Nay đọc lại , vẫn thấy rất hay và cần cho thế hệ trẻ ,nên post lại đây làm " tư liệu tham khảo " .. THD
------------------------------------------
Nói Với Tuổi Hai Mươi
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn – Lá Bối – 1966
--------------------------------------------------------------------------------
Nhận diện
Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số năm của anh. Buổi họp mặt gồm có chừng ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là “Để Lại Cho Em”, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những người trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu.
Tôi rưng rưng nước mắt, vì tôi được nghe chính tiếng nói của lòng tôi, tiếng tự thú của lòng tôi, do một nhạc sĩ tài ba hát lên. Phạm Duy đã hát gì? Thế hệ của những người đi trước- là chúng tôi- đã để lại cho thế hệ đi sau- là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay- những hèn kém những tội lỗi của họ. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất bị chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế, các anh đã để lại cho các em những giọt máu của dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những tấm khăn sô, những thành phố buồn trong đó loài người đang tranh nhau từng đám bụi đen. Các anh đã vụng về, đã hèn kém, đã để lại cho các em một quê hương nghèo khổ đói lạnh dù ruộng đồng của tổ quốc ta vốn rất mầu mỡ phì nhiêu. Đường về tương lai nghẽn lối, bàn tay các anh đáng lẽ phải thơm mùi đất nay thành ra hôi mùi thuốc súng; các anh đã để lại cho các em những giả dối, đê hèn và vụng dại của các anh. Nhưng cơ sự đã xảy ra như thế rồi, xin các em đừng trách móc hờn giận: hãy thương chúng tôi và hãy can đảm nhận lấy cái gia tài khôn khổ khốn nạn do các anh để lại Nếu chúng ta biết thương nhau, nếu các em biết thương yêu và tha thứ cho chúng tôi, nếu chúng ta cùng gom sức mới, cùng nhận lời tranh đấu, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được một lối thoát cho nhau. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta sẽ lên sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ vươn lên. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì súng đạn cũng sẽ phải thở dài, tàu bay cũng sẽ phải khóc, lựu đạn sẽ phải im tiếng, và quê hương ta sẽ không còn là một bãi chiến trường.
Một bài hát như thế quả thực đã là tiếng nói phát ra từ tâm niệm thành khẩn, từ ý thức trách nhiệm, từ những khổ đau của nhận thức. Một bài hát như thế không còn là một bài hát nữa. Đó là máu, đó là xương, đó là linh hồn, đó là những khúc ruột quặn đau, đó là sự sống Chúng tôi, những người anh bốn mươi thời hôm nay, nhân danh Mẹ tổ quốc, Mẹ tình thương, chờ mong em đáp lại tiếng kêu bi thương đó, kêu gọi em trở về với tình huynh đệ, ngồi lại bên nhau, bàn bạc với nhau đề tìm ra một lối thoát. Em đừng oán giận trách móc nữa, và cũng đừng nghĩ rằng những điều chúng tôi nói, chúng tôi viết đây là những lời than trách, nhục mạ, lên án tuổi trẻ nữa. Tôi biết tuổi trẻ còn nhiều trong trắng, còn nhiều tha thứ. Tôi biết em sẵn sàng tha thứ, cũng như chúng tôi cũng đã từng biết tha thứ cho những vụng dại, những thành kiến của lớp người đã làm cho chúng tôi khổ đau.
Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa, niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã cô độc như bây giờ em đang cô độc. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Đến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi. Quê hương thân yêu tan nát, chúng ta người lớn cũng như người nhỏ, hầu như không còn là chúng ta nữa. Chúng ta đã đổ trách nhiệm lên đầu nhau, đổ oán giận lên đầu nhau, để càng xa nhau, để càng thêm không hiểu nhau. Đau thương đã lớn lao quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Trong giai đoạn nầy chỉ còn có lòng xót thương mới có thể giữ cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta có đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp. Hãy hướng về chắp tay xót thương cho tổ quốc, cho giống nòi, xót thương Mẹ, xót thương Em, xót thương mảnh vườn xanh xưa của thời thơ ấu. Chất liệu xót thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào. Thương nhau, chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau, chúng ta sẽ làm nên lịch sử.
Hình bóng? Hình bóng của em? Hình bóng nào là hình bóng đích thực của tôi, đích thực của em? Hình bóng nào mới thực là hình bóng của Mẹ tạo nên, của Mẹ trao truyền? Hình bóng nào mang được tiếng ru bên nôi nhỏ, mang được ánh mắt biết hy sinh, giàu tha thứ, mang được bàn tay cần mẫn biết chăm lo của truyền thống Việt Nam? Hỡi người em hai mươi tuổi, dù cho phong ba bão táp có đến trên đời em một trăm lần, một ngàn lần, dù có quật ngã em, tôi vẫn nhận ra em, vẫn thấy em còn mang hình bóng của người con tổ quốc. Dù em có từ chối tôi, có từ chối Mẹ, tôi vẫn thấy nơi em, hình bóng của Mẹ. Em vẫn còn rung động khi nghe lại tiếng ru bên nôi nhỏ. Em vẫn còn thấy tâm hồn tràn ngập xót thương khi nhìn lại ánh mắt giàu hy sinh và tha thứ. Em vẫn còn là em. Dù đã có lần em thù ghét tôi, từ bỏ tôi, phủ nhận tôi, tôi cũng không thể nào không nhận ra em. Em có mặc lên trên người em những y phục dị kỳ, em có làm tội làm tình em bằng cách chặt bớt vài ngón tay, rạch thêm những lằn sâu trên mặt, xẻo bớt thân thể em để tạo nên những vết sẹo lớn thì tôi cũng vẫn còn nhận ra em. Tôi còn nhận ra em thì không bao giờ tôi có thể từ bó em. Tôi còn nhận ra em tại vì chất liệu thực của con người em dễ dầu gì mà bị tiêu diệt bằng phong ba bão táp, dù cho từ phương Bắc thổi xuống, dù cho từ phương Tây thổi qua. Thôi, em cho tôi nhìn nhận em là em của tôi đi, xin cho tôi nhìn nhận em là con của Mẹ. Tôi có hư hỏng, tôi có gây khổ đau cho em thì vì Mẹ em vẫn còn có thể tha thứ được cho tôi mà. Cái mà em khoác vào người và em cho là hình bóng của em, vốn không phải là hình bóng đích thực của em, do Mẹ trao truyền lại. Dù những vết thương có sâu, dù những đường rạch có lớn, dù những vết sẹo có nhiều thì không phải vì vậy mà em tiêu diệt được hình bóng đích thực của em. Hình bóng mà bây giờ em nhận là của em, tôi thấy đó chỉ là những vết thương, những đường rạch, những cái sẹo. Tôi, chính chúng tôi cũng có những vết thương, những đường rạch, những cái sẹo. Mà có phải vì vậy mà tôi với Mẹ không còn những liên lạc huyết thống đâu. Mà có phải vì vậy mà tôi với em không còn những liên lạc huyết thống đâu.
Để trả thù tôi, em đã hủy hoại em, em đã tạo cho em một hình dáng mà chất liệu là những đổ vỡ do phong bão gây nên, rồi em nhận hình dáng ấy là hình dáng của chính em. Để cho tôi khổ đau, và để cho Mẹ khổ đau. Mà thực ra thì Mẹ đã khổ đau, tôi đã khổ đau. Vì chính em đã khổ đau. Tôi biết em đã khổ đau, khổ đau hơn chính chúng tôi. Nhưng tôi không thể nào giận em được. Tôi xót thương cho tôi, xót thương cho em, xót thương cho tất cả chúng ta. Có phải em đã tự miêu tả hình dáng em như thế này chăng, và có phải khi em nhìn vào một hình dáng như hình dáng này, em thấy thắp thoáng hình bóng em trong ấy phải không ?
“Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.
Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn, kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì đến những thứ ấy, vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi: đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như “ khôn ngoan”, “chín chắn”, “kinh nghiệm”.
Chúng tôi không cần kinh nghiệm.
Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông
Tôi đã vô lễ hằn học với các ông.
Những sự hằn học ấy cần thiết.
Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam tù I5 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sụ thực đau buồn nhất trong đời chúng tôi; sự thực bi đát ấy là:
CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA
Hơn thế nữa, sự thực bi đát trên trở thành bi tráng: chúng tôi không cần các ông nữa.
Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh Iấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên, chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình; các ông đã chết; tôi phải cần lập lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi.
Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ có chúng tôi là xây dụng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này.
Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hóa, sống không biết ngày mai, không biết lý tưởng, trụy lạc, la cà ruợu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng và một triệu hình dung từ khác.
Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết cả nhũng hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cuời lễ độ và cúi đầu không biện hộ. Các bạn bè thân yêu của chúng tôi đang gục chết trên cánh đồng biên giới, bên bờ sông hay giữa rừng rú hoang vu; khói lửa ngút trời, máu đỏ của tuổi trẻ đang tưới trên những giải đất khô cằn quê hương, những mái tóc xanh trở thành nhĩrng bãi cỏ xanh trên những nấm mồ trận địa.
Hỡi ơi, hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu...
Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tuởng. Lý tuởng là gì? Lý tuởng là gì? Lý tưởng có phải tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông . Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự
không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là
chúng tôi, là tuổi trẻ.
CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT.
Chúng tôi không còn lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông.
Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.
Con người hồn nhiên không có lý tưởng.
Chỉ khi nào người ta mất mát rồi thì người ta mới tạo ra lý tưỏng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng.
Lý tưởng là những sản phẩm của lý trí ; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên.
Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời: dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây
phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thể là đã giết chết sức sống phong phú.
Sống có lý tưởng là sống không còn ngạc nhiên nữa ; người ta không thể biết ngạc nhiên trước cuộc đời khi người ta sống có lý tưởng
Sống không lý tưởng là lao mình vào đời với trọn vẹn hồn nhiên, ngạc nhiên, thao thức, bỡ ngỡ , mới lạ trong trắng giây phút một.
Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?...” [1]
Không! Không, em ơi ! Đó không phải là hình bóng đích thực của em. Đó chỉ là những thương tích
Đó chỉ là những thương tích. Em nhìn lại em xem. Em vẫn còn cảm động khi nghe tiếng ru bên nôi nhỏ.
Em vẫn còn thay lòng mình tràn ngập xót thương khi nhìn thấy giọt lệ mẹ già.
Đó chỉ là những thương tích. Những dấu tích. Những chứng tích của giai đoạn lịch sử này. Hãy bình tâm đi em: đau khổ sẽ làm em trưởng thành. Đau khổ sẽ làm ta trưởng thành. Bình tâm và yêu thương, em sẽ làm nên lịch sử. Thực ra, có thể em không còn tin nơi tôi. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đã chết. Bằng cớ là em vừa nói với chúng tôi vừa lý luận với chúng tôi. “Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?”. Tôi thấy rồi, em ơi, cái giận dữ của em chỉ là cái giận dữ bề ngoài. Trong em, vẫn còn tin yêu, vẫn còn những liên hệ muôn đời với tôi, với Mẹ. Em nói tôi đã chết. Em nói em không nên lý luận với những người chết. Nhưng em đã lý luận với người chết rồi, đã lý luận với tôi rồi. Và như vậy trong thâm tâm em vẫn tin rằng tôi còn sống, em vẫn muốn nói chuyện với tôi. Còn gì làm sung sướng hơn nữa. Còn gì làm tôi hy vọng hơn nữa. Tất cả những xua đuổi, những oán ghét, những phũ phàng của em, trước sau, chỉ là những dấu tích, những thương tích, những chứng tích. Nằm trong sâu thẳm của hồn em, là con người đích thực của em, là huyết thống của Mẹ, là chất liệu huynh đệ của anh em ta. Em không thể nào thù ghét tôi được bởi vì em vẫn còn là em. Em hãy bình tĩnh lại, em ngồi xuống. Hãy nghe lại tiếng ru ngày xưa. Cho tâm hồn em lắng dịu. Và để cho tôi nói chuyện với em. Bởi vì dù giận dữ, hung hăng, em cũng đã muốn nói chuyện với tôi rồi.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, trang XV- XX, Lá Bối, 1965
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét