Saint-Exupéry
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
XXII.
"Chào đó", hoàng tử bé nói.
"Chào đó", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.
"Bác làm chi đây", hoàng tử bé nói.
"Ta tuyển lựa hành khách, từng tốp hàng ngàn", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.
"Ta phát tống những chuyến tàu mang chở họ đi, lúc về phía hữu, lúc về phía tả."
Và một chuyến tàu tốc hành sáng rỡ, vang ì ầm như sấm làm rung chuyển buồng máy bẻ ghi.
"Họ hối hả vội vàng lắm", hoàng tử bé nói. "Họ tìm kiếm chi?"
"Người lái đầu máy hỏa xa cũng không biết nốt", người bẻ ghi chuyển lô nói.
Và chợt vang ì ầm, một con tàu tốc hành thứ hai sáng rực, từ phương hướng ngược chiều chạy tới.
"Họ về trở lại rồi ư?" hoàng tử bé hỏi...
"Đấy không phải là bọn người khi nãy", người bẻ ghi chuyển lộ nói. "Đây là một đổi trao."
"Bọn họ không vừa lòng, tại nơi họ ở?"
"Chẳng bao giờ người ta vừa lòng với nơi chốn mình đương ở", người bẻ ghi chuyển lộ nói.
Và chợt vang ì ầm sấm sét con tàu tốc hành thứ ba.
"Bọn họ đuổi theo lũ hành khách đầu tiên?", hoàng tử bé hỏi.
"Bọn chúng chẳng đuổi theo cái gì ráo", người bẻ ghi chuyện lộ nói. "Bọn chúng ngủ khì trong đó, hoặc ngồi ngáp ngắn ngáp dài! Chỉ bọn con trẻ là dán mũi vào cửa kính mà dòm ra."
"Chỉ lũ con trẻ là biết cái điều chúng tìm kiếm, hoàng tử bé thốt. Chúng tiêu phí thì giờ vì một con búp bê giẻ rách, và con búp bê trở thành hệ trọng, và nếu người ta cướp giật đi, thì chúng khóc lóc..."
"Chúng may mắn lắm đó", người bẻ ghi chuyển lộ nói.
XXIII.
"Chào đó", hoàng tử bé nói.
"Chào đó" người buôn hàng nói.
Đó là một người buôn bán những hoàn thuốc tuyệt hảo làm dịu cơn khát nước. Người ta nuốt mỗi tuần một viên và người ta sẽ không còn cảm thấy cần uống nước nữa.
"Tại sao bác bán những thứ đó"? hoàng tử bé hỏi.
"Đó là một sự tiết kiệm thì giờ rất lớn", người buôn bán nói. "Những nhà chuyên môn đã làm những con tính tổng kê. Ta dành dụm được năm mươi ba phút mỗi tuần."
"Và dùng làm gì với năm mươi ba phút đó?"
"Dùng làm cái gì thì làm, tùy thích..."
"Ta", hoàng tử bé tự nhủ, "nếu ta có năm mươi ba phút để tiêu dùng, ta sẽ bước đi thật êm dịu tìm tới một mạch giếng..."
XXIV.
Thấm thoát loay hoay đã tới ngày thứ tám kể từ bữa hỏng máy rớt trong sa mạc, và tôi đã ngồi lắng tai nghe câu chuyện về gã lái buôn, vừa uống giọt cuối cùng của số nước tích trữ:
"A!", tôi bảo hoàng tử bé, "những kỷ niệm của chú thật quả là xinh, nhưng tôi chữa chạy chưa xong chiếc phi cơ, tôi chẳng còn chi để uống, và tôi cũng sẽ sung sướng lắm nếu mình có thể bước đi một cách êm ái mà tìm tới một cái mạch giếng nước đâu đó đang dạt dào!"
"Người bạn chồn cỏn con từng bảo với tôi rằng..."
"Này chú bạn bé bỏng của tôi ơi, bây giờ không còn chuyện bạn chồn, chồn bạn, chồn cỏn con, con chồn chồn chi nữa hết!"
"Tại sao vậy?"
"Tại vì người ta sắp chết khát..."
Chú bé không hiểu lý luận đó của tôi, trả lời:
"Có một người bạn thiết, thật là tốt lắm đó, cho dẫu có sắp phải chịu chết. Tôi, tôi rất hài lòng hả dạ đã có được một anh bạn chồn..."
"Chú không ước độ nổi cái hiểm họa lù lù, tôi tự nhủ. Chú chẳng bao giờ đói, chẳng bao giờ khát, Một chút ánh trời đã đủ lắm với chú rồi..."
Nhưng chú nhìn tôi và đáp lại ý tưởng của tôi:
"Tôi cũng khát nước... ta đi kiếm một cái giếng..."
Tôi làm một cử chỉ chán nản rạc rời: "Chạy tìm một cái giếng giữa mênh mông sa mạc, là một điều phi lý".
Tuy nhiên chúng tôi cũng đứng lên bước đi.
Khi chúng tôi đã bước đi, đi mãi hàng giờ, lặng lẽ, thì trời sập tối, và những ngôi sao khởi sự sáng. Tôi nhìn chúng như thoáng nhìn trong chiêm bao, tôi thấy hơi có cơn sốt trong mình, vì khát nước. Những lời của hoàng tử bé nhảy múa trong ký ức tôi:
"Chú cũng khát nước nữa hả?" Tôi hỏi thế.
Nhưng chú không đáp câu hỏi. Chú chỉ nói giản dị:
"Nước có thể rất là tốt đối với trái tim..."
Tôi không hiểu lời đáp đó nhưng tôi không nói gì... Tôi biết rằng không nên hỏi chú một chút gì hết cả.
Chú đã mỏi. Chú ngồi xuống. Tôi ngồi một bên. Sau một lúc im lặng chú bảo:
"Những ngôi sao đẹp lắm, ấy là bởi một đóa hoa mà ta không nhìn thấy..."
Tôi đáp “hẳn nhiên" và lặng lẽ nhìn vào những nếp cát dưới ánh trăng.
"Sa mạc đẹp lắm", chú nói thêm...
Và quả thật là vậy. Tôi đã yêu sa mạc luôn luôn. Người ta ngồi trên một đụn cát. Người ta chẳng thấy gì hết. Người ta chẳng nghe gì hết. Tuy nhiên có cái gì lặng lẽ chiếu sáng liên miên.
"Cái làm cho sa mạc đẹp ra", hoàng tử bé nói, "ấy là nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó..."
Tôi bỗng ngạc nhiên chợt hiểu sự ngời sáng huyền bí nọ của cát. Thuở tôi còn bé, tôi đã ở trong một ngôi nhà cổ kính, và một truyền kỳ truyền lại rằng có một kho tàng chôn dấu tại đó. Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có kẻ nào khám phá ra kho tàng nọ. Và có lẽ cũng chẳng có ai tìm kiếm nó. Nhưng nó đã âm thầm làm cho toàn thể ngôi nhà trở thành huyền ảo. Ngôi nhà của tôi chứa chất một niểm bí ẩn ở trong đáy linh hồn của nó...
"Ừ", tôi bảo hoàng tử bé, "dù là chuyện căn nhà, chuyện ngàn sao hoặc sa mạc, thì cái gì làm nên vẻ đẹp của chúng, cái đó vô hình!"
"Tôi rất hài lòng thấy bác đồng ý với anh bạn chồn của tôi. "
Hoàng tử bé ngủ rồi, tôi ôm chú vào trong cánh tay, và tiếp tục lên đường. Tôi cảm động. Tôi tưởng mình đang ôm một kho của quí mỏng manh. Tôi tưởng chừng không có gì mong manh hơn trên Trái Đất. Tôi nhìn dưới ánh trăng vầng trán xanh xao nọ, hai con mắt khép kín nọ, mấy mớ tóc run rẩy trước gió, và tôi tự nhủ: "cái ta thấy đó chỉ là một lớp vỏ thôi. Cái hệ trọng nhất, thì vô hình..."
Thấy hai môi chú hé mở có dáng dấp một nụ cười, tôi tự nhủ thêm: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là hình ảnh một đóa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ...". Và tôi nhận thấy dường như chú còn mong manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn. Một cơn gió có thể làm cho tắt mất...
Và, bước đi như vậy, tôi đã tìm thấy một mạch giếng vào lúc bình minh.
XXV.
"Người ta", hoàng tử bé nói, "người ta họ cuốn thân vào trong những chuyến xe tốc hành, nhưng họ không còn biết nữa cái điều mình tìm kiếm. Thế rồi họ loay hoay quẩn quanh mãi..."
Và chàng nói thêm:
"Đó chẳng đáng chi đâu mà nhọc sức."
Cái giếng chúng tôi mò tới gặp được, chẳng giống những giếng khác trong Sahara. Những giếng nước trong Sahara chỉ là những cái lỗ đơn sơ đào trong cát. Cái giếng này lại giống một cái giếng nơi thôn ở xóm làng. Nhưng tại đây chẳng có thôn làng nào cả, và tôi tưởng mình đang chiêm bao.
"Thật là kỳ dị", tôi bảo hoàng tử bé, "mọi sự sẵn sàng cả: bánh xe ròng rọc, cái gàu và sợi dây..."
Chú cười, sờ vào sợi dây, nắm lấy và giật cho lăn bánh xe ròng rọc... Bánh xe ròng rọc rên siết một cái nghe như tiếng rên rỉ của một chiếc chong chóng cũ kỹ mòn mỏi đợi gió vắng thổi lâu ngày.
"Bác nghe thấy không", hoàng tử bé nói, "chúng ta đánh thức cái giếng dậy, và nó ca hát đó..."
Tôi không muốn chàng ta phải nhọc sức.
"Để đó cho tôi", tôi bảo, "chú thì nhỏ, mà nó thì bự quá."
Chậm rãi, tôi kéo cái gàu lên tới bên mép giếng. Tôi đặt nó nằm yên ổn vững chắc tại đó. Trong tai tôi như còn nghe ngân dài tiếng ca của bánh xe ròng rọc và trong bóng nước còn rung rinh tôi nhìn thấy mặt trời run rẩy.
"Tôi khát thứ nước nọ", hoàng tử bé nói, "cho tôi uống đi..."
Và tôi hiểu chàng đã từng tìm kiếm cái thứ gì!
Tôi nâng cái gàu nước lên ngang miệng chú bé. Chú uống, hai mắt nhắm lại. Cũng êm ái dịu dàng như hội là lễ ấy. Cái nước đó quả là cái gì khác hơn cái món ăn món uống. Nước đó phát sinh từ trận bước đi dưới vòm trời sao sáng, từ điệu ca của bánh xe ròng rọc, từ cuộc gắng sức của hai cánh tay tôi. Nó tốt cho trái tim lắm đó, cũng như một tặng vật. Thuở tôi còn bé, màu ánh sáng cây Noel, tiếng âm nhạc mi xa bán dạ, mối dịu dàng trên những làn môi mỉm cười, đã từng làm nên cái rõi rạng ngời bờ bến của Tặng vật Noel mà tôi đã đón nhận cho tuổi thơ mình.
"Những con người ta trong xứ sở của bác", hoàng tử bé nói, "họ trồng trọt năm ngàn đóa hồng mọc chung trong một thửa vườn... và họ chẳng tìm ra cái mà họ tìm kiếm."
"Họ chẳng tìm ra", tôi đáp...
"Ấy thế mà cái họ tìm kiếm rất có thể được tìm ra trong riêng chỉ một đóa hồng hoặc trong một tí nước giọt."
"Hẳn thế", tôi đáp...
Và hoàng tử bé nói thêm:
"Nhưng con mắt nó mù. Phải tìm kiếm với cái trái tim. "
Tôi đã uống. Tôi hô hấp tốt lành. Cát, lúc bình minh, màu hồng vàng của mật. Tôi sung sướng trở lại rồi với cái màu mật dịu dàng ấy. Tại sao còn phải khổ não làm gì nữa ở trong lòng của cái trái tim...
"Bác cần phải giữ cái lời hứa", hoàng tử bé nói dịu dàng, và trở lại ngồi xuống bên cạnh tôi.
"Lời hứa nào?"
"Bác biết đó... một cái rọ bịt mõm cho con cừu của tôi... Tôi có trách nhiệm với cái đóa hoa đó!"
Tôi rút trong túi áo ra những phác họa hình vẽ. Hoàng tử bé nhìn thấy thoáng một cái, thì cười một trận:
"Những cây cẩm quỳ của bác, chúng hơi giống những búp su đấy..."
"Ồ!"
Tôi, tôi đã hãnh diện xiết bao với những cây cẩm quỳ của mình!
"Con chồn của bác... những cái tai của nó... hơi giống những cái sừng một chút... và chúng dài quá đi!"
Và chú ta cười nữa.
"Chú bất công lắm, chú bé ạ, tôi chỉ có biết vẽ những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử mà thôi."
"Ồ! không sao, cũng được đi cái đó, con trẻ thì chúng hiểu mà. "
Vậy là tôi nguệch ngoạc một cái rọ bịt mõm. Và lòng tôi se lại lúc trao cái rọ cho chú:
"Chú có những dự định gì tôi không rõ..."
Nhưng chú không trả lời. Chú bảo:
"Bác biết, cuộc rơi xuống Đất này... từ bữa tôi rớt xuống Trái Đất... mai đây là đầy năm..."
Rồi, sau một lúc im lặng, chú nói thêm:
"Tôi đã rớt xuống tại chỗ gần sát đây..."
Và chú đỏ mặt.
Và lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy một mối sầu kỳ quặc. Tuy nhiên tôi buột miệng hỏi:
"Vậy thì không phải do tình cờ mà cái bữa sáng hôm đó tôi được quen biết chú, cách đây tám ngày, không phải tình cờ mà chú dạo gót một mình như vậy, xa hàng ngàn dặm những miền đất đai người ta ở! Chú đã bước đi tìm lại cái chỗ đã rơi xuống?"
Hoàng tử bé lại đỏ mặt nữa.
Và tôi nói thêm, ngập ngừng:
"Có lẽ là bởi cái ngày kỷ niệm giáp năm?..."
Hoàng tử bé đỏ mặt lần nữa. Chú chẳng bao giờ đáp những câu hỏi, nhưng, khi người ta đỏ mặt, cái đó có nghĩa là “vâng ạ", phải không?
"A! Tôi sợ..."
Nhưng chú đáp:
"Bây giờ bác phải làm công việc đi. Bác phải quay trở lại với cái máy đi. Tôi chờ bác tại đây. Tối mai bác trở lại đây..."
Nhưng tôi không an lòng. Tôi nhớ lại con chồn. Người ta có thể sa vào trong từng cơn rơi lệ nếu người ta từng đã để cho một ai đó tuần dưỡng cõi lòng mình...
XXVI.
Bên cạnh cái giếng có một bờ tường đổ nát. Khi tôi từ phi cơ quay trở lại tối hôm sau, tôi thấy thoáng hoàng tử bé ngồi ở bên kia, buông thõng hai ống chân xuống. Và tôi nghe chú nói:
"Chú quên rồi sao?", chàng nói. "Không đúng hẳn là chỗ này!"
Một giọng khác đáp lại:
"Sao không! Sao không! chính là đúng cả ngày đó, tuy rằng cái chỗ không phải là đây..."
Tôi tiến tới phía bờ tường. Tôi không nhìn thấy cũng không nghe ra kẻ lạ đó là kẻ nào. Tuy nhiên hoàng tử bé lại đáp trở lại:
"... Hẳn nhiên. Chú sẽ thấy cái dấu chân tôi khởi từ chỗ nào trên mặt cát. Chú chỉ cần chờ tôi tại đó. Tôi sẽ tới đó đêm nay."
Tôi còn cách bức tường hai mươi thước, và vẫn chẳng nhìn thấy gì hết.
Hoàng tử bé nói thêm, sau một hồi im lặng:
"Chú có nọc độc tốt đó chớ? Chú chắc chắn là không làm tôi đau đớn quá lâu?"
Tôi dừng lại, lòng se thắt, nhưng vẫn không hiểu được.
"Bây giờ chú hãy đi đi, chàng nói... tôi muốn tuột xuống trở lại!"
Bây giờ tôi mới đưa mắt ngó xuống phía dưới hoàng tử bé, và tôi nhảy đánh thót một cái! Tại đó, một con rắn đang vươn mình lên hướng đầu về phía hoàng tử bé. Một con rắn trong cái loại rắn màu vàng rất độc, nó mổ một cái là kết liễu tính mạng người ta sau mười giây đồng hồ tíc tắc. Tôi vừa moi trong túi tìm cái khẩu súng sáu rút ra, vừa chạy nhanh tới, nhưng nghe tiếng chân động, con rắn đã nhẹ nhàng lướt vào trong cát, như một tia nước chìm tan, len lỏi mất tăm vào giữa những gạch đá văng vẳng một tiếng động ti ti như âm thanh kim khí...
Tôi tới bờ tường vừa đúng lúc để đón nhận trong cánh tay mình thân chú hoàng tử bé bỏng, xanh xao trắng bạc như màu tuyết.
"Hừ hừ! Cái chuyện làm như rứa đó là cái chuyện chi! Chú ăn nói cái chi, mà bữa nay lại đi ăn nói với rắn!"
Tôi đã lột cái khăn choàng vàng óng mà chú liên miên quấn trên vai. Tôi đã đắp nước vào hai màng tai chú và bắt chú uống. Và bây giờ tôi không còn dám hỏi chú gì nữa cả. Chú nhìn tôi nghiêm trọng và đưa tay choàng qua cổ tôi. Tôi cảm thấy trái tim chú đập hổn hển như trái tim một con chim hấp hối khi bị viên đạn vào. Chú bảo tôi:
"Tôi rất hài lòng cho bác đã tìm ra được cái vật thiếu mất đi mấy ngày rày ở trong cái máy của bác. Bác sắp có thể về lại quê nhà bác..."
"Làm sao mà chú biết!"
"Thì chính tôi đến tìm chú để báo tin rằng, bất ngờ hết sức, tôi đã thành công trong cái việc làm hì hục, may mắn một cách bất ngờ không tưởng tượng được."
Chú không trả lời tôi, chỉ nói thêm!
"Tôi cũng vậy, hôm nay, tôi trở về quê nhà..."
Rồi ủ rũ:
"Thật xa hơn nhiều lắm... Thật khó khăn hơn nhiều lắm..."
Tôi cảm thấy rõ là có cái gì kỳ lạ đã xảy ra. Tôi ôm siết chú trong tay, mà vẫn tưởng như chú đang trôi tuột xuống một cái hố, và tôi chẳng có thể làm được gì hết để nắm giữ chú ở lại bên mình.
Chú có cái nhìn trang trọng, chìm hút xa xôi:
"Tôi có con cừu bác cho. Tôi có cái thùng cho con cừu. Và tôi có cái rọ bịt mõm..."
Và chú mỉm cười ủ rũ.
Tôi chờ rất lâu. Tôi cảm thấy thân chú dần dà ấm lên một chút:
"Chú bé ạ, chú đã có sợ hãi..."
Chú từng đã có sợ hãi, hẳn nhiên. Nhưng chú cười dịu dàng:
"Tôi sẽ còn sợ hãi nhiều hơn nữa, đêm nay..."
Lần nữa tôi cảm thấy tê cóng cả người vì linh cảm một cái gì bất khả vãn hồi đang xảy đến. Và tôi hiểu rằng mình không thể chịu đựng nổi cái ý tưởng sẽ chẳng bao giờ còn nghe nữa tiếng cười kia. Đối với tôi, tiếng cười đó cũng như nguồn giếng trong sa mạc.
"Chú bé ngu ngơ lẩn thẩn ôi, tôi muốn còn được nghe chú cười nữa..."
Nhưng chú bảo tôi:
"Đêm nay, là giáp một năm. Ngôi sao của tôi sẽ sáng ở ngay bên trên cái chỗ mà năm ngoái tôi đã rớt xuống..."
"Chú bé ngẩn ngơ ôi, có phải đó là một cơn ác mộng hay không, cái câu chuyện rắn, và hẹn giờ, và ngôi sao..."
Nhưng chú không đáp câu hỏi của tôi. Chú bảo:
"Cái cốt yếu, làm sao mà nhìn thấy với hai con mắt..."
"Hẳn là như thế..."
"Đó cũng như là chuyện đóa hoa. Nếu bác yêu một đóa hoa nằm ở trong một ngôi sao, thì ban đêm nhìn lên trời, thật là êm ái. Hết thảy các ngôi sao đều nở hoa."
"Hẳn là như thế..."
"Đó cũng như là chuyện nước. Nước bác cho tôi uống nghe róc rách giống như một thứ âm nhạc, do cái tiếng bánh xe ròng rọc và cái sợi dây... bác nhớ đó... trước thật tốt lành."
"Hẳn là như thế..."
"Ban đêm bác sẽ nhìn những ngôi sao. Ở quê nhà tôi, thì nhỏ lắm, tôi không chỉ dẫn cho bác ngó thấy được ngôi sao của tôi nằm tại chỗ nào. Như vậy kể cũng hay. Ngôi sao của tôi sẽ là một trong những ngôi sao đối với bác. Thì như thế, hết thảy những ngôi sao, bác sẽ thích nhìn... Hết thảy đều là bạn của bác. Và đây này tôi giao bác một tặng vật."
Chú lại cười.
"A! Chú bé ôi, chú bé ngẩn ngơ ôi, tôi muốn nghe tiếng cười ấy!"
"Chính đó sẽ là tặng vật của tôi... đó sẽ là cũng như với nước..."
"Chú có ý nói sao?"
"Người thiên hạ có những ngôi sao không như nhau vậy. Đối với kẻ này du lịch thì ngôi sao là kẻ dẫn đường. Đối với kẻ kia, ngôi sao chẳng gì khác hơn là những đốm sáng li ti. Đối với những kẻ nọ bác học, ngôi sao là những vấn đề. Đối với người ắp phe, ngôi sao là những nén vàng. Nhưng hết thảy những loại sao đó đều câm. Bác, thì bác sẽ có những ngôi sao như của riêng của bác, không ai có được như thế..."
"Chú bé có ý nói chi?"
"Ngày sau, những lúc nào bác ngó bầu trời đêm đêm, vì bởi rằng tôi sẽ trú tại một ngôi sao trong đám sao xúm xít đó, vì bởi tôi sẽ cười ở trong một ngôi sao nào trong số đó, thì đối với bác cũng như là mọi ngôi sao cùng người lên tất cả. Bác ạ, bác sẽ có những ngôi sao thảy thảy biết cười!"
Và chú cười nữa.
"Và khi nào mai sau bác được an ủi (người ta sẽ được an ủi luôn luôn) bác sẽ hài lòng vì đã quen biết tôi. Bác sẽ luôn luôn là người bạn của tôi. Bác sẽ muốn cười với tôi. Và bác sẽ mở cánh cửa sổ ra đôi lúc, vậy đó, cho vui hứng hoan hỷ... đó thôi. Và những bạn hữu của bác sẽ ngạc nhiên nhìn thấy bác ngó trời mà cười. Thì bác sẽ bảo họ: "Ừ, những ngôi sao, những ngôi sao là cái gì như thế! Mà bởi đâu cái đó lúc nào cũng khiến cho tôi cười!". Và họ sẽ tưởng là bác điên. Thế thì té ra tôi sẽ chơi khăm bác một vố tệ hại thật..."
Và chú cười nữa.
"Thì cũng như là tôi đã cho bác một mớ những lục lạc, những chuông con viết cười, thay vì những ngôi sao..."
Và chú cười nữa. Rồi trở lại nghiêm trang:
"Đêm nay... bác biết đó... đừng có tới nhé."
"Tôi sẽ không rời chú."
"Tôi sẽ có vẻ như đau đớn... tôi sẽ có vẻ như là chết đi, có vẻ sơ sơ thôi. Vậy đó. Bác đừng tới coi làm chi, có đáng chi đâu..."
"Tôi sẽ không rời chú"
Nhưng chú bé lo âu.
"Tôi nói vậy... ấy là bởi con rắn. Chẳng nên để nó mổ vào bác... Rắn, chúng nó độc ác lắm. Có thể cắn mổ người ta để mà chơi..."
"Tôi sẽ không rời chú."
Nhưng có cái gì làm chú bé an tâm:
"Ấy nhưng thật rằng chúng không còn nọc độc nữa cho lần mổ thứ hai..."
Đêm hôm đó tôi không nhìn thấy chú khởi sự lên đường. Chú đã thoát đi ra không tiếng động. Lúc tôi chạy theo kịp, thì chú bước đi một cách quyết định, bước đi nhanh. Chú chỉ nói:
"A! bác lại tới rồi..."
Và chú nắm lấy tay tôi. Nhưng chú còn bứt rứt:
"Bác sai rồi đó. Bác sẽ khổ lòng. Tôi sẽ có vẻ như chết đi, và thật ra là không phải..."
Tôi, tôi im lặng.
"Nhưng sẽ cũng chỉ như một cái vỏ khô bỏ rớt lại. Đâu có chi buồn, những cái vỏ khô..."
Tôi, tôi im lặng.
Chú có ý chán nản một ít. Nhưng chú gắng nói thêm:
"Sẽ ngộ nghĩnh lắm mà. Tôi nữa, tôi cũng sẽ nhìn những ngôi sao. Mọi ngôi sao sẽ là những cái giếng với một cái bánh xe ròng rọc hoen rỉ. Mọi ngôi sao sẽ rót nước cho tôi uống..."
Tôi, tôi im lặng.
"Sẽ thích thú lắm mà! Bác sẽ có năm trăm triệu cái chuông con, tôi sẽ có năm trăm triệu cái giếng..."
Và chú, chú cũng im lặng, vì chú khóc...
"Đó rồi. Để cháu bước một mình."
Và chú ngồi xuống vì chú sợ.
Chú nói nữa:
"Bác biết đó... đóa hoa của tôi... tôi chịu trách nhiệm. Nó yếu ớt quá! Và ngây thơ quá. Nó có bốn cái gai nhọn chẳng ăn nhầm đâu vào đâu cả, thì làm sao mà tự bảo vệ được thân mình..."
Tôi, tôi ngồi xuống vì tôi không có thể đứng được nữa. Chú bảo:
"Đó... Thế là xong..."
Chú ngập ngừng một chút, rồi đứng dậy. Chú bước một bước. Tôi, tôi không thể nhúc nhích nữa.
Chỉ có thấy một thoáng chớp vàng lóe bên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng.
XXVII.
Và ngày nay, hẳn nhiên, đã sáu năm rồi... Tôi chưa lần nào kể lại chuyện này. Những bạn bè gặp lại tôi đã hài lòng thấy tôi thoát nạn mà trở về. Tôi buồn rầu nhưng tôi bảo họ: Ấy chỉ vì mệt mỏi...
Bây giờ tôi thấy hơi an ủi. Nghĩa là... không hoàn toàn an ủi. Nhưng tôi biết rõ lắm là chú bé đã trở về tinh cầu mình, bởi vì lúc trời sáng, tôi không thấy tấm thân chú ở đâu. Tấm thân chẳng có chi nặng lắm... Và tôi thích lắng nghe tinh tú ban đêm. Ấy cũng như là năm trăm triệu chuông con lấp lánh dịu dàng reo...
Nhưng rồi lại có một sự kỳ lạ xảy ra.
Cái rọ bịt mõm mà tôi đã vẽ cho hoàng tử bé, tôi đã quên thêm vào cái đai da! Chú sẽ chẳng bao giờ cột được cái rọ vào mồm con cừu. Tôi tự hỏi: "Việc gì đã xảy ra trên tinh cầu của chú bé? Có thể rằng con cừu đã ăn mất đóa hoa..."
Lúc thì tôi tự nhủ: "Chắc hẳn là không! Hoàng tử bé đêm nào cũng nhốt kín đóa hoa dưới bầu tròn bằng gương, và chú canh chừng kỹ lưỡng con cừu..." Thế là tôi sung sướng. Và mọi tinh tú dịu dàng cười.
Lúc thì tôi tự nhủ: "Làm sao khỏi có một lúc nào đó người ta lơ đễnh, và chừng đó đủ rồi! Một đêm nào, chú đã quên cái bầu tròn, hoặc là con cừu đã mò ra không tiếng động..." Thế là những chuông con biến hết thành lệ!...
Đó là một bí mật rất lớn. Đối với bạn, bạn cũng yêu hoàng tử bé, cũng như đối với tôi, không có gì của vũ trụ còn giống như nguyên, nếu một nơi nào đó, chẳng biết là đâu, một con cừu mà chúng ta không biết, đã có hay không, ăn mất một đóa hồng...
Bạn nhìn trời đi. Hãy tự hỏi: con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa? Và bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi xiết bao...
Và không một người lớn nào sẽ hiểu rằng sự ấy có hệ trọng chi nhiều như thế!
Cảnh đó đối với tôi là phong cảnh đẹp nhất và buồn nhất cõi thế gian. Đó cũng là cùng một phong cảnh với trang trước, nhưng tôi vẽ lại nó một lần nữa để chỉ cho bạn nhìn thật rõ. Chính tại đó là nơi hoàng tử bé hiện ra, rồi biến mất.
Bạn hãy chăm chú nhìn phong cảnh ấy đi để có thể tin chắc là sẽ nhận ra được nó, nếu một ngày nào bạn sẽ du lịch sang Phi châu, trong sa mạc. Và nếu bạn có dịp đi ngang qua đó, tôi xin khẩn cầu bạn nhé, xin bạn đừng vội vã qua mau, xin chờ một chút, ở ngay dưới ngôi sao! Nếu lúc đó một đứa bé tới bên bạn, nếu có cười, nếu nó có mái tóc vàng, nếu nó không trả lời lúc người ta hỏi nó, thì bạn sẽ đoán ra nó là ai. Thì xin hãy độ lượng vui lòng chịu khó. Đừng để tôi phải buồn quá thế này: viết thư nhanh cho tôi, nhắn cho tôi biết rằng chú bé đã trở lại...
_____
Phụ lục
Thơ
Trung Niên tặng Saint-Exupéry
Ngậm ngùi từ biểu ngôn trưng
Âm dong tiếu mạo hình dung xa vời
(Mưa nguồn hòa âm
Nhật ký Nguyễn Du)
Chút gọi là
Giếng vàng cổ nguyệt vàng hoe
Nằm im suốt cõi vắng hoe tâm hồn
Chỉ sầu một chút cỏn con
Ấy sầu riêng chút cỏn con gọi là
Bóng hồng và cánh hồng
Bóng Hồng gieo bổng Cánh Hồng
Bên Quần Thoa mỵ Bên Hồng Hộc tung
Bên hồng quần bóng Liễu buông
Bên hồng hoang Nhạn giũ buồn Thiên Nga
Bên vùng
Bên vùng nước mọc lim dim
Giữa đêm thuyền đắm mộng chìm thênh thang
Luân hồi trở giấc dã man
Lên mùa ngọc diện dã tràng thu thanh
Bạch hồng hải điểu cầm canh
Phường xuân dị biệt chưa thành lối đi
Hồi sinh
Thưa em đời rộng đang chìm
Người trao kẻ giữ đứa tìm chưa ra
Hồi sinh hồng lệ trao quà
Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm em
(Ngàn thu rớt hột)
*
Đắm
Thưa em đời rộng đang chìm
Người trao người giữ đứa tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm ngõ chạy lang thang
Người trao đã chết theo tràng giang đi
Một chùm
Một chùm lá một chùm cây
Một chùm kết cụm mỏng dày ra bông
Một chùm trái đỏ sương đồng
Lắt lay cây giũ phiêu bồng nắng bay
Chùm bông tuyết mỏng ngân dài
Gieo vàng sa mạc vần xoay nghiêng mình.
Ngựa
Ngựa lên đường một ngả ba
Một dâng ngả bảy dàn xa ngả mười
Một rừng chở biển rút lui
Đầu dâng tóc rũ cho vui ý rừng
Ngựa lên đường, ý rưng rưng
Ngụ trong ý tứ ngựa mừng máu me
Ngất trời rợp tạnh bóng khe
Đầu dâng tóc lục cho khe gội vàng
Ngựa lên đường rẽ lối ngang
Ngụ trong ý ngựa dọc ngang tự mình
Ngất trời dâu biển nín thinh
Đầu dâng tóc loạn cho mình riêng vui
Ngựa lên đường rẽ lối xuôi
Ngụ trong ý ngựa trời vui hơn mình
Dậy trời ngất tạnh điêu linh
Đầu dâng tóc rối cho tình tự ren
Ngựa lên đường biến ra hoa
Ngụ trong ý ngựa hồn hoa dậy thì
Loạn trời cuồng đất dại mây
Đầu dâng tóc cụt cho ngây ngây người
Ngựa lên đường ngựa mất chân
Ngụ trong ý ngựa đất cần ngựa đi
Song trùng non biển chia ly
Đầu dâng tóc trục cho tỳ sương pha
Gò Công
Gò Công nhớ phố thị này
Ghi hình trùng ngộ dặm dài lang thang
Một lầm hai lỡ giữa trang
Còn trong ý gió lang thang bên ngoài
Những ngày lạnh rớt phai phai
Những ngày đầu ngõ vườn mai vắng người
Châu Đốc
Một hôm ở giữa một vùng
Một hàng cò trắng rẽ vào cụm mây
Về sau sự huống khôn tày
Đi về lãng đãng những ngày mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường
Cuối cùng lãng đãng về vườn mây bay
Em bé
Nhớ ngày hành cước phương xa
Gặp em bé nhỏ tên là lang thang
Ngủ yên xó chợ đầu đàng
Như đời ngủ giữa xó đàng biển dâu
Một hôm sự huống đi về
Trong cơm mộng dậy bên lề tang thương
Cầm tay em bé vô thường
Phất phơ rong ruổi dặm đường trùng lai
Một hôm đường thấy xuôi dài
Dòng xuôi lên ngược về ngay bên mình
Cầm tay em bé thình lình
Nằm yên ngủ giữa dị hình tang thương
Một hôm tang hải lên đường
Vấp chân người ngủ vô thường người nghe
Cầm tay em bé cuối hè
Đứng lên vỗ nhịp hội hè tang thương
Yêu nhau dọc suốt dặm đường
Chừng nghe dâu biển dặm đường đổi tên.
Bùi Giáng
(Gò Công Châu Đốc, Thu Đông 1973)
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973.
15/6/11
Saint-Exupéry - Hoàng tử bé (3)
Saint-Exupéry
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
1 2 3 4
XIV.
Tinh cầu thứ năm thật là rất lạ. Đó là tinh cầu bé bỏng nhất trong mọi tinh cầu. Chỉ vừa đủ chỗ cho một ngọn đèn lồng và cho một kẻ coi sóc thắp đèn. Hoàng tử bé không cách gì tự minh giải cho mình rõ sự vụ: trên một tinh cầu không nhà cửa, không dân cư, lưu lạc vật vờ giữa càn khôn man mác, thì một ngọn đèn lồng ở ngã ba đường không có ngã ba còn có thể phụng sự cho ai hoặc cho cái gì mới được? Tuy nhiên chàng tự nhủ:
"Có lẽ rằng cái anh chàng này thuộc nòi phi lý máu xương. Tuy nhiên anh ta cũng không đến nỗi phi lý quá như ông vua, gã khoe khoang, ông làm áp phe và ông nhậu. Ít ra nữa thì công việc anh ta làm cũng còn có một chút ý nghĩa chi đó. Khi anh ta thắp ngọn đèn lồng thì cũng có thể gọi là làm một việc giống như làm nảy sinh thêm ra một cái ngôi sao nữa, hoặc một đóa hoa rạng rỡ nữa. Lúc anh ta tắt ngọn đèn thì cũng như là ru đóa hoa hoặc ngôi sao vào torng giấc ngủ. Đó là một công việc xinh xắn lắm vậy. Mà đã xinh, thì hẳn nhiên là hữu ích thật sự rồi vậy."
Khi hoàng tử cập bờ tinh cầu, chàng kính cẩn chào người thắp đèn:
"Xin chào ông ngày mới. Vì sao ông vừa tắt ngọn đèn lồng đi như rứa?"
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp. "Chào chú ngày lành".
"Hiệu lệnh là gì?"
"Ấy là tắt ngọn đèn vậy. Chào chú đêm lành".
Và anh ta thắp ngọn đèn lên.
"Nhưng tại sao ông lại vừa thắp ngọn đèn trở lại?"
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp.
"Tôi không hiểu", hoàng tử bé nói.
"Chẳng có gì để hiểu cả", người thắp đèn nói. "Hiệu lệnh là hiệu lệnh. Chào chú ngày lành".
Và chàng ta tắt ngọn đèn lồng.
Rồi chàng ta cầm lấy tấm mu xoa ca rô đỏ mà thấm mồ hôi trên trán.
"Tôi làm một nghề kinh khủng đó chú thấy không. Xưa kia thì công việc cũng là hữu lý. Tôi tắt đèn buổi sáng, và thắp đèn lúc chiều hôm. Ngoài ra thì giờ còn lại của ban ngày thì tôi nghỉ ngơi, thì giờ còn lại ban đêm thì tôi yên ngủ..."
"Và từ đó về sau, hiệu lệnh đã thay đổi?"
"Hiệu lệnh không thay đổi", người thắp đèn bảo. "Đó là bi kịch! Tinh cầu mỗi năm mỗi quay nhanh chóng hơn, còn hiệu lệnh thì không thay đổi!"
"Thế rồi?", hoàng tử bé nói.
"Thế rồi tới ngày nay tinh cầu cứ mỗi phút là quay xong một vòng, thì tôi không còn một giây nghỉ ngơi. Mỗi phút tôi phải thắp lên và tắt xuống mỗi bận!"
"Kỳ lạ thật. Mỗi ngày xứ anh chỉ có một phút!"
"Chẳng có chi kỳ lạ hết", người thắp đèn bảo. "Từ lúc ta nói chuyện với nhau tới bây giờ, là một tháng tròn rồi đó."
"Một tháng?"
"Vâng. Ba mươi phút. Ba mươi ngày! Chào chú đêm lành".
Và anh ta thắp ngọn đèn trở lại.
Hoàng tử bé nhìn chàng và thấy yêu mến cái anh chàng thắp đèn này sao mà trung thành với hiệu lệnh đến thế... Hoàng tử nhớ lại những cơn mặt trời lặn, những trận tịch dương ngậm ngùi mà thuở xưa chàng đã xoay quanh ghế ngồi để tìm ngó. Chàng muốn giúp đỡ ông bạn thiết này:
"Bác biết đó nhé... tôi biết một phương cách giúp bác nghỉ ngơi lúc nào bác muốn..."
"Luôn luôn tôi muốn, người thắp đèn bảo. Bởi vì người ta có thể vừa trung thành vừa lười biếng."
Hoàng tử bé tiếp:
"Tinh cầu của bác nhỏ bé quá đến nỗi chỉ bước chơi ba bước là đi xong một vòng. Bác chỉ cần bước chậm chậm một chút là luôn luôn đứng dưới bóng mặt trời. Lúc nào bác muốn nghỉ ngơi thì bác bước bước đi... và tùy ý bác muốn bao nhiêu thì ban ngày sẽ kéo dài ra bấy nhiêu."
"Cái đó chẳng giúp gì cho ta lắm đâu, người thắp đèn nói. Điều ta muốn trong đời, là ngủ."
"Rủi thật", hoàng tử bé nói.
"Rủi thật", người thắp đèn nói. "Chào chú ngày lành".
Và chàng tắt ngọn đèn lồng.
"Anh chàng này", hoàng tử bé tự nhủ khi tiếp tục cuộc hành trình, "anh chàng này sẽ bị mọi kẻ khác xem khinh, từ ông vua đến gã khoe khoang, ông nhậu, ông áp phe. Tuy nhiên, chính chàng mới là kẻ duy nhất mà ta thấy không lố bịch đó. Ấy có lẽ vì chàng bận tâm lo tới những gì khác hơn là chính bản thân mình."
Hoàng tử thở dài luyến tiếc và tự nhủ thêm:
"Chàng nọ là kẻ duy nhất mà ta có thể kết làm bạn thiết. Nhưng tinh cầu của y quả thật là quá bé. Không đủ chỗ cho hai người..."
Điều mà hoàng tử bé không dám tự thú nhận với mình, ấy là: chàng luyến tiếc tinh cầu lai láng hạnh phúc kia nhiều nhất là bởi lẽ: tại đó trong khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chàng có thể hưởng được đến một ngàn bốn trăm bốn mươi cơn mặt trời lặn! [1]
XV.
Tinh cầu thứ sáu là một tinh cầu rộng hơn gấp mười lần. Có một ông già cư trú, ông ta viết những cuốn sách thật bự.
"Kìa một nhà thám hiểm!", ông ta thốt lớn khi thoáng thấy hoàng tử bé.
Hoàng tử bé ngồi trên chiếc bàn, và thở có chiều hổn hển chút ít. Chàng đã du lịch nhiều biết mấy dặm đường!
"Chú từ đâu tới?" cái ông cụ già hỏi.
"Cuốn sách bự nọ là sách gì thế?". Hoàng tử bé hỏi. "Ngài làm chi tại đây?"
"Ta là nhà địa lý", ông già nói.
"Nhà địa lý là gì?"
"Là một nhà bác học biết rõ biển khơi ở đâu, sông ngòi ở đâu, sa mạc ở đâu."
"Cái đó nghe ra có mòi thích thú đấy, hoàng tử bé nói. Ừ! đó mới là nghề nghiệp đích thực đó."
Và chàng đưa mắt ngó bốn xung quanh một cái, nhìn khắp quả tinh cầu của nhà địa lý. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một tinh cầu uy nghiêm thế này.
"Thật là đẹp đó, cái tinh cầu của ông. Đây có đại dương không?"
"Ta không thể biết được điều đó, nhà địa lý nói."
"A!" (hoàng tử bé thất vọng). "Còn núi rừng?"
"Ta không thể biết điều đó", nhà địa lý nói.
"Còn những phố thị, còn những sông ngòi và sa mạc?"
"Ta cũng không thể biết được nốt", nhà địa lý nói.
"Nhưng ông là nhà địa lý kia mà!"
"Cái đó đúng", nhà địa lý nói, "nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Nhà địa lý đâu có phải là kẻ kê khai toán định những phố thị, những sông ngòi, những núi rừng, những đại dương và những sa mạc. Nhà địa lý quan trọng lắm, đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm. Nhà địa lý chất vấn họ, và ghi vào sổ những kỷ niệm của họ. Và nếu những kỷ niệm của một kẻ trong bọn họ xem ra có vẻ đáng lưu tâm, thì nhà địa lý liền cho người đi mở cuộc điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm."
"Để làm chi vậy?"
"Bởi vì một nhà thám hiểm nếu rủi mà y nói dối một cái, thì có phải là tạo ra bao nhiêu nhào đổ đảo điên trong sách vở của nhà địa lý hay không? Và sự tình ngổn ngang cũng vậy, nếu nhà thám hiểm là một tay ghiền rượu."
"Tại sao vậy?", hoàng tử bé hỏi.
"Tại vì những bọn say rượu nhìn một ra hai. Do đó xui nhà địa lý lầm lạc theo, nhà địa lý ắt sẽ ghi hai ngọn núi tại một nơi chỉ có một ngọn núi mà thôi."
"Tôi biết một kẻ", hoàng tử bé nói, "nếu y làm nghề làm hiểm thì hỏng bét".
"Có thể lắm. Thế nên, khi mà đạo đức của nhà thám hiểm xem ra có bề tốt đẹp, thì người ta làm một cuộc điều tra về sự khám phá của y".
"Người ta sẽ đi xem xét?"
"Không. Như vậy phức tạp lắm. Người ta chỉ yêu cầu nhà thám hiểm đưa ra những bằng chứng. Nếu sự vụ vấn đề là sự khám phá một trái núi to, thì người ta đòi hỏi y mang về những hòn đá bự."
Nhà địa lý đột nhiên có giọng kích động.
"Nhưng còn chú bé, chú từ xa tới! Chú là một nhà thám hiểm! Chú hãy mô tả cho ta nghe tinh cầu của chú ra sao!"
Và nhà địa lý, mở rộng cuốn sổ ra, cầm con dao gọt nhọn đầu cây bút chì. Ban đầu người ta ghi bằng bút chì những chuyện kể của những nhà thám hiểm. Người ta chờ đợi nhà thám hiểm đưa ra đủ bằng chứng rồi mới ghi lại bằng mực đen trên giấy trắng.
"Thế nào?" nhà địa lý chất vấn. "Thế nào? Ta khởi sự chứ?"
"Ồ! nơi xứ sở tôi", hoàng tử bé nói, "chẳng có gì ra trò, chẳng có gì đáng lưu ý lắm đâu, thật bé bỏng lắm. Tôi có ba ngọn hỏa sơn. Hai ngọn đương phun lửa, và một đã tắt. Nhưng ai biết đâu bao giờ."
"Ai biết đâu bao giờ", nhà địa lý nói.
"Tôi cũng có một đóa hoa."
"Chúng ta không ghi chép hoa", nhà địa lý nói.
"Nói nghe lạ chưa! Sao vậy? Hoa là cái xinh nhất!"
"Nhưng vì hoa vốn là phù du".
"Sao gọi là phù du? Phù du nghĩa là gì?"
"Địa lý lục", nhà địa lý nói, "là những cuốn sách quý nhất trong mọi thứ sách. Chúng chẳng thể trở thành trần hủ, lỗi thời, quá mối bao giờ. Ít khi có cái sự vụ một ngọn núi dời chỗ, di lịch địa điểm. Rất ít khi một đại dương cạn ráo hết nước. Chúng ta viết, chúng ta ghi chép những sự vật thiên thu, những sự vụ vạn đại, những sự kiện vĩnh viễn muôn năm, trường tồn tuế nguyệt."
"Nhưng những ngọn hỏa sơn đã tắt, bất ngờ có thể tỉnh giấc trở cơn, phun lửa trở lại, hoàng tử bé ngắt lời. Sao gọi là “phù du"?"
"Dù hỏa sơn tắt, dù hỏa sơn phun lửa, thì cũng vậy thôi đối với thiên hạ, nhà địa lý học nói, cái đáng kể đối với chúng ta là trái núi. Trái núi thì không đổi dời."
"Nhưng sao gọi là “phù du"?" hoàng tử bé lặp lại lần nữa, hoàng tử bé vốn là kẻ suốt đời không bao giờ đã chịu rút lui một câu hỏi, mỗi một khi đã nêu nó ra rồi.
"Phù du có nghĩa là “bị đứng trước hiểm họa sắp điêu tàn tiêu diệt?"
"Cố kỳ nhiên."
"Đóa hoa của ta là phù du", hoàng tử bé tự nhủ, "và nó chỉ có bốn chiếc gai nhọn để tự bảo vệ tấm thân trước cõi đời! Thế mà ta đã nỡ bỏ nó lại một mình nơi quê ta!"
Đó là niềm luyến tiếc ăn năn trở cơn lần thứ nhất trong tấm lòng hoàng tử bé, nhưng chàng thu lại can đảm:
"Ngài khuyên tôi nên đi viếng gì bây giờ?", chàng hỏi.
"Hành tinh Địa cầu, nhà địa lý đáp. Địa cầu có một tiếng tăm tốt lắm đó... Nghe nói đó là nơi thường xảy ra những sự vụ ly kỳ và thơ mộng phiêu bồng nhất vũ trụ."
Và hoàng tử bé quay gót ra đi, mơ màng nghĩ tới đóa hoa cũ của mình.
XVI.
Tinh cầu thứ bảy vậy là trái đất.
Trái đất không phải là một tinh cầu lai rai như những lai rai tinh cầu! Người ta đếm ra có tới một trăm mười một ông vua tại trái đất (cố nhiên không quên những ông vua da đen) bảy ngàn nhà địa lý, chín trăm ngàn nhà áp phe, bảy triệu rưỡi gã say ca múa cô đơn dưới nguyệt, ba trăm mười một triệu gã khoe khoang lố bịch, nghĩa là khoảng hai nghìn triệu con người lớn.
Để cho các bạn có một ý niệm về kích thích Trái Đất, tôi sẽ nói rằng trước cuộc phát minh điện khí, người ta đã phải duy trì cấp dưỡng tại Trái Đất, trên toàn thể sáu châu, quả thật là cả một binh đoàn đích thực gồm bốn trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm mười một người thắp ngọn đèn lồng bên các vệ đường phiêu bồng bốn biển.
Lùi khá xa mà ngó thì quả đó là một cảnh tượng huy hoàng. Những vận động của binh đoàn khổng lồ đó được điều chỉnh như những vận động của một vũ khúc ca kịch. Thoạt tiên là phiên những người thắp đèn lồng của Nouvelle Zélande và của Australie. Rồi sau khi đã thắp xong những ngọn đèn, thì bọn người này đi ngủ. Bấy giờ là tới lượt những người thắp đèn lồng của Trung Hoa và Sibérie bước vào cuộc vũ lộng. Rồi bọn này cũng biến lẩn đi trong những hậu phòng sân khấu. Lúc bây giờ là tới phiên những người thắp đèn lồng của nước Nga và Ấn Độ. Rồi tới phiên Nam Mỹ. Rồi Bắc Mỹ. Và không bao giờ bọn chúng nhầm lẫn lộn xộn trong thứ tự ra sân khấu trình diễn. Thật là vĩ đại nguy nga.
Duy chỉ có người thắp ngọn đèn lồng duy nhất tại Bắc cực, và bạn đồng nghiệp thắp ngọn duy nhất tại Nam cực, là sống cuộc đời nhàn rỗi uể oải thong dong: mỗi năm chỉ làm việc hai lần.
XVII.
Khi người ta muốn mở cuộc tài khí, chơi cuộc tài tình, thì có lúc người ta phải gian dối chút ít. Quả thật là tôi không thật thà gì lắm, khi nói với bạn về những người thắp sáng đèn lồng. Tôi có thể gây một ý niệm sai lầm về địa cầu chúng ta cho những ai không biết nó. Con người choán rất ít chỗ trên mặt đất. Nếu cái số hai nghìn triệu dân cư trên địa cầu đứng sít lại bên nhau, như trong buổi mít tinh, thì họ có thể yên ổn đứng trong một khoảng vuông hai mươi cây số mỗi chiều. Ta có thể dồn toàn khối nhân loại về trên một hòn đảo nhỏ nhoi heo hút nào đó trong Thái Bình Dương.
Những người lớn, cố nhiên, sẽ không tin lời anh. Họ tưởng mình choán nhiều chỗ lắm. Họ tưởng mình quan trọng như những cây cẩm quỳ. Anh hãy khuyên họ thử làm một phép tính. Họ chuộng con số lắm: điều anh đề nghị sẽ làm họ hài lòng. Nhưng bạn đừng để mất thì giờ với cái hình phạt nọ. Vô ích. Bạn tin cậy nơi tôi.
Hoàng tử bé, một khi ghé địa cầu, đã ngạc nhiên vô cùng vì chẳng thấy bóng một ai cả. Chàng đã e sợ mình nhầm lẫn hành tinh, thì chợt thấy một cái vòng khoanh màu nguyệt bạch, rục rịch trong cát.
"Chào chú đêm lành", con rắn nói.
"Tôi đã rơi vào hành tinh nào đây vậy?", hoàng tử bé hỏi.
"Vào trái đất, tại Phi Châu", con rắn đáp.
"A!... thế thì té ra trên trái đất chả có một ai cả?"
"Đây là sa mạc. Trong sa mạc không có người. Trái đất lớn lắm", con rắn nói.
Hoàng tử bé ngồi xuống một hòn đá và ngước mắt nhìn lên trời:
"Tôi tự hỏi, chàng nói, phải chăng các ngôi sao được soi tỏ là cốt để cho mỗi người có thể mai sau tìm thấy trở lại ngôi sao của mình. Hãy nhìn tinh cầu của tôi. Nó nằm ngay trên đầu tôi đó... Nhưng xa biệt xiết bao!"
"Nó đẹp thật", con rắn nói. "Chú tới đây làm gì?"
"Tôi gặp chuyện bối rối khó xử với một đóa hoa", hoàng tử bé nói.
"A!" con rắn thốt.
Và cả hai cùng im lặng.
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé rốt cuộc lên tiếng trở lại. "Trong sa mạc kể cũng cô đơn thật..."
"Tìm tới nơi chốn của con người", ta cũng vẫn cô đơn, "con rắn nói."
Hoàng tử bé nhìn con rắn thật lâu rồi nói:
"Ngươi thật là một con vật kỳ cục, ngươi mỏng manh như một cái ngón tay..."
"Nhưng ta còn có quyền uy hơn ngón tay một ông vua", con rắn nói.
Hoàng tử bé mỉm cười một cái:
"Ngươi không quyền uy gì lắm đâu... ngươi cũng chẳng có chân... đi du lịch lai rai, ngươi cũng chẳng thể nào du lịch được..."
"Ta có thể mang chú đi thật xa, còn hơn cả một chiếc tàu thủy", con rắn nói.
Nó cuộn tròn thân quanh xương mắt cá hoàng tử bé, như một chiếc xuyến vàng:
"Kẻ nào bị ta chạm nhẹ một cái, kẻ đó bị ta giao trả lại cho thớ đất mà nó đã từ trong đó rúc ra, con rắn nói thêm như thế. Nhưng chú thì trong sạch, và chú từ một ngôi sao mà xuống đây...
Hoàng tử bé không trả lời gì.
"Ta thấy ái ngại cho chú quá, chú yếu đuối xiết bao trên cái Trái Đất cứng như hoa cương thạch này. Một ngày nào nếu chú quá luyến tiếc tinh cầu của chú, thì ta có thể giúp chú. Ta có thể..."
"Ồ! Ta rất hiểu", hoàng tử bé thốt, "nhưng tại sao ngươi cứ luôn luôn ăn nói bằng ẩn ngữ bí hiểm mãi như thế?"
"Mọi ẩn ngữ, ta giải đáp được hết", con rắn nói.
Và cả hai im lặng.
XVIII.
Hoàng tử bé băng qua sa mạc và chỉ gặp một đóa hoa. Một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa nhỏ nhít tí tẻo.
"Chào hoa ngày lành", hoàng tử bé nói.
"Chào chú ngày lành", đóa hoa nói.
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé lễ phép hỏi.
Đóa hoa, vốn từng có thấy một đoàn lữ khách đi qua:
"Ngươi ta? Hình như có chừng độ sáu, bảy chi đó. Cách đâu bao năm rồi, ta có thấy thoáng họ đi qua một lần. Nhưng làm sao mà tìm ra họ được. Gió đưa đẩy họ đi. Họ không có rễ, điều đó gây nên khó khăn bối rối cho họ rất nhiều."
"Vĩnh biệt", hoàng tử bé thốt.
"Vĩnh biệt", đóa hoa nói.
XIX.
Hoàng tử bé leo lên một ngọn núi cao. Những ngọn núi duy nhất mà chàng đã từng có biết là ba hỏa sơn sâu tới hai đầu gối chàng. Và chàng đã từng sử dụng ngọn hỏa sơn nguội như sử dụng một cái ghế con. “Từ một đỉnh núi cao như chóp núi này chàng tự nhủ, ta sẽ nhìn thoáng qua một cái là thấy khắp cả hành tinh, khắp cả mọi người..." Nhưng chàng chỉ nhìn thấy những chóp nhọn lởm chởm bén như đao.
"Chào đó", chàng nói vu vơ khống khứ.
"Chào đó... chào đó... chào đó...", tiếng vang đáp lại.
"Các ngươi là ai?", hoàng tử bé hỏi.
"Các ngươi là ai... các ngươi là ai... các ngươi là ai...", tiếng vang đáp lại.
"Xin hãy là bạn thiết của ta, ta cô đơn lắm", chàng nói.
"Ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm...", tiếng vang đáp lại.
“Hành tinh này sao mà kỳ cục thế!“, chàng tự nhủ. „Nó khô khan khô đét nó nhọn hoắt đắng cay, nó đìu hiu chát ngấm. Con người ở tại đây thì thiếu hẳn tưởng tượng. Ai bảo gì, thì chỉ biết lặp trở lại ba lần bốn lần cái điều họ bảo... Tại xứ sở mình, mình đã có một đóa hoa: bao giờ nàng cũng mở môi giật giành nói trước. Người ta chưa kịp mở miệng, thì nàng đã tuôn ra một tràng..."
XX.
Nhưng rồi sau khi bước bước mãi xuyên qua những cát, những đá, những chỏm cứng, những cồn mềm, những gió lục, những nắng xanh, cuối cùng hoàng tử chợt thấy ra một con đường. Và mọi mọi con đường đều dẫn tới những con người ta.
"Chào người đó", chàng bảo.
Đó là một thửa vườn đầy hoa hồng nở.
"Chào chú", những đóa hồng nói.
Hoàng tử bé nhìn chúng, tất cả đều giống hệt đóa hoa của chàng. Chàng đờ đẫn kinh ngạc hỏi:
"Các nường là ai?"
"Chúng ta là những đóa hồng", những đóa hồng đáp thế.
"A!" hoàng tử bé thốt...
Và chàng cảm thấy vô cùng khổ sở. Đóa hoa của chàng từng đã kể lể rành mạch cho chàng rõ là nàng ta vốn là một cành thiên hương duy nhất trong chủng loại của nàng, một mình lộng lẫy nằm ở giữa vũ trụ bên cạnh càn khôn. Thế mà tại đây, coi kìa, có cả một loạt năm nghìn đóa, giống hệt như nhau, xum xít trong một thửa vườn xum xuê chật ních.
"Nàng ắt sẽ phật ý bực mình lắm, chàng tự nhủ, nếu nàng nhìn thấy cái cảnh này... nàng ắt sẽ húng hắng ho tràn lan ra một cách thật đồ sộ và sẽ giả bộ chết đi để thoát khỏi lố bịch. Và ta ắt sẽ phải buộc lòng giả bộ chăm sóc nàng, bởi vì, nếu ta không làm thế, ắt nàng sẽ tự để cho thân nàng chết đi thật sự, để mà làm nhục ta, cho ta xấu hổ một phen..."
Rồi chàng tự nhủ thêm: "Ta đã tưởng mình giàu sang vô hạn với một đóa hoa duy nhất, té ra mình chỉ có sở hữu một đóa hồng thông thường mà thôi. Té ra hoa của mình và ba ngọn hỏa sơn của mình sâu chỉ tới hai đầu gối của mình, và một ngọn thì có lẽ tắt ngấm vĩnh viễn, té ra mọi cái đó không đủ khiến cho ta thành một vị hoàng tử lớn lao chi cho lắm..." Và duỗi thân xuống cỏ, chàng nằm khóc miên man.
XXI.
Chính lúc đó hiện ra con chồn:
"Chào chú", con chồn nói.
"Chào chú", hoàng tử lễ độ đáp lại, "ngoảnh nhìn mà chẳng thấy chi hết."
"Ta ở tại đây", giọng nói vẳng lên, "ta ở tại đây, dưới gốc cây táo..."
"Chú là ai?", hoàng tử bé nói, "Chú xinh lắm đó..."
"Ta là một con chồn", con chồn nói.
"Hãy tới đây chơi với ta nhé", hoàng tử bé đề nghị. "Ta buồn quá đỗi..."
"Ta chẳng thể chơi đùa với chú được", con chồn nói. "Ta chưa được tuần dưỡng nên tính khí chưa thuần".
"A! xin lỗi nhé", hoàng tử bé thốt.
Nhưng, sau cơn suy ngẫm, chàng nói thêm:
"Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Chú không phải người của xứ này", con chồn nói, "chú tìm kiếm chi đây?"
"Ta tìm kiếm con người", hoàng tử bé đáp. "Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Con người", con chồn nói, "con người họ có những khẩu súng và họ đi săn bắn. Thật là điều rầy rà lắm đó. Họ cũng nuôi những con gà mái tơ nữa. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa nơi xứ sở con người... Gà mái ôi! Gà mái tơ hơ hớ... Chú đi tìm gà mái đó ư?"
"Không", hoàng tử bé đáp. "Ta tìm kiếm những người bạn thiết. Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Đó là một điều bị quên lãng quá nhiều", con chồn đáp: "Đó có nghĩa là tạo nên những mối liên lạc..."
"Tạo nên những mối liên lạc?"
"Hẳn thế, con chồn nói. Đối với tôi, chú hiện giờ chỉ là một đứa trẻ giống y như trăm nghìn đứa trẻ bé khác. Và ta không cần thiết gì tới chú. Và chú cũng chẳng cần gì tới ta. Đối với chú, ta chỉ là một con chồn lũi lang thang như trăm nghìn con chồn lũi phất phơ phiêu hốt dưới sương trời lỗ đỗ thế thôi. Nhưng nếu chú tuần thiện dưỡng ta, thì chúng ta sẽ cần tới nhau. Chú sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với ta. Ta sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với chú..."
"Ta bắt đầu hiểu rồi đó", hoàng tử bé nói. "Có một đóa hoa... ta tưởng nàng đã tuần dưỡng ta..."
"Có thể lắm, con chồn nói. Trên Trái Đất, thấy xiết bao là sự vật... vạn chủng thiên ban..."
"Ồ! không phải ở trên Trái Đất", hoàng từ bé nói.
Con chồn có vẻ động tính hiếu kỳ:
"Ở trên một hành tinh khác?"
"Ừ."
"Có những kẻ đi săn, trên hành tinh ấy?"
"Không."
"Mọi sự, chẳng có một cái gì là hoàn hảo", con chồn thở ra một cái.
Nhưng con chồn trở lại với ý tưởng của nó:
"Đời ta tẻ nhạt. Ta đuổi bắt những con gà mái, loài người đuổi bắt ta. Mọi con gà mái đều giống nhau, và mọi con người đều giống nhau (dù là người phồn hoa rực rỡ, dù là người phố thị đìu hiu...). Vậy nên ta có u sầu chán ngán đôi chút. Nhưng, nếu chú tuần dưỡng ta, cuộc sống của ta sẽ sáng sủa ra, kể như có bóng mặt trời chiếu vào vậy. Ta sẽ biết một tiếng động của một bàn chân bước đi, nghe khác hẳn mọi tiếng chân bước khác. Những bước chân khác khiến ta chui vào hang trong đất. Bước chân của chú lại gọi ta ló đầu ra ngoài hang nghe như âm thanh một giọng nhạc. Và này coi kìa! Chú thấy ở đằng xa kia kìa những cánh đồng lúa mì đó chớ? Ta không ăn bánh mì. Lúa mì đối với ta vô dụng. Những cánh đồng lúa mì chả có nhắc nhở ta cái gì ráo. Và cái điều đó, thật đáng buồn! Nhưng chú có những sợi tóc màu vàng óng. Vậy nên sự vụ sẽ trở thành huyền diệu, một khi chú đã tuần dưỡng ta xong! Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú. Và từ đó ta sẽ yêu dấu tiếng gió thổi thánh thót trong lúa mì hiu hiu..."
Con chồn dừng lại và nhìn thật lâu hoàng tử bé:
"Nếu chú vui lòng... hãy tuần dưỡng ta đi!"
"Ta muốn lắm", hoàng tử bé đáp, "nhưng ta không có thì giờ nhiều. Ta còn phải kiếm những bạn thiết, khám phá thêm, còn nhiều sự vật phải tìm hiểu biết."
"Người ta chỉ hiểu biết những sự vật được người ta tuần dưỡng", con chồn nói. "Con người ngày nay không còn thì giờ để hiểu biết gì hết. Họ mua những đồ vật làm sẵn ở tại chợ, nơi những người lái buôn chuyên bán những bạn thiết, nên con người không có nữa những bạn thiết. Nếu chú muốn có một bạn thiết, hãy tuần dưỡng ta đi!"
"Phải làm sao?", hoàng tử bé hỏi.
"Phải hết sức nhẫn nại", con chồn đáp. "Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận. Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút..."
Ngày hôm sau, hoàng tử bé trở lại.
"Tốt hơn là nên trở lại vào cái giờ của bữa trước, một giờ nhất định, con chồn nói. Nếu chú đến, chả hạn, vào lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng. Rồi giờ khắc càng tiến tới gần thêm, ta sẽ càng tăng thêm sung sướng. Tới bốn giờ chiều thì, ha! ta loay hoay, e ngại, ta ngồi đứng không an; ta sẽ khám phá được ý nghĩa vô ngần hắt hiu của phù du mênh mông hạnh phúc! Nhưng nếu chú tới bất kể lúc nào, thì ta sẽ chẳng biết đâu vào đâu mà mò ra cho đúng cái giờ phải chuẩn bị cho cái trái tim, cái phút phải vận y phục vào cho cái cõi lòng đón chào tươm tất... Cần phải có những nghi thức mơ mộng, những điển lễ phôi pha."
"Sao gọi là điển lễ?", hoàng tử bé nói.
"Đó cũng lại là một cái gì bị quên lãng đi nhiều quá", con chồn nói. "Điển lễ, nghi tiết, là cái gì làm cho cái ngày này nó không giống mọi cái ngày khác, nó làm cho cái một giờ này không giống cái mọi giờ khác. Có điển lễ, chả hạn, nơi những người đi săn. Chúng nó khiêu vũ cới gái thôn làng ngày thứ năm. Thế là ngày thứ năm là ngày huyền diệu! Ta sẽ đi dạo mon men tới tận mép đồng nho. Còn nếu bọn đi săn mà khiêu vũ bất cứ lúc nào, thì mọi mọi ngày ngày ngày sẽ giống hệt như nhau, và ta sẽ không có buổi nghỉ ngơi, không có giờ hội hè hoan lạc."
Và thế đó, hoàng tử bé khởi sự tuần dưỡng con chồn. Và lúc tới giờ sắp từ giã:
"A!", con chồn nói, "Ta sắp khóc mất rồi..."
"Đó là lỗi tại chú, ta không có ý đem lại khổ tâm cho chú, nhưng vì chú đã muốn rằng ta tuần dưỡng thiện dụ chú..."
"Hẳn nhiên", con chồn nói.
"Thế thì chú chả có được lợi gì hết trong vụ này!"
"Trong vụ này ta được lợi đó", con chồn nói, "ấy bởi cái màu lúa mì."
Rồi nó nói thêm:
"Hãy về nhìn lại những đóa hồng đi. Chú hiểu rằng riêng cái đóa hồng của chú là đóa hoa duy nhất trong cõi hồ sơn. Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt. Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân..." Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu. Chú sẽ trở lại vĩnh biệt ta, và ta sẽ biếu chú một bí ẩn để làm quà."
Hoàng tử bé quay gót đi nhìn lại những nụ hồng:
"Các nàng không có gì giống đóa hồng của ta, các nàng hiện chẳng là cái gì ráo, chàng bảo những đóa hồng như vậy. Chẳng có ai đã tuần dưỡng các nàng và các nàng cũng chẳng có tuần dưỡng ai cả. Các nàng cũng như con chồn của ta trước đây. Trước đây nó chỉ là một con chồn giống trăm nghìn con chồn khác. Nhưng ta đã biến nó nên bạn thiết của ta, và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Lâm Xuân hồi khan Thanh Cấm Nguyệt (!)"
Và những nụ hồng thật đã rất mực bực lòng bối rối.
"Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong", chàng còn nói thêm như thế. "Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi ví chính nó đã được ta bắt sâu, tỉa bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than van, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im căm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ."
Và chàng trở lại với con chồn:
"Vĩnh biệt chồn nhé", chàng nói...
"Vĩnh biệt chú đó", chồn nói. "Đây là điều bí ẩn. Thật rất đơn sơ: người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt."
"Cái tinh thể cốt thiết, nó vô hình đối với hai con mắt", hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.
"Chính cái thì giờ chú đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của tô"i... hoàng tử lặp lại, để ghi nhớ về sau.
"Con người đã quên chân lý đó", con chồn nói. "Nhưng chú chớ nên quên. Chú trở thành có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã một lần tuần dưỡng một phen. Chú có trách nhiệm với đóa hồng của chú."
"Tôi có trách nhiệm với đóa hồng của tôi"... hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.
[1]Ấy là ẩn ngữ mạt thể suy tư?
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973.
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
1 2 3 4
XIV.
Tinh cầu thứ năm thật là rất lạ. Đó là tinh cầu bé bỏng nhất trong mọi tinh cầu. Chỉ vừa đủ chỗ cho một ngọn đèn lồng và cho một kẻ coi sóc thắp đèn. Hoàng tử bé không cách gì tự minh giải cho mình rõ sự vụ: trên một tinh cầu không nhà cửa, không dân cư, lưu lạc vật vờ giữa càn khôn man mác, thì một ngọn đèn lồng ở ngã ba đường không có ngã ba còn có thể phụng sự cho ai hoặc cho cái gì mới được? Tuy nhiên chàng tự nhủ:
"Có lẽ rằng cái anh chàng này thuộc nòi phi lý máu xương. Tuy nhiên anh ta cũng không đến nỗi phi lý quá như ông vua, gã khoe khoang, ông làm áp phe và ông nhậu. Ít ra nữa thì công việc anh ta làm cũng còn có một chút ý nghĩa chi đó. Khi anh ta thắp ngọn đèn lồng thì cũng có thể gọi là làm một việc giống như làm nảy sinh thêm ra một cái ngôi sao nữa, hoặc một đóa hoa rạng rỡ nữa. Lúc anh ta tắt ngọn đèn thì cũng như là ru đóa hoa hoặc ngôi sao vào torng giấc ngủ. Đó là một công việc xinh xắn lắm vậy. Mà đã xinh, thì hẳn nhiên là hữu ích thật sự rồi vậy."
Khi hoàng tử cập bờ tinh cầu, chàng kính cẩn chào người thắp đèn:
"Xin chào ông ngày mới. Vì sao ông vừa tắt ngọn đèn lồng đi như rứa?"
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp. "Chào chú ngày lành".
"Hiệu lệnh là gì?"
"Ấy là tắt ngọn đèn vậy. Chào chú đêm lành".
Và anh ta thắp ngọn đèn lên.
"Nhưng tại sao ông lại vừa thắp ngọn đèn trở lại?"
"Đó là hiệu lệnh", người thắp đèn đáp.
"Tôi không hiểu", hoàng tử bé nói.
"Chẳng có gì để hiểu cả", người thắp đèn nói. "Hiệu lệnh là hiệu lệnh. Chào chú ngày lành".
Và chàng ta tắt ngọn đèn lồng.
Rồi chàng ta cầm lấy tấm mu xoa ca rô đỏ mà thấm mồ hôi trên trán.
"Tôi làm một nghề kinh khủng đó chú thấy không. Xưa kia thì công việc cũng là hữu lý. Tôi tắt đèn buổi sáng, và thắp đèn lúc chiều hôm. Ngoài ra thì giờ còn lại của ban ngày thì tôi nghỉ ngơi, thì giờ còn lại ban đêm thì tôi yên ngủ..."
"Và từ đó về sau, hiệu lệnh đã thay đổi?"
"Hiệu lệnh không thay đổi", người thắp đèn bảo. "Đó là bi kịch! Tinh cầu mỗi năm mỗi quay nhanh chóng hơn, còn hiệu lệnh thì không thay đổi!"
"Thế rồi?", hoàng tử bé nói.
"Thế rồi tới ngày nay tinh cầu cứ mỗi phút là quay xong một vòng, thì tôi không còn một giây nghỉ ngơi. Mỗi phút tôi phải thắp lên và tắt xuống mỗi bận!"
"Kỳ lạ thật. Mỗi ngày xứ anh chỉ có một phút!"
"Chẳng có chi kỳ lạ hết", người thắp đèn bảo. "Từ lúc ta nói chuyện với nhau tới bây giờ, là một tháng tròn rồi đó."
"Một tháng?"
"Vâng. Ba mươi phút. Ba mươi ngày! Chào chú đêm lành".
Và anh ta thắp ngọn đèn trở lại.
Hoàng tử bé nhìn chàng và thấy yêu mến cái anh chàng thắp đèn này sao mà trung thành với hiệu lệnh đến thế... Hoàng tử nhớ lại những cơn mặt trời lặn, những trận tịch dương ngậm ngùi mà thuở xưa chàng đã xoay quanh ghế ngồi để tìm ngó. Chàng muốn giúp đỡ ông bạn thiết này:
"Bác biết đó nhé... tôi biết một phương cách giúp bác nghỉ ngơi lúc nào bác muốn..."
"Luôn luôn tôi muốn, người thắp đèn bảo. Bởi vì người ta có thể vừa trung thành vừa lười biếng."
Hoàng tử bé tiếp:
"Tinh cầu của bác nhỏ bé quá đến nỗi chỉ bước chơi ba bước là đi xong một vòng. Bác chỉ cần bước chậm chậm một chút là luôn luôn đứng dưới bóng mặt trời. Lúc nào bác muốn nghỉ ngơi thì bác bước bước đi... và tùy ý bác muốn bao nhiêu thì ban ngày sẽ kéo dài ra bấy nhiêu."
"Cái đó chẳng giúp gì cho ta lắm đâu, người thắp đèn nói. Điều ta muốn trong đời, là ngủ."
"Rủi thật", hoàng tử bé nói.
"Rủi thật", người thắp đèn nói. "Chào chú ngày lành".
Và chàng tắt ngọn đèn lồng.
"Anh chàng này", hoàng tử bé tự nhủ khi tiếp tục cuộc hành trình, "anh chàng này sẽ bị mọi kẻ khác xem khinh, từ ông vua đến gã khoe khoang, ông nhậu, ông áp phe. Tuy nhiên, chính chàng mới là kẻ duy nhất mà ta thấy không lố bịch đó. Ấy có lẽ vì chàng bận tâm lo tới những gì khác hơn là chính bản thân mình."
Hoàng tử thở dài luyến tiếc và tự nhủ thêm:
"Chàng nọ là kẻ duy nhất mà ta có thể kết làm bạn thiết. Nhưng tinh cầu của y quả thật là quá bé. Không đủ chỗ cho hai người..."
Điều mà hoàng tử bé không dám tự thú nhận với mình, ấy là: chàng luyến tiếc tinh cầu lai láng hạnh phúc kia nhiều nhất là bởi lẽ: tại đó trong khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chàng có thể hưởng được đến một ngàn bốn trăm bốn mươi cơn mặt trời lặn! [1]
XV.
Tinh cầu thứ sáu là một tinh cầu rộng hơn gấp mười lần. Có một ông già cư trú, ông ta viết những cuốn sách thật bự.
"Kìa một nhà thám hiểm!", ông ta thốt lớn khi thoáng thấy hoàng tử bé.
Hoàng tử bé ngồi trên chiếc bàn, và thở có chiều hổn hển chút ít. Chàng đã du lịch nhiều biết mấy dặm đường!
"Chú từ đâu tới?" cái ông cụ già hỏi.
"Cuốn sách bự nọ là sách gì thế?". Hoàng tử bé hỏi. "Ngài làm chi tại đây?"
"Ta là nhà địa lý", ông già nói.
"Nhà địa lý là gì?"
"Là một nhà bác học biết rõ biển khơi ở đâu, sông ngòi ở đâu, sa mạc ở đâu."
"Cái đó nghe ra có mòi thích thú đấy, hoàng tử bé nói. Ừ! đó mới là nghề nghiệp đích thực đó."
Và chàng đưa mắt ngó bốn xung quanh một cái, nhìn khắp quả tinh cầu của nhà địa lý. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một tinh cầu uy nghiêm thế này.
"Thật là đẹp đó, cái tinh cầu của ông. Đây có đại dương không?"
"Ta không thể biết được điều đó, nhà địa lý nói."
"A!" (hoàng tử bé thất vọng). "Còn núi rừng?"
"Ta không thể biết điều đó", nhà địa lý nói.
"Còn những phố thị, còn những sông ngòi và sa mạc?"
"Ta cũng không thể biết được nốt", nhà địa lý nói.
"Nhưng ông là nhà địa lý kia mà!"
"Cái đó đúng", nhà địa lý nói, "nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Nhà địa lý đâu có phải là kẻ kê khai toán định những phố thị, những sông ngòi, những núi rừng, những đại dương và những sa mạc. Nhà địa lý quan trọng lắm, đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm. Nhà địa lý chất vấn họ, và ghi vào sổ những kỷ niệm của họ. Và nếu những kỷ niệm của một kẻ trong bọn họ xem ra có vẻ đáng lưu tâm, thì nhà địa lý liền cho người đi mở cuộc điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm."
"Để làm chi vậy?"
"Bởi vì một nhà thám hiểm nếu rủi mà y nói dối một cái, thì có phải là tạo ra bao nhiêu nhào đổ đảo điên trong sách vở của nhà địa lý hay không? Và sự tình ngổn ngang cũng vậy, nếu nhà thám hiểm là một tay ghiền rượu."
"Tại sao vậy?", hoàng tử bé hỏi.
"Tại vì những bọn say rượu nhìn một ra hai. Do đó xui nhà địa lý lầm lạc theo, nhà địa lý ắt sẽ ghi hai ngọn núi tại một nơi chỉ có một ngọn núi mà thôi."
"Tôi biết một kẻ", hoàng tử bé nói, "nếu y làm nghề làm hiểm thì hỏng bét".
"Có thể lắm. Thế nên, khi mà đạo đức của nhà thám hiểm xem ra có bề tốt đẹp, thì người ta làm một cuộc điều tra về sự khám phá của y".
"Người ta sẽ đi xem xét?"
"Không. Như vậy phức tạp lắm. Người ta chỉ yêu cầu nhà thám hiểm đưa ra những bằng chứng. Nếu sự vụ vấn đề là sự khám phá một trái núi to, thì người ta đòi hỏi y mang về những hòn đá bự."
Nhà địa lý đột nhiên có giọng kích động.
"Nhưng còn chú bé, chú từ xa tới! Chú là một nhà thám hiểm! Chú hãy mô tả cho ta nghe tinh cầu của chú ra sao!"
Và nhà địa lý, mở rộng cuốn sổ ra, cầm con dao gọt nhọn đầu cây bút chì. Ban đầu người ta ghi bằng bút chì những chuyện kể của những nhà thám hiểm. Người ta chờ đợi nhà thám hiểm đưa ra đủ bằng chứng rồi mới ghi lại bằng mực đen trên giấy trắng.
"Thế nào?" nhà địa lý chất vấn. "Thế nào? Ta khởi sự chứ?"
"Ồ! nơi xứ sở tôi", hoàng tử bé nói, "chẳng có gì ra trò, chẳng có gì đáng lưu ý lắm đâu, thật bé bỏng lắm. Tôi có ba ngọn hỏa sơn. Hai ngọn đương phun lửa, và một đã tắt. Nhưng ai biết đâu bao giờ."
"Ai biết đâu bao giờ", nhà địa lý nói.
"Tôi cũng có một đóa hoa."
"Chúng ta không ghi chép hoa", nhà địa lý nói.
"Nói nghe lạ chưa! Sao vậy? Hoa là cái xinh nhất!"
"Nhưng vì hoa vốn là phù du".
"Sao gọi là phù du? Phù du nghĩa là gì?"
"Địa lý lục", nhà địa lý nói, "là những cuốn sách quý nhất trong mọi thứ sách. Chúng chẳng thể trở thành trần hủ, lỗi thời, quá mối bao giờ. Ít khi có cái sự vụ một ngọn núi dời chỗ, di lịch địa điểm. Rất ít khi một đại dương cạn ráo hết nước. Chúng ta viết, chúng ta ghi chép những sự vật thiên thu, những sự vụ vạn đại, những sự kiện vĩnh viễn muôn năm, trường tồn tuế nguyệt."
"Nhưng những ngọn hỏa sơn đã tắt, bất ngờ có thể tỉnh giấc trở cơn, phun lửa trở lại, hoàng tử bé ngắt lời. Sao gọi là “phù du"?"
"Dù hỏa sơn tắt, dù hỏa sơn phun lửa, thì cũng vậy thôi đối với thiên hạ, nhà địa lý học nói, cái đáng kể đối với chúng ta là trái núi. Trái núi thì không đổi dời."
"Nhưng sao gọi là “phù du"?" hoàng tử bé lặp lại lần nữa, hoàng tử bé vốn là kẻ suốt đời không bao giờ đã chịu rút lui một câu hỏi, mỗi một khi đã nêu nó ra rồi.
"Phù du có nghĩa là “bị đứng trước hiểm họa sắp điêu tàn tiêu diệt?"
"Cố kỳ nhiên."
"Đóa hoa của ta là phù du", hoàng tử bé tự nhủ, "và nó chỉ có bốn chiếc gai nhọn để tự bảo vệ tấm thân trước cõi đời! Thế mà ta đã nỡ bỏ nó lại một mình nơi quê ta!"
Đó là niềm luyến tiếc ăn năn trở cơn lần thứ nhất trong tấm lòng hoàng tử bé, nhưng chàng thu lại can đảm:
"Ngài khuyên tôi nên đi viếng gì bây giờ?", chàng hỏi.
"Hành tinh Địa cầu, nhà địa lý đáp. Địa cầu có một tiếng tăm tốt lắm đó... Nghe nói đó là nơi thường xảy ra những sự vụ ly kỳ và thơ mộng phiêu bồng nhất vũ trụ."
Và hoàng tử bé quay gót ra đi, mơ màng nghĩ tới đóa hoa cũ của mình.
XVI.
Tinh cầu thứ bảy vậy là trái đất.
Trái đất không phải là một tinh cầu lai rai như những lai rai tinh cầu! Người ta đếm ra có tới một trăm mười một ông vua tại trái đất (cố nhiên không quên những ông vua da đen) bảy ngàn nhà địa lý, chín trăm ngàn nhà áp phe, bảy triệu rưỡi gã say ca múa cô đơn dưới nguyệt, ba trăm mười một triệu gã khoe khoang lố bịch, nghĩa là khoảng hai nghìn triệu con người lớn.
Để cho các bạn có một ý niệm về kích thích Trái Đất, tôi sẽ nói rằng trước cuộc phát minh điện khí, người ta đã phải duy trì cấp dưỡng tại Trái Đất, trên toàn thể sáu châu, quả thật là cả một binh đoàn đích thực gồm bốn trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm mười một người thắp ngọn đèn lồng bên các vệ đường phiêu bồng bốn biển.
Lùi khá xa mà ngó thì quả đó là một cảnh tượng huy hoàng. Những vận động của binh đoàn khổng lồ đó được điều chỉnh như những vận động của một vũ khúc ca kịch. Thoạt tiên là phiên những người thắp đèn lồng của Nouvelle Zélande và của Australie. Rồi sau khi đã thắp xong những ngọn đèn, thì bọn người này đi ngủ. Bấy giờ là tới lượt những người thắp đèn lồng của Trung Hoa và Sibérie bước vào cuộc vũ lộng. Rồi bọn này cũng biến lẩn đi trong những hậu phòng sân khấu. Lúc bây giờ là tới phiên những người thắp đèn lồng của nước Nga và Ấn Độ. Rồi tới phiên Nam Mỹ. Rồi Bắc Mỹ. Và không bao giờ bọn chúng nhầm lẫn lộn xộn trong thứ tự ra sân khấu trình diễn. Thật là vĩ đại nguy nga.
Duy chỉ có người thắp ngọn đèn lồng duy nhất tại Bắc cực, và bạn đồng nghiệp thắp ngọn duy nhất tại Nam cực, là sống cuộc đời nhàn rỗi uể oải thong dong: mỗi năm chỉ làm việc hai lần.
XVII.
Khi người ta muốn mở cuộc tài khí, chơi cuộc tài tình, thì có lúc người ta phải gian dối chút ít. Quả thật là tôi không thật thà gì lắm, khi nói với bạn về những người thắp sáng đèn lồng. Tôi có thể gây một ý niệm sai lầm về địa cầu chúng ta cho những ai không biết nó. Con người choán rất ít chỗ trên mặt đất. Nếu cái số hai nghìn triệu dân cư trên địa cầu đứng sít lại bên nhau, như trong buổi mít tinh, thì họ có thể yên ổn đứng trong một khoảng vuông hai mươi cây số mỗi chiều. Ta có thể dồn toàn khối nhân loại về trên một hòn đảo nhỏ nhoi heo hút nào đó trong Thái Bình Dương.
Những người lớn, cố nhiên, sẽ không tin lời anh. Họ tưởng mình choán nhiều chỗ lắm. Họ tưởng mình quan trọng như những cây cẩm quỳ. Anh hãy khuyên họ thử làm một phép tính. Họ chuộng con số lắm: điều anh đề nghị sẽ làm họ hài lòng. Nhưng bạn đừng để mất thì giờ với cái hình phạt nọ. Vô ích. Bạn tin cậy nơi tôi.
Hoàng tử bé, một khi ghé địa cầu, đã ngạc nhiên vô cùng vì chẳng thấy bóng một ai cả. Chàng đã e sợ mình nhầm lẫn hành tinh, thì chợt thấy một cái vòng khoanh màu nguyệt bạch, rục rịch trong cát.
"Chào chú đêm lành", con rắn nói.
"Tôi đã rơi vào hành tinh nào đây vậy?", hoàng tử bé hỏi.
"Vào trái đất, tại Phi Châu", con rắn đáp.
"A!... thế thì té ra trên trái đất chả có một ai cả?"
"Đây là sa mạc. Trong sa mạc không có người. Trái đất lớn lắm", con rắn nói.
Hoàng tử bé ngồi xuống một hòn đá và ngước mắt nhìn lên trời:
"Tôi tự hỏi, chàng nói, phải chăng các ngôi sao được soi tỏ là cốt để cho mỗi người có thể mai sau tìm thấy trở lại ngôi sao của mình. Hãy nhìn tinh cầu của tôi. Nó nằm ngay trên đầu tôi đó... Nhưng xa biệt xiết bao!"
"Nó đẹp thật", con rắn nói. "Chú tới đây làm gì?"
"Tôi gặp chuyện bối rối khó xử với một đóa hoa", hoàng tử bé nói.
"A!" con rắn thốt.
Và cả hai cùng im lặng.
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé rốt cuộc lên tiếng trở lại. "Trong sa mạc kể cũng cô đơn thật..."
"Tìm tới nơi chốn của con người", ta cũng vẫn cô đơn, "con rắn nói."
Hoàng tử bé nhìn con rắn thật lâu rồi nói:
"Ngươi thật là một con vật kỳ cục, ngươi mỏng manh như một cái ngón tay..."
"Nhưng ta còn có quyền uy hơn ngón tay một ông vua", con rắn nói.
Hoàng tử bé mỉm cười một cái:
"Ngươi không quyền uy gì lắm đâu... ngươi cũng chẳng có chân... đi du lịch lai rai, ngươi cũng chẳng thể nào du lịch được..."
"Ta có thể mang chú đi thật xa, còn hơn cả một chiếc tàu thủy", con rắn nói.
Nó cuộn tròn thân quanh xương mắt cá hoàng tử bé, như một chiếc xuyến vàng:
"Kẻ nào bị ta chạm nhẹ một cái, kẻ đó bị ta giao trả lại cho thớ đất mà nó đã từ trong đó rúc ra, con rắn nói thêm như thế. Nhưng chú thì trong sạch, và chú từ một ngôi sao mà xuống đây...
Hoàng tử bé không trả lời gì.
"Ta thấy ái ngại cho chú quá, chú yếu đuối xiết bao trên cái Trái Đất cứng như hoa cương thạch này. Một ngày nào nếu chú quá luyến tiếc tinh cầu của chú, thì ta có thể giúp chú. Ta có thể..."
"Ồ! Ta rất hiểu", hoàng tử bé thốt, "nhưng tại sao ngươi cứ luôn luôn ăn nói bằng ẩn ngữ bí hiểm mãi như thế?"
"Mọi ẩn ngữ, ta giải đáp được hết", con rắn nói.
Và cả hai im lặng.
XVIII.
Hoàng tử bé băng qua sa mạc và chỉ gặp một đóa hoa. Một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa nhỏ nhít tí tẻo.
"Chào hoa ngày lành", hoàng tử bé nói.
"Chào chú ngày lành", đóa hoa nói.
"Người ta ở đâu?", hoàng tử bé lễ phép hỏi.
Đóa hoa, vốn từng có thấy một đoàn lữ khách đi qua:
"Ngươi ta? Hình như có chừng độ sáu, bảy chi đó. Cách đâu bao năm rồi, ta có thấy thoáng họ đi qua một lần. Nhưng làm sao mà tìm ra họ được. Gió đưa đẩy họ đi. Họ không có rễ, điều đó gây nên khó khăn bối rối cho họ rất nhiều."
"Vĩnh biệt", hoàng tử bé thốt.
"Vĩnh biệt", đóa hoa nói.
XIX.
Hoàng tử bé leo lên một ngọn núi cao. Những ngọn núi duy nhất mà chàng đã từng có biết là ba hỏa sơn sâu tới hai đầu gối chàng. Và chàng đã từng sử dụng ngọn hỏa sơn nguội như sử dụng một cái ghế con. “Từ một đỉnh núi cao như chóp núi này chàng tự nhủ, ta sẽ nhìn thoáng qua một cái là thấy khắp cả hành tinh, khắp cả mọi người..." Nhưng chàng chỉ nhìn thấy những chóp nhọn lởm chởm bén như đao.
"Chào đó", chàng nói vu vơ khống khứ.
"Chào đó... chào đó... chào đó...", tiếng vang đáp lại.
"Các ngươi là ai?", hoàng tử bé hỏi.
"Các ngươi là ai... các ngươi là ai... các ngươi là ai...", tiếng vang đáp lại.
"Xin hãy là bạn thiết của ta, ta cô đơn lắm", chàng nói.
"Ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm... ta cô đơn lắm...", tiếng vang đáp lại.
“Hành tinh này sao mà kỳ cục thế!“, chàng tự nhủ. „Nó khô khan khô đét nó nhọn hoắt đắng cay, nó đìu hiu chát ngấm. Con người ở tại đây thì thiếu hẳn tưởng tượng. Ai bảo gì, thì chỉ biết lặp trở lại ba lần bốn lần cái điều họ bảo... Tại xứ sở mình, mình đã có một đóa hoa: bao giờ nàng cũng mở môi giật giành nói trước. Người ta chưa kịp mở miệng, thì nàng đã tuôn ra một tràng..."
XX.
Nhưng rồi sau khi bước bước mãi xuyên qua những cát, những đá, những chỏm cứng, những cồn mềm, những gió lục, những nắng xanh, cuối cùng hoàng tử chợt thấy ra một con đường. Và mọi mọi con đường đều dẫn tới những con người ta.
"Chào người đó", chàng bảo.
Đó là một thửa vườn đầy hoa hồng nở.
"Chào chú", những đóa hồng nói.
Hoàng tử bé nhìn chúng, tất cả đều giống hệt đóa hoa của chàng. Chàng đờ đẫn kinh ngạc hỏi:
"Các nường là ai?"
"Chúng ta là những đóa hồng", những đóa hồng đáp thế.
"A!" hoàng tử bé thốt...
Và chàng cảm thấy vô cùng khổ sở. Đóa hoa của chàng từng đã kể lể rành mạch cho chàng rõ là nàng ta vốn là một cành thiên hương duy nhất trong chủng loại của nàng, một mình lộng lẫy nằm ở giữa vũ trụ bên cạnh càn khôn. Thế mà tại đây, coi kìa, có cả một loạt năm nghìn đóa, giống hệt như nhau, xum xít trong một thửa vườn xum xuê chật ních.
"Nàng ắt sẽ phật ý bực mình lắm, chàng tự nhủ, nếu nàng nhìn thấy cái cảnh này... nàng ắt sẽ húng hắng ho tràn lan ra một cách thật đồ sộ và sẽ giả bộ chết đi để thoát khỏi lố bịch. Và ta ắt sẽ phải buộc lòng giả bộ chăm sóc nàng, bởi vì, nếu ta không làm thế, ắt nàng sẽ tự để cho thân nàng chết đi thật sự, để mà làm nhục ta, cho ta xấu hổ một phen..."
Rồi chàng tự nhủ thêm: "Ta đã tưởng mình giàu sang vô hạn với một đóa hoa duy nhất, té ra mình chỉ có sở hữu một đóa hồng thông thường mà thôi. Té ra hoa của mình và ba ngọn hỏa sơn của mình sâu chỉ tới hai đầu gối của mình, và một ngọn thì có lẽ tắt ngấm vĩnh viễn, té ra mọi cái đó không đủ khiến cho ta thành một vị hoàng tử lớn lao chi cho lắm..." Và duỗi thân xuống cỏ, chàng nằm khóc miên man.
XXI.
Chính lúc đó hiện ra con chồn:
"Chào chú", con chồn nói.
"Chào chú", hoàng tử lễ độ đáp lại, "ngoảnh nhìn mà chẳng thấy chi hết."
"Ta ở tại đây", giọng nói vẳng lên, "ta ở tại đây, dưới gốc cây táo..."
"Chú là ai?", hoàng tử bé nói, "Chú xinh lắm đó..."
"Ta là một con chồn", con chồn nói.
"Hãy tới đây chơi với ta nhé", hoàng tử bé đề nghị. "Ta buồn quá đỗi..."
"Ta chẳng thể chơi đùa với chú được", con chồn nói. "Ta chưa được tuần dưỡng nên tính khí chưa thuần".
"A! xin lỗi nhé", hoàng tử bé thốt.
Nhưng, sau cơn suy ngẫm, chàng nói thêm:
"Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Chú không phải người của xứ này", con chồn nói, "chú tìm kiếm chi đây?"
"Ta tìm kiếm con người", hoàng tử bé đáp. "Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Con người", con chồn nói, "con người họ có những khẩu súng và họ đi săn bắn. Thật là điều rầy rà lắm đó. Họ cũng nuôi những con gà mái tơ nữa. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa nơi xứ sở con người... Gà mái ôi! Gà mái tơ hơ hớ... Chú đi tìm gà mái đó ư?"
"Không", hoàng tử bé đáp. "Ta tìm kiếm những người bạn thiết. Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"
"Đó là một điều bị quên lãng quá nhiều", con chồn đáp: "Đó có nghĩa là tạo nên những mối liên lạc..."
"Tạo nên những mối liên lạc?"
"Hẳn thế, con chồn nói. Đối với tôi, chú hiện giờ chỉ là một đứa trẻ giống y như trăm nghìn đứa trẻ bé khác. Và ta không cần thiết gì tới chú. Và chú cũng chẳng cần gì tới ta. Đối với chú, ta chỉ là một con chồn lũi lang thang như trăm nghìn con chồn lũi phất phơ phiêu hốt dưới sương trời lỗ đỗ thế thôi. Nhưng nếu chú tuần thiện dưỡng ta, thì chúng ta sẽ cần tới nhau. Chú sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với ta. Ta sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với chú..."
"Ta bắt đầu hiểu rồi đó", hoàng tử bé nói. "Có một đóa hoa... ta tưởng nàng đã tuần dưỡng ta..."
"Có thể lắm, con chồn nói. Trên Trái Đất, thấy xiết bao là sự vật... vạn chủng thiên ban..."
"Ồ! không phải ở trên Trái Đất", hoàng từ bé nói.
Con chồn có vẻ động tính hiếu kỳ:
"Ở trên một hành tinh khác?"
"Ừ."
"Có những kẻ đi săn, trên hành tinh ấy?"
"Không."
"Mọi sự, chẳng có một cái gì là hoàn hảo", con chồn thở ra một cái.
Nhưng con chồn trở lại với ý tưởng của nó:
"Đời ta tẻ nhạt. Ta đuổi bắt những con gà mái, loài người đuổi bắt ta. Mọi con gà mái đều giống nhau, và mọi con người đều giống nhau (dù là người phồn hoa rực rỡ, dù là người phố thị đìu hiu...). Vậy nên ta có u sầu chán ngán đôi chút. Nhưng, nếu chú tuần dưỡng ta, cuộc sống của ta sẽ sáng sủa ra, kể như có bóng mặt trời chiếu vào vậy. Ta sẽ biết một tiếng động của một bàn chân bước đi, nghe khác hẳn mọi tiếng chân bước khác. Những bước chân khác khiến ta chui vào hang trong đất. Bước chân của chú lại gọi ta ló đầu ra ngoài hang nghe như âm thanh một giọng nhạc. Và này coi kìa! Chú thấy ở đằng xa kia kìa những cánh đồng lúa mì đó chớ? Ta không ăn bánh mì. Lúa mì đối với ta vô dụng. Những cánh đồng lúa mì chả có nhắc nhở ta cái gì ráo. Và cái điều đó, thật đáng buồn! Nhưng chú có những sợi tóc màu vàng óng. Vậy nên sự vụ sẽ trở thành huyền diệu, một khi chú đã tuần dưỡng ta xong! Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú. Và từ đó ta sẽ yêu dấu tiếng gió thổi thánh thót trong lúa mì hiu hiu..."
Con chồn dừng lại và nhìn thật lâu hoàng tử bé:
"Nếu chú vui lòng... hãy tuần dưỡng ta đi!"
"Ta muốn lắm", hoàng tử bé đáp, "nhưng ta không có thì giờ nhiều. Ta còn phải kiếm những bạn thiết, khám phá thêm, còn nhiều sự vật phải tìm hiểu biết."
"Người ta chỉ hiểu biết những sự vật được người ta tuần dưỡng", con chồn nói. "Con người ngày nay không còn thì giờ để hiểu biết gì hết. Họ mua những đồ vật làm sẵn ở tại chợ, nơi những người lái buôn chuyên bán những bạn thiết, nên con người không có nữa những bạn thiết. Nếu chú muốn có một bạn thiết, hãy tuần dưỡng ta đi!"
"Phải làm sao?", hoàng tử bé hỏi.
"Phải hết sức nhẫn nại", con chồn đáp. "Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận. Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút..."
Ngày hôm sau, hoàng tử bé trở lại.
"Tốt hơn là nên trở lại vào cái giờ của bữa trước, một giờ nhất định, con chồn nói. Nếu chú đến, chả hạn, vào lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng. Rồi giờ khắc càng tiến tới gần thêm, ta sẽ càng tăng thêm sung sướng. Tới bốn giờ chiều thì, ha! ta loay hoay, e ngại, ta ngồi đứng không an; ta sẽ khám phá được ý nghĩa vô ngần hắt hiu của phù du mênh mông hạnh phúc! Nhưng nếu chú tới bất kể lúc nào, thì ta sẽ chẳng biết đâu vào đâu mà mò ra cho đúng cái giờ phải chuẩn bị cho cái trái tim, cái phút phải vận y phục vào cho cái cõi lòng đón chào tươm tất... Cần phải có những nghi thức mơ mộng, những điển lễ phôi pha."
"Sao gọi là điển lễ?", hoàng tử bé nói.
"Đó cũng lại là một cái gì bị quên lãng đi nhiều quá", con chồn nói. "Điển lễ, nghi tiết, là cái gì làm cho cái ngày này nó không giống mọi cái ngày khác, nó làm cho cái một giờ này không giống cái mọi giờ khác. Có điển lễ, chả hạn, nơi những người đi săn. Chúng nó khiêu vũ cới gái thôn làng ngày thứ năm. Thế là ngày thứ năm là ngày huyền diệu! Ta sẽ đi dạo mon men tới tận mép đồng nho. Còn nếu bọn đi săn mà khiêu vũ bất cứ lúc nào, thì mọi mọi ngày ngày ngày sẽ giống hệt như nhau, và ta sẽ không có buổi nghỉ ngơi, không có giờ hội hè hoan lạc."
Và thế đó, hoàng tử bé khởi sự tuần dưỡng con chồn. Và lúc tới giờ sắp từ giã:
"A!", con chồn nói, "Ta sắp khóc mất rồi..."
"Đó là lỗi tại chú, ta không có ý đem lại khổ tâm cho chú, nhưng vì chú đã muốn rằng ta tuần dưỡng thiện dụ chú..."
"Hẳn nhiên", con chồn nói.
"Thế thì chú chả có được lợi gì hết trong vụ này!"
"Trong vụ này ta được lợi đó", con chồn nói, "ấy bởi cái màu lúa mì."
Rồi nó nói thêm:
"Hãy về nhìn lại những đóa hồng đi. Chú hiểu rằng riêng cái đóa hồng của chú là đóa hoa duy nhất trong cõi hồ sơn. Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt. Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân..." Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu. Chú sẽ trở lại vĩnh biệt ta, và ta sẽ biếu chú một bí ẩn để làm quà."
Hoàng tử bé quay gót đi nhìn lại những nụ hồng:
"Các nàng không có gì giống đóa hồng của ta, các nàng hiện chẳng là cái gì ráo, chàng bảo những đóa hồng như vậy. Chẳng có ai đã tuần dưỡng các nàng và các nàng cũng chẳng có tuần dưỡng ai cả. Các nàng cũng như con chồn của ta trước đây. Trước đây nó chỉ là một con chồn giống trăm nghìn con chồn khác. Nhưng ta đã biến nó nên bạn thiết của ta, và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Lâm Xuân hồi khan Thanh Cấm Nguyệt (!)"
Và những nụ hồng thật đã rất mực bực lòng bối rối.
"Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong", chàng còn nói thêm như thế. "Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi ví chính nó đã được ta bắt sâu, tỉa bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than van, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im căm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ."
Và chàng trở lại với con chồn:
"Vĩnh biệt chồn nhé", chàng nói...
"Vĩnh biệt chú đó", chồn nói. "Đây là điều bí ẩn. Thật rất đơn sơ: người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt."
"Cái tinh thể cốt thiết, nó vô hình đối với hai con mắt", hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.
"Chính cái thì giờ chú đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của tô"i... hoàng tử lặp lại, để ghi nhớ về sau.
"Con người đã quên chân lý đó", con chồn nói. "Nhưng chú chớ nên quên. Chú trở thành có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã một lần tuần dưỡng một phen. Chú có trách nhiệm với đóa hồng của chú."
"Tôi có trách nhiệm với đóa hồng của tôi"... hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.
[1]Ấy là ẩn ngữ mạt thể suy tư?
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973.
Saint-Exupéry - Hoàng tử bé (2)
Saint-Exupéry
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
VIII.
Tôi đã sớm biết rõ đóa hoa kia. Từ xưa, trên hành tinh của hoàng tử bé, luôn luôn có những cành hoa rất đơn sơ, điểm trang bằng một hàng cánh hoa thưa thớt, không choán chỗ gì nhiều, không làm phiền rộn ai. Các đóa hoa hiển hiện một sớm mai trên đồng cỏ, rồi tàn rụng lúc chiều hôm. Nhưng còn đóa hoa riêng biệt nọ đã nảy mầm một ngày kia, do một chủng tử chẳng rõ từ đâu tới, và hoàng tử bé đã từng chăm sóc thiết thân cái ngọn lá kia, trông không giống chút nào những ngọn lá khác. Đó có thể là một loại cẩm quỳ mới. Nhưng mà cành cây nhỏ sớm dừng phát triển, và khởi sự soạn sửa cho nảy nở một đóa hoa. Hoàng tử bé chứng giám cuộc hình thành một búp hoa đồ sộ, đã linh cảm chắc chắn rằng một sự hiển hiện huyền ảo sẽ xảy tới, nhưng đóa hoa vẫn không ngừng soạn sửa cho càng thêm kiều diễm, mỗi mỗi ngày cư trú êm đềm trong căn phòng xanh lục. Nường chọn lựa kỹ lưỡng màu sắc cho mình. Nường vận xiêm y một cách thật thong dong chậm rãi, nường sửa sang, xếp đặt từng mỗi mỗi cánh hoa của mình. Nường không muốn xuất hiện tả tơi nhàu nát như những cành mỹ nhân thảo, hoặc những đóa hoa anh túc. Nường chỉ muốn xuất hiện trong vẻ sáng ngời lộng lẫy mở phơi của dung nhan kiều lệ. Ê, vâng ạ. Nường rất ưa làm duyên! Xiêm y huyền bí của nường như vật lạ hằng hằng soạn sửa từng ngày, từng tuần, từng cữ... Và thế đó một sáng mai kia, chính lúc vừng hồng trỗi dậy, nường đã lồ lộ hiện thân thập thành tráng lệ.
Nường, nường đã chăm nom chỉnh bị xiết bao tỷ mỷ chú tâm nường lại giả vờ ngáp dài một cái, và dã dượi bảo rằng:
"A! thiếp mới chớm trở giấc. Xin chàng thứ lỗi. Đầu tóc của thiếp tóc còn xổ bung rối bù."
Hoàng tử bé bấy giờ không kìm hãm nỗi lòng lâng lâng thán phục:
"Sao mà nường đẹp thế!"
"Phải chăng? Thật chăng? Chàng hãy nhớ rằng thiếp sinh ra đời song song với vừng dương đó ạ..."
Hoàng tử bé cũng đoán biết là nường ta chẳng phải nhũn nhặn khiêm nhượng gì cho lắm, nhưng sao mà nàng xui lòng cảm động đến thế!
"Có lẽ đã tới giờ điểm tâm, nàng nói tiếp, chàng có chút độ lượng bao dung nào đối với thiếp thì, xin hãy..."
Và hoàng tử bé ngượng ngùng đầy mặt, đã chạy đi tìm chiếc thùng tưới đầy ắp nước trong veo phơi phới mang về phục vụ đóa hoa.
Thế đó, nường đã sắp khiến chàng chịu bao cơn loay hoay bối rối, ấy cũng bởi cái thói ưa làm đỏm khoe khoang pha chút hoài nghi e e ngại ngại. Chả hạn một ngày kia nói tới bốn cái gai nhọn của nường, nường đã bảo:
"Chúng có thể tới lắm, những con cọp với những vuốt nanh nhọn nanh nhe của chúng!"
"Trên tinh cầu của tôi không có cọp đâu, hoàng từ bé đáp, vả chăng cọp không có ăn cỏ."
"Thiếp không phải là một lá cỏ", đóa hoa đã dịu dàng đáp.
"Xin lỗi nường..."
"Thiếp chẳng sợ gì cọp, chỉ duy có ghê sợ những trận gió lò mà thôi. Chắc đâu rằng chàng có một tấm bình phong che gió?"
"Ghê sợ gió lò... thật chả hay ho gì, đối với một ngành thảo một, hoàng tử bé nhận xét như vậy. Đóa hoa này coi có bộ ưa sinh chuyện phiền phức đa đoan lắm lắm..."
"Chiều hôm sương xuống chàng hãy đặt thiếp trong bầu tròn. Nơi nhà chàng rét buốt lắm. Chẳng đặt định đúng hướng gì lắm đó. Nơi quê tôi..."
Nhưng nàng chợt ngừng môi. Nàng đã về đây trong hình hài hạt giống. Nường biết đâu vào đâu mà nói tới những cõi miền xa lạ. Ngượng nghịu xấu hổ vì bị bắt quả tang sắp giở trò bố láo một cách khờ khạo vụng về, nường đã ho ho hai ba tiếng hắc hắc, cố tình đẩy hoàng tử vào cõi lầm lỗi cho mới cam tâm:
"Tấm bình phong kia?..."
"Tôi sắp đi tìm đó mà, sao mà nường lắm lời thế!"
Thế là nường lại húng hắng ho thêm, cũng là cố tình khiến chàng phải ân hận thì lòng nàng mới cam!
Thế đó, hoàng tử bé mặc dù rất chí ý trong tình yêu dấu, cũng đành phải cảm thấy nghi hoặc cái cô nàng đa đoan. Chàng đã coi trọng những lời chẳng hệ trọng gì, và chàng trở nên khốn khổ vô cùng.
"Đáng lẽ ra thì tôi chả nên nghe cô ta làm chi, hoàng tử bảo tôi một bận như thế, chả bao giờ nên nghe đóa hoa nó nói. Chỉ nên nhìn hoa và hít mùi hương của hoa thôi. Đóa hoa của tôi tỏa thơm cho tinh cầu tôi, thế mà tôi không biết thỏa lòng chừng đó. Câu chuyện những móng vuốt nhọn của con hùm đã làm tôi phát cáu, đáng lẽ phải khiến tôi cảm động mới là đúng."
Chú bé còn thổ lộ thêm:
"Tôi chẳng biết gì ra gì gì cả. Đáng lẽ tôi nên xét đoán theo những lời nàng nói ra. Nàng làm thơm tôi và soi sáng cho tôi. Đáng lẽ tôi chẳng nên bỏ đi trốn. Đáng lẽ tôi phải đoán thấy tình ý yêu dấu của nàng ở phía sau những mánh khóe lai rai kia mới phải. Hoa mang mâu thuẫn nhiều lắm ở trong mình! Nhưng xưa kia tôi còn nhỏ quá, đâu có biết cách thương yêu đúng lối."
IX.
Tôi tưởng chừng chàng đã nhân một đoàn chim di thê mà thoát vòng thao túng của cô nàng. Buổi sáng lần ra đi, chàng đã xếp đặt tinh cầu gọn ghẽ. Chàng đã nạo kỹ những ngọn hỏa sơn đương thời kỳ nổi trận làm mưa làm gió. Chàng có được hai hỏa sơn náo động. Và kể thật là tiện lợi cho việc nấu nướng bữa điểm tâm. Chàng cũng có được một hỏa sơn đã tắt. Nhưng theo lối của chàng, “Ai biết đâu ra đâu", vậy là chàng nạo kỹ luôn cả hỏa sơn đã tắt. Nếu được nạo kỹ, thì những hỏa sơn cháy đều đặn êm đềm, không có sôi trào cuồng bạo. Hỏa sơn phun lửa cũng như ống khói nhả khói. Cố nhiên trên địa cầu chúng ta, chúng ta quá nhỏ nhoi, thì cái việc nạo hỏa sơn là không thể được rồi. Do đó mà hỏa sơn gây cho chúng ta lắm điều phiền não.
Hoàng tử bé cũng nhổ kỹ những gốc cẩm quỳ còn sót, với một chút ưu sầu. Chàng đã tưởng sẽ rằng bao giờ trở lại. Nhưng mọi công việc thông thường này, buổi mai đó dường như êm dịu vô biên đối với chàng. Và khi chàng tưới nước lần cuối cho đóa hoa, và sắp sửa đặt nàng yên trú trong bầu tròn thì chợt chàng cảm thấy lòng nao nao muốn khóc.
"Vĩnh biệt nhé", chàng bảo hoa.
Nàng không đáp.
"Vĩnh biệt nhé", chàng lập lại.
Nường ho ho vài tiếng. Nhưng không phải vì chứng cảm hàn.
"Thiếp đã ngu dại lắm, cuối cùng nường nói thế. Thiếp xin lỗi chàng. Chàng hãy gắng mà vui."
Chàng ngạc nhiên không thấy nàng thốt lời nào oán trách cả. Chàng đờ đẫn đứng im, tay cầm cái bầu tròn chới với trong khoảng không. Chàng không hiểu nỗi niềm dịu dàng thân thiết ấy của đóa hoa.
"Nhưng thật đó, thiếp yêu chàng, hoa bảo vậy. Chàng chả có ngờ ra cái gì hết, đó là lỗi tại thiếp. Cũng chẳng có chi hệ trọng. Nhưng chàng cũng khờ dại y như thiếp đó thôi. Chàng gắng mà sống cho vui đi... Để yên cái bầu tròn nằm đó. Thiếp chả cần tới nó nữa."
"Nhưng còn cơn gió..."
"Thiếp đâu có cảm hàn gì nhiều đến thế... Gió thổi chiều hôm mát mẻ rất tốt đối với cơ thể thiếp. Thiếp là một cành hoa."
"Nhưng còn những con thú vật..."
"Thiếp cũng phải liều liệu mà chịu kham một vài con sâu bọ chứ, nếu muốn được biết mùi con bướm. Dường như nó đẹp lắm chứ chẳng phải chơi đâu. Nếu không đó, thì đào đâu ra kẻ thăm viếng? Chàng sẽ ở xa, xa lắm. Còn những con thú vật to bự, thiếp chả sợ gì. Thiếp có móng nhọn của thiếp đó."
Và nường đã ngây thơ đưa ra bốn cái gai nhọn. Rồi nàng tiếp:
"Cũng đừng nấn ná lai rai nữa làm chi. Con đường thôn lắm. Ngày dài chi mô. Hồ đồ mở môi kề cà, là đáng bực lắm. Chàng đã quyết đi, thôi thì hãy đi cho trót."
Bởi vì nường không muốn chàng nhìn thấy nường khóc. Một cành hoa kiêu hãnh xiết bao...
X.
Chàng đã từng ở trong vùng những tiểu tinh cầu 325, 326, 327, 328, 329 và 330. Chàng bèn khởi sự thăm viếng chúng vậy, cốt để tìm một công việc giải sầu và cũng để học hỏi thêm.
Tinh cầu thứ nhất có một vì vua cư trú.
Vị vua nọ, vận xích bào và da lông chồn bạch, nghiễm nhiên chễm chệ trên một cái ngai vàng rất đơn sơ và rất trọng thể.
"A! Đây là một con dân, vị vua nọ thốt to lúc nhìn thấy thoáng hoàng tử bé."
Và hoàng tử bé tự nhủ:
"Làm sao ngài lại có thể nhận ra ta được, vì bấy nay có bao giờ ngài gặp gỡ ta đâu."
Chàng không rõ là: đối với vua chúa, thì thế gian được tài tình rút gọn một cách đơn giản lạ thường. Mọi người trong thế gian đều là con dân trăm họ của một đấng Con Trời.
"Lại gần đây cho trẫm xem rõ mày mặt", nhà vua bảo thế, vì ngài rất lấy làm hãnh diện được dịp đóng vai vua chúa với một con người, con kẻ, con dân.
Hoàng tử bé đưa mắt nhìn quanh kiếm một chỗ ngồi, nhưng tinh cầu này toàn thể bị ngổn ngang lấp phủ bởi cái áo bào lộng lẫy lông chồn quá ư đồ sộ bao la. Chàng đành đứng im và vì mỏi mệt quá, chàng ngáp dài.
"Triều nghi không cho phép thiên hạ đứng trước mặt một vì vua mà ngoác miệng ra ngáp. Trẫm cấm nhà ngươi cái sự vụ ngáp đó."
"Tôi không tự kiềm chế nỗi cái ngáp", hoàng tử bé đáp, và lóng cóng ngại ngùng khôn xiết. “Tôi đã trải một cuộc hành trình dằng dặc, và chưa có ngủ chút nào, nên thèm ngủ quá..."
"Thế thì", vua phán. "Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi hãy ngáp. Ngáp đi. Từ bao năm nay trẫm cũng chưa gặp cơ duyên run rủi có được một phen gió nhìn thần dân ngáp. Những cái ngáp, ngáp ngắn ngáp dài, đối với quả nhân là thứ của lạ. Nào! Ngáp đi. Ngáp nữa đi. Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngáp đó."
"Sự vụ này xui tôi lóng cóng ngẩn ngơ... tôi không còn có thể nữa..." hoàng tử bé lúng túng nói, đỏ mặt tía tai.
"Hừ! Hừ!" Vua đáp. "Thế thì... ta ra lệnh cho nhà ngươi lúc thì ngáp, lúc thì..."
Nhà vua cà lăm lặp cặp chút ít và có vẻ bực mình.
Bởi vì nhà vua chủ trương triệt để cốt yếu cái điều: uy quyền của mình phải được thiên hạ tôn trọng. Ngài không dung thứ sự nham nhở bất tuân. Còn ra thể thống gì nữa. Vua này là vua tuyệt đối chuyên chế chí tôn. Tuy nhiên vì ngài rất nhân hậu, nên ngài ban ra những mệnh lệnh hữu lý.
Ngài thường nói: “Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng lãnh phải biến thể ra làm hình hài con chim biển, và nếu vị tướng không tuân lệnh ta, thì lỗi không phải ở nơi vị tướng. Lỗi là ở ta vậy."
"Tôi được phép ngồi chăng?", hoàng tử bé e ấp thưa bẩm.
"Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngồi xuống", nhà vua đáp và long trọng kéo bớt một vạt áo lông chồn trắng lên.
Nhưng hoàng tử bé ngạc nhiên. Tinh cầu bé bỏng tí hon. Nhà vua trị vì trên cái gì mới được nhỉ?
"Tâu bệ hạ", chàng hỏi... "Xin bệ hạ mở lượng hải hà cho phép hạ thần nêu tiếng hỏi..."
"Ta ra lệnh cho nhà ngươi hãy hải hà nêu lên tiếng hỏi", nhà vua vội vã nói.
"Tâu bệ hạ... bệ hạ trị vì trên cái chi?"
"Trên tất cả", nhà vua đáp, "một cách thật đơn giản".
"Trên tất cả?"
Nhà vua làm một cử chỉ nhỏ, biểu thị tinh cầu mình, những tinh cầu khác và những ngàn sao.
"Trên tất cả những cái đó?", hoàng tử bé hỏi.
"Trên tất cả những cái đó...", nhà vua trả lời.
Bởi vì đây không chỉ là một nhà vua chuyên chế, mà còn là một vị chúa tối thượng chí cao trị vì trên càn khôn cùng vũ trụ suốt năm tháng thời gian chon von tuế nguyệt.
"Và ngàn sao tuân lệnh bệ hạ?"
"Tất nhiên", nhà vua đáp. "Chúng chúng ngàn sao lập tức tuân lệnh. Trẫm không dung tha sự vô kỷ luật."
Một quyền uy khôn xiết như vậy xui hoàng tử bé bàng hoàng kinh thán. Nếu xưa kia chàng mà nắm được quyền bính đó, ắt là chàng đã từng có thể chứng giám, không phải chỉ bốn mươi bốn, mà bảy mươi hai, hoặc tới cả trăm hoặc không chừng hai trăm cảnh trời lặn trong một ngày, mà chả cần chi phải xê dịch cái ghế đi nửa bước. Và vì chàng cảm thấy hơi buồn khi sực nhớ tới tinh cầu bé bỏng của mình bị bỏ rơi xa biệt, chàng đánh bạo thỉnh cầu vị chúa ban một hồng ân:
"Tôi muốn nhìn thấy một cảnh mặt trời lặn... Xin ngài vui lòng cho tôi được... Xin bệ hạ ra lệnh cho mặt trời hãy đi ngủ..."
"Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng phải bay từ một đóa hoa này sang đóa hoa kia theo điệu con bướm, hoặc phải viết một vở bi hùng kịch, hoặc biến dạng cho thành ra hình hài hải điểu, và nếu như vị tướng không thi hành mệnh lệnh, thì ai lả kẻ quấy, vị tướng nọ hay là trẫm này?"
"Hắn là bệ hạ quấy", hoàng tử cương quyết nói.
"Đúng. Phải yêu cầu nơi mỗi kẻ mỗi người cái gì mà người ấy có thể cho ra được. Uy quyền trước hết phải thiết lập trên cơ sở lý tính. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho con dân nhảy xuống biển, thì dân con sẽ nổi loạn làm cách mạng con dân, lật đổ nhà ngươi nhào xuống khỏi ngai vàng chín bệ. Ta có quyền đòi hỏi sự tuân lệnh, bởi vì những mệnh lệnh ta ban ra đều hợp lý."
"Vậy thì cảnh mặt trời lặn của tôi?" Hoàng tử bé nhắc trở lại, vì chàng chẳng bao giờ quên một câu hỏi nào, một khi chàng đã nêu nó ra.
"Cảnh mặt trời lặn của ngươi, ngươi sẽ có nó. Ta sẽ đòi hỏi điều đó cho ngươi. Nhưng thể theo thuật cầm quyền, ta sẽ chờ cho tới lúc những điều kiện thuận lợi đầy đủ đi về."
"Lúc nào thì tới lúc?"
"Hừ! Hừ!" nhà vua đáp, sau khi tra xét một cuốn lịch bự, hừ hừ, "vào khoảng... vào khoảng bảy giờ bốn mươi chiều nay! Và nhà ngươi sẽ có dịp nhìn thấy rõ mệnh lệnh ta được tuân theo một cách nghiêm mật khôn hàn."
Hoàng tử bé lại ngáp. Chàng tiếc rẻ cơn tịch dương xí hụt của mình. Và chàng cũng đã thấy chán ngán buồn tình chút ít:
"Tôi chả còn biết lưu lại đây nữa để làm gì, chàng nói với vị vua. Tôi sắp xin đi!"
"Đừng đi, nhà vua đáp", nhà vua vốn rất lấy làm hãnh diện được có một con dân. "Đừng đi, trẫm sắp ban chức thượng thơ cho ngươi đó!"
"Thượng thơ bộ gì?"
"Bộ... tư pháp!"
"Nhưng có ai đâu để mà xét xử!"
"Nào đã biết đâu, nhà vua bảo. Trẫm chưa ngự giá tuần du khắp vương quốc. Trẫm đã già lắm rồi, và xứ sở cũng không có đủ chỗ để mà đặt một cỗ xe ngựa, còn đi bộ thì gân xương ta lỏng lẻo chịu sao nổi."
"Ồ! Nhưng tôi đã nhìn thấy", hoàng tử bé nói khi nghiêng mình nhìn thêm một trận nữa về mặt bên kia tinh cầu. "Bên kia cũng chẳng có một ai..."
"Nếu vậy nhà ngươi hãy tự mình xét xử mình vậy, nhà vua đáp. Đó là điều khó nhất. Tự xét xử mình, còn khó khăn gấp mấy xét xử kẻ khác. Nếu nhà ngươi mà tự xét xử mình được công minh, nhà ngươi quả nhiên là một bậc hiền thánh đích nhiên thượng thừa hy hữu vậy."
"Tôi", hoàng tử bé đáp, "tôi có thể tự mình xét xử mình bất cứ ở nơi chốn nào. Hà tất phải ở lại đây. Ích chi mô."
"Hừ, hừ!" nhà vua nói, "ta tưởng rằng đâu đó trên tinh cầu này có một con chuột cống già. Đêm đêm ta nghe nó rục rịch kêu rêu heo hút. Nhà ngươi sẽ thỉnh thoảng lên án nó từng trận trận mà chơi. Và như vậy, số kiếp nó sẽ tùy thuộc nơi quyền tài phán công minh tối thượng của nhà ngươi. Nhưng cứ mỗi một phen ngươi lại xá miễn cho nó, là cốt để dành dụm con chuột lại cho còn đó mãi mãi về sau. Suốt xứ, chỉ có một nó duy nhất mà thôi."
"Tôi", hoàng tử bé đáp, "tôi không thích lên án tử hình ai cả, và tôi tưởng mình sắp xin ra đi."
"Không", nhà vua bảo.
Nhưng hoàng tử bé, soạn sửa chỉnh bị đã xong, không có ý muốn làm phiền lòng vị chúa già.
"Nếu bệ hạ muốn được hạ thần tuân mệnh một cách thật tinh tế dòn dã, thì bệ hạ có thể thử ra một cái lệnh hợp lý xem sao. Chả hạn, bệ hạ có thử ra lệnh cho hạ thần ra đi gấp bây giờ. Dường như tình thế đã tới chỗ rất mực thuận lợi rồi..."
Thấy nhà vua không đáp, hoàng từ ban đầu có ý ngần ngừ đôi chút, rồi thở dài một tiếng, đứng dậy cất bước.
"Trẫm ban cho khanh chức đại sứ của trẫm đó", nhà vua vội vã kêu to một lời như thế.
Trông ngài có vẻ uy nghiêm tối thượng.
"Những người lớn quả thật là kỳ dị", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng, suốt trên lộ trình dằng dặc.
XI.
Tinh cầu thứ nhì có một kẻ cư trú, tính tình thích khoe khoang:
"A! A! Hôm nay là ngày kẻ thán phục mình tới viếng mình kia đó!", gã khoe khoang kêu to một tiếng như vậy lúc vừa chớm chợt thấy thoáng hoàng tử bé ở xa xa.
Bởi vì đối tượng những kẻ khoe khoang thì thiên hạ gồm toàn những kẻ thán phục mình.
"Xin chào", hoàng tử bé nói. "Ngài có một cái mũ đội trên đầu trông ngộ nghĩnh kỳ cục lai rai, ron ren dấm dớ thật."
"Đó là để chào nhau đó", kẻ khoe khoang trả lời. "Đó là để chào đáp nhau lúc thiên hạ tung hô ca ngợi mình. Khổ thay, chốn này chả bao giờ có một ai bén mảng tới."
"À! Thế nào ư ra thế"? Hoàng tử bé nói và chưa hiểu ý ra làm sao.
"Hãy vỗ hai bàn tay vào nhau cho lốp đốp đi", kẻ khoe khoang khuyên bảo như vậy.
Hoàng tử bé vỗ hai bàn tay vào nhau lốp đốp. Gã khoe khoang bèn từ tốn ôn tồn khiêm nhượng nâng mũ lên một cách yểu điệu dập dìu.
"Cái vụ này coi a có mòi thú vị đây, có mòi rỡn vui du hý hơn cái vụ viếng ông vua bữa trước", hoàng tử bé tự nhủ ở trong cái cõi lòng hí hửng hân hoan của mình. Và chàng ta lại tiếp tục khởi trận điệp điệp vỗ hai bàn tay vào nhau nghe ra càng tươi vui lốp đốp. Gã khoe khoang lại điệp điệp đáp điệu chào bằng cách dìu dặt nâng lại lại lên lên...
Sau năm phút luyện tập thao diễn đón đưa đú đởn, hoàng tử bé thấy ngán ngẩm mệt mỏi cho cái trò rỡn chơi đơn điệu quá độ đùa dai này:
"Còn như muốn cho cái mũ nó rơi xuống một trận, thì phải làm sao", hoàng tử bé hỏi.
Nhưng gã khoe khoang không nghe gì ra gì trong cái câu hỏi đó. Bọn khoe khoang chỉ già mồm già mũi, nên tai mắt thì bao giờ cũng chỉ có nghe ra duy cái tiếng tung hô tụng niệm ngợi ca thôi.
"Có thật chăng, có thật chăng là nhà ngươi thán phục ngợi ca ta?", gã hỏi hoàng tử bé một câu như thế.
"Sao gọi là thán phục ngợi ca?"
"Thán phục ngợi ca à? Ấy có nghĩa là du dương nhìn nhận rằng là ta đây đúng là con người đẹp nhất, ăn vận bảnh bao nhất, thắt ca vát xum xuê nhất, giàu sang phú hậu nhất trên nền, tài danh phong nhã nhất trên bậc, từ vào trong cho chí ra ngoài, tràn lan khắp phong cảnh của tinh cầu tư lự, thông minh nết đất, văn chương tính trời."
"Nhưng ngài có một mình ngài trên cái tinh cầu của ngài mà!"
"Vẫn xin ngươi hãy làm hài lòng ta đi chứ. Sao thì sao, mặc. Cứ vẫn chúc tụng ngợi ca đi!"
"Ta chúc tụng ngợi ca nhà ngươi đó nhé, hoàng tử bé nói, và hơi nhún đôi vai một tí, nhưng mà làm thế có gì đâu mà ngươi lấy làm hí hửng hân hoan lưu tâm vào nhiều chi quá vậy?"
Và hoàng tử bé quay lưng, trở gót chân đi.
"Những người lớn quả thật là kỳ cục", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng mình một câu như vậy, trên suốt lộ trình trong trận viễn du.
XII.
Tinh cầu tiếp theo có cư trú một chàng ăn nhậu. Cuộc viếng thăm này rất vắn vủn, nhưng lại xui hoàng tử bé triền miên tư lự u sầu:
"Ngài làm chi đó?" Chàng bảo ông nhậu, lúc nhìn thấy ông ta lặng lẽ ngồi lì bên một mớ con-lét-xon tụ đủ những be sành, bầu sỏi, bình son đã can rượu nằm ngồi bê bết ngổn ngang bên một lô con-lét-xon những chai đầy ăm ắp đứng.
"Ta nhậu nhậu ta", ông nhậu đáp vậy, với giọng ưu phiền, não dạ thảm đạm làm sao.
"Tại sao ngài nhậu?", hoàng tử bé hỏi.
"Ta nhậu để ta quên", ông nhậu đáp.
"Để quên cái chi?", hoàng tử bé hỏi, lòng đã thấy ái ngại cho ông.
"Để nhâm nhi quên đi cái niềm thị phi xấu hổ", ông nhậu đáp và cúi gầm cái đầu tư lự xuống.
"Xấu hổ cái chi?" hoàng tử bé hỏi, lòng đã thấy có ý muốn giúp đỡ giùm ông ta một cái.
"Xấu hổ cái nhậu!", ông nhậu kết thúc một cách bất khả vãn hồi trong lặng lẽ vậy quanh.
Và hoàng tử bé quay gót chân đi, hoang mang khôn xiết.
"Những người lớn quả thật sao mà kỳ cục thế", chàng tự nhủ trong lòng trên suốt lộ trình viễn du trong cuộc.
XIII.
Tinh cầu thứ tư có cư trú một ông làm ắp phe. Ông này lăng xăng bận rộn đến nỗi không buồn ngẩng đầu lên lúc hoàng tử bé tới.
"Xin chào", hoàng tử bé nói. "Điếu thuốc của ngài đã tắt cái đầu lửa".
"Ba và hai là năm. Năm và bảy là mười hai. Mười hai và ba, mười lăm. Xin chào. Mười lăm và bảy, hai mươi hai. Hai mươi hai và sáu, hai mươi tám. Hai mươi sáu và năm, ba mươi mốt. Húp! Thế là ra năm trăm một triệu sáu trăm hai mươi hai ngàn bảy trăm ba mươi mốt."
"Năm trăm triệu cái chi?"
"Hử? mày vẫn đứng đó? Năm trăm một triệu cái... cái chi tao cũng chẳng biết nữa... cái chi tao quên mất rồi... Tao bận công việc quá xá đi mà! Tao nghiêm trọng đứng đắn lắm, tao đây, tao không có lai rai đâu mà rỡn đùa với những vụ nhâm nhi nhảm nhí! Hai và năm là bảy..."
"Năm trăm một triệu cái chi", hoàng tử bé hỏi trở lại, vì chàng vốn chẳng bao giờ chịu rút lui một câu hỏi, một khi đã mở miệng nêu nó ra rồi.
Người ắp phe ngẩng đầu:
"Từ năm mươi bốn năm ta sống tại cái tinh cầu này, ta chỉ bị quấy nhiễu ba bận mà thôi. Bận thứ nhất đó là cách đây hai mươi hai năm, bởi một con bọ rầy chẳng biết từ đâu rớt tới một hột. Nó gây nên một tiếng ầm kinh khiếp, làm cho ta tính lộn bốn chỗ trong một bài toán cộng. Lần thứ nhì đó là cách đây mười một năm, bởi một trận đau xương trở lên chứng. Ta không thì giờ thể dục. Ta không thì giờ dạo quanh. Ta không lai rai, ta đứng đắn trang nghiêm. Lần thứ ba... là đây! Vậy là khi nãy ta đã tính tới con số năm trăm một triệu..."
"Triệu cái chi?"
Ông ắp phe biết rằng khôn nỗi hy vọng yên bình được.
"Triệu những cái thứ nhỏ nhít mà đôi khi thiên hạ thấy ra ở trên trời."
"Những con ruồi?"
"Không, không phải, những cái vật vàng óng làm cho những đứa lười biếng nó mơ mộng đăm chiêu ở bên thân mình của phố thị. Chúng nó mang cái dạ bần thần lếu láo đìu hiu cầu nguyện bước lan đi... Nhưng ta đây, ta nghiêm trang đứng đắn, ta! Ta không thì giờ đâu mà mộng mị chiêu đăm."
"A! những ngôi sao?"
"Phải, phải đó. Những ngôi sao."
"Và ngài đem ra làm cái chi với năm trăm triệu ngôi sao đó?"
"Năm trăm một triệu sáu trăm hai mươi ngàn bảy trăm ba mươi mốt. Ta đứng đắn nghiêm trang, ta đưa ra con số chắc chắn, rõ rệt, chính xác."
"Và ngài đem ra làm cái chi với những ngôi sao đó?"
"Làm cái chi với những ngôi sao?"
"Vâng."
"Không đem làm cái chi cả. Ta sở hữu chúng."
"Ông sở hữu những ngôi sao?"
"Ừ. Những ngôi sao nằm trong vòng cõi sở hữu của ta."
"Nhưng tôi vốn có biết một ông vua..."
"Những ông vua không có sở hữu một cái chi hết cả. Ông vua là ông “trị vì" trên. Hoàn toàn khác biệt."
"Và ông sở hữu những ngôi sao, sự đó không dùng vào được sự gì ráo?"
"Dùng vào sự mua lấy những ngôi sao khác, nếu thảng hoặc có kẻ tìm kiếm được đâu ra."
"Cái ông này", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng, "cái ông này lý luận có bề hơi giống một người sau rượu."
Tuy nhiên chàng còn chất vấn thêm:
"Làm sao mà người ta có thể sở hữu được những ngôi sao?"
"Ngôi sao, chúng là của ai?" Ông ắp phe cằn nhằn hỏi giật trở lại một cái.
"Tôi chả biết. Chúng chả là của ai cả."
"Vậy thì rõ ràng chúng là của ta vậy, bởi vì ta là kẻ đầu tiên đệ nhất đã nghĩ tới chúng trước tiên."
"Chừng đó đã đủ?"
"Tất nhiên. Khi mày tìm thấy một viên kim cương không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một hòn đảo không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một con vịt không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một ý tưởng đười ươi trước tiên, thì mày đem cấp phát văn bằng dược khoa cho nó: nó là của mày. Còn ta, ta sở hữu những ngôi sao, bởi vì chưa bao giờ có kẻ nào trước ta đã nghĩ tới cái sự chiếm hữu chúng nó cả."
"Cái đó quả đúng như vậy. Nhưng ngài đem chúng dùng làm cái chi?"
"Ta quản lý chúng. Ta đếm đi đếm lại chúng. Ta đếm tới đếm lui chúng. Cái đó khó nhọc lắm. Nhưng ta vốn xưa kia tới bây giờ mới thấy đây là một người nghiêm trang đứng đắn!"
Hoàng tử bé vẫn còn chưa thấy thỏa mãn trong lòng.
"Tôi, nếu tôi có một cái khăn quàng cổ, thì tôi có thể đem quấn nó quanh cổ và mang nó đi. Tôi, nếu có một đóa hoa, thì tôi có thể ngắt đóa hoa của tôi, và mang nó đi. Nhưng ông, thì ông không thể hái ngắt được những đóa ngôi sao đâu! Xin đi lạc lối thanh hà. Xin đi sai điệu cung hà thanh đi."
"Vâng, nhưng ta có thể đem gửi chúng nó cho nhà băng."
"Thế có nghĩa là thế nào?"
"Thế có nghĩa là ta viết ra trên một mặt giấy nhỏ tổng số những ngôi sao của ta. Rồi thì ta đem tấm giấy nọ mà khóa kỹ vào trong một cái ngăn tủ."
"Rồi thôi?"
"Rồi thôi. Chừng đó đã đủ vậy!"
Ngộ nghĩnh thật, hoàng tử bé tự nhủ. Cũng là khá thơ mộng đó. Nhưng coi có mòi không được đứng đắn mấy chút cho lắm.
Hoàng tử bé có những ý tưởng rất khác ý tưởng những người lớn về những sự vật đứng đắn.
"Tôi", chàng bảo, tôi có một đóa hoa tôi tưới nước hằng ngày. "Tôi có ba hỏa sơn tôi nạo than khói hàng tuần. Vì tôi cũng nạo gọt cho những hỏa sơn đã tắt. Ai biết đâu. Ai đâu ngờ được hết. Đó là cần ích cho những hỏa sơn của tôi, và cần ích cho đóa hoa của tôi, mà tôi sở hữu. Nhưng còn ông, ông chả có ích lợi chi cho những ngôi sao cả..."
Ông ắp phe mở miệng, nhưng chẳng tìm ra một lời nào để đáp, và hoàng tử bé trở gót chân đi.
"Những người lớn quả thật là hoàn toàn kỳ lạ", chàng tự nhủ một cách đơn sơ như thế suốt trên cuộc viễn du...
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973.
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
VIII.
Tôi đã sớm biết rõ đóa hoa kia. Từ xưa, trên hành tinh của hoàng tử bé, luôn luôn có những cành hoa rất đơn sơ, điểm trang bằng một hàng cánh hoa thưa thớt, không choán chỗ gì nhiều, không làm phiền rộn ai. Các đóa hoa hiển hiện một sớm mai trên đồng cỏ, rồi tàn rụng lúc chiều hôm. Nhưng còn đóa hoa riêng biệt nọ đã nảy mầm một ngày kia, do một chủng tử chẳng rõ từ đâu tới, và hoàng tử bé đã từng chăm sóc thiết thân cái ngọn lá kia, trông không giống chút nào những ngọn lá khác. Đó có thể là một loại cẩm quỳ mới. Nhưng mà cành cây nhỏ sớm dừng phát triển, và khởi sự soạn sửa cho nảy nở một đóa hoa. Hoàng tử bé chứng giám cuộc hình thành một búp hoa đồ sộ, đã linh cảm chắc chắn rằng một sự hiển hiện huyền ảo sẽ xảy tới, nhưng đóa hoa vẫn không ngừng soạn sửa cho càng thêm kiều diễm, mỗi mỗi ngày cư trú êm đềm trong căn phòng xanh lục. Nường chọn lựa kỹ lưỡng màu sắc cho mình. Nường vận xiêm y một cách thật thong dong chậm rãi, nường sửa sang, xếp đặt từng mỗi mỗi cánh hoa của mình. Nường không muốn xuất hiện tả tơi nhàu nát như những cành mỹ nhân thảo, hoặc những đóa hoa anh túc. Nường chỉ muốn xuất hiện trong vẻ sáng ngời lộng lẫy mở phơi của dung nhan kiều lệ. Ê, vâng ạ. Nường rất ưa làm duyên! Xiêm y huyền bí của nường như vật lạ hằng hằng soạn sửa từng ngày, từng tuần, từng cữ... Và thế đó một sáng mai kia, chính lúc vừng hồng trỗi dậy, nường đã lồ lộ hiện thân thập thành tráng lệ.
Nường, nường đã chăm nom chỉnh bị xiết bao tỷ mỷ chú tâm nường lại giả vờ ngáp dài một cái, và dã dượi bảo rằng:
"A! thiếp mới chớm trở giấc. Xin chàng thứ lỗi. Đầu tóc của thiếp tóc còn xổ bung rối bù."
Hoàng tử bé bấy giờ không kìm hãm nỗi lòng lâng lâng thán phục:
"Sao mà nường đẹp thế!"
"Phải chăng? Thật chăng? Chàng hãy nhớ rằng thiếp sinh ra đời song song với vừng dương đó ạ..."
Hoàng tử bé cũng đoán biết là nường ta chẳng phải nhũn nhặn khiêm nhượng gì cho lắm, nhưng sao mà nàng xui lòng cảm động đến thế!
"Có lẽ đã tới giờ điểm tâm, nàng nói tiếp, chàng có chút độ lượng bao dung nào đối với thiếp thì, xin hãy..."
Và hoàng tử bé ngượng ngùng đầy mặt, đã chạy đi tìm chiếc thùng tưới đầy ắp nước trong veo phơi phới mang về phục vụ đóa hoa.
Thế đó, nường đã sắp khiến chàng chịu bao cơn loay hoay bối rối, ấy cũng bởi cái thói ưa làm đỏm khoe khoang pha chút hoài nghi e e ngại ngại. Chả hạn một ngày kia nói tới bốn cái gai nhọn của nường, nường đã bảo:
"Chúng có thể tới lắm, những con cọp với những vuốt nanh nhọn nanh nhe của chúng!"
"Trên tinh cầu của tôi không có cọp đâu, hoàng từ bé đáp, vả chăng cọp không có ăn cỏ."
"Thiếp không phải là một lá cỏ", đóa hoa đã dịu dàng đáp.
"Xin lỗi nường..."
"Thiếp chẳng sợ gì cọp, chỉ duy có ghê sợ những trận gió lò mà thôi. Chắc đâu rằng chàng có một tấm bình phong che gió?"
"Ghê sợ gió lò... thật chả hay ho gì, đối với một ngành thảo một, hoàng tử bé nhận xét như vậy. Đóa hoa này coi có bộ ưa sinh chuyện phiền phức đa đoan lắm lắm..."
"Chiều hôm sương xuống chàng hãy đặt thiếp trong bầu tròn. Nơi nhà chàng rét buốt lắm. Chẳng đặt định đúng hướng gì lắm đó. Nơi quê tôi..."
Nhưng nàng chợt ngừng môi. Nàng đã về đây trong hình hài hạt giống. Nường biết đâu vào đâu mà nói tới những cõi miền xa lạ. Ngượng nghịu xấu hổ vì bị bắt quả tang sắp giở trò bố láo một cách khờ khạo vụng về, nường đã ho ho hai ba tiếng hắc hắc, cố tình đẩy hoàng tử vào cõi lầm lỗi cho mới cam tâm:
"Tấm bình phong kia?..."
"Tôi sắp đi tìm đó mà, sao mà nường lắm lời thế!"
Thế là nường lại húng hắng ho thêm, cũng là cố tình khiến chàng phải ân hận thì lòng nàng mới cam!
Thế đó, hoàng tử bé mặc dù rất chí ý trong tình yêu dấu, cũng đành phải cảm thấy nghi hoặc cái cô nàng đa đoan. Chàng đã coi trọng những lời chẳng hệ trọng gì, và chàng trở nên khốn khổ vô cùng.
"Đáng lẽ ra thì tôi chả nên nghe cô ta làm chi, hoàng tử bảo tôi một bận như thế, chả bao giờ nên nghe đóa hoa nó nói. Chỉ nên nhìn hoa và hít mùi hương của hoa thôi. Đóa hoa của tôi tỏa thơm cho tinh cầu tôi, thế mà tôi không biết thỏa lòng chừng đó. Câu chuyện những móng vuốt nhọn của con hùm đã làm tôi phát cáu, đáng lẽ phải khiến tôi cảm động mới là đúng."
Chú bé còn thổ lộ thêm:
"Tôi chẳng biết gì ra gì gì cả. Đáng lẽ tôi nên xét đoán theo những lời nàng nói ra. Nàng làm thơm tôi và soi sáng cho tôi. Đáng lẽ tôi chẳng nên bỏ đi trốn. Đáng lẽ tôi phải đoán thấy tình ý yêu dấu của nàng ở phía sau những mánh khóe lai rai kia mới phải. Hoa mang mâu thuẫn nhiều lắm ở trong mình! Nhưng xưa kia tôi còn nhỏ quá, đâu có biết cách thương yêu đúng lối."
IX.
Tôi tưởng chừng chàng đã nhân một đoàn chim di thê mà thoát vòng thao túng của cô nàng. Buổi sáng lần ra đi, chàng đã xếp đặt tinh cầu gọn ghẽ. Chàng đã nạo kỹ những ngọn hỏa sơn đương thời kỳ nổi trận làm mưa làm gió. Chàng có được hai hỏa sơn náo động. Và kể thật là tiện lợi cho việc nấu nướng bữa điểm tâm. Chàng cũng có được một hỏa sơn đã tắt. Nhưng theo lối của chàng, “Ai biết đâu ra đâu", vậy là chàng nạo kỹ luôn cả hỏa sơn đã tắt. Nếu được nạo kỹ, thì những hỏa sơn cháy đều đặn êm đềm, không có sôi trào cuồng bạo. Hỏa sơn phun lửa cũng như ống khói nhả khói. Cố nhiên trên địa cầu chúng ta, chúng ta quá nhỏ nhoi, thì cái việc nạo hỏa sơn là không thể được rồi. Do đó mà hỏa sơn gây cho chúng ta lắm điều phiền não.
Hoàng tử bé cũng nhổ kỹ những gốc cẩm quỳ còn sót, với một chút ưu sầu. Chàng đã tưởng sẽ rằng bao giờ trở lại. Nhưng mọi công việc thông thường này, buổi mai đó dường như êm dịu vô biên đối với chàng. Và khi chàng tưới nước lần cuối cho đóa hoa, và sắp sửa đặt nàng yên trú trong bầu tròn thì chợt chàng cảm thấy lòng nao nao muốn khóc.
"Vĩnh biệt nhé", chàng bảo hoa.
Nàng không đáp.
"Vĩnh biệt nhé", chàng lập lại.
Nường ho ho vài tiếng. Nhưng không phải vì chứng cảm hàn.
"Thiếp đã ngu dại lắm, cuối cùng nường nói thế. Thiếp xin lỗi chàng. Chàng hãy gắng mà vui."
Chàng ngạc nhiên không thấy nàng thốt lời nào oán trách cả. Chàng đờ đẫn đứng im, tay cầm cái bầu tròn chới với trong khoảng không. Chàng không hiểu nỗi niềm dịu dàng thân thiết ấy của đóa hoa.
"Nhưng thật đó, thiếp yêu chàng, hoa bảo vậy. Chàng chả có ngờ ra cái gì hết, đó là lỗi tại thiếp. Cũng chẳng có chi hệ trọng. Nhưng chàng cũng khờ dại y như thiếp đó thôi. Chàng gắng mà sống cho vui đi... Để yên cái bầu tròn nằm đó. Thiếp chả cần tới nó nữa."
"Nhưng còn cơn gió..."
"Thiếp đâu có cảm hàn gì nhiều đến thế... Gió thổi chiều hôm mát mẻ rất tốt đối với cơ thể thiếp. Thiếp là một cành hoa."
"Nhưng còn những con thú vật..."
"Thiếp cũng phải liều liệu mà chịu kham một vài con sâu bọ chứ, nếu muốn được biết mùi con bướm. Dường như nó đẹp lắm chứ chẳng phải chơi đâu. Nếu không đó, thì đào đâu ra kẻ thăm viếng? Chàng sẽ ở xa, xa lắm. Còn những con thú vật to bự, thiếp chả sợ gì. Thiếp có móng nhọn của thiếp đó."
Và nường đã ngây thơ đưa ra bốn cái gai nhọn. Rồi nàng tiếp:
"Cũng đừng nấn ná lai rai nữa làm chi. Con đường thôn lắm. Ngày dài chi mô. Hồ đồ mở môi kề cà, là đáng bực lắm. Chàng đã quyết đi, thôi thì hãy đi cho trót."
Bởi vì nường không muốn chàng nhìn thấy nường khóc. Một cành hoa kiêu hãnh xiết bao...
X.
Chàng đã từng ở trong vùng những tiểu tinh cầu 325, 326, 327, 328, 329 và 330. Chàng bèn khởi sự thăm viếng chúng vậy, cốt để tìm một công việc giải sầu và cũng để học hỏi thêm.
Tinh cầu thứ nhất có một vì vua cư trú.
Vị vua nọ, vận xích bào và da lông chồn bạch, nghiễm nhiên chễm chệ trên một cái ngai vàng rất đơn sơ và rất trọng thể.
"A! Đây là một con dân, vị vua nọ thốt to lúc nhìn thấy thoáng hoàng tử bé."
Và hoàng tử bé tự nhủ:
"Làm sao ngài lại có thể nhận ra ta được, vì bấy nay có bao giờ ngài gặp gỡ ta đâu."
Chàng không rõ là: đối với vua chúa, thì thế gian được tài tình rút gọn một cách đơn giản lạ thường. Mọi người trong thế gian đều là con dân trăm họ của một đấng Con Trời.
"Lại gần đây cho trẫm xem rõ mày mặt", nhà vua bảo thế, vì ngài rất lấy làm hãnh diện được dịp đóng vai vua chúa với một con người, con kẻ, con dân.
Hoàng tử bé đưa mắt nhìn quanh kiếm một chỗ ngồi, nhưng tinh cầu này toàn thể bị ngổn ngang lấp phủ bởi cái áo bào lộng lẫy lông chồn quá ư đồ sộ bao la. Chàng đành đứng im và vì mỏi mệt quá, chàng ngáp dài.
"Triều nghi không cho phép thiên hạ đứng trước mặt một vì vua mà ngoác miệng ra ngáp. Trẫm cấm nhà ngươi cái sự vụ ngáp đó."
"Tôi không tự kiềm chế nỗi cái ngáp", hoàng tử bé đáp, và lóng cóng ngại ngùng khôn xiết. “Tôi đã trải một cuộc hành trình dằng dặc, và chưa có ngủ chút nào, nên thèm ngủ quá..."
"Thế thì", vua phán. "Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi hãy ngáp. Ngáp đi. Từ bao năm nay trẫm cũng chưa gặp cơ duyên run rủi có được một phen gió nhìn thần dân ngáp. Những cái ngáp, ngáp ngắn ngáp dài, đối với quả nhân là thứ của lạ. Nào! Ngáp đi. Ngáp nữa đi. Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngáp đó."
"Sự vụ này xui tôi lóng cóng ngẩn ngơ... tôi không còn có thể nữa..." hoàng tử bé lúng túng nói, đỏ mặt tía tai.
"Hừ! Hừ!" Vua đáp. "Thế thì... ta ra lệnh cho nhà ngươi lúc thì ngáp, lúc thì..."
Nhà vua cà lăm lặp cặp chút ít và có vẻ bực mình.
Bởi vì nhà vua chủ trương triệt để cốt yếu cái điều: uy quyền của mình phải được thiên hạ tôn trọng. Ngài không dung thứ sự nham nhở bất tuân. Còn ra thể thống gì nữa. Vua này là vua tuyệt đối chuyên chế chí tôn. Tuy nhiên vì ngài rất nhân hậu, nên ngài ban ra những mệnh lệnh hữu lý.
Ngài thường nói: “Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng lãnh phải biến thể ra làm hình hài con chim biển, và nếu vị tướng không tuân lệnh ta, thì lỗi không phải ở nơi vị tướng. Lỗi là ở ta vậy."
"Tôi được phép ngồi chăng?", hoàng tử bé e ấp thưa bẩm.
"Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngồi xuống", nhà vua đáp và long trọng kéo bớt một vạt áo lông chồn trắng lên.
Nhưng hoàng tử bé ngạc nhiên. Tinh cầu bé bỏng tí hon. Nhà vua trị vì trên cái gì mới được nhỉ?
"Tâu bệ hạ", chàng hỏi... "Xin bệ hạ mở lượng hải hà cho phép hạ thần nêu tiếng hỏi..."
"Ta ra lệnh cho nhà ngươi hãy hải hà nêu lên tiếng hỏi", nhà vua vội vã nói.
"Tâu bệ hạ... bệ hạ trị vì trên cái chi?"
"Trên tất cả", nhà vua đáp, "một cách thật đơn giản".
"Trên tất cả?"
Nhà vua làm một cử chỉ nhỏ, biểu thị tinh cầu mình, những tinh cầu khác và những ngàn sao.
"Trên tất cả những cái đó?", hoàng tử bé hỏi.
"Trên tất cả những cái đó...", nhà vua trả lời.
Bởi vì đây không chỉ là một nhà vua chuyên chế, mà còn là một vị chúa tối thượng chí cao trị vì trên càn khôn cùng vũ trụ suốt năm tháng thời gian chon von tuế nguyệt.
"Và ngàn sao tuân lệnh bệ hạ?"
"Tất nhiên", nhà vua đáp. "Chúng chúng ngàn sao lập tức tuân lệnh. Trẫm không dung tha sự vô kỷ luật."
Một quyền uy khôn xiết như vậy xui hoàng tử bé bàng hoàng kinh thán. Nếu xưa kia chàng mà nắm được quyền bính đó, ắt là chàng đã từng có thể chứng giám, không phải chỉ bốn mươi bốn, mà bảy mươi hai, hoặc tới cả trăm hoặc không chừng hai trăm cảnh trời lặn trong một ngày, mà chả cần chi phải xê dịch cái ghế đi nửa bước. Và vì chàng cảm thấy hơi buồn khi sực nhớ tới tinh cầu bé bỏng của mình bị bỏ rơi xa biệt, chàng đánh bạo thỉnh cầu vị chúa ban một hồng ân:
"Tôi muốn nhìn thấy một cảnh mặt trời lặn... Xin ngài vui lòng cho tôi được... Xin bệ hạ ra lệnh cho mặt trời hãy đi ngủ..."
"Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng phải bay từ một đóa hoa này sang đóa hoa kia theo điệu con bướm, hoặc phải viết một vở bi hùng kịch, hoặc biến dạng cho thành ra hình hài hải điểu, và nếu như vị tướng không thi hành mệnh lệnh, thì ai lả kẻ quấy, vị tướng nọ hay là trẫm này?"
"Hắn là bệ hạ quấy", hoàng tử cương quyết nói.
"Đúng. Phải yêu cầu nơi mỗi kẻ mỗi người cái gì mà người ấy có thể cho ra được. Uy quyền trước hết phải thiết lập trên cơ sở lý tính. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho con dân nhảy xuống biển, thì dân con sẽ nổi loạn làm cách mạng con dân, lật đổ nhà ngươi nhào xuống khỏi ngai vàng chín bệ. Ta có quyền đòi hỏi sự tuân lệnh, bởi vì những mệnh lệnh ta ban ra đều hợp lý."
"Vậy thì cảnh mặt trời lặn của tôi?" Hoàng tử bé nhắc trở lại, vì chàng chẳng bao giờ quên một câu hỏi nào, một khi chàng đã nêu nó ra.
"Cảnh mặt trời lặn của ngươi, ngươi sẽ có nó. Ta sẽ đòi hỏi điều đó cho ngươi. Nhưng thể theo thuật cầm quyền, ta sẽ chờ cho tới lúc những điều kiện thuận lợi đầy đủ đi về."
"Lúc nào thì tới lúc?"
"Hừ! Hừ!" nhà vua đáp, sau khi tra xét một cuốn lịch bự, hừ hừ, "vào khoảng... vào khoảng bảy giờ bốn mươi chiều nay! Và nhà ngươi sẽ có dịp nhìn thấy rõ mệnh lệnh ta được tuân theo một cách nghiêm mật khôn hàn."
Hoàng tử bé lại ngáp. Chàng tiếc rẻ cơn tịch dương xí hụt của mình. Và chàng cũng đã thấy chán ngán buồn tình chút ít:
"Tôi chả còn biết lưu lại đây nữa để làm gì, chàng nói với vị vua. Tôi sắp xin đi!"
"Đừng đi, nhà vua đáp", nhà vua vốn rất lấy làm hãnh diện được có một con dân. "Đừng đi, trẫm sắp ban chức thượng thơ cho ngươi đó!"
"Thượng thơ bộ gì?"
"Bộ... tư pháp!"
"Nhưng có ai đâu để mà xét xử!"
"Nào đã biết đâu, nhà vua bảo. Trẫm chưa ngự giá tuần du khắp vương quốc. Trẫm đã già lắm rồi, và xứ sở cũng không có đủ chỗ để mà đặt một cỗ xe ngựa, còn đi bộ thì gân xương ta lỏng lẻo chịu sao nổi."
"Ồ! Nhưng tôi đã nhìn thấy", hoàng tử bé nói khi nghiêng mình nhìn thêm một trận nữa về mặt bên kia tinh cầu. "Bên kia cũng chẳng có một ai..."
"Nếu vậy nhà ngươi hãy tự mình xét xử mình vậy, nhà vua đáp. Đó là điều khó nhất. Tự xét xử mình, còn khó khăn gấp mấy xét xử kẻ khác. Nếu nhà ngươi mà tự xét xử mình được công minh, nhà ngươi quả nhiên là một bậc hiền thánh đích nhiên thượng thừa hy hữu vậy."
"Tôi", hoàng tử bé đáp, "tôi có thể tự mình xét xử mình bất cứ ở nơi chốn nào. Hà tất phải ở lại đây. Ích chi mô."
"Hừ, hừ!" nhà vua nói, "ta tưởng rằng đâu đó trên tinh cầu này có một con chuột cống già. Đêm đêm ta nghe nó rục rịch kêu rêu heo hút. Nhà ngươi sẽ thỉnh thoảng lên án nó từng trận trận mà chơi. Và như vậy, số kiếp nó sẽ tùy thuộc nơi quyền tài phán công minh tối thượng của nhà ngươi. Nhưng cứ mỗi một phen ngươi lại xá miễn cho nó, là cốt để dành dụm con chuột lại cho còn đó mãi mãi về sau. Suốt xứ, chỉ có một nó duy nhất mà thôi."
"Tôi", hoàng tử bé đáp, "tôi không thích lên án tử hình ai cả, và tôi tưởng mình sắp xin ra đi."
"Không", nhà vua bảo.
Nhưng hoàng tử bé, soạn sửa chỉnh bị đã xong, không có ý muốn làm phiền lòng vị chúa già.
"Nếu bệ hạ muốn được hạ thần tuân mệnh một cách thật tinh tế dòn dã, thì bệ hạ có thể thử ra một cái lệnh hợp lý xem sao. Chả hạn, bệ hạ có thử ra lệnh cho hạ thần ra đi gấp bây giờ. Dường như tình thế đã tới chỗ rất mực thuận lợi rồi..."
Thấy nhà vua không đáp, hoàng từ ban đầu có ý ngần ngừ đôi chút, rồi thở dài một tiếng, đứng dậy cất bước.
"Trẫm ban cho khanh chức đại sứ của trẫm đó", nhà vua vội vã kêu to một lời như thế.
Trông ngài có vẻ uy nghiêm tối thượng.
"Những người lớn quả thật là kỳ dị", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng, suốt trên lộ trình dằng dặc.
XI.
Tinh cầu thứ nhì có một kẻ cư trú, tính tình thích khoe khoang:
"A! A! Hôm nay là ngày kẻ thán phục mình tới viếng mình kia đó!", gã khoe khoang kêu to một tiếng như vậy lúc vừa chớm chợt thấy thoáng hoàng tử bé ở xa xa.
Bởi vì đối tượng những kẻ khoe khoang thì thiên hạ gồm toàn những kẻ thán phục mình.
"Xin chào", hoàng tử bé nói. "Ngài có một cái mũ đội trên đầu trông ngộ nghĩnh kỳ cục lai rai, ron ren dấm dớ thật."
"Đó là để chào nhau đó", kẻ khoe khoang trả lời. "Đó là để chào đáp nhau lúc thiên hạ tung hô ca ngợi mình. Khổ thay, chốn này chả bao giờ có một ai bén mảng tới."
"À! Thế nào ư ra thế"? Hoàng tử bé nói và chưa hiểu ý ra làm sao.
"Hãy vỗ hai bàn tay vào nhau cho lốp đốp đi", kẻ khoe khoang khuyên bảo như vậy.
Hoàng tử bé vỗ hai bàn tay vào nhau lốp đốp. Gã khoe khoang bèn từ tốn ôn tồn khiêm nhượng nâng mũ lên một cách yểu điệu dập dìu.
"Cái vụ này coi a có mòi thú vị đây, có mòi rỡn vui du hý hơn cái vụ viếng ông vua bữa trước", hoàng tử bé tự nhủ ở trong cái cõi lòng hí hửng hân hoan của mình. Và chàng ta lại tiếp tục khởi trận điệp điệp vỗ hai bàn tay vào nhau nghe ra càng tươi vui lốp đốp. Gã khoe khoang lại điệp điệp đáp điệu chào bằng cách dìu dặt nâng lại lại lên lên...
Sau năm phút luyện tập thao diễn đón đưa đú đởn, hoàng tử bé thấy ngán ngẩm mệt mỏi cho cái trò rỡn chơi đơn điệu quá độ đùa dai này:
"Còn như muốn cho cái mũ nó rơi xuống một trận, thì phải làm sao", hoàng tử bé hỏi.
Nhưng gã khoe khoang không nghe gì ra gì trong cái câu hỏi đó. Bọn khoe khoang chỉ già mồm già mũi, nên tai mắt thì bao giờ cũng chỉ có nghe ra duy cái tiếng tung hô tụng niệm ngợi ca thôi.
"Có thật chăng, có thật chăng là nhà ngươi thán phục ngợi ca ta?", gã hỏi hoàng tử bé một câu như thế.
"Sao gọi là thán phục ngợi ca?"
"Thán phục ngợi ca à? Ấy có nghĩa là du dương nhìn nhận rằng là ta đây đúng là con người đẹp nhất, ăn vận bảnh bao nhất, thắt ca vát xum xuê nhất, giàu sang phú hậu nhất trên nền, tài danh phong nhã nhất trên bậc, từ vào trong cho chí ra ngoài, tràn lan khắp phong cảnh của tinh cầu tư lự, thông minh nết đất, văn chương tính trời."
"Nhưng ngài có một mình ngài trên cái tinh cầu của ngài mà!"
"Vẫn xin ngươi hãy làm hài lòng ta đi chứ. Sao thì sao, mặc. Cứ vẫn chúc tụng ngợi ca đi!"
"Ta chúc tụng ngợi ca nhà ngươi đó nhé, hoàng tử bé nói, và hơi nhún đôi vai một tí, nhưng mà làm thế có gì đâu mà ngươi lấy làm hí hửng hân hoan lưu tâm vào nhiều chi quá vậy?"
Và hoàng tử bé quay lưng, trở gót chân đi.
"Những người lớn quả thật là kỳ cục", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng mình một câu như vậy, trên suốt lộ trình trong trận viễn du.
XII.
Tinh cầu tiếp theo có cư trú một chàng ăn nhậu. Cuộc viếng thăm này rất vắn vủn, nhưng lại xui hoàng tử bé triền miên tư lự u sầu:
"Ngài làm chi đó?" Chàng bảo ông nhậu, lúc nhìn thấy ông ta lặng lẽ ngồi lì bên một mớ con-lét-xon tụ đủ những be sành, bầu sỏi, bình son đã can rượu nằm ngồi bê bết ngổn ngang bên một lô con-lét-xon những chai đầy ăm ắp đứng.
"Ta nhậu nhậu ta", ông nhậu đáp vậy, với giọng ưu phiền, não dạ thảm đạm làm sao.
"Tại sao ngài nhậu?", hoàng tử bé hỏi.
"Ta nhậu để ta quên", ông nhậu đáp.
"Để quên cái chi?", hoàng tử bé hỏi, lòng đã thấy ái ngại cho ông.
"Để nhâm nhi quên đi cái niềm thị phi xấu hổ", ông nhậu đáp và cúi gầm cái đầu tư lự xuống.
"Xấu hổ cái chi?" hoàng tử bé hỏi, lòng đã thấy có ý muốn giúp đỡ giùm ông ta một cái.
"Xấu hổ cái nhậu!", ông nhậu kết thúc một cách bất khả vãn hồi trong lặng lẽ vậy quanh.
Và hoàng tử bé quay gót chân đi, hoang mang khôn xiết.
"Những người lớn quả thật sao mà kỳ cục thế", chàng tự nhủ trong lòng trên suốt lộ trình viễn du trong cuộc.
XIII.
Tinh cầu thứ tư có cư trú một ông làm ắp phe. Ông này lăng xăng bận rộn đến nỗi không buồn ngẩng đầu lên lúc hoàng tử bé tới.
"Xin chào", hoàng tử bé nói. "Điếu thuốc của ngài đã tắt cái đầu lửa".
"Ba và hai là năm. Năm và bảy là mười hai. Mười hai và ba, mười lăm. Xin chào. Mười lăm và bảy, hai mươi hai. Hai mươi hai và sáu, hai mươi tám. Hai mươi sáu và năm, ba mươi mốt. Húp! Thế là ra năm trăm một triệu sáu trăm hai mươi hai ngàn bảy trăm ba mươi mốt."
"Năm trăm triệu cái chi?"
"Hử? mày vẫn đứng đó? Năm trăm một triệu cái... cái chi tao cũng chẳng biết nữa... cái chi tao quên mất rồi... Tao bận công việc quá xá đi mà! Tao nghiêm trọng đứng đắn lắm, tao đây, tao không có lai rai đâu mà rỡn đùa với những vụ nhâm nhi nhảm nhí! Hai và năm là bảy..."
"Năm trăm một triệu cái chi", hoàng tử bé hỏi trở lại, vì chàng vốn chẳng bao giờ chịu rút lui một câu hỏi, một khi đã mở miệng nêu nó ra rồi.
Người ắp phe ngẩng đầu:
"Từ năm mươi bốn năm ta sống tại cái tinh cầu này, ta chỉ bị quấy nhiễu ba bận mà thôi. Bận thứ nhất đó là cách đây hai mươi hai năm, bởi một con bọ rầy chẳng biết từ đâu rớt tới một hột. Nó gây nên một tiếng ầm kinh khiếp, làm cho ta tính lộn bốn chỗ trong một bài toán cộng. Lần thứ nhì đó là cách đây mười một năm, bởi một trận đau xương trở lên chứng. Ta không thì giờ thể dục. Ta không thì giờ dạo quanh. Ta không lai rai, ta đứng đắn trang nghiêm. Lần thứ ba... là đây! Vậy là khi nãy ta đã tính tới con số năm trăm một triệu..."
"Triệu cái chi?"
Ông ắp phe biết rằng khôn nỗi hy vọng yên bình được.
"Triệu những cái thứ nhỏ nhít mà đôi khi thiên hạ thấy ra ở trên trời."
"Những con ruồi?"
"Không, không phải, những cái vật vàng óng làm cho những đứa lười biếng nó mơ mộng đăm chiêu ở bên thân mình của phố thị. Chúng nó mang cái dạ bần thần lếu láo đìu hiu cầu nguyện bước lan đi... Nhưng ta đây, ta nghiêm trang đứng đắn, ta! Ta không thì giờ đâu mà mộng mị chiêu đăm."
"A! những ngôi sao?"
"Phải, phải đó. Những ngôi sao."
"Và ngài đem ra làm cái chi với năm trăm triệu ngôi sao đó?"
"Năm trăm một triệu sáu trăm hai mươi ngàn bảy trăm ba mươi mốt. Ta đứng đắn nghiêm trang, ta đưa ra con số chắc chắn, rõ rệt, chính xác."
"Và ngài đem ra làm cái chi với những ngôi sao đó?"
"Làm cái chi với những ngôi sao?"
"Vâng."
"Không đem làm cái chi cả. Ta sở hữu chúng."
"Ông sở hữu những ngôi sao?"
"Ừ. Những ngôi sao nằm trong vòng cõi sở hữu của ta."
"Nhưng tôi vốn có biết một ông vua..."
"Những ông vua không có sở hữu một cái chi hết cả. Ông vua là ông “trị vì" trên. Hoàn toàn khác biệt."
"Và ông sở hữu những ngôi sao, sự đó không dùng vào được sự gì ráo?"
"Dùng vào sự mua lấy những ngôi sao khác, nếu thảng hoặc có kẻ tìm kiếm được đâu ra."
"Cái ông này", hoàng tử bé tự nhủ trong lòng, "cái ông này lý luận có bề hơi giống một người sau rượu."
Tuy nhiên chàng còn chất vấn thêm:
"Làm sao mà người ta có thể sở hữu được những ngôi sao?"
"Ngôi sao, chúng là của ai?" Ông ắp phe cằn nhằn hỏi giật trở lại một cái.
"Tôi chả biết. Chúng chả là của ai cả."
"Vậy thì rõ ràng chúng là của ta vậy, bởi vì ta là kẻ đầu tiên đệ nhất đã nghĩ tới chúng trước tiên."
"Chừng đó đã đủ?"
"Tất nhiên. Khi mày tìm thấy một viên kim cương không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một hòn đảo không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một con vịt không của ai cả, thì nó là của mày. Khi mày tìm thấy một ý tưởng đười ươi trước tiên, thì mày đem cấp phát văn bằng dược khoa cho nó: nó là của mày. Còn ta, ta sở hữu những ngôi sao, bởi vì chưa bao giờ có kẻ nào trước ta đã nghĩ tới cái sự chiếm hữu chúng nó cả."
"Cái đó quả đúng như vậy. Nhưng ngài đem chúng dùng làm cái chi?"
"Ta quản lý chúng. Ta đếm đi đếm lại chúng. Ta đếm tới đếm lui chúng. Cái đó khó nhọc lắm. Nhưng ta vốn xưa kia tới bây giờ mới thấy đây là một người nghiêm trang đứng đắn!"
Hoàng tử bé vẫn còn chưa thấy thỏa mãn trong lòng.
"Tôi, nếu tôi có một cái khăn quàng cổ, thì tôi có thể đem quấn nó quanh cổ và mang nó đi. Tôi, nếu có một đóa hoa, thì tôi có thể ngắt đóa hoa của tôi, và mang nó đi. Nhưng ông, thì ông không thể hái ngắt được những đóa ngôi sao đâu! Xin đi lạc lối thanh hà. Xin đi sai điệu cung hà thanh đi."
"Vâng, nhưng ta có thể đem gửi chúng nó cho nhà băng."
"Thế có nghĩa là thế nào?"
"Thế có nghĩa là ta viết ra trên một mặt giấy nhỏ tổng số những ngôi sao của ta. Rồi thì ta đem tấm giấy nọ mà khóa kỹ vào trong một cái ngăn tủ."
"Rồi thôi?"
"Rồi thôi. Chừng đó đã đủ vậy!"
Ngộ nghĩnh thật, hoàng tử bé tự nhủ. Cũng là khá thơ mộng đó. Nhưng coi có mòi không được đứng đắn mấy chút cho lắm.
Hoàng tử bé có những ý tưởng rất khác ý tưởng những người lớn về những sự vật đứng đắn.
"Tôi", chàng bảo, tôi có một đóa hoa tôi tưới nước hằng ngày. "Tôi có ba hỏa sơn tôi nạo than khói hàng tuần. Vì tôi cũng nạo gọt cho những hỏa sơn đã tắt. Ai biết đâu. Ai đâu ngờ được hết. Đó là cần ích cho những hỏa sơn của tôi, và cần ích cho đóa hoa của tôi, mà tôi sở hữu. Nhưng còn ông, ông chả có ích lợi chi cho những ngôi sao cả..."
Ông ắp phe mở miệng, nhưng chẳng tìm ra một lời nào để đáp, và hoàng tử bé trở gót chân đi.
"Những người lớn quả thật là hoàn toàn kỳ lạ", chàng tự nhủ một cách đơn sơ như thế suốt trên cuộc viễn du...
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973.
Saint-Exupéry - Hoàng tử bé (1)
Saint-Exupéry
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
Gửi Léon Werth
Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở nước Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng:
Gửi Léon Werth
Thuở ông ta còn là bé con
I.
Thuở lên sáu, một lần nọ tôi thấy một bức tranh lộng lẫy, trong một cuốn sách viết về rừng thẳm nhan đề Sự tích đã sống. Bức tranh đó họa một con trăn đương nuốt con mãnh thú. Trên đây là bản đồ mô phỏng bức họa kia.
Trong cuốn sách người ta nói: “Giống trăn nuốt toàn thể con mồi không nhai nghiền gì cả. Rồi sau đó, giống trăn không còn có thể rục rịch nữa, nên nằm ngủ ròng rã suốt sáu tháng trời là thời gian tiêu hóa".
Từ đó, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những trận lưu ly mạo hiểm của rừng sâu và, tới phen mình, tôi cũng đã dùng một cây bút chì màu mà vẽ nên bức họa đầu tiên. Bức họa số 1. Nó như thế này:
Tôi có đưa cho những người lớn xem kiệt tác của mình, và hỏi họ có kinh khiếp trước bức họa kia không.
Họ đáp: “Làm sao một cái mũ lại có thể xui người ta kinh khiếp?"
Bức họa của tôi không thể hiện một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đương nằm tiêu hóa một con voi. Tôi bèn vẽ phía trong của cái bụng con trăn, cốt là để cho người lớn dễ lĩnh hội. Người lớn bao giờ cũng cần có những sự giảng giải thì họ mới hiểu. Bức họa thứ hai của tôi nó như thế này:
Những người lớn đã khuyên tôi nên gác lại một bên những thứ họa trăn, trăn mở bụng hoặc trăn khép bao tử, và hãy nên chuyên tâm vào bài học địa dư, sử ký, tính toán và văn phạm. Thế là thuở lên sáu, tôi đã đành bỏ dở một tiền đồ sự nghiệp họa sĩ huy hoàng. Tôi đã chán nản vì sự thất bại của bức họa số 1 và bức họa số 2. Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là điều mệt nhọc vô cùng.
Thế là tôi đành phải chọn một nghề khác, và tôi đã học lái máy bay. Tôi đã bay lăng quăng khắp chốn trên địa cầu. Và quả thật, môn địa dư đã có giúp ích tôi nhiều. Tôi chỉ cần thoáng nhìn qua một cái, là nhận ra được đất Trung Hoa từ quận Arizona. Sự đó rất cần ích, nếu ta lạc nẻo giữa ban đêm.
Và như thế, trong đời tôi, tôi đã từng tiếp xúc hàng đống bự, với hàng khối bự những nhân vật bảnh bao. Tôi đã từng sống nhiều ngày nơi nhà những người tai to mặt lớn. Tôi nhìn họ ở sát nhãn quan mình. Và điều đó chả có canh cải ý kiến của tôi được chi mấy chút.
Lúc nào tôi gặp một kẻ nào trong bọn họ, xem ra có vẻ sáng suốt một tí, thì tôi lại thử làm cuộc thí nghiệm về họ với bức họa số 1 của mình mà tôi vẫn còn giữ luôn luôn. Tôi muốn rõ xem họ có thật quả là sáng ý hay không. Hay vẫn tối dạ như lẽ hằng. Nhưng luôn luôn họ bảo tôi: “Đấy là một cái mũ". Vậy thì tôi chẳng nói gì nữa với họ, chẳng nói gì về giống trăn, về rừng hoang, rú thẳm, chẳng nói gì về những ngôi sao trên trời. Tôi hạ mình xuống cho ngang tầm khả năng của họ. Tôi nói về cách đánh bài, đánh cầu, về chính trị và về ca vát, những lối thắt “nơ". Và người lớn đã rất hài lòng được quen biết một con người sao mà lịch thiệp thấu lẽ thị phi đến thế.
II.
Thế là tôi đã sống cô đơn vậy đó, không ai để chuyện trò thật sự, cho tới ngày phi cơ hỏng máy rơi tòm giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Một cái trục, một cái chốt nào đã gãy lìa trong máy. Và vì lúc lên phi cơ không có đem theo thợ máy, cũng không chở hành khách, tôi phải một mình lo toan cuộc chữa chạy hì hục khó khăn. Một vấn đề sống chết. Tôi chỉ còn đủ nước để dùng giỏi lắm là trong tám ngày thôi.
Đêm đầu, tôi đành phải nằm ngủ trên cát ở ngàn ngàn dặm để cách biệt với mọi miền có người ta cư trú. Tôi đã chịu biệt lập còn hơn một kẻ đắm tàu, bó gối ngồi trên chiếc bè giữa sóng gió đại dương. Thì hẳn bạn cũng hình dung ra cơn ngạc nhiên của tôi, lúc bình mình đến, chợt một giọng nói nhỏ lớ ngớ kỳ lạ bỗng đánh thức tôi dậy:
"Nếu vui lòng... hãy vẽ cho tôi một con cừu!"
"Hả!"
"Vẽ cho tôi một con cừu..."
Tôi nhảy nhổm dậy một cái trên hai chân như bị sấm sét đập vào lưng. Tôi giụi tay lên hai mắt. Tôi mở to mắt ra nhìn. Và tôi thấy một chú chàng tí hon rất mực kỳ lạ đương chằm chặp trầm trọng nhìn tôi. Đây là bức chân dung khá nhất về chú bé mà sau này tôi đã gắng thực hiện được. Nhưng cố nhiên, bức tranh của tôi, đẹp là thế đó, vẫn còn thua xa dáng dấp tuyệt vời của chú bé. Đó chẳng phải lỗi tại tôi. Từ lâu, từ thuở mới lên sáu, tôi đã quá nản lòng trong nghề nghiệp hội họa bởi tại những người lớn, và nào tôi có học vẽ được cái gì đâu, ngoài những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử.
Thế là tôi chằm chặp nhìn sự đột hiện huyền ảo nọ, nhìn với hai con mắt tròn xoe kinh ngạc. Đừng quên rằng lúc đó, tôi hiện đương ở cách xa những miền cư trú của con người, xa đến ngàn ngàn dặm đất. Thế mà chú bé tí hon của tôi lại chẳng có vẻ gì lạc lối, chẳng có vẻ gì là mỏi mệt, hoặc chết đói, hoặc chết khát, hoặc chết vì kinh hoàng. Chú bé chẳng có vẻ gì một đứa trẻ lạc lỏng giữa sa mạc, ở cách cõi sống của con người ngàn ngàn dặm đất. Cho tới lúc tôi gắng gỗ thốt được lời ra tiếng, thì tôi bảo:
"Nhưng... nhưng mà chú bé làm cái gì tại đây vậy?"
Và chú bé dịu dàng lặp lại lời cũ, như dường coi đó là một sự vụ rất trang trọng:
"Nếu ông vui lòng... xin vẽ cho tôi một con cừu..."
Khi sự huyền bí nó quá mức kích động thì người ta không dám bất tuân. Dẫu sự vụ kia xảy ra có vẻ phi lý bao nhiêu đi nữa ở cách xa ngàn dặm mọi chốn cư trú của con người và đứng trước hiểm họa thập tử nhất sinh, tôi vẫn rút trong túi ra một tờ giấy và một cây bút máy. Nhưng tôi chợt nhớ ra là mình vốn nghiên cứu nhiều nhất là môn địa dư, sử ký toán tính, và văn phạm, và tôi bảo với chú bé (với một chút bực dọc) rằng tôi đâu có biết vẽ. Chú đáp:
"Không hề gì. Vẽ cho tôi một con cừu đi".
Vì tôi vốn từ xưa chẳng bao giờ có vẽ một con cừu, nên tôi đành vẽ lại cho chú một trong hai cái loại tranh trong vòng khả năng của tôi. Đó là bức tranh con trăn khép bụng. Và tôi đờ đẫn kinh ngạc khi nghe chú bé tí hon đáp:
"Không! không! Tôi không muốn, tôi không thích cái con voi trong bụng cái con trăn. Một con trăn, thật là nguy hiểm, và một con voi, thì thật là lịch kịch rầy rà. Quê tôi thì bé tí. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho một con cừu đi."
Và tôi đã vẽ.
Chú bé chăm chú nhìn, rồi nói:
"Không! Con này coi đã ốm yếu quá. Vẽ một con khác đi."
Tôi vẽ.
Người bạn nhỏ mỉm cười một cách thật dễ thương, với giọng bao dung:
"Bác thấy đó... đó không phải là một con cừu, đó là một con dê đực, nó có hai cái sừng..."
Vậy là tôi phải vẽ trở lại.
Nhưng bức này cũng bị từ khước, như mấy bức trước:
"Con này coi già nua cọm rọm quá. Tôi muốn một con cừu sống sao cho thật lâu."
Vậy là tôi mất kiên nhẫn, vì bận lo khởi sự vội vã tháo máy ra xem, tôi nguệch ngoạc vẽ bừa bức tranh sau đây.
Tôi văng ra một lời:
"Đó, đó là cái thùng. Con cừu chú muốn, nó nằm ở trong ấy."
Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao khi nhìn thấy gương mặt chú “quan tòa" nhỏ dại bỗng rạng ngời ra:
"Thật đúng y như hệt! Đó là cái tôi muốn đó! Bác nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu nó ăn?"
"Vì sao hỏi vậy?"
"Vì quê tôi, thật bé tí..."
"Không hề gì. Vẫn đủ được lắm, chắc chắn vậy. Tôi cho chú một con cừu thật bé tí đó mà."
Chú nghiêng đầu lên bức tranh:
"Không thật bé tí lắm đâu... Coi kìa! Nó đã ngủ rồi."
Và như vậy đó, tôi đã làm quen với hoàng tử bé.
III.
Phải một thời gian lâu tôi mới rõ chú bé từ đâu lại. Hoàng tử tí hon, vốn chất vấn tôi rất nhiều, lại chẳng bao giờ có vẻ nghe những câu tôi hỏi. Chỉ nhân những tiếng thốt tình cờ, những lời nói ngẫu nhiên, mà dần dà tôi rõ được hết mọi sự. Chả hạn như khi chú bé nhìn thấy phi cơ của tôi lần đầu tiên (tôi sẽ không vẽ phi cơ tôi, đó là bức tranh quá phiền phức đối với tôi) chú hỏi:
"Cái đó là cái vật chi thế?"
"Đó không phải là cái vật. Đó biết bay. Đó là phi cơ. Đó là phi cơ của tôi đấy."
Và tôi rất hãnh diện lúc cho chú bé biết rằng tôi là phi công bay. Chú thốt lớn:
"Sao! bác từ trên trời rớt xuống!"
"Vâng", tôi nhũn nhặn đáp.
"A! đó là cái lạ..."
Và hoàng tử bé cười rộ một cái thật tươi xinh, làm tôi phát cáu. Tôi muốn rằng thiên hạ phải coi trầm trọng những hoạn nạn của tôi. Rồi chú hoàng bé nói tiếp:
"Thế thì té ra bác cũng rớt từ trên trời xuống! Bác ở tinh cầu nào?"
Tôi chợt thoáng nhận thấy một tia mờ, lóe ra giữa huyền bí của sự hiện diện hoàng tử, và tôi đột ngột hỏi:
"Chú bé cũng từ một tinh cầu khác mà tới đây?"
Nhưng chú bé không đáp. Chú ngẩng đầu dịu dàng một cái, vẫn nhìn phi cơ tôi:
"Thật thì nằm ở trong đó, bác chẳng có thể nào tới đây từ một cõi xa xôi gì cho lắm..."
Và chú bé chìm vào trong một cơn mơ kéo dài dậm duộc. Rồi rút trong túi ra con cừu của tôi, chú triền miên ngắm nghía kho tàng mình.
Bạn cũng hình dung được là tôi đã xiết bao khích động hiếu kỳ bởi chút thổ lộ nửa vời về “những tinh cầu khác" nọ. Tôi gắng tìm cách hiểu thêm:
"Này chú bé ơi, chú từ đâu tới ? Đâu là cái chốn “quê của chú" ? Chú định mang con cừu tôi đi đâu?"
Sau một lúc trầm ngâm lặng lẽ, chú đáp:
"Cái tốt ấy là, với cái thùng bác cho tôi thì ban đêm, nó là cái nhà cho con cừu nó ngủ."
"Hẳn là vậy. Và nếu mà chú ngoan, thì tôi sẽ cho thêm chú một sợi giây nữa để cột con cừu lại ban ngày, và cho một cái cọc nữa."
Lời đề nghị này dường như làm phật ý chú bé:
"Cột con cừu lại? Cái ý gì kỳ cục vậy!"
"Nhưng nếu chú không cột nó lại, nó sẽ chạy quàng, nó sẽ lạc lối đi..."
Người bạn nhỏ của tôi lại một phen cười rộ:
"Nhưng bác sợ nó chạy lạc đi đâu mới được chớ!"
"Bất cứ đâu đâu. Thẳng tới trước mặt..."
Bấy giờ hoàng tử bé mới trang nghiêm nhận định:
"Cái đó không hề gì, quê tôi nhỏ chút xíu đó mà."
Rồi với một chút sầu tư, có lẽ, chú tiếp:
"Thẳng tới trước mặt, người ta đâu có thể đi xa chi mấy đâu..."
IV.
Và như vậy, tôi lại được một phen nữa biết được một sự vụ tối quan hệ: ấy là tinh cầu quê quán của chú bé, giỏi cho lắm thì cũng lớn hơn cái nhà một chút xíu thôi!
Điều đó cũng chẳng thể nào làm tôi ngạc nhiên chi lắm. Tôi biết rõ là ngoài những tinh cầu to bự như Trái Đất, như Jupiter, Mars, Vénus, được thiên hạ đặt tên tuổi cho, còn hàng trăm những tinh cầu khác, lắm khi nhỏ quá đến nỗi người ta khó nhọc lắm mới nhìn thấy sơ bóng dáng qua ống kính viễn vọng. Khi một nhà thiên văn học khám phá ra một trong những tiểu tinh cầu đó, thì ông cho nó một con số gọi là của tin canh thiếp làm ghi. Ông gọi nó chả hạn: “tiểu tinh cầu 325".
Tôi có nhiều lý lẽ chắc chắn để tin rằng cái tinh cầu của hoàng tử từ đó về đây là tiểu tinh cầu B 612. Tiểu tinh cầu nọ chỉ một lần được thấy bóng phía sau ống viễn vọng vào năm 1909, bởi một nhà thiên văn học người Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông ta đã từng mở một cuộc chứng minh đồ sộ về sự khám phá của mình tại một đại hội quốc tế thiên văn (Thiên văn quốc tế hội nghị). Nhưng thuở đó không ai tin lời ông cả. Vì lối y phục luộm thuộm của ông ta. Những người lớn, họ là như vậy đó.
May thay cho tăm tiếng của tiểu tinh cầu B 612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành đạo luật cho toàn dân phải ăn vận theo lối sành điệu Âu Châu, nếu bất tuân phải chịu tử hình.
Nhà thiên văn học nọ đến năm 1920, đã tái khai cuộc chứng minh một trận nữa, lần này ông chỉnh tế ngăn nắp trong một bộ y phục rất mực bảnh bao nhẵn nhụi. Và lần này mọi người thiên hạ cùng tán đồng nấc nở ý kiến của ông.
Nếu tôi kể lại cho bạn nghe những chi tiết này về tiểu tinh cầu B 612, và nếu tôi ký thác cho bạn cái số hiệu của nó, ấy chỉ bởi tại những người lớn. Những người lớn, họ ưa thích những con số. Khi anh nói với họ về một người bạn mới, họ chẳng bao giờ hỏi anh về cái cốt yếu. Họ chẳng bao giờ hỏi: “Giọng nói của anh ta nghe ra thế nào? Anh ta yêu chuộng trò chơi gì? Anh ta có thích sưu tập chuồn chuồn bươm bướm chăng?" Họ lại hỏi: “Y bao nhiêu tuổi? Tứ tuần? Anh em, tớ thầy của y, lao xao sau trước là bao nhiêu? Y cân nặng mấy trăm ký lô? Thân phụ của y lĩnh lương hằng tháng là bao nhiêu thế?" Và chỉ từ đó trở đi thôi, họ mới tin rằng mình biết gã nọ. Nếu anh nói với những người lớn: “Tôi có một ngôi nhà kiều diễm xây bằng gạch hồng thắm, với những chậu hoa phong lữ thảo ở bệ cửa sổ, và những cặp bồ câu đậu ở mái nhà..." họ sẽ không thể nào hình dung ra được cái nhà của anh. Phải bảo họ rằng: “Tôi có thấy một ngôi nhà trị giá một trăm nghìn phật lăng." Thì khi đó họ sẽ thốt to: “Ồ! Sao mà xinh thế nhỉ."
Vậy đó, nếu anh bảo: “Bằng chứng hoàng tử quả có thật ở trong đời, ấy là chú rất quyến rũ dễ yêu, chú cười, chú muốn một con cừu. Một phen người ta muốn một con cừu, thì đó là một phen có đủ bằng chứng là người ta hiện hữu", thì những người lớn sẽ nhún vai và coi anh là con nít! Nhưng nếu anh bảo: “Tinh cầu từ đó hoàng tử tới đây là tiểu tinh cầu B 612" thì khi đó họ sẽ tâm đầu ý hiệp với anh ngay, siết tay du khoái hả hê ngay, gọi rằng tâm phúc tương cờ ngay, và để yên cho anh túc mục an lành với bao câu hỏi họ lăng xăng ngay. Họ là như vậy đó. Cũng chẳng nên hờn giận họ làm chi. Con trẻ phải nên rất mực độ lượng với những người lớn.
Nhưng cố nhiên, chúng ta là kẻ am hiểu sự đời, chúng ta cứ mà tha hồ cợt cười những con số! Tôi còn muốn khởi đầu câu chuyện này theo điệu mở đầu chuyện thiên thần tiên nữ nữa là khác. Tôi còn ắt muốn nói:
“Thuở xưa kia từng đã một lần hoàng tử bé con, bé nhỏ, đã từng phen lưu trú tại một tinh cầu chơi với bé bỏng, bé tí, có lớn hơn tí chút hoàng tử mà thôi, và hoàng tử đã từng có thiết tha mong chờ một người bạn thiết..." Đối với những ai am hiểu cõi đời tồn sinh mát mẻ, thì đó thật quả ắt có vẻ xác thực chân chính hơn nhiều.
Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách tôi theo lối phiêu hốt lai rai. Tôi cảm thấy xiết bao sầu não khi kể những kỷ niệm này. Đã sáu năm tròn rồi, người bạn bé nhỏ của tôi đã từ biệt ra đi với con cừu của tôi. Nếu tôi gắng thử miêu tả lại chàng, ấy cũng là cốt để đừng quên nhau. Buồn xiết bao nếu phải quên một người bạn thiết. Đâu có phải ai ai trong thiên hạ cũng đã có một người bạn thiết. Và chính tôi, tôi cũng có thể từ sớm sang chiều, trở thành giống như những người lớn chỉ biết lưu tâm ý tới những con số mà thôi. Chính cũng vì đó mà tôi đã mua một hộp màu và bút chì vậy. Thật khổ nhọc xiết bao, cái việc khởi đầu trở lại vẽ hình, họa bóng, vào cái tuổi của tôi khi mà người ta từ bấy tới nay nào có bao giờ biết mưu đồ gì khác ngoài cái sự rắp ranh vẽ một con trăn khép bụng và một con trăn mở lòng, vào lúc lên sáu! Tất nhiên, tôi sẽ gắng thử họa những chân dung giống được chừng nào hay chừng đó. Nhưng tôi không hoàn toàn chắc dạ là mình sẽ thành công. Một tấm vẽ đi qua, hỏng rồi, một tấm khác không còn giống như hình được nữa. Một dư ảnh gái đã lạc gót sen hương, một dư huệ về sau không níu giữ trong ngón tay sầu xe chỉ nữa. Về tầm vóc hình dài, tôi cũng nhầm lẫn chút ít. Đây, hoàng tử quá to. Kia, hoàng tử quá bé. Tôi cũng ngại ngùng trước màu sắc y phục của em. Vậy nên chi tôi quờ quạng loăng quoăng thế này, thế nọ, thế đó, thế kia, được cũng tốt, không được cũng cam. Rồi nữa, tôi cũng sẽ còn lầm lẫn về đôi chi tiết quan trọng hơn. Nhưng cái đó, chỉ xin người hãy phải nên tha thứ. Người bạn thiết của tôi chẳng bao giờ ban cho tôi một lời giải thích. “C’est les vipères!". Rồi thôi. Tôi bước bên đường kêu gọi mãi. Nhớ người bạn cũ thuở anh niên. Nhưng bặt âm. Người bạn chắc có lẽ đã tưởng rằng tôi giống bạn. Nhưng khổ thay, tôi chẳng biết làm thế nào nhìn thấy cho ra những con cừu ở bên kia những thùng chứa. Có lẽ tôi cũng là có phần nào giống như những người lớn. Có lẽ tôi là kẻ đã phải về già.
V.
Mỗi ngày, tôi biết thêm chút ít về tinh cầu, về ly biệt, về viễn du. Cái đó tới rất dịu dàng, tùy cơn ngẫu nhĩ ưu tư. Vậy đó, ngày thứ ba, tôi được biết tấn bi kịch của những cây cẩm quỳ.
Lần này nữa cũng là nhờ con cừu, vì chứng đột ngột hoàng tử bé hỏi tôi, dường như chàng đang chịu một cơn nghi hoặc trầm trọng:
"Thật vậy chăng ru, rằng những con cừu ăn cây cối nhỏ?"
"Vâng. Chính thật là vậy."
"A! Tôi hài lòng lắm."
Tôi chẳng rõ vì sao cái việc cừu ăn cây cối nhỏ lại là việc trọng đại. Nhưng hoàng tử nhỏ tiếp:
"Vậy thì hẳn nhiên là cừu cũng ăn cây cẩm quỳ?"
Tôi bèn nói cho hoàng tử hiểu rằng cẩm quỳ không phải là loại cây cối nhỏ, mà thuộc loại cây to bự như những ngôi nhà thờ, và cho dẫu chàng có lôi theo với mình một bầy voi đồ sộ, cũng hồ dễ mà làm nao núng được mỗi một cây cẩm quỳ khổng lồ đơn độc đó thôi.
Ý tưởng một bầy voi lớn rộng xui hoàng tử cười to:
"Vậy phải sắp đặt con voi này nằm chồng chất trên lưng con voi khác..."
Nhưng rồi hoàng tử lại thâm thúy nhận xét thêm:
"Những cây cẩm quỳ, trước khi lớn rộng, thì cũng phải khởi đầu bằng hình thù thân thể nhỏ nhoi."
"Đúng vậy! Nhưng tại sao chú muốn rằng những con cừu của chú phải ăn cây cẩm quỳ?"
Chú đáp: “Hi! Khéo hỏi!" như chừng đó là một chuyện cố kỳ nhiên. Tôi phải gắng gỗ kịch liệt cho thông minh nảy nở ra mới tự mình tìm hiểu được một mình vấn đề nọ.
Thật vậy, trên tinh cầu của hoàng tử bé, cũng như trên mọi tinh cầu, có những cỏ lành, và những cỏ dữ. Do đó, có những hạt giống lành của cỏ lành, và những hạt giống dữ của cỏ dữ. Nhưng hạt giống thì nhỏ, nên mắt không nhìn ra. Chúng nằm ngủ yên trong thớ đất u huyền cho tới lúc cao hứng ùa về với một hạt nào trong lũ hạt nọ, và cao hứng hạt nọ đột khỏi cơn thức giấc bò ra. Thế là hột nọ duỗi thân một cái, và thoạt tiên e ấp nảy mầm, hướng tới ánh nắng mà ngoi đầu lên cho dài ra thành một đọt cỏ non bé bỏng diễm kiều vô hại thơ ngây như hồn tuyết bạch gái. Nếu là một ngọn lá cải củ, hoặc tường vi, thì thiên hạ có thể để mặc tình tha hồ nó mọc. Nhưng nếu là một ngọn cỏ dữ, thì phải liệu mà rứt nhổ nó đi liền liền, khi người ta nhận ra nó là bê bối. Mà trên tinh cầu của hoàng tử bé thì có những hạt giống kinh khủng... ấy là những chủng tử cẩm quỳ. Đất đai tinh cầu bị nhiễm độc bởi những phôi châu ác liệt nọ. Mà một cây cẩm quỳ, nếu người ta đối phó muộn màng một chút, thôi thì không còn mong chi trừ khử nó được nữa. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ đâm rễ nó xuyên qua cho nứt rạn cả khối. Nếu tinh cầu quá nhỏ, nếu những cây cẩm quỳ quá nhiều, thì tinh cầu ắt vỡ toang vì chúng.
“Đấy là một vấn đề kỷ luật, sau này hoàng tử bảo tôi thế. Khi ta xong xuôi cuộc tắm rửa thân mình buổi mai, thì phải chăm sóc kỹ lưỡng tới cuộc tắm rửa tinh cầu. Phải tự ước thúc mình một cách đề huề đều đặn trong công việc trừ khử những cây cẩm quỳ ngay khi ta chợt phân biệt ra chúng với những cây tường vi. Hai loại này, thuở sơ sinh non dại trông giống hệt nhau. Công việc làm thật là chán ngấy, nhưng chả khó nhọc gì."
Và một ngày nọ, hoàng tử bé khuyên tôi hãy chịu khó gắng công hoàn thành một bức họa đẹp, để mà đem sự nọ tạc vào kỹ lưỡng trong đầu óc những trẻ con xứ sở tôi. Hoàng tử bảo: “Nếu có ngày chúng nó viễn du, thì việc đó sẽ hữu ích cho chúng lắm. Đôi lúc kể ra thì cái sự trì hoãn công việc làm cũng chẳng là điều đáng ngại. Nhưng nếu sự vụ có liên can tới cẩm quỳ, thì đó lại là một thảm họa khôn lường. Tôi có biết một tinh cầu, tại đó một gã lười lưu trú. Gã coi nhẹ ba cây cối nhỏ..."
Và, thể theo những chỉ bảo của hoàng tử bé, tôi đã vẽ tinh cầu nọ. Tôi không thích lấy giọng nhà đạo đức. Nhưng cái hiểm họa của cẩm quỳ lại rất ít kẻ am hiểu, và kẻ lạc lõng nơi một tiểu tinh cầu bị hăm dọa bởi những nguy cơ đồ sộ đến nỗi tôi phải xin phép, một lần, được sự dè dặt thường hằng vào trong vòng ngoại lệ, và xin nói liều. Tôi xin nói: “Hỡi các bé con! Hãy coi chừng đó, những cây cẩm quỳ!" Chính vì muốn báo trước cho những bạn thiết biết một mối nguy cơ từ lâu, cũng như tôi, họ đã từng cọ vào sát mép mà chẳng hay chẳng biết, vâng, chính vì thế mà tôi đã cố gắng mài miệt rất nhiều để hoàn thành bức tranh ấy. Bài học tôi đưa ra, thật cũng đáng cái công lao. Các anh sẽ tự hỏi có lẽ: Tại sao trong cuốn sách này chẳng có bức nào đồ sộ như bức tranh cẩm quỳ ? Lời đáp rất đơn giản: Tôi đã gắng gỗ, nhưng không thể thành công. Lúc tôi vẽ những cây cẩm quỳ, tôi đã bị thôi thúc bởi tình cảm bức bách.
VI.
A! Hoàng tử bé ơi, tôi đã lần hồi hiểu, theo vậy đó, cuộc đời bé bỏng sầu tư của chú. Từ lâu, chú chỉ có một chút khiển muộn, là bóng chiều vàng êm ả. Tôi đã rõ chi tiết mới mẻ này, vào buổi mai ngày thứ tư, lúc chú bảo:
"Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn..."
"Nhưng phải chờ..."
"Chờ gì?"
"Chờ cho mặt trời lặn."
Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo:
"Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở."
Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào...
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"
Và ít lâu sau, chú nói thêm:
"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?
Nhưng hoàng tử bé không đáp.
VII.
Ngày thứ năm, vẫn cũng vì con cừu, sự bí ẩn trong cuộc đời hoàng tử bé được biểu lộ. Đột ngột hoàng tử hỏi tôi, không nhập đề gì ráo, như đó là kết quả một vấn đề đã được trầm ngâm suy gẫm lâu rồi.
"Một con cừu, nếu có ăn cây cối nhỏ, thì nó cũng ăn những đóa hoa."
"Một con cừu thì ăn bất cứ cái gì nó gặp. Bạ đâu ăn đó rất mực bừa bãi vậy."
"Cả những cành hoa có gai nhọn?"
"Ừ. Cả những cành hoa có gai nhọn."
"Vậy thì những gai nhọn, dùng vào việc chi?"
Tôi không biết điều đó. Lúc ấy tôi hết sức bận, loay hoay vặn một cái đinh bù lon ăn cứng trong máy phi cơ. Tôi bận tâm lo lắng lắm, vì trận hỏng máy này đã bắt đầu cho thấy quá trầm trọng, và nước uống cứ hao cạn hoài xui tôi lo sợ nặng nề: càng ngày càng khốn đốn về sau.
"Những gai nhọn dùng vào việc chi?"
Hoàng tử bé không bao giờ rút lui câu hỏi, mỗi phen chú đã nêu nó ra rồi. Tôi đã bực mình vì cái bù lon, nên đáp bừa:
"Gai nhọn, không dùng vào cái tích sự chi ráo, đó chỉ là cái ác hại thuần túy của hoa!"
"Ồ!"
Nhưng sau một lúc im lặng chú văng ra một câu, với giọng thật là oán hận:
"Tôi không tin lời bác! Hoa mảnh khảnh lắm. Hoa thơ dại lắm. Hoa phải tự gắng làm cho mình yên dạ phần nào hay phần nấy. Hoa tự nghĩ là mình ắt ghê gớm lắm với những gai nhọn của mình..."
Tôi không trả lời. Lúc đó tôi tự nhủ: “Nếu cái đinh bù lon này mà còn cứng cổ, thì ta sẽ đập một nhát búa vào thì nó phải nhảy tung ngay". Hoàng tử nhỏ lại quấy rầy ý tưởng tôi:
"Và bác tưởng, bác tưởng rằng hoa..."
"Nhưng không! Không! Tôi chẳng tưởng tư gì ráo ráo! Tôi trả lời bạ đâu bù đó. Tôi bận tâm lo chuyện hệ trọng!"
Chú đờ đẫn nhìn tôi.
"Bận tâm lo chuyện hệ trọng!"
Chú nhìn tôi bàn tay cầm búa, ngón tay đen sì những dầu nhớt, đương nghiêng thân trên một cái vật chú xem ra xấu xí quá.
"Bác nói chuyện nghe như những người lớn!"
Câu đó làm tôi thấy hổ thẹn chút ít. Nhưng chú vẫn tiếp tục:
"Bác lẫn lộn tuốt luốt hết! Lẫn lộn tuốt hết."
Trông chú thật quả là cáu tiết. Chú lắc đầu tóc vàng óng bay tung trong gió:
"Tôi biết một tinh cầu có một Ông Cụ mặt đỏ như gấc chín. Chẳng bao giờ ông ta ngó một ngôi sao. Chẳng bao giờ ông ta yêu ai hết. Chẳng bao giờ ông ta làm một cái việc chi khác, ngoài cái việc làm những bài toán cọng. Và suốt ngày ông ta lặp đi lặp lại y hệt như bác: “Tôi là một con người trang nghiêm! Tôi là một con người trang nghiêm" và cái đó làm ông ta phình to lên cái lỗ mũi tự hào. Nhưng đó không phải một con người, đó là một cái nấm!"
"Một cái gì?"
"Một cái nấm!"
Hoàng tử bé bây giờ mặt mày tái xanh vì tức giận.
"Từ hàng triệu năm rồi, hoa đã tạo gai. Từ hàng triệu năm rồi cừu vẫn cứ ăn hoa. Và cái sự tìm hiểu xem tại sao mà hoa phải nhọc mệt tạo mãi những gai nhọn chẳng dùng được vào việc gì gì hết cả, sự đó chẳng phải là chuyện nghiêm trang hay sao? Cuộc chiến tranh giữa cừu và hoa, không phải là chuyện hệ trọng hay sao? Chẳng nghiêm trang hệ trọng hơn những bài toán cọng của ông cụ bự đỏ như gấc chín hay sao? Và nếu tôi có biết, chính tôi có biết một đóa hoa duy nhất ở đời, không đâu có cả, ngoài tinh cầu tôi, và nếu một con cừu bé có thể rỡn chơi liếm sơ qua một chút, mà tiêu diệt tan hoang mất cái đóa hoa ấy như vậy đó trong một buổi mai dịu dàng và chẳng nhận thấy rằng cái việc mình làm kia gớm guốc thế nào, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao?
Chú đỏ mặt, rồi tiếp:
"Nếu có một kẻ yêu một đóa hoa duy nhất chỉ duy có một mà thôi trong hàng triệu triệu tinh cầu, chừng đó đủ để kẻ ấy sung sướng lúc nhìn ngàn sao ở trên trời. Anh ta tự nhủ: “Đóa hoa của mình hiện nằm tại đó, nơi đó, chốn kia...". Nhưng nếu con cừu ăn đóa hoa, thì sự đó đối với anh ta cũng như thể là đột nhiên trong một nháy ngàn ngàn ngôi sao thình lình tắt lịm! Và đó, không phải là chuyện hệ trọng hay sao!
Chú không nói thêm gì được nữa. Đột nhiên, chú òa lên khóc. Đêm xuống rồi. Tôi bỏ rơi tay búa. Tôi chả còn sá gì búa dao bù lon nữa, chả thiết chi tới chuyện chết khác, chết đói. Trên một tinh cầu, tinh cầu của tôi, trên Địa cầu của tôi, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm chú vào lòng. Tôi ru. Tôi bảo: “Đóa hoa chú yêu dấu đó không gặp nguy hại gì đâu... Tôi sẽ vẽ thêm một cái rọ bịt mõm vào cái mồm con cừu của chú... Tôi sẽ vẽ một tấm áo giáp sắt cho đóa hoa của chú... Tôi sẽ...". Tôi chẳng còn biết nói chi nữa. Tôi thấy mình vụng về quá. Tôi không biết làm cách gì để đi tới cõi lòng chú, gặp gỡ linh hồn chú... Thật huyền bí không xiết, là cái xứ sở của lệ vàng.
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973. In 4050 cuốn trên toàn giấy bristol 120. Xếp chữ tại nhà in Hồng Hà, 82 Trần Bình Trọng, Sài Gòn.
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
Gửi Léon Werth
Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở nước Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng:
Gửi Léon Werth
Thuở ông ta còn là bé con
I.
Thuở lên sáu, một lần nọ tôi thấy một bức tranh lộng lẫy, trong một cuốn sách viết về rừng thẳm nhan đề Sự tích đã sống. Bức tranh đó họa một con trăn đương nuốt con mãnh thú. Trên đây là bản đồ mô phỏng bức họa kia.
Trong cuốn sách người ta nói: “Giống trăn nuốt toàn thể con mồi không nhai nghiền gì cả. Rồi sau đó, giống trăn không còn có thể rục rịch nữa, nên nằm ngủ ròng rã suốt sáu tháng trời là thời gian tiêu hóa".
Từ đó, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những trận lưu ly mạo hiểm của rừng sâu và, tới phen mình, tôi cũng đã dùng một cây bút chì màu mà vẽ nên bức họa đầu tiên. Bức họa số 1. Nó như thế này:
Tôi có đưa cho những người lớn xem kiệt tác của mình, và hỏi họ có kinh khiếp trước bức họa kia không.
Họ đáp: “Làm sao một cái mũ lại có thể xui người ta kinh khiếp?"
Bức họa của tôi không thể hiện một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đương nằm tiêu hóa một con voi. Tôi bèn vẽ phía trong của cái bụng con trăn, cốt là để cho người lớn dễ lĩnh hội. Người lớn bao giờ cũng cần có những sự giảng giải thì họ mới hiểu. Bức họa thứ hai của tôi nó như thế này:
Những người lớn đã khuyên tôi nên gác lại một bên những thứ họa trăn, trăn mở bụng hoặc trăn khép bao tử, và hãy nên chuyên tâm vào bài học địa dư, sử ký, tính toán và văn phạm. Thế là thuở lên sáu, tôi đã đành bỏ dở một tiền đồ sự nghiệp họa sĩ huy hoàng. Tôi đã chán nản vì sự thất bại của bức họa số 1 và bức họa số 2. Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là điều mệt nhọc vô cùng.
Thế là tôi đành phải chọn một nghề khác, và tôi đã học lái máy bay. Tôi đã bay lăng quăng khắp chốn trên địa cầu. Và quả thật, môn địa dư đã có giúp ích tôi nhiều. Tôi chỉ cần thoáng nhìn qua một cái, là nhận ra được đất Trung Hoa từ quận Arizona. Sự đó rất cần ích, nếu ta lạc nẻo giữa ban đêm.
Và như thế, trong đời tôi, tôi đã từng tiếp xúc hàng đống bự, với hàng khối bự những nhân vật bảnh bao. Tôi đã từng sống nhiều ngày nơi nhà những người tai to mặt lớn. Tôi nhìn họ ở sát nhãn quan mình. Và điều đó chả có canh cải ý kiến của tôi được chi mấy chút.
Lúc nào tôi gặp một kẻ nào trong bọn họ, xem ra có vẻ sáng suốt một tí, thì tôi lại thử làm cuộc thí nghiệm về họ với bức họa số 1 của mình mà tôi vẫn còn giữ luôn luôn. Tôi muốn rõ xem họ có thật quả là sáng ý hay không. Hay vẫn tối dạ như lẽ hằng. Nhưng luôn luôn họ bảo tôi: “Đấy là một cái mũ". Vậy thì tôi chẳng nói gì nữa với họ, chẳng nói gì về giống trăn, về rừng hoang, rú thẳm, chẳng nói gì về những ngôi sao trên trời. Tôi hạ mình xuống cho ngang tầm khả năng của họ. Tôi nói về cách đánh bài, đánh cầu, về chính trị và về ca vát, những lối thắt “nơ". Và người lớn đã rất hài lòng được quen biết một con người sao mà lịch thiệp thấu lẽ thị phi đến thế.
II.
Thế là tôi đã sống cô đơn vậy đó, không ai để chuyện trò thật sự, cho tới ngày phi cơ hỏng máy rơi tòm giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Một cái trục, một cái chốt nào đã gãy lìa trong máy. Và vì lúc lên phi cơ không có đem theo thợ máy, cũng không chở hành khách, tôi phải một mình lo toan cuộc chữa chạy hì hục khó khăn. Một vấn đề sống chết. Tôi chỉ còn đủ nước để dùng giỏi lắm là trong tám ngày thôi.
Đêm đầu, tôi đành phải nằm ngủ trên cát ở ngàn ngàn dặm để cách biệt với mọi miền có người ta cư trú. Tôi đã chịu biệt lập còn hơn một kẻ đắm tàu, bó gối ngồi trên chiếc bè giữa sóng gió đại dương. Thì hẳn bạn cũng hình dung ra cơn ngạc nhiên của tôi, lúc bình mình đến, chợt một giọng nói nhỏ lớ ngớ kỳ lạ bỗng đánh thức tôi dậy:
"Nếu vui lòng... hãy vẽ cho tôi một con cừu!"
"Hả!"
"Vẽ cho tôi một con cừu..."
Tôi nhảy nhổm dậy một cái trên hai chân như bị sấm sét đập vào lưng. Tôi giụi tay lên hai mắt. Tôi mở to mắt ra nhìn. Và tôi thấy một chú chàng tí hon rất mực kỳ lạ đương chằm chặp trầm trọng nhìn tôi. Đây là bức chân dung khá nhất về chú bé mà sau này tôi đã gắng thực hiện được. Nhưng cố nhiên, bức tranh của tôi, đẹp là thế đó, vẫn còn thua xa dáng dấp tuyệt vời của chú bé. Đó chẳng phải lỗi tại tôi. Từ lâu, từ thuở mới lên sáu, tôi đã quá nản lòng trong nghề nghiệp hội họa bởi tại những người lớn, và nào tôi có học vẽ được cái gì đâu, ngoài những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử.
Thế là tôi chằm chặp nhìn sự đột hiện huyền ảo nọ, nhìn với hai con mắt tròn xoe kinh ngạc. Đừng quên rằng lúc đó, tôi hiện đương ở cách xa những miền cư trú của con người, xa đến ngàn ngàn dặm đất. Thế mà chú bé tí hon của tôi lại chẳng có vẻ gì lạc lối, chẳng có vẻ gì là mỏi mệt, hoặc chết đói, hoặc chết khát, hoặc chết vì kinh hoàng. Chú bé chẳng có vẻ gì một đứa trẻ lạc lỏng giữa sa mạc, ở cách cõi sống của con người ngàn ngàn dặm đất. Cho tới lúc tôi gắng gỗ thốt được lời ra tiếng, thì tôi bảo:
"Nhưng... nhưng mà chú bé làm cái gì tại đây vậy?"
Và chú bé dịu dàng lặp lại lời cũ, như dường coi đó là một sự vụ rất trang trọng:
"Nếu ông vui lòng... xin vẽ cho tôi một con cừu..."
Khi sự huyền bí nó quá mức kích động thì người ta không dám bất tuân. Dẫu sự vụ kia xảy ra có vẻ phi lý bao nhiêu đi nữa ở cách xa ngàn dặm mọi chốn cư trú của con người và đứng trước hiểm họa thập tử nhất sinh, tôi vẫn rút trong túi ra một tờ giấy và một cây bút máy. Nhưng tôi chợt nhớ ra là mình vốn nghiên cứu nhiều nhất là môn địa dư, sử ký toán tính, và văn phạm, và tôi bảo với chú bé (với một chút bực dọc) rằng tôi đâu có biết vẽ. Chú đáp:
"Không hề gì. Vẽ cho tôi một con cừu đi".
Vì tôi vốn từ xưa chẳng bao giờ có vẽ một con cừu, nên tôi đành vẽ lại cho chú một trong hai cái loại tranh trong vòng khả năng của tôi. Đó là bức tranh con trăn khép bụng. Và tôi đờ đẫn kinh ngạc khi nghe chú bé tí hon đáp:
"Không! không! Tôi không muốn, tôi không thích cái con voi trong bụng cái con trăn. Một con trăn, thật là nguy hiểm, và một con voi, thì thật là lịch kịch rầy rà. Quê tôi thì bé tí. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho một con cừu đi."
Và tôi đã vẽ.
Chú bé chăm chú nhìn, rồi nói:
"Không! Con này coi đã ốm yếu quá. Vẽ một con khác đi."
Tôi vẽ.
Người bạn nhỏ mỉm cười một cách thật dễ thương, với giọng bao dung:
"Bác thấy đó... đó không phải là một con cừu, đó là một con dê đực, nó có hai cái sừng..."
Vậy là tôi phải vẽ trở lại.
Nhưng bức này cũng bị từ khước, như mấy bức trước:
"Con này coi già nua cọm rọm quá. Tôi muốn một con cừu sống sao cho thật lâu."
Vậy là tôi mất kiên nhẫn, vì bận lo khởi sự vội vã tháo máy ra xem, tôi nguệch ngoạc vẽ bừa bức tranh sau đây.
Tôi văng ra một lời:
"Đó, đó là cái thùng. Con cừu chú muốn, nó nằm ở trong ấy."
Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao khi nhìn thấy gương mặt chú “quan tòa" nhỏ dại bỗng rạng ngời ra:
"Thật đúng y như hệt! Đó là cái tôi muốn đó! Bác nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu nó ăn?"
"Vì sao hỏi vậy?"
"Vì quê tôi, thật bé tí..."
"Không hề gì. Vẫn đủ được lắm, chắc chắn vậy. Tôi cho chú một con cừu thật bé tí đó mà."
Chú nghiêng đầu lên bức tranh:
"Không thật bé tí lắm đâu... Coi kìa! Nó đã ngủ rồi."
Và như vậy đó, tôi đã làm quen với hoàng tử bé.
III.
Phải một thời gian lâu tôi mới rõ chú bé từ đâu lại. Hoàng tử tí hon, vốn chất vấn tôi rất nhiều, lại chẳng bao giờ có vẻ nghe những câu tôi hỏi. Chỉ nhân những tiếng thốt tình cờ, những lời nói ngẫu nhiên, mà dần dà tôi rõ được hết mọi sự. Chả hạn như khi chú bé nhìn thấy phi cơ của tôi lần đầu tiên (tôi sẽ không vẽ phi cơ tôi, đó là bức tranh quá phiền phức đối với tôi) chú hỏi:
"Cái đó là cái vật chi thế?"
"Đó không phải là cái vật. Đó biết bay. Đó là phi cơ. Đó là phi cơ của tôi đấy."
Và tôi rất hãnh diện lúc cho chú bé biết rằng tôi là phi công bay. Chú thốt lớn:
"Sao! bác từ trên trời rớt xuống!"
"Vâng", tôi nhũn nhặn đáp.
"A! đó là cái lạ..."
Và hoàng tử bé cười rộ một cái thật tươi xinh, làm tôi phát cáu. Tôi muốn rằng thiên hạ phải coi trầm trọng những hoạn nạn của tôi. Rồi chú hoàng bé nói tiếp:
"Thế thì té ra bác cũng rớt từ trên trời xuống! Bác ở tinh cầu nào?"
Tôi chợt thoáng nhận thấy một tia mờ, lóe ra giữa huyền bí của sự hiện diện hoàng tử, và tôi đột ngột hỏi:
"Chú bé cũng từ một tinh cầu khác mà tới đây?"
Nhưng chú bé không đáp. Chú ngẩng đầu dịu dàng một cái, vẫn nhìn phi cơ tôi:
"Thật thì nằm ở trong đó, bác chẳng có thể nào tới đây từ một cõi xa xôi gì cho lắm..."
Và chú bé chìm vào trong một cơn mơ kéo dài dậm duộc. Rồi rút trong túi ra con cừu của tôi, chú triền miên ngắm nghía kho tàng mình.
Bạn cũng hình dung được là tôi đã xiết bao khích động hiếu kỳ bởi chút thổ lộ nửa vời về “những tinh cầu khác" nọ. Tôi gắng tìm cách hiểu thêm:
"Này chú bé ơi, chú từ đâu tới ? Đâu là cái chốn “quê của chú" ? Chú định mang con cừu tôi đi đâu?"
Sau một lúc trầm ngâm lặng lẽ, chú đáp:
"Cái tốt ấy là, với cái thùng bác cho tôi thì ban đêm, nó là cái nhà cho con cừu nó ngủ."
"Hẳn là vậy. Và nếu mà chú ngoan, thì tôi sẽ cho thêm chú một sợi giây nữa để cột con cừu lại ban ngày, và cho một cái cọc nữa."
Lời đề nghị này dường như làm phật ý chú bé:
"Cột con cừu lại? Cái ý gì kỳ cục vậy!"
"Nhưng nếu chú không cột nó lại, nó sẽ chạy quàng, nó sẽ lạc lối đi..."
Người bạn nhỏ của tôi lại một phen cười rộ:
"Nhưng bác sợ nó chạy lạc đi đâu mới được chớ!"
"Bất cứ đâu đâu. Thẳng tới trước mặt..."
Bấy giờ hoàng tử bé mới trang nghiêm nhận định:
"Cái đó không hề gì, quê tôi nhỏ chút xíu đó mà."
Rồi với một chút sầu tư, có lẽ, chú tiếp:
"Thẳng tới trước mặt, người ta đâu có thể đi xa chi mấy đâu..."
IV.
Và như vậy, tôi lại được một phen nữa biết được một sự vụ tối quan hệ: ấy là tinh cầu quê quán của chú bé, giỏi cho lắm thì cũng lớn hơn cái nhà một chút xíu thôi!
Điều đó cũng chẳng thể nào làm tôi ngạc nhiên chi lắm. Tôi biết rõ là ngoài những tinh cầu to bự như Trái Đất, như Jupiter, Mars, Vénus, được thiên hạ đặt tên tuổi cho, còn hàng trăm những tinh cầu khác, lắm khi nhỏ quá đến nỗi người ta khó nhọc lắm mới nhìn thấy sơ bóng dáng qua ống kính viễn vọng. Khi một nhà thiên văn học khám phá ra một trong những tiểu tinh cầu đó, thì ông cho nó một con số gọi là của tin canh thiếp làm ghi. Ông gọi nó chả hạn: “tiểu tinh cầu 325".
Tôi có nhiều lý lẽ chắc chắn để tin rằng cái tinh cầu của hoàng tử từ đó về đây là tiểu tinh cầu B 612. Tiểu tinh cầu nọ chỉ một lần được thấy bóng phía sau ống viễn vọng vào năm 1909, bởi một nhà thiên văn học người Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông ta đã từng mở một cuộc chứng minh đồ sộ về sự khám phá của mình tại một đại hội quốc tế thiên văn (Thiên văn quốc tế hội nghị). Nhưng thuở đó không ai tin lời ông cả. Vì lối y phục luộm thuộm của ông ta. Những người lớn, họ là như vậy đó.
May thay cho tăm tiếng của tiểu tinh cầu B 612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành đạo luật cho toàn dân phải ăn vận theo lối sành điệu Âu Châu, nếu bất tuân phải chịu tử hình.
Nhà thiên văn học nọ đến năm 1920, đã tái khai cuộc chứng minh một trận nữa, lần này ông chỉnh tế ngăn nắp trong một bộ y phục rất mực bảnh bao nhẵn nhụi. Và lần này mọi người thiên hạ cùng tán đồng nấc nở ý kiến của ông.
Nếu tôi kể lại cho bạn nghe những chi tiết này về tiểu tinh cầu B 612, và nếu tôi ký thác cho bạn cái số hiệu của nó, ấy chỉ bởi tại những người lớn. Những người lớn, họ ưa thích những con số. Khi anh nói với họ về một người bạn mới, họ chẳng bao giờ hỏi anh về cái cốt yếu. Họ chẳng bao giờ hỏi: “Giọng nói của anh ta nghe ra thế nào? Anh ta yêu chuộng trò chơi gì? Anh ta có thích sưu tập chuồn chuồn bươm bướm chăng?" Họ lại hỏi: “Y bao nhiêu tuổi? Tứ tuần? Anh em, tớ thầy của y, lao xao sau trước là bao nhiêu? Y cân nặng mấy trăm ký lô? Thân phụ của y lĩnh lương hằng tháng là bao nhiêu thế?" Và chỉ từ đó trở đi thôi, họ mới tin rằng mình biết gã nọ. Nếu anh nói với những người lớn: “Tôi có một ngôi nhà kiều diễm xây bằng gạch hồng thắm, với những chậu hoa phong lữ thảo ở bệ cửa sổ, và những cặp bồ câu đậu ở mái nhà..." họ sẽ không thể nào hình dung ra được cái nhà của anh. Phải bảo họ rằng: “Tôi có thấy một ngôi nhà trị giá một trăm nghìn phật lăng." Thì khi đó họ sẽ thốt to: “Ồ! Sao mà xinh thế nhỉ."
Vậy đó, nếu anh bảo: “Bằng chứng hoàng tử quả có thật ở trong đời, ấy là chú rất quyến rũ dễ yêu, chú cười, chú muốn một con cừu. Một phen người ta muốn một con cừu, thì đó là một phen có đủ bằng chứng là người ta hiện hữu", thì những người lớn sẽ nhún vai và coi anh là con nít! Nhưng nếu anh bảo: “Tinh cầu từ đó hoàng tử tới đây là tiểu tinh cầu B 612" thì khi đó họ sẽ tâm đầu ý hiệp với anh ngay, siết tay du khoái hả hê ngay, gọi rằng tâm phúc tương cờ ngay, và để yên cho anh túc mục an lành với bao câu hỏi họ lăng xăng ngay. Họ là như vậy đó. Cũng chẳng nên hờn giận họ làm chi. Con trẻ phải nên rất mực độ lượng với những người lớn.
Nhưng cố nhiên, chúng ta là kẻ am hiểu sự đời, chúng ta cứ mà tha hồ cợt cười những con số! Tôi còn muốn khởi đầu câu chuyện này theo điệu mở đầu chuyện thiên thần tiên nữ nữa là khác. Tôi còn ắt muốn nói:
“Thuở xưa kia từng đã một lần hoàng tử bé con, bé nhỏ, đã từng phen lưu trú tại một tinh cầu chơi với bé bỏng, bé tí, có lớn hơn tí chút hoàng tử mà thôi, và hoàng tử đã từng có thiết tha mong chờ một người bạn thiết..." Đối với những ai am hiểu cõi đời tồn sinh mát mẻ, thì đó thật quả ắt có vẻ xác thực chân chính hơn nhiều.
Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách tôi theo lối phiêu hốt lai rai. Tôi cảm thấy xiết bao sầu não khi kể những kỷ niệm này. Đã sáu năm tròn rồi, người bạn bé nhỏ của tôi đã từ biệt ra đi với con cừu của tôi. Nếu tôi gắng thử miêu tả lại chàng, ấy cũng là cốt để đừng quên nhau. Buồn xiết bao nếu phải quên một người bạn thiết. Đâu có phải ai ai trong thiên hạ cũng đã có một người bạn thiết. Và chính tôi, tôi cũng có thể từ sớm sang chiều, trở thành giống như những người lớn chỉ biết lưu tâm ý tới những con số mà thôi. Chính cũng vì đó mà tôi đã mua một hộp màu và bút chì vậy. Thật khổ nhọc xiết bao, cái việc khởi đầu trở lại vẽ hình, họa bóng, vào cái tuổi của tôi khi mà người ta từ bấy tới nay nào có bao giờ biết mưu đồ gì khác ngoài cái sự rắp ranh vẽ một con trăn khép bụng và một con trăn mở lòng, vào lúc lên sáu! Tất nhiên, tôi sẽ gắng thử họa những chân dung giống được chừng nào hay chừng đó. Nhưng tôi không hoàn toàn chắc dạ là mình sẽ thành công. Một tấm vẽ đi qua, hỏng rồi, một tấm khác không còn giống như hình được nữa. Một dư ảnh gái đã lạc gót sen hương, một dư huệ về sau không níu giữ trong ngón tay sầu xe chỉ nữa. Về tầm vóc hình dài, tôi cũng nhầm lẫn chút ít. Đây, hoàng tử quá to. Kia, hoàng tử quá bé. Tôi cũng ngại ngùng trước màu sắc y phục của em. Vậy nên chi tôi quờ quạng loăng quoăng thế này, thế nọ, thế đó, thế kia, được cũng tốt, không được cũng cam. Rồi nữa, tôi cũng sẽ còn lầm lẫn về đôi chi tiết quan trọng hơn. Nhưng cái đó, chỉ xin người hãy phải nên tha thứ. Người bạn thiết của tôi chẳng bao giờ ban cho tôi một lời giải thích. “C’est les vipères!". Rồi thôi. Tôi bước bên đường kêu gọi mãi. Nhớ người bạn cũ thuở anh niên. Nhưng bặt âm. Người bạn chắc có lẽ đã tưởng rằng tôi giống bạn. Nhưng khổ thay, tôi chẳng biết làm thế nào nhìn thấy cho ra những con cừu ở bên kia những thùng chứa. Có lẽ tôi cũng là có phần nào giống như những người lớn. Có lẽ tôi là kẻ đã phải về già.
V.
Mỗi ngày, tôi biết thêm chút ít về tinh cầu, về ly biệt, về viễn du. Cái đó tới rất dịu dàng, tùy cơn ngẫu nhĩ ưu tư. Vậy đó, ngày thứ ba, tôi được biết tấn bi kịch của những cây cẩm quỳ.
Lần này nữa cũng là nhờ con cừu, vì chứng đột ngột hoàng tử bé hỏi tôi, dường như chàng đang chịu một cơn nghi hoặc trầm trọng:
"Thật vậy chăng ru, rằng những con cừu ăn cây cối nhỏ?"
"Vâng. Chính thật là vậy."
"A! Tôi hài lòng lắm."
Tôi chẳng rõ vì sao cái việc cừu ăn cây cối nhỏ lại là việc trọng đại. Nhưng hoàng tử nhỏ tiếp:
"Vậy thì hẳn nhiên là cừu cũng ăn cây cẩm quỳ?"
Tôi bèn nói cho hoàng tử hiểu rằng cẩm quỳ không phải là loại cây cối nhỏ, mà thuộc loại cây to bự như những ngôi nhà thờ, và cho dẫu chàng có lôi theo với mình một bầy voi đồ sộ, cũng hồ dễ mà làm nao núng được mỗi một cây cẩm quỳ khổng lồ đơn độc đó thôi.
Ý tưởng một bầy voi lớn rộng xui hoàng tử cười to:
"Vậy phải sắp đặt con voi này nằm chồng chất trên lưng con voi khác..."
Nhưng rồi hoàng tử lại thâm thúy nhận xét thêm:
"Những cây cẩm quỳ, trước khi lớn rộng, thì cũng phải khởi đầu bằng hình thù thân thể nhỏ nhoi."
"Đúng vậy! Nhưng tại sao chú muốn rằng những con cừu của chú phải ăn cây cẩm quỳ?"
Chú đáp: “Hi! Khéo hỏi!" như chừng đó là một chuyện cố kỳ nhiên. Tôi phải gắng gỗ kịch liệt cho thông minh nảy nở ra mới tự mình tìm hiểu được một mình vấn đề nọ.
Thật vậy, trên tinh cầu của hoàng tử bé, cũng như trên mọi tinh cầu, có những cỏ lành, và những cỏ dữ. Do đó, có những hạt giống lành của cỏ lành, và những hạt giống dữ của cỏ dữ. Nhưng hạt giống thì nhỏ, nên mắt không nhìn ra. Chúng nằm ngủ yên trong thớ đất u huyền cho tới lúc cao hứng ùa về với một hạt nào trong lũ hạt nọ, và cao hứng hạt nọ đột khỏi cơn thức giấc bò ra. Thế là hột nọ duỗi thân một cái, và thoạt tiên e ấp nảy mầm, hướng tới ánh nắng mà ngoi đầu lên cho dài ra thành một đọt cỏ non bé bỏng diễm kiều vô hại thơ ngây như hồn tuyết bạch gái. Nếu là một ngọn lá cải củ, hoặc tường vi, thì thiên hạ có thể để mặc tình tha hồ nó mọc. Nhưng nếu là một ngọn cỏ dữ, thì phải liệu mà rứt nhổ nó đi liền liền, khi người ta nhận ra nó là bê bối. Mà trên tinh cầu của hoàng tử bé thì có những hạt giống kinh khủng... ấy là những chủng tử cẩm quỳ. Đất đai tinh cầu bị nhiễm độc bởi những phôi châu ác liệt nọ. Mà một cây cẩm quỳ, nếu người ta đối phó muộn màng một chút, thôi thì không còn mong chi trừ khử nó được nữa. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ đâm rễ nó xuyên qua cho nứt rạn cả khối. Nếu tinh cầu quá nhỏ, nếu những cây cẩm quỳ quá nhiều, thì tinh cầu ắt vỡ toang vì chúng.
“Đấy là một vấn đề kỷ luật, sau này hoàng tử bảo tôi thế. Khi ta xong xuôi cuộc tắm rửa thân mình buổi mai, thì phải chăm sóc kỹ lưỡng tới cuộc tắm rửa tinh cầu. Phải tự ước thúc mình một cách đề huề đều đặn trong công việc trừ khử những cây cẩm quỳ ngay khi ta chợt phân biệt ra chúng với những cây tường vi. Hai loại này, thuở sơ sinh non dại trông giống hệt nhau. Công việc làm thật là chán ngấy, nhưng chả khó nhọc gì."
Và một ngày nọ, hoàng tử bé khuyên tôi hãy chịu khó gắng công hoàn thành một bức họa đẹp, để mà đem sự nọ tạc vào kỹ lưỡng trong đầu óc những trẻ con xứ sở tôi. Hoàng tử bảo: “Nếu có ngày chúng nó viễn du, thì việc đó sẽ hữu ích cho chúng lắm. Đôi lúc kể ra thì cái sự trì hoãn công việc làm cũng chẳng là điều đáng ngại. Nhưng nếu sự vụ có liên can tới cẩm quỳ, thì đó lại là một thảm họa khôn lường. Tôi có biết một tinh cầu, tại đó một gã lười lưu trú. Gã coi nhẹ ba cây cối nhỏ..."
Và, thể theo những chỉ bảo của hoàng tử bé, tôi đã vẽ tinh cầu nọ. Tôi không thích lấy giọng nhà đạo đức. Nhưng cái hiểm họa của cẩm quỳ lại rất ít kẻ am hiểu, và kẻ lạc lõng nơi một tiểu tinh cầu bị hăm dọa bởi những nguy cơ đồ sộ đến nỗi tôi phải xin phép, một lần, được sự dè dặt thường hằng vào trong vòng ngoại lệ, và xin nói liều. Tôi xin nói: “Hỡi các bé con! Hãy coi chừng đó, những cây cẩm quỳ!" Chính vì muốn báo trước cho những bạn thiết biết một mối nguy cơ từ lâu, cũng như tôi, họ đã từng cọ vào sát mép mà chẳng hay chẳng biết, vâng, chính vì thế mà tôi đã cố gắng mài miệt rất nhiều để hoàn thành bức tranh ấy. Bài học tôi đưa ra, thật cũng đáng cái công lao. Các anh sẽ tự hỏi có lẽ: Tại sao trong cuốn sách này chẳng có bức nào đồ sộ như bức tranh cẩm quỳ ? Lời đáp rất đơn giản: Tôi đã gắng gỗ, nhưng không thể thành công. Lúc tôi vẽ những cây cẩm quỳ, tôi đã bị thôi thúc bởi tình cảm bức bách.
VI.
A! Hoàng tử bé ơi, tôi đã lần hồi hiểu, theo vậy đó, cuộc đời bé bỏng sầu tư của chú. Từ lâu, chú chỉ có một chút khiển muộn, là bóng chiều vàng êm ả. Tôi đã rõ chi tiết mới mẻ này, vào buổi mai ngày thứ tư, lúc chú bảo:
"Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn..."
"Nhưng phải chờ..."
"Chờ gì?"
"Chờ cho mặt trời lặn."
Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo:
"Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở."
Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào...
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"
Và ít lâu sau, chú nói thêm:
"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?
Nhưng hoàng tử bé không đáp.
VII.
Ngày thứ năm, vẫn cũng vì con cừu, sự bí ẩn trong cuộc đời hoàng tử bé được biểu lộ. Đột ngột hoàng tử hỏi tôi, không nhập đề gì ráo, như đó là kết quả một vấn đề đã được trầm ngâm suy gẫm lâu rồi.
"Một con cừu, nếu có ăn cây cối nhỏ, thì nó cũng ăn những đóa hoa."
"Một con cừu thì ăn bất cứ cái gì nó gặp. Bạ đâu ăn đó rất mực bừa bãi vậy."
"Cả những cành hoa có gai nhọn?"
"Ừ. Cả những cành hoa có gai nhọn."
"Vậy thì những gai nhọn, dùng vào việc chi?"
Tôi không biết điều đó. Lúc ấy tôi hết sức bận, loay hoay vặn một cái đinh bù lon ăn cứng trong máy phi cơ. Tôi bận tâm lo lắng lắm, vì trận hỏng máy này đã bắt đầu cho thấy quá trầm trọng, và nước uống cứ hao cạn hoài xui tôi lo sợ nặng nề: càng ngày càng khốn đốn về sau.
"Những gai nhọn dùng vào việc chi?"
Hoàng tử bé không bao giờ rút lui câu hỏi, mỗi phen chú đã nêu nó ra rồi. Tôi đã bực mình vì cái bù lon, nên đáp bừa:
"Gai nhọn, không dùng vào cái tích sự chi ráo, đó chỉ là cái ác hại thuần túy của hoa!"
"Ồ!"
Nhưng sau một lúc im lặng chú văng ra một câu, với giọng thật là oán hận:
"Tôi không tin lời bác! Hoa mảnh khảnh lắm. Hoa thơ dại lắm. Hoa phải tự gắng làm cho mình yên dạ phần nào hay phần nấy. Hoa tự nghĩ là mình ắt ghê gớm lắm với những gai nhọn của mình..."
Tôi không trả lời. Lúc đó tôi tự nhủ: “Nếu cái đinh bù lon này mà còn cứng cổ, thì ta sẽ đập một nhát búa vào thì nó phải nhảy tung ngay". Hoàng tử nhỏ lại quấy rầy ý tưởng tôi:
"Và bác tưởng, bác tưởng rằng hoa..."
"Nhưng không! Không! Tôi chẳng tưởng tư gì ráo ráo! Tôi trả lời bạ đâu bù đó. Tôi bận tâm lo chuyện hệ trọng!"
Chú đờ đẫn nhìn tôi.
"Bận tâm lo chuyện hệ trọng!"
Chú nhìn tôi bàn tay cầm búa, ngón tay đen sì những dầu nhớt, đương nghiêng thân trên một cái vật chú xem ra xấu xí quá.
"Bác nói chuyện nghe như những người lớn!"
Câu đó làm tôi thấy hổ thẹn chút ít. Nhưng chú vẫn tiếp tục:
"Bác lẫn lộn tuốt luốt hết! Lẫn lộn tuốt hết."
Trông chú thật quả là cáu tiết. Chú lắc đầu tóc vàng óng bay tung trong gió:
"Tôi biết một tinh cầu có một Ông Cụ mặt đỏ như gấc chín. Chẳng bao giờ ông ta ngó một ngôi sao. Chẳng bao giờ ông ta yêu ai hết. Chẳng bao giờ ông ta làm một cái việc chi khác, ngoài cái việc làm những bài toán cọng. Và suốt ngày ông ta lặp đi lặp lại y hệt như bác: “Tôi là một con người trang nghiêm! Tôi là một con người trang nghiêm" và cái đó làm ông ta phình to lên cái lỗ mũi tự hào. Nhưng đó không phải một con người, đó là một cái nấm!"
"Một cái gì?"
"Một cái nấm!"
Hoàng tử bé bây giờ mặt mày tái xanh vì tức giận.
"Từ hàng triệu năm rồi, hoa đã tạo gai. Từ hàng triệu năm rồi cừu vẫn cứ ăn hoa. Và cái sự tìm hiểu xem tại sao mà hoa phải nhọc mệt tạo mãi những gai nhọn chẳng dùng được vào việc gì gì hết cả, sự đó chẳng phải là chuyện nghiêm trang hay sao? Cuộc chiến tranh giữa cừu và hoa, không phải là chuyện hệ trọng hay sao? Chẳng nghiêm trang hệ trọng hơn những bài toán cọng của ông cụ bự đỏ như gấc chín hay sao? Và nếu tôi có biết, chính tôi có biết một đóa hoa duy nhất ở đời, không đâu có cả, ngoài tinh cầu tôi, và nếu một con cừu bé có thể rỡn chơi liếm sơ qua một chút, mà tiêu diệt tan hoang mất cái đóa hoa ấy như vậy đó trong một buổi mai dịu dàng và chẳng nhận thấy rằng cái việc mình làm kia gớm guốc thế nào, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao?
Chú đỏ mặt, rồi tiếp:
"Nếu có một kẻ yêu một đóa hoa duy nhất chỉ duy có một mà thôi trong hàng triệu triệu tinh cầu, chừng đó đủ để kẻ ấy sung sướng lúc nhìn ngàn sao ở trên trời. Anh ta tự nhủ: “Đóa hoa của mình hiện nằm tại đó, nơi đó, chốn kia...". Nhưng nếu con cừu ăn đóa hoa, thì sự đó đối với anh ta cũng như thể là đột nhiên trong một nháy ngàn ngàn ngôi sao thình lình tắt lịm! Và đó, không phải là chuyện hệ trọng hay sao!
Chú không nói thêm gì được nữa. Đột nhiên, chú òa lên khóc. Đêm xuống rồi. Tôi bỏ rơi tay búa. Tôi chả còn sá gì búa dao bù lon nữa, chả thiết chi tới chuyện chết khác, chết đói. Trên một tinh cầu, tinh cầu của tôi, trên Địa cầu của tôi, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm chú vào lòng. Tôi ru. Tôi bảo: “Đóa hoa chú yêu dấu đó không gặp nguy hại gì đâu... Tôi sẽ vẽ thêm một cái rọ bịt mõm vào cái mồm con cừu của chú... Tôi sẽ vẽ một tấm áo giáp sắt cho đóa hoa của chú... Tôi sẽ...". Tôi chẳng còn biết nói chi nữa. Tôi thấy mình vụng về quá. Tôi không biết làm cách gì để đi tới cõi lòng chú, gặp gỡ linh hồn chú... Thật huyền bí không xiết, là cái xứ sở của lệ vàng.
Nguồn: Hoàng tử bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973. In 4050 cuốn trên toàn giấy bristol 120. Xếp chữ tại nhà in Hồng Hà, 82 Trần Bình Trọng, Sài Gòn.
12/6/11
Trần Hồ Dũng - MẸ
Tặng những ai diễm phúc còn có Mẹ trên đời để yêu thương .
Trần Hồ Dũng .
MẸ
Tranhodung
Này bạn , nếu đang còn có mẹ
Bạn – người hạnh phúc nhất trên đời
Ta xin tặng bạn hoa hồng thắm
gắn lên ngực áo , phía tim mình
Này bạn , nếu vẫn còn có mẹ
Hãy nghe nhịp đập trái tim ta
và nghe nhịp đập trong tim mẹ
hòa cùng một nhịp giữa nhân gian
Từ khi khôn lớn, xa lìa mẹ
Bạn có bao giờ thấy nhớ nhung
Một vòng tay mẹ ,như trời biển
Ôm ấp ta ,từ thuở lọt lòng
Từ khi rời khỏi vòng tay mẹ
Làm cánh chim bằng – mộng biển khơi
Bạn có bao giờ ngồi nhớ lại
tiếng ru hời của mẹ ngày xưa
Mẹ ở quê nhà xa lắc đó
ngày đêm mòn mỏi đợi con về
Vòng tay mở rộng chờ ta ghé
Sao chẳng quay về bên tiếng ru
Nếu như mai mốt không còn mẹ
Ai nhốt dùm ta những nỗi buồn
Ai người xoa dịu lòng ta xót
Ai đón ta về, nương náu tâm
Bạn hỡi , nếu như không còn mẹ
Ai khuyên ta sống thẳng trên đời ?
Quê hương là chốn ta còn mẹ
Hơi ấm bên trời , đâu phải quê
Này bạn , nếu như không còn mẹ
Ta sống lạc lòai, phận cút côi
Nâng chén rượu buồn như nước mắt
Hiểu mình , chỉ có Mẹ ta thôi !
Mây trắng sẽ là khăn tang trắng
Ta kẻ mồ côi đội dưới trời
Dâng chén rượu tràn thay nước mắt
Rót gửi càn khôn – tạ lỗi Người
tranhodung
Trần Hồ Dũng .
MẸ
Tranhodung
Này bạn , nếu đang còn có mẹ
Bạn – người hạnh phúc nhất trên đời
Ta xin tặng bạn hoa hồng thắm
gắn lên ngực áo , phía tim mình
Này bạn , nếu vẫn còn có mẹ
Hãy nghe nhịp đập trái tim ta
và nghe nhịp đập trong tim mẹ
hòa cùng một nhịp giữa nhân gian
Từ khi khôn lớn, xa lìa mẹ
Bạn có bao giờ thấy nhớ nhung
Một vòng tay mẹ ,như trời biển
Ôm ấp ta ,từ thuở lọt lòng
Từ khi rời khỏi vòng tay mẹ
Làm cánh chim bằng – mộng biển khơi
Bạn có bao giờ ngồi nhớ lại
tiếng ru hời của mẹ ngày xưa
Mẹ ở quê nhà xa lắc đó
ngày đêm mòn mỏi đợi con về
Vòng tay mở rộng chờ ta ghé
Sao chẳng quay về bên tiếng ru
Nếu như mai mốt không còn mẹ
Ai nhốt dùm ta những nỗi buồn
Ai người xoa dịu lòng ta xót
Ai đón ta về, nương náu tâm
Bạn hỡi , nếu như không còn mẹ
Ai khuyên ta sống thẳng trên đời ?
Quê hương là chốn ta còn mẹ
Hơi ấm bên trời , đâu phải quê
Này bạn , nếu như không còn mẹ
Ta sống lạc lòai, phận cút côi
Nâng chén rượu buồn như nước mắt
Hiểu mình , chỉ có Mẹ ta thôi !
Mây trắng sẽ là khăn tang trắng
Ta kẻ mồ côi đội dưới trời
Dâng chén rượu tràn thay nước mắt
Rót gửi càn khôn – tạ lỗi Người
tranhodung
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)