25/7/13

Âm xưa



Âm Xưa


Người khắc nỗi buồn lên đá
Vàng bay quạnh gốc thông già
Người chép nỗi buồn lên giấy
Mai sau còn chút tàn phai

Người gửi nỗi buồn theo gió
Niềm xưa trĩu cánh hạc gầy
Người có khi nào qua đó
Đường xưa nay ngút ngàn xa
Bước chân ai về trước ngõ
Âm xưa buốt ngón tay ngà

Có chiếc lá vàng trong gió
Quay về tìm cội nguồn xa
Có tiếng chim nào đang hót
Hồn ai đậu trước hiên nhà ?

THD 



tranh-son-dau-thieu-nu-cua-pino-daeni_014
                                                                                   
Painting by  Pino Daeni


Ở nơi không có gió thổi qua .



File:Sonoran Desert 33.081359 n112.431507.JPG


Tặng CT


Ở nơi không có gió thổi qua .
Những cánh bướm không còn chao lượn .
Những cánh hoa  ủ rũ
Ngọn cỏ hắt  hiu .

Ở nơi không có gió thổi qua
Không còn tiếng chim hót
Mây ngừng trôi

Không còn nghe  tiếng ru hời của mẹ
gương mặt trẻ thơ
Bỗng trở nên già cỗi
Ở nơi không có  gió thổi qua
Không còn hoa cỏ mùa xuân
Không còn tiếng ve mùa hạ
Chỉ còn  mùa thu trút lá
trơ lại mùa đông
Em bé nức nở
Cô gái  xuân thì thổn thức
mẹ già cúi mặt
rưng rưng nguyện cầu

Những cánh bướm
Những cánh hoa
lá cỏ

Hãy đợi !
và đừng vội lìa đời

Ở phía chân trời
tia chớp
báo hiệu
cơn giông

Gió sẽ trở lại  !


Mặt trời sẽ mọc !
và gió
sẽ mang  đến niềm vui
cho bướm ,hoa , lá cỏ

 Bé thơ ơi
 Em gái ơi
Thôi đừng khóc

Gió sẽ  trở lại !
đem về hương sắc mùa xuân 
đem  lại nụ cười
cho bé thơ  ,  em gái

Từ  vực sâu
Hoa , cỏ sẽ mọc lên
Đón ánh mặt trời
Reo vui với gió 

Gió cũng sẽ lau khô
 dòng nước mắt
đã chảy ngược rất lâu  
vào trong  lòng Mẹ

Trần Hồ Dũng .

24/7/13

huyền ca

tranh-son-dau-thieu-nu-cua-pino-daeni_022


 huyền ca

                          Trần Hồ Dũng


Em gieo sầu chi lên cung đàn

Cho ta ngồi đây đau tình xa

Em ngân nga chi lời tơ vàng

Cho ta nghe xa như huyền ca


Lá thu còn rơi cho vai gầy 

Gió thu còn trôi cho tóc bay 

Lệ xưa còn rơi trên vai người 

Tình xưa còn in trong nắng phai 


Em như chim bay về chân trời

Tình ta nổi trôi theo ngàn mây

Nhớ em về trong ly rượu đầy

ta nghe sầu lên men ngất ngây



Tình đâu trăm năm mà ngậm ngùi 

Đời không thiên thu sao mãi đau 

Ai thương nhớ ai trông mây ngàn 

Ai ngồi khóc ai dòng sông trăng 


Ừ ! ta giờ đây thôi yêu nàng 

Ừ ! em giờ đây thôi yêu trăng 

Lòng ta hồ như bia mộ vàng 

Lòng em hồ như rêu đá xanh


T.H.D. 
                                            


22/7/13

Cuồng Từ - Nhớ TRÚC PHƯƠNG

Thứ bảy, ngày 20 tháng bảy năm 2013

Nhớ TRÚC PHƯƠNG

Trucphuong.jpg



Nhớ Trúc Phương : Một-tài-hoa-trót-sa-vũng-lầy-nhân-thế


----------------------

tiểu dẫn :
Năm 1980 , Cuồng Từ nhảy tàu chợ từ Nha Trang vào Sài Gòn , rồi xuống Xa Cảng để về Miền Tây . Xếp hàng trọn ngày mà không mua được vé xe , đêm ấy CT phải qua đêm ở Xa cảng , gặp Trúc Phương làm "Nhạc Sĩ Cái Bang" ở đây . Anh là "Bang chủ" . Bạn cũ gặp nhau xiết nỗi vui mừng . Đêm ấy , mưa to và gió lớn , chúng tôi ngồi trên manh chiếu giữa Xa Cảng và uống rượu với nhau . Trúc Phương muốn Cuồng Từ tặng anh một bài thơ để phổ nhạc . Cuồng Từ say làm bài thơ , đặt tên là : "Nhớ Trúc Phương" . Làm xong , CT đọc to một lần .Trúc Phương ôm đàn và hát bài thơ này . Bài hát rất cảm động . Sáng ra Trúc Phương lo vé xe cho Cuồng Từ ...

***

NHỚ TRÚC PHƯƠNG [*]

Ngươi ơi Ngươi ! một cánh diều
Đứt dây oan nghiệt còn yêu bầu trời
Ôm đàn đất lạ chơi vơi
Rượu say mà hát : "Thói Đời"đắng cay

Mưa hỡi cứ bay mù Xa Cảng
Cho mưa về trên đôi mắt người xưa
Mẹ già ta đã thành mây trắng
Cha đã ngàn năm lặng trống đồng

Bạn bè tứ tán từ thất trận
Người yêu túng quẫn đi lấy chồng
Trang Tử ngày xưa mà sống lại
Như ta rồi cũng khóc ròng thôi ?

[ Thời nay còn mỗi ngươi viết sách
Minh triết cho đời bỏ mặc thân ? ]

Này ngươi nhạc sĩ Cái Bang ơi !
Ôm đàn thăng trầm chơi khúc phong yên
Tay cũ gió mưa trên phím cũ
Cho ngàn tình cũ lệ đầy vơi

Trán buồn tóc rủ màu sương khói
Ngươi đàn ta hát không thanh âm
Có phải là ngươi hồn tình phụ
Một đời hát mãi tình đơn phương

Có phải ngươi ? là ngươi dại gái
Mà hát hoài câu : "thiên nhất phương"
Đời ngươi sao mãi yêu Thanh Thúy
Ảo ảnh ngày xưa nức nở hoài

Ngồi đây Xa Cảng đêm mưa vắng
Thiên hạ nhìn ta quá lạ lùng
Trời đất của riêng loài mắt trắng
Sá gì thế sự mà đau lòng

Chẳng lẽ sống đời sao hả mậy
Hao hơi làm gì với lũ bội vong ?
Ngươi ơi ! Áo rách vì thương rượu
Yêu nàng thiên kim mà vô tâm
Gió đã khắp trời lòng đắng quá
Rót đi người ạ rượu đời câm

Rồi kể ta nghe tình ngươi lận đận
Ta kể ngươi nghe tình ta hoang đường
Ta viết bài thơ tình ngươi hoạn nạn
Ngươi phổ thơ ta nhạc đoạn trường

Ngươi ơi Thánh Triết ngàn năm trước
Đã biết say là tịch mịch chưa ?
Có biết mưa là sầu vô thủy
Lánh đời giữa chợ là thượng thừa ?

Đời bỏ ta rồi đôi ngã lạnh
Trải lòng say trọn một đêm mưa .

________________________

[*] TRÚC PHƯƠNG (1939-1995) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc , quê xã Mĩ Hòa , quận Cầu Ngang , tỉnh Trà Vinh . Trúc Phươnglà nhạc sĩ trữ tình lãng mạn , viết nhạc từ cuối thập niên 50 của thế kỉ 20 , nổi danh từ những bản nhạc đầu tiên : Đò Chiều , Tình thắm duyên quê , Nửa đêm ngoài phố , Tàu đêm năm cũ ... Trúc Phương sáng tác rất đều tay .
Lối xưa, hai ca sĩ hát nhạc Trúc Phương hay nhất có lẽ là Duy Khánh và Thanh Thúy , thịnh hành ở phòng trà Đức Quỳnh ( đường Cao Thắng) là những bài : Tàu đêm năm cũ , Nửa đêm ngoài phố , Hai lối mộng ... do Thanh Thúy hát .

Sau năm 75, tất cả những bài hát của Trúc Phương không được hát trong nước , Trúc Phương sống lang thang ở Saigòn , tối về xa cảng miền Tây mướn một chiếc chiếu để ngủ .
Ngày 18-9-1995 , Nhạc sĩ Trúc Phương lặng lẽ từ biệt cõi đời , để lại gần 70 nhạc phẩm viết trước năm 75 , và một số nhạc phẩm khác , viết tặng bạn bè , chưa phổ biến .
Suốt 20 năm (75-95) TRúc Phương sống âm thầm trong nghèo khó , bi đát và cô đơn , rồi trút hơi thở cuối cùng trong căn phòng trọ tồi tàn nhỏ hẹp ở quận 11 SG , lối xóm chôn ông ở nghĩa trang Lái Thiêu .
Nhạc sĩ Trúc Phương - một tài hoa đã " TRÓT SA VŨNG LẦY NHÂN THẾ !
---------------------------------------------------------------









19/7/13

Trần Đình Sử - PHÊ BÌNH KIỂM DỊCH

Tháng 7 17, 2013
Trần Đình Sử    
Theo quan điểm của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874-1936) trong sách Sinh lí học phê bình (1922) thì phê bình chuyên nghiệp đối lập với phê bình tự phát. Phê bình tự phát là loại phê bình tự nhiên của người đọc. Đọc xong một cuốn sách hay thì vỗ đùi khen, nếu đọc cuốn sách dở, buột miệng chửi một tiếng, hay khi trà dư tửu hậu, hoặc lúc dạo chơi với bạn bè, bàn bạc mấy câu về cuốn sách nào đó… Đó là phê bình tự phát. Loại phê bình này chủ yếu là phê bằng miệng, bằng động tác, như phẩy tay, dẩu miệng… đều là tự phát cả. Sau này trong các xa lông sang trọng của các bà quý tộc, các bà mệnh phụ sau cuộc chơi bài, đàm đạo mấy cuốn sách vừa xem, đó vẫn là phê bình tự phát. Anh Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, khi nghe vợ đọc Tam quốc diễn nghĩa, đến chỗ hay, vỗ đùi đánh đét khen: “Tài thật, Tài thật. Tài đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo!”, “Tiểu thuyết thì nhất anh Tàu”. Đó cũng là phê bình tự phát. Phê bình tự phát có mọi nơi, mọi lúc, đồng hành cùng sinh hoạt văn học của con người. Dù cho phê bình chuyên nghiệp có chết hết đi thì phê bình tự phát vẫn sống. Phê bình tự phát khi thành dư luận mạnh mẽ buộc phê bình chuyên nghiệp phải nhào vô giải thích. Phê bình tự phát thường có ba nhược điểm. Một là thường nói theo, nói leo. Người đã đọc sách nhận xét đã đành, người không đọc cũng nghe rồi nói theo, bàn tán, thực ra là nói mò. Hai là phê bình tự phát dễ biến thành ý kiến nhóm, có thói quen riêng, thiếu cái nhìn toàn bộ, dễ thiên lệch. Ba là dễ chạy theo thời thượng, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế, thiếu bền vững, hôm nay vừa khen, ngày mai thấy nói khác, lại nói theo, số phận ngắn ngủi. Có một thời, sách xuất bản xong liền có cán bộ đi thu thập ý kiến bạn đọc các giới, kết quả thu được chỉ là các dư luận như thế, rất ít tính khoa học. Tất nhiên phê bình chuyên nghiệp cũng góp phần định hướng cho phê bình tự phát, giúp nó sâu sắc hơn.
Phê bình văn học phát triển đến một lúc nào đó thì nảy sinh ra sự phân công, và thế là xuất hiện các loại phê bình, trong đó có loại phê bình kiểm dịch. Nhà tư tưởng Khai sáng Pháp là Voltaire (1694–1778) có lần nói: “Chúng ta nhìn thấy, trong các nước hiện đại, khi người ta ra sức phát triển văn học thì có một số người trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp, cũng giống như người ta muốn kiểm tra các loại lợn đem ra thị trường có bệnh hay không, người ta đã thiết lập những người chuyên môn kiểm tra lưỡi lợn. Những người kiểm tra lưỡi lợn trong văn học không phát hiện được một nhà văn nào là lành mạnh cả” (Sách đã dẫn của Thibaudet, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, năm 2002, tiếng Trung, tr. 74). Xin chú ý mấy chữ này của Voltaire: phê bình kiểm dịch trong văn học không phát hiện được ai là lành mạnh cả. Nó là nghề phát hiện bệnh của văn học. Như thế, có thể coi nhà phê bình chuyên nghiệp đầu tiên là người có chức năng giống như nhân viên thú y kiểm dịch ngoài chợ, thấy có bệnh thì kêu lên, để mọi người tránh xa, không mua hàng đó. Cứ theo chức năng ấy thì nhà phê bình chuyên nghiệp kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến Đức Khổng Tử bên Tàu. Khổng Tử đã lựa hàng vạn bài ca dao, dân ca của các nước trong lãnh thổ Trung Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí “tư vô tà”, tức là tư tưởng không có gì sai trái, lệch lạc, đồi trụy, có thể lưu hành. Còn các bài khác “có tà” đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết. Nhưng Khổng Tử là nhà kiểm dịch lỗi lạc, bởi trong tư tưởng của ông, lấy ngôn chí, tải đạo làm gốc, có sự thống nhất giữa mĩ và thiện, chấp nhận thi ca có thể hứng, quan, quần, oán, văn chất thống nhất với nhau, cho nên 305 bài vẫn bao hàm đủ các tác phẩm xuất sắc, đa dạng. Platon, người Hi Lạp (427– 327), sống sau Khổng Tử 100 năm (552-479) cũng là nhà phê bình kiểm dịch. Nhưng khác với Khổng Tử, Platon quá cực đoan, ông coi thi ca (văn học) đều là ôn dịch, nên ông đuổi tất ra khỏi nước Cộng hòa lí tưởng của ông.
Nhìn theo lịch sử như vậy ta sẽ thấy từ khởi thủy phê bình chuyên nghiệp, phân biệt với phê bình tự phát, trước hết là loại phê bình kiểm dịch mà Voltaire đã nói. Nhưng phê bình kiểm dịch đời sau ngày một kém. Nó chỉ quan tâm tới sự lành mạnh của văn học theo tiêu chí hình thức, hay tiêu chí đạo đức hay chính trị quốc gia, mà không hề quan tâm đến giá trị nghệ thuật đích thực. Các nhà quản lí quốc gia bao giờ cũng ưu tiên phát triển loại phê bình kiểm dịch này.
Theo Thibaudet, thế kỉ XVII Tể tướng của vua Louis XIII là Richelieu đã đem phê bình kiểm dịch áp đặt cho Viện Hàn lâm Pháp. Bất đắc dĩ Viện Hàn lâm Pháp phải chấp nhận, nhưng cũng chỉ sử dụng có một lần duy nhất rồi thôi. Phê bình kiểm dịch Pháp chỉ đơn giản là đem tác phẩm văn học ra đối chiếu với các quy phạm thể loại, tuy nó thấy tác phẩm nào cũng không hợp chuẩn, nhưng văn học “lệch chuẩn” không bị nó đem ra đốt, văn sĩ không mấy người bị đem đi chôn. Sau thế kỉ XVII phê bình chuyên nghiệp châu Âu chuyển sang phê bình học thuật và hàn lâm, phê bình kiểm dịch tất nhiên vẫn còn, nhưng nói chung không còn trở ngại cho các công trình nghiên cứu học thuật.
Ở Trung Quốc xưa kia phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng phát hiện các vụ án văn tự ngục khiến bao nhiêu văn sĩ rơi đầu. Đó là lối đọc văn cắt xén, suy diễn để quy tội phản lại triều đình, phản loạn, nhằm khép đối tượng vào tội chết. Vụ án văn tự ngục đầu tiên của Trung Quốc xảy ra vào thời Chiến Quốc, quyền thần nước Tề gian ác, giết vua, sử quan ghi đúng sự thật, bị khép vào tội chết, đem chém đầu. Suốt lịch sử Trung Quốc, đã có hàng chục vạn người chết vì văn tự ngục. Riêng đời Thanh văn tự ngục giết chết 200 người, liên lụy trên ba nghìn người. Thời phong kiến nước ta cũng thế. Trong các cuộc đấu tranh tư tưởng ở Trung Quốc suốt thời kì Mao Trạch Đông thống trị, đến Cách mạng Văn hóa, phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng chỉ ra đâu là dấu hiệu của tư tưởng phong kiến, đế quốc, tư sản, xét lại, đồi trụy, chống Đảng, chỉ ra ai là kẻ thù, đẩy hàng chục vạn người đi lao động cải tạo, bức hại, nhiều người tự tử. Diêu Văn Nguyên, một trong lũ bốn tên, là nhà phê bình kiểm dịch khét tiếng nhất, gian ác nhất. Chu Dương suốt đời trung thành với Mao, thế mà cuối cùng bị Diêu Văn Nguyên tố cáo chống lại tư tưởng của Mao, phải đi lao động trong chuồng lợn. Ở nước ta, trong thời kì bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình chuyên nghiệp cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch, chỉ ra các biểu hiện tư sản, phản động, đồi trụy, xét lại, bôi đen chế độ… Ở nhiều giai đoạn, loại phê bình kiểm dịch này cũng thịnh hành ở nước ta. Thế cho nên, hàng loạt tác phẩm, ví như Vào đời, Sắp cưới, Mùa hoa dẻ, Sương tan, Phá vây, Chuyện kể năm 2000, Miền hoang tưởng, Cây táo ông Lành, Sẹo đất, Vòng trắng, từng bị phê bình chuyên nghiệp phanh phui, lên án, xem đó là những tác phẩm “có vấn đề”, dù sau này nhìn lại hầu như chẳng có vấn đề tư tưởng quan trọng nào cả. Lấy tác phẩm Vào đời (1963) của Hà Minh Tuân làm ví dụ. Người đầu tiên “có công” phát hiện Vào đời “có vấn đề” là Nguyễn Phan Ngọc, người kết luận nặng nề nhất là Hồng Chương, giữa thời gian đó, theo thông tin trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 3–1963, trong hơn một tháng đã có 43 bài phê bình lớn nhỏ đăng trên hầu hết các báoNhân dânQuân đội Nhân dânTiền phongCứu quốcThống nhấtĐộc lậpThủ đô Hà Nội.., hầu hết đều ghi tên biệt hiệu, không ghi tên thật. Kết quả là Hà Minh Tuân bị cách chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, điều chuyển sang Bộ Thủy sản, làm chuyên viên cá nước lợ, mãi đến năm 90 ông mới đuợc phục hồi.
Các dẫn chứng nói trên cho thấy, phê bình kiểm dịch có lịch sử lâu đời và có chức năng đảm bảo cho văn học được lành mạnh theo quan điểm nhà nước. Ngày nay ở Trung Quốc phê bình kiểm dịch cũng thịnh hành. Các tác phẩm như Phế đô, Báu vật của đời, Búp bê Thượng Hải,… đều bị cấm, nhưng Báu vật của đời lại được Giải Nobel. Điều này cho thấy phê bình kiểm dịch tuy có tính chuyên nghiệp, đúng hơn là tính nghiệp vụ, song chất lượng thực tế có nhiều vấn đề đáng bàn, có những sai sót và nhiều khi gây hậu quả không thể sửa chữa được. Phê bình kiểm dịch thường có mấy đặc điểm chung như sau:
Thứ nhất: Vì văn học là hiện tượng phức tạp, nên phê bình kiểm dịch không thể làm thí nghiệm, khó tìm được những tiêu chí khách quan để kiểm dịch văn học giống như bác sĩ thú y kiểm dịch lưỡi lợn ngoài chợ. Nguyên tắc “phương pháp luận” mà phê bình kiểm dịch thường dựa vào để phát hiện “dịch bệnh” là cắt xén, suy diễn, quy chụp, cốt rút ra cho được cái mục tiêu tư tưởng của mình.
Thứ hai: Phê bình kiểm dịch thường tố lên tác hại nghiêm trọng của ổ dịch, kích động xã hội cảnh giác, gieo rắc niềm lo lắng sợ hãi, gây không khí bất an trong đời sống xã hội.
Thứ ba: Sau khi phát hiện ổ bệnh trong văn học, các nhà phê bình kiểm dịch rất hồ hởi, tự hào về công lao phát hiện luận điệu sai trái, chỉ tên kẻ thù địch trong nội bộ để xử lí. Đặc biệt không mảy may quan tâm số phận những người hữu quan. Hình như, đã là kẻ thù của chế độ thì còn tiếc thương gì nữa?! Đối với họ văn học chỉ có một nghĩa là nghĩa xấu, các nghĩa khác đều bị giản lược.
Nhưng nhìn lại sản phẩm phát hiện của các vụ kiểm dịch om sòm trên văn đàn, ví như những bài báo của các tác giả thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm, hoặc các bài báo của Trương Tửu, hay tác phẩm Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không hiểu họ chống Đảng, đồi trụy ở chỗ nào?
Phê bình kiểm dịch là một tồn tại khách quan. Nó cũng là phê bình chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch này. Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực.
Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học.
17–7–2013