27/3/13

Hồ trường ....rót về đâu ?

Hồ trường ....rót về đâu ?

                             Trần Hồ Dũng

Rượu này không rót về phương bắc

Hướng giặc lăm le cướp nước tôi

Rượu này chẳng rót về phương nam

Sợ mẹ và em trào nước mắt

Rượu này không rót về phương tây

Nỗi nhục trăm năm chưa xóa hết

Rượu này chẳng rót về phương đông

Nơi bầy sói lang đang xâu xé ...

Hồ trường không rót về đâu cả  !

Chỉ rót vào lòng cho bớt đau

Và xin được rót vào đất Mẹ

ấm chút thịt xương anh em nằm

Nơi ấy không còn phân biệt nữa

Tất cả , đều con của Mẹ thôi  !

Trời dất mang mang 

Ai hồn  tri kỉ  

Hãy  về đây    

Cạn một hồ trường !

tranhodung . washington .usa.  

Đọc sách Herta Muller Và Thú Người

 


25.03.2013

 bởi Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở hải ngoại vừa xuất bản tiểu thuyết Thú Người, do Dương Hoàng Dung dịch từ nguyên tác Herztier của Herta Muller.

Tác phẩm Herztier của nhà văn Herta Mueller – Nobel Văn chương 2009 - được Micheal Hofmann dịch sang Anh ngữ với nhan đề The Land of Green Plums (Vùng đất của những trái mận xanh). Nhan đề này gợi ý từ những trái mận xanh, tượng hình của một loại cây trái độc hại, như một thứ trái cấm gợi tới cảm giác tội lỗi cũng như tâm tính tàn bạo của một đời sống đầy những cái chết non trẻ và cuộc nhân sinh bị đe dọa đến không chịu đựng nổi. Trong tác phẩm của mình, Herta Muller đã mượn lời người cha khuyên đứa con gái đừng ăn những trái mận xanh cứng vì những hột mầm non của loại quả này có thể giết hại bé gái. Những trái mận xanh cũng đầu độc tất cả dân chúng trong vùng, những nạn nhân khi ăn những trái mận xanh này đã trở thành hèn hạ, ác độc, kiêu ngạo, hợm hĩnh, mất nhân tính và vô liêm sỉ. Ngay chính cả những tên độc tài (tượng trưng là những tên công an mật vụ) cũng là những kẻ đã ăn loại trái cây độc hại này. Tiểu thuyết đã mang nhiều ngụ ngôn từ những chi tiết trong truyện. Và trong truyện, những tên công an gian ác lại tự nuôi béo bằng những trái mận xanh. Trái mận xanh cũng gợi ý đến thời thơ ấu và đi ngược lại thời gian ấy người kể chuyện ngắm nhìn viên cảnh sát Romania trên đường phố, trong túi quần đầy những trái mận xanh. Chúng trở lại thời trẻ thơ ăn cắp mận từ rặng cây trong làng. Tác giả Herta Muller tạo chân dung tên công an ăn trộm mận giống như một con ác quỷ tham ăn, ngu dốt và hung bạo.

Tuy nhiên dịch giả Dương Hoàng Dung thì chọn dịch HerztierThú Người. Từ Herztier được tác giả hình thành từ ẩn dụ tiếng Romania. “Inimal” bao gồm 2 từ Inima (herzt-trái tim) và “animal” (tier- con thú). Người dịch đã giải thích lý do sử dụng nhan đề này:

Theo truyện, mỗi người đều mang trong tâm hồn mình một con thú. Con thú này quyết định cá tính và nội tâm của người đó. Từ ngữ ‘animal’ tác giả học được từ người bà của mình, ngụ ý chỉ một con thú nhỏ, chỉ có ở trong trí tưởng tượng, nó sống động, khó bị lẫn và chỉ bị tiêu diệt khi người ta chết. Một con thú ẩn náu trong tâm hồn mỗi người và để bị tiêu diệt trong cảnh áp bức, bạo lực, sợ hãi. Do ý nghĩa trên, tôi quyết định gọi qua tiếng Việt là Con Thú Trong Người hay ngắn gọn hơn là Thú Người làm tựa đề tác phẩm.”

Nguyên tác Herztier (thú tâm) bắt nguồn từ Đức ngữ với biểu tượng trái tim bị áp bức của những con người phải sống dưới một chế độ công an trị dã man. Trái tim ấy có nhịp đập của đứa trẻ ham vui, là hơi thở lạnh buốt tràn đầy khiếp hãi của những sinh viên trẻ tham gia vào những hoạt động chống phá chính quyền. Và nhịp tim thú vật ấy cũng có thể là của trái tim đầy ác nghiệp của người bố là nhân viên SS của Đức Quốc Xã thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Đời sống nặng nề đe dọa hiện nay theo suy tưởng cũng là sự tiếp nối của truyền thống cai trị bạo ngược đã có từ thời xa xưa.
Tính chất đầu tiên mà tác phẩm muốn đề cập đến là hình ảnh của một cô gái trẻ tên là Lola, người ở chung phòng với năm cô gái khác, kể cả người kể chuyện, trong một ký túc xá ở trường đại học. Lola đã ghi chép lại những sự kiện đời sống của cô trong cuốn nhật ký, liên hệ đến sự cố gắng để vượt thoát khỏi thế giới bị đè nén áp bức của trường học và xã hội mà cô đang sống. Cô leo lên chuyến xe buýt nửa đêm và tham dự vào những cuộc làm tình đầy thú tính và ưng thuận trao thân với những người trở về nhà sau giờ làm việc. Cô cũng có quan hệ với người thầy dạy môn thể dục và rất sớm có liên hệ với đảng Cộng sản. Phần đầu của tiểu thuyết chấm dứt khi Lola bị tìm thấy treo thân lủng lẳng trong góc tủ áo và cô để lại cuốn nhật ký của mình trong cặp sách của người kể chuyện.

Đã có giả thuyết là cô tự tử và đã phản bội tổ quốc, phản bội đảng. Lola bị tuyên bố tội trạng trong một buổi lễ ở trường học. Sau đó, người kể chuyện đã đọc nhật ký của Lola với ba người bạn trai, Edgar, Georg và Kurt. Họ thấy Lola đã có những hành động mà mục đích là lật đổ chế độ hiện tại. Bốn người đều là người Romania thiểu số nói tiếng Đức đã nhận được những lá thư từ những người mẹ của họ than phiền về những yếu đuối là tại sao những đứa trẻ của các bà tham gia tổ chức chống đối và đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Thư cũng đề cập đến những người cha là nhân viên SS thời xưa cũ. Bốn người giấu cuốn nhật ký và những tài liệu kể cả hình ảnh và sách vở trong một cái giếng cạn ở nhà nghỉ mùa hè trong phố. Rất nhanh chóng với cái mũi ngửi của mật vụ, đại úy Pjele đã vào cuộc và tỏ ra thích thú với những đối tượng điều tra này. Cả bốn bị tra vấn, những vật sở hữu bị lục xét, những lá thư bị mở ra và họ bị sa vào âm mưu của viên đại úy mật vụ này và đám chó săn của hắn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cả bốn người tan tác khắp bốn phương nhưng họ vẫn liên lạc với nhau qua thư từ hay những cuộc gặp mặt, mặc dù thư từ bị kiểm duyệt bởi mật vụ Securitate. Họ làm nhiều việc: Kurt làm quản lý một lò heo, còn người kể chuyện thì làm thông dịch viên Đức ngữ của một xưởng máy. Nhân vật thứ năm, Tezeram, bạn của người kể chuyện thì vào sinh hoạt đảng theo lệnh của Pjele.

Cuộc sống của cả năm người thật tội nghiệp và mỗi người phải hoàn thành những yêu cầu của chế độ đòi hỏi mỗi khi họ bị mất việc vì những lý do chính trị. Họ nói với nhau về ý định trốn thoát khỏi xứ sở này và Georg là người đầu tiên nhưng một tuần lễ sau khi đến Đức, anh tự tử bằng cách bước ra ngoài cửa sổ của một khách sạn ở Frankfurt. Người kể chuyện và Edgar có giấy nhập cảnh đến Đức nhưng vẫn bị hăm dọa tính mạng. Kurt ở lại Romania, không còn làm việc được và sau đó thì người ta thấy anh bị treo cổ. Tiểu thuyết chấm dứt với cùng một thông điệp đã có từ lúc khởi đầu.

Tác phẩm tiếp theo là “Drueckender tango” (Oppressive Tango - Bản tango ức chế) viết về hiện thực đời sống đầy những ức chế, tham nhũng, lũng đoạn của một chế độ độc tài với những người dân ở trong làng Nitzkydorf nơi sinh quán của bà. Cuốn sách này bị chế độ Ceausescu cấm phát hành và bị lên án dữ dội, và bị sở mật vụ Securitate theo dõi canh chừng. Nhưng tác phẩm sau khi in và phát hành được ở ngoài nước Romania thì được khen ngợi và được sự chú ý của giới truuyền thông Âu châu.

Mặc dù, thư ký Hội đồng giám khảo giải Nobel Peter Englund phát biểu rằng giải thưởng không phải là để kỷ niệm thời điểm 20 năm sụp đổ của chế độ Cộng sản, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng sự liên hệ đó là có thực. Michael Krueger, người đứng đầu cơ sở xuất bản Hanser Verlag nhận xét:

"Trao giải thưởng cho Herta Mueller, người trưởng thành ở một cộng đồng thiểu số nói tiếng Đức ở Romania là đã thừa nhận một tác giả đã từ chối đứng về phía phi nhân bản dưới chế độ Cộng sản và làm cho không bị quên lãng từ 20 năm sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây chấm dứt…””

Thủ tướng Đức, bà Angela Markel đã ca ngợi hết lời những công trình văn học của Herta: “Đó là văn chương xuất chúng đã được lấy ra từ kinh nghiệm sống dưới chế độ độc tài”. Và khi được hỏi về tác phẩm Niederungen, bà nói: “Ngày hôm nay, sau 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, đó là một thông điệp tuyệt hảo rằng có một công trình văn học rất giá trị như vậy về những kinh nghiệm sống này đang được vinh danh và ngợi ca với giải Nobel văn chương…””

Peter Englund nói “Độc giả chỉ cần đọc nửa trang sách thôi cũng đủ hiểu ngay về phong thái văn chương của Herta Mueller.”

Hầu hết những tác phẩm của bà đều in ở Đức. Có những tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha như: The Passport (Sổ thông hành), The Land of Green Plums (Lãnh địa của những trái mận xanh), Traveling on One Leg (Du hành bằng độc cước), The Appointment (Buổi triệu tập tra vấn). Cuốn sách mới nhất của bà là “Atemschaukel” được dịch ra Anh ngữ: “Swinding Breath” (Nhịp thở chập chờn) được đề cử giải German Book Prize.

Herta Mueller cũng nói về dân ca Romania mà âm nhạc đã giữ một vai trò đặc biệt trong tâm cảm của bà: “Khi tôi bắt đầu nghe bản nhạc đầu tiên của Maria Tanase với những âm thanh tạo những ý nghĩ bất ngờ cho tôi. Đó là thời khắc đầu tiên tôi cảm thấy thực sự những bản dân ca đó như thế nào. Nhạc dân ca Romania đã nối liền hiện thực bằng những con đường đầy ý nghĩa…

Một yếu tố quan trọng khác đã ảnh hưởng tới sáng tác của bà đến từ người chồng, nhà văn, nhà biên khảo Richard Wagner. Cả hai cùng sinh ra và trưởng thành ở Romania, cùng là thành viên và cùng sinh hoạt trong nhóm trí thức Banat Swabian và cũng cùng ghi danh theo học những lớp về văn chương Romania và Đức ở đại học Timisoara. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai cùng hành nghề giáo sư dạy Đức ngữ và cùng là hội viên của Aktionsgruppe Banat, một phong trào văn hóa tranh đấu cho tự do ngôn luận. Và cũng giống như người vợ, Wagner cũng đã hoàn thành nhiều tác phẩm gồm tiểu thuyết và biên khảo.

Herta Mueller có nhiều liên hệ với nhóm Aktionsgruppe Banat và đã có ảnh hưởng đến sự kiên cường của bà khi viết văn. Mặc dù, bà rất hiểu về những đe dọa và những nguy hiểm tạo ra nhiều trở ngại cho cuộc sống từ chế độ và cơ quan mật vụ khét tiếng là tàn bạo Securitate tạo ra. Thêm vào đó, khi tác phẩm của bà được tiểu thuyết hóa, bà đã đặt trên sự thực đã xảy ra hàng ngày của đời thường, từ những nhân vật có thực trong đời sống. Cuốn The Land of Green Plums có nhân vật biểu trưng là những người bạn thân thiết với bà trong nhóm Aktionsgruppe và bà viết với chủ ý tưởng niệm hai người bạn thân đã chết mà bà cho rằng đã bị cơ quan mật vụ thủ tiêu.[NMT]

Source : VOA/Blog NXH

26/3/13

BBC : Mỹ phản đối vũ lực trên Biển Đông

 
Cập nhật: 12:09 GMT - thứ ba, 26 tháng 3, 2013

Trung Quốc nói về vụ bắn tàu cá Việt Nam
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc nói vụ bắn tàu cá 'bất hợp pháp của Việt Nam' là 'đúng đắn', 'hợp lý'.

Xemmp4
 
Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng về vụ căng thẳng mới nhất trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Phát biểu trước các phóng viên hôm thứ Ba ngày 26/3, ông Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nước này ‘quan ngại’ khi nghe tin về vụ việc và rằng Washington đang tìm hiểu thêm từ cả hai phía Bắc Kinh và Hà Nội.
“Chúng tôi cực lực phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Nam,” ông Ventrell nói.
Ông bình luận rằng vụ việc này cho thấy rất cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các tranh chấp ‘một cách minh bạch và có nguyên tắc’.

'Đúng đắn và hợp lý

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tàu cá Việt Nam bị hư hại và thúc giục Hà Nội bảo ngư dân tránh vào vùng biển của Trung Quốc.
“Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lựng hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Đông."
Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
"Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi được Reuters dẫn lời nói với các phóng viên tại Bắc Kinh.
Ông Hồng lỗi đã từ chối trả lời các câu hỏi liệu có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam và liệu tàu Trung Quốc có phải tàu chiến hay không.
Vào hôm 25/03, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận một tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn bốc cháy ở đảo Hoàng Sa và Hà Nội đang đòi Bắc Kinh bồi thường.
Báo Tiền Phong hôm Chủ Nhật đã đưa tin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại đảo Hoàng Sa nhưng sau đó bà đã bị gỡ xuống.
Trang web của Bộ Ngoại giao dẫn lời người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói hôm 25/03:
"Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.
"Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy"
Hồng Lỗi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc
"Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
"Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)."
Ngoài những lời tuyên bố mang tính quy ước này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn.
Ông Nghị được dẫn lời nói: "Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
"Ngày 25/03/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc."
Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (một trang nhắn tin kiểu Twitter), người ta thấy có một số ý kiến cho rằng nên khuyến khích việc tấn công vào tàu Việt Nam và một số ý kiến khác nói nên làm điều tương tự với tàu Nhật khi có tranh chấp.
"Đây là một cách tốt để thể hiện sức mạnh của chúng ta. Lần sau chúng ta cần nã đạn thật."
Bình luận trên trang Weibo ở TQ
Một người bình luận rằng "Đây là một cách tốt để thể hiện sức mạnh của chúng ta. Lần sau chúng ta cần nã đạn thật.”
Một người khác viết “Đừng quên rằng, Bộ trưởng quốc phòng mới của chúng tôi đã từng tham gia cuộc chiến Việt – Trung.”
Phản hồi lại các bình luận đã được dịch và đưa lên trang Facebook của BBC tiếng Việt, một độc giả viết "Đây là một nước đi mạnh của TQ, nếu VN không làm rõ vụ này chắc chắn những bước tiếp theo của TQ sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ phản đổi mà không có động thái nào đủ mạnh thì nhà cầm quyền TQ sẽ "bắt vía" VN. Mọi việc cứ chờ xem".
Còn một người khác viết "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ không thể chối cãi về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Việt Nam cương quyết lên án hành động vi phạm chủ quyền đối với hai quần đảo... những câu ai thuộc lòng :)))))"
'Hùng hổ đuổi theo'
"Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam"
Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao
Theo báo Tiền Phong, tàu cá QNg 96382 cuối cùng đã về tới đảo Lý Sơn hôm 22/3, hai ngày sau khi bị bắn.
Báo dẫn lời thuyền trưởng Bùi Văn Phải, 25 tuổi, và viết:
"Khoảng 10 giờ ngày 20/3, khi sắp kết thúc phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu ông [Bùi Văn Phải] - gồm chín ngư dân - đụng phải chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc mang số 786, sơn màu trắng xám.
"Tàu sắt Trung Quốc liền hùng hổ đuổi theo. Thuyền trưởng Phải kéo ga chạy thật nhanh. Do nằm ở vị trí không có rạn san hô ngầm để lọt vào tránh né như mọi lần, ngư dân đành cho tàu chạy thẳng.
"Bọn lính bên tàu tuần tra liên tục buộc tàu ngư dân dừng lại. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ đạn lửa từ tàu tuần tra Trung Quốc (có thể là động tác cảnh cáo) bắt đầu nã sang ca bin tàu ngư dân của ta.
"Hốt hoảng và bất ngờ, các ngư dân đang ngồi trước mũi thuyền liền đưa tay lên đầu la to.
"Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu."
"Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu."
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải
Tiền Phong nói sau đó một ngư dân lớn tuổi đã trèo lên nóc cabin trong khi tám ngư dân còn lại múc nước đưa lên để chữa cháy trong lúc tàu Trung Quốc "vội vã tháo lui".
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó đồn Biên phòng Lý Sơn cũng được dẫn lời cho biết ông đã "chỉ đạo cho các đội nghiệp vụ thu thập hồ sơ để báo cáo về trên xử lý".
Thuyền trưởng Phải cũng nói với Tiền Phong chuyện tàu tuần tra Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam ở Hoàng Sa là điều thường xuyên xảy ra nhưng phía Trung Quốc có hành động mạnh tay hơn trong thời gian gần đây.
Ông Phải cũng nói trước lần bị bắn này, tàu của ông từng bị hai tàu tuần tra khác của Trung Quốc mang số 262 và 263 rượt đuổi.
Các hành động bị coi là "hung hăng" của Trung Quốc trên Biển Đông đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Việt Nam trong hai năm qua.
Chính quyền Việt Nam một mặt lên tiếng phản đối nhưng mặt khác lại ngăn cấm người dân có những hành động phản đối tương tự trên đường phố.

BBC

Cuộc sống ‘cơ hàn’ của tỷ phú chứng khoán Warren Buffett

March 27, 2013 

Nổi tiếng là tỷ phú trong ngành đầu tư chứng khoán, Warren Buffett là một người có đầu óc kinh doanh hết sức nhạy bén và tận dụng thời cơ chớp nhoáng. Tuy nhiên, ông cũng được mệnh danh là tỷ phú bình dân từ cách sống không xa hoa, không ồn ào hay “khua chiêng múa trống”.
Du thuyền hay máy bay chỉ là “cục nợ”

Ông chủ của Berkshire Hathaway – một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nằm trong danh sách những tỷ phú hàng đầu thế giới. Câu nói “Mất 20 năm để gây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để hủy hoại nó” đã trở thành một chân lý cho tất cả các tỷ phú nổi tiếng khác. Nhưng đối với Buffett, danh tiếng đó không đi liền với việc luôn tỏ ra mình là người giàu có như sắm nhà cao cửa rộng, ăn tiêu lãng phí, đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại… Buffett chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị mà hạnh phúc. Hiện tại, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 31.500 USD (tương đương khoảng 250.000 USD ngày nay), ông mua cách đây hơn 50 năm ở Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ) và ông chỉ sở hữu căn nhà này chứ không có nhiều nhà hay biệt thự như các tỷ phú khác. Căn nhà có diện tích 610m2, một diện tích không phải là nhỏ nhưng so với các tỷ phú khác, nó chỉ là một căn nhà nghỉ dưỡng.



Tỷ phú Warren Buffett giản dị đời thường.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: “Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới. Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế…”. Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng “rót vốn” vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. “Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế”.

Dù là tỷ phú đứng thứ hai thế giới nhưng Buffett không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào bởi đối với ông, chúng chỉ là những món đồ chơi, là những “cục nợ” không hơn không kém. Ngay đến đám cưới với người vợ thứ hai, ông cũng chỉ tổ chức lễ cưới hết sức đơn giản tại nhà con gái ở Omaha. Quả thật, hiếm hoi có vị tỷ phú nào tiết kiệm đến từng đồng bạc lẻ đến vậy. Quay lại thời gian cách đây hàng chục năm, khi đứa con đầu tiên của Buffett ra đời, chính ông đã tự tay đóng một chiếc nôi sơ sinh cho con từ chiếc ngăn kéo tủ quần áo cũ chứ không mua ngoài cửa hàng như các gia đình vẫn thường làm. Rồi đến đứa con thứ hai, ông lại đi xin chứ nhất quyết không bỏ một xu ra mua một chiếc mới cho con.

Ông quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại “bỏ xó”, đó là sự lãng phí không cần thiết. Có lẽ, ông là tỷ phú duy nhất trên thế giới lái một chiếc xe Volkswagen cũ kỹ và chỉ nâng cấp lên chiếc Cadillac mới khi bị vợ “ép” thay đổi.

Buffett hiện đang nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới 50 tỷ USD và đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, ông vua chứng khoán vẫn không bỏ thói quen tích cóp từng xu lẻ mà còn dạy những người khác nên học theo tính tiết kiệm này của mình. “Những đồng xu lẻ” ông tích cóp được cũng không mang ra tiêu xài phung phí, ông lại tiếp tục dùng chúng để tái đầu tư. Ở Buffett, cụm từ “tích tiểu thành đại và quay vòng” luôn là điều ông đặt lên hàng đầu, được ông áp dụng một cách triệt để. Thật không “ngoa” khi nói ông là một nhà buôn tiền lừng danh nhưng ông cũng là một nhà từ thiện hiếm có.


Căn nhà nhỏ của Warren Buffett ở Omaha.

Sống cuộc sống được là chính mình

Đến nay, khi đã ở tuổi bát tuần, Buffett vẫn cảm thấy tiếc vì ông bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu quá muộn bởi khi đó ông đã… 11 tuổi. Buffett cho rằng: “Không bao giờ là quá sớm nếu người ta có ước mơ làm giàu. Bất kể bạn ở độ tuổi nào cũng có thể là một nhà đầu tư giỏi, chỉ cần biết cách tiết kiệm mà thôi. Những điều này được Buffett thực hiện suốt thời thơ ấu và đến năm 14 tuổi, ông đã mua được một nông trại nhỏ từ số tiền dành dụm việc rao báo. Ngay việc ông chỉ mua một căn nhà nhỏ, đủ cho một gia đình sống đã là minh chứng rõ nhất cho việc “tằn tiện” của ông.

Ông thường nói với các con: “Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc”. Bởi vậy, mặc dù sở hữu một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới nhưng bản thân tỷ phú Buffett không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng. Nhiều người thắc mắc sao ông không tham gia các buổi tiệc tùng, đình đám với tầng lớp thượng lưu để gia tăng danh tiếng cho mình. Ông chỉ cười và trả lời: “Tôi không muốn cố gắng tỏa sáng hay đánh bóng tên tuổi. Tôi chỉ muốn được là chính mình và làm những điều mình thích mà thôi”. Sau giờ làm việc, ông thường lái xe về nhà, nằm xem ti vi và thưởng thức bắp rang bơ như một công chức bình thường.

Điều đặc biệt ở Buffett là ông không dùng điện thoại di động dù là một chiếc điện thoại bình thường nhất. Thậm chí, ông cũng không có lấy một chiếc máy tính trên bàn làm việc bởi ông thấy không cần thiết, mọi dữ liệu đều nằm trong đầu ông và sẽ được “lấy ra” một cách nhanh chóng khi cần mà không cần các thao tác phức tạp trên máy tính. Có người nhận xét cuộc sống của vị tỷ phú này như một người dân sống trong cảnh bần hàn, cơ cực, dù có trong tay cả một gia tài khổng lồ cũng không dám động đến. Tháng 2 vừa qua, Buffett tiếp tục bày tỏ quan điểm phi vật chất của mình với báo chí: “Tôi đã được làm mọi công việc tôi muốn. Tôi có những người bạn thậm chí còn làm nhiều nghề hơn. Nhưng tôi cảm thấy một số người đang bị chính nghề của họ chi phối thay vì làm chủ công việc. Thật đáng tiếc!”.

Vị tỷ phú có tầm nhìn sắc bén

Đã từ lâu tỷ phú Warren Buffet nổi tiếng là người có nhãn quan đầu tư sắc bén với những thương vụ đình đám mà ít ai dám thực hiện. Thương vụ gần đây nhất Buffett thực hiện là vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử ngành thực phẩm thế giới với quy mô lên tới 23,3 tỷ USD. Đích ngắm được “huyền thoại xứ Omaha” nhắm tới là tập đoàn sản xuất nước sốt cà chua H.J. Heinz Co. có trụ sở tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Ông Buffett cũng tỏ ra rất hài lòng với hoạt động lần này: “Đây là loại hình công ty chúng tôi ưa thích. Tôi đã dùng thử hàng của họ nhiều lần”. Cho đến nay thương vụ thâu tóm lớn nhất mà “huyền thoại xứ Omaha” thực hiện là vụ mua lại tập đoàn đường sắt BNSF năm 2010 với giá 26,3 tỷ USD. Trước đó là thương vụ đầu tư 16 tỷ USD vào cổ phiếu của “gã khổng lồ” ngành tái bảo hiểm General Re năm 1998.


Warren Buffett – Tỷ phú từ thiện

Không đầu tư cho bản thân hay gia đình nhưng đối với công tác từ thiện, tỷ phú Warren Buffett rất hăng hái và không chút đắn đo, suy nghĩ. Ông cam kết tặng 99% tài sản cho Quỹ Bill & Melinda Gates và các tổ chức từ thiện gia đình sau khi chết và sẽ ủng hộ hơn 30 tỷ USD và quỹ của Bill Gates trong vòng hơn 20 năm. Tháng 8/2012, vào ngày sinh nhật của mình, Buffett cũng đóng góp hơn 3 tỷ USD vào ba quỹ từ thiện mà các con ông đang quản lý. Trong một lần đứng trước báo chí, vị tỷ phú chứng khoán còn nói: “Người giàu nên bị đánh thuế nhiều hơn”, khiến nhiều người hết sức sửng sốt và cảm nhận rõ hơn về con người nhân đạo của ông.


An Mai (Theo Times/Business Insider)
Source : blog Alan Phan

TQ bác bỏ kháng nghị của Việt Nam về vụ tấn công tàu đánh cá



26.03.2013

 

Trung Quốc bác bỏ tố cáo của Việt Nam cho rằng một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, là quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và cũng tuyên bố có chủ quyền.

Theo tin của hãng thông tấn Reuters và nhật báo The Hindu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm thứ ba nói rằng Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và việc giới hữu trách Trung Quốc có hành động chống lại tàu cá Việt Nam hoạt động trái phép trong vùng biển này là thích đáng và hợp lý. Ông Hồng Lỗi nói thêm rằng kết quả xác minh cho thấy chiếc tàu của Việt Nam không bị hư hại gì vào lúc đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam tăng cường công tác quản lý ngư dân để ngăn chặn điều mà ông gọi là “những hoạt động bất hợp pháp như vậy.”

​​Một ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tố cáo rằng việc tàu Trung Quốc nổ súng bắn cháy cabin của tàu cá Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.”

Ông Lương Thanh Nghị yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm đối với điều mà ông gọi là “hành động sai trái và vô nhân đạo”, và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Vụ tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc về vụ tấn công tàu cá là vụ việc mới nhất của một loạt những xích mích ngoại giao liên quan tới vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tháng 12 năm ngoái, tàu cá Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc quyền quản lý của mình. Hồi tháng 5 năm 2011, tàu tuần tra Trung Quốc cũng đã cắt cáp địa chấn của tàu khảo sát Việt Nam hoạt động trong vùng biển chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 200 kilomét.

Nguồn: Reuters, AP, The Hindu



25/3/13

Thắng và bại

 

25.03.2013

  Nguyễn Hưng Quốc

Kỷ niệm 10 năm chiến tranh Iraq, mấy tuần vừa qua, giới bình luận chính trị Tây phương bàn tán sôi nổi về vấn đề: cuối cùng, Mỹ đã thắng hay bại?

Nhìn chiến tranh Iraq như một trận đánh, đương nhiên là Mỹ thắng. Thắng rất dễ dàng. Quân Mỹ và đồng minh bắt đầu tấn công vào ngày 20 tháng Ba năm 2003. Đến ngày 9 tháng Tư, tức 20 ngày sau, họ đã chiếm được thủ đô Baghdad. Bên Iraq, có 9.200 binh sĩ bị giết chết; phía đồng minh, Mỹ có 139 và Anh có 33 binh sĩ bị tử vong.

Nhìn rộng hơn một tí, toàn bộ cuộc chiến tranh, từ lúc khởi chiến (tháng 3/2003) đến lúc rút quân (tháng 12/2011), cũng có thể nói Mỹ thắng. Mỹ chiếm được Iraq, bắt và treo cổ Saddam Hussein, đập đổ được chế độ độc tài, dần dần hình thành nên một chế độ dân cử tương đối dân chủ, và cuối cùng, rút quân ra khỏi Iraq một cách an toàn. Như vậy là thắng chứ còn gì nữa?

Thế nhưng, nhiều người vẫn cứ băn khoăn. Lý do đơn giản: Cần phải đặt cuộc chiến Iraq vào hai chu cảnh lớn: Một, trong một cuộc chiến tranh lớn hơn: chiến tranh chống khủng bố và độc tài; và hai, trong thế địa chính trị tại vùng Trung Đông.
Nhớ, tướng Tommy Franks của Mỹ đã đặt ra tám mục tiêu chính khi đánh Iraq năm 2003: “Một, chấm dứt chế độ Saddam Hussein. Hai, phát hiện, cô lập và tiêu hủy các loại vũ khí sát thương hàng loạt (mass destruction). Ba, tìm kiếm, bắt và trục xuất khủng bố ra khỏi Iraq. Bốn, sưu tầm tài liệu tình báo liên quan đến các mạng lưới khủng bố. Năm, sưu tầm các tài liệu liên quan đến mạng lưới vũ khí hủy diệt hàng loạt phi pháp trên phạm vi toàn cầu. Sáu, giải tỏa lệnh cấm vận và tiến hành tức khắc các cuộc viện trợ nhân đạo cho dân chúng Iraq. Bảy, bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu khí và tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc về nhân dân Iraq. Và cuối cùng, giúp người dân Iraq tạo điều kiện chuyển tiếp sang một chính phủ đại biểu do dân bầu để quản trị đất nước của họ.”

Không phải mục tiêu nào ở trên cũng được hoàn thành. Ngoài chuyện không có các loại vũ khí sát thương hàng loạt hay các mạng lưới khủng bố toàn cầu nào ở Iraq, thất bại chính của Mỹ không chừng là nằm ở mục tiêu cuối cùng. Sau khi Mỹ chiếm Iraq một cách dễ dàng, Iraq trải qua những năm tháng nội chiến triền miên. Khủng bố nối tiếp khủng bố. Chỉ riêng tại thủ đô Baghdad, người ta ước tính mỗi ngày có khoảng từ 11 đến 33 người bị giết chết trong các cuộc đặt bom ở các khu dân sự, kể cả chợ búa và đền thờ.

Về phương diện chính trị, các phe phái liên tục chống đối nhau. Đúng là Iraq đã bắt đầu xây dựng được một số nền tảng cho một chế độ dân chủ, tuy nhiên, tương lai chính trị của nước này vẫn đầy bất an.

Cái giá của cuộc chiến này khá cao. Về nhân mạng, 115.376 người Iraq bị giết chết từ năm 2003 đến 2011.

Về phía đồng minh, số binh sĩ bị chết của Mỹ là 4.488; của Anh là 179, của Ý 33, của Ba Lan 30, của Ukraine 18, Bulgaria 13, v.v.. Về tài chính, chi phí cho cuộc chiến tranh ấy, về phía Mỹ, là khoảng trên 845 tỉ đồng.

Chính vì vậy, nhiều học giả Mỹ đặt vấn đề: Một, liệu cuộc chiến tranh ấy có đáng không? Và hai, có thể xem là Mỹ thắng trận không?

Không có câu trả lời nào thật dứt khoát và thuyết phục hẳn. Eric S. Margolis, tác giả cuốn sách American Raj: Liberation or Domination? trả lời thẳng thừng: Mỹ thất bại. Fred Kaplan cho đó là một cuộc chiến tranh không cần thiết nhưng cũng cho rất khó trả lời câu hỏi ai thắng ai.

Christian Whiton, chủ tịch Hamilton Foundation, lại cho là Mỹ thành công, hơn nữa, hai lần thành công: vừa lật đổ được một chế độ được xem là độc tài và tàn bạo nhất thế giới vừa xây dựng được cơ sở cho một nền dân chủ lâu dài tại Iraq.

Một số người đề nghị chờ thời gian trả lời: Mỹ thành công nếu chính phủ dân chủ mới phôi thai ở Iraq càng ngày càng vững mạnh; ngược lại, Mỹ thất bại nếu nó sụp đổ và Iraq lại sống dưới chế độ độc tài như thời Sadam Hussein.

Gai góc hơn là vấn đề địa chính trị (geopolitics). Một trong những động cơ chính của Mỹ khi quyết định tấn công và xâm chiếm Iraq là biến Iraq thành một quốc gia dân chủ thân Mỹ, từ đó, biến nước này thành một trung tâm quyền lực của Mỹ để, một mặt, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở các nước Hồi giáo Trung Đông, mặt khác, sẵn sàng trấn áp mọi cuộc chiến tranh chống Mỹ trong tương lai. Cả hai đều gắn liền với địa chính trị.

Tuy nhiên, ở cả hai khía cạnh này, dường như Mỹ không thành công, hoặc ít nhất, chưa thành công.

Thứ nhất, nền dân chủ ở Iraq còn rất mỏng manh và yếu ớt.

Thứ hai, do tính chất mỏng manh và yếu ớt ấy, Iraq cũng không thể đóng vai trò một căn cứ địa chính trị hay quân sự đáng tin cậy cho Mỹ. Sau năm 2003, Mỹ đã xây dựng Tòa Đại sứ tại Baghdad, một Tòa đại sứ lớn và tốn kém nhất của Mỹ với chi phí hơn 750 triệu trên một mảnh đất rộng trên 104 mẫu Anh, nơi, thoạt đầu, chứa đến 16.000 nhân viên, trong đó, có đến 2.000 nhân viên ngoại giao, với tham vọng xem đó như một đầu não ngoại giao và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, với lý do nêu trên, tham vọng này dường như chỉ là một ảo tưởng.

Thứ ba, việc xâm lăng Iraq - nhất là việc không phát hiện bất cứ một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào ở Iraq cũng như việc không thể tìm ra chứng cứ nào về mối quan hệ giữa Saddam Hussein và al-Qaeda vốn là những lý do chính được đưa ra để gây chiến - đã gây bất bình cho cộng đồng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ tư, quan trọng hơn hết, cuộc chiến tranh Iraq dường như làm cho Iran, kẻ thù của cả Mỹ lẫn Iraq trước đây, mạnh hơn hẳn. Mạnh vì hai lý do: Một, đối thủ chính và nguy hiểm nhất của Iran là Saddam Hussein đã bị tiêu diệt; và hai, phái Shia, một giáo phái thuộc Hồi giáo đang cầm quyền tại Iran càng ngày càng phát triển mạnh, nắm rất nhiều quyền lực tại Iraq, thay cho giáo phái Sunni trước đây. Với sự thắng thế của phái Shi’ite, Iran có thể sẽ có một lực lượng đồng minh rất đáng kể ở Iraq.

Dĩ nhiên, vẫn có người phản bác các nhận định trên với lý do chính: Bất kể những thất bại ở lãnh vực này hay lãnh vực khác, Mỹ cũng đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh khủng bố vốn mở màn sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Lực lượng khủng bố, trên cơ bản, đã bị dẹp tan, không còn là một đe dọa lớn đối với Mỹ cũng như trên thế giới nữa. Vì thế, Mỹ có thể an tâm quay về với một đối thủ mới xuất hiện ở phương Đông: Trung Quốc.

Như vậy, cuộc bàn cãi về chuyện thắng hay bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq từ năm 2003 cho đến nay vẫn còn tiếp tục và có lẽ sẽ còn tiếp tục dài dài.

Thật ra, đó cũng là điều bình thường. Chuyện thắng hay bại là một vấn đề phức tạp hơn hẳn những gì chúng ta thường nghĩ. Thường, nghĩ về chiến tranh hay chính trị, chúng ta hay tự giới hạn mình ở một biến cố hay một sự kiện nào đó. Như một cái gì biệt lập và đơn lập. Trong khi, trên thực tế, bất cứ sự kiện hay biến cố nào cũng nằm trong một chu cảnh (context) với nhiều quan hệ chằng chịt theo nhiều chiều và với nhiều kích thước khác nhau, từ kích thước địa chính trị đến kích thước lịch sử. Bởi vậy, không hiếm trường hợp thắng một trận đánh nhưng lại thua một cuộc chiến tranh hay thua một cuộc chiến tranh nhỏ nhưng lại thắng một cuộc chiến tranh lớn. Hoặc ngược lại.

Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ hòa ở chiến tranh Triều Tiên, và có thể gọi là thua, như nhiều người đã nói, cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng lại thắng trong toàn bộ cuộc chiến tranh lạnh, nghĩa là thắng toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Cũng có thể nói, phần nào, Mỹ thắng Liên Xô ở cuộc chiến tranh tại Afghanistan từ 1979 đến 1989. Dù hai bên không hề trực tiếp đụng độ với nhau, nhưng ai cũng biết suốt thời gian chín năm ấy, Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ, từ Pakistan đến Anh, Saudi Arabia (và, kể cả Trung Quốc) đã đổ tiền giúp đỡ các kháng chiến quân người Afghanistan rất nhiều. Không những giúp đỡ tiền bạc mà còn giúp vũ khí và cả việc huấn luyện quân sự, bao gồm các chiến thuật du kích và, thậm chí, các phương pháp khủng bố. Cuối cùng, không chịu đựng nổi, từ đầu năm 1987, Liên Xô quyết định rút quân: Giữa năm 1988, rút một nửa, đến đầu năm 1989 thì rút toàn bộ. Phe tự do hoan hỉ xem đó như một chiến thắng.

Nhưng chiến thắng ấy, oái oăm thay, lại mở đầu cho một thất bại của Mỹ trong trận chiến chống khủng bố: Một trong những lực lượng được Mỹ giúp đỡ và huấn luyện để chống lại Liên Xô thời ấy, sau này, đã trở thành một lực lượng Hồi giáo cực đoan mang tên al-Qaeda, trong đó có cả Osama bin Laden: Chính những người ấy, vào năm 2001, đã tổ chức cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp ngay trên đất Mỹ.

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 
Source : VOA