9/3/13

Thiền sư Nhất Hạnh - Nói Với Tuổi Hai Mươi (I)

Tôi đã đọc tác phẩm NÓI VỚI TUỔI 20 vào đầu thập niên 70 . Đây là loạt bài viết hình như để "đối thoại " với trí thức tuổi trẻ miền nam ngày ấy , cụ thể là để trả lời " tuyên ngôn " của một thế hệ tuổi trẻ , mà đại diện là Phạm Công Thiện , qua tác phẩm " Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ & TRIẾT HỌC ( XB 1965 tại miền nam VN ) . 
Nay đọc lại , vẫn thấy rất hay và cần cho thế hệ trẻ ,nên post lại đây làm " tư liệu tham khảo " .. THD 
------------------------------------------



Nói Với Tuổi Hai Mươi 

Thiền sư Nhất Hạnh 
Sàigòn – Lá Bối – 1966 
--------------------------------------------------------------------------------



Nhận diện

Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số năm của anh. Buổi họp mặt gồm có chừng ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là “Để Lại Cho Em”, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và  trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những người trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu. 

Tôi rưng rưng nước mắt, vì tôi được nghe chính tiếng nói của lòng tôi, tiếng tự thú của lòng tôi, do một nhạc sĩ tài ba hát lên. Phạm Duy đã hát gì? Thế hệ của những người đi trước- là chúng tôi- đã để lại cho thế hệ đi sau- là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay- những hèn kém những tội lỗi của họ. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất bị chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế, các anh đã để lại cho các em những giọt máu của dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những tấm khăn sô, những thành phố buồn trong đó loài người đang tranh nhau từng đám bụi đen. Các anh đã vụng về, đã hèn kém, đã để lại cho các em một quê hương nghèo khổ đói lạnh dù ruộng đồng của tổ quốc ta vốn rất mầu mỡ phì nhiêu. Đường về tương lai nghẽn lối, bàn tay các anh đáng lẽ phải thơm mùi đất nay thành ra hôi mùi thuốc súng; các anh đã để lại cho các em những giả dối, đê hèn và vụng dại của các anh. Nhưng cơ sự đã xảy ra như thế rồi, xin các em đừng trách móc hờn giận: hãy thương chúng tôi và hãy can đảm nhận lấy cái gia tài khôn khổ khốn nạn do các anh để lại Nếu chúng ta biết thương nhau, nếu các em biết thương yêu và tha thứ cho chúng tôi, nếu chúng ta cùng gom sức mới, cùng nhận lời tranh đấu, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được một lối thoát cho nhau. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta sẽ lên sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ vươn lên. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì súng đạn cũng sẽ phải thở dài, tàu bay cũng sẽ phải khóc, lựu đạn sẽ phải im tiếng, và quê hương ta sẽ không còn là một bãi chiến trường.

Một bài hát như thế quả thực đã là tiếng nói phát ra từ tâm niệm thành khẩn, từ ý thức trách nhiệm, từ những khổ đau của nhận thức. Một bài hát như thế không còn là một bài hát nữa. Đó là máu, đó là xương, đó là linh hồn, đó là những khúc ruột quặn đau, đó là sự sống Chúng tôi, những người anh bốn mươi thời hôm nay, nhân danh Mẹ tổ quốc, Mẹ tình thương, chờ mong em đáp lại tiếng kêu bi thương đó, kêu gọi em trở về với tình huynh đệ, ngồi lại bên nhau, bàn bạc với nhau đề tìm ra một lối thoát. Em đừng oán giận trách móc nữa, và cũng đừng nghĩ rằng những điều chúng tôi nói, chúng tôi viết đây là những lời than trách, nhục mạ, lên án tuổi trẻ nữa. Tôi biết tuổi trẻ còn nhiều trong trắng, còn nhiều tha thứ. Tôi biết em sẵn sàng tha thứ, cũng như chúng tôi cũng đã từng biết tha thứ cho những vụng dại, những thành kiến của lớp người đã làm cho chúng tôi khổ đau.

Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa, niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã cô độc như bây giờ em đang cô độc. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Đến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi. Quê hương thân yêu tan nát, chúng ta người lớn cũng như người nhỏ, hầu như không còn là chúng ta nữa. Chúng ta đã đổ trách nhiệm lên đầu nhau, đổ oán giận lên đầu nhau, để càng xa nhau, để càng thêm không hiểu nhau. Đau thương đã lớn lao quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Trong giai đoạn nầy chỉ còn có lòng xót thương mới có thể giữ cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta có đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp. Hãy hướng về chắp tay xót thương cho tổ quốc, cho giống nòi, xót thương Mẹ, xót thương Em, xót thương mảnh vườn xanh xưa của thời thơ ấu. Chất liệu xót thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào. Thương nhau, chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau, chúng ta sẽ làm nên lịch sử.

Hình bóng? Hình bóng của em? Hình bóng nào là hình bóng đích thực của tôi, đích thực của em? Hình bóng nào mới thực là hình bóng của Mẹ tạo nên, của Mẹ trao truyền? Hình bóng nào mang được tiếng ru bên nôi nhỏ, mang được ánh mắt biết hy sinh, giàu tha thứ, mang được bàn tay cần mẫn biết chăm lo của truyền thống Việt Nam? Hỡi người em hai mươi tuổi, dù cho phong ba bão táp có đến trên đời em một trăm lần, một ngàn lần, dù có quật ngã em, tôi vẫn nhận ra em, vẫn thấy em còn mang hình bóng của người con tổ quốc. Dù em có từ chối tôi, có từ chối Mẹ, tôi vẫn thấy nơi em, hình bóng của Mẹ. Em vẫn còn rung động khi nghe lại tiếng ru bên nôi nhỏ. Em vẫn còn thấy tâm hồn tràn ngập xót thương khi nhìn lại ánh mắt giàu hy sinh và tha thứ. Em vẫn còn là em. Dù đã có lần em thù ghét tôi, từ bỏ tôi, phủ nhận tôi, tôi cũng không thể nào không nhận ra em. Em có mặc lên trên người em những y phục dị kỳ, em có làm tội làm tình em bằng cách chặt bớt vài ngón tay, rạch thêm những lằn sâu trên mặt, xẻo bớt thân thể em để tạo nên những vết sẹo lớn thì tôi cũng vẫn còn nhận ra em. Tôi còn nhận ra em thì không bao giờ tôi có thể từ bó em. Tôi còn nhận ra em tại vì chất liệu thực của con người em dễ dầu gì mà bị tiêu diệt bằng phong ba bão táp, dù cho từ phương Bắc thổi xuống, dù cho từ phương Tây thổi qua. Thôi, em cho tôi nhìn nhận em là em của tôi đi, xin cho tôi nhìn nhận em là con của Mẹ. Tôi có hư hỏng, tôi có gây khổ đau cho em thì vì Mẹ em vẫn còn có thể tha thứ được cho tôi mà. Cái mà em khoác vào người và em cho là hình bóng của em, vốn không phải là hình bóng đích thực của em, do Mẹ trao truyền lại. Dù những vết thương có sâu, dù những đường rạch có lớn, dù những vết sẹo có nhiều thì không phải vì vậy mà em tiêu diệt được hình bóng đích thực của em. Hình bóng mà bây giờ em nhận là của em, tôi thấy đó chỉ là những vết thương, những đường rạch, những cái sẹo. Tôi, chính chúng tôi cũng có những vết thương, những đường rạch, những cái sẹo. Mà có phải vì vậy mà tôi với Mẹ không còn những liên lạc huyết thống đâu. Mà có phải vì vậy mà tôi với em không còn những liên lạc huyết thống đâu.

Để trả thù tôi, em đã hủy hoại em, em đã tạo cho em một hình dáng mà chất liệu là những đổ vỡ do phong bão gây nên, rồi em nhận hình dáng ấy là hình dáng của chính em. Để cho tôi khổ đau, và để cho Mẹ khổ đau. Mà thực ra thì Mẹ đã khổ đau, tôi đã khổ đau. Vì chính em đã khổ đau. Tôi biết em đã khổ đau, khổ đau hơn chính chúng tôi. Nhưng tôi không thể nào giận em được. Tôi xót thương cho tôi, xót thương cho em, xót thương cho tất cả chúng ta. Có phải em đã tự miêu tả hình dáng em như thế này chăng, và có phải khi em nhìn vào một hình dáng như hình dáng này, em thấy thắp thoáng hình bóng em trong ấy phải không ? 

“Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.

Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn, kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì đến những thứ ấy, vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi: đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như “ khôn ngoan”, “chín chắn”,  “kinh nghiệm”.

Chúng tôi không cần kinh nghiệm.

Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông

Tôi đã vô lễ hằn học với các ông.

Những sự hằn học ấy cần thiết.

Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam tù I5 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sụ thực đau buồn nhất trong đời chúng tôi; sự thực bi đát ấy là:

CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA

Hơn thế nữa, sự thực bi đát trên trở thành bi tráng: chúng tôi không cần các ông nữa.

Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh Iấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên, chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình; các ông đã chết; tôi phải cần lập lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi.

Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ  có chúng tôi là xây dụng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này.

Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hóa, sống không biết ngày mai, không biết lý tưởng, trụy lạc, la cà ruợu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng và một triệu hình dung từ khác. 

Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết cả nhũng hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ  xin nở một nụ cuời lễ độ và cúi đầu không biện hộ. Các bạn bè thân yêu của chúng tôi đang gục chết trên cánh đồng biên giới, bên bờ sông hay giữa rừng rú hoang vu; khói lửa ngút trời, máu đỏ của tuổi trẻ đang tưới trên những giải đất khô cằn quê hương, những mái tóc xanh trở thành nhĩrng bãi cỏ xanh trên những nấm mồ trận địa.

Hỡi ơi, hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu...

Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tuởng. Lý tuởng là gì? Lý tuởng là gì? Lý tưởng có phải tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông . Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự

không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là

chúng tôi, là tuổi trẻ.

CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT.

Chúng tôi không còn lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông.

Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.

Con người hồn nhiên không có lý tưởng.

Chỉ  khi nào người ta mất mát rồi thì người ta mới tạo ra lý tưỏng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng.

Lý tưởng là những sản phẩm của lý trí ; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm;  kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên.

Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời: dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây

phút;  lấy quá khứ  nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như  thể  là đã giết chết sức sống phong phú. 

Sống có lý tưởng là sống không còn ngạc nhiên nữa ; người ta không thể biết ngạc nhiên trước cuộc đời khi người ta sống có lý tưởng

Sống không lý tưởng là lao mình vào đời với trọn vẹn hồn nhiên, ngạc nhiên, thao thức, bỡ ngỡ , mới lạ trong trắng giây phút một.

Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?...” [1]

Không! Không, em ơi ! Đó không phải là hình bóng đích thực của em. Đó chỉ là những thương tích

Đó chỉ là những thương tích. Em nhìn lại em xem. Em vẫn còn cảm động khi nghe tiếng ru bên nôi nhỏ.

Em vẫn còn thay lòng mình tràn ngập xót thương khi nhìn thấy giọt lệ mẹ già.

Đó chỉ là những thương tích. Những dấu tích. Những chứng tích của giai đoạn lịch sử này. Hãy bình tâm đi em: đau khổ sẽ làm em trưởng thành. Đau khổ sẽ làm ta trưởng thành. Bình tâm và yêu thương, em sẽ làm nên lịch sử. Thực ra, có thể em không còn tin nơi tôi. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đã chết. Bằng cớ là em vừa nói với chúng tôi vừa lý luận với chúng tôi. “Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?”. Tôi thấy rồi, em ơi, cái giận dữ của em chỉ là cái giận dữ bề ngoài. Trong em, vẫn còn tin yêu, vẫn còn những liên hệ muôn đời với tôi, với Mẹ. Em nói tôi đã chết. Em nói em không nên lý luận với những người chết. Nhưng em đã lý luận với người chết rồi, đã lý luận với tôi rồi. Và như vậy trong thâm tâm em vẫn tin rằng tôi còn sống, em vẫn muốn nói chuyện với tôi. Còn gì làm  sung sướng hơn nữa. Còn gì làm tôi hy vọng hơn nữa. Tất cả những xua đuổi, những oán ghét, những phũ phàng của em, trước sau, chỉ là những dấu tích, những thương tích, những chứng tích. Nằm trong sâu thẳm của hồn em, là con người đích thực của em, là huyết thống của Mẹ, là chất liệu huynh đệ của anh em ta. Em không thể nào thù ghét tôi được bởi vì em vẫn còn là em. Em hãy bình tĩnh lại, em ngồi xuống. Hãy nghe lại tiếng ru ngày xưa. Cho tâm hồn em lắng dịu. Và để cho tôi nói chuyện với em. Bởi vì dù giận dữ, hung hăng, em cũng đã muốn nói chuyện với tôi rồi.


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, trang XV- XX, Lá Bối, 1965

Từ 'chiến tranh lạnh' đến 'chiến tranh mát'

 

     VOA
08.03.2013

 bởi Nguyễn Hưng Quốc

Từ “Chiến tranh lạnh” (Cold War) được nhà văn Anh George Orwell sử dụng đầu tiên trong bài tiểu luận “You and the Atomic Bomb” đăng trên báo Tribune vào tháng 10 năm 1945; sau đó, trở thành phổ biến rộng rãi khi Walter Lippmann xuất bản cuốn sách nhan đề The Cold War vào năm 1947. Nó được dùng để chỉ sự căng thẳng về cả chính trị lẫn quân sự giữa hai khối tư bản (đứng đầu là Mỹ) và khối Cộng sản (đứng đầu là Liên Xô) kéo dài từ năm 1947 đến năm 1991. Cả hai siêu cường quốc đứng đầu hai khối, Mỹ và Liên Xô, đều muốn làm bá chủ thế giới. Nhưng cả hai đều biết, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình, nếu thực sự đánh nhau, sẽ không có ai thắng ai cả: Cả hai đều cùng bị tiêu diệt. Bởi vậy, người ta chọn hai cách khác để đánh nhau: Một, sử dụng chiến tranh tâm lý; và hai, tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ ở một số nước với sự giúp đỡ của hai siêu cường quốc lãnh đạo, trong đó, nổi bật nhất là cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh ở Việt Nam (1954-75). Ngoài hai cách đánh nhau ấy, cả hai đều cạnh tranh ráo riết trên các mặt trận khác, từ ngoại giao đến kinh tế và đặc biệt, nâng cấp các kho vũ khí hạt nhân của mình.

Năm 1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin bị sụp đổ, và chế độ Cộng sản bị phá sản ở tất cả các quốc gia Đông Âu, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố tại cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Malta là Chiến tranh lạnh đã kết thúc.

Gần hai thập niên sau đó, thế giới vẫn còn chiến tranh, dĩ nhiên. Nhưng chiến tranh ấy thuộc ba loại: Một, nội chiến giữa các phe phái trong một nước (ví dụ, ở Congo, từ 1991-97; Tajikistan, 1992-96; Algeria, 1992-99; Burundi, 1993-2005; Rwanda, 1994; Côte d’Ivoire, 2002; Syria, 2012-13); hai, giữa hai nước (ví dụ, Nga và Chechnya, 1991-2009; Armenia và Azerbaijan, 1991-94; Ethiopia và Eritrea, 1998-2000); và ba, chiến tranh giữa một khối liên minh lớn trên thế giới với lực lượng thù nghịch ở một nước nào đó (ví dụ, chiến tranh ở Vùng Vịnh năm 1991, ở Afghanistan, từ 2001, và ở Iraq, 2003-2011). Ở hình thức chiến tranh thứ ba, khối đồng minh bao giờ cũng do Mỹ lãnh đạo, phần lớn được sự đồng thuận và sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số quốc gia phản đối, nhưng hầu hết đều chỉ phản đối về phương diện ngoại giao và với mức độ vừa phải, không gây nên những mâu thuẫn quá trầm trọng. Hầu như mọi người đều thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ.

Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình dần dần đổi khác. Về mọi phương diện, từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ rất xa. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dần dần đi từ chỗ hợp tác đến đối kháng. Gần đây, một số nhà bình luận chính trị quốc tế bắt đầu nói đến một thứ Chiến tranh lạnh giữa hai nước.

Chính Tổng thống Mỹ, Barack Obama, hầu như cũng thừa nhận điều đó trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng 11 năm 2011.

Hình thức Chiến tranh lạnh mới này khác hình thức Chiến tranh lạnh kiểu cũ, giữa Mỹ và Liên Xô, ở nhiều điểm.

Thứ nhất, về nguyên nhân, trong khi Chiến tranh lạnh kiểu cũ bắt nguồn, trước hết, từ những mâu thuẫn về ý thức hệ, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, hình thức Chiến tranh lạnh kiểu mới chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu là quyền lợi kinh tế và địa chính trị của mỗi nước.

Thứ hai, về thế, trong Chiến tranh lạnh kiểu cũ, mỗi bên đều có một khối liên minh quân sự đông đảo, tính về nhân số, hầu như ngang ngửa nhau; trong Chiến tranh lạnh kiểu mới này, chỉ có Mỹ là có liên minh, không những các liên minh cũ ở châu Âu mà còn có thêm nhiều các liên minh mới ở châu Á, còn phía Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chỉ một mình. Lý do chính là, trên nguyên tắc, một liên minh thực sự chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những bảng giá trị chung mà mọi quốc gia đều chia sẻ. Về phương diện ấy, Mỹ có: Đó là những lý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền; còn Trung Quốc thì không: Những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản, chính bản thân Trung Quốc cũng không còn tin tưởng hay đề cao nữa; họ chỉ còn sử dụng quyền lợi để lôi kéo các nước khác, hầu hết là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á. Loại đồng minh kiểu đó chỉ có ít nhiều giá trị trong việc buôn bán nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó hoàn toàn vô nghĩa.

Thứ ba, về lực, trong chiến tranh lạnh kiểu cũ, Mỹ và Liên Xô hầu như ngang ngửa nhau; trong chiến tranh lạnh kiểu mới, Trung Quốc vẫn còn thua hẳn Mỹ ít nhất là vài ba thập niên. Thua về số vũ khí. Thua về trình độ kỹ thuật, và từ đó, hiệu quả tác chiến. Thua về kinh nghiệm tổ chức và chiến đấu.

Chính vì thế, hầu hết các nhà bình luận đều cho Trung Quốc chưa phải là một sự đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ trong hiện tại. Việc Mỹ bố trí lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài hơn là để đáp ứng một nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh không có. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc có thể tấn công ba nước ấy không? Bình thường, chỉ cần tỉnh táo một tí, người ta đều biết là không. Nhưng lịch sử lại dạy chúng ta một điều: Không thể nói chắc được. Khi chơi với lửa, không ai có thể cam đoan là nó sẽ không bùng cháy và thiêu rụi một cái gì đó. Chỉ cần một hành động nóng nảy hoặc dại dột của một người lính hải quân nào đó, hai bên có thể sẽ đánh nhau, thoạt đầu giữa hai tàu chiến, sau đó, giữa hai nước; và sau đó nữa, giữa hai khối. Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn có những cuộc chiến bùng nổ vì những lý do lãng nhách như vậy.

Thứ tư, về hình thức. Trong khi chưa có tiếng súng nào giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận cho một hình thức chiến tranh lạnh đã thực sự nổ ra giữa hai nước, thậm chí, giữa Trung Quốc và cả khối tự do do Mỹ đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển và dân chủ ở châu Âu và Úc. Cuộc chiến ấy diễn ra trên mạng.

Từ lâu, người ta đã biết Trung Quốc chuyên đi đánh cắp các phát minh kỹ thuật từ Mỹ và Tây phương nói chung. Bực thì bực, nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Thật ra, nước nào cũng vậy, cũng đều có đội ngũ tình báo kinh tế lúc nào cũng tất bật hoạt động, không phải chỉ nhắm vào đối thủ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu là còn, nhắm vào các đồng minh thân thiết nhất của mình. Đó chỉ là một quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc càng ngày càng vượt quá những giới hạn thông thường. Quá về mức độ: Họ ăn cắp hầu như mọi thứ, từ kỹ thuật tin học đến khoa học không gian, viễn thông, năng lượng, điện tử, tài chính… Bọn tin tặc của họ thâm nhập vào máy điện toán của các nhà khoa học, các công ty và xí nghiệp lớn nhỏ ở Mỹ và ở Tây phương để ăn cắp các dự án nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế hoạch phát triển. Thậm chí, nhiều người từ Tây phương sang Trung Quốc họp hành bị công ty cấm sử dụng laptop hoặc cả điện thoại di động; hoặc nếu phải sử dụng, sau khi về nước, phải đưa các thứ đó cho nhân viên an ninh mạng “tẩy trùng”. Quá ở phạm vi: Không dừng lại ở lãnh vực kinh tế, đám tin tặc Trung Quốc còn thường xuyên quấy nhiễu các website cũng như máy điện toán của chính phủ hoặc các cơ quan an ninh, quốc phòng và ngoại giao Tây phương. Quá ở tổ chức: chính phủ Trung Quốc luôn luôn chối bỏ các lời cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp của mình, nhưng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, đặc biệt là Mandiant, mới đây đã đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy các hành vi ăn cắp ấy đều xuất phát từ cả ngàn nhân viên tin tặc thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, được thành lập từ năm 2006 và đặt tên là đơn vị 61398, có trụ sở là một tòa nhà 12 tầng ngay tại Thượng Hải.

Người ta thường phân biệt tin tặc thành hai loại: Có tổ chức và không có tổ chức. Phần lớn tin tặc chỉ là những kẻ không có tổ chức: đó chỉ là những kẻ giỏi về tin học, lại thích nghịch ngợm, hay đi lang thang trong thế giới ảo, khám phá hoặc rình ngó chỗ này chỗ khác. Khi việc nghịch ngợm của họ có thể gây hại cho người khác, họ có thể bị bắt và bị bỏ tù. Thuộc loại tổ chức, có hai giới hạn: tổ chức xã hội hoặc kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm hoặc của công ty và tổ chức chính phủ. Trong hai loại tổ chức ấy, dĩ nhiên loại tổ chức của chính phủ được xem là nghiêm trọng hơn. Khi tổ chức chính phủ ấy lại nằm trong tay quân đội, ý nghĩa thay đổi hẳn: Nó được xem là một sự tấn công dưới hình thức phi-vũ trang.

Chữ “phi-vũ trang” ở trên rất dễ gây hiểu lầm. Trước, theo cách hiểu thông thường, phi-vũ trang được được xem là vô hại. Nhưng những cuộc tấn công trên mạng internet thì lại rất lợi hại. Thực chất, đó là một thứ vũ khí mới đến độ Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải lên tiếng cảnh báo: Nếu Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bằng trận chiến ở Trân Châu Cảng; Đệ tam Thế chiến có thể sẽ bắt đầu bằng một trận Trân Châu Cảng ảo trên internet (cyber Pearl Harbour).

Cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào Mỹ và Tây phương như thế đặt Mỹ và Tây phương vào thế bất lợi. Thứ nhất, họ chỉ ở thế phòng thủ, luôn luôn phòng thủ. Hơn nữa, ở đây, “mặt trận” lại quá rộng, bao gồm không những các cơ quan chính phủ mà còn mọi công ty xí nghiệp và cơ quan nghiên cứu: Không phải ở đâu cũng có khả năng chống đỡ lại đám tin tặc chuyên nghiệp ấy. Thứ hai, Mỹ và Tây phương không thể phản công: về phương diện khoa học kỹ thuật, Trung Quốc không có gì đáng để người ta sử dụng tin tặc để đánh cắp cả. Chả lẽ người ta lại đánh cắp lại những thứ mà Trung Quốc ăn cắp của họ?

Không những bất lợi, Mỹ và Tây phương còn ở thế khó xử: Người ta không thể công khai tuyên chiến với một nước chỉ vì một đám tin tặc dù người ta biết rõ đám tin tặc ấy nằm trong quân đội và do nhà nước quản lý. Nhưng người ta không thể im lặng và chịu đựng mãi. Trước, trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia Tây phương đã chịu đựng và im lặng. Nay, người ta bắt đầu lên tiếng, nêu đích danh Trung Quốc là một tên ăn cắp và quấy phá trên mạng. Lên tiếng như thế cũng là một cách tuyên chiến.
Dĩ nhiên, đó không phải là chiến tranh nóng. Đó chỉ là một kiểu Chiến tranh lạnh. Nhưng vì kiểu Chiến tranh lạnh này khác hẳn cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản trước đây, nên David Rothkopf, biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đề nghị một tên gọi mới: Chiến tranh mát (the Cool War).

“Mát” ấm hơn “lạnh” một chút. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là chiến tranh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc /VOA

7/3/13

CHARLIE CHAPLIN - BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG THỢ CẠO

CHARLIE CHAPLIN : Bài diễn văn của ông thợ cạo







Chaplin, Charlie  Bài diễn văn của ông thợ cạo trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ  


Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn


Lời người dịch: 

The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại) là một cuốn phim khôi hài của Charlie Chaplin. Được trình chiếu lần đầu vào tháng 9 năm 1940 tại New York, rồi xuất hiện tại nhiều rạp cinema trên khắp nước Mỹ vào tháng 10, và đến với công chúng của nước Anh vào tháng 11 năm ấy. Sau đó, cuốn phim được trình chiếu ở Pháp vào tháng 4 năm 1945, ngay trước khi Thế Chiến II kết thúc.

Đây là cuốn phim “nói” đầu tiên của Charlie Chaplin và được xem là tác phẩm điện ảnh thành công nhất của ông. Trong phim có rất nhiều đoạn tuyệt vời, nhưng đoạn gây xúc động và để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là đoạn ông thợ cạo (do chính Chaplin đóng) bị nhận diện nhầm là nhà độc tài vĩ đại (cũng do chính Chaplin đóng), và bị mời lên khán đài để đọc một bài diễn văn được truyền thanh khắp thế giới. Trong vị thế một nhà độc tài vĩ đại bất đắc dĩ, ông thợ cạo bắt đầu bài diễn văn của ông với vẻ do dự, nhưng càng diễn đạt tư tưởng của mình thì ông càng trở nên lưu loát hơn, và giọng nói của ông càng lúc càng mạnh mẽ, quyết liệt, đầy xúc cảm và sức thuyết phục.

Đây là một bài diễn văn tuyệt vời được trình diễn một cách tuyệt vời bởi thiên tài Charlie Chaplin. Ở thế kỷ 21, chúng ta có thể cho rằng một số ý tưởng trong bài diễn văn này không còn mới mẻ. Tuy nhiên, là một người Việt Nam trong thời điểm này, tôi cảm thấy xúc động sâu xa mỗi lần nghe lại những đoạn cuối cùng trong bài diễn văn của ông thợ cạo.

Tôi xin gửi đến các bạn bản dịch Việt ngữ của bài diễn văn, và mời các bạn cùng xem lại đoạn phim này trên Youtube, theo link dưới đây:

 
BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG THỢ CẠO 

TRONG VỊ THẾ MỘT NHÀ ĐỘC TÀI VĨ ĐẠI BẤT ĐẮC DĨ 



Tôi xin lỗi. Tôi không muốn làm một đại đế. Đó không phải là công việc của tôi. Tôi không muốn thống trị hay chinh phạt ai cả. Trong khả năng của mình, tôi muốn giúp đỡ mọi người — Do-thái, không Do-thái, da đen, da trắng.

Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ nhau. Con người là như thế. Chúng ta muốn sống vì niềm vui của nhau — không phải vì nỗi khốn khổ của nhau. Chúng ta không muốn thù ghét và khinh bỉ nhau. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người và quả đất tốt lành này thì giàu có và có thể nuôi sống mọi người.

Con đường của sự sống có thể là tự do và đẹp đẽ, nhưng chúng ta đã đánh mất con đường ấy. Sự tham lam đã đánh độc tâm hồn con người, đã vây hãm thế giới trong sự oán thù, đã xua chúng ta dấn bước vào sự lầm than và đổ máu. Chúng ta đã phát triển tốc độ, nhưng chúng ta đã giam hãm chính mình. Máy móc đáng lẽ mang đến cho chúng ta sự dư dật, thì lại khiến chúng ta đói rách. Sự hiểu biết của chúng ta đã làm chúng ta trở nên chua cay; sự khôn khéo của chúng ta đã làm chúng ta trở nên khắc nghiệt. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khôn khéo, chúng ta cần sự tử tế và sự dịu dàng. Không có những phẩm tính này, cuộc sống sẽ trở nên cuồng bạo và chúng ta sẽ đánh mất tất cả.

Máy bay và máy truyền thanh đã mang chúng ta đến gần nhau hơn. Bản chất của những phát minh này đòi hỏi thiện tâm của con người, đòi hỏi tình anh em trong nhân loại, đòi hỏi sự hợp quần của tất cả chúng ta. Ngay trong giây phút này tiếng nói của tôi đang đến với hàng triệu người trên khắp thế giới — hàng triệu người đàn ông, đàn bà, và trẻ con đang tuyệt vọng — những nạn nhân của một hệ thống — cái hệ thống đã sai khiến những kẻ hành hạ và giam cầm những người vô tội. Đối với những ai có thể nghe tôi, tôi nói: “Đừng tuyệt vọng.” Sự khốn khổ hôm nay đang đè nặng trên chúng ta chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi của sự tham lam, chỉ là sự cay đắng của những kẻ sợ hãi trước sự tiến bộ của nhân loại. Lòng thù hận của con người sẽ trôi qua, và những tên độc tài sẽ chết, và cái sức mạnh mà họ chiếm đoạt từ con người sẽ trở lại với con người. Và đến khi con người còn phải chết đi, thì khi ấy tự do vẫn không hề tàn lụi.

Các chiến sĩ! Đừng nạp mình cho những con thú — những kẻ khinh bỉ các bạn và bắt các bạn làm nô lệ, những kẻ đặt cuộc sống của các bạn vào hệ thống, điều khiển hành động của các bạn, ý nghĩ của các bạn và cảm xúc của các bạn! Những kẻ trui rèn các bạn, kiểm soát khẩu phần của các bạn, xem các bạn như trâu bò, dùng các bạn như những con cờ thí. Đừng nạp mình cho những kẻ quái đản ấy, những con người máy móc với những đầu óc máy móc và những trái tim máy móc! Các bạn không phải là máy móc! Các bạn không phải là trâu bò! Các bạn là những con người! Các bạn có tình yêu nhân loại trong tim. Các bạn không thù hận. Chỉ những kẻ không được yêu thương thì mới thù hận. Đó là những kẻ không có tình thương và những kẻ quái đản!

Hỡi các chiến sĩ! Đừng chiến đấu cho sự nô lệ! Hãy chiến đấu cho sự tự do! Chương thứ 17 của sách thánh Luca có viết rằng vương quốc của Thượng Đế thì ở trong con người, không chỉ trong một người hay một nhóm người, mà trong mọi con người! Trong các bạn! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh — cái sức mạnh để sáng tạo ra máy móc. Cái sức mạnh để sáng tạo ra hạnh phúc! Các bạn, là nhân dân, các bạn có sức mạnh để làm cho cuộc sống này tự do và đẹp đẽ, để làm cho cuộc sống này trở thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Thế thì, nhân danh dân chủ, chúng ta hãy sử dụng sức mạnh đó. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết lại. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới mới, một thế giới tốt lành nơi đó con người sẽ có một cơ hội để làm việc, tuổi trẻ sẽ có một tương lai và tuổi già sẽ được an dưỡng.

Bằng lời hứa hẹn về những điều này, những con thú đã nổi lên nắm lấy quyền lực. Nhưng chúng chỉ nói láo! Chúng không giữ lời hứa. Chúng sẽ không bao giờ giữ lời hứa! Những tên độc tài giành lấy tự do cho chính họ nhưng lại bắt nhân dân làm nô lệ. Giờ đây chúng ta hãy chiến đấu để thực hiện lời hứa đó! Chúng ta hãy chiến đấu để làm cho thế giới được tự do, để xoá bỏ những biên cương quốc gia, để xoá bỏ lòng tham lam, hận thù và bất dung. Chúng ta hãy chiến đấu cho một thế giới hữu lý, một thế giới trong đó khoa học và sự tiến bộ sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi con người.

Hỡi các chiến sĩ! Nhân danh dân chủ, hãy đoàn kết lại!


6/3/13

KHÓC MẸ

 



 

KHÓC MẸ

  ( Viết thay nỗi niềm blogger Tạ Phong Tần,  một người chưa quen , khi đọc tin T.P.T. đang trong vòng lao lý ,
 hay tin mẹ mất ,mà không thể về chịu tang mẹ . THD  )  


Vàng bay !

Vàng bay !
 
Mẹ ơi hãy ngủ
Cho quên kiếp người
Lửa  thiêu thân mẹ
Lửa đốt lòng con
Đừng đau lòng nữa
Mẹ ơi !
Mẹ ơi !
Con còn phải sống
đấu tranh  với  đời

Tim con lửa cháy
Ruột gan bời bời
Con quỳ khóc mẹ
Chảy máu con ngươi

Được tin mẹ mất
con  chẳng được về
đội tang cho mẹ
con chẳng được nhìn
một lần sau cuối
dù thân xác mẹ
thiêu  đốt thành  than

Quỳ trong bóng tối
Con niệm bài kinh
Nguyện cầu cho mẹ
Siêu thoát linh hồn
Về nơi chốn khác
Nơi không còn buồn
không còn hiu hắt
như là quê hương

Trong chốn lao tù
Con quỳ khóc mẹ
Dạy con làm người
Thân này đâu thể
Làm kẻ vong thân
Không thể sống quỳ
Kiếp đời  nô lệ
Mẹ cho thân này
Để con sống thẳng
làm NGƯỜI TỰ DO
mẹ thành ngọn đuốc
Soi chốn ngục tù
Mẹ thành ngọn lửa
Đốt cháy đêm   đen

Mẹ bỏ con đi
thân con tù tội
Mẹ về nơi ấy
biết buồn hay vui ?

Con quỳ khóc mẹ
Cho con làm NGƯỜI
Thân này dù nát
Niềm tin chẳng sờn :
Làm NGƯỜI phải được
Sống đời TỰ DO ! 

THD  30.7.. 2012


-------------------------------------------------------------------------------

(*) Na antalikkhe na samuddamajjhe
Na pabbatànam vivaram pavissa
Navijjàtì so jagatippadeso
Yatthatthitam nappasaheyya maccu
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) 
------------------------------------------------------------------


Âm xưa

 

Âm Xưa

Âm Xưa



Người khắc nỗi buồn lên đá 
Vàng bay quạnh gốc thông già
Người chép nỗi buồn lên giấy
Mai sau còn chút tàn phai 

Người gửi nỗi buồn theo gió
Niềm xưa trĩu cánh hạc gầy 
Người có khi nào qua đó 
Đường xưa nay ngút ngàn xa
Bước chân ai về trước ngõ
Âm xưa buốt ngón tay ngà 

Có chiếc lá vàng trong gió

Quay về tìm cội nguồn xa 
Có tiếng chim nào đang hót
Hồn ai đậu trước hiên nhà ?

Tranhodung. Washington . 2012-2013 

5/3/13

MỘ KHÚC


 

   MỘ KHÚC
                           Trần Hồ Dũng


Chợt nỗi buồn xưa động bóng trăng 

vàng phai bia đá dậy bên đàng 

hồn xưa ray rức cùng năm tháng 

mộng cũ chôn vùi theo cỏ cây 

Giấc mộng ngày xanh đã vỡ rồi

Còn chi mà tiếc nuối thanh xuân

Một ngày về đất linh hồn lạnh 

Nhắm mắt , còn mơ một giấc mòng

đời vẫn buồn theo tiếng thở dài 

từ cha 

tóc trắng những đêm thâu

từ dòng nước mắt 

trong lòng mẹ

khóc đứa con xưa chẳng trở về


Chiến tranh cốt nhục đã qua rồi 

vẫn còn nghe lạnh mãi trong xương

lạnh như thân xác bao đồng đội

về đất , mà không vẹn chỗ nằm

Thế hệ tôi buồn như lá khô !

còn ai để gửi chút hương lòng 

Xác vùi  trong đất  ,  hồn hờn  tủi  

Non nước còn  nghe mộ khúc buồn 

THD. Washington .USA.