10/4/13

Lẩy Kiều, những tuyệt cú



09.04.2013
 
bởi Bùi Tín

Tác phẩm Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm.
 Truyện Kiều

 

Truyện Kiều được truyền miệng trong nhân dân vì có chứa nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân tình thế thái phong phú khác nhau, để có thể so sánh, ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, mỗi thân phận con người. Nhân dân ta thuộc lòng Truyện Kiều, nhiều người có thể trích ra nhiều câu làm châm ngôn, nguyên tắc, quy luật, thể nghiệm của cuộc sống. Có không ít người nghiện việc «lẩy Kiều» như thế.

Gần đây tôi rất ưa 2 câu «lẩy Kiều»

Ma đưa lối quỷ đem đường,
lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

Hai câu này nói lên tình trạng của 14 ông «vua tập thể» trong Bộ Chính trị cứ một mực bắt nhân dân phải theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê nin đã phá sản rõ rệt, trong khi chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa xã hội đã bị hầu như toàn thế giới lên án đã phạm tội ác chống nhân loại.

Mới đây ở trong nước đã xuất hiện một bài thơ dài với đầu đề «Liên khúc Hội nghị Trung ương», viết theo lối Kiều lẩy, nhưng rộng hơn, kết hợp cà ca dao với Truyện Kiều cùng Chinh Phụ Ngâm Cung Oán Ngâm Khúc để «lẩy» một cách hài hước, hóm hỉnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay «Trọng Lú», theo cách gọi của dân chúng.

Bài thơ này nói về ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng muốn lập thành tích đối ngoại thật nổi trong chuyến đi Cuba và Brazil hồi tháng 4 năm ngoái để trở về giành thắng lợi đối nội trong Hội nghị Trung ương. Chẳng ngờ cuộc trình diễn ở Cuba bẽ bàng, chuyến đi thăm Brazil bị hủy bỏ vào phút chót, và Hội nghị Trung ương tại Hà Nội ngay sau đó biến thành trò cười cho thiên hạ. Bài thơ mở đầu:

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra

Rồi liều leo tận Cu Ba,
Giảng dăm ba chữ, đồng ra đồng vào
Mác cùn, Lê gãy, chẳng sao!
Phi Đen nghe hết, thở phào, bắt tay,
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Đâu có phải chuyện tầm phào,
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia
Cứ trong thực tế mà suy
Lý luận hổ lốn, chẳng ghi được gì.
Thôi thì thôi, cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra
Bảo Ra-un lấy xì gà,
Thay tiền nhuận bút làm quà cho dzui…

Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Đa đoan chi lắm cho trời đất ghen
Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Bradin bà Tổng ngại ngần
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha
Lỡ từ lạc bước bước ra
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi
Rằng sao chẳng ý tứ gì ?
Cho tao mất mặt tội thì tại ngươi
May mà có chuyến khứ hồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Phải rằng nắng quáng đèn lòa
Buôn xa một chuyến hóa ra bẽ bàng
Ngỡ rằng Hội nghị Trung ương
Có vốn, có liếng, coi thường được a?

Và sau đây là Hội nghị Trung ương :

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Sang, chữ Dũng vốn là ghét nhau,
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì lợi, ích, riêng, công
Tự phê sao được, phải xông vào đòi,
Mặc cho ông Tổng đôi hồi
Diễn văn, diễn võ, đứng ngồi không yên

Thế rồi :
Mười lăm buổi Trung ương nhóm họp
Đít thì ngồi, trí để đâu đâu
Đường nước bước, sao cho êm ả
Đảng có còn mình mới có ăn
Giấu mình, liều thuốc vạn năng
Hăng lên, cửa nát nhà văng tức thì.
Cứ lắc, gật sao cho đúng phép
Ghế vẫn còn, phép nước tính sau
Trọng, Hùng như Rứa chẳng mau thì chầy!

Về nhân dân thì :

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như thốc buồng gan
Bệnh trần đòi đoạn tân toan
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da
Gót danh lợi bùn pha chất xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến Mê

Nền lý luận nhện giăng cửa mốc
Sách Mác- Lê gián nhấm canh dài
Đất bằng bỗng rắc chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương

Mồi phú quý dử làng thoái hóa
Bả vinh hoa lừa gã gian manh
Giấc Nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!

Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Trọng, Sang, Hùng, Dũng ai sầu hơn ai?

Vài câu kết luận :

Quyền họa phúc chúng tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai!
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Mùi tục lụy đường kia cay đắng
Vui chi mà đeo đẳng cơ duyên
Cái gương nhân sự chiền chiền
Chở thuyền dân đẩy, lật thuyền cũng dân

Thế là mất sạch lòng dân
Bởi chưng kết quả về dần số không
Đa mang chi nữa đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình!
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao.

«Lẩy Kiều», «lẩy Chinh Phụ Ngâm» và «lẩy Cung Oán Ngâm Khúc» như trên thật là tuyệt. Xin trích rộng rãi để các bạn thưởng thức kẻo phí của giời.

Chỉ đáng tiếc là 2 câu cuối có vẻ bi quan buông xuôi, không sát với tình hình hiện tại, khi ngày càng có nhiều trí thức, luật sư, nhà báo, sinh viên và thanh niên, cũng như nông dân, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, tín đồ các tôn giáo … không thể ngoảnh mặt làm thinh, mà dấn thân theo nhiều cách, xuống đường, ký kiến nghị, tuyên bố, tuyên ngôn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người nối tiếp.

Bài thơ theo lối «lẩy Kiều» truyền thống kết hợp với ca dao do một hay nhiều tác giả khuyết danh đưa lên mạng này vẫn giữ nguyên giá trị phản ánh một tình hình thời sự đầy kịch tính, có tính chất trào lộng cười ra nước mắt, khi đất nước phải nằm trong tay những tên trọc phú Cộng sản túi càng căng phồng đô la bao nhiêu thì trí tuệ và tâm huyết càng teo lại bấy nhiêu, trước con mặt khinh thị tinh tường của người dân.

B.T.

( source : VOA)

8/4/13

Dòng sông biệt ly




Dòng sông biệt ly


                                    Tặng CT

Dòng sông  rồi cũng  biệt ly

Bến xưa nằm   lại ,  nói gì với tôi

Sông kia    dẫu    đã quên lời

Bờ kia  còn đợi đón đời tôi   qua 

Có gì đâu , một sát- na !

Nước từng soi bóng  tôi và bóng  trăng 

tranhodung. washington  08.04.2013 

                                                              

7/4/13

giang hồ



    THD
giang hồ

Cứ tưởng ra đi ... rồi trở lại 

Quê hương đâu dễ ...chẳng quay về

Cứ tưởng giang hồ dăm bảy bữa 

Hay vài ba tháng, đủ rong chơi

giang hồ - đi  nửa vòng quả đất

Ngó trời xứ lạ, ngắm tuyết rơi

Khi nào thỏa chí ta về lại 

Uống nước sông quê, tắm mưa nguồn

Rau đắng sau hè, ta cứ hái 

Dưa muối  bao đời, đâu dễ quên 

Rượu quê sẵn đó, bao bè bạn 

Mặc sức mà say, thỏa thích cười 

Nào ngờ, năm tháng trôi vun vút  

Biết đến bao giờ  về cố hương ?    

Đường về sao thấy xa thăm thẳm

Mắt mỏi mòn trông , tóc bạc dồn

Mẹ tóc phơ phơ còn đứng đợi  

Bạn bè dăm đứa  bặt tăm hơi

Gió ở bên trời hiu hắt lắm 

Đâu bằng gió lạnh buốt lòng tôi

Chí lớn  vo chưa tròn một nắm

Quăng vào trời tuyết  buốt hư không !

Đành  đưa tay vẫy chào sông núi 

Làm sao kim chỉ vá non sông 

Tuyết lạnh ,trời cao , ly rượu đắng

Mềm môi tê tái  mộng sông hồ

Giữa trời xứ lạ giơ tay  vẫy 

Người ơi chờ nhé, đợi ta về !

tranhodung. washington.usa. .2012-2013

  

      

6/4/13

Chỉ dấu của lòng nhân đạo, hòa giải?

Cập nhật: 13:56 GMT - thứ bảy, 6 tháng 4, 2013
 
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ, một trong các dấu tích lịch sử cuộc chiến VN
 
 
Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có đến thăm và thắp hương tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ, nơi chôn cất 16 nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà từ binh nhì đến cấp tướng đã tử trận trong cuộc chiến Nam Bắc vào thế kỷ trước.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cộng sản Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam Cộng hoà, những chiến binh của phía thua cuộc.
Gần 40 năm đã qua từ ngày chiến tranh chấm dứt với chiến thắng thuộc về phía miền Bắc và đã đem đến biết bao tù ngục, cay đắng, cùng chính sách kỳ thị lý lịch đối với cựu quân cán chính quyền miền Nam mà hệ lụy còn kéo dài đến nay, như thế tại sao lúc này lãnh đạo Hà Nội lại có hành động tưởng niệm những tử sĩ thuộc về phe thua trận? Đây là vấn đề nhân đạo, hòa giải hay chính trị?
Cùng đi thăm nghĩa trang với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, cựu tù cải tạo và hiện là chủ tịch hội Vietnamese American Foundation (VAF).
Sau chuyến viếng thăm của quan chức Hà Nội, ông Thành lại tháp tùng phái đoàn của Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn là ông Lê Thành Ân đến nghĩa trang thắp hương tưởng niệm.
Hai sự kiện này đang gây xôn xao dư luận hải ngoại với những nhận định, phê phán cùng tìm hiểu về mục đích, chủ trương đối với một địa danh mang tính lịch sử của miền Nam và về chính sách hòa giải của nhà nước Việt Nam.
Chuyến thăm viếng trên cho thấy lãnh đạo Hà Nội một lần nữa muốn chứng tỏ với người Việt hải ngoại về chính sách hòa giải được ban hành từ năm 2004 bằng Nghị quyết 36. Nhưng tiến trình đi đến hòa giải đã tiến hành rất chậm.
Từ năm 2004, cùng lúc với Nghị quyết 36 được ban hành, vấn đề Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã được một số người Việt đặt ra với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Phó trưởng Ban văn hoá tư tưởng, trong một dịp ông đến vùng Vịnh San Francisco. Khi nghe được những quan tâm này, ông Bình cho biết lãnh đạo đang bàn đến việc dân sự hoá nghĩa trang.
Cuối năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chuyển việc quản lý khu đất nghĩa trang từ quân đội sang dân sự.
Trước sự việc này, từ hải ngoại đã có những quan ngại cho tương lai nghĩa trang sẽ không còn thuần túy là nơi an nghỉ của chiến binh Việt Nam Cộng hòa mà sẽ cho phép chôn cất cả dân trong đó để dần sẽ mất đi tính lịch sử của nó.
Điều 7 của Quyết định: “Yêu cầu các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương và phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện nội dung của Quyết định này. Báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 7 năm 2007”.

'Khó khăn hơn trước'

"Tuy nhiên việc thăm viếng lại có phần khó khăn hơn trước. Tin riêng từ quê nhà vào đầu năm nay cho biết muốn thăm nghĩa trang phải xác định danh tính tử sĩ thì mới được phép vào"
Có dư luận lo ngại nghĩa trang có thể bị giải tỏa cho mục đích kinh tế vì quyết định ghi rõ là chuyển mục đích “sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương”.
Báo cáo và đề nghị của giới chức tỉnh Bình Dương lên trung ương gồm những gì thì không thấy phổ biến.
Từ đó đến nay, sau khi được chuyển giao từ quân đội qua dân sự, nghĩa trang đã được bắt đầu sửa sang và cũng không có người dân nào được chôn cất trong đó. Nơi này nay chính thức có tên “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Tuy nhiên việc thăm viếng lại có phần khó khăn hơn trước. Tin riêng từ quê nhà vào đầu năm nay cho biết muốn thăm nghĩa trang phải xác định danh tính tử sĩ thì mới được phép vào.
Sau khi hình ảnh về hai chuyến viếng thăm nghĩa trang của quan chức Việt và Mỹ được hội VAF phổ biến, có dư luận tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Hà Nội vì những thông tin đó chỉ nhắm vào người Việt hải ngoại. Nếu nghĩa cử của một quan chức là thuần túy nhân đạo thì sao truyền thông trong nước lại không nhắc gì đến.
Từ hơn thập niên qua, hội VAF của ông Nguyễn Đạc Thành đã khởi động việc tìm hài cốt cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa chết trong tù cải tạo để đưa về với gia đình hay để chôn cất cạnh đồng đội trong nghĩa trang quân đội cũ.
VAF đã đưa được hài cốt một số tù cải tạo về với gia đình họ. Nhưng liên quan đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ thì VAF mới được cho phép trùng tu sơ khởi và việc thực hiện còn nhiều khó khăn vì sự nhạy cảm của vấn đề đối với cả hai phía, chính quyền đương thời của Việt Nam và những cựu binh sĩ Việt Nam Cộng hoà. Có người ủng hộ việc làm của VAF và cũng có người phản đối.

'Nghĩa cử hòa giải?'

Những sự kiện gần đây liên quan đến nghĩa trang, dù được nhấn mạnh là mang tính nhân đạo, có phải là nghĩa cử hòa giải của Hà Nội?
Chuyện hòa giải thường được lãnh đạo Việt Nam nhắc nhở, đặc biệt là với Việt kiều Mỹ. Nhưng lời nói của quan chức thì nhiều hơn những hành động cụ thể.
Nghĩa trang Biên Hòa
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, mặc áo vàng, viếng nghĩa trang Biên Hòa
Từ việc có ý hướng để tiến tới chính sách hòa giải quốc gia còn là một con đường dài. Hòa giải luôn là một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng những người có ý hòa giải cần một không gian mở để thể hiện ước vọng của mình. Chẳng hạn như chuyến thăm viếng nghĩa trang của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam được dư luận đón nhận ra sao, đó có phải là điều cần được tôn vinh hay không thì trong nước chưa tạo môi trường thảo luận để ước nguyện đó được thăng tiến.
Với người Việt ở nước ngoài, những ai muốn hòa giải theo tinh thần Nghị quyết 36 thì có người ủng hộ, có người phản đối. Nhưng muốn thực hiện hòa giải chưa chắc đã được lãnh đạo Việt Nam chấp nhận. Nhiều người danh tiếng đã mở rộng con tim, nhưng kết quả được nhà nước đáp lại như thế nào thì đã rõ.
Tướng Kỳ về nước chỉ mong khi chết được chôn cất tại quê hương. Nhưng ước nguyện của ông đã không thành.
Hồi hương từ năm 2005 và thường phát biểu ủng hộ chính sách hòa giải của nhà nước, nhưng cho đến khi ông qua đời vào đầu năm nay phần lớn gia tài âm nhạc của Phạm Duy vẫn chưa được phép hát.
Thiền sư Nhất Hạnh trở về và được lãnh đạo trân trọng đón tiếp. Nhưng chỉ ít năm sau tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng với hằng trăm tăng ni theo thiền sư tu tập đã phải dẹp bỏ.
Vì thế có dư luận bày tỏ nghi ngờ về chuyến thăm viếng Nghĩa trang Quân đội của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.
Nếu lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã thay đổi cách nhìn và thực sự tôn trọng những hy sinh của những người lính Cộng hòa, Hà Nội hãy đẩy nhanh tiến trình hòa giải bằng một quyết định chính thức chọn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũ là di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn.
Một quyết định như thế là dấu chỉ rất thực về chủ trương và chính sách hòa giải mà nhiều người Việt trong và ngoài nước đang mong đợi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, hiện giảng dạy đại học cộng đồng và là nhà báo tự do ở vùng Vịnh San Francisco California, Hoa Kỳ.
 
Source : BBC

Bắc Hàn Đùa Với Lửa

 April 5, 2013

Nguyễn-Xuân Nghĩa


Em mà tự sát là thiên địa đồng thọ!




    * Xoạc! *


Từ hai tuần nay, "Chủ tịch Tối cao" Kim Jong Un (Kim Chính Ân) của Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã làm thế giới nhức tim với những màn dọa nạt, kể cả đòi phóng hỏa tiễn loại cơ động có tầm xa đến tận Hoa Kỳ. Vì sao một xứ cộng sản bên bờ phá sản lại liều lĩnh như vậy?


Ai cũng có thể nghĩ rằng Bắc Hàn chơi dại. Hoặc cậu bé Kim Chính Ủn muốn được danh trấn giang hồ để bù cho sự non yếu (bao nhiêu tuổi thì cũng không nói) và thiếu kinh nghiệm. Hay là nội tình đã có mâu thuẫn trên thượng tầng giữa hai khuynh hướng cương và nhu nên lãnh tụ mới lên phải ngả theo các tướng để tìm hẫu thuẫn... Người ta còn có thể suy đoán ra nhiều lý do âm u khác. Nhưng hãy thử nghĩ đến một thứ lô gích quái quỷ xem sao....

Đầu tiên, khi thử nghiệm một võ khí mới, như vệ tinh, hỏa tiễn hay bom hạch tâm, người ta có thể thất bại. Nếu báo trước mà chuyện không thành thì uy tín lãnh đạo bị sứt mẻ. Vì sao Bắc Hàn lại cứ hăm dọa mà chưa chắc đã làm được? Thí dụ như có đầu đạn hạch tâm (nuclear, hạt nhân, mạnh hơn nguyên tử là atomic) thì cũng còn phải có một hỏa tiễn và hệ điều hành để bắn võ khí này vào lãnh thổ của đối phương như Nam Hàn, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ.

Thật ra, từ mười mấy năm qua, Bắc Hàn từ thời vua cha là Kinh Chính Nhật đã làm như vậy. Họ báo trước việc thử nghiệm trong khi cũng phơi bày tình trạng kinh tế lầm than mà vẫn làm các cường quốc phải nhảy vào khuyên can dỗ ngọt. Các cường quốc đó là một nhóm năm nước có khả năng xoá sổ chế độ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Liên bang Nga. Cùng Bắc Hàn, đó là nhóm Lục quốc G6 đã từng có nhiều phiên họp để khuyên giải hoặc mặc cả. Các cường quốc thì can gián và Bắc Hàn thì mặc cả về số tiền viện trợ để tạm ngưng dự tính chơi bạo. Rồi họ thử nghiệm thật, và thất bại nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục dọa nạt, đánh dứ.... Lần này thì đòi đánh Nam Hàn và xuyên tới Hoa Kỳ!

Chi tiết khôi hài là trong Tháng Ba, Bắc Hàn trưng ra tấm hình Kim Chính Ân đang ngó vào tầm bản độ trong đó có cả lãnh thổ Hoa Kỳ và tiểu bang Texas. Đây là tấm hình cũ khi Kim Chính Nhật hù dọa một Tổng thống Mỹ gốc Texas là George W. Bush. Chưa biết khả năng nổ súng ra sao, ta vẫn có thể đoán là ban tham mưu của cậu bé biết nghệ thuật photoshop!

Ngẫm cho cùng, một quốc gia có tổng sản lượng chỉ bằng 28 tỷ đô la một năm thật ra lại có võ.

Kinh tế Bắc Hàn là sự lầm than triền miên, dù chẳng xác nhận thì các lân bang đều biết hiện tượng người dân liều chết để vượt tuyến hầu tìm được miếng ăn thay vì phải cạp vỏ cây trong tuyết giá, hoặc ăn thịt nhau, để sống qua ngày. Một chế độ như vậy thì không thể tồn tại, các lãnh tụ đều biết vậy. Điều mà họ sợ nhất là quốc tế sẽ can thiệp, giúp cho dân chúng nổi dậy chấm dứt chế độ.

Nỗi lo sinh tử ấy đột ngột gia tăng sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã năm 1991 vì từ đấy, chế độ đã mất một nguồn trợ cấp kinh tế. Y như lãnh đạo Hà Nội ngày nay, mục tiêu sinh tử của chế độ là tồn tại. Hà Nội thì đem mối lợi kinh tế ra mà nhử quốc tế: hãy cùng vào khai thác đất nước trù phú với người dân cần cù theo kiểu đôi ta cùng có lợi. Bình Nhưỡng chơi kiểu khác: hung bạo, suy nhược và điên khùng, chế độ có thể gieo họa cho xứ khác nếu không được viện trợ kinh tế!

Đấy là một sự điên khùng có tính toán như một hài kịch ba màn.

Màn một là màn trời chiếu đất. Từ 1994, Bình Nhưỡng xác nhận rằng mình bị khủng hoảng kinh tế và lương thực khiến một năm có hai triệu người chết đói. Với dân số hơn 20 triệu mà năm nào cũng chết như vậy thì xứ này... hết dân từ lâu rồi! Sự thật lại hơi khác: chế độ thường xuyên ở bên mé vực của sự sụp đổ vì từ năm này qua năm khác họ không thể giải quyết nổi bài toán áo cơm cho người dân thường xuyên sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bụng đói chân run vì lạnh.

Trong trường hợp đó, hai cường quốc có ảnh hưởng nhất là Hoa Kỳ và Nam Hàn phải cân nhắc rủi ro: nếu chế độ bị lung lay từ bên trong như vậy thì ta làm gì? Có nên can thiệp hay chăng?

Suy đi tính lại thì hãy tạm chờ xem, còn hơn là nhảy vào kéo xập căn nhà rệu rã đó mà có khi lãnh họa. Kết quả là Mỹ Hàn gì thì cũng đều dừng chân bên ngoài, trong khi Liên Hiệp Quốc và các nước thừa ăn đều ào ạt gửi gạo vào tiếp tế. Bắc Hàn tồn tại, dân cư vẫn còn.

Nhưng cái chế độ hấp hối, và chẳng đáng bị lật đổ vì bề nào cũng sẽ tự sụp đổ, lại diễn màn hai.

Đó là màn cường bạo đại vương. Chế độ hung đồ bạo ngược tại Bình Nhưỡng đã chẳng lo nổi miếng ăn cho người dân mà lại kiên trì pha chế cái chết trong các nhà máy võ khí yểm trên núi. Nào là sản xuất hoả tiễn có tầm bắn ngày một xa hơn, nào là chế tạo bom hạch tâm có thể gắn trên các hỏa tiễn đó. Song song, lại công khai thao dượt khả năng quân sự theo kiểu quy ước với nhiều sư đoàn có thể tràn xuống miền Nam và làm cỏ trung tâm Hán Thành ở gần biên giới.

Khi báo trước việc thử nghiệm võ khí và còn đòi ăn thua đủ với Hoa Kỳ, chế độ xác nhận bản chất hung bạo của mình. Chẳng biết thực hư thế nào về khả năng quân sự, thế giới đều phải do dự suy tính. Nếu chế độ hung bạo này mà lại có võ khí thật, dù chẳng bắn tới Hoa Kỳ thì cũng là một mối lo khi cả khu vực Đông Bắc Á đang làm ăn phấn chấn!

Các chiến lược gia đều đau đầu suy nghĩ về nghịch lý Bắc Hàn. Biết đâu chế độ suy nhược mà hung bạo này lại có phản ứng tự sát! Đấy là lúc Bình Nhưỡng mở ra màn ba: chế độ mắc bệnh tâm thần và có phản ứng khật khùng chẳng ai dự đoán nổi! Họ chứng minh dùm cho các chiến lược gia kết luận kỳ quái ấy.

Bắc Hàn có một chế độ chính trị hoàn toàn bất lực về kinh tế nên có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Nhưng chế độ cũng có những phương tiện chiến tranh đáng gờm và đã có lúc sử dụng để thị uy hay để ngã giá về viện trợ kinh tế. Sự hung bạo trong tuyệt vọng có thể dẫn đến quyết định tự sát theo kiểu Thiên Địa Đồng Thọ: đằng nào cũng chết thì hãy chết trong oai hùng, bằng một cuộc chiến tranh hủy diệt khiến Nam Bắc cùng tan!

Chỉ có người điên mới làm như vậy, nhưng khi thế giới phải xử trí với kẻ điên đang muốn tìm cái chết thì có dọa chết chế độ cũng chẳng sợ!

Hoá ra cái đòn tự sát này cũng chỉ là đòn dứ, để chứng minh rằng chế độ mắc bệnh thần kinh. Ai dại gì mà giây với hủi để bị rách áo? Ta nên thấy ra sự điên khùng rất hợp lý của những kẻ khỏi cần biết gì về đạo lý hay sinh mệnh và cứ phun nước miếng ngoài đường và nói rằng bên trong có cả vi khuẩn HIV.

Nhưng sở dĩ Bắc Hàn thành công và thế giới lúng túng là vì ngoài tài dạo diễn, chế độ còn có kẻ dàn dựng tuồng tích và kín đáo nhắc vở: đó là vai trò của Trung Quốc và một xứ cũng đang đòi chế tạo võ khí hạch tâm là Iran, của dân Ba Tư.

Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ và Nam Hàn đều muốn Trung Quốc can thiệp và can gián Bắc Hàn. Dù gì thì chế độ Bình Nhưỡng vẫn ngửa tay xin gạo của Bắc Kinh và mỗi khi hữu sự hoặc đổi ngôi thì lãnh tụ Bắc Hàn đều qua cầu phong Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc lại đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á và có mâu thuẫn với Hoa Kỳ về quyền tự do vận chuyển ngoài hải dương. Việc Bắc Hàn lại đòi thử nghiệm võ khí vào Hoa Kỳ là chuyện đúng thời! Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều muốn dịu giọng để yêu cầu Bắc Kinh tìm cách đẩy lui vụ khủng hoảng từ một chế độ suy nhược, hung bạo và khật khùng. Nghĩa là họ có thể nhượng bộ Bắc Kinh.

Đâm ra thế giới phải cân nhắc chọn lựa giữa nguy cơ xung đột vì mấy hòn đảo Senkaku nhỏ xíu mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, với rủi ro tàn sát trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Hàn diễu võ cho Bắc Kinh có thêm lợi thế. Hoặc suy ngẫm cho sâu hơn: võ công Bắc Hàn đã được Bắc Kinh đào luyện. Ngón võ lợi hại ấy đã thực tế chứng minh giá trị của nó không phải ở Trung Quốc mà tại Trung Đông. Cộng Hoà Hồi Giáo Ba Tư tức là Iran đang khai triển ngón võ đó.

Cũng những kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm được om xòm thông báo. Cũng những lời than vãn về khủng hoảng kinh tế do quyết định cấm vận kinh tế của các nước Tây phương. Và cũng những lời rủa xả trên đài phát thanh đầy tính chất điên khùng, như đòi xoá sạch quốc gia Israel hay cho Hoa Kỳ một bài học. Ngần ấy việc làm và lời nói đều gây ra ấn tượng là Iran sẽ hy sinh cả dân tộc Ba Tư và... đốt sách rặng Trường Sơn để giải trừ quỷ dữ Satan!

Trong khi ấy, chế độ vẫn củng cố sự cai trị bên trong và triệt hạ mọi mầm mống dân chủ từ cuộc Cách mạng Xanh năm 2008 hay Mùa Xuân Á Rập năm 2010. Và Trung Quốc thì mau mắn vượt qua hàng rào cấm vận đề mua dầu của Iran, với giá rất bèo! Lại còn được tiếng là ôn hòa giải trừ một vụ khủng hoảng tại Trung Đông, trước sự hoan nghênh của dân Hồi giáo.

Khi có ai đó gây loạn ngoài đường vì điều phi lý thì ta đoán ngay ra bàn tay của kẻ xúi giục. Cả hai nước là Trung Quốc và Iran đều coi thường đạo lý và nguyên tắc dân chủ. Đấy là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là một xứ nghèo hèn vẫn có thể tống tiền hay xin gạo của xứ khác bằng cách tự chứng minh là sắp chết đói nên muốn tự sát. Nền ngoại giao có tính cách ăn vạ và bất lương này thật ra lại có hy vọng là đạt kết quả là giúp chế độ tồn tại mà khỏi gây cảnh Nam Bắc tương tàn trên bán đảo Triều Tiên.

Cho đến ngày họ tuột tay và lẩy cò vào chân.

 Nguyễn Xuân Nghĩa

Source : Việt Tribune /Dainamax Tribune

5/4/13

Vô thường





Vô Thường