“Tô-tem sói” ngày nay là con sói ngày càng hung dữ
Nguyễn Trung
Hà Nội
1. Kịch bản leo thang mới
Trước hết, tôi xin mượn văn học để bàn chuyện chính trị, rất cảm tính, song đó lại là cảm nhận thật của tôi về Trung Quốc hiện đại.
Đã nhiều năm trôi qua, khi tôi gấp quyển tiểu thuyết “Tô-tem sói” lại, mà hôm nay cảm giác ghê sợ đến buốt lạnh về khát vọng sói mà Khương Nhung để lại trong đầu tôi vẫn còn rõ lắm. Ngay trong cuộc họp của Trung tâm Văn hóa Đông-Tây năm ấy ở Hà Nội giới thiệu cuốn tiểu thuyết này, tôi đã nói rõ cảm nghĩ của mình: Vượt lên trên tất cả những gì Khương Nhung gửi gắm vào các con chữ mình viết ra, dù vô tình hay hữu ý, gần như là một bản năng trong tiềm thức, Khương Nhung đã tự hé lộ ra cho người đọc một bản năng sói - như một văn hóa, một lẽ sống, một đặc tính rất Hán của quốc gia Trung Quốc… Và hình như cái tự bộc lộ ra từ bản năng, từ tiềm thức như thế bao giờ cũng là thật nhất, đúng với bản chất nhất! Sự hưởng thụ trong tôi những cái hay mà một quyển tiểu thuyết có thể đem lại không đọng lại được bao nhiêu, nhường chỗ cho câu hỏi: Đứng cạnh một Trung Hoa đang lên như vậy, nước ta xử sự thế nào?
Thú thật, cảm nghĩ và câu hỏi của tôi đặt ra như vậy trước hết cũng là một bản năng, cảm nhận của lý trí đến sau, nhưng nó chỉ làm cho câu chuyện nghiêm trọng hơn. Song làm sao có thể cảm nhận khác, nghĩ khác được, trong tình hình hàng ngày tôi phải đối mặt với tất cả những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ Việt-Trung, ít nhất là từ 1972 đến nay.
Sự việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc ngày 26-05-2011 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, uy hiếp tàu Bình Minh 02, gây những hành động phá hoại, và cắt cáp thăm dò địa chấn của ta là những hành động khiêu khích trắng trợn. Trung Quốc liên tiếp tái diễn những hành động này tại những điểm khác nhau trên vùng biển của Việt Nam trong những ngày tiếp theo cho đến hết thượng tuần tháng 06-2011 - khi tôi ngồi viết bài này. Đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc qua người phát ngôn của mình khẳng định yêu sách ngang ngược về cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông, với những lời lẽ uy hiếp nước ta. Rõ ràng đây là một chiến dịch mới, tiếp theo vô số những chuỗi chiến dịch của cả quá trình cái “tô-tem sói” ngày nay hiện nguyên hình thành sói với tất cả các đặc tính của nó: Một bá quyền Trung Quốc đang lên đang tìm cách xác định lãnh địa và không gian sinh tồn của nó trên thế giới ngày nay – với tất cả đặc tính sói, được trang bị dưới cái lốt “trỗi dậy hòa bình kiểu Trung Quốc”.
Đối với nước ta, sự kiện tàu Bình Minh 02 và các hành động trong những ngày tiếp theo do Trung Quốc gây ra có ý nghĩa nghiêm trọng không kém những hành động của Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ vùng đảo Hòang Sa của ta năm 1974 và đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá Trường Sa năm 1988. Bởi vì tất cả những sự kiện này – dù quy mô và tính ác liệt có thể khác nhau, song đều có chung một bản chất là hành động xâm lược.
Những bài báo và phát biểu rất hiếu chiến ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông – bao gồm cả trên TV của Trung Quốc, những hành động vũ lực ngang ngược cấm đánh bắt cá ngày càng gia tăng, những hoạt động của tàu thuyền quân sự và dân sự Trung Quốc gây sức ép với các tàu nước ngoài hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông trên lĩnh vực dầu khí ngày càng trắng trợn, dàn khoan dầu “khủng” giá 1 tỷ USD đang xây dựng dự kiến sẽ được đưa tới Biển Đông, thông báo 19 lô khai thác dầu khí Trung Quốc sẽ tiến hành khai thác trên Biển Đông vô luận thuộc lãnh hải quốc gia nào.., tất cả những sự việc này cho thấy sự kiện Bình Minh 02 sẽ chỉ là vụ việc đầu tiên của một kịch bản leo thang mới, trong cái tổng chiến dịch “đường lưỡi bò 9 vạch”. Kịch bản leo thang mới này được xúc tiến trong những nỗ lực ráo riết xây dựng “hải quân nước xanh” để Trung Quốc tạo ra cho mình thế áp đảo trên Biển Đông.
Nội dung chủ yếu của kịch bản leo thang mới này là Trung Quốc tìm mọi cách gây ra những tranh chấp, từng bước cố định hóa những điểm tranh chấp ấy theo kiểu “việc đã rồi” (fait accompli) để chiếm lấy, đồng thời gây mọi sức ép – bao gồm cả hậu thuẫn của sức ép quân sự - để hoàn tất việc lấn chiếm. Thực chất đấy là thủ đoạn gây “tranh chấp” để lấn chiếm từng bước trên biển Đông dưới sự hậu thuẫn trực tiếp của sức mạnh quân sự, đồng thời trong khi vẫn để ngỏ và tranh thủ mọi cơ hội cho xâm lăng trực tiếp bằng quân sự khi cần.
Thủ đoạn thâm độc mới này một mặt nhằm đánh lừa dư luận thế giới “không có chuyện Trung Quốc xâm lược, mà chỉ có chuyện tranh chấp vì cách hiểu khác nhau về chủ quyền”, mặt khác giúp Trung Quốc trong khi liên tục đẩy tới việc lấn chiếm của mình trên Biển Đông mà vẫn có thể đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị tốt hơn nữa cho những hoạt động xâm lăng vũ trang trực tiếp sau này khi cần. Cũng phải nêu lên rằng tự Trung Quốc cũng thấy còn phải tính toán rất nhiều và chuẩn bị thêm rất nhiều về mọi mặt cho xâm lăng vũ trang trực tiếp trên Biển Đông. Vì một cuộc xâm lược vũ trang trực tiếp nhằm mục đích lấn chiếm mới những vùng biển và đảo trên Biển Đông như thế dứt khoát sẽ không thể đơn thuần chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các quốc gia bị xâm lược trong Biển Đông được nữa, nó sẽ là vấn đề của thế giới!
Nét nổi bật của kịch bản leo thang mới này là linh hoạt vận dụng tổng hợp mọi biện pháp quân sự - chính trị - kinh tế, tranh thủ mọi thời cơ để giành từng lợi thế tại chỗ, tiếp tục lấn tới từng bước. Kịch bản leo thang mới này vừa nhằm mục tiêu lấn chiếm trước mắt, vừa nhằm mục tiêu lâu dài là đẩy tới và từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 vạch”.
Như vậy, Trung Quốc không chỉ nói như trên các bài báo đầy khẩu khí bành trướng xâm lược của họ, mà là đang làm một cách nhất quán, từng bước, liên tục, rất cân nhắc và có bài bản, trong tổng thể vận dụng mọi sức mạnh cứng và mềm, kết hợp ở phạm vi toàn cầu cũng như trong từng khu vực, cho việc xúc tiến mục tiêu thực hiện đường lưỡi bò 9 vạch.
Nhìn vào định hướng chiến lược và những nỗ lực tập trung của Trung Quốc, càng thấy rõ: Đường lưỡi bò 9 vạch là bước khởi đầu mở đường vươn ra các đại dương, là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trên con đường ngoi lên thành siêu cường.
Nhìn vào những gì đã và đang xảy ra trong quan hệ Việt – Trung trên Biển Đông, có thể khẳng định: Đằng sau bất kể lờì nói hoa mỹ nào, dù là 16 chữ, là 4 tốt… về hữu nghị, hòa bình, hợp tác của lãnh đạo Trung Quốc, sự theo đuổi mục tiêu đường lưỡi bò 9 vạch của Trung Quốc là kiên định, quán triệt, ngày càng gia tăng mức độ nghiêm trọng.
Thực tiễn đã và đang diễn ra như nêu trên, cùng với tất cả những lý do địa kinh tế và địa chính trị khác, chứng tỏ trong quá trình theo đuổi mục tiêu đường lưỡi bò 9 vạch, Trung Quốc coi Việt Nam là chướng ngại vật, là đối tượng số 1 cần khuất phục. Kịch bản leo thang mới mở đầu qua sự kiện Bình Minh 02 tiếp tục khẳng định điều này.
Trong lịch sử hàng ngàn năm quan hệ Việt-Trung, nước ta chưa bao giờ được Trung Quốc ban cho thứ “quan hệ hữu nghị” nào, mà chỉ giành được quan hệ láng giềng tốt sau khi ta đã làm thất bại mọi nỗ lực thôn tính và xâm lược của họ. Thời kỳ vàng son của quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn hai quốc gia cùng đứng trên chiến tuyến đấu tranh bảo vệ độc lập quốc gia và chống chủ nghĩa đế quốc cũng là do cả hai nước đều cần đến nhau. Hơn thế nữa, cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nước ta hồi ấy khách quan mang lại thuận lợi vô giá trong việc giữ chân từ xa các thế lực chống Trung Quốc, để Trung Quốc rảnh tay xây dựng đất nước của mình và giành lấy vị trí quốc tế mới của họ. Nhắc lại lịch sử để dứt khoát khẳng định không thể nào có thứ “quan hệ hữu nghị ăn xin” từ phía Trung Quốc dành cho nước ta, phẩm cách một quốc gia cũng không thể tự cho phép ta ngửa tay chờ mong một sự ban phát như thế. Tình hình ngày nay lại càng như thế trên chặng đường Trung Quốc đang ngoi lên thành siêu cường.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ biển, đảo, vùng trời vùng biển của đất nước, gìn giữ hòa bình và an ninh cho đất nước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận thức Trung Quốc đặt nước ta vào vị trí là đối tượng số 1 cần khuất phục trong quá trình mở đường thực hiện chiến lược toàn cầu ngoi lên siêu cường. Điều này nói lên tính quyết liệt trong chính sách của Trung Quốc đối với nước ta. Muốn gìn giữ, xây dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc mà nhân dân ta đời đời hằng mong muốn, Việt Nam ta lại càng không một phút được phép mơ hồ về người láng giềng của mình, cần phải xuất phát từ nhận thức tỉnh táo này trong khuôn khổ bàn cờ thế giới ngày nay mà xác định chiến lược và hành động của mình. Nhất thiết phải xây dựng bằng được mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc, song điều này chỉ có thế phấn đấu gian khổ để giành lấy, chứ không thể có được từ ban phát.
II. Sự trỗi dậy hòa bình kiểu Trung Quốc
Gần như là một quy luật, cho đến nay lịch sử thế giới chưa hề được chứng kiến một sự xuất hiện hòa bình của một siêu cường nào. Sự ra đời của các đế quốc đã nói lên điều này. Sự xuất hiện và diệt vong nhanh chóng của nước Đức và Nhật với tham vọng bá chủ thế giới trong lịch sự cận đại cũng xác nhận như vậy.
Tuy nhiên từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, mặc dù những mâu thuẫn quyền lực muôn thuở giữa các cường quốc trên thế giới không mất đi hoặc thậm chí có những nét mới – (xin nhấn mạnh điều này), nhưng vì đòi hỏi tồn tại của chính mình, ngày nay tất cả các cường quốc trên thế giới – kể cả siêu cường Mỹ - và cùng với họ là hầu hết những quốc gia phát triển và nhiều nước đang phát triển khác, phải cùng nhau chia sẻ - với mức độ rất khác nhau tùy quốc gia – những giá trị chung là hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường, cùng phát triển.
Sự chia sẻ ngày càng sâu rộng những giá trị chung nêu trên trở thành nền tảng ngày càng vững chắc cho trật tự quốc tế ngày nay, đang chi phối ngày càng sâu sắc hơn mọi quan hệ giữa các quốc gia trên hành tinh này. Trên trường quốc tế ngày nay, vai trò và ảnh hưởng của mỗi quốc gia, dù lớn dù nhỏ khác nhau thế nào, trước hết phụ thuộc rất nhiều vào việc quốc gia ấy đứng ở đâu trong hành trình chung của nhân loại vì hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường và cùng phát triển.
Như vậy, Trung Quốc trên đường ngoi lên thành siêu cường không phải là sự tự trình diễn một mình trên cung trăng hoặc trong một thế giới hoang dã, mà là trong một thế giới đã thiết lập được cho mình một trật tự quốc tế của văn minh nhân loại ngày nay. Mâu thuẫn giữa một bên là sự phát triển “không thể không ồn ào” của một nước 1,3 tỷ dân trên đường trở thành siêu cường và một bên là trật tự quốc tế đã định hình của thế giới văn minh ngày nay là một thực tế khách quan. Tạo hóa đặt nước ta vào vị trí nước láng giềng nằm án ngữ con đường gần như độc đạo của Trung Quốc đi lên siêu cường qua Biển Đông, nước ta có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quan hệ với siêu cường sinh sau đẻ muộn này, chính vì thế nước ta càng phải hiểu rõ không chút mơ hồ thực tế khách quan vừa trình bầy.
Với sự xuất hiện của một Trung Hoa trên đường trở thành siêu cường, thế giới ngày nay đang đứng trước những vấn đề nan giải mới, ở khu vực Đông Nam Á lại càng như thế - bất chấp một trật tự quốc tế đã định hình vững chắc, bất chấp sự cam kết được nhắc đi nhắc lại của Trung Quốc về “trỗi dậy hòa bình”.
Trong bài viết “Biển Đông – cái biển hay cái ao” tháng 10-2010, tôi đã nêu lên nhận xét khái quát: Kể từ khi tiến hành cải cách năm 1976, trong vòng gần 5 thập kỷ Trung Quốc đã đi được chặng đường mà về nhiều mặt các nước tư bản trước kia phải đi mất khoảng 2 thế kỷ. Sự kiện một nền kinh tế lớn mạnh rất khác thường như đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy rõ nét nhất: (a) Toàn cầu hóa và (b) tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng như thế nào trong tổng thể nền kinh tế thế giới và tác động sâu sắc vào các mối quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế ngày nay. Có thể nói Trung Quốc – với lợi thế rất lớn về quy mô kinh tế của mình, là nước thành công bậc nhất trong việc nắm bắt đặc điểm nêu trên của xu thế phát triển kinh tế của thế giới, đã tiến hành những biện pháp quyết liệt, nhiều khi rất tàn bạo đối với trong nước và thực dụng một cách triệt để đối với thế giới bên ngoài, tất cả để giành lợi thế cho Trung Quốc, tất cả đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” - gần như với bất kỳ giá nào, với nhiều tác động đối với toàn thế giới. Đấy chính là những thành quả không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị trong thể chế chính trị một đảng có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Những sự kiện ở Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng... là những cột mốc trên hành trình đi đến những thành quả này.
Ngày nay Trung quốc là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới và đồng thời là một cường quốc quân sự có khả năng uy hiếp nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Với tính cách là “công xưởng của thế giới” và đồng thời là chủ nợ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực mọi mặt, bao gồm cả quyền lực mềm, đồng thời ra sức khoét sâu những chỗ yếu của các đối thủ, đặc biệt là của đối thủ lớn nhất là Mỹ. Nhìn lại, phải thừa nhận trên thực tế Trung Quốc đã tạo ra được sự thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trên thế giới nói chung và nhất là ở khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Sự thay đổi cán cân quyền lực nêu trên có thể nhận biết được qua sự giảm sút vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, qua sự sa lầy của Mỹ với nhiều hệ quả nghiêm trọng và lâu dài vào những vấn đề như Iraq, Afghanistan, Taliban, Trung Đông...và qua hàng loạt những vấn đề phi truyền thống khác – đặc biệt là nạn khủng bố và những vấn đề mới đặt ra cho Mỹ trong thế giới đạo Hồi. Cuộc khủng hoảng kinh tế rất sâu sắc nước Mỹ đang trải qua hiện nay có những nguyên nhân tự bản thân cấu trúc nền kinh tế Mỹ và những yêu cầu phát triển mới, những nguyên nhân của những tác động do quá trình toàn cầu hóa gây ra – nhất là những hệ quả tiêu cực không tránh khỏi trong quá trình “outsourcing” (thi công ra ngoài)và trong quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc. Song cũng phải nhấn mạnh sự thay đổi như thế của cán cân quyền lực thế giới còn có những nguyên nhân do sự sa lầy nói trên của Mỹ gây ra. Nhìn tổng thể, sự thay đổi như vậy trong cán cân quyền lực toàn cầu gay gắt đến mức Mỹ hiện nay đang phải chấp nhận một sự thay đổi quyết liệt.
Sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu còn thể hiện qua sự suy thoái chung của toàn bộ các nền kinh tế phương Tây, rõ nét nhất là của EU và Nhật, ngoài những nguyên nhân chung của thế giới phương Tây, còn phải kể đến những tác động không nhỏ của “cái công xưởng thế giới” và sự chi phối của chủ nợ lớn nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên tiếng nói của EU về nhiều vấn đề có liên quan đến Trung Quốc phải mềm đi rất nhiều.
Sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu còn thể hiện ở chỗ sự phát triển năng động đến mức nóng hay rất nóng của kinh tế Trung Quốc còn được coi là cứu cánh của việc duy trì tốc độ phát triển của châu Á nói riêng và thế giới nói chung với những động cơ rất thực dụng. Muốn hay không, đấy cũng là một sự lệ thuộc đang được Trung Quốc ra sức khai thác – để khẳng định vị thế quốc tế của mình, nhất là trong khuôn khổ G2, và để đẩy mạnh việc nâng cao vai trò của đồng Nhân dân tệ ở phạm vi thị trường thế giới.
Quyền lực mềm của Trung Quốc đang lên thành siêu cường không cần tuân thủ những giá trị cơ bản là các thành tố của trật tự quốc tế hiện hành. Do đó Trung Quốc đã mua được rất nhiều thứ và hầu như ở khắp mọi nơi, dù đó là mặt hàng chính trị, nguyên nhiên liệu, các vùng đất đai, các khu địa ốc, các Chinatowns mới tại các khắp nơi, các khu mỏ, các mối quan hệ phức tạp với mọi đối tác phức tạp, bí mật công nghệ.., đồng thời cũng bán được rất nhiều thứ, bao gồm cả hàng rẻ - hữu hình hoặc vô hình, không hiếm hàng độc hại với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trong đó có sản phẩm mang tên là “diễn biến hòa bình”…
Quyền lực mềm Trung Quốc không quan tâm đối tác của nó là ai, miễn là đạt mục tiêu – dù đối tác đó là các chế độ diệt chủng ở Sudan, Rwanda, Mozambique.., các chế độ chính trị độc tài hoặc cánh “tả” theo kiểu dân túy ở Mỹ La-tinh và nhiều nơi khác, dùng tham nhũng tha hóa các đối tác – mức thấp là các quan chức, mức cao là các chính khách - và đã có một vài chính khách ở các châu lục khác nhau mất chức... vân vân…
Quyền lực mềm Trung Quốc dưới dạng tiền còn có thể buộc tập đoàn xuyên quốc gia có tên tuổi bẻ lệch quyết định kinh doanh của mình, hoặc thậm chí phải hủy bỏ quyết định - như đã xảy ra với BP và Exxon trong hợp tác dầu khí với Việt Nam năm nào… Nếu hiểu rằng tại các nước phát triển, chính sách của quốc gia và chính sách của các tập đoàn kinh tế là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, thậm chí không ít trường hợp chính sách của tập đoàn kinh tế chi phối hay ảnh hưởng đến chính sách của quốc gia, sẽ thấy tầm vóc nguy hiểm của quyền lực mềm Trung Quốc dưới dạng tiền tác động vào các nước. Vân vân…
Người Trung Quốc có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nếu dịch câu này theo nội dung “bạn nói với tôi, bạn đi với ai, tôi sẽ nói bạn là ai!” ta có thể hiểu rõ bản chất quyền lực mềm Trung Quốc, được phát huy cao độ với quan điểm mục tiêu biện minh cho biện pháp theo kiểu “mèo trắng, mèo đen, miễn là…” Quyền lực mềm này khuyến khích sự hình thành những liên minh mềm có thể là nhất thời, có thể là không hình dạng, một liên minh hay đồng minh ít nhiều có hơi hướng thần thánh, đầy cám dỗ ma quỷ nhân danh chống đế quốc, chống bóc lột, chống lại hoặc hoàn toàn không thân thiện với cái trật tự quốc tế của hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường và cùng phát triển đang hiện hành trên thế giới. Quyền lực mềm này còn thể hiện rõ qua thái độ nước đôi với một số vấn đề nhậy cảm trên thế giới như vấn đề năng lượng hạt nhân, nạn diệt chủng ở một số nơi, phân hóa các đối tượng, đối tác – kể cả trong ASEAN, vân vân… Quyền lực mềm còn được triển khai dưới dạng xuất khẩu lao động ồ ạt, gần như đồng nghĩa với nạn xâm thực ở châu Phi. Mỹ La-tinh, miền giáp ranh nước Nga, nhiều nơi khác nữa…
Nói khái quát, đấy là sự vận động của quyền lực mềm Trung Quốc, theo nguyên lý cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền hơn nữa sẽ làm được; cái gì một năm chưa làm được thì hai năm, ba năm, một thập kỷ, vài thập kỷ sẽ làm được…Cái nguyên lý này có xuất sứ từ một nước giầu những lý thuyết Tôn Tẫn theo phương châm không đánh mà thắng, giầu truyền thống vận dụng mâu thuẫn luận theo kiểu tọa sơn quan hổ đấu mà lịch sử Xuân Thu Chiến Quốc để lại một kho tàng kinh nghiệm phong phú. Chưa bao giờ các học giả và các viện nghiên cứu trên thế giới lại có nhiều bài viết và sách báo như trong 10 năm qua về hiện tượng đang lên “ồn ào” của siêu cường tương lai Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc “thành công” vượt xa chủ nghĩa thực dân mới thời nào và đang đặt ra cho thế giới nhiều vấn đề mới…
Lấy sự kiện 11-09-2001 làm mốc thời gian tính toán để nhìn nhận thời cuộc theo kiểu đánh cờ thế, giữa một bên là Mỹ dẫn đầu của trật tự quốc tế hiện hành, và một bên là Trung Quốc dẫn đầu một liên minh thần thánh, thật khó nói khác: Trên bàn cờ thế giới 10 năm qua – cán cân quyền lực đang tạm thời chuyển động nghiêng nghiêng[1] về phía Trung Quốc trên một số phương diện.
Tuy đến giờ phút này chưa có một siêu cường Trung Quốc vượt Mỹ, nhưng phải chăng vào thời điểm hiện tại một siêu cường Trung Quốc đang xuất đầu lộ diện đang thách thức Mỹ ngày càng quyết liệt? Nếu đúng, điều này cũng chẳng có gì là sai quy luật, bởi vì trong những trường hợp nhất định của quá trình phát triển, không hiếm trường hợp cái cái lạc hậu nhất thời thắng cái hiện đại.., nói lên tính khắc nghiệt của một quá trình phát triển.
Cái “nghiêng nghiêng” có lợi cho Trung Quốc và không lợi cho Mỹ này phản ánh những hạn chế mới về tầm với và hiện tượng “tụt dốc” lúc này của Mỹ, với hệ quả Mỹ phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại cho phù hợp hơn với thực lực (ví dụ mới nhất là châu Âu bây giờ phải tự cáng đáng những vấn đề ở Bắc Phi, trong đó có vấn đề Lybia nóng bỏng).
Cái “nghiêng nghiêng” này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan về phía mỹ. Phải chăng, trong các nguyên nhân chủ quan của Mỹ, đáng lưu ý là: Mỹ đã có nhiều tham vọng quá lớn – rõ nét nhất là trong vấn đề Irak và trong một số vấn đề khác, đồng thời đã đánh giá thấp mối nguy Trung Quốc trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, đối ngoại trong phạm vi quan hệ song phương cũng như trong các mối liên quan toàn cầu. Hệ quả là Mỹ đi đến những quyết sách khiến cho nước Mỹ sa đà vào nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa có lối ra, tạo ra tình thế lực bất tòng tâm, nhờ đó Trung Quốc rảnh tay giành lấy lợi thế mới, với kết cục cuối cùng là cái “nghiêng nghiêng” hôm nay.
Không ít ý kiến cho rằng cái bá quyền đại Hán thực ra chỉ là cái linh hồn, cái mầu sắc của sự phát triển ồn ào này mà thôi, cái nguyên nhân cốt lõi của sự phát triển ồn ào này là cái đói thường xuyên không thể thỏa mãn được của tăng trưởng và phát triển của đất nước trên 1,3 tỷ dân đứng trước nguy cơ phân rã thường trực và có nhiều mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt – nhất là sự phân hóa giầu nghèo, sự phân hóa phát triển vùng và vấn đề ô nhiễm môi trường... Cái nguyên nhân cốt lõi này và sự phát triển ồn ào nó tạo ra luôn luôn đòi hỏi cách giải quyết hướng ngoại dưới mọi dạng – từ vơ vét tài nguyên khắp các châu lục để duy trì tăng trưởng và phát triển, đến mở rộng không gian sinh tồn, bành trướng quyền lực mềm.., đến việc dựng lên các kẻ thù bên ngoài để hấp thụ những tác nhân gây bùng nổ trong lòng đất nước Trung Quốc, v.v.
Sự phát triển ồn ào với nội dung như thế chính là bản chất sự phát triển của Trung Quốc trong thế giới đương đại, khiến cho siêu cường Trung Quốc đang lên không phải chỉ là vấn đề đối với các nước láng giềng, mà còn là đối với cả thế giới[2]. Cũng có thể diễn dịch: Nếu Trung Quốc bá chủ được Biển Đông, khả năng Trung Quốc giành tiếp nhiều cái “bá chủ” khác rất lớn. Sự phát triển với bản chất như vậy không có khả năng tự phục thiện, mà chỉ có thể được kiểm soát thông qua củng cố trật tự quốc tế hiện hành.
III. Yếu kém của ta trong đối mặt với dã tâm Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Khỏi phải nói về dư luận chân chính tại nhiều nước trên thế giới bác bỏ yêu sách phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch, để bàn thẳng vào những vấn đề đang đặt ra cho nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn thiêng liêng biển, đảo, và vùng trời vùng biển của đất nước.
Nếu liệt kê các sự việc đã xảy ra để đánh giá một cách có hệ thống, có thể đi tới nhận xét chung đầu tiên cần được quan tâm, đó là: Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây hai thập kỷ[3], Việt Nam ở trong tình thế càng ra sức bầy tỏ thiện chí, càng nhân nhượng để tìm cách giải quyết hòa bình những tranh chấp và xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc càng lấn tới.
Đặt cách hành xử của Trung Quốc sang một bên, không thể không tìm hiểu xem về phía ta có những yếu kém gì mà để cho phía Trung Quốc có thể khai thác, gây ra cục diện ngày càng lấn tới như vậy.
Phải chăng những yếu kém chủ yếu về phía lãnh đạo của ta là:
(a) không hiểu rõ và sợ sức mạnh Trung Quốc,
(b) bị Trung Quốc thao túng,
(c) mối lo về khủng hoảng ý thức hệ - sợ rằng cuộc đấu tranh chống các âm mưu bành trướng bá quyền Trung Quốc ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chính trị nước ta và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã vạch ra,
(d) để cho sự bất cập và tha hóa của bộ máy điều hành đất nước ngày càng gia tăng.
Bốn yếu kém nêu trên gây ra cho nước ta không ít khó khăn, giảm sức đề kháng của đất nước, phía Trung Quốc đã ra sức khai thác.
Về kinh tế, nước ta đứng trước tình hình toàn bộ xuất siêu của ta tại tất cả các thị trường nước ngoài khác hầu như chỉ đủ hay gần đủ bù cho nhập siêu của ta từ Trung Quốc, 60 – 70% nguyên liệu cho hàng gia công hàng xuất khẩu của ta phải nhập từ Trung Quốc, liên tiếp trong nhiều năm gần đây 80 – 90% các công trình công nghiệp mới, trước hết là các nhà máy nhiệt điện, đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều vấn đề về chất lượng, giá cả… Ngoài ra còn có vấn đề bô-xít, vấn đề titan, việc Trung Quốc mua vơ vét các khoáng sản khác, thuê đất thuê rừng.., và biết bao nhiêu vấn đề trong biên mậu giữa hai nước: hàng nhập lậu vào nước ta không sao kiểm soát nổi, các thủ đoạn lũng đoạn việc xuất khẩu các sản phẩm của ta, vân vân…Tất cả tạo ra cho nước ta một tình trạng lệ thuộc rất nguy hiểm về kinh tế. Mấy ngày gần đây từ Hongkong đã phát đi tín hiệu Trung Quốc sẽ trả đũa Việt Nam bằng kinh tế liên quan đến Biển Đông… Chưa nói đến đòi hỏi bức thiết: Đứng sát nách Trung Quốc, đất nước ta sẽ lựa chọn một chiến lược phát triển như thế nào, để sớm ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay, đổi mới cơ cấu kinh tế để chuyển sang phát triển bền vững, nhất là để không bị “cái công xưởng của thế giới” đè bẹp?
Về chính trị, do phía ta kỳ vọng nhiều vào quan hệ giữa hai đảng và vào giải quyết thông qua hội đàm trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, nên không kiên quyết chống lại những sai trái của phía Trung Quốc, không công khai hóa trước dư luận trong nước cũng như trước dư luận thế giới việc ta chống lại những hành động sai trái này. Không hiếm trường hợp báo chí của ta được chỉ đạo phải làm nhẹ hay làm ngơ sự việc xảy ra, bưng bít thông tin. Chính vì nặng về hòa hiếu, thiếu sự kiên quyết và thiếu sự công khai minh bạch như vậy trong đấu tranh chống các sai trái của Trung Quốc, nên phía Trung Quốc càng được thể lấn tới. Cách làm này khiến cho nhiều bộ phận nhân dân trong nước không nắm rõ được thực trạng nguy hiểm hiện nay trong quan hệ hai nước– nhất là các bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông, không khí “hiếu chiến bành trướng” thù địch với Việt Nam rầm rộ trên báo chí Trung Quốc, sự lũng đoạn của Trung Quốc gây ra trong nội bộ kinh tế, chính trị, xã hội nước ta… Có nhiều sự việc nghiêm trọng xảy ra mà nhân dân không được thông tin đầy đủ và kịp thời… Cách làm như vậy khiến cho nhân dân lo lắng, nghi ngờ hoặc thậm chí mất lòng tin vào lãnh đạo, hệ quả là không huy động được sự hậu thuẫn nhất thiết phải có của toàn dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, làm thất bại các hành động lấn tới của Trung Quốc. Lịch sử quan hệ Việt – Trung cho đến nay chưa có một tranh chấp nào có thể giải quyết thành công và bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia thông qua ngoại giao đi đêm theo cái kiểu đánh tam cúc, cho đến hôm nay rút cuộc vẫn là cục diện ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Cách làm này khiến cho dư luận thế giới khó hiểu – báo chí nước ngoài có lúc phải bình luận: Việt Nam bị mất cắp mà không dám la làng thì ai dám cứu!?
Về đối ngoại, vì nặng về hòa hiếu, và nhất là vì không hiểu rõ và sợ Trung Quốc (điểm “a”), vì những mối lo dính dáng đến ý thức hệ như đã nêu trên (điểm “c”) và vì nhiều yếu kém khác, tự ta cũng gây ra cho mình nhiều bất lợi lớn, không tận dụng được vị thế của đối ngoại đất nước cho sự nghiệp bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến những hoạt động đối ngoại của ta bảo vệ chủ quyền quốc gia và chống lại những hành động xâm chiếm và ngày càng lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông.
Điểm cần lưu ý thế mạnh trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này của ta là có cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, có chính nghĩa; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn hòa bình ổn định và mở rộng hợp tác trong khu vực hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cộng đồng các quốc gia trong khu vực, phù hợp với trào lưu hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển trên toàn thế giới. Thế mạnh của ta là cộng đồng thế giới dứt khoát không thể chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch và mưu đồ độc chiếm Biển Đông; vì để chuyện này xẩy ra, trật tự quốc tế hiện nay sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng trong hai thập kỷ qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc nước ta tháng 2-1979, thế mạnh này của ta không được phát huy, cuộc chiến tranh xâm lược này hầu như bị lãng quên, thậm chí bị xóa đi, không phải với nghĩa khép lại quá khứ. Trong khi đó ta càng chú trọng “hòa hiếu giữ gìn đại cục quan hệ hai nước”, Trung Quốc càng lấn tới với kết cục như hôm nay.
Thế mạnh của ta là hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế - ngoại trừ Trung Quốc – đều mong muốn có một Việt Nam cường thịnh và phồn vinh, từ đó có khả năng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trong phạm vi thế giới. Thế mạnh của ta là nhiều nước – nhất là các cường quốc – mong ta trở thành đối tác chiến lược vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển; cục diện thế giới ngày nay cũng vô cùng thuận lợi cho nước ta thực hiện mục tiêu vô cùng quan trọng này. Song cơ hội ngàn năm có một này đang có nguy cơ vuột mất, nguyên nhân chính là do ta nói được nhưng không làm được bao nhiêu trong thực tế. Nhiều nước thỏa thuận nâng quan hệ với ta lên tầm đối tác chiến lược, nhưng do ta nặng về hòa hiếu gìn giữ đại cục quan hệ Việt – Trung, nặng về “chống diễn biến hòa bình”, do nhiều bất cập khác của ta trên mọi mặt nội trị, kinh tế, ngoại giao.., nên kết cục sự hợp tác của ta đạt được với các đối tác chiến lược này đạt kết quả thấp xa so với mong đợi, vị trí đối ngoại của nước ta trong chiến lược đối ngoại của các đối tác chiến lược này cũng thấp so với đòi hỏi và khả năng ta có thể thiết lập được. Một mặt trận đối ngoại như ta đang tiến hành như thế làm sao có thể trong nước thì thu phục nhân tâm về một mối, trên thế giới thì tạo ra được sự hậu thuẫn vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp phát triển của đất nước? Cạnh siêu cường Trung Quốc đang lên và đói tất cả mọi thứ, câu hỏi này càng vô cùng nóng bỏng với nước ta.
Chỉ có thể rút ra kết luận: Để bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, và vùng trời vùng biển của quốc gia, chống lại việc Trung Quốc ngày càng lấn tới trên con đường thực hiện cái lưỡi bò 9 vạch, trước hết và nhất thiết cần ra sức khắc phục những yếu kém của chính nước ta.
Đời đời sống cạnh Trung Quốc, xin đừng giây phút nào quên sức mạnh của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên hết và trước hết là chính dân tộc Việt Nam ta đã được thử thách, tôi luyện trong lịch sử; và ngày nay dân tộc ta đang cần một thể chế dân chủ có khả năng phát huy sức sống mãnh liệt và nghị lực sáng tạo của dân tộc mình, vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giàu mạnh đang rất thuận lòng với trào lưu của nhân loại tiến bộ thời đại ngày nay. Muốn hòa hiếu gìn giữ đại cục quan hệ Việt – Trung, càng nhất thiết phải xây dựng nên một Việt Nam như thế.
VI. Thay lời kết: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh sắp tới
Tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch, trước hết và trên hết phải xuất phát từ ý chí dựa hẳn vào dân tộc và dứt khoát không sợ bạo lực nham hiểm của quyền lực Trung Quốc. Chừng nào giữa nhân dân và chế độ chính trị của đất nước là một, chừng nào chế độ chính trị của đất nước gần như đồng nghĩa với Tổ quốc, đất nước Việt Nam ta là bất khả chiến bại. Chiến thắng của dân tộc ta đánh bại tất cả các cuộc xâm lăng đã xảy ra trong lịch nước ta cho đến hôm nay khẳng định chân lý này. Lịch sử như thế đã chứng minh không thể phản bác được sức mạnh bất khả kháng của nước ta chính là sức mạnh của dân tộc và dân chủ.
Mặt trận trên Biển Đông là mặt trận rất nóng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, Trung Quốc đang dồn sức tiếp tục giành thế lấn tới. Song mặt trận số một Trung Quốc đang dồn hết khả năng và thủ đoạn để giành thắng lợi là khoét sâu các yếu kém trong nội bộ phía ta (4 yếu kém a, b, c, d), để tạo ra một Việt Nam èo uột. Đây là âm mưu thâm độc của quyền lực Trung Quốc, muốn tạo ra một nước Việt Nam chư hầu kiểu mới, để dễ sai khiến và để tạo thanh thế uy hiếp trong khu vực. Thực tế Trung Quốc ngày càng lấn tới, đang thao túng đất nước ta trên một số phương diện, chứng tỏ quyền lực Trung Quốc đã đi được những bước nhất định trong kịch bản tạo ra một Việt Nam èo uột.
Trung Quốc toan tính giành được thắng lợi trên mặt trận số một tạo ra một Việt Nam èo uột này, Trung Quốc sẽ giành được toàn thắng trên mặt trận Biển Đông. Kịch bản một Việt Nam èo uột là ưu tiên số 1 của Trung Quốc trong chiến lược đối ngoại đối với Việt Nam[4]. Về phía ta, ta cũng cần nhận định dứt khoát: Làm Trung Quốc thất bại trên mặt trận số một này, làm thất bại âm mưu tạo ra một Việt Nam èo uột, Việt Nam sẽ có tiền đề vững chắc bảo vệ bất khả xâm phạm chủ quyền quốc gia, biển, đảo, vùng trời vùng biển của mình trên Biển Đông, đồng thời có khả năng, có tư thế, có tư cách gìn giữ đại cục quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc.
Đặt vấn đề với cách nhìn nhận như vừa trình bầy trên, sẽ có được chủ trương, các bước đi đúng đắn, phát huy được sức mạnh của đất nước cũng như giành được sự hậu thuẫn cần thiết của cộng đồng quốc tế, sẽ cho phép đẩy lùi sự lấn tới của Trung Quốc, gìn giữ được hòa bình ổn định trong khu vực. Muốn ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc leo thang quân sự và sử dụng vũ lực trên Biển Đông, muốn ngăn chặn khả năng Trung Quốc khiêu khích gây ra xung đột vũ trang.., lại càng phải làm như vậy.
Tình hình đã chín muồi cần có một hình thức, một tinh thần Diên Hồng của đất nước cho những vấn đề sống còn hôm nay, về kinh tế cũng như chính trị, về đối nội cũng như đối ngoại. Lãnh đạo đất nước vào thời điểm lịch sử này chính là tạo ra cho đất nước một tinh thần Diên Hồng, một Diên Hồng như thế! Cần có lòng tin vào tinh thần yêu nước của nhân dân, lòng tin vào trí tuệ và ý thức chính trị sắc bén của nhân dân để thực hiện một tinh thần Diên Hồng hay một Diên Hồng rất đáng phải có vào lúc này. Cần phải gạt bỏ những suy nghĩ sai trái coi nhân dân là ấu trĩ, coi nhân dân là dễ bị kích động, dễ manh động, dễ bị lợi dụng… Cần phải loại bỏ những việc làm cản trở lòng yêu nước của nhân dân, loại bỏ sự dè dặt không dám bàn bạc với nhân dân để định liệu những vấn đề sinh tử của đất nước, thoái chí không dám tạo ra một tinh thần Diên Hồng hay tiến hành một Diên Hồng như thế!
Không làm, hay không làm được một Diên Hồng như vậy lúc này là không làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo và đi ngược lại lợi ích của đất nước. Đơn giản vì đương đầu với dã tâm của quyền lực Trung Quốc lúc này, nhất thiết phải phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Nhìn xa hơn thế nữa, quá trình xuất hiện siêu cường Trung Quốc tự nó đặt ra cho nước ta một vấn đề mang tính định mệnh hoàn toàn chưa có tiền lệ:
- Việt Nam, với tư cách là nước láng giềng nằm án ngữ trên con đường đi lên của siêu cường này, phải lựa chọn cho mình một chiến lược thích nghi và phát triển như thế nào để có thể tồn tại với tính cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền và là một đối tác được tôn trọng?
- Hiển nhiên, chỉ có trí tuệ, tinh thần dân tộc và dân chủ được phát huy theo truyền thống Diên Hồng mới có khả năng tìm ra câu trả lời xác đáng.
Xin nói thêm: Để tránh bị các thế lực thù địch với một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh có thể lợi dụng, khiêu khích, kích động nhân dân ta, để nước ta có thể tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, thông minh, có tầm nhìn trí tuệ, có lý có tình, một cuộc đấu tranh được cả lòng dân và lòng thiên hạ, để nước ta có thể tránh được tình trạng đục nước béo cò cho bất kỳ loại cò nào trong bất kỳ tình huống nào, để chủ động ngăn chặn bất kỳ cái bẫy nào giăng ra chống lại nước ta bằng bất kỳ thủ đoạn nào bạo lực hay không bạo lực, để loại bỏ bất kỳ sự mua bán lợi ích nào trên đầu nước ta giữa các nước bên thứ ba, để có thực lực kiên định tìm kiếm được giải pháp hòa bình cho những vấn đề đặt ra trên Biển Đông, để giữa nhân dân và lãnh đạo là sự thống nhất không gì phá vỡ được, nhất thiết phải có một tinh thần Diên Hồng, một Diên Hồng như thế.
Quyền lực Trung Quốc đang lấn tới, nên đã đến lúc phải gạt bỏ mọi trói buộc ý thức hệ, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phải dứt khoát khép lại quá khứ và phải trên nền tảng của dân chủ tạo ra đoàn kết hòa hợp dân tộc, để bảo vệ và xây dựng đất nước thành công. Điều này cũng có nghĩa là đã đến lúc phải có một Diên Hồng như thế!
Chẳng lẽ vận mệnh lúc này của đất nước không đáng có một tinh thần Diên Hồng hay một Diên Hổng như thế? Song vận mệnh đất nước lúc này cũng vô cùng nghiêm khắc, đặt ra cho mỗi người Việt Nam dù là ai sự lựa chọn duy nhất: Có sống vì đất nước hay không? – với tất cả tinh thần và ý nghĩa “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be!).
Cần nhìn thẳng vào những cái yếu không thể khắc phục được của Trung Quốc, đó là tính phi nghĩa và phi pháp trong các yêu sách và hành động của họ trên Biển Đông, là bạo lực nham hiểm của quyền lực Trung Quốc đi ngược với trào lưu phát triển của trật tự thế giới đang diễn ra, nên cả thế giới lo ngại và không thể khoanh tay đứng nhìn, là những yếu kém ngay trong nội tình đất nước Trung Quốc khiến cho Trung Quốc luôn luôn phải tìm cách hướng các yếu tố gây bùng nổ trong nước ra bên ngoài, là sự phát triển ồn ào đối nội cũng như đối ngoại của chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là các nguy cơ phân rã và đổ vỡ trong nước – trước hết do tình trạng mất dân chủ, sự phân hóa xã hội nghiêm trong, sự tàn phá môi trường, là các thủ đoạn che đậy, rất sợ công khai minh bạch nên thường phải nói một đằng làm một nẻo… Các yếu kém của Trung Quốc ngày nay còn lộ rõ ở chỗ ngày càng nhiều nơi có bàn chân quyền lực Trung Quốc đặt tới – dù là ở Mỹ Latinh, châu Phi, châu Úc, châu Á, đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn tại chỗ với Trung Quốc… Thế giới đang sợ nhiều hơn là chào đón một Trung Quốc đang ngoi lên như vậy thành siêu cường.
Cái yếu cơ bản nhất của Trung Quốc trong đối ngoại có lẽ là ở chỗ sự phát triển của Trung Quốc mâu thuẫn với xu thế phát triển của trật tự thế giới trong thời đại ngày nay là hòa bình, dân chủ, nhân quyền, thân thiện với môi trường và cùng phát triển, là ở chỗ giữa văn minh nhân loại ngày nay với văn hóa Trung Quốc có khoảng cách phát triển rất lớn. Cho nên một ngày nào đó, dù có thể sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, song Trung Quốc có thể sẽ gây thêm nhiều vấn đề cho thế giới, chứ không thể lãnh đạo thế giới, vân vân…Muốn không đánh giá thấp và cũng không sợ Trung Quốc, cần tìm hiểu rõ những điểm yếu này.
Dựa vững chắc vào nhân dân, nắm vững chắc chính nghĩa và tính pháp lý quốc tế, tranh thủ sự hẫu thuẫn của cộng đồng quốc tế và cùng đi với trào lưu tiến bộ của cả thế giới[5], đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với tất cả sự kiên định và đấu tranh công khai minh bạch, đấy là tiền đề cho mọi bước đi và các chủ trương chính sách của nước ta về Biển Đông thành công trong việc gìn giữ được hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ chủ quyền, biển, đảo vùng trời vùng trời vùng biển của nước ta trên Biển Đông.
Hà Nội, đầu tháng 6, 2011
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trung, “Việt Nam Trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”, Hà Nội, 08.01.2010, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
2. Nguyễn Trung, “Trách nhiệm lịch sử” – Hà Nội 12-2009. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_NguyenTrung.htm
3. Nguyễn Trung, “Biển Đông - cái biển hay cái ao?” Hà Nội, 10&11- 2010 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_NguyenTrung.htm
4. Peter W. Navarro và Gregory W. Autry, 2011, Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action, New York: Pearson Prentice Hall.
5. Blumenthal, Dan, 2009, "The Erosion of U.S. Power in Asia", Far Eastern Economic Review, tháng 5.
6. Cao Huy Thuần, “An ninh”, Thời Đại Mới 17, tháng 11-2009.
7. Clinton, Hillary, 2009, Remarks at the ASEAN Regional Forum, 23 tháng 7.
8. Dillon, Dana, và John J. Tkacik Jr (2005-2006), China’s Quest for Asia, Policy Review.
9. Feigenbaum, Evan A., 2004,"China's Military Posture and the New Economic Geopolitics", Rice University.
10. Ferguson, Niall, 2009, “The decade the world tilted east”, Financial Times, 27 tháng 12.
11. Goldman, Merle, 2009, "China’s Beleaguered Intellectuals", Current History, tháng 9.
12. Hynes, Major H.A., 1998, China: the Emerging Superpower, Department of Defence (Canada)
13. Lam, Willy, 2009, "Beijing Learns to be a Superpower", Far Eastern Economic Review, 1 tháng 5 – 2010.
14. Lam, Willy, 2009b, China's Quasi-Superpower Diplomacy: Prospects and Pitfalls, Washington D.C.: Jamestown Foundation.
15. Luce, Edward, 2009, “Obama urged to fix trade policy vacuum”, Financial Times, 9 tháng 11.
16. Obama, Barack, 2009, Remarks by the President at the U.S./China Strategic and Economic Dialogue, White House, 27 tháng 7.
17. Marciel, Scot, 2009, Maritime Issues and Sovereignty Disputes in East Asia, Thượng viện Mỹ, ngày 15 tháng 7
18. McCain, John, 2009 Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, 7 tháng 4.
19. Một số sách báo và các bài viết khác trong nước và nước ngoài 2011.
Chú thích
[1] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Biển Đông – cái biển hay cái ao”, 26-10-2010, www.tapchithoidai.org/.../201020_NguyenTrung.htm -
[2] Tìm xem các bài viết và các sách về Trung Quốc đã được nêu trong danh mục các sách và tài liệu đã được tham khảo của 3 bài viết của Nguyễn Trung: (a) “Việt Nam trong thế giới thập k ỷ thứ hai thế kỷ 21” - mùa đông 2009) (b) “Trách nhiệm lịch sử” - 12-2009; và (c) , “Biển Đông – cái biển hay cái ao”, 26-10-2010, www.tapchithoidai.org/.../201020_NguyenTrung.htm -
[3] Lấy mốc là Hội nghị Thành Đô 1990.
[4] Tìm xem: Nguyễn Trung, “Biển Đông cái biển hay cái ao?”
[5] Tham khảo thêm vấn đề “xây dựng nền ngoại giao dấn thân” nêu trong bài viết “Biển Đông – cái biển hay cái ao?”
© Thời Đại Mới
25/9/11
Lữ Phương - Vài ghi nhận nhân đọc Hồi ký Trần Văn Giàu
Vài ghi nhận nhân đọc Hồi ký Trần Văn Giàu
Lữ Phương
Khi mất vào năm 100 tuổi (1911-2010), ông Trần Văn Giàu nổi danh như một nhà giáo dạy lịch sử. Nhưng với bản thân lịch sử thì ông cũng đã nổi tiếng từ lâu như một người đã tổ chức thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Nam bộ, và cũng trong quá trình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này ông cũng nổi tiếng cả với những đồn đãi rất xấu cho uy tín chính trị của ông. Mục đích hồi ký[1] của ông là nhằm xoá đi cái màn sương mờ đục phủ lên đoạn đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa phức tạp đó – 1940 -1945 –, kể lại một cách chi tiết toàn bộ quá trình ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng 8 nói trên ở Nam kỳ, góp tài liệu làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử hiện đại của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nhằm mục đích phơi bày sự thật về những kẻ mà ông cho rằng đã dùng những thủ đoạn tồi tệ để bôi nhọ ông, làm ông khổ sở, cho mãi đến cuối đời.
***
Chúng ta đều biết Trần Văn Giàu là một người cộng sản thuộc thế hệ 30 của thế kỷ trước. Một trong những nhà mácxit đầu tiên của Việt Nam thời bị thực dân đô hộ. Dự tính sang Pháp du học để trở thành một trí thức khoa bảng, ông lại bỏ ngang, gia nhập Đảng cộng sản Pháp và được Đảng này giới thiệu qua học trường Stalin ở Nga (cũng gọi là Đại học Phương Đông, từ tháng 5-1931 đến tháng 8-1932). Chủ nghĩa Marx mà ông tiếp thu vào thời kỳ này là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc trưng Liên xô gọi là học thuyết “Mác-Lênin”, có nguồn từ Lenin nhưng dần dà suy thoái qua những luận giải của Stalin: hạ triết học Marx xuống thành một thứ cẩm nang thực dụng, một công cụ phục vụ chế độ toàn trị, coi Liên xô là trung tâm cách mạng vô sản toàn cầu, Đệ tam Quốc tế do Liên xô lãnh đạo là chỗ dựa vững chắc nhất của phong trào giải phóng dân tộc... Do nguồn gốc đào tạo này, lại hoạt động ở miền Nam, không giao lưu trực tiếp với Trung quốc, nên tư duy cách mạng vô sản của ông mang đậm sắc thái bôn-sê-vích kiểu Nga, không giống các đồng chí của ông ở miền Bắc, bị tác động khá mạnh lý luận cách mạng Trung quốc của Mao Trạch Đông. Một cách tự nhiên, theo phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ ông tin tưởng vô điều kiện rằng Liên xô là một mô hình mácxit đích thực duy nhất, hiển nhiên vì thế mà xem Đệ Nhị Quốc tế là bọn phản bội xấu xa còn bọn Đệ tứ là kẻ thù nội tại nguy hiểm không kém gì đế quốc tư bản.
Chính ông đã nhận rằng quan điểm cách mạng của ông bấy giờ có phần nghiêng về tả khuynh, ảnh hưởng mạnh mẽ từ Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản. Ông cũng nhận thêm rằng chính vì vậy mà suốt một thời gian dài ông không quan tâm đến Nguyễn Ái Quốc[2] – người mà chúng ta biết tư duy cách mạng đã bắt nguồn từ Đại hội 5 QTCS (1924) và Đại hội 7 QTCS (1935), không tham dự Đại hội 6 QTCS (1928)[3]– và thái độ đó của ông chỉ thay đổi khi ông gặp Nguyễn Ái Quốc khi đã về nước lãnh đạo và mang tên Hồ Chí Minh. Điều này không được ông Giàu trình bày trong hồi ký nhưng được phân giải khá thành thật ở một nơi khác.[4]
Môi trường hoạt động của Trần Văn Giàu khá đặc biệt. Hồi ký cho biết cuộc đời “cách mạng chuyên môn” của ông bắt đầu khi tốt nghiệp Đại học Stalin về nước (vào năm 1933): do xứ ủy cũ vừa bị thực dân phá tan, ông đã phải lo xây dựng ngay xứ ủy mới trong một hoàn cảnh mà ông diễn tả là “Trung ương không có” nên “phải vạch lấy con đường mà đi”. Công việc ấy chưa đến đâu thì ông bị bắt. Lần thứ nhất 1933, một năm thì được tha, nhưng lần thứ hai vào 1935 trầm trọng hơn. Bị kết án 5 năm (và 10 năm quản chế), ông không thể tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí và nghị trường diễn ra công khai ở các đô thị thời Mặt trận Bình dân từ 1936 dến 1939, nếu có hưởng được dư vang gì của phong trào này chỉ là sống được dễ dãi hơn khi ở tù. Đúng hạn 5 năm, về sum họp gia đình chưa đến chục ngày, khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra, tất cả mọi hình thức hoạt động yêu nước không-cộng sản hoặc cộng sản (dù Đệ tam hay Đệ tứ) đều bị thực dân coi là bất hợp pháp, nên ông đã bị gom ngay vào “căng” Tà Lài (nơi giam giữ những phần tử bị nghi ngờ). Nhưng cũng từ khu rừng miền Đông Nam bộ này cuối năm 1941, ông đã tổ chức vượt ngục thành công để trở lại hoạt động. Và lần này, trong điều kiện khó khăn hơn trước gấp bội: cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vào cuối năm 1940 do Trung ương lãnh đạo vừa thất bại tan tác.
Qua những tài liệu liên quan, chúng ta biết rằng do đánh giá tình hình không chính xác, kế hoạch bị lộ do có nội gián, đặc biệt là sự liên lạc giữa trung ương và địa phương khó khăn, lệnh đình chỉ cuộc khởi nghĩa đến không kịp, sự thất bại đó đã dẫn đến những hậu quả thảm hại chưa từng có cho Đảng cộng sản. Cuộc nổi dậy bị dìm trong bể máu của hàng nghìn người, những ai sống sót đều thu mình lại trong hoài nghi, bi quan, bất động; trong khi đó hầu hết các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu quan trọng của Đảng đều bị bắt và bị giết (như Tạ Uyên, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…), hoặc bị đi tù (Lê Hồng Phong [chết ở Côn Đảo năm 1942], Lê Duẩn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo…). Ông Giàu đã vượt “căng” Tà Lài trong tình thế đó và đã phải bắt đầu mọi việc như hồi 1933: làm lại cuộc cách mạng không có sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng. Do bị tách rời khỏi mọi hoạt động bên ngoài khá lâu, lại thừa kế một khoảng không về tổ chức, ông không có cách gì để biết được xứ ủy Nam kỳ cũ còn tồn tại hay không, cũng như không thể biết Trung ương có còn tồn tại hay không, do đó cũng không hề biết được ngay vào năm ông tổ chức vượt ngục, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Trung quốc về nước tham dự hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Cao Bằng (tháng 5-1941) để thành lập Mặt trận Việt Minh – điều mà trong hồi ký của mình, ông Giàu cho biết đến mãi sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi cách mạng tháng 8 thành công rồi ông mới có được thông tin cùng một lượt với việc nối lại quan hệ với Trung ương.
Tự mình đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hoàn cảnh đó, những gì ông đem ra vận dụng đều dựa vào những điều đã học được tại trường Stalin khoá 1931-1932. Lòng tin vào cách mạng của ông đã đi theo bước chân của Hồng quân Liên xô chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sách gối đầu giường của ông về hoạt động là những gì Lenin viết về cuộc khởi nghĩa Petrograd 1917, có lẽ vì vậy mà ông tỏ ra không mấy quan tâm đến những thứ lý luận đặc trưng Trung quốc do Mao Trạch Đông xướng xuất, như lấy nông thôn bao vây thành thị, chiến thuật biển người, chiến tranh du kích, văn nghệ công nông binh kiểu Diên an, rồi sau này là cải cách ruộng đất, chỉnh phong, chỉnh huấn v.v… Ông Giàu cho rằng phương pháp giành quyền lực cho Đảng cộng sản chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuẩn bị thật đầy đủ những chỉ dẫn của Lenin, diễn ra dưới hình thức vũ trang của đông đảo quần chúng tại chỗ được chỉ đạo đồng loạt tiến lên chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của nhà nước thống trị, chứ chủ yếu không phải từ ngoài đánh vào, từ xa vận động tới. Ông cho rằng chính đây là định hướng cốt tử để tập trung kế hoạch xây dựng lực lượng thật vững mạnh ngay tại những xí nghiệp, những công sở, những cơ quan yết hầu chiến lược của các thành phố, thị xã… và trong khi nắm vững trọng tâm hoạt động, nếu có quan hệ gì đến nông thôn thì chỉ nên khai thác các vùng phụ cận thành thị để yểm trợ, phối hợp như cất giấu, chế tạo vũ khí, huấn luyện, hội họp, dự trữ, tiếp tế… và cuối cùng trong cao trào nổi dậy sẽ kéo lực lượng ven đô về cùng tác chiến chung với các trung tâm.
Ông Giàu cho biết, trong các văn bản của Đảng Việt Nam, ông chỉ dựa vào Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương họp tại Bà Điểm cuối năm 1939, do tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Nhưng hoàn cảnh tiếp cận văn bản đó thật li kỳ: hồi còn ở Tà Lài ông chỉ nghe qua do các bạn tù phổ biến, nay muốn nghiên cứu lại thì sau khi hỏi han không gặp được ai nhớ lại cho đầy đủ, cuối cùng mới may mắn tìm được một số đoạn chép tay rời rạc giấu trên mái lá của chuồng trâu trong nhà một đồng chí quen biết! Cố gắng tiếp thu cái thần của nó rồi đem so sánh với những điều mà ông biết trước đó, ông nhận thấy đã có sự di chuyển quan trọng về chỉ đạo chiến lược: trong hai nhiệm vụ phản đế và cải cách điền địa của cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo, thay vì nghiêng về hướng cải cách điền địa như nhiều năm trước đây, Nghị quyết 1939 đã đưa vấn đề chống đế quốc lên hàng đầu, coi đó như nhiệm vụ “chính cốt”. Điều này phù hợp hoàn toàn với tình thế bấy giờ ở Việt Nam, khi chiến tranh nổ ra đẩy các thế lực đế quốc vào chỗ suy yếu tạo điều kiện cho các thuộc địa vùng lên giành độc lập và gác lại các vấn đề khác của cách mạng vô sản. Nhận định này của Trần Văn Giàu, tuy không được chỉ đạo của Trung ương nhưng cũng phù hợp với Nghị quyết của Trung ương tháng 5-1941, coi thời cơ giành độc lập đã đến, chủ yếu khai thác triệt để sự xâu xé lẫn nhau giữa Pháp và Nhật, biểu hiện rất rõ qua chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và đã lãnh đạo thành công khởi nghĩa ở Bắc và Trung.
Xứ uỷ Nam kỳ – do ông vận động thành lập vào tháng 10 năm 1943 và được bầu làm bí thư –, vì cách bức về liên lạc, không nhận được bất cứ chỉ thị nào của Trung ương, nhưng cũng đã nhìn thấy cơ hội đó, để có những hành động thích hợp và đã thành công. Điều đó đã biểu hiện rõ ràng qua nhận thức của ông Giàu trong việc xác định “đối tượng trực tiếp” mà khởi nghĩa cách mạng cần đánh đổ ở Nam kỳ: đó sẽ không phải là thực dân Pháp (vì đã bị Nhật tước khí giới) cũng không phải là phát xít Nhật (vì Nhật đã đầu hàng) mà là “chính quyền bù nhìn” do Nhật dựng nên, mà chính quyền này lại “đang rệu rã và không có ý chí đề kháng đáng kể”, cho nên nếu trung lập hóa được quân Nhật thì việc đánh đổ chính quyền ấy “sẽ thành công nhanh chóng và không gặp khó khăn gì lắm”. Phân tích ấy của ông Giàu xác nhận rằng tương quan lực lượng đã thay đổi hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Và điều đó hàm nghĩa rằng các đảng phái, tôn giáo phi cộng sản, dù có quần chúng và vũ khí, xưa nay thường dựa vào phát xít và thực dân để hoạt động nay hoàn toàn thất thế. Vấn đề chỉ còn là thời cơ và thời cơ cũng đã đến như một món quà giúp những chuyên viên nổi dậy mở màn và chấm dứt cuộc giành chính quyền nhanh chóng và không mấy khó khăn: nghìn năm có một, một khoảng trống về quyền lực nhà nước đã xuất hiện, khi cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 của Nhật đối với Pháp diễn ra rồi sau đó không lâu Nhật phải đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945) vì hai trái bom nguyên tử của Mỹ.
***
Ông Giàu cho rằng những cố gắng của ông dù sao cũng chỉ là những mò mẫm “bất đắc dĩ”, không tránh khỏi sai biệt và cả sai lầm khi so với đường lối của Trung ương. Đọc hồi ký ông viết, không thấy ông nói đến những sai lầm, cũng không thấy nhắc đến những điều ông bị Trung ương phê phán một cách chính thức, nhưng chỉ thấy ông nói đến những sai biệt và cho rằng những sai biệt ấy là sự vận dụng những nguyên lý vào những điều kiện khác nhau, vấn đề là xét xem sự vận dụng ấy có mang đến thành công hay không. Biện luận này của ông đã được thực tế xác nhận qua những chuẩn bị chu đáo của xứ uỷ Nam kỳ về mặt chủ quan để đón nhận những thuận lợi do thời cơ mang đến.
Tuy vậy, khi đem đường lối mà ông Giàu áp dụng ở miền Nam, so với đường lối Trung ương để xét vấn đề một cách tổng thể, chúng ta thấy nhiều so le quan trọng, quan trọng nhất là thiếu một nội dung cụ thể để hình thành mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc trong tình hình đặc biệt của Việt Nam vào lúc bấy giờ. Mọi người đều biết, trong khi Trung ương, chủ trương cố ý che giấu bớt nguồn gốc cộng sản của chính quyền mới thành lập (sau đó không lâu đã phải công khai tuyên bố giải tán Đảng để đưa vào bí mật) thì trong cuộc diễu hành 2 tháng 9 ở Sài gòn, như ông Giàu đã mô tả trong hồi ký, cờ búa liềm lại quá nặng vì quá lớn khi được dương lên! Mọi người cũng đều biết, trong tình thế bị cách biệt hoàn toàn với với “phe dân chủ ” (cách mạng Trung quốc chưa thắng lợi), lại bị đủ loại thế lực chống cộng sản (trong và ngoài) bao vây tứ phía và thực dân Pháp thì chuẩn bị trở lại phục hồi sự thống trị bằng vũ lực, Trung ương đã chủ trương hoà hoãn, thương lượng bằng nhiều cách để chuẩn bị đối phó thì trong Nam ông Giàu, mặc dầu hiểu rõ sự cần thiết của Mặt trận, nhưng vẫn cứ bám chặt vào những chuẩn mục cách mạng vô sản mà Lenin đã áp dụng ở Petrograd, qua đó phân tuyến ta địch để xử lý các vấn đề nẩy sinh, nhất là trong nội bộ dân tộc.
Trước những khác biệt về chủ trương chiến lược đó, thái độ của ông Giàu với một số cán bộ lãnh đạo Trung ương, đặc biệt với Hoàng Quốc Việt là người đại diện của Trung ương được cử vào Nam sau ngày 2-9-1945, có nhiều điều phức tạp hơn những gì ông đã viết. Không phải ông không đúng khi cùng với Phạm Ngọc Thạch phản đối lệnh của Hoàng Quốc Việt giải tán Thanh niên Tiền phong vì tổ chức này thực chất do xứ uỷ lập ra nhờ khôn khéo tranh thủ được sự đồng ý của Nhật, dùng làm bình phong tập hợp một cách rộng rãi công khai và các tầng lớp quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa và thực tế đã đóng vai trò cực kỳ lợi hại trong khởi nghĩa. Sự phẫn nộ của ông Giàu cũng chính đáng khi thấy Hoàng Quốc Việt đứng ra xin tha cho Trần Văn Vi vì ông này trong khi được xem là nhân vật số 1 của xứ uỷ Giải phóng lại chính là người, theo sự trình bày của ông Giàu, “đã dẫn đầu mấy ngàn tín đồ Hoà Hảo có vũ trang kéo vào Cần Thơ, tháng 9 năm 1945, đòi nắm chính quyền trên 7 tỉnh miền Tây Nam Bộ”. Chúng ta không có điều kiện để biết lý do hành động thật sự của Hoàng Quốc Việt, nhưng giả định sự trình bày của ông Giàu là đúng trong những trường hợp nói trên, thì một cách khách quan cũng không vì thế mà có thể cho rằng trong rất nhiều trường hợp thái độ của ông Giàu là đúng hoàn toàn.
Hãy thử so sánh chủ trương của xứ uỷ Nam kỳ qua ứng xử của Trần Văn Giàu với ứng xử của Trung ương qua hành động của Hồ Chí Minh – thí dụ đối với vua Bảo Đại, với phe Tàu Tưởng (có cả những lực lượng bản xứ tùng theo để chia quyền với cộng sản) sang Việt Nam giải giới quân Nhật, với việc thương lượng với thực dân Pháp để có thời gian chuẩn bị cho cuộc tranh đấu mới … – thì không thể cho rằng ý kiến của Hoàng Quốc Việt, với tư cách đại diện của Trung ương, là sai lầm trong mọi trường hợp. Nhất là những ứng xử liên hệ đến sách lược liên minh hành động với những thế lực bản địa (như với phe Hoà Hảo và Đệ Tứ…) hoặc các quyết định có ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu toàn cục (như phát lệnh kháng chiến toàn quốc). Nhìn chung, ta có thể cho rằng nếu đường lối của xứ uỷ Nam kỳ do ông Giàu lãnh đạo đã sáng tạo ra những hình thức táo bạo, linh hoạt, tạo được sức mạnh vượt qua các phe phái (thân Nhật, phi cộng hoặc chống cộng) để tiến lên giành quyền lực cho cách mạng thì xét trên tổng thể và lâu dài lại không hoàn toàn thích đáng.
Ý nghĩa của đường lối ấy chỉ tỏ ra có hiệu lực tích cực vào một thời cơ đặc biệt thuận lợi nào đó về mặt chiến thuật, ở đó cuộc khởi nghĩa có điều kiện phát triển tốt nhất và kết thúc nhanh chóng nhất ngay tại các trung tâm đầu não của địch theo mô hình Petrograd – nói cụ thể là vào khoảng từ 9-3-1945 (ngày Nhật đảo chánh Pháp) đến 14-8-1945 (ngày Nhật đầu hàng đồng minh), chứ không thể vượt khỏi thời điểm ấy để trở thành định hướng cho cả giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ chống đế quốc mà nội dung của nó đã được khẳng định từ lâu về mặt lý luận là cuộc cách mạng tư sản dân quyền trong đó mặt trận dân tộc thống nhất là công cụ quyết định để Đảng cộng sản tập hợp lực lượng thực hiện các chương trình tối thiểu của mình.
***
Khi nhìn lại mọi việc, chắc hẳn ông Giàu biết rõ điều đó và cũng chỉ muốn Trung ương Đảng thông cảm với tinh thần trách nhiệm cách mạng cao nhất của ông trong những giới hạn của hoàn cảnh mà ông không thể vượt qua, quan trọng nhất là không thể liên lạc được với Trung ương trong suốt quãng thời gian nói trên. Tuy vậy khi đọc hồi ký của ông chúng ta lại thấy ông tỏ ra khá bực bội với “mấy ông lớn trong Trung ương”, trong đó có Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, nguyên nhân như ông trình bày là do ông nghĩ rằng mấy “ông lớn” đó, đặc biệt Hoàng Quốc Việt, đã đứng hẳn về phía những kẻ đã đặt điều vu cáo cho ông nhiều tội lỗi tầy đình nên luôn luôn tỏ ra thành kiến và đánh giá ông một cách không công bằng, ngay trong những ngày diễn ra cách mạng tháng 8 và cả về sau này nữa.
Hồi ký của ông đã để ra nhiều đoạn nói đi nói lại nhận định này mà theo sự trình bày của ông là hoàn toàn bất công và sai sự thật, bao gồm mấy việc quan trọng như sau: 1935, bị bắt ông đã đầu hàng và khai báo một đảng viên cộng sản Pháp có nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương; 1941 ông được Pháp tổ chức cho vượt “căng” Tà Lài để ra ngoài giả bộ hoạt động cách mạng nhưng thật sự là “phá cộng sản”; 1944 không hiểu sao người ta lại cho rằng ông đã chỉ điểm một đồng chí ở Trung ương được cử vào Nam để điều tra “vụ Trần Văn Giàu”; 1945 theo Nhật lập ra Thanh niên Tiền phong và lấy “cờ vàng sao đỏ” làm biểu tượng cho tổ chức này để đối lại với “cờ đỏ sao vàng” của Việt Minh. Còn nhiều chuyện khác nữa nhưng kết lại mọi việc đều quy về một tội khủng khiếp đối với một người Việt Nam và hơn nữa một người Việt Nam theo nghề “cách mạng chuyên môn”: đó là tội thoả hiệp có hệ thống với các loại kẻ thù của dân tộc, từ Tây đến Nhật, để bán đứng đồng chí và phá hoại cách mạng. Một cái tội như vậy thật đáng chết, như phe xứ uỷ Giải phóng đã từng tuyên án đối với ông, thực chất chỉ là hoàn toàn vu cáo, vậy mà sau này khi ra công tác ở chiến khu Việt Bắc 1951, ông đã bị Hoàng Quốc Việt dựa vào đó để hỏi cung suốt một buổi tối chỉnh huấn, có một anh cố vấn Tàu “trẻ bân” ngồi nghe bên cạnh một tay phiên dịch!
Đối với một người cộng sản kỳ cựu như ông, những cung cách ứng xử miệt thị và nghi ngờ ấy là cực kỳ đau đớn, nhục nhã cho nên sau nhiều lần muốn chết đi cho xong, ông đã gượng dậy, quyết chí bỏ công đi tìm nhân chứng, hồ sơ, lật lại các sự việc để minh oan cho mình, kết quả là trong rất nhiều trang hồi ký từng việc một đã được xới lại và xuất hiện trở lại với những chi tiết thực sự của chúng. Tất cả đều chứng minh là ông vô tội. Tất cả đều được ông kết luận là do sự vu cáo của hai nhân vật trong xứ uỷ Giải Phóng tên là Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự mà ra. Chính những kẻ xấu này đã tìm cách vu cáo ông tạo nên nghi kị của Trung ương với ông.
Vấn đề “hai xứ uỷ”[5] trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ chủ yếu với hai nhân vật Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự nói trên (ông Giàu không kéo vào đây một số nhân vật khác) vì vậy đã trở thành đầu mối gây nên oan khuất cho ông. Theo sự trình bày của ông thì cái gọi là xứ uỷ Giải phóng này chỉ bao gồm một số phần tử rất ít của xứ uỷ cũ còn sót lại sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1940, không hoạt động gì cả mà chỉ nằm im chờ thời. Sau khi ông Giàu lập ra xứ uỷ mới (tháng 10-1943) và hoạt động một thời gian, đến tháng 4-1945 (sau Nhật đảo chánh) thì từ “căng” Bà Rá trở về, Trần Văn Vi mới cho khôi phục lại xứ uỷ cũ ở Mỹ Tho, có Bùi Văn Dự làm phó ( và vì có cơ quan tuyên truyền mang tên Giải phóng, nên gọi là “xứ uỷ Giải phóng” để phân biệt với xứ uỷ do ông Giàu lập ra mang tên “xứ uỷ Tiền phong” vì có tờ báo mang tên Tiền phong). Nghe biết việc này ông Giàu đã tìm cách gặp họ để đặt vấn đề thống nhất nhưng không có kết quả sau nhiều lần thương lượng; và lý do họ nêu ra để không thể hợp tác được với Trần Văn Giàu là vì Trần văn Giàu là một Việt gian phản cách mạng với nhưng tội lỗi đã kể trên, đính chính thế nào họ cũng không nghe. Trong hồi ký, sau khi ngẫm nghĩ cả một đời, ông Giàu vẫn viện ra ác ý, lòng đố kị tầm thường của con người để giải thích sự vu cáo đó. Ông nói rằng nếu như mình là một anh bí thư của một chi bộ xã ở một xó Đồng Tháp Mười nào đó thì chẳng sao, nhưng đằng này ông lại là bí thư xứ uỷ lừng lẫy tên tuổi và tài năng nên mới bị ganh ghét, như ý nghĩa một câu Kiều: chữ tài liền với chữ tai một vần! Có chỗ ông nại thêm lý do: trong khi ông tìm mọi cách mà không gặp được Trung ương để giải thích thì do họ liên lạc được nên họ mới có cơ hội để gièm pha làm cho Trung ương hiểu sai về ông.
Giả sử như tin vào những gì ông Giàu trình bày chúng ta không thể không nêu ra câu hỏi sau đây: tại sao với một sự vu cáo tầy trời như vậy mà nhiều lần cho điều tra, Trung ương vẫn cứ tin vào lời lẽ vô lý, thiếu bằng cớ của những kẻ cố ý hại người đó? Nhất là dễ tin đến mức suốt trong một thời gian dài, trong khi vẫn tiếp xúc với phe Giải phóng để nghe họ thì Trung ương lại cố tình né tránh không liên lạc trực tiếp với ông để làm cho ra lẽ? Ông cũng cho biết từng đưa nhiều người ra Bắc liên hệ để tường trình mọi việc nhưng kết quả lại tồi tệ hơn: cuối cùng Hoàng Quốc Việt đại diện Trung ương vào Nam không phải để giải oan hoặc xử lý ngay cho ông mà phải sau một thời gian xảy ra bất đồng rồi mới kết luận rằng Trần Văn Giàu “vô kỷ luật, vô chính phủ” phải được (cùng với Phạm Ngọc Thạch) đưa ra Bắc!
***
Chúng ta cảm động khi đọc những lời thống thiết của một người viết hồi ký mà mục đích không có gì hơn là muốn đòi lại sự thật cho mình để được thanh thản ra đi vĩnh viễn, nhưng rất ngần ngại khi xem những lý giải của ông về những oan khuất mà ông phải chịu đựng là hoàn toàn thoả đáng. Ông đã nhập hai vấn đề làm một: một bên là những lời vu cáo giả định đến từ những kẻ ganh ghét ông và một bên là những sai biệt, có thể nói cả những bất đồng, của ông với Trung ương và bị Trung ương phê phán. Thực sự đó là hai vấn đề mà cái logic toát ra từ những gì ông viết trong hồi ký đã cho chúng ta thấy như vậy: hai vấn đề dó khác nhau, mỗi vấn đề có những tính chất riêng, có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất. Vấn đề khác biệt về đường lối giữa xứ uỷ Nam kỳ với Trung ương đã được nói ở trên: nó bộc lộ thật rõ trong quan điểm lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ giữa hai bên và cả trong việc ông Giàu bày tỏ quyết liệt sự bất đồng của mình với Hoàng Quôc Việt sau ngày 2 tháng 9 ở Sài gòn trong một số chủ trương cụ thể. Những sai biệt và bất đồng này là có thật, phần lớn do hoàn cảnh khách quan quy định, không thể dựa hoàn toàn vào những tị hiềm cá nhân để giải thích.
Còn về những ân oán giữa ông và mấy nhân vật của xứ uỷ Giải phóng có thể cũng không hoàn toàn đơn giản như ông diễn giải. Những điều mà họ vu cáo cho ông cực kỳ trầm trọng, trong thực tế chỉ là những tin đồn. Có thể do ganh ghét cá nhân mà bịa ra nhưng vẫn chỉ là tin đồn, không thể bỗng dưng dựng nên những chuyện động trời như vậy mà có thể làm hại ngay được người ta, bằng cớ là uy tín của ông – trừ việc bị phe chống đối bên ngoài bôi nhọ (cho đến nay vẫn bị những chuyên viên chống cộng tiếp tục khai thác) –, lại không hề sứt mẻ đối với quần chúng, với các đồng chí của ông trong xứ uỷ do ông lãnh đạo, với cả những người từ chối “khử” ông khi được phe Giải phóng xúi giục, do đó việc chuẩn bị cuộc khởi nghĩa cho đến ngày thành công đã không bị ảnh hưởng. Phân tích theo một hướng khác, cũng có thể xem những tin đồn ấy đã bắt nguồn từ những sự kiện đáng nghi ngờ mà vì một lý do nào đó, chưa thể xác minh hoặc xử lý nên có thể kéo dài trong dư luận, khiến những mơ hồ ban đầu trầm trọng thêm vì những đồn đãi mới, những yếu tố mới nẩy sinh trong đó không thể không nói đến những bất đồng về quan điểm giữa các nhóm khác nhau trong bản thân hàng ngũ cách mạng trước tình hình mới ở Nam bộ, nhất là trong điều kiện thiếu vắng sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương.[6]
Dù sao thì tạm gác lại những khía cạnh phức tạp khác của vấn đề chưa có điều kiện để làm rõ ở đây (nhất là quan điểm đầy đủ và khách quan của nhóm “Giải phóng”) mà chỉ xét chuyện họ quy tội ông Giàu, chúng ta thấy trong tất cả các thứ mà họ nêu ra đều liên hệ đến chuyện “làm tay sai cho địch”, thật ghê gớm đối với nội bộ những người cộng sản, nhưng nhìn sâu vào hiện tượng thì trong đó lại có những chuyện ai cũng có thể nhận ra sự phi lý của chúng và có thể phủ nhận hết sức dễ dàng – như ông Giàu đã làm – vì có rất nhiều người hợp tác với ông, biết rõ sự việc vẫn còn sống và đang giữ những chức vụ quan trọng có thể viện ra làm nhân chứng (như trong chuyện vượt “căng Tà Lài”, chuyện “cờ vàng sao đỏ” của Thanh niên Tiền phong…). Tuy vậy trong những tố cáo lại có một chuyện khởi đầu hơi mập mờ đó là việc năm 1935 một đảng viên cộng sản Pháp làm nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương tên là Deschamps bị bắt sau khi ông Giàu đi tù không lâu, từ đó sinh ra nghi vấn đây đó về việc người đảng viên liên lạc bị bắt là do ông Giàu khai báo. Ông cho đó là không đúng nên sau này đã tìm ra mọi bằng cớ chứng minh được rằng kẻ khai báo Deschamps là một nhân vật khác, không dính dáng gì đến ông. Nhưng vào lúc bấy giờ, phần ông thì tiếp tục ở tù (5 năm), phần “đoàn thể” của ông thì vì hoạt động trong bí mật, cách bức, chưa có cơ hội để thẩm tra, cho nên mọi việc đã trở thành tiếng đồn treo lở lửng trên số phận chính trị của ông, rất dễ để những người ganh ghét hoặc bất đồng với ông khai thác. Tiếng đồn đó là có cơ sở trong thực tế chứ không phải vu vơ. Nếu Trung ương có bị tác động bởi những báo cáo loại này từ nguồn tin của “phe Giải phóng” thì cũng chỉ là những thông tin để cảnh giác và điều tra chứ không thể để tuỳ tiện và dễ dàng kết luận như ông đã suy luận rằng “các ông lớn Trung ương” đã đứng về phe bên kia để “trù” ông.
Trong phần cuối của hồi ký, ông Giàu có kể một sự kiện chứng tỏ nhận xét trên đây là có cơ sở: đó là việc đầu năm 1988 ông được Lê Đức Thọ – mệnh danh lão Sáu Búa lừng danh mà chỉ nghe tên ai cũng ớn – mời cơm cùng một số đồng chí lão thành tại Sài gòn, nhân đó ông có đề nghị Lê Đức Thọ khi về Hà Nội can thiệp với Ban tổ chức Trung ương ra văn bản khẳng định tính chất không có cơ sở của những vu cáo về ông bấy lâu nay. Lời đề nghị được chấp nhận và một tháng sau ông Giàu nhận được quyết nghị do Nguyễn Đức Tâm (đang làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay Lê Đức Thọ) ký, trong đó có những xác nhận làm ông hài lòng, duy chỉ có vụ Deschamps 1935 thì vẫn quy trách nhiệm cho ông. Tất nhiên ông Giàu khiếu nại vì ông vẫn cho là mình vô tội, mặc dù những gì ông kể trong hồi ký về vụ này còn có nhiều chỗ mập mờ (nhất là việc ông nhận khi bị bắt có khai này nọ, chứ không kiên cường được như Trần Phú) làm người ta có thể suy diễn vấn đề theo hướng khác. Dù sao với một nhà cách mạng trung kiên như ông thì một cái kết thúc như vậy cho cả một đời buồn phiền vì tai tiếng cũng có thể gọi được là thắng lợi “về cơ bản” rồi.
Điều đó chứng tỏ rằng, nếu có bị Trung ương phê bình thì những phê bình ấy chủ yếu không hề phát xuất từ mấy chuyện ông bị vu cáo đã bán mình cho Tây, cho Nhật: mấy chuyện động trời này mà lúc bấy giờ bị Trung ương cho là cần xử lý thì đời ông chắc hẳn đã chuyển sang hướng khác hoàn toàn rồi. Trái lại, sau ngày 2 tháng 9, 1945, sau khi bị Hoàng Quốc Việt ngưng chức xứ uỷ Nam kỳ, chuyển ông ra Bắc gặp Trung ương (chắc chắn là để kiểm điểm), khi ông đề đạt nguyện vọng được sang Mặt trận Biển Hồ (Campuchia) hoạt động tiếp tế cho kháng chiến Nam bộ thì được chấp nhận ngay, không có gì cần thẩm tra lâu dài. Đầu năm 1947, ông được điều động về Việt Bắc đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin. Năm 1951, trong một đợt chỉnh huấn theo kiểu Mao, bị Hoàng Quốc Việt đem chuyện cũ ra hoạnh hoẹ, nhưng cũng chẳng làm gì được ông. Năm ấy ông vẫn tham gia Bộ giáo dục, để từ đó về sau luôn nhận lãnh các chức vụ quan trọng trong ngành này. Trong lí lịch của ông, vụ Deschamps thực sự chỉ còn là một vết mờ, dù chưa xoá hẳn được nhưng chẳng liên can gì đến những vu cáo động trời từng đồn đãi trong dư luận.
***
Trong lời nói đầu của cuốn hồi ký của mình, ông Giàu có viết dòng sau đây: “Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm”. Thực sự thì với tuổi đời 100 năm hiếm có của ông, ông đã bỏ ra hết 80 năm (ông bắt đầu hoạt động khi 20 tuổi) theo đuổi cuộc cách mạng cộng sản, ở nhiều nơi, làm nhiều việc, đáng chú ý nhất là 50 năm trong ngành giáo dục, nhưng khi viết hồi ký ông chỉ viết về 5 năm ngắn ngủi, 1940 đến 1945, ngắn ngủi nhưng ông cho rằng đó là thời gian ông “sống có chất lượng hơn hết”. Nói cho chính xác về khoảng thời gian này thì phải tính từ cuối năm 1941 khi ông vượt “căng” Tà Lài ra hoạt động cho đến ngày ông lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8 ở Nam bộ. Hầu hết thời gian trước khi ra khỏi Tà Lài ông đều sống trong tù. Sau ngày 2 tháng 9, 1945, không theo thủ tục quy định do Hoàng Quốc Việt đề ra, ông đã tự tiện phát tán “Lời kêu gọi kháng chiến”, để liền sau đó tự nói với mình: “Thế là đời chính trị của Trần Văn Giàu đã hết”.[7] Có nghĩa là cuộc sống “có chất lượng” của ông gom vào những ngày tháng ngắn ngủi ấy cũng đã hết.
Hiểu theo nghĩa rộng thì thật sự sau đó ông vẫn chưa dứt khỏi nghề làm làm chính trị vì ông vẫn còn là một đảng viên cộng sản và còn tin tưởng mãnh liệt vào Lenin (và cả Stalin) mà ông thần phục từ thời thanh niên. Nhưng có một cái gì đó không còn gì là khí thế vốn có của ông trong mấy dòng chữ sau đây: “Kiểm lại, tôi thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác, việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữa vững nhân cách Việt Nam”. Nhẫn nhục, khiêm tốn và đã mất đi hoàn toàn cái hơi hám của thứ “chính trị” định nghĩa như một thái độ dấn thân đầy hứng khởi, sáng tạo để biến đổi thế gian cùng với cái ý chí mãnh liệt của một người muốn ghi tên mình vào hàng ngũ những lãnh tụ thay đổi thế gian như trong những ngày Cách mạng Mùa thu ở Sài Gòn.
Nhưng cũng qua những gì ông viết về những ngày làm “chính trị” có nội dung trên đây như một hoài niệm mà chúng ta biết được những gì đã diễn ra thực sự ở Nam bộ và vai trò thực sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Mùa thu đó: đó sẽ là những tư liệu sống của một người cộng sản vẫn còn đủ lòng tự trọng để nói lên sự thật, giúp những người viết sử về sau dựng lại trung thực hơn những gì họ đã viết, đặc biệt làm rõ hơn mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa lãnh đạo và tự phát, ghi nhận tính sáng tạo đa nguyên trong đấu tranh cách mạng, từ đó hy vọng chấm dứt được các thứ lý giải có tham vọng không chính đáng muốn quy mọi hiện tượng phức tạp về một đầu mối giả tạo,[8] và cũng căn cứ vào đó chấm dứt việc khái quát hoá những sai lầm có giới hạn của ông trong cuộc khởi nghĩa lịch sử ấy.
Riêng với tôi, một kẻ hậu sinh không quen ông đến độ thân thiết, từ đất Sài gòn này, cũng có một thời theo tiếng gọi của Marx, của Lenin mà đi theo con đường làm cách mạng vô sản, nay không còn tin tưởng bao nhiêu vào con đường ấy nữa, nhưng đọc hồi ký của ông, tôi vẫn quý trọng ông như một tiền bối, chăm chú theo dõi những việc ông kể về lịch sử đất nước để mong hiểu thêm lịch sử của con người ông nhiều hơn: tôi đã hiểu ông như một chiến sĩ vô sản của đất Nam kỳ mà sự cá biệt độc đáo trong tính cách của ông đã vượt qua rất xa vai trò ông giữ trong cái tập thể mà ông muốn phụng sự suốt đời. Ông đam mê, kiên cường, chết sống cho sự nghiệp chung cũng là để thể hiện vị trí cá nhân của mình đến chỗ cao nhất. Nhưng cũng chính từ tham vọng “chính trị” ấy ông đã bước ra ngoài cái chuẩn mực mà lý luận cách mạng của ông đã quy định thành lý do tồn tại cho cái “đoàn thể” hiện thân cho thứ lý luận đó. Có lẽ từ đó ông tạo ra bi kịch, oán thù, hiểu lầm, và tiếc nuối cho mình. Và cũng chính vì vậy mà khi ông làm cộng sản không có Trung ương lãnh đạo thì ông sống một cuộc sống “ có chất lượng”, tuy bị tai tiếng nhưng đầy say mê và đạt được vinh quang tột đỉnh. Còn khi ông trở về làm cộng sản có sự lãnh đạo của Trung ương, thì tuy vẫn có thể trở thành anh hùng nhưng thâm tâm dường như ông vẫn coi đó chỉ là một thứ anh hùng “phải đạo”, anh hùng xó bếp. Một thứ anh hùng chấm dứt “anh hùng”. Một thứ chính trị hết còn là “chính trị”.
***
Hồi ký ông viết đã lâu nhưng chỉ cho xuất hiện sau khi ông mất khiến chúng ta không khỏi bùi ngùi nhận ra trong hành vi đó ý nghĩa một cuộc dấn thân tổng lực cuối cùng nhằm vớt vát lại sự chói sáng cho một vầng hào quang đã bị cái thực thể mà ông phấn đấu hy sinh suốt đời làm lu mờ đi. Cái hậu mà hồi ký của ông gợi ra có thể làm yên lòng những người quý mến ông nhưng với ông có thể chỉ là thời điểm để ông nhớ lại “những đồng tuyết năm xưa” nhiều hơn. Đó là một cái hậu, hiểu theo nghĩa “chính trị” của ông, có vẻ như không có gì gọi được là “cách mạng vô sản” cả!
Chú thích
[1] Đăng nhiều kỳ từ tháng 12/2010 đến tháng 3/2011 trên hai trang mạng Diễn Đàn và Viet-Studies, đăng lại tòan bộ như Phụ Lục trong số Thời Đại Mới này.
[2] Theo nhận xét của Hoàng Tùng thì Trần Văn Giàu là một trong những người học ở Liên xô về có ý xem thường Nguyễn Ái Quốc, cho ông này là “dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém” (Diễn Đàn, số 123, tháng 11-2002). Cũng cần chú ý một chi tiết này: lúc bấy giờ, khi nhắc đến Nguyễn Ái Quốc, trong hồi ký, ông Giàu đã gọi bằng “anh”: “Bây giờ Nguyễn Ái Quốc còn sống không, nếu còn thì làm sao anh biết được mọi uẩn khúc ở Nam Kỳ?” Trong một bài viết trên một tạp chí nào đó (tôi quên tên LP), ông Giàu thuật lại chuyện gặp Nguyễn Ái Quốc lần đầu (lúc ấy đã là Hồ Chí Minh) và cũng gọi bằng “anh” nhưng đã bị Hồ Chí Minh khuyên không nên gọi như vậy mà nên xưng hô như mọi người.
[3] Xem Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất thành đến Hồ Chí Minh, Chương “Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_ViecThanhLapDCSVN.htm
[4] ] Xem Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu – Nghe thầy kể chuyện, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2011, tr. 60 -71.
[5] ] Xem Phan Văn Hoàng: “Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu và Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam bộ”, Hồn Việt 27-9-2010, http://honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Bi-thu-Xu-uy-Tran-Van-Giau-va-Cach-mang-thang-Tam-.aspx
[6] Vấn đề phân hoá chính trị, tôn giáo đặc biệt xảy ra náo nhiệt ở Nam kỳ trong giai đoạn Nhật Pháp ghìm nhau thống trị Việt Nam vào thời kỳ 1940-1945 là một chuyên đề quan trọng cần được nghiên cứu, trong đó sự phân liệt không phải chỉ bộc lộ qua những phe phái khác nhau, mà còn thể hiện trong bản thân những tổ chức cùng một đường lối chung trong đó có cả những tổ chức mệnh danh “cộng sản”, như trong phe Đệ Tứ (Nhóm La Lutte của Tạ Thu Thâu, nhóm Militant của Hồ Hữu Tường, nhóm Octobre của Lư Sanh Hạnh) cả trong hàng ngũ Đệ Tam nữa: về mặt này nếu không kể sự khác biệt giữa Bắc và Nam mà chỉ nói đến Nam bộ thôi thì sự xung đột giữa “hai xứ uỷ” (“Giải phóng” và “Tiền Phong”) không thuần chỉ là vấn đề ganh ghét giữa những cá nhân. Có thể xem vài ghi chép sơ lược của Nguyễn Văn Trấn trong cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội (sách chuyền tay xuất hiện ở Việt Nam năm 1995) về cuộc tranh luận giữa báo Giải phóng (của phe “Giải phóng”) với những luận điểm trong một số bài viết của Trần Văn Giàu (ký Xuyên Vân Nhạn) để phát triển thêm đề tài này.
[7] Trần Hữu Phước ghi: “Trần Văn Giàu “không phải là người buông giáo”, Hồn Việt 9-4-2011 http://honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Tu-lieu-lich-su/Tran-Van-Giau-khong-phai-la-nguoi-buong-giao.aspx
[8] Trong phần 4 của Hồi ký, ông Giàu có than phiền về cách viết sử xuyên tạc đó như sau: “Sau 9-3-1945, chị Mười Tốt [(Nguyễn Thị Thập)] còn ở Mỹ Tho, vậy mà theo một đoạn hồi ký của Thép Mới (in ấn năm 1995, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám), có bài của Thép Mới nói rằng, tháng 3 năm 1945, có chị Mười và Dân Tôn Tử có mặt ở Bắc và Trường Chinh đã trao cho họ chỉ thị: “Nhật-Pháp đánh nhau, hành động của chúng ta”. Ôi! Chị Mười khi ấy ở Mỹ Tho và Dân Tôn Tử (tức đồng chí Trần Văn Vi), ngày 10-3-1945, mới ra khỏi căng (trại giam) Bà Rá thì làm sao họ đem Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9 tháng 3 về Nam được? Bịa như thế thì than ôi, cũng có người tin, hễ tin như vậy thì tất phải đặt câu hỏi: “tại sao được chỉ thị của Trung ương mà Xứ uỷ Nam Kỳ và anh Giàu không làm theo?”. Sao mà bày đặt ác thế? Ác thế để làm gì? Bịa trắng trợn, sao mà sách ở một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội lại đăng? Tai hại cho lịch sử quá.”
Source : Thời Đại Mới
11-5-2011
Lữ Phương
Khi mất vào năm 100 tuổi (1911-2010), ông Trần Văn Giàu nổi danh như một nhà giáo dạy lịch sử. Nhưng với bản thân lịch sử thì ông cũng đã nổi tiếng từ lâu như một người đã tổ chức thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Nam bộ, và cũng trong quá trình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này ông cũng nổi tiếng cả với những đồn đãi rất xấu cho uy tín chính trị của ông. Mục đích hồi ký[1] của ông là nhằm xoá đi cái màn sương mờ đục phủ lên đoạn đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa phức tạp đó – 1940 -1945 –, kể lại một cách chi tiết toàn bộ quá trình ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng 8 nói trên ở Nam kỳ, góp tài liệu làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử hiện đại của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nhằm mục đích phơi bày sự thật về những kẻ mà ông cho rằng đã dùng những thủ đoạn tồi tệ để bôi nhọ ông, làm ông khổ sở, cho mãi đến cuối đời.
***
Chúng ta đều biết Trần Văn Giàu là một người cộng sản thuộc thế hệ 30 của thế kỷ trước. Một trong những nhà mácxit đầu tiên của Việt Nam thời bị thực dân đô hộ. Dự tính sang Pháp du học để trở thành một trí thức khoa bảng, ông lại bỏ ngang, gia nhập Đảng cộng sản Pháp và được Đảng này giới thiệu qua học trường Stalin ở Nga (cũng gọi là Đại học Phương Đông, từ tháng 5-1931 đến tháng 8-1932). Chủ nghĩa Marx mà ông tiếp thu vào thời kỳ này là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc trưng Liên xô gọi là học thuyết “Mác-Lênin”, có nguồn từ Lenin nhưng dần dà suy thoái qua những luận giải của Stalin: hạ triết học Marx xuống thành một thứ cẩm nang thực dụng, một công cụ phục vụ chế độ toàn trị, coi Liên xô là trung tâm cách mạng vô sản toàn cầu, Đệ tam Quốc tế do Liên xô lãnh đạo là chỗ dựa vững chắc nhất của phong trào giải phóng dân tộc... Do nguồn gốc đào tạo này, lại hoạt động ở miền Nam, không giao lưu trực tiếp với Trung quốc, nên tư duy cách mạng vô sản của ông mang đậm sắc thái bôn-sê-vích kiểu Nga, không giống các đồng chí của ông ở miền Bắc, bị tác động khá mạnh lý luận cách mạng Trung quốc của Mao Trạch Đông. Một cách tự nhiên, theo phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ ông tin tưởng vô điều kiện rằng Liên xô là một mô hình mácxit đích thực duy nhất, hiển nhiên vì thế mà xem Đệ Nhị Quốc tế là bọn phản bội xấu xa còn bọn Đệ tứ là kẻ thù nội tại nguy hiểm không kém gì đế quốc tư bản.
Chính ông đã nhận rằng quan điểm cách mạng của ông bấy giờ có phần nghiêng về tả khuynh, ảnh hưởng mạnh mẽ từ Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản. Ông cũng nhận thêm rằng chính vì vậy mà suốt một thời gian dài ông không quan tâm đến Nguyễn Ái Quốc[2] – người mà chúng ta biết tư duy cách mạng đã bắt nguồn từ Đại hội 5 QTCS (1924) và Đại hội 7 QTCS (1935), không tham dự Đại hội 6 QTCS (1928)[3]– và thái độ đó của ông chỉ thay đổi khi ông gặp Nguyễn Ái Quốc khi đã về nước lãnh đạo và mang tên Hồ Chí Minh. Điều này không được ông Giàu trình bày trong hồi ký nhưng được phân giải khá thành thật ở một nơi khác.[4]
Môi trường hoạt động của Trần Văn Giàu khá đặc biệt. Hồi ký cho biết cuộc đời “cách mạng chuyên môn” của ông bắt đầu khi tốt nghiệp Đại học Stalin về nước (vào năm 1933): do xứ ủy cũ vừa bị thực dân phá tan, ông đã phải lo xây dựng ngay xứ ủy mới trong một hoàn cảnh mà ông diễn tả là “Trung ương không có” nên “phải vạch lấy con đường mà đi”. Công việc ấy chưa đến đâu thì ông bị bắt. Lần thứ nhất 1933, một năm thì được tha, nhưng lần thứ hai vào 1935 trầm trọng hơn. Bị kết án 5 năm (và 10 năm quản chế), ông không thể tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí và nghị trường diễn ra công khai ở các đô thị thời Mặt trận Bình dân từ 1936 dến 1939, nếu có hưởng được dư vang gì của phong trào này chỉ là sống được dễ dãi hơn khi ở tù. Đúng hạn 5 năm, về sum họp gia đình chưa đến chục ngày, khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra, tất cả mọi hình thức hoạt động yêu nước không-cộng sản hoặc cộng sản (dù Đệ tam hay Đệ tứ) đều bị thực dân coi là bất hợp pháp, nên ông đã bị gom ngay vào “căng” Tà Lài (nơi giam giữ những phần tử bị nghi ngờ). Nhưng cũng từ khu rừng miền Đông Nam bộ này cuối năm 1941, ông đã tổ chức vượt ngục thành công để trở lại hoạt động. Và lần này, trong điều kiện khó khăn hơn trước gấp bội: cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vào cuối năm 1940 do Trung ương lãnh đạo vừa thất bại tan tác.
Qua những tài liệu liên quan, chúng ta biết rằng do đánh giá tình hình không chính xác, kế hoạch bị lộ do có nội gián, đặc biệt là sự liên lạc giữa trung ương và địa phương khó khăn, lệnh đình chỉ cuộc khởi nghĩa đến không kịp, sự thất bại đó đã dẫn đến những hậu quả thảm hại chưa từng có cho Đảng cộng sản. Cuộc nổi dậy bị dìm trong bể máu của hàng nghìn người, những ai sống sót đều thu mình lại trong hoài nghi, bi quan, bất động; trong khi đó hầu hết các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu quan trọng của Đảng đều bị bắt và bị giết (như Tạ Uyên, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…), hoặc bị đi tù (Lê Hồng Phong [chết ở Côn Đảo năm 1942], Lê Duẩn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo…). Ông Giàu đã vượt “căng” Tà Lài trong tình thế đó và đã phải bắt đầu mọi việc như hồi 1933: làm lại cuộc cách mạng không có sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng. Do bị tách rời khỏi mọi hoạt động bên ngoài khá lâu, lại thừa kế một khoảng không về tổ chức, ông không có cách gì để biết được xứ ủy Nam kỳ cũ còn tồn tại hay không, cũng như không thể biết Trung ương có còn tồn tại hay không, do đó cũng không hề biết được ngay vào năm ông tổ chức vượt ngục, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Trung quốc về nước tham dự hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Cao Bằng (tháng 5-1941) để thành lập Mặt trận Việt Minh – điều mà trong hồi ký của mình, ông Giàu cho biết đến mãi sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi cách mạng tháng 8 thành công rồi ông mới có được thông tin cùng một lượt với việc nối lại quan hệ với Trung ương.
Tự mình đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hoàn cảnh đó, những gì ông đem ra vận dụng đều dựa vào những điều đã học được tại trường Stalin khoá 1931-1932. Lòng tin vào cách mạng của ông đã đi theo bước chân của Hồng quân Liên xô chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sách gối đầu giường của ông về hoạt động là những gì Lenin viết về cuộc khởi nghĩa Petrograd 1917, có lẽ vì vậy mà ông tỏ ra không mấy quan tâm đến những thứ lý luận đặc trưng Trung quốc do Mao Trạch Đông xướng xuất, như lấy nông thôn bao vây thành thị, chiến thuật biển người, chiến tranh du kích, văn nghệ công nông binh kiểu Diên an, rồi sau này là cải cách ruộng đất, chỉnh phong, chỉnh huấn v.v… Ông Giàu cho rằng phương pháp giành quyền lực cho Đảng cộng sản chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuẩn bị thật đầy đủ những chỉ dẫn của Lenin, diễn ra dưới hình thức vũ trang của đông đảo quần chúng tại chỗ được chỉ đạo đồng loạt tiến lên chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của nhà nước thống trị, chứ chủ yếu không phải từ ngoài đánh vào, từ xa vận động tới. Ông cho rằng chính đây là định hướng cốt tử để tập trung kế hoạch xây dựng lực lượng thật vững mạnh ngay tại những xí nghiệp, những công sở, những cơ quan yết hầu chiến lược của các thành phố, thị xã… và trong khi nắm vững trọng tâm hoạt động, nếu có quan hệ gì đến nông thôn thì chỉ nên khai thác các vùng phụ cận thành thị để yểm trợ, phối hợp như cất giấu, chế tạo vũ khí, huấn luyện, hội họp, dự trữ, tiếp tế… và cuối cùng trong cao trào nổi dậy sẽ kéo lực lượng ven đô về cùng tác chiến chung với các trung tâm.
Ông Giàu cho biết, trong các văn bản của Đảng Việt Nam, ông chỉ dựa vào Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương họp tại Bà Điểm cuối năm 1939, do tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Nhưng hoàn cảnh tiếp cận văn bản đó thật li kỳ: hồi còn ở Tà Lài ông chỉ nghe qua do các bạn tù phổ biến, nay muốn nghiên cứu lại thì sau khi hỏi han không gặp được ai nhớ lại cho đầy đủ, cuối cùng mới may mắn tìm được một số đoạn chép tay rời rạc giấu trên mái lá của chuồng trâu trong nhà một đồng chí quen biết! Cố gắng tiếp thu cái thần của nó rồi đem so sánh với những điều mà ông biết trước đó, ông nhận thấy đã có sự di chuyển quan trọng về chỉ đạo chiến lược: trong hai nhiệm vụ phản đế và cải cách điền địa của cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo, thay vì nghiêng về hướng cải cách điền địa như nhiều năm trước đây, Nghị quyết 1939 đã đưa vấn đề chống đế quốc lên hàng đầu, coi đó như nhiệm vụ “chính cốt”. Điều này phù hợp hoàn toàn với tình thế bấy giờ ở Việt Nam, khi chiến tranh nổ ra đẩy các thế lực đế quốc vào chỗ suy yếu tạo điều kiện cho các thuộc địa vùng lên giành độc lập và gác lại các vấn đề khác của cách mạng vô sản. Nhận định này của Trần Văn Giàu, tuy không được chỉ đạo của Trung ương nhưng cũng phù hợp với Nghị quyết của Trung ương tháng 5-1941, coi thời cơ giành độc lập đã đến, chủ yếu khai thác triệt để sự xâu xé lẫn nhau giữa Pháp và Nhật, biểu hiện rất rõ qua chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và đã lãnh đạo thành công khởi nghĩa ở Bắc và Trung.
Xứ uỷ Nam kỳ – do ông vận động thành lập vào tháng 10 năm 1943 và được bầu làm bí thư –, vì cách bức về liên lạc, không nhận được bất cứ chỉ thị nào của Trung ương, nhưng cũng đã nhìn thấy cơ hội đó, để có những hành động thích hợp và đã thành công. Điều đó đã biểu hiện rõ ràng qua nhận thức của ông Giàu trong việc xác định “đối tượng trực tiếp” mà khởi nghĩa cách mạng cần đánh đổ ở Nam kỳ: đó sẽ không phải là thực dân Pháp (vì đã bị Nhật tước khí giới) cũng không phải là phát xít Nhật (vì Nhật đã đầu hàng) mà là “chính quyền bù nhìn” do Nhật dựng nên, mà chính quyền này lại “đang rệu rã và không có ý chí đề kháng đáng kể”, cho nên nếu trung lập hóa được quân Nhật thì việc đánh đổ chính quyền ấy “sẽ thành công nhanh chóng và không gặp khó khăn gì lắm”. Phân tích ấy của ông Giàu xác nhận rằng tương quan lực lượng đã thay đổi hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Và điều đó hàm nghĩa rằng các đảng phái, tôn giáo phi cộng sản, dù có quần chúng và vũ khí, xưa nay thường dựa vào phát xít và thực dân để hoạt động nay hoàn toàn thất thế. Vấn đề chỉ còn là thời cơ và thời cơ cũng đã đến như một món quà giúp những chuyên viên nổi dậy mở màn và chấm dứt cuộc giành chính quyền nhanh chóng và không mấy khó khăn: nghìn năm có một, một khoảng trống về quyền lực nhà nước đã xuất hiện, khi cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 của Nhật đối với Pháp diễn ra rồi sau đó không lâu Nhật phải đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945) vì hai trái bom nguyên tử của Mỹ.
***
Ông Giàu cho rằng những cố gắng của ông dù sao cũng chỉ là những mò mẫm “bất đắc dĩ”, không tránh khỏi sai biệt và cả sai lầm khi so với đường lối của Trung ương. Đọc hồi ký ông viết, không thấy ông nói đến những sai lầm, cũng không thấy nhắc đến những điều ông bị Trung ương phê phán một cách chính thức, nhưng chỉ thấy ông nói đến những sai biệt và cho rằng những sai biệt ấy là sự vận dụng những nguyên lý vào những điều kiện khác nhau, vấn đề là xét xem sự vận dụng ấy có mang đến thành công hay không. Biện luận này của ông đã được thực tế xác nhận qua những chuẩn bị chu đáo của xứ uỷ Nam kỳ về mặt chủ quan để đón nhận những thuận lợi do thời cơ mang đến.
Tuy vậy, khi đem đường lối mà ông Giàu áp dụng ở miền Nam, so với đường lối Trung ương để xét vấn đề một cách tổng thể, chúng ta thấy nhiều so le quan trọng, quan trọng nhất là thiếu một nội dung cụ thể để hình thành mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc trong tình hình đặc biệt của Việt Nam vào lúc bấy giờ. Mọi người đều biết, trong khi Trung ương, chủ trương cố ý che giấu bớt nguồn gốc cộng sản của chính quyền mới thành lập (sau đó không lâu đã phải công khai tuyên bố giải tán Đảng để đưa vào bí mật) thì trong cuộc diễu hành 2 tháng 9 ở Sài gòn, như ông Giàu đã mô tả trong hồi ký, cờ búa liềm lại quá nặng vì quá lớn khi được dương lên! Mọi người cũng đều biết, trong tình thế bị cách biệt hoàn toàn với với “phe dân chủ ” (cách mạng Trung quốc chưa thắng lợi), lại bị đủ loại thế lực chống cộng sản (trong và ngoài) bao vây tứ phía và thực dân Pháp thì chuẩn bị trở lại phục hồi sự thống trị bằng vũ lực, Trung ương đã chủ trương hoà hoãn, thương lượng bằng nhiều cách để chuẩn bị đối phó thì trong Nam ông Giàu, mặc dầu hiểu rõ sự cần thiết của Mặt trận, nhưng vẫn cứ bám chặt vào những chuẩn mục cách mạng vô sản mà Lenin đã áp dụng ở Petrograd, qua đó phân tuyến ta địch để xử lý các vấn đề nẩy sinh, nhất là trong nội bộ dân tộc.
Trước những khác biệt về chủ trương chiến lược đó, thái độ của ông Giàu với một số cán bộ lãnh đạo Trung ương, đặc biệt với Hoàng Quốc Việt là người đại diện của Trung ương được cử vào Nam sau ngày 2-9-1945, có nhiều điều phức tạp hơn những gì ông đã viết. Không phải ông không đúng khi cùng với Phạm Ngọc Thạch phản đối lệnh của Hoàng Quốc Việt giải tán Thanh niên Tiền phong vì tổ chức này thực chất do xứ uỷ lập ra nhờ khôn khéo tranh thủ được sự đồng ý của Nhật, dùng làm bình phong tập hợp một cách rộng rãi công khai và các tầng lớp quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa và thực tế đã đóng vai trò cực kỳ lợi hại trong khởi nghĩa. Sự phẫn nộ của ông Giàu cũng chính đáng khi thấy Hoàng Quốc Việt đứng ra xin tha cho Trần Văn Vi vì ông này trong khi được xem là nhân vật số 1 của xứ uỷ Giải phóng lại chính là người, theo sự trình bày của ông Giàu, “đã dẫn đầu mấy ngàn tín đồ Hoà Hảo có vũ trang kéo vào Cần Thơ, tháng 9 năm 1945, đòi nắm chính quyền trên 7 tỉnh miền Tây Nam Bộ”. Chúng ta không có điều kiện để biết lý do hành động thật sự của Hoàng Quốc Việt, nhưng giả định sự trình bày của ông Giàu là đúng trong những trường hợp nói trên, thì một cách khách quan cũng không vì thế mà có thể cho rằng trong rất nhiều trường hợp thái độ của ông Giàu là đúng hoàn toàn.
Hãy thử so sánh chủ trương của xứ uỷ Nam kỳ qua ứng xử của Trần Văn Giàu với ứng xử của Trung ương qua hành động của Hồ Chí Minh – thí dụ đối với vua Bảo Đại, với phe Tàu Tưởng (có cả những lực lượng bản xứ tùng theo để chia quyền với cộng sản) sang Việt Nam giải giới quân Nhật, với việc thương lượng với thực dân Pháp để có thời gian chuẩn bị cho cuộc tranh đấu mới … – thì không thể cho rằng ý kiến của Hoàng Quốc Việt, với tư cách đại diện của Trung ương, là sai lầm trong mọi trường hợp. Nhất là những ứng xử liên hệ đến sách lược liên minh hành động với những thế lực bản địa (như với phe Hoà Hảo và Đệ Tứ…) hoặc các quyết định có ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu toàn cục (như phát lệnh kháng chiến toàn quốc). Nhìn chung, ta có thể cho rằng nếu đường lối của xứ uỷ Nam kỳ do ông Giàu lãnh đạo đã sáng tạo ra những hình thức táo bạo, linh hoạt, tạo được sức mạnh vượt qua các phe phái (thân Nhật, phi cộng hoặc chống cộng) để tiến lên giành quyền lực cho cách mạng thì xét trên tổng thể và lâu dài lại không hoàn toàn thích đáng.
Ý nghĩa của đường lối ấy chỉ tỏ ra có hiệu lực tích cực vào một thời cơ đặc biệt thuận lợi nào đó về mặt chiến thuật, ở đó cuộc khởi nghĩa có điều kiện phát triển tốt nhất và kết thúc nhanh chóng nhất ngay tại các trung tâm đầu não của địch theo mô hình Petrograd – nói cụ thể là vào khoảng từ 9-3-1945 (ngày Nhật đảo chánh Pháp) đến 14-8-1945 (ngày Nhật đầu hàng đồng minh), chứ không thể vượt khỏi thời điểm ấy để trở thành định hướng cho cả giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ chống đế quốc mà nội dung của nó đã được khẳng định từ lâu về mặt lý luận là cuộc cách mạng tư sản dân quyền trong đó mặt trận dân tộc thống nhất là công cụ quyết định để Đảng cộng sản tập hợp lực lượng thực hiện các chương trình tối thiểu của mình.
***
Khi nhìn lại mọi việc, chắc hẳn ông Giàu biết rõ điều đó và cũng chỉ muốn Trung ương Đảng thông cảm với tinh thần trách nhiệm cách mạng cao nhất của ông trong những giới hạn của hoàn cảnh mà ông không thể vượt qua, quan trọng nhất là không thể liên lạc được với Trung ương trong suốt quãng thời gian nói trên. Tuy vậy khi đọc hồi ký của ông chúng ta lại thấy ông tỏ ra khá bực bội với “mấy ông lớn trong Trung ương”, trong đó có Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, nguyên nhân như ông trình bày là do ông nghĩ rằng mấy “ông lớn” đó, đặc biệt Hoàng Quốc Việt, đã đứng hẳn về phía những kẻ đã đặt điều vu cáo cho ông nhiều tội lỗi tầy đình nên luôn luôn tỏ ra thành kiến và đánh giá ông một cách không công bằng, ngay trong những ngày diễn ra cách mạng tháng 8 và cả về sau này nữa.
Hồi ký của ông đã để ra nhiều đoạn nói đi nói lại nhận định này mà theo sự trình bày của ông là hoàn toàn bất công và sai sự thật, bao gồm mấy việc quan trọng như sau: 1935, bị bắt ông đã đầu hàng và khai báo một đảng viên cộng sản Pháp có nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương; 1941 ông được Pháp tổ chức cho vượt “căng” Tà Lài để ra ngoài giả bộ hoạt động cách mạng nhưng thật sự là “phá cộng sản”; 1944 không hiểu sao người ta lại cho rằng ông đã chỉ điểm một đồng chí ở Trung ương được cử vào Nam để điều tra “vụ Trần Văn Giàu”; 1945 theo Nhật lập ra Thanh niên Tiền phong và lấy “cờ vàng sao đỏ” làm biểu tượng cho tổ chức này để đối lại với “cờ đỏ sao vàng” của Việt Minh. Còn nhiều chuyện khác nữa nhưng kết lại mọi việc đều quy về một tội khủng khiếp đối với một người Việt Nam và hơn nữa một người Việt Nam theo nghề “cách mạng chuyên môn”: đó là tội thoả hiệp có hệ thống với các loại kẻ thù của dân tộc, từ Tây đến Nhật, để bán đứng đồng chí và phá hoại cách mạng. Một cái tội như vậy thật đáng chết, như phe xứ uỷ Giải phóng đã từng tuyên án đối với ông, thực chất chỉ là hoàn toàn vu cáo, vậy mà sau này khi ra công tác ở chiến khu Việt Bắc 1951, ông đã bị Hoàng Quốc Việt dựa vào đó để hỏi cung suốt một buổi tối chỉnh huấn, có một anh cố vấn Tàu “trẻ bân” ngồi nghe bên cạnh một tay phiên dịch!
Đối với một người cộng sản kỳ cựu như ông, những cung cách ứng xử miệt thị và nghi ngờ ấy là cực kỳ đau đớn, nhục nhã cho nên sau nhiều lần muốn chết đi cho xong, ông đã gượng dậy, quyết chí bỏ công đi tìm nhân chứng, hồ sơ, lật lại các sự việc để minh oan cho mình, kết quả là trong rất nhiều trang hồi ký từng việc một đã được xới lại và xuất hiện trở lại với những chi tiết thực sự của chúng. Tất cả đều chứng minh là ông vô tội. Tất cả đều được ông kết luận là do sự vu cáo của hai nhân vật trong xứ uỷ Giải Phóng tên là Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự mà ra. Chính những kẻ xấu này đã tìm cách vu cáo ông tạo nên nghi kị của Trung ương với ông.
Vấn đề “hai xứ uỷ”[5] trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ chủ yếu với hai nhân vật Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự nói trên (ông Giàu không kéo vào đây một số nhân vật khác) vì vậy đã trở thành đầu mối gây nên oan khuất cho ông. Theo sự trình bày của ông thì cái gọi là xứ uỷ Giải phóng này chỉ bao gồm một số phần tử rất ít của xứ uỷ cũ còn sót lại sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1940, không hoạt động gì cả mà chỉ nằm im chờ thời. Sau khi ông Giàu lập ra xứ uỷ mới (tháng 10-1943) và hoạt động một thời gian, đến tháng 4-1945 (sau Nhật đảo chánh) thì từ “căng” Bà Rá trở về, Trần Văn Vi mới cho khôi phục lại xứ uỷ cũ ở Mỹ Tho, có Bùi Văn Dự làm phó ( và vì có cơ quan tuyên truyền mang tên Giải phóng, nên gọi là “xứ uỷ Giải phóng” để phân biệt với xứ uỷ do ông Giàu lập ra mang tên “xứ uỷ Tiền phong” vì có tờ báo mang tên Tiền phong). Nghe biết việc này ông Giàu đã tìm cách gặp họ để đặt vấn đề thống nhất nhưng không có kết quả sau nhiều lần thương lượng; và lý do họ nêu ra để không thể hợp tác được với Trần Văn Giàu là vì Trần văn Giàu là một Việt gian phản cách mạng với nhưng tội lỗi đã kể trên, đính chính thế nào họ cũng không nghe. Trong hồi ký, sau khi ngẫm nghĩ cả một đời, ông Giàu vẫn viện ra ác ý, lòng đố kị tầm thường của con người để giải thích sự vu cáo đó. Ông nói rằng nếu như mình là một anh bí thư của một chi bộ xã ở một xó Đồng Tháp Mười nào đó thì chẳng sao, nhưng đằng này ông lại là bí thư xứ uỷ lừng lẫy tên tuổi và tài năng nên mới bị ganh ghét, như ý nghĩa một câu Kiều: chữ tài liền với chữ tai một vần! Có chỗ ông nại thêm lý do: trong khi ông tìm mọi cách mà không gặp được Trung ương để giải thích thì do họ liên lạc được nên họ mới có cơ hội để gièm pha làm cho Trung ương hiểu sai về ông.
Giả sử như tin vào những gì ông Giàu trình bày chúng ta không thể không nêu ra câu hỏi sau đây: tại sao với một sự vu cáo tầy trời như vậy mà nhiều lần cho điều tra, Trung ương vẫn cứ tin vào lời lẽ vô lý, thiếu bằng cớ của những kẻ cố ý hại người đó? Nhất là dễ tin đến mức suốt trong một thời gian dài, trong khi vẫn tiếp xúc với phe Giải phóng để nghe họ thì Trung ương lại cố tình né tránh không liên lạc trực tiếp với ông để làm cho ra lẽ? Ông cũng cho biết từng đưa nhiều người ra Bắc liên hệ để tường trình mọi việc nhưng kết quả lại tồi tệ hơn: cuối cùng Hoàng Quốc Việt đại diện Trung ương vào Nam không phải để giải oan hoặc xử lý ngay cho ông mà phải sau một thời gian xảy ra bất đồng rồi mới kết luận rằng Trần Văn Giàu “vô kỷ luật, vô chính phủ” phải được (cùng với Phạm Ngọc Thạch) đưa ra Bắc!
***
Chúng ta cảm động khi đọc những lời thống thiết của một người viết hồi ký mà mục đích không có gì hơn là muốn đòi lại sự thật cho mình để được thanh thản ra đi vĩnh viễn, nhưng rất ngần ngại khi xem những lý giải của ông về những oan khuất mà ông phải chịu đựng là hoàn toàn thoả đáng. Ông đã nhập hai vấn đề làm một: một bên là những lời vu cáo giả định đến từ những kẻ ganh ghét ông và một bên là những sai biệt, có thể nói cả những bất đồng, của ông với Trung ương và bị Trung ương phê phán. Thực sự đó là hai vấn đề mà cái logic toát ra từ những gì ông viết trong hồi ký đã cho chúng ta thấy như vậy: hai vấn đề dó khác nhau, mỗi vấn đề có những tính chất riêng, có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất. Vấn đề khác biệt về đường lối giữa xứ uỷ Nam kỳ với Trung ương đã được nói ở trên: nó bộc lộ thật rõ trong quan điểm lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ giữa hai bên và cả trong việc ông Giàu bày tỏ quyết liệt sự bất đồng của mình với Hoàng Quôc Việt sau ngày 2 tháng 9 ở Sài gòn trong một số chủ trương cụ thể. Những sai biệt và bất đồng này là có thật, phần lớn do hoàn cảnh khách quan quy định, không thể dựa hoàn toàn vào những tị hiềm cá nhân để giải thích.
Còn về những ân oán giữa ông và mấy nhân vật của xứ uỷ Giải phóng có thể cũng không hoàn toàn đơn giản như ông diễn giải. Những điều mà họ vu cáo cho ông cực kỳ trầm trọng, trong thực tế chỉ là những tin đồn. Có thể do ganh ghét cá nhân mà bịa ra nhưng vẫn chỉ là tin đồn, không thể bỗng dưng dựng nên những chuyện động trời như vậy mà có thể làm hại ngay được người ta, bằng cớ là uy tín của ông – trừ việc bị phe chống đối bên ngoài bôi nhọ (cho đến nay vẫn bị những chuyên viên chống cộng tiếp tục khai thác) –, lại không hề sứt mẻ đối với quần chúng, với các đồng chí của ông trong xứ uỷ do ông lãnh đạo, với cả những người từ chối “khử” ông khi được phe Giải phóng xúi giục, do đó việc chuẩn bị cuộc khởi nghĩa cho đến ngày thành công đã không bị ảnh hưởng. Phân tích theo một hướng khác, cũng có thể xem những tin đồn ấy đã bắt nguồn từ những sự kiện đáng nghi ngờ mà vì một lý do nào đó, chưa thể xác minh hoặc xử lý nên có thể kéo dài trong dư luận, khiến những mơ hồ ban đầu trầm trọng thêm vì những đồn đãi mới, những yếu tố mới nẩy sinh trong đó không thể không nói đến những bất đồng về quan điểm giữa các nhóm khác nhau trong bản thân hàng ngũ cách mạng trước tình hình mới ở Nam bộ, nhất là trong điều kiện thiếu vắng sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương.[6]
Dù sao thì tạm gác lại những khía cạnh phức tạp khác của vấn đề chưa có điều kiện để làm rõ ở đây (nhất là quan điểm đầy đủ và khách quan của nhóm “Giải phóng”) mà chỉ xét chuyện họ quy tội ông Giàu, chúng ta thấy trong tất cả các thứ mà họ nêu ra đều liên hệ đến chuyện “làm tay sai cho địch”, thật ghê gớm đối với nội bộ những người cộng sản, nhưng nhìn sâu vào hiện tượng thì trong đó lại có những chuyện ai cũng có thể nhận ra sự phi lý của chúng và có thể phủ nhận hết sức dễ dàng – như ông Giàu đã làm – vì có rất nhiều người hợp tác với ông, biết rõ sự việc vẫn còn sống và đang giữ những chức vụ quan trọng có thể viện ra làm nhân chứng (như trong chuyện vượt “căng Tà Lài”, chuyện “cờ vàng sao đỏ” của Thanh niên Tiền phong…). Tuy vậy trong những tố cáo lại có một chuyện khởi đầu hơi mập mờ đó là việc năm 1935 một đảng viên cộng sản Pháp làm nhiệm vụ liên lạc với Đông Dương tên là Deschamps bị bắt sau khi ông Giàu đi tù không lâu, từ đó sinh ra nghi vấn đây đó về việc người đảng viên liên lạc bị bắt là do ông Giàu khai báo. Ông cho đó là không đúng nên sau này đã tìm ra mọi bằng cớ chứng minh được rằng kẻ khai báo Deschamps là một nhân vật khác, không dính dáng gì đến ông. Nhưng vào lúc bấy giờ, phần ông thì tiếp tục ở tù (5 năm), phần “đoàn thể” của ông thì vì hoạt động trong bí mật, cách bức, chưa có cơ hội để thẩm tra, cho nên mọi việc đã trở thành tiếng đồn treo lở lửng trên số phận chính trị của ông, rất dễ để những người ganh ghét hoặc bất đồng với ông khai thác. Tiếng đồn đó là có cơ sở trong thực tế chứ không phải vu vơ. Nếu Trung ương có bị tác động bởi những báo cáo loại này từ nguồn tin của “phe Giải phóng” thì cũng chỉ là những thông tin để cảnh giác và điều tra chứ không thể để tuỳ tiện và dễ dàng kết luận như ông đã suy luận rằng “các ông lớn Trung ương” đã đứng về phe bên kia để “trù” ông.
Trong phần cuối của hồi ký, ông Giàu có kể một sự kiện chứng tỏ nhận xét trên đây là có cơ sở: đó là việc đầu năm 1988 ông được Lê Đức Thọ – mệnh danh lão Sáu Búa lừng danh mà chỉ nghe tên ai cũng ớn – mời cơm cùng một số đồng chí lão thành tại Sài gòn, nhân đó ông có đề nghị Lê Đức Thọ khi về Hà Nội can thiệp với Ban tổ chức Trung ương ra văn bản khẳng định tính chất không có cơ sở của những vu cáo về ông bấy lâu nay. Lời đề nghị được chấp nhận và một tháng sau ông Giàu nhận được quyết nghị do Nguyễn Đức Tâm (đang làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay Lê Đức Thọ) ký, trong đó có những xác nhận làm ông hài lòng, duy chỉ có vụ Deschamps 1935 thì vẫn quy trách nhiệm cho ông. Tất nhiên ông Giàu khiếu nại vì ông vẫn cho là mình vô tội, mặc dù những gì ông kể trong hồi ký về vụ này còn có nhiều chỗ mập mờ (nhất là việc ông nhận khi bị bắt có khai này nọ, chứ không kiên cường được như Trần Phú) làm người ta có thể suy diễn vấn đề theo hướng khác. Dù sao với một nhà cách mạng trung kiên như ông thì một cái kết thúc như vậy cho cả một đời buồn phiền vì tai tiếng cũng có thể gọi được là thắng lợi “về cơ bản” rồi.
Điều đó chứng tỏ rằng, nếu có bị Trung ương phê bình thì những phê bình ấy chủ yếu không hề phát xuất từ mấy chuyện ông bị vu cáo đã bán mình cho Tây, cho Nhật: mấy chuyện động trời này mà lúc bấy giờ bị Trung ương cho là cần xử lý thì đời ông chắc hẳn đã chuyển sang hướng khác hoàn toàn rồi. Trái lại, sau ngày 2 tháng 9, 1945, sau khi bị Hoàng Quốc Việt ngưng chức xứ uỷ Nam kỳ, chuyển ông ra Bắc gặp Trung ương (chắc chắn là để kiểm điểm), khi ông đề đạt nguyện vọng được sang Mặt trận Biển Hồ (Campuchia) hoạt động tiếp tế cho kháng chiến Nam bộ thì được chấp nhận ngay, không có gì cần thẩm tra lâu dài. Đầu năm 1947, ông được điều động về Việt Bắc đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin. Năm 1951, trong một đợt chỉnh huấn theo kiểu Mao, bị Hoàng Quốc Việt đem chuyện cũ ra hoạnh hoẹ, nhưng cũng chẳng làm gì được ông. Năm ấy ông vẫn tham gia Bộ giáo dục, để từ đó về sau luôn nhận lãnh các chức vụ quan trọng trong ngành này. Trong lí lịch của ông, vụ Deschamps thực sự chỉ còn là một vết mờ, dù chưa xoá hẳn được nhưng chẳng liên can gì đến những vu cáo động trời từng đồn đãi trong dư luận.
***
Trong lời nói đầu của cuốn hồi ký của mình, ông Giàu có viết dòng sau đây: “Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm”. Thực sự thì với tuổi đời 100 năm hiếm có của ông, ông đã bỏ ra hết 80 năm (ông bắt đầu hoạt động khi 20 tuổi) theo đuổi cuộc cách mạng cộng sản, ở nhiều nơi, làm nhiều việc, đáng chú ý nhất là 50 năm trong ngành giáo dục, nhưng khi viết hồi ký ông chỉ viết về 5 năm ngắn ngủi, 1940 đến 1945, ngắn ngủi nhưng ông cho rằng đó là thời gian ông “sống có chất lượng hơn hết”. Nói cho chính xác về khoảng thời gian này thì phải tính từ cuối năm 1941 khi ông vượt “căng” Tà Lài ra hoạt động cho đến ngày ông lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8 ở Nam bộ. Hầu hết thời gian trước khi ra khỏi Tà Lài ông đều sống trong tù. Sau ngày 2 tháng 9, 1945, không theo thủ tục quy định do Hoàng Quốc Việt đề ra, ông đã tự tiện phát tán “Lời kêu gọi kháng chiến”, để liền sau đó tự nói với mình: “Thế là đời chính trị của Trần Văn Giàu đã hết”.[7] Có nghĩa là cuộc sống “có chất lượng” của ông gom vào những ngày tháng ngắn ngủi ấy cũng đã hết.
Hiểu theo nghĩa rộng thì thật sự sau đó ông vẫn chưa dứt khỏi nghề làm làm chính trị vì ông vẫn còn là một đảng viên cộng sản và còn tin tưởng mãnh liệt vào Lenin (và cả Stalin) mà ông thần phục từ thời thanh niên. Nhưng có một cái gì đó không còn gì là khí thế vốn có của ông trong mấy dòng chữ sau đây: “Kiểm lại, tôi thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác, việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữa vững nhân cách Việt Nam”. Nhẫn nhục, khiêm tốn và đã mất đi hoàn toàn cái hơi hám của thứ “chính trị” định nghĩa như một thái độ dấn thân đầy hứng khởi, sáng tạo để biến đổi thế gian cùng với cái ý chí mãnh liệt của một người muốn ghi tên mình vào hàng ngũ những lãnh tụ thay đổi thế gian như trong những ngày Cách mạng Mùa thu ở Sài Gòn.
Nhưng cũng qua những gì ông viết về những ngày làm “chính trị” có nội dung trên đây như một hoài niệm mà chúng ta biết được những gì đã diễn ra thực sự ở Nam bộ và vai trò thực sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Mùa thu đó: đó sẽ là những tư liệu sống của một người cộng sản vẫn còn đủ lòng tự trọng để nói lên sự thật, giúp những người viết sử về sau dựng lại trung thực hơn những gì họ đã viết, đặc biệt làm rõ hơn mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa lãnh đạo và tự phát, ghi nhận tính sáng tạo đa nguyên trong đấu tranh cách mạng, từ đó hy vọng chấm dứt được các thứ lý giải có tham vọng không chính đáng muốn quy mọi hiện tượng phức tạp về một đầu mối giả tạo,[8] và cũng căn cứ vào đó chấm dứt việc khái quát hoá những sai lầm có giới hạn của ông trong cuộc khởi nghĩa lịch sử ấy.
Riêng với tôi, một kẻ hậu sinh không quen ông đến độ thân thiết, từ đất Sài gòn này, cũng có một thời theo tiếng gọi của Marx, của Lenin mà đi theo con đường làm cách mạng vô sản, nay không còn tin tưởng bao nhiêu vào con đường ấy nữa, nhưng đọc hồi ký của ông, tôi vẫn quý trọng ông như một tiền bối, chăm chú theo dõi những việc ông kể về lịch sử đất nước để mong hiểu thêm lịch sử của con người ông nhiều hơn: tôi đã hiểu ông như một chiến sĩ vô sản của đất Nam kỳ mà sự cá biệt độc đáo trong tính cách của ông đã vượt qua rất xa vai trò ông giữ trong cái tập thể mà ông muốn phụng sự suốt đời. Ông đam mê, kiên cường, chết sống cho sự nghiệp chung cũng là để thể hiện vị trí cá nhân của mình đến chỗ cao nhất. Nhưng cũng chính từ tham vọng “chính trị” ấy ông đã bước ra ngoài cái chuẩn mực mà lý luận cách mạng của ông đã quy định thành lý do tồn tại cho cái “đoàn thể” hiện thân cho thứ lý luận đó. Có lẽ từ đó ông tạo ra bi kịch, oán thù, hiểu lầm, và tiếc nuối cho mình. Và cũng chính vì vậy mà khi ông làm cộng sản không có Trung ương lãnh đạo thì ông sống một cuộc sống “ có chất lượng”, tuy bị tai tiếng nhưng đầy say mê và đạt được vinh quang tột đỉnh. Còn khi ông trở về làm cộng sản có sự lãnh đạo của Trung ương, thì tuy vẫn có thể trở thành anh hùng nhưng thâm tâm dường như ông vẫn coi đó chỉ là một thứ anh hùng “phải đạo”, anh hùng xó bếp. Một thứ anh hùng chấm dứt “anh hùng”. Một thứ chính trị hết còn là “chính trị”.
***
Hồi ký ông viết đã lâu nhưng chỉ cho xuất hiện sau khi ông mất khiến chúng ta không khỏi bùi ngùi nhận ra trong hành vi đó ý nghĩa một cuộc dấn thân tổng lực cuối cùng nhằm vớt vát lại sự chói sáng cho một vầng hào quang đã bị cái thực thể mà ông phấn đấu hy sinh suốt đời làm lu mờ đi. Cái hậu mà hồi ký của ông gợi ra có thể làm yên lòng những người quý mến ông nhưng với ông có thể chỉ là thời điểm để ông nhớ lại “những đồng tuyết năm xưa” nhiều hơn. Đó là một cái hậu, hiểu theo nghĩa “chính trị” của ông, có vẻ như không có gì gọi được là “cách mạng vô sản” cả!
Chú thích
[1] Đăng nhiều kỳ từ tháng 12/2010 đến tháng 3/2011 trên hai trang mạng Diễn Đàn và Viet-Studies, đăng lại tòan bộ như Phụ Lục trong số Thời Đại Mới này.
[2] Theo nhận xét của Hoàng Tùng thì Trần Văn Giàu là một trong những người học ở Liên xô về có ý xem thường Nguyễn Ái Quốc, cho ông này là “dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém” (Diễn Đàn, số 123, tháng 11-2002). Cũng cần chú ý một chi tiết này: lúc bấy giờ, khi nhắc đến Nguyễn Ái Quốc, trong hồi ký, ông Giàu đã gọi bằng “anh”: “Bây giờ Nguyễn Ái Quốc còn sống không, nếu còn thì làm sao anh biết được mọi uẩn khúc ở Nam Kỳ?” Trong một bài viết trên một tạp chí nào đó (tôi quên tên LP), ông Giàu thuật lại chuyện gặp Nguyễn Ái Quốc lần đầu (lúc ấy đã là Hồ Chí Minh) và cũng gọi bằng “anh” nhưng đã bị Hồ Chí Minh khuyên không nên gọi như vậy mà nên xưng hô như mọi người.
[3] Xem Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất thành đến Hồ Chí Minh, Chương “Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_ViecThanhLapDCSVN.htm
[4] ] Xem Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu – Nghe thầy kể chuyện, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2011, tr. 60 -71.
[5] ] Xem Phan Văn Hoàng: “Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu và Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam bộ”, Hồn Việt 27-9-2010, http://honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Bi-thu-Xu-uy-Tran-Van-Giau-va-Cach-mang-thang-Tam-.aspx
[6] Vấn đề phân hoá chính trị, tôn giáo đặc biệt xảy ra náo nhiệt ở Nam kỳ trong giai đoạn Nhật Pháp ghìm nhau thống trị Việt Nam vào thời kỳ 1940-1945 là một chuyên đề quan trọng cần được nghiên cứu, trong đó sự phân liệt không phải chỉ bộc lộ qua những phe phái khác nhau, mà còn thể hiện trong bản thân những tổ chức cùng một đường lối chung trong đó có cả những tổ chức mệnh danh “cộng sản”, như trong phe Đệ Tứ (Nhóm La Lutte của Tạ Thu Thâu, nhóm Militant của Hồ Hữu Tường, nhóm Octobre của Lư Sanh Hạnh) cả trong hàng ngũ Đệ Tam nữa: về mặt này nếu không kể sự khác biệt giữa Bắc và Nam mà chỉ nói đến Nam bộ thôi thì sự xung đột giữa “hai xứ uỷ” (“Giải phóng” và “Tiền Phong”) không thuần chỉ là vấn đề ganh ghét giữa những cá nhân. Có thể xem vài ghi chép sơ lược của Nguyễn Văn Trấn trong cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội (sách chuyền tay xuất hiện ở Việt Nam năm 1995) về cuộc tranh luận giữa báo Giải phóng (của phe “Giải phóng”) với những luận điểm trong một số bài viết của Trần Văn Giàu (ký Xuyên Vân Nhạn) để phát triển thêm đề tài này.
[7] Trần Hữu Phước ghi: “Trần Văn Giàu “không phải là người buông giáo”, Hồn Việt 9-4-2011 http://honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Tu-lieu-lich-su/Tran-Van-Giau-khong-phai-la-nguoi-buong-giao.aspx
[8] Trong phần 4 của Hồi ký, ông Giàu có than phiền về cách viết sử xuyên tạc đó như sau: “Sau 9-3-1945, chị Mười Tốt [(Nguyễn Thị Thập)] còn ở Mỹ Tho, vậy mà theo một đoạn hồi ký của Thép Mới (in ấn năm 1995, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám), có bài của Thép Mới nói rằng, tháng 3 năm 1945, có chị Mười và Dân Tôn Tử có mặt ở Bắc và Trường Chinh đã trao cho họ chỉ thị: “Nhật-Pháp đánh nhau, hành động của chúng ta”. Ôi! Chị Mười khi ấy ở Mỹ Tho và Dân Tôn Tử (tức đồng chí Trần Văn Vi), ngày 10-3-1945, mới ra khỏi căng (trại giam) Bà Rá thì làm sao họ đem Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9 tháng 3 về Nam được? Bịa như thế thì than ôi, cũng có người tin, hễ tin như vậy thì tất phải đặt câu hỏi: “tại sao được chỉ thị của Trung ương mà Xứ uỷ Nam Kỳ và anh Giàu không làm theo?”. Sao mà bày đặt ác thế? Ác thế để làm gì? Bịa trắng trợn, sao mà sách ở một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội lại đăng? Tai hại cho lịch sử quá.”
Source : Thời Đại Mới
11-5-2011
27/8/11
Phan Mộng Hoàn - Trâu xanh có cánh
Trâu xanh có cánh
Phan Mộng Hoàn
Cô gái nhỏ diện áo dài gấm hồng quần lụa trắng, chân mang hài lục có thêu cườm lấm tấm màu vàng anh. Mẹ sáng nay chải tóc cho con gái, trên đỉnh đầu cô nhỏ không còn xoắn kiểu bánh bèo nữa mà thay vào đó là chia hai mái tóc đen mượt và đánh thành hai con rít có thắt mỗi bên chân rít một cánh nơ hồng. Trông cô bé xinh xắn như con búp bê vẫn thấy chưng trong tủ kính tiệm Morin. Tết năm nay Mai Hồng đã 10 tuổi, nghỉ Tết dài ngày từ trường nội trú Sainte Marie trên Kim Long, me đón cô bé về nhà cho thỏa thuê vui thú với gia đình.
Đầu con hẽm gần sát nhà ba me và xóm Ao hồ, mới sáng tửng bưng đã mọc lên hai ba tụm “cờ bạc”. Bầy con nít xúm xít vòng trong vòng ngoài hưởng ứng mấy trò chơi ngày Tết. Nhất Lục và Bài Vụ. Bàn Bài vụ là nơi Mai Hồng chôn chân lâu nhất. Nhìn hai ngón tay lành nghề của chủ cái, nắm nhẹ đuôi tre của con vụ tám mặt. Cái khẽ xoắn hai ngón tay, vụ bung ra xoay tít, xoay hoài, mãi mới dừng lại nằm yên, phơi hình một con thú thắng.
Con vụ xinh xinh mang trên lưng bao nhiêu là con vật quen thấy hàng ngày, từ bao giờ đã được hoạ sĩ dân gian vẽ nên những hình tượng ngộ nghĩnh với bao nhiêu là màu sắc sặc sỡ. Chú heo đen tròn trĩnh trên lưng ẩn hiện vài nét trắng mỏng. Chàng ngựa đỏ chói ngẫng đầu tung vó. Bác trâu xanh ngơ ngác nhìn nghiêng. Bà voi trắng to lớn dềnh dàng. Thím tôm càng vễnh hàng râu. Cá thia lia mặc áo có vẫy bạc. Em ếch vàng da ửng sắc lục non, hai cẳng thì xoạc ra chựt nhảy. Ông rùa hiền lành ngái ngủ.
Mồng 3 Tết, trời Huế hửng nắng ấm áp. Cô gái nhỏ ý tứ xếp tà áo hồng, ngồi xuống kiên nhẫn xem người ta đánh bài vu. Cái là chị Bòn da đen nhẽm, vợ anh Bòn chạy xe kéo. Chị Bòn cười với cô bé, chị vốn là “máy giặt” của nhà ba me nó, nói em chơi đi, đừng có lo, nếu thua chị cũng chung cho em! Hôm trước Tết chi Bòn được me mừng tuổi nhiều thì phải. Cả năm trời chị lao động cực khổ, bệnh suyễn không rời làm khổ chị, lúc nào bé cũng nghe chi thở khò khè, nhưng miệng thì vẫn cười tươi dơ hàng nướu răng tím rịm vì ham nhai trầu. “Cái” Bòn đon đả chào mời khách đánh bài vụ. Lũ trẻ con đứa nào đứa nấy áo quần mới tinh sạch sẻ, rủ nhau sà xuống ngồi quanh trên mảnh chiếu nhỏ, ở giữa có bày tấm bìa cứng chia ô vẽ 8 con vật dễ thương.
Cô bé lăm lăm trong bàn tay tờ giấy bạc mới tinh, thầm hỏi, mình “đánh” con mô chừ hè? Hay là nuôi Trâu xanh? Còn nhớ như in, tối hôm qua, mồng hai Tết bàn Bài vụ trong nhà sôi nổi vì Trâu xanh. Dì Huyền Trâm bạn của me ghé đến chơi, đã nhất định nuôi duy nhất Trâu xanh. Dì có khuôn mặt trái soan, làn da trắng điểm phấn hồng trông xinh đẹp ghê. Nhưng lúc ấy, nhìn vào đôi mắt long lanh sắc như dao cau của dì, Mai Hồng thấy sợ quá. Bà nhất quyết ăn thua với chủ cái, là ba của cô bé. Thoạt tiên người đặt tiền đông đảo. Trên tám ô che kín những tờ giấy bạc. Bầy con nít chen chân lo le đánh cò con, người lớn ra tiền lớn. Chừng nửa giờ thì bàn bài vụ chỉ còn đáng kể giữa dì Trâm và chủ cái. Con trâu xanh thỉnh thoảng ló đầu ra rồi mất dạng, nhường chỗ cho tôm, cá, heo, ngựa…Nhưng từ đầu cho đến cuối, luôn luôn Trâu xanh được dì Trâm chiếu cố. Luật của bài vụ là Con đặt 1, Cái phải chung 7. Thường làm chủ cái bao giờ cũng vơ nhiều tiền. Mặc dù nếu con thắng cái phải chung gấp 7 lần lên. Đếm bàn bài vụ thấy có đến 8 cửa và trúng chỉ 1 cửa. Lấy 7 chỗ con bạc thua chung cho 1 chỗ trúng. Tuy nhiên người chơi càng đông chủ cái mới lời to. Đằng này dì Trâm đánh bạc kiểu liều mạng. Dì đặt 1 đồng, trâu xanh không ra. Thua, dì đặt 2 đồng, thua nữa dì đặt 3 đồng. Liên tiếp bốn năm lần trâu xanh đều biến dạng, dì Trâm vẫn tiếp tục chồng gấp 4, 5 lần lên ô Trâu xanh. “Cái” Ba hí hửng lùa tiền mệt nghỉ, me ngồi bên cạnh dì Trâm không biết bênh Cái hay bênh bạn. Dì Trâm thua xiểng liểng như thế đến hơn mươi lần mà Trâu xanh cứ lười biếng, im lìm ngủ. Mai Hồng xanh mặt dòm dì, nghĩ thầm “dì hết tiền mình hết được lìxì!” Hồi nãy dì xoa tóc nó, nói “chơi bạc xong dì sẽ cho bé tiền mai ra xóm đánh bài vụ nghe!” Rứa mà chừ cứ kiểu ni là dì Trâm toi mạng mất.
Cuối cùng lần vụ thứ 13, lúc nghiêng vai nhẹ tay mở cái tô úp con vụ hung hăng đã 12 lần khiến cho trâu xanh chết đứng, Cái hô: trâu xanh! Ngay lập tức Bé thấy ba tái mặt vì ở cửa Trâu xanh chồng cao ngất 13 đồng bạc! Bao nhiêu tiền lùa được mai chừ Cái phải lấy ra đếm chung đủ cho Con 13 lần 7! Bây giờ Con cười tươi như hoa xuân. Dì Trâm vươn vai đừng dậy, kêu lớn giọng, Trời trời mô rồi đấm lưng cho dì coi! Bé từ lâu được dì Trâm đặt tên là con “trời trời”, nó không hiểu vì sao mình bị mang tên như thế? Rồi dì dúi cho con cháu nhỏ tờ giấy bạc vẽ hình cô gái quê gánh luá. Mai Hồng theo lệnh chủ nhân Trâu xanh ôm hôn lên má dì Trâm. Nó len lén nhìn qua chủ bài vụ, thấy mặt ba chảy dài rất tội nghiệp.
Lúc này “cái” Bòn đang cười toe toét, tay chị mau lẹ vơ bạc. Cô bé quan sát lâu để ý thấy các mặt con vụ thay nhau xuất hiện, không có con mô hiện ra hoài. Cho nên nó không dám bắt chước kiểu nuôi miết một con như dì Trâm. Nhưng rồi tay Mai Hồng tự nhiên đặt tiền vào ô Trâu xanh, chị Bòn hô, cất tay! Bọn con nít im thin thít chờ đợi. Con vụ xoay tưng bừng trong dĩa được che kín, rồi cái mở nắp ra, cô nhỏ hét to: trâu xanh. Cái vui vẻ chung cho nó 7 đồng bạc nhàu nát. Lần thắng này chỉ mỗi mình nó. Mai Hồng dúi 6 đồng bạc ăn được vào chiếc ví nhỏ may bằng vải thêu hoa đeo bên cánh tay. Lần tiếp theo, nó nghỉ chơi, Heo đen chào đời. Lần kế nữa đến phiên ngựa đỏ. Cô nhỏ vẫn không đánh. Chị Bòn nhìn nó cười khuyến khích. Mai Hồng lại đặt Trâu xanh- và nó lai trúng, lại ăn 7 đồng. Cứ như thế cô gái nhỏ thủng thắng và chơi may rủi, khi chơi khi ngưng nhưng lạ chưa hể khi nào đặt tiền là quen thói đặt cửa con trâu xanh nhếch mõm cười. Cô bé lại ăn!
Buổi sáng mồng ba Tết trôi qua thiệt nhanh. Nắng chói chang chiếu lòa cảnh vật. Con đường Thượng Tứ người lui kẻ tới áo quần xênh xang. Họ rủ rê nhau vô ra thành nội thăm chúc Tết bà con xa gần. Cô gái nhỏ chợt nghe tiếng me gọi với ra từ cửa nhà mình, Mai Hồng mau vào nhà ăn bánh tt chiên rồi sửa soạn lên quê thăm nội! Nó ngồi lì ngoài sân chơi và xem bài vụ đã vài tiếng đồng hồ, lâu lâu liếc chừng chiếc túi vải căng phồng bạc ấp ủ trong lòng. Cô bé đứng vươn vai đứng dậy, khơng chào bạn bè mới quen ở xóm Ao hồ. Thằng Gió con Mưa, hai anh em thằng Đen thằng Trắng, cặp chị em sinh đôi Mai- Mót…đứa nào cũng có vẻ tiếc rẻ vì phải chia tay cô bạn xóm ngoài nhu mì dễ thương mà ngày thường chúng thấy sao mà xa lạ khó ưa. Mai Hồng vẫy tay chào từ giã Cái Bòn. Nó đi tung tăn, tay đánh đàng xa ra bộ hân hoan. Chiếc túi vải hoa có quai xách bằng giải lụa, bây giờ cầm trên tay cô bé đong đưa theo bước chân chim sẻ. Lòng nó phơi phơí vui. Buổi sáng đầu xuân mỉm cười trong gió nhẹ từ sông Hương thổi dạt dào lên phố xá làm cho không khí mát lạnh.
Mai Hồng chào cả nhà đang tụ tập chuyện vãn nơi phòng khách. Dì Trâm chưa về nhà dì dưới phố Trần Hưng Đạo, dì vẫn còn ngồi nhỏ nhẻ cắn hạt dưa lách tách, làm đỏ thắm mấy ngón tay thanh tú của bà. Dì chúm chím cười hỏi, Trâu xanh thắng hay thua rứa trời trời? Nó đưa cao túi vải khoe cả nhà. Ba với lấy chiếc ví hoa của cô gái nhỏ, để ba đếm tiền cho em* nghe ! Nó cười tươi đôi mắt đen sáng long lanh chờ lời khen của mọi người.
Ba chỉ tròn mắt nhìn Mai Hồng không nói chi. Ba chuyền túi vải hoa xinh xinh cho me. Chiếc ví xẹp lép. Me hỏi nhẹ, tiền lì xì mới ba me mừng tuổi con mô rồi ? Cô nhỏ ngơ ngác dòm quanh, uà tới me lấy lại chiếc ví đầy nhóc bạc nhờ quà của trâu xanh. Nó mở rộng túi, trong đó chỉ còn lẻ loi mấy tờ bạc nhàu nát nhưng xấp tiền mới tinh khôi ba me mừng tuổi hôm mồng một Tết đã không cánh bay mất tăm dạng. Cũng thế, những đồng bạc Trâu xanh thắng cuộc không còn đâu nữa. Tự nhiên nước mắt tươm ra chảy đầy hai ma bầu bỉnh. Mai Hồng buồn ghê lắm, nó lủi thủi đi lên lầu, vất túi vải thêu hoa hồng vào xó phòng ngủ rồi bò lên giường lớn của ba me nằm, tức tưởi mãi và con trời trời ngủ khoèo từ lúc nào.
Xuân Kỷ Sữu 2009. Nhớ tuổi thơ
Phan Mộng Hoàn - Thương để ở đâu?
Thương để ở đâu?
Phan Mộng Hoàn
Nửa khuya hôm qua tôi tỉnh giấc, xe đã đậu xịch trước parking lot nhà. Nam Trân lái xe thiệt cừ, trẻ trung có khác. Vậy là me con Minhon đã trở lại nhà bên ấy. Tôi không thèm nhớ vì buồn ngủ quá, vội lăn vào giường làm một giấc tới sáng. Dậy sửa soạn đón 2 ông tướng Sữa Càphê sẽ tới bây giờ. Bước vào nhà, cu Sữa hỏi ngay, Gấu con đâu rồi? bà nội trã lời, đã bay về VN kịp đi học.
Lòng tôi chợt xoắn vó một nỗi nhớ thằng cháu ngoại mảnh mai bé bỏng. Gấu con tròn 3 tuổi mà khôn lanh ghê. Tối hôm qua nó chỉ chỗ bà ngồi cạnh bên nó, giữa ông và Gấu. Xe trực chỉ hướng lên phi cãng San Francisco. Mommy ngồi băng trước với Nam Trân, ông ngoại trên 70 rồi nên lái xe đêm không còn tốt nữa, nguy hiểm phải nhường tay lái cho cô dâu út. Nhà cu Bơ không đưa mẹ con Nhon vì xe ba me đủ sức chở 3 thùng gọn. Toàn là đồ cho “les misérables” Huế hết 2 thùng! bởi vì trái tim tôi khi mô cũng trĩu nặng thương vòng ngoài.
Bà hỏi cháu, Gấu con thương bà không? Nó ngó chăm tôi gục gặc đầu. Thương để đâu? Cháu trã lời, để trong tim. Lại hỏi tới, tim trên hay tim dưới? hai con mắt tròn xoe viên bi chớp lóe trong bóng tối, xe đang chạy trên 101, đèn ngoài cửa xe lấp lánh vui. Nó nói mau, tim dưới! mọi người phá ra cười. Bà ôm ngực bên trái xoa xoa, tim ở đây nì, Gấu con thương bà để đây hí. Nó chúm môi cười tí tí. Bà đèo queo hỏi nữa, Gấu thương bà nhiều không? Nó chờ trã lời dứt khoát: thương! Bà cứ câu hỏi: thương để đâu? Thằng cu nhẫn nại trã lời, trong tim, chữ tim rõ ràng không ngọng không chớt tim ra “chim”. Rứa thì để tim trên hay tim dưới? tim dưới, thằng cu xác định thế và ngó chăm chú bà chờ phản ứng- cả xe cười oà ra như pháo tết. A! hèn chi Gấu Con pipi trôi bà ra vườn!
Tối nào tôi cũng mò xuống khách sạn uncle Bom ngủ với me con Minhon. Nhà này hai phòng cậu Bom sửa lại xinh xắn cho khách thân ở xa có thể trú qua đêm. Năm ngoái dành gia đình Burbank của dì Mina, New Year 2010 này vào dịp đám cưới Nam Trân- Bom dành cho chị Sui chúng tôi, mẹ cô dâu.
Gấu Con dáng cao thanh mảnh, tóc tai một đống bùm xùm kiểu nghệ sĩ, không chịu cho ai cắt ngắn, nó đòi phải nuôi tóc dài. Có hôm mommy bay qua nhà bạn chơi, gửi bà ngủ với cháu. Thế là tôi phải trong tư thế ở qua đêm với thằng nhóc. Tôi hơi lo lo vì cả đời hai mẹ con nó quấn quýt nhau không rời. Thế nhưng nghĩ kỷ, lần ở VN hè 2009, khi con gái phải bay đi huấn nghiệp BA tận Singapore gần tuần lễ, hai bà cháu hủ hỉ suốt thời gian đó mà có sao đâu, dù cho đúng vào thời kỳ cháu mọc răng bị hành sốt cao.
Lần này ở Mỹ, tôi mạnh dạn OK và “training” cho chắc cú bằng cách xuống hotel ngủ với Nhon- Gấu Con. Trời cuối tháng 5 mà San Jose còn lạnh ghê, chạy băng từ nhà trên xuống khách sạn, thằng cháu gọi thế, khuya trong vườn gió rít những cây thông thổi xạt xào, trên tít cao bóng trăng xanh xao, len lỏi cành nhìn xuống. Lạnh khiếp thế nên tôi gọi, hotel đỉnh gió hú, Nhon ôm Gấu Con trùm kín trong áo ấm dày cui vẫn rét run.
Hai tuần me con Nhon về nhà San Jose, thoắt cái đã trôi mau. Bây giờ, sáng tối tôi lang thang ra vườn, xuống khách sạn cậu Bom, lòng buồn ngẩn ngơ…đọc thơ Kiều nghe sao mà giống mình quá Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình…(?)
Cháu ngoại tôi bú bình mệt nghỉ. Nhon dặn me lời ghi trên bảng, me nhớ cho Gấu bú 3 bình một đêm! Ui chao ơi! bú dữ rứa cặm hèn chi không dầm dề nước non! Tôi sửa soạn một đống khăn lông dày, to đủ cở, quyết đối phó nạn lụt nổi trôi. Tuần lễ về đây, sáng chiều chị nuôi bà vui vẻ lượm từng lô khăn lông tẫm hương urê, đem lên nhà trên giặt sấy, cho khỏi hôi xoon căn nhà từ lâu rồi vắng mùi khai. Sáng Nhon vưà đi khỏi, cháu ngoại tỉnh giấc, cười với tôi hỏi mommy đi đâu, Me đi chơi, mua bong bóng bay, mua…Gấu thêm, mua bút màu mua… tôi thêm, mua đủ thứ! Và bà rũ cháu vào toilet pipi. Nó lăng xăng giúp bà mau lẹ tự thay quần ướt sũng, lon lon chạy ào vô phòng tắm cho bà lau rửa. Gấu than lạnh quá! Tôi vội lau mình cho nó và quấn khăn dày quanh tấm thân bé tí đang khẽ run. Trời cuối tháng 5 Cali vẫn ham rét, cháu tôi từ xứ nhiệt đới về biểu sao không lạnh. Cháu tìm trong thùng me đem về chiếc quần trắng vải để diện. Tôi đặt cho nó nick name, “ông hội đồng Cần Thơ”, vì quần dài vải mịn mặc mát hợp làn da dễ dị ứng của thằng cu. Hôm đón hai me con nó về thăm nhà, từ cửa lớn ra khỏi phòng hải quan, tôi dòm tìm mà không nhận ra dáng dấp của đôi mẹ con có lẽ Korea ra cuối cùng, mãi khi nghe ai reo lên, ‘Minhon về kìa’ mới nhìn ra. Thằng cu chạy quấn chân mẹ nó là cháu ngoại tôi.
Cu con tóc xù như tổ quạ, chân mang dép nhẹ chạy loăng quăng. Minhon trông gọn gàng dễ thương trong cái đầm trắng đơn giản, tóc chải điệu như Mina, ra vẻ giáo sư gớm! Ba anh em thằng cu xúm vào nhau thân thiết ngay. Sữa sà sát Gấu Con, Baby tức Càphê cũng thế. Chàng mít nhỏ dành đẩy xe chất đầy hai thùng. Tôi ôm hôn con gái út, Nhon nói, toàn là đồ của me không à! Ai đi về mà không lâm cảnh làm con lừa tải quà lung tung theo “order” tôi nỉ non yêu cầu. Cho bên nớ cho bên ni…
Trăng non xanh xao, gió khuya lạnh, tôi mỗi đêm xuống khách sạn của Gấu con ngủ với mẹ con nó. Cali thời tiết mát dễ chịu so với nhà Nhon thuê ở vùng quận 7. Về bên đó ở với con gái, mỗi lần muốn thăm bạn bè, người quen thân, tôi phải tốn tiền taxi đi về 20 đôla, vì phần đông họ còn ở dưới Saigòn cũ, xa tít. Xe cộ người ngợm chao ơi đâu ra mà lúc nhúc chóng mặt. Buiding cao ngất mọc lên sừng sững chiếm hết bầu trời xanh nhiều mây trắng ngày xưa ấy khi cả nước chưa thống nhất Bắc Nam một nhà. Nội chiến chấm dứt, người sinh sản thêm, đời sống khó khăn. Nông thôn dân bỏ bê ruộng vườn cày cấy, tuôn ra thành phố kiếm miếng ăn…
Bà ngoại viết tặng Gấu con cuối năm 2010
4/8/11
TRẦN DẦN TRONG CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH VÌ TỰ DO DÂN CHỦ
TRẦN DẦN TRONG CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH VÌ TỰ DO DÂN CHỦ
(Thứ Tư, 20 Tháng Bảy-2011)
Tác giả : NGUYỄN THANH GIANG
NHỚ TRẦN DẦN
Ông khóc những người bay không có chân trời
Tôi khóc ông
Nước mắt ta là giọt máu hồng
Nhỏ cùng nhân thế
Nhỏ vào vũ trụ
Vẽ chân trời
Thành trái tim chung
Nguyễn Thanh Giang
Trong buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những ngọn đèn” của Trần Dần tổ chức ngày 16 tháng 6 năm 2011 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã tâm sự: Ở Việt Nam, nếu có một người xứng đáng được nhận giải Nobel thì người đó là Trần Dần. Theo Dương Tường: “Trần Dần là một người khổng lồ, không dưới 30 tập thơ, ba tiểu thuyết, không kể những bản thảo bị mối mọt hay thất lạc … Còn phải nhiều năm nữa người ta mới đánh giá được kho tàng văn học do Trần Dần để lại”. Theo Dương Thụ thì ngoài “Người người lớp lớp” Trần Dần còn có sáu tiểu thuyết nữa.
Nói chung, người ta nghĩ đến giải nobel văn học cho Trần Dần. Tuy nhiên, Trần Dần còn có thể được xét tặng một giải nobel nữa: nobel hòa bình, nobel chính trị. Bài viết này đề xuất vấn đề đó.
Người coi sáng tạo là lẽ sống –
Có thể ghi nhận những vần thơ trích trong trường ca “Hãy đi mãi” sau đây là tuyên ngôn sống của Trần Dần:
“Tôi chửa có khi nào quên táo bạo
chửa khi nào quên hát
........ quên đau .
Tôi yêu đất mẹ đây ---
....... có cỏ hoa làm chứng
Tôi yêu chủ nghĩa này
....... cờ đỏ cãi cho tôi .
Nhưng
...... chẳng thể rúc kèn củ rích ,
vác loa mồm kêu :
...... "Hiện tại rất thiên đường !"
Không !
Thiên đường chúng ta
....... là nối đuôi nhau
....... vô tận triệu Thiên đường .
Ði mãi
...... chẳng bao giờ thỏa .
Tôi có thể mắc nhiều
...... tội lỗi,
chẳng bao giờ quá ngu đi
....... mắc tội : nằm !
Han rỉ
....... khác gì cái chết ?
Chết con tim chẳng còn dám đau thương .
Chết khối óc
........... chẳng còn dám nghĩ !
Nếu
..... tôi chửa đến ngày thổ huyết
phổi tôi còn xâu xé mãi
.............. lời thơ .
Tôi có thể mặc thây
............. ngàn tiếng chửi tục tằn
trừ tiếng chửi : ---
..........."Sống không sáng tạo !"
………
Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu
............... nặng nề sáng tạo
như
.... nâng một viễn vọng đài
Và trong trường ca “Đây, Việt Bắc”:
“Hãy thù ghét
mọi ao tù
nơi thân ta rữa mục
mọi thói quen nếp-nghĩ mù loà!
Hãy sống như
những con tàu
phải lòng
muôn hải lý
mỗi ngày
bỏ sau lưng
nghìn hải-cảng-mưa-buồn!”
Tư duy sáng tạo đánh vật trong con người Trần Dần làm ông không thể chấp nhận hạnh phúc đương thời: “Thôi đi những hạnh phúc - quần đùi may sẵn! giầy dép - đóng sẵn! Số? Cỡ? Hạnh phúc chẳng mua ở công ti-may mặc-sẵn? những si lip sách chẳng vừa…cóoc sê jáo khoa ca mà thịt hở ” (Sổ thơ kể kệ 1976).
Ông cam đoan: “Chết đi, tôi vẫn mất ngủ” (Sổ bụi 1988), cho nên đã mắng mỏ: “Họ cứ vu oan mặt trời ngủ” (sổ bụi 1986).
Ông nhìn thấy niềm khắc khoải sáng tạo cả nơi con chim rừng Việt Bắc:
“Chính
chiếc nôi Việt Bắc
bế bồng ta
qua
tất cả
tháng năm đầy lửa
nuôi ta
nuôi cách mạng lớn khôn
Ta bầu bạn
củ khoai môn
nương sắn
Bạn
con chim mất ngủ
rừng già…”
(Đây Việt Bắc)
Và ông kiêu căng, tự hào, vững tin ở thành quả sáng tạo của mình:
“Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bây giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
- là chuyện chúng mình...
Em đọc kỹ
trang thơ này nhé
Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm sao trời
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì - sao - anh
nó chuyển bến bên trời
đuôi nó cháy - đúng là
vì sao dữ
Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ
mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy...
(Tình yêu)
Dương Tường từng khẳng định Trần Dần là nhà cách tân thơ số một của Việt Nam. Ông giải thich:
"Suốt một thời gian dài, thơ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Thơ Mới. Người đầu tiên tạo nên một vết cắt, đưa thơ Việt Nam ra khỏi quỹ đạo đó là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng Nguyễn Đình Thi không đi hết con đường của mình. Còn Trần Dần, từ những ảnh hưởng của Maiakovski, ông chuyển sang viết Jờ Joạcx, Mùa sạch... với những cuộc tìm kiếm không ngừng đến cái mới. Thơ Trần Dần đầy chuyển động, không bao giờ lặp lại chính mình, nhưng vẫn giữ nguyên cái cốt cách Trần Dần".
Trần Dần từng kêu gọi "Phải chôn Thơ Mới" ...."phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến"...
“Tệ” hơn, ông còn đòi “chôn” cả Nguyễn Du: “Với tôi, Du (Nguyễn Du), Hương (Hồ Xuân Hương), Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Quát (Cao Bá Quát) hay Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương là thầy. Nhưng học trò phải "chôn" thầy. Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa. "Mai sau dù có bao giờ" là con chữ "Chữ tài liền với chữ tai một vần" là đặt nghĩa”. Bởi vì, ông tuyên bố: “Tôi đã leo nhiều ngõ cụt cổ điển” (Sổ bụi 1979). Ông đòi hỏi nhà văn phải là: "Kẻ viết? đạp đổ chân trời?xổng xích các chân mây?" (Sổ bụi - 1985).
Bộ sách Trần Dần ghi 1954-1960 gồm ba quyển: quyển một là những suy nghĩ về sáng tạo, quyển hai chụp lại thời kỳ đấu tố với những hình ảnh khủng khiếp kinh hoàng, quyển ba viết về cuộc sống con người trong những năm bị cầm tù.
Trong quyển một, có những dòng sau:
- Người Sáng tạo là đại biểu cho Tương lai. Nên hắn mâu thuẫn rất mạnh với Hiện tại.
- Người Sáng tạo chỉ làm chủ được ở Tương lai. Còn ở Hiện tại, hắn phải chịu như là thua, nhường cho những kẻ tầm thường khác làm chủ.
- Nếu có chịu được búa rìu của thành kiến mới có thể làm người sáng tạo được. Phải có dạ lim trí sắt.
- Phải có gan đứng lên trên dư luận, chửi mắng, mưa bão. Phải biết đạp mưa xéo gió. Phải phá vỡ cái luân-lý-hiện-hành, những nguyên tắc tục lệ hiện nay đang làm chủ. Đó là bỏ cái ba lô của hiện tại, mới có thể xốc tới tương lai.
- Số phận người sáng tạo bao giờ cũng phải chịu hiểu lầm, chịu những sấm sét của cái cũ nó phản công. Vì người sáng tạo là kẻ thù không đợi trời chung của cái cũ. Mà cái cũ nó không chịu chết ngay, nó nhiều kế độc, hại ngầm và hại ra mặt.
Điều kiện tiên quyết để sáng tạo: Tự do -
Năm 1946, chàng trai Trần Dần 20 tuổi đã dắt một bạn gái du ngoạn Huế. Sau 42 năm mưa dập gió vùi, tháng 5 năm 1988 ông mới có dịp trở lại Huế cùng Phùng Quán - người vừa cùng ông được "trở lại" Hội Nhà Văn Việt Nam - Hai nhà thơ ghé thăm Hội Văn Nghệ tỉnh, gặp gỡ gần 100 nghệ sĩ và trí thức đang công tác tại Huế. Trong buổi này, trả lời câu hỏi “Anh quan niệm thế nào về đổi mới hiện nay?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Dần đã nói: “Theo tôi, đổi mới là tạo nên sáng tạo. Phải để cho các thế hệ tự do sáng tạo. Nếu nói Trần-Dần-Giá-Trị, đấy phải là Giá-Trị-Tự-Do”.
Tự do với Trần Dần là giá trị, là ý nguyện, là bản thể. Đến nỗi cảm thấy Quả Đất này với ông thật chật chội: “Tôi chẳng phải tù binh quả đất” (Sổ bụi 1979), vì ông nghĩ rằng: “Tôi chôn rau ở tận trời sao. (Sổ thơ 1973).
Trong nhật ký ngày 20/12/54 của Trần Dần người ta đọc được những dòng sau: " Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Đời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác. Khó lắm. Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Mỉa mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghiã là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội. …”.
Đầu tháng 10 năm 1954, Trần Dần được cử đi Trung Quốc 2 tháng để viết bản thuyết minh cho phim “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ”. Phụ trách đoàn là một cán bộ chính trị. Vì ý thức tổ chức, lúc đầu Trần Dần rất phục tùng người cán bộ chính trị khi dự thảo thuyết minh, và hoàn toàn theo sát những vấn đề chính trị sẽ đặt ra khi thuyết minh. Nhưng rồi, khi ông cán bộ công nông lập trường macxit thô bạo “tối hậu quyết định cả từng câu chữ” thì Trần Dần bỏ mặc, nhường cả phần “văn chương” cho đồng chí cán bộ kia. Những dòng nhật ký trên ghi lại sự búc bối sau chuyến đi đó.
Trần Dần phàn nàn: “ Có thể nói ngày nay trong văn chương chúng ta có lắm điều giả tạo (có thể nói đạo đức giả). Văn chương viết theo hình thức, mẫu mực sẵn có, đơn giản hóa và ấu trĩ. Các nhà văn đóng khung sẵn và bắt buộc sự thật phải đi vào khung ấy”.
Ông đòi hỏi: “Trách nhiệm cao cả của nhà văn là tôn trọng chân lý. Đó là tiêu chuẩn cao cả để đánh giá nhà văn và tác phẩm. Tôn trọng chân lý là bổn phận, là trách nhiệm, là căn bản, là phương pháp của nhà văn trong công việc của họ”.
Ông nã súng liên tục vào sự “bóp gò sự thực vào chính sách”:
"... Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào... Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách. Không bao giờ được biến chính sách, chỉ thị thành định kiến "đinh ninh"... "... Người viết chỉ viết do thôi thúc của thực tế. Những chân lý lớn, nhỏ, anh ta tự giác thấy ở cuộc sống, ở quân đội. Không phải viết để vừa lòng Tuyên huấn, vừa lòng cấp trên. Để có cái danh phục vụ kịp thời. Một triệu lần, không có mùi mè giác ngộ, phục vụ gì cả! Cái áo không thể che được mùi thối trong ruột. Cách mạng không cần những người vỗ tay hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh "thày cúng chính sách", leng keng bóp méo, nghèo nàn...”.
Ông ráo riết quảng bá:
“Tôi nghe người ta nói đừng viết cuộc sống telle qu'elle est (cuộc sống như nó đang diễn ra) mà phải viết la vie telle qu'elle doit être! (cuộc sống như nó phải được diễn ra) - Tôi lại hiểu rằng: viết cuộc sống telle qu'elle est tức là viết cuộc sống telle qu'elle doit être.- Tôi hiểu rằng không có gì đẹp hơn, không có gì cao cả hơn, không có gì cộng sản hơn là: Sự Thực không tô điểm, Sự Thực trần truồng. Và cũng không có gì xấu hơn, không có gì yếu ớt hơn, phi cộng sản hơn là Sự Thực tô điểm, Sự Thực mặc áo hồng, áo xanh, áo hoa. Tôi nói rằng, dù áo hoa đó thích hợp, dù sự tô điểm đó là tô theo phương hướng thực của cuộc sống thực, thì cái áo đó và sự tô điểm đó vẫn cứ là không đáng tán thành. Cuộc sống cởi truồng, nó có ý nghĩa như những sự tô điểm và những bộ áo đẹp và lý tưởng nhất. Màu da của cuộc đời toute nue, đó là tất cả các bộ áo của trần gian rồi] (trích những dòng ghi từ 16/9 đến 1/10/54, trang 43-48).
Còn phải thấy rằng, không phải đến dưới ách chuyên chính vô sản con người tự do trong Trần Dần mới thấy ngột ngạt. Trong bài thơ đầu tay viết trước cách mạng Tháng Tám Trần Dần đã thấy “Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh”, đã thấy “núi Cô Sơn hờn tuế nguyệt”.
Bài thơ có tên “Hồn xanh kỳ dị”: “Ta từ biển vắng về đây mộng/ Gặp lúc Thăng Long lụi ánh đèn/ Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh/ Đời đương yên giấc biết ai tìm?/ Ôi kẻ xa chơi lẻ trúc đình/ Quê nhà ai khóc? Lệ ai xanh?/ Hồn em mây chở về đâu nhỉ?/ Có gặp buồn trong cuộc lữ trình/ Kìa núi Cô Sơn hờn tuế nguyệt/ Kìa vầng trăng héo nẻo ra đi/ Nửa đêm trở giấc trong phòng lạnh/ Chợt thấy hồn xanh đến dị kỳ”.
Và rồi Trần Dần đã cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng “Dạ đài” với tuyên ngôn 16-11-1946: “Chúng tôi - một đoàn thất thố - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại. Thế cho nên chúng tôi - thi sĩ tượng trưng – chúng tôi có nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày cô độc…”
Tháng 2 năm 1955 Trần Dần viết bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ”. Với sự góp ý của Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh.
Bản Đề nghị dài 12 trang đánh máy nêu các yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội ….
Ban đầu đã có nhiều ý kiến thuận. Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội như Lê Liêm, Lê Quang Đạo, Trần Độ đã ủng hộ nhưng ông tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - bỗng vung đại đao sát thủ: “Tinh thần bản đề nghị này chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt đầu tấn công vào các đồng chí!”.
Thế là Trần Dần đành xin xuất ngũ, xin bỏ Đảng để được đạp qua những quy định của sự kỳ thị độc ác về thành phần giai cấp, về lý lịch gia đình, để sống chết với tự do ái tình, để cứ thế mà xăm xăm yêu và sống với Bùi thị Ngọc Khuê, một người con gái con nhà tư sản. … Hơn thế nữa, còn đi đạo. “Tệ hại hơn”, còn bỏ thiên đường XHCN, theo địch vào Nam.
… Thế là, ông kêu gọi dấn thân vươn tới tự do dù quằn quại xót đau:
"Ðừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Ðừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ...
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè"...
… Thế là, ông vật vã hành xác, sám hối cùng tự do:
“Tôi vẫn thế! Vết nhăn bổ dọc trán…
Tôi có gì đau?
Đau có vì gì?
Ai bảo tôi cách nào thoát khỏi chấn song tôi?....
Lậy tất cả! Tha cho tôi
Cả những lỗi tôi làm
Cả những lỗi người khác phạm
Tha cho tôi. Tôi không đánh vỡ gì cả
Tôi chỉ đánh vỡ của mọi người một mảnh sống: đời tôi”
(Đường Cùng - Tập thơ Cổng Tỉnh)
Trong cơn vật vã, ông nhìn thấy
“Ai mửa sao đêm
đầy các ngõ
để hầm hập bồ hôi
cơn sốt phố về đêm?”
(1959)
Và, xin hãy đọc lại bài thơ “ Nhất định thắng”. Ở đấy đâu chỉ có cái điệp khúc than thở: Bước đi không thấy phố, không thấy nhà mà là lời kêu gọi thiết tha xả thân đấu tranh không chỉ cho Thống nhất, Độc lập mà là Dân chủ. Dân chủ với Tự do. Dân chủ để được Tự do.
“..... thành phố
..... thôn quê
Ðói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả !
.... Ra đường !
Ði !
.... hàng đoàn
.... hàng đoàn
Ðòi lấy tương lai :
HÒA BÌNH
.... THỐNG NHẤT
.............. ÐỘC LẬP
........................DÂN CHỦ
Ðó là tim
.... là máu đời mình
Là cơm áo ! Là ái tình
Nhất định thắng”.
Mục tiêu cao cả và thiêng liêng như vậy nhưng năm 1956 khi bài thơ “Nhất định thắng” in trong “Giai Phẩm” thì Trần Dần đang bị giam ở Việt Bắc.Tờ tạp chí bị tịch thu ngaỵ Trần Dần bị gọi về, mang ra đấu tố giữa một cuộc hội nghị gồm đông đủ các văn nghệ sĩ. Ông bị quy rằng trong các bài thơ của mình đã dùng chữ "Người" viết hoa để ám chỉ, đả kích cụ Hồ. Trại giam Việt Bắc, do vậy, với ông, vẫn được xem là thoáng đãng quá, tự do quá, người ta phải tống ông vào nhà pha Hỏa Lò ở Hà Nội cho hả cơn. Uất ức quá, Trần Dần dùng lưỡi dao cạo cứa cổ, nhưng không chết. Trong bức ký họa của Nguyễn Sáng, cái sẹo ở cổ Trần Dần được đặc tả rất rõ.
Không phải chỉ ”quyết Thơ phải khua gió bão” –
Có người nói Trần Dần “chết” vì tự do vô kỷ luật. Quả có vậy. Không “chết” sao được khi một anh bộ đội cụ Hồ mà dám xông tới tỏ tình mãnh liệt đến mức nữ chiến sỹ đồng đội hoảng hồn bỏ chạy.
Có người bảo Trần Dần “chết” vì ngông nghênh quá. Không sai. Với một nhà thơ được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, đang trên đường trở thành ứng cử viên Tổng Bí thư ĐCSVN mà sao Trần Dần dám hạ bút phê:
"Nói chung thơ Tố Hữu có rất nhiều cái lười biếng. "Ý lời tầm thường (...), rất nhiều cái kiểu "lòng ta xao xuyến, rung rinh", - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt hai là tù binh", - hoặc "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "Cụ Hồ sáng soi". Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy đọc lại cả tập Việt Bắc xem, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa (...) Phá đường: "Nhà neo việc bận vẫn đi" - làm thì thi đua -, thi đua kết quả thì rồi mai địch chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? (...) Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì là lập lại Nguyễn Du, Tản Đà. ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cái nhìn mới mẻ gì. (Trần Dần ghi, trang 141).
Nếu “chết” vì như vậy thì thật oan và tội nghiệp cho Trần Dần. Ông không ngông nghênh, không kèn cựa, không kỳ thị Tố Hữu. Hãy nghe ông tâm sự trong buổi họp mặt năm 1992 cùng hơn trăm đồng nghiệp và bạn đọc tại Huế:
“Tôi với anh Phùng Quán còn thân hơn anh em. Nhưng thơ anh Phùng Quán là thơ quảng trường. Cũng như anh Hoàng Cầm, anh Phùng Quán đọc thơ rất lôi hút người nghe. Tôi lại không thích thơ để đọc (cho nhau nghe). Tôi nghĩ cái tai ngu hơn cái mắt. Trần Dần thì con mắt chạy vào trong, nhưng thơ thì mỗi người mỗi kiểu.. Có kiểu bầy thơ, thơ triển lãm. Tôi làm thơ mini ….”
Nào phải ông chỉ chê người khác, ông chê cả chính mình:
"Tôi vừa viết xong cuốn Người người lớp lớp. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi ít thấy sự thực của bản thân tôi trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh, chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: "Anh đã thấy" (mes douleurs) trên dưới có 6 trang!" (Trần Dần ghi, trang 47).
Ở Trần Dần ta gặp lại quan niệm phê phán rất trong sáng của Nietzsche: "Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù", “Phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo”. Trần Dần từng nói: “Nói tóm tắt: tôi ghét những lối tạo hình ảnh dễ dãi, tầm thường, hủ lậu. Đó là đặc tính của những người và những giai cấp sắp chết”.
Cho nên, chính Tố Hữu đã nói rất đúng về lý do “chết” của Trần Dần: “Hành động của bọn Nhân Văn không phải là câu chuyện văn nghệ đơn thuần mà là cả một âm mưu chính trị” (*)
Quả vậy, chính Trần Dần thú tội đam mê chính trị:
“Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
....tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
....Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
... làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
... tôi làm thơ chính trị”
Làm thơ chính trị, lại làm văn chính trị nữa, như chính Trần Dần đã thú nhận:
“Còn sáng tác tôi chỉ xin đơn cử vài ví dụ:
• “Nói thật” (thơ) cho rằng cán bộ ta không dám nói thực với Đảng, nên mới xẩy ra như Cải cách ruộng đất, và công thức trong xã hội.
• “Nhân văn làm lớn mọi con người” (thơ) nhân để hoan nghênh Đại hội lần thứ hai mươi để chửi cán bộ ta là không dám suy nghĩ, là chỉ suy nghĩ bằng cấp trên. Chỉ có tôi (và báo Nhân văn) là có óc suy nghĩ đối lập, không giao cho bất cứ ai suy nghĩ hộ mình!
• “Một bài thơ chưa có đề”. Tôi đánh “Những nhà thơ ti tỉ đờn bầu” (ám chỉ trường thơ Tố Hữu). Cho là xoàng cả. Chỉ có tôi là nhà thơ “Vận tải trên mọi mặt trận của quần chúng hàng tấn cả gan”. Tự xưng hùng xưng bá trong thơ ca như vậy.
• “Chú bé làm văn” (truyện) nhà chú khổ nhưng chú phải làm một bài văn “Tả cảnh gia đình êm ấm của anh trong một buổi tối”. Thế là chú bé nói giối suốt bài văn. Mục đích bài này là để vu cáo cho ta giáo dục mọi người nói dối từ thuở bé, cho rằng sự giáo dục của ta, là chỗ dựa, là cơ sở của nạn bôi hồng trong văn nghệ.
• “Mâu thuẫn với cả nước” Tả một anh nhạc sĩ bất tài, chỉ có tài sử dụng lập trường (ám chỉ Lương Ngọc Trác) nên được trên tin cậy. Còn anh nhạc sĩ khác có tài, mâu thuẫn với anh nhạc sĩ kia, thì lại bị kiểm thảo, đâm ra mắc lỗi “mâu thuẫn với cả nước”. Bài này đánh và xuyên tạc chính sách đối với cán bộ văn nghệ của Đảng.
• Vân vân… như “Cái đầu trọc”, “Mẹ sự đời”… đều là cái loại đả kích vào các chính sách của Đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của Đảng là một sự ngột ngạt, không thể nào sống nổi.
Đi đôi với những sáng tác như thế tôi phát ra những luận điệu bênh che cho nó. Chẳng hạn sáng tác phải phát hiện mâu thuẫn xã hội; người sáng tác phải có quyền và có gan như nhà viết sử thời xưa, vua chém đi hàng sáu người, đến người thứ bảy vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành phải chịu vậy. Hoặc nói người sáng tác phải đi đầu, bây giờ là phải đứng ở mũi nhọn đấu tranh với chủ nghĩa Staline… Toàn là những luận điệu phỉnh nịnh và hô hào người ta đi vào con đường chống Đảng” (**).
Không chỉ làm thơ, làm văn, dịch thuật cũng với ý đồ chính trị:
“Không những chỉ trong sáng tác, ngay trong việc dịch tôi cũng vẫn nhằm quan liêu mà đánh; Ví dụ dịch Bretch Cái mặt nạ hoặc Những người ở trên không ở đó mãi đâu. Hoặc đánh vào lãnh đạo văn nghệ, dịch Gorki, Tchékov cho người ta thấy sự lãnh đạo của mình gò bó ngòi bút. Dịch Le portrait của Gogol để nói một điểm: Vẽ cho bọn quý tộc là con đường tiêu ma nghệ thuật. Hoặc góp thêm vào cái ảm đạm của tình hình, tôi dịch Crime et Châtimentcủa Đốt, tôi nghĩ xã hội này thì hoặc là cười (tiếu lâm) hoặc là khóc mà phản đối nó mà thôi! Vân vân…”. (**)
Không chỉ “làm thơ chính trị”, làm văn chính trị, làm dịch thuật chính trị, ông còn hiệu triệu chính trị:
"... Ngày nay, trong văn chương, kẻ thù ghê tởm là chủ nghiã công thức, giản đơn sơ lược. Phải nói trắng ra là nó ở cả người viết, ở cả xã hội... Cho nên chống công thức giản đơn sơ lược không phải là chỉ làm ở người viết mà được đâu. Nó phải là một mặt trận lan ra cả xã hội...”.
Không chỉ hiệu triệu, ông còn cần cù làm tổ chức để thực hiện tư tưởng cách mạng của mình.
Có thể xem Trần Dần là mảnh sót của nhóm Dada. Nhóm Dada hoạt động chỉ trong bốn năm 1916-1920, nhưng nguồn sinh lực “hậu hiện đại” trong văn học Việt Nam còn để lại dư hưởng trong “Xuân Thu nhã tập”, “Thi sĩ Tượng trưng” mà hiện thân xuất sắc là Trần Dần ở Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền ở Sài Gòn.
Cầm tấm bằng tú tài Triết, khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Trần Dần trở về quê hương Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV.
Năm 1948, khi tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), ông đã cùng Trần Thư, Hoài Niệm tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên - Nhóm Sông Đà.
Tham gia Nhân Văn Giai phẩm, ông thú thật đã đi tiên phong xét lại chủ nghĩa Mác:
“Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình …. Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ ... Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn." (Trần Dần ghi trang 244).
“Sau “Nhân văn” tôi xin ra bộ đội … nhìn phe ta, Đảng ta như là Stalinisme, và coi việc sáng tác là để đả kích vào đó”. (**)
Theo báo Nhân Dân, hiện tượng ly khai ĐCSVN của Trần Dần đã dấy lên một phong trào cuốn theo ông, bỏ Đảng.
Và ngày nay, phải chăng trong các cuộc biểu tình ta còn nghe vang vọng lời giục giã của Trần Dần:
“Nhưng sự kiện thế giới trong nước ngấu trong tôi. Nhiều lúc tôi cũng mong có những cuộc biểu tình, chủ yếu là văn nghệ, sinh viên và trí thức, thật có trật tự không đổ máu, để mà yêu sách Trung ương cải tổ chính sách nới rộng dân chủ!” (*)
Như để thanh minh cho Trần Dần Goerge Boudarel từng viết: “Năm 1943, anh có quan hệ với nhà xuất bản Hàn Thuyên in sách Macxit có khuynh hướng Trốtkít (của Trương Tửu dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, Lương Đức Thiệp) hoặc những cuốn sách tựu cho là thuộc Đệ Tam Quốc tế. Liệu có thể suy ra đó dà Trần Dần có tham gia chính trị? Xét bối cảnh thì thấy xu hướng câu trả lời là chữ “không” ”.
Tôi không đồng ý với G. Boudarel, Trần Dần là người có ước nguyện chính trị từ trong huyết quản. Ông đã làm chính trị vương đạo, đã dấn thân quả cảm, đã hy sinh oanh liệt và rất vinh quang vì làm chính trị.
Tôi cũng không đồng ý với việc sửa mấy câu thơ của Trần Dần: "Tôi yêu đất nước này có cỏ cây làm chứng / Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi", thành ra: "Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng / Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi".
Chắc chắn Trần Dần, cũng như chúng ta, đã từng yêu cái chủ nghĩa dương cao lá cờ đỏ búa liềm. Nhưng đúng như Bí thư đảng CS Nam Tư Milovan Djilas đã nói: "20 tuổi mà không theo Cộng Sản, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng Sản, là không có cái đầu".
Trần Dần, cũng như Trần Độ theo Cộng sản để “Những mong xóa ác ở trên đời” nhưng khi thấy nó quay lại tước đoạt tự do của con người, của sáng tạo thì phải làm chính trị để chống nó.
Viễn kiến Trần Dần –
Sau 1954, trước hiện tượng từng dòng người bỏ Miền Bắc di cư vào Nam, báo chí của Đảng lên án họ là những phần tử phản động theo địch phản bội tổ quốc, là bị lừa gạt theo Chúa, là ngại khó ngại khổ bỏ quê đi tìm bơ thừa sữa cặn của tư bản, đế quốc …. nhưng Trần Dần thì đã nhìn thấy cái nguyên nhân sâu xa tự bên trong.
“Tôi muốn khóc giữ từng em bé
Bỏ tôi ư? -- từng vạt áo -- Gót chân
Tôi muốn kêu lên -- những tiếng cọc cằn ...
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
.... non bồng Mỹ triệu lần ...
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?
Chỉ là :
- thiếu quả tim, bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão .
Họ vẫn ra đi” .
(Nhất định thắng)
Cái nguyên nhân sâu xa ấy càng được chứng thực, càng hiển hiện qua đợt di cư ào ạt hơn sau thống nhất đất nước 1975.
Đánh thắng đế quốc Mỹ. tổng bí thư Lê Duẩn huyênh hoang tuyên bố: Đất nước từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Nhưng Trần Dần tiên đóan:
“Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến tranh
... Giữ được Hòa Bình
Giặc cũ chết --- lại lo giặc mới
Ðoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý ? và ai có Lực ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
... Biết Tổ quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
.... Không biết nhục
........ Không biết thua
.............. Không biết sợ ! ”
(Nhất định thắng)
Quả nhiên, năm 1979 Đặng Tiểu Bình đã dạy cho Lê Duẩn một bài học, và ngày nay rõ rang ai cũng thấy: “ Giặc cũ chết … lại lo giặc mới”. Chúng đang trắng trợn xâm lăng Biển Đông. Bọn giặc mới này còn đáng lo hơn, đáng ghê tởm hơn, đáng khinh bỉ hơn bất kỳ bọn giặc cũ nào.
Cho nên ngay từ chuyến đi làm thuyết minh cho bộ phim “Điện Biên phủ”, được tiếp xúc với nền văn hóa và xã hội Trung Quốc, trở về ông đã nói lên dự cảm này: "Chớ nên theo đường lối văn nghệ của Trung Quốc".
Trần Dần đã vạch rất đúng nhiều nguyên nhân sâu xa tự bên trong của các sự kiện trong và ngoài nước:
“Hồi ấy mọi chính sách và nhận định về thời sự của Đảng ý kiến của tôi đều đối lập. Ví dụ: Cải cách ruộng đất ruộng đất theo tôi không thể gọi là thắng lợi căn bản. Vấn đề Hung-ga-ri, tuy công nhận địch là nguyên nhân trực tiếp, song tôi nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa là tập đoàn Racôxi. Vấn đề tự do và chuyên chính, tôi nói: Ta thừa chuyên chính bố láo rồi, chỉ thiếu tự do thôi. Nhất là trong địa hạt văn nghệ thì không thể nào dùng biện pháp hành chính được”. (**)
Tổng bí thư Lê Duẩn không chỉ huênh hoang tuyên bố vĩnh viễn sạch bóng quân thù mà còn hợm hĩnh cho rằng đã lãnh đạo đánh thắng được đế quốc trùm sò thì sẽ lãnh đạo làm cái gì cũng được. Nhưng ngay trong “Trần Dần ghi” khi chiến tranh vùa kết thúc, Trần Dần đã tiên liệu và nhắc nhở:
“Cho nên bạn nói Chiến tranh là rèn luyện;- bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa”
“Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhung bạn đừng lầm bảo rằng bộ xương đó là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá”
“Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. [...] Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. [...] Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt”.
Cho nên sau chiến tranh Trần Dần càng háo hức sống, để được sáng tạo cật lực hơn, để được bù đắp những gì ông chưa tọai nguyện.
Hãy đọc đoạn thư ông gửi lãnh đạo sau kết thúc chiến tranh năm 1975:
“Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút...Tôi hy vọng...vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng...Tôi vẫn hy vọng. tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù là bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn. Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc.Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại...Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức”.
… Và những dòng thơ bi tráng này:
“Dù bị vứt bên lề đường
Dù bị tàn tật
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù manh tải đùm thân
Bị gậy bơ vơ trời không che đất không chở
Dù đêm nghe gió quét gậm cầu
Chỉ vài ánh sao lu làm củi lửa
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù chỉ còn một bên tai
Tai sẽ đón tiếng chim ru
Còn một bên tay - tay sẽ quờ quào
Vục một chút màu xanh quê cũ
Cho đôi môi khô uống một hụm trời”
(Hy vọng)
Cảm phục biết bao nhiêu! Thương xót biết bao nhiêu! Phẫn hận biết bao nhiêu!
Di sản lớn của Trần Dần -
Nhờ lao động cật lực, lao động có năng suất, Trần Dần đã để lại cho đời một kho tác phẩm đồ sộ. Ngoài “Về nẻo thanh tuyền” (Dạ đài) 1946. Phạm Thị Hoài trong bài “Trần Dần: cuộc đời, tác phẩm, thời đại” (in trongTrần Dần ghi) đã điểm danh những tác phẩm sau đây:
1954: Anh đã thấy, Tiếng trống tương lai (trường ca).
1955: Cách mạng tháng Tám, Nhất định thắng (bản Hoàng Văn Chí, in lại trong Trần Dần thơ, nxb Nhã Nam Đà Nẵng, 2007)
1957: Hãy đi mãi, Đi! Bài thơ Việt Bắc (trường ca), (nxb Hội Nhà Văn 1991)
1959: Sắc lệnh 59 (thơ), Con tàu xã hội (thơ), 17 tình ca (thơ).
1959-1960: Cổng tỉnh (thơ), (nxb Hội Nhà Văn 1994)
1961: Đêm núm sen (tiểu thuyết)
1963: Jờ Joạc (thơ) (in trong Trần Dần thơ, 2007)
1964: Mùa sạch (nxb Văn học 1997), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết)
1965: Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết)
1967: Con trắng (thơ văn xuôi, in trong Trần Dần thơ, 2007)
1968:177 cảnh (hùng ca lụa)
1974: Động đất tâm thần (nhật ký thơ)
1978: Thơ không lời - Mây không lời (thơ - hoạ)
1979: Bộ ba: Thiên Thanh - 77- Ngày ngày
1980: Bộ ba: 36 - Thở dài - Tư Mã dâng sao.
1987: Thơ Mini. (in trong Trần Dần thơ, 2007).
Đấy mới kể về số lượng. Mà chỉ là phần nổi của số lượng. Nhà thơ Dương Tường cho biết: “Tôi nhớ khi đám tang anh Trần Dần xong, tôi soạn lại di cảo của anh. Bề bộn. Một mình tôi làm vài ngày đầu không xuể. May quá nhờ được Phạm Thị Hoài vốn học ở Đức, khoa Thư viện, tôi gọi đến soạn cùng. Thưa với các anh chị và các bạn là hơn 200 hồ sơ di cảo còn nằm đấy. Còn nhiều thứ ở Trần Dần mà chúng ta chưa biết lắm. Thơ thì còn Tư Mã dâng sao, 177 cảnh Jờ Joạcx, rồi 36 thở dài… Tiểu thuyết còn Đêm núm sen, Một ngày Cẩm Phả, Những ngã tư và những cột đèn… Đúng là phần chìm của núi băng”.
Song le, còn một phần chìm thiêng liêng nữa, phần chìm tinh túy nữa, phần chìm nằm trong chất lượng tác phẩm, trong lõi cứng của sáng tạo.
Nhà thơ Nguyễn Duy suy tôn: “Nếu đời viết của đa số người cầm bút là công cuộc tìm tòi, gom nhặt, sàng lọc chữ nghĩa, thì Trần Dần là người chế tạo ra hệ ngôn ngữ mới”. “Trần Dần lặng lẽ mài giũa ngôn ngữ, là tấm gương, là người thầy của tôi”.
Nhà lý luận văn học Phạm Xuân Nguyên: “…những con chữ Trần Dần sẽ khuấy động, khuấy đảo tâm cảm mỗi người đọc và gây ra những phản ứng thơ mạnh mẽ có thể khiến bàng hoàng trước một khối năng lượng sáng tạo cực mạnh, cực lớn từ gần nửa thế kỷ trước soi chiếu và phóng nổ vào hôm nay” (***)
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương: “Sáng tạo đích thực bao giờ cũng cô đơn và không được chia sẻ. Một sự sáng tạo được mọi người tung hô ngay thì chắc chắn sau đấy sẽ bị quên rất nhanh. Chúng ta ngồi đây, ít nhiều đều là độc giả có chuyên môn, nhưng liệu chúng ta có đủ tinh để cảm nhận và hiểu biết những gì Trần Dần viết cách đây 3-4-5 chục năm về trước? Không có chuyện tất cả đọc và hiểu đúng Trần Dần ngay được. Tập thơ vừa rồi tôi đã mang về đọc một cách cẩn thận, nhưng cũng có những chỗ bị bần thần, không hiểu nguyên ý tác giả thế nào. Nhiều chỗ tôi không hiểu và tôi kính cẩn sự không hiểu ấy. Bởi ít nhất người ta cũng làm cho một đầu óc không đến nỗi mít đặc như mình không hiểu được, mà còn phải tìm để hiểu cho ra được lâu lâu nữa. Thế là sáng tạo, thế là cái gì đó mới”
Nhà bình luận văn chương xuất sắc Thụy Khuê: “Trần Dần thơ, ngoài những tác phẩm tạm gọi là classique đã in như Bài thơ Việt Bắc và Cổng Tỉnh, còn có những tác phẩm mới hơn. Những thử nghiệm thơ độc âm Mùa sạch, biến tấu âm con OEE, và thơ bè Con I, còn nhiều cường điệu và nệ hình thức, hoặc lập dị như Jờ Joạcx. Ngược lại, với Sổ bụi và thơ Mini, Trần Dần thực sự đã thành công, hai tác phẩm này xác định tinh thần cách tân thơ của Trần Dần, khác với Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Vậy lần công bố này, tầm quan trọng và sự độc đáo nằm trong Sổ bụi, và thơ Mini. Sổ bụi, tập hợp lối ghi chép đặc biệt Trần Dần: đó là những bài thơ văn xuôi cô đọng, mới, đầy biến ảnh, thể hiện cái mỹ học khổ đau của ông một cách toàn diện. Thơ Mini, là những triết luận thu gọn đến cạn kiệt. Một Trần Dần đi từ thực tại thi nhân để đến với tâm linh hiền triết”.
Giáo sư Phong Lê, "Trần Dần vẫn cứ là một ẩn số đối với lớp người đọc như tôi, muốn biết nhiều hơn về sức sáng tạo của ông, nói đúng hơn về một khát vọng sáng tạo không ngớt hành hạ ông, đến là quyết liệt và dai dẳng. Dai dẳng cho đến ngày ông qua đời ở nhà riêng số 5 phố Vũ Hữu Lợi...” …..
Di sản Trần Dần không chỉ có tác phẩm văn học, ông còn để lại cho đời một tấm gương, một tấm gương lớn về nhân cách, nhân phẩm, về ý chí. Trong nỗi nhớ Việt Bắc của Tố Hữu ta chỉ thấy chủ yếu những “Trung ương Chính phủ luận bàn việc công”, những ”Người đi rừng núi trông theo bóng người”, nỗi nhớ trong Trần Dần mới thật sâu đậm nghĩa tình, thật da diết:
“Ở đây
ta mắc nợ
núi rừng.
Một món nợ
khó bề trang trải.
Việt Bắc
cho ta vay
địa thế!
Vay từ
bó củi
nắm tên.
Vay từ
những hang sâu
núi hiểm.
Cả
trám bùi
măng đắng
đã nuôi ta.
Ta mắc nợ
những rừng sim bát ngát.
Nợ
bản mường heo hút
chiều sương.
Nợ củ khoai môn
nợ chim muông
nương rẫy.
Nợ
tre vầu
bưng bít
rừng sâu.
Nợ con suối
dù trong
dù đục,
Nợ
những người
đã ngã
không tên!
Ôi
thế kỉ muôn quên ngàn nhớ!
Nợ này
đâu dễ trả
mà quên!
Đi!
Tất cả!
Dù quen tay vỗ nợ,
cũng chớ bao giờ
vỗ nợ
nhân dân!”
(Bài thơ Việt Bắc)
Ôi, nếu ta biết nhớ bằng nỗi nhớ Trần Dần thì ngày nay cách biệt giầu nghèo đâu đến nỗi lớn như thế này. Đâu đến nỗi hùa nhau mua quan bán chức đê tiện đến thế này. Đâu đến nỗi tham nhũng tàn bạo đến thế này …!
Trần Dần vốn là người có tinh thần phản kháng hơi quá mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức như thiền sư Quảng Nghiêm:
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hữu hướng Như lai hành xử hành
(Thanh niên tụ nó có cái chí hướng tung thẳng trời xanh.
Há có phải đi theo con đường mòn của Đức Phật).
Lời lẽ ông đôi khi dữ dằn như là ác khẩu:
“Yêu là chết: hai điều đó đã hòa hợp với nhau từ ngàn năm nay. Muốn yêu chính là sẵn sàng để chết. Tôi nói với các bạn như vậy đó, hỡi những người khiếp nhược”
"Tôi thích những cuộc đối thoại với nhau như tra tấn. Ðọc là tra tấn có một chiều. Ðối thoại là tra tấn lẫn nhau."
“Thơ là mạng sống, là lý lịch thực của đời tôi”….
Trách làm chi cái sự đại ngôn ngay từ “Bản Tuyên ngôn Tượng trưng”, khi Trần Dần chưa đầy 20 tuổi:
“Thế cho nên chúng tôi – Thi sĩ Tượng trưng – chúng tôi đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi ……và một bài thơ phải vô cùng linh động”
Song le, bao quát hơn cả, bản chất hơn cả, ta vẫn thấy ông là người có một niềm tin vừa đáng kính nể, vừa đáng cảm thương. Nièm tin vừa sắt đá, vừa ngây thơ, vừa sáng suốt, vừa dại khờ …
Mấy lần rồi nhưng cứ đọc lai đọan văn sau đây trong bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm tôi vẫn không cầm được nước mắt:
“…….Lần đầu tiên tôi vào thăm anh, với một món quà nhỏ: Một túm nhãn tôi mua ngoài phố. Anh vồ lấy ăn ngấu nghiến rồi cười oang oang: “Thi đua với các cậu làm thơ nhé!”.
Thấy tôi rơm rớm nước mắt, anh bỗng hạ thấp giọng:
“Đừng buồn cho mình. Mình cũng nhiều khuyết điểm lắm: có tự kiêu, có nóng nảy, có tự do vô kỷ luật thật. Nhưng không bao giờ không trung thành với Đảng, dù bị mắc tiếng oan, dù bị kỷ luật. Và mình tin những cái độc đoán của một vài cá nhân rồi đây sẽ không còn nữa. Đảng là một khối sáng suốt. Tương lai chúng mình, Đảng sẽ đảm bảo, dù bây giờ Đảng có thể chưa hiểu mình.”
……..Mùng hai Tết, tôi ăn bữa cơm cuối cùng với Trần Dần. Giữa hai tợp rượu, đã thấy những cơn bão đe doạ, mà lần này chắc ghê hơn lần trước. Chị K. không biết gì vẫn vui vẻ ngồi bóc bánh, rồi xếp dọn ba lô cho chồng để anh ăn xong thì lại đi công tác.
Không khí văn nghệ như sắp sửa có trận bão. Không biết từ đâu cái tin “Trần Dần phản động” “Trong Giai phẩm có mấy tên phản động” bỗng truyền ra rất nhanh. Những tin không hay dồn đến, bổ vây tôi và anh Trần Dần còn đang ăn dở miếng bánh chưng Tết. Chị K. tái mặt, để rơi đôi đũa, nước mắt đã vòng quanh:
“Thế là thế nào hả các anh? Phen này lại bị bắt nữa thì tôi sống thế nào được? Các anh rủ nhau làm những chuyện gì mà khổ sở thế không biết!”
Trần Dần cũng tái mặt, anh cắn chặt môi, xốc ba lô lên vai, an ủi vợ:
“Em đừng lo. Tin đồn bậy bạ đấy thôi. Anh đi công tác đây, gần đến tháng đẻ, em đừng lo nghĩ gì cả.”
Nhưng chị K. không thể bình tĩnh được. Chị tiễn chồng ra cửa khóc oà lên:
“Anh ơi… Anh có về nữa không, anh ơi!” ”
……
Trần Dần cứ thế mà tin yêu, mà mong ước, mà chờ đợi, mà vật vã vươn tới.
Và, ông đã để lại cho đời không chỉ một tài sản văn học lớn, một tinh thần cách mạng sáng tạo mà còn một tấm gương học hỏi, lao động cần cù. Nguyễn Trọng Tạo kể:
“Tôi khâm phục sự học của ông. Ông học bằng cách đọc thế giới (sách), đọc và quan sát suộc sống, học làm người nghĩa là làm một nhân cách cá biệt, đôi khi như kẻ lập dị giữa đời, giữa đám đông. Học bằng cách làm việc cật lực cho văn thơ. Học bằng cách ngồi dịch sách, dich tài liệu để kiếm sống. Năm 1983, nhạc sĩ Văn Cao nhờ tôi sang nhà Trần Dần mời ông đến nhà uống rượu nhân 60 tuổi, tôi chú ý vết đen trên tường sau chiếc ghế ông ngồi. Cái vết đen như một hình nhân, như cái bóng của ông. Ông đã ngồi dựa tường như vậy suốt mấy chục năm, để đau khổ, để cô đơn toàn phần, để suy nghĩ, để đọc và để viết”.
*
Năm 1997, một ngày Hà Nội âm u giá buốt, nhà thơ Khương Hữu Dụng khi ấy đã gần trăm tuổi đến bên quan tài Trần Dần khóc và đọc hai câu thơ cổ:
Nhất thất cước thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên thân
(Lỡ một bước nghìn năm ân hận.
Quay đầu lại đã thành người trăm năm).
Tôi rất kính và yêu nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Trong thập niên 60 thế kỷ trước, sau một buổi tọa đàm thơ ở báo Văn Nghệ, tôi đèo cụ về (bằng xe đạp). Đến cổng, cụ níu lại trò chuyện. Đứng lâu mỏi chân, cụ lôi tôi lên nhà đàm đạo đến gần hai giờ sáng, để tiếp tục giảng giải rằng cụ khen mấy bài thơ vừa đăng trên “Tác Phẩm Mới” của tôi là khen thật. Về nhà, tôi phải khóa xe để ngoài, trèo tường vào). Tuy nhiên, ở chỗ này, tôi không đồng ý với Cụ.
Tôi cũng rất nể phục nhà bình luận văn chương Thụy Khuê, nhưng tôi cũng không đồng ý nhận xét này: “ Tháng 12 năm 1959, Trần Dần thốt lên: "Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ "Ðúng" mới nhiều máu làm sao". Con người “ Nhất định thắng” ấy, đã thua, đã hàng, chấp nhận ly khai những lý tưởng ngày trước của mình”.
Trần Dần không lỡ bước, không thua, không đầu hàng cái gì cả.
Cho đến bây giờ, nhìn lên trờì sao đất nước, nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam, tôi vẫn thấy một Trần Dần rất đáng mãn nguyện.
“Tôi có nghèo đâu, trăng sao lủng liểng. Mây phơi dằng dặc khắp chân trời. Hương hỏa của tôi, kho nào chứa xuể? Ê hề vũ trụ sao bay. Tôi di lại cho ai giờ? Tầng tầng mây, lục địa lục địa của cải”. (Sổ bụi 1979).
Kỷ niệm 85 năm ngày sinh Trần Dần
Hà Nội 23 tháng 8 năm 1926
Nguyễn Thanh Giang
(*) Tố Hữu – “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”.
(**) Tạp chí Văn nghệ số 12, tháng 5 năm 1958 – “Những lời thú nhận bước đầu của một số phần tử trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm”.
(***) Phạm Xuân Nguyên – “Trần Dần – Thơ ở đâu?”
(Thứ Tư, 20 Tháng Bảy-2011)
Tác giả : NGUYỄN THANH GIANG
NHỚ TRẦN DẦN
Ông khóc những người bay không có chân trời
Tôi khóc ông
Nước mắt ta là giọt máu hồng
Nhỏ cùng nhân thế
Nhỏ vào vũ trụ
Vẽ chân trời
Thành trái tim chung
Nguyễn Thanh Giang
Trong buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những ngọn đèn” của Trần Dần tổ chức ngày 16 tháng 6 năm 2011 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã tâm sự: Ở Việt Nam, nếu có một người xứng đáng được nhận giải Nobel thì người đó là Trần Dần. Theo Dương Tường: “Trần Dần là một người khổng lồ, không dưới 30 tập thơ, ba tiểu thuyết, không kể những bản thảo bị mối mọt hay thất lạc … Còn phải nhiều năm nữa người ta mới đánh giá được kho tàng văn học do Trần Dần để lại”. Theo Dương Thụ thì ngoài “Người người lớp lớp” Trần Dần còn có sáu tiểu thuyết nữa.
Nói chung, người ta nghĩ đến giải nobel văn học cho Trần Dần. Tuy nhiên, Trần Dần còn có thể được xét tặng một giải nobel nữa: nobel hòa bình, nobel chính trị. Bài viết này đề xuất vấn đề đó.
Người coi sáng tạo là lẽ sống –
Có thể ghi nhận những vần thơ trích trong trường ca “Hãy đi mãi” sau đây là tuyên ngôn sống của Trần Dần:
“Tôi chửa có khi nào quên táo bạo
chửa khi nào quên hát
........ quên đau .
Tôi yêu đất mẹ đây ---
....... có cỏ hoa làm chứng
Tôi yêu chủ nghĩa này
....... cờ đỏ cãi cho tôi .
Nhưng
...... chẳng thể rúc kèn củ rích ,
vác loa mồm kêu :
...... "Hiện tại rất thiên đường !"
Không !
Thiên đường chúng ta
....... là nối đuôi nhau
....... vô tận triệu Thiên đường .
Ði mãi
...... chẳng bao giờ thỏa .
Tôi có thể mắc nhiều
...... tội lỗi,
chẳng bao giờ quá ngu đi
....... mắc tội : nằm !
Han rỉ
....... khác gì cái chết ?
Chết con tim chẳng còn dám đau thương .
Chết khối óc
........... chẳng còn dám nghĩ !
Nếu
..... tôi chửa đến ngày thổ huyết
phổi tôi còn xâu xé mãi
.............. lời thơ .
Tôi có thể mặc thây
............. ngàn tiếng chửi tục tằn
trừ tiếng chửi : ---
..........."Sống không sáng tạo !"
………
Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu
............... nặng nề sáng tạo
như
.... nâng một viễn vọng đài
Và trong trường ca “Đây, Việt Bắc”:
“Hãy thù ghét
mọi ao tù
nơi thân ta rữa mục
mọi thói quen nếp-nghĩ mù loà!
Hãy sống như
những con tàu
phải lòng
muôn hải lý
mỗi ngày
bỏ sau lưng
nghìn hải-cảng-mưa-buồn!”
Tư duy sáng tạo đánh vật trong con người Trần Dần làm ông không thể chấp nhận hạnh phúc đương thời: “Thôi đi những hạnh phúc - quần đùi may sẵn! giầy dép - đóng sẵn! Số? Cỡ? Hạnh phúc chẳng mua ở công ti-may mặc-sẵn? những si lip sách chẳng vừa…cóoc sê jáo khoa ca mà thịt hở ” (Sổ thơ kể kệ 1976).
Ông cam đoan: “Chết đi, tôi vẫn mất ngủ” (Sổ bụi 1988), cho nên đã mắng mỏ: “Họ cứ vu oan mặt trời ngủ” (sổ bụi 1986).
Ông nhìn thấy niềm khắc khoải sáng tạo cả nơi con chim rừng Việt Bắc:
“Chính
chiếc nôi Việt Bắc
bế bồng ta
qua
tất cả
tháng năm đầy lửa
nuôi ta
nuôi cách mạng lớn khôn
Ta bầu bạn
củ khoai môn
nương sắn
Bạn
con chim mất ngủ
rừng già…”
(Đây Việt Bắc)
Và ông kiêu căng, tự hào, vững tin ở thành quả sáng tạo của mình:
“Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bây giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
- là chuyện chúng mình...
Em đọc kỹ
trang thơ này nhé
Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm sao trời
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì - sao - anh
nó chuyển bến bên trời
đuôi nó cháy - đúng là
vì sao dữ
Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ
mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy...
(Tình yêu)
Dương Tường từng khẳng định Trần Dần là nhà cách tân thơ số một của Việt Nam. Ông giải thich:
"Suốt một thời gian dài, thơ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Thơ Mới. Người đầu tiên tạo nên một vết cắt, đưa thơ Việt Nam ra khỏi quỹ đạo đó là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng Nguyễn Đình Thi không đi hết con đường của mình. Còn Trần Dần, từ những ảnh hưởng của Maiakovski, ông chuyển sang viết Jờ Joạcx, Mùa sạch... với những cuộc tìm kiếm không ngừng đến cái mới. Thơ Trần Dần đầy chuyển động, không bao giờ lặp lại chính mình, nhưng vẫn giữ nguyên cái cốt cách Trần Dần".
Trần Dần từng kêu gọi "Phải chôn Thơ Mới" ...."phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến"...
“Tệ” hơn, ông còn đòi “chôn” cả Nguyễn Du: “Với tôi, Du (Nguyễn Du), Hương (Hồ Xuân Hương), Khiêm (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Quát (Cao Bá Quát) hay Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương là thầy. Nhưng học trò phải "chôn" thầy. Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa. "Mai sau dù có bao giờ" là con chữ "Chữ tài liền với chữ tai một vần" là đặt nghĩa”. Bởi vì, ông tuyên bố: “Tôi đã leo nhiều ngõ cụt cổ điển” (Sổ bụi 1979). Ông đòi hỏi nhà văn phải là: "Kẻ viết? đạp đổ chân trời?xổng xích các chân mây?" (Sổ bụi - 1985).
Bộ sách Trần Dần ghi 1954-1960 gồm ba quyển: quyển một là những suy nghĩ về sáng tạo, quyển hai chụp lại thời kỳ đấu tố với những hình ảnh khủng khiếp kinh hoàng, quyển ba viết về cuộc sống con người trong những năm bị cầm tù.
Trong quyển một, có những dòng sau:
- Người Sáng tạo là đại biểu cho Tương lai. Nên hắn mâu thuẫn rất mạnh với Hiện tại.
- Người Sáng tạo chỉ làm chủ được ở Tương lai. Còn ở Hiện tại, hắn phải chịu như là thua, nhường cho những kẻ tầm thường khác làm chủ.
- Nếu có chịu được búa rìu của thành kiến mới có thể làm người sáng tạo được. Phải có dạ lim trí sắt.
- Phải có gan đứng lên trên dư luận, chửi mắng, mưa bão. Phải biết đạp mưa xéo gió. Phải phá vỡ cái luân-lý-hiện-hành, những nguyên tắc tục lệ hiện nay đang làm chủ. Đó là bỏ cái ba lô của hiện tại, mới có thể xốc tới tương lai.
- Số phận người sáng tạo bao giờ cũng phải chịu hiểu lầm, chịu những sấm sét của cái cũ nó phản công. Vì người sáng tạo là kẻ thù không đợi trời chung của cái cũ. Mà cái cũ nó không chịu chết ngay, nó nhiều kế độc, hại ngầm và hại ra mặt.
Điều kiện tiên quyết để sáng tạo: Tự do -
Năm 1946, chàng trai Trần Dần 20 tuổi đã dắt một bạn gái du ngoạn Huế. Sau 42 năm mưa dập gió vùi, tháng 5 năm 1988 ông mới có dịp trở lại Huế cùng Phùng Quán - người vừa cùng ông được "trở lại" Hội Nhà Văn Việt Nam - Hai nhà thơ ghé thăm Hội Văn Nghệ tỉnh, gặp gỡ gần 100 nghệ sĩ và trí thức đang công tác tại Huế. Trong buổi này, trả lời câu hỏi “Anh quan niệm thế nào về đổi mới hiện nay?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Dần đã nói: “Theo tôi, đổi mới là tạo nên sáng tạo. Phải để cho các thế hệ tự do sáng tạo. Nếu nói Trần-Dần-Giá-Trị, đấy phải là Giá-Trị-Tự-Do”.
Tự do với Trần Dần là giá trị, là ý nguyện, là bản thể. Đến nỗi cảm thấy Quả Đất này với ông thật chật chội: “Tôi chẳng phải tù binh quả đất” (Sổ bụi 1979), vì ông nghĩ rằng: “Tôi chôn rau ở tận trời sao. (Sổ thơ 1973).
Trong nhật ký ngày 20/12/54 của Trần Dần người ta đọc được những dòng sau: " Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Đời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác. Khó lắm. Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Mỉa mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghiã là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội. …”.
Đầu tháng 10 năm 1954, Trần Dần được cử đi Trung Quốc 2 tháng để viết bản thuyết minh cho phim “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ”. Phụ trách đoàn là một cán bộ chính trị. Vì ý thức tổ chức, lúc đầu Trần Dần rất phục tùng người cán bộ chính trị khi dự thảo thuyết minh, và hoàn toàn theo sát những vấn đề chính trị sẽ đặt ra khi thuyết minh. Nhưng rồi, khi ông cán bộ công nông lập trường macxit thô bạo “tối hậu quyết định cả từng câu chữ” thì Trần Dần bỏ mặc, nhường cả phần “văn chương” cho đồng chí cán bộ kia. Những dòng nhật ký trên ghi lại sự búc bối sau chuyến đi đó.
Trần Dần phàn nàn: “ Có thể nói ngày nay trong văn chương chúng ta có lắm điều giả tạo (có thể nói đạo đức giả). Văn chương viết theo hình thức, mẫu mực sẵn có, đơn giản hóa và ấu trĩ. Các nhà văn đóng khung sẵn và bắt buộc sự thật phải đi vào khung ấy”.
Ông đòi hỏi: “Trách nhiệm cao cả của nhà văn là tôn trọng chân lý. Đó là tiêu chuẩn cao cả để đánh giá nhà văn và tác phẩm. Tôn trọng chân lý là bổn phận, là trách nhiệm, là căn bản, là phương pháp của nhà văn trong công việc của họ”.
Ông nã súng liên tục vào sự “bóp gò sự thực vào chính sách”:
"... Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào... Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách. Không bao giờ được biến chính sách, chỉ thị thành định kiến "đinh ninh"... "... Người viết chỉ viết do thôi thúc của thực tế. Những chân lý lớn, nhỏ, anh ta tự giác thấy ở cuộc sống, ở quân đội. Không phải viết để vừa lòng Tuyên huấn, vừa lòng cấp trên. Để có cái danh phục vụ kịp thời. Một triệu lần, không có mùi mè giác ngộ, phục vụ gì cả! Cái áo không thể che được mùi thối trong ruột. Cách mạng không cần những người vỗ tay hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh "thày cúng chính sách", leng keng bóp méo, nghèo nàn...”.
Ông ráo riết quảng bá:
“Tôi nghe người ta nói đừng viết cuộc sống telle qu'elle est (cuộc sống như nó đang diễn ra) mà phải viết la vie telle qu'elle doit être! (cuộc sống như nó phải được diễn ra) - Tôi lại hiểu rằng: viết cuộc sống telle qu'elle est tức là viết cuộc sống telle qu'elle doit être.- Tôi hiểu rằng không có gì đẹp hơn, không có gì cao cả hơn, không có gì cộng sản hơn là: Sự Thực không tô điểm, Sự Thực trần truồng. Và cũng không có gì xấu hơn, không có gì yếu ớt hơn, phi cộng sản hơn là Sự Thực tô điểm, Sự Thực mặc áo hồng, áo xanh, áo hoa. Tôi nói rằng, dù áo hoa đó thích hợp, dù sự tô điểm đó là tô theo phương hướng thực của cuộc sống thực, thì cái áo đó và sự tô điểm đó vẫn cứ là không đáng tán thành. Cuộc sống cởi truồng, nó có ý nghĩa như những sự tô điểm và những bộ áo đẹp và lý tưởng nhất. Màu da của cuộc đời toute nue, đó là tất cả các bộ áo của trần gian rồi] (trích những dòng ghi từ 16/9 đến 1/10/54, trang 43-48).
Còn phải thấy rằng, không phải đến dưới ách chuyên chính vô sản con người tự do trong Trần Dần mới thấy ngột ngạt. Trong bài thơ đầu tay viết trước cách mạng Tháng Tám Trần Dần đã thấy “Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh”, đã thấy “núi Cô Sơn hờn tuế nguyệt”.
Bài thơ có tên “Hồn xanh kỳ dị”: “Ta từ biển vắng về đây mộng/ Gặp lúc Thăng Long lụi ánh đèn/ Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh/ Đời đương yên giấc biết ai tìm?/ Ôi kẻ xa chơi lẻ trúc đình/ Quê nhà ai khóc? Lệ ai xanh?/ Hồn em mây chở về đâu nhỉ?/ Có gặp buồn trong cuộc lữ trình/ Kìa núi Cô Sơn hờn tuế nguyệt/ Kìa vầng trăng héo nẻo ra đi/ Nửa đêm trở giấc trong phòng lạnh/ Chợt thấy hồn xanh đến dị kỳ”.
Và rồi Trần Dần đã cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng “Dạ đài” với tuyên ngôn 16-11-1946: “Chúng tôi - một đoàn thất thố - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại. Thế cho nên chúng tôi - thi sĩ tượng trưng – chúng tôi có nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày cô độc…”
Tháng 2 năm 1955 Trần Dần viết bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ”. Với sự góp ý của Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh.
Bản Đề nghị dài 12 trang đánh máy nêu các yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội ….
Ban đầu đã có nhiều ý kiến thuận. Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội như Lê Liêm, Lê Quang Đạo, Trần Độ đã ủng hộ nhưng ông tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - bỗng vung đại đao sát thủ: “Tinh thần bản đề nghị này chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt đầu tấn công vào các đồng chí!”.
Thế là Trần Dần đành xin xuất ngũ, xin bỏ Đảng để được đạp qua những quy định của sự kỳ thị độc ác về thành phần giai cấp, về lý lịch gia đình, để sống chết với tự do ái tình, để cứ thế mà xăm xăm yêu và sống với Bùi thị Ngọc Khuê, một người con gái con nhà tư sản. … Hơn thế nữa, còn đi đạo. “Tệ hại hơn”, còn bỏ thiên đường XHCN, theo địch vào Nam.
… Thế là, ông kêu gọi dấn thân vươn tới tự do dù quằn quại xót đau:
"Ðừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Ðừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ...
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè"...
… Thế là, ông vật vã hành xác, sám hối cùng tự do:
“Tôi vẫn thế! Vết nhăn bổ dọc trán…
Tôi có gì đau?
Đau có vì gì?
Ai bảo tôi cách nào thoát khỏi chấn song tôi?....
Lậy tất cả! Tha cho tôi
Cả những lỗi tôi làm
Cả những lỗi người khác phạm
Tha cho tôi. Tôi không đánh vỡ gì cả
Tôi chỉ đánh vỡ của mọi người một mảnh sống: đời tôi”
(Đường Cùng - Tập thơ Cổng Tỉnh)
Trong cơn vật vã, ông nhìn thấy
“Ai mửa sao đêm
đầy các ngõ
để hầm hập bồ hôi
cơn sốt phố về đêm?”
(1959)
Và, xin hãy đọc lại bài thơ “ Nhất định thắng”. Ở đấy đâu chỉ có cái điệp khúc than thở: Bước đi không thấy phố, không thấy nhà mà là lời kêu gọi thiết tha xả thân đấu tranh không chỉ cho Thống nhất, Độc lập mà là Dân chủ. Dân chủ với Tự do. Dân chủ để được Tự do.
“..... thành phố
..... thôn quê
Ðói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả !
.... Ra đường !
Ði !
.... hàng đoàn
.... hàng đoàn
Ðòi lấy tương lai :
HÒA BÌNH
.... THỐNG NHẤT
.............. ÐỘC LẬP
........................DÂN CHỦ
Ðó là tim
.... là máu đời mình
Là cơm áo ! Là ái tình
Nhất định thắng”.
Mục tiêu cao cả và thiêng liêng như vậy nhưng năm 1956 khi bài thơ “Nhất định thắng” in trong “Giai Phẩm” thì Trần Dần đang bị giam ở Việt Bắc.Tờ tạp chí bị tịch thu ngaỵ Trần Dần bị gọi về, mang ra đấu tố giữa một cuộc hội nghị gồm đông đủ các văn nghệ sĩ. Ông bị quy rằng trong các bài thơ của mình đã dùng chữ "Người" viết hoa để ám chỉ, đả kích cụ Hồ. Trại giam Việt Bắc, do vậy, với ông, vẫn được xem là thoáng đãng quá, tự do quá, người ta phải tống ông vào nhà pha Hỏa Lò ở Hà Nội cho hả cơn. Uất ức quá, Trần Dần dùng lưỡi dao cạo cứa cổ, nhưng không chết. Trong bức ký họa của Nguyễn Sáng, cái sẹo ở cổ Trần Dần được đặc tả rất rõ.
Không phải chỉ ”quyết Thơ phải khua gió bão” –
Có người nói Trần Dần “chết” vì tự do vô kỷ luật. Quả có vậy. Không “chết” sao được khi một anh bộ đội cụ Hồ mà dám xông tới tỏ tình mãnh liệt đến mức nữ chiến sỹ đồng đội hoảng hồn bỏ chạy.
Có người bảo Trần Dần “chết” vì ngông nghênh quá. Không sai. Với một nhà thơ được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, đang trên đường trở thành ứng cử viên Tổng Bí thư ĐCSVN mà sao Trần Dần dám hạ bút phê:
"Nói chung thơ Tố Hữu có rất nhiều cái lười biếng. "Ý lời tầm thường (...), rất nhiều cái kiểu "lòng ta xao xuyến, rung rinh", - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt hai là tù binh", - hoặc "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "Cụ Hồ sáng soi". Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy đọc lại cả tập Việt Bắc xem, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa (...) Phá đường: "Nhà neo việc bận vẫn đi" - làm thì thi đua -, thi đua kết quả thì rồi mai địch chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? (...) Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì là lập lại Nguyễn Du, Tản Đà. ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cái nhìn mới mẻ gì. (Trần Dần ghi, trang 141).
Nếu “chết” vì như vậy thì thật oan và tội nghiệp cho Trần Dần. Ông không ngông nghênh, không kèn cựa, không kỳ thị Tố Hữu. Hãy nghe ông tâm sự trong buổi họp mặt năm 1992 cùng hơn trăm đồng nghiệp và bạn đọc tại Huế:
“Tôi với anh Phùng Quán còn thân hơn anh em. Nhưng thơ anh Phùng Quán là thơ quảng trường. Cũng như anh Hoàng Cầm, anh Phùng Quán đọc thơ rất lôi hút người nghe. Tôi lại không thích thơ để đọc (cho nhau nghe). Tôi nghĩ cái tai ngu hơn cái mắt. Trần Dần thì con mắt chạy vào trong, nhưng thơ thì mỗi người mỗi kiểu.. Có kiểu bầy thơ, thơ triển lãm. Tôi làm thơ mini ….”
Nào phải ông chỉ chê người khác, ông chê cả chính mình:
"Tôi vừa viết xong cuốn Người người lớp lớp. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi ít thấy sự thực của bản thân tôi trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh, chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: "Anh đã thấy" (mes douleurs) trên dưới có 6 trang!" (Trần Dần ghi, trang 47).
Ở Trần Dần ta gặp lại quan niệm phê phán rất trong sáng của Nietzsche: "Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù", “Phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo”. Trần Dần từng nói: “Nói tóm tắt: tôi ghét những lối tạo hình ảnh dễ dãi, tầm thường, hủ lậu. Đó là đặc tính của những người và những giai cấp sắp chết”.
Cho nên, chính Tố Hữu đã nói rất đúng về lý do “chết” của Trần Dần: “Hành động của bọn Nhân Văn không phải là câu chuyện văn nghệ đơn thuần mà là cả một âm mưu chính trị” (*)
Quả vậy, chính Trần Dần thú tội đam mê chính trị:
“Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
....tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
....Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
... làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
... tôi làm thơ chính trị”
Làm thơ chính trị, lại làm văn chính trị nữa, như chính Trần Dần đã thú nhận:
“Còn sáng tác tôi chỉ xin đơn cử vài ví dụ:
• “Nói thật” (thơ) cho rằng cán bộ ta không dám nói thực với Đảng, nên mới xẩy ra như Cải cách ruộng đất, và công thức trong xã hội.
• “Nhân văn làm lớn mọi con người” (thơ) nhân để hoan nghênh Đại hội lần thứ hai mươi để chửi cán bộ ta là không dám suy nghĩ, là chỉ suy nghĩ bằng cấp trên. Chỉ có tôi (và báo Nhân văn) là có óc suy nghĩ đối lập, không giao cho bất cứ ai suy nghĩ hộ mình!
• “Một bài thơ chưa có đề”. Tôi đánh “Những nhà thơ ti tỉ đờn bầu” (ám chỉ trường thơ Tố Hữu). Cho là xoàng cả. Chỉ có tôi là nhà thơ “Vận tải trên mọi mặt trận của quần chúng hàng tấn cả gan”. Tự xưng hùng xưng bá trong thơ ca như vậy.
• “Chú bé làm văn” (truyện) nhà chú khổ nhưng chú phải làm một bài văn “Tả cảnh gia đình êm ấm của anh trong một buổi tối”. Thế là chú bé nói giối suốt bài văn. Mục đích bài này là để vu cáo cho ta giáo dục mọi người nói dối từ thuở bé, cho rằng sự giáo dục của ta, là chỗ dựa, là cơ sở của nạn bôi hồng trong văn nghệ.
• “Mâu thuẫn với cả nước” Tả một anh nhạc sĩ bất tài, chỉ có tài sử dụng lập trường (ám chỉ Lương Ngọc Trác) nên được trên tin cậy. Còn anh nhạc sĩ khác có tài, mâu thuẫn với anh nhạc sĩ kia, thì lại bị kiểm thảo, đâm ra mắc lỗi “mâu thuẫn với cả nước”. Bài này đánh và xuyên tạc chính sách đối với cán bộ văn nghệ của Đảng.
• Vân vân… như “Cái đầu trọc”, “Mẹ sự đời”… đều là cái loại đả kích vào các chính sách của Đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của Đảng là một sự ngột ngạt, không thể nào sống nổi.
Đi đôi với những sáng tác như thế tôi phát ra những luận điệu bênh che cho nó. Chẳng hạn sáng tác phải phát hiện mâu thuẫn xã hội; người sáng tác phải có quyền và có gan như nhà viết sử thời xưa, vua chém đi hàng sáu người, đến người thứ bảy vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành phải chịu vậy. Hoặc nói người sáng tác phải đi đầu, bây giờ là phải đứng ở mũi nhọn đấu tranh với chủ nghĩa Staline… Toàn là những luận điệu phỉnh nịnh và hô hào người ta đi vào con đường chống Đảng” (**).
Không chỉ làm thơ, làm văn, dịch thuật cũng với ý đồ chính trị:
“Không những chỉ trong sáng tác, ngay trong việc dịch tôi cũng vẫn nhằm quan liêu mà đánh; Ví dụ dịch Bretch Cái mặt nạ hoặc Những người ở trên không ở đó mãi đâu. Hoặc đánh vào lãnh đạo văn nghệ, dịch Gorki, Tchékov cho người ta thấy sự lãnh đạo của mình gò bó ngòi bút. Dịch Le portrait của Gogol để nói một điểm: Vẽ cho bọn quý tộc là con đường tiêu ma nghệ thuật. Hoặc góp thêm vào cái ảm đạm của tình hình, tôi dịch Crime et Châtimentcủa Đốt, tôi nghĩ xã hội này thì hoặc là cười (tiếu lâm) hoặc là khóc mà phản đối nó mà thôi! Vân vân…”. (**)
Không chỉ “làm thơ chính trị”, làm văn chính trị, làm dịch thuật chính trị, ông còn hiệu triệu chính trị:
"... Ngày nay, trong văn chương, kẻ thù ghê tởm là chủ nghiã công thức, giản đơn sơ lược. Phải nói trắng ra là nó ở cả người viết, ở cả xã hội... Cho nên chống công thức giản đơn sơ lược không phải là chỉ làm ở người viết mà được đâu. Nó phải là một mặt trận lan ra cả xã hội...”.
Không chỉ hiệu triệu, ông còn cần cù làm tổ chức để thực hiện tư tưởng cách mạng của mình.
Có thể xem Trần Dần là mảnh sót của nhóm Dada. Nhóm Dada hoạt động chỉ trong bốn năm 1916-1920, nhưng nguồn sinh lực “hậu hiện đại” trong văn học Việt Nam còn để lại dư hưởng trong “Xuân Thu nhã tập”, “Thi sĩ Tượng trưng” mà hiện thân xuất sắc là Trần Dần ở Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền ở Sài Gòn.
Cầm tấm bằng tú tài Triết, khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Trần Dần trở về quê hương Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV.
Năm 1948, khi tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), ông đã cùng Trần Thư, Hoài Niệm tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên - Nhóm Sông Đà.
Tham gia Nhân Văn Giai phẩm, ông thú thật đã đi tiên phong xét lại chủ nghĩa Mác:
“Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình …. Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ ... Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn." (Trần Dần ghi trang 244).
“Sau “Nhân văn” tôi xin ra bộ đội … nhìn phe ta, Đảng ta như là Stalinisme, và coi việc sáng tác là để đả kích vào đó”. (**)
Theo báo Nhân Dân, hiện tượng ly khai ĐCSVN của Trần Dần đã dấy lên một phong trào cuốn theo ông, bỏ Đảng.
Và ngày nay, phải chăng trong các cuộc biểu tình ta còn nghe vang vọng lời giục giã của Trần Dần:
“Nhưng sự kiện thế giới trong nước ngấu trong tôi. Nhiều lúc tôi cũng mong có những cuộc biểu tình, chủ yếu là văn nghệ, sinh viên và trí thức, thật có trật tự không đổ máu, để mà yêu sách Trung ương cải tổ chính sách nới rộng dân chủ!” (*)
Như để thanh minh cho Trần Dần Goerge Boudarel từng viết: “Năm 1943, anh có quan hệ với nhà xuất bản Hàn Thuyên in sách Macxit có khuynh hướng Trốtkít (của Trương Tửu dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, Lương Đức Thiệp) hoặc những cuốn sách tựu cho là thuộc Đệ Tam Quốc tế. Liệu có thể suy ra đó dà Trần Dần có tham gia chính trị? Xét bối cảnh thì thấy xu hướng câu trả lời là chữ “không” ”.
Tôi không đồng ý với G. Boudarel, Trần Dần là người có ước nguyện chính trị từ trong huyết quản. Ông đã làm chính trị vương đạo, đã dấn thân quả cảm, đã hy sinh oanh liệt và rất vinh quang vì làm chính trị.
Tôi cũng không đồng ý với việc sửa mấy câu thơ của Trần Dần: "Tôi yêu đất nước này có cỏ cây làm chứng / Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi", thành ra: "Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng / Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi".
Chắc chắn Trần Dần, cũng như chúng ta, đã từng yêu cái chủ nghĩa dương cao lá cờ đỏ búa liềm. Nhưng đúng như Bí thư đảng CS Nam Tư Milovan Djilas đã nói: "20 tuổi mà không theo Cộng Sản, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng Sản, là không có cái đầu".
Trần Dần, cũng như Trần Độ theo Cộng sản để “Những mong xóa ác ở trên đời” nhưng khi thấy nó quay lại tước đoạt tự do của con người, của sáng tạo thì phải làm chính trị để chống nó.
Viễn kiến Trần Dần –
Sau 1954, trước hiện tượng từng dòng người bỏ Miền Bắc di cư vào Nam, báo chí của Đảng lên án họ là những phần tử phản động theo địch phản bội tổ quốc, là bị lừa gạt theo Chúa, là ngại khó ngại khổ bỏ quê đi tìm bơ thừa sữa cặn của tư bản, đế quốc …. nhưng Trần Dần thì đã nhìn thấy cái nguyên nhân sâu xa tự bên trong.
“Tôi muốn khóc giữ từng em bé
Bỏ tôi ư? -- từng vạt áo -- Gót chân
Tôi muốn kêu lên -- những tiếng cọc cằn ...
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
.... non bồng Mỹ triệu lần ...
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?
Chỉ là :
- thiếu quả tim, bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão .
Họ vẫn ra đi” .
(Nhất định thắng)
Cái nguyên nhân sâu xa ấy càng được chứng thực, càng hiển hiện qua đợt di cư ào ạt hơn sau thống nhất đất nước 1975.
Đánh thắng đế quốc Mỹ. tổng bí thư Lê Duẩn huyênh hoang tuyên bố: Đất nước từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Nhưng Trần Dần tiên đóan:
“Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến tranh
... Giữ được Hòa Bình
Giặc cũ chết --- lại lo giặc mới
Ðoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý ? và ai có Lực ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
... Biết Tổ quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
.... Không biết nhục
........ Không biết thua
.............. Không biết sợ ! ”
(Nhất định thắng)
Quả nhiên, năm 1979 Đặng Tiểu Bình đã dạy cho Lê Duẩn một bài học, và ngày nay rõ rang ai cũng thấy: “ Giặc cũ chết … lại lo giặc mới”. Chúng đang trắng trợn xâm lăng Biển Đông. Bọn giặc mới này còn đáng lo hơn, đáng ghê tởm hơn, đáng khinh bỉ hơn bất kỳ bọn giặc cũ nào.
Cho nên ngay từ chuyến đi làm thuyết minh cho bộ phim “Điện Biên phủ”, được tiếp xúc với nền văn hóa và xã hội Trung Quốc, trở về ông đã nói lên dự cảm này: "Chớ nên theo đường lối văn nghệ của Trung Quốc".
Trần Dần đã vạch rất đúng nhiều nguyên nhân sâu xa tự bên trong của các sự kiện trong và ngoài nước:
“Hồi ấy mọi chính sách và nhận định về thời sự của Đảng ý kiến của tôi đều đối lập. Ví dụ: Cải cách ruộng đất ruộng đất theo tôi không thể gọi là thắng lợi căn bản. Vấn đề Hung-ga-ri, tuy công nhận địch là nguyên nhân trực tiếp, song tôi nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa là tập đoàn Racôxi. Vấn đề tự do và chuyên chính, tôi nói: Ta thừa chuyên chính bố láo rồi, chỉ thiếu tự do thôi. Nhất là trong địa hạt văn nghệ thì không thể nào dùng biện pháp hành chính được”. (**)
Tổng bí thư Lê Duẩn không chỉ huênh hoang tuyên bố vĩnh viễn sạch bóng quân thù mà còn hợm hĩnh cho rằng đã lãnh đạo đánh thắng được đế quốc trùm sò thì sẽ lãnh đạo làm cái gì cũng được. Nhưng ngay trong “Trần Dần ghi” khi chiến tranh vùa kết thúc, Trần Dần đã tiên liệu và nhắc nhở:
“Cho nên bạn nói Chiến tranh là rèn luyện;- bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa”
“Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhung bạn đừng lầm bảo rằng bộ xương đó là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá”
“Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. [...] Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. [...] Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt”.
Cho nên sau chiến tranh Trần Dần càng háo hức sống, để được sáng tạo cật lực hơn, để được bù đắp những gì ông chưa tọai nguyện.
Hãy đọc đoạn thư ông gửi lãnh đạo sau kết thúc chiến tranh năm 1975:
“Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút...Tôi hy vọng...vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng...Tôi vẫn hy vọng. tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù là bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn. Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc.Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại...Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức”.
… Và những dòng thơ bi tráng này:
“Dù bị vứt bên lề đường
Dù bị tàn tật
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù manh tải đùm thân
Bị gậy bơ vơ trời không che đất không chở
Dù đêm nghe gió quét gậm cầu
Chỉ vài ánh sao lu làm củi lửa
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù chỉ còn một bên tai
Tai sẽ đón tiếng chim ru
Còn một bên tay - tay sẽ quờ quào
Vục một chút màu xanh quê cũ
Cho đôi môi khô uống một hụm trời”
(Hy vọng)
Cảm phục biết bao nhiêu! Thương xót biết bao nhiêu! Phẫn hận biết bao nhiêu!
Di sản lớn của Trần Dần -
Nhờ lao động cật lực, lao động có năng suất, Trần Dần đã để lại cho đời một kho tác phẩm đồ sộ. Ngoài “Về nẻo thanh tuyền” (Dạ đài) 1946. Phạm Thị Hoài trong bài “Trần Dần: cuộc đời, tác phẩm, thời đại” (in trongTrần Dần ghi) đã điểm danh những tác phẩm sau đây:
1954: Anh đã thấy, Tiếng trống tương lai (trường ca).
1955: Cách mạng tháng Tám, Nhất định thắng (bản Hoàng Văn Chí, in lại trong Trần Dần thơ, nxb Nhã Nam Đà Nẵng, 2007)
1957: Hãy đi mãi, Đi! Bài thơ Việt Bắc (trường ca), (nxb Hội Nhà Văn 1991)
1959: Sắc lệnh 59 (thơ), Con tàu xã hội (thơ), 17 tình ca (thơ).
1959-1960: Cổng tỉnh (thơ), (nxb Hội Nhà Văn 1994)
1961: Đêm núm sen (tiểu thuyết)
1963: Jờ Joạc (thơ) (in trong Trần Dần thơ, 2007)
1964: Mùa sạch (nxb Văn học 1997), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết)
1965: Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết)
1967: Con trắng (thơ văn xuôi, in trong Trần Dần thơ, 2007)
1968:177 cảnh (hùng ca lụa)
1974: Động đất tâm thần (nhật ký thơ)
1978: Thơ không lời - Mây không lời (thơ - hoạ)
1979: Bộ ba: Thiên Thanh - 77- Ngày ngày
1980: Bộ ba: 36 - Thở dài - Tư Mã dâng sao.
1987: Thơ Mini. (in trong Trần Dần thơ, 2007).
Đấy mới kể về số lượng. Mà chỉ là phần nổi của số lượng. Nhà thơ Dương Tường cho biết: “Tôi nhớ khi đám tang anh Trần Dần xong, tôi soạn lại di cảo của anh. Bề bộn. Một mình tôi làm vài ngày đầu không xuể. May quá nhờ được Phạm Thị Hoài vốn học ở Đức, khoa Thư viện, tôi gọi đến soạn cùng. Thưa với các anh chị và các bạn là hơn 200 hồ sơ di cảo còn nằm đấy. Còn nhiều thứ ở Trần Dần mà chúng ta chưa biết lắm. Thơ thì còn Tư Mã dâng sao, 177 cảnh Jờ Joạcx, rồi 36 thở dài… Tiểu thuyết còn Đêm núm sen, Một ngày Cẩm Phả, Những ngã tư và những cột đèn… Đúng là phần chìm của núi băng”.
Song le, còn một phần chìm thiêng liêng nữa, phần chìm tinh túy nữa, phần chìm nằm trong chất lượng tác phẩm, trong lõi cứng của sáng tạo.
Nhà thơ Nguyễn Duy suy tôn: “Nếu đời viết của đa số người cầm bút là công cuộc tìm tòi, gom nhặt, sàng lọc chữ nghĩa, thì Trần Dần là người chế tạo ra hệ ngôn ngữ mới”. “Trần Dần lặng lẽ mài giũa ngôn ngữ, là tấm gương, là người thầy của tôi”.
Nhà lý luận văn học Phạm Xuân Nguyên: “…những con chữ Trần Dần sẽ khuấy động, khuấy đảo tâm cảm mỗi người đọc và gây ra những phản ứng thơ mạnh mẽ có thể khiến bàng hoàng trước một khối năng lượng sáng tạo cực mạnh, cực lớn từ gần nửa thế kỷ trước soi chiếu và phóng nổ vào hôm nay” (***)
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương: “Sáng tạo đích thực bao giờ cũng cô đơn và không được chia sẻ. Một sự sáng tạo được mọi người tung hô ngay thì chắc chắn sau đấy sẽ bị quên rất nhanh. Chúng ta ngồi đây, ít nhiều đều là độc giả có chuyên môn, nhưng liệu chúng ta có đủ tinh để cảm nhận và hiểu biết những gì Trần Dần viết cách đây 3-4-5 chục năm về trước? Không có chuyện tất cả đọc và hiểu đúng Trần Dần ngay được. Tập thơ vừa rồi tôi đã mang về đọc một cách cẩn thận, nhưng cũng có những chỗ bị bần thần, không hiểu nguyên ý tác giả thế nào. Nhiều chỗ tôi không hiểu và tôi kính cẩn sự không hiểu ấy. Bởi ít nhất người ta cũng làm cho một đầu óc không đến nỗi mít đặc như mình không hiểu được, mà còn phải tìm để hiểu cho ra được lâu lâu nữa. Thế là sáng tạo, thế là cái gì đó mới”
Nhà bình luận văn chương xuất sắc Thụy Khuê: “Trần Dần thơ, ngoài những tác phẩm tạm gọi là classique đã in như Bài thơ Việt Bắc và Cổng Tỉnh, còn có những tác phẩm mới hơn. Những thử nghiệm thơ độc âm Mùa sạch, biến tấu âm con OEE, và thơ bè Con I, còn nhiều cường điệu và nệ hình thức, hoặc lập dị như Jờ Joạcx. Ngược lại, với Sổ bụi và thơ Mini, Trần Dần thực sự đã thành công, hai tác phẩm này xác định tinh thần cách tân thơ của Trần Dần, khác với Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Vậy lần công bố này, tầm quan trọng và sự độc đáo nằm trong Sổ bụi, và thơ Mini. Sổ bụi, tập hợp lối ghi chép đặc biệt Trần Dần: đó là những bài thơ văn xuôi cô đọng, mới, đầy biến ảnh, thể hiện cái mỹ học khổ đau của ông một cách toàn diện. Thơ Mini, là những triết luận thu gọn đến cạn kiệt. Một Trần Dần đi từ thực tại thi nhân để đến với tâm linh hiền triết”.
Giáo sư Phong Lê, "Trần Dần vẫn cứ là một ẩn số đối với lớp người đọc như tôi, muốn biết nhiều hơn về sức sáng tạo của ông, nói đúng hơn về một khát vọng sáng tạo không ngớt hành hạ ông, đến là quyết liệt và dai dẳng. Dai dẳng cho đến ngày ông qua đời ở nhà riêng số 5 phố Vũ Hữu Lợi...” …..
Di sản Trần Dần không chỉ có tác phẩm văn học, ông còn để lại cho đời một tấm gương, một tấm gương lớn về nhân cách, nhân phẩm, về ý chí. Trong nỗi nhớ Việt Bắc của Tố Hữu ta chỉ thấy chủ yếu những “Trung ương Chính phủ luận bàn việc công”, những ”Người đi rừng núi trông theo bóng người”, nỗi nhớ trong Trần Dần mới thật sâu đậm nghĩa tình, thật da diết:
“Ở đây
ta mắc nợ
núi rừng.
Một món nợ
khó bề trang trải.
Việt Bắc
cho ta vay
địa thế!
Vay từ
bó củi
nắm tên.
Vay từ
những hang sâu
núi hiểm.
Cả
trám bùi
măng đắng
đã nuôi ta.
Ta mắc nợ
những rừng sim bát ngát.
Nợ
bản mường heo hút
chiều sương.
Nợ củ khoai môn
nợ chim muông
nương rẫy.
Nợ
tre vầu
bưng bít
rừng sâu.
Nợ con suối
dù trong
dù đục,
Nợ
những người
đã ngã
không tên!
Ôi
thế kỉ muôn quên ngàn nhớ!
Nợ này
đâu dễ trả
mà quên!
Đi!
Tất cả!
Dù quen tay vỗ nợ,
cũng chớ bao giờ
vỗ nợ
nhân dân!”
(Bài thơ Việt Bắc)
Ôi, nếu ta biết nhớ bằng nỗi nhớ Trần Dần thì ngày nay cách biệt giầu nghèo đâu đến nỗi lớn như thế này. Đâu đến nỗi hùa nhau mua quan bán chức đê tiện đến thế này. Đâu đến nỗi tham nhũng tàn bạo đến thế này …!
Trần Dần vốn là người có tinh thần phản kháng hơi quá mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức như thiền sư Quảng Nghiêm:
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hữu hướng Như lai hành xử hành
(Thanh niên tụ nó có cái chí hướng tung thẳng trời xanh.
Há có phải đi theo con đường mòn của Đức Phật).
Lời lẽ ông đôi khi dữ dằn như là ác khẩu:
“Yêu là chết: hai điều đó đã hòa hợp với nhau từ ngàn năm nay. Muốn yêu chính là sẵn sàng để chết. Tôi nói với các bạn như vậy đó, hỡi những người khiếp nhược”
"Tôi thích những cuộc đối thoại với nhau như tra tấn. Ðọc là tra tấn có một chiều. Ðối thoại là tra tấn lẫn nhau."
“Thơ là mạng sống, là lý lịch thực của đời tôi”….
Trách làm chi cái sự đại ngôn ngay từ “Bản Tuyên ngôn Tượng trưng”, khi Trần Dần chưa đầy 20 tuổi:
“Thế cho nên chúng tôi – Thi sĩ Tượng trưng – chúng tôi đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi ……và một bài thơ phải vô cùng linh động”
Song le, bao quát hơn cả, bản chất hơn cả, ta vẫn thấy ông là người có một niềm tin vừa đáng kính nể, vừa đáng cảm thương. Nièm tin vừa sắt đá, vừa ngây thơ, vừa sáng suốt, vừa dại khờ …
Mấy lần rồi nhưng cứ đọc lai đọan văn sau đây trong bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm tôi vẫn không cầm được nước mắt:
“…….Lần đầu tiên tôi vào thăm anh, với một món quà nhỏ: Một túm nhãn tôi mua ngoài phố. Anh vồ lấy ăn ngấu nghiến rồi cười oang oang: “Thi đua với các cậu làm thơ nhé!”.
Thấy tôi rơm rớm nước mắt, anh bỗng hạ thấp giọng:
“Đừng buồn cho mình. Mình cũng nhiều khuyết điểm lắm: có tự kiêu, có nóng nảy, có tự do vô kỷ luật thật. Nhưng không bao giờ không trung thành với Đảng, dù bị mắc tiếng oan, dù bị kỷ luật. Và mình tin những cái độc đoán của một vài cá nhân rồi đây sẽ không còn nữa. Đảng là một khối sáng suốt. Tương lai chúng mình, Đảng sẽ đảm bảo, dù bây giờ Đảng có thể chưa hiểu mình.”
……..Mùng hai Tết, tôi ăn bữa cơm cuối cùng với Trần Dần. Giữa hai tợp rượu, đã thấy những cơn bão đe doạ, mà lần này chắc ghê hơn lần trước. Chị K. không biết gì vẫn vui vẻ ngồi bóc bánh, rồi xếp dọn ba lô cho chồng để anh ăn xong thì lại đi công tác.
Không khí văn nghệ như sắp sửa có trận bão. Không biết từ đâu cái tin “Trần Dần phản động” “Trong Giai phẩm có mấy tên phản động” bỗng truyền ra rất nhanh. Những tin không hay dồn đến, bổ vây tôi và anh Trần Dần còn đang ăn dở miếng bánh chưng Tết. Chị K. tái mặt, để rơi đôi đũa, nước mắt đã vòng quanh:
“Thế là thế nào hả các anh? Phen này lại bị bắt nữa thì tôi sống thế nào được? Các anh rủ nhau làm những chuyện gì mà khổ sở thế không biết!”
Trần Dần cũng tái mặt, anh cắn chặt môi, xốc ba lô lên vai, an ủi vợ:
“Em đừng lo. Tin đồn bậy bạ đấy thôi. Anh đi công tác đây, gần đến tháng đẻ, em đừng lo nghĩ gì cả.”
Nhưng chị K. không thể bình tĩnh được. Chị tiễn chồng ra cửa khóc oà lên:
“Anh ơi… Anh có về nữa không, anh ơi!” ”
……
Trần Dần cứ thế mà tin yêu, mà mong ước, mà chờ đợi, mà vật vã vươn tới.
Và, ông đã để lại cho đời không chỉ một tài sản văn học lớn, một tinh thần cách mạng sáng tạo mà còn một tấm gương học hỏi, lao động cần cù. Nguyễn Trọng Tạo kể:
“Tôi khâm phục sự học của ông. Ông học bằng cách đọc thế giới (sách), đọc và quan sát suộc sống, học làm người nghĩa là làm một nhân cách cá biệt, đôi khi như kẻ lập dị giữa đời, giữa đám đông. Học bằng cách làm việc cật lực cho văn thơ. Học bằng cách ngồi dịch sách, dich tài liệu để kiếm sống. Năm 1983, nhạc sĩ Văn Cao nhờ tôi sang nhà Trần Dần mời ông đến nhà uống rượu nhân 60 tuổi, tôi chú ý vết đen trên tường sau chiếc ghế ông ngồi. Cái vết đen như một hình nhân, như cái bóng của ông. Ông đã ngồi dựa tường như vậy suốt mấy chục năm, để đau khổ, để cô đơn toàn phần, để suy nghĩ, để đọc và để viết”.
*
Năm 1997, một ngày Hà Nội âm u giá buốt, nhà thơ Khương Hữu Dụng khi ấy đã gần trăm tuổi đến bên quan tài Trần Dần khóc và đọc hai câu thơ cổ:
Nhất thất cước thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên thân
(Lỡ một bước nghìn năm ân hận.
Quay đầu lại đã thành người trăm năm).
Tôi rất kính và yêu nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Trong thập niên 60 thế kỷ trước, sau một buổi tọa đàm thơ ở báo Văn Nghệ, tôi đèo cụ về (bằng xe đạp). Đến cổng, cụ níu lại trò chuyện. Đứng lâu mỏi chân, cụ lôi tôi lên nhà đàm đạo đến gần hai giờ sáng, để tiếp tục giảng giải rằng cụ khen mấy bài thơ vừa đăng trên “Tác Phẩm Mới” của tôi là khen thật. Về nhà, tôi phải khóa xe để ngoài, trèo tường vào). Tuy nhiên, ở chỗ này, tôi không đồng ý với Cụ.
Tôi cũng rất nể phục nhà bình luận văn chương Thụy Khuê, nhưng tôi cũng không đồng ý nhận xét này: “ Tháng 12 năm 1959, Trần Dần thốt lên: "Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ "Ðúng" mới nhiều máu làm sao". Con người “ Nhất định thắng” ấy, đã thua, đã hàng, chấp nhận ly khai những lý tưởng ngày trước của mình”.
Trần Dần không lỡ bước, không thua, không đầu hàng cái gì cả.
Cho đến bây giờ, nhìn lên trờì sao đất nước, nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam, tôi vẫn thấy một Trần Dần rất đáng mãn nguyện.
“Tôi có nghèo đâu, trăng sao lủng liểng. Mây phơi dằng dặc khắp chân trời. Hương hỏa của tôi, kho nào chứa xuể? Ê hề vũ trụ sao bay. Tôi di lại cho ai giờ? Tầng tầng mây, lục địa lục địa của cải”. (Sổ bụi 1979).
Kỷ niệm 85 năm ngày sinh Trần Dần
Hà Nội 23 tháng 8 năm 1926
Nguyễn Thanh Giang
(*) Tố Hữu – “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”.
(**) Tạp chí Văn nghệ số 12, tháng 5 năm 1958 – “Những lời thú nhận bước đầu của một số phần tử trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm”.
(***) Phạm Xuân Nguyên – “Trần Dần – Thơ ở đâu?”
1/8/11
Phan Mộng Hoàn - Tổ chim gốc hồng
Tổ chim gốc hồng
Phan Mộng Hoàn
Mùa hè, trời 6 giờ chiều vẫn còn nắng chói chang . Ông già lui cui một mình tưới cây. Vườn rộng cây trồng đủ thứ, nhưng cỏ dại thì lấn chiếm khắp mọi xó xỉnh.
Trước nhà kho cuối vườn, mấy cây cherry đã tàn hết trái. Ông lo tưới nước để năm tới lá không héo quăn lại và để tránh cho hàng trăm đàn kiến đen khỏi chực chờ bu kín. Cherry từ nhiều năm nay sinh trái ngọt khiến lũ cháu nội mê thích hái quả. Bà nội chúng giờ này đang ở quê hương. Mỗi tối ông ưa mở máy computer trước khi ngủ. Ông ngóng tin bên kia quả đất. Bà siêng viết điện thư cho ông, cốt hỏi thăm tin tức vườn. Ông kể chuyện hôm kia cho bà ấy nghe:
“…Hai cây hồng dòn muà lạnh này anh chắc sẽ cho ra hàng loạt trái nhỏ như năm kia. Cành chi chit quả. Nếu chăm tưới nước may ra trái sẽ lớn hơn cở pingpong. Không biết chừ em còn ham gọt vỏ sấy hồng khô nữa không? Có tiếng chim đâu đây…Ui chao, dưới gốc hồng vương vãi những cọng cỏ khô, hình như là tổ chim sẻ. Anh thấy ló ra 3 con chim sẻ con bé xinh. Chúng đang há mỏ đợi mồi…Anh đi thụt lùi nhẹ thiệt nhẹ để cha mẹ chúng không sợ…”
“Choét! Choét!” giọng gắt gỏng của tên chim xanh đậu tít trên kia đầu cột giây điện thoại cuối vườn vang lên. Ông nội cu Sữa kết tội ngay là tên chúa đảng, bé loắt choắt có cặp cánh ửng xanh lam, thân gầy nhom mà hung dữ. Đó là con thiên tặc, vì không thể kêu là hải tặc như bà nội Sữa từ lâu đã đặt cho nó. Chắc chắn nó lăm le “mần thịt” lũ sẻ măng tơ đang ẩn mình nơi tổ rơm gốc hồng. Ông hồi hộp theo dõi. Buổi trưa, khi chuẫn bị tưới cây hồng dòn, Ông thấy trên cây hồng bố mẹ bầy chim non đang bay cao bay thấp, gần lũ con bé bỏng. Ông tủm tỉm cười vì nghĩ gia đình chim bận rộn dạy bài học bay đầu đời.
Ông già tránh đi tới đầu kia vườn, chăm chút đóng lại mấy cọc rào tre cho vuông vắn. Lá nho rậm rạp từ trên dàn cao bò lan rối rít và đang vươn dài xuống đất. Ông thấy lấp ló mấy chùm nho xanh mởn mơ. Ông chợt nhớ bà nội Sữa. Nếu có bà ấy, thế nào cũng không tha việc nhắm nháp vài trái nho xanh chua lét!
Khi ông quay trở lui cây hồng lớn nhất để thăm chừng tổ chim. Ông già chợt thấy cặp chim bố mẹ bay rối rít dưới gốc cây, như hoảng sợ chuyện chi. Rồi ông ngó trật lên. Cao khỏi trên cây hồng, con chim xanh đang xé xác một chim sẻ con. Ông già giận quá, cúi lượm hòn đá, liệng thiệt mạnh về phiá ác điểu, nó bay vụt đi như chớp. Cùng lúc hai chim sẻ cũng xao xác bay lên. Cỏ rơm tung tóe, tổ chim bây giờ chỉ còn hai chim sẻ non. Một con run rẩy và một con nghẹo đầu nằm chết rủ bên cạnh. Chôn xong xác chim nhỏ, ông kiếm mảnh bìa cứng lót cỏ khô ủ kín cho con chim con còn sống và đem tới đặt dưới gốc cây ổi lớn trồng gần nhà kho thứ 2 trong này. Ông già im lặng làm vườn. Tối mịt mờ ông mới trở vào, buồn bã ngồi ghi điện thư cho vợ.
“…lâu rồi đọc đâu đó trang sách, anh nghe nói rằng khi ngữi có “hơi người”, chim mẹ sẽ sợ và bỏ đi không nuôi con nữa! Nhưng theo anh, cứ di chuyển tổ chim cho an toàn đã, mình theo dõi coi thử ra sao.”
Khắp vườn những cây mãn đình hồng nhè nhẹ đong đưa theo gió. Thân cây nào cũng mảnh mai như cây sậy ẻo lã mọc cao vút lên và hoa rung rinh nở đủ màu, đỏ rực, tím nhạt, hồng phấn… Gió lao xao đuổi nắng. Ra thăm gốc ổi, ông già không còn thấy chim sẻ con nữa. Rộn ràng trên mái ngói nhà vợ chồng Nam Trân, ông nghe tiếng chim sẻ riú rít tranh ăn.
Bà nội đã về lại San Jose hai tháng nay. Buổi trưa bà thích đưa võng ru Bòn Bon ngủ. Con bé chưa đầy 4 tháng tuổi mà có vẻ mơ mộng. Nó cười tít mắt nhìn đám lá thông rung rinh trên cao. Gió hè thổi mát rượi, bà hát ca dao cho cháu nghe. Lời tình tự dân tộc hòa theo lá thông, theo gió bay đi xa. Em bé lim dim ngủ từ lúc nào,
Le the cũng thể cây tùng,
Rườm rà cho lắm cây sung bờ rào
Cháu ngủ rồi nên bà rảnh, loay hoay lo đổ gạo vào cho đầy cóng đựng gạo. Ông nội Bòn Bon vừa đóng xong cái nhà xinh xinh chứa thực phẩm cho chim. Chặp chiều bầy chim sẻ sà xuống đua nhau mổ lách tách những hạt gạo ngon.
Trời chiều bãng lãng mây trắng bay…
San Jose cuối tháng 7- Ghi lại email đầu tháng 5-2011
Phan Mộng Hoàn
Mùa hè, trời 6 giờ chiều vẫn còn nắng chói chang . Ông già lui cui một mình tưới cây. Vườn rộng cây trồng đủ thứ, nhưng cỏ dại thì lấn chiếm khắp mọi xó xỉnh.
Trước nhà kho cuối vườn, mấy cây cherry đã tàn hết trái. Ông lo tưới nước để năm tới lá không héo quăn lại và để tránh cho hàng trăm đàn kiến đen khỏi chực chờ bu kín. Cherry từ nhiều năm nay sinh trái ngọt khiến lũ cháu nội mê thích hái quả. Bà nội chúng giờ này đang ở quê hương. Mỗi tối ông ưa mở máy computer trước khi ngủ. Ông ngóng tin bên kia quả đất. Bà siêng viết điện thư cho ông, cốt hỏi thăm tin tức vườn. Ông kể chuyện hôm kia cho bà ấy nghe:
“…Hai cây hồng dòn muà lạnh này anh chắc sẽ cho ra hàng loạt trái nhỏ như năm kia. Cành chi chit quả. Nếu chăm tưới nước may ra trái sẽ lớn hơn cở pingpong. Không biết chừ em còn ham gọt vỏ sấy hồng khô nữa không? Có tiếng chim đâu đây…Ui chao, dưới gốc hồng vương vãi những cọng cỏ khô, hình như là tổ chim sẻ. Anh thấy ló ra 3 con chim sẻ con bé xinh. Chúng đang há mỏ đợi mồi…Anh đi thụt lùi nhẹ thiệt nhẹ để cha mẹ chúng không sợ…”
“Choét! Choét!” giọng gắt gỏng của tên chim xanh đậu tít trên kia đầu cột giây điện thoại cuối vườn vang lên. Ông nội cu Sữa kết tội ngay là tên chúa đảng, bé loắt choắt có cặp cánh ửng xanh lam, thân gầy nhom mà hung dữ. Đó là con thiên tặc, vì không thể kêu là hải tặc như bà nội Sữa từ lâu đã đặt cho nó. Chắc chắn nó lăm le “mần thịt” lũ sẻ măng tơ đang ẩn mình nơi tổ rơm gốc hồng. Ông hồi hộp theo dõi. Buổi trưa, khi chuẫn bị tưới cây hồng dòn, Ông thấy trên cây hồng bố mẹ bầy chim non đang bay cao bay thấp, gần lũ con bé bỏng. Ông tủm tỉm cười vì nghĩ gia đình chim bận rộn dạy bài học bay đầu đời.
Ông già tránh đi tới đầu kia vườn, chăm chút đóng lại mấy cọc rào tre cho vuông vắn. Lá nho rậm rạp từ trên dàn cao bò lan rối rít và đang vươn dài xuống đất. Ông thấy lấp ló mấy chùm nho xanh mởn mơ. Ông chợt nhớ bà nội Sữa. Nếu có bà ấy, thế nào cũng không tha việc nhắm nháp vài trái nho xanh chua lét!
Khi ông quay trở lui cây hồng lớn nhất để thăm chừng tổ chim. Ông già chợt thấy cặp chim bố mẹ bay rối rít dưới gốc cây, như hoảng sợ chuyện chi. Rồi ông ngó trật lên. Cao khỏi trên cây hồng, con chim xanh đang xé xác một chim sẻ con. Ông già giận quá, cúi lượm hòn đá, liệng thiệt mạnh về phiá ác điểu, nó bay vụt đi như chớp. Cùng lúc hai chim sẻ cũng xao xác bay lên. Cỏ rơm tung tóe, tổ chim bây giờ chỉ còn hai chim sẻ non. Một con run rẩy và một con nghẹo đầu nằm chết rủ bên cạnh. Chôn xong xác chim nhỏ, ông kiếm mảnh bìa cứng lót cỏ khô ủ kín cho con chim con còn sống và đem tới đặt dưới gốc cây ổi lớn trồng gần nhà kho thứ 2 trong này. Ông già im lặng làm vườn. Tối mịt mờ ông mới trở vào, buồn bã ngồi ghi điện thư cho vợ.
“…lâu rồi đọc đâu đó trang sách, anh nghe nói rằng khi ngữi có “hơi người”, chim mẹ sẽ sợ và bỏ đi không nuôi con nữa! Nhưng theo anh, cứ di chuyển tổ chim cho an toàn đã, mình theo dõi coi thử ra sao.”
Khắp vườn những cây mãn đình hồng nhè nhẹ đong đưa theo gió. Thân cây nào cũng mảnh mai như cây sậy ẻo lã mọc cao vút lên và hoa rung rinh nở đủ màu, đỏ rực, tím nhạt, hồng phấn… Gió lao xao đuổi nắng. Ra thăm gốc ổi, ông già không còn thấy chim sẻ con nữa. Rộn ràng trên mái ngói nhà vợ chồng Nam Trân, ông nghe tiếng chim sẻ riú rít tranh ăn.
Bà nội đã về lại San Jose hai tháng nay. Buổi trưa bà thích đưa võng ru Bòn Bon ngủ. Con bé chưa đầy 4 tháng tuổi mà có vẻ mơ mộng. Nó cười tít mắt nhìn đám lá thông rung rinh trên cao. Gió hè thổi mát rượi, bà hát ca dao cho cháu nghe. Lời tình tự dân tộc hòa theo lá thông, theo gió bay đi xa. Em bé lim dim ngủ từ lúc nào,
Le the cũng thể cây tùng,
Rườm rà cho lắm cây sung bờ rào
Cháu ngủ rồi nên bà rảnh, loay hoay lo đổ gạo vào cho đầy cóng đựng gạo. Ông nội Bòn Bon vừa đóng xong cái nhà xinh xinh chứa thực phẩm cho chim. Chặp chiều bầy chim sẻ sà xuống đua nhau mổ lách tách những hạt gạo ngon.
Trời chiều bãng lãng mây trắng bay…
San Jose cuối tháng 7- Ghi lại email đầu tháng 5-2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)