31/7/13

VÀNG PHAI






VÀNG PHAI

                                           tranhodung 



người nhặt chút tàn phai

ép vào trang thư cũ

mai này không gặp nhau

hương xưa 

còn đọng lại



người nhặt chút   tro tàn

thả vào lòng biển cả

mai này không còn nhau

còn biển khơi 

sóng vỗ


tranhodung .washington.usa.2012 . 

Hoa Kỳ Dung Tam Tế

July 30, 2013



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Đừng Bị Ù Tai Vì Nhiễu Âm - Nên Nhìn Vào Thực Tế Kinh Tế Quốc Tế.... 

* Hoa Kỳ vẫn phục hồi trước các nước *  



Từ vài tháng qua, người ta bắt được nhiều tín hiệu trái ngược về tình hình kinh tế toàn cầu sau năm năm chấn động. 

Trong các nền kinh tế công nghiệp hoá, Hoa Kỳ đã phục hồi nhanh nhất. Âu Châu chưa ra khỏi cơn khủng hoảng và Nhật Bản mới bắt đầu áp dụng những giải pháp cải tổ táo bạo để đẩy lui làn sóng suy trầm. Ngoài thế giới công nghiệp hóa, nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới là Trung Quốc cũng khởi sự cải cách và có đà tăng trưởng thấp hơn. Rốt cuộc, kịch bản "Tầu vượt Mỹ" chỉ là ảo vọng....

Giữa khung cảnh đó, vụ thành phố Detroit bị vỡ nợ vì thu vào không đủ cho gánh nợ hơn 18 tỷ, trong đó phân nửa là nghĩa vụ về hưu bổng và y tế phải chi ra mà chẳng có nguồn thu. Đã vậy, hôm 24, Tổng thống Barack Obama lại mở chiến dịch vận động dư luận cấp cứu kinh tế với lối giải thích kỳ lạ về nguyên do của Tổng suy trầm và hậu quả cho giới trung lưu.

Tức là kinh tế Hoa Kỳ chưa phục hồi?

Hôm Thứ Hai 29, đến lượt một chuyên gia cao cấp của Bắc Kinh đả kích lập luận bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Justin Lin (Lâm Nghị Phu) là người có thẩm quyền: từ Đài Loan đào thoát qua Hoa lục năm 1929, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Chicago để là viên chức ngân hàng Trung Quốc, rồi qua làm Phó Chủ tịch và Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới từ 2008 đến năm ngoái, trước khi về làm cố vấn kinh tế cho lãnh đạo Bắc Kinh.

Nghĩa là kinh tế Trung Quốc chưa đến nỗi nào?

Bài viết này không đề cập đến chuyện "kinh tế cũng là chính trị" – xin để tuần sau! – mà cố trình bày những nguyên nhân sâu xa hơn, khiến Hoa Kỳ đã phục hồi sớm nhất trong các khối kinh tế lớn của thế giới. May ra, ta khỏi bị hiểu lầm về những lý luận hàm hồ của các chính khách.


***


Trước hết, thế giới trôi vào khủng hoảng tài chánh rồi suy trầm từ năm 2008 vì lý do chính là vay mượn quá nhiều sau khi tiêu thụ quá mức tiết kiệm. Nói đến điều ấy, ai cũng có thể nghĩ Hoa Kỳ là thủ phạm vì tiêu thụ chiếm đến 72% của Tổng sản lượng, trong khi các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc, đã có mức tiết kiệm rất cao và nhờ vậy mà có tiền cho Mỹ vay để duy trì một thất quân bình quá lớn và quá lâu, đến vài chục năm.

Trong hoàn cảnh đó mà bảo Hoa Kỳ hồi phục sớm nhất là một nghịch lý nhuốm mùi "phục Mỹ"....

Thật ra, trong sự vận hành của kinh tế toàn cầu với tác động tương hằng từ xứ này qua xứ khác, lời phê phán đạo đức chỉ là trò chính trị. Thí dụ như dân Đức hy sinh tiết kiệm cho dân Hy Lạp tiêu xài quá mức nên mới gây khủng hoảng trong khối Euro. Hoặc Bắc Kinh thắt lưng buộc bụng người dân để lấy dự trữ ngoại tệ rất cao cho Mỹ vay nhằm gây sức ép với Hoa Kỳ... Truyện ngụ ngôn con ve sầu ca hát và tiêu hoang nên mắc nợ con kiến chắt bóp tiết kiệm chỉ là... truyện. Sự thật lại đơn giản như một bản kế toán. 

Xin lỗi quý độc giả về chuyện khó hiểu này!

Quốc gia nào cũng có hai sinh hoạt là sản xuất và tiêu thụ. Khi sản xuất nhiều hơn tiêu thụ thì được một khoản dư dôi là tiết kiệm. Nếu tiết kiệm nhiều hơn số đầu tư thì được thặng dư trong cán cân chi phó hay trương mục vãng lai. Số thặng dư phải được đầu tư ra ngoài, tức là xuất cảng tiền tiết kiệm, hay xuất cảng tư bản. Ngược lại, nếu tiết kiệm nội địa ít hơn đầu tư thì phải nhập cảng tiết kiệm, hay tiếp nhận đầu tư của nước ngoài. Theo định nghĩa kế toán, trương mục vãng lai và trương mục đầu tư phải cân bằng, với kết số bằng số không. Thâm hụt trương mục vãng lai phải được bù đắp bằng tư bản nhập nội.

Từ khái niệm trừu tượng đó, xin nhớ thêm rằng xuất cảng tư bản có nghĩa là nhập cảng số cầu từ nước khác. Vì vậy, khối tiết kiệm và tiêu thụ mới ảnh hưởng đến ngoại thương, xuất nhập cảng. Chính sách ngoại thương là kết quả của tình trạng chi thu, tiêu thụ và tiết kiệm bên trong. Và các nước muốn can thiệp vào ngoại thương để nâng xuất cảng và giảm nhập cảng thì có thể nghĩ đến giải pháp hối đoái, như phá giá để dễ hàng bán ra với giá rẻ hơn và giảm số nhập cảng vì giá đắt hơn. Những biện pháp can thiệp này tác động ngược vào số tiêu thụ và tiết kiệm nội địa....

Sau mấy trăm chữ về một chuyện khó hiểu, xin trở lại vấn đề chính là sức tiết kiệm của từng nước. Dĩ nhiên là nó tùy vào nếp văn hóa, tâm lý bi quan hay lạc quan về tương lai, mà cũng lệ thuộc vào chánh sách kinh tế hay những ràng buộc về tổ chức, với chỉ dấu tổng hợp là mức tiêu thụ so với Tổng sản lượng.

Mức trung bình của nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu là ở trên 50% Tổng sản lượng GDP. Hoa Kỳ có số tiêu thụ quá cao (tiết kiệm quá thấp), bằng 70-72%. Trung Quốc thì ngược lại, với số tiêu thụ chỉ bằng 35-37% Tổng sản lượng.

Yếu tố quan trọng nhất là các khối kinh tế này không biệt lập mà tác động vào nhau. Việc Mỹ phải nâng mức tiết kiệm (giảm mức tiêu thụ) lại liên hệ với việc Trung Quốc phải tăng mức tiêu thụ. Sợi dây chuyển lực giữa hai nhu cầu này là ngoại thương, và gián tiếp hơn, là hối suất đồng bạc.

Nhưng việc điều chỉnh còn tùy thuộc vào tình trạng khép mở, tự do nhiều hay ít, của hai nước.

Hoa Kỳ trôi vào khủng hoảng vì nợ cao, tiết kiệm thấp do nhiều yếu tố tâm lý (lạc quan) hay chính trị, thậm chí sự hao tốn cho chiến tranh. Yếu tố quan trọng là vì có nền kinh tế mở nhất, với cơ chế linh động nhất: thế giới càng tiết kiệm nhiều dân Mỹ càng tiêu thụ mạnh và tiết kiệm của thiên hạ tràn vào Mỹ càng tạo ra thịnh vượng và hiệu ứng là tâm lý phồn vinh... giả tạo.

Năm năm qua, Hoa Kỳ đụng đáy sớm nhất, dân chúng bóp bụng trả nợ, doanh nghiệp gia tăng tiết kiệm và đang xây dựng lại một nền móng quân bình hơn. Mức độ tự do của cơ chế khiến nuớc Mỹ ứng phó nhanh nhất. Nhưng trình độ dân chủ của chính trị cũng khiến các chính trị gia phát biểu lung tung để kiếm phiếu và gây ra ấn tượng sa sút của Hoa Kỳ.

Ngược lại, Trung Quốc trì hoãn nhu cầu cải cách mức tiêu thụ quá thấp được thấy từ 10 năm trước, tới khi Tổng suy trầm xuất hiện năm 2008 lại còn thổi lên một núi nợ khổng lồ. Nếu trong 10 năm tới, xứ này cần nâng mức tiêu thụ từ 35% lên 50% để có cơ cấu quân bình hơn thì vừa phải đạt mức tăng trưởng hơn 10% một năm vừa tái phối trí tài nguyên từ khu vực nhà nước qua các hộ gia đình. Là điều bất khả về chính trị vì thế lực của đảng viên và cán bộ nhà nước. Do tình trạng bất khả này, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn ở khoảng 3-4% một năm.

Vì vậy 10 năm tới là 10 năm thoái trào của Trung Quốc và sự tái xuất hiện của siêu cường Hoa Kỳ mà nhiều người cứ tiên đoán là đang đi vào tiêu vong!


_____________________

Chỉ có tại Hoa Kỳ

Một học khu tại tiểu bang Indiana cho biết là năm ngoái đã tốn 300 ngàn đô la thực phẩm mà làm học sinh bị đói. Chỉ vì học khu Carmel Clay áp dụng sáng kiến của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama là cung cấp bữa trưa lành mạnh hơn cho học sinh, họ tốn tiền mua rau cỏ trái cây mà chẳng ai muốn ăn nên cuối cùng thì vào thùng rác. Bà Giám đốc chương trình thực phẩm là Linda Wireman còn cho biết học sinh than phiền rằng chúng về nhà với bụng rỗng. Chủ quan duy ý chí của nhà nước để đẹp lòng lãnh đạo?

Source : Nguyễn-Xuân Nghĩa - Báo  Người Việt  / Dainamax 

30/7/13

NGUYÊN NGỌC: TRƯỜNG PHÁI MỚI PHẢI XUẤT HIỆN TỪ BÊN LỀ

  

Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: ĐTH
Nhà văn Nguyên Ngọc – Ảnh: ĐTH
NTT  :  Nhà văn Nguyên Ngọc là nhà quản lý văn nghệ với tư tưởng cấp tiến và cũng giàu kinh nghiệm… “thất bại”, nên ông thường nhìn ra những “lỗ hổng chết người” mà giới văn nghệ và quản lý văn nghệ thường vướng víu. Với bài viết “Hy vọng gì…” ngắn gọn và súc tích từ câu chuyện “luận văn Nhã Thuyên” nghiên cứu về nhóm “Mở miệng” bị báo chí chính thống “ném đá” qui kết “quan điểm lập trường”, ông đã chỉ ra cái ”lỗ hổng chết người” đang có thể lặp lại với văn nghệ nước nhà. 
Có thể nói, sự ra đời nhóm “Mở miệng” xuất phát từ sự bức xúc văn học và xã hội, muốn cất lên một tiếng nói diễu nhại như một phản biện về dân chủ và tự do văn chương đương thời. Theo tôi hiểu thì đó là một sự “phá bĩnh dễ thương” của một nhóm người trẻ khiến người ta phải chú ý, khó chịu và sờ lại gáy mình. Họ muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội, kể cả sự dám vượt qua “húy kỵ”, đả phá cả những giá trị đã và đang tồn tại. Vì thế, tuyên ngôn của họ là “Chúng tôi không làm thơ”. Với lời tuyên ngôn đó, ta biết chủ đích của họ không phải là “làm thơ” mà muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội. Họ là một “nhóm bên lề”, chưa tạo ra được một trường phái văn chương, nhưng họ kêu gọi văn chương phải có những trường phái mới. 
Tôi tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc: “Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề”. Nhưng đọc xong bài viết này, tôi cũng nghe từ ông một tiếng thở dài ngao ngán...
Xin giới thiệu cùng bạn bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc:

( Nguyen Trong Tao ) 

---------------------------------------

NGUYÊN NGỌC: HY VỌNG GÌ…


Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.
Tôi xin kể một chuyện:
Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới …
Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết … Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không? …
Tôi quen anh Độ đã lâu, từ hồi anh còn làm Chính ủy Quân Khu Đồng bằng, biết anh là một người rất tốt, yêu văn nghệ và quý trọng văn nghệ sĩ …, nhưng cũng chắc đến thế thôi, anh có được học hành, đào tạo gì gọi là cơ bản và hệ thống về chuyện này đâu. Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế.
Chúng tôi thân nhau từ đấy, tâm huyết.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?
Nhắc lại chyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao …
Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề.
Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả. Trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyên Văn Linh với văn nghệ sĩ cách đây mấy mươi năm, anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu chấn động, anh bảo Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Có người cho là giận mà nói quá. Nay với cái hội đồng vừa kể có người đứng đầu như vừa nói, lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ
Đỉnh cao với đỉnh thấp, hy vọng gì nữa.
N.N.

Source : Blog  nguyentrongtao

Việt Nam và Mỹ



29.07.2013

Việt Nam và Mỹ

bởi Nguyễn Hưng Quốc

Nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Mỹ trong mấy ngày cuối tháng 7 vừa qua, thử nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh ngay là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được xây dựng trên một nền tảng khá bất bình thường: sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài; và, có lẽ, do ảnh hưởng của nền tảng ấy, nó phát triển khá chậm: Đã 38 năm sau chiến tranh, 18 năm sau ngày bình thường hóa ngoại giao và 16 năm kể từ ngày Tòa Đại sứ Mỹ mở cửa tại Hà Nội, quan hệ giữa hai nước tuy càng ngày càng được mở rộng nhưng nó lại không có chiều sâu gì đặc biệt như hai bên – hoặc ít nhất một số người ở cả hai bên – mong muốn.

Mục đích chuyến đi của Trương Tấn Sang ở Mỹ là để “nâng cấp quan hệ” với Mỹ. Trong các phát biểu đây đó, Trương Tấn Sang luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam xem Mỹ là “đối tác quan trọng hàng đầu”, một “đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Trong thông báo chung, phía Việt Nam và Mỹ còn dùng chữ “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership).

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, cho chuyến đi của Trương Tấn Sang đượctổ chức một cách vội vã, “chỉ có hai tuần lễ để chuẩn bị”, một thời gian ngắn bất thường trong quan hệ quốc tế. Sự “vội vã” ấy có lẽ xuất phát từ chuyến đi thăm Trung Quốc của Trương Tấn Sang vào giữa tháng 6 vừa qua, ở đó, Trương Tấn Sang và Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam nhận thấy nhu cầu đến gần Mỹ trở thành khẩn thiết hơn.

Nói cách khác, Việt Nam cần Mỹ để cân bằng lực lượng với Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắn tiếng trong bài phát biểu khai mạc trong cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 31/5/2013: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. […] Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương.”

Đó cũng chính là điều Mỹ đang cần. Trong chiến lược trở lại châu Á để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ rất cần đồng minh trong khu vực. Hiện nay, họ đã có một số đồng minh chiến lược rất đáng tin cậy: Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Úc. Để vòng vây thực sự được thắt chặt, họ cần thêm những đồng minh khác nữa: các nước Đông Nam Á. Trong các nước Đông Nam Á, nước có vị trí quan trọng nhất chính là Việt Nam, nước có biên giới chung với Trung Quốc, hơn nữa, đó cũng là nước có vùng biển đang bị Trung Quốc dòm ngó nhiều nhất.

Trong quan hệ quốc tế, sự gặp gỡ của một nhu cầu chung là yếu tố quan trọng nhất để nối kết hai quốc gia lại với nhau. Người ta hay nói, để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với một nước nào đó, với Mỹ, có ba trụ cột chính: Một, những lợi ích về chiến lược; hai, những lợi ích về kinh tế; và ba, vấn đề nhân quyền hay những giá trị mà Mỹ muốn cổ vũ. Dư luận hay chú ý đến yếu tố thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế, một điều hầu như ai cũng biết là Mỹ, cũng như bất cứ quốc gia dân chủ và lớn mạnh nào khác ở Tây phương, rất sẵn sàng bỏ qua yếu tố nhân quyền vì những lợi ích về kinh tế cũng như về chính trị của họ. Lâu nay, ai cũng lên án Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, nhưng hầu như nước nào cũng bang giao và làm ăn với Trung Quốc. Với Saudi Arabia, Equatorial Guinea, Uzbekistan, Turkmenistan… Mỹ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ dù tất cả đều là những quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Việt Nam sẽ được hưởng những sự “ưu đãi” tương tự như vậy chăng?

Có thể. Trong cuộc họp giữa Trương Tấn Sang và Barack Obama ngày 25/7 vừa qua, có lẽ Tổng thống Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề nhân quyền một cách nhẹ nhàng dù ông thừa biết trong nửa đầu năm 2013, Việt Nam bắt bớ những người bất đồng chính kiến nhiều hơn hẳn trong cả năm 2012 trước đó. Trong số những người bị gọi là bất đồng chính kiến ấy, có nhiều blogger và những người hoạt động tôn giáo với chủ trương bất bạo động; hơn nữa, cái gọi là “bất đồng” ấy chủ yếu chỉ tập trung trong quan hệ đối với Trung Quốc.

Nhưng được đề cập một cách nhẹ nhàng không có nghĩa là vấn đề không còn sức nặng gì nữa. Thứ nhất là tuy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở về với châu Á của Mỹ nhưng đó không phải là một vai trò không thể thay thế. Thứ hai, chính phủ Mỹ chịu khá nhiều áp lực từ dư luận để không thể thản nhiên gạt bỏ các yêu sách về nhân quyền đối với Việt Nam. Những áp lực ấy đến một phần, thậm chí, phần nhỏ, từ cộng đồng người Việt ở Mỹ; phần khác, quan trọng hơn, từ chính dân chúng Mỹ, những người vẫn còn bị ám ảnh nhiều với chiến tranh Việt Nam trước đây. Chính ký ức chiến tranh này là một yếu tố khiến chính phủ Mỹ không thể bất chấp dư luận được.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất quyết định quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nằm ở chỗ khác: Sự tin cậy. Có thể nói ngay: hiện nay hầu như không ai tin ai cả. Việt Nam cần Mỹ nhưng vẫn không tin Mỹ và cũng không muốn Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam. Lý do đơn giản: từ phía giới cầm quyền Việt Nam, tất cả các ảnh hưởng đến từ Mỹ, vốn gắn liền với xu hướng dân chủ hóa, đều là những đe dọa đối với sự độc quyền và độc tài của họ. Dân chúng Việt Nam, từ lâu, đã khái quát điều đó bằng nhận định: “Đi với Mỹ thì mất đảng”. Còn Mỹ thì dĩ nhiên cũng không tin gì Việt Nam.

Ký ức chiến tranh là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là sự khuất phục của Việt Nam đối với Trung Quốc. Từ các lời phát biểu đến cách hành xử, kể cả những sự đàn áp dân chúng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đều gợi lên ấn tượng là với Việt Nam, sự lựa chọn đã rất rõ ràng: một mực đi theo Trung Quốc và sẵn sàng nhân nhượng Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các nước khác, kể cả Mỹ, để cò kè trả giá cho sự nhân nhượng ấy mà thôi.

Không thể có quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược nào được xây dựng trên nền tảng những sự nghi ngờ như vậy cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


29/7/13

ĐẶNG DUNG - Cảm hoài

ĐẶNG DUNG - Cảm hoài



Nguyên tác chữ Hán :

感懷
世事悠悠奈老何
無窮天地入酣歌
時來屠釣成功易
運去英 雄飲恨多
致主有懷扶地軸
洗兵無路挽天河
國讎未報頭先白
幾度龍泉戴月磨



Phiên âm Hán Việt

Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền  đới nguyệt ma.

-----------------------------------------
Bản chép khác: Thế lộ (câu 1), Nhập thù ca (câu 2), Sự khứ (câu 4), Trí chúa hữu tâm (câu 5), vị phục (câu 7).

Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.


----------------------------

( Bản dịch của Trần Hồ Dũng ) :

CẢM HOÀI


ĐẶNG DUNG

Thế sự mang mang , sao vội già  ?

Mênh mông trời đất trận cuồng ca

Gặp thời , bần tiện thành công dễ

Lỡ vận , anh hùng nuốt hận cay

Dốc lòng thờ chúa mong xoay đất

Rửa binh khó kéo được sông trời

Thù nước chưa đền đầu vội bạc

 bao phen dưới nguyệt  tuốt gươm mài  !


25/7/13

Âm xưa



Âm Xưa


Người khắc nỗi buồn lên đá
Vàng bay quạnh gốc thông già
Người chép nỗi buồn lên giấy
Mai sau còn chút tàn phai

Người gửi nỗi buồn theo gió
Niềm xưa trĩu cánh hạc gầy
Người có khi nào qua đó
Đường xưa nay ngút ngàn xa
Bước chân ai về trước ngõ
Âm xưa buốt ngón tay ngà

Có chiếc lá vàng trong gió
Quay về tìm cội nguồn xa
Có tiếng chim nào đang hót
Hồn ai đậu trước hiên nhà ?

THD 



tranh-son-dau-thieu-nu-cua-pino-daeni_014
                                                                                   
Painting by  Pino Daeni