấy cái dở của chính quyền nhà nước Việt Nam. Rồi còn có rất nhiều vấn đề về kinh tế chính trị như việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc.

Tôi tuy không về Việt Nam, nhưng cũng có theo dõi những tờ báo online như tờ Tuổi trẻ chẳng hạn, hoặc một số báo chí khác, thấy có những con người vì miếng cơm bát gạo mà phải làm những công việc nguy hiểm tính mạng (sập cầu gây chết người). Đối mặt với khó khăn sinh nhai, liệu có mấy người quan tâm đến tình hình chuyện gì đang xảy ra đối với đất nước? Hơn nữa, các chính sách giáo dục và tuyên truyền đều quá dở. Việc bắt giữ những người đấu tranh cho tôn giáo vi phạm nhân quyền cũng ít người quan tâm, mà nếu có cũng không được tự do để kêu gọi giúp đỡ và thể hiện sự đồng tình.

Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở Việt Nam, nhiều mặt khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bộ máy quan liêu, không công bằng, không cầu tiến, hữu danh vô thực.

Nhận xét của người phỏng vấn

Ngày ông ngoại tôi còn sống, tôi thường nghe mẹ và ông ngoại nói về cuộc sống sau giải phóng cơ cực, khổ sở vô cùng vì nhà cửa tài sản bị tịch biên, ông ngoại bị đày đi tù biệt xứ. Bà ngoại một mình với 8 đứa con còn nhỏ, đã quen cuộc sống vợ của sĩ quan, đến khi ông ngoại bị bắt thì không biết làm gì. Mẹ tôi phải nghỉ học đi buôn để phụ bà ngoại lo cho các em, cho nên gia đình bên ngoại của tôi rất ghét nói về chính quyền và nhà nước Việt Nam. Ngược lại, khi nói chuyện với bác C., tôi thấy ở bác không có sự căm hờn, uất giận như ông ngoại tôi. Chỉ thấy ở bác sự tiếc nuối cho thời hoàng kim đã qua, cho cơ hội tiến lên mà nhà nước Việt Nam đã để tuột mất. Việt Nam đã có cơ hội được tiếp nhận nền văn hóa và công nghệ tiên tiến của Pháp từ sớm như vậy; nếu chính quyền nhà nước biết tận dụng nó để xây dựng đất nước thành một cường quốc giàu mạnh thì tốt biết mấy.

Về mặt văn chương, thơ ca: Người lớn tuổi thì thích những tình khúc nhạc vàng, những tình khúc tiền chiến, những thơ văn thời tiền chiến vẫn được lưu giữ và tái bản. Không chỉ những người sống từ thời chế độ cũ, mà ngay cả những bạn trẻ cũng cho là những tình khúc vàng mới hay và có nghĩa. Những loại nhạc thị trường sáng tác bây giờ không mang tính “nghệ thuật”, hát như nói, ngôn từ bình dân, không trau chuốt như những tác phẩm ngày xưa.

Qua bài phỏng vấn với bác C. , tôi thấy có một số điểm đúng với đặc điểm của báo chí tính từ lúc sơ khai đến nay. Trước năm 1975, báo chí miền Nam thiên về quảng cáo thương nghiệp, buôn bán nhiều hơn về chính trị. Tuy có hạn chế, nhưng ký giả tương đối được tự do viết và đăng bài với nhiều nội dung khác nhau. Ngược lại, từ sau 1975 tới khoảng 1986, báo chí không viết nhiều về quảng cáo thương nghiệp mà viết về tình hình chính trị kinh tế, về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Điều đó cũng đúng, vì lúc ấy, với chính sách bế quan tỏa cảng và cai trị độc quyền của cộng sản, thì kinh tế miền Nam Việt Nam hoàn toàn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi so với nhịp độ phát triển của thế giới. Bắt đầu từ sau 1986, khi có sự nới lỏng trong công tác quản lý và đường lối cai trị đất nước thì báo chí lại phát triển theo chiều hướng trước đây, lại thiên về quảng cáo thương nghiệp. Càng về sau này, càng có nhiều loại hình báo chia làm nhiều thể loại nhằm phục vụ nhiều đối tượng người đọc như Thể thao, Thanh niên, Người lao động, Tiền phong, Công an, Nhân dân, Phụ nữ, Điện ảnh, rồi có cả Mực tím và Hoa học trò dành cho học sinh sinh viên. Nói chung báo chí có rất nhiều loại hình khác nhau, nhưng phần chiếm diện tích nhiều nhất vẫn là giải trí và quảng cáo. Cũng có đăng truyện ngắn, ký sự, thơ văn như thời xưa. Tuy nội dung thì thời nào viết truyện ấy, nhưng ngày nay không có được mấy tác phẩm để lại tiếng vang lớn như ngày xưa. Báo chí ở Việt Nam bây giờ có thể xem là công nghiệp báo chí, vì họ viết báo thì ít, mà chủ yếu đăng quảng cáo thì nhiều, và thu nhiều tiền hơn cả tiền làm và bán báo. Về điểm này thì vẫn giống như ngày xưa: lợi nhuận thu được là một phần động lực khiến người ta làm báo và theo nghề báo nhiều hơn.

Theo tôi, từ báo chí cho đến thơ ca, nhạc kịch, theo thời gian đều thay đổi sao cho phù hợp với thời, thế, và nhu cầu của độc giả. Vì nếu không có độc giả, thì chẳng có sự ra đời và phát triển của báo và công nghiệp làm báo. Được mặt này thì mất mặt khác, nghĩa là để hình thức được phong phú đa dạng thu hút người đọc với hình ảnh đẹp, tin tức giật gân, thì nội dung chắc chắn sẽ kém chiều sâu vì chẳng có thời gian đầu tư trau chuốt mà sẽ viết theo kiểu mì ăn liền. Cũng có thể từ nhỏ lớn lên, nghe những bản nhạc mà bố mẹ tôi thường nghe, đọc những cuốn tiểu thuyết cũ kĩ mà bố mẹ tôi lưu giữ thành một bộ sưu tập, nên tôi có suy nghĩ khác với những bạn chưa từng được tiếp xúc với chúng bao giờ. Tuy nhiên, tôi không theo quan niệm hay chiều hướng hoài cổ; tôi vẫn nghe những bài hát mới, nhưng vẫn rất thích những bản nhạc vàng và những cuốn sách từng góp phần làm phong phú kho tàng văn thơ của văn học Việt Nam.

2. Bài phỏng vấn của H. Trần

Tôi tên là D. Ngô, năm nay 61 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Buôn Mê Thuột. Cha mẹ tôi khá giả, nên họ cho tôi đi học. Cũng giống như những đứa trẻ khác, thời thơ ấu tôi thường chơi các trò chơi dân gian.

Trước năm 1975, tôi làm y tá được vài năm cho trạm xá ở Buôn Mê Thuột. Một thời gian sau đó thì tôi lấy chồng. Sau khi lấy chồng thì tôi đi dạy cấp một. Chồng là sĩ quan, bản thân tôi là giáo viên, nên cuộc sống hai vợ chồng khá giả. Tôi thường hay đọc truyện của Quỳnh Giao, Lê Hằng. Tôi thích ca sĩ Khánh Ly và diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Tôi thích dòng nhạc trữ tình của Vũ Thành An, nhất là mười bài Không Tên của nhạc sĩ này. Và tôi cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc đó cuộc sống rất thoải mái. Tình cảm hàng xóm láng giềng rất vui. Tuy nhiên, tiến gần đến giai đoạn 1975 thì tâm lý mọi người rất lo lắng vì tình hình chiến tranh trở nên căng thẳng. Đặc biệt là những người có thân nhân làm việc cho Việt Nam Cộng hòa như gia đình của tôi.


Cuối tháng 3 năm 1975, Buôn Mê Thuột rất hỗn loạn, tôi và chồng tôi phải chạy vào Sài Gòn lẩn trốn. Trong ngày 30/04/1975, tôi rất hoảng sợ và lo lắng cho chồng tôi, và cũng hoảng sợ vì tiếng pháo kích của cả hai bên. Sau một thời gian thì chồng tôi bị bắt đi cải tạo, còn tôi ở lại Sài Gòn buôn bán lặt vặt để kiếm sống.

Tôi qua Mỹ năm 1995. Tôi đi diện HO, bằng phương tiện máy bay. Tôi rất thích thú vì đây là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài, nơi mà tôi nghĩ là tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau một vài ngày đặt chân lên nước Mỹ, tôi đi học ESL được 6 tháng. Sau đó, tôi làm đầu bếp cho tiệm fastfood togo tại trường đại học Berkeley. Tôi làm công việc này liên tục gần 15 năm cho đến nay. Sau mỗi ngày làm việc, tôi về nhà nấu ăn và ăn tối cùng gia đình. Sau đó, tôi thường coi phim Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tôi cũng thường hay xem băng đĩa những chương trình ca nhạc như Paris By Night, Vân Sơn. Tuy nhiên, từ khi qua Mỹ đến giờ thì tôi không hề đọc báo hay đọc truyện, vì thành phố mà tôi đang sinh sống không có sách báo của người Việt.

Theo tôi, các hoạt động văn hóa văn nghệ của người Việt Nam tại Mỹ ngày càng phong phú. Các tờ báo, đài phát thanh tiếng Việt ngày càng nhiều. Những chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt là ở những thành phố đông người Việt như San Jose hay Orange County (Quận Cam). Các chương trình cũng trở nên hấp dẫn hơn nhờ sự góp mặt của các ca sĩ trẻ đến từ Việt Nam.

Cũng như những người lớn tuổi khác, sống ở Mỹ, trở ngại lớn nhất của tôi là ngôn ngữ. Ngoài ra, tôi không có trở ngại gì khác. À, sắp tới tôi sẽ gặp một khó khăn là tôi sẽ bị mất việc. Nhà hàng sẽ phải đóng cửa vì nhà trường tăng tiền thuê mặt bằng lên gấp đôi. Tình hình việc làm bây giờ rất khó khăn, tôi không biết là có thể kiếm được việc làm mới hay không.

Sống ở bên này, điều tôi nhớ nhất khi tôi còn ở Việt Nam chính là tình cảm hàng xóm láng giềng và tình họ hàng. Anh em họ hàng thường hay tụ tập và trò chuyện rất vui trong những dịp cúng giỗ ông bà hay dịp Tết. Tôi rất nhớ những kỷ niệm đó bởi vì tôi gần như không còn cơ hội vui vẻ như thế kể từ khi tôi qua Mỹ. Tuy nhiên, anh, chị, em tôi đã sang hết bên này, trừ một người anh còn ở bên Việt Nam, nên tôi không có ý định hồi hương. Nhưng tôi rất thích về thăm quê hương.

Từ khi sang Mỹ, tôi có về Việt Nam 3 lần. Lần gần đây nhất là tôi về thăm người anh đang bị bệnh rất nặng. Việt Nam hôm nay thì khác xưa nhiều lắm. Thành phố nào cũng được phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, cuộc sống của người nghèo thì không khác xưa lắm. Họ vẫn phải vật lộn từng ngày để kiếm từng bữa ăn.

Nhận xét của người phỏng vấn

Sau một thời gian sống ở Mỹ, tôi có cơ hội để tiếp xúc với nhiều người định cư trước. Những người này đến Mỹ theo nhiều diện khác nhau như vượt biên hay đoàn tụ gia đình. Phần lớn họ thật sự hòa nhập nhanh chóng với môi trường sống mới. Đặc biệt là những người nhập cư trẻ tuổi. Với những người lớn tuổi, họ thường gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như rào cản về ngôn ngữ hay sự thiết lập những mối quan hệ xã hội mới. Như lời tâm sự của cô D., điều mà những người Việt định cư ở nước ngoài không thể nào quên khi nhắc đến Việt Nam là tình cảm hàng xóm láng giềng, tình họ hàng. Đó là những thứ mà phần lớn họ không tìm được khi định cư ở nước ngoài. Họ thường phải dành hết thời gian để bắt kịp được nhịp sống hối hả: làm việc suốt ngày, sau đó về nhà nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo. Họ ít khi có thời gian để đi chơi xa cùng gia đình vì ai cũng có công việc riêng của mình. Nền kinh tế của Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh trong giai đoạn gần đây. Điều này ít nhiều cũng thay đổi cách nghĩ của người Việt đang định cư ở nước ngoài. Những người này đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam để làm ăn. Một số cũng muốn hồi hương để tìm lại cảm giác ấm áp của quê cha đất tổ, nơi họ tìm thấy được sự khăng khít của tình hàng xóm, tình họ hàng.

3. Bài phỏng vấn của Đoàn B.

Tôi tên là Đoàn Kh., năm nay 76 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi sống ở miền Bắc Việt Nam. Cha tôi mất sớm. Năm mười lăm tuổi, tôi lại bị thất lạc mẹ và phải sống với dì. Cuộc sống vất vả, hằng ngày tôi phải đi bắt cua để kiếm ăn. Năm 1954, tôi di cư vào Sài Gòn một mình và bắt đầu cuộc sống mới tại đây.

Trước năm 1975, tôi từng là lính nhảy dù của miền Nam Việt Nam, rồi sau đó chuyển nghành sang cảnh sát đặc biệt. Thời đó, dân Sài Gòn sống thoải mái, có công ăn việc làm. Một công chức có thể nuôi một gia đình. Buôn bán ở lề đường được, không bị cảnh sát bắt. Cuộc sống ăn uống có dễ dãi hơn vì thu nhập cũng đủ. Nếu sống cần kiệm thì có thể mua sắm được những vật dụng cần thiết.

Tôi thích đọc truyện trưởng Kim Dung và một số tác phẩm văn học Việt Nam như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bởi vì tác phẩm này phản ánh cuộc sống lam lũ, dân quê của người nông dân thời bấy giờ. Về nhạc thì tôi thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và thể loại nhạc tiền chiến. Tôi hâm mộ chính trị gia Ngô Đình Diệm vì ông ấy rất được lòng dân và trị an thời này cũng rất tốt.

Ngày 30/4/75, gia đình tôi sửa soạn chạy loạn, nhưng không biết chạy đi đâu. Tôi có cảm giác sợ hãi, không biết tương lai gia đình mình sẽ đi về đâu khi không có mình, vì lúc đó ý nghĩ “Việt cộng sẽ giết chết những người lính cộng hòa” cứ lảng vảng trong đầu tôi. Sau đó, tôi bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi mãn hạn tù “cải tạo” về, cuộc sống tôi rất vất vả. Tôi bị bệnh và bị lệnh quản chế của chính quyền nên không thể kiếm được việc làm. Vợ con tôi phải buôn gánh bán bưng vì họ không thể kiếm việc làm trong các xí nghiệp.

Tôi sang Mỹ vào năm 1996 bằng máy bay. Khi rời xa quê hương, tôi lo lắng về nơi mình đến. Tuy nhiên, vì nghĩ cho tương lai của con cháu sau này, cho dù sợ cũng phải đi. Sang đây, tôi không đi làm vì tuổi tác không cho phép. Tôi không thấy mình hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống bên này vì sự khác biệt của ngôn ngữ và văn hóa. Tôi thường đọc báo chí tiếng Việt nói về cuộc sống cộng đồng ở nơi tôi ở.

Sống ở Mỹ, tôi nhớ hàng xóm láng giềng và những người thân thuộc. Tôi cũng nhớ về Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi định cư bên này, tôi có về Việt Nam một lần. Tôi thấy cuộc sống của người dân có vẻ vất vả hơn trước. Hơn nữa, tôi cũng thấy có nhiều tệ nạn xã hội hơn. Chính phủ không lo gì đến đời sống nhân dân. Tệ nạn tham nhũng của chính phủ ở mức độ địa phương cũng lộ liễu hơn.

4. Bài phỏng vấn của Hồ Ng.

Tôi là Vân T., năm nay 52 tuổi. Tôi lớn lên ở Huế trong thời kì chiến tranh nên phải chạy tránh những trận chiến lớn như Tết 1968 và Hè 1972. Mỗi lần được yên bình, không có tiếng bom đạn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù rất ngắn ngủi. Trước 1975, tôi vẫn còn là học sinh trung học trường Quốc Học, Huế. Vì còn nhỏ nên tôi chỉ đi học và nếu rảnh thì phụ giúp mẹ buôn bán.

Việt Nam trước 1975 rất nghèo. Hầu hết mọi phương tiện, trường học đều tập trung tại thành phố. Nhà tôi cách Huế chừng 5 km, nhưng đến năm 1967 mới có điện và đến 1972 mới có nước máy dẫn đến. Những làng quê thì càng nghèo hơn nữa.

Thời đó, thỉnh thoảng tôi thích đọc truyện của Từ Kế Tường và Mường Mán viết về tình yêu tuổi học trò. Tôi hâm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Lệ Thu, ca sỹ Khánh Ly. Tôi cũng rất thích tiếng hát, lời nhạc của Lê Uyên Phương.

Ngày 30/4/75, tôi cùng gia đình di tản vào Đà Nẵng cách Huế chừng 100 km. Hoàn cảnh lúc đó rất hỗn loạn. Tôi lo lắng cho người thân, bạn bè và có cảm giác sợ hãi. Sau ngày 30/4/1975, tôi trở về lại Huế và tiếp tục đi học, nhưng vẫn trong tâm trạng âu lo vì không biết chế độ mới thay đổi như thế nào.

Tôi vượt biên đến Hồng Kông từ Huế bằng ghe nhỏ và đến Mỹ từ Hồng Kông bằng máy bay. Đó là một chuyến đi dài và nguy hiểm, chết nhiều hơn sống, nhưng nó cũng là chuyến đi thay đổi định mệnh của tôi. Sang Mỹ, sau 2 năm đầu khó khăn, tôi xin vào học ở University of Minnesota. Tôi làm nhiều nghề như làm vườn, dọn tuyết, bồi bàn trong lúc còn đi học. Đến khi ra trường, tôi xin việc ở hãng 3M và làm cho đến bây giờ.

Sau 29 năm ở Mỹ, tôi đã hiểu được đời sống ở đây, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ hội nhập hoàn toàn được. Tôi rất thích đời sống chính trị, văn hóa nơi đây, nhưng tôi vẫn nghiền những món ăn Việt Nam. Thật sự bây giờ cuộc sống của gia đình tôi ổn định và hạnh phúc. Các con tôi sinh ra ở đây, nước Mỹ là quê hương duy nhất của chúng. Tôi mong các con biết tiếng Việt thật giỏi để gần gũi với cộng đồng người Việt.

Là người di dân đã lâu, tôi thấy tự tin và kiên nhẫn là hai thứ cần nhất. Tự tin mình có thể làm được những gì mình muốn. Người Việt mình thường hay thiếu tự tin, thiếu tự lập vì bố mẹ và người lớn đã lấy đi sự tự chủ của mình. Nghèo thì càng thiếu tự tin hơn nữa vì giai cấp xã hội. Mỹ là xã hội bình đẳng, nên hãy tự tin và làm những gì mình muốn trong khả năng của mình như đi học lại, mua một căn nhà, hay mở một cửa tiệm…

Sống ở Mỹ, tôi nhớ người thân và bạn bè. Tôi nhớ không khí Tết ở Việt Nam và các món ăn của Việt Nam. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Tôi thấy đời sống bây giờ tiện nghi, đầy đủ hơn. Hòa bình làm đời sống thôn quê dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi thấy khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng rộng mà chính phủ Việt Nam chưa thật sự có chương trình nào để cải thiện. Con người Việt Nam hiện tại sống thực dụng hơn, tình cảm không còn gắn bó như trước.

Nhận xét của người phỏng vấn

Cuộc sống của người Việt Nam trước năm 1975 rất khó khăn cả về mặt vật chất và tinh thần, nhất là những người sống xa thành phố. Ngày ngày, cảm giác đang sống trong thời kỳ chiến tranh vẫn luôn hiện hữu qua tiếng bom. Thỉnh thoảng lại nghe tin bạn bè, người thân trong họ hàng ngã xuống hay bị thương tật vì bom đạn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, con người vẫn tìm niềm vui và hạnh phúc qua tiếng nhạc lời ca hoặc các tiểu thuyết viết về tình yêu, tình bạn bè. Cái không gian yên bình tĩnh lặng dường như là điều gì đó rất đáng quý mà người dân Việt Nam mong chờ trong giai đoạn đó. Mong ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh có lẽ là ước mơ lớn nhất của mọi người Việt trước năm 1975. Tuy thời điểm 30/4/1975 chấm dứt chiến tranh, mang lại sự yên bình cho đất nước, nhưng cảm giác hoang mang và lo âu trong giai đoạn đó là điều khó có thể tránh khỏi. Mỗi người có thể có nhiều nhận thức khác nhau về sự thay đổi của xã hội và đất nước, và họ phải tự chọn cho mình một cuộc sống khác nhau. Một số người chấp nhận sự đổi thay chế độ trên đất nước Việt Nam, một số khác lại chọn con đường vượt biên tìm đến các đất nước tự do hơn, phồn vinh hơn, mặc dù vẫn biết sự sống và cái chết rất gần nhau trên những con thuyền nhỏ mong manh vượt biển!

Bây giờ khi nhìn vào những điều kiện và cơ hội tôi đang có, tôi cảm thấy mình may mắn rất nhiều so với hoàn cảnh sống của cha mẹ tôi. Ở độ tuổi học sinh như tôi, họ đã phải học tập trong môi trường không bình yên của chiến tranh, phải trải qua những tháng ngày lo âu sợ hãi khi sống chung với bom đạn gần kề vào những năm 1968, 1972, 1975. Họ phải làm việc rất nhiều để bươn chải kiếm sống, vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ trước và cả sau 1975. Trong giai đoạn khó khăn đó, tình cảm gia đình là chỗ dựa tinh thần để giúp con người vượt qua và có động lực sống tốt hơn. Vì thế, tôi thật sự trân trọng và gìn giữ tình cảm gia đình cũng như quê hương Việt Nam của mình.

© 2010 talawas


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ví dụ như ông ngoại của người thực hiện phỏng vấn, vì từng làm Đại tá ngoài tỉnh Khánh Hòa, nên bị bắt đi cải tạo biệt xứ ở trong rừng, biệt tích mấy năm không biết tung tích. Sau đó được thả về, tuy nhiên, sau đó bị theo dõi cuộc sống thường ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét