3/7/11

Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng ̣(ll)

Vũ Khắc Khoan
Mơ Hương Cảng


2
En attendant Godot

HAMM.- Le salaud! Il n’existe pas!
CLOV.- Pas encore.
S. BECKETT (Fin de partie)

"Thôi!"

Tất cả chỉ đợi câu nói đó của Roger Blin. Để nghỉ. Họ nhảy qua rìa sân khấu xuống khán trường, vây quanh Blin, không phải để đợi một lời khích lệ, một vài nhận xét của nhà đạo diễn, mà hầu như chỉ để xúm xít quanh nhau, tìm ở nhau một chút hơi nóng để xóa nhòa cái cảm giác heo hút của một sân khấu buổi tổng dượt cuối cùng, một khán trường tuy nhỏ mà mênh mông, gaz vẫn đốt mà không đủ ấm. Đêm đã xuống ở ngoài trời Paris lạnh tái, đêm lẻn vào từng đợt giữa những dãy ghế co ro không người, từng đợt vượt rìa sân khấu, từng đợt tỏa ra – đèn rìa không bật, chỉ có âm u một dây đèn herse – từng đợt bủa vây nhóm người đang im lìm, người nọ đợi người kia lên tiếng trước. Họ là J. M. Serreau, Roger Blin, Pierre Latour, Lucien Raimbourg, Jean Martin, Serge Lecointe… đạo diễn, ông bầu, diễn viên một vở kịch mang một cái tên bí hiểm En attendant Godot. Trong khi chờ… chờ ai? Godot là ai? Thượng Đế? Nếu là Thượng Đế thì tại sao sao lại không gọi thẳng là God? Mà lại là Godot?

Hình như là Jean Martin lên tiếng trước:

"Chắc chắn là chúng nó chẳng hiểu mẹ gì cả."

Serge Lecointe:

"Không hiểu là cái chắc!"

Blin lẩm bẩm:

"Dầu sao, dầu sao thì cũng thú. Và… thế là đủ."

Serreau dằn giọng:

"Không hiểu, không hiểu cái gì? Mà có cái gì để mà hiểu?"

Không ai hiểu cả. Nhưng ít nhất thì cũng phải có một người, một người nhất định phải hiểu: tác giả. Mọi người đều nghĩ như vậy và đều hướng về Samuel Beckett – con người Ái Nhĩ Lan câm lặng – từ nãy, từ phút đầu tiên vở kịch bắt đầu vẫn im lìm ngồi ở một góc tối cuối khán trường. Beckett đứng dậy, xốc lại áo, giơ cao tay phác một cử chỉ tạm biệt, lặng lẽ đi ra phía cửa, dừng mắt trong giây lát trước tấm affiche – tên mình Samuel Beckett, tác giả, tên vở kịch En attendant Godot, tên rạp hát Babylone, tên… - chân vẫn bước đều, vóc dáng lêu nghêu gầy guộc như cái thân cây gầy guộc en-attendant-godot bài trí trên sân khấu, bóng đổ dài trên vỉa hè trắng xóa tuyết thượng tuần tháng Giêng một năm đặc biệt kéo lê mùa lạnh – 1953. Beckett bước gọn từng bước dài, từng bước đều, hướng về căn phòng heo hút xóm Montparnasse. Để chờ… Cái gì? Ngày mai? Ngày mai là hôm nay. Màn sẽ mở lên. Vở kịch En attendant Godot lần đầu – sao bao nhiêu lần bị khá nhiều ban kịch khước từ – lần đầu công diễn. Rồi thì màn cũng phải hạ xuống. Rồi… lại chờ. Rồi lại phải chờ. Và như vậy thì tất cả sẽ chỉ là một con số không, một con số không mênh mông vô tận. Hay là… ai sẽ lại? Mà… ai có lại không? Ai? God? Một nụ cười khó hiểu thấp thoáng trên đôi môi, trên một nét môi ngậm kín khắc mạnh trên khuôn mặt gồ ghề khắc khổ của Beckett. God? Godeau? Godot? Lại cười, rồi nụ cười vụt lại tan ra, nét môi khô đọng. Câm lặng. J’attends. Fais que mont attênd ait un sens, ở mỗi người… Bước chân Beckett bỗng lỡ nhịp. Một cột đèn ló ra. Một lối ngoặt. Một con điếm nhăn nhó cười duyên, hai tay hai vạt áo choàng phác nhẹ một cử chỉ hở hang. Tu viens, chéri? Và Beckett lại bước thất thểu ngập ngừng của những bước chân âm thầm lặng dọc theo dãy hành lang âm u, xám ngắt tòa cổ lâu Elseneur của một Hamlet giả điên giả dại (để giấu kín một ám ảnh, một điên cuồng sâu kín, một định mệnh?), một Hamlet một mình đối thoại với mình. To be or not to be. Cũng được đi.

Nhưng từ những bước chân đó?

Beckett vẫn bước đều đều. Qua một ngã tư. Đến miệng một hầm métro ngổn ngang một lũ clochards. Những mảnh vụn lở lói của một ám ảnh mà nơi cư trú thường xuyên nằm ngay trong Beckett, ngay giữa lòng, ngay trong thân xác Beckett. Những hồn hoang mà nửa khuya gió hú chính Beckett nghe thấy thì thầm rủ rê hiện về tâm sự với nhau, độc thoại “với nhau” ở chính giữa tiềm thức, ở chính đáy vô thức Beckett. Những Wladimir, Estragon, Hamm, Clov rồi Nagg rồi Nell. Những Beckett. Và bất giác, Beckett bước vội. Rồi hốt nhiên – như đen gợi trắng, hố thẳm nhớ trời cao – hốt nhiên Beckett nghĩ đến những bước chân cô độc mà kiêu hãnh của một con người vươn cao, thường say gió lộng đỉnh núi và khoảng trống vòi vọi xanh lơ. Nietzsche. Nietzsche với những bước chân trèo ngược lại dốc một ngọn Golgotha. Để được nhìn tận mắt một cây thập tự một nhấm rỗng lòng cây. Để đứng thẳng người, tập trung mười hai thành công lực nơi đan điền dưới chính cái rốn của mình. Để hống lên rằng… chẳng có mẹ gì cả. Lão ta chết rồi.

Nhưng từ sau đó?

Nietzsche (thân xác đã tự đóng đinh vào một thứ thập tự mới thành hình, không bằng cây mà đẽo bằng da bằng thịt con người) Nietzsche nghiễm nhiên thay thế cho vị Cố Thượng Đế, để rồi một đêm, toát mồ hôi lạnh vì tận đáy vô thức chợt thấy hiện về lê thê nguyên vẹn mối thắc mắc năm xưa, với day dứt nguyên vẹn những vấn đề, mỗi vấn đề là một bước dấn thân sâu vào hành trình xoáy trôn ốc tiến tới cao vời thăm thẳm tấm mộ chí ghi “Nơi đây an nghỉ dứt khoát một huyền thoại mang tên là Thượng Đế”, những vấn đề mà Nietzsche đã tưởng phai mờ – nghĩa là sáng tỏ và giải quyết – trước hàng chữ đó. Ta là gì? Ta ở đâu lại? Ta đi về đâu? Ta trở về đâu? Ta đứng đây làm gì? Ta chờ? Gì? Ai? Hay là… định mệnh đích thực của ta là chờ đợi, tuyệt vọng mà vẫn chờ, chờ cái chẳng-bao-giờ-đến, cái chẳng-bao-giờ-nói-dứt-khoát-là-chẳng-bao-giờ-đến? Cái bất khả danh? Cái innommable? Cái? O God, j’attends, je t’attends. Nhưng God? Không, Godot. Godeau. Cuộc tra vấn từ nay không “người’ đối diện trở thành một tự tra vấn, tự hành hạ. Con người tự mổ xẻ, tự lăng trì, tùng xẻo, rời rạc, gãy vụng, dìm xuống tận đất đen, đẩy xuống đáy vực sâu vòi vọi. Con người biến thái, vong thân, trở thành những tên hề – clochards mờ mờ nhân ảnh, hiện hữu cạnh nhau như chỉ nhằm phản ảnh nhau để lố bịch nhau. Con người, tác phẩm trìu mến của Thượng Đế, hình ảnh của Thượng Đế, nơi chứa đựng khí thiêng của Đấng-Sáng-Tạo-Tối-Cao, con người, Wladimir? Estragon?

Hình như khi tra chìa khóa vào ổ khóa, khi đẩy tấm cửa mỏng mảnh, trước khi bước vào căn phòng heo hút xóm Montparnasse, trên vành môi sắc nhọn như nét rìu tiều phu đẽo ngọt vào gỗ rừng già, trên vành môi Beckett lại có thoáng ánh cười. Thoáng rồi tắt. Beckett trở lại “con người Ái Nhĩ Lan câm lặng”.

Còn kịch, En attendant Godot? Không gian, thời gian, động tác, câu chuyện? Hầu như không có gì cả.

Thời gian (vì kịch gồm hai hồi) là hai ngày gần lẫn lộn với nhau bởi như nhau. Thời gian như ngừng lại mà lại như trôi nhanh (trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê), trôi nhanh đến độ mờ đi những khác biệt, chỉ tồn tại những tương đồng. Beckett viết trong lời chỉ dẫn ở hồi một: buổi chiều, và ở hồi hai: như hồi một. Không gian dĩ nhiên như thời gian, cũng mờ áo, vô tính. Beckett viết: Con đường vùng quê có cây. (Route à la campange avec arbre). Cây số ít. Một thân cây. Một trạc. Một cành cũng được. Sự trơ trụi hiện hình.

Còn kịch, câu chuyện? Kịch như trình diễn một động tác, một câu chuyện manh nha từ một biến cố, trưởng thành, chín muồi, thắt nút để rồi bùng nổ, kịch theo quan niệm Aristote? Kịnh như một hỗn hợp bi hài bất chấp thời gian và không gian theo trí tưởng tượng mông lung lãng mạn nảy sinh từ phía trời âm u sương mù lãng đáng vóc dáng một Shakespeare? Hay… kịch như quan niệm ly cách của Brecth, - diễn viên ly cách với nhân vật, sân khấu ly cách với khán trường – vấn đề đặt ra từ những cảnh đời xác thực dịch địa lên sân khấu, đặt ra cho diễn viên (biết rõ mình chỉ là diễn viên), cho khán giả (biết rõ mình chỉ là khán giả)?

Ở En attendant Godot, không có gì cả, không có quan niệm nào cả. Ở đây qua hai hồi, chỉ là một sự chờ đợi, trống rỗng mà dằng dặc, “cái” được chờ đợi chẳng bao giờ đến mà cũng chẳng bao giờ dứt khoát tuyên bố rằng chẳng bao giờ đến. Nhưng sự chờ đợi vẫn tiếp tục. Bắt buộc.

Có hai nhân vật chính: Estragon và Wladimir, hai nhân vật chỉ còn là “người” ở nơi phảng phất hình ảnh con người (gọi là hai cái thân tàn ma dại, hai cái mờ-mờ-nhân-ảnh băng hoại đến tận đáy sâu hố thẳm của sự băng hoại, thì đúng hơn). Cả hai chờ đợi một người thứ ba mang cái tên bí hiểm là Godot. Hắn là ai? Là Thượng Đế (God)? Là tiêu biểu xa vời một hy vọng cứu rỗi, con người vẫn mong chờ xuất hiện mà chẳng bao giờ xuất hiện, mà cũng chẳng bao giờ tuyên bố dứt khoát rằng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện? Hay đó là thoáng bóng định mệnh của loài người nếu cho rằng định mệnh của loài người là sự chờ đợi? Cả hai không biết hay không dám tin chắc một điều gì. Có điều chắc chắn là cả hai hầu như đều bị một ám ảnh theo đuổi bám sát nó run rủi cả hai phải đến đó, vật vờ như những con bệnh mộng du, dưới gốc cây đó, ngồi đợi Godot. Không thể cưỡng được. Không thể tránh né. Như ma dẫn lối, quỷ đưa đường. Sự chờ đợi kép dài hình như đã tự lâu – từ khi có loài người xuất hiện như là ngày – ngày này qua ngày khác, ngày nọ qua ngày kia (hai hồi!), đến nỗi cả hai nhân vật như quên tất cả, quá khứ, hiện tại, tương lai. Cả hai phải bày hết trò này đến trò nọ, trò nọ kế tiếp khi trò này dần dần tàn lụi, phải tung phải hứng, phải xướng phải họa, để… chỉ làm trò, trong khi… chờ đợi Godot.

Nhưng Godot không lại. Và bất ngờ lại có hai nhân vật khác xuất hiện: Lucky và Pozzo, tên nô lệ (cổ đeo dây thừng) và tên chủ (tay cầm một đầu dây thừng). Cả bốn gặp nhau, đối thoại đầu Ngô mình Sở. Cuộc đối thoại được kết thúc bằng một tràng đối thoại của Lucky khi Pozzo ra lệnh bắt buộc phải suy tư (pense, porc!). Sau đoạn độc thoại lảm nhảm của Lucky – một thứ đối thoại hổ lốn vô nghĩa trộn lẫn tất cả: Thượng Đế râu bạc cuộc sống địa ngục công tác mây xanh thẳm Hàn lâm Viện con người tiến bộ ăn uống tiêu hóa thể dục quần vợt kỵ mã tàu bay khúc côn cầu golf trụ sinh cái chết của Voltaire đồng quê lửa nước mắt đá cuội – sau đó thì Pozzo và Lucky đi khỏi. Rồi một thằng bé xuất hiện báo cho Wladimir và Estragon biết rằng Godot không đến nhưng chắc chắn sẽ đến vào ngày mai. Đêm xuống. Trăng mọc. Cả hai nhìn cành cây chợt nghĩ đến một mẩu thừng. Để tự tử. Nhưng lấy đâu ra thừng? Và màn hạ. Và hồi một chấm dứt. Hồi hai cũng giống như hồi một. Với một vài điểm khác biệt (để khỏi lẫn lộn với hồi một, để chứng tỏ rằng dầu sao thì thời gian cũng cứ trôi qua): Pozzo trở thành mù và Lucky thì câm. Và đến cuối hồi, sau khi được biết – qua lời thằng nhỏ – Godot không lại nhưng chắc chắn sẽ lại ngày mai, khi đêm buông xuống, mặt trăng lại mọc lên, khi nhìn cành cây và bỗng nghĩ ra rằng chỉ còn một cách để chấm dứt một hành trình dằng dặc không nơi đến, đó là tự tử, thì Estragon chợt nhớ ra cái mẩu dây thừng thắt lưng của mình. Cả hai ngắm nghía mẩu dây thừng – cứu rỗi, mỗi người cầm một đầu dây, kéo mạnh để thử. Mẩu dây thừng đứt làm đôi. Hy vọng cuối cùng nổ bung tan tác. Chiếc quần Estragon rộng thùng thình tụt xuống gót chân. Nhưng trước khi màn hạ, cả hai vẫn còn đủ thì giờ nhắc lại:

"Thôi… để đến mai vậy."

Nghĩa là đến mai, kia, kìa… sẽ cũng vẫn như vậy.

Đêm 5-1-1953, tấm màn nhung đỏ rạp Babylone mở lên. Lần đầu tiên, trước số khán giả chọn lọc vì được mời (những nhà văn lớn, phê bình gia nổi tiếng, kịch sĩ tên tuổi), vở kịch hai hồi En attendant Godot được trình diễn. Và thành công. Nghĩa là khán giả đã phản ứng đúng như sự tiên liệu của nhóm Beckett. Khán giả cười, bắt buộc phải cười trong khi thấy ấm ức trong lòng. Họ cảm thấy ngượng nghịu như soi gương bắt chợt một nét khả ố trên chính nơi mặt, chính nơi thân xác của mình. Sự ngượng nghịu, ngượng ngùng đôi khi dẫn đến bực bội, đối kháng. Có người định tỏ thái độ, định đứng dậy ra về nhưng lại đồng thời cảm thấy lố bịch. Đứng lên rồi lại ngồi xuống. Cười chảy nước mắt. Oà bật lên cười.

Nghĩ về bi kịch, nhà văn quá cố A. Camus bắt gặp tính chất bi đát của thời đại hôm nay mà Camus nhận định kích thước đã vượt khỏi sân khấu hiện tại. Ông nói: Chúng ta chưa viết được một vở bi kịch nào tương xứng với cái bi đát hôm nay chúng ta đang sống.

Cái bi đát hôm nay – khác biệt hẳn cái bi đát xa xưa con người cô đơn đối diện với siêu việt cao vời, con người độc hành trong hành trình đối kháng Định mệnh, khác biệt hẳn cái bi đát huyền nhiệm trang nghiêm của Eschyle, Sophocle và Racine – cái bi đát hôm nay, cái bi đát nảy sinh từ sau cái hới mưng ngây ngô của con người trước tiến bộ của khoa học; cái bi đát “tái xuất giang hồ”, sau một thời gian “rửa kiếm” vì lời cáo phó cái chết Thượng Đế của Nietzsche, vì lời gào gọi đứng-lên-vô-sản-thế-giới của Marx; cái bi đát mà đã biết bao người làm sân khấu săn đuổi, mà có một thời, những Gide, Giraudoux, Cocteau, Sartre đã tưởng tìm thấy một hình thức để trình bày, một công thức để diễn tả, khi phiêu lưu trở về thế giới thần thoại Hy Lạp, mà Brecht đã thấy bất lực khi muốn sáng suốt phân tích, tách rời để khám phá nguyên nhân, để giải hoặc; cái bi đát manh nha từ một môi trường sống chết nơi đó tất cả mọi người không một ai không có đủ lý do biện mình cho bất kỳ một hành động nào của mình, nơi đó con người thường chân thành nhân danh hạnh phúc con người để, cũng rất chân thành, tiêu diệt con người; cái bi đát dâng lên từ cái chết tập thể sáu triệu Do Thái, quằn quại trong những trại giam, nung nấu giữa chiến trường Việt Nam; cái bi đát không phải do một cá nhân tạo thành, không phải tự một cá tính thai nghén; cái bị đát đè nặng lên từng tập thể, thúc đẩy hàng triệu thanh niên trên thế giới xuống đường chỉ để… xuống đường; cái bi đát hôm nay – hay là cái bi đát không phải của một Rodrgiue hiên ngang, một Quan Công lẫm liệt, một Hamlet suy tư, một Oêdip đau khổ, mà là cái bi đát của một tên hề lố bịch, một thằng người vô danh, vô tính – cái bi đát của con người sa lầy dần dần vào cái bầy nhầy của thời gian bất biến, vào cái ù lì của đồ vật vô giác vô tri, cái bi đát của con người đã băng hoại đến độ cuối cùng của sự băng hoại mà lại còn giật mình nghe thấy vẳng lên tự lòng vực thẳm băng hoại những lời tra vấn đã tưởng trả lời dứt khoát tự lâu, mà con người đã rõ không thể nào, không thể nào trả lời dứt khoát; cái bi đát đó, cái bi đát hôm nay, phải đợi đến khi chiếc quần của Estragon từ từ tụt xuống gót chân để chấm dứt vở kịch En attendant Godot, với những lời đối thoại ngây ngô, những hình thù kệch cỡm bẩn thỉu nửa người nửa ngợm của nhân vật, với cái không khí tận cùng khó chiụ của tất cả khán trường và sân khấu, cái bi đát hộm nay của anh và tôi, phải đợi đến lúc đó, qua tiếng cười bất đắc dĩ của khán giả, mới tìm thấy một hình thức xứng đáng để tự biểu hiện, một công thức mầu nhiệm để tự diễn tả.

Hình thức đó là vở kịch En attendant Godot.

Công thức đó, rất giản dị, là:

Bi = Hài.

*

Nhất Linh đối diện Nhất Linh

Nếu ai biết ở đời cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ, mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc thời chẳng là trái ngược lắm sao. Khốn nhưng nếu không nghĩ gì mà được sung sướng thời dễ chứ đã biết nghĩ rồi, biết nghĩ là cái nguồn khổ về tinh thần, muốn thoát ly ra thật là khổ lắm…

Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng, nhưng muốn cả hai như thế thật là khó khăn vô cùng…

Cái buồn cái lo nhỏ mọn làm gì bứt rứt thế? Ôi! Con người ta sinh ra làm mảnh bụi làm gì mà băn khoăn thế? Ta hãy quên đi, ta hãy nguôi đi.

Nhưng đem thân mình đến đâu là NÓ theo đuổi đến đấy, có khi tức quá, lấy tay chỉ lên đầu mà than với mình rằng: NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ được? Trong lòng không lĩnh thời dãu thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa, ruột gan vẫn nung nấu như thường. Hay là lấy giọt nước cành dương mà an ủi mình chăng, nhưng lòng ta không có tín ngưỡng nữa, rồi đến cả vũ trụ này cũng không tin thời tin ai được nữa, mà tin ai bây giờ?

Phải biết rằng đối với những người hay ngẫm nghĩ về nghĩa lý ở đời như thế thì chỉ có hai cách sống mà thôi. Một là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng, lấy cái mộng tưởng mà mê sính trong cái đời hư vô mộng tưởng này. Hai là không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết, mình không sợ chết mình cũng không mong cái chết mà vẫn không tĩnh tâm thời chỉ có cách trên họa may là có thể giải thoát cho mình chăng? [1]

(Nhất Linh: "Làm gì mà băn khoăn thế" – Người quay tơ. 1927)

Thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa? Lao đầu vào trụy lạc, ngụp lặn trong bùn đen của tội lỗi? Rút về một khoảng núi cao vui đùa với lũ hươu rừng và ánh trăng le lói kẽ song? Lấy giọt nước cành dương gội sạch bụi bặm phố phường? Vô ích. Vô ích. NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ? NÓ nung nấu ruột gan. NÓ đến đột ngột như sét đánh. NÓ lẩn quẩn đâu đây. NÓ bám chặt từng bước đi. NÓ giăng mạng nhện ngay nơi óc. NÓ lẽo đẽo theo sau. NÓ hiện diện từng giây từng phút. NÓ đăm chiêu, theo dõi từng khắc từng giờ. NÓ đăm chiêu, đau đáu, quanh quất, chờn vờn. Như tròng mắt của Cain. NÓ nằm ngay trong thân xác, cùng ăn, cùng ở, cùng nằm. Há miệng mà cười, ôm mặt mà khóc, hét lên: NÓ là tiếng vọng. Co cẳng mà nhảy, lấy đà mà vút lên cao: NÓ trở thành trọng lực để níu lấy chân, bàn chân lại vẫn nặng nề ôm ghìm mặt đất. Đi đâu mà không có NÓ? NÓ len lỏi vào giữa giấc mơ. NÓ ám ảnh từng cơn hành lạc. NÓ đào sâu tròng mắt thường vẫn mở rộng trắng đêm. NÓ gặm nhấm dần dần những luồng tóc xanh, xói ngược vào góc thái dương, xói sâu đến tận vùng chất xám của não. NÓ trổ nheo đuôi mắt, xếp ngang đường nhăn trên vầng trán rộng, tạc dọc đường hằn tự cánh mũi chạy dài xuống tận mé môi.

NÓ là tròng mắt trũng, là vầng trán rộng, là những nét hằn, là khuôn mặt gầy guộc nặng trĩu ưu tư.

NÓ là Nhất Linh.

Bởi một sớm, Nhất Linh đối diện Nhất Linh đã thấy biến mất Nhất Linh, đã chỉ nhìn thấy NÓ. Tự đó Nhất Linh trở thành một trường hợp, trường hợp một người bị NÓ ám ảnh, bị NÓ theo dõi, như một định mệnh. Và cũng tự đó cuộc sống Nhất Linh trở thành một hiện tượng, hiện tượng một tìm kiếm, đối tượng tìm kiếm lại chính là… mình. Cuộc tìm kiếm có như một bắt buộc, bởi định mệnh là NÓ không bao giờ cho phép Nhất Linh ngừng cuộc. Cuộc tìm kiếm có như một đam mê vô ích bởi giữa Nhất Linh và Nhất Linh NÓ thường xuyên hiện diện như một ngăn cách, để không bao giờ, không bao giờ nữa, dù phải đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của cuộc sống, tận dụng mọi phương tiện của cuộc đời, mọi khả năng của con người, Nhất Linh lại còn có cơ duyên bắt gặp lại được… Nhất Linh.

Hãy nhắm mắt lại. Hãy cắt ngang cuộc đối thoại. Hãy xóa nhòa tấm gương đối diện. Không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết. Hãy trở về yên lặng của gỗ rừng và đá núi tồn lưu trong một khoảng không gian im sựng dựng lên bởi nấm dại và lan rừng. Con người ta sinh ra là mảnh bụi, làm gì mà băn khoăn thế?

Nhưng… NÓ vẫn hiện diện, đi đâu mà không có NÓ?

Chỉ còn một lối thoát. Chỉ còn một cách sống. Là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng. Để mê sính. Để quên.

Và Nhất Linh đập tan tấm gương đối diện, đi vào hành động.

Một buổi sáng chớm mùa thu Hà Nội, tôi, một đứa con trai bấy giờ mới lớn, gió heo may đang thổi lộng lồng ngực hai mươi, tôi quay lưng lại chiếc Tháp Rùa chênh vênh giữa hồ Hoàn Kiếm để nhìn theo hút Nhất Linh, để được nhìn thấy Dũng nhập cuộc, Dũng rảo bước, gọn và nhanh, bước vào hành động. Đến mãi sau này, đến khi trong tôi những đợt heo may đã đi vào vùng kỷ niệm, đến khi gặp Nhất Linh như là một người bạn vong niên, hồi tưởng, tôi mới biết rõ là khi đó (khoảng quân đội Phù Tang vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn, khi nhìn thấy Nhất Linh, vóc dáng cao vời thoáng hiện sau rặng liễu sau hồ Hoàn Kiếm để vượt cầu Long Biên, men theo dòng Hồng Hà và dòng sông Thanh Thủy, tiến lên những quận lỵ đèo heo hút gió vùng mạn ngược, lẩn mình trong bóng đêm của những thung lũng, đèo cao và rừng rậm, đặt chân vào nội địa Trung Hoa, mất hút vào một hành trình như đơn độc chỉ có một chiều), khi đó, tôi nhìn thấy Hương Cảng rẽ khuất vào một lối ngoặt con đường Hàng Trống (cũng là một lối ngoặt kiếp sống Nhất Linh), gió heo may thổi lật những chiếc lá bàng đỏ kệch (cả cuốn Đôi bạn chỉ là lời nói đầu Nhặt lá bàng), chính khi đó, mãi sau này tôi mới ý thức rõ rệt, tôi đã mất Nhất Linh, Nhất Linh đã chỉ còn là một thân xác mà hồn là Dũng đã ngự trị và điều khiển, tôi đã chỉ còn có Dũng. (Và chính tôi muốn thế, chính thế hệ chúng tôi muốn thế). Tôi nhìn thấy Dũng lên đường.

Dũng lên đường. Dũng, người đàn ông rất đàn ông, dứt khoát với mình với người, không băn khoăn thắc mắc, mà sáng suốt, tỉnh táo, không hề đặt vấn đề với mình, về mình, về người, đều và chắc nịch tiến từng bước thẳng tắp tới một mục tiêu nhất định; Dũng, người của hoạt động bí mật ẩn náu trong lòng ngõ hẹp lầm bùn, bị thương giữa đêm rừng Hưng Hóa; Dũng, người tình nhân choáng hơi men, một đêm dừng chân bên bến lạ, nghĩ đến người yêu và dưới ánh trăng suông, kê giấy trên mạn thuyền, viết một bức thư; Dũng của Đoạn tuyệt? Sự thực không đơn giản. Tôi tin rằng Nhất Linh phải biết rõ như vậy, ngay lúc bấy giờ, khi Nhất Linh dời bỏ Việt Nam, thu hút bởi chính nhân vật do chính mình sáng tạo, khi Nhất Linh bị cuốn vào cái quay cuồng nhân quả trùng trùng của một thứ nghiệp mà sau này Nhất Linh gọi tên là guồng máy. Bởi vào năm 1940, không chỉ có một Dũng, Dũng của Đoạn tuyệt, mà còn có một thứ Dũng nữa, tuy sinh sau đẻ muộn mà ma lực quyến rũ (nhất là đối với chính Nhất Linh) lại khủng khiếp gấp bội người anh đầu lòng. Dũng của Đôi bạn.

Khi quyết định ấn hành "Số đặc biệt nhớ Nhất Linh” cho tờ nguyệt san Vấn đề, muốn in lại một cái gì đặc-biệt-Nhất-Linh, tôi chọn Lời nói đầu cuốn Đôi bạn, mang tên là "Nhặt lá bàng", Mai Thảo gật gù nên lắm. Và nói thêm:

"Chưa bao giờ một người viết trìu mến nhân vật của mình đến như vậy."

Một lát sau:

"Nhặt lá bàng" vượt cả cuốn Đôi bạn. Nhất Linh phải viết trong một dịp xuất thần."

Ít khi tôi đồng ý với Mai Thảo. Nhưng lần này cái lối phát biểu ý kiến nhát gừng của anh đã làm suy nghĩ. Và tôi đã nhận với tôi (cũng ít khi tôi nhận với Mai Thảo) rằng tôi đồng ý với anh… Nhưng phần nào thôi. Nhất Linh quả có trìu mến Dũng. Nhất Linh quả có xuất thần khi viết "Nhặt lá bàng". Đó là một sự kiện nhưng nguyên nhân hình thành không chỉ đơn giản do tương quan giữa người viết và nhân vật, mà phức tạp hơn: ở đây người viết là nhân vật.

Hơn hai mươi năm sau, Nhất Linh thú nhận: "Độ ấy (khi viết Đoạn tuyệt), tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài." Ván bài vốn là một ván bài sinh tử, năm ngón tay phù thủ Nhất Linh dồn tất cả công phu sáng tạo vào thân xác quân cờ. Trong ma túy lên đường, chướng khí rừng mạn ngược và sương độc núi lam biên giới, quân cờ (được gọi tên là Dũng) dần dần trút bỏ hình thù thô kệch giả tạo bắt đầu, vụt lớn lên thần tượng, vóc dáng bao trùm cả một thế hệ, quân cờ hay là Dũng bỗng một đêm thấy tỏa ra tự thân xác một vùng ánh sáng mang một hấp lực dị thường dấy lên theo một đường quỹ đạo mà chính Dũng là nơi trung tâm phát xuất, Dũng âm binh bèn đứng dậy, bước một bước vào thế phù thủy, lời chú đầu tiên vừa thốt ra khỏi miệng, tay ấn đã chọn ngay đích thân người sáng tạo ra mình làm nạn nhân thứ nhất. Sự việc xảy ra trong chốc lát – trên chiếu bạc, ván bài đã đến lúc quyết liệt, Nhất Linh đã vừa tố sạch láng – nhạc văng vẳng đâu đây, lời ca ngọt lịm (ban đồng ca phụ họa là cả một thế hệ). Dũng kỳ dị, beau ténébreux, hiện lên lãng mạn trên một nền mờ dịu của mây trắng mùa thu và gió heo may thổi lộng mặt sông hoang vắng, vùng ánh sáng quái dị tỏa rộng thêm hấp lực bỗng vươn lên cao theo cái thế xoáy lốc của đường quỹ đạo đã đổi hướng quay. Dũng-phù-thủy phảng phất phong thái thần linh, Nhất Linh choáng váng, chóng mặt, không thể cưỡng, không muốn cưỡng lại, chỉ nhìn thấy Dũng, tưởng mình là Dũng, trở thành Dũng. (Còn nhớ không, người đồng chí của Vũ Tường Dũng, cái ngõ hẹp đầy khói lát đá tảng vùng Hoa Nam?)

Nhất Linh trở thành Dũng. Mệnh đề này mang một hệ luận: khi tự Sài Gòn độ ấy, một lá thư từ nhà một người mang tên là Trương Viễn ngụ tại 118 đường Albert 1er Dakao gửi về Hà Nội cho Nhất Linh, lá thư ký dưới một người xa xăm (Nhất Linh đã nói chữ viết không phải là chữ của Dũng, bởi đúng là như vậy, chữ viết là chữ của Nhất Linh), thì lá thư đó là một lá thư đặc biệt người gửi và người nhận chỉ là một, lá thư tâm sự, một lời độc thoại. Đúng hơn: phân nửa một cuộc đối thoại vốn vẫn âm ỉ kéo dài. Tấm gương đối diện ngày trước tưởng đã đập vụn từng mảnh bởi chính tay người đối diện, giờ đây – trời muốn trở rét – đang từng mảnh vụn chắp nối để dựng lên đối diện Nhất Linh, để ném lại trước mắt Nhất Linh, sững sờ, không phải hình ảnh một Dũng, mà qua Dũng, không phải chính hình ảnh Nhất Linh, mà xoáy vào nữa, qua Nhất Linh, mà… NÓ. NÓ, nhưng méo mó, nhưng thiểu não hơn nhiều. NÓ qua vóc dáng một Dũng thứ hai, Dũng của ấp Quỳnh Nê và bến đò Gió, Dũng – Đôi bạn. Dũng không lúc nào mãn nguyện mà phải mãi mãi đi tìm một sự bình tĩnh cho tâm hồn, một sự bình tĩnh mà lại không, gặp được nhưng lại mất ngay, Dũng lúc nào cũng muốn vượt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dày đặc quanh mình, Dũng nhảy ra rồi lại muốn nhảy vào, Dũng thoát ly mà vẫn không cảm thấy cái khoan khoái được thoát ly, lúc nào cũng cố đuổi theo một thứ đom đóm của cuộc đời, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức, yêu mà e ngại nói yêu, Dũng không thần tượng mà khiêm tốn chỉ biết băn khoăn, không phù thủy, không âm binh, không quân cờ, không hình nộm, rất thật nên đứng ngồi không yên. Dũng không phải của Đoạn tuyệt mà của Đôi bạn, mà như từ Đan Mạch trở về, tự tòa cổ lâu Elseneur bước ra, Dũng-Hamlet nghĩ cho nên biết, biết cho nên đành phải nằm gọn trong cái thế giới con con do chính tay mình xây dựng, ngây ngô điên dại cho nên lưỡng lự trước cuộc đời đầy phiền muộn như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia. Dũng-Hamlet. NÓ. Đích NÓ. NÓ lại trở về. Như một căn bệnh sốt rét kinh niên tái phát: con bệnh chỉ vừa kịp thấy ơn ớn khớp xương, gây gấy nổi da gà nơi bả vai bắp vế là đã cảm dấy lên từng đợt lạnh như lùa về tự miền Thượng du Bắc Việt, phát xuất ngay tự đan điền, loang ra, tràn ngập toàn thể thân xác. NÓ lại trở về, ở đấy, khắp nơi, yên lặng mà hầu như trách móc, quen thuộc nhưng luôn luôn mang vóc dáng một lạ mặt. NÓ. Đi đâu mà thoát được NÓ?

Trong một huyền thoại Hy Lạp, thuở thần linh còn ở lẫn với con người, có một vị vua mang tên là Midas vì thắc mắc trước lẽ sống nên đã đuổi theo tìm gặp nhà hiền triết Silène, người bạn đồng hành của thần Dionysos. Và khi hai người đối diện trong một khu rừng vắng, khi Midas ngập ngừng cất tiếng để hỏi (cũng như đã bao nhiêu ngày đêm tự hỏi) xem đâu là hạnh phúc hoàn hảo của con người, thì nhà hiền triết cúi đầu im sựng. Lời tra vấn nhiều lần lai được thốt lên thành tiếng. Bỗng giữa hoang vắng của rừng già, tiếng cười Silène rít lên the thé. Và dứt tiếng cười, thì đây là câu trả lời, câu trả lời đã đi vào huyền thoại Hy Lạp, đã in dấu trên lối sống Hy Lạp:

"Hỡi giống người khốn nạn sinh ra do ngẫu nhiên và đau khổ, ta không hiểu tại sao ngươi lại muốn biết một điều chẳng mảy may ích lợi cho ngươi? Hạnh phúc hoàn hảo của con người ư? Thì đó chính là cái mà không bao giờ ngươi đạt được, cái đã ở ngoài tầm với của con người. Bởi hạnh phúc hoàn hảo của con người là gì, ngươi biết không? Nghe đây: đó chính là đừng sinh ra làm người, đừng hiện hữu, đừng là cái gì cả."

Sau một khoảng yên lặng, gió thoảng cơn đặt nhẹ xuống nền cỏ mát một chiếc lá khô đến độ lìa cành:

"Nhưng đối với ngươi, đối với kích thước con người, thì cũng còn có thể có một thứ hạnh phúc, đó là… chết. Biết chắc chắn rồi ta sẽ chết"

Câu chuyện huyền thoại kết luận theo hút bước chân Silène thất thểu khuất sâu vào lòng rừng già. Thế thôi. Không thấy nói gì đến Midas.

Mà nói gì? Midas đã hỏi và đã được trả lời. Và đã biết. Số phận Midas đã có chút may mắn hơn Nhất Linh. Bởi kịp đến khi Nhất Linh lớn lên (hình ảnh cuộc đời đã thôi đơn giản một chiều phản ảnh, đã thôi ngây thơ dội ngược lại chính cuộc đời, đã bắt đầu phiền toái nhận chìm lệch lạc qua tròng mắt vào cõi xám vùng não), kịp đến đầu thời kỳ XX, thì đã từ lâu, thần linh từ giã loài người để mất tăm vào rừng núi và rừng tiền sử. Mất tăm bóng dáng những tiên và bụt, những Silène và những đấng tiên tri. Tiếng kệ Thích Ca đi vào im lặng vô ngôn. Con kỳ lân buồn lê gậy trúc khập khễnh nơi thôn vắng nước Lỗ. Dưới nắng quái một chiều loạn, Lão Tử cỡi trâu đã trở về miền hoang vu Tây Bắc. Mất tăm. Mất hút. Nhưng… lời tra vấn Midas thì nguyên vẹn vẫn còn vọng lại, tự mê rừng ven vùng trời nước đảo lộn một màu xanh thẳm Địa Trung Hải – tiếng gà gáy lẻ nửa khuya, đơn chiếc – lời tra vấn bao trùm dọc nẻo hành trình tiến lên của kiếp làm người, để tự những thế kỷ hồng hoang thăm thẳm, qua cái rung động tâm thức một Midas, tan loãng vào cái trống không nguyên thủy, ngân ra bắt kịp cái nhịp xao xuyến tâm thức một Nhất Linh.

Một Nhất Linh và tiếng vọng một lời tra vấn.

Nếu ai biết ở đời này cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc…

Hạnh phúc? Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng…

Hạnh phúc? Sống mê sinh trong cái đời hư vô mộng tưởng, sô#ng mà xóa nhòa được trước mắt cái viễn tượng sinh ra… không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi, như những người bộ hành, một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.

Lời tra vấn vang lên dội lại, lẻ loi: trong cái im sựng mênh mông của trời và đất đồng lõa, một cõi im sựng khác bỗng nhiên thể hiện, để rồi hằng hà sa số những cõi im sựng khác kế tiếp khởi lên, cứ như thế, tất cả xoáy trôn ốc trong một cơn lốc không thủy và không chung của càn khôn nhập một, xù xì, cục mịch ngây ngô.

Hạnh phúc? Silène, Silène.

Trời không lên tiếng. Đất không trả lời. Chỉ còn một lời tra vấn. NÓ. Như một cái gì không thể đạt tới. Lỡ rồi. Chót rồi. Như một mâu thuẫn tất yếu và tự tại, khi sự vật bắt đầu thành hình với danh và sắc, khi Thái cực manh nha ý hướng sinh hạ lưỡng nghi, khi Atma giã từ Brahma. NÓ, lời tra vẫn mà cũng là lý do hiện hữu của kiếp làm người. NÓ, một đam mê vô vọng. NÓ, một lời chiêu dụ, một lời cự tuyệt. NÓ, cái vòng luẩn quẩn, NÓ, định mệnh. NÓ, thân phận con người. Đi đâu mà không có NÓ?

Trường hợp Midas là trường hợp một đối thoại. Nhất Linh độc hành bước vào cái thế bi đát một độc thoại (hơn một lần ngụy trang thành một thứ đối thoại quái dị người trong cuộc bắt buộc phải đối diện với dự phóng của chính mình), bỗng trong một sát-na đốn ngộ – tiếng gà nào gáy lẻ đơn chiếc nửa khuya? – bất chợt được chính mình đắm mình dưới ánh trăng một thế giới thần tiên đầy bí mật.

Một con đường ở sát mặt nước đi khuất vào trong bóng tối một cái hốc đá… đường vào Đào Nguyên… Ngay từ lúc còn nhỏ, chàng (Dũng hay Nhất Linh cũng thế) đã có ý muốn dời khỏi nhà để đi tìm cảnh Đào Nguyên đẹp đẽ. Có khi đêm khuya, sực thức dậy, chàng chạy ra nhìn con đường ấy xem có xảy ra sự gì lạ không. Dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh cờ thiên cổ: Chàng tưởng họ vừa ngừng đánh và ngạc nhiên nhìn chàng. Mấy con cá vàng lên đớp ánh trăng trên mặt nước, dưới những cụm xương bồ ướt sương, chàng cho là những con vật kỳ quái biết cử động giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn.

Một ván cờ thiên cổ trong một thế giới yên lặng, cái thế giới của thời gian ngưng tụ những phút giây chờ đợi, xem có xảy ra sự gì lạ không… trước khi bước xuống chuyến đò cuối của ngày đang ngả về chiều.

Thời gian sẽ ngừng lại.

Dũng (hay Nhất Linh) không nghĩ gì nữa. Những người bạn ngồi chung quanh chàng người nào lúc đó nét mặt cũng lộ vẻ bình tĩnh. Dũng có cảm giác êm ả lạ lùng và cái quán hàng trong đó có Loan (nghĩa là một phần của Dũng, của Nhất Linh) ngồi, chàng tưởng như một chốn ấm áp để chàng được cách biệt hẳn với cuộc đời mà chàng thấy đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia.

Thời gian ngưng lại trong cái thế-giới-thần-tiên-non-bộ, trong cái quán ấm áp thoảng hơi nóng nước chè tươi thơm ngát, thời gian ngưng tụ nơi những phút giây hiện tại căng thẳng một sửa soạn một chuẩn bị một sẵn sàng một chờ đợi… không đối tượng…

Và… bỗng một bông cẩm chướng trắng gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm… những con bướm trắng bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng… Một cuộc đối thoại bắt đầu.

Cuộc đối thoại Trương - Thu bắt đầu với cánh bướm trắng bay lên, đối thoại ngày một gay go, ngôn ngữ sử dụng ngày một phức tạp, ngày một khó hiểu, ngày một kỳ dị, người trong cuộc chỉ muốn hỏi để được chờ đợi những câu trả lời. Ở đây tình yêu chỉ là một cái cớ, một thứ đom đóm – đừng bắt nó, tội nghiệp, bắt được nó thì chán ngay, nó chỉ là một con bọ mùi hôi, ánh sáng ở bụng đục mờ, chẳng có gì là đẹp – một ngôi sao biết thổn thức, bóng một cành tre in ngược, ngọn trúng vào giữa một đám sao trông như một cây bông vừa tỏa hoa lấp lánh, mong manh bởi quý, quý bởi mong manh. Ở đây tình yêu là một con sóng, những câu hỏi là những cái quán đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mặt… những nơi tạm trú… ấm áp cách biệt hẳn cuộc đời đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu. Nhưng con sông nào mà không tới bể? Cuộc đối thoại nào rồi ra cũng phải chấm dứt, mặc dầu người đối thoại đã vẽ ra trăm phương ngàn kế để cuộc đối thoại trở thành một thứ cầu vồng rực rỡ luôn luôn biến thái ngàn hình vạn dạng lấp lánh bảy màu muôn sắc trên một nền trời vừa nắng vừa mưa. Nguy hiểm, bấp bênh, cheo leo, sa đọa. Sự cúi đầu chấp thuận cuối cùng của Thu cũng là sự lắc đầu chán nản cuối cùng của Trương. Hết. Chấm dứt. Đã tới. Yên lặng.

Và… Trương (hay Nhất Linh, hay là NÓ, đúng hơn) nhìn ra xa. Ở tận chân trời, chen giữa hai lũy tre làng lộ ra một mẩu đê cao với một chòm cây đứng trơ vơ, cô đơn. Trương dịu lòng lại, tha thiết cần có một thứ gì đến để an ủi, một thứ gì rất êm dịu… Cái chết! Trương lim dim hai mắt nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và yên tĩnh lắm. Ngay lúc đó Trương thấy không cần phải can đảm mới tự tử được; chàng không sợ chết nữa, cùng mong nó đến.

Chàng (Nhất Linh) – tôi viết chàng vì tự dòng chữ này, đối với tôi, người bạn vong niên đó đã đi vào huyền thoại, đã trở thành nhân vật lớn của một thiên phiêu lưu ký phảng phất hoang đường thấp thoáng bóng dáng những Midas, Silène và Dionysos -, chàng mong nó đến. Hơn thế nữa: ở nơi hẹn cuối cùng, chàng đã là người đến trước. Trước nó, cái chết.

Ly độc dược (pha với chất men miền Ecosse, nét làm dáng cuối cùng của một tửu đồ tự trọng) nâng lên ngang miệng, chàng bỗng thấy êm ả lạ lùng, đất sẽ mát lắm, bốn bề đất sẽ mát mẻ. Chàng tận hưởng cái phút cuối cùng chờ đợi đó (phải đợi cái chết thì sống mới không sợ sống?), cái phút căng trĩu miềm kiêu hãnh của một người vừa chợt biết đang nắm chắc cái theo đuổi mình suốt đời. NÓ, chính mình, định mệnh của mình, thân phận con người.

Nhất Linh, Dũng, NÓ: hành động đốn ngộ cuối cùng của chàng đã giải quyết tất cả và trọn vẹn.

7-1970


[1]Những dòng chữ in nghiêng là văn của Nhất Linh.

Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng ( l)

Nhớ Đỗ Thế Phiệt
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh (Bạch Cư Dị)

Mục lục

* Mơ Hương Cảng
* Ba người bạn
* En attendant Godot
* Nhất Linh đối diện Nhất Linh
* Độc thoại
* Bạt


Mơ Hương Cảng

Để ghi nhớ một chuyến đi, Nguyễn đặt tên con gái là Hương Cảng.

Gọi lên, Hương Cảng gợi đến sóng gió đại dương, boong tàu bềnh bồng và chất men tứ chiếng của những nơi chung đụng tạm bợ nhiều giống người và rất nhiều tâm sự. Hương Cảng lại bằng da, bằng thịt, gọi lên một chiều bức gió, giữa hai tợp rượu ở một xó đất liền, gọi lên để thấy nó sừng sững trước mặt, ngả nghiêng xô lại như bến cập tàu, để rồi ngậm ngùi thấy mình biến thành một con tàu cắm neo ở bến, - Hương Cảng – đặt tên cho con, mà chỉ cần gợi đến trong muôn một cái băn khoăn của mình, chỉ để ý đến sức gợi cảm của một chữ, bất chấp cả ý nghĩa một cái tên, bất chấp cả đến tên thằng con trai sinh trước vốn thuộc bộ Sơn… Nguyễn thật đã đạt tới cái mực tượng trưng của nghệ thuật đặt tên vậy.

Nhưng tại sao, chiều nay, tôi lại chợt nghĩ tới Nguyễn? Tại sao chiều nay tôi nhớ đến một cái tên người – dầu là đàn bà. Hương Cảng năm nay đã mười mấy rồi nhỉ? Có phải vì một chất rượu mạnh mà Nguyễn đã bảo tôi cách pha phác, hay là vì cái người khách hàng lêu nghêu mới bước vào, đườn đưỡn ngồi trước mặt tôi, trong quán rượu tôi thường lui tới? Có nhiều khi chỉ một tà áo thấp thoáng giữa hai cánh cửa khép hờ, một khóe mắt, một điệu hát rè rè, một mùi hương đăng đắng, một tiếng cười ngửa cổ trắng ngần, có nhiều khi cũng đủ làm cho ta nhớ tới bao nhiêu việc đã qua, bao nhiêu việc đã tưởng im lìm trong dĩ vãng. Có những chiếc tàu bể đắm từ một thế kỷ nào xa lạc, một đêm trăng thượng tuần nhếch mép, chợt cựa mình xê dịch ở đáy đại dương. Có những chiếc bánh madeleines của Proust trong cuộc phiêu lưu ngược dòng thời gian thăm thẳm vào vực ký ức…

Giờ đây – gió không nổi – chỉ có màu vàng một cốc men trộn ánh chiều tà, tiếng õng ẹo của cục đá nhấp nhô theo sóng rượu mà đùa với thành cốc. Giờ đây, ờ, lại còn cả một khung cảnh có hồ xa xa, có liễu xanh xanh, có chiếc Tháp Rùa, muôn hình vạn trạng, khi cục mịch cô đơn sừng sững, khi mỏng tanh như một tấm bia bài trí sân khấu.

Sân khấu là một quán rượu. Có hai nhân vật: một ngồi lặng bên cốc rượu, một mới tiến vào. Người ngồi lặng ngồi đã khá lâu. Không phải vì rượu cạn mà bởi không có gì nhắm với rượu. Nên khi người thứ hai tiến vào thì người thứ nhất vội rót liều chai nước soda vào cốc rượu mạnh. Nhắm liều. Không có mực Bắc Hải, âu là ta dùng cái khoản lạc rang. Khoản lạc rang là người thứ hai, khó định tuổi, y phục màu xám, may theo kiểu Anh Cát Lợi, sát vào người mà lại rộng rãi, kín đáo mà đỏm dáng. Nhưng có một cái gì ở con người này mà người thứ nhất – chính là kẻ cầm bút đang nguệch ngoạc những dòng vẩn vơ này – mà tôi thấy ngang ngang, khó chịu – một củ lạc thối, một sợi mực hãy còn dai – không biết có phải tại chiếc cà vạt lắm màu, lằng nhằng nhiều nét, hay đôi mắt hùm hụp một mí hay là tại chiếc áo lót mình màu quá sáng đối với nước da tái sạm… hay đôi giày cầu kỳ chạm trổ, mũi hớt cong veo? Có lẽ là tại tất cả. Tất cả là một không khí mà tôi đã linh tính được giá trị – một thứ đồ nhắm kể ra cũng thường nhưng có lúc, như lúc này chẳng hạn, lại rất được việc. Cái không khí đó, lưng chừng cốc rượu, tôi bèn mệnh danh là Hồng Kông – tại sao? Hồng Kông dắt dây Hương Cảng - tại sao?

Thế là danh từ Hương Cảng đã nổi lên nền ký ức. Theo liền ông cụ thân sinh: anh chàng Nguyễn. Tại sao?

Nhưng tại sao lại tại sao?

Nguyễn có một cuộc sống ồ ạt, một cá tính rất sắc cạnh và tất nhiên rất quyến rũ. Không những thế Nguyễn lại viết. Nghĩa là lấy ngay cái ồ ạt của cuộc sống bừa bãi của mình làm đối tượng cho sự suy nghĩ để rồi từng chữ, từng câu… giải rộng và dài những cơn tâm sự lên trên giấy trắng. Cũng vì thế mà ảnh hưởng của Nguyễn đã in hằn lên nhiều người chung quanh. Ở đây… thỉnh thoảng những người quen Nguyễn thường vẫn gặp lại, nhận ra, ngùi ngùi nhận ra đây đó một vài cử chỉ, một vài lối nói, nét cười… cách viết của một con người không những đã sống để viết… nhưng lại luôn luôn rất băn khoăn về cuộc sống và ý nghĩa của việc cầm bút.

Hương Cảng vào lúc này chắc là sắp nhộn nhịp. Cuộc sống bên đó hình như chỉ thực sự bắt đầu khi ánh điện thay thế cho ánh mặt trời… rền rĩ nhịp kèn, tơi bời nhịp trống, hững hờ, đen trắng những phím dương cầm. Có ai lại dò đài bá âm Hương Cảng vào lúc “nhật xuất”?

Người Hương Cảng chắc phải lắm loài. Có hệ thống ngang của Tưởng. Có hệ thống dọc của Mao. Nhưng cái hệ thống nhằng nhịt nhất vẫn là cái thứ hệ thống không Mao, không Tưởng, gồm những người đuổi theo tiền từ Nam Kinh tới Hoa Nam để rồi cập tới bến này – ruộng đất đã thành từng gánh quốc tệ, quan kim và nay lại trở nên những gói đô-la; những người đã từ lâu không nghĩ; những người chỉ còn biết có quay cuồng xanh đỏ với ánh nê-ông, này là nhịp ba, đây lại nhịp đôi; những người, giữa hai tợp trà và nửa cái bánh bao, ngây thơ rủ rỉ với nhau:

“Ồ… Mao cũng như Tưởng mà! Này nhé…”

“Ồ… Tưởng cũng như Mao mà! Này nhé…”

Chung quy chỉ có cái ông Ây-sen-hao-ơ và Ma-lên-cô là thiệt, hỡi ơi!

Đôi khi cũng có dăm ba bộ mặt cúi gầm: họ dạt về đây, bởi chẳng ai dung. Mao có lẽ cho họ là quá khích hoặc lừng khừng. Tưởng tất cũng không chịu được họ, bởi lừng khừng hay quá khích.

Người khách hàng ngồi trước mặt tôi, nếu có tản bộ ở một ngả đường Hương Cảng thì sẽ thuộc loại nào? Và tại sao con người đó lại gợi cho tôi cái danh từ Hương Cảng? Và tại sao đột nhiên cả một vấn đề lại được đặt ra? Vì tất cả – người khách hàng, cốc rượu mạnh, ánh chiều sắp tắt, Hương Cảng và Nguyễn – đã lùi hẳn về một bình diện thứ hai xa lắc. Chất xám của óc con người đã làm việc: bình diện thứ nhất tuy là bình diện trừu tượng, nhưng vấn đề đặt ra ở đó vẫn đòi hỏi một giải quyết thực tiễn… bởi phát sinh từ những hình ảnh, sự việc cụ thể. Con centaure là một quái vật, nhưng nhìn kỹ, quái vật đó cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng một nghệ sĩ nào đó bắt nguồn từ một con người và một con ngựa, từ một con người cưỡi ngựa.

Cho nên, đầu Ngô mình Sở, lôi thôi, lếch thếch, một vấn đề đã được đặt ra.

Vấn đề là: viết và sống.

Tôi gặp Nguyễn khi chàng đã ngấy cuộc sống, cuộc sống của chính chàng mà chính tay chàng đã tỉ mỉ phân tích, soi bới từng khía cạnh: tác phẩm của chàng kể lể một niềm tâm sự lê thê, ray rứt, rằng sống, thôi đã đến lúc mất hết bất ngờ, nhất cử nhất động chỉ là để bước lại những bước chân quá thuộc lối trên những nẻo đường mòn hôm qua mà ở mỗi lối ngoặt đều đều hiện lên những bộ mặt chán nhàm, mới thoáng đã thuộc giọng nói, vừa cất tiếng đã biết rõ hướng câu chuyện…

Chàng sống và viết, luôn luôn bị một cái “tôi” ám ảnh, viết và sống chỉ để thực hiện cái “tôi” quái đản của chàng.

Thế rồi một đêm trăng hạ tuần chênh chếch, Nguyễn bàng hoàng thấy cái “tôi” đó ngơ ngác nhìn chàng, ẩn hiện trên bãi nước tiểu của chính chàng. Nguyễn rùng mình, vì trong giây phút, chợt tìm thấy một thứ cử chỉ mà chàng chưa từng làm. Một cử chỉ ý thức mà lại hợp lý. Cái “tôi” ở bãi nước tiểu âm thầm đòi hỏi một giải quyết. Ngòi bút của Nguyễn trìu mến phác họa hình dáng một khẩu lục liên. Khẩu lục liên khạc ra nhiều tiếng nổ lịch sử. Nguyễn gục xuống, để rồi lại đứng dậy: cái “tôi” ở bãi nước tiểu lặng lẽ nhắm mắt, Nguyễn tập tễnh đi những bước đi mới, thẳng thắn, những bước đi không tùy ý ngắn dài, không được theo sở thích loạng choạng, những bước đi theo sát nhịp bước của người tiến trước để giữ nhịp cho những kẻ theo sau. Nguyễn lên đường, thôi cô đơn, thắc mắc, vì Nguyễn đã bỏ thói độc hành để đồng hành cùng những bạn đường mới. Con đường hẳn phải vui bởi Nguyễn vừa đi vừa hát. Ngòi bút của Nguyễn từ đó thôi bực dọc. Dòng chữ theo dòng tư tưởng đều đều sắp hàng thẳng tắp. Con đường vui cũng là con đường một chiều. Và người lên đường yên tâm dấn bước – còn đâu là những bước đi ngang, chân nam đá chân chiêu, còn đâu là những bước giang hồ thủng thẳng một mình, một gậy theo hút một ven đê? Còn đâu?... – Nhưng người lên đường không có thì giờ để nghĩ – phải tiến cho kịp bước tiến của bạn đồng hành -, người lên đường có lẽ cũng không có thì giờ để viết – vì phải sống, sống mạnh và đầy đủ. Bất bình tắc minh, nhưng con đường đã vui, cuộc sống đã trọn vẹn thì kêu lên làm gì, và viết thì viết gì?

Viết rằng:

Trăng hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây

Có lẽ là tại Xuân Diệu đã bất bình với cuộc sống – để rồi trốn tránh – vào một thời mà trăng có chiếu xuống nơi Xuân Diệu ở thì cũng chỉ đủ để làm lấp loáng nổi được một bãi nước tiểu. Vũ Trọng Phụng rũ rượi chết trong nghèo khổ tất phải bất bình với những bữa tiệc quá linh đình, những tẩm bổ thừa thãi trong những cơn hành lạc của những thứ Nghị Hách. Nguyên Hồng hình như đã thôi viết và Gorki nếu có quyến rũ ta, cũng vẫn là Gorki của thời tiền cách mạng. Gide chỉ còn nguệch ngoạc vài trang nhật ký, đôi lời trối trăng, sau khi nhận giải Nobel. Và ở bên Pháp, mỗi khi một nhà văn mặc áo đeo gươm để trịnh trọng ngồi vào một cái ghế bành bất tử thì nhà văn đó cũng thôi bất tử. Thanh gươm hàn lâm tuy chẳng bao giờ sắc cạnh ấy thế mà cũng đủ đâm chết một người: một nhà văn nằm xuống, để một ông hàn được khai sinh, sống dai, ngồi dai, ăn tiền phụ cấp… Âu cũng là một cách sống!

Nhưng Nguyễn tất sống khác, bởi cái sống của Nguyễn không có nghĩa là ngồi dai ăn tiền mà có đủ ý nghĩa trọn vẹn của một cuộc sống nhật nhật tân, hựu nhật tân. Âu cũng là một cách sống.

Nhưng vấn đề không là sống, mà sống và viết.

Tôi xa Nguyễn từ buổi tôi lột xác lên đường. Tôi ở lại chịu nhận lấy nghiệp bất bình của một loại người mà viết đã thành ra một nhu cầu gần như sinh lý. Tôi ở lại bên cạnh một bãi nước tiểu, hằn học trong một thế ngõ cụt. Để sống không trọn vẹn. Để viết. Về những đêm tuần trăng đủ sáng, cái “tôi” hiện lên trên bãi nước tiểu thật ra cũng khá thiểu não. Ngòi bút đã thấy vùng vằng với giấy trắng mênh mang, đôi khi cũng muốn phác mạnh một nét đen xì… như Nguyễn, chẳng hạn. Nghĩa là cố tìm ra một thứ pháo xiết [1] gì để xóa nhòa hoặc cái “tôi” trên bãi nước tiểu, hoặc chính ngay bãi nước tiểu. Vì đôi khi, đóng kỹ cửa buồng, độc thoại, tôi lại hỏi tôi: viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Ôi là cái ma túy của những danh từ! Vì đã nhiều dòng chữ quằn quại qua bờ kiểm duyệt, dòng ngược dòng xuôi, mà tựu trung người cầm bút chân thành vẫn thấy băn khoăn mỗi khi cầm bút, nhất là mỗi khi đặt bút xuống bàn, đọc lại những gì mình viết.

Nghệ thuật? Một danh từ. Nhân sinh thì mờ ảo. Vậy sao không thành thực mà nhận là trước hết, mình viết cho mình? “Mình” là một cái gì rất cụ thể, đói ăn, khát uống, thèm viết. Mình viết cho mình, đã làm sao, nếu thành thực? Và nếu có ai động cỡn thêm một biểu ngữ hay một châm ngôn, nếu có ai thừa thì giờ lý luận, nếu có ai thích lý luận bởi lười viết, bởi sống yên, thì hãy đừng cười, hãy trịnh trọng tuyên bố: nghệ thuật vị nghệ sĩ!

Hãy cứ sáng tác cho nhiều. Nếu băn khoăn thì hãy lấy cái băn khoăn đó mà biến thành chất văn, chất thơ, chất họa, chất nhạc. Đừng để bút khô mực. Đừng cho giấy được phép trắng ngần. Hãy dằn xuống vải những hằn học của mình, ca lên những khúc đoạn trường, nếu thành thực thấy là đứt ruột. Hãy xoa mã tước bằng hai mươi lăm mẫu tự Latinh, xếp thành từng tập, tất cả những gì nó làm mình sực tỉnh nửa vời giấc ngủ đáng nhẽ phải ngon. Đừng bịt mũi nhắm mắt khi đi qua một bãi nước tiểu – của bất cứ ai – cố giữ đừng nôn để rồi chọn màu mà vẽ, truyền cái buồn nôn đó lên mặt vải.

Viết cho mình lại là viết cho người.

Tiếng tì bà Tầm Dương và đất trích Giang Châu. Giọt lệ người áo xanh nhỏ xuống vì ai? Mà người kỹ nữ nơi giang đầu “đìu hiu lau lách” nếu có ôm đàn cái đêm “quạnh hơi thu” thuở trước thật cũng chỉ để

… than niềm tấm tức bấy lâu nay…

Viết cho mình, tất nhiên, và luôn thể cho tất cả những ai “một hội, một thuyền”. Để gục đầu vào nhau mà cùng ý thức được cái kiếp lận đận ở một ven trời đất trích.

Cốc rượu đã cạn nửa. Ý nghĩ theo men đã bốc ra lời, bởi tôi cảm thấy hình như người khách hàng ngồi trước mặt có nhìn tôi. Cái nhìn đó có giá trị ngang một cái nhìn qua lỗ một khóa. Tôi tự thấy ngượng nghịu như một sương phụ đang thay áo. Tôi ngẩng đầu, đủ để biết rằng người khách hàng đang thưởng thức một cốc cà-phê đá, và bất chợt một khóe mắt đưa ngang cồm cộm một mi. Có những bộ mặt khó chịu, có những bộ mặt xấu xí mà quyến rũ, có những bộ mặt bự, có những mặt hoa da phấn và có những bộ mặt cứ thoạt trông đã muốn buồn nôn. Người khách hàng tất phải có một bộ mặt thuộc loại cuối cùng. Tại sao? Tại sao lại uống cà-phê đá? Tại sao lại nhìn ngang? Chiếc cà-vạt? Bộ áo diêm dúa? Tôi không muốn đặt câu hỏi – làm như là ở cái thời này, nơi đây đã thiếu hẳn những vấn đề chưa giải quyết! Tôi chỉ tưởng đến khi mà một người nào đó – thuộc loại người này – cầm lấy quyển sách này, mà đọc những dòng túy lúy này.

Không! Tôi không viết cho hắn. Nếu ở bến Tầm Dương tôi có là một kỹ nữ, thì hắn cũng không thể nào lại trở thành một ông Tư Mã áo xanh. Ở đây làm gì có lau lách? Đìu hiu, đất trích là đất trích của riêng những đứa chúng tôi.

Tôi nhìn xuống bàn tay. Mười ngón đang là mười con rắn độc. Thế ra ai cũng có thể là một sát nhân – ôi ý nghiệp! Tôi cầm vội cốc rượu. Cục đá đã tan – ơi hời, cái cụ Ẩm Băng! – trơ lại một chất nước vàng sủi bọt. Lòng cốc chìu chĩu dâng lên một cái “tôi”.

Nghệ thuật vị nghệ sĩ. Tôi là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là tôi. Nhưng tôi là gì? Tôi là ai?

Hà Nội, 1953



Ba người bạn

Gửi Phạm Quang Tín

10 GIỜ ĐÊM 13-11

Sáng hôm nay bắt đầu tiêm P.A.S. Nghĩ lại mà thấy ái ngại cho ông bác sĩ. Ông ta hí hửng như chính ông ta được tiêm cái thuốc quý đó. Nhớ lại cả câu chuyện. Gọi là câu chuyện, nhưng thật ra, chỉ một mình ông nói.

"Thuốc này quý lắm. Tiêm vài chục ống, bệnh sẽ chuyển ngay. Nhất định. Tôi phải nói mãi đấy. Mà cũng tùy người mới được tiêm đấy."

Mình hiểu chữ tùy người theo cái nghĩa thông dụng trong bệnh viện. Nhưng, không còn thấy cái đau xót của những buổi đầu tiên khám bệnh nữa. Ông bác sĩ chắc cũng biết lỡ lời. Giọng ông khách quan hơn:

"Đêm qua ông ngủ được chứ?"

Mình gật đầu. Ông bác sĩ quay vội sang giường bên cạnh.

Không ngủ được, không hiểu có phải vì lọ thuốc quý của ông bác sĩ? Nghĩ lại lúc tiêm mà rùng mình. Rùng mình cho cả cái mạch máu xanh xanh nơi khoeo tay. Nửa lít thuốc, trong ba tiếng đồng hồ, dần dần chảy vào mạch máu. Nằm yên trong ba tiếng đồng hồ. Đột nhiên trở thành một thứ gì được cả buồng chú ý. Nhớ lại cái vẻ thèm thuồng trong cặp mắt ông ký già ở đầu buồng và một thoáng ghen ghen của anh lao công nằm giường bên cạnh. Chắc trong óc anh, đang thành hình cụ thể cả một “hệ thống tư tưởng đấu tranh giai cấp” rất sống. Nhưng lại thấy mắt anh dịu lại, không biết có phải vì anh đã hiểu. Ở đây – một bệnh viện công – sự phân chia giai cấp (!) đâu có dựa lên trên những quyền lợi kinh tế? Tiêu chuẩn chính là cái đường lên xuống của một nét bút ngoằn ngoèo theo sát triền bệnh giảm thăng. Trên một tờ giấy trắng. Móc ngay vào đầu giường. Đã vậy thì có là dại mới đấu tranh để cướp địa vị của một bệnh nhân được ưu đãi chỉ vì căn bệnh đã tới độ…

… Không viết thêm được. Vì mệt. Mệt đến bất thình lình. Như những cơn mưa miền Nam. Không biết có phải là vì nửa lít P.A.S? Không ngủ được. Thèm một hơi thuốc lá. Có cảm tưởng một hơi thuốc lá hít đầy phổi sẽ giải quyết dứt khoát được một cái gì. Phổi sẽ tan ra hay sẽ sạch cả vi trùng. Đột nhiên có cảm tưởng như bị lừa… Và “vi trùng” chỉ là một danh từ ngáo ộp, nhất là B.K…

Trăng chắc sáng ở ngoài vườn.

2 GIỜ TRƯA 14-11

Lọ P.A.S. thứ hai. Không có gì xảy ra cả. Mà tại sao lại có thể xảy ra một cái gì? Biết thế, nhưng đến khi tiêm nhói vào mạch máu, mắt nhìn chằm chằm vào nửa lít P.A.S. treo trên đầu giường thì hình như mình vẫn mang một tâm trạng chờ đợi… Vụt một cái, bệnh bay đi mất? Trở thành một người bình thường? Nghĩa là một người vô bệnh? Mình có ngây thơ gì mà tin như vậy. Vả lại đạt tới cái tình trạng mà mình đang sống (!), đã phải qua quá nhiều giai đoạn. Quay lại bất thình lình có lẽ cũng không kham nổi.

Giai đoạn I: cho rằng mình không có bệnh.

Giai đoạn II: biết rằng mình có bệnh.

Giai đoạn III: chữa bệnh.

Giai đoạn IV: làm quen với bệnh.

Giai đoạn V: chung sống hòa bình (!) với bệnh cho tới khi cả bệnh lẫn mình đều quay ra chết…

Luẩn quẩn rồi.

3 GIỜ SÁNG

Chợt tỉnh giác. Trăng sáng ngợp một góc phòng. Mọi khi cửa sổ vẫn đông. Đêm nay chắc anh gác lại quên. Thiên hạ ngủ yên cả, người nằm ngay đờ dưới lần chăn trắng toát. Có cảm tưởng rờn rợn là thiên hạ đã chết dưới ánh trăng. Có cảm tưởng quái đản như nửa đêm tỉnh giấc trên một chiếc tàu biển ngợp trăng, rồi chợt thấy mình vẫn sống cô đơn giữa một đám thủy thủ đã chết tự lúc trăng lên.

Muốn ghi một điều này, nhưng không hiểu sao lại ngập ngừng.

3 GIỜ 15

Thiếp đi một lát. Tưởng như thiếp đi rất lâu. Rất lâu. Trăng đã úa vàng. Ở xa vẳng lại có tiếng còi báo động của đoàn xe cứu hỏa. Tiếng còi rền rĩ to dần. Nhưng lẻn vào vẫn rõ rệt từng tiếng ho khan của ông ký già. Chợt cười trong bụng vì nghĩ đến tiếng hát nửa đêm của một kỹ nữ ngân lên giữa hai nhịp phách. Qua làn mưa của xênh và phách, hình dáng của lời ca vẫn thẳng nét, không mờ. Xênh, phách là tấm sơn mài Nguyễn Gia Trí. Lời ca là nét họa Matisse.

Chợt bặt tiếng cười câm. Vì thấy tiếng ho lẻ của ông ký già có giá trị ngang một tâm sự riêng tây lạc loài trong cái đau chung của thời đại, ở đây, tạm tượng trưng bằng một tiếng còi báo động kéo dài. Trong một cơn hỏa hoạn, có người lính cứu hỏa nào lại lẩm cẩm hy sinh tính mạng để chạy một con búp bê? Nhưng thật ra cái đau của một đứa trẻ mất búp bê rất nhiều khi lại ghê gớm hơn tất cả cái đau chung đúc của thiên hạ…

… Lan man mãi. Tại sao cứ trốn tránh mãi, mà không dám nói thẳng ra…

Thiên ơi…

Thiên đặt quyển vở nát nhàu xuống mặt bàn. Thiên mới chỉ dám có những cảm giác. Chàng chưa muốn có những cảm tưởng. Chàng châm một điếu thuốc lá. Hơi đầu tiên rít thấu phổi.

“Hút trả thù cho thằng Phan!”

Chàng biết là rồi ra sẽ phải có một thái độ. Tê liệt trước cuộc đời. Hay uất, hay vùng lên. Hay lại là chỉ có viết. Nhưng giờ đây – giữa một trưa chang nắng miền Nam – chàng mới chỉ biết có câm lặng để mặc cho cảm giác vờn quanh những dây thần kinh đang căng thẳng trong chàng.

Thiên ơi!

Tiếng gọi từ trong một thứ “thu phần” vẳng lên. Tiếng kêu thất thanh của một con người vừa chợt hiểu:

Thảo nào khi mới chôn rau…

Chàng cảm thấy Phan sắp sửa nói tới một điều gì quan trọng. Nếu không, Phan viết làm gì? Có bao giờ Phan viết đâu, cái con người chỉ muốn suy tư… Thiên ném mạnh điếu thuốc qua cửa sổ. Nắng miền Nam át cả ánh lửa của điếu thuốc cháy dở. Hình ảnh đó gợi đến cuộc sống của Phan. Nếu mà đêm có xuống! Nhưng lửa của đời Phan đã lỡ hơn một lần đêm xuống, để rồi mờ dần trong cái chói lòa xốn xang của cả một thời đại rục rịch đổi thay. Kém cả một ánh lửa chài ven một bờ sông tối sẫm, lửa quay lại âm ỉ thiêu dần điếu thuốc cháy dở. Phan tàn dần trong một góc phòng bệnh viện.

ĐÊM 17-11

Nghỉ hai hôm, không ghi một điều gì, Streptomycine, Rimifon, P.A.S. Không ăn được vì ngại nhai, ngại nuốt. Suốt ngày nằm dài. Ông bác sĩ có vẻ không bằng lòng. Ông ta nói:

“Thuốc men là một việc. Bệnh nhân phải giúp thầy thuốc. Bệnh nhân phải muốn sống trước đã.”

Hình như con mắt của mình nhìn ông ta có gì lạ lạ, ông ta quay vội đi.

Thiên ơi!

Mình để hai hôm đọc lại những gì mình ghi để xét lại một lần cuối cùng, trước khi nói rõ cái điều mình muốn nói, xét lại xem có đúng không.

Hôm 13-11, mình ghi: Nghĩ lại mà thấy ái ngại cho ông bác sĩ. Cũng ngay hôm đó, mình lại ghi: Nhưng không còn thấy cái đau xót của những buổi đầu tiên khám bệnh nữa.

Tại sao vậy? Mình nghĩ rồi. Mình nghĩ ra rồi. Thế ra đã manh nha từ lâu, ngấm ngầm, âm ỉ đã từ lâu, và đến khi – giữa trưa hôm 15-11 – Hà vào thì… mới rõ rệt thành hình.

Hà dừng lại ở giữa khung cửa mở rộng ra vườn bệnh viện. Ánh nắng hắt đằng sau, thân hình Hà tròn trặn, mặn mà. Mình giơ tay vẫy. Hà trông thấy và đi thẳng đến đầu giường mình. Thế rồi mình giật mình. Mình không thấy gì cả. Không thấy gì cả. Không một thoáng rung động. Không nhói nơi ngực. Không nghẹn nơi cổ. Mình ngắm Hà như ngắm một pho tượng. Một pho tượng đẹp, không hơn, không kém. Một thứ Vénus thành Milo. Ở Hà, mình cảm thấy thiếu hẳn một cái gì!

Không hiểu Hà đã nói những gì. Mình yên lặng với những điều vừa khám phá. Rồi chợt mình nghe thấy tiếng Hà – trời! cái giọng của Hà trước kia sau mà ấm!

“Anh… làm sao thế? Sao anh không nói lên! Mặt anh gầy, trông sợ lên được.”

Rồi như muốn nói đùa:

“Trông mặt anh như cái mặt nạ!”

Thế rồi Hà càng lặng yên. Mình nghĩ đến một cái mặt nạ. Một nắm thạch cao nhầy nhụa đắp lên một thứ mặt danh nhân đã chết.

Thế ra, ở mình cũng đã thiếu một cái gì, chính Hà đã nhận ra thế. Thế rồi mình hiểu. Một cái gì đã thiếu ở cả hai bên. Một cái gì đã biến mất, trước kia nó ràng buộc cả hai bên. Mình cố gắng cưỡng lại cái đà suy luận, cố nhớ lại những kỷ niệm giữa Hà và mình. Vô ích. Mình đã khác Hà. Và Hà cũng đã khác mình. Hai bờ một con sông. Hai đầu một chiếc cầu vừa gục. Hai thế giới. Hai thế giới. Trời ơi! Hai thế giới. Thế ra mình…

Hình như Hà nói gì thì phải. Hình như Hà nói rất to. Hà đứng dậy. Hà đẹp quá. Áo Hà màu khói hương. Thân hình mơn mởn. Mình thu tàn lực thử lại một lần cuối cùng. Tưởng tượng có một vòng tay đàn ông nào đó ôm chặt lấy thân hình mơn mởn đó, có một đôi môi đàn ông nào đó rít chặt lấy đôi môi mòng mọng đó, có một… Không thấy gì cả. Không! Không một rung động. Không thấy nhói nơi ngực. Không thấy nghẹn ngào. Không thấy chua xót nơi lòng. Hà ra khỏi phòng và đi nhanh vào ánh sáng của cuộc sống. Mình lùi dần, mờ dần, tàn dần…

Thiên ơi, mình ghi vội những dòng này và gọi tên cậu nhiều lần. Trong ba đứa chúng mình biết nhau từ thuở đi học, có cậu là hay băn khoăn, có cậu là hay quay về nội tại con người. Thằng Quang chắc còn đang bận tâm về chính trị. Tôi không muốn gặp các cậu trong những lúc này. Tôi muốn sống (!) một mình. Tôi vào đây, không bảo cho ai biết cả. Cậu sẽ đọc những dòng này và nếu thằng Quang nó muốn, thì đưa cho nó xem. Cũng không sao. Mình cũng chỉ còn có Thiên và Quang.

… Bắt đầu từ nay, mình nhận một sự, mình nhận CHẾT. Không đau xót, tiếc thương.

Đau xót, tiếc thương là những tình cảm thuộc cõi sống. Cõi chết có lẽ sẽ có những tình cảm đặc biệt của cõi chết. Mình sẽ biết. May ra cũng còn đủ một chút thời gian để kịp ghi lại. Có cảm tưởng rõ ràng là đối với mình thời gian cũng đã ngừng lại. Bắt đầu từ nay, mình sẽ không đề ngày tháng nữa. Ngày và tháng là của thế giới tương quan, cái thế giới của những ma chiết hằng ngày, cái thế giới của những triền phược, lổm ngổm rất nhiều vi trùng Kock. Cái thế giới đó, đối với mình, đã cùng với Hà, mờ dần vào một khoảng xanh lơ hư ảo. Có lẽ thiên hạ nhìn trời xanh thế nào thì mình nhìn cái thế giới của thiên hạ cũng như thế chăng? Tất cả, kể cả thiên hạ, đã thôi hiện hữu. Còn lại là một cảm giác mênh mang như có một cái gì là lạ, súc tích, vuông vắn, láng láng. Có cảm tưởng là cái gì đó cho đến nay vẫn không suy suyển. Nó không sợ vi trùng, bất chấp cả mọi bệnh viện và mọi thứ đồng hồ.

Còn nhớ có một lần, Thiên và mình đã có dịp linh cảm thấy nó. Thiên gọi nó là cái phần nội tại của con người. Nhưng nó có thật hay không? Nó là gì? Và sau khi con người đã chết thì nó sẽ đi đâu?


Cái dịp đó, Thiên vẫn còn nhớ, đã xảy ra tại Quảng Yên, một tỉnh nhỏ nằm sát biên giới Trung Hoa, phía Đông Bắc Bắc Việt, một trong những ổ quốc gia cuối cùng, vào đầu năm 1946, khi mà người cộng sản đã nắm giữ gần trọn chính quyền tại miền Trung và Bắc Việt. Thiên, Quang và Phan tuy không có chân trong một đảng phái nào, nhưng cũng như những người trí thức tự trọng, đã có mặt tại đó. Vốn là những sinh viên cùng một lứa tuổi 25, 26, học cùng một lớp, lại thêm tình đồng chí, ba người không rời nhau một bước. Trong những giờ nghỉ, trong những buổi học tập, ngay cả trong những phiên gác đêm.

Một đêm vào độ cuối xuân – tình hình đã khá bi quan, cộng sản sau khi ký kết với Pháp, bắt đầu tấn công những địa phương có quân quốc gia nắm giữ – nhằm phiên gác của Quang, hai người kia cũng rủ nhau cùng thức với Quang. Lúc bấy giờ, tiết trời tuy sắp bước vào hè nhưng vẫn còn rớt lạnh. Sương xuống đục mờ cả một bầu trời không trăng mà vắng cả sao. Một vài ánh lửa le lói đàng xa. Có tiếng chim ăn đêm kêu vẳng trên không và tiếng chèo của một chiếc đò vội vã sang ngang. Đè nặng lên trên tất cả, thỉnh thoảng là một vài tiếng súng lẻ. Phan lên tiếng:

“Tôi muốn hỏi các cậu một điều này. Có bao giờ các cậu băn khoăn về những vấn đề siêu hình như sống và chết không?”

Thiên biết Phan đã có lần bỏ học đi suốt vùng Yên Tử để tìm thầy hỏi đạo. Thiên thấy cần phải suy nghĩ trước khi trả lời. Nhưng Quang nóng nảy đáp liền:

“Đối với tôi thì sống với chết, không phải là vấn đề siêu hình. Sống chỉ có nghĩa là sống cho ra sống và chết…”

“Có nghĩa là chết cho ra chết.”

Phan cắt ngang lời của Quang và đợi một tiếng cười. Nhưng không có ai cười, kể cả chàng. Phan nói tiếp:

“Đó chỉ là một thái độ, một thái độ rất hợp lý, nhất là trong lúc này. Nhưng có một thời đại cũng chưa đủ.”

Thiên chậm rãi châm một điếu thuốc, ánh diêm lóe sáng trong đêm khuya rồi tắt ngấm. Thiên rằng:

“Tôi thì tôi hiểu cái thắc mắc của cậu. Đã có một độ tôi nghĩ như thế này: mỗi người sinh ra đời là mặc nhiên đã nhận làm một cái gì. Cái nghĩa của sự sống là như vậy. Và làm xong, mới được chết.”

“Vậy chết là một lạc thú!”

“Chính vậy, cho nên ông Trời – hãy tạm gọi là ông Trời – mới làm đủ trò để con người phải sợ chết. Nếu không, đời sẽ vợi hẳn người. Nhân loại đua nhau tự tử. Và công việc sẽ vì thế mà dở dang…”

“Công việc gì?”

“Công việc gì thì ai mà biết được? Vì người chỉ là người. Mỗi ngày làm một việc, hoàn thành, trong ba vạn sáu nghìn ngày, một bộ phận li ti của một cái máy khổng lồ. Còn tác dụng của cái máy đó thì họa có Trời mới biết!”

Cả ba lắng nghe. Trong cái xào xạc của gió lùa vào lá, tiếng súng nổ nghe đã gần gần. Mặt trận chuyển dần về phía tỉnh lỵ. Vòng vây của địch thắt chặt thêm một nút. Thiên nói tiếp:

“Hiện giờ thì tôi nghĩ khác. Sống chỉ có nghĩa là gom góp, dành dụm ít nhiều kỷ niệm. Và đến khi chết, thì chỉ cái phần vật chất là chết, còn linh hồn, một dúm nguyên tử đặc biệt mà chưa ai phân tích nổi được chất và lượng, linh hồn có thể tồn tại. Thôi bị trọng lượng của vật chất lôi kéo, linh hồn sẽ nhẹ nhàng bay vút lên không, mỗi lúc một nhanh, thoát khỏi cái vòng không khí và đến lúc bấy giờ mới bắt đầu một cuộc độc hành mãi mãi trong không gian vô tận.”

Giọng Thiên đều đều như giọng tụng kinh. Quang không hiểu là Thiên nói đùa hay nói thật. Phan bất giác vững vàng hiện ra sau những khoảng sương mỏng rồi lại vội vàng tắt ngấm… Cô đơn thay là những ngôi sao! Thiên lại nói tiếp:

“Trong cuộc độc hành đó, hành lý vĩnh viễn sẽ là những kỷ niệm của một cuộc đời đã sống. Những hân hoan, thương tiếc, lỡ dở, hối hận, xót đau, sẽ luẩn quẩn đời đời với một khối linh hồn bất diệt.”

Quang thốt lên:

"Cứ độc hành mãi à? Không gặp một ai cả hay sao?”

"Cũng có thể gặp. Nhưng có gặp nhau thì cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên ghê gớm. Gặp nhau trong một sát-na để vừa kịp biết và cũng vừa kịp xa nhau.”

Những mẩu chuyện tương tự thường vẫn xen vào câu chuyện giữa ba người vốn đang ở cái tuổi say mê Tuyệt Đối. Nhưng lần này, có lẽ vì cả ba người đều mang nặng tâm trạng của những chiến sĩ phù suy, gia dĩ khung cảnh lại có gió có cây, có sóng vỗ bờ, có sao mờ trong đêm khuya, có tiếng súng nổ mỗi lúc một mau, mỗi lúc một gần, cho nên những lời của Thiên nghe như có ma lực của một lời tiên tri. Quang muốn phá tan cái không khí u uất đó. Chàng lên tiếng vẩn vơ:

“Tiếng súng gần quá nhỉ!”

Phan cũng đồng ý với Quang:

“Lúc tối, có một tiểu đội qua sông. Hay lại chạm súng?”

Nói để mà nói, vì chính Phan đang bận tâm rất nhiều về Thiên. Tuy thân với nhau đã từ lâu, mà thực ra Phan biết rất ít về Thiên. Gia dĩ Thiên lại ít hay tâm sự – lần này, không hiểu sao Thiên lại nói nhiều – tuy thường nhật chàng hay tránh vấn đề những khi trò chuyện. Những lúc đó, trái hẳn lại với Quang vốn có tính hiếu thắng, Thiên chỉ mỉm cười, và bởi nụ cười của Thiên có duyên nên cả Phan lẫn Quang đều quên ngay vấn đề đang thảo luận để cùng cười xòa với nhau. Nhưng Phan biết rằng Thiên hay thắc mắc và viết cũng đã được khá nhiều. Có lần cả Quang lẫn Phan nhất định đòi Thiên đọc cho nghe “một chút gì”. Thiên từ tốn nhưng quyết liệt:

“Chưa được. Lúc nào xong đã…”

Lúc nào xong? Vẫn biết không một nghệ sĩ chân chính nào lại tự thấy thỏa mãn trước một tác phẩm vừa hoàn thành của mình. Vẫn biết nghệ sĩ là một thứ người luôn luôn bất mãn. Vẫn biết…

Phan chợt giật mình. Đồng thời với một tiếng còi rít lên tự phía bờ sông, Quang nắm chặt tay Phan:

“Cái gì…”

Thiên quay lại phía Phan:

“Cậu đi với tôi.”

Quang bị mắc phiên canh hậm hực chùn lại. Thiên và Phan vội vã đi tắt ngang lối chợ để tới thẳng bờ sông. Trong yên lặng khác thường, cả hai nghe rõ từng tiếng sỏi lăn dưới bước giày đinh, khẩu súng Colt nặng nề đập vào bên hông, từng nhịp thở không đều.

Gió ào vào mặt, hai người dừng lại. Mặt sông mênh mang xám ngoét. Vài ba ánh đèn chài chơi vơi trong sương mù. Một đám người lô nhô cạnh đồn canh.

“Cái gì thế, đồng chí?”

“Chạm súng.”

“Ở đâu?”

“Bên kia sông. Đi tuần chạm địch.”

“Có ai việc gì không?”

“Bên địch không rõ. Bên ta bị một."

"À… tiếng còi…"

"Báo động gọi người cấp cứu."

"Nặng hay nhẹ?”

Rồi không đợi câu trả lời, Thiên và Phan đã lách vào đồn. Người bị thương nằm mê man trên tấm phản lim bóng loáng dưới ánh đèn dầu. Hình như Thiên đã gặp người đó. Chàng nhíu mày cố nhớ. Ở đây, kẻ qua người lại, mỗi người một công tác, mỗi người một trách nhiệm, không ai hỏi ai, không ai biết rõ đời tư người khác – trường hợp bộ ba Thiên, Quang, Phan là một trường hợp đặc biệt – hơn nữa, mọi người lại còn tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc bí mật, cho nên cố nhớ lại, Thiên cũng chỉ còn thấy lờ mờ hiện lên trên ký ức, hình dáng mảnh khảnh của một thanh niên có bộ mặt khắc khổ của một thầy tu Ấn Độ.

Trước mắt Thiên và Phan, người thanh niên đó hiện đang nằm sóng soài, đã mảnh khảnh lại thêm mảnh khảnh.

Phan sẽ đặt tay lên trán người bị thương rồi reo lên:

“Còn nóng…”

Nhưng Thiên thì tuyệt vọng đã từ lâu. Hình như ngay từ lúc lách vào đồn. Có lẽ ngay từ cái phút nghe thấy tiếng còi rít lên trong yên lặng của đêm khuya. Thiên chắc chắn là người thanh niên sẽ chết. Chàng yên lặng đợi chờ. Giữa lúc bất ngờ, chợt người thanh niên mở mắt. Tròng mắt đảo một vòng. Tròng mắt bỗng xa ra như vừa bắt gặp một cái gì lãng đãng từ xa đi lại, và người thanh niên nở một nụ cười. Trong giây lát, nụ cười nở hoa trên khuôn mặt khắc khổ. Trong mắt từ từ khép lại. Khép theo là nụ cười vừa nở. Gian phòng của đồn canh tối sầm hẳn xuống. Người thanh niên duỗi thẳng hai bàn tay như bằng lòng trả lại một cái gì chàng đang nắm giữ…

Lúc trở về, Thiên và Phan không đi đường tắt mà theo đường cái thẳng dốc lên trại. Hai người cúi đầu yên lặng bên nhau. Chợt Phan dừng lại:

“Lúc nãy… cậu có thấy gì không?”

“Nụ cười…”

“Ờ… nụ cười…”

Cả hai bước đều đều. Rồi Thiên như nói một mình:

“Tại sao lại cười? Mà con mắt… ờ, con mắt…”

“Cái dúm linh hồn mà cậu vừa nói…”

“Tôi gọi nó là cái phần nội tại của con người.”

Phan không đáp lại, chàng nhìn lên trời. Sương vẫn phủ đặc. Có một tiếng gà gáy từ xa vẳng lại. Đêm bắt đầu tàn.

Lúc bấy giờ, đêm bắt đầu tàn. Thiên nhớ như vậy, nhớ từng chi tiết, nhớ cả đến cái cảm giác xa vắng mênh mang của một tiếng gà gáy lẻ, nhớ nhất là nụ cười của người thanh niên, nhớ cho tới bây giờ. Chao ôi, nụ cười!... Thích Ca Mâu Ni, tĩnh tọa ở gốc Bồ Đề nếu có nhếch một nhiệt đới giác ngộ thì Thiên dám tin ngay là cũng chỉ có thể đạt bằng nụ cười của người thanh niên trong đêm hôm ấy. Phải có tiềm ẩn một cái gì đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tục lụy mới có thể nở lên một nụ cười hồn nhiên, tươi sáng như thế, trước khi từ giã cuộc đời. Cái gì đó, là cái gì?

Từ đêm hôm ấy tới nay, mười năm đã qua, cả Thiên lẫn Phan và Quang đều không đả động gì tới việc cũ. Họ vẫn nương vào nhau mà sống, cố dìu nhau bước từng bước rụt rè dưới ánh sáng của mặt trời. Nhưng Thiên biết Phan cũng như mình vẫn bị nụ cười năm xưa ám ảnh.

Phải có một cái gì. Nhưng cái gì đó, là cái gì? Câu hỏi đó được đặt ra đã nhiều lần trắng đêm, nhưng đã bao nhiêu lần trắng đêm mà câu hỏi vẫn còn nguyên là một câu hỏi. Cho tới mãi bây giờ.

Thiên từ từ nâng quyển vở nát nhàu lên. Chàng có cảm tưởng như sắp được đọc đoạn cuối của một cuốn truyện trinh thám ly kỳ. Chàng tin chắc sẽ được đọc những lời giải đáp cho mối băn khoăn của chàng. Có một người đang sử dụng những phút cuối cùng của đời mình để làm một cuộc thí nghiệm. Cho Thiên. Sự tò mò làm át cả mỗi xót thương một người bạn thiết vừa nằm xuống Thiên đẩy mạnh cánh cửa sổ. Chiều bắt đầu xuống. Ánh nắng chiều tà thếp vàng lên những trang nhật ký đã thôi đề ngày tháng của một người hấp hối.

Rimifon. Streptomycine. P.A.S.

Rimifon. Streptomycine. P.A.S. P.A.S. P.A.S….

Thuốc men đã trở thành một thứ đồng hồ. Lơ đãng nhìn cánh tay chịu đựng mỗi ngày nửa lít P.A.S. Có cảm tưởng là cánh tay của người khác. Nhớ lại cánh tay này đã vòng quanh lưng của Hà, nhưng lại chẳng thấy gì. Cánh tay, nửa lít P.A.S. Hà, cái lưng của Hà… tất cả những thứ đó không còn liên quan gì tới mình nữa. Nhưng mình là gì? Cái dúm linh hồn sắp lìa thể xác, như một phi cơ sắp cất cánh? Cái phần nội tại của con người? Nghĩ nhiều đến Thiên. Và Quang. Trăng sáng quá. Nơi phi trường sắp tới, không biết trăng có sáng không nhỉ?

Cứ nhắm mắt là lại thấy hiện lên cái tròng mắt và nụ cười của anh chàng thanh niên năm nọ. Tất cả nở hoa trước mắt. Nhưng đến lúc mở mắt thì phải cố gắng lắm mới dần dần nhận thấy giường, ghế, cửa sổ và cây… và ông bác sĩ. Quang nó trẻ hơn mình và Thiên. Còn lại hai đứa. Một mâu thuẫn: Thiên thì suy tư. Quang thì định hướng. Một thằng yên lặng quay vào bên trong. Một thằng chồm chồm ôm lấy cuộc đời. Có lẽ mình là hai thằng họp lại? Thằng Quang là Hà, bàn, ghế, Rimifon, P.A.S. Thằng Quang trong mình đã chết. Còn lại thằng Thiên. Nghĩa là CÁI GÌ, nghĩa là nụ cười đêm xưa, nghĩa là một dúm linh hồn, nghĩa là cái phần nội tại của con người.

…Thiên ơi, trăng lại mọc rồi. Sắp sửa BIẾT đây. Cái gì… Sắp sửa…


Quang nâng ly rượu, nhăn mặt uống cạn một hơi rồi lại hấp tấp cầm chai rượu mạnh rót đầy ly. Giọng chàng bắt đầu líu lại.

“Uống đi… cậu…”

Trong ba người, Quang trẻ nhất. Quang lại không có gia đình. Mất Phan, Quang thấy là mất rất nhiều. Cho nên từ buổi chiều nghe được tin, tuy không thích uống rượu, Quang đã uống như một gã lê dương nghỉ phép. Từng ly một, chai rượu vơi dần. Giữa hai người đối diện, còn lại vài trang nhật ký của một người thứ ba đã mất.

Chợt Quang nấc lên cười. Tiếng cười nghe rờn rợn như một tiếng khóc cử ai. Chàng nói:

“Thế là rút cuộc, chẳng thằng đếch nào biết cái gì cả…”

Thiên hiểu là Quang định nói tới những chữ cuối cùng của Phan:

Thiên ơi, trăng lại mọc rồi… Sắp sửa biết đây… Cái gì… Sắp sửa…

Cuộc thí nghiệm bỏ dở. Sự huyền bí còn nguyên vẹn. Cảm giác đầu tiên của người chứng kiến là một cảm giác bực bội. Như một cuộc giao hoan nửa vời. Như một cuốn truyện trinh thám thiếu đúng trang cuối.

Quang lại cười, phá lên cười, rũ rượi mà cười:

“Này cậu… hay là thằng Phan nó xỏ chúng mình? Nó biết mà đếch nói?”

Quang say thật rồi. Vì vừa ngớt cơn cười, Quang lại đã nhăn mặt. Quang muốn khóc. Khóc thật sự, có nước mắt hẳn hoi. Cho nó hả. Nhưng kể ra khóc cho ra nước mắt trong lúc này cũng là một điều khó. Thiên châm một điếu thuốc. Chàng nghĩ rằng có thể Phan biết mà không nói. Có thể là những cái gì Phan biết, nó thường quá, thường đến cái mức vô nghĩa. Và đã như vậy thì ghi lại làm gì? Nhưng cũng lại có thể, chơi vơi nơi biên giới giữa Sống và Chết, những khám phá cuối cùng của Phan, nó lạ lùng quà, vĩ đại quá, đến vượt khỏi giới hạn eo hẹp của những danh từ. Và Phan đã chỉ biết câm lặng.

Thiên cầm ly rượu. Chàng vừa thấy tan đi cái cảm giác bực bội lúc đầu. Dầu sao thì Phan đã làm một cuộc thí nghiệm, đã ghi lại những bước tiến của cuộc thí nghiệm đó.

Những dòng chữ cuối cùng tuy chưa nói lên được cái gì, nhưng đã là kết quả của những dòng đầu. Và tất nhiên, kết quả của cả cuộc thí ngh iệm đã phải manh nha trong suốt mấy trang nhật ký. Có những cuốn truyện trinh thám đã được trình bày như một bài toán. Độc giả phải suy nghĩ, đem cái phần của mình góp vào để mà tìm ra đáp số.

Chàng đặt ly rượu xuống bàn. Vì Quang vừa lên tiếng, đột ngột như vừa khám phá ra một điều gì mới lạ:

“Thế ra chỉ còn có tôi và cậu.”

Thiên nâng vội ly rượu. Chàng cạn thẳng một hơi. Chàng nhăn mặt: men rượu vẫn còn lỏng lẻo. Chất vữa trộn vẫn chưa đều. Gạch ngói vẫn còn rời rạc. Những ly rượu chàng cạn từ buổi chiều vẫn là những ly rượu lẻ, men vẫn chưa nối được cái cầu liên lạc: vẫn còn một chỗ trống không.

Chàng nhớ lại lời Phan.

Còn lại hai đứa. Một mâu thuẫn: Thiên thì suy tư. Quang thì hành động. Một thằng yên lặng quay vào bên trong. Một thằng chồm lên ôm lấy cuộc đời. Có lẽ mình là cả hai thằng họp lại?

Nhưng Phan đã lên đường.

Vừa tan một chất men.

Vừa tàn một giai đoạn.

Giờ đây, còn lại hai đứa: một mâu thuẫn. Thiên chằm chằm nhìn Quang. Như một thù địch. Và cũng như một người bạn trăm năm.

Quang lại như mới khám phá được một điều gì mới lạ hơn điều lúc nãy:

“À… còn rượu. Uống nữa đi cậu. »

Bấy giờ, đêm đã xuống từ lâu, đêm miền Nam lành lạnh nhiều sao.

Thiên nói:

"Vô ích. Rượu không đủ."

25-10-1956


[1]Năm 1953 Tây lịch, người Hà Nội hay tự tử bằng pháo xiết.

Nguồn: Vũ Khắc Khoan. Mơ Hương Cảng. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ nhất 1971, ngoài những bản thường còn in thêm 50 cuốn trên giấy trắng dày, những bản này không bán đều man dấu son Bất Bình Tắc Minh và chữ ký của tác giả.

Nguyễn Đình Đăng - Chú giải về lời Nhật của bài Diễm Xưa và nhạc enka

Nguyễn Đình Đăng - Chú giải về lời Nhật của bài Diễm Xưa và nhạc enka


[ Hai chú giải dưới đây là để trả lời điểm 1 trong bài của Nguyễn Austin (ngày 15/4) và “Câu hỏi về nhạc enka” của Phạm Quang Tuấn (ngày 14/4)]



1) Lời Nhật của bài Diễm Xưa

Có thể tham khảo một bản dịch nguyên văn lời Việt bài “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn sang tiếng Nhật của Sato Seiji tại http://homepage3.nifty.com/daovaquat/Diem%20Xua.pdf

Lời Nhật phổ theo nhạc bài “Diễm Xưa” là của Takashina Makoto (Xem dưới đây). Đây là lời mà Khánh Ly, Yoshimi Tendo và Kato Tokiko từng hát.



「美しい昔」作詞・作曲 SON TRINH CONG (チン・コン・ソン)



日本語詞 高階真



赤い地の果てに あなたの知らない

愛があることを 教えたのは誰?

風の便りなの 人のうわさなの

愛を知らないで いてくれたならば

私は今もあなたのそばで

生命(いのち)つづくまで 夢みてたのに

今は地の果てに愛を求めて

雨に誘われて消えて行くあなた



来る日も来る日も 雨は降り続く

お寺の屋根にも 果てしない道にも

青空待たずに 花はしおれて

ひとつまたひとつ 道に倒れていく

誰が誰が 雨を降らせるのよ

この空にいつまでも いつまでも

雨よ降るならば 思い出流すまで

涙のように この大地に降れ



私は今も あなたのそばで

生命(いのち)つづくまで 夢みてたのに

今は地の果てに 愛を求めて

雨に誘われて 消えて行くあなた



Trong lời Nhật này chỉ còn vài dư âm của ý thơ tiếng Việt, ví dụ, câu

来る日も来る日も 雨は降り続くお寺の屋根にも 果てしない道にも 青空待たずに có nghĩa là “mưa rơi trên mái ngôi chùa ngày này qua ngày khác tầm tã không dứt , không đợi trời xanh”, có vẻ tương ứng với “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” chăng?



2) Enka

Dịch enka từ chữ Hán 演歌 thành “diễn ca” rồi bình luận theo từ đó e rằng tối nghĩa. Thực chất enka hiện đại là loại bài hát thể ballad, được phát triển từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Từ “enka” theo nghĩa hiện đại chỉ xuất hiện từ 1969. Giai điệu của enka hoặc dựa trên gam ngũ âm hoặc các hòa âm châu Âu, được hát theo kiểu rung giọng chậm trong phạm vi cao độ của một tông (ví dụ đô và rê), gọi là kobushi. Dàn nhạc đệm gồm các nhạc cụ châu Âu, điểm thêm bằng đàn kôtô (tương tự như đàn tranh của Việt Nam, nhưng chỉ có 13 dây thay vì 16 dây, và to hơn), shamisen (tương tự như đàn nguyệt), shakuhachi (sáo tre Nhật, thổi dọc) để thêm kịch tính truyền thống. Trang phục là một trong những yêu cầu thẩm mỹ quan trọng trong trình diễn enka. Các nữ ca sĩ thường vận kimono hoặc áo dài dạ hội châu Âu. Các nam ca sĩ thường mặc com-lê hoặc y phục truyền thống của Nhật. Phẩm chất của ca sĩ enka là phải đẹp nhưng khiêm tốn, thể hiện nội tâm đa sầu đa cảm trong một trạng thái cân bằng được kiềm chế, hoặc sự mong manh yếu đuối, nhất là đối với các nữ ca sĩ. Enka là loại nhạc nhiều người lứa tuổi trên 50 - 60 ở Nhật thích, cũng tương tự như giới trẻ mê J-Pop vậy. Tuy vậy số người đó không nhiều. Enka chỉ chiệm 5% số đĩa nhạc và DVD bán ở Nhật, nhưng được phát khá thường xuyên trên TV (hàng tuần) và radio. Nếu nhìn vào thính giả của một buổi biểu diễn enka thì phần lớn đó là tầng lớp từ trung lưu trở lên. Các enka concerts thường diễn ra tại các phòng hoà nhạc lớn, sang trọng, như NHK Hall. Giá vé tại NHK Hall nằm trong khoảng từ 35 USD đến 80 USD. Người Nhật gọi các ca sĩ enka như Ishikawa Sayuri, Fuji Ayako,Tendo Yoshimi, Kato Tokiko, là “pro” (professional) có nghĩa là “chuyên nghiệp” trong khi các ca sĩ J-Pop thì phần lớn là các “tarento” (talent) hay amateur (nghiệp dư).



Nguyễn Đình Đăng
Tokyo 17/4/2009

Source : Tiền Vệ

Lâm Hảo Dũng: Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây

Lâm Hảo Dũng: Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây

Posted By Nguyễn Lệ Uyên On 12 January 2011

Thơ trên nòng pháo

Người chiến binh thực thụ mỗi khi bắn viên đạn pháo thì đường bay cuối cùng là tiếng nổ với trăm ngàn mảnh nhỏ sát thương; trong khi người nghệ sĩ bắn viên đạn pháo chỉ nghe tiếng nổ là những thanh âm cao vút bay lả tả những câu từ xuất ra bởi những tâm cảm mà chàng thi sĩ rung động trước mọi sự vật đang hay đã diễn ra trước mắt. Lâm Hảo Dũng là một trường hợp như thế.


Nhưng, tôi chỉ biết Lâm Hảo Dũng qua những bài thơ trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn: Văn, Khởi Hành, Nghệ Thuật… trước năm 75. Đó là thời gian anh được (hay bị) phiên chế ở một đơn vị pháo binh nào đó đang lặn lội trên các chiến trường khốc liệt nhất thời bấy giờ trên Tây Nguyên.

Chưa hề gặp mặt và cũng chẳng quen nhau, nhưng cái tình văn chương dường như đã thắt chặt mối quan hệ thâm tình qua những bài thơ của anh, đăng rải rác trên các tạp chí văn chương. Đây có lẽ cũng là một vết son rất đặc trưng của những anh em viết văn, làm thơ miền Nam lúc bấy giờ: Đọc được tên từ một bài thơ, truyện ngắn coi như đã gặp mặt nhau, đã trò chuyện với nhau từ lâu. Thấy một mẫu tin ngắn từ tòa soạn trả lời trong hộp thư, có nghĩa là anh ta vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn và chiến đấu. Nghĩa là anh vẫn còn đóng góp cùng với bạn bè. Cách trò chuyện gián tiếp, gặp gỡ gián tiếp thông qua những câu thơ đoạn văn thấm đẫm tâm trạng sống của tuổi trẻ và chiến tranh, là tính cách của tuổi trẻ chúng tôi thời đó, không dễ gì phai nhòa trong ký ức.

Mấy mươi năm đã trôi qua, với đầy dẫy những hệ lụy tức tưởi của một đời người, trong một cảnh ngộ khóc cười toàn nước mắt và máu xương, nhục nhã, tôi vẫn nhớ lõm bõm bài thơ Ngày về Banhet của anh, nhưng lộn xộn không đầu đuôi, và cũng không thể nhớ là đọc ở đâu, trên báo nào. May mà có ông Trần cất công sưu tập đưa vào bộ Thơ miền Nam trong thời chiến, nên cái sự lộn xộn đuôi đầu kia mới được sắp xếp lại theo trật tự từ trong trí nhớ còm cõi bị ám ảnh bởi tiếng kẻng lệnh suốt đêm ngày trong rọ lao động tập thể khổng lồ nhiều năm dài.

Với riêng tôi, Ngày về Banhet là bài thơ hay. Hay bởi cùng một chất giọng kiểu Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương… khinh bạc mà xót xa, cô đơn đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng. Những câu thơ cũng quay cuồng trên trang giấy như chính thân phận những chàng trai trẻ đang quay quắt trong vòng xoáy cơn lốc lửa đạn.

Xin dẫn ra đây bài thơ này, cách đây mấy mươi năm, như mối thâm tình văn chương, giữa một bên là kẻ được đọc và bên kia là người sáng tạo, một thời khói lửa:

Sáng nay về tới rừng Banhet/Còn nhớ đồi cao dốc tử thần/ Ta đã một thời đi chiến đấu/ Một thời lữ khách rất cô đơn/ Suối có ngàn năm ai nhớ suối/ Ta đi ai nhắc đến tên ta/ Ví như xương chất cao thành núi/ Cũng chỉ mong quay lại mái nhà/ Ta pháo gầm vang một góc rừng/ Đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông/ Những ai trong phút kinh hoàng ấy/ Tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng/ Anh ở miền Nam lạc đến đây/ Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay/ Chiến tranh như thể trò tiêu khiển/ Của lũ con buôn xác chết này/ Ta ngắm trời xa Lào quốc đó/ Thương hồn trai buổi máu xương phơi/ Có trăng chắc thấy bao hình bóng/ Về hát nghêu ngao một góc trời/ Ta ngắm trời xa Chùa Tháp đó/ Chiến tranh mộng tưởng sẽ về đâu/ Mỗi năm rừng mất bao nhiêu lá/ Là xác thây người rụng bấy nhiêu.

Tứ thơ không có gì mới lạ, vẫn một giọng điệu của những người đang lăn lộn giữa chốn sa trường. Trước đó là những Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hữu Loan… Còn sau này là những Kiệt Tấn, Hà Thúc Sinh, Hoàng Yên Trang, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn… Nhưng ở Ngày về Banhet, Lâm Hảo Dũng đã phơi trần bộ mặt chến tranh dưới góc nhìn của người trực tiếp tham dự với bao nỗi niềm, tâm trạng. Trước hay sau anh, Nguyễn Bắc Sơn bỡn cợt: Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi. Lâm Hảo Dũng thì kêu: Chiến tranh như thể trò tiêu khiển. Thoạt đầu, tứ thơ của hai nhà thơ rất giống nhau: Nhưng giữa trò chơi của NBS và trò tiêu khiển của LHD thì hoàn toàn khác nhau: Đó là tính hài hước của NBS khi ví von chiến tranh như trò chơi, giống như thời bé ta chơi đánh giặc giả. Nghĩa là NBS muốn hạ thấp mức độ tàn khốc của chiến tranh xuống vài mươi bậc để tự huyễn hoặc, tự làm giảm mức độ kinh khiếp của nó (chiến tranh) và cái chết có thể bất ngờ ập đến bất cứ lúc nào. Còn LHD thì qui kết chiến tranh do lũ con buôn, như là nguyên nhân đẩy bầy người anh em vào chỗ chém giết nhau không chút thương xót. Có lẽ đó là tâm trạng chung cho một thế hệ đã phải và bị phung phí quá nhiều máu xương một cách vô nghĩa. Và họ có quyền phản kháng, kêu gào thậm chí chửi bới bằng thứ ngôn ngữ văn chương rất đài các!

Dòng thơ của Lâm Hảo Dũng trong giai đoạn này là sự cô đơn mòn mỏi của tuổi trẻ, là nỗi niềm khắc khoải về thân phận làm người, là sự đày đọa thân xác nhục nhằn không do chính mình điều khiển, nên tiếng đau thương buộc phải vỡ bung ra như một viên- đạn-người bay ra khỏi nòng pháo, đập tan thành ngàn mảnh nhỏ trên bãi thây người. Những người bạn của Dũng, của chúng ta, đã giã từ tuổi trẻ một cách tức tưởi, giã từ vĩnh viễn để đi về cõi xa xăm cát bụi. Cả một thế hệ Nam Bắc phải ngậm ngùi lên đường mà không thể cưỡng chống. Họ lăn lộn trên chiến trường, gặp lại bạn xưa nhưng không vui, ngược lại còn tan nát thêm hơn. Bởi bạn còn đứng đó, bên cạnh ta, cái hình hài ấy hiển hiện khiến ta chạnh lòng nhớ đến những bạn xa. Nhưng những người bạn xa thì về đâu, ở đâu giữa cuộc binh đao hỗn độn này?

Căn cứ Năm tràn bóng ma đưa
Ta kể nhau nghe đời chiến trận
Thằng Nam mất tích ở nam Lào
Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước
Thằng Sự khinh đời cũng chết mau
(Đêm gặp Nguyễn Lăn Viêm ở phi trường Cù Hanh)

Sự chết chóc tàn nhẫn kia đâu chỉ có bè bạn ta? Cái chết ấy còn dành cho những người tuổi trẻ Bắc quân y như những người bạn ta đã ngã xuống. Họ, tất cả hai bên đều bị cướp mất tuổi xuân để tự vẽ ra một cách nhìn ảo tượng chen lẫn những hoang mang, như thể một sự tìm kiếm miệt mài về sự an toàn trong cái bất toàn:

Địch còn đuổi mộng trên cao
Nên tôi thắp sáng lửa sầu pháo binh
Ừ thôi sống chết không cần.
(Năm ấy bình Tây)

Sống chết không cần chỉ là cách tự vỗ về, tự trấn an. Những kẻ giảo hoạt, đầu cơ chính trị có lẽ không thể và không bao giờ chấp nhận một cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động như vậy: Giữa chiến trường ác liệt, súng đạn rền vang mà anh thì đuổi mộng còn tôi thì thắp sáng lửa sầu! Chỉ có những kẻ bị tâm thần phân liệt mới bật lên tiếng kêu như thế, hành động như thế. Khổ nỗi, từ cổ chí kim, giữa chính trị và nghệ thuật không bao giờ có nét tương đồng. Những câu như: Một giọng nói phát đi từ Hà Nội/ Đã thành chân lý đuổi quỷ ma/ Một đêm hồ Tây dìu dịu đường hoa/ Đủ đánh tan hàng triệu đô-la Mỹ… có là những câu thơ lay động lòng người? Tác giả của chúng là nghệ sĩ chân chính hay chỉ là kẻ làm công tác hô khẩu hiệu? Liệu sau này, lịch sử văn học có thể chấp nhận đó là một là một bài thơ? Chỉ tội cho sự trong sáng và ngây thơ luôn bị kẻ “bịt mặt” du đẩy tới mép rìa bờ vực chon von!

Dẫn ra vài câu như trên để thấy rằng thế hệ trẻ miền Nam khi cầm bút là hướng về tâm thế tự do lựa chọn, nhận lấy trách nhiệm trước công chúng về những gì mình sáng tạo mà không bị ràng buộc, câu thúc bởi bất kỳ thế lực đen nào.

Lâm Hảo Dũng cũng trong số ấy, hồn nhiên đến trong sáng ngay cả khi bị “quẳng” ra chiến trường: lơn tơn với Khẩu súng dài lưng lủng lẳng ba lô để bước tới giữa chiến trường quẳng mất chuyện buồn lo.

Những năm lặn lội trên chiến trường Tây Nguyên sục sôi lửa đạn, anh đã nhìn ngắm những nơi chốn đi qua, vốn dĩ đã tan tác bằng cặp mắt của chàng họa sĩ lạc loài và trái tim của người làm thơ cô độc trong suốt chiều dài năm tháng chiến tranh: …Những trưa quán cóc nhìn mưa xám/ Còn thấy mây mù đỉnh Ngok Long/ Giặc cắt đường về trên Daksut/ Hỏi đồn Dakpet lạnh lùng không?/Ai lên Trí Lễ mùa cam chín?/Ngắm hộ dùm tôi cánh Phượng Hoàng/ Địch chở đạn bom về gửi bán/ Nên trong mùa gặt ngút điêu tàn/ Quê hương buồn gửi theo biên giới/Những lá rừng xanh mới của tôi/ Hãy ngang tàng lớn đừng kinh khiếp/ Cho đất miền cao đẹp núi đồi (Tân Cảnh hồn tôi).

Trong bài này có câu: Ai lên Trí Lễ mùa cam chín và Quê hương buồn gửi theo biên giới, khiến tôi nhớ lại mấy câu sau trong bài Tây tiến của Quang Dũng viết năm 1948: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…

Hai thế hệ cách nhau khá xa, nhưng phong cách có chút gì gần gũi; bởi, có lẽ, họ cùng cảnh ngộ và tâm trạng? Tâm trạng bềnh bồng, man mác kia lại được phơi trải qua những câu từ có chất làng mạn như nhau, cũng heo hắt, lắc lay buồn như nhau.

Ở hai đầu chiến tuyến, những người chiến binh hai bên, ai cũng tự nhận mình là Kinh Kha qua bờ sông Dịch. Nhưng chàng Kinh Kha thuở xa xưa đã được xác tín từ một hành động có ý thức rạch ròi về mặt đạo đức. Còn những chàng Kinh Kha của Lâm Hảo Dũng và những nhà thơ trẻ khác, những chiến binh khác lại giống như những tội đồ thời Trung cổ, bị đẩy ra chiến trường chứ không hề có ý thức chọn lựa. Và chiến tranh, muôn đời dưới nhãn quan nghệ thuật, vẫn là những phủ nhận, từ chối bởi tính chất phi lý và dã man của chính nó (chiến tranh VN).

Chính vì điều này, cũng như bao nhiêu người khác, phải cố tình lấp liếm và đánh lạc hướng sự tàn bạo mà chính bản thân mình phải hứng chịu để tìm đến, một chút với ngọt ngào, một chút với sương khói mong manh:

Đời lính trận trên cây cầu sống chết
May còn em làm ấm chút vui lây.
(Pleiku sầu gửi lại)

Và rồi anh lý giải thêm chút nữa, rõ hơn về cái sự sống chết, nó ở đâu đó, sát ngay bên cạnh mình:

Chiến tranh là chuyện người trần
Ta say quên hết may còn cái vui.
(Giã từ Bình Định)

Sống chết hay cái vui, với anh đều là may rủi: May còn em và may còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh mà đâu đó như một vệt khói hư không. Hai câu thơ trên tầm thường nếu nó chỉ xuất hiện ở một nơi khác với một người khác, ngoài cuộc. Nhưng ở đây, nó vụt bay ra từ chính trái tim thoi thóp đợi chờ sự sống và cái chết bay đến của kẻ đã lên tàu tham dự vào trò chơi chém giết, nên tiếng kêu kia gần như nỗi tuyệt vọng của sự cam chịu quá sức:

Ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Nhìn Ngoktuba xác ngập đầy
(Đường số 14)

Và:

Địch quân từ phía ba biên giới
Lại diễn trò chơi dựng nấm mồ…
(Khi rời Fire base six)

Cười khan của Lâm Hảo Dũng, tôi nghĩ, là giọng cười bông lơn khinh bạc của kẻ bất cần đời chỉ vì sống chết đối với họ chỉ cách nhau trong gang tấc, chỉ vì trò chơi dựng nấm mồ luôn mãi tiếp diễn liên tục, ngày tiếp ngày, năm tháng tiếp liền năm tháng…

Và tiếng cười khan kia càng không phải là tiếng kêu rên của thế hệ anh, một thế hệ đã phải chịu nhiều khổ lụy, mất mát và thương tật từ tâm hồn…

Và lưu lạc xứ người.

Sau tháng Tư 1975, trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt lại có thêm nhiều cụm từ, những thuật ngữ mới để đặt tên cho ngày cuối cùng… tựu chung là thất bại, thua cuộc, tháng Tư đen.v.v. giống như thời điểm chàng Kinh Kha đánh rơi con chủy thủy trước mặt Tần vương!

Tuổi trẻ miền Nam chịu chung số phận nghiệt ngã này: Hàng chục ngàn người bỏ mình ngoài biển khơi mà Viên Linh đặt tên là Thủy mộ quan cho tập thơ của mình, số khác đông đảo hơn phải vào nhà tù cải tạo nhiều năm không có bản án. Ngay cả những người đã vĩnh viễn nằm xuống lại phải chạy trốn lần nữa theo bức tượng đồng của nhà điêu khắc tài hoa Lê Thánh Thư ở ngã tư Biên Hòa… Tất cả đều trở thành những đứa con luân lạc nơi xứ người, và luân lạc ngay chính trên quê hương mình!

Lâm Hảo Dũng ở trong số đông tan tác chia lìa. Đã một lần họ đánh mất quê hương ngay trên chính quê hương mình, tiếp đến lần thứ hai thứ ba phải chấp nhận thân phận của những kẻ khách trú. Nơi họ đến tạm nhờ, không có lũy tre xanh, không có mùi phân trâu ngai ngái vương cao lên đọt cau, trộn lẫn giữa hai làn hương trên cao và dưới đất tạo thành bản sắc văn hóa rất đặc trưng của dân tộc Việt. Niêu cá kho năm bảy lửa, mùi tương mắm và hột cơm thấm đẫm bùn non cũng trở nên xa vời một thứ hình bóng dần khuất trong tâm tưởng.

Giờ đây, các bạn xa phải gắn cuộc sống vào nếp sống mới, hối hả chạy, hối hả ăn, đùng đùng những âm thanh xa lạ. Họ thoi thóp và ngắc ngoải trong lớp không khí tan loãng nếp xưa. Mọi trật tự đều bị đảo lộn! Đọc Thủy mộ quan của Viên Linh đã cảm thấy đau nhói tâm can khi anh vẽ lại những hình ảnh lờ mờ về phận người lênh đênh rồi chìm nghỉm giữa biển khơi mênh mông. Rồi đọc Cổ cồn trắng của Trần Hoài Thư mới cảm thấu thân phận của những kiếp người bị xô đuổi ra khỏi bến bờ tưởng có thể tìm được chút bình an về tinh thần và vật chất. Nhưng nó hoàn toàn bị đổ vỡ. Các bạn xa đã hoàn toàn thất vọng. Thất vọng với sự cam chịu nặng nề, không khác những ngọn roi chủ nghĩa đã quất vào mặt những người còn ở lại quê nhà! Hàng chục triệu người nơi cố xứ hay nơi miền đất mới đều phải hứng chịu những nỗi cay đắng, xót xa về thân phận làm người khởi đi từ cái huyền sử cực kỳ nhếch nhác Âu Cơ, Lạc Long Quân. Nỗi đắng cay chia lìa và nỗi đắng cay đoàn tụ bằng cả biển máu, nước mắt, xương khô chất chồng thì đến bút mực nào tả xiết. Cả một dân tộc bỗng dưng chia làm hai ngả: lên non, xuống biển; để khi gặp lại nhau, thay vì ôm choàng với niềm tủi hận nhục nhã bởi những hành xử từ một thứ chủ nghĩa không tưởng trên cõi đời, thì 50 con trên núi lại tiếp tục gầm gừ với 50 con dưới biển bằng cả lòng thù hận vỡ tràn dẫn đến hàng hàng lớp lớp ra đi. Sự ra đi đi này có thể là sự chọn lựa không đúng đắn, nhưng dẫu sao họ không bị tiếp tục bắt buộc phải hành động và xưng tụng những điều trái khoáy, mà hệ quả của sự chọn lựa kia chính là: nỗi đau lần thứ hai, thứ ba…

Tâm cảm trong dòng thơ Lâm Hảo Dũng dường như không thoát ra khỏi nỗi cay đắng, nối dài những ngậm ngùi, đau đớn:

Biển Đông dựng mộ bằng thuyền
Người xưa cắn áo
Còn nguyên nỗi buồn
(Một đoạn thơ buồn năm 2005).

Một đoạn, chỉ là cách chọn tiêu đề cho bài thơ, chứ thật ra nó phải là một trường thiên, mà nếu như cứ góp tất cả một đoạn của các nhà thơ nơi xứ người với nội dung như trên thì sẽ phải là tràng giang buồn xoay quanh cuộc sống ly hương!

Sáng nay em đến xuân vừa đến
Tôi ném buồn tôi trả Việt Nam
Còn em Tây quá em nào biết
Trong cách chào thưa lẫn nụ hôn
(Sáng nay xuân đến…)

Và trong Buổi chiều ở Bangkok, Lâm Hão Dũng viết tiếp:

Trong lòng khách viễn phương đầy ngơ ngác
Có còn không em dáng mộng kiều thơm
Thật sự rồi ta đánh mất
Trong kiếp người tủi nhục Việt Nam.

Cái sự tủi nhục này được anh giải thích khá cặn kẽ ờ những dòng sau:

Chiến tranh ơi con ác thú điên cuồng
Đã trục xuất ta rời bỏ quê hương
Mà tâm sự đã nát tan ngàn mảnh.

Kêu lên chiến tranh ơi thì nó là từ ngữ trong một câu thơ, chứ thật ra, nói một cách trọn vẹn thì phải chỉ đích tên kẻ gây ra chiến tranh mới phải, nhưng nhà thơ đã biết dừng lại, và chỉ chừng ấy từ, người đọc cũng đã hiểu ra tác nhân chính là ai, ai đẩy bầy người ra khỏi xứ sở đến nỗi lòng quặn thắt, khắc khoải:

Phó thường dân mấy mươi năm biệt xác
Bỏ đồng không hiu quạnh gái quê hiền
Bỏ mất hồn thương mãi tiếng chim quyên
Là vĩnh biệt đất nồng thơm sữa mẹ.
(Tôi chỉ muốn làm phó thường dân Nam Bộ)

Trong bài lục bát Tìm đâu con én Nguyễn Du, chỉ với 8 câu để vẽ nên nỗi cô đơn nhưng cả 7 câu trong bài đều là những ước lệ thường gặp ở những bài cổ thi, duy nhất chỉ có câu thứ 6 là trác tuyệt, theo tôi: Tóc cong sợi nhớ quê hương cuối trời. Đủ cả. Không cẫn phải dài dòng lê thê, chỉ chừng đó cũng đủ gợn lên nỗi nhớ quê hương đến quay quắt trong anh.

Thế mới hiểu được anh, bạn bè anh, bạn bè chúng ta đã phải phân thân ra để đi hết đoạn đường trần gian đầy khổ lụy này.

Xin mượn khổ đầu tiên trong Đêm trăng Roller Bay để kết thúc bài viết ngắn này khi được đọc những bài thơ do chủ bút Trần đưa vào 1 file đầy, gửi tặng:

Tên tội phạm của hơn mười năm trước
Bỗng lang thang trên sóng nước quê người
Trăng sáng quá giữa hồn ta say khước
Chút men nồng lữ thứ gọi hồn ôi.

(tháng 11/2010)

Nguyễn Lệ Uyên

Source : damau.org

HẠ NGỌC TỂ -VỀ NƠI SẼ CÒN

HẠ NGỌC TỂ

Vĩnh biệt bạn Trần Hữu Minh

( khóa 1972-1975 Kỹ Thuật Đà Nẵng)

-----------------------------------------



VỀ NƠI SẼ CÒN



Ngày giờ sau tả tơi

Vĩnh biệt không chào nói

Thân đời ta nằm đây

Cạnh hoa là sợi khói



Những tiếp diễn sẽ chờ

Đường phàm treo tử cuộc

Thân ta nằm chơ vơ

Đường chưa buông khúc ruột



Tổ tiên đâu là ngã?

Đi hay về miền xa?

Ta nằm đây thấy lạ

Sinh linh lại vào nhà



Chào các bạn cùng đường

Chào tạo vật thân quen

Ta loài chim se sẻ

Khẽ bóng về theo đêm



Vì hồn quay sóng vỗ

Thân ôm hồn không xong

Vì chuyến xe vội đón

Chở về nơi sẽ còn



--------------------------

BD/02/07/11

1/7/11

ĐI –VỀ

ĐI –VỀ

              Trần Hồ Dũng

                  Tưởng niệm bạn  Trần Hữu Minh (KTĐN 72-75) 


ĐI

Một hôm

hồn bỗng ra ngoài

Theo cơn mộng dữ

trôi hoài ngàn năm

Có khi

chợt muốn về thăm

quê hương xa ngái

thuở

trăm năm ngồi


VỀ

Nương theo 

khói lạnh 

hương trầm

Quay về cố quận

Đầm đầm giọt châu

Chân bước chậm

hồn đi mau

Tôi về lại chỗ

ngàn sau

tôi nằm .

tranhodung .saigon 01.07.2011