12/5/13

Phan Bội Châu : Tân Việt Nam – Mười điều sung sướng lớn (1)

PhanBoiChau memory.JPG

Phan Bội Châu ( 1867-1940)



Nếu như mà đường sắt dài muôn dặm làm rồi thì công việc buôn bán, trong chốc lát có thể tập trung đầy đủ được; từ các đô thị thôn ấp lớn có thể nối liền và đi tới khắp mọi nơi nhanh chóng. Ngồi ung dung nơi lầu chạm chiếu hoa mà có hiệu quả như vượt núi qua sông, thật sung sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu khó nhọc kinh doanh, xây đắp thì thành sao được? Bây giờ nói đến những việc phải khó nhọc gian nan như thế sao lại chùn tay lè lưỡi? Vì chưa biết rằng sau khi đường sắt làm rồi là sướng đó thôi!

Nếu như mà lầu cao muôn trượng xây rồi thì sao trời, trăng biển bên cửa sổ ngắm như ở trong bàn tay, khí mát gió trong vờn quanh dưới gót. Ngạo nghễ nơi cửa cao ghế đá mà nhìn thấy được ba đảo năm châu, sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu phí tổn, trù hoạch, khó nhọc thì thành sao được? Bây giờ nói đến việc làm những công trình lớn lao như thế sao lại cúi đầu thất sắc? Vì chưa biết rằng sau khi lầu cao đá xây rồi là sướng đó thôi! Biết sau này có sự ngọt bùi khôn cùng, thì cái cay đắng hôm nay phải chịu đựng chỉ là cái điểm tiến tới cái ngọt bùi đó, ta nguyện nếm cái cay đắng ấy. Biết sau này có sự vui mừng khôn cùng thì cái gian lao hôm nay là cái cơ sở dẫn đến sự vui mừng đó, ta nguyện nhận cái gian lao ấy. Biết sau này có cái sự lợi khôn cùng thì cái phí tổn hôm nay là cái vật gốc dẫn đến cái lợi đó, ta nguyện dùng những phí tổn ấy.

Bây giờ tôi xin nói cùng với đồng bào rằng: muốn tạo dựng được một nước Việt Nam mới có đường sắt muôn dặm và nhà cao muôn trượng như thế thì tất phải nếm chịu những cay đắng như vậy, nhận sự gian lao như vậy, và tất cả những phí tổn như vậy. Đồng bào ta há sợ cực khổ lắm sao? Nếu quả có thế là vì chưa biết rằng nước Việt Nam ta sau khi đã duy tân rồi là rất sướng, rất vui và có lợi không lường hết được đó thôi.

Bây giờ tôi xin thưa với đồng bào rằng: nước Việt Nam mới có 10 điều sung sướng lớn như sau:

Không có cường quốc nào bảo hộ
Không có bọn quan lại hại dân
Không có người dân nào mà không được thỏa nguyện
Không có người lính nào mà không được vinh hiển
Không có loại thuế nào mà không công bằng
Không có hình pháp nào mà không thỏa đáng
Không có sự giáo dục nào mà không hoàn thiện
Không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác
Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
Không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang.

Diện tích nước ta có 25 vạn dặm vuông Anh, không phải là rộng sao? Dân số nước ta hơn 50 triệu tráng đinh [1] không phải là đông sao? Đất đai mầu mỡ phì nhiêu, sản vật dồi dào, non sông tươi đẹp, nếu đem so sánh với các nước mạnh trong năm châu không thua kém mấy ai. Thế thì sao ta lại cam chịu để cho nước Pháp bảo hộ? Than ôi! Căn tính nô lệ đã ăn sâu, thói ỷ lại quá nặng rồi! Mấy ngàn năm cam bề nội thuộc các triều Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh[2] xưng tôi tớ không còn có khí người. Giặc Pháp gian giảo, khinh ta yếu, dối ta ngu, thừa lúc con sư tử đương ngủ say mà nghiễm nhiên lấn át chủ nhà, giầy xéo con em ta, bắt cha anh ta làm kiếp trâu ngựa, lấy thành trì nước ta làm sào huyệt của chúng, moi hút máu mỡ dân ta. Thế mà chúng lại còn dám ngạo mạn công bố với thế giới rằng: nước Pháp là nước thống trị cõi Đông Dương. Chao ôi! Đồng bào ta ôi! Nước ta là nước ta, dân ta là dân ta, nước Pháp-lan-tây có gì ở đây mà trái lại chúng lại còn bảo hộ nước ta?

Từ khi người Pháp bảo hộ cho đến bây giờ, chúng nắm giữ hết thảy mọi quyền trong tay, muốn làm sống, làm chết ai cũng được. Tính mạng của muôn người nước Nam chẳng bằng một con chó Tây. Kìa những người mắt biếc xanh, râu sắc hồng, bay chẳng phải là cha anh ta, chẳng phải là thầy dạy của ta mà sao lại ngồi chồm chỗm, ỉa đái trên đầu ta? Đường đường các bậc nam nhi của nước Nam lẽ nào lại không biết xấu hổ, nhục nhã, phẫn uất giết bọn giặc được hay sao? Thân ta hãy còn thề phải dẹp bằng lớp sóng biển lớn, quyết giết chết bọn giặc ấy, để tỏ rõ khí tiết giống da vàng.

Khi đã duy tân rồi, tư cách nội trị do ta sắp đạt, quyền lợi ngoại giao tự ta nắm giữ. Sự nghiệp văn minh ngày càng tiến bộ, phạm vi thế lực ngày một mở mang. Ta sẽ có 300 vạn lục quân mạnh như cọp ngó nhìn bốn cõi; 50 vạn thủy quân dữ như cá kình thét trong biển lớn. Rồi ta phái các công sứ đi tới các nước mạnh ở Châu Âu, Châu Mỹ. Các nước mạnh như Nhật, Mỹ, Đức, Anh đều liên kết với nước Việt Nam ta, coi ta là đồng minh bậc nhất. Các nước Tiêm La [3], Ấn Độ và các nước ở quần đảo Nam Dương đều tôn nước ta làm minh chủ. Nước lớn nhất ở Châu Á là Trung Quốc cũng sẽ là nước anh em thân thiết với ta. Nước thù cũ của ta là nước Pháp-lan-tây cũng phải sợ ta, nghe theo ta và nguyện nhận sự bảo hộ của ta. Cờ nước Việt Nam ta phần phật, bay trên nóc thành Ba Lê và dung mạo nước ta lừng lẫy chói lọi ở hoàn cầu. Đến lúc ấy, người Việt Nam ta chỉ sợ không rảnh mà bảo hộ cho nước khác, lại sợ không dư sức lấy con gái nước Pháp, và sự nhục nhã vì người khác bảo hộ trước đây như là một phương thuốc hay để hoàn thành công việc duy tân đó mà thôi.

Đài kỉ niệm xây cao, muôn ngọn đuốc dẫn đường trong đêm tối. Gió tự do thổi mạnh, một luồng vui thấu tận trời xanh. Chúng ta ưu thắng đến thế, sung sướng biết chừng nào! Cái nọc độc hàng nghìn năm nay của bọn chuyên chế hại dân ấp ủ từ bên nước Thanh nhiễm sang nước ta để mà một tên độc phu [4] khống chế vài vạn kẻ dung nhân [5] làm cá thịt ức vạn dân ta. Rồi vài vạn tên dung phu lại thờ phụng một tên độc phu làm cá thịt ức vạn dân ta. Thế mà dân ta ngu muội không biết giành lấy dân quyền, không biết giữ lấy quốc mệnh, chỉ ngày đêm đem hết máu mỡ khô kiệt của mình cung đốn cho bọn độc phu và dung nhân uống nuốt. Than ôi! Thật đáng thương thay!

Khi đã duy tân rồi thì dân trí sẽ mở mang nhiều, dân khí sẽ lớn mạnh hơn, dân quyền tất phải phát đạt lớn; vận mệnh nước ta tất do toàn dân nắm giữ. Thủ đô nước ta đặt một tòa nghị viện lớn, tất cả những việc chính sự đều do công chúng quyết định. Thượng Nghị viện tất phải đợi Trung Nghị viện đồng ý. Trung Nghị viện tất phải đợi Hạ Nghị viện đồng ý. Hạ Nghị viện là nơi đa số công chúng có quyền phê chuẩn công việc của Thượng Nghị viện và Trung Nghị viện. Phàm đã là người dân nước ta, không kể sang hèn, giầu nghèo, lớn bé đều có nghĩa vụ bỏ phiếu bầu cử. Vua nên để hay nên phế, quan lại nên truất hay nên thăng, dân ta đều có quyền quyết định cả. Tất cả những tên vua bạo ngược, quan lại ô trọc không hợp với công đạo thì dân ta khi khai họp trong nghị viện cùng nhau bàn bạc quyết định thi hành trừng phạt chúng theo hiến pháp. Đến lúc ấy, bọn quan lại hại dân tất bị chôn vùi tiệt nọc mãi mãi không còn trên trời đất nữa. Đến lúc ấy, người nước ta chỉ ca múa thái bình, ngậm cơm vỗ bụng mà thôi. Ngẩng đầu thấy mặt trời, tiếng ca vui muôn năm còn vọng mãi: tiếng vỗ tay như sấm, điệu múa hay nghìn thu vẫn còn khen. Chúng ta vinh thịnh đến thế, sướng biết chừng nào!

Người Pháp cướp nước ta, khóa kín miệng ta, trói buộc chân tay ta, bịt kín tai mắt ta. Những việc như xuất bản, sách báo, hội họp luận bàn không kể ngày đêm, không kể đông hay ít, lớn hay nhỏ đều bị người Pháp áp chế ngặt nghèo. Người Pháp mà tức giận bắt ta phải coi cha làm thù; người Pháp mà ưa thích đặt chó làm vua cũng phải chịu. Ngay đến họ vua, nhà quan, kẻ giầu người giỏi nếu không được giấy của người Pháp cấp cho thì một bước cũng chẳng dám ra khỏi cửa. Không được người Pháp cấp thuế bài thì chủ nhà cũng giống như trộm cướp. Kìa những con chó Tây, ngựa Tây, vợ Tây và những kẻ bồi Tây thung dung tự do muốn nạt ai thì nạt theo ý mình so với người nước ta thật là khác biệt nhau như thiên đường, địa ngục. bất bình đẳng đến như thế, không công đạo đến như thế, hỏi nỗi oan khuất trong thế giới này còn có đâu hơn thế nữa hay không? Lẽ nào ta lại ngồi yên, không dám đứng lên mà réo muôn tiếng chuông độc lập. Đè nén cong nhiều tất phải bật thẳng, phải bẻ gãy vòng cường quyền áp chế mới thôi.

Khi đã duy tân rồi thì uy quyền nước ta, ta nắm trong tay; cái đạo của ta, ta cân nhắc. Nền văn minh rạng rỡ khắp nơi. Cửa tự do rộng mở không cùng, báo chí đầy đường, sách mới đầy ngõ. Người dân nghèo tha hồ kiện tụng, tiếng nói vang lên như sấm; kẻ văn sĩ được thả bút luận bàn chính sự. Bao nhiêu ẩn tình của chú phu xe, của người lính ngựa, của người mẹ góa, của đứa con côi, hết thảy đều đạt tới tai vua. Đến khi ấy, người nước ta yêu mến nước ta như biển lớn vô bờ mắt thu khó hết, lạ vì trời xanh sao quá thấp như chạm vào đầu. Chúng ta vẻ vang đến thế, sướng biết chừng nào!

Người nước ta khi chưa duy tân, thói dã man nhiễm đã quá thịnh, chí tiến thủ đã mất đi, tôn hư văn làm thánh làm thần, coi thực nghiệp như cỏ như rác. Từ vua cho đến quan lại xem tướng tá như con vật bỏ đi, coi ba quân khác chi chó dại, xem võ quan như vật để sai khiến chà đạp. Dân ta thì kiến thức ấu trĩ, tai mắt ngu tối, thấy người trên bỉ bác thì dưới xóm thôn cũng khinh rẻ. Khi sống làm lính chạy trước ngựa, bỏ xương chốn sa trường, khi chết làm quỷ ở ven đường, vùi danh nơi hoang vắng. Làm người lính đã vất vả nghèo hèn, phải chịu tiếng vô phúc như thế thật đáng thương thay! Đáng chán lắm thay! Đã đáng thương, đáng chán như thế thì ai muốn đi lính nữa, mà không ai muốn đi lính thì lấy ai ra giữ nước? Đến khi nước mất biết để lỗi cho ai? Than ôi! Vận mệnh một nước phần nhiều gửi gắm, trông mong ở ba quân, người lính tức là nước nhà ta vậy. người lính bị khinh rẻ đến thế, hỏi nước nhà còn tồn tại được không? Xe trước đổ gương còn soi đó, gọi to hồn người ném đá bắn tên [6]; tương lai kia hãy còn dài, đánh tiếng trống làm khí thiêng sông núi. Người lính ơi, người lính! Xin hãy xem từ nay về sau mình sẽ thế nào.

Khi đã duy tân rồi thì võ quan một đường, vua dân một thể. Nước nhà trông cậy và người lính bảo vệ, người lính được kính trọng vô cùng. Tôi cùng đồng bào cả nước đều biết rằng, nước là nước chung của tất cả mọi người thì ai ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước. Mọi người đều có trách nhiệm giữ nước thì ai ai cũng phải có nghĩa vụ vào lính. Mọi người có nghĩa vụ vào lính thì ai ai cũng phải có tấm lòng trọng người lính. Trong nước từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã là có tai có mắt, không ai là không chú trọng tới người lính. Có bút mà viết, có lưỡi để nói, không thể nào nói hết, viết hết về cái hay của người lính. Người lính khi sống làm cho quốc sĩ được mở mày, gây oai hùng trong thế giới, đến khi chết làm quốc linh, hồn phách mãi mãi trường tồn với núi sông. Người trong nước đem máu thịt của mình mà sùng phụng những người chết vì Tổ quốc là người lính, vua trong nước lên tận đàn tế mà bái chúc những người hi sinh vì Tổ quốc là người lính (ở Đông Kinh nước Nhật Bản có lập một đàn tế gọi là “Tịnh quốc Thần xã” để tế những người lính tử trận, mỗi năm hai kì Thiên Hoàng phải thân hành đến tế lễ ở đàn ấy. Sau khi duy tân rổi ta cũng sẽ lễ theo cách đó). Kho tiền công, kho chứa lúa của Nhà nước phải được dùng đề nuôi nấng vợ con người lính chết trận. Triều đình và xã hội phải bảo toàn, lo lắng đến gia đình, họ hàng những người lính chết trận. Tượng đồng nguy nga ngất trời dành riêng để đúc chân dung người lính: mộ đá nhấp nhô trên mặt đất để dành đắp cho nơi yên nghỉ của người lính. Người lính ơi! Người lính! Vinh hiển trong nước thực chẳng ai bằng, danh dự muôn đời thực chẳng hề phai. Lúc bấy giờ, người nước ta chỉ có mở mắt mà ngắm trời đất, khen ông cha ta trước từng làm người lính mở đường, quay lại nhìn thôn xóm mới buồn rằng mình phải chết già dưới cửa sổ thật là như kẻ vô duyên vậy. Chúng ta hoan hỉ đến thế, sướng biết chừng nào.

Các triều đại vua trước ở nước ta, thu thuế của dân có phần khoan nhẹ, nhưng chưa thoát khỏi chế độ chính trị dã man như:

-          Một là tệ quan lại tham lam gian trá

-          Hai là tệ cường hào tàn ác hách dịch

-          Ba là tệ hương lí lộng hành.

Trăm mối phiền nhiễu, dân không chịu nổi. Nhưng dù sao vẫn còn nhân đạo ít nhiều. Đến như người Pháp hiện nay thì coi dân ta như súc vật, trâu ngựa để buôn bán mà thôi. Xin hỏi các bậc cha anh, chú bác, con em dòng họ nước ta rằng: giặc Pháp thu dân ta mỗi người một năm phải nạp thuế công sưu hoặc 2 đồng, 3 đồng hoặc 4, 5 đồng thì so với một con trâu, con ngựa, con gà phải nạp bao nhiêu tiền hỏi có khác gì không? Than ôi! Người nước ta bị vắt kiệt đến hết cả mỡ màng, huyết mạch để cung đốn cho các ông Tây, bà đầm, chó Tây một năm biết mấy nghìn ức vạn. Tất cả vật gì có thể dùng để ăn uống được cũng đều phải có thuế. Bao nhiêu sự sinh sống gì cũng đều phải đóng thuế, bao nhiêu những nơi sinh hoạt, nơi nào cũng phải đóng thuế. Cho đến cái thân ta là do đất trời sinh thành, cha mẹ tổ tiên ta để lại: mỏi chân tay, hao tâm huyết để cung phụng, nuôi nấng bọn giặc Pháp mà rồi mỗi năm phải bỏ ra 4, 5 đồng bạc để chuộc tấm thân bảy thước của mình! Than ôi! Cái tấm thân ta! Thật chẳng bằng con trâu, con ngựa, con chó, con gà. Thật đáng thương thay! Thật đáng thương thay! Người nước ta bị giặc làm nhục đến thế mà còn không biết tự mình phấn kích lên là tại làm sao? Công sưu, thuế thân là những thứ thuế mà các nước trong địa cầu chẳng nước nào có cả, chỉ riêng có ở nước ta thôi. Người nước ta không phải gỗ, đá, đồng bùn mà sao cam chịu nhục hèn đến thế? Con thú kia khi khốn quẫn còn biết cắn mổ giương lông giương vuốt. Con sâu khi bị nhốt còn biết cách vươn mình tìm trốn thì con người phải biết tính sao đây để có ngày mở mày mở mặt?

Khi đã duy tân rồi về lâu dài phải trừ bỏ ngay những tệ phiền toái cũ kéo đến mấy triều vua trước, trước mắt phải sửa đổi, tẩy sạch hết phép chính trị hà khắc của người Pháp. Công sưu, thuế thân chẳng những không còn, mà tất cả những thứ thuế khác nữa đều phải xin nghị viện phê chuẩn. Việc thu các loại thuế, các khoản quyên tiền cứu trợ đều phải được nhân dân công nhận, coi đó là nghĩa vụ cần kíp để giúp đỡ cho công ích. Sau đó chính phủ mới được sức giấy xuống để trưng cầu ý của dân. Dân ta dù thiệt một đồng tiền, góp một hạt thóc đều vui vẻ thoải mái, xuất phát từ lòng yêu nước mà đóng góp hết sức nhiệt thành, không hề có một tí gì gọi là dã man cưỡng bức. Trời cao biển rộng ai ai cũng như thấy mình bay nhảy khôn cùng. Ngày ấm gió hòa, ai nấy đều vui vẻ, tự do nhảy múa. Chúng ta vui vẻ, có lợi đến thế, sướng biết chừng nào!

Hình luật nước ta trước kia, tay chân bị gông cùm, thân thể bị đè nén. Thân muốn động mà không dám động, miệng muốn nói mà không dám nói. Người tù khi ăn uống, thức ở so với con trâu ngựa, gà lợn không có gì khác biệt. Than ôi! Phàm đã là đồng bào ta đều là con em ta cả, ai mà không cùng chung cốt nhục với mình. Sự nhẫn nhục chịu cảnh khổ cực cũng không có lòng nào khác, việc xây dựng một đất nước, cũng đều không ngoài mục đích là được sinh ra và làm ăn trên đất nước của mình. Người nước ta ơi! Người nước ta ơi! Xin xem hình pháp sau khi duy tân.

Khi đã duy tân rồi thì trong cả nước không một người nào là không có lòng yêu nước, không một người nào là không phụng sự việc công, không một người nào là không thương yêu nhau, không một người nào là không phục tùng theo phép tắc văn minh. Như vậy, cần gì phải có những hình pháp lôi thôi nữa. Tuy nhiên, nếu không may mà có một vài người phạm tội, tất cũng phải xử lí theo khuôn khổ hình pháp văn minh. Trong thời đại duy tân, hình pháp cũng bắt chước theo các nước như Nhật Bản và Châu Á. Tại kinh đô lập ra một Viện Cảm hóa có viên tài phán ở đại học đứng ra phụ trách. Phàm những người phạm tội, lập ra cho họ một trường học riêng khiến cho họ khi vào học ở đó sẽ mở mang lương thiện, tu dưỡng tư cách của một người dân; lập một xưởng thợ riêng, khi họ vào học, tùy theo sở trường của từng người mà dạy họ các nghề ở đó để họ có đủ tư cách làm việc trong khuôn khổ cuộc sống, khiến họ không thể tái phạm lầm lỗi nữa. Lại đặt một người thẩm phán công minh, những nhà giáo hiền lành có trách nhiệm, hàng ngày vào nhà giam mà thuyết giáo những điều phải trái, khiến cho phạm nhân biết ăn năn hối cải. Đến khi hết hạn giam, họ cũng như người vô tội, mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng. Khi đương bị giam thì họ là con em thụ giáo, khi ra khỏi nhà giam thì là dân một nước cùng làm những việc hay giỏi, tự do như ngọn gió xuân thổi khắp trong ngoài có bệnh tật gì rồi cũng được mạnh khỏe. Đến lúc bấy giờ dân ta chỉ còn biết trị hóa mà không hề biết gì đến hình pháp. Đau đớn bệnh tật nhờ thuốc trời mà chữa khỏi, lòng dữ như con cọp beo, chim cú nhờ có nước thánh mà bị tiêu tán hết. Chúng ta sinh sống đến thế, sướng biết chừng nào!


Võ Văn Sạch dịch


(Còn tiếp 1 kì)

Nguồn: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam. Bản điện tử được thực hiện từ ấn bản của Cục Lưu trữ Nhà nước năm 1989, do Võ Văn Sạch dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu, tr. 19-28

-------------------------
[1] Dân số nước ta lúc đó có lẽ chỉ khoảng 25 triệu dân.

[2] Ở đây cụ Phan Bội Châu không nhắc tới nhà Thanh. Chúng tôi cũng chưa rõ vì lí do gì. Nhưng có thể do nhà Thanh chưa đặt được ách nô lệ trên nước ta, hoặc do Phan Bội Châu có ý tránh không đụng chạm đến Trung Quốc ở đó đang có nhiều người yêu nước Việt Nam hoạt động.

[3] Chỉ nước Thái Lan ngày nay

[4] Chỉ tên vua

[5] Chỉ bọn quan lại

[6] Chỉ người lính đánh thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét