Về nguồn |
Trích thư |
Phạm Công Thiện |
Nha Trang, ngày 18 tháng 01 năm 1963
... Nhìn anh và nhìn mấy cháu và đọc những gì anh viết, tôi cảm
thấy an ủi nhiều, tôi cảm thấy tâm hồn thác loạn của tôi được vuốt ve nhiều, tôi
cảm thấy rằng tôi hết sức vô tâm, tàn nhẫn, với lòng kiêu ngoa của tôi, tôi cho
rằng họ chỉ là những kẻ tầm thường không đáng để cho tôi để ý. Nhưng đọc anh,
tôi mới sực nhớ rằng mỗi người đều mang nặng một bi kịch đau thương của đời và
trong những gì tầm thường nhất cũng đều chứa đựng một cái gì cao quí thiêng
liêng nhất, một cái gì mà thiếu nó thì cuộc đời này không đáng sống nữa.
Bỏ đi hết những cái bề ngoài, bỏ đi hết những truông, rừng
rú, suối vẫn ngàn năm chảy từ nguồn, bỏ đi hết những bộ áo công thức khệ nệ của
anh và bỏ đi hết những bộ áo phũ phàng nổi loạn điên cuồng của tôi, lúc bấy giờ
chúng ta sẽ gặp nhau tại Nguồn. Ðọc anh và gặp anh, tôi sực nhớ rằng chỉ có một
Nguồn Ðời, chỉ có một mà thôi và suối có, dù trong hay đục, dù chảy bình
thản im lặng hay dù chảy ào ào thịnh nộ : suối vẫn đổi khác nhưng cũng chỉ là
một con suối mà thôi. Nghĩa là tôi là anh và anh cũng là tôi, chúng ta cũng chỉ
là một hình ảnh bi thương chua xót của cuộc đời.
Niềm tin chưa mất. Niềm Tin Chưa Mất, bởi vì dù sớm dù
muộn, dù ở đây hay ở kia,đáo cùng nhất định chúng ta đều gặp nhau tại Nguồn
-revenir à l'eau claire des sources. Ðó cũng là ý nghĩ về Nietzsche mắng
chửi đả phá Thiên-chúa giáo, chưa có ai anti-Christ hung hăng như vậy, nhưng
cũng loáng thoáng đâu đây tôi cũng thấy được giòng sông của Nietzsche cũng chỉ
chảy từ một Nguồn thôi và Chúa Jésus và Nietzsche đều gặp nhau tại Nguồn ấy.
Và Con Người Thực Sự Của Trần Gian Này Là Con Người nào ?
Qui dressera l'image de l'homme ? Nietzsche băn khoăn hỏi thế. Ai ? Qui ?
Người đứng nơi Nguồn chứ ai ? Hình ảnh thực sự của con người là người đứng từ
Nguồn. Người đó là Benjy của Faulkner, là Nick Adams của Hemingway, là
Lennie và Creooks của Steinbeck, là Siddhartha củ Hermann Hesse, là Zarathoustra
của Nietzsche , là Tộc của Võ Hồng.
Người đó là "lành như một cây xanh, cây ổi cây bàng nào
đó đang sức lớn. Ðâm chồi, ta lá, nứt hoa... Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của
mình, không cần nhìn xem những phản ứng của những cây đứng xung quanh nó. Không
thấy xấu hổ vì những lá héo, giấu giếm những cành gãy mà cũng không thấy nó hãnh
diện vì chồi xanh non mướt hay hoa nở đầy cành"... "Trong một xã hội nhiễm độc
mà dối trá đã thành diễm lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình
nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc
đời" (1)
Ðó là Tộc của Võ Hồng, là Dilsey của Faulkner, là lão già
đánh cá của Hemingway. Ðó là hình ảnh thực sự của con người ở trần gian
này. Con người ấy không phải là vua, là chúa, là kẻ thông minh xuất chúng.
Người ấy chỉ là một con người rất tầm thường, rất conformiste, có thể rất
là idiot. Chính những con người tầm thường ngu si như vậy sẽ cứu lấy trần
gian này ra khỏi hố sâu, chính những con người tầm thường như Tộc, như Dilsey,
như Crooks... chính những con người tầm thường này sẽ gầy dựng lại một thế giới
mới giữa trần gian đổ vỡ này.
Anh V.H ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo ?
Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm
tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi
nó là sagesse của quả tim.
Và một Triệu trang giấy Triết Học Cũng Không Ðáng Giá Bằng
Một tiếng Ðập Của Con Tim. Anh có nghe rõ chưa ? Tôi muốn hét to lên như
vậy.
Anh có nghe tim con người đập trong những trang Xuất
hành năm mới, trong Trận đòn hòa giải? Xuất hành năm mới còn
cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất. Những đứa
nhỏ Hằng, Hào và Thủy trong Xuất hành năm mới và Trận đòn hòa giải
là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho
tất cả những đứa trẻ ở trần gian này.
Hơn thế nữa, ba đứa nhỏ ấy cũng là Tượng Trưng Cho Những
Con Người Ở Ðời. Trận đòn hòa giải chẳng những là trận đòn hòa giải trong
gia đình của Võ Hồng mà còn tượng trưng cho Trận Ðòn Ở Thế Giới. Tất cả mọi
người ở trần gian này đều là anh em nhau, đều cùng chịu chung một nỗi khổ lớn vô
cùng là nỗi khổ mất mẹ.
Chúng ta sinh ra đời đã bơ vơ cô độc và rồi đây cũng sẽ
chết bơ vơ cô độc. Tất cả con người đều thế, tất cả mọi người đều mang một hình
hài thân phận như vậy.
Người Mẹ trong Trận đòn hòa giải tượng trưng cho
người Mẹ thiêng liêng của Nhân loại, nghĩa làThiên Nhiên, nghĩa là
Nature. Thiên nhiên đã tạo con người ra đời rồi lại bỏ mặc con người bơ
vơ lạc lõng, con người cảm thấy như bị đày, mất Mẹ, là những kẻ mồ côi, cô đơn
vô hạn, không biết đâu là phương hướng.
Hằng, Hào, Thủy chẳng những là những đứa con của Võ Hồng mà
chúng nó còn là hình ảnh tượng trưng cho tất cả mọi người sống ở trần gian này.
Nhân loại đều chịu chung một nỗi đau khổ lớn lao là đều mang chung một Thân
Phận Con Người, thân phận ấy là mất Mẹ, nghĩa là hoàn toàn cô đơn giữa nỗi đời
trầm thống, nhưng "Trí nhớ của chúng ta vốn rất bạc bẽo. Các con lớn lên, nên
vai vế, mỗi người có bạn bè riêng tư, có nỗi lo lắng và vui vẻ riêng tư... nên
các con dần dần quên nghĩ đến nhau. Mối đau khổ chung của ngày mất mẹ xóa dần
đi, Lòng Ích Kỷ Lớn Lên"... "Cả ba đều khổ. Hãy thương yêu nhau" (2).
Thế mà Nhân loại vẫn không thương yêu nhau và cứ lục đục
nhau, con người vẫn cứ mãi lục đục gây hấn với nhau, Thượng Ðế chỉ còn phương
pháp hữu hiệu nhất là cho một Trận Ðòn Hòa Giải và thế là Chiến tranh đã nổ tung
ra ở trần gian này. Chiến tranh thứ Nhất rồi Chiến tranh thứ Hai... Sáu triệu
người Do Thái đã chết và thực ra Hitler chỉ là dụng cụ của Thượng Ðế,
nghĩa là một "cái cành chùm ruột trông sù sì đễ sợ". Nhưng nhân loại vốn hay
quên và bây giờ Trận Ðòn thứ Ba sắp nổ tung nữa.
Vâng, bây giờ tôi mới hiểu rằng Nietzsche là một nhà tâm lý
kỳ diệu, tôi đã hiểu tại sao Nietzsche chủ trương và ca tụng Chiến tranh. Nói
mãi Ðạo đức, nói mãi tình thương như chúa Jésus, nhân loại không muốn nghe đâu.
Vậy thì thôi, đừng nói hòa bình như vậy nữa, mà phải nói chiến
tranh, phải đập Một Trận Ðòn cho nhân loại nhừ ra, thừ ra.
Hãy để Máu lửa đốt quét Nhân loại. Hãy để máu lửa
purifier Nhân loại. Lúc bấy giờ trên đống gạch điêu tàn, Nhân loại mới
hối hận và biết thương yêu nhau và cùng nhỏ giọt lệ cho nhau như Hào và Hằng nhỏ
lệ khi thấy Thủy bị đòn.
Ðó là bài học mà Võ Hồng đã dạy cho tôi, rằng tất cả mọi
sự ở đời này đều tốt, ngay đến sự xấu cũng tốt, rằng Niềm tin chưa mất, rằng
Chiến tranh là một sự thử thách tất nhiên, chiến tranh là một trong những phương
tiện đưa nhân loại về Nguồn, cũng như trận đòn hòa giải đưa ba đứa nhỏ trở
về Nguồn thương yêu chan chứa và triền miên.
Ừ, sự đau khổ của tôi hiện nay cũng thế. Sự đau khổ ấy là
một trận đòn hòa giải cần thiết, phải không anh ?
Ðó, anh thấy rằng một tác phẩm cao lớn đều thế, nghĩa là
muốn hiểu làm sao cũng đươọc mà hiểu mãi cũng không hết. Ngoài ý nghĩa siêu
hình, Trận đòn hòa giải còn chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về giáo dục.
Tôi thiết tha muốn rằng tất cả cha mẹ ở trần gian này đều phải đọc truyện
Trận đòn hòa giải. Tôi muốn rằng tất cả trường học đều phải in truyện ấy
ra để phân phát cho mọi gia đình. Tác dụng của nó sẽ lớn hơn một ngàn quyển sách
dày cộm của những nhà giáo dục sặc mùi lý thuyết. Tất cả những kẻ phạm tội, ăn
cướp, giết người hiện nay phần lớn là tại sự ngu dốt của cha mẹ họ, tôi muốn nói
sự ngu dốt về tình thương.
Anh thử tưởng tượng tác dụng của truyện anh viết thực lớn
lao biết bao.
(1) Truyện Niềm tin chưa mất trong tập Lá vẫn
xanh của Võ Hồng, Thời Mới xuất bản năm 1963. LTS
(2)Trích Trận đòn hòa giải (chú thích của tòa soạn)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét