Bếp lửa
tiểu thuyết
2.
Chiều nay là chiều thứ bảy.
Tôi khởi hành khi ông Chính vắng nhà. Hành lý gồm ba bộ quần áo mặc ngoài, ba bộ lót mình, tài liệu giáo khoa, một vài cuốn tiểu thuyết và thơ ưa thích trong một va ly nhỏ xách tay.
Ra bến xe, tôi qua những phố Tiên Tsin, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Lúc qua ngã tư Hàng Đường, tôi nhìn thấy đám đông ở dưới chợ Đồng Xuân và trên đầu Hàng Đào. Tôi có thể nán lại cho đến chiều chủ nhật nhưng tôi không muốn.
Chuyến xe nhỏ đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó. Hành khách chỉ có bốn người – hai người lái buôn ăn mặc nửa tỉnh nửa quê, và một người chừng có chức nghiệp ở tỉnh nhỏ và tôi. Không có đàn bà. Tôi và người chừng có chức nghiệp chia nhau trả tiền những chỗ trống để xe chạy sớm. Tôi ngồi cạnh người tài xế.
Qua Gia Lâm chuyến xe từ biệt những người bạn đường số 5 của nó, giờ này đã thưa, để chạy vào con đường riêng lẻ loi. Khỏi Cầu Đuống, tôi hoàn toàn ngồi trong sự bỡ ngỡ. Sở dĩ tôi biết được Cầu Đuống không phải vì tôi nhận ra nó mà chỉ vì tôi biết tôi phải qua Cầu Đuống. Cây cầu cũng tẻ nhạt như cảnh xung quanh: đồng ruộng, nhà cửa, chợ búa, rào gai, điếm canh, dòng sông và những người lính gác, những người khám xe, những người bán hàng bên đường. Cây cầu kêu dưới bánh xe với tiếng nước xoáy lạnh dưới chân trong buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã. Người tài xế đã giụi tắt mẩu thuốc lá để rớt những đường khói nhạt trên mặt kính và tàn lên tay lái. Không ai nói với nhau lời nào.
Tôi không nhận ra đâu là Yên Viên, đâu là Phủ Từ. Cảnh quen mắt và không thay đổi: những dãy chợ lá lèo tèo vắng ngắt, những người nhà quê ngồi xổm co ro mặt tái ngoét hai tay thu vào bụng. Thỉnh thoảng một chiếc xe hàng quay mũi vào lớp chợ thấp chờ đợi với sự trống trải yếu ớt. Không hiểu làm cách nào những chiếc xe ấy có thể về kịp thành phố trước khi người ta cấm cầu? Không ai nói một lời nào. Mọi người đều lạ nhau.
Tôi châm lửa đốt thuốc lá.
Chuyến xe đã đến gặp núi. Núi tím lớn làm nhỏ cả thế giới hiện có của chúng tôi. Những khu đồn chiến tranh với nứa nhọn, dây thép gai đứng đấy cho chiếc xe đi vào giữa. Đá xanh nhỏ bắn rào sang hai bên đường. Trên chòi canh, hai con mắt người lính gác tối đen nhìn sang núi.
Chuyến xe dừng lại trạm kiểm soát trước khi vào tình lỵ. Trong trạm người ta đã thắp đèn. Chúng tôi lần lượt trình thẻ căn cước. Ở trong trạm người ta nói chuyện với nhau không to lắm. Xe không chạy thẳng vào phố mà đi vòng quanh những khoảng đường còn bỏ hoang. Bến xe thưa. Hàng quán vắng người, có những gian quán trống. Không còn chuyến xe nào trở về Hà Nội. Chỉ còn vài chiếc đậu đấy bỏ không.
Tôi đứng xuống và xốc lại cổ áo, trước mô đất cao chạy dài như con đê. Trước kia đường xe lửa chạy trên ấy và đây là ga xe lửa. Con đường dốc Cầu Gỗ nhập vào bến xe, tôi không bước lên để nhìn xuống phía bên kia dốc.
Tôi đi bộ về trường. Các cửa hàng bắt đầu đóng. Hè đường là những nhóm binh sĩ tụ tập rong chơi. Điện thì mỏng như cánh chỉ một vài tiệm nước treo đèn măng sông ra trước cửa.
“Thầy là thầy Tâm."
Đó là câu hỏi đầu tiên riêng cho tôi ở buổi chiều nay của ông già gác trường, ngồi trên bực đá dưới mái hiên sâu thẳng cổng vào. Ông mặc một cái áo vét tông đã hỏng vai.
Tôi trả lời:
"Phải."
Ông già đưa tôi vào phòng khách nói:
"Thầy đợi đây, tôi đi mời cha Tân."
Ông bỏ tôi một mình và quên bật đèn.
Cha Tân vào, ông già đứng sau lưng. Cha bật đèn lên và hỏi:
"Chào thầy, thầy đi đường có mệt không?"
Chúng tôi bắt tay nhau và tôi trả lời:
"Cám ơn cha, giời lạnh nên không mệt lắm."
Trong khi đưa tôi về phòng riêng, chúng tôi đi qua dãy hành lang sâu tối om và vang vang trước những lớp học nghỉ ngơi, cha Tân nói:
"Tôi tưởng thầy không sang hôm nay."
Tôi hỏi:
"Tại sao cha lại đoán thế?"
Ông già sách va ly của tôi đi sau.
"Hôm nay chiều thứ bẩy mà", cha Tân cười thành tiếng. "Các thầy ở bên này về chơi Hà Nội cả rồi. Thầy vắng bạn."
"Ồ, thứ hai các thầy ấy phải trở về chứ, thưa cha?’’
"Tất nhiên’’, cha vừa nói vừa làm tiếng chậc chậc trong miệng.
Chúng tôi cùng cười. Gian buồng của tôi ở trên gác. Tôi lại phải đi qua một cái hành lang sâu như ở dưới nữa vì buồng gần cuối dãy. Khi chúng tôi hết nói chuyện, tôi nghe tiếng sột soạt của bộ áo nhà tu bên cạnh và tiếng chân không đều của ông già gác. Những căn phòng đóng chặt cửa.
Đứng lại trước cửa buồng của tôi, cha Tân dùng chìa khoá mở cửa và bảo:
"Đây là buồng của thầy. Thầy cần điều gì cứ hỏi.’’ Cha quay sang ông già gác vẫn xách cái va ly trên tay: "Ông đưa thầy đi rửa mặt nghỉ ngơi để dùng bữa.’’
"Cảm ơn cha.’’
Người tu sĩ bước trở lại vào bóng tối sâu hút với tiếng sột soạt của bộ áo xa dần. Còn hai người, ông già đặt va ly lên một cái ghế và bật đèn. Đó là một căn buồng vuông vắn. Ở một góc kê một cái giường sắt cho một người, một bàn đêm đầu giường, một bàn lớn làm việc giữa buồng với hai cái ghế. Buồng có một cửa sổ đối với cửa ra vào. Trên tường treo một chữ thập lớn bằng gỗ, tượng bạc chạm nổi. Tôi thay quần áo và ông già thu dọn lại giường chiếu. Tôi yêu cầu ông phụ tôi kê lại cái bàn làm việc vào một góc khuất. Ông già không nói gì nữa.
Ông đưa tôi đến phòng rửa mặt ở đầu dãy.
Tôi xuống phòng ăn, một phòng rộng và dài, ở phía trong và cuối sân, nền đất. Gian phòng rất rộng chỉ kê một bàn ăn dài còn trống trải vô cùng. Điện yếu, người ta thắp nến ở một góc bàn. Cha Tân đứng lên tiếp tôi và giới thiệu với mọi người.
"Giới thiệu với các thầy, thầy Tâm giáo sư Việt văn mới của nhà trường.’’
Tôi cúi chào tất cả. Độ gần hai mươi người hầu hết là nhà thầy mặc áo dài đen. Hai người thanh niên còn nhiều vẻ nhà quê đứng hầu bàn. Tôi ngồi bên cạnh cha Tân. Người ta đọc một đoạn kinh trước khi cầm đũa. Gió vi vút thổi từ những phía tối vào. Sau đó tôi mời mọi người. Rất ít tiếng chuyện trò nếu có chỉ đủ vừa hai người nghe với nhau. Cha Tân bảo tôi:
"Có hai thầy ở ngoài như thầy lại về Hà Nội chơi cả.’’
Tôi mỉm cười và không đáp lại.
Sau bữa cơm trời lạnh thêm nhiều. Về phòng tôi đi cùng với một nhà thầy. Cha Tân từ biệt tôi để đi dự khoá lễ buổi tối. Chúng tôi không vào mà đứng tựa lan can ngoài hành lang nhìn xuống sân trường. Ngoài trời tối và gió. Tiếng chuông nhà thờ chụp xuống.
"Anh vẫn còn học chứ?’’ Người bạn mới hỏi.
"Vâng.’’
"Anh có bị gọi động viên không?’’
"Chưa anh ạ.’’
Đứng lâu, ngoài những dãy lớp học đối diện thấp và căn nhà làm phòng ăn, tôi nhận thêm được cây cột cờ ở giữa sân. Từ xa vọng lại những tiếng nổ lớn. Tôi mời người bạn hút thuốc nhưng anh từ chối. Tôi châm lửa, ánh sáng bốc lên một khoảng nhỏ đủ cho tôi nhìn khuôn mặt người đứng gần.
"Ở bên này không được yên phải không anh?’’
"Vâng, anh sẽ gặp những buổi họp lớp vắng tanh vì học sinh phần đông ở các làng chung quanh, những dịp hành quân, họ không thể lên tỉnh được.’’
"Nhưng tâm hồn thì bình yên.’’ Tôi nói.
Có lẽ người bạn hơi ngạc nhiên vì câu nói. Anh ta ngước trông về phía nhà thờ. Những tiếng nổ gần thêm và rung động mạnh.
"Anh đi tìm sự bình yên của tâm hồn. Anh mất lòng tin rồi hay sao?’’
Người bạn nhầm tôi là người Công giáo. Tôi không trả lời.
Chúng tôi chia tay vào phòng trong khi tiếng nổ liên tiếp dữ dội hơn. Người bạn đứng lại ở cửa buồng nói:
"Đã có lần trường bị moóc-chê đấy!’’
Tôi mỉm cười, đốt tiếp điếu thuốc nữa. Tôi đọc sách đến khuya, súng vẫn không ngớt.
Nửa tháng đi qua. Tôi làm việc ba giờ mỗi ngày về buổi sáng. Buổi chiều là giờ soạn bài hoặc chấm bài hoặc đọc sách. Buổi tối là cái hành lang sâu hút và nền trời đen thẫm. Ngoài cha Tân, người bạn độc nhất của tôi là Nhiên - nhà thầy tôi quen hôm mới đến. Trường không nhận nữ sinh, tôi không liên lạc với ngoài đường và rất ít xuống dưới ngoài hai bữa ăn, ngại phải đi qua những phòng học trống. Mỗi buổi trưa ông già gác gõ cửa trao cho tôi tờ báo hằng ngày.
Trưa nay tôi tỉnh giấc, nghe tiếng chân lạ đi ở ngoài và tiếng nói vang chạy. Tiếng gõ cửa của ông già gác và ông mang lại cho tôi Đại. Chúng tôi bắt tay nhau và Đại ngồi xuống ghế. Tôi hỏi ông già:
“Hôm nay chưa có báo hả ông?”
Ông già:
“Không thấy xe thường ngày đi qua, chắc xảy ra chuyện gì. Thầy đợi tôi ra phố mua vậy.”
Ông già ra khuất, tôi hỏi Đại:
“Hà Nội không có gì lạ chứ?”
Đại lấy trong túi áo ra đưa cho tôi một xấp thư nói:
“Đây là thư của cậu. Tôi đã bị đuổi nhà và xuống ở nhà cậu được mấy hôm nay. Không thấy cậu về ông Chính bảo tôi sang chơi thăm.”
Tôi cầm xấp thư, cả thảy năm cái: hai cái của Francoise, một của Bình, một của Hoà, và một cái thư lạ. Tôi để cả vào túi áo hỏi:
“Ông Chính vẫn mạnh?”
Đại gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
“Còn chuyện của cậu ra sao?”
“Dạo này bố ráp nhiều. Nhưng sang đây không bị khám xét gắt gao lắm. Cũng dễ chịu đấy nhỉ?”
Đại đi dạo quanh quan sát căn buồng.
Tôi thay quần áo rồi bảo:
“Chúng ta xuống phố.”
Phố chỉ là một con đường chạy qua cửa trường nhà thờ nối trạm kiểm soát đầu tỉnh và chợ. Chúng tôi sang bến xe vào một cái quán giữa sự nhộn nhịp. Chúng tôi ngồi xuống ghế dài trước một cái bàn gỗ thấp có ống đũa, ngọn đèn dầu, bình điếu thuốc lào. Hai người phu xe, một trẻ một già, bàn cãi về vụ nổ mìn buổi sáng. Tôi nhìn ra ngoài bến. Từ một chiếc xe hàng sắp chạy một người thanh niên nhảy xuống đi hấp tấp về phía chúng tôi ngồi gọi:
“Anh Tâm, anh Tâm.”
Hắn có khuôn mặt vuông và miệng rộng, áo len đỏ cũ và áo Blouson ka ki. Hắn nắm lấy cánh tay tôi hỏi:
“Anh Tâm, anh còn nhớ tôi không? Long đây. Long lớp nhất trường núi.”
Tôi ngồi dịch một khoảng ghế nói:
“Có tôi nhớ rồi. Anh ngồi xuống đây.” Tôi chỉ Đại, “anh Đại bạn tôi.”
Long ngượng nghịu vì người thứ ba. Nhưng Long lại quên đi và nói:
“Xe gần chạy thoáng thấy anh tôi nhớ ngay. Chúng tôi đã về Đáp Cầu rồi. Tôi về với gia đình cô Mùi tôi. Hôm nào anh lên chơi. Anh làm gì bên này?”
Tôi đáp:
“Tôi dạy học ở trường gần đây.”
“Hôm nào anh lên chơi. Nhà chúng tôi vẫn ở chỗ cũ.”
Tôi hỏi:
“Không bị phá huỷ hay sao?”
Long cười:
“Có chứ. Nhưng chúng tôi dựng tạm nhà trên nền cũ. Tan hoang hết cả. Anh lên sẽ biết. Nhiều sự thay đổi lắm."
Long nháy mắt coi như sự thân mật đã tìm thấy giữa chúng tôi. Tôi hỏi:
"Bây giờ anh đi đâu?"
"Tôi sang Hà Nội. Anh ở đâu hôm nào tôi đón anh đi cho anh đỡ lạ."
Tôi cho Long biết chỗ ở của tôi và Long bắt tay từ biệt. Khi Long Khuất, tôi nói với Đại:
“Bạn thân lắm thuở nhỏ. Ngày đi khỏi Đáp Cầu hắn gói kỷ niệm cho mình ba mươi đồng xu chì và đồng.’’
Đại không nói chỉ mỉm cười. Hắn quàng cái khăn do Thanh mua. Tôi bỗng nói:
“Tôi cần nhờ cậu một việc.’’
Tôi lấy giấy bút viết cho Thanh một cái thư ngắn trong ấy tôi khuyên Thanh nên nhận lời lấy Chu. Tôi trao mảnh giấy cho Đại và bảo:
“Cậu đưa hộ tôi mảnh giấy này cho cô Thanh, địa chỉ tôi biên ở trong ấy. Có thể cậu cho nó vào phong bì kín hộ.”
Đại cầm cất vào ví, xong rồi nói:
“Tôi định bàn với cậu là tôi ra ngoài.”
Tôi trả tiền người bán hàng và bảo Đại:
“Chúng ta ra ngoài kia.”
Trời không một ngọn cây. Những chiếc xe hàng thô lỗ quay đi quay lại ngang lối đi. Được một quãng ngắn tôi hỏi:
“Bao giờ thì khởi hành?”
“Tôi đã bắt được liên lạc. Chỗ đến là Phú Thọ.”
"Nhưng cậu hẳn biết tôi không đồng ý kiến với cậu. Nhưng tôi không thể phản đối cũng như khuyên cậu điều gì cả. Ở lại đây ư? Để làm gì mới được? Bằng chứng là tôi cũng không giải quyết nổi cho tôi. Còn đi? Nhưng cũng để làm gì mới được?’’
“Hẳn phải có việc để mà làm. Tất cả những người ở bên kia, người ta không biết người ta đang làm gì hay sao?’’
Chúng tôi đi qua một miếng đất hoang.
“Tôi biết như thế: cậu sẽ đi. Cái chua xót là tất cả chúng ta đều thành thật, thành thật đến cái độ có thể chết. Tôi cũng mong cậu làm được điều gì ở đấy như tôi mong tôi sẽ làm được điều gì ở đây.”
Chúng tôi quay trở lại bến xe và đi qua miếng đất hoang. Đại nói:
“Tôi không thể tưởng được cậu có thể tìm thấy lòng tin ở một chỗ vô lý đến như thế. Tin rằng mình làm được cái gì ở đây, tôi nhất định không thể được, đừng vì cá nhân mình.”
“Cậu vẫn còn nghĩ rằng chỉ vì cá nhân thôi ư? Có lẽ tôi hiểu cậu hơn cậu hiểu tôi.”
Chúng tôi về đến bến xe. Một người đón mời chúng tôi. Đại bắt tay tôi nói:
“Tôi về Hà Nội.”
Đại lên xe và tôi về trường, lên buồng riêng đọc thư. Francoise cho tôi hay gia đình nàng đã lên Ba Lê. Nàng trách tôi lười viết, khen tôi có nhiều nhận xét thú vị về chiến tranh. Nàng đã đi học và gặp nhiều bạn sinh viên Việt Nam. Nàng đang ở trong thời gian dự bị vào Đảng Cộng sản. Nàng kể những buổi sinh hoạt tiểu tổ, những buổi đi bán báo Humanité ở trước cửa nhà thờ Thánh Tâm sáng chủ nhật – và nàng nói hôn tôi mỗi cuối thư.
Bình và Hoà đều ở Nam Việt. Bình ở Sài Gòn. Anh cho tôi biết về tình hình chính trị ở thủ đô miền Nam. Anh bảo tôi có thể vào Sài Gòn với một chỗ làm trong hãng anh chủ trương. Nếu cần tôi chỉ việc đánh điện tín, anh sẽ gửi tiền vận chuyển ra cho tôi. Hoà ở Thủ Dầu Một. Anh dạy học tại nhà một chủ đồn điền cao su người Pháp. Anh tả cảnh thành phố này, đời sống ở đồn điền và đời sống của anh. Anh đang dự định viết một cuốn tiểu thuyết và anh gửi cho tôi một bài thơ “nhớ Hà Nội”.
Còn một bức thư là của một học sinh cũ.
Bức thư gửi qua trường ở Hà Nội. Hắn hỏi thăm sức khoẻ tôi, tình hình sinh hoạt của tôi và cuối cùng nhờ tôi giải quyết vấn đề sinh kế cho hắn có thể tiếp tục sự học.
3.
Tôi về thăm nơi đã sống những năm mồ côi đầu tiên thuở nhỏ. Mẹ tôi buôn bán xa và tôi ở với bà ngoại. Những đồng trinh để mua những bát bánh đúc nóng, kê, xôi lúa, bánh khúc, quà sáng, đều do bà tôi chu cấp. Ở đây có những nghĩa địa, ao chuôm, bến sông, đường lên núi, giếng nước, cánh đồng, kè đá… để bắt dế câu cá, đi đồng, leo trèo, vùng vẫy.
Tôi bảo Long:
“Tôi nhìn những con đường hẹp hơn ngày trước.”
Long chỉ tay vào giải thích:
“Nhà cửa đổ xuống, không ai cất dọn. Cỏ hoang mọc lan tràn với lại mắt mình lớn lên chứ.”
Chúng tôi theo một con đường mòn - trước kia là đường lớn - ra phía bờ sông. Đi đến một nơi đường nhiều đá và rộng ra nhưng không có nhà cửa, tôi hỏi bạn:
“Đây là phố Chi Ly chợ gạo?”
“Phải. Anh nhớ lâu nhỉ?”
“Dân Chi Ly ai mà không nhớ, du côn khét tiếng.”
Chúng tôi cất tiếng cười. Long hỏi:
“Còn nhớ những trận đánh nhau?”
Tôi gật đầu.
Bờ sông là khu đất nhà binh. Người ta biến nó thành sân bay cho phi cơ quân sự. Bến sông không người tắm. Tôi hỏi:
“Không còn đường lên núi sao?”
Long kéo tay.
“Đi đường này.”
Chúng tôi bước trên những đống gạch vụn bên cạnh những mảnh tường đổ dở, thấp cao. Qua một chỗ có những người kéo nước tôi hỏi:
“Xóm Giếng?”
“Đúng.”
Tôi nhìn xuống lòng giếng thật rộng nước vẫn trong trông được những gạch sỏi. Qua một căn nhà, cổng gỗ thấp cánh mở cánh đóng, Long nói:
“Đây là nhà Phú, thầy Phú ngồi trong kia kìa. Nhớ Phú không?”
Tôi thấy một ông già che mắt bằng miếng vải đen đang hút thuốc lào.
Chúng tôi ra khỏi con đường đổ nát đứng trên dốc. Long bảo:
“Không lên được chùa Núi.”
Một đồn binh đóng trên đỉnh núi. Gió thổi từ cao xuống. Dưới chân dốc là nhà bà Mùi, bên cạnh là đống gạch vụn lớn. Cỏ rậm hai bờ dốc. Long chỉ tay:
“Trường mình học quá trên kia.”
Theo tay trỏ, tôi thấy một lớp nhà vàng nhạt.
Long lại nói:
“Tôi đi lấy máy ảnh chụp mấy cái làm kỷ niệm.”
Chúng tôi xuống nhà bà Mùi. Bà mở cửa hàng bún riêu. Chị Mùi con gái lớn goá chồng. Chị đang tình tiền trên cuốn sổ tay nhỏ. Thấy tôi chị nói:
“Cậu Long đã đưa cậu Tâm đi hết chưa?”
Tôi nói:
“Chị bán hết nồi bún rồi chứ?”
Long dẫn tôi đi về phía sau, để sang nhà Long. Bà Mùi đang lúi húi trong bếp quay lại bảo:
“Hai anh em chốc quay về đây ăn cơm nhé.”
Long đáp:
“Vâng.”
Long lấy máy ảnh và hai chúng tôi đi ra một căn nhà đổ. Tôi đứng lên trên đống gạch vụn, sau lưng là bức tường còn những hàng khẩu hiệu tuyên truyền từ năm mới nổi cách mạng. Chụp xong hai kiểu, Long hỏi tôi:
“Anh còn nhớ đây là nhà ai không?”
Tôi đáp:
“Không.”
“Nhà Hạnh đây. Hạnh hàng vàng mà ngày xưa chúng mình trêu để nó về mách nhà cho ấy.”
Tôi kêu lên:
“A - Hạnh. Hạnh về đây chưa?”
Long cười xoà nói:
“Hạnh bây giờ buồn lắm. Gia đình sa sút và goá chồng. Hạnh đi chợ đường Hà Nội. Anh gặp sẽ không nhận ra đâu. Bây giờ Hạnh không còn đẹp như xưa. Hôm nào đám cưới tôi, anh sẽ gặp Hạnh.”
Trên đường về tôi nhắc lại kỷ niệm lúc chúng tôi còn đi học. Về đến nhà, cơm đã dọn. Bà Mùi nấu món tôi ưa thích thuở bé: canh riêu. Chị Mùi hái ở vườn những quả ớt tươi lớn, ăn chảy nước mắt.
Tôi không trở về Bắc Ninh và ngủ lại. Đĩa đèn dầu thắp lên, chúng tôi ngồi quanh trên phản nhắc lại chuyện cũ giữa những gia đình chúng tôi. Tôi ngủ với Long ở gian buồng ngày trước của gia đình tôi – gian buồng độc nhất may mắn còn nguyên vẹn – Chúng tôi đắp chung chăn và tôi ngủ giấc say đến sáng.
Những cái bàn dài nối liền dọc theo sân là chỗ tụ họp của đàn ông. Đàn bà con gái ở trong bếp và trong buồng cưới: đó là một buồng nhỏ cạnh bếp. Các cụ ngồi trên phản giữa nhà. Những người đàn ông nói chuyện, uống nước cam chai và hút thuốc lào. Trong bếp người ta thái từng rổ thịt lợn luộc.
Thấy tôi đến chị Mùi vẫy tay vào buồng cưới có Long ở trong ấy. Chị bảo:
“Cậu Tâm đi phù rể đấy nhé.”
Tôi từ chối:
“Không được quen biết lắm, đi không tiện.”
Long xen vào:
"Anh cứ đi không sao. Hạnh là phù dâu đấy."
Chị Mùi tiếp:
“Cậu đi rồi về đây tôi giới thiệu lại cho."
Một người đàn ông ngó vào buồng và gọi chị Mùi ra ngoài. Long nói:
“Đấy là anh Hoà. Định hỏi chị Mùi, cũng ở Hà Nội sang.’’
Và Long chỉ những người ngồi ngoài sân hỏi:
“Anh còn nhớ được ai không?’’
Tôi lắc đầu. Long bảo:
“Bạn học cũ cả.’’
Bà Mùi gọi Long để dặn điều gì. Tôi ngồi lại một mình trong buồng. Giường trải nệm có đôi gối thêu lớn màu hồng, màn trắng nhưng không mới. Ở một góc là cái bà mộc có ấm nước khay tách và đĩa trầu.
Tôi đi xuống sân và chưa biết ngồi vào chỗ nào thì Hoà lại gần hỏi chuyện. Chúng tôi theo ngã sau ra đồng. Thỉnh thoảng một giọt nước lớn bay đập vào mặt. Không hiểu sao, Hoà lại khoe với tôi là hắn làm việc cho Phòng nhì Pháp và có thế lực. Tôi cũng hỏi cho qua những công việc hắn làm.
Tuy thế khi đón dâu tôi cũng đi bên cạnh Hoà. Trước tôi, Long đi giữa hai người cùng mặc bồ đồ xám gần giống nhau. Bộ của chú rể màu nâu. Đám cưới đi chân trên đường chính của thị trấn Đáp Cầu, một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh, một bên là nhà cửa đổ nát ít dấu hiệu của sự sống, ngoài những đứa trẻ nghèo nàn chạy theo trông. Người ta rẽ vào một đống gạch vụn cao, vòng ra sau lưng một bức tường chưa đổ hết, và bước vào gian nhà tối. chúng tôi phải dừng lại ở ngưỡng cửa vì trong nhà đông người. Ánh sáng của nến chập chờn. Có tiếng hỏi:
“Chú rể đâu?’’
Ở trên rẽ ra một lối để cho Long và hai người phù rể vào. Tôi và Hoà còn lại ở ngoài. Tôi ra khỏi bức tường để đỡ cảm giác bịt bùng. Không khí no hơi nước và nặng nề. Trước mắt tôi là núi. Mười lăm phút sau, đám cưới trở về. Vẫn cụ già mặc áo thụng xanh cầm hương đi đầu. Rồi đến chúng tôi, chú rể và những người phù rể. Hai họ đi liền và cuối cùng là cô dâu và những người phù dâu. Ở nhà gái ra, mặt Long đỏ như vừa uống rượu.
Ở nhà cỗ bàn dọn sẵn sàng. Bà Mùi và người con gái lớn đại diện cho bố mẹ Long chưa hồi cư mời khách ngồi vào mâm. Thứ bậc tuổi tác được định rõ rệt. Cô dâu và các bạn vào buồng cưới đã được che ở cửa một tấm vải hoa. Long bận mời các cụ cầm đũa ở trên nhà. Chị Mùi lại gần chỗ tôi và Hoà đứng hỏi tôi:
“Cậu đã trông thấy mặt cô Hạnh chưa?’’
Tôi trả lời:
“Chưa.’’
Lúc ấy những người đàn ông yêu cầu cô dâu chú rể ra mừng rượu. Một người nói to:
“Yêu cầu mời cả các cô phù dâu ngồi chung bàn.’’
Long nói:
“Phải từ từ mời được.”
“Mình chú rể nói không nghe. Phải có đôi, có tuyên bố lý do đây mới ăn.”
Tất cả những người đàn ông ngồi quanh bàn kêu lên: Đồng ý. Và họ cười ầm ỹ.
Chú rể đi vào buồng rồi quay lại trả lời:
“Xin phép cho cô dâu bị mệt.”
“Không được. Chưa uống rượu chưa mệt.”
Một người khác lên tiếng:
“Thôi nếu cô dâu mệt thì các cô phù dâu thay cũng được.”
Chú rể lại trở vào buồng rồi đi lên nhà trên. Chị Mùi nói:
“Tôi phải vào mời các cô ấy.”
Chị Mùi cầm tay một người con gái đi ra gặp tôi. Chị hỏi:
“Cậu nhớ ai không?”
“Cô Hạnh.”
Hạnh có vẻ ngạc nhiên. Chị Mùi nói:
“Cậu Tâm trước cùng học một trường với cô. Sau cậu ấy vào Sài Gòn.”
Hạnh búi tóc và mặc áo tím. Trông Hạnh buồn và xanh. Tôi nói:
“Lâu quá cô không nhớ được nhỉ?”
Hạnh hơi mỉm cười nói khẽ:
“Cũng có nhớ.”
Chị Mùi vào bếp. Tôi định mời Hạnh ra sau nói chuyện thì Long xuống. Long bảo:
“Đây là cô Hạnh, đây là anh Tâm. Cô nhớ không? Anh Tâm nghịch có tiếng dạo ấy.”
Tôi cười trả lời:
"Dễ còn anh thì hiền lành lắm.’’
Long cười và bỏ đi. Một cô phù dâu đến gọi Hạnh:
“Chị ra ăn cỗ còn về chứ.’’
Hạnh chào tôi và tôi cũng về bàn.
Buổi chiều tôi đi bộ từ Đáp Cầu về trường vì không còn xe. Tôi qua chợ Thị Cầu, sân đá bóng. Từ sân đá bóng về đầu tỉnh, đường lồi lõm, cây cối trơ trụi. Ở đầu tỉnh một công an viên giữ tôi lại để xét giấy tờ và đưa tôi về tận trường. Khoảng đó hơn bẩy giờ tối. Nhà trường vừa xong bữa cơm chiều. Đại sang và để giấy lại trong đó nói Thanh cần gặp mặt tôi ở Hà Nội.
15/6/11
Thanh Tâm Tuyền - Bếp lửa (1)
Thanh Tâm Tuyền
Bếp lửa
tiểu thuyết
Tặng Vũ Đạo Ánh
Tựa
Lần in thứ tư (1973)
Malraux có viết: “Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết.”
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một Bếp lửa khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn được viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bảy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầy tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng.
Được viết một hơi - khoảng đâu hai ba tháng - được in ngay sau khi viết - không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại -, quyển Bếp lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre, nhưng khi đưa in tôi đã xoá bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán “son”. Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương cả hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực.
Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi dòng nhưng bây giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi. [1]
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định để là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3-73
Thanh Tâm Tuyền
*
Tựa
Lần in thứ hai (1965)
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình dáng này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết, Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng “biến cải thế giới”, đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng “thay đổi cuộc đời”, đọc Dostoievski tìm thấy thái độ “tất cả hay không có gì hết” đọc Gide tìm thấy “đời sống thành khẩn trung thực”, đọc Malraux tìm thấy cái hào quang của trí tuệ đối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy “cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn”. Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối văn mình theo mỗi cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn ngoài một lựa chọn - khó khăn và buồn tủi -: trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu huỷ không thể hoàn thành những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người - một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh - về vai trò của nhà văn - của thứ tiếng nói hoàn toàn vang động và làm biến dạng đựơc sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía.
Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc lựa chọn gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.
Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 9 năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngực năm mới ngoài ba mươi tuổi. Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng như mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời sẫm màu, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát của tuổi trẻ như một Thiên đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như kẻ bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Sài Gòn buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới mấy đứa bạn, hắn đã chạy cuống trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách để tặng tao? Cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ với mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao? Đã lâu hắn không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?
Hắn chết gục nên một gốc cây mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, ngoẹo sang một bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh - Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.
Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống sót. Chúng muốn gì?
Những nhà phê bình ở Hà Nội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ, họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hà Nội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử với cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sài Gòn, 1965
Thanh Tâm Tuyền
*
1.
Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng. Thanh là em họ tôi.
Bên trong cửa hiệu những cô gái chăm chú vào công việc của họ. Thanh bỏ cuộn len hồng xuống phản đón tôi. Nàng cười:
“Em đang có ý muốn gặp anh lắm.”
Tôi gật đầu. Người con gái đứng tuổi ngồi ở máy ngước mắt nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Có lẽ cô là người điển khiển cửa hiệu. Tôi lễ phép chào cô, lần thứ nhất tôi đến đây. Tôi bảo Thanh:
“Thế nào cô đã giúp anh việc anh nhờ chưa?”
“Sẵn sàng rồi ạ. Anh đợi em một tý.”
Thanh quay vào trong tìm kiếm. Trong khi ấy tôi ngắm những tủ kính sáng bầy vải vóc, len sợi, những chiếc áo dài, áo len đã hoàn thành. Tôi nhìn những ngón tay thoăn thoắt với mũi đan và tấm vải dạ trải dưới những mái cúi. Người con gái đứng tuổi ở bàn máy lên tiếng:
“Mời ông ngồi chơi.”
Tôi hơi nhích người đáp lễ:
“Cám ơn cô.”
Và tôi vẫn đứng nguyên cạnh quầy hàng. Thanh đưa cho tôi một gói giấy báo và mở ra nói:
“Chỉ mới có khăn quàng thôi, áo thì em chưa tìm được cái nào vừa ý cả.”
Tôi không nhìn đến màu của cái khăn và gói gọn lại.
“Cám ơn cô lắm. Áo thì cô mua sau hộ anh cũng được.”
Tôi vừa định trở gót.
“Anh chờ em, em có câu chuyện muốn nói với anh – Thanh quay nói với người con gái đứng tuổi ngồi ở máy - Chị Nga em ra ngoài một lát chị nhé.”
Nga tươi cười dễ dãi và tôi cúi chào nàng nói khẽ: “Xin phép cô.”
Ra đến ngoài hè, tôi hỏi:
“Minh đã đi học rồi chứ. Có chuyện gì quan trọng lắm không cô?”
Thanh không trả lời vào câu hỏi của tôi:
“Anh nên mời em uống một cái gì cho ấm bụng.”
“Cô phải để anh kiểm lại ngân sách cái đã.”
Tôi cười và lúc này gió nhiều ở chùm cây trên đầu.
“Anh làm như anh nghèo lắm ấy.”
“Cũng tạm thôi.”
Thanh đưa tôi vào tiệm trà đầu phố. Tôi gọi cho tôi một cốc cà phê nóng và Thanh một cốc sữa. Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa. Trong tiệm nước chỉ có hai chúng tôi. Thanh choàng cái khăn đỏ mỏng suốt làm má đỏ hồng. Tôi nhớ vừa rồi đi cạnh tôi trên vỉa hè nhiều lá vàng lăn chạy, Thanh rất đẹp. Nàng đang đưa ngón tay vạch trên thành cốc.
“Cô có biết là cô nổi danh rồi không?”
“Ai bảo anh thế?
“Tôi bắt đầu phải nghe cô.”
“Hân hạnh.”
Thanh hát trên đài vô tuyến được vài tháng nay. Giọng nàng ấm và buồn. Lúc thường tính tình Thanh vui vẻ đua nghịch bao nhiêu thì lúc hát giọng Thanh ướt nước mắt bấy nhiêu. Tôi không ưa âm nhạc mà nghe Thanh hát cũng cảm động. Thanh mồ côi cha mẹ và còn em gái là Minh. Hai chị em đùm bọc nhau từ ngày hồi cư bằng nghề đan may của Thanh. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, dây thân thích giữa chúng tôi không đáng kể. Có lẽ Thanh cũng cảm thấy điều ấy ở tôi và sẵn sàng thuận ý nếu tôi ngỏ lời – Thanh thì không dám bộc lộ trước vì đối với tôi sự kính nể của nàng rất to lớn. Nhưng tôi chưa bao giờ nói ý nghĩ của tôi cả.
“Anh Tâm”, Thanh ngừng một chút và ngón tay đứng lại trên mặt bàn. “Hiền hỏi thăm anh…”
Tôi biết đây không phải là câu Thanh định nói với tôi, tôi tuy thế cũng gật đầu để làm vừa lòng nàng. Hiền là người yêu cũ của tôi.
“Hiền vẫn mạnh khoẻ chứ? Bao giờ thì chia trầu cau.” Tôi hỏi gỡ rối cho Thanh.
“Hiền còn đợi anh.”
“Cô không nịnh anh cô đấy chứ?”
Thanh nhìn tôi trách móc cho tôi đùa quá đáng bởi vì tôi cười hơi lớn. Thanh lại im lặng và tôi nhìn vào cái khăn đỏ suốt để đừng phải nghĩ về Hiền. Một lát Thanh hỏi:
“Anh quen thân với anh Chu phải không anh?”
Tôi hơi ngạc nhiên những câu trả lời:
“Có lẽ.”
Thanh tỏ ý không hiểu câu trả lời. Năm 45, ngày tiếng súng nổ ở Nam Bộ, Chu và tôi là đôi bạn thân cùng đi từ Nam ra Bắc. Cuộc hành trình của chúng tôi bằng xe lửa cho tới Đà Nẵng và thuyền Đà Nẵng trở ra. Chính trong không khí vừa vui mừng vừa Hà Nội và cũng ở Hà Nội tôi và Hiền yêu nhau một năm trước ngày kháng chiến. Mối tình của chúng tôi càng tha thiết đằm thắm gắn bó khi không khí chiến tranh, chết chóc tàn phá cũng mãnh liệt. Lần gặp gỡ đầu vào một đêm tối ở một đại lộ vắng. Trời không lạnh lắm. Không bao giờ tôi quên được người ta giết nhau trứơc mắt chúng tôi lúc đó. Trong đêm tối một tiếng la thất thanh rồi hai người bỏ chạy. Tôi không kịp cảm, suy nghĩ gì hết. Hiền run như một con chim nhỏ trong cánh tay tôi. Chúng tôi ôm nhau đứng đấy cho đến khi hồi tỉnh và lặng lẽ rẽ sang phố khác. Người chết vẫn nằm kia. Về Hà Nội trở lại, tôi không thể yêu Hiền được nữa, mặc dù Hiền không quên tôi.
“Thế nghĩa là thế nào?”
“Nghĩa là trước là thân mà bây giờ thì thôi.”
“Cô không phải là đàn ông. Hôm nay người ta có thể thân nhau lắm mà ngày mai đã hững hờ rồi, vì nhiều nguyên cớ mà cũng có thể chẳng có nguyên cớ nào hết. Rồi người ta lại có những người thân khác, thân khác nữa, ở mỗi ngày, mỗi năm, mỗi giai đoạn của cuộc sống.”
Thanh đã trở lại ngoan ngoãn. Nàng nhìn tôi đôi mắt phục tùng. Tôi hỏi:
“Nhưng tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?”
Thanh không trả lời ngay và có vẻ đăm chiêu. Chu bây giờ làm một hãng buôn ngoại quốc. Tôi chỉ gặp Chu một lần từ ngày hồi cư. Câu nói đùa của tôi với Chu là:
“Cậu thôi nghiên cứu vấn đề khủng hoảng kinh tế rồi ư?”
Chu thật thà đáp:
“Chuyện viển vông chẳng ích lợi gì cả.”
Tôi lại hỏi Thanh”
“Tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?’
“Cô Nghĩa bảo Chu muốn đánh tiếng hỏi em.”
“Nếu thế Chu là một người chồng tốt.”
“Cô nghĩ thế nào về chuyện ấy.”
“Em muốn hỏi ý kiến anh.”
“Cô hoàn toàn tự do.”
Thanh trông thẳng vào mắt tôi, giọng buồn như lúc nàng hát:
“Chúng em cũng chỉ còn anh gọi là thân, bởi thế em muốn được ý kiến anh về câu chuyện quan trọng này.”
Tôi nghiêm nét mặt:
“Cô cũng biết là tôi cũng chỉ có cô và Minh là thân thuộc…”
Tôi uống nốt cặn cà phê và im. Rồi tôi nói sau một lúc lâu:
“Cô để cho tôi suy nghĩ, trả lời cô sau.”
Nói thế, nhưng tôi không biết tôi sẽ suy nghĩ về cái gì.
Khi đứng lên, Thanh nhắc:
“Anh cầm gói khăn quàng chưa?”
Tôi đưa Thanh về đến cửa hiệu và đi xe điện xuống chợ Hôm thăm Đại. từ chỗ đỗ xe điện, tôi đi bộ qua một phố không trải nhựa rồi lên những viên đá xanh, đến phố Lò Đúc.
Căn nhà gác ba từng quét vôi đã đỏ uá, già nua. Qua một cái sân nhớp nước, tôi leo lên cầu thang ẩm mốc hôi hám. Gian buồng của Đại ở từng ba là gian buồng chứa vật dụng cũ bỏ không cho thuê với giá ba trăn đồng. Buồng kê vừa gọn một cái giường và cái bàn gỗ không có ghế thừa đủ một chỗ trống để bước vào trèo lên giường. Ngoài căn buồng là khoảng sân trời có những dây thép giăng ngang làm nơi phơi quần áo của những gia đình ở từng gác hai. Hôm nay trời nhiều hơi nước nên sân quang đãng.
Đại ngồi co ro ở một góc phản đọc sách. Còn một người thanh niên nữa ngồi học trước bàn. Tôi nói:
“Tôi mang xuống cho cậu cái khăn quàng.”
Đại mở gói: đó là một cái khăn dạ màu xám. Tôi tiếp lời:
“Để dùng lúc nào ra ngoài thôi, ở đây đóng cửa lại thì ấm chán.”
Đại cười chỉ lên chỗ những miếng trống hình chữ nhật dẹp cao hai bên giường:
“Anh đừng tưởng tượng, lạnh ghê lắm nhé. Gió hút, tôi phải hy sinh ánh sáng, dán giấy bít, mà gió còn thổi rách như thường.”
Chúng tôi bước ra sân. Người thanh niên vẫn chăm chú làm việc không để ý đến sự có mặt của tôi. Đại cầm ở tay cuốn Crime et châtiment. Tôi hỏi:
“Cậu đến trường luôn không?’’
“Không.’’
“Làm gì ở nhà?’’
“Đọc sách và suy nghĩ.’’
“Suy nghĩ về phép giết người chăng?’’, tôi nói đùa.
Đai không đáp. Chúng tôi đứng nhìn xuống khu xóm lao động phía dưới. Đại bỗng nói:
“Nó đến trường tìm mình dữ lắm.’’
“Cậu quyết định thế nào?’’
Đại trầm ngâm một phút:
“Chưa.’’
Đại là sinh viên khoa học, đã qua được chứng chỉ căn bản. Hắn bị gọi động viên và đang trốn.
“Nghĩ gì về Dostoievski?’’ Tôi hỏi.
“Bệnh.’’
Tôi không ưa lối nói cụt lủn của Đại. Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản. Những căn nhà thấp đã bốc khói. Không khí ấm hơn. Tôi nhìn bâng quơ những ngọn cây.
“Còn cậu có gì thay đổi không?’’ Hắn hỏi tay lật tiếp mấy trang sách.
“Chiều mai tôi sang Bắc Ninh.’’
Tôi chợt nhớ đến lời hứa với Thanh sẽ cho Thanh biết ý kiến mình về việc của Chu và nàng. Nhưng tôi không cho là quan trọng, Thanh sẽ quyết định theo ý riêng của nàng.
“Tại sao lại bỏ Hà Nội?’’
“Tôi chán đây rồi. Sang bên ấy ở ẩn cho qua ngày.’’
“Có chắc ẩn được hay không?’’
“Không biết. Nhưng chắc được, ở ngay trong trường với các linh mục. Bên này nó nghi ngờ những liên lạc và hành vi của mình quá rồi.’’
“Những liên lạc hành vi nào?’’ Đại hỏi ngạc nhiên.
“Một vài chỗ quen biết hoạt động nội thành, một vài chỗ các đảng phái khác, thư từ, sách đọc, công việc cũng đủ làm nó khó chịu, còn gì hơn.’’
Tôi ngồi trên bực gạch. Đại trông thẳng mặt tôi nghiêm trang. Hắn móc túi đưa cho tôi một lá thư.
“Thư của người bạn ở chiến khu Trình Minh Thế.’’
Tôi nhìn qua rồi trao trả cho Đại. Hắn vừa cất lá thư vừa nói:
“Tôi nghĩ rằng cho đến bây giờ không thể đi khác hơn được. Nó còn đúng. Mình còn phải nhắm mắt nhận lấy thân phận của giai cấp mình.’’
Nó - Đại muốn nói về chủ nghĩa cộng sản. Tôi cầm lên cuốn sách của Đại để sang bên và trông vào tấm hình. Tôi nói:
“Tôi cũng nghĩ như thế nhưng tôi lại muốn nghĩ thêm chút nữa. Tôi không nghĩ đến thân phận giai cấp mình, tôi muốn nghĩ đến thân phận giai cấp khác, thân phận ngay chính giai cấp vô sản ấy.’’
“Làm thế nào được khi đế quốc còn đủ nanh vuốt. Tôi không tin lực lượng thứ ba.’’
Câu chuyện ngừng ở đấy như thường lệ. Chúng tôi gặp nhau vì cùng ham thích nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít. Trong khi trở vào buồng. Đại bảo:
“Tôi đang bị đuổi nhà.’’
Người thanh niên vẫn làm việc đều đặn.
Tôi nói:
“Tiện cậu xuống nhà tôi.’’
“Cậu vắng nhà?’’
“Không sao. Ông Chính dễ dãi.’’
Và tôi ra về. Đại đưa tôi xuống tận dưới đường và hình như còn điều gì muốn nói.
Ông Chính không về nhà buổi trưa. Tôi ở thư viện buổi chiều. Mưa bụi suốt. Chưa đến sáu giờ trời đã sập xuống. Tôi rời thư viện khi những ngọn đèn treo được bật soi trên các mặt bàn gỗ dài phẳng nhẵn và lò sưởi sắt dưới chân các cột được đốt lên. Tôi gặp ông Chính ở phố Hàng Trống nhưng chúng tôi làm như không nhận ra nhau dù hai người đã đi ngược chiều trên cùng một bờ hè. Tôi kéo cao cổ áo choàng và nhìn sang phái bên hồ.
Tôi về nhà bẩy giờ, ông Chính vẫn vắng mặt. Tôi đợi ông đến quá bẩy giờ rưỡi. Người thổi cơm ở chung nhà mang cơm sang và hỏi:
“Cụ chưa về thưa ông?’’
“Có lẽ cụ tôi không về ăn bữa nay.’’
Tôi ngồi ăn mỗi mình. Chín giờ ông Chính về. Tôi nghe được tiếng chân ông từ ngoài ngõ. Tôi đã đi nằm vì buổi trưa không ngủ và tinh thần căng thẳng sau mấy tiếng đồng hồ vùi đầu trong thư viện. Ông Chính thay quần áo, sửa soạn giường của ông, xong lên giường nằm đọc sách.
Chúng tôi biết sắp phải nói với nhau nhưng chưa ai mở đầu.
Ông Chính là cha ghẻ của tôi. Sau khi mẹ tôi mất đi, ông còn đủ tuổi để có thể lập một gia đình mới và tôi cũng có thể bỏ ông để sống độc thân. Dù vậy chúng tôi không xa nhau. Có lẽ chúng tôi rất thương nhau nhưng vì ít nói hoặc vì lẽ gì đó chúng tôi không được tự nhiên khi gần nhau. Chúng tôi làm việc chung một trường mà tôi chắc ít người rõ sự liên lạc giữa chúng tôi. Khi tính chuyện rời Hà Nội, tôi có nghĩ đến sự thoải mái cho hai người. Mỗi người chúng tôi theo đuổi một cuộc đời riêng. Tôi nghe ông Chính trở dậy tìm nước uống và tôi cũng ngồi lên. Trong khi rót nước, ông hỏi tôi:
“Anh đã nói với trường là anh nghỉ phải không.”
Tôi ngượng ngùng vài giây và trả lời:
“Vâng, tôi cũng định ngày mai nói với thầy mai tôi sang bên ấy.”
“Bắc Ninh?”
“Vâng, một trường công giáo.”
Chúng tôi đã bước qua sự khó khăn và ông Chính đến ngồi trước mặt tôi. Mỗi lần như thế tôi biết ông muốn nói với tôi điều gì quan trọng. Ông Chính nói:
“Chắc anh đã tính kỹ rồi?”
“Vâng.”
“Theo tôi anh vẫn có thể ở Hà Nội được.”
Tôi không trả lời mà nhìn thẳng vào ông. Tôi muốn bảo: “Ông không hiểu được chúng tôi.” Ông Chính đã già xuống nhiều, bàn tay ông úp sấp nổi gân và run. Năm 45, ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và có dự vào cuộc tương tàn lịch sử. Tuy thế tôi cho là hai thế hệ gần nhau nhất vẫn khó đồng ý với nhau.
“Ở tỉnh nhỏ là một điều phiền phức.” Vẫn ông Chính nói, “Nhất là…”
“Không, nếu mình chẳng làm gì cũng không ngại.”
“Anh không thấy bên ấy không được an ninh lắm hay sao?”
Tôi lấy cớ đứng lên rót nước uống để chưa trả lời ngay. Xong tôi nói:
“Dạ, tôi cũng thích sống cái không khí bất trắc một chút. Ở đây có lẽ bình yên quá.”
Thật ra thành phố này cũng chẳng bình yên. Thỉnh thoảng nó vẫn rung động vì những tiếng nổ lớn vây quanh và đèn pha thường đốt sáng khoảng trời đen của nó về đêm tối. Ông Chính nhíu mày. Tôi đã ngồi lại trước mặt ông. Ông hỏi:
“Trường bên ấy có khá không?”
“Lớn và đẹp. Tôi được một buồng yên tĩnh để làm việc và cơm nước cũng do nhà trường lo.”
Ông Chính ngồi im, lưng cúi xuống. Tôi nghĩ chúng tôi sắp chia tay đi nghỉ. Ngoài trời mưa thành hạt lên tiếng, hắt qua cửa sổ vào đến chỗ chúng tôi.
“Mai anh đi buổi sáng hay chiều?”
“Dạ chiều. Chiều để tránh mìn.”
Ông Chính đứng lên khép cửa và cửa sổ. Bóng ông in lên vách. Ông dừng một phút nhìn qua cửa sổ ra ngoài và hỏi tôi - mưa lúc ấy đổ mạnh khiến tiếng ông thấp thoáng và tôi sởn gai ốc khắp người vì lạnh:
“Anh Tâm. Tôi muốn anh thành thật trả lời câu hỏi này của tôi.” Vài giây cách quãng, mưa to hơn. “Giữa chúng ta có xảy ra một chuyện gì không đẹp không? Anh cứ nói thẳng với tôi.”
Tôi muốn đứng dậy, nhưng không rời chỗ. Tôi nghe trong tiếng mưa vẫn còn vang tiếng của ông Chính khắp gian phòng.
“Thưa thầy không bao giờ tôi nghĩ lại có thể có câu hỏi ấy giữa thầy và tôi.” Tôi bị xúc động mạnh.
Ông Chính đã quay người lại. Mắt ông chớp nhanh, ông nói:
“Tôi muốn giữa chúng ta có được sự thẳng thắn.” Ông nuốt nước bọt. “Dù thế nào chúng ta cũng đã sống với nhau hơn mười lăm năm, lúc có mẹ cũng như lúc không. Lúc nào tôi cũng coi anh là người thân nhất của đời tôi và tôi chắc anh cũng như tôi vì anh cũng chẳng còn ai thân thích. Trước khi lấy mẹ, tôi có một đứa con gái nhưng chúng tôi không sống gần nhau…”
Ông Chính không gọi mẹ anh, ông gọi mẹ để tỏ sự kính trọng. Sự có mặt của người đàn bà ấy hiện lên giữa chúng tôi. Chính người đàn bà đau khổ cho đến khi nhắm mắt ấy là người buộc chúng tôi với nhau. Ngay những giờ phút mong manh nhất, người vẫn với sự âm thầm cố hữu nối kết chúng tôi; năm 45 tôi ở miền Nam, còm ông Chính ở biên giới Trung Hoa và rồi chúng tôi lại trở về bên người đàn bà ấy. Và chính bây giờ vẫn còn người ấy, mãi mãi chăng? Bắp thịt má ông Chính giật giật. Tôi bàng hoàng nói:
“Thầy đừng nên có ý nghĩ ấy. Không hề có một câu chuyện nhỏ nào cả. Nếu có chỉ là sự vụng về của tôi khiến thầy nghi ngờ thì tôi xin lỗi thầy. Thầy cũng hiểu những điều dự tính riêng, nhưng bao giờ tôi vẫn là con thầy như khi còn mẹ và…”
Mưa dịu hơn lúc trước. Ông Chính ngồi xuống.
Chúng tôi đi nằm vào lúc mười một giờ. Tôi thao thức không sao ngủ được. Mưa dầm và lạnh. Ông Chính chong đèn đọc sách khuya. Tôi biết ông cũng không ngủ được. Tôi thương ông vô cùng, sự già cả và cô đơn vây lấy ông. Tôi nhớ đến ngày giỗ mẹ tôi vừa qua, chúng tôi không ai làm gì cả; buổi tối hôm ấy, ông Chính không về nhà và tôi đi ngủ sớm. Giá có một người đàn bà chúng tôi sẽ thân nhau ở những chuyện nhỏ nhặt ấy. Khi tôi ngủ, đèn đọc sách của ông Chính vẫn sáng.
Gần ba giờ sáng. Mưa rơi sâu vào giấc mơ.
[1]"… c’est que l’idéal, jusqu’à présent, a été la véritable force de dénigrement appliquée au monde et à l’homme… la grande tentation du néant." Nietzsche (La volonté de puissance)
Nguồn: Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của Huỳnh Phan Anh. Bìa tranh sơn dầu “Bích đào” của Thái Tuấn. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ tư 4100 ấn bản quý trên giấy trắng dày. Sài Gòn, tháng 3 năm 1973. Giấy phép số 582/PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 19-3-73. In tại nhà in Quốc Ấn, 324 Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Bếp lửa
tiểu thuyết
Tặng Vũ Đạo Ánh
Tựa
Lần in thứ tư (1973)
Malraux có viết: “Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết.”
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một Bếp lửa khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn được viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bảy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầy tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng.
Được viết một hơi - khoảng đâu hai ba tháng - được in ngay sau khi viết - không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại -, quyển Bếp lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre, nhưng khi đưa in tôi đã xoá bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán “son”. Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương cả hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực.
Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi dòng nhưng bây giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi. [1]
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định để là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3-73
Thanh Tâm Tuyền
*
Tựa
Lần in thứ hai (1965)
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình dáng này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết, Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng “biến cải thế giới”, đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng “thay đổi cuộc đời”, đọc Dostoievski tìm thấy thái độ “tất cả hay không có gì hết” đọc Gide tìm thấy “đời sống thành khẩn trung thực”, đọc Malraux tìm thấy cái hào quang của trí tuệ đối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy “cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn”. Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối văn mình theo mỗi cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn ngoài một lựa chọn - khó khăn và buồn tủi -: trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu huỷ không thể hoàn thành những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người - một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh - về vai trò của nhà văn - của thứ tiếng nói hoàn toàn vang động và làm biến dạng đựơc sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía.
Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc lựa chọn gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.
Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 9 năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngực năm mới ngoài ba mươi tuổi. Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng như mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời sẫm màu, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát của tuổi trẻ như một Thiên đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như kẻ bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Sài Gòn buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới mấy đứa bạn, hắn đã chạy cuống trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách để tặng tao? Cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ với mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao? Đã lâu hắn không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?
Hắn chết gục nên một gốc cây mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, ngoẹo sang một bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh - Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.
Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống sót. Chúng muốn gì?
Những nhà phê bình ở Hà Nội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ, họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hà Nội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử với cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sài Gòn, 1965
Thanh Tâm Tuyền
*
1.
Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng. Thanh là em họ tôi.
Bên trong cửa hiệu những cô gái chăm chú vào công việc của họ. Thanh bỏ cuộn len hồng xuống phản đón tôi. Nàng cười:
“Em đang có ý muốn gặp anh lắm.”
Tôi gật đầu. Người con gái đứng tuổi ngồi ở máy ngước mắt nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Có lẽ cô là người điển khiển cửa hiệu. Tôi lễ phép chào cô, lần thứ nhất tôi đến đây. Tôi bảo Thanh:
“Thế nào cô đã giúp anh việc anh nhờ chưa?”
“Sẵn sàng rồi ạ. Anh đợi em một tý.”
Thanh quay vào trong tìm kiếm. Trong khi ấy tôi ngắm những tủ kính sáng bầy vải vóc, len sợi, những chiếc áo dài, áo len đã hoàn thành. Tôi nhìn những ngón tay thoăn thoắt với mũi đan và tấm vải dạ trải dưới những mái cúi. Người con gái đứng tuổi ở bàn máy lên tiếng:
“Mời ông ngồi chơi.”
Tôi hơi nhích người đáp lễ:
“Cám ơn cô.”
Và tôi vẫn đứng nguyên cạnh quầy hàng. Thanh đưa cho tôi một gói giấy báo và mở ra nói:
“Chỉ mới có khăn quàng thôi, áo thì em chưa tìm được cái nào vừa ý cả.”
Tôi không nhìn đến màu của cái khăn và gói gọn lại.
“Cám ơn cô lắm. Áo thì cô mua sau hộ anh cũng được.”
Tôi vừa định trở gót.
“Anh chờ em, em có câu chuyện muốn nói với anh – Thanh quay nói với người con gái đứng tuổi ngồi ở máy - Chị Nga em ra ngoài một lát chị nhé.”
Nga tươi cười dễ dãi và tôi cúi chào nàng nói khẽ: “Xin phép cô.”
Ra đến ngoài hè, tôi hỏi:
“Minh đã đi học rồi chứ. Có chuyện gì quan trọng lắm không cô?”
Thanh không trả lời vào câu hỏi của tôi:
“Anh nên mời em uống một cái gì cho ấm bụng.”
“Cô phải để anh kiểm lại ngân sách cái đã.”
Tôi cười và lúc này gió nhiều ở chùm cây trên đầu.
“Anh làm như anh nghèo lắm ấy.”
“Cũng tạm thôi.”
Thanh đưa tôi vào tiệm trà đầu phố. Tôi gọi cho tôi một cốc cà phê nóng và Thanh một cốc sữa. Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa. Trong tiệm nước chỉ có hai chúng tôi. Thanh choàng cái khăn đỏ mỏng suốt làm má đỏ hồng. Tôi nhớ vừa rồi đi cạnh tôi trên vỉa hè nhiều lá vàng lăn chạy, Thanh rất đẹp. Nàng đang đưa ngón tay vạch trên thành cốc.
“Cô có biết là cô nổi danh rồi không?”
“Ai bảo anh thế?
“Tôi bắt đầu phải nghe cô.”
“Hân hạnh.”
Thanh hát trên đài vô tuyến được vài tháng nay. Giọng nàng ấm và buồn. Lúc thường tính tình Thanh vui vẻ đua nghịch bao nhiêu thì lúc hát giọng Thanh ướt nước mắt bấy nhiêu. Tôi không ưa âm nhạc mà nghe Thanh hát cũng cảm động. Thanh mồ côi cha mẹ và còn em gái là Minh. Hai chị em đùm bọc nhau từ ngày hồi cư bằng nghề đan may của Thanh. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, dây thân thích giữa chúng tôi không đáng kể. Có lẽ Thanh cũng cảm thấy điều ấy ở tôi và sẵn sàng thuận ý nếu tôi ngỏ lời – Thanh thì không dám bộc lộ trước vì đối với tôi sự kính nể của nàng rất to lớn. Nhưng tôi chưa bao giờ nói ý nghĩ của tôi cả.
“Anh Tâm”, Thanh ngừng một chút và ngón tay đứng lại trên mặt bàn. “Hiền hỏi thăm anh…”
Tôi biết đây không phải là câu Thanh định nói với tôi, tôi tuy thế cũng gật đầu để làm vừa lòng nàng. Hiền là người yêu cũ của tôi.
“Hiền vẫn mạnh khoẻ chứ? Bao giờ thì chia trầu cau.” Tôi hỏi gỡ rối cho Thanh.
“Hiền còn đợi anh.”
“Cô không nịnh anh cô đấy chứ?”
Thanh nhìn tôi trách móc cho tôi đùa quá đáng bởi vì tôi cười hơi lớn. Thanh lại im lặng và tôi nhìn vào cái khăn đỏ suốt để đừng phải nghĩ về Hiền. Một lát Thanh hỏi:
“Anh quen thân với anh Chu phải không anh?”
Tôi hơi ngạc nhiên những câu trả lời:
“Có lẽ.”
Thanh tỏ ý không hiểu câu trả lời. Năm 45, ngày tiếng súng nổ ở Nam Bộ, Chu và tôi là đôi bạn thân cùng đi từ Nam ra Bắc. Cuộc hành trình của chúng tôi bằng xe lửa cho tới Đà Nẵng và thuyền Đà Nẵng trở ra. Chính trong không khí vừa vui mừng vừa Hà Nội và cũng ở Hà Nội tôi và Hiền yêu nhau một năm trước ngày kháng chiến. Mối tình của chúng tôi càng tha thiết đằm thắm gắn bó khi không khí chiến tranh, chết chóc tàn phá cũng mãnh liệt. Lần gặp gỡ đầu vào một đêm tối ở một đại lộ vắng. Trời không lạnh lắm. Không bao giờ tôi quên được người ta giết nhau trứơc mắt chúng tôi lúc đó. Trong đêm tối một tiếng la thất thanh rồi hai người bỏ chạy. Tôi không kịp cảm, suy nghĩ gì hết. Hiền run như một con chim nhỏ trong cánh tay tôi. Chúng tôi ôm nhau đứng đấy cho đến khi hồi tỉnh và lặng lẽ rẽ sang phố khác. Người chết vẫn nằm kia. Về Hà Nội trở lại, tôi không thể yêu Hiền được nữa, mặc dù Hiền không quên tôi.
“Thế nghĩa là thế nào?”
“Nghĩa là trước là thân mà bây giờ thì thôi.”
“Cô không phải là đàn ông. Hôm nay người ta có thể thân nhau lắm mà ngày mai đã hững hờ rồi, vì nhiều nguyên cớ mà cũng có thể chẳng có nguyên cớ nào hết. Rồi người ta lại có những người thân khác, thân khác nữa, ở mỗi ngày, mỗi năm, mỗi giai đoạn của cuộc sống.”
Thanh đã trở lại ngoan ngoãn. Nàng nhìn tôi đôi mắt phục tùng. Tôi hỏi:
“Nhưng tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?”
Thanh không trả lời ngay và có vẻ đăm chiêu. Chu bây giờ làm một hãng buôn ngoại quốc. Tôi chỉ gặp Chu một lần từ ngày hồi cư. Câu nói đùa của tôi với Chu là:
“Cậu thôi nghiên cứu vấn đề khủng hoảng kinh tế rồi ư?”
Chu thật thà đáp:
“Chuyện viển vông chẳng ích lợi gì cả.”
Tôi lại hỏi Thanh”
“Tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?’
“Cô Nghĩa bảo Chu muốn đánh tiếng hỏi em.”
“Nếu thế Chu là một người chồng tốt.”
“Cô nghĩ thế nào về chuyện ấy.”
“Em muốn hỏi ý kiến anh.”
“Cô hoàn toàn tự do.”
Thanh trông thẳng vào mắt tôi, giọng buồn như lúc nàng hát:
“Chúng em cũng chỉ còn anh gọi là thân, bởi thế em muốn được ý kiến anh về câu chuyện quan trọng này.”
Tôi nghiêm nét mặt:
“Cô cũng biết là tôi cũng chỉ có cô và Minh là thân thuộc…”
Tôi uống nốt cặn cà phê và im. Rồi tôi nói sau một lúc lâu:
“Cô để cho tôi suy nghĩ, trả lời cô sau.”
Nói thế, nhưng tôi không biết tôi sẽ suy nghĩ về cái gì.
Khi đứng lên, Thanh nhắc:
“Anh cầm gói khăn quàng chưa?”
Tôi đưa Thanh về đến cửa hiệu và đi xe điện xuống chợ Hôm thăm Đại. từ chỗ đỗ xe điện, tôi đi bộ qua một phố không trải nhựa rồi lên những viên đá xanh, đến phố Lò Đúc.
Căn nhà gác ba từng quét vôi đã đỏ uá, già nua. Qua một cái sân nhớp nước, tôi leo lên cầu thang ẩm mốc hôi hám. Gian buồng của Đại ở từng ba là gian buồng chứa vật dụng cũ bỏ không cho thuê với giá ba trăn đồng. Buồng kê vừa gọn một cái giường và cái bàn gỗ không có ghế thừa đủ một chỗ trống để bước vào trèo lên giường. Ngoài căn buồng là khoảng sân trời có những dây thép giăng ngang làm nơi phơi quần áo của những gia đình ở từng gác hai. Hôm nay trời nhiều hơi nước nên sân quang đãng.
Đại ngồi co ro ở một góc phản đọc sách. Còn một người thanh niên nữa ngồi học trước bàn. Tôi nói:
“Tôi mang xuống cho cậu cái khăn quàng.”
Đại mở gói: đó là một cái khăn dạ màu xám. Tôi tiếp lời:
“Để dùng lúc nào ra ngoài thôi, ở đây đóng cửa lại thì ấm chán.”
Đại cười chỉ lên chỗ những miếng trống hình chữ nhật dẹp cao hai bên giường:
“Anh đừng tưởng tượng, lạnh ghê lắm nhé. Gió hút, tôi phải hy sinh ánh sáng, dán giấy bít, mà gió còn thổi rách như thường.”
Chúng tôi bước ra sân. Người thanh niên vẫn chăm chú làm việc không để ý đến sự có mặt của tôi. Đại cầm ở tay cuốn Crime et châtiment. Tôi hỏi:
“Cậu đến trường luôn không?’’
“Không.’’
“Làm gì ở nhà?’’
“Đọc sách và suy nghĩ.’’
“Suy nghĩ về phép giết người chăng?’’, tôi nói đùa.
Đai không đáp. Chúng tôi đứng nhìn xuống khu xóm lao động phía dưới. Đại bỗng nói:
“Nó đến trường tìm mình dữ lắm.’’
“Cậu quyết định thế nào?’’
Đại trầm ngâm một phút:
“Chưa.’’
Đại là sinh viên khoa học, đã qua được chứng chỉ căn bản. Hắn bị gọi động viên và đang trốn.
“Nghĩ gì về Dostoievski?’’ Tôi hỏi.
“Bệnh.’’
Tôi không ưa lối nói cụt lủn của Đại. Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản. Những căn nhà thấp đã bốc khói. Không khí ấm hơn. Tôi nhìn bâng quơ những ngọn cây.
“Còn cậu có gì thay đổi không?’’ Hắn hỏi tay lật tiếp mấy trang sách.
“Chiều mai tôi sang Bắc Ninh.’’
Tôi chợt nhớ đến lời hứa với Thanh sẽ cho Thanh biết ý kiến mình về việc của Chu và nàng. Nhưng tôi không cho là quan trọng, Thanh sẽ quyết định theo ý riêng của nàng.
“Tại sao lại bỏ Hà Nội?’’
“Tôi chán đây rồi. Sang bên ấy ở ẩn cho qua ngày.’’
“Có chắc ẩn được hay không?’’
“Không biết. Nhưng chắc được, ở ngay trong trường với các linh mục. Bên này nó nghi ngờ những liên lạc và hành vi của mình quá rồi.’’
“Những liên lạc hành vi nào?’’ Đại hỏi ngạc nhiên.
“Một vài chỗ quen biết hoạt động nội thành, một vài chỗ các đảng phái khác, thư từ, sách đọc, công việc cũng đủ làm nó khó chịu, còn gì hơn.’’
Tôi ngồi trên bực gạch. Đại trông thẳng mặt tôi nghiêm trang. Hắn móc túi đưa cho tôi một lá thư.
“Thư của người bạn ở chiến khu Trình Minh Thế.’’
Tôi nhìn qua rồi trao trả cho Đại. Hắn vừa cất lá thư vừa nói:
“Tôi nghĩ rằng cho đến bây giờ không thể đi khác hơn được. Nó còn đúng. Mình còn phải nhắm mắt nhận lấy thân phận của giai cấp mình.’’
Nó - Đại muốn nói về chủ nghĩa cộng sản. Tôi cầm lên cuốn sách của Đại để sang bên và trông vào tấm hình. Tôi nói:
“Tôi cũng nghĩ như thế nhưng tôi lại muốn nghĩ thêm chút nữa. Tôi không nghĩ đến thân phận giai cấp mình, tôi muốn nghĩ đến thân phận giai cấp khác, thân phận ngay chính giai cấp vô sản ấy.’’
“Làm thế nào được khi đế quốc còn đủ nanh vuốt. Tôi không tin lực lượng thứ ba.’’
Câu chuyện ngừng ở đấy như thường lệ. Chúng tôi gặp nhau vì cùng ham thích nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít. Trong khi trở vào buồng. Đại bảo:
“Tôi đang bị đuổi nhà.’’
Người thanh niên vẫn làm việc đều đặn.
Tôi nói:
“Tiện cậu xuống nhà tôi.’’
“Cậu vắng nhà?’’
“Không sao. Ông Chính dễ dãi.’’
Và tôi ra về. Đại đưa tôi xuống tận dưới đường và hình như còn điều gì muốn nói.
Ông Chính không về nhà buổi trưa. Tôi ở thư viện buổi chiều. Mưa bụi suốt. Chưa đến sáu giờ trời đã sập xuống. Tôi rời thư viện khi những ngọn đèn treo được bật soi trên các mặt bàn gỗ dài phẳng nhẵn và lò sưởi sắt dưới chân các cột được đốt lên. Tôi gặp ông Chính ở phố Hàng Trống nhưng chúng tôi làm như không nhận ra nhau dù hai người đã đi ngược chiều trên cùng một bờ hè. Tôi kéo cao cổ áo choàng và nhìn sang phái bên hồ.
Tôi về nhà bẩy giờ, ông Chính vẫn vắng mặt. Tôi đợi ông đến quá bẩy giờ rưỡi. Người thổi cơm ở chung nhà mang cơm sang và hỏi:
“Cụ chưa về thưa ông?’’
“Có lẽ cụ tôi không về ăn bữa nay.’’
Tôi ngồi ăn mỗi mình. Chín giờ ông Chính về. Tôi nghe được tiếng chân ông từ ngoài ngõ. Tôi đã đi nằm vì buổi trưa không ngủ và tinh thần căng thẳng sau mấy tiếng đồng hồ vùi đầu trong thư viện. Ông Chính thay quần áo, sửa soạn giường của ông, xong lên giường nằm đọc sách.
Chúng tôi biết sắp phải nói với nhau nhưng chưa ai mở đầu.
Ông Chính là cha ghẻ của tôi. Sau khi mẹ tôi mất đi, ông còn đủ tuổi để có thể lập một gia đình mới và tôi cũng có thể bỏ ông để sống độc thân. Dù vậy chúng tôi không xa nhau. Có lẽ chúng tôi rất thương nhau nhưng vì ít nói hoặc vì lẽ gì đó chúng tôi không được tự nhiên khi gần nhau. Chúng tôi làm việc chung một trường mà tôi chắc ít người rõ sự liên lạc giữa chúng tôi. Khi tính chuyện rời Hà Nội, tôi có nghĩ đến sự thoải mái cho hai người. Mỗi người chúng tôi theo đuổi một cuộc đời riêng. Tôi nghe ông Chính trở dậy tìm nước uống và tôi cũng ngồi lên. Trong khi rót nước, ông hỏi tôi:
“Anh đã nói với trường là anh nghỉ phải không.”
Tôi ngượng ngùng vài giây và trả lời:
“Vâng, tôi cũng định ngày mai nói với thầy mai tôi sang bên ấy.”
“Bắc Ninh?”
“Vâng, một trường công giáo.”
Chúng tôi đã bước qua sự khó khăn và ông Chính đến ngồi trước mặt tôi. Mỗi lần như thế tôi biết ông muốn nói với tôi điều gì quan trọng. Ông Chính nói:
“Chắc anh đã tính kỹ rồi?”
“Vâng.”
“Theo tôi anh vẫn có thể ở Hà Nội được.”
Tôi không trả lời mà nhìn thẳng vào ông. Tôi muốn bảo: “Ông không hiểu được chúng tôi.” Ông Chính đã già xuống nhiều, bàn tay ông úp sấp nổi gân và run. Năm 45, ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và có dự vào cuộc tương tàn lịch sử. Tuy thế tôi cho là hai thế hệ gần nhau nhất vẫn khó đồng ý với nhau.
“Ở tỉnh nhỏ là một điều phiền phức.” Vẫn ông Chính nói, “Nhất là…”
“Không, nếu mình chẳng làm gì cũng không ngại.”
“Anh không thấy bên ấy không được an ninh lắm hay sao?”
Tôi lấy cớ đứng lên rót nước uống để chưa trả lời ngay. Xong tôi nói:
“Dạ, tôi cũng thích sống cái không khí bất trắc một chút. Ở đây có lẽ bình yên quá.”
Thật ra thành phố này cũng chẳng bình yên. Thỉnh thoảng nó vẫn rung động vì những tiếng nổ lớn vây quanh và đèn pha thường đốt sáng khoảng trời đen của nó về đêm tối. Ông Chính nhíu mày. Tôi đã ngồi lại trước mặt ông. Ông hỏi:
“Trường bên ấy có khá không?”
“Lớn và đẹp. Tôi được một buồng yên tĩnh để làm việc và cơm nước cũng do nhà trường lo.”
Ông Chính ngồi im, lưng cúi xuống. Tôi nghĩ chúng tôi sắp chia tay đi nghỉ. Ngoài trời mưa thành hạt lên tiếng, hắt qua cửa sổ vào đến chỗ chúng tôi.
“Mai anh đi buổi sáng hay chiều?”
“Dạ chiều. Chiều để tránh mìn.”
Ông Chính đứng lên khép cửa và cửa sổ. Bóng ông in lên vách. Ông dừng một phút nhìn qua cửa sổ ra ngoài và hỏi tôi - mưa lúc ấy đổ mạnh khiến tiếng ông thấp thoáng và tôi sởn gai ốc khắp người vì lạnh:
“Anh Tâm. Tôi muốn anh thành thật trả lời câu hỏi này của tôi.” Vài giây cách quãng, mưa to hơn. “Giữa chúng ta có xảy ra một chuyện gì không đẹp không? Anh cứ nói thẳng với tôi.”
Tôi muốn đứng dậy, nhưng không rời chỗ. Tôi nghe trong tiếng mưa vẫn còn vang tiếng của ông Chính khắp gian phòng.
“Thưa thầy không bao giờ tôi nghĩ lại có thể có câu hỏi ấy giữa thầy và tôi.” Tôi bị xúc động mạnh.
Ông Chính đã quay người lại. Mắt ông chớp nhanh, ông nói:
“Tôi muốn giữa chúng ta có được sự thẳng thắn.” Ông nuốt nước bọt. “Dù thế nào chúng ta cũng đã sống với nhau hơn mười lăm năm, lúc có mẹ cũng như lúc không. Lúc nào tôi cũng coi anh là người thân nhất của đời tôi và tôi chắc anh cũng như tôi vì anh cũng chẳng còn ai thân thích. Trước khi lấy mẹ, tôi có một đứa con gái nhưng chúng tôi không sống gần nhau…”
Ông Chính không gọi mẹ anh, ông gọi mẹ để tỏ sự kính trọng. Sự có mặt của người đàn bà ấy hiện lên giữa chúng tôi. Chính người đàn bà đau khổ cho đến khi nhắm mắt ấy là người buộc chúng tôi với nhau. Ngay những giờ phút mong manh nhất, người vẫn với sự âm thầm cố hữu nối kết chúng tôi; năm 45 tôi ở miền Nam, còm ông Chính ở biên giới Trung Hoa và rồi chúng tôi lại trở về bên người đàn bà ấy. Và chính bây giờ vẫn còn người ấy, mãi mãi chăng? Bắp thịt má ông Chính giật giật. Tôi bàng hoàng nói:
“Thầy đừng nên có ý nghĩ ấy. Không hề có một câu chuyện nhỏ nào cả. Nếu có chỉ là sự vụng về của tôi khiến thầy nghi ngờ thì tôi xin lỗi thầy. Thầy cũng hiểu những điều dự tính riêng, nhưng bao giờ tôi vẫn là con thầy như khi còn mẹ và…”
Mưa dịu hơn lúc trước. Ông Chính ngồi xuống.
Chúng tôi đi nằm vào lúc mười một giờ. Tôi thao thức không sao ngủ được. Mưa dầm và lạnh. Ông Chính chong đèn đọc sách khuya. Tôi biết ông cũng không ngủ được. Tôi thương ông vô cùng, sự già cả và cô đơn vây lấy ông. Tôi nhớ đến ngày giỗ mẹ tôi vừa qua, chúng tôi không ai làm gì cả; buổi tối hôm ấy, ông Chính không về nhà và tôi đi ngủ sớm. Giá có một người đàn bà chúng tôi sẽ thân nhau ở những chuyện nhỏ nhặt ấy. Khi tôi ngủ, đèn đọc sách của ông Chính vẫn sáng.
Gần ba giờ sáng. Mưa rơi sâu vào giấc mơ.
[1]"… c’est que l’idéal, jusqu’à présent, a été la véritable force de dénigrement appliquée au monde et à l’homme… la grande tentation du néant." Nietzsche (La volonté de puissance)
Nguồn: Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của Huỳnh Phan Anh. Bìa tranh sơn dầu “Bích đào” của Thái Tuấn. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ tư 4100 ấn bản quý trên giấy trắng dày. Sài Gòn, tháng 3 năm 1973. Giấy phép số 582/PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 19-3-73. In tại nhà in Quốc Ấn, 324 Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Phạm Công Thiện -Mặt trời không bao giờ có thực ( 3 )
Phạm Công Thiện
Mặt trời không bao giờ có thực
LXX.
Bình tĩnh, nhẹ nhàng, chịu đựng tất cả những cực hình lớn lao nhất trong đời mà không bao giờ than thở, lì lợm kiên nhẫn, bới sâu hết những giải đất của Đông phương và Tây phương, bỏ mình hy sinh cho một đóa hoa héo trong ly nước.
LXXI.
Trong tôi vừa nổi dậy một cơn thác lũ động đất, tôi yêu đời, yêu lạ lung; tôi yêu luôn sự chết; tôi sống với tất cả những người đã sống trên vũ trụ: tất cả mọi người là tôi. Tha thứ, khoan dung, rộng lượng, tôi ôm cả đỉnh núi trào bọt biển. Tôi không còn biết gì nữa. Tôi bí ẩn, lướt thướt, hạnh phúc, tuyệt diệu, tuyệt vời… Ồ, ồ. Nói gì… nói gì nữa…
LXXII.
Mắc cỡ những lúc nói hay viết những chữ “đời”, “cuộc đời”, “cuộc sống”; những chữ ấy là những chữ gì, có nghĩa gì; tôi nào có hiểu gì đâu, tôi không bao giờ hiểu gì cả, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.
Kiên nhẫn, lạnh lùng, xa lạ, viễn mộng bay qua lòng tôi như ráng chiều trên song nhạc Beethoven…
LXXIII.
Tôi đủ kiên nhẫn như đồi núi, như tảng đá khô, để bước đi từng bước một, học từng chữ A và chữ B, tập đánh vần, tập viết và bỏ từng dấu chấm và dấu phết, để cho sống lại trong hồn tôi những đồng xanh đã mất, những đám lúa xanh bay vút trong bóng mặt trời.
LXXIV.
Tôi không muốn thay đổi những gì đã xẩy ra trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Tất cả đã xẩy ra như ý muốn lạ lùng của tôi, tôi sống và tôi chết như tôi đã sống và đã chết. Tôi leo lên, với lên, bò lên, đứng ở trên cao; tôi trượt xuống, té xuống, rơi xuống, chìm xuống tận đáy sâu. Tôi bay lên bay xuống, tôi nằm xuống và đứng dậy. Tất cả đều xẩy ra như tôi đã muốn. Thức và ngủ, thực và mộng, tất cả lan ra và thu lại, chim chiều bay xa, chim mai gọi về… Chỉ im lặng, tôi mới sống nổi… Ồ, ồ hơi thở sao mà thiêng liêng.
LXXV.
Mưa đổ ào xuống lòng tôi, tôi nghẹt thở, tim tôi nhảy vụt lên trời, ồ sung sướng, hạnh phúc ngây ngây, thiên đàng, tôi đã thấy thiên đàng, nốt nhạc xưa nổi dậy theo hơi gió luồn qua mười ngón chân tôi.
Chậm chạp, bình tĩnh, sẽ tới nơi, tới nơi, đừng gấp gáp, đừng vội vàng, sắp tới, tới đã tới nơi rồi. Chậm chậm, mọi sự đều xong, bước tới, chỉ còn một bước nữa, bước từng bước cho trọn, tới, sắp tới, đã tới rồi. Ồ, ồ, tới, đến rồi. Chậm chậm mọi sự đều thành tựu. Cơn điên mặt trời đã dứt, cơn đau mặt trăng đã chìm; bình tĩnh, đừng bồn chồn, không có gì canh cánh, điềm đạm, từng bước một, từng hơi thở một, nhè nhẹ, âm thầm, tới, bước tới, sắp xong rồi, đã tới rồi. Mưa vẫn lí lóe cùng tiếng sấm xa xa, hồn tôi đã nhập. Ồ, ồ… tôi yêu, tôi yêu… Tôi yêu tôi!...
LXXVI.
Sự nản chí, nản lòng, ý định muốn bỏ cuộc chỉ xẩy ra trong một giây: đừng để một giây làm thành định mệnh. Hãy đập nát nó ngay lập tức và ngồi dậy tập thở cho điều hòa. Một giây phút nản chí là mùa đông, một hơi thở, chỉ một hơi thở là mùa xuân bừng dậy. Từ đây, tất cả cuộc đời tôi được xây dựng trong đoạn văn này.
LXXVIII.
Tôi thèm chết, nhớ chết, yêu chết, thương chết. Chết. Chết tất cả kỷ niệm, chết hết những ngày tháng cũ, chết hết những con đường đã đi qua và ngàn đời không trở lại. Có lẽ tôi đang hạnh phúc mà không biết?
LXXIX.
Hiểu được ý nghĩa chữ “donc” là hiểu được trọn vẹn văn hóa Pháp, văn hóa Âu châu, văn hoá Tây phương.
Sự thất bại lớn nhất của tôi, nỗi đau đớn của tôi là đã sống theo ý nghĩa của chữ “donc”…
Tại sao phải vội vã hấp tấp?
Tại sao phải gấp gấp, khi mà mỗi bước đi đều là định mệnh? Mỗi cái nhìn là thiên thu ly biệt? Mỗi lời nói là một thế giới sụp đổ? Mỗi giây phút là đền điện vĩnh cửu? Tôi không còn biết thù ghét, bực bội giận hờn, phân chia. Tôi là tất cả mọi người đang ngủ, tất cả mọi người đang mộng, tất cả mọi người đang thức, đang làm việc, đang thở, đang hút thuốc, đang đau đớn vui sướng, hãnh diện, ray rứt, mệt mỏi, hạnh phúc, già và chết. Tất cả nhà tù bị phá vỡ trong tôi, tất cả những đường rầy xe lửa đang chạy suốt đêm trong hồn tôi. Tôi bước đi rất chậm, tôi nói rất chậm và viết rất chậm, vì nhân loại đang đi, nói và viết. Sự mau lẹ, sự nhanh chóng chỉ là cơn bệnh trầm trọng của không khí.
Gió thổi nhanh nhất khi không khí xoáy chậm lại, mặc dù gió là không khí trưởng thành!
Triết lý ngày mai phải là triết lý về nước.
Tôi phải sống như chết rồi, leo lên, vươn lên, hy sinh cho mọi người, chịu đựng mọi người, tha thứ mọi người, thương yêu họ vì lòng tôi tràn đầy sự khinh bỉ. Im lặng, nói để mà im lặng, im lặng để mà nói… Đường đời chỉ còn gió thổi. Tôi có nghe tiếng gió?
Tại sao mấy triệu năm đã trôi qua rồi mà loài người vẫn không thay đổi? Vẫn bần tiện, vẫn nông cạn, vẫn bao nhiêu nhỏ mọn hèn nhát?
Hôm nay tôi phải viết một bức thư 50 trang gửi cho Thượng đế nói về sự im lặng của Nietzsche và khi viết bức thư trên thì tôi lên đường đi qua Nice, Gênes, Turin, Sils-Maria, bước từng bước một đi theo hình bóng cũ, nghe tiếng sống xa cách mãi, tinh thần không còn se sắt và thu trần gian bay về đây.
Tôi thích mới lạ, thích thay đổi, thích cảm giác bén nhọn, thích vui đùa để chạy trốn. Sự buồn chán, sự tẻ nhạt, sự lạnh lùng là thiên đàng của tôi.
Mất, tôi đã đánh mất tôi quá nhiều. Mất đi, cho mất đi, chẳng có gì hối hận, lên và xuống, vui và buồn, yêu và ghét, tôi thay đổi hay chính ngữ vựng trong đầu tôi đã thay đổi. Ngữ vựng của một người dùng mỗi ngày đã quyết định cuộc đời của người ấy.
Chỉ sống một lần và lần cuối, chỉ chết một lần và một lần đầu.
Tại sao tôi thế này, tại sao tôi thế kia, tôi phải sống thế nào, ý nghĩa cuộc đời là gì, tại sao tôi chết, tại sao tôi đau khổ như thế, tôi chán đời như thế, vân vân.
Tất cả những câu hỏi như trên chỉ xuất hiện lúc trong người mình yếu đuối, mệt nhọc; mệt nhọc đặt câu hỏi về sự mệt nhọc: như thế có khác gì con rắn cắn đuôi rắn, vì không ý thức được rằng đuôi rắn là rắn: rắn cắn một cách vô ý thức và tưởng rằng đuôi mình là một thực thể khác mình: đặt lên những câu hỏi và tìm những câu trả lời: tưởng rằng những câu trả lời khác câu hỏi!
Tôi sống ý thức từng giây phút và ý thức rằng từng giây phút là từng ý thức, vì giây phút chính là ý thức, không khác ý thức: ý thức là thời gian; ý thức về thời gian là thời gian về thời gian, nghĩa là: rắn cắn đuôi rắn: người Việt Nam giết người Việt Nam: ngày mai tôi chết đi, dù chết bởi lý do gì đi nữa, chết tai nạn, chết bức mệnh, chết yểu, chết đau bệnh, chết điên, chết già, chết giữa mặt trận; dù chết vì bất cứ lý do gì đi nữa; tôi phải hiểu rằng chính tôi đã giết tôi, cũng như chính rắn đã cắn rắn; nói theo một nghĩa bơ vơ hơn nữa, chính tôi đã sinh ra tôi.
Tôi giết tôi, tôi sinh ra tôi: bất diệt; tôi đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này; nghĩa là mười triệu năm nữa, nói theo lịch sử loài người: tôi vẫn còn đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này. Ồ, lạ.
Tai nạn lớn nhất trong đời là sợ sự nhạt nhẽo khô khan. Phải sống nổi với những gì khô khan nhạt nhẽo nhất thì mới nói đến chuyện lên núi.
Sống thực khô khan, thực cũ kỹ, thực bình thường, thực nhạt nhẽo, thích lặp đi lặp lại muôn ngàn lần những gì mình đã biết rồi, lặp đi, lặp lại với ý thức cháy mặt trời…
Không đi tim mới lạ: tất cả sự mới lạ đều là sự đánh lừa của ý thức. Hãy đào bới trong những gì khô khan, tẻ nhạt, buồn chán nhất.
Hãy ăn cơm trắng tring mỗi ngày, chỉ ăn cơm trắng mà không bỏ muối, không bỏ tiêu, không bỏ ớt. Hơi thở vẫn là cao nhất, sang nhất, đẹp nhất trên cuộc đời này và trên tất cả vũ trụ này.
Nhân loại là hơi thở liên tục.
Hơi thở đứt ra thì tất cả nhân loại bị tiêu diệt và một vũ trụ mới thành hình.
Cô độc làm cho người ta gây ra chiến tranh, cô đơn khiến cho người ta kêu gọi hòa bình; chiến tranh và hòa bình chỉ là tiếng động của những người cô đơn. Cô độc làm cho phản lực cơ bay lên trời, cô đơn khiến cho bom nổ vỡ mặt đất.
Chịu đựng, tôi phải chịu đựng cho tới bao giờ? Chịu đựng cho mặt trời mọc mỗi ngày, chịu đựng cho sự thay đổi vĩnh viễn của mặt trời, chịu đựng cho sự phân ly, chịu đựng cho nỗi bất lực, chịu đựng những cánh cửa đóng, chịu đựng cơn lạnh buốt thân thể lúc mặt trời mọc ngay đỉnh trời…
Tiếng gõ cửa, tôi không muốn mở, và vì thương nhân loại, tôi đã mở cửa.
Một tiếng ừ, một tiếng không… tôi chỉ nói ờ… ờ, thế này, ờ thế kia… không bao giờ ừ không bao giờ không... ờ, ờ… chỉ ờ thôi.
Cửa đóng là một tiếng không dứt khoát.
Cửa hé là một tiếng ờ ngập ngừng.
Cửa mở là một tiếng ừ dễ dàng.
Đóng, hé và mở là ba tấn bi kịch phũ phàng mà tôi phải đóng mỗi ngày. Sự sống và sự chết: tiếng ờ là một cây cầu bắt qua sự sống và sự chết. Tôi mong cầu sụp đổ, dưới kia là tiếng không vĩnh viễn.
Nắng hôm nay quá chói chang, nó đâm nát sự bình thản trong tâm hồn, dục tính trỗi dậy ầm ầm như tiếng núi sập theo cơn lũ tuôn tràn… Tôi không ngờ dục tính trong tôi còn quá mạnh như thế: tôi tưởng nó đã chết, đã khô. Tôi nằm dài và cố gắng thở nhẹ nhàng để ngủ, nhưng dục tính cứ ầm ầm trổi dậy, nó đập tôi, xô tôi, quất mạnh vào từng thớ thịt, tôi mệt nhoài trong cơn chống cự hằn học, tôi đóng cửa lại để xô đuổi từng luồng ánh sáng cuồng dâm đổ tràn vào cửa sổ. Mặt trời bừng bừng sáng chói lên và dục tính trong tôi bừng bừng nổi dậy như một ngàn cơn động đất, tôi nằm ngửa ra và ngó lên trời, tôi cố gắng thở nhẹ nhàng, tôi thiếp đi trong cơn mê sảng, tôi thức dậy vào ba giờ chiểu, cổ họng khô cháy, mặt trời bắt đầu xế qua chân trời, đánh diêm đốt lên từng điếu thuốc rã rời, thở ra từng cuộn khói trắng, lòng nhói lên những hình ảnh quá khứ loạn cuồng, những kỷ niệm giết chết hiện tại, bóp nát buổi chiều nắng quái và phá vỡ trái tim của một mặt trời sắp lặn.
Mong đợi một cái gì khác xẩy ra là cơn bệnh trầm trọng hiện nay. Sống cứ triển hạn, sống như chưa chịu sống thực, tôi phải xử trảm tôi ngay lúc này, tôi phải cắt đầu tôi trong mỗi phút. Đừng bao giờ mong đợi gì hết: bất cứ giờ phút nào, bất cứ giây phút nào cũng đều quan trọng và nặng chĩu ý nghĩa: tôi phải sống thường xuyên với thiên thu vĩnh cửa; bất cứ sự việc tầm thường nào cũng nặng chĩu trái đỏ và hoa trắng, bất cứ những gì xầy ra mỗi ngày chỉ xẩy ra trong vĩnh cửu thiên thu; một giây là một triệu năm trôi qua. Yêu, yêu hết tất cả kẻ thù, yêu tất cả những ngày thê thảm, yêu hết những mặt trời cay đắng, yêu hết những mặt trăng tủi nhục. Tôi đang sống trong thiên đàng, hoả ngục cũng chỉ là thiên đàng, một thứ thiên đàng thâm trầm hơn, bí ẩn hơn; tôi đang ngồi trên cao, nhìn xuống thành phố dưới kia, tôi làm bạn vô hình với tất cả mọi người dưới kia, không phân biệt, không xa cách họ; một trăm năm nữa, tất cả những người dưới kia chỉ còn là cát bụi; tôi yêu cát bụi; mỗi hạt cát là dấu vết sống động của một kiếp đời bí mật; tôi yêu sự bí mật; tôi yêu luận lý học, vì luận lý học cũng bí mật trá hình; tôi yêu tất cả sự trá hình; tôi thích đóng kịch; tôi yêu những thằng hề trong kịch; tôi ghét những đôi mắt của những đứa con gái còn trinh: đôi mắt ấy là sự trá hình của một thiêng đàng giả tạo. Lãng mạn, cả đời tôi là một bài thơ lãng mạn: tóc tôi bay dài theo gió trời; tóc tôi bay bồng bềnh như mây mộng trong tim tất cả người con gái đẹp; tôi nỏi giận: tôi cắt tóc và cạo đầu trọc để mặt trời vẫn có thực trên mái ngói mỗi buổi sớm mai, để “bao nhiêu thương nhớ đầy vơi”… Tôi yêu những gì khô khan nhất trên đời; tôi yêu những gì khó hiểu nhất, tẻ nhạt nhất, buồn chán nhất; tôi yêu những gì cổ điển nhất, lỗi thời nhất, những gì loài người bỏ quên, đánh mất và xua đuổi. Mục đích tối thượng của đời tôi là tạo ra cho mình một đời sống thức buồn chán, thực tẻ nhạt, thực khô khan, thực bình thường, thực lạnh lùng: tạo một đường mòn cho đời mình; một con đường thực mòn, mòn đến chán chường, mòn đến buồn ngủ, mòn như những gì mòn nhất trên đời; mục đích tôi hậu của đời tôi là phải cố gắng tạo cho mình một đời sống nhoè nhạt của một con chó già, con chó ngáp ngủ và nằm thè lưỡi thở nhọc nhằn giữa một bầy ruồi nhặng quấy rầy; tôi đang sống trên thiên đàng, một thứ thiên đàng kỳ lạ, một thứ thiên đàng đầy ruồi nhặng, đầy sắt cũ, đầy đá khô, đầy mồ hôi nách; tôi mong đợi được sống ở hỏa ngục, nhưng trọn đời tôi chỉ là một kẻ bất đắc chí vì đã không tìm thấy hỏa ngục; tôi nhớ, thèm, khát, mơ mộng nhớ nhung hỏa ngục. Tôi không thể sống nổi nữa vì không tìm ra được hỏa ngục. Chỉ có hỏa ngục mới là quê hương của tôi, nhưng tôi đã mất quê hương; tôi đã bị lưu đày khỏi hỏa ngục yêu dấu. Ôi hỏa ngục thơ mộng của đời tôi, ới hỏa ngục xa xôi của mộng đầu, hãy trả lại tôi ngọn lửa thiên thu, hãy cho tôi được đốt cháy thiên thu trong hỏa ngục. Chỉ có những con quỷ dữ mới là bạn thân của tôi, tôi không còn sống nổi với những ông thánh mất dạy. Ai hiểu nổi tôi? Chỉ có quỷ ma mới hiểu được tôi. Lòng tôi phong kín như một bày hoa trắng chưa nở trong rừng sương. Tôi lãng mạn như một buổi chiều không tới, như một chuyến tàu trễ hẹn vì mùa xuân đến sớm và tung ra muôn ngàn bụi hoa non trên đường rầy…
Một danh từ ám ảnh tôi ngày hôm nay là danh từ Hán Việt “nguyên khí”. Đánh mất nguyên khí là sự nản lòng của đời người: nuôi dưỡng nguyên khí là để ý thường xuyên hơi thở của mình. Người ta chỉ chán, bỏ cuộc, thiếu can đảm bạo dạn lúc nguyên khí bị đánh mất đi. Sứ mệnh tối trọng bây giờ là phải làm sống lại những danh từ bị bỏ quên trong ngôn ngữ: giữ nguyên khí, nuôi dưỡng nguyên khí cho ngôn ngữ. Tiến một bước tréo nữa là giữ nguyên khí cho chính danh từ nguyên khí.
Tôi phải giết chết tôi, đập nát bản ngã nhỏ hẹp, vươn lên đám chim ưng trên cao kia. Chịu đựng, chịu đựng cho tàn lửa, rồi phá vỡ sự chịu đựng, ca hát trên những buổi chiều tắt gió. Ru lên những lá chớm trên mái nhà thuở bé nhỏ. Động mình kêu tiếng thở xanh xao. Ô hay, nước mặt đã cạn. Con sông trước mắt tôi không còn chảy, tiếng bước chân đi trên không khí, tiếng hè phố chiều thứ bảy. Con người tìm giải trí tiêu khiển để quên rằng mình chỉ sống một lần, chỉ yêu một lần, chỉ nhìn thấy một lần, chỉ nghe tiếng kim khí va chạm một lần thôi. Tư tưởng, chỉ một tư tưởng thoáng hiện trong đầu là một vũ trụ xa lìa chìm đắm. Hồi sinh lại tư tưởng. Giữ nguyên khí cho tư tưởng.
Mỗi ngày tôi thức dậy trước bính minh; tôi muốn túm lấy cổ mặt trời. Tôi phải thức trước mặt trời, không thì mặt trời sẽ chụp lấy đầu tôi và khiến tôi điên đảo uất nghẹn u tối trọn ngày. Ngày nào tôi cảm thấy yêu đời thực sự đều là những ngày tôi đã thức dậy trước bình minh. Trời màu xanh huyền huyền, gió bay quá nhẹ, gà gáy quá thanh, tiếng thành phố nhóm dậy như một bầy hoa hé mở từng khóm trong khu rừng xao xác lá đông. Nguyên khí chỉ xuất hiện trọn vẹn từ 1 giờ khuya đến lúc bình minh chuyển mình. Hôm nay, tôi yêu đời lại như xưa, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn xao động những đường phố ướt nước mưa. Tiếng một đứa trẻ khóc sáng. Tiếng động của những năm trôi qua trở về bóp nhói tim tôi.
Tôi không thể sống nổi với bất cứ những người nào tôi đã quen biết. Sống với bất cứ ai, tôi cũng thấy hết, đâm thủng vào những tâm tư thầm kín của họ: Nỗi đau đớn của đời tôi là đã nhìn thấy, nhìn, nhìn thấy quá sâu vào những ý nghĩ của con người. Tôi có thể đọc được tất cả những gì đã xẩy ra và sẽ xẩy ra trong một lời nói vô nghĩa, một cử chỉ nào đó, một bóng chờn vờn vô hình nào đó, trên nét mặt, trong giọng nói, trên trán, trong con ngươi mắt, trên hé môi, trong cổ họng, trên sóng mũi, trong hai lỗ mũi, trên dáng đi, trong muời ngón tay thừa thãi.
Dù biết thế, tôi vẫn phải yêu đời sống và lại càng yêu nó thập bội; nói tóm lại, vì biết thế, tôi phải thức dậy trước bình minh.
A, a, tôi đã thấy. Mặt trời chiếu cao và ôm ghì đôi chân của tôi, tôi bước qua bước lại trên ban công, tôi đi qua đi lại, bước chân tôi vụt mạnh từ trái qua mặt, bước chân tôi đi vụt qua vụt lại như trái tim đồng hồ lớn treo trong một ngôi nhà cổ ở nghĩa địa. Tôi bước qua lại trên ban công và tư tưởng tôi vút qua vút lại như con thuỷ triều ở biển rộng. A, ồ, tôi đã thấy, đã nhìn thấy rồi. Mặt trời không bao giờ có thực; tôi muốn hét lên rằng Mặt trời không bao giờ có thực, mặc dù mặt trời đang chiếu rực ngời trên đầu tôi; Mặt trời không bao giờ có thực. Từ lâu tôi đã đau khổ quằn quại, tôi đã tê liệt thần trí, vì nghĩ rằng mặt trời vẫn mọc lên đầu mình. Tôi đã chiến đấu với mặt trời, đã để sự hiện diện của mặt trời đè nặng trên đời sống thường nhật. Tôi đã khám phá ra một sự bí mật lớn nhất của vũ trụ: Mặt trời không bao giờ có thực, mặt trời không bao giờ có thực.
Các ngài có thể lấy khoa học và cơ khí tối tân nhứt để chứng tỏ rằng mặt trời có thực. Tôi vẫn tru lên rằng mặt trời không bao giờ có thực! Tôi sống và chết với những gì tôi đã khám phá ngày hôm nay.
Ngày hôm nay là ngày 30, ngày cuối tháng, tôi đã đánh mất tôi bao lâu rồi? Tôi đã quên hết rồi. Bắt đầu từ giờ phút này; tôi nguyện ở lì luôn trong phòng, không đi xuống lầu, dù với bất cứ lý do nào, không nói chuyện, không mở cửa, không tiếp đón ai cả. Tôi ngồi suốt ngày trong phòng, viết suốt ngày, viết suốt đêm, viết suốt tuần, viết đang lúc ngủ, viết lúc thức, viết lúc thở. Đóng kín cửa lại, không mở cửa sổ, giết hết tất cả sự thực, tạo ra một vũ trụ mộng mị và chết lì lợm luôn trong cơn mộng huyền bất tận. Tình yêu hiện nguyên hình hôm nay. Trời, một đêm khuya lạnh lẽo đi suốt bao nhiêu cây số bên dòng sông Marne. Tại sao tôi còn sống đến ngày hôm nay?
Hãy coi mình là kẻ bị bệnh hủi, bị bệnh lao, bị bệnh tim, bị bệnh cancer; hãy coi mình như là đã bị tàn tật, hai chân bị bại, tê liệt, bị cắt đứt, hai tay đã bị đứt rồi, mắt đã mù, tai đã điếc, mũi đã tịt, lưỡi đắng, ý thức mù mịt; hãy coi mình như là kẻ bị tù, bị đầy ở Tây Bá Lợi Á, một kẻ bị trung thân lưu đày, một kẻ tử tội sắp bị đem ra hành hình, một kẻ bị khoét mù đôi mắt và tay chân bị còng và bị nhốt trong xà lim hôi thối, nóng nực.
Mặc dù như trên, đồng thời hãy coi mình như là thần thánh, Phật, Chúa, Thượng Đế, kẻ lớn hơn Thượng đế và khai sinh ra Thượng đế.
Đồng thời, hãy coi mình là một co quái vật, một thằng điên, một kẻ bại dâm và bạo dâm, một con quỉ, một con kiến rất nhỏ.
Yêu đời, cười thầm lặng, hưởng nuốt từng giọt thời gian, từng giọt ý thức luân lưu tỉ tê trong đầu. Sống trọn vẹn mỗi đêm, mỗi ngày; sống mỗi một cảm giác, một ý tưởng một cách thơ mộng, một cách sầu mộng, một cách lãng mạn, một cách tuyệt vời. Thiên thai xuất hiện từng giây trong gian phòng đóng kín. Chỉ cần một ý tưởng nào đó, tôi cũng tạo được Thiên thai bất tuyệt trong gian phòng đóng kín này. Không sợ mất thiên thai, không giữ lấy lại những gì đang lướt qua. Những dòng nước chảy tỉ tê trong máng xối và đón nhận tất cả như trời cho nước để đất nhận, thở ra và thở vào, đi xuống và đi lên, một thời đau khổ và một thời Thiên thai. Con người chỉ mất lối Thiên thai khi con người không chịu mất Thiên thai.
Hồi sáng tới bây giờ tôi chưa gặp ai cả, tôi nhìn tờ lịch và thấy ngày cuối tháng, không ngày mai mới là ngày 31 tháng 8, tôi phải viết suốt ngày hôm nay, không mở cửa và không nói nhảm nhí. Tôi nằm trong màu xanh lá trái cây, màu lục, màu lá rừng xuân. Trước mắt tôi cũng là màu xanh lá cây. Có tiếng gõ cửa. Tôi lắng nghe và lãnh đạm. Có tiếng xoáy ổ khoá, một con ma hiu quạnh bước vào, một con ma hiền lành đang mỉm cười và khuyên tôi tiếp tục ngồi sáng tạo, sáng tác, khai tạo, khai phá, khám phá, dựng lên một vũ trụ mà chính tôi là kẻ được toàn quyền phá huỷ và được toàn quyền biến chuyển mình thành ra kẻ lệ thuộc cho nó.
Nước trong máng xối tuôn chảy rà rào, buổi chiều mưa vụt rơi và vụt hết đi trong nháy mắt. Tôi nằm lênh đênh trên giường, từng cuộn ý tưởng rối rít đan dệt trong đầu, tôi không thây mình là gì cả, chỉ có chữ tôi là một bến tàu để neo giữ lại một con thuyền đang vượt trùng khơi. Bước đi thật chậm giữa ánh sáng tốc hành của vũ trụ, mỗi bước đi là mục đích cuối cùng, mỗi bước đi là nơi đến tối hậu, bước đi này dẫn đến bước đi khác, bước đi không đưa mình về một phương hướng nào cả: vòng tròn là dấu hiệu của đời sống và sự chết: vòng tròn là chân lý: vòng tròn là nỗi thất bại tuyệt diệu của mặt trời.
Sợ chết và thích sống, đó là dấu hiệu của người tầm thường.
Sợ sống và thích chết, đó là dấu hiệu của người bần tiện.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người yếu đuối.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người ngu xuẩn.
Biết sống và biết chết: dấu hiệu của kẻ khờ dại.
Không biết sống và không viết chết: dấu hiệu của kẻ đần độn.
Sống và chết: dấu hiệu của kẻ bệnh hoạn.
Không sống và không chết: dấu hiệu của kẻ ích kỷ.
Sống trong chết và chết trong sống: văn chương phù phiếm dùng để trang hoàng hoa mỹ cho sự trống rỗng của tư tưởng.
LXXXI.
Tôi khinh bỉ mùa thu trên tóc em.
Những con ngựa già chạy đuổi bóng trăng non
Tôi khinh bỉ tiếng gà gáy trọn đêm thâu
Những bóng ma đen trở về mua mộng ảo
Đường lên mặt đá hoa cương nổi loạn.
Biển nổi cù lao trên trời ly hương
Những con rắn già nằm ngủ mười lăm thế kỷ.
Hạnh phúc để trên khoé mắt bé thơ mùa tuyết chảy
Mây đông đùn khói cá chết trên trời
Tóc Quế Hương xõa xuống nhú đồi Place de la Contrescarpe
Những con đường lên, những con đường xuống
Tôi bước theo Phương trên đường lên dốc ngược
Phương xõa tóc dài phủ đá sông sâu
Xóm chợ Mouffetard Phương bước nghiêng đường dốc
Và hát rất nhỏ
Moi jie construis
Les marionettes
Avec… de la ficelle et du papier…
Tôi hát theo rất lớn
Cơn gió heo may dâm loạn
Tôi hát theo luống cày lên hoa
Tóc Phương bay lâu đài yêu ma
Những chiếc lá marronniers
Những đám mây non của trời tháng tư
Đầu tháng tư
Tôi hát theo lâu đài huyễn mộng
Tiếng xe điện hầm cuối phố Jussieu thét mòn lòng đất Paris
Như tiếng hát của Phương khoét nhói đời tôi những đêm trắng bạch, những đêm Paris mỏi mòn thuốc lá, những đêm cà phê huyền chảy mướt tóc Phương trên chuyện tình tưởng tượng và chỉ là tưởng tượng
Những đêm nín thở
Những đêm mưa tháng tư tưới trên cỏ măng mọc mướt thân thể của một người
Mưa phùn tháng tư tưới trên những nhú hoa linh lan
Những nhú hoa muguets trắng bạch
Bóng mặt trời trong con ngươi của mắt Phương
Bóng mặt đường trên những trang giấy tôi mang từ Greenwich Village đem về cho Phương bôi đen những ô nhật ký màu xám
Moi
Je construis
Les marionettes
Avec de la ficelle
Et du papier…
LXXXII.
Sự thành thực không thể có được trong đời này; mâu thuẫn: những gì có tên thì mới có được. Sự thể và toàn thể xuất hiện trong toàn thể ngữ vựng của loài người: một chữ được nói ra thì sự thể ra đời theo cùng lúc với chữ ấy. Sự thành thực, lòng chân thành thuộc vào một đời sống khác, đời sống của sự im lặng, không ngôn ngữ, chưa ai biết. Biết, nói, gọi, xuất hiện và thể hiện cùng đồng nghĩa với nhau. Tất cả những gì có thể đặt tên được, có thể nói lên lời, có thể biết được, đếu đồng nghĩa với nhau, dù hời hợt bên ngoài, ý nghĩa này chống nghịch với ý nghĩa kia. Nhưng sự chống đối này chỉ là hậu quả của bản chất đồng nghĩa của toàn thể.
Đoạn văn này quan trọng: tất cả tư tưởng của đời tôi xoay vào đó kể từ đây trở đi: bước đầu để tôi phá huỷ văn hóa văn minh nhân loại, bởi vì bi kịch đau đớn của đời tôi là từ lúc tôi tự gọi là “tôi” và từ lúc tôi biết mình có một tên.
LXXXIII.
Muốn làm vui lòng người này hoặc người kia: dâu hiệu của cơn yếu đuối xa lầy của tâm thức
Muốn gây hấn người này hoặc người kia: dấu hiệu của sự tẻ nhạt trong tâm thức và muốn chạy trốn hố thẳm trống rỗng của tâm hồn lạnh lẽo.
Lãnh đạm với người này hoặc người kia: dấu hiệu của hỏa ngục và thiên đàng.
Để ý tọc mạch về người này hoặc người kia: dấu hiệu của một người không dám đứng một chân què quặt trước mặt trời, mặc dù biết rằng mặt trời không có thực.
Tập sống với những gì mình không có, tập sống với những gì mình thiếu thốn và mất mát, tập sống với một vết đen bang quơ nào đó trên vách tường.
Ngó và nhìn thẳng vào một sự vật gì tầm thường nhất trong 1 giờ đồng hồ, trong 3-4 giờ, trong 24 giờ, trong 24 năm, trong 70 năm, trong 7000 năm.
Giết tất cả mọi sự tưởng tượng, mặc dù biết rằng sự giết ấy cũng là tưởng tượng nữa.
Con ngưởi là kẻ nô lệ của Ngôn Ngữ.
Mặt trời không bao giờ có thực
LXX.
Bình tĩnh, nhẹ nhàng, chịu đựng tất cả những cực hình lớn lao nhất trong đời mà không bao giờ than thở, lì lợm kiên nhẫn, bới sâu hết những giải đất của Đông phương và Tây phương, bỏ mình hy sinh cho một đóa hoa héo trong ly nước.
LXXI.
Trong tôi vừa nổi dậy một cơn thác lũ động đất, tôi yêu đời, yêu lạ lung; tôi yêu luôn sự chết; tôi sống với tất cả những người đã sống trên vũ trụ: tất cả mọi người là tôi. Tha thứ, khoan dung, rộng lượng, tôi ôm cả đỉnh núi trào bọt biển. Tôi không còn biết gì nữa. Tôi bí ẩn, lướt thướt, hạnh phúc, tuyệt diệu, tuyệt vời… Ồ, ồ. Nói gì… nói gì nữa…
LXXII.
Mắc cỡ những lúc nói hay viết những chữ “đời”, “cuộc đời”, “cuộc sống”; những chữ ấy là những chữ gì, có nghĩa gì; tôi nào có hiểu gì đâu, tôi không bao giờ hiểu gì cả, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.
Kiên nhẫn, lạnh lùng, xa lạ, viễn mộng bay qua lòng tôi như ráng chiều trên song nhạc Beethoven…
LXXIII.
Tôi đủ kiên nhẫn như đồi núi, như tảng đá khô, để bước đi từng bước một, học từng chữ A và chữ B, tập đánh vần, tập viết và bỏ từng dấu chấm và dấu phết, để cho sống lại trong hồn tôi những đồng xanh đã mất, những đám lúa xanh bay vút trong bóng mặt trời.
LXXIV.
Tôi không muốn thay đổi những gì đã xẩy ra trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Tất cả đã xẩy ra như ý muốn lạ lùng của tôi, tôi sống và tôi chết như tôi đã sống và đã chết. Tôi leo lên, với lên, bò lên, đứng ở trên cao; tôi trượt xuống, té xuống, rơi xuống, chìm xuống tận đáy sâu. Tôi bay lên bay xuống, tôi nằm xuống và đứng dậy. Tất cả đều xẩy ra như tôi đã muốn. Thức và ngủ, thực và mộng, tất cả lan ra và thu lại, chim chiều bay xa, chim mai gọi về… Chỉ im lặng, tôi mới sống nổi… Ồ, ồ hơi thở sao mà thiêng liêng.
LXXV.
Mưa đổ ào xuống lòng tôi, tôi nghẹt thở, tim tôi nhảy vụt lên trời, ồ sung sướng, hạnh phúc ngây ngây, thiên đàng, tôi đã thấy thiên đàng, nốt nhạc xưa nổi dậy theo hơi gió luồn qua mười ngón chân tôi.
Chậm chạp, bình tĩnh, sẽ tới nơi, tới nơi, đừng gấp gáp, đừng vội vàng, sắp tới, tới đã tới nơi rồi. Chậm chậm, mọi sự đều xong, bước tới, chỉ còn một bước nữa, bước từng bước cho trọn, tới, sắp tới, đã tới rồi. Ồ, ồ, tới, đến rồi. Chậm chậm mọi sự đều thành tựu. Cơn điên mặt trời đã dứt, cơn đau mặt trăng đã chìm; bình tĩnh, đừng bồn chồn, không có gì canh cánh, điềm đạm, từng bước một, từng hơi thở một, nhè nhẹ, âm thầm, tới, bước tới, sắp xong rồi, đã tới rồi. Mưa vẫn lí lóe cùng tiếng sấm xa xa, hồn tôi đã nhập. Ồ, ồ… tôi yêu, tôi yêu… Tôi yêu tôi!...
LXXVI.
Sự nản chí, nản lòng, ý định muốn bỏ cuộc chỉ xẩy ra trong một giây: đừng để một giây làm thành định mệnh. Hãy đập nát nó ngay lập tức và ngồi dậy tập thở cho điều hòa. Một giây phút nản chí là mùa đông, một hơi thở, chỉ một hơi thở là mùa xuân bừng dậy. Từ đây, tất cả cuộc đời tôi được xây dựng trong đoạn văn này.
LXXVIII.
Tôi thèm chết, nhớ chết, yêu chết, thương chết. Chết. Chết tất cả kỷ niệm, chết hết những ngày tháng cũ, chết hết những con đường đã đi qua và ngàn đời không trở lại. Có lẽ tôi đang hạnh phúc mà không biết?
LXXIX.
Hiểu được ý nghĩa chữ “donc” là hiểu được trọn vẹn văn hóa Pháp, văn hóa Âu châu, văn hoá Tây phương.
Sự thất bại lớn nhất của tôi, nỗi đau đớn của tôi là đã sống theo ý nghĩa của chữ “donc”…
Tại sao phải vội vã hấp tấp?
Tại sao phải gấp gấp, khi mà mỗi bước đi đều là định mệnh? Mỗi cái nhìn là thiên thu ly biệt? Mỗi lời nói là một thế giới sụp đổ? Mỗi giây phút là đền điện vĩnh cửu? Tôi không còn biết thù ghét, bực bội giận hờn, phân chia. Tôi là tất cả mọi người đang ngủ, tất cả mọi người đang mộng, tất cả mọi người đang thức, đang làm việc, đang thở, đang hút thuốc, đang đau đớn vui sướng, hãnh diện, ray rứt, mệt mỏi, hạnh phúc, già và chết. Tất cả nhà tù bị phá vỡ trong tôi, tất cả những đường rầy xe lửa đang chạy suốt đêm trong hồn tôi. Tôi bước đi rất chậm, tôi nói rất chậm và viết rất chậm, vì nhân loại đang đi, nói và viết. Sự mau lẹ, sự nhanh chóng chỉ là cơn bệnh trầm trọng của không khí.
Gió thổi nhanh nhất khi không khí xoáy chậm lại, mặc dù gió là không khí trưởng thành!
Triết lý ngày mai phải là triết lý về nước.
Tôi phải sống như chết rồi, leo lên, vươn lên, hy sinh cho mọi người, chịu đựng mọi người, tha thứ mọi người, thương yêu họ vì lòng tôi tràn đầy sự khinh bỉ. Im lặng, nói để mà im lặng, im lặng để mà nói… Đường đời chỉ còn gió thổi. Tôi có nghe tiếng gió?
Tại sao mấy triệu năm đã trôi qua rồi mà loài người vẫn không thay đổi? Vẫn bần tiện, vẫn nông cạn, vẫn bao nhiêu nhỏ mọn hèn nhát?
Hôm nay tôi phải viết một bức thư 50 trang gửi cho Thượng đế nói về sự im lặng của Nietzsche và khi viết bức thư trên thì tôi lên đường đi qua Nice, Gênes, Turin, Sils-Maria, bước từng bước một đi theo hình bóng cũ, nghe tiếng sống xa cách mãi, tinh thần không còn se sắt và thu trần gian bay về đây.
Tôi thích mới lạ, thích thay đổi, thích cảm giác bén nhọn, thích vui đùa để chạy trốn. Sự buồn chán, sự tẻ nhạt, sự lạnh lùng là thiên đàng của tôi.
Mất, tôi đã đánh mất tôi quá nhiều. Mất đi, cho mất đi, chẳng có gì hối hận, lên và xuống, vui và buồn, yêu và ghét, tôi thay đổi hay chính ngữ vựng trong đầu tôi đã thay đổi. Ngữ vựng của một người dùng mỗi ngày đã quyết định cuộc đời của người ấy.
Chỉ sống một lần và lần cuối, chỉ chết một lần và một lần đầu.
Tại sao tôi thế này, tại sao tôi thế kia, tôi phải sống thế nào, ý nghĩa cuộc đời là gì, tại sao tôi chết, tại sao tôi đau khổ như thế, tôi chán đời như thế, vân vân.
Tất cả những câu hỏi như trên chỉ xuất hiện lúc trong người mình yếu đuối, mệt nhọc; mệt nhọc đặt câu hỏi về sự mệt nhọc: như thế có khác gì con rắn cắn đuôi rắn, vì không ý thức được rằng đuôi rắn là rắn: rắn cắn một cách vô ý thức và tưởng rằng đuôi mình là một thực thể khác mình: đặt lên những câu hỏi và tìm những câu trả lời: tưởng rằng những câu trả lời khác câu hỏi!
Tôi sống ý thức từng giây phút và ý thức rằng từng giây phút là từng ý thức, vì giây phút chính là ý thức, không khác ý thức: ý thức là thời gian; ý thức về thời gian là thời gian về thời gian, nghĩa là: rắn cắn đuôi rắn: người Việt Nam giết người Việt Nam: ngày mai tôi chết đi, dù chết bởi lý do gì đi nữa, chết tai nạn, chết bức mệnh, chết yểu, chết đau bệnh, chết điên, chết già, chết giữa mặt trận; dù chết vì bất cứ lý do gì đi nữa; tôi phải hiểu rằng chính tôi đã giết tôi, cũng như chính rắn đã cắn rắn; nói theo một nghĩa bơ vơ hơn nữa, chính tôi đã sinh ra tôi.
Tôi giết tôi, tôi sinh ra tôi: bất diệt; tôi đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này; nghĩa là mười triệu năm nữa, nói theo lịch sử loài người: tôi vẫn còn đang ngồi đây viết những dòng chữ kỳ dị này. Ồ, lạ.
Tai nạn lớn nhất trong đời là sợ sự nhạt nhẽo khô khan. Phải sống nổi với những gì khô khan nhạt nhẽo nhất thì mới nói đến chuyện lên núi.
Sống thực khô khan, thực cũ kỹ, thực bình thường, thực nhạt nhẽo, thích lặp đi lặp lại muôn ngàn lần những gì mình đã biết rồi, lặp đi, lặp lại với ý thức cháy mặt trời…
Không đi tim mới lạ: tất cả sự mới lạ đều là sự đánh lừa của ý thức. Hãy đào bới trong những gì khô khan, tẻ nhạt, buồn chán nhất.
Hãy ăn cơm trắng tring mỗi ngày, chỉ ăn cơm trắng mà không bỏ muối, không bỏ tiêu, không bỏ ớt. Hơi thở vẫn là cao nhất, sang nhất, đẹp nhất trên cuộc đời này và trên tất cả vũ trụ này.
Nhân loại là hơi thở liên tục.
Hơi thở đứt ra thì tất cả nhân loại bị tiêu diệt và một vũ trụ mới thành hình.
Cô độc làm cho người ta gây ra chiến tranh, cô đơn khiến cho người ta kêu gọi hòa bình; chiến tranh và hòa bình chỉ là tiếng động của những người cô đơn. Cô độc làm cho phản lực cơ bay lên trời, cô đơn khiến cho bom nổ vỡ mặt đất.
Chịu đựng, tôi phải chịu đựng cho tới bao giờ? Chịu đựng cho mặt trời mọc mỗi ngày, chịu đựng cho sự thay đổi vĩnh viễn của mặt trời, chịu đựng cho sự phân ly, chịu đựng cho nỗi bất lực, chịu đựng những cánh cửa đóng, chịu đựng cơn lạnh buốt thân thể lúc mặt trời mọc ngay đỉnh trời…
Tiếng gõ cửa, tôi không muốn mở, và vì thương nhân loại, tôi đã mở cửa.
Một tiếng ừ, một tiếng không… tôi chỉ nói ờ… ờ, thế này, ờ thế kia… không bao giờ ừ không bao giờ không... ờ, ờ… chỉ ờ thôi.
Cửa đóng là một tiếng không dứt khoát.
Cửa hé là một tiếng ờ ngập ngừng.
Cửa mở là một tiếng ừ dễ dàng.
Đóng, hé và mở là ba tấn bi kịch phũ phàng mà tôi phải đóng mỗi ngày. Sự sống và sự chết: tiếng ờ là một cây cầu bắt qua sự sống và sự chết. Tôi mong cầu sụp đổ, dưới kia là tiếng không vĩnh viễn.
Nắng hôm nay quá chói chang, nó đâm nát sự bình thản trong tâm hồn, dục tính trỗi dậy ầm ầm như tiếng núi sập theo cơn lũ tuôn tràn… Tôi không ngờ dục tính trong tôi còn quá mạnh như thế: tôi tưởng nó đã chết, đã khô. Tôi nằm dài và cố gắng thở nhẹ nhàng để ngủ, nhưng dục tính cứ ầm ầm trổi dậy, nó đập tôi, xô tôi, quất mạnh vào từng thớ thịt, tôi mệt nhoài trong cơn chống cự hằn học, tôi đóng cửa lại để xô đuổi từng luồng ánh sáng cuồng dâm đổ tràn vào cửa sổ. Mặt trời bừng bừng sáng chói lên và dục tính trong tôi bừng bừng nổi dậy như một ngàn cơn động đất, tôi nằm ngửa ra và ngó lên trời, tôi cố gắng thở nhẹ nhàng, tôi thiếp đi trong cơn mê sảng, tôi thức dậy vào ba giờ chiểu, cổ họng khô cháy, mặt trời bắt đầu xế qua chân trời, đánh diêm đốt lên từng điếu thuốc rã rời, thở ra từng cuộn khói trắng, lòng nhói lên những hình ảnh quá khứ loạn cuồng, những kỷ niệm giết chết hiện tại, bóp nát buổi chiều nắng quái và phá vỡ trái tim của một mặt trời sắp lặn.
Mong đợi một cái gì khác xẩy ra là cơn bệnh trầm trọng hiện nay. Sống cứ triển hạn, sống như chưa chịu sống thực, tôi phải xử trảm tôi ngay lúc này, tôi phải cắt đầu tôi trong mỗi phút. Đừng bao giờ mong đợi gì hết: bất cứ giờ phút nào, bất cứ giây phút nào cũng đều quan trọng và nặng chĩu ý nghĩa: tôi phải sống thường xuyên với thiên thu vĩnh cửa; bất cứ sự việc tầm thường nào cũng nặng chĩu trái đỏ và hoa trắng, bất cứ những gì xầy ra mỗi ngày chỉ xẩy ra trong vĩnh cửu thiên thu; một giây là một triệu năm trôi qua. Yêu, yêu hết tất cả kẻ thù, yêu tất cả những ngày thê thảm, yêu hết những mặt trời cay đắng, yêu hết những mặt trăng tủi nhục. Tôi đang sống trong thiên đàng, hoả ngục cũng chỉ là thiên đàng, một thứ thiên đàng thâm trầm hơn, bí ẩn hơn; tôi đang ngồi trên cao, nhìn xuống thành phố dưới kia, tôi làm bạn vô hình với tất cả mọi người dưới kia, không phân biệt, không xa cách họ; một trăm năm nữa, tất cả những người dưới kia chỉ còn là cát bụi; tôi yêu cát bụi; mỗi hạt cát là dấu vết sống động của một kiếp đời bí mật; tôi yêu sự bí mật; tôi yêu luận lý học, vì luận lý học cũng bí mật trá hình; tôi yêu tất cả sự trá hình; tôi thích đóng kịch; tôi yêu những thằng hề trong kịch; tôi ghét những đôi mắt của những đứa con gái còn trinh: đôi mắt ấy là sự trá hình của một thiêng đàng giả tạo. Lãng mạn, cả đời tôi là một bài thơ lãng mạn: tóc tôi bay dài theo gió trời; tóc tôi bay bồng bềnh như mây mộng trong tim tất cả người con gái đẹp; tôi nỏi giận: tôi cắt tóc và cạo đầu trọc để mặt trời vẫn có thực trên mái ngói mỗi buổi sớm mai, để “bao nhiêu thương nhớ đầy vơi”… Tôi yêu những gì khô khan nhất trên đời; tôi yêu những gì khó hiểu nhất, tẻ nhạt nhất, buồn chán nhất; tôi yêu những gì cổ điển nhất, lỗi thời nhất, những gì loài người bỏ quên, đánh mất và xua đuổi. Mục đích tối thượng của đời tôi là tạo ra cho mình một đời sống thức buồn chán, thực tẻ nhạt, thực khô khan, thực bình thường, thực lạnh lùng: tạo một đường mòn cho đời mình; một con đường thực mòn, mòn đến chán chường, mòn đến buồn ngủ, mòn như những gì mòn nhất trên đời; mục đích tôi hậu của đời tôi là phải cố gắng tạo cho mình một đời sống nhoè nhạt của một con chó già, con chó ngáp ngủ và nằm thè lưỡi thở nhọc nhằn giữa một bầy ruồi nhặng quấy rầy; tôi đang sống trên thiên đàng, một thứ thiên đàng kỳ lạ, một thứ thiên đàng đầy ruồi nhặng, đầy sắt cũ, đầy đá khô, đầy mồ hôi nách; tôi mong đợi được sống ở hỏa ngục, nhưng trọn đời tôi chỉ là một kẻ bất đắc chí vì đã không tìm thấy hỏa ngục; tôi nhớ, thèm, khát, mơ mộng nhớ nhung hỏa ngục. Tôi không thể sống nổi nữa vì không tìm ra được hỏa ngục. Chỉ có hỏa ngục mới là quê hương của tôi, nhưng tôi đã mất quê hương; tôi đã bị lưu đày khỏi hỏa ngục yêu dấu. Ôi hỏa ngục thơ mộng của đời tôi, ới hỏa ngục xa xôi của mộng đầu, hãy trả lại tôi ngọn lửa thiên thu, hãy cho tôi được đốt cháy thiên thu trong hỏa ngục. Chỉ có những con quỷ dữ mới là bạn thân của tôi, tôi không còn sống nổi với những ông thánh mất dạy. Ai hiểu nổi tôi? Chỉ có quỷ ma mới hiểu được tôi. Lòng tôi phong kín như một bày hoa trắng chưa nở trong rừng sương. Tôi lãng mạn như một buổi chiều không tới, như một chuyến tàu trễ hẹn vì mùa xuân đến sớm và tung ra muôn ngàn bụi hoa non trên đường rầy…
Một danh từ ám ảnh tôi ngày hôm nay là danh từ Hán Việt “nguyên khí”. Đánh mất nguyên khí là sự nản lòng của đời người: nuôi dưỡng nguyên khí là để ý thường xuyên hơi thở của mình. Người ta chỉ chán, bỏ cuộc, thiếu can đảm bạo dạn lúc nguyên khí bị đánh mất đi. Sứ mệnh tối trọng bây giờ là phải làm sống lại những danh từ bị bỏ quên trong ngôn ngữ: giữ nguyên khí, nuôi dưỡng nguyên khí cho ngôn ngữ. Tiến một bước tréo nữa là giữ nguyên khí cho chính danh từ nguyên khí.
Tôi phải giết chết tôi, đập nát bản ngã nhỏ hẹp, vươn lên đám chim ưng trên cao kia. Chịu đựng, chịu đựng cho tàn lửa, rồi phá vỡ sự chịu đựng, ca hát trên những buổi chiều tắt gió. Ru lên những lá chớm trên mái nhà thuở bé nhỏ. Động mình kêu tiếng thở xanh xao. Ô hay, nước mặt đã cạn. Con sông trước mắt tôi không còn chảy, tiếng bước chân đi trên không khí, tiếng hè phố chiều thứ bảy. Con người tìm giải trí tiêu khiển để quên rằng mình chỉ sống một lần, chỉ yêu một lần, chỉ nhìn thấy một lần, chỉ nghe tiếng kim khí va chạm một lần thôi. Tư tưởng, chỉ một tư tưởng thoáng hiện trong đầu là một vũ trụ xa lìa chìm đắm. Hồi sinh lại tư tưởng. Giữ nguyên khí cho tư tưởng.
Mỗi ngày tôi thức dậy trước bính minh; tôi muốn túm lấy cổ mặt trời. Tôi phải thức trước mặt trời, không thì mặt trời sẽ chụp lấy đầu tôi và khiến tôi điên đảo uất nghẹn u tối trọn ngày. Ngày nào tôi cảm thấy yêu đời thực sự đều là những ngày tôi đã thức dậy trước bình minh. Trời màu xanh huyền huyền, gió bay quá nhẹ, gà gáy quá thanh, tiếng thành phố nhóm dậy như một bầy hoa hé mở từng khóm trong khu rừng xao xác lá đông. Nguyên khí chỉ xuất hiện trọn vẹn từ 1 giờ khuya đến lúc bình minh chuyển mình. Hôm nay, tôi yêu đời lại như xưa, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn xao động những đường phố ướt nước mưa. Tiếng một đứa trẻ khóc sáng. Tiếng động của những năm trôi qua trở về bóp nhói tim tôi.
Tôi không thể sống nổi với bất cứ những người nào tôi đã quen biết. Sống với bất cứ ai, tôi cũng thấy hết, đâm thủng vào những tâm tư thầm kín của họ: Nỗi đau đớn của đời tôi là đã nhìn thấy, nhìn, nhìn thấy quá sâu vào những ý nghĩ của con người. Tôi có thể đọc được tất cả những gì đã xẩy ra và sẽ xẩy ra trong một lời nói vô nghĩa, một cử chỉ nào đó, một bóng chờn vờn vô hình nào đó, trên nét mặt, trong giọng nói, trên trán, trong con ngươi mắt, trên hé môi, trong cổ họng, trên sóng mũi, trong hai lỗ mũi, trên dáng đi, trong muời ngón tay thừa thãi.
Dù biết thế, tôi vẫn phải yêu đời sống và lại càng yêu nó thập bội; nói tóm lại, vì biết thế, tôi phải thức dậy trước bình minh.
A, a, tôi đã thấy. Mặt trời chiếu cao và ôm ghì đôi chân của tôi, tôi bước qua bước lại trên ban công, tôi đi qua đi lại, bước chân tôi vụt mạnh từ trái qua mặt, bước chân tôi đi vụt qua vụt lại như trái tim đồng hồ lớn treo trong một ngôi nhà cổ ở nghĩa địa. Tôi bước qua lại trên ban công và tư tưởng tôi vút qua vút lại như con thuỷ triều ở biển rộng. A, ồ, tôi đã thấy, đã nhìn thấy rồi. Mặt trời không bao giờ có thực; tôi muốn hét lên rằng Mặt trời không bao giờ có thực, mặc dù mặt trời đang chiếu rực ngời trên đầu tôi; Mặt trời không bao giờ có thực. Từ lâu tôi đã đau khổ quằn quại, tôi đã tê liệt thần trí, vì nghĩ rằng mặt trời vẫn mọc lên đầu mình. Tôi đã chiến đấu với mặt trời, đã để sự hiện diện của mặt trời đè nặng trên đời sống thường nhật. Tôi đã khám phá ra một sự bí mật lớn nhất của vũ trụ: Mặt trời không bao giờ có thực, mặt trời không bao giờ có thực.
Các ngài có thể lấy khoa học và cơ khí tối tân nhứt để chứng tỏ rằng mặt trời có thực. Tôi vẫn tru lên rằng mặt trời không bao giờ có thực! Tôi sống và chết với những gì tôi đã khám phá ngày hôm nay.
Ngày hôm nay là ngày 30, ngày cuối tháng, tôi đã đánh mất tôi bao lâu rồi? Tôi đã quên hết rồi. Bắt đầu từ giờ phút này; tôi nguyện ở lì luôn trong phòng, không đi xuống lầu, dù với bất cứ lý do nào, không nói chuyện, không mở cửa, không tiếp đón ai cả. Tôi ngồi suốt ngày trong phòng, viết suốt ngày, viết suốt đêm, viết suốt tuần, viết đang lúc ngủ, viết lúc thức, viết lúc thở. Đóng kín cửa lại, không mở cửa sổ, giết hết tất cả sự thực, tạo ra một vũ trụ mộng mị và chết lì lợm luôn trong cơn mộng huyền bất tận. Tình yêu hiện nguyên hình hôm nay. Trời, một đêm khuya lạnh lẽo đi suốt bao nhiêu cây số bên dòng sông Marne. Tại sao tôi còn sống đến ngày hôm nay?
Hãy coi mình là kẻ bị bệnh hủi, bị bệnh lao, bị bệnh tim, bị bệnh cancer; hãy coi mình như là đã bị tàn tật, hai chân bị bại, tê liệt, bị cắt đứt, hai tay đã bị đứt rồi, mắt đã mù, tai đã điếc, mũi đã tịt, lưỡi đắng, ý thức mù mịt; hãy coi mình như là kẻ bị tù, bị đầy ở Tây Bá Lợi Á, một kẻ bị trung thân lưu đày, một kẻ tử tội sắp bị đem ra hành hình, một kẻ bị khoét mù đôi mắt và tay chân bị còng và bị nhốt trong xà lim hôi thối, nóng nực.
Mặc dù như trên, đồng thời hãy coi mình như là thần thánh, Phật, Chúa, Thượng Đế, kẻ lớn hơn Thượng đế và khai sinh ra Thượng đế.
Đồng thời, hãy coi mình là một co quái vật, một thằng điên, một kẻ bại dâm và bạo dâm, một con quỉ, một con kiến rất nhỏ.
Yêu đời, cười thầm lặng, hưởng nuốt từng giọt thời gian, từng giọt ý thức luân lưu tỉ tê trong đầu. Sống trọn vẹn mỗi đêm, mỗi ngày; sống mỗi một cảm giác, một ý tưởng một cách thơ mộng, một cách sầu mộng, một cách lãng mạn, một cách tuyệt vời. Thiên thai xuất hiện từng giây trong gian phòng đóng kín. Chỉ cần một ý tưởng nào đó, tôi cũng tạo được Thiên thai bất tuyệt trong gian phòng đóng kín này. Không sợ mất thiên thai, không giữ lấy lại những gì đang lướt qua. Những dòng nước chảy tỉ tê trong máng xối và đón nhận tất cả như trời cho nước để đất nhận, thở ra và thở vào, đi xuống và đi lên, một thời đau khổ và một thời Thiên thai. Con người chỉ mất lối Thiên thai khi con người không chịu mất Thiên thai.
Hồi sáng tới bây giờ tôi chưa gặp ai cả, tôi nhìn tờ lịch và thấy ngày cuối tháng, không ngày mai mới là ngày 31 tháng 8, tôi phải viết suốt ngày hôm nay, không mở cửa và không nói nhảm nhí. Tôi nằm trong màu xanh lá trái cây, màu lục, màu lá rừng xuân. Trước mắt tôi cũng là màu xanh lá cây. Có tiếng gõ cửa. Tôi lắng nghe và lãnh đạm. Có tiếng xoáy ổ khoá, một con ma hiu quạnh bước vào, một con ma hiền lành đang mỉm cười và khuyên tôi tiếp tục ngồi sáng tạo, sáng tác, khai tạo, khai phá, khám phá, dựng lên một vũ trụ mà chính tôi là kẻ được toàn quyền phá huỷ và được toàn quyền biến chuyển mình thành ra kẻ lệ thuộc cho nó.
Nước trong máng xối tuôn chảy rà rào, buổi chiều mưa vụt rơi và vụt hết đi trong nháy mắt. Tôi nằm lênh đênh trên giường, từng cuộn ý tưởng rối rít đan dệt trong đầu, tôi không thây mình là gì cả, chỉ có chữ tôi là một bến tàu để neo giữ lại một con thuyền đang vượt trùng khơi. Bước đi thật chậm giữa ánh sáng tốc hành của vũ trụ, mỗi bước đi là mục đích cuối cùng, mỗi bước đi là nơi đến tối hậu, bước đi này dẫn đến bước đi khác, bước đi không đưa mình về một phương hướng nào cả: vòng tròn là dấu hiệu của đời sống và sự chết: vòng tròn là chân lý: vòng tròn là nỗi thất bại tuyệt diệu của mặt trời.
Sợ chết và thích sống, đó là dấu hiệu của người tầm thường.
Sợ sống và thích chết, đó là dấu hiệu của người bần tiện.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người yếu đuối.
Không sợ chết và không thích sống, đó là dấu hiệu của người ngu xuẩn.
Biết sống và biết chết: dấu hiệu của kẻ khờ dại.
Không biết sống và không viết chết: dấu hiệu của kẻ đần độn.
Sống và chết: dấu hiệu của kẻ bệnh hoạn.
Không sống và không chết: dấu hiệu của kẻ ích kỷ.
Sống trong chết và chết trong sống: văn chương phù phiếm dùng để trang hoàng hoa mỹ cho sự trống rỗng của tư tưởng.
LXXXI.
Tôi khinh bỉ mùa thu trên tóc em.
Những con ngựa già chạy đuổi bóng trăng non
Tôi khinh bỉ tiếng gà gáy trọn đêm thâu
Những bóng ma đen trở về mua mộng ảo
Đường lên mặt đá hoa cương nổi loạn.
Biển nổi cù lao trên trời ly hương
Những con rắn già nằm ngủ mười lăm thế kỷ.
Hạnh phúc để trên khoé mắt bé thơ mùa tuyết chảy
Mây đông đùn khói cá chết trên trời
Tóc Quế Hương xõa xuống nhú đồi Place de la Contrescarpe
Những con đường lên, những con đường xuống
Tôi bước theo Phương trên đường lên dốc ngược
Phương xõa tóc dài phủ đá sông sâu
Xóm chợ Mouffetard Phương bước nghiêng đường dốc
Và hát rất nhỏ
Moi jie construis
Les marionettes
Avec… de la ficelle et du papier…
Tôi hát theo rất lớn
Cơn gió heo may dâm loạn
Tôi hát theo luống cày lên hoa
Tóc Phương bay lâu đài yêu ma
Những chiếc lá marronniers
Những đám mây non của trời tháng tư
Đầu tháng tư
Tôi hát theo lâu đài huyễn mộng
Tiếng xe điện hầm cuối phố Jussieu thét mòn lòng đất Paris
Như tiếng hát của Phương khoét nhói đời tôi những đêm trắng bạch, những đêm Paris mỏi mòn thuốc lá, những đêm cà phê huyền chảy mướt tóc Phương trên chuyện tình tưởng tượng và chỉ là tưởng tượng
Những đêm nín thở
Những đêm mưa tháng tư tưới trên cỏ măng mọc mướt thân thể của một người
Mưa phùn tháng tư tưới trên những nhú hoa linh lan
Những nhú hoa muguets trắng bạch
Bóng mặt trời trong con ngươi của mắt Phương
Bóng mặt đường trên những trang giấy tôi mang từ Greenwich Village đem về cho Phương bôi đen những ô nhật ký màu xám
Moi
Je construis
Les marionettes
Avec de la ficelle
Et du papier…
LXXXII.
Sự thành thực không thể có được trong đời này; mâu thuẫn: những gì có tên thì mới có được. Sự thể và toàn thể xuất hiện trong toàn thể ngữ vựng của loài người: một chữ được nói ra thì sự thể ra đời theo cùng lúc với chữ ấy. Sự thành thực, lòng chân thành thuộc vào một đời sống khác, đời sống của sự im lặng, không ngôn ngữ, chưa ai biết. Biết, nói, gọi, xuất hiện và thể hiện cùng đồng nghĩa với nhau. Tất cả những gì có thể đặt tên được, có thể nói lên lời, có thể biết được, đếu đồng nghĩa với nhau, dù hời hợt bên ngoài, ý nghĩa này chống nghịch với ý nghĩa kia. Nhưng sự chống đối này chỉ là hậu quả của bản chất đồng nghĩa của toàn thể.
Đoạn văn này quan trọng: tất cả tư tưởng của đời tôi xoay vào đó kể từ đây trở đi: bước đầu để tôi phá huỷ văn hóa văn minh nhân loại, bởi vì bi kịch đau đớn của đời tôi là từ lúc tôi tự gọi là “tôi” và từ lúc tôi biết mình có một tên.
LXXXIII.
Muốn làm vui lòng người này hoặc người kia: dâu hiệu của cơn yếu đuối xa lầy của tâm thức
Muốn gây hấn người này hoặc người kia: dấu hiệu của sự tẻ nhạt trong tâm thức và muốn chạy trốn hố thẳm trống rỗng của tâm hồn lạnh lẽo.
Lãnh đạm với người này hoặc người kia: dấu hiệu của hỏa ngục và thiên đàng.
Để ý tọc mạch về người này hoặc người kia: dấu hiệu của một người không dám đứng một chân què quặt trước mặt trời, mặc dù biết rằng mặt trời không có thực.
Tập sống với những gì mình không có, tập sống với những gì mình thiếu thốn và mất mát, tập sống với một vết đen bang quơ nào đó trên vách tường.
Ngó và nhìn thẳng vào một sự vật gì tầm thường nhất trong 1 giờ đồng hồ, trong 3-4 giờ, trong 24 giờ, trong 24 năm, trong 70 năm, trong 7000 năm.
Giết tất cả mọi sự tưởng tượng, mặc dù biết rằng sự giết ấy cũng là tưởng tượng nữa.
Con ngưởi là kẻ nô lệ của Ngôn Ngữ.
Phạm Công Thiện -Mặt trời không bao giờ có thực ( 2 )
Phạm Công Thiện
Mặt trời không bao giờ có thực
XXX.
Tôi sủa với con chó dưới kia, tôi đưa đẩy xối xả trên mái nhà với cơn mưa chiều, tôi ướt lèm nhèm với đất, tôi quét sân với chổi, tôi chảy trôi trong đất, nước, mưa, mây, trẻ con, mực đen, lá dừa. Sống là chảy mà chết cũng là chảy, tôi chảy với chảy trong chảy; chảy chảy về chảy trong chảy ở chảy. Ồ, điều lạ tuyệt vời!
XXXI.
Hôm nay tôi muốn nuôi dưỡng hoả ngục trong cơ thể và tâm thần.
XXXII.
Mỗi ngày phải rót nước vào đất và phơi sương vào lúc rạng đông hay trước bình minh, để cho lá vẫn tươi màu áo ban đầu, phải không cô? Chúc cô ngủ ngon đêm nay, ôi là dễ thương, song mũi hơi thoải lên, trông buồn chi lạ.
XXXIII.
Sống một ngày và chết một đêm; tất cả triết lý, tất cả, tất cả.
XXXIV.
Bình tĩnh, điềm đạm, sáng suốt, chậm rãi, phơi phới, thanh thoát, không mỉm cười ngày hôm nay, ngó thẳng vào hai lỗ mũi của bất cứ người nào mình gặp ngày hôm nay, hai lỗ mũi của bất cứ người nào cũng là hai cánh cửa của sự chết và sự sống, của tuyệt vọng và hy vọng; một hơi thở đi ra và một hơi thở đi vô: đó là ý nghĩa của cuộc đời và vô nghĩa của cái chết.
Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này: không gian, thời gian, thế gian, một chiếc lá khô, một vết mực đen, tất cả đều bí mật và huyền ảo. Tất cả những triết gia, tất cả những hiền nhân, tất cả những nhà thong thái, những nhà toán học, những nhà khoa học đều là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa người khác rằng họ có thể đi vào được hang tối của sự vật. Không. Không bao giờ sự vật hé ra một tý cho họ thấy. Sự vật vẫn đen tối như đêm ba mươi, dù nhân loại có trường tồn đến một tỷ triệu năm nữa thì sự vật vẫn đen tối như đêm hai mươi chín Tết vào mỗi năm nước không chảy.
Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi.
XXXV.
Dù vũ trụ có nổ tan tành như tro, tôi vẫn còn đó: tôi là vũ trụ, tôi là tro, tôi là tiếng nổ.
XXXVI.
Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.
XXXVII.
Người ta thường nói rằng sự việc xẩy ra hàng ngày. Đây là một điều ngu xuẩn lớn nhất của nhận thức con người. Không có gì xẩy ra trong mỗi ngày. Chỉ có tôi mới là xẩy ra từng giây phút, tôi xẩy ra với ánh sáng và bóng tối, tôi xẩy ra với đau đớn và hạnh phúc, tôi xẩy ra với tình yêu và im lặng. Tất cả sự việc chỉ có thể xuất hiện từ việc xẩy ra của tôi, từ xự xẩy ra và xẩy vô của hơi thở, của trái tim.
XXXVIII.
Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.
XXXIX.
Trời mưa bưởi rưởi trên sườn đồi. Còn gì nữa để bứt rau đem về thành phố?
XL.
Một tuần nay, tôi đã chết đi. Tất cả đều lềnh bềnh xa lạ. Ôi là xa xôi. Tôi bước đi hay ai bước đi? Không phải ý thức nữa; hai chân tôi bước đi trong vô thức. Lời nói cũng xa vời. Tôi không thấy gần gũi với tôi nữa. Tôi! Tôi là? Tôi đã đầu thai qua một trăm kiếp chỉ trong vòng một tuần. Tôi đang sống ở nhà thương điên? Có gì bảo đảm rằng tôi không điên? Tất cả những gì xảy ra chung quanh tôi đều do trí óc điên loạn của tôi tạo ra? Có gì bảo đảm rằng tôi vẫn là người bình thường? Có gì bảo đảm rằng tôi đang sống? Tôi đã chết? Tôi đang ở trong hoả ngục? Đi tìm bảo đảm có phải là triệu chứng của cái gì đã mất? Có phải tôi đang thở? Cái gì đang thở trong tôi? Một hơi gió đang thở qua xác tôi? Có phải tôi đang viết? Hay tôi đang bị sai khiến? Sai khiến bởi một con quỷ, con ma; một con yêu hay một con tinh đang điều khiển mấy ngón tay tôi để viết những giòng này? Một ngọn đèn đang cháy. Mùi nhị tỳ bay lảng vảng đâu đây. Tôi nghe tiếng la, tiếng khóc, tiếng ếch, tiếng va chạm. Tôi nghe hay ai nghe qua tôi? Tiếng chìa khóa rơi xuống gạch. Tôi nghẹn thở. Hay hơi thở nghẹn tôi?
XLI.
Mi ơi, tôi đang hấp hối, hãy đi tìm rau húng quế cho tôi. Dưới kia, ừ, lưng chừng giữa đèo hải vân.
XLII.
Đêm qua, tôi thèm chết như thèm mùi thuốc lá vào lúc 3 giờ khuya.
Sống và chết, một chiếc cầu bắc qua sông. Mây triệu năm rồi, tôi đã hoá thân biến dạng đã trôi qua mấy tỷ nhịp cầu, tôi đã là hạt bụi, hoa dâm bụt, điếu thuốc, khói, diêm quẹt, mực, sắt, đá, than, đất, gạch, nước, lá, cây, trái, chim, nguyên tử, tinh cầu, vân vân. Chữ “tôi” hoàn toàn vô nghĩa; chữ “tôi” là cái án tử hình chung thân; chữ “tôi” là thiên đàng và địa ngục. Ô hay là bình minh đã leo lên đỉnh thiên. Một cánh cửa bật mở.
XLIII.
Không có gì đáng tôi bận tâm: không có gì đáng làm, không có gì đáng ghét, không có gì đáng nói, không có gì đáng nghe, không có gì đáng thờ phụng, không có gì đáng đọc, không có gì đáng được ghì ôm, không có gì đáng nhớ, không có gì đáng đau khổ và tuyệt vọng, không có gì đáng mong đợi và hy vọng. Tôi đang say đời, yêu đời, đắm đuối với cuộc đời, mặc dù không có gì đáng gọi là cuộc đời!
XLIV.
Sợ làm con sâu, sợ là con dế trong kẽ nhà. Sợ chết và sợ sống, sợ viết và sợ không viết được, sợ yêu và sợ không được yêu. Sợ sống không đầy đủ. Ôi là ngu, là dại. Tất cả sợ hãi và lo âu đã đứt tuyệt trong tim tôi. Đôi lúc tôi giả vờ sợ và lo, nhưng không thành công. Tôi muốn lo sợ như mọi người để cho giống họ, nhưng không thành công.
Sợ hãi là gì? Tôi không biết, vì tôi không bao giờ sợ hơi thở.
Gió hay bưởi rưởi lên sườn đồi.
Mưa đã tạnh cách đây bảy ngày.
XLV.
Đem chậu tùng con ra phơi nắng, bỏ quên ngoài nắng khoảng mấy giờ, vụt nhớ lại, mở của phòng mang vào thì giật mình nhận thấy hai con ruồi lạ giao cấu nhau trên đầu ngọn tùng con. Hai con ruồi, mà không phải ruồi, trông giống như hai con ong chúa, mà chắc không phải ong chúa, chưa bao giờ tôi thấy con ruồi lạ như vậy, ruồi màu trắng có những chấm đen vòng khuyên, con đực nằm trên lưng con cái, đeo dính nhau như một; ruồi đẹp và có hình dáng gần giống những con bướm nhỏ mà cánh khép sát lại. Tôi giật mình và lúc ấy hai con vụt bay đi. Điềm lạ? Tại sao chỉ giờ ấy, phút ấy, giây ấy, tôi vụt thấy chúng nó. Nếu tôi bỏ quên chậu tùng con khoảng chừng vài giờ nữa thì làm thế nào thấy chuyện lạ như vậy?
Giờ đây đến lúc tôi chết, nhất định không thấy lại lần thứ hai cảnh tượng ân ái lạ lùng như vậy.
Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe thầy bói, thầy pháp, thầy bùa. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe ai coi tướng số cho mình. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe và tin vào bất cứ những gì có ghi trong sách, trong sử, trong ý thức, trong mộng mị, trong tư tưởng triết lý và văn chương. Tôi chỉ tin vào những gì tôi tự bày đặt cho tôi hay cho người khác. Và một điều lạ nữa là tôi biết rằng tôi vẫn sống đời đời, không bao giờ chết, mặc dù biết chắc chắn rằng một ngày kia tôi sẽ chết mà vẫn sống. Một triệu tỷ năm tôi đã có mặt ở đây và một triệu tỷ năm tôi vẫn còn đó, vào giờ đó, phút đó, để nhìn hai con ruồi ấy đeo dính nhau trên đầu ngọn tùng con trong chậu kiểng đó. Tôi hơi đau đầu và biết mình đang thở.
XLVI.
Hai mươi năm trời vụt lướt qua như tiếng vó ngựa trong hộp diêm quẹt; tôi thích dùng những hộp diêm quẹt có nhãn in hình con ngựa, trong đó, nằm im mấy chục diêm quẹt, mỗi đầu diêm quẹt là một bầu thai, ôm ấp một mặt trời con. Tiếng lửa đánh lên là tiếng vút thét của vó ngựa. Tôi vứt đi những ngày tháng quá khứ như vứt đi những tro tàn trên đầu ngọn thuốc, không hối tiếc, không tình cảm, không xót xa nghĩ ngợi.
Cuộc đời tôi, những bước chân tôi đi, những ngón tay tôi cầm viết và nâng tách cà phê, thơ mộng những gì thơ mộng nhất và tàn bạo nhất trong đôi mắt khép lại của sự chết.
Ngày hôm nay, ngày 1 tháng sáu năm 1967 tôi vừa đúng hai mươi sáu tuổi. Tôi vừa tắm xong, dưới ánh đèn cầy leo lét của gian phòng tối; phòng có điện, nhưng tôi không dùng điện; nước và lửa, sự trần truồng của tôi và bóng tối, còn hỏi gì hơn khi tiếng kêu của ban mai vẫn chờ những bước chân của tôi trên những lộ trình đã đi qua và những lộ trình sẽ đi qua?
Sự linh thiêng của bình mực và ngòi bút, sự linh thiêng của ba ngón tay chụm lại trên cán bút, sự linh thiêng của hơi thở và khói đen, sự linh thiêng của những dòng chữ sai văn phạm và của một tiếng chim vụt nổ lên giữa không khí, sự linh thiêng của những tai nạn lưu thông, những thiên tai, những cơn giận, những cử chỉ quá tầm thường trong đời sống; sự linh thiêng của người công chức già ở sở bưu điện trong cử chỉ ôm thuốc đánh diêm, giữa một buổi chiều vắng lặng, đọc nhật báo cho qua những tháng ngày máy chạy đều đều như tiếng ru con của mẹ già đã chết và đã được chon trong nghĩa địa quên lãng.
XLVII.
Chưa bao giờ buồn nhẹ nhàng như chiều nay. Một thứ buồn táy máy xa xôi từ lâu bị ngăn chận, bị đàn áp trong tim và đầu. Một giọt nước mắt của một bản nhạc buồn rơi vào trên môi, lưỡi và mũi. Buồn bay lởn vởn trong phòng, tôi sống một cách gượng gạo như tôi cười một cách gượng gạo: hoa chưa kịp nở đã héo. Tôi không muốn sống nữa. Cuộc đời đã chết non từ lúc tôi biết rằng mỗi buổi sáng phải thức dậy, phải đàn áp từng mớ ý tưởng đen tối, phải tập cười, tập nghe, tâp nói, tập nhìn thấy khía cạnh sáng rực của đời sống. Tôi bước đi lạnh lùng giữa hai hành lang. Tôi nằm lạnh lùng trong gian phòng cửa đóng kín; mỗi một cửa sổ hé mở là một sự đồng lõa thỏa hiệp với đời sống nông cạn, nhưng đóng kín lại thì phải chịu ngạt thở và nóng bức. Tôi nhìn lạnh lùng vào cử chỉ thông thường của người xa lạ; mỗi một tiếng tôi nói chỉ còn là tiếng ngập ngừng của kẻ quên mất ngôn ngữ đồng loại. Tôi muốn trở về lai vãng trong dòng sông xưa, dòng sông xanh, dong sông đen, dòng sông đã mất và đã tìm lại được.
XLVIII.
Đêm nay tôi xin thức suốt đêm để biết rằng mình vẫn sống và sống tràn trề hơn bao giờ hết; đêm nay là đêm tuyệt đối; tôi xem đêm nay là đêm duy nhất cuối cùng của đời sống. Ồ đêm cuối, đêm cùng, đêm rớt lại lần chót trong đời. Tôi sẽ thức trọn đêm nay, sống trọn đêm nay, đêm bí mật, đêm một mình, chỉ một mình, ngồi, mơ mộng, bước đi và bước lại trong phòng đóng kín. Tôi đã hút hết gần ba bao thuốc là, nhưng phổi tôi vẫn trinh bạch, tim tôi vẫn trinh bạch, vì chưa bao giờ tôi sáng suốt, trầm tỉnh khôn ngoan, dễ dạy như tôi đêm nay, đêm đầu và đêm cuối, đêm huyền bí, đêm bao la.
XLIX.
Một màu vàng lượn qua cùng với một màu đen trong hành lang, chỉ có thế mà cũng làm sụp đổ thế giới quen thuộc của tôi. Lòng tôi bỗng sôi lên tình cảm cháy lửa của một thế giới khác, một ngưỡng cửa không quen, một mặt trăng bỏ quên trong hộc tủ. Tôi đã chết từ bao giờ? Cái gì là lạ nhoi nhoi trong tôi? Một kẽ hở trong nách áo của người con gái mặc jupe vàng trong hành lang, một buổi chiều, một đám mây xa? Ôi là chua chát.
L.
Hôm nay sẽ không mở cửa cho bất cứ ai, không nói chuyện, không ăn, không đi loanh quanh, chỉ ngồi trong phòng, ngồi như chết, đã chết, như kẻ bị cầm tù, như bị treo án, bị nhốt, tự mình nhốt mình lại, không tha thứ, không tha thứ cho bất cứ sự vi phạm nào trong lãnh vực tuyệt đối cô độc của mình.
LI.
Đập vỡ bất động, đập vỡ bị động, đập vỡ thụ động. Sôi máu xông vào gân hấn với sự tĩnh mịch nặng nề của không gian vô biên và thời gian vô biên. Tôi muốn tự cắt đứt mạch máu để xối máu vào mặt mày của đời sống, tôi muốn hét lên như con sói điên, tôi muốn la lên cho sụp đổ một trăm mặt trăng non, tôi muốn chạy tung vào rừng rú bất tận của địa ngục. Tôi muốn phá vỡ nhà mồ, tôi thấy mình mọc nanh ở hai khoé miệng, tôi đeo năm mươi sọ người trên cổ, tôi trở thành con quỷ của thế kỷ XX: tôi mọc đuôi, tôi mọc móng, tôi mọc gai, tôi mọc lông, hai nanh miệng mọc dài và nhọn, tôi là một con quỷ có cánh, tôi bay xuống nghĩa địa, tôi nhảy từ ngôi mộ này qua ngôi mộ kia. Tôi cám dỗ tất cả thần thánh; tôi phá nhà thờ, điện thờ, đình chùa. Tôi phá trinh tất cả những gì trong sạch và thuần khiết; tôi cười ra lửa và khóc ra máu, tôi hét ra sắt, tôi nói ra thép, tôi kêu ra đá.
LII.
Trận mưa lớn đổ ào xuống mặt đất, tôi bỗng nhiên cảm thấy yêu đời chi lạ, hơi thở tôi nhẹ nhàng như mộng đẹp tươi non, tôi thấy mình như con chim nhỏ, con gà tre, con chó nhật bản bé nhỏ, con cừu long măng, tôi thấy yêu cái ghế dài, cái ghế ngắn, yêu cái bàn, yêu cây bút, yêu cuốn sách, yêu tiếng ồn ào trên đường phố, yêu những ý tưởng hiền lành trong đầu; những ý tưởng trong đầu tôi giống như những chiếc thuyền giấy bé nhỏ mà tôi thả trôi bình thản trong dòng máu ở cơ thể khỏe mạnh. Hạnh phúc, ồ, tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc, nó đến một cách tự nhiên, không báo trước, nó đến với mình như đổ xuống từ trời cao.
LIII.
Chưa bao giờ tôi mệt như chiều hôm nay, tất cả trôi lềnh bềnh, tôi ngạt thở, tôi nằm dài trên giường trong cơn hấp hối tuyệt vọng. Sống, sống lên, tôi mệt quá rồi, mây trắng vẫn còn bay?
LIV.
Một cuộc gặp gỡ thoáng qua, một nỗi đau đọng lại trên đôi mắt chim thành phố. Gian phòng sáng rực lên theo với một ý tưởng chói loà trong đầu. Sự giản dị buông hờ của bước đi trên đám cỏ ướt mưa; đứng lại nhìn đám cỏ xanh trôi theo cơn gió chiều, một cánh đồng xa, một buổi chiều không hề đến, một bản nhạc đợi ngóng, một tiếng ru sặc khói, một tình đông, tại sao một mà không hai?
Không viết, không đợi chờ gì hết, không nói trên đầu, chỉ nghe tiếng hát của đời sống chụp nhói xoáy vào tim tôi?
LV.
Tôi không biết gì hết. Đèn tắt, tôi đi trong tối suốt mấy giờ đồng hồ. Chết rồi sống, sống rồi chết, thực là tàn nhẫn. Tôi không biết sẽ chịu đựng đến lúc nào. Có lẽ chỉ có cơn điên đầy đoạ mới chấm dứt cuộc thay đổi tàn bạo kia. Một tiếng gõ cửa giữ tôi lại với cuộc đầy đọa kia. Nước không chảy, đèn không cháy, gió không thổi, tôi đã sống hai mươi sáu năm trong địa ngục, không bạn, không gia đình, không an hem, không người yêu, không gì hết. Hư vô quá quen thuộc với tôi. Để cho khỏi điên, tôi thường ca khẽ những bản nhạc nhẹ nhàng của ngày xưa. Sự im lặng giữa hai điệu nhạc buồn đau như tiếng trẻ con giữa thời bom đạn. Tôi vẫn muốn chết. Cuộc đời không còn gì quyến rũ tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, tôi lại lún sâu vào cơn tuyệt vọng không đáy, tràn ngập một nỗi buồn nghẹt thở; những vòng khói thuốc bâng quơ làm thế nào giữ nổi những bóng mây xưa để cho tháng ngày cứ trôi trong bước đi giữa hai hành lang, giữa hai phương trời, giữa màu đen và màu xám?
LVI.
Một tuần qua, nhất là trong ba ngày qua, tôi bị khủng hoảng dữ dội, tôi không còn biết gì nữa, tôi bước đi hoang vu chới với trong sự trống không của đời sống; hoả ngục: tôi nghiến răng chịu đựng, giây thần kinh căng lên đến độ cuối, tôi tưởng thần kinh sắp đứt và bắn máu đầu tôi ra mũi; tôi chạy trốn tôi, tôi chạy tới lui, quanh quẩn, như một con chuột đói; đau đớn nhất là tôi chạy trốn và biết rõ rằng mình đang chạy trốn mình. Chạy đâu? Tôi muốn nhảy vào thế giới xa lạ của sự chết. Chẳng biết tôi chịu đựng đến lúc nào? Tất cả lối đi đều mất rồi. Tôi đứng nhìn thẳng vào đám mây trắng trong nửa giờ.
LVII.
Cái gì đã ngăn tôi lại, khi tôi đứng trên cao ngó xuống dưới kia? Cái gì đã giữ tôi lại để tôi đừng nhảy xuống? Có lẽ tôi chưa tìm được núi lửa? Tôi muốn chết thiêu trong lửa hoả diệm sơn, trong lửa và đá; tôi khinh bỉ lửa củi, tôi thù ghét lửa rơm, tôi mạt sát lửa đèn cầy, thờ lạy lửa sét đánh trong đá; lửa mặt trời nổ trong lá rừng già, lửa lá khô đốt trên đốt trên đồi ma là lửa của hồn tôi.
Người tôi nóng, lòng tôi cháy; tôi là lửa của hai khối đá; tôi vụt cháy từ hai khối đá va chạm nhau; thảm kịch của đời tôi là bị nước ám ảnh; ánh lửa cháy trên diêm quẹt làm ướt thoáng thân cây diêm: lửa khai sinh ra nước: chính mặt trời đã sáng tạo ra tất cả những đại dương: nước lại sinh ra đá: chính đại dương sáng tạo ra tất cả những dãi núi: trận đại hồng thuỷ đã sinh ra Hy mã lạp sơn. Tôi là con chim lạ nằm giữa lòng Hy mã lạp sơn, sinh ra từ trứng một con rắn; rắn sinh từ biển sâu và di cư theo trận đại hồng thủy; rắn ngậm một viên ngọc xanh và nhả viên ngọc ra trôi trong lòng nước; viên ngọc xoay âm u và lớn dần thành hòn đá; hòn đá xoay âm u và lớn dần thành dãi Hy mã lạp sơn, tôi xoay âm u và lớn dần thành người điên. Người điên ôm trái mù u và lớn dần thành một bậc thánh: tôi không muốn làm thánh và tôi xoay âm u biến thành một tách cà phê buổi sáng. Chim kêu trên mái nhà, trẻ con nô đùa bên hiên, tôi uống nửa tách cà phê còn lại và vụt thấy cuộc đời vô cùng trinh bạch. Tôi đang xông vào phá trinh, xin mặt trời hãy che mặt lại sau đám mây. Tôi đánh lửa diêm quẹt và phun khói thuốc đen vào bộ phận sinh lý của Thời gian. Tôi lột truồng không gian; hơi thở nóng ran cơ thể, linh hồn tôi lảo đảo.
LVIII.
Sống cho đàng hoàng, sống cho đủ ngày, đủ tháng, sống cho ra hồn, sống cho ra chết, sống và viết, sống và phạm tội, sống và tưởng tượng, tôi đi trên mặt trời, tôi té vào nhà thú chuồng; tôi leo lên ngọn cây và ghẹo chọc con trăng gần rằm.
Tôi điên. Tôi không điên. Tôi, tôi. Chữ tôi làm tôi nghẹn; chữ tôi làm tôi mệt; chữ tôi làm tôi đau: tôi, tôi, tôi!
Bây giờ gần 12 giờ khuya, tiếng nước chảy, tiếng ếch kêu, chắc chúng nó còn thức và đã khám phá ra vết tàn thuốc cháy một lỗ trên nệm giường chúng nó. Tiếng một người dưới kia đang ho và khạc nhổ. Tiếng hàng xóm thì thẩm; tiếng xe chạy xa xa; một con đường rừng, một cánh đồng hoa mồng gà đỏ; ba tách cà phê với một chút rượu rhum cho thơm ngát một đêm lạ, một bản nhạc của một trăm năm trước; ba bốn cuốn sách; một bao thuốc lá biến thành tro; tôi làm thánh; tôi muốn làm đạo sĩ, một đạo sĩ điếm đàng, một bậc thánh tàn bạo, rung rợn, gieo tai hoạ, rắc dịch hạch, ban phép dữ cho loài người. Mộng mị và đời sống, mộng mị và đêm khuya, mộng mị và mặt trăng, mộng mị và mồ hôi nách, mộng mị và dâm đãng, mộng mị và hơi sương buổi sớm; ruộng lúa và mặt trời, hoa mồng gà đỏ và hoa cúc vàng vào đêm ba mươi Tết; tiếng máy bay chạy đều đều; tiếng kêu, tiếng sủa, tiếng máy, tiếng nước, tiếng bàn động, tiếng ngòi bút, tiếng xe nổ, tiếng nói, tiếng thở, tiếng áo cởi, tiếng nước máng xối chảy càng khuya càng rộng rãi, tiếng mộng mị, tiếng chim đập cánh, tiếng mặt trời động đậy nhoi mình lên cho buổi sáng mai.
Tôi vừa tìm được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc quá man rợ.
LIX.
Tôi ngồi xuống, tạo ra một vũ trụ trong gian phòng. Tôi chỉ sống với những ý tưởng trong đầu; những ý tưởng ấy là những con bướm vàng bay lượn, những chiếc lá cuốn tròn, những đám mây hững hờ, một đôi mắt nhay nháy, hai buổi chiều bơ vơ trong một thành phố ngoại quốc, ba chuyến tàu hoả băng qua ba biên giới khác nhau, một tên người quên lãng từ lâu, một dáng đứng buông hờ trên một trạm ga vào hai giớ sáng, một cô gái mặn mà ngồi lạnh lùng trên ghế đợi, ơi là mộng mị, ơi là sương bay, ơi là một buổi chiều tuyết rơi, bên tách cà phê nóng ở Paris, tuyết bay ngoài cửa quán cà phê, “những cơn tuyết bay của mùa vắng mặt”. Chỉ một vài ý tưởng cô liêu trong đầu, trong máu, cũng đủ đem về những con đường đã đi qua, những cây đèn sáp đã cháy hết, những cây đèn sáp trở về hư vô; sáp thánh khói, thời gian thánh ý tưởng, con chim thành vết mực đen, một người con gái thành cơn nhói đau của tim, một buổi mai không chờ đợi, một tiếng động cơ và tôi ngồi đây, đốt lên từng điếu thuốc, đốt lên từng giọt máu, giọt máu biến thành hơi thở và hơi thở đi ra giữa hai hành lang.
LX.
Mơ mộng là nốt ruồi son của đời sống. Tôi mơ mộng suốt ngày, mơ mộng nhiều hơn hành động. Tại sao lại sợ mơ mộng? Hành động là một thứ hình thức sa đoạ của mơ mộng, hành động là mơ mộng không đúng lối. Biết mơ mộng, mơ mộng rằng mình đang mơ mộng, thức trong mơ mộng, thở với mộng mị, đi trong mộng, mộng rằng mình đang mộng. Nốt ruồi son của tôi, trong thân thể tôi, là những tháp chuông vào lúc 11 giờ khuya, lúc người gánh cỏ vừa trở về mở cổng, tiếng gà đêm kêu ríu rít. Tôi sống ngoài không gian, ngoài thời gian, mơ mộng là bay mãi trên trời, chìm trong gió, làm bạn bè với bầy chim hải âu, tắm trên đầu ngọn mưa cuối hạ, thở với trái tim non của con chim sẻ.
LXI.
Ý nghĩa của một câu văn, một lời nói, một quyển sách, không quan trọng. Ý nghĩa hoàn toàn không quan trọng, cao siêu, sâu sắc, nông cạn, thiển cận, tất cả tính từ này không quan trọng, chỉ quan trọng là hơi thở mà người nói và người viết đã cô đọng vào đó; chính lòng tronh sạch của người nói và người viết mới quyết định tất cả linh hồn của câu nói và câu viết. Dù người nói và người viết có chết đi và dù mười ngàn năm có trôi nếu câu nói và câu viết ấy còn sót lại thì hơi thở nóng nồng của người nói và người viết vẫn còn nguyên vẹn trong câu văn. Chính cơn say sưa thuần khiết, chính lòng chân thành, chính sự sạch sẽ trong tim đã khiến cho lửa trong câu văn vẫn còn cháy mãi thiên thu.
Một lời nói, dù cao siêu thâm trầm đến tột đỉnh, vẫn hoàn toàn vô nghĩa và nhạt nhẽo; nếu lửa của người nói và người viết không cháy trong lời nói và chữ viết ấy. Lửa trong và lửa ngoài phải tiếp nối nhau, như cây diêm và lưu hoàng, như mặt trời và con mắt của con người, như cơn điên nửa đêm và mặt trăng thượng đỉnh.
LXII.
Vô hạn vừa nổ trong tôi, một con chim run cánh bay chấp chấp giữa cơn mưa chiều.
LXIII.
Tôi không thể sống với bất cứ ai nữa. Tôi chỉ có thể sống một mình. Nói chuyện với bất cứ ai, chỉ trong vài giây là đủ để tôi nuốt hết tất cả sự trống rỗng nông cạn của đời sống họ. Vẫn bấy nhiêu lo âu sợ hãi, vẫn bấy nhiêu tình cảm xúc động, vẫn bấy nhiêu chật hẹp tâm tư, khắp mọi chân trời, con người hoàn toàn giống nhau. Mười ngàn năm trước, con người vẫn như thế; người ngàn năm sau, con người vẫn như thế: dè dặt, lo sợ, yếu đuối, hèn nhát, kiêu căng, hào nhoáng bần tiện, cạn cợt, thấp hèn, biếng nhác, bất mãn và tự mãn một cách ngu xuẩn.
Tôi không còn muốn nói chuyện hay làm bạn với bất cứ ai. Dù có Thượng đế đi nữa, tôi cũng không hề muốn nói chuyện với hắn. Tôi cũng thấy Thượng đế là hố sâu để chất chứa tất cả những gì bần cùng nhất trong ý thức và vô thức của con người.
Tôi không còn muốn nói gì nữa; tôi không còn muốn nghe gì nữa. Hoả ngục là phải nghe và phải nói. Tôi sẽ bỏ đi và đi mất. Các ngài sẽ được ở lại vĩnh viễn để vĩnh viễn nói và vĩnh viễn nghe.
LXIV.
Sống nhẹ nhàng, sống như đã chết rồi trong cuộc đời; sống không mệt nhọc, không khó khăn, không hề cố gắng, sống như nước chảy ào ạt vào những rừng thông, sống như nước tràn, sống như chim bay, rừng bay, gà bay, ngỗng bay, cá bay, vịt bay.
Sống như đã chết với mặt đất này, sống như đã mù, đã điếc, đã câm: sống như tàn tận, như tê bại thân thể, như chậu tùng đã héo, như cây xương rồng gẫy nát, như đầu điếu thuốc dúi vào gạt tàn đầy tro đen.
Sống như viết văn: đừng bao giờ chờ hứng. Viết thì phải viết ngay, dù hứng không đến, dù mưa, gió, nắng, bệnh hoạn, đau đầu, đau cổ, đau thân thể, dù tiếng ồn đánh tan cả tĩnh mịch tâm tư, dù nghịch cảnh đổ dồn vào đầu, dù hoàn cảnh bắt buộc mình phải bỏ viết, nhưng vẫn tiếp tục viết, viết mãi, viết liên tục dù không còn ý tưởng rớt lại trong đầu, dù cơn ho rũ rượi xé nát buồng phổi, dù không còn gì trên đời để giữ mình lại với đời sống, dù tất cả người con gái mình yêu đã bỏ đi đâu mất, dù mặt trời không bao giờ mọc trong tim và óc, dù những điều thuốc đã cháy hết, dù cơn mệt nặng nề áp đảo sức khoẻ, dù gì đi nữa, vẫn cứ viết, tiếp tục viết, viết một cách bệnh hoạn, viết một cách điên loạn, viết một cách trác tang trụy lạc, viết một cách thánh thiện thiêng liêng, viết trong hoả ngục, viết trong phòng tối, viết trên giường, viết trên xe, viết trong cầu tiêu, viết trong nhà thờ, viết trong nhà tù, viết trong nhà đĩ, viết trong tu viện, viết tay trái, nếu tay mặt bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân, nếu tay trái bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân trái, nếu năm ngón chân mặt bị cắt đi; viết bằng bộ phận sinh lý, nếu chân và tay đã bị cắt mất; viết bằng bụng nếu bộ phận sinh lý bị thiến đi, viết bằng mắt bằng mũi, bằng môi, bằng lưỡi.
Sống cũng giống như viết: Sống là viết, Sống, dù phải chết nay mai; sống dù không có gì đáng sống. Sống, dù hứng không đến- Sống, dù tất cả quyền sống đã bị tước đoạt; sống, dù hoả ngục vẫn vồ chụp lấy mình từ giây phút này đến giây phút khác. Sống bằng chân, sống bằng tay, sống bằng mũi, sống trên trời, sống dưới sông, sống trên biển, sống trên rừng, sống trên núi, sống trên đá, sống trong đất, sống trên mây.
Sống như vứt xác của mình trên kè đá cao ở Tây Tạng để cho diều hâu và ó núi bay vù đến rỉa rói từng mảng thịt ứ gió.
Sống với mầu đỏ, sống với màu vàng, sống với màu xanh, sống với màu đen, sống với màu trắng, sống với màu xanh lá cây!
Đốt đèn sáp lên và quì lạy màu xanh lá cây. Đọc kinh cho màu xanh lá cây, ngủ trong màu xanh lá cây, đau nhói trong màu xanh lá cây, khóc trong màu xanh lá cây; viết bằng lá bần, lá dâm bụt, lá dừa, lá me, lá trầu cay. Lấy màu xanh lá cây sơn mặt trời buổi sáng, lấy màu xanh lá cây sơn dòng sông xuyên rừng, lấy màu xanh lá cây sơn lên áo em mặc vào mười hai năm trước. Quế Hương, Quế Hương của màu xanh là cây.
LXV.
Tôi vừa hồi sinh. Gần một tháng nay, tôi bất động, chỉ nằm ngủ suốt ngày, không còn muốn cử động gì nữa. Bây giờ thì tôi đang hồi dương, tôi yêu đời, yêu, yêu, yêu vô hạn, tôi thấy mình kiên nhẫn, thông minh, sáng suốt hơn cả going suối ngọt ở Thiên Thai. Tôi viết như nhảy múa, bất cứ việc gì cũng thơ mộng, tất cả đều trong sạch, tôi yêu cả nhân loại đã chết, cả nhân loại đang sống; tôi yêu cả thảo mộc, cả thú vật, cả khoáng vật, cả sinh vật và tử vật; tôi yêu đá, yêu nhất là đá khô; tôi yêu những con vi trùng, yêu nhất là những con vi trùng nguy hiểm độc địa. Mưa vừa dội xuống lan can. Mộng ơi là mộng, mị ơi là mị, mộng mị, tất cả đều là mộng mị. Mưa trên mộng mị, mưa ơi là mưa, tôi thờ lạy những cơn mưa. Mưa đổ xuống đời, mưa đổ xuống đây, mưa xây mộng mị, mưa trên tháp chuông, mưa rừng bay về thành phố, mưa biển bay về núi cao, mưa mùa đông bay về mùa thu, mưa từ hư vô bay về trái đất. Tôi lạy mưa, ôm mưa, hôn mưa, thương mưa, nhớ mưa.
Tiếng mưa nhẹ dần trên khói thuốc.
LXVI.
Con đường ngắn nhất, dễ nhất, mau nhất vẫn là con đường chậm nhất, khó nhất và dài nhất. Tôi nguyện đi thật chậm, từng bước, từng bước.
LXVII.
Chỉ cần một ý tưởng là hai thế giới được xây thành và bị phá hoại; ý tưởng mửa con gà con trên cánh đồng cỏ, ý tưởng bay như chim trong giấc ngủ, ý tưởng đọng lại thành sữa trong ly. Sống một ngày và cỡi trên ý tưởng để bay vào cuộc đời, cỡi trên ý tưởng như cỡi trên lưng con lừa. Xúi ma quỉ nhập vào ý tưởng, ý tưởng cuộn tròn nhảy múa; ý tưởng thành thần chú. Cho ý tưởng mọc trong đầu, trong máu, như những cụm lan rừng.
LXVIII.
Buồn và đau tê tái, cuộc đời tê tái, bước chân tê tái, tôi sống gượng qua ngày tháng lãnh đạm, khô héo, tê tái, có lẽ tôi sắp chết, không còn gì để sống nữa. Lại về, lại hiện về, quá tê tái. Suốt đêm nay, tôi không muốn ngủ. Tôi héo dần, chết dần, chết dần, tàn tạ, khô lạnh, nước mưa tràn ngập con đường xưa. Tôi không còn sống nổi trên đời nữa, mỗi buổi chiều lại mang đi những dấu chân đen…
Bây giờ là một giờ khuya, tình thương tràn ngập phòng tôi. Chung quanh tôi, những con muỗi đang bay, từng tiếng kêu vo vo của muỗi làm bừng dậy sự sống, trong gian phòng, tôi đang sống với sự sống mọi sự đều mới lạ, mộc mặc, bí mật, bao la và bí mật. Tất cả mốc meo của cuộc đời cũng trỗi dậy như ngọc reo trong biển sâu; những nụ tầm xuân vừa hót lên bài ca chào đời; hồn tôi bay xuống ruộng cà và đậu trên trái cà đỏ như một con bướm giao tình. Bên cuối địa cầu mùa xuân đang về; bên đây, mùa hạ của gian phòng tôi leo lét trước cơn gió mơn trớn của tình thương rừng quế. Tôi thương những con muỗi bơ vơ, tôi thương những con gián trong tủ sách, tôi thương tiếng chó cào nhào giữa phố, tôi thương cơn đói nhè nhẹ trong lòng.
Đêm nay, tôi sẵn sáng lao đầu vào tất cả mọi hỏa ngục, hỏa ngục nghĩa bóng và hoả ngục nghĩa đen. Tôi lao đầu, lao thân, lao hồn vào hỏa ngục, miệng mỉm cười, mắt đắm đuối, tim bao la. Tình thương tuôn chảy ào ạt ngập cả phòng, tôi run lạnh, tôi ấm áp, tôi bơi trong nước, sặc mũi trong nước, cô độc như tảng đá mốc meo, bao dung như mưa nguồn, bình thản như đêm không trăng, thơ ngây như kinh nghiệm, uy nghi như khói núi. Yêu thương, tôi đã thấy; yêu thương, tôi đang thức. Sống “khi buổi sáng thức dậy trên ngoại ô thành phố”. Nhan đề một quyển sách ngoại quốc chưng bày trong một tiệm sách mà tôi đã thoáng thấy ngày hôm qua.
Bây giờ, một giờ khuya, mặt trời đang mọc trên ngoại ô của giấc ngủ đêm nay.
Mặt trời không bao giờ có thực
XXX.
Tôi sủa với con chó dưới kia, tôi đưa đẩy xối xả trên mái nhà với cơn mưa chiều, tôi ướt lèm nhèm với đất, tôi quét sân với chổi, tôi chảy trôi trong đất, nước, mưa, mây, trẻ con, mực đen, lá dừa. Sống là chảy mà chết cũng là chảy, tôi chảy với chảy trong chảy; chảy chảy về chảy trong chảy ở chảy. Ồ, điều lạ tuyệt vời!
XXXI.
Hôm nay tôi muốn nuôi dưỡng hoả ngục trong cơ thể và tâm thần.
XXXII.
Mỗi ngày phải rót nước vào đất và phơi sương vào lúc rạng đông hay trước bình minh, để cho lá vẫn tươi màu áo ban đầu, phải không cô? Chúc cô ngủ ngon đêm nay, ôi là dễ thương, song mũi hơi thoải lên, trông buồn chi lạ.
XXXIII.
Sống một ngày và chết một đêm; tất cả triết lý, tất cả, tất cả.
XXXIV.
Bình tĩnh, điềm đạm, sáng suốt, chậm rãi, phơi phới, thanh thoát, không mỉm cười ngày hôm nay, ngó thẳng vào hai lỗ mũi của bất cứ người nào mình gặp ngày hôm nay, hai lỗ mũi của bất cứ người nào cũng là hai cánh cửa của sự chết và sự sống, của tuyệt vọng và hy vọng; một hơi thở đi ra và một hơi thở đi vô: đó là ý nghĩa của cuộc đời và vô nghĩa của cái chết.
Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này: không gian, thời gian, thế gian, một chiếc lá khô, một vết mực đen, tất cả đều bí mật và huyền ảo. Tất cả những triết gia, tất cả những hiền nhân, tất cả những nhà thong thái, những nhà toán học, những nhà khoa học đều là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa người khác rằng họ có thể đi vào được hang tối của sự vật. Không. Không bao giờ sự vật hé ra một tý cho họ thấy. Sự vật vẫn đen tối như đêm ba mươi, dù nhân loại có trường tồn đến một tỷ triệu năm nữa thì sự vật vẫn đen tối như đêm hai mươi chín Tết vào mỗi năm nước không chảy.
Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi.
XXXV.
Dù vũ trụ có nổ tan tành như tro, tôi vẫn còn đó: tôi là vũ trụ, tôi là tro, tôi là tiếng nổ.
XXXVI.
Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.
XXXVII.
Người ta thường nói rằng sự việc xẩy ra hàng ngày. Đây là một điều ngu xuẩn lớn nhất của nhận thức con người. Không có gì xẩy ra trong mỗi ngày. Chỉ có tôi mới là xẩy ra từng giây phút, tôi xẩy ra với ánh sáng và bóng tối, tôi xẩy ra với đau đớn và hạnh phúc, tôi xẩy ra với tình yêu và im lặng. Tất cả sự việc chỉ có thể xuất hiện từ việc xẩy ra của tôi, từ xự xẩy ra và xẩy vô của hơi thở, của trái tim.
XXXVIII.
Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.
XXXIX.
Trời mưa bưởi rưởi trên sườn đồi. Còn gì nữa để bứt rau đem về thành phố?
XL.
Một tuần nay, tôi đã chết đi. Tất cả đều lềnh bềnh xa lạ. Ôi là xa xôi. Tôi bước đi hay ai bước đi? Không phải ý thức nữa; hai chân tôi bước đi trong vô thức. Lời nói cũng xa vời. Tôi không thấy gần gũi với tôi nữa. Tôi! Tôi là? Tôi đã đầu thai qua một trăm kiếp chỉ trong vòng một tuần. Tôi đang sống ở nhà thương điên? Có gì bảo đảm rằng tôi không điên? Tất cả những gì xảy ra chung quanh tôi đều do trí óc điên loạn của tôi tạo ra? Có gì bảo đảm rằng tôi vẫn là người bình thường? Có gì bảo đảm rằng tôi đang sống? Tôi đã chết? Tôi đang ở trong hoả ngục? Đi tìm bảo đảm có phải là triệu chứng của cái gì đã mất? Có phải tôi đang thở? Cái gì đang thở trong tôi? Một hơi gió đang thở qua xác tôi? Có phải tôi đang viết? Hay tôi đang bị sai khiến? Sai khiến bởi một con quỷ, con ma; một con yêu hay một con tinh đang điều khiển mấy ngón tay tôi để viết những giòng này? Một ngọn đèn đang cháy. Mùi nhị tỳ bay lảng vảng đâu đây. Tôi nghe tiếng la, tiếng khóc, tiếng ếch, tiếng va chạm. Tôi nghe hay ai nghe qua tôi? Tiếng chìa khóa rơi xuống gạch. Tôi nghẹn thở. Hay hơi thở nghẹn tôi?
XLI.
Mi ơi, tôi đang hấp hối, hãy đi tìm rau húng quế cho tôi. Dưới kia, ừ, lưng chừng giữa đèo hải vân.
XLII.
Đêm qua, tôi thèm chết như thèm mùi thuốc lá vào lúc 3 giờ khuya.
Sống và chết, một chiếc cầu bắc qua sông. Mây triệu năm rồi, tôi đã hoá thân biến dạng đã trôi qua mấy tỷ nhịp cầu, tôi đã là hạt bụi, hoa dâm bụt, điếu thuốc, khói, diêm quẹt, mực, sắt, đá, than, đất, gạch, nước, lá, cây, trái, chim, nguyên tử, tinh cầu, vân vân. Chữ “tôi” hoàn toàn vô nghĩa; chữ “tôi” là cái án tử hình chung thân; chữ “tôi” là thiên đàng và địa ngục. Ô hay là bình minh đã leo lên đỉnh thiên. Một cánh cửa bật mở.
XLIII.
Không có gì đáng tôi bận tâm: không có gì đáng làm, không có gì đáng ghét, không có gì đáng nói, không có gì đáng nghe, không có gì đáng thờ phụng, không có gì đáng đọc, không có gì đáng được ghì ôm, không có gì đáng nhớ, không có gì đáng đau khổ và tuyệt vọng, không có gì đáng mong đợi và hy vọng. Tôi đang say đời, yêu đời, đắm đuối với cuộc đời, mặc dù không có gì đáng gọi là cuộc đời!
XLIV.
Sợ làm con sâu, sợ là con dế trong kẽ nhà. Sợ chết và sợ sống, sợ viết và sợ không viết được, sợ yêu và sợ không được yêu. Sợ sống không đầy đủ. Ôi là ngu, là dại. Tất cả sợ hãi và lo âu đã đứt tuyệt trong tim tôi. Đôi lúc tôi giả vờ sợ và lo, nhưng không thành công. Tôi muốn lo sợ như mọi người để cho giống họ, nhưng không thành công.
Sợ hãi là gì? Tôi không biết, vì tôi không bao giờ sợ hơi thở.
Gió hay bưởi rưởi lên sườn đồi.
Mưa đã tạnh cách đây bảy ngày.
XLV.
Đem chậu tùng con ra phơi nắng, bỏ quên ngoài nắng khoảng mấy giờ, vụt nhớ lại, mở của phòng mang vào thì giật mình nhận thấy hai con ruồi lạ giao cấu nhau trên đầu ngọn tùng con. Hai con ruồi, mà không phải ruồi, trông giống như hai con ong chúa, mà chắc không phải ong chúa, chưa bao giờ tôi thấy con ruồi lạ như vậy, ruồi màu trắng có những chấm đen vòng khuyên, con đực nằm trên lưng con cái, đeo dính nhau như một; ruồi đẹp và có hình dáng gần giống những con bướm nhỏ mà cánh khép sát lại. Tôi giật mình và lúc ấy hai con vụt bay đi. Điềm lạ? Tại sao chỉ giờ ấy, phút ấy, giây ấy, tôi vụt thấy chúng nó. Nếu tôi bỏ quên chậu tùng con khoảng chừng vài giờ nữa thì làm thế nào thấy chuyện lạ như vậy?
Giờ đây đến lúc tôi chết, nhất định không thấy lại lần thứ hai cảnh tượng ân ái lạ lùng như vậy.
Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe thầy bói, thầy pháp, thầy bùa. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe ai coi tướng số cho mình. Tôi rất dị đoan, mặc dù không bao giờ chịu nghe và tin vào bất cứ những gì có ghi trong sách, trong sử, trong ý thức, trong mộng mị, trong tư tưởng triết lý và văn chương. Tôi chỉ tin vào những gì tôi tự bày đặt cho tôi hay cho người khác. Và một điều lạ nữa là tôi biết rằng tôi vẫn sống đời đời, không bao giờ chết, mặc dù biết chắc chắn rằng một ngày kia tôi sẽ chết mà vẫn sống. Một triệu tỷ năm tôi đã có mặt ở đây và một triệu tỷ năm tôi vẫn còn đó, vào giờ đó, phút đó, để nhìn hai con ruồi ấy đeo dính nhau trên đầu ngọn tùng con trong chậu kiểng đó. Tôi hơi đau đầu và biết mình đang thở.
XLVI.
Hai mươi năm trời vụt lướt qua như tiếng vó ngựa trong hộp diêm quẹt; tôi thích dùng những hộp diêm quẹt có nhãn in hình con ngựa, trong đó, nằm im mấy chục diêm quẹt, mỗi đầu diêm quẹt là một bầu thai, ôm ấp một mặt trời con. Tiếng lửa đánh lên là tiếng vút thét của vó ngựa. Tôi vứt đi những ngày tháng quá khứ như vứt đi những tro tàn trên đầu ngọn thuốc, không hối tiếc, không tình cảm, không xót xa nghĩ ngợi.
Cuộc đời tôi, những bước chân tôi đi, những ngón tay tôi cầm viết và nâng tách cà phê, thơ mộng những gì thơ mộng nhất và tàn bạo nhất trong đôi mắt khép lại của sự chết.
Ngày hôm nay, ngày 1 tháng sáu năm 1967 tôi vừa đúng hai mươi sáu tuổi. Tôi vừa tắm xong, dưới ánh đèn cầy leo lét của gian phòng tối; phòng có điện, nhưng tôi không dùng điện; nước và lửa, sự trần truồng của tôi và bóng tối, còn hỏi gì hơn khi tiếng kêu của ban mai vẫn chờ những bước chân của tôi trên những lộ trình đã đi qua và những lộ trình sẽ đi qua?
Sự linh thiêng của bình mực và ngòi bút, sự linh thiêng của ba ngón tay chụm lại trên cán bút, sự linh thiêng của hơi thở và khói đen, sự linh thiêng của những dòng chữ sai văn phạm và của một tiếng chim vụt nổ lên giữa không khí, sự linh thiêng của những tai nạn lưu thông, những thiên tai, những cơn giận, những cử chỉ quá tầm thường trong đời sống; sự linh thiêng của người công chức già ở sở bưu điện trong cử chỉ ôm thuốc đánh diêm, giữa một buổi chiều vắng lặng, đọc nhật báo cho qua những tháng ngày máy chạy đều đều như tiếng ru con của mẹ già đã chết và đã được chon trong nghĩa địa quên lãng.
XLVII.
Chưa bao giờ buồn nhẹ nhàng như chiều nay. Một thứ buồn táy máy xa xôi từ lâu bị ngăn chận, bị đàn áp trong tim và đầu. Một giọt nước mắt của một bản nhạc buồn rơi vào trên môi, lưỡi và mũi. Buồn bay lởn vởn trong phòng, tôi sống một cách gượng gạo như tôi cười một cách gượng gạo: hoa chưa kịp nở đã héo. Tôi không muốn sống nữa. Cuộc đời đã chết non từ lúc tôi biết rằng mỗi buổi sáng phải thức dậy, phải đàn áp từng mớ ý tưởng đen tối, phải tập cười, tập nghe, tâp nói, tập nhìn thấy khía cạnh sáng rực của đời sống. Tôi bước đi lạnh lùng giữa hai hành lang. Tôi nằm lạnh lùng trong gian phòng cửa đóng kín; mỗi một cửa sổ hé mở là một sự đồng lõa thỏa hiệp với đời sống nông cạn, nhưng đóng kín lại thì phải chịu ngạt thở và nóng bức. Tôi nhìn lạnh lùng vào cử chỉ thông thường của người xa lạ; mỗi một tiếng tôi nói chỉ còn là tiếng ngập ngừng của kẻ quên mất ngôn ngữ đồng loại. Tôi muốn trở về lai vãng trong dòng sông xưa, dòng sông xanh, dong sông đen, dòng sông đã mất và đã tìm lại được.
XLVIII.
Đêm nay tôi xin thức suốt đêm để biết rằng mình vẫn sống và sống tràn trề hơn bao giờ hết; đêm nay là đêm tuyệt đối; tôi xem đêm nay là đêm duy nhất cuối cùng của đời sống. Ồ đêm cuối, đêm cùng, đêm rớt lại lần chót trong đời. Tôi sẽ thức trọn đêm nay, sống trọn đêm nay, đêm bí mật, đêm một mình, chỉ một mình, ngồi, mơ mộng, bước đi và bước lại trong phòng đóng kín. Tôi đã hút hết gần ba bao thuốc là, nhưng phổi tôi vẫn trinh bạch, tim tôi vẫn trinh bạch, vì chưa bao giờ tôi sáng suốt, trầm tỉnh khôn ngoan, dễ dạy như tôi đêm nay, đêm đầu và đêm cuối, đêm huyền bí, đêm bao la.
XLIX.
Một màu vàng lượn qua cùng với một màu đen trong hành lang, chỉ có thế mà cũng làm sụp đổ thế giới quen thuộc của tôi. Lòng tôi bỗng sôi lên tình cảm cháy lửa của một thế giới khác, một ngưỡng cửa không quen, một mặt trăng bỏ quên trong hộc tủ. Tôi đã chết từ bao giờ? Cái gì là lạ nhoi nhoi trong tôi? Một kẽ hở trong nách áo của người con gái mặc jupe vàng trong hành lang, một buổi chiều, một đám mây xa? Ôi là chua chát.
L.
Hôm nay sẽ không mở cửa cho bất cứ ai, không nói chuyện, không ăn, không đi loanh quanh, chỉ ngồi trong phòng, ngồi như chết, đã chết, như kẻ bị cầm tù, như bị treo án, bị nhốt, tự mình nhốt mình lại, không tha thứ, không tha thứ cho bất cứ sự vi phạm nào trong lãnh vực tuyệt đối cô độc của mình.
LI.
Đập vỡ bất động, đập vỡ bị động, đập vỡ thụ động. Sôi máu xông vào gân hấn với sự tĩnh mịch nặng nề của không gian vô biên và thời gian vô biên. Tôi muốn tự cắt đứt mạch máu để xối máu vào mặt mày của đời sống, tôi muốn hét lên như con sói điên, tôi muốn la lên cho sụp đổ một trăm mặt trăng non, tôi muốn chạy tung vào rừng rú bất tận của địa ngục. Tôi muốn phá vỡ nhà mồ, tôi thấy mình mọc nanh ở hai khoé miệng, tôi đeo năm mươi sọ người trên cổ, tôi trở thành con quỷ của thế kỷ XX: tôi mọc đuôi, tôi mọc móng, tôi mọc gai, tôi mọc lông, hai nanh miệng mọc dài và nhọn, tôi là một con quỷ có cánh, tôi bay xuống nghĩa địa, tôi nhảy từ ngôi mộ này qua ngôi mộ kia. Tôi cám dỗ tất cả thần thánh; tôi phá nhà thờ, điện thờ, đình chùa. Tôi phá trinh tất cả những gì trong sạch và thuần khiết; tôi cười ra lửa và khóc ra máu, tôi hét ra sắt, tôi nói ra thép, tôi kêu ra đá.
LII.
Trận mưa lớn đổ ào xuống mặt đất, tôi bỗng nhiên cảm thấy yêu đời chi lạ, hơi thở tôi nhẹ nhàng như mộng đẹp tươi non, tôi thấy mình như con chim nhỏ, con gà tre, con chó nhật bản bé nhỏ, con cừu long măng, tôi thấy yêu cái ghế dài, cái ghế ngắn, yêu cái bàn, yêu cây bút, yêu cuốn sách, yêu tiếng ồn ào trên đường phố, yêu những ý tưởng hiền lành trong đầu; những ý tưởng trong đầu tôi giống như những chiếc thuyền giấy bé nhỏ mà tôi thả trôi bình thản trong dòng máu ở cơ thể khỏe mạnh. Hạnh phúc, ồ, tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc, nó đến một cách tự nhiên, không báo trước, nó đến với mình như đổ xuống từ trời cao.
LIII.
Chưa bao giờ tôi mệt như chiều hôm nay, tất cả trôi lềnh bềnh, tôi ngạt thở, tôi nằm dài trên giường trong cơn hấp hối tuyệt vọng. Sống, sống lên, tôi mệt quá rồi, mây trắng vẫn còn bay?
LIV.
Một cuộc gặp gỡ thoáng qua, một nỗi đau đọng lại trên đôi mắt chim thành phố. Gian phòng sáng rực lên theo với một ý tưởng chói loà trong đầu. Sự giản dị buông hờ của bước đi trên đám cỏ ướt mưa; đứng lại nhìn đám cỏ xanh trôi theo cơn gió chiều, một cánh đồng xa, một buổi chiều không hề đến, một bản nhạc đợi ngóng, một tiếng ru sặc khói, một tình đông, tại sao một mà không hai?
Không viết, không đợi chờ gì hết, không nói trên đầu, chỉ nghe tiếng hát của đời sống chụp nhói xoáy vào tim tôi?
LV.
Tôi không biết gì hết. Đèn tắt, tôi đi trong tối suốt mấy giờ đồng hồ. Chết rồi sống, sống rồi chết, thực là tàn nhẫn. Tôi không biết sẽ chịu đựng đến lúc nào. Có lẽ chỉ có cơn điên đầy đoạ mới chấm dứt cuộc thay đổi tàn bạo kia. Một tiếng gõ cửa giữ tôi lại với cuộc đầy đọa kia. Nước không chảy, đèn không cháy, gió không thổi, tôi đã sống hai mươi sáu năm trong địa ngục, không bạn, không gia đình, không an hem, không người yêu, không gì hết. Hư vô quá quen thuộc với tôi. Để cho khỏi điên, tôi thường ca khẽ những bản nhạc nhẹ nhàng của ngày xưa. Sự im lặng giữa hai điệu nhạc buồn đau như tiếng trẻ con giữa thời bom đạn. Tôi vẫn muốn chết. Cuộc đời không còn gì quyến rũ tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, tôi lại lún sâu vào cơn tuyệt vọng không đáy, tràn ngập một nỗi buồn nghẹt thở; những vòng khói thuốc bâng quơ làm thế nào giữ nổi những bóng mây xưa để cho tháng ngày cứ trôi trong bước đi giữa hai hành lang, giữa hai phương trời, giữa màu đen và màu xám?
LVI.
Một tuần qua, nhất là trong ba ngày qua, tôi bị khủng hoảng dữ dội, tôi không còn biết gì nữa, tôi bước đi hoang vu chới với trong sự trống không của đời sống; hoả ngục: tôi nghiến răng chịu đựng, giây thần kinh căng lên đến độ cuối, tôi tưởng thần kinh sắp đứt và bắn máu đầu tôi ra mũi; tôi chạy trốn tôi, tôi chạy tới lui, quanh quẩn, như một con chuột đói; đau đớn nhất là tôi chạy trốn và biết rõ rằng mình đang chạy trốn mình. Chạy đâu? Tôi muốn nhảy vào thế giới xa lạ của sự chết. Chẳng biết tôi chịu đựng đến lúc nào? Tất cả lối đi đều mất rồi. Tôi đứng nhìn thẳng vào đám mây trắng trong nửa giờ.
LVII.
Cái gì đã ngăn tôi lại, khi tôi đứng trên cao ngó xuống dưới kia? Cái gì đã giữ tôi lại để tôi đừng nhảy xuống? Có lẽ tôi chưa tìm được núi lửa? Tôi muốn chết thiêu trong lửa hoả diệm sơn, trong lửa và đá; tôi khinh bỉ lửa củi, tôi thù ghét lửa rơm, tôi mạt sát lửa đèn cầy, thờ lạy lửa sét đánh trong đá; lửa mặt trời nổ trong lá rừng già, lửa lá khô đốt trên đốt trên đồi ma là lửa của hồn tôi.
Người tôi nóng, lòng tôi cháy; tôi là lửa của hai khối đá; tôi vụt cháy từ hai khối đá va chạm nhau; thảm kịch của đời tôi là bị nước ám ảnh; ánh lửa cháy trên diêm quẹt làm ướt thoáng thân cây diêm: lửa khai sinh ra nước: chính mặt trời đã sáng tạo ra tất cả những đại dương: nước lại sinh ra đá: chính đại dương sáng tạo ra tất cả những dãi núi: trận đại hồng thuỷ đã sinh ra Hy mã lạp sơn. Tôi là con chim lạ nằm giữa lòng Hy mã lạp sơn, sinh ra từ trứng một con rắn; rắn sinh từ biển sâu và di cư theo trận đại hồng thủy; rắn ngậm một viên ngọc xanh và nhả viên ngọc ra trôi trong lòng nước; viên ngọc xoay âm u và lớn dần thành hòn đá; hòn đá xoay âm u và lớn dần thành dãi Hy mã lạp sơn, tôi xoay âm u và lớn dần thành người điên. Người điên ôm trái mù u và lớn dần thành một bậc thánh: tôi không muốn làm thánh và tôi xoay âm u biến thành một tách cà phê buổi sáng. Chim kêu trên mái nhà, trẻ con nô đùa bên hiên, tôi uống nửa tách cà phê còn lại và vụt thấy cuộc đời vô cùng trinh bạch. Tôi đang xông vào phá trinh, xin mặt trời hãy che mặt lại sau đám mây. Tôi đánh lửa diêm quẹt và phun khói thuốc đen vào bộ phận sinh lý của Thời gian. Tôi lột truồng không gian; hơi thở nóng ran cơ thể, linh hồn tôi lảo đảo.
LVIII.
Sống cho đàng hoàng, sống cho đủ ngày, đủ tháng, sống cho ra hồn, sống cho ra chết, sống và viết, sống và phạm tội, sống và tưởng tượng, tôi đi trên mặt trời, tôi té vào nhà thú chuồng; tôi leo lên ngọn cây và ghẹo chọc con trăng gần rằm.
Tôi điên. Tôi không điên. Tôi, tôi. Chữ tôi làm tôi nghẹn; chữ tôi làm tôi mệt; chữ tôi làm tôi đau: tôi, tôi, tôi!
Bây giờ gần 12 giờ khuya, tiếng nước chảy, tiếng ếch kêu, chắc chúng nó còn thức và đã khám phá ra vết tàn thuốc cháy một lỗ trên nệm giường chúng nó. Tiếng một người dưới kia đang ho và khạc nhổ. Tiếng hàng xóm thì thẩm; tiếng xe chạy xa xa; một con đường rừng, một cánh đồng hoa mồng gà đỏ; ba tách cà phê với một chút rượu rhum cho thơm ngát một đêm lạ, một bản nhạc của một trăm năm trước; ba bốn cuốn sách; một bao thuốc lá biến thành tro; tôi làm thánh; tôi muốn làm đạo sĩ, một đạo sĩ điếm đàng, một bậc thánh tàn bạo, rung rợn, gieo tai hoạ, rắc dịch hạch, ban phép dữ cho loài người. Mộng mị và đời sống, mộng mị và đêm khuya, mộng mị và mặt trăng, mộng mị và mồ hôi nách, mộng mị và dâm đãng, mộng mị và hơi sương buổi sớm; ruộng lúa và mặt trời, hoa mồng gà đỏ và hoa cúc vàng vào đêm ba mươi Tết; tiếng máy bay chạy đều đều; tiếng kêu, tiếng sủa, tiếng máy, tiếng nước, tiếng bàn động, tiếng ngòi bút, tiếng xe nổ, tiếng nói, tiếng thở, tiếng áo cởi, tiếng nước máng xối chảy càng khuya càng rộng rãi, tiếng mộng mị, tiếng chim đập cánh, tiếng mặt trời động đậy nhoi mình lên cho buổi sáng mai.
Tôi vừa tìm được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc quá man rợ.
LIX.
Tôi ngồi xuống, tạo ra một vũ trụ trong gian phòng. Tôi chỉ sống với những ý tưởng trong đầu; những ý tưởng ấy là những con bướm vàng bay lượn, những chiếc lá cuốn tròn, những đám mây hững hờ, một đôi mắt nhay nháy, hai buổi chiều bơ vơ trong một thành phố ngoại quốc, ba chuyến tàu hoả băng qua ba biên giới khác nhau, một tên người quên lãng từ lâu, một dáng đứng buông hờ trên một trạm ga vào hai giớ sáng, một cô gái mặn mà ngồi lạnh lùng trên ghế đợi, ơi là mộng mị, ơi là sương bay, ơi là một buổi chiều tuyết rơi, bên tách cà phê nóng ở Paris, tuyết bay ngoài cửa quán cà phê, “những cơn tuyết bay của mùa vắng mặt”. Chỉ một vài ý tưởng cô liêu trong đầu, trong máu, cũng đủ đem về những con đường đã đi qua, những cây đèn sáp đã cháy hết, những cây đèn sáp trở về hư vô; sáp thánh khói, thời gian thánh ý tưởng, con chim thành vết mực đen, một người con gái thành cơn nhói đau của tim, một buổi mai không chờ đợi, một tiếng động cơ và tôi ngồi đây, đốt lên từng điếu thuốc, đốt lên từng giọt máu, giọt máu biến thành hơi thở và hơi thở đi ra giữa hai hành lang.
LX.
Mơ mộng là nốt ruồi son của đời sống. Tôi mơ mộng suốt ngày, mơ mộng nhiều hơn hành động. Tại sao lại sợ mơ mộng? Hành động là một thứ hình thức sa đoạ của mơ mộng, hành động là mơ mộng không đúng lối. Biết mơ mộng, mơ mộng rằng mình đang mơ mộng, thức trong mơ mộng, thở với mộng mị, đi trong mộng, mộng rằng mình đang mộng. Nốt ruồi son của tôi, trong thân thể tôi, là những tháp chuông vào lúc 11 giờ khuya, lúc người gánh cỏ vừa trở về mở cổng, tiếng gà đêm kêu ríu rít. Tôi sống ngoài không gian, ngoài thời gian, mơ mộng là bay mãi trên trời, chìm trong gió, làm bạn bè với bầy chim hải âu, tắm trên đầu ngọn mưa cuối hạ, thở với trái tim non của con chim sẻ.
LXI.
Ý nghĩa của một câu văn, một lời nói, một quyển sách, không quan trọng. Ý nghĩa hoàn toàn không quan trọng, cao siêu, sâu sắc, nông cạn, thiển cận, tất cả tính từ này không quan trọng, chỉ quan trọng là hơi thở mà người nói và người viết đã cô đọng vào đó; chính lòng tronh sạch của người nói và người viết mới quyết định tất cả linh hồn của câu nói và câu viết. Dù người nói và người viết có chết đi và dù mười ngàn năm có trôi nếu câu nói và câu viết ấy còn sót lại thì hơi thở nóng nồng của người nói và người viết vẫn còn nguyên vẹn trong câu văn. Chính cơn say sưa thuần khiết, chính lòng chân thành, chính sự sạch sẽ trong tim đã khiến cho lửa trong câu văn vẫn còn cháy mãi thiên thu.
Một lời nói, dù cao siêu thâm trầm đến tột đỉnh, vẫn hoàn toàn vô nghĩa và nhạt nhẽo; nếu lửa của người nói và người viết không cháy trong lời nói và chữ viết ấy. Lửa trong và lửa ngoài phải tiếp nối nhau, như cây diêm và lưu hoàng, như mặt trời và con mắt của con người, như cơn điên nửa đêm và mặt trăng thượng đỉnh.
LXII.
Vô hạn vừa nổ trong tôi, một con chim run cánh bay chấp chấp giữa cơn mưa chiều.
LXIII.
Tôi không thể sống với bất cứ ai nữa. Tôi chỉ có thể sống một mình. Nói chuyện với bất cứ ai, chỉ trong vài giây là đủ để tôi nuốt hết tất cả sự trống rỗng nông cạn của đời sống họ. Vẫn bấy nhiêu lo âu sợ hãi, vẫn bấy nhiêu tình cảm xúc động, vẫn bấy nhiêu chật hẹp tâm tư, khắp mọi chân trời, con người hoàn toàn giống nhau. Mười ngàn năm trước, con người vẫn như thế; người ngàn năm sau, con người vẫn như thế: dè dặt, lo sợ, yếu đuối, hèn nhát, kiêu căng, hào nhoáng bần tiện, cạn cợt, thấp hèn, biếng nhác, bất mãn và tự mãn một cách ngu xuẩn.
Tôi không còn muốn nói chuyện hay làm bạn với bất cứ ai. Dù có Thượng đế đi nữa, tôi cũng không hề muốn nói chuyện với hắn. Tôi cũng thấy Thượng đế là hố sâu để chất chứa tất cả những gì bần cùng nhất trong ý thức và vô thức của con người.
Tôi không còn muốn nói gì nữa; tôi không còn muốn nghe gì nữa. Hoả ngục là phải nghe và phải nói. Tôi sẽ bỏ đi và đi mất. Các ngài sẽ được ở lại vĩnh viễn để vĩnh viễn nói và vĩnh viễn nghe.
LXIV.
Sống nhẹ nhàng, sống như đã chết rồi trong cuộc đời; sống không mệt nhọc, không khó khăn, không hề cố gắng, sống như nước chảy ào ạt vào những rừng thông, sống như nước tràn, sống như chim bay, rừng bay, gà bay, ngỗng bay, cá bay, vịt bay.
Sống như đã chết với mặt đất này, sống như đã mù, đã điếc, đã câm: sống như tàn tận, như tê bại thân thể, như chậu tùng đã héo, như cây xương rồng gẫy nát, như đầu điếu thuốc dúi vào gạt tàn đầy tro đen.
Sống như viết văn: đừng bao giờ chờ hứng. Viết thì phải viết ngay, dù hứng không đến, dù mưa, gió, nắng, bệnh hoạn, đau đầu, đau cổ, đau thân thể, dù tiếng ồn đánh tan cả tĩnh mịch tâm tư, dù nghịch cảnh đổ dồn vào đầu, dù hoàn cảnh bắt buộc mình phải bỏ viết, nhưng vẫn tiếp tục viết, viết mãi, viết liên tục dù không còn ý tưởng rớt lại trong đầu, dù cơn ho rũ rượi xé nát buồng phổi, dù không còn gì trên đời để giữ mình lại với đời sống, dù tất cả người con gái mình yêu đã bỏ đi đâu mất, dù mặt trời không bao giờ mọc trong tim và óc, dù những điều thuốc đã cháy hết, dù cơn mệt nặng nề áp đảo sức khoẻ, dù gì đi nữa, vẫn cứ viết, tiếp tục viết, viết một cách bệnh hoạn, viết một cách điên loạn, viết một cách trác tang trụy lạc, viết một cách thánh thiện thiêng liêng, viết trong hoả ngục, viết trong phòng tối, viết trên giường, viết trên xe, viết trong cầu tiêu, viết trong nhà thờ, viết trong nhà tù, viết trong nhà đĩ, viết trong tu viện, viết tay trái, nếu tay mặt bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân, nếu tay trái bị cắt đi; viết bằng năm ngón chân trái, nếu năm ngón chân mặt bị cắt đi; viết bằng bộ phận sinh lý, nếu chân và tay đã bị cắt mất; viết bằng bụng nếu bộ phận sinh lý bị thiến đi, viết bằng mắt bằng mũi, bằng môi, bằng lưỡi.
Sống cũng giống như viết: Sống là viết, Sống, dù phải chết nay mai; sống dù không có gì đáng sống. Sống, dù hứng không đến- Sống, dù tất cả quyền sống đã bị tước đoạt; sống, dù hoả ngục vẫn vồ chụp lấy mình từ giây phút này đến giây phút khác. Sống bằng chân, sống bằng tay, sống bằng mũi, sống trên trời, sống dưới sông, sống trên biển, sống trên rừng, sống trên núi, sống trên đá, sống trong đất, sống trên mây.
Sống như vứt xác của mình trên kè đá cao ở Tây Tạng để cho diều hâu và ó núi bay vù đến rỉa rói từng mảng thịt ứ gió.
Sống với mầu đỏ, sống với màu vàng, sống với màu xanh, sống với màu đen, sống với màu trắng, sống với màu xanh lá cây!
Đốt đèn sáp lên và quì lạy màu xanh lá cây. Đọc kinh cho màu xanh lá cây, ngủ trong màu xanh lá cây, đau nhói trong màu xanh lá cây, khóc trong màu xanh lá cây; viết bằng lá bần, lá dâm bụt, lá dừa, lá me, lá trầu cay. Lấy màu xanh lá cây sơn mặt trời buổi sáng, lấy màu xanh lá cây sơn dòng sông xuyên rừng, lấy màu xanh lá cây sơn lên áo em mặc vào mười hai năm trước. Quế Hương, Quế Hương của màu xanh là cây.
LXV.
Tôi vừa hồi sinh. Gần một tháng nay, tôi bất động, chỉ nằm ngủ suốt ngày, không còn muốn cử động gì nữa. Bây giờ thì tôi đang hồi dương, tôi yêu đời, yêu, yêu, yêu vô hạn, tôi thấy mình kiên nhẫn, thông minh, sáng suốt hơn cả going suối ngọt ở Thiên Thai. Tôi viết như nhảy múa, bất cứ việc gì cũng thơ mộng, tất cả đều trong sạch, tôi yêu cả nhân loại đã chết, cả nhân loại đang sống; tôi yêu cả thảo mộc, cả thú vật, cả khoáng vật, cả sinh vật và tử vật; tôi yêu đá, yêu nhất là đá khô; tôi yêu những con vi trùng, yêu nhất là những con vi trùng nguy hiểm độc địa. Mưa vừa dội xuống lan can. Mộng ơi là mộng, mị ơi là mị, mộng mị, tất cả đều là mộng mị. Mưa trên mộng mị, mưa ơi là mưa, tôi thờ lạy những cơn mưa. Mưa đổ xuống đời, mưa đổ xuống đây, mưa xây mộng mị, mưa trên tháp chuông, mưa rừng bay về thành phố, mưa biển bay về núi cao, mưa mùa đông bay về mùa thu, mưa từ hư vô bay về trái đất. Tôi lạy mưa, ôm mưa, hôn mưa, thương mưa, nhớ mưa.
Tiếng mưa nhẹ dần trên khói thuốc.
LXVI.
Con đường ngắn nhất, dễ nhất, mau nhất vẫn là con đường chậm nhất, khó nhất và dài nhất. Tôi nguyện đi thật chậm, từng bước, từng bước.
LXVII.
Chỉ cần một ý tưởng là hai thế giới được xây thành và bị phá hoại; ý tưởng mửa con gà con trên cánh đồng cỏ, ý tưởng bay như chim trong giấc ngủ, ý tưởng đọng lại thành sữa trong ly. Sống một ngày và cỡi trên ý tưởng để bay vào cuộc đời, cỡi trên ý tưởng như cỡi trên lưng con lừa. Xúi ma quỉ nhập vào ý tưởng, ý tưởng cuộn tròn nhảy múa; ý tưởng thành thần chú. Cho ý tưởng mọc trong đầu, trong máu, như những cụm lan rừng.
LXVIII.
Buồn và đau tê tái, cuộc đời tê tái, bước chân tê tái, tôi sống gượng qua ngày tháng lãnh đạm, khô héo, tê tái, có lẽ tôi sắp chết, không còn gì để sống nữa. Lại về, lại hiện về, quá tê tái. Suốt đêm nay, tôi không muốn ngủ. Tôi héo dần, chết dần, chết dần, tàn tạ, khô lạnh, nước mưa tràn ngập con đường xưa. Tôi không còn sống nổi trên đời nữa, mỗi buổi chiều lại mang đi những dấu chân đen…
Bây giờ là một giờ khuya, tình thương tràn ngập phòng tôi. Chung quanh tôi, những con muỗi đang bay, từng tiếng kêu vo vo của muỗi làm bừng dậy sự sống, trong gian phòng, tôi đang sống với sự sống mọi sự đều mới lạ, mộc mặc, bí mật, bao la và bí mật. Tất cả mốc meo của cuộc đời cũng trỗi dậy như ngọc reo trong biển sâu; những nụ tầm xuân vừa hót lên bài ca chào đời; hồn tôi bay xuống ruộng cà và đậu trên trái cà đỏ như một con bướm giao tình. Bên cuối địa cầu mùa xuân đang về; bên đây, mùa hạ của gian phòng tôi leo lét trước cơn gió mơn trớn của tình thương rừng quế. Tôi thương những con muỗi bơ vơ, tôi thương những con gián trong tủ sách, tôi thương tiếng chó cào nhào giữa phố, tôi thương cơn đói nhè nhẹ trong lòng.
Đêm nay, tôi sẵn sáng lao đầu vào tất cả mọi hỏa ngục, hỏa ngục nghĩa bóng và hoả ngục nghĩa đen. Tôi lao đầu, lao thân, lao hồn vào hỏa ngục, miệng mỉm cười, mắt đắm đuối, tim bao la. Tình thương tuôn chảy ào ạt ngập cả phòng, tôi run lạnh, tôi ấm áp, tôi bơi trong nước, sặc mũi trong nước, cô độc như tảng đá mốc meo, bao dung như mưa nguồn, bình thản như đêm không trăng, thơ ngây như kinh nghiệm, uy nghi như khói núi. Yêu thương, tôi đã thấy; yêu thương, tôi đang thức. Sống “khi buổi sáng thức dậy trên ngoại ô thành phố”. Nhan đề một quyển sách ngoại quốc chưng bày trong một tiệm sách mà tôi đã thoáng thấy ngày hôm qua.
Bây giờ, một giờ khuya, mặt trời đang mọc trên ngoại ô của giấc ngủ đêm nay.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)