17/4/13

KHẤU ĐẦU EM LẠY ANH: HÒN ĐÁ !

Thứ tư, ngày 17 tháng tư năm 2013





BÁI THẠCH VI HUYNH (vần ĐÁ)
Tác giả ẩn danh


Linh khí đất trời, lạy anh là đá
Đích thị chủ mưu ấy Bộ văn hóa
Tôi mua anh về, mài mài cạ cạ
Mực tàu pha sơn, bôi bôi xóa xóa
Hán Phạn tùm lum, chú phù đủ cả
Chích chích chi chi, trào triết ẩu á

Tôi khiêng anh lên
Yểm vào đền cả.
Úm ba la hồng, om ma ni phạ.
Anh nay yểm ở ngôi cao, trấn tận cội nguồn đấy nhá.
Quốc sự dân sinh trăm miền đủ cả.
Mà xem
Trấn rồi yểm xong muôn nơi tá hỏa.
Nghìn năm Thăng Long hào khí ngất trời, đùng một cái dàn pháo hoa tóe lả, người chết người bị thương đủ cả, cứu hỏa cứu thương nháo nhác chạy lung tung.
Muôn thủa Hồng Lam lụt lội mênh mông, sấy bốn bánh xe đường dài ngập chìm,ai mất ai trôi sông tang thương, thơ lặn thợ bơi bì bõm tìm vất vả.
Nóc Đông Dương bô xít Tân rai, bán cho ai mà họp xuống họp lên, khởi khởi công công, lở loét môi sinh đào đào phá phá.
Nguồn Trà Mi thủy tai Đất Quảng, ngăn một dòng mà động trên động dưới, lở lở rung rung.
Vi na sin chìm nghỉm bể tham quan
Vi na lai tan tành cầu cướp phá.
Chứng khoán sàn thê thảm rớt không phanh
Bất động sản cỏ trùm như đắp mả.
Lập huyện Tam Sa lũ Tàu chiếm biển đông
Cướp đất Cống Rộc quan nha dùng đạn nhả.
Dân như con sâu cái kiến, luôn năm đi rồng rắn biểu tình
Quan như ông hổ ông hùm, mút mùa họp chó dê cắn nhá.
Doanh nghiệp bể như là bong bóng, công nhân ra đê gạt tép vơ bèo.
Xã hội tan quá thể bầy đàn, cướp giật xuống đường đâm quen hiếp lạ.
Cháu ngoan Bác Hồ thành thanh nữ, gả nước ngoài như chon chó chọn trâu.
Nghệ sĩ ưu tú về già tom, ăn lạc rang tựa ở tù ở vả.
Bùa hỡi là bùa!
Đá ơi là đá.
Xoen xoét nó vừa vừa, tiền đầy túi còn nhe nanh cải mả.
Ngẫm thay buôn thánh bán thần, Đảng Mác Lê khoa học khoa hành mà chúng nó làm ăn như thế hả!!!
Khấu đầu em lạy anh: hòn đá.

K.D.

                                     
 

16/4/13

Những quái thai của Marx


15.04.2013
 
bởi Nguyễn Hưng Quốc

Có rất nhiều điểm tôi không đồng ý với Karl Marx, nhưng thành thực mà nói, tôi rất phục ông, và có lúc, rất thích ông. Với tôi, ông là triết gia tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện đại với tham vọng, bằng thuyết biện chứng và duy vật lịch sử, xây dựng một đại tự sự (grand narrative) hoàn chỉnh về lịch sử và thế giới, qua đó, giải thích hầu như toàn bộ mọi khía cạnh lớn liên quan đến đời sống xã hội và sự phát triển của loài người. Tham vọng ấy được bổ sung bằng một tham vọng khác lớn không kém: muốn thay đổi thế giới. Đằng sau hai tham vọng ấy là một khao khát mang đầy tính đạo lý về sự công bằng và công chính cho tất cả mọi người.

Về hai tham vọng của Karl Marx, các nhà hậu hiện đại (postmodernist) đã chứng minh đó chỉ là một ảo tưởng khi cho thời đại của các đại tự sự đã qua; lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa từ Đông Âu đến châu Á chứng minh thêm: đó là một ảo tưởng đầy tai họa dẫn đến những cái chết thảm khốc của cả hàng trăm triệu người và sự đau khổ của cả tỉ người khác. Xuất phát từ sự khao khát công bằng và công chính cho mọi người, lý thuyết của Marx lại đẻ ra những chế độ độc tài và tàn bạo không thua bất cứ một chế độ độc tài và tàn bạo nào trong lịch sử.

Tuy nhiên, ở đây lại có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, về phương diện lý thuyết, bất chấp vô số những khiếm khuyết, Marx vẫn là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất trong nửa sau thế kỷ 19 và gần trọn thế kỷ 20; hơn nữa, nhiều quan điểm triết học và chính trị của Marx, cho đến nay, vẫn có những giá trị nhất định. Jacques Derrida có lần, trong cuốn Spectres de Marx, từng viết: “Sẽ là một sai lầm nếu [chúng ta] không đọc, đọc lại và thảo luận về Marx” (Dẫn theo Marcello Musto, “The rediscovery of Karl Marx”, IRSH số 52, 2007, tr. 496). Thứ hai, nói như Terry Eagleton, không nên bắt Marx phải chịu trách nhiệm về những vụ tàn sát tập thể, các trại cải tạo, các phong trào đại nhảy vọt và các cuộc thanh trừng đẫm máu dưới các chế độ Cộng sản, cũng giống như việc không thể bắt Chúa Jesus phải chịu trách nhiệm về các Tòa án xử những người bị xem là dị giáo (Inquisition) thời Trung cổ.

Thật ra, nghĩ cho cùng, không thể phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của Karl Marx được. Rõ ràng, quan điểm về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của ông đã là nền tảng lý thuyết làm nảy sinh sự độc tài và tàn bạo của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông cũng như vô số các nhà lãnh đạo Cộng sản khác. Bởi vậy, dù có ý thức hay không, Marx cũng đã để lại nhiều đứa con tinh thần, trong đó, có nhiều kẻ có thể xem là những quái thai. Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nicolae Ceauşescu (ở Rumania) là những quái thai như thế. Và dĩ nhiên, không thể không kể đến dòng họ Kim ở Bắc Triều Tiên, từ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) đến Kim Chính Nhật (Kim Jong-il, 1942-2011) và gần đây, Kim Chính Ân (Kim Jong-un).

So với các lãnh tụ Cộng sản khác, dòng họ Kim hoàn toàn không thua kém về mức độ độc tài và tàn bạo, về “thành tích” giết người và đày đọa dân chúng. Họ còn hơn hẳn những người khác trong việc duy trì một chế độ cha truyền con nối kéo dài, đến nay là ba đời, trên 60 năm (ở Cuba, Fidel Castro “truyền ngôi” lại cho em ruột, Raul Castro; tổng cộng thời gian trị vì của cả hai, đến nay, mới hơn 50 năm). Họ cũng nổi bật hơn hẳn những người khác về “tài” gây chú ý trên thế giới. Cứ vài ba năm một lần, họ lại làm cho cả thế giới thót tim hồi hộp theo dõi nhất cử nhất động của họ. Mới nhất, trong tháng Tư này, họ lớn tiếng đe dọa tấn công Nam Triều Tiên và cả Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Giới bình luận chính trị và có lẽ cả giới lãnh đạo Tây phương đều cho đó là những lời nói khoác lác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta không căng mắt ra theo dõi từng động thái ở Bình Nhưỡng. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng Tư, tên “North Korea” đứng hàng thứ ba trong số các từ được sử dụng phổ biến nhất trên Twitter, chỉ sau “Easter” và “Good Friday”. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy khoảng 36% người Mỹ theo dõi rất sát các diễn biến liên quan đến Bắc Triều Tiên và 56% dân chúng cho sự đe dọa của Bắc Triều Tiên là nghiêm trọng.

Các lãnh tụ của Nam Triều Tiên, Mỹ và Nhật đều cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng cũng không giấu được sự căng thẳng.

Một số nhà bình luận chính trị quốc tế gọi cha con Kim Chính Nhật và giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói chung là những bậc thầy trong nghệ thuật khiêu chiến (master of brinkmanship) và là những bậc thầy trong những cú đánh lừa (master of rope-a-dope). Kim Chính Ân có vẻ muốn nối gót cha mình, nhưng chưa ai dám chắc lần này ông có thành công hay không.

“Bậc thầy”, nghe rất sang trọng. Mà cũng phải. Những “bậc thầy” ấy đã thắng nhiều trận. Năm 1993, sau một lần đe dọa tấn công Nam Triều Tiên, họ được Mỹ hứa hẹn viện trợ lương thực để cứu đói dân chúng. Năm 2003, khi rút tên ra khỏi Hiệp ước phi hạt nhân (Non-proliferation Treaty, NPT), họ lại được dỗ dành. Năm 2005, khi từ chối tham gia vào cuộc Hội nghị sáu bên (Six Party Talks) về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, họ cũng lại được dỗ dành. Năm 2006, khi tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ nhất, họ cũng được dỗ dành. Năm 2008, khi trục xuất phái đoàn điều tra vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc ra khỏi Bắc Triều Tiên, họ cũng được dỗ dành. Năm 2009, khi thử hạt nhân lần thứ hai, họ cũng được dỗ dành. Năm 2010, họ đánh chìm tàu thủy của Nam Triều Tiên, giết chết 46 thủy thủ, Nam Triều Tiên và Mỹ cũng đều nhường nhịn, không có một phản ứng nào cả. Cứ mỗi lần như thế, bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên lại huênh hoang cho là họ đã thắng cả Nam Triều Tiên lẫn Mỹ.

Nhưng tất cả đều là những phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ của Lỗ Tấn. Nghèo kiết xác, lúc nào cũng bị người trong làng khinh bỉ, nhưng AQ vẫn tự hào là con cháu mình sau này sẽ giàu có hơn hẳn người khác. Bị người ta đánh, không dám đánh trả, AQ vẫn cứ tự hào “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó. Thật thời buổi này hết chỗ nói!” Thế là hắn lại hớn hở ra vẻ đắc thắng.

Bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên không ngừng tô vẽ các gã AQ chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực ở nước họ như những thần linh. Ngày Kim Chính Nhật chào đời có hai chiếc cầu vồng lấp lánh xuất hiện trên bầu trời. Ra đời được ba tuần, ông đã biết đi; tám tuần đã biết nói. Khi học đại học, trong vòng ba năm, ông viết được trên 1.500 cuốn sách và sáu bản opera. Các bản nhạc này được giới phê bình Bắc Triều Tiên khen là “hay hơn bất cứ một bản opera nào từng được viết trong lịch sử âm nhạc thế giới”. Các trạng thái tâm lý của Kim Chính Nhật có thể ảnh hưởng đến thời tiết: ông buồn, thời tiết xấu đi, ông vui, trời sẽ đẹp và ấm hơn. Người ta lại nói: cả đời ông không hề đi tiêu hay đi tiểu. Lần đầu tiên chơi golf, ông đã lập được kỷ lục thế giới và vì đã lập được kỷ lục nên ông không thèm chơi nữa. Bằng cách nhét miếng thịt vào giữa hai lát bánh mì để cầm ăn cho dễ, ông được lịch sử Bắc Triều Tiên ghi công là đã phát minh ra hamburger, sau đó, Tây phương bắt chước. Ngày ông chết, cả trời đất cũng tiếc thương: các mảnh băng tự động tan ra; chim chóc cất lên tiếng khóc.

Những chuyện như vậy, ở Tây phương, người ta xem như những chuyện buồn cười, lố bịch (ridiculous), thậm chí, điên khùng (crazy), nhưng ở Bắc Triều Tiên, do chính sách ngu dân và nhồi sọ triền miên, cả triệu người vẫn xem các quái thai ấy như những bậc thần thánh.

Kết quả là gì? Trước đây, trong bài “Nam và Bắc Hàn”, tôi có so sánh các thành tựu giữa hai miền Bắc và Nam của Triều Tiên từ sau năm 1953. Trên báo chí Tây phương thời gian vừa qua, nhân vụ đe dọa mới nhất của Kim Chính Ân, nhiều người cũng lại làm điều ấy. Cùng trải qua ba năm nội chiến (1950-1953) với những đau thương mất mát như nhau, mấy chục năm sau, trong khi Nam Triều Tiên, với thu nhập bình quân đầu người 32.000 Mỹ kim/năm, là một trong những quốc gia phát triển và giàu có nhất thế giới, Bắc Triều Tiên, với thu nhập đầu người 1.800 Mỹ kim/năm, vẫn là một trong những nước cực kỳ lạc hậu và nghèo nàn. Tuổi thọ trung bình ở miền Nam là 79.3; ở miền Bắc là 69.2; tỉ lệ tử vong trên 1.000 bé sơ sinh, ở miền Nam là 4.08, ở miền Bắc là 26.21; tỉ lệ sử dụng internet, ở miền Nam là 81.5%, ở miền Bắc là dưới 0.1%; số tiền đến từ xuất cảng mỗi năm ở miền Nam là 552.6 tỉ, ở miền Bắc là 4.71 tỉ. Kinh tế Bắc Triều Tiên yếu đến độ chỉ riêng thu nhập của công ty Samsung ở Nam Triều Tiên (247 tỉ năm 2011) đã nhiều gấp sáu lần tổng sản lượng nội địa của Bắc Triều Tiên!

Trong khi chính quyền Bắc Triều Tiên đổ tiền ra chế tạo vũ khí hạt nhân và không ngừng khiêu khích thế giới, dân chúng lúc nào cũng chìm đắm trong đói khổ. Năm nào cũng có người chết đói. Riêng năm 2010, có vùng số người chết đói đến ba phần trăm (hay 30 người trên mỗi 1.000 dân). Liên Hiệp Quốc ước lượng, trong năm 2011, khoảng một phần ba trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Với tư cách người Việt Nam, chúng ta chú ý đến sự nghèo đói, độc tài, tàn bạo và nguy hiểm của Bắc Triều Tiên cũng như những sự cách biệt một trời một vực giữa hai miền Bắc và Nam của Triều Tiên không phải chỉ là một tò mò bình thường. Mà còn là một nhu cầu nhận thức: Những sự khác biệt ấy, tự bản chất, là những khác biệt thuộc về chế độ.

Mà chế độ là một lựa chọn.Dĩ nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng được phép, trên thực tế, lựa chọn chế độ. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu sự lựa chọn ấy, trước hết, bằng nhận thức.

Ít nhất đủ để nhận diện được các quái thai chung quanh ta. Có khi rất gần với chúng ta.

Source : VOA /Blog NHQ .

15/4/13

Công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay?

 
Cập nhật: 09:14 GMT - thứ hai, 15 tháng 4, 2013
  •  

Tưởng niệm các quân nhân Việt Nam từ cả hai phía hy sinh ở Hoàng Sa - Trường Sa
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.

Quốc gia duy trì chủ quyền

Trong phán quyết năm 2008 về tranh chấp cụm đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore, Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca.
Tòa nói công hàm 1953 của Johor, nay là một tiểu bang của Malaysia, trả lời Singapore rằng Johor không đòi chủ quyền trên đảo này, không có hệ quả pháp lý mang tính quyết định và không có tính chất ràng buộc cho Johor.
Nhưng Tòa lại dựa vào việc trước và sau đó Johor và Malaysia không khẳng định chủ quyền và dùng công hàm 1953 của Johor như một trong những chứng cớ quan trọng cho việc Malaysia không đòi chủ quyền, để kết luận rằng tới năm 1980 chủ quyền đã rơi vào tay Singapore.
Bài học cho Việt Nam là: bất kể ban đầu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và dù cho chúng ta có biện luận thành công rằng công hàm của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng không có tính ràng buộc về hai quần đảo này đi nữa, việc VNDCCH không khẳng định chủ quyền trong hơn 20 năm, trong khi các quốc gia khác làm điều đó, có khả năng sẽ làm cho VNDCCH không còn cơ sở để đòi chủ quyền nữa.
Vì vậy, trong lập luận pháp lý của Việt Nam phải có sự khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này từ một chính phủ khác, lúc đó là đại diện hợp pháp cho một quốc gia Việt nào đó.
Trên lý thuyết, nếu chứng minh được từ năm 1954 đến 1975 chỉ có một quốc gia, và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là đại diện hợp pháp duy nhất của quốc gia đó, thì điều đó cũng đủ là cơ sở cho lập luận pháp lý của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa.
Trên thực tế, thứ nhất, chưa chắc chúng ta sẽ chứng minh được điều đó; thứ nhì, chính phủ Việt Nam ngày nay sẽ khó chấp nhận một chiến lược pháp lý dựa trên giả thuyết này.
Vì vậy, chiến lược khả thi hơn cho lập luận pháp lý của Việt Nam cần dựa trên điểm then chốt là từ năm 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước Việt Nam.
Phân tích này sử dụng ba khái niệm sau.
Đất nước, là một khái niệm địa lý, bao gồm một vùng lãnh thổ với dân cư. Chính phủ, là cơ quan hành pháp và đại diện. Quốc gia (trong bài này từ “quốc gia” được dùng với nghĩa State/État), là một chủ thể chính trị và pháp lý.
Trong Công ước Montevideo 1933, một quốc gia phải có lãnh thổ, dân cư, chính phủ, và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.
Thực chất, trong công pháp quốc tế chỉ có định nghĩa quốc gia như một chủ thể có năng lực pháp lý và năng lực hành vi (tức là có các quyền và nghĩa vụ phát sinh trực tiếp từ luật quốc tế) và chính phủ là thành phần của chủ thể đó, chứ không có khái niệm đất nước.

Một lãnh thổ - hai quốc gia

Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự. Mặc dù không chia Việt Nam thành hai quốc gia, Hiệp định đã tạo ra một ranh giới tại vĩ tuyến 17 giữa hai chính phủ đang tranh giành quyền lực, và ranh giới đó đã tạo điều kiện cho sự hiện hữu của hai quốc gia.
Việc VNCH không chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử vào năm 1956 đã làm cho ranh giới đó trở thành vô hạn định.

Một cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa
Sự hiện hữu của hai chính phủ hai bên một ranh giới vô hạn định ngày càng củng cố sự hình thành và hiện hữu trên thực tế của hai quốc gia trên lãnh thổ đó.
Điều có thể gây nghi vấn về sự hiện hữu của hai quốc gia là hiến pháp của VNDCCH và VNCH có vẻ như mâu thuẫn với sự hiện hữu đó.
Tới năm 1956, Hiến Pháp VNDCCH viết “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”, và Hiến Pháp VNCH viết “Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan” và “Việt Nam là một nước Cộng hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.”
Nhưng sự mâu thuẫn đó không có nghĩa không thể có hai quốc gia.
Hiến pháp của Bắc Triều Tiên viết Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên là đại diện cho dân tộc Cao Ly, hiến pháp của Nam Hàn viết lãnh thổ của Đại Hàn Dân Quốc là bán đảo Cao Ly và các hải đảo, nhưng Bắc Triều Tiên và Nam Hàn vẫn là hai quốc gia.
Như vậy, có thể cho rằng từ năm 1956 hay sớm hơn đã có hai quốc gia, trên lãnh thổ Việt Nam, với vĩ tuyến 17 là biên giới trên thực tế giữa hai quốc gia đó.
Việc có hai quốc gia là cơ sở để cho rằng VNCH có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ gì đối với hai quần đảo đó.
Khi Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) ra đời ngày 8/6/1969, có thể cho rằng trong quốc gia với tên VNCH, về mặt pháp lý, có hai chính phủ cạnh tranh quyền lực với nhau: chính phủ VNCH và CPCMLT.
Khi VNDCCH công nhận CPCMLT là đại diện hợp pháp cho phía nam vĩ tuyến 17 thì có nghĩa VNDCCH công nhận trên diện pháp lý rằng phía nam vĩ tuyến 17 là một quốc gia khác.
Nhưng tới năm 1969 CPCMLT mới ra đời, và cho tới năm 1974 mới có một tuyên bố chung chung về các nước liên quan cần xem xét vấn đề biên giới lãnh thổ trên tinh thần bình đẳng, vv, và phải giải quyết bằng thương lượng.
Vì vậy, nếu chỉ công nhận CPCMLT thì cũng không đủ cho việc khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ thập niên 1950.

Quá trình thống nhất

Ngày 30/4/75, VNCH sụp đổ, còn lại duy nhất CPCMLT trong quốc gia phía nam vĩ tuyến 17. CPCMLT đổi tên quốc gia đó thành Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), nhưng đó chỉ là sự thay đổi chính phủ và đổi tên, không phải là sự ra đời của một quốc gia mới.

Việt Nam Cộng Hòa từng là một quốc gia có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa
Năm 1976, trên diện pháp lý, hai quốc gia trên thống nhất lại thành một, và từ đó Việt Nam lại là một quốc gia với một chính phủ trên một đất nước (lãnh thổ).
Sự thống nhất này đã không bị Liên Hiệp Quốc hay quốc gia nào lên tiếng phản đối.
Năm 1977, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được chấp nhận tham gia Liên Hiệp Quốc.
CHXHCNVN kế thừa vai trò của hai quốc gia VNDCCH và VNCH/CHMNVN trong các hiệp định và các tổ chức quốc tế, kế thừa lãnh thổ và thềm lục địa của VNCH/CHMNVN trong các tranh chấp với Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, và mặc nhiên có quyền kế thừa Hoàng Sa, Trường Sa từ VNCH/CHMNVN.
Lịch sử pháp lý trên nghe có vẻ sách vở, nhưng thực tế của nó là bom đạn, xương máu, và nhiều cảnh huynh đệ tương tàn.
Mặc dù lịch sử pháp lý đó đã kết thúc bằng một quốc gia trên đất nước (lãnh thổ) Việt Nam thống nhất, nó là một cuộc bể dâu làm đổ nhiều xương máu.
Nhưng quá khứ thì không ai thay đổi được, và tương lai thì không ai nên muốn đất nước Việt Nam lại bị chia đôi thành hai quốc gia lần nữa.
Cuộc bể dâu đó cũng đã góp phần làm cho Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, và để lại cho Trung Quốc một lập luận lợi hại, rằng trước 1975 Việt Nam không tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo này.
Nhưng việc đã từng có hai quốc gia trên một đất nước (lãnh thổ) Việt Nam trong giai đoạn 1956 đến 1976, và việc, vào năm 1976, hai quốc gia đó thống nhất thành một một cách hợp pháp, là một yếu tố quan trọng trong lập luận về Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày nay, chính phủ Việt Nam một mặt viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng mặt kia vẫn e ngại việc công nhận cụ thể và rộng rãi rằng Việt Nam Cộng Hòa từng là một quốc gia, mặc dù trong quá khứ Hà Nội đã công nhận rằng Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một quốc gia.
Việc không công nhận cụ thể và rộng rãi rằng VNCH đã từng là một quốc gia làm giảm đi tính thuyết phục của việc viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của VNCH về Hoàng Sa, Trường Sa, vì các tuyên bố và hành động chủ quyền phải là của một quốc gia thì mới có giá trị pháp lý.
Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải bỏ sự e ngại này.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải hạn chế tối đa những gì Trung Quốc có thể lợi dụng để tuyên truyền rằng CHXHCNVN ngày nay chỉ là VNDCCH, chẳng hạn như không nên đổi tên nước thành VNDCCH.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Dương Danh Huy, Phạm Thanh Vân và Nguyễn Thái Linh từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Các tác giả cảm ơn GS Phạm Quang Tuấn đã góp ý cho bài.
 
Source : BBC

13/4/13

Về nguồn

Về nguồn


Trích thư

Phạm Công Thiện



Nha Trang, ngày 18 tháng 01 năm 1963
... Nhìn anh và nhìn mấy cháu và đọc những gì anh viết, tôi cảm thấy an ủi nhiều, tôi cảm thấy tâm hồn thác loạn của tôi được vuốt ve nhiều, tôi cảm thấy rằng tôi hết sức vô tâm, tàn nhẫn, với lòng kiêu ngoa của tôi, tôi cho rằng họ chỉ là những kẻ tầm thường không đáng để cho tôi để ý. Nhưng đọc anh, tôi mới sực nhớ rằng mỗi người đều mang nặng một bi kịch đau thương của đời và trong những gì tầm thường nhất cũng đều chứa đựng một cái gì cao quí thiêng liêng nhất, một cái gì mà thiếu nó thì cuộc đời này không đáng sống nữa.
Bỏ đi hết những cái bề ngoài, bỏ đi hết những truông, rừng rú, suối vẫn ngàn năm chảy từ nguồn, bỏ đi hết những bộ áo công thức khệ nệ của anh và bỏ đi hết những bộ áo phũ phàng nổi loạn điên cuồng của tôi, lúc bấy giờ chúng ta sẽ gặp nhau tại Nguồn. Ðọc anh và gặp anh, tôi sực nhớ rằng chỉ có một Nguồn Ðời, chỉ có một mà thôi và suối có, dù trong hay đục, dù chảy bình thản im lặng hay dù chảy ào ào thịnh nộ : suối vẫn đổi khác nhưng cũng chỉ là một con suối mà thôi. Nghĩa là tôi là anh và anh cũng là tôi, chúng ta cũng chỉ là một hình ảnh bi thương chua xót của cuộc đời.
Niềm tin chưa mất. Niềm Tin Chưa Mất, bởi vì dù sớm dù muộn, dù ở đây hay ở kia,đáo cùng nhất định chúng ta đều gặp nhau tại Nguồn -revenir à l'eau claire des sources. Ðó cũng là ý nghĩ về Nietzsche mắng chửi đả phá Thiên-chúa giáo, chưa có ai anti-Christ hung hăng như vậy, nhưng cũng loáng thoáng đâu đây tôi cũng thấy được giòng sông của Nietzsche cũng chỉ chảy từ một Nguồn thôi và Chúa Jésus và Nietzsche đều gặp nhau tại Nguồn ấy.
Và Con Người Thực Sự Của Trần Gian Này Là Con Người nào ? Qui dressera l'image de l'homme ? Nietzsche băn khoăn hỏi thế. Ai ? Qui ? Người đứng nơi Nguồn chứ ai ? Hình ảnh thực sự của con người là người đứng từ Nguồn. Người đó là Benjy của Faulkner, là Nick Adams của Hemingway, là Lennie và Creooks của Steinbeck, là Siddhartha củ Hermann Hesse, là Zarathoustra của Nietzsche , là Tộc của Võ Hồng.
Người đó là "lành như một cây xanh, cây ổi cây bàng nào đó đang sức lớn. Ðâm chồi, ta lá, nứt hoa... Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của những cây đứng xung quanh nó. Không thấy xấu hổ vì những lá héo, giấu giếm những cành gãy mà cũng không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay hoa nở đầy cành"... "Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành diễm lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời" (1)
Ðó là Tộc của Võ Hồng, là Dilsey của Faulkner, là lão già đánh cá của Hemingway. Ðó là hình ảnh thực sự của con người ở trần gian này. Con người ấy không phải là vua, là chúa, là kẻ thông minh xuất chúng. Người ấy chỉ là một con người rất tầm thường, rất conformiste, có thể rất là idiot. Chính những con người tầm thường ngu si như vậy sẽ cứu lấy trần gian này ra khỏi hố sâu, chính những con người tầm thường như Tộc, như Dilsey, như Crooks... chính những con người tầm thường này sẽ gầy dựng lại một thế giới mới giữa trần gian đổ vỡ này.
Anh V.H ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo ? Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim.
Và một Triệu trang giấy Triết Học Cũng Không Ðáng Giá Bằng Một tiếng Ðập Của Con Tim. Anh có nghe rõ chưa ? Tôi muốn hét to lên như vậy.
Anh có nghe tim con người đập trong những trang Xuất hành năm mới, trong Trận đòn hòa giải? Xuất hành năm mới còn cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất. Những đứa nhỏ Hằng, Hào và Thủy trong Xuất hành năm mới Trận đòn hòa giải là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ ở trần gian này.
Hơn thế nữa, ba đứa nhỏ ấy cũng là Tượng Trưng Cho Những Con Người Ở Ðời. Trận đòn hòa giải chẳng những là trận đòn hòa giải trong gia đình của Võ Hồng mà còn tượng trưng cho Trận Ðòn Ở Thế Giới. Tất cả mọi người ở trần gian này đều là anh em nhau, đều cùng chịu chung một nỗi khổ lớn vô cùng là nỗi khổ mất mẹ.
Chúng ta sinh ra đời đã bơ vơ cô độc và rồi đây cũng sẽ chết bơ vơ cô độc. Tất cả con người đều thế, tất cả mọi người đều mang một hình hài thân phận như vậy.
Người Mẹ trong Trận đòn hòa giải tượng trưng cho người Mẹ thiêng liêng của Nhân loại, nghĩa làThiên Nhiên, nghĩa là Nature. Thiên nhiên đã tạo con người ra đời rồi lại bỏ mặc con người bơ vơ lạc lõng, con người cảm thấy như bị đày, mất Mẹ, là những kẻ mồ côi, cô đơn vô hạn, không biết đâu là phương hướng.
Hằng, Hào, Thủy chẳng những là những đứa con của Võ Hồng mà chúng nó còn là hình ảnh tượng trưng cho tất cả mọi người sống ở trần gian này. Nhân loại đều chịu chung một nỗi đau khổ lớn lao là đều mang chung một Thân Phận Con Người, thân phận ấy là mất Mẹ, nghĩa là hoàn toàn cô đơn giữa nỗi đời trầm thống, nhưng "Trí nhớ của chúng ta vốn rất bạc bẽo. Các con lớn lên, nên vai vế, mỗi người có bạn bè riêng tư, có nỗi lo lắng và vui vẻ riêng tư... nên các con dần dần quên nghĩ đến nhau. Mối đau khổ chung của ngày mất mẹ xóa dần đi, Lòng Ích Kỷ Lớn Lên"... "Cả ba đều khổ. Hãy thương yêu nhau" (2).
Thế mà Nhân loại vẫn không thương yêu nhau và cứ lục đục nhau, con người vẫn cứ mãi lục đục gây hấn với nhau, Thượng Ðế chỉ còn phương pháp hữu hiệu nhất là cho một Trận Ðòn Hòa Giải và thế là Chiến tranh đã nổ tung ra ở trần gian này. Chiến tranh thứ Nhất rồi Chiến tranh thứ Hai... Sáu triệu người Do Thái đã chết và thực ra Hitler chỉ là dụng cụ của Thượng Ðế, nghĩa là một "cái cành chùm ruột trông sù sì đễ sợ". Nhưng nhân loại vốn hay quên và bây giờ Trận Ðòn thứ Ba sắp nổ tung nữa.
Vâng, bây giờ tôi mới hiểu rằng Nietzsche là một nhà tâm lý kỳ diệu, tôi đã hiểu tại sao Nietzsche chủ trương và ca tụng Chiến tranh. Nói mãi Ðạo đức, nói mãi tình thương như chúa Jésus, nhân loại không muốn nghe đâu. Vậy thì thôi, đừng nói hòa bình như vậy nữa, mà phải nói chiến tranh, phải đập Một Trận Ðòn cho nhân loại nhừ ra, thừ ra.
Hãy để Máu lửa đốt quét Nhân loại. Hãy để máu lửa purifier Nhân loại. Lúc bấy giờ trên đống gạch điêu tàn, Nhân loại mới hối hận và biết thương yêu nhau và cùng nhỏ giọt lệ cho nhau như Hào và Hằng nhỏ lệ khi thấy Thủy bị đòn.
Ðó là bài học mà Võ Hồng đã dạy cho tôi, rằng tất cả mọi sự ở đời này đều tốt, ngay đến sự xấu cũng tốt, rằng Niềm tin chưa mất, rằng Chiến tranh là một sự thử thách tất nhiên, chiến tranh là một trong những phương tiện đưa nhân loại về Nguồn, cũng như trận đòn hòa giải đưa ba đứa nhỏ trở về Nguồn thương yêu chan chứa và triền miên.
Ừ, sự đau khổ của tôi hiện nay cũng thế. Sự đau khổ ấy là một trận đòn hòa giải cần thiết, phải không anh ?
Ðó, anh thấy rằng một tác phẩm cao lớn đều thế, nghĩa là muốn hiểu làm sao cũng đươọc mà hiểu mãi cũng không hết. Ngoài ý nghĩa siêu hình, Trận đòn hòa giải còn chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về giáo dục. Tôi thiết tha muốn rằng tất cả cha mẹ ở trần gian này đều phải đọc truyện Trận đòn hòa giải. Tôi muốn rằng tất cả trường học đều phải in truyện ấy ra để phân phát cho mọi gia đình. Tác dụng của nó sẽ lớn hơn một ngàn quyển sách dày cộm của những nhà giáo dục sặc mùi lý thuyết. Tất cả những kẻ phạm tội, ăn cướp, giết người hiện nay phần lớn là tại sự ngu dốt của cha mẹ họ, tôi muốn nói sự ngu dốt về tình thương.
Anh thử tưởng tượng tác dụng của truyện anh viết thực lớn lao biết bao.

(1) Truyện Niềm tin chưa mất trong tập Lá vẫn xanh của Võ Hồng, Thời Mới xuất bản năm 1963. LTS
 
(2)Trích Trận đòn hòa giải (chú thích của tòa soạn)
  

Tuệ Sỹ - Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn VÕ HỒNG

Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm
và truyện ngắn VÕ HỒNG


Tuệ Sỹ



Vết thương đã khô và đóng vẩy. Một phần sự sống bị tước đoạt, bị loại bỏ, một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Một chút tình yêu, mơ hồ và khiêm tốn, cũng bắt đầu chớm dậy. Như một thứ định mệnh phi lý, một khi đã đến, nó không chịu vô cớ ra đi; và một khi ra đi, nhất định phải để lại vết hằn khổ nhục, một vết hằn năm tháng. Đó là một thứ quà tặng mà chất liệu là sự tàn phá, sụp đổ và mất mát, không có đền bù. Tình yêu cũng phi lý như chiến tranh, cả hai cùng ngoi đầu dậy từ những phá phách hỗn loạn của một cơn giận mông lung, vô cớ và vô nghĩa. cũng như một cành gai nhỏ, đâm vào da thịt, cấu xé da thịt, nhức nhối; ở đó, tình yêu lớn dần cùng với mức độ trưởng thành của sự chết trên một phần da thịt. Cho đến lúc phần đó được gỡ hẳn ra khỏi cái phần sống còn lại lớn lao kia, được ném xuống cho lăn lóc với cát bụi vô nghĩa, và lạc loài, tình yêu bỗng như rơi vào quãng trống mênh mông. Khuôn hình được tháo ra từng mảnh và được cho vào ngọn lửa, để một quá khứ trở thành vĩnh cửu trong hoài niệm: :Lửa bừng lên. Đốt cháy những nụ cười. Đốt cháy những mơ mộng. Xuyên qua ngọn lửa, nàng mường tượng thấy mình lùi lũi đi sâu vào rừng ngõ thâm u, bí mật. Lá khô cựa mình dưới bước chân và ở trên cành có con sóc ngơ ngác nhìn theo (Hoa Bươm Bướm (HBB), đoạn kết).
Đó là đoạn chót của lịch sử một vết thương, mà ngày tháng đã làm khô và đóng vảy. Đó là cũng đoạn mở đầu cho một quãng trống của hoài niệm. Hoài niệm sẽ chỉ là sự hiện hữu bất thực trong sự trầm lặng của hư không. Tình yêu đã chen lấn để trưởng thành giữa những cơn nhức nhối, bị níu kéo giữa sự sống và chết, nó "mỏng manh như một cành hoa bươm bướm màu tím nhạt…. Ơ bãi đất hoang", vùng đất của đe dọa thường trực.
Khi tình yêu chưa hiện diện, nó lần mò trong bóng tối của những dày xéo tàn bạo, không có sự rung động của bản năng, mà nó chỉ có sự cân nhắc của trí thông minh. Nó chọn cách mạng để làm thế giới cô đơn của mình. Làm cách mạng thì không thể yêu nước một cách ngây thơ như đứa trẻ yêu cánh đồng rộng trước mặt. Làm cách mạng để biết cách lấy thù hận và bạo động mà nuôi dưỡng tình yêu, để biết lấy sự chết làm sự sống. Nhưng tình yêu vẫn mang cái chất phi lý; nó tựa mình vào cột trụ trơ vơ của sự phản lý ngược ngạo. Cơn gió thoảng qua, một cọng lá khô phiêu hốt bỗng bám vào cột trụ, một cách vô tư, dửng dưng, rồi lặng lẽ rơi xuống…. Cảm giác lành lạnh. Mất tất cả rồi. Tuyệt vọng rồi….. anh hãy ôm vai…. Và cái nhìn bỡ ngỡ, vòng tay ngại ngùng, nhưng nụ hôn vẫn thắm thiết và kéo dài vô tư. Và vô tư vẫn kéo dài mãi mãi. Chàng khờ khạo như mọi người đàn ông. (HBB trích rải rác). Bởi vì tất cả đều phi lý. Phi lý bủa rộng thành bóng tối. Cũng là bóng tối của sự vô tư và dửng dưng đó. Con tàu chạy với toa tàu lắc lư trong đêm tối như một con vật lao đầu xuống vực sâu tự tử. Bóng tối, quá khứ hãi hùng, cô đơn trước cái chết đe dọa, câm nín như sự câm nín của tình yêu. Trụ hành quyết, cái băng bịt mắt… Con tàu sẽ phiêu lưu về đâu nữa? Nhưng những phiêu lưu thường đưa đến những ngẫu nhiên. Và ngẫu nhiên, một bàn tay. Ngón thon và mềm. Một bàn tay. Bám víu vào cuộc đời, đấu tranh với cuộc đời….. Sự ngẫu nhiên và tình yêu, cả hai cùng lần mò trong bóng tối, như cánh chim đêm đi tìm chỗ đậu lại. Đêm tối như bưng, và chàng nói như trong giấc mơ…., và một dòng nước mắt len chầm chậm như cũng biết e lệ ngập ngừng. (HBB, trích rải rác). Quả thực, tình yêu thì cô đơn như sao mai, nhưng sự phi lý khổng lồ là một. Có những phi lý của tình yêu, và chỉ có một phi lý của chiến tranh. Cũng như một dân tộc nhược tiểu phải trưởng thành torng khổ nhục, phải chọn cái phi lý của chiến tranh, phải tồn tại torng sự tàn phá điêu linh thống khổ; cũng vậy, tình yêu luôn luôn chọn vùng nào nhức nhối nhất trong thân thể mà tồn tại và trưởng thành. Rồi khi dân tộc nhược tiểu kia đã bước vào vùng có ánh sáng của độc lập và tự do, những anh dũng và hy sinh được gởi lại hết cho bóng tối của núi rừng. Cũng vậy, tình yêu vĩnh viễn là một sợi tơ trời trong trí nhớ.
Đó là một thứ tình yêu chỉ có trong thế giới của hoài niệm. Nó có thể chọn một hình thức thích hợp để xuất hiện trong văn chương. Tôi muốn nói các truyện ngắn của Võ Hồng. Nơi ông, có lẽ có một tình yêu đã trở thành vĩnh cửu, đã muôn đời câm lặng được chôn kín dưới lòng đất. Nó thấm vào các truyện ngắn của ông, làm chất liệu, hoặc khi ngấm ngầm hoặc khi lộ liễu, dưới dáng dấp mệt mỏi, nhiều tư lự, nhiều phán xét.
Truyện dài của ông phần lớn cũng chỉ là những truyện ngắn được ráp lại. Có thể đây chỉ là cái nhìn phiến diện. Nhưng tôi tưởng tượng rằng, nếu cắt riêng từng đoạn trong truyện dài của ông, để chúng thành những đoạn biệt lập, chúng ta dẽ bắt gặp nhiều cái nhìn của một người từng trải, khôn ngoan trong đời sống và khôn ngoan cả trong tình yêu. Do đó, tác phẩm của ông mang nhieu chứng tích xã hội và thời đại. Nhưng, nếu nhà văn chỉ ngồi kể lể những chuyện đời đi qua trước mắt, dù bằng một giọng điệu trung thực đến mấy, vẫn không tránh khỏi tự gán cho mình vai trò trạng sư của một thời đại. Ngôn ngữ loài người không thể chỉ là phương tiện cho những tranh chấp và hòa giải. Mỗi người đều phải sống bằng cái nhìn phê phán, và đau khổ vì phê phán – phê phán và bị phê phán. Ngôn ngữ không thể chỉ là phương tiện cho cự phê phán.
Câu chuyện dài mà ông bố trí ít khi toàn bích. Trong đó, thời gian thường bị xén nhỏ, đứt khoảng, y hệt như hơi thở của một người mệt mỏi. Nếu chúng ta đặt riêng mỗi khaỏng đứt đó thành từng truyện ngắn, mỗi truyện sẽ là một hình ảnh nào đó trong toàn thể đời sống, không cần nối kết tương quan mà y nhiên vẫn là chân diện mục của tất cả đời sống.
Ơ dây, xin lấy thì dụ từ truyện dài Gíó Cuốn. Truyện bắt đầu bằng vài trang sôi động. Những tiếng kêu tuyệt vọng, những ngón tay bấu víu mệt mỏi, tất cả sẵn sàng cho một cơn gió cuốn sẽ trổi lên bất cứ lúc nào, lên đối mắt của con chim Á châu huyền bí êm như nhung, thổi lên những sợi tóc đen bay phất phơ trên làn da màu ngà, lên đóa hoa hồng mọc ở mảnh đất nhiều biến cố đau thương này. Gió cuốn tiếng kêu tuyệt vọng đó vào một xã hội trụy lạc, bẩn thỉu, với những đồ phế thải của ngoại quốc. Đó là chứng tích khổ nhục của thời đại chúng ta. Nhưng khi tiếng kêu từ trong thâm tâm lặng lẽ đó hiện rõ với vóc dáng của một người làm sở Mỹ, dẫn về một quãng đời đã qua, với gia đình, với chồng con, truyện bắt đầu tỏ ra rời rạc. Sự đối chiếu giữa hiện tại và quá khứ không liên tục. Vậy, có lẽ tốt hơn chúng ta phải tự cắt rời từng đoạn để đọc. Cố nhiên, không phải vì thế mà chứng tích thời đại bị bôi xóa mất trong tác phẩm. Tôi muốn nói, cốt cách văn chương của Võ Hồng biểu hiện qua các truyện ngắn của ông hơn. Tuy nhiên, trên đây tôi đã muợn truyện dài hoa Bươm Bướm để dẫn vào tình tự trong các truyện ngắn của ông.
Nếu cần chọn một môi giới, về hình thức, giữa một truyện dài và truyện ngắn của ông, chúng ta có thể được đề nghị chọn Dấu Chân Sa Mạc (Tuyển tập truyện ngắn, Con Suối Mùa Xuân - CSMX- ). So với các truyện ngắn khác của ông, truyện này được viết tương đối dài, 40 trang chữ nhỏ. Điển hình của một truyện ngắn được kết cấu tròn trịa. Nếu mở rộng thêm chi tiết, hoặc thêm nhiều động tác, nhiều đối thoại và nhiều tình tự cho các nhân vật, truyện có thể trở thành một truyện dài, với nội dung giản dị thích hợp cho đề tài qui tụ chung quanh đời sống đồng quê Việt Nam. Cũng như đa số các truyện ngắn khác của ông, Dấu Chân Sa Mạc xoay quanh một nhân vật, với những tình cảm phức tạp và tế nhị. Tình cảm của người viết được bày tỏ về nhân vât cũng phức tạp và tế nhị không kém. Nhân vật chính bị đóng khung trong một thế giới cô đơn với những hiềm kỵ, xoi mói của người chung quanh. Những thất bại ngẫu nhiên mà một thứ định mệnh nào đó, nếu chúng ta không tìm ra danh từ tương xứng, đã vô tình giúp cho những người chung quanh có cơ hội trả thù một cách vô cớ. Sự trả thù của họ cũng hiền lành như đời sống thường nhật của họ. Bằng các lời đồn đãi thêu dệt, bằng cái nhìn xỉa xói, tất nhiên không gây thiệt hại gì cho kẻ bị trả thù, nhưng thiệt hại lớn nhất cho là sa mạc cứ lớn dần.
Trên tất cả, chính thời gian là định mệnh ghê gớm nhất. Thời gian đã làm cho con gấu hung tợn đó bấy giờ đã nhu mì. Vuốt đã hết bén rồi và khí huyết cũng không còn sung mãn nữa. (CSMX.., Dấu Chân Sa Mạc).Thời gian đến và tàn phá tất cả những gì con người có, tài sản được tích lũy bằng những không ngoan vật lộn với đời sống lần lượt ra đi vì tuổi già không dung chứa; sắc đẹp và niềm kiêu hãnh của tuổi thanh xuân cũng lần lượt ra đi vì tuổi già không chứa. Đó là hình ảnh đau thương và nhục nhã của cuộc đời người. (CSMX, đã dẫn). Tác giả cũng tự thấy mình đau khổ với nhiều ân hận như mình đã hùa với thời gian để trả thù, chua xót và hối hận khi trong óc vụt có ý nghĩ rằng khuôn mặt, đó đã khác xa với khuôn mặt người bình thường; đã đồng lõa với thời gian vì đã để cho tuổi già, cho cái hình ảnh tiều tụy hôm nay nó cứ lấn át, tranh giành, chực đè lên hình ảnh huy hoàng cũ. (CSMX.., đã dẫn). Đem hiện tại đau thương của nó mà chồng lên quá khứ của nó, đè bẹp quá khứ huy hoàng của nó, dù sự thực là như thế, nhưng trong đời sống, chúng ta đã khéo lấy sự thực đó để trả thù một người, bất kể lạ hay quen. Cô Ba Hường, nhân vật chính của truyện, góa chồng sớm, giàu có và sang trọng nhất làng. Cô ít hăng hái bàn chuyện lứa đôi của mình. Cô chỉ thích nói tới ruộng đất, giá lúa giá nếp cao hay thấp, đập Tam giang hay đập Đồng cháy, nước lên nước xuống mực nào. Nhưng khi người đàn ông góa vợ nhà ờ sát nách cưới vợ, hôm đám cưới tấp nập, nhà cô không thắp đèn, dãy lan can trước nhà cô đêm đó chỉ còn là một khối bóng đen đặc sệt. Và sau đó, nét mặt cô Ba Hường chừng như già đi. Cũng vẫn khuôn mặt đó không gầy ốm suy hao gì nhưng mà nhìn lên thấy mất đi cái phần tinh anh rực rỡ, như một tấm gương đã mờ mờ nước thủy. Giữa một khung cảnh đầy những cặp mắt tò mò, tình yêu cũng đơn giản như đời sống của mọi người, nhưng tế nhị và cô đơn như muôn thuở của loài người. Khi tuổi gia đến và thời gian cướp mất thanh xuân, tình yêu không còn là sự rung động tế nhị, mà là một bãi sa mạc mênh mông, không có ai để bàn tính sau đó, không có ai để cân nhắc trước đó, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái đều là sa mạc… cô bước đi giữa cuộc đời còn sót lại lạc lõng mơ hồ như người đi trong giấc mộng. Tất cả đều chập chờn hư ảo. Chặng đường cuối cùng của người lực sĩ đuối sức (đã dẫn, rải rác).
Cuối cùng cô chết trong lặng lẽ, không ai chứng kiến.Quả tình là chặng đường đi đến nấm mồ dễ dàng và thoải mái nhiều hơn so với những chặng đường nhọc nhằn cam go mà cô đã đi mấy năm gần đây khi già yếu và nghèo nàn, cô đơn và bị đời lạnh lùng hắt hủi. Tình yêu và sự chết cũng cô đơn như nhau; khi cả hai cùng gặp gỡ, người ta mới thấy sự cô đơn đó, và chỉ có thể thấy khi cả hai cùng đi vào thế giới im lặng thiên thu.
Truyện điển hình thứ hai mà tôi muốn nhắc đến, Những bí mật của anh Đỗ Cúc, (Vết Hằn Năm Tháng). Tình tự nội dung không buộc chặt vào nhân vật chính, qua một bút pháp đặc biệt. Đó là sự trải dài của câu chuyện, như một cách khong cố ý. Có thể nói, đấy là một mẩu truyện ngắn không cần kết cấu, và người đọc dễ dàng theo dõi, một cách thích thú, những đoạn văn dí dỏm một cách nghiêm trang. Anh Đỗ Cúc, nhân vật chính, làm luận văn hay và viết thư tình cũng hay như một nhà văn viết tiểu thuyết lãng mạn, tổng hợp cái lãng mạn văn chương đủ mọi phía. Anh không cần thấy, không cần biết cây thùy dương trên bãi biển. Anh không cần biết căn phòng của cô học trò mà anh mơ tưởng ra sao, cũng vẫn cho vào bức thư tình được chùm hoa bên rèm cũng như nhớ nhung ai mà từng cánh tả tơi theo gió. Lớn lên, anh lấy vợ cũng bình thường và dễ dàng như làm luận văn ở trường. Gia đình, vợ con ngăn nắp như bố cục của bài luận. Anh sống không thắc mắc, không lựa chọn, chỉ theo một bố cục nào đó đã có sẵn. Nói chuyện với những người như anh không phải dễ, nếu không tình cờ khám phá ra sự bí mật của bố cục kia.
Phần lớn các truyện ngắn của Võ Hồng đều được viết với bút pháp điềm tĩnh như mẩu truyện điển hình này. Chúng chỉ khác nhau về thác mắc nào đó của người viết. Ong viết truyện ngắn như một người khách qua đường, đi suốt một đoạn, khách ngồi lại nghỉ và thắc mắc về đoạn đường đã qua, trộn lẫn một ít tình cảm hay tư lự và cân nhắc. Thời gian cho các biến cố là một đoạn thẳng. Chúng kế tiếp nhau, tuần tự. Trong một vài truyện ngắn khác, như truyện Dốc Hiểm Nghèo (Khoảng Mát), thời gian cho các biến cố cũng đôi khi chạy theo một vòng tròn. Nhưng chúng cũng xuất hiện theo tuần tự tiếp nối. Vì vậy, chúng ta thấy kết cấu trong một truyện ngắn của Võ Hồng rất giản dị đó dễ gây cho người đọc có cảm giác như một hoài niệm nhẹ nhàng và mông lung.
Chúng ta có thể được dẫn tới hoài niệm về những hình ảnh của đồng quê Việt Nam. Đời sống theo nhu cầu tiến bộ, mà các phương tiện của văn minh khoa học có thể cung cấp, trong cái thêm có cái mất. Nếu anh Hoạt, nhân vật trong truyện ngắn Hãy Đến Chậm Hơn Nữa (tập truyện Trầm mặc Cây Rừng), nếu đừng ra đời sớm những ba mươi năm, có lẽ khoa học đã giúp anh thoát khỏi sự dày vò thân thể của chứng bệnh cùi. Vào cái thời của anh, anh có thể nghe một tiếng chim tu hú vào đầu hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa…. Những niềm vui đó quá nhỏ so với nỗi khổ đè nặng của anh.
Thời gian, trong sự tiến bộ chung của một dân tộc hay một xã hội, mang lại nhiều thịnh vượng và bảo đảm cho đời sống theo đà gia tăng của các nhu cầu, nhưng đồng thời cũng làm vơi bớt những niềm vui trong trắng ngây thơ của những ngày xuân êm đềm .Cái bàn ủi bằng đất sét mà chú Ba cặm cụi nung để hy vọng ngày Tết có áo quần mới dĩ nhiên không dùng được…. An ngậm ngùi nhìn cái di tích của thời thơ ấu êm đềm nay không còn nữa, có chăng cũng chỉ ở trong cái ký ức bề bộn của chàng thôi. (Ngày Xuân êm đềm, tập truyện Lá Vẫn Xanh ).
Hoài niệm tuổi thơ gắn liền với một tình yêu quê hương mông lung. Yêu cánh đồng, yêu tiếng chim tu hú, những con chích chòe nhí nhảnh chuyền cành, những con chiền chiện mải miết tước lá cau về làm tổ, các con mương nhỏ mọc đầy khoai môn, khoai sáp. Lớp trẻ lớn lên, đổ nhau về thành phố để tìm đường sống. Trưởng thành luôn luôn đi đôi với mất mát.
Trưởng thành, và mất mát, người ta có thể thành công trong nhiều phương diện, nhưng có một thứ thất bại lớn lao không thể đến bù tương xứng. Đó là sự mệt mỏi. Sự mệt mỏi này đầy trong các truyện ngắn của Võ Hồng. Nó có thể là sự không ngoan của một người từng trải, biết cân nhắc sáng suốt về tình yêu. Nó có thể là câu chuyện hằng ngày của những người láng giềng ở thành phố. Nó có thể là hcuyện của một người bị tòa đòi ra làm chứng. Các truyện ngắn rải rác chung quanh đề tài này cũng thường cho chúng ta thấy cá tính của truyện ngắn Võ Hồng.
Một truyện ngắn đặc sắc khác, với ám ảnh kỳ lạ hiếm thấy trong đa số các truyện ngắn của Võ Hồng, ngoại trừ bút pháp và tình tự không mấy khác. Tôi muốn nói truyện ngắn Lá Vẫn Xanh. Truyện viết một nhân vật bị ám ảnh ngày tận thế, chỉ vì một mẩu tin ngắn gần như không quan trọng và ít ai chú ý được đăng trên báo. Nỗi khổ tâm của nhân vật chính là mọi người chung quanh có vẻ ngây thơ của họ và âm thầm đau khổ trong cô đơn lặng lẽ với ám ảnh của mình. Truyện kết cấu không giống như đa số các truyện khác. Câu chuyện ngày tận thế cũng được mọi người bàn tán, ngay cả trong ngày Tết. Nhưng cuối cùng, để chấm dứt câu chuyện, người ta vẫn chúc nhau một năm phúc thọ khang an. Ngày tận thế, dù là tai họa khủng khiếp sẽ giáng xuống cho nhân loại, cuối cùng cũng chỉ là chuyện phiếm. Riêng với nhân vật chính, nó không hề là chuyện phiếm. Người ta nói xong rồi quên liền sau đó. Anh thì nhớ mãi và không ngớt đau khổ. Anh chờ đợi, chỉ còn năm ngày, rồi bốn ngày, và cuối cùng, buổi sáng thức dậy đánh răng, anh chuẩn bị cho ngày tận thế hôm đó. Anh đợi từng giờ. Cho đến khi anh lên giường ngủ, và giấc ngủ cũng đến một cách bình thường. Thật quả không xứng với những giờ quyết liệt còn sót lại. Ngày hôm sau, anh thức dậy, vẫn như mọi ngày, nhưng thêm một câu nói giã từ: Thế là hết tận thế. Quả thật, chúng ta cô đơn và đau khổ trong mộ thế giới hãi hùng, mà bên ngoài mọi sự vẫn lạnh lùng trôi qua như thế ư?
Truyện ngắn điển hình chót hết mà tôi muốn nói trong bài này, đó là truyện Tình Yêu Đất (trong tập truyện Vết hằn năm tháng).
Truyện bắt đầu bằng những động tác hăng say của người yêu đất: Lão Túc. Thế giới bừng sáng và sôi động vì tình yêu chân thành của người và đất. Truyện xoay quanh sự trưởng thành của cuộc đời Lão Túc và sự trưởng thành của mảnh đất mà lão khai khẩn. Bởi vì cuộc đời của lão cũng đơn giản như đất, nên lão dễ dàng nghe được những vui mừng của đất, và do đó đất cũng rộng lượng bao dung đối với lão hơn cả mọi người, đất hiểu lão hơn cả vợ lão, con lão. Ngày lão lên xã làm giất khai đất, lão thấy lòng rộn ràng bâng khuâng. Ai hỏi lão có phải ở dưới đất về hay không, lão nghe bốn tiếng đó làm mát một nơi nào trong bụng lão…. Ở dưới đất về!… Đó là điệp khúc của một bài ca làm say sưa tâm hồn lão như mới ngày nào đây, lúc còn thanh niên, lòng lão rung động theo câu hò điệu hát huê tình… Và tối hôm đó, sau bữa cơm, lão bắt chõng ra nằm dưới hiên, nhìn lên bầu trời lấm tấm sao…. với tình yêu đất. Cho đến khi lão bị rắn hổ cắn, trước giờ hấp hối, lão còn thốt lên được mấy tiếng về mảnh đất của lão, miếng đất Gò đình…. Rồi nhắm mắt. Và truyện kết thúc ngay sau đó.
Tình yêu đất của Lão Túc cũng là tình yêu quê hương cụ thể của hầu hết nông dân Việt Nam. Yêu không trừu tượng, và cũng nhiều đam mê nhiệt thành như mọi thứ tình yêu khác. Quê hương không nhất thiết là chữ S hay chữ U. Nó là ruộng nương vười tược, là nơi gởi nắm xương tàn của cha ông mấy đời. Khi chiến tranh đến, một số người bò lại tất cả, chạy về thành phố hay nơi nào có thể bảo đảm an toàn sự sống. Nhưng cũng có những người quyết bám chặt lấy mảnh đất, chờ đợi cái chết : Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má. Bỏ nhà cửa mà đi. Bỏ ruộng nương, bỏ vườn tược, bỏ khúc sông và cái bến nhỏ này mà đi. Không, tôi không muốn đi đâu hết…., tôi muốn ngồi yên một chỗ, nằm yên một chỗ mà chết. (Bên Đập Đồng Cháy, tập truyện Những Giọt Đắng.) Bà Xự không muốn theo bà con chạy giặc. Chồng bà, con bà, những người thân thuộc của bà đã lần lượt bõ đi, trở về với đất. Nhưng được. Chết là gì? Nhắm hai con mắt lại, nhẹ nhàng buông xuôi hai tay…. hàng xóm bắt bà phải đi. Họ dọn giùm nhà cửa cho bà. Cài then cẩn thận. Đoàn người chạy giặc đến đập Đồng Cháy. Bà Xự chợt nhìn xuống lòng nước, soi thấy bóng mình… Hết rồi! Hết rồi! Không! Tôi không đi đâu hết,. Tôi đã mất hết cả rồi. Tuổi xuân xanh. Chồng tôi. Con tôi. Chỉ còn đập nước này mà tiếng ào ào tuôn đổ không hề thay đổi… Cho tôi ở lại. Không, xin cho tôi ở lại. Và Bà Xự vụt bỏ chạy. Bà mất tích. Đoàn tản cư tìm kiếm, kêu réo bà, nhưng bà mất tích. Đoàn tản cư chỉ còn năm người, hấp tấp, hồi hợp, im lặng. Sau lưng họ, con đập Đồng Cháy vẫn đổ tuôn từng khối nước lớn, tiếng dội ầm ầm ào ào, bọt tung trắng ngần, vỡ ra, quay cuồng rồi len lỏi chảy giữa những tảng đá to màu xám.
Chiến tranh và tình yêu, một đằng là ngọn lửa tàn bạo hủy diệt, một đằng là dòng suối ngọt, cùng đi đôi trong tương quan biện chứng. Hoài niệm là một thế giới được nâng lên từ mâu thuẫn đó, là vết thương đã khô và đóng vảy. Nhưng vết thương nằm ẩn kín trong vùng nhức nhối nhất của thân thể luôn luôn rỉ máu, không hề khô và đóng vảy. Lịch sử của vết thương chỉ khép lại cùng với những chung cục của lịch sử một đời người . 
 
 

Một bông hồng cho Cha

 

  Võ Hồng        5/5/09    trích từ quyển Một bông hồng cho Cha )

 
 
Nhờ đất cho món ăn
Nhờ nước đưa thức uống
Hô hấp nhờ khí trời
Mà cây đầy sức sống
Cũng vậy ba đứa con
Truyền cho cha sinh lực
Lao khổ dầu sớm hôm
Cô đơn dù nhức buốt
Nhưng nhìn con lớn khôn
Cha quên mọi cơ cực
Đứa Út vừa lên ba
Biết Mẹ qua tấm ảnh
Miệng chỉ quen gọi cha
Khi đói và khi lạnh
Chị lớn chín tuổi tròn
Đóng vai người Mẹ nhỏ
Vội vã học điều khôn
Cửa nhà tập coi ngó
 
Thằng giữa khi vào lớp
Tên mình tưởng tên ai
Thầy hỏi không biết đáp
Nghe chim hơn nghe bài
Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ
Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu
Tuổi già ngồi ngẫm lại
Quý nhất của đời mình
Là ba đứa con dại
Cha nuôi đến trưởng thành
Võ Hồng
Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gũi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo như con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực, thậm chí còn cắn đuổi con đực không cho lại gần.
Con người sau này thì không. Cha săn sóc mẹ khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ cùng nghèo. Khi cúng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu… cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận.
Con lên hai tháng, ba tháng, nằm ngửa huơ chân, huơ tay, mở to đôi mắt ngơ ngác, xoay đầu nhìn vu vơ sang trái, sang phải. Rồi con biết hé miệng cười, cái cười vô nghĩa nhưng đủ cho cả nhà mừng rỡ reo vui. Rõ ràng là nụ cười của con làm nở những nụ cười xung quanh, làm rạng rỡ những khuôn mặt, xóa mờ những nếp nhăn nơi trán. Lần lượt biết lật, biết bò… rồi con ngồi vững, rồi vịn tay đứng được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích vang lên rộn ràng đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha.
Cha được phân công ngồi bón cho con những muỗng cơm đầu tiên, cha phải la: “Ùi ùi! Coi chừng con chuột kìa. Ăn mau chớ nó ăn hết”, rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con, cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về và chọn những câu nhảm nhí phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó.
À ơi, con gà cục tác lá chanh…
Có thể cha giỏi nhạc, cha hát hay nhưng cha ngượng không dám nghiêm trang cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc. Vả chăng mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi? Cha phải ngây ngô theo, con duỗi chân thì cha nói: “Chà! Bộ định về thăm ngoại hả?” Rờ cái đít nung núc thịt, cha bế chạy vừa nói nựng: “À, con heo ú đây? Ai ra mua!” Quả là những giây phút hân hoan cực độ. Nhưng phải chợt dừng lại. Sợ người khác nghe. Phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường. Khi có học, cha thường phải tạo vẻ mặt nghiêm trang. Dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường. Hai mươi tuổi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ thì phải mang bộ mặt lạnh lùng của một quan hoạn. Chỉ có người cha quê mùa mới thong dong cõng con bốn, năm tuổi đi chơi nghêu ngao khắp xóm bứt lá chuối quấn kèn. Lớn lên cha con cùng làm lụng cạnh nhau trên sân lúa, giữa rẫy khoai. Xã hội hôm nay trí thức hơn, văn minh hơn, trong cuộc sống cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc tình thương cha con trở nên lợt lạt. Tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ: quá bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là bắt đầu xa cha. Từ đó cha thường chỉ đóng vai nguồn cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm, nguồn kinh nghiệm khôn dại để đưa lời chỉ bảo khuyên răn. Tất cả đều chỉ là lý trí lạnh lùng.
Chớ mẹ thì không. Nghĩ đến mẹ là một chuỗi hình ảnh êm ái hiện ra: mẹ mang nặng đẻ đau, mẹ vạch vú cho bú, mẹ bồng ru ngủ, mẹ ôm hôn nựng, mẹ tập đứng tập đi. Khỏi cần lý luận, khỏi nhìn đâu xa, cứ nghĩ đến mẹ là như thấy rõ hồi nhỏ mình nằm như thế nào trong vòng tay mẹ, ỉa đái tự do trên mình mẹ và mẹ lo giặt, lo thay, quen thuộc với mùi khai, mùi thúi. Với cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ. Bây giờ nếu may mà biết được là nhờ ngẫu nhiên thấy một người cha nào đó đang thương yêu săn sóc đứa con nhỏ của họ.
Tìm trong văn chương thì thường chỉ gặp loại:
Công cha như núi Thái Sơn.
Núi này nhất định là phải lớn lắm và công cha cũng lớn như vậy. Không thấy ghi một nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi, nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng. Mọi người đều thuộc, đều đọc làu làu, nhưng mà thản nhiên như đọc khẩu hiệu.
Người cha quen thuộc, cha của Mẫn Tử Khiên, thì đã vẽ ra là một người biết làm bổn phận: bổn phận cưới kế thiếp khi vợ cả chết và bổn phận đuổi kế thiếp vì Mẫn Tử Khiên bị ngược đãi. Mà cũng ngẫu nhiên mới biết được con khổ khi thấy con mặc áo rách run rẩy đẩy xe cho mình.
Người cha trong cuốn Luân lý giáo khoa thư dễ thương hơn. Truyện kể: Mẹ đi chợ mua về cho con trái cam. Con nghĩ đến cha làm lụng nắng nôi, liền cầm trái cam chạy ra đồng đưa tặng cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà, liền cầm trái cam đem về tặng mẹ. Trái cam đi một vòng, dài và rộng hơn sợi dây tình cảm con thương cha, rộng gấp ba lần vì thêm tình mẹ thương con, tình chồng thương vợ.
Cổ văn thường nặng nghĩa lớn, nhẹ tình riêng. Phạm Trọng Yêm, tể tướng đời Tống, sai con là Thuần Nhân chở năm trăm thùng thóc về quê. Đến Đan Dương, Nhân gặp Thạch Man Khanh là bạn cũ của cha đang khốn quẫn vì bị ba cái tang dồn dập. Nhân tặng hết năm trăm thùng thóc. Lại nghe hai cô con gái của Thạch Man Khanh đến tuổi mà đang ế chồng, liền tặng luôn cái thuyền. Về kể lại chuyện cha nghe. Nghe tới chỗ hai cô con gái của bạn ế chồng, Phạm liền ngắt lời hỏi:
– Sao con không cho luôn cái thuyền?
Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà con chó, cây ổi, cây xoài và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên nghỉ, nhiều khi mang cái bực bội, cái cáu gắt từ ngoài xã hội mang về theo. Con phải len lén bỏ ra nhà sau, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Càng thêm xa cách bởi sao cạnh mẹ con thấy êm đềm. Ai làm ra tiền không cần biết, chỉ biết muốn nhai viên kẹo, muốn cắn trái ổi là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới… thảy thảy mẹ đóng vai bà tiên. Tội thân cha, cạnh bà tiên hiền, cha thành Thiên Lôi; bà tiên càng hiền, cha càng thành La Sát.
Không, cha không muốn vậy. Cha thương con nhưng cuộc sống phân công mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp cành gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặt, hút nhựa nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái. Thân chia những cành lớn đâm ngang, thân vươn những nhánh cao phủ trên đầu che mưa che nắng. Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lờn mẹ thì cha cần phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Đi vào bước trưởng thành từ mười ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.
Nhưng đừng đơn giản bất công, quên cái thời ta lên năm, lên mười, kẻo trở thành bội bạc. Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng đứng nhìn xe cộ. Bắt phải có cha nằm cạnh quạt cho mới chịu ngủ. Lên tám, lên chín thì hay chạy tới nơi cha làm việc để đón cha cùng về. Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí.
Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. Thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cố tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể. Mẹ biết ý nên khi phải nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò: “Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đỡ. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu”.
Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đó, chớ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.
Con nay đang tuổi trung niên, bận theo quyền lực, vui với vợ con, bè bạn, việc báo hiếu cho cha thường tỏ ra bủn xỉn. Nếu có ai trách hững hờ chễnh mảng thì thiếu chi lý lẽ dẫn ra: “Được vậy còn đòi gì nữa?... Trời ơi, thì giờ đâu!”
Phải, thì giờ đâu? Người xưa hay nhắc phận con kíp lo báo hiếu bởi “tử dục dưỡng nhi thân bất đãi”, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ.
Khi con ở tuổi trung niên thì cha vào giai đoạn già yếu. Bề ngoài ngó dẫu phương cương nhưng nội tạng thường đang rệu rã. Dễ hiểu thôi mà: một đồ vật dùng đã sáu chục năm rồi thì dẫu lạc quan đến đâu cũng chỉ có thể tạm nói: “Cũng còn khá”. Cha thỉnh thoảng cảm thấy hơi đau nơi này, chợt nghe có cái nhéo nơi kia. Đôi hồi bỗng mệt vô cớ. Nhưng cha thường im lặng không nói. Những câu nói không còn cần thiết, êm ái cho con nữa như khi con còn nhỏ. Bây giờ, những câu nói đều quấy rầy con. Đành âm thầm nghĩ đến câu Vạn vật vô thường.
Sách xưa dạy: “Hôn định thần tỉnh”, ta dịch: “Tối viếng sớm thăm”, lạt lẽo nghèo nàn nếu không có người giảng cụ thể rằng cha mẹ già thường cần đôi mắt và bàn tay con, trước và sau giấc ngủ. Đã nằm trong mùng thì lười đứng dậy để khép bớt cánh cửa, để lấy cái mền, để tìm lọ dầu. Ngủ một đêm sáng dậy, trong mình có gì thay đổi, đó là lúc con cần hỏi han mẹ cha mới dám giải bày.
Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gởi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gởi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể một chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần. “Đi đâu đó? Mạnh giỏi?” Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa con gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.
Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc1
nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “cho” chứ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả đủ.
 
1 Cha mẹ mãn phần (Nhị thập tứ hiếu)
Source :