16 tháng 5, 2013
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)
nói họ không dám dừng dự án khai thác, xuất khẩu Bauxite gây tranh cãi ở Nhân Cơ
vì lý do kinh tế, theo truyền thông trong nước.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, một quan chức lãnh đạo Ban Khoa học Công
nghệ và Chiến lược phát triển của Vinacomin khẳng định Vinacomin không thể dừng
dự án vì đã đầu tư, triển khai và không muốn dừng vì sợ bị lỗ."Là một nhà đầu tư, khi đã bỏ tiền đầu tư là như ngồi trên một đống lửa vì công trình đang ngổn ngang, hợp đồng ICP đã ký, thiết bị nằm sát để thực hiện theo tiến độ. Nếu giờ dừng sẽ phải hủy hợp đồng thì giải quyết những hậu quả ấy ai tính," Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chỉnh, Trưởng Ban này được VOV trích lời nói.
Ông Chỉnh khẳng định dự án khả thi về kinh tế và xã hội, nhưng có vẻ đã đã không hoàn toàn chắc chắn về việc vì sao dự án vốn gây tranh cãi này có nên dừng lại hay không.
Ông nói:"Chúng tôi đã tính toán và khẳng định dự án có hiệu quả và tiếp tục phát triển. Còn nói dừng hay không thì phải có những hội thảo chuyên sâu. Với dư luận của xã hội và các ý kiến của các nhà khoa học sẽ được Tập đoàn tiếp thu nếu thấy hợp lý và mong muốn hợp tác triển khai những ý kiến đó.
Cũng hôm thứ Năm, ông Chính nói với tờ Bấm VnExpress.net cho biết ngoài lý do kinh tế, Vinacomin không dừng dự án còn do lý do tâm lý. Ông nói:
"Thực ra đối với kiến nghị dừng dự án, Tập đoàn đã xem xét tính toán cả phương án dừng triển khai và tiếp tục. Thực tình, chúng tôi không dám dừng dự án vì những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh vác rất nhiều. Vinacomin đã tính toán, xem xét và khẳng định, tiếp tục làm sẽ tốt hơn so với việc dừng dự án Nhân Cơ.
"Ý kiến các nhà khoa học, chúng tôi trân trọng và tiếp thu và mong muốn hợp tác. Thú thực, cũng có ý kiến cũng tác động đến tâm lý chung. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại bàn bạc thảo luận với các nhà khoa học song phải có người đứng ra tổ chức, ví dụ như Bộ Công Thương chẳng hạn."
Hôm thứ Năm, tờ Bấm Dân Việt trích dẫn thông tin do Vinacomin đưa ra cho biết vốn đầu tư thực hiện của Tập đoàn này cho hai dự án bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án alumin Nhân Cơ - Đăk Nông đã lên tới khoảng 18.448 tỷ đồng.
Vinacomin cho hay về hiệu quả kinh tế dự án, thời gian hoàn vốn của dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng là 12 năm và dự án Nhân Cơ là 13 năm và dự kiến hai dự án sẽ nộp ngân sách bình quân khoảng 460 tỷ đồng/năm và 398 tỷ đồng/năm.
Tập đoàn Than và Khoáng sản của Việt Nam cũng cho hay họ có đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumina với các công ty của Nhật Bản và Trung Quốc, ngoài ra, vẫn theo Vinacomin, một số công ty của Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Malaysia cũng quan tâm mua alumin của Việt Nam.
"Thực tình, chúng tôi không dám dừng dự án vì những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh vác rất nhiều. Vinacomin đã tính toán, xem xét và khẳng định, tiếp tục làm sẽ tốt hơn so với việc dừng dự án Nhân Cơ"
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh
Theo báo Bấm Đất Việt, Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng với giá bán 340 USD/tấn alumin, Tập đoàn cầm chắc lỗ vài chục triệu USD/năm, chưa kể công suất khoảng 600.000 tấn/năm, quãng đường vận chuyển trên 200 km là phi kinh tế học.
Giáo sư Thái được truyền thông trong nước dẫn ý nói "chưa kể đồng USD mất giá mỗi năm 2%. Hay việc Vinacomin muốn giảm thuế, phí môi trường là đặt Nhà nước vào thế “hy sinh” cho tập đoàn."
Được biết tập đoàn Vinacomin cũng cho truyền thông hay họ đã được Chính phủ đồng ý cho áp dụng thuế xuất xuất khẩu bằng 0% đối với các sản phẩm khai thác xuất khẩu, một hình thức hộ trợ và bao cấp, trong khi loại thuế này có chức năng kiểm soát việc khai thác khoáng sản quốc gia và là một nguồn quan trọng cho ngân sách quốc nội.
Không tưởng?
Bình luận về lý do không muốn dừng dự án của Vinacomin, trên blog của mình, nhà báo Nguyễn Vạn Phú, phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng động cơ của Tập đoàn này xuất phát từ tâm lý “nước đổ ra rồi” mà người trong cuộc khó nhận ra.Ông nói: "Tốt nhất là thuyết phục cho Nhà nước thấy nếu tiếp tục thì càng mất thêm tiền, mới hy vọng sẽ có một quyết định can đảm dừng dự án Nhân Cơ."
Ông Phú đưa ra hai lý do chính, thứ nhất cần dừng là vì tổng mức đầu tư tăng 37,80% thì mọi thông số cũ xem như bỏ, làm lại từ đầu: "Nếu cứ cho là khi tổng mức đầu tư chưa tăng thì dự án có lãi chút ít, nay tăng đến gần 40% thì chắc chắn sẽ lỗ."
Thứ hai, tỷ suất thu hồi nội bộ (IRR) của dự án Nhân Cơ được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo với Quốc hội là 10,6% nay chỉ còn 7,62%, thì theo ông Phú lãi không còn nữa, đó là chưa kể tới các vấn đề nhà nước đã trợ giá, hỗ trợ cho dự án từ miễn thuế xuất khẩu, cho tới sử dụng nguồn vốn vay với lãi xuất ưu đãi rõ ràng.
"Tôi thấy sốc và lo lắng về giá bán alumin. Giá bán alumin thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ mà Bộ Công thương nói là nằm trong kế hoạch và mong có lãi là điều không tưởng"
Tiến sỹ Nguyễn Văn Ban
Ông Phú cho rằng chỉ có một nơi có thể ra lệnh dừng dự án để giảm bớt thiệt hại, ông viết: "Đó là bên phía Đảng và dựa vào kết luận của Bộ Chính trị ngày 24-4-2009 trong Thông báo số 245- TB/TW ghi rõ: Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Đó là lối thoát trong danh dự duy nhất.
Trong cuộc hội thảo của Vusta hôm thứ Năm tuần trước, TS Nguyễn Đức Quý, Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, được truyền thông trong nước dẫn lời, cảnh báo giá sản phẩm của ngành bauxite – nhôm ít thay đổi trong vòng 30 năm qua; chỉ tăng 1,2-1,3 lần trong khi các khoáng sản khác tăng 3-5 lần.
Một đại biểu khác, Tiến sỹ Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (đã sáp nhập vào Vinacomin), nói :
“Tôi thấy sốc và lo lắng về giá bán alumin. Giá bán alumin thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ mà Bộ Công thương nói là nằm trong kế hoạch và mong có lãi là điều không tưởng”.
Theo ý kiến của ông Ban, giá bán alumin có lãi mà Vinacomin áp dụng theo mức giá 362 USD/tấn ở thời hoàng kim (2005-2008) là phi lý vì khủng hoảng kinh tế, giá khoáng sản đi xuống đã hơn 4 năm qua và vẫn ở mức trầm trọng, chưa biết đến khi nào chấm dứt, cho nên tính hiệu quả kinh tế rất mơ hồ.
“Với quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm nếu trong trường hợp có tiền ở đâu đó để làm dự án đường sắt, dự kiến hơn 3 tỉ USD,” ông Ban được trích lời nói.
Trách nhiệm
Được biết, dự án Bauxite ở Tây Nguyên do Vinacomin đứng ra thực hiện gặp nhiều tranh cãi từ khi được Chính phủ đề xuất tiến hành. Nhiều trí thức và chuyên gia đã liên tiếng cảnh báo về các rủi ro về mặt môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh từ dự án. Tuy nhiên, cho tới nay, dự án vẫn được Chính phủ cho phép tiến hành.Hôm 16/5, tờ Trí Thức Trẻ, dẫn lời Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương nói các lý lẽ của Vinacomin là một chiều:
Ông nói với tờ báo: "Vinacomin bây giờ mới tổ chức họp báo với những lí lẽ không đi vào những điều mà các nhà khoa học chỉ ra mà lại đưa ra những lập luận một chiều. Tôi nghĩ cần tổ chức một cuộc đối thoại song phương và hai bên cùng nói về những lập luận mà các nhà khoa học trình bày, như thế mới sáng rõ mọi vấn đề ra được.
"Vinacomin cần có tinh thần cầu thị, cầu thị ở đây là cần có người đứng ra gánh vác tránh nhiệm, trách nhiệm xem xét và ra quyết định xem có dừng lại hay tiếp tục."
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sỹ Doanh đặt vấn đề phải có người chịu trách nhiệm cá nhân, thậm chí là trong dự án bauxite, nếu dự án này đổ vỡ dù đã được cảnh báo trước:
"Vinacomin cần có tinh thần cầu thị, cầu thị ở đây là cần có người đứng ra gánh vác tránh nhiệm, trách nhiệm xem xét và ra quyết định xem có dừng lại hay tiếp tục.
"Và nếu tiếp tục mà thua lỗ thì người đó phải có trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước nhân dân về hiệu quả của đồng vốn đã bỏ ra, bao gồm cả trách nhiệm về mặt tài chính, về mặt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Cùng hôm thứ Năm, trao đổi với BBC Việt ngữ, một chuyên gia theo dõi cuộc Hội thảo phản biện về dự án Bauxite hôm 9/5 tại Vusta cho hay có thể lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin đang chịu những áp lực lớn để tiếp tục vận hành dự án.
Chuyên gia không muốn tiết lộ danh tính này cho rằng nội bộ của Vinancomin cũng biết về những yếu tố bất ổn và thiếu an ninh hoặc kém khả thi của dự án, nhưng do một số tác động, có thể từ cấp độ chính trị, những người chỉ đạo dự án từ tập đoàn không thể dừng các hạng mục và tiến độ dự án:
"Chúng tôi không dám bình luận về chuyện nhóm lợi ích, hay thậm chí chuyện có sự liên kết với nước ngoài đã tác động tới dự án hay không,
"Nhưng nhiều người cho rằng có thể chính bản thân các lãnh đạo tập đoàn và những người đang điều hành trực tiếp dự án đang chịu các áp lực rất lớn với chính cá nhân họ để không dừng dự án mà ngược lại còn làm theo kiểu cố đấm ăn xôi," ý kiến này cho hay.
BBC