Lâm Hảo Dũng: Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây
Posted By Nguyễn Lệ Uyên On 12 January 2011
Thơ trên nòng pháo
Người chiến binh thực thụ mỗi khi bắn viên đạn pháo thì đường bay cuối cùng là tiếng nổ với trăm ngàn mảnh nhỏ sát thương; trong khi người nghệ sĩ bắn viên đạn pháo chỉ nghe tiếng nổ là những thanh âm cao vút bay lả tả những câu từ xuất ra bởi những tâm cảm mà chàng thi sĩ rung động trước mọi sự vật đang hay đã diễn ra trước mắt. Lâm Hảo Dũng là một trường hợp như thế.
Nhưng, tôi chỉ biết Lâm Hảo Dũng qua những bài thơ trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn: Văn, Khởi Hành, Nghệ Thuật… trước năm 75. Đó là thời gian anh được (hay bị) phiên chế ở một đơn vị pháo binh nào đó đang lặn lội trên các chiến trường khốc liệt nhất thời bấy giờ trên Tây Nguyên.
Chưa hề gặp mặt và cũng chẳng quen nhau, nhưng cái tình văn chương dường như đã thắt chặt mối quan hệ thâm tình qua những bài thơ của anh, đăng rải rác trên các tạp chí văn chương. Đây có lẽ cũng là một vết son rất đặc trưng của những anh em viết văn, làm thơ miền Nam lúc bấy giờ: Đọc được tên từ một bài thơ, truyện ngắn coi như đã gặp mặt nhau, đã trò chuyện với nhau từ lâu. Thấy một mẫu tin ngắn từ tòa soạn trả lời trong hộp thư, có nghĩa là anh ta vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn và chiến đấu. Nghĩa là anh vẫn còn đóng góp cùng với bạn bè. Cách trò chuyện gián tiếp, gặp gỡ gián tiếp thông qua những câu thơ đoạn văn thấm đẫm tâm trạng sống của tuổi trẻ và chiến tranh, là tính cách của tuổi trẻ chúng tôi thời đó, không dễ gì phai nhòa trong ký ức.
Mấy mươi năm đã trôi qua, với đầy dẫy những hệ lụy tức tưởi của một đời người, trong một cảnh ngộ khóc cười toàn nước mắt và máu xương, nhục nhã, tôi vẫn nhớ lõm bõm bài thơ Ngày về Banhet của anh, nhưng lộn xộn không đầu đuôi, và cũng không thể nhớ là đọc ở đâu, trên báo nào. May mà có ông Trần cất công sưu tập đưa vào bộ Thơ miền Nam trong thời chiến, nên cái sự lộn xộn đuôi đầu kia mới được sắp xếp lại theo trật tự từ trong trí nhớ còm cõi bị ám ảnh bởi tiếng kẻng lệnh suốt đêm ngày trong rọ lao động tập thể khổng lồ nhiều năm dài.
Với riêng tôi, Ngày về Banhet là bài thơ hay. Hay bởi cùng một chất giọng kiểu Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương… khinh bạc mà xót xa, cô đơn đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng. Những câu thơ cũng quay cuồng trên trang giấy như chính thân phận những chàng trai trẻ đang quay quắt trong vòng xoáy cơn lốc lửa đạn.
Xin dẫn ra đây bài thơ này, cách đây mấy mươi năm, như mối thâm tình văn chương, giữa một bên là kẻ được đọc và bên kia là người sáng tạo, một thời khói lửa:
Sáng nay về tới rừng Banhet/Còn nhớ đồi cao dốc tử thần/ Ta đã một thời đi chiến đấu/ Một thời lữ khách rất cô đơn/ Suối có ngàn năm ai nhớ suối/ Ta đi ai nhắc đến tên ta/ Ví như xương chất cao thành núi/ Cũng chỉ mong quay lại mái nhà/ Ta pháo gầm vang một góc rừng/ Đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông/ Những ai trong phút kinh hoàng ấy/ Tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng/ Anh ở miền Nam lạc đến đây/ Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay/ Chiến tranh như thể trò tiêu khiển/ Của lũ con buôn xác chết này/ Ta ngắm trời xa Lào quốc đó/ Thương hồn trai buổi máu xương phơi/ Có trăng chắc thấy bao hình bóng/ Về hát nghêu ngao một góc trời/ Ta ngắm trời xa Chùa Tháp đó/ Chiến tranh mộng tưởng sẽ về đâu/ Mỗi năm rừng mất bao nhiêu lá/ Là xác thây người rụng bấy nhiêu.
Tứ thơ không có gì mới lạ, vẫn một giọng điệu của những người đang lăn lộn giữa chốn sa trường. Trước đó là những Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hữu Loan… Còn sau này là những Kiệt Tấn, Hà Thúc Sinh, Hoàng Yên Trang, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn… Nhưng ở Ngày về Banhet, Lâm Hảo Dũng đã phơi trần bộ mặt chến tranh dưới góc nhìn của người trực tiếp tham dự với bao nỗi niềm, tâm trạng. Trước hay sau anh, Nguyễn Bắc Sơn bỡn cợt: Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi. Lâm Hảo Dũng thì kêu: Chiến tranh như thể trò tiêu khiển. Thoạt đầu, tứ thơ của hai nhà thơ rất giống nhau: Nhưng giữa trò chơi của NBS và trò tiêu khiển của LHD thì hoàn toàn khác nhau: Đó là tính hài hước của NBS khi ví von chiến tranh như trò chơi, giống như thời bé ta chơi đánh giặc giả. Nghĩa là NBS muốn hạ thấp mức độ tàn khốc của chiến tranh xuống vài mươi bậc để tự huyễn hoặc, tự làm giảm mức độ kinh khiếp của nó (chiến tranh) và cái chết có thể bất ngờ ập đến bất cứ lúc nào. Còn LHD thì qui kết chiến tranh do lũ con buôn, như là nguyên nhân đẩy bầy người anh em vào chỗ chém giết nhau không chút thương xót. Có lẽ đó là tâm trạng chung cho một thế hệ đã phải và bị phung phí quá nhiều máu xương một cách vô nghĩa. Và họ có quyền phản kháng, kêu gào thậm chí chửi bới bằng thứ ngôn ngữ văn chương rất đài các!
Dòng thơ của Lâm Hảo Dũng trong giai đoạn này là sự cô đơn mòn mỏi của tuổi trẻ, là nỗi niềm khắc khoải về thân phận làm người, là sự đày đọa thân xác nhục nhằn không do chính mình điều khiển, nên tiếng đau thương buộc phải vỡ bung ra như một viên- đạn-người bay ra khỏi nòng pháo, đập tan thành ngàn mảnh nhỏ trên bãi thây người. Những người bạn của Dũng, của chúng ta, đã giã từ tuổi trẻ một cách tức tưởi, giã từ vĩnh viễn để đi về cõi xa xăm cát bụi. Cả một thế hệ Nam Bắc phải ngậm ngùi lên đường mà không thể cưỡng chống. Họ lăn lộn trên chiến trường, gặp lại bạn xưa nhưng không vui, ngược lại còn tan nát thêm hơn. Bởi bạn còn đứng đó, bên cạnh ta, cái hình hài ấy hiển hiện khiến ta chạnh lòng nhớ đến những bạn xa. Nhưng những người bạn xa thì về đâu, ở đâu giữa cuộc binh đao hỗn độn này?
Căn cứ Năm tràn bóng ma đưa
Ta kể nhau nghe đời chiến trận
Thằng Nam mất tích ở nam Lào
Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước
Thằng Sự khinh đời cũng chết mau
(Đêm gặp Nguyễn Lăn Viêm ở phi trường Cù Hanh)
Sự chết chóc tàn nhẫn kia đâu chỉ có bè bạn ta? Cái chết ấy còn dành cho những người tuổi trẻ Bắc quân y như những người bạn ta đã ngã xuống. Họ, tất cả hai bên đều bị cướp mất tuổi xuân để tự vẽ ra một cách nhìn ảo tượng chen lẫn những hoang mang, như thể một sự tìm kiếm miệt mài về sự an toàn trong cái bất toàn:
Địch còn đuổi mộng trên cao
Nên tôi thắp sáng lửa sầu pháo binh
Ừ thôi sống chết không cần.
(Năm ấy bình Tây)
Sống chết không cần chỉ là cách tự vỗ về, tự trấn an. Những kẻ giảo hoạt, đầu cơ chính trị có lẽ không thể và không bao giờ chấp nhận một cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động như vậy: Giữa chiến trường ác liệt, súng đạn rền vang mà anh thì đuổi mộng còn tôi thì thắp sáng lửa sầu! Chỉ có những kẻ bị tâm thần phân liệt mới bật lên tiếng kêu như thế, hành động như thế. Khổ nỗi, từ cổ chí kim, giữa chính trị và nghệ thuật không bao giờ có nét tương đồng. Những câu như: Một giọng nói phát đi từ Hà Nội/ Đã thành chân lý đuổi quỷ ma/ Một đêm hồ Tây dìu dịu đường hoa/ Đủ đánh tan hàng triệu đô-la Mỹ… có là những câu thơ lay động lòng người? Tác giả của chúng là nghệ sĩ chân chính hay chỉ là kẻ làm công tác hô khẩu hiệu? Liệu sau này, lịch sử văn học có thể chấp nhận đó là một là một bài thơ? Chỉ tội cho sự trong sáng và ngây thơ luôn bị kẻ “bịt mặt” du đẩy tới mép rìa bờ vực chon von!
Dẫn ra vài câu như trên để thấy rằng thế hệ trẻ miền Nam khi cầm bút là hướng về tâm thế tự do lựa chọn, nhận lấy trách nhiệm trước công chúng về những gì mình sáng tạo mà không bị ràng buộc, câu thúc bởi bất kỳ thế lực đen nào.
Lâm Hảo Dũng cũng trong số ấy, hồn nhiên đến trong sáng ngay cả khi bị “quẳng” ra chiến trường: lơn tơn với Khẩu súng dài lưng lủng lẳng ba lô để bước tới giữa chiến trường quẳng mất chuyện buồn lo.
Những năm lặn lội trên chiến trường Tây Nguyên sục sôi lửa đạn, anh đã nhìn ngắm những nơi chốn đi qua, vốn dĩ đã tan tác bằng cặp mắt của chàng họa sĩ lạc loài và trái tim của người làm thơ cô độc trong suốt chiều dài năm tháng chiến tranh: …Những trưa quán cóc nhìn mưa xám/ Còn thấy mây mù đỉnh Ngok Long/ Giặc cắt đường về trên Daksut/ Hỏi đồn Dakpet lạnh lùng không?/Ai lên Trí Lễ mùa cam chín?/Ngắm hộ dùm tôi cánh Phượng Hoàng/ Địch chở đạn bom về gửi bán/ Nên trong mùa gặt ngút điêu tàn/ Quê hương buồn gửi theo biên giới/Những lá rừng xanh mới của tôi/ Hãy ngang tàng lớn đừng kinh khiếp/ Cho đất miền cao đẹp núi đồi (Tân Cảnh hồn tôi).
Trong bài này có câu: Ai lên Trí Lễ mùa cam chín và Quê hương buồn gửi theo biên giới, khiến tôi nhớ lại mấy câu sau trong bài Tây tiến của Quang Dũng viết năm 1948: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…
Hai thế hệ cách nhau khá xa, nhưng phong cách có chút gì gần gũi; bởi, có lẽ, họ cùng cảnh ngộ và tâm trạng? Tâm trạng bềnh bồng, man mác kia lại được phơi trải qua những câu từ có chất làng mạn như nhau, cũng heo hắt, lắc lay buồn như nhau.
Ở hai đầu chiến tuyến, những người chiến binh hai bên, ai cũng tự nhận mình là Kinh Kha qua bờ sông Dịch. Nhưng chàng Kinh Kha thuở xa xưa đã được xác tín từ một hành động có ý thức rạch ròi về mặt đạo đức. Còn những chàng Kinh Kha của Lâm Hảo Dũng và những nhà thơ trẻ khác, những chiến binh khác lại giống như những tội đồ thời Trung cổ, bị đẩy ra chiến trường chứ không hề có ý thức chọn lựa. Và chiến tranh, muôn đời dưới nhãn quan nghệ thuật, vẫn là những phủ nhận, từ chối bởi tính chất phi lý và dã man của chính nó (chiến tranh VN).
Chính vì điều này, cũng như bao nhiêu người khác, phải cố tình lấp liếm và đánh lạc hướng sự tàn bạo mà chính bản thân mình phải hứng chịu để tìm đến, một chút với ngọt ngào, một chút với sương khói mong manh:
Đời lính trận trên cây cầu sống chết
May còn em làm ấm chút vui lây.
(Pleiku sầu gửi lại)
Và rồi anh lý giải thêm chút nữa, rõ hơn về cái sự sống chết, nó ở đâu đó, sát ngay bên cạnh mình:
Chiến tranh là chuyện người trần
Ta say quên hết may còn cái vui.
(Giã từ Bình Định)
Sống chết hay cái vui, với anh đều là may rủi: May còn em và may còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh mà đâu đó như một vệt khói hư không. Hai câu thơ trên tầm thường nếu nó chỉ xuất hiện ở một nơi khác với một người khác, ngoài cuộc. Nhưng ở đây, nó vụt bay ra từ chính trái tim thoi thóp đợi chờ sự sống và cái chết bay đến của kẻ đã lên tàu tham dự vào trò chơi chém giết, nên tiếng kêu kia gần như nỗi tuyệt vọng của sự cam chịu quá sức:
Ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Nhìn Ngoktuba xác ngập đầy
(Đường số 14)
Và:
Địch quân từ phía ba biên giới
Lại diễn trò chơi dựng nấm mồ…
(Khi rời Fire base six)
Cười khan của Lâm Hảo Dũng, tôi nghĩ, là giọng cười bông lơn khinh bạc của kẻ bất cần đời chỉ vì sống chết đối với họ chỉ cách nhau trong gang tấc, chỉ vì trò chơi dựng nấm mồ luôn mãi tiếp diễn liên tục, ngày tiếp ngày, năm tháng tiếp liền năm tháng…
Và tiếng cười khan kia càng không phải là tiếng kêu rên của thế hệ anh, một thế hệ đã phải chịu nhiều khổ lụy, mất mát và thương tật từ tâm hồn…
Và lưu lạc xứ người.
Sau tháng Tư 1975, trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt lại có thêm nhiều cụm từ, những thuật ngữ mới để đặt tên cho ngày cuối cùng… tựu chung là thất bại, thua cuộc, tháng Tư đen.v.v. giống như thời điểm chàng Kinh Kha đánh rơi con chủy thủy trước mặt Tần vương!
Tuổi trẻ miền Nam chịu chung số phận nghiệt ngã này: Hàng chục ngàn người bỏ mình ngoài biển khơi mà Viên Linh đặt tên là Thủy mộ quan cho tập thơ của mình, số khác đông đảo hơn phải vào nhà tù cải tạo nhiều năm không có bản án. Ngay cả những người đã vĩnh viễn nằm xuống lại phải chạy trốn lần nữa theo bức tượng đồng của nhà điêu khắc tài hoa Lê Thánh Thư ở ngã tư Biên Hòa… Tất cả đều trở thành những đứa con luân lạc nơi xứ người, và luân lạc ngay chính trên quê hương mình!
Lâm Hảo Dũng ở trong số đông tan tác chia lìa. Đã một lần họ đánh mất quê hương ngay trên chính quê hương mình, tiếp đến lần thứ hai thứ ba phải chấp nhận thân phận của những kẻ khách trú. Nơi họ đến tạm nhờ, không có lũy tre xanh, không có mùi phân trâu ngai ngái vương cao lên đọt cau, trộn lẫn giữa hai làn hương trên cao và dưới đất tạo thành bản sắc văn hóa rất đặc trưng của dân tộc Việt. Niêu cá kho năm bảy lửa, mùi tương mắm và hột cơm thấm đẫm bùn non cũng trở nên xa vời một thứ hình bóng dần khuất trong tâm tưởng.
Giờ đây, các bạn xa phải gắn cuộc sống vào nếp sống mới, hối hả chạy, hối hả ăn, đùng đùng những âm thanh xa lạ. Họ thoi thóp và ngắc ngoải trong lớp không khí tan loãng nếp xưa. Mọi trật tự đều bị đảo lộn! Đọc Thủy mộ quan của Viên Linh đã cảm thấy đau nhói tâm can khi anh vẽ lại những hình ảnh lờ mờ về phận người lênh đênh rồi chìm nghỉm giữa biển khơi mênh mông. Rồi đọc Cổ cồn trắng của Trần Hoài Thư mới cảm thấu thân phận của những kiếp người bị xô đuổi ra khỏi bến bờ tưởng có thể tìm được chút bình an về tinh thần và vật chất. Nhưng nó hoàn toàn bị đổ vỡ. Các bạn xa đã hoàn toàn thất vọng. Thất vọng với sự cam chịu nặng nề, không khác những ngọn roi chủ nghĩa đã quất vào mặt những người còn ở lại quê nhà! Hàng chục triệu người nơi cố xứ hay nơi miền đất mới đều phải hứng chịu những nỗi cay đắng, xót xa về thân phận làm người khởi đi từ cái huyền sử cực kỳ nhếch nhác Âu Cơ, Lạc Long Quân. Nỗi đắng cay chia lìa và nỗi đắng cay đoàn tụ bằng cả biển máu, nước mắt, xương khô chất chồng thì đến bút mực nào tả xiết. Cả một dân tộc bỗng dưng chia làm hai ngả: lên non, xuống biển; để khi gặp lại nhau, thay vì ôm choàng với niềm tủi hận nhục nhã bởi những hành xử từ một thứ chủ nghĩa không tưởng trên cõi đời, thì 50 con trên núi lại tiếp tục gầm gừ với 50 con dưới biển bằng cả lòng thù hận vỡ tràn dẫn đến hàng hàng lớp lớp ra đi. Sự ra đi đi này có thể là sự chọn lựa không đúng đắn, nhưng dẫu sao họ không bị tiếp tục bắt buộc phải hành động và xưng tụng những điều trái khoáy, mà hệ quả của sự chọn lựa kia chính là: nỗi đau lần thứ hai, thứ ba…
Tâm cảm trong dòng thơ Lâm Hảo Dũng dường như không thoát ra khỏi nỗi cay đắng, nối dài những ngậm ngùi, đau đớn:
Biển Đông dựng mộ bằng thuyền
Người xưa cắn áo
Còn nguyên nỗi buồn
(Một đoạn thơ buồn năm 2005).
Một đoạn, chỉ là cách chọn tiêu đề cho bài thơ, chứ thật ra nó phải là một trường thiên, mà nếu như cứ góp tất cả một đoạn của các nhà thơ nơi xứ người với nội dung như trên thì sẽ phải là tràng giang buồn xoay quanh cuộc sống ly hương!
Sáng nay em đến xuân vừa đến
Tôi ném buồn tôi trả Việt Nam
Còn em Tây quá em nào biết
Trong cách chào thưa lẫn nụ hôn
(Sáng nay xuân đến…)
Và trong Buổi chiều ở Bangkok, Lâm Hão Dũng viết tiếp:
Trong lòng khách viễn phương đầy ngơ ngác
Có còn không em dáng mộng kiều thơm
Thật sự rồi ta đánh mất
Trong kiếp người tủi nhục Việt Nam.
Cái sự tủi nhục này được anh giải thích khá cặn kẽ ờ những dòng sau:
Chiến tranh ơi con ác thú điên cuồng
Đã trục xuất ta rời bỏ quê hương
Mà tâm sự đã nát tan ngàn mảnh.
Kêu lên chiến tranh ơi thì nó là từ ngữ trong một câu thơ, chứ thật ra, nói một cách trọn vẹn thì phải chỉ đích tên kẻ gây ra chiến tranh mới phải, nhưng nhà thơ đã biết dừng lại, và chỉ chừng ấy từ, người đọc cũng đã hiểu ra tác nhân chính là ai, ai đẩy bầy người ra khỏi xứ sở đến nỗi lòng quặn thắt, khắc khoải:
Phó thường dân mấy mươi năm biệt xác
Bỏ đồng không hiu quạnh gái quê hiền
Bỏ mất hồn thương mãi tiếng chim quyên
Là vĩnh biệt đất nồng thơm sữa mẹ.
(Tôi chỉ muốn làm phó thường dân Nam Bộ)
Trong bài lục bát Tìm đâu con én Nguyễn Du, chỉ với 8 câu để vẽ nên nỗi cô đơn nhưng cả 7 câu trong bài đều là những ước lệ thường gặp ở những bài cổ thi, duy nhất chỉ có câu thứ 6 là trác tuyệt, theo tôi: Tóc cong sợi nhớ quê hương cuối trời. Đủ cả. Không cẫn phải dài dòng lê thê, chỉ chừng đó cũng đủ gợn lên nỗi nhớ quê hương đến quay quắt trong anh.
Thế mới hiểu được anh, bạn bè anh, bạn bè chúng ta đã phải phân thân ra để đi hết đoạn đường trần gian đầy khổ lụy này.
Xin mượn khổ đầu tiên trong Đêm trăng Roller Bay để kết thúc bài viết ngắn này khi được đọc những bài thơ do chủ bút Trần đưa vào 1 file đầy, gửi tặng:
Tên tội phạm của hơn mười năm trước
Bỗng lang thang trên sóng nước quê người
Trăng sáng quá giữa hồn ta say khước
Chút men nồng lữ thứ gọi hồn ôi.
(tháng 11/2010)
Nguyễn Lệ Uyên
Source : damau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét