VOA
08.03.2013
08.03.2013
Từ “Chiến tranh lạnh” (Cold War) được nhà văn Anh George Orwell sử dụng đầu tiên trong bài tiểu luận “You and the Atomic Bomb” đăng trên báo Tribune vào tháng 10 năm 1945; sau đó, trở thành phổ biến rộng rãi khi Walter Lippmann xuất bản cuốn sách nhan đề The Cold War vào năm 1947. Nó được dùng để chỉ sự căng thẳng về cả chính trị lẫn quân sự giữa hai khối tư bản (đứng đầu là Mỹ) và khối Cộng sản (đứng đầu là Liên Xô) kéo dài từ năm 1947 đến năm 1991. Cả hai siêu cường quốc đứng đầu hai khối, Mỹ và Liên Xô, đều muốn làm bá chủ thế giới. Nhưng cả hai đều biết, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình, nếu thực sự đánh nhau, sẽ không có ai thắng ai cả: Cả hai đều cùng bị tiêu diệt. Bởi vậy, người ta chọn hai cách khác để đánh nhau: Một, sử dụng chiến tranh tâm lý; và hai, tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ ở một số nước với sự giúp đỡ của hai siêu cường quốc lãnh đạo, trong đó, nổi bật nhất là cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh ở Việt Nam (1954-75). Ngoài hai cách đánh nhau ấy, cả hai đều cạnh tranh ráo riết trên các mặt trận khác, từ ngoại giao đến kinh tế và đặc biệt, nâng cấp các kho vũ khí hạt nhân của mình.
Năm 1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin bị sụp đổ, và chế độ Cộng sản bị phá sản ở tất cả các quốc gia Đông Âu, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố tại cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Malta là Chiến tranh lạnh đã kết thúc.
Gần hai thập niên sau đó, thế giới vẫn còn chiến tranh, dĩ nhiên. Nhưng chiến tranh ấy thuộc ba loại: Một, nội chiến giữa các phe phái trong một nước (ví dụ, ở Congo, từ 1991-97; Tajikistan, 1992-96; Algeria, 1992-99; Burundi, 1993-2005; Rwanda, 1994; Côte d’Ivoire, 2002; Syria, 2012-13); hai, giữa hai nước (ví dụ, Nga và Chechnya, 1991-2009; Armenia và Azerbaijan, 1991-94; Ethiopia và Eritrea, 1998-2000); và ba, chiến tranh giữa một khối liên minh lớn trên thế giới với lực lượng thù nghịch ở một nước nào đó (ví dụ, chiến tranh ở Vùng Vịnh năm 1991, ở Afghanistan, từ 2001, và ở Iraq, 2003-2011). Ở hình thức chiến tranh thứ ba, khối đồng minh bao giờ cũng do Mỹ lãnh đạo, phần lớn được sự đồng thuận và sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số quốc gia phản đối, nhưng hầu hết đều chỉ phản đối về phương diện ngoại giao và với mức độ vừa phải, không gây nên những mâu thuẫn quá trầm trọng. Hầu như mọi người đều thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ.
Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình dần dần đổi khác. Về mọi phương diện, từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ rất xa. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dần dần đi từ chỗ hợp tác đến đối kháng. Gần đây, một số nhà bình luận chính trị quốc tế bắt đầu nói đến một thứ Chiến tranh lạnh giữa hai nước.
Chính Tổng thống Mỹ, Barack Obama, hầu như cũng thừa nhận điều đó trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng 11 năm 2011.
Hình thức Chiến tranh lạnh mới này khác hình thức Chiến tranh lạnh kiểu cũ, giữa Mỹ và Liên Xô, ở nhiều điểm.
Thứ nhất, về nguyên nhân, trong khi Chiến tranh lạnh kiểu cũ bắt nguồn, trước hết, từ những mâu thuẫn về ý thức hệ, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, hình thức Chiến tranh lạnh kiểu mới chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu là quyền lợi kinh tế và địa chính trị của mỗi nước.
Thứ hai, về thế, trong Chiến tranh lạnh kiểu cũ, mỗi bên đều có một khối liên minh quân sự đông đảo, tính về nhân số, hầu như ngang ngửa nhau; trong Chiến tranh lạnh kiểu mới này, chỉ có Mỹ là có liên minh, không những các liên minh cũ ở châu Âu mà còn có thêm nhiều các liên minh mới ở châu Á, còn phía Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chỉ một mình. Lý do chính là, trên nguyên tắc, một liên minh thực sự chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những bảng giá trị chung mà mọi quốc gia đều chia sẻ. Về phương diện ấy, Mỹ có: Đó là những lý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền; còn Trung Quốc thì không: Những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản, chính bản thân Trung Quốc cũng không còn tin tưởng hay đề cao nữa; họ chỉ còn sử dụng quyền lợi để lôi kéo các nước khác, hầu hết là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á. Loại đồng minh kiểu đó chỉ có ít nhiều giá trị trong việc buôn bán nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó hoàn toàn vô nghĩa.
Thứ ba, về lực, trong chiến tranh lạnh kiểu cũ, Mỹ và Liên Xô hầu như ngang ngửa nhau; trong chiến tranh lạnh kiểu mới, Trung Quốc vẫn còn thua hẳn Mỹ ít nhất là vài ba thập niên. Thua về số vũ khí. Thua về trình độ kỹ thuật, và từ đó, hiệu quả tác chiến. Thua về kinh nghiệm tổ chức và chiến đấu.
Chính vì thế, hầu hết các nhà bình luận đều cho Trung Quốc chưa phải là một sự đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ trong hiện tại. Việc Mỹ bố trí lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài hơn là để đáp ứng một nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh không có. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc có thể tấn công ba nước ấy không? Bình thường, chỉ cần tỉnh táo một tí, người ta đều biết là không. Nhưng lịch sử lại dạy chúng ta một điều: Không thể nói chắc được. Khi chơi với lửa, không ai có thể cam đoan là nó sẽ không bùng cháy và thiêu rụi một cái gì đó. Chỉ cần một hành động nóng nảy hoặc dại dột của một người lính hải quân nào đó, hai bên có thể sẽ đánh nhau, thoạt đầu giữa hai tàu chiến, sau đó, giữa hai nước; và sau đó nữa, giữa hai khối. Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn có những cuộc chiến bùng nổ vì những lý do lãng nhách như vậy.
Thứ tư, về hình thức. Trong khi chưa có tiếng súng nào giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận cho một hình thức chiến tranh lạnh đã thực sự nổ ra giữa hai nước, thậm chí, giữa Trung Quốc và cả khối tự do do Mỹ đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển và dân chủ ở châu Âu và Úc. Cuộc chiến ấy diễn ra trên mạng.
Từ lâu, người ta đã biết Trung Quốc chuyên đi đánh cắp các phát minh kỹ thuật từ Mỹ và Tây phương nói chung. Bực thì bực, nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Thật ra, nước nào cũng vậy, cũng đều có đội ngũ tình báo kinh tế lúc nào cũng tất bật hoạt động, không phải chỉ nhắm vào đối thủ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu là còn, nhắm vào các đồng minh thân thiết nhất của mình. Đó chỉ là một quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc càng ngày càng vượt quá những giới hạn thông thường. Quá về mức độ: Họ ăn cắp hầu như mọi thứ, từ kỹ thuật tin học đến khoa học không gian, viễn thông, năng lượng, điện tử, tài chính… Bọn tin tặc của họ thâm nhập vào máy điện toán của các nhà khoa học, các công ty và xí nghiệp lớn nhỏ ở Mỹ và ở Tây phương để ăn cắp các dự án nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế hoạch phát triển. Thậm chí, nhiều người từ Tây phương sang Trung Quốc họp hành bị công ty cấm sử dụng laptop hoặc cả điện thoại di động; hoặc nếu phải sử dụng, sau khi về nước, phải đưa các thứ đó cho nhân viên an ninh mạng “tẩy trùng”. Quá ở phạm vi: Không dừng lại ở lãnh vực kinh tế, đám tin tặc Trung Quốc còn thường xuyên quấy nhiễu các website cũng như máy điện toán của chính phủ hoặc các cơ quan an ninh, quốc phòng và ngoại giao Tây phương. Quá ở tổ chức: chính phủ Trung Quốc luôn luôn chối bỏ các lời cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp của mình, nhưng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, đặc biệt là Mandiant, mới đây đã đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy các hành vi ăn cắp ấy đều xuất phát từ cả ngàn nhân viên tin tặc thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, được thành lập từ năm 2006 và đặt tên là đơn vị 61398, có trụ sở là một tòa nhà 12 tầng ngay tại Thượng Hải.
Người ta thường phân biệt tin tặc thành hai loại: Có tổ chức và không có tổ chức. Phần lớn tin tặc chỉ là những kẻ không có tổ chức: đó chỉ là những kẻ giỏi về tin học, lại thích nghịch ngợm, hay đi lang thang trong thế giới ảo, khám phá hoặc rình ngó chỗ này chỗ khác. Khi việc nghịch ngợm của họ có thể gây hại cho người khác, họ có thể bị bắt và bị bỏ tù. Thuộc loại tổ chức, có hai giới hạn: tổ chức xã hội hoặc kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm hoặc của công ty và tổ chức chính phủ. Trong hai loại tổ chức ấy, dĩ nhiên loại tổ chức của chính phủ được xem là nghiêm trọng hơn. Khi tổ chức chính phủ ấy lại nằm trong tay quân đội, ý nghĩa thay đổi hẳn: Nó được xem là một sự tấn công dưới hình thức phi-vũ trang.
Chữ “phi-vũ trang” ở trên rất dễ gây hiểu lầm. Trước, theo cách hiểu thông thường, phi-vũ trang được được xem là vô hại. Nhưng những cuộc tấn công trên mạng internet thì lại rất lợi hại. Thực chất, đó là một thứ vũ khí mới đến độ Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải lên tiếng cảnh báo: Nếu Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bằng trận chiến ở Trân Châu Cảng; Đệ tam Thế chiến có thể sẽ bắt đầu bằng một trận Trân Châu Cảng ảo trên internet (cyber Pearl Harbour).
Cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào Mỹ và Tây phương như thế đặt Mỹ và Tây phương vào thế bất lợi. Thứ nhất, họ chỉ ở thế phòng thủ, luôn luôn phòng thủ. Hơn nữa, ở đây, “mặt trận” lại quá rộng, bao gồm không những các cơ quan chính phủ mà còn mọi công ty xí nghiệp và cơ quan nghiên cứu: Không phải ở đâu cũng có khả năng chống đỡ lại đám tin tặc chuyên nghiệp ấy. Thứ hai, Mỹ và Tây phương không thể phản công: về phương diện khoa học kỹ thuật, Trung Quốc không có gì đáng để người ta sử dụng tin tặc để đánh cắp cả. Chả lẽ người ta lại đánh cắp lại những thứ mà Trung Quốc ăn cắp của họ?
Không những bất lợi, Mỹ và Tây phương còn ở thế khó xử: Người ta không thể công khai tuyên chiến với một nước chỉ vì một đám tin tặc dù người ta biết rõ đám tin tặc ấy nằm trong quân đội và do nhà nước quản lý. Nhưng người ta không thể im lặng và chịu đựng mãi. Trước, trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia Tây phương đã chịu đựng và im lặng. Nay, người ta bắt đầu lên tiếng, nêu đích danh Trung Quốc là một tên ăn cắp và quấy phá trên mạng. Lên tiếng như thế cũng là một cách tuyên chiến.
Dĩ nhiên, đó không phải là chiến tranh nóng. Đó chỉ là một kiểu Chiến tranh lạnh. Nhưng vì kiểu Chiến tranh lạnh này khác hẳn cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản trước đây, nên David Rothkopf, biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đề nghị một tên gọi mới: Chiến tranh mát (the Cool War).
“Mát” ấm hơn “lạnh” một chút. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là chiến tranh.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc /VOA
Năm 1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin bị sụp đổ, và chế độ Cộng sản bị phá sản ở tất cả các quốc gia Đông Âu, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố tại cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Malta là Chiến tranh lạnh đã kết thúc.
Gần hai thập niên sau đó, thế giới vẫn còn chiến tranh, dĩ nhiên. Nhưng chiến tranh ấy thuộc ba loại: Một, nội chiến giữa các phe phái trong một nước (ví dụ, ở Congo, từ 1991-97; Tajikistan, 1992-96; Algeria, 1992-99; Burundi, 1993-2005; Rwanda, 1994; Côte d’Ivoire, 2002; Syria, 2012-13); hai, giữa hai nước (ví dụ, Nga và Chechnya, 1991-2009; Armenia và Azerbaijan, 1991-94; Ethiopia và Eritrea, 1998-2000); và ba, chiến tranh giữa một khối liên minh lớn trên thế giới với lực lượng thù nghịch ở một nước nào đó (ví dụ, chiến tranh ở Vùng Vịnh năm 1991, ở Afghanistan, từ 2001, và ở Iraq, 2003-2011). Ở hình thức chiến tranh thứ ba, khối đồng minh bao giờ cũng do Mỹ lãnh đạo, phần lớn được sự đồng thuận và sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số quốc gia phản đối, nhưng hầu hết đều chỉ phản đối về phương diện ngoại giao và với mức độ vừa phải, không gây nên những mâu thuẫn quá trầm trọng. Hầu như mọi người đều thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ.
Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình dần dần đổi khác. Về mọi phương diện, từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ rất xa. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dần dần đi từ chỗ hợp tác đến đối kháng. Gần đây, một số nhà bình luận chính trị quốc tế bắt đầu nói đến một thứ Chiến tranh lạnh giữa hai nước.
Chính Tổng thống Mỹ, Barack Obama, hầu như cũng thừa nhận điều đó trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng 11 năm 2011.
Hình thức Chiến tranh lạnh mới này khác hình thức Chiến tranh lạnh kiểu cũ, giữa Mỹ và Liên Xô, ở nhiều điểm.
Thứ nhất, về nguyên nhân, trong khi Chiến tranh lạnh kiểu cũ bắt nguồn, trước hết, từ những mâu thuẫn về ý thức hệ, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, hình thức Chiến tranh lạnh kiểu mới chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu là quyền lợi kinh tế và địa chính trị của mỗi nước.
Thứ hai, về thế, trong Chiến tranh lạnh kiểu cũ, mỗi bên đều có một khối liên minh quân sự đông đảo, tính về nhân số, hầu như ngang ngửa nhau; trong Chiến tranh lạnh kiểu mới này, chỉ có Mỹ là có liên minh, không những các liên minh cũ ở châu Âu mà còn có thêm nhiều các liên minh mới ở châu Á, còn phía Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chỉ một mình. Lý do chính là, trên nguyên tắc, một liên minh thực sự chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những bảng giá trị chung mà mọi quốc gia đều chia sẻ. Về phương diện ấy, Mỹ có: Đó là những lý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền; còn Trung Quốc thì không: Những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản, chính bản thân Trung Quốc cũng không còn tin tưởng hay đề cao nữa; họ chỉ còn sử dụng quyền lợi để lôi kéo các nước khác, hầu hết là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á. Loại đồng minh kiểu đó chỉ có ít nhiều giá trị trong việc buôn bán nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó hoàn toàn vô nghĩa.
Thứ ba, về lực, trong chiến tranh lạnh kiểu cũ, Mỹ và Liên Xô hầu như ngang ngửa nhau; trong chiến tranh lạnh kiểu mới, Trung Quốc vẫn còn thua hẳn Mỹ ít nhất là vài ba thập niên. Thua về số vũ khí. Thua về trình độ kỹ thuật, và từ đó, hiệu quả tác chiến. Thua về kinh nghiệm tổ chức và chiến đấu.
Chính vì thế, hầu hết các nhà bình luận đều cho Trung Quốc chưa phải là một sự đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ trong hiện tại. Việc Mỹ bố trí lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài hơn là để đáp ứng một nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh không có. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc có thể tấn công ba nước ấy không? Bình thường, chỉ cần tỉnh táo một tí, người ta đều biết là không. Nhưng lịch sử lại dạy chúng ta một điều: Không thể nói chắc được. Khi chơi với lửa, không ai có thể cam đoan là nó sẽ không bùng cháy và thiêu rụi một cái gì đó. Chỉ cần một hành động nóng nảy hoặc dại dột của một người lính hải quân nào đó, hai bên có thể sẽ đánh nhau, thoạt đầu giữa hai tàu chiến, sau đó, giữa hai nước; và sau đó nữa, giữa hai khối. Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn có những cuộc chiến bùng nổ vì những lý do lãng nhách như vậy.
Thứ tư, về hình thức. Trong khi chưa có tiếng súng nào giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận cho một hình thức chiến tranh lạnh đã thực sự nổ ra giữa hai nước, thậm chí, giữa Trung Quốc và cả khối tự do do Mỹ đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển và dân chủ ở châu Âu và Úc. Cuộc chiến ấy diễn ra trên mạng.
Từ lâu, người ta đã biết Trung Quốc chuyên đi đánh cắp các phát minh kỹ thuật từ Mỹ và Tây phương nói chung. Bực thì bực, nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Thật ra, nước nào cũng vậy, cũng đều có đội ngũ tình báo kinh tế lúc nào cũng tất bật hoạt động, không phải chỉ nhắm vào đối thủ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu là còn, nhắm vào các đồng minh thân thiết nhất của mình. Đó chỉ là một quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc càng ngày càng vượt quá những giới hạn thông thường. Quá về mức độ: Họ ăn cắp hầu như mọi thứ, từ kỹ thuật tin học đến khoa học không gian, viễn thông, năng lượng, điện tử, tài chính… Bọn tin tặc của họ thâm nhập vào máy điện toán của các nhà khoa học, các công ty và xí nghiệp lớn nhỏ ở Mỹ và ở Tây phương để ăn cắp các dự án nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế hoạch phát triển. Thậm chí, nhiều người từ Tây phương sang Trung Quốc họp hành bị công ty cấm sử dụng laptop hoặc cả điện thoại di động; hoặc nếu phải sử dụng, sau khi về nước, phải đưa các thứ đó cho nhân viên an ninh mạng “tẩy trùng”. Quá ở phạm vi: Không dừng lại ở lãnh vực kinh tế, đám tin tặc Trung Quốc còn thường xuyên quấy nhiễu các website cũng như máy điện toán của chính phủ hoặc các cơ quan an ninh, quốc phòng và ngoại giao Tây phương. Quá ở tổ chức: chính phủ Trung Quốc luôn luôn chối bỏ các lời cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp của mình, nhưng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, đặc biệt là Mandiant, mới đây đã đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy các hành vi ăn cắp ấy đều xuất phát từ cả ngàn nhân viên tin tặc thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, được thành lập từ năm 2006 và đặt tên là đơn vị 61398, có trụ sở là một tòa nhà 12 tầng ngay tại Thượng Hải.
Người ta thường phân biệt tin tặc thành hai loại: Có tổ chức và không có tổ chức. Phần lớn tin tặc chỉ là những kẻ không có tổ chức: đó chỉ là những kẻ giỏi về tin học, lại thích nghịch ngợm, hay đi lang thang trong thế giới ảo, khám phá hoặc rình ngó chỗ này chỗ khác. Khi việc nghịch ngợm của họ có thể gây hại cho người khác, họ có thể bị bắt và bị bỏ tù. Thuộc loại tổ chức, có hai giới hạn: tổ chức xã hội hoặc kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm hoặc của công ty và tổ chức chính phủ. Trong hai loại tổ chức ấy, dĩ nhiên loại tổ chức của chính phủ được xem là nghiêm trọng hơn. Khi tổ chức chính phủ ấy lại nằm trong tay quân đội, ý nghĩa thay đổi hẳn: Nó được xem là một sự tấn công dưới hình thức phi-vũ trang.
Chữ “phi-vũ trang” ở trên rất dễ gây hiểu lầm. Trước, theo cách hiểu thông thường, phi-vũ trang được được xem là vô hại. Nhưng những cuộc tấn công trên mạng internet thì lại rất lợi hại. Thực chất, đó là một thứ vũ khí mới đến độ Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải lên tiếng cảnh báo: Nếu Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bằng trận chiến ở Trân Châu Cảng; Đệ tam Thế chiến có thể sẽ bắt đầu bằng một trận Trân Châu Cảng ảo trên internet (cyber Pearl Harbour).
Cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào Mỹ và Tây phương như thế đặt Mỹ và Tây phương vào thế bất lợi. Thứ nhất, họ chỉ ở thế phòng thủ, luôn luôn phòng thủ. Hơn nữa, ở đây, “mặt trận” lại quá rộng, bao gồm không những các cơ quan chính phủ mà còn mọi công ty xí nghiệp và cơ quan nghiên cứu: Không phải ở đâu cũng có khả năng chống đỡ lại đám tin tặc chuyên nghiệp ấy. Thứ hai, Mỹ và Tây phương không thể phản công: về phương diện khoa học kỹ thuật, Trung Quốc không có gì đáng để người ta sử dụng tin tặc để đánh cắp cả. Chả lẽ người ta lại đánh cắp lại những thứ mà Trung Quốc ăn cắp của họ?
Không những bất lợi, Mỹ và Tây phương còn ở thế khó xử: Người ta không thể công khai tuyên chiến với một nước chỉ vì một đám tin tặc dù người ta biết rõ đám tin tặc ấy nằm trong quân đội và do nhà nước quản lý. Nhưng người ta không thể im lặng và chịu đựng mãi. Trước, trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia Tây phương đã chịu đựng và im lặng. Nay, người ta bắt đầu lên tiếng, nêu đích danh Trung Quốc là một tên ăn cắp và quấy phá trên mạng. Lên tiếng như thế cũng là một cách tuyên chiến.
Dĩ nhiên, đó không phải là chiến tranh nóng. Đó chỉ là một kiểu Chiến tranh lạnh. Nhưng vì kiểu Chiến tranh lạnh này khác hẳn cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản trước đây, nên David Rothkopf, biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đề nghị một tên gọi mới: Chiến tranh mát (the Cool War).
“Mát” ấm hơn “lạnh” một chút. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là chiến tranh.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc /VOA