23/2/13

Trung Quốc Phục Hưng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130223

Và phục binh Trung Quốc



* Công xưởng của thế giới: Hắc khách của  đội 61398, thuộc Tổng tham, Tam bộ, Nhị cục! *



Đúng năm năm trước, vào Tháng Ba năm 2008, một tổ hợp đầu tư Hoa Kỳ nghiêng đổ, đó là công ty Bear Sterns, được thành lập từ năm 1923, 90 năm về trước. Biến cố tưởng như nhỏ nhoi đó bật tia lửa báo hiệu một vụ cháy rừng. Cùng thời điểm ấy, dân Tây Tạng ở khắp nơi tổ chức biểu tình tưởng niệm biến cố 17 Tháng Ba năm 1959, khi thủ đô Lhasa của họ bị Hồng quân Trung Quốc chiếm đóng và vị quốc trưởng là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 phải lưu vong qua Ấn Độ. Không chỉ biểu tình phản đối ách thống trị của Trung Quốc, dân Tây Tạng và những người tranh đấu cho nhân quyền còn "dàn chào" ngọn đuốc Thế vận đang biểu diễn vòng quanh thế giới trước khi châm lửa cho Thế vận hội Bắc Kinh...

Tia lửa Bear Sterns châm ngòi cho vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ, bùng nổ khi tổ hợp Lehman Brothers sụp đổ ngày 15 Tháng Chín. Còn tia lửa Tây Tạng bị Trung Quốc dập tắt mà vẫn âm ỉ lan xa, với hàng trăm người Tây Tạng cả tăng lẫn tục đã tự thiêu từ hai năm qua.

Trước sự thờ ơ của thế giới.

Chỉ vì tám giờ tám phút tối ngày tám tháng tám năm lẻ tám, Thế vận hội Bắc Kinh huy hoàng khai mạc trong một vận động trường hiện đại có cái dạng của một ổ chim. Thế vận hội hạ màn 18 ngày sau, lại còn vĩ đại hơn lễ khai mạc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu với sự xuất hiện của Trung Quốc, một nước đã đoạt nhiều huy chương hơn Hoa Kỳ và đang trên đà bắt kịp kinh tế Mỹ về sản lượng....

Rồi ba tuần sau khi Thế vận Bắc Kinh chấm dứt, ngày 15 tháng 9 năm 2008, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản, kéo theo hàng loạt cơ sở tài chánh khác trong một vụ khủng hoảng hy hữu. Năm đó, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử và bầu lại Tổng thống. Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong cơn hốt hoảng của cả nước mở ra một chu kỳ bao cấp với biện pháp chống đỡ cổ điển là tăng chi để kích cầu: nước Mỹ bị bội chi nặng và mắc nợ còn nặng hơn xưa. Giờ này, tuần này, Hoa Kỳ chưa ra khỏi tranh luận về gánh nợ và cái ách bội chi.

Phải chăng sự sụp đổ của Bear Sterns, rồi Lehman Brothers, AIG, Fannie Mae và Freddie Mac, v.v... đánh dấu ngày tàn của nước Mỹ? Vào cùng thời điểm ấy, Trung Quốc phục hưng sau hai thế kỷ bại liệt, là con bệnh của Đông Á. Chúng ta đã trải qua năm năm hỗn mang như vậy,

Tuần qua, Hoa Kỳ cũng báo động rằng cả trăm doanh nghiệp cao kỹ lẫn các cơ quan liên bang, kể cả bộ Quốc phòng, đã bị "hắc khách" tấn công!

Hắc khách là những tay tin tặc hacker đã xâm nhập vào nội tình của địch và còn lên tới đầu não để vừa ăn cắp vừa phá hoại bằng những phản trình tinh vi. Y như các thích khách được thấy trong bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, bọn hắc khách có bản lĩnh nhất cũng xuất phát từ Trung Quốc.

Theo cơ quan tư nhân chuyên nghiên cứu về an ninh tín học là Mandiant, một điểm xuất phát của hắc khách Trung Quốc là "Tổng tham Tam bộ Nhị cục". Diễn ra bạch văn là phòng nhì của ban ba, bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng! Một bộ phận chủ lực về hắc khách của cơ quan bí hiểm này là Đơn vị 61398 ("61398 Bộ đội") nằm trong một cao ốc trên đường Đại đồng ở Thượng Hải.

Khi ngẫm lại thì năm năm qua - khi Hoa Kỳ cùng các nước công nghiệp tiên tiến và dân chủ của Tây phương, kể cả Nhật Bản, còn ngụp lặn trong muôn vàn khó khăn - cũng là lúc Trung Quốc bung ra bốn phương và khẳng định thế mạnh về mọi mặt, kinh tế, ngoại giao và quân sự! Còn trời đất gì nữa?

Mà không phải sao?

Bắc Kinh hiện là chủ đầu tư, nguồn viện trợ lẫn trung tâm đổi chác quyền lợi với các nước Á Châu, Phi Châu và Trung Nam Mỹ, rồi còn xâm nhập vào các thị trường tiên tiến, mắc nợ và khát tiền của Tây phương.

Bắc Kinh đã cho các nước nghèo vay tiền còn nhiều hơn Ngân hàng Thế giới. Rồi xây hải cảng, xa lộ, ống dẫn dầu và khí đốt cho các nước bán khoáng sản và năng lượng. Bắc Kinh tung ra một lực lượng "dân công", những kẻ tha phương cầu thực để kiếm sống, vào khai thác nông trại, đồn điền, hầm mỏ và thương xá của các nước để thu về nguyên nhiên vật liệu và hàng ngày thả ra hàng triệu sản phẩm "chế tạo tại Trung Quốc" với giá rẻ mạt. Lực lượng dân công đó có sự yểm trợ về tín dụng và ngoại giao của một tam đầu chế là nhà nước, ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh.

Bắc Kinh còn tiếp vận cho các chế độ hung đồ đang bị thế giới cấm vận, mà không hề có loại điều kiện mang tính chất "xen lấn nội bộ" như nhân quyền, dân chủ, môi sinh hay phổ biến võ khí tàn sát....

Nếu nhìn theo giác độ an ninh, Bắc Kinh đang nối một xâu chuỗi từ Đông Á qua Ấn Độ dương đến Hồng hải để lập ra thế liên hoành kết hợp các đồng minh. Mục tiêu là giải quyết nhu cầu vận chuyển mà khỏi bị chặn ở "nan đề Malacca" là các eo biển Malacca, Lombok và Makassar trên vùng biển Đông Nam Á hiện vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát. Nhu cầu ấy sẽ khai thông và phát triển những tỉnh bị khóa trong lục địa, từ Tứ Xuyên đến Vân Nam. Mục tiêu kia là đánh một vòng đai quân cảng cho phép hạm đội Trung Quốc sử dụng để khống chế được Vịnh Bengale, Ấn Độ dương và biển Á Rập, và nối kết với miền Tây biển Thái Bình.

Hai chục năm trước, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người Mỹ lạc quan vội nói đến "lịch sử cáo chung" và sự thắng thế của tư bản chủ nghĩa. Rồi cả thế giới ca tụng "đồng thuận Washington", những tôn chỉ có giá trị nhất cho phát triển như kỷ cương ngân sách, cải tổ công chi và thuế vụ cho thông thoáng đơn giản, như quy luật tự do của thị trường trong việc ấn định lãi suất và ngoại thương, hoặc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước để xoá dần chế độ công hữu bằng quyền tư hữu, v.v... Chính quyền Bill Clinton của Hoa Kỳ còn kết hợp chân lý "đồng thuận Washington" với các tiêu chuẩn tiến bộ hơn về chính trị là nhân quyền và dân chủ.

Ngày nay, Hoa Kỳ đã thủ tiêu sự đồng thuận cao quý đó bằng chuyện bội chi và tăng thuế chẳng thua kém gì các nước Âu Châu bao cấp. Trong khi Trung Quốc lại đưa ra nguyên tắc khác để mời chào các nước đang phát triển. Đó là "đồng thuận Bắc Kinh" – hoàn toàn trái ngược qua vai trò quan trọng của khu vực kinh tế nhà nước và cực kỳ vô đạo khi gạt chuyện dân chủ hay nhân quyền vào đống rác.

Nhờ vậy, Bắc Kinh có một xâu chuỗi các nước không đồng chí thì cũng là đồng mình hay thân chủ, khách hàng. Cuba, Venezuela, Iran và thậm chí Bắc Hàn đều ngả về Đông trước sự hậm hực mà bất lực của các nước dân chủ Tây phương!

Kết quả là năm năm sau, Trung Quốc đã toả sáng, có thêm bằng hữu ở xa, kể cả các nước độc tài và tham ô của Phi Châu và Nam Mỹ. Trong khi các nước ở gần hơn và dân chủ hơn, như 10 quốc gia Đông Nam Á trong hiệp hội ASEAN, thì rơi vào thế lưỡng nan. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc cho sự thịnh vượng kinh tế, nhưng lại e ngại mối nguy xâm lược và khuynh đảo của Bắc Kinh. Họ nhìn vào Hoa Kỳ như một thế lực đối trọng có thể bảo vệ cho an ninh. Nhưng lại e ngại sự bất nhất của lãnh đạo Mỹ, khi Hoa Kỳ chưa ra khỏi những xoay vần nội bộ về chuyện công chi thu.

Thời sự quốc tế và các nhà bình luận thập phương đều đang nói đến tình huống lạ thường này.

Nhưng ít ai nêu câu hỏi là Trung Quốc sẽ tồn tại được bao lâu khi mà ánh sáng chói lòa đang toả ra ngoài lại che giấu những mảng u ám ở bên trong? Hỏi cách khác, chế độ có thể bóc lột người dân đến cỡ nào để làm cho nước mạnh mà dân vẫn nghèo! Kỳ trước, cột báo này đã nói đến thành phần trung lưu của Trung Quốc. Họ ở đâu, đang làm gì?

Loại câu hỏi ấy mới thật sự là vấn đề đáng chú ý vì như thơ Nguyễn Chí Thiện, "trong bóng đêm đã phục sẵn một mặt trời". Đó là phản ứng nổi loạn của người dân, là mối lo động loạn xã hội đang nằm trong xương tủy của Thiên triều ngất ngưởng trên đỉnh.

Tin tức chuyên đề về kinh tế thì cứ ngợi ca đức sáng của doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu mở thêm mắt bên kia thì may ra ta mới thấy ra chiều sâu. Thăm thẳm...


 

21/2/13

Tâm ta sen nở






            Tâm ta sen nở

                              Tặng Cuồng Từ , tạ một tấm lòng tri kỷ.


"Làm thơ  giữa cõi nhạt nhòa"(*)

Mà sao vẫn thấy sáng lòa chữ Tâm !

Ngàn năm Trời - Đất lặng câm

Sao    Người  phiền não , âm thầm lệ rơi  ?

Cuộc trăm năm , cứ dạo chơi

Rồi ra rũ bụi , thảnh thơi  vẫy chào

Kìa hoa thơm , má hồng đào

Mai  vừa hé nụ  ,  ta vào cuộc Xuân

lòng  nhẹ nhàng  , chẳng bâng khuâng  

 Tâm   ta sen nở , tà  huân   quay  về

tranhodung. washington. 21.2.2013

-------------------------

(*) Tựa một bài thơ của Cuồng Từ

    

                       

                            

                                                             

                                 

Kỳ quan Phật giáo - Thiền viện cho 1.000.000 người.


DHAMMA KAYA CETIYA

Kỳ quan Phật giáo - Thiền viện cho 1.000.000 người.

Thiền viện Dhamma Kaya nằm trong tỉnh Pathum Thani ở phía Bắc Bangkok, cách trung tâm thủ đô chỉ 28km. Bỏ lại đằng sau quang cảnh ồn ào náo nhiệt của các khối nhà cao tầng cùng những đường phố đầy ắp xe cộ, chúng tôi đi vào chốn đồng quê yên tĩnh và thanh bình với nhiều rặng cây xanh rợp bóng. Quy mô của thiền viện ở đây quá to lớn (tổng diện tích là 316ha), với những khu công viên, hồ nước, nhà để xe, nhiều kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, ôtô chạy bon bon trên các con đường tráng nhựa như trong một thành phố. Điều đáng chú ý là không có một tòa nhà nào có hình dáng một ngôi chùa Phật giáo cả.
Toàn cảnh thiền viện giống như một sân vận động

Thiền đường Dhamma Kaya Cetiya giống như một đĩa bay Kiến trúc trung tâm ở đây là ngôi đền có tên Dhamma Kaya Cetiya (còn gọi là Memorial Hall), được xây dựng để tưởng niệm người đã sáng lập ra giáo phái Dhamma Kaya - nhà sư Monkol Thepmuni. Tuy là thiền đường Phật giáo nhưng nó có hình dáng như một con tàu vũ trụ hoặc như một đĩa bay (vật lạ trên bầu trời mà người ta cho là từ hành tinh khác đến, gọi tắt là UFO).
Phong cách kiến trúc này nói lên ý tưởng chủ đạo của giáo phái Dhamma Kaya là làm cho Phật giáo thích ứng với thế giới hiện đại, thế giới của công nghệ vũ trụ và công nghệ thông tin.
Thiền đường Dhammakaya có diện tích 1 cây số vuông và được chia thành làm 4 khu vực: Phật Bảo rộng 108 mét, vòm tròn trên đỉnh tháp, tôn trí 300.000 tượng Phật; Pháp Bảo rộng 10.8 mét, được nối liền với Phật Bảo, biểu trưng cho sự yên bình và hạnh phúc mà giáo pháp của Đạo Phật mang đến cho chúng sinh; Tăng Bảo rộng 75.6 mét, là pháp tòa cho khoảng 10.000 vị Tăng hành lễ hoặc thuyết pháp; Vòng tròn bao quanh Tăng bảo là chỗ ngồi của thập phương Phật tử, có khoảng 1.000.000 (một triệu) chỗ ngồi được thiết lập.

Phật đài Dhammakaya được kiến tạo theo hình tháp tròn, truyền thống của Phật giáo Theravada. Vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng, mỗi tượng cao 18 cm, nặng khoảng 2,5 kg. Ngoài ra, còn có 700.000 tượng được tôn trí bên trong tháp.

Những pho tượng được đúc bằng loại đồng pha vàng ở nhiệt độ 1.200 độ C. Công việc này rất kỳ công, kết hợp kinh nghiệm từ thời đồ đồng của người Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan), nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy pho tượng đồng có niên đại hơn 5000 năm. Đối phó với khí hậu ẩm ướt với lượng mưa acid lớn của Thái Lan, người ta đã quyết định sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt trong thời gian khoảng 1.000 năm.
Tăng Bảo rộng 75.6 mét, là pháp tòa cho khoảng 10.000 vị Tăng hành lễ hoặc thuyết pháp;

Vòng tròn bao quanh Tăng bảo là chỗ ngồi của thập phương Phật tử, có khoảng 1.000.000 (một triệu) chỗ ngồi được thiết lập.
Thái Lan có 400.000 ngôi chùa Phật, với đặc điểm kiến trúc truyền thống là rất cổ kính, đường nét uyển chuyển, phức tạp, chạm trổ và điêu khắc rất tinh xảo, công phu, có nhiều gian thờ và khảm thờ để thắp hương, tụng kinh, gõ mõ. Còn thiền đường Dhamma Kaya, tuy cũng gọi là Wat (chùa), nhưng kiến trúc lại rất hiện đại, giản lược đến mức tối đa, rất ít trang trí, chủ yếu là tạo một không gian rộng lớn và yên tĩnh để tín đồ ngồi thiền.
Dhammakaya được xem là thiên đường phật tử của phật giáo.
Trước cổng thiền đường là hai bức chân dung lớn: một là của nhà sư Monkol Thepmuni, người sáng lập giáo phái Dhamma Kaya, hai là của vị nữ tu Khun Yay, người kế tục sự nghiệp của Monkol Thepmuni sau khi ông qua đời.


Thiền đường Assembly Hall giống như một nhà kho


Chúng tôi vào một thiền đường có tên là Assembly Hall để quan sát và nghỉ ngơi. Gọi là thiền đường, nhưng nó giống như một nhà kho khổng lồ và thông suốt, không có tường, không có vách ngăn chia, chỉ có những hàng cột chống đỡ mái kho. Ở đây, có nhiều quầy bán thức ăn, bán đĩa và sách, tượng Phật. Đang là giờ nghỉ trưa nên chúng tôi cũng mua thức ăn và ăn như các tín đồ, kẻ ngồi trên bàn, người ngồi bệt dưới đất.
Phật giáo Thái Lan thuộc hệ Nam Tông (còn gọi là Tiểu Thừa) cũng như Phật giáo Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka, nên ăn mặn. Còn Phật giáo hệ Bắc Tông (Đại Thừa) như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thì ăn chay. Chỉ riêng một góc thiền đường này thôi mà tôi thấy hàng mấy ngàn tín đồ, có thể nói đông như kiến, tất cả đều mặc đồ trắng toát, họ ăn uống, nói chuyện rất khẽ, tuyệt đối không có tiếng ồn.



Một giờ sau, mọi người tiếp tục thiền. Hàng ngàn tín đồ mặc áo trắng ngồi xếp bằng dưới đất. Các nhà sư mặc áo vàng ngồi trước bục trên một sân khấu giống như ở nhà hát. Các sư giảng kinh, tín đồ ngồi phía dưới lắng nghe, có lúc đọc theo một vài câu. Kết thúc buổi giảng, tất cả mọi người cùng hát một ca khúc kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới. (Đây là ca khúc của giáo phái Dhamma Kala, tiếc rằng tôi không nhớ tên bài hát).
Tọa thiền vào nửa đêm để đón mừng năm mới

Giáo phái Dhamma Yaki - Trở lại giáo lý nguyên thủy của Đức PhậtGiáo phái Dhamma Yaki được thành lập năm 1916 bởi nhà sư Monkol Thepmuni (1889-1959), chủ trì chùa Paknam ở tỉnh Chonburi. Sau khi ông qua đời, người tiếp tục sự nghiệp của ông để dẫn dắt giáo phái là vị nữ tu Khun Yay. Năm 1970, bà Khun Yay xây dựng một thiền viện trên mảnh đất rộng 320.000m2 thuộc huyện Klong Luang, tỉnh Pathum Thani do một nữ tín đồ dâng hiến. Năm 1977, trên vị trí của thiền viện cũ, người ta xây lại thiền viện mới như hiện nay. Người đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng là công chúa Chakri Sirindhon, được sự ủy nhiệm của quốc vương Thái Lan.
Tổ sư - đại sư Phra Monkolthempmuni (1884 -1959)

Sư bà Khun Yay Upasika (1909-2000)


TT. Dhammajayo Lãnh đạo Dhammakaya hiện nay

Giáo phái Dhamma Kaya cho rằng trong Giáo hội Phật giáo Thái Lan hiện nay, nảy sinh nhiều vấn đề như: một số lễ tục cúng bái đã bị thương mại hóa, nhiều phần tử xấu chui vào trú ẩn trong chùa để trốn tránh luật pháp, quang cảnh chùa chiền trở nên quá náo nhiệt không thích hợp cho việc tĩnh tâm tu hành. Chủ trương của Dhamma Kaya là trở về với những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Sự thông tuệ và hạnh phúc có sẵn trong mỗi con người và ta có thể đạt đến hạnh phúc bằng con đường thiền định, tập trung tư tưởng để thanh lọc tinh thần, không nghĩ tới những ham muốn và dục vọng của đời thường. Việc tiến hành thiền định nên làm tập thể, để thông cảm, khích lệ lẫn nhau. Khi mỗi cá nhân đều tìm được sự an bình về tinh thần, không tranh giành, không ý đồ xấu, thì thế giới sẽ an bình, chấm dứt cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác trong bản thân mỗi con người là phương cách để đi đến chấm dứt chiến tranh, thiết lập hòa bình trên thế giới. Do đó, bài hát chính thức của Dhamma Kaya là bài hát kêu gọi hòa bình thế giới. Dhamma Kaya chủ trương mở rộng vòng tay, kêu gọi Phật tử trên toàn thế giới, không phân biệt quốc tịch, hệ phái về đây tu hành và thiền định. Chúng tôi nhận ra ở đây nhiều nhà sư nước ngoài, chủ yếu là người ở các nước phương Tây, có người mặc áo trắng (còn đang thụ đạo), có người mặc áo vàng (đã được chính thức công nhận là sư của thiền viện). Rèn luyện đạo đức và khuyến tu thiền định là những hoạt động ưu tiên hàng đầu của tổ chức Dhammakaya. Trung tâm luôn duy trì những hoạt động này, vì chính nó đã có thể giúp đỡ con người tăng trưởng nhân tâm và phát triển xã hội. Cho đến nay các khóa tu của Trung tâm đã thu hút số người tham dự từ vài trăm đến hơn mot trăm ngàn người tham dự.



Thiền định là pháp tu bắt buộc áp dụng mỗi ngày của thành viên hoặc đệ tử quy y theo Trung Tâm Dhammakaya. Những duyên trần quanh ta đã tước mất đi tính trầm tĩnh và thanh tịnh vốn có của ta. Tâm trí ta dong ruỗi theo ngoại cảnh trong khi thân thể ta phải chịu đựng nhiều loại hình khổ đau. Bằng cách thực tập và đi sâu vào pháp tu Thiền định này cho đến khi nào tâm ta yên ổn thì lúc đó chúng ta mới có thể mở cửa được các tiềm năng vốn có trong ta. Từ đó, ta có thể duy trì được sự cân bằng tâm trí và niềm phúc lạc này cho chính mình và mang nó đến cho người. Việc tuyển chọn sư ở đây cũng khắt khe hơn ở các chùa Phật khác. Muốn trở thành sư, phải có trình độ văn hóa đại học. Đối tượng để phát triển tín đồ là học sinh, sinh viên, trí thức, công tư chức, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có tài sản và có học thức. Để tránh cho con cái không bị lôi kéo vào cuộc sống ăn chơi đua đòi, nhiều bậc cha mẹ đã đưa hết cả gia đình vào đây những ngày cuối tuần để tu dưỡng và thiền định. Nhiều doanh nhân hoạt động căng thẳng suốt cả tuần cũng đến nơi này thiền định để giải tỏa stress, tìm lại sự an bình về tinh thần.

Tôn giáo cũng đổi mới Người đứng đầu giáo phái Dhamma Kaya hiện nay là nhà sư Dhamma Chayo, 55 tuổi, được tín đồ xem như một vị Phật sống. Ông sống cách biệt, chỉ một số ít nhà sư đạt đến trình độ chân tu mới được tiếp xúc trực tiếp với ông, còn đại đa số tín đồ chỉ được chiêm ngưỡng ông qua hàng trăm màn hình tivi treo khắp nơi trong thiền đường. Dhamma Chayo là lãnh tụ tinh thần, là người dẫn dắt về phần giáo lý, giảng dạy Phật pháp và phương pháp thiền. Lãnh tụ thứ hai là nhà sư Thattacheewo, vị này phụ trách việc quản lý và kinh doanh, công việc của ông rất nặng nề vì ngoài việc quản lý một bộ máy nhân sự trên 2.000 người tại thiền đường, quản lý các lớp học, ông còn phải lo việc phát triển giáo phái ra toàn Thái Lan và ở nước ngoài (hiện đã có 15 trung tâm Dhamma Kaya ở trong nước và hai trung tâm ở nước ngoài). Ông cũng lo việc vận động quyên góp mua thêm đất để mở rộng khuôn viên của thiền đường, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng mới. Bộ máy quản lý của nhà sư có tên là Dhamma Kaya Foundation, thực chất là một đại công ty. Hiện nay, một sân bay nhỏ đang được xây dựng cạnh thiền đường với hệ thống giao thông và cơ sở dịch vụ đi kèm để đón tín đồ từ khắp đất nước về đây. Trong việc giảng dạy giáo lý, đọc kinh cầu nguyện, người ta sử dụng hệ thống nghe nhìn hiện đại. Để quảng bá giáo lý ra toàn quốc và ra thế giới, người ta sử dụng Internet và trạm truyền hình đưa lên vệ tinh.

Đến nay, hoạt động của giáo phái Dhamma Kaya đã được sự tán đồng của hoàng gia Thái Lan, được sự ủng hộ của nhiều chính khách và tổ chức xã hội, được Liên Hiệp Quốc ca ngợi (thông qua tổ chức Y tế Thế giới, WHO) vì những đóng góp cho phong trào hòa bình.
 
Source :
http://latoi.com/gdpt
( Trang web GIA DINH PHAT TU VN TAI UC )  
Compiled by THD .
 

20/2/13

Cuộc chiến biên giới Việt - Trung nhìn từ phía bên kia



20.02.2013

 bởi Nguyễn Trung  

Trên các trang mạng xã hội hôm 17/2 đồng loạt xuất hiện hình ảnh hoa sim tím để tưởng nhớ các chiến sĩ Việt hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979. Trong khi đó, báo chí trong nước hầu như không đề cập tới cuộc chiến mà con số thương vong vẫn còn gây tranh cãi giữa hai nước láng giềng từng được coi là có mối quan hệ ‘môi hở răng lạnh’. Còn tại Trung Quốc, Tiến sỹ Lý Tiểu Binh của Đại học Central Oklahoma cho VOA Việt Ngữ biết rằng giới chức quân sự nước này vẫn sử dụng cuộc xung đột xảy ra hơn 30 năm trước để khích lệ tinh thần dân tộc nhằm huy động sự hậu thuẫn chính trị. Trước hết, ông Binh nói về những bất hạnh mà chiến tranh biên giới gây ra cho cả Trung Quốc và Việt Nam.

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Hai nước hiểu lầm ý định của nhau cũng như có những tính toán sai lầm trong hoạt động quân sự. Vì thế, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng về về sinh mạng trong cuộc chiến ngắn ngủi.

Chỉ trong có 4 tuần, Trung Quốc thiệt hại nhân mạng là 23 nghìn người, tức là mỗi ngày có 1.300 người chết. Còn phía Việt Nam là 34 nghìn người. Con số thương vong quá lớn. Đó là một cuộc chiến thảm khốc đối với cả hai phía.

VOA: Khi phát động cuộc chiến, Trung Quốc muốn dạy Việt Nam ‘một bài học’, nhưng trong cuốn ‘Lịch sử Quân đội Trung Quốc Hiện đại’, ông viết rằng Hà Nội cũng tin là đã dạy cho quân đối phương một bài. Đó là những bài học gì, thưa ông?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Chúng hàm ý nhiều điều. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Đặng Tiểu Bình, muốn ngăn không cho Việt Nam mở rộng ảnh hưởng sang các quốc gia láng giềng như Campuchia, nhất là khi Việt Nam đưa 200 nghìn quân vào chiếm đóng nước này năm 1977 và 1978.

Chính phủ Việt Nam khi ấy cũng có các chính sách hung hăng trên biên giới với Trung Quốc không những trên đất liền và còn ngoài biển khơi thuộc biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) cũng như các chính sách đối với các Hoa Kiều ở Việt Nam. Ông Đặng muốn chấm dứt tất cả những điều đó.

Nhưng theo tôi, quân đội Việt Nam cũng đã dạy cho đối phương Trung Quốc một bài học. Quân đội Trung Quốc khi ấy thì ngoài lỗi thời còn đánh giá thấp khả năng chiến đấu hiệu quả của quân đội Việt Nam. Ngoài ra, họ còn đánh giá sai tinh thần chiến đấu chống sự xâm lăng của người dân Việt. Chính vì lẽ đó, phía Việt Nam nghĩ rằng họ đã dạy cho Bắc Kinh một bài học.

VOA: Thưa Tiến sỹ, Trung Quốc thường kỷ niệm cuộc chiến biên giới như thế nào, và báo chí có đưa tin về sự kiện này không?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Có. Hiện giờ chính phủ cho phép truyền thông đưa tin về việc quân đội Trung Quốc đã chiến đấu dũng cảm như thế nào để ca ngợi hình ảnh anh dũng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và cũng đồng thời sử dụng việc này để cảnh báo dân chúng rằng Việt Nam vẫn còn là một chủ đề tiềm ẩn, nếu ta không muốn nói đến từ vấn đề.

Ngày nay đó không phải là vấn đề trên đất liền, mà xoay quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên biển Nam Trung Hoa. Họ cũng dùng cuộc chiến biên giới để cảnh báo quần chúng trong nước về khả năng xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tôi biết là có những cuộc kỷ niệm quy mô nhỏ trong quân đội cho những vị tướng từng tham gia cuộc chiến biên giới. Dù cuộc chiến kết thúc nhưng xung đột vẫn tiếp diễn tới những năm 80, cho nên thế hệ lãnh đạo quân sự hiện thời ở Trung Quốc là các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam.

Giờ họ trở thành các chỉ huy hàng đầu. Họ ca ngợi các giá trị của họ cũng như lưu giữ thời kỳ chiến đấu vì đó là cuộc chiến cuối cùng mà Trung Quốc tiến hành với một nước khác. Vì thế họ dùng nó để khuếch trương những gì họ trải qua.

VOA: Từ cuộc chiến biên giới hơn 30 năm trước tới các vấn đề tranh chấp ở biển Đông, theo ông, Việt Nam có nên đặt kỳ vọng vào Trung Quốc?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Việt Nam tin rằng họ có sự ủng hộ trên toàn quốc từ người dân cũng như các phương tiện truyền thông. Chính phủ tuyên bố chủ quyền đối với những quần đảo trên vùng biển đó. Chính phủ Việt Nam đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại sự hung hăng của Trung Quốc đối với các quần đảo trên biển Đông.

Họ tin rằng phía Trung Quốc sẽ thiết lập một hội nghị, diễn đàn, tôi không muốn dùng từ hợp tác, để bao gồm các nước tranh chấp nhằm giải quyết vấn đề mà không có sự can thiệp của bên ngoài, nhất là ảnh hưởng của Mỹ. Phía Việt Nam đã bắt đầu trao đổi với Trung Quốc nhưng họ không tin là họ được đối xử một cách bình đẳng.

Việt Nam muốn có sự tham gia và ủng hộ của các nước khác như Mỹ và Nhật Bản cộng với sự ủng hộ của các nước khác để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Họ cũng dùng cuộc chiến biên giới để cảnh báo quần chúng trong nước về khả năng xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc.
VOA: Theo đánh giá của ông, liệu có khả năng Bắc Kinh lại muốn dạy cho Việt Nam một bài học mới nữa không?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Tôi nghĩ là có. Vị thế của chính quyền hiện thời ở Trung Quốc khá mạnh. Họ lợi dụng và cổ xúy tinh thần dân tộc để huy động sự hậu thuẫn chính trị nhằm chống lại bất kỳ tuyên bố nào của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Senkaku (Điếu Ngư) hay của Việt Nam và Philippines đối với quần đảo Trường Sa.

Họ đã thể hiện và chứng tỏ sức mạnh quân sự bằng cách triển khai cả không lực và lực lượng hải quân, trong đó hàng không mẫu hạm mới tại vùng biển lân cận. Nó cho thấy họ chứng tỏ khả năng quân sự nhằm thị uy để các nước khác không đưa ra thêm các tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với với các hòn đảo ở biển Đông. Năm 1974 quân đội Trung Quốc tấn công các chiến hạm của quân đội miền Nam Việt Nam và lên chiếm các hòn đảo kể từ đó. Họ nói rằng nếu ai đó đến chiếm các hòn đảo đó, họ sẽ ra tay bảo vệ lãnh thổ của mình.

VOA: Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy của Việt Nam từng nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt Ngữ rằng với chủ nghĩa bá quyền và ý đồ thâu tóm biển Đông của Bắc Kinh, thì việc đàm phán với Trung Quốc là điều không hiệu quả. Ý kiến của ông ra sao?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Đó chỉ là một khía cạnh. Còn có những quan điểm khác nữa. Cả hai chính phủ cần các giải pháp kinh tế cho những khó khăn trong vấn đề tranh chấp lãnh hải. Họ đang tìm kiếm các nguồn lực và các cơ hội mới. Họ từng có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tranh chấp như thương mại vùng biên, nhập cư hay buôn bán vũ khí. Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp thông qua thỏa thuận song phương với Việt Nam.

Trung Quốc có thể thiết lập bàn đàm phán và mời phía Việt Nam, dù tôi cũng không biết liệu việc đó có dẫn tới bất kỳ điều gì hay không. Nhưng đó là cơ hội để họ bàn thảo với nhau về chủ quyền các quần đảo. Tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ mở đàm phán với Việt Nam trước khi tiến hành với Nhật Bản và Philippines về vấn đề chủ quyền lãnh hải.
Họ nói rằng nếu ai đó đến chiếm các hòn đảo đó, họ sẽ ra tay bảo vệ lãnh thổ của mình.
VOA: Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh nói chung?

Tiến sỹ Lý Tiểu Binh: Mối quan hệ này có những thăng trầm, lên xuống và trải qua cả mặn nồng lẫn chua chát. Họ đều cần tới nhau. Họ đều coi nhau là các chính phủ cộng sản.

Nhưng mỗi nước đều có những lợi ích quốc gia riêng. Cho nên theo tôi, trong thời gian gần, cả hai nước sẽ lại trải qua những thăng trầm trong mối quan hệ, có lúc tranh cãi rồi lại hợp tác.

Theo tôi, chúng ta sẽ không chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hay chiến tranh trong tương lai gần vì cả hai nước đều gặp khó khăn về kinh tế và đang trong giai đoạn chuyển đổi chính trị. Họ đều muốn mối quan hệ này có lợi thay vì gây tổn hại cho chính quyền.

Toàn bộ cuộc phỏng vấn này sẽ được phát sóng trong chương trình 'Câu chuyện Việt Nam' của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào lúc 10 giờ tối (giờ Hà Nội) ngày 23/2 trên sóng trung bình 256mét41, tức 1,170 KHZ. Chương trình cũng được truyền trực tiếp trên mạng tại địa chỉ: www.voatiengviet.com. Mời quý vị đón nghe. Xin chân thành cám ơn quý vị.

Source : VOA
 


HUY ĐỨC: SỬA HIẾN PHÁP CHỨ KHÔNG PHẢI XÂY HẦM TRÚ ẨN




Huy Đức
20-02-2013

Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiếp pháp 1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho đến khi trong Đảng thực sự biết rõ mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập hiến như hiện nay hay muốn thiết lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự.

Các nhà nước quân chủ phải lập hiến khi nhà vua bị các tôn giáo, lãnh chúa… buộc phải chia sẻ quyền lực. Các nhà nước đảng chủ phải lập hiến vì muốn tạo ra cái vỏ bọc cộng hòa cho sự toàn trị của mình. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục chế độ chính trị như hiện nay thì cách khôn ngoan nhất là cứ giữ Hiếp pháp 1992 vì nó vẫn đang làm tốt vai trò “phông màn” cho Đảng.
Sẽ là một sai lầm chính trị (của Đảng) nếu sửa đổi hiến pháp không phải vì cải cách mà chỉ để tự trấn an. Khi lực lượng vũ trang đã khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” mà vẫn không hết sợ hãi thì lẽ ra Đảng phải sửa cái gốc là trao quyền lực cho dân. Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Nếu chỉ quan tâm tới việc phân chia quyền lực thì không cần sửa hiến pháp. Quyền lực lâu nay vẫn được phân chia một cách bất thành văn và phe nhóm thường giải quyết tốt hơn hiến pháp. Vấn đề là tại hội nghị trung ương sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh có đủ phiếu vào Bộ chính trị, ông Vương Đình Huệ có trở thành bí thư trung ương Đảng hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh rồi sẽ chọn con đường đi vào lịch sử như một bao công, hay với không ít tỳ vết hiện nay, sẽ bắt tay với Thủ tướng đương nhiệm, quay lưng với những người đã từng nuôi kỳ vọng?

Nếu nhận ra đây là cơ hội chính trị thì đừng vội vã, hãy ngồi lại với nhân dân, hình thành một bản hiến pháp có thể thiết lập một nền cộng hòa, trên nguyên tắc: một chính quyền không phải do dân thì không thể là của dân và không thể hy vọng chính quyền đó sẽ vì dân được. Với quyền lập hiến, nhân dân phải tham gia với tư cách là người quyết định chứ không phải “khách” mời “góp ý” như Đảng đang làm.

Ủy ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).

Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị “phế từ lâu”, vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.

Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể đưa điều 4 ra trưng cầu dân ý và nếu nhân dân tán thành trong một cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do thì việc cầm quyền của Đảng sẽ thực sự vinh quang. Nếu dân muốn Đảng cộng sản chỉ là một trong các đảng chính trị của người Việt Nam thì anh chỉ có thể cầm quyền khi thắng trong bầu cử.

Trong tình huống đó, hiến pháp nên quy định sự khác nhau giữa ứng cử viên độc lập với ứng cử viên được đề cử bởi một đảng chính trị. Ví dụ: một người có thể trở thành ứng cử viên tổng thống nếu được một đảng chính trị có cơ sở hoạt động ở tầm quốc gia đề cử hoặc có đủ một lượng chữ ký ủng hộ nhất định (nếu là ứng cử viên độc lập).

Với một dân tộc đang có hàng triệu người sống và làm việc ở khắp năm châu như Việt Nam, cần trưng cầu dân ý về điều kiện của các ứng cử viên: có chấp nhận người có hai quốc tịch ứng cử tổng thống, nghị sỹ Việt Nam hay không? Có nên đòi hỏi ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên nghị sỹ quốc hội phải là người sinh ở Việt Nam và sống liên tục ở trong nước 5 năm tính đến ngày bầu cử?

Chế độ kinh tế cũng cần được đưa ra hỏi dân. Tự do tư tưởng là vấn đề phải được bảo vệ trong xã hội tương lai. Hiến pháp tôn trọng niềm tin cộng sản của một thiểu số nhân dân nhưng dân chúng không thể trả chi phí để nuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Nên trưng cầu dân ý về việc cấm nhà nước thành lập những xí nghiệp mang tính kinh doanh (trừ các doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp khai thác những loại tài nguyên đặc biệt).

Hãy trưng cầu dân ý để dân chúng chọn giữa sở hữu toàn dân và chế độ đa sở hữu đối với đất đai.

Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban sửa đổi hiến pháp mới tiến hành bước hai: thiết kế một mô hình nhà nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, có thể hòa giải quốc gia, phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và mang lại công lý cho người dân tốt nhất. Ủy ban cũng không nên giấu dốt, cái gì biết thì hẵng làm cái gì không có kinh nghiệm thì nên học hỏi, nhất là từ những mô hình nhà nước đã được loài người áp dụng thành công. Việt Nam cần một mô hình chính trị bền vững dài lâu chứ không phải chỉ “bay 15 phút” rồi “bỏ kho” như những chiếc máy bay Vam mà Việt Nam đã từng tự chế.

Cách mà công an Hải Phòng đối xử với anh em ông Đoàn Văn Vươn cho thấy, hệ thống tư pháp hiện hành không thể đảm bảo công lý, nhất là đối với những xung đột giữa công dân với địa phương. Ngoài việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử (thay vì theo cấp hành chính), lực lượng điều tra hình sự và công tố nên tổ chức thống nhất ở cấp toàn quốc gia. Cảnh sát địa phương chỉ đảm bảo giao thông và trật tự, trị an; có thể bắt trộm, cướp rồi giao lại cho cơ quan công tố.

Các địa phương tùy vào ngân sách và tình hình an ninh mà quyết định số lượng cảnh sát. Không để tình trạng như Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy thanh niên xung phong ra điều khiển giao thông và chống cướp bằng lực lượng từ trung ương cứu viện.

Thật là nguy hiểm nếu lực lượng công an, quân đội thay vì trung thành với quốc gia lại trung thành với đảng phái. Đảng có thể nay tồn, mai vong nhưng Nước thì muôn đời phải giữ. Nếu quân đội không coi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ nước thì khi trong Đảng có bất đồng, quân đội mất phương hướng, những kẻ có dã tâm lãnh thổ như Trung Quốc rất dễ thừa cơ chiếm nốt Trường Sa bằng một cuộc chiến tranh cục bộ.

Cũng cần tách bạch hành pháp chính trị và hành chính công vụ để khi Đảng tan rã thì chỉ có chức năng hành pháp chính trị tạm ngưng, trộm cướp vẫn có người bắt; đèn xanh, đèn đỏ vẫn sáng ở ngã tư; người dân vẫn có thể làm passport, đăng ký xe và sang tên nhà, đất…

Bước thứ ba, Ủy ban sửa đổi hiến pháp trình những mô hình hành chánh, tư pháp tương thích này để quốc hội thông qua. Sau đó tới bước thứ tư mới tiến hành cho chuyên viên thảo ra hiến pháp. Do đã trưng cầu dân ý, hiến pháp chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu thông qua chứ không cần đưa ra phúc quyết toàn dân. Chỉ phải giữ nguyên tắc cái gì dân đã quyết khi trưng cầu dân ý thì quốc hội không có quyền thay đổi.

Cũng có thể rút ra các bài học lập hiến từ Việt Nam. Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc lập, tự do.

Tuy chưa được công bố chính thức do chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông, sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng Hiến pháp 1959.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng thành công. “Nhập khẩu” mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.

Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng thoát ra trong danh dự.


Nguồn: FB Osin Huy Đức

VÀNG PHAI

 

          Otto Lingner - Water nymph
 
 
   Tặng CT


người nhặt chút vàng phai

ép vào trang thư cũ

mai này không gặp nhau

chút  hương  còn đọng lại


người nhặt chút tro tàn

thả vào lòng biển cả

mai này không còn nhau

còn .... biển khơi sóng vỗ

tranhodung .washington. 2012 .


        Jules Joseph Lefebvre: Pandora, 1882