13/8/13

lục bát rời





tìm nhau 

tự thuở ngàn xưa
 


thấy nhau 

trong ngọn gió đùa 

nghìn sau
 


tìm  nhau 

trong  phút linh cầu
 


thấy nhau  

nơi giọt sương 

đầu nụ hoat

trần hồ dũng. 

12/8/13

Phù vân

THD

Phù vân

Tôi về tìm lại tôi xưa 
Tìm tôi nơi chốn em vừa lãng quên
Nghe trong chiều xuống êm đềm
Chút hương ngày cũ rơi miền tóc sương 
Người một phương , ta một phương 
Tìm nhau chỉ thấy một đường thiên thu
Mai đây trong chốn sa mù
hương xưa còn đọng cánh phù vân trôi


Tranhodung. Washington. USA

11/8/13

Lê Hiếu Đằng - SUY NGHĨ TRONG NHỮNG NGÀY NẰM BỊNH...

Thứ hai, ngày 12 tháng tám năm 2013

   
Lê Hiếu Đằng 

Lời dẫn của Nguyễn Huệ ChiThời gian vừa qua, có dịp vào Sài Gòn, được tin ông Lê Hiếu Đằng phải cấp cứu ở BV Bình dân, tôi và bạn bè đã đến thăm ông. Chúng tôi nhìn nhau khôn xiết bồi hồi. Sờ bàn chân ông thấy có hiện tượng phù nhẹ, nhưng trông khuôn mặt thì vẫn rất linh lợi, nhất là ánh mắt sáng láng, vẫn ngời lên cái khát vọng tha thiết về tương lai dân chủ hóa cho đất nước. Vài ngày sau tôi nhận được điện của ông, giọng rõ từng tiếng: “Thưa anh HC, tôi đã ra viện, đã trở về với đội ngũ. Sẽ sớm có bài viết tính sổ đời mình gửi đến anh”. Bồi hồi sung sướng, tôi vâng lên một tiếng thật to ở đầu dây bên này, và từ đó cứ chờ đợi bài ông.

Thì hôm nay, bỗng nhận được bài viết dưới đây trong e-mail với lời gửi gắm kèm thêm nói qua điện thoại: “Anh sửa chính tả thật kỹ giúp tôi, bởi đối với một người vừa qua cơn bệnh hiểm nghèo có thể viết còn nhiều lỗi. Nhưng toàn bộ những ý tưởng trong bài là của tôi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Tôi xin vâng theo lời ông. Chợt nhớ tới câu châm ngôn mà chính nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã từng nhắc: “Nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện”. Người bạn của tôi trong những ngày vừa qua cũng coi như đã một lần xáp mặt với cái chết và may mắn giải thoát khỏi nó, nên những lời ông nói ra là tất cả những gì tâm huyết ông muốn gửi gắm cho đồng bạn và cho lớp trẻ đang tiếp bước mình. Những lời vừa có tính chất ôn lại chuyện cũ để chiêm nghiệm sự đời cho sâu chín hơn, đồng thời cũng là sự kết đọng trong nó một lời tuyên ngôn chắc nịch về con đường nhất thiết phải đi để đưa dân tộc thoát khỏi số phận một chàng Sisyphe suốt đời phải đẩy khối đá khổng lồ chồng trên lưng mình như một định mệnh – mà một thời vẫn cứ mê muội ngỡ đó là trách nhiệm và vinh quang do lịch sử giao phó “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa” – nhưng ở thời điểm hiện tại thì sự quá tải trên mọi phương diện của một cái ách cực kỳ phi lý hầu như bất kỳ ai cũng cảm nhận được rõ ràng. Và câu nói âm thầm từ muôn miệng hình như đang cùng muốn thốt lên: Hãy hất nó xuống khe vực để đứng thẳng dậy, sánh bước cùng nhân loại văn minh.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nguyễn Huệ Chi

 
 
 
Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả. Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần và qua ti vi xem các chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc, Myanma (Miến Điện) lại càng giục giã tôi viết những dòng này. Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH ở Miền Bắc, một xã hội không có bóng người. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có những nghi thức cao nhất của một nguyên thủ quốc gia hay chuyến đi thăm Hàn Quốc, Myanma của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nếu đem so sánh các chuyến đi thăm Trung Quốc của các vị thì không khí hoàn toàn khác nhau. Một bên thì khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng, một bên là không khí cởi mở, vui vẻ bình đẳng. Không biết các nhà lãnh đạo của ĐCS Việt Nam với lòng tự trọng dân tộc có “mở mắt” thấy điều đó không? Hẳn nhiên chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ làm nhiều điều tích cực hơn bởi vì công bằng mà nói anh không thể “mở lòng” với một nước mà thái độ không rõ ràng, bất nhất.

Tất cả tình cảm của gia đình và bạn bè trong nước cũng như ở nước ngoài làm tôi suy nghĩ miên man trong lúc nằm bịnh càng khẳng định với tôi một điều: con đường mà tôi cùng nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ của đất nước. Tôi ngày càng hiểu sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” không có nghĩa như ngày nay người ta thường dùng mà là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng, thậm chí điều đau khổ, bi thảm nhất là hệ thống cai trị chính là người của dân tộc đó, là Việt Nam, là Trung Quốc, v.v. Nếu hiểu từ giải phóng theo ý thức sâu xa đó thì tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả ở Miền Bắc, trong đó có nhà báo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc mới đây. Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên tôi xin “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới.

1. Vì sao tôi đi kháng chiến, vào ĐCS Việt Nam?

Vào thế kỷ trước, chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS đã làm say mê biết bao trí thức, văn nghệ sĩ ở các nước, nhất là ở nước Pháp, cái nôi của khuynh hướng xã hội, dân chủ mà cả thời kỳ ánh sáng với các tên tuổi như Montesquieux, Voltaire, Jean Jacquess Rousseaux, v.v. với khát vọng xây dựng một xã hội bác ái, tự do, bình đẳng. Chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS chẳng những lôi cuốn, làm say mê nhiều thế hệ trí thức phương Tây mà ở Việt Nam cũng vậy. Những tri thức văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng như Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, v.v. hay những tri thức tên tuổi ở nước ngoài như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Thật ra họ theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của HCM mà đi vào chiến khu chứ họ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, CNXH ra sao, nhưng họ hy vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ xã hội, tự do, hạnh phúc mà trong tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946 ông HCM đã trịnh trọng cam kết trước toàn dân trước Ba Đình lịch sử.

Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc đã thúc đẩy mọi người tham gia Cách mạng tháng 8 và sau đó đi kháng chiến. Bạn bè tôi và bản thân tôi cũng thôi thúc bởi những tình cảm đó: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập tự do dân chủ cho Tổ quốc để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn các chế độ cũ ở đó công nhân, nông dân, người lao động, những người hy sinh nhiều trong chiến tranh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc chúng tôi lên đường.

Tôi vào Đảng cũng rất đơn giản: năm 1966, anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) phụ trách đơn tuyến tôi, hẹn tôi gặp nhau ở một chùa trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2) để sinh hoạt. Anh Nguyễn Ngọc Phương nghiêm mặt tuyên bố: “Đ/c Bắc Sơn (bí danh của tôi lúc đó), đ/c từ nay là Đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng (thực chất là Đảng Lao động Việt Nam ở Miền Nam mà thôi). Lẽ ra tôi đưa điều lệ để đồng chí nghiên cứu nhưng đ/c là người hoạt động công khai trong Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa nên tôi bây giờ mới phổ biến một số điều trong điều lệ để đ/c biết”. Một buổi kết nạp chẳng có lời thề thốt, cờ quạt gì cả. Anh Nguyễn Ngọc Phương, người phụ trách tôi trong thời gian đầu, là người lớn lên trong một gia đình khá giả, có em gái lấy nghệ sĩ hài nổi tiếng Bảo Quốc. Thật ra qua một số người hoạt động ở Huế anh ấy đã biết tôi đã từng tham gia phong trào đấu tranh Sinh viên học sinh Huế lúc tôi còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một năm với Lý Thiện Sanh (nay là bác sĩ định cư ở Úc). Vì chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó nghĩ tôi là thành viên của Đoàn TN nhân dân Cách mạng Miền Nam. Nhắc đến đây tôi có một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi. Tôi theo ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Hoàng Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đồng Thi Hiền còn trai trẻ trước 1945 nên gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ. Những ngày ba tôi đến đón tôi ra thi ông đã đi qua cánh đồng An Cựu trong giá lạnh. Tôi không thể nào quên hình ảnh đó của ba tôi. Bây giờ Người đã mất nhưng tôi không bao giờ quên ông, biết ơn nuôi dạy tôi thành người trưởng thành pha một chút ân hận vì tôi mà ông phải khổ sở. Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?

Trong thời gian đó, lúc nhà tù cho tù nhân làm văn nghệ tôi thường hát bài “Tình quê hương” thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ, lúc đó là Đại úy Quân đội Sài Gòn. Gia đình của người phụ trách lao Thừa Phủ đứng trên bức tường có đường đi bao quanh nhà tù để xem. Đúng là cái máu lãng mạng của đám Sinh viên học sinh chúng tôi lúc đó ngay trong tù cũng nổi dậy đùng đùng và có cô con gái rất thích bài đó. Lý Thiện Sanh đùa “Nó khoái mày rồi đó”.

Về anh Nguyễn Ngọc Phương – người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hy sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Hoàng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: “Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”. Nghe anh tôi càng cảm phục người đ/c phụ trách tôi và hôm giỗ anh tôi hát lại bài “Trăng mờ bên suối” để cúng anh. Sau đó, chị Cao Thị Quế Hương có vẻ trách tôi vì cho rằng anh Phương không thể ủy mị như vậy. Tôi cười buồn và im lặng.

Tôi đã đi theo kháng chiến và vào Đảng như thế đó…

2. Vấn đề đa nguyên, đa đảng

Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó. Sau một thời gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả quy luật tự nhiên, cop-py mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển. Trong đó có gia đình nhà báo Trần Triệu Luật, người đã cùng tôi vào chiến khu và đã hy sinh vào ngày 11.10.1968 tại căn cứ Ban tuyên huấn T.Ư cục Miền Nam cùng với nhà thơ Thảo Nguyên Trần Quang Long sau trận bom ác liệt của F105 của Mỹ. Hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước mặt chồng con. Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được.

Trước sự rên xiết của người dân, những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và suy nghĩ đã chủ trương phải đổi mới kinh tế bằng cách phải chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể. Thế thì một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là quy luật tất yếu vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được và như vậy điều 4 Hiến Pháp hiện nay là vô nghĩa. Trước sau gì các vị lãnh đạo của ĐCS phải chấp nhận thách thức này: các Đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với ĐCS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm.

Tôi thách bất cứ ai trong Bộ chính trị, Ban bí thư, trong ban Tuyên huấn của Đảng mà đứng đầu là ông Đinh Thế Huynh, vừa là Trưởng ban, vừa là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương trả lời luôn một cách công khai, minh bạch với chúng tôi trên các diễn đàn mà không chơi trò “bỏ bóng đá người” như đã từng thường sử dụng hiện nay. Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hòa mà tiêu biểu là đề nghị 7 điểm và dự thảo hiến pháp năm 2013 của nhân sĩ trí thức tiêu biểu ở trong Nam ngoài Bắc như nhà văn Nguyên Ngọc, các Giáo sư Hoàng Tụy, Chu Hảo, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, những trợ lý Tổng bí thư, Thủ tướng hoặc Đại sứ nhiều thời kỳ như ông Trần Đức Nguyên, Việt Phương, Nguyễn Trung, v.v. Các nhà kinh tế có uy tín lớn như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà báo, nhân sĩ trí thức kỳ cựu như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Đình Đầu, Lữ Phương, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Quốc Thái, và các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975 như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Trần Văn Long (Năm Hiền), Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập và biết bao con người tâm huyết mặc dầu đời sống kinh tế đã khá giả, có những người là giàu có nhưng không thể yên tâm thụ hưởng tất cả những tiện nghi của đời sống đã vùng lên sau một giấc ngủ khá dài để chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân cá nhân mình cũng như gia đình để dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội, chà đạp những lời hứa năm nào trong kháng chiến. Ngoài ra còn cả một lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những blogger, những sinh viên đang có những hoạt động ở các trường Đại học hoặc nhiều tổ chức khác.

Tình hình trên cộng với thực tế hiện nay tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị ĐCS bức tử phải tự giải tán.

Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này? Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này, mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết đại khái trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa.

3. Vấn đề Độc lập dân chủ, tự do và hạnh phúc

- Việt Nam đã thống nhất mặc dầu còn nhiều điều chưa hòa hợp, đoàn kết thực sự. Nhưng còn độc lập thì sao? Sau khi hy sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc, những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc mà tên Đặng Tiểu Bình xấc xược gọi là dạy cho Việt Nam một bài học.

Thật ra tổ tiên chúng ta, những tiền nhân thời xa xưa đã cho họ nhiều bài học Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, v.v. Không biết tập đoàn Tập Cận Bình có còn nhớ những bài học đó không? Riêng các vị lãnh đạo ĐCS và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt nam nên quá “hiền lành” đối với một nước lớn nhưng rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét nói về “bốn tốt mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta. Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn viên bộ Ngoại giao. Đến nỗi có những vụ việc lớn càng không dám thực hiện những việc bình thường trong quan hệ quốc tế là triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối chứ không chỉ là đưa công hàm đến toà đại sứ. Vậy thì độc lập cái gì? Hẳn nhiên là chúng ta không dựa vào nước này chống các nước khác nhưng thực tế quốc tế hiện nay rất thuận lợi để chúng ta liên kết với các nước để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông.

Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Trả lời phỏng vấn một thiếu tướng Trung Quốc, Thủ tướng đã khéo léo nói nước đó là nước nào ai cũng biết. Rõ ràng đây là cú đấm đích đáng bọn bành trướng Bắc Kinh trong một diễn đàn quốc tế. Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ chính trị cả. Vì thế mà Hạ Đình Nguyên trong một bài viết về vấn đề này đã hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến 5 lần.

4. Vấn đề Dân chủ, tự do và hạnh phúc

Thực chất đây là vấn đề dân sinh, dân chủ mà trước đây trong thời kỳ kháng chiến hoặc trước 1975 ĐCS VN đã phát động để đấu tranh giành quyền sống. Đây là vấn đề về con người.

+ Về dân chủ thì đã quá rõ. Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo.

Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị, chờ chết mà thôi.

+ Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ. Đại tá nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mil thì vỡ ra nhiều vấn đề”. Vì vậy anh Nguyễn Khãi đã nhìn lại những gì mà anh đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đối với tên Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa.

Các vị lãnh đạo ĐCS tại sao không suy nghĩ trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kỳ nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Báo chí thì nở rộ Gia Định báo, Phụ nữ tân văn, Nam Phong, Phong hóa, Ngày nay… với những học giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi,… Văn học nghệ thuật thì có cả một trào lưu thơ mới với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác với nhiều bài thơ bất hủ mà đến nay ai cũng thuộc nằm lòng. Về tiểu thuyết thì có nhóm Tự lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo… Ngoài ra còn có hàng loạt nhà văn tài hoa khác như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lan Khai, Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, v.v. Với Thanh Tịnh tôi vẫn nhớ bài “Tôi đi học” trong tập Quê mẹ của ông. “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức với những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như những đóa hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm đắt tay tôi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng lần này bỗng nhiên thấy lạ vì hôm nay tôi đi học”. Nhạc thì có một thời có nền tân nhạc rực rỡ với các tên tuổi như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Doãn Mẫn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương… Thế mà Thanh Tịnh và những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nói trên dưới chế độ XHCN ở Miền Bắc chẳng có tác phẩm nào ra hồn.

Cũng may ra sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo nên trào lưu hứng khởi để nhạc sĩ VĂN CAO làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…”, thế mà bài ca này cũng bị cấm hát hết mấy năm. Những năm sau khi vào chơi với Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ Miền Nam ông đã nói lên nỗi thất vọng của ông. Cảnh chia lìa, vượt biên, đày đọa, tù tội trong đó có người bạn văn chương của các ông đã làm ông buồn bực và tiếp tục uống rượu. Chỉ có một điều an ủi ông là vào Nam, vào Sài Gòn ông nghe mọi người từ trẻ đến già đều hát “Mùa xuân đầu tiên”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, v.v. của ông.

Vấn đề là ĐCS VN cần trả lại những gì của lịch sử, của tiền nhân để lại. Việc đổi tên đường từ Trần Quý Cáp thành Võ Văn Tần, từ Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu, v.v. là việc làm thiếu suy nghĩ, nếu không nói là ngu xuẩn, chà đạp lên lịch sử, xúc phạm những chiến sĩ tuy không phải là Cộng sản nhưng đã đấu tranh bảo vệ đất nước trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân.

Ngay trong lĩnh vực báo chí tại sao lại lấy ngày ra đời báo Thanh niên, báo của tổ chức CS làm ngày báo chí VN. Quan điểm tôi là phải lấy ngày 15-4 là ngày số báo đầu tiên của Gia Định báo năm 1865 làm ngày báo chí VN. Năm sau, một số nhà báo cùng chúng tôi sẽ tổ chức ngày báo chí VN vào ngày 15-4. Còn ĐCS và các tổ chức của mình cứ lấy ngày 21-6 làm ngày báo chí Cách mạng cũng không sao. Việc ai nấy làm. Thế thôi.

Tại Miền Bắc gọi là XHCN khi hòa bình mới lập lại, các văn nghệ sĩ mà đặc biệt đi tiên phong là các nhà thơ, nhà văn quân đội, mà tiêu biểu là Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm,... đã gây chấn động trong vụ Nhân văn Giai phẩm. Có lẽ là những người trực tiếp chiến đấu chứng kiến cảnh chết chóc của nhân dân trong chiến tranh nên họ quyết tâm tiếp tục chiến đấu để xây dựng một chế độ xã hội tự do dân chủ và tiến bộ xã hội. Họ đã quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ giàn trận đấu tranh quyết liệt với Đảng để đòi hỏi tự do sáng tác, đòi hỏi chính trị không được can thiệp vào sáng tác của văn nghệ sĩ. Nhà nước độc tài Đảng trị trong những năm đó thấy đây là nguy cơ đe dọa của chế độ nên đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày một cách không nương tay. Người bị tù với vụ án ngụy tạo như công thần Nguyễn Hữu Đang, người đã làm lễ đài Độc lập năm 1946. Hữu Loan với lòng tự trọng của một người văn nghệ sĩ cương quyết về quê thồ vác đá nuôi vợ con. Ba mẹ vợ anh trong cải cách ruộng đất đã bị chôn sống để trâu bò bừa lên đầu, lên cổ cho đến chết. Một Nguyên Hồng khảng khái bỏ về Yên Thế nuôi heo để kiếm sống. Trần Hữu Đang sau khi ra tù sống những ngày tủi nhục phải góp nhặt bao thuốc lá làm hàng “đối lưu” với ếch nhái, rắn rết của bọn trẻ chung quanh kiếm cho. Năm 1989, tôi gặp Thạc sĩ Luật Nguyễn Mạnh Tường ở Pháp, người đã theo Hồ Chí Minh về nước năm 1946. Ông kể lại hoàn cảnh của ông lúc đó, bị cô lập đến nỗi học trò cũng không dám nhìn mặt, phải bán tủ sách quý để sống qua ngày. Còn nhà triết học Trần Đức Thảo, khi tôi còn làm Phó chủ tịch thường trực MTTQ TP HCM đã mời ông đến nói chuyện. Bước xuống xe ông ngó lên liền xem có công an theo dõi ông không. Buổi nói chuyện làm mọi người thất vọng vô cùng về ông.

Tôi còn có những kỷ niệm đau đến xé lòng khi còn nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước toàn trị. Lúc còn là phó CT/TT MTTQ TP HCM và là đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5. Có mấy việc tôi còn nhớ mãi:

+ ĐCS VN ngày trở thành kiêu binh. Đâu đâu cũng vỗ ngực xưng tên là “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Ngay cả Hội trường của cơ quan dân cử như HĐND TP thế mà chẳng thấy đất nước, Tổ quốc đâu cả, chỉ thấy một khẩu hiệu to chần dần [to đùng] “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Một số đại biểu trong HĐND trong Đảng cũng như ngoài Đảng thấy chướng mắt nhưng không dám nói. Họ đến nói với tôi. Tôi thông cảm họ. Trong HĐND khóa 5, khi lên phát biểu ở Hội trường tôi trầm giọng nói: “Đây là cơ quan dân cử, đại diện cho nhân dân TP, nhưng tôi không thấy đất nước, Tổ quốc ở đâu mà chỉ có ĐCS muôn năm thôi là sao? Đảng chỉ là một bộ phận của nhân dân, không có Tổ quốc, nhân dân thì làm gì có Đảng. Đảng phải đặt Tổ quốc lên trên hết, vì vậy tôi đề nghị thay đổi khẩu hiệu này bằng câu CHXHCN Việt Nam. Cả hội trường im phăng phắc. Nhưng ngay kỳ họp sau thì khẩu hiệu Đảng đã thay đổi bằng tên nước.

+ Tôi là Trưởng ban VHXH HĐND TP khóa 5. Trong các kỳ họp HĐND TP, các ban có bài thẩm định khá công phu. Phải đi thực tế, làm việc với các ngành và sau đó họp toàn ban để thông qua Trưởng ban là người quyết định cuối cùng. Tôi nhớ trong một kỳ họp, tôi thức suốt đêm sửa chữa, hoàn thiện văn bản để phát biểu trước HĐND. Khi lên phát biểu, nhìn xuống thì không thấy vị Phó CT nào dự, kể cả phó CT phụ trách VNXH. Thấy vậy tôi không đọc mà đề nghị ông Huỳnh Đảm, lúc đó là CT HĐND, cho các thư ký, trợ lý điện gấp cho các Phó CT, nhất là các Phó CT phụ trách VHXH về dự họp. Ban thẩm định chuẩn bị công phu để phân tích những vấn đề, nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các vấn đề xã hội khác. Những vấn đề có liên quan thiết yếu đến đời sống nhân dân TP. Khi thấy các Phó CT lục tục về họp tôi mới phát biểu bản thẩm định của Ban. Đây là lần đầu tiên các phóng viên báo chí thấy việc này nên rất khoái. Từ đó, kỳ họp nào các PCT UBND cũng đều có mặt trừ một số PCT có lý do chính đáng. Cái bệnh chỉ coi trọng Đảng, Thành ủy, xem thường HĐND đã vào máu các vị quan chức của chúng ta.

+ Việc thứ ba là cuộc đấu tranh hay có thể nói là đấu khẩu của Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh và tôi về việc có nên dẹp chợ hoa Nguyễn Huệ hay không? Cuộc đấu khẩu gay gắt đến nỗi CT Võ Viết Thanh nói đại ý nếu đ/c Đằng thấy Đảng chật hẹp quá thì xin ra khỏi Đảng. Tôi liền đốp chát lại: đó là chuyện mà tôi và anh sẽ nói trong Đảng, còn đây là HĐND. Giữa lúc có nhiều đại biểu đồng ý với tôi, trong đó có Trần Văn Tạo, Ủy viên TVTU, Phó giám đốc Công an TP, Phạm Phương Thảo, Ủy viên TVTU, Phó CT phụ trách VHXH UBND TP thì chủ tọa kỳ họp lại được tin ban Thường vụ Thành ủy họp và đã đồng ý dẹp chợ hoa TP. Tôi cương quyết đề nghị có Nghị quyết về vấn đề này nhưng chủ tọa làm ngơ và thông qua NQ ở HĐND TP. Tuy đấu tranh gay gắt như vậy nhưng đối với anh Võ Viết Thanh tôi vẫn tôn trọng tính trung thực, quyết đoán của anh.

Lúc đó tôi với tư cách đại biểu HĐND TP có phối hợp với các vị hưu trí Q.6, với Ban quản lý thị trường TP để tố cáo những tiêu cực, sai trái của Giám đốc Đông lạnh Hùng Vương. Phối hợp với cuộc đấu tranh này có anh Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên TV Quận ủy Q.6, Trưởng ban Tuyên huấn Q.6. Thắng cũng là dân phong trào SV. Không hiểu sao sau đó có một văn bản có danh sách 12 người gọi là điệp báo của Cục tình báo TƯ trong đó Nguyễn Văn Thắng nằm ở số 7. Lúc ấy anh Nguyễn Minh Triết mới về làm Phó bí thư thường trực của TƯ. Tôi gặp anh Nguyễn Minh Triết và trình bày với anh về vấn đề thì anh đề nghị tôi không can thiệp nữa vì danh sách đã có dấu đỏ của đặc ủy tình báo TƯ của Mỹ. Trước đó có người biết chuyện ngụy tạo danh sách này và nói danh sách láo được đánh trên giấy Bãi Bằng là giấy chỉ do Cộng sản sau 1975 sản xuất. Anh Nguyễn Minh Triết ghi nhận nhưng Nguyễn Văn Thắng vẫn bị giam ở 4 Bạch Đằng. Lúc ấy Q.6 tính lấy lại nhà của Nguyễn Văn Thắng ở Bà Hom, Q.6. Tôi gặp Chủ tịch Võ Viết Thanh và đề nghị anh xem xét lại vấn đề này thì anh nói với tôi một cách cương quyết: “Chuyện chính trị của Thắng tôi không biết nhưng chuyện nhà của Thắng tôi bảo đảm không ai lấy được”. Anh giữ lời hứa khi Thắng được giải oan về lại Bà Hom, Q.6 như cũ. Tôi gặp anh Võ Viết Thanh cám ơn anh. Nhân đó tôi hỏi thăm tại sao anh không đi học Cử nhân, Tiến sĩ như những người khác. Anh cười nói rất Nam Bộ: “Tôi không chơi kiểu đó. Nếu tôi học tôi sẽ xin nghỉ làm để đi học thật sự, không như những vị học giả mà bằng thật như hiện nay”. Từ đó quan hệ giữa anh và tôi rất vui vẻ, không còn nhớ gì trận đấu khẩu nảy lửa ở HĐND về vụ chợ hoa Nguyễn Huệ. Sau này anh bị thất sủng vì vụ án Sáu Sứ mà trong quyển Bên thắng cuộc nhà báo Huy Đức có nêu.

Tôi nêu những trải nghiệm nói trên để chứng minh rằng trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh. Giờ đây chúng ta phải phá vỡ nỗi sợ hãi đó đi để thực hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh.

Cuối cùng tôi xác định bài viết này chỉ có mục đích là thanh toán, tính sổ cuộc đời của mình, trang trải những món nợ còn lại để gửi các vị lãnh đạo Đảng CSVN, để mong các vị “mở mắt” ra mà có sự lựa chọn con đường sống cho dân tộc. Hiện nay xu hướng chạy theo CN Mác-Lênin CNXH đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lung đoạn nhà nước.

Tôi không tin lắm về sự tự giác của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm thấy tình hình và xu thế phát triển hiện nay để đặt lợi ích của Đất nước, Tổ quốc lên trên hết mà có một giải pháp hợp lý, không vì lợi ích và sự tồn tại của Đãng, của chế độ mà đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Tôi quan niệm rằng làm nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước VN hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh. Một khi xã hội dân sự, xã hội công dân mạnh lên, đủ sức kìm hãm, ức chế các khuynh hướng độc tài của một nhà nước toàn trị. Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày. Sau đó là “khai dân trí” và “hậu dân sinh”.

Bài viết nầy cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn TNSVHS mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người VN khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và CNXH. Vấn đề là trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động. Điều này tôi nói một lần rồi thôi…

Viết trong những ngày nằm bịnh.

L.H.Đ.

-Nguyên phó TTK Ủy ban TƯ LM các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam

-Nguyên phó CT Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (từ 1989-2009)

-Đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5

Theo BVN

Hồ trường rót về đâu



                                                         

" Ai hồn tri kỷ 
hãy  cùng ta cạn một hồ trường ". THD.


Rượu này không rót về phương bắc

Hướng giặc lăm le cướp nước tôi

Rượu này chẳng rót về phương nam 

Sợ mẹ và em trào nước mắt

Rượu này không rót về phương tây

Nỗi nhục trăm năm chưa xóa hết

Rượu này chẳng rót về phương đông 

nơi bầy sói lang đang xâu xé ...

Hồ trường 
không rót về đâu cả  !

Chỉ rót vào lòng 
cho bớt đau

Và xin được rót vào đất Mẹ 

ấm chút thịt xương anh em nằm 

Nơi ấy không còn phân biệt nữa

Tất cả , đều con của Mẹ thôi 

Còn những oan hồn xưa vất vưởng 

Hãy về đây  !


Cạn một hồ trường !

 tranhodung.washington.usa.2012

10/8/13

TA VỀ

TA VỀ

tran ho dung 
                             " tặng một ai đó tri âm "


Ta về bẻ bút quăng sông 
 

Đốt trang thơ cũ thả dòng nước trôi 
 

Ta về một sớm tinh khôi 

lên đồi sim tím nhớ  môi em cười 
 

Ta về tìm lại bóng người 
 

Bỏ quên đâu mất giữa mười phương xa 
 

Ta về đứng giữa giang hà 
 

Ngóng con hạc trắng vút qua lưng trời 
 

Em giờ cách mấy trùng khơi 
 

Qua bờ bến lạ , còn lời thủy chung 
 

Chờ ai   chân bước ngập ngừng
 

Ngang  đồi sim cũ rưng rưng nhớ   người 
  
Tranhodung - Saigon . Phật Lịch 2548

                                                                           

Vương Trung Hiếu - Văn chương hậu hiện đại (phần II)



Vương Trung Hiếu 

 9 August 2013

(tiếp theo phần I)

- Bản thể luận (Ontology): xuất phát từ tiếng Hy Lạp Οντολογία, dùng để chỉ sự nghiên cứu triết học về bản chất sự sống, sự tồn tại, thực tại cũng như các phạm trù cơ bản của sự sống và toàn bộ mối quan hệ của chúng …Nó là một phần trong phân nhánh quan trọng của triết học gọi là “siêu hình học” (metaphysics), thường nêu những câu hỏi liên quan tới sự tồn tại của những thực thể nào đó. Nhìn chung, luận đề cơ bản của bản thể luận là “Tồn tại là gì?”, “Cái gì tồn tại?”, “Sự tồn tại của cái hữu hình là gì?” “Sự tồn tại của cái vô hình là gì?” hay “Nếu một đối tượng vô hình tồn tại thì điều đó có nghĩa gì?”…
Trong văn chương hậu hiện đại, những điều trên xuất hiện rải rác trong tiểu thuyết Perdido Street Station (2000) của nhà văn Anh China Miéville, miêu tả thế giới Bas-Lag tưởng tượng – nơi cư ngụ của nhiều chủng tộc thông minh, có ma thuật và phép thần thông…Tác giả sử dụng kỹ thuật steampunk hiện đại rất điêu luyện, xoay quanh trục những nhân vật chính như Isaac Dan der Grimnebulin, Yagharek, Lin và Derkhan Blueday….
Tiểu thuyết House of Leaves (2000) của nhà văn Mỹ Mark Z. Danielewski cũng đặt ra những câu hỏi bản thể luận, cho thấy định dạng và cấu trúc độc đáo qua phong cách và cách thiết kế trang bất thường, tạo ra loại văn chương Ergodic (Ergodic literature) (2). Một số trang chỉ có vài từ hoặc vài dòng chữ, sử dụng cách sắp xếp kỳ lạ để phản ánh các sự kiện trong câu chuyện, thường tạo ra bóng tối và hiệu ứng ngột ngạt.
- Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism): năm 1925, nhà phê bình nghệ thuật Đức Franz Roh sử dụng cụm từ này để nói về phong cách hội họa gọi là Neue Sachlichkeit (Tính khách quan mới), cho thấy đó là một phản ứng đối với chủ nghĩa biểu hiện trên tạp chí Ý Novecento, do nhà văn – nhà phê bình Massimo Bontempelli biên tập. Đến thập niên 1940, nhiều tác giả Mỹ La Tinh kết hợp lý thuyết của Roh và Bontempelli với những khái niệm kỳ lạ của siêu thực Pháp, sáp nhập những thần thoại bản địa và qui tắc truyền thống vào tiểu thuyết Mỹ La Tinh.
Nhìn chung, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một thể loại, trong đó những yếu tố ảo cấu thành bộ phận tự nhiên của môi trường hiện thực thế tục. Một tác phẩm hiện thực huyền ảo thường được đánh dấu bằng việc sử dụng tranh ảnh đã xác định rõ, hoặc những vật thể được mô tả một cách siêu thực. Đề tài và chủ đề thường là hư cấu, một cái gì đó xa xăm, không tưởng, giống như một loại giấc mơ nào đó. Đặc điểm của thể loại này là sự pha trộn, cái có thật và cái tưởng tượng được đặt cạnh nhau, cho thời gian xoắn vào nhau, luân phiên thay đổi một cách kỳ lạ, thậm chí cốt truyện và lời kể phức tạp đến mức khó hiểu. Ngoài ra kỹ thuật này còn là cách sử dụng những giấc mơ hỗn hợp, chuyện thần tiên và thần thoại, sự diễn tả siêu thực và biểu hiện, những kiến thức thần bí, yếu tố tạo ngạc nghiên, gây sốc đột ngột, sự khủng khiếp và điều không thể giải thích được.
Trong văn chương hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo xuất hiện khi một nhân vật trong truyện vẫn tiếp tục sống bên kia thế giới, vượt qua giai đoạn sống thông thường của con người. Điều này được mô tả một cách huyền ảo, cho thấy nhân vật đó sống xuyên suốt nhiều thế hệ. Diễn biến câu chuyện trong một môi trường có thật, nhưng với nhân vật như thế thì qui tắc của thế giới thực sẽ bị phá vỡ.
Từ thập niên 1920 đến 30, chất hiện thực huyền ảo xuất hiện trong lý thuyết của  Roh và Bontempelli, trong những tác phẩm của Kafka, Junger và Musil, trong khuynh hướng Tính khách quan mới của Franz Roh do Doblin thể hiện. Chất này còn có trong tiểu thuyết của những nhà văn Pháp như André Breton, Louis Aragon và Julien Gracq – người đã phát triển lý thuyết mới le merveilleux (yếu tố huyền diệu). Trong giai đoạn này, cần chú ý chi tiết: nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tập truyện ngắn Historia universal de la infamia (Lịch sử phổ quát về sự ô danh, 1935) của Jorge Luis Borges là tác phẩm đầu tiên về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Từ thập niên 1940 đến 1950, khuynh hướng hiện thực huyền ảo Mỹ La Tinh thể hiện trong lý thuyết của Alejo Carpentier và Flores, trong tác phẩm của Carpentier, Borges, Asturias và Uslar Pietri; ngoài ra, cần phải kể đến trong quyển El reino de este mundo (Vương quốc của thế giới này, 1949) của Alejo Carpentier (Cuba), nói về Cuộc cách mạng Haiti trong thế kỷ 18 và trong tập truyện ngắn Guerra del tiempo (Cuộc chiến thời gian, 1958) chứa đầy chất siêu thực với những tình tiết kỳ lạ. Một đại biểu xuất sắc khác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chính là Gabriel García Marquez, một nhà văn Colombia nổi tiếng với tiểu thuyết Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn, 1967).
Riêng trong văn chương hậu hiện đại, có những  đại diện tầm cỡ như Gunter Grass (Đức), Salman Rushdie ( Ấn Độ) và Italo Calvino (Ý). Những tác giả này thường sử dụng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm của họ. Đến đầu thế kỷ 21, một khuynh hướng mới pha trộn chất ngụ ngôn với hiện thực huyền ảo xuất hiện trong những truyện ngắn Mỹ, thí dụ The Ceiling của Kevin Brockmeier, Big Me của Dan Chaon, Exposure của Jacob M. Appel và The Mourning Door của Elizabeth Graver…
- Kỹ-văn hóa và bội hiện thực (Technoculture and hyperreality): kỹ văn hóa là một từ ghép mới, hiện nay chưa được định nghĩa chuẩn trong từ điển, tuy nhiên nó đã phổ biến phần nào đó trong giới học viện. Hai nhà biên tập Constance Penley và Andrew Ross đã phổ biến khái niệm này một sách luận văn, miêu tả "kỹ-văn hóa" là sự tương tác giữa chính trị, kỹ thuật và văn hóa.
Bội hiện thực là thuật ngữ được sử dụng trong ký hiệu học và triết học hậu hiện đại, miêu tả sự bất lực của ý thức trong việc phân biệt thực tại với sự mô phỏng thực tại, đặc biệt là trong những xã hội hậu hiện đại có công nghệ tiên tiến. Bội hiện thực được xem là một điều kiện, trong đó cái thực và hư cấu trộn lẫn nhau liền mạch, không thể phân biệt rõ cái gì khởi đầu và cái gì là kết thúc. Nó cho phép hòa trộn cái thực vật chất với cái thực ảo giác, khả năng hiểu biết của con người với khả năng hiểu biết nhân tạo. Những lý thuyết gia hàng đầu về bội hiện thực gồm có Jean Baudrillard, Albert Borgmann, Daniel J. Boorstin, Neil Postman và Umberto Eco (3).
Nhà phê bình văn chương Mỹ Fredric Jameson gọi chủ nghĩa hậu hiện đại là "Lô gíc học văn hóa của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ (cultural logic of late capitalism). " Chủ nghĩa tư bản hậu kỳ" gợi ý rằng xã hội đã trôi từ thời đại công nghệ sang thời đại thông tin. Tương tự như vậy, triết gia Pháp Jean Baudrillard khẳng định rằng thời hậu hiện đại (postmodernity) được định rõ bằng bội hiện thực, trong đó sự mô phỏng thay thế cho thực tại. Con người thời hậu hiện đại chìm ngập trong công nghệ và thông tin, trở thành tiêu điểm cho nhận thức của chúng ta về cái thực do sự mô phỏng thực tại dàn xếp (4). Nhiều tác phẩm hư cấu đã xử lý diện mạo của thời hậu hiện đại bằng sự châm biếm và giễu nhại đặc trưng. Thí dụ, tiểu thuyết White Noise (Tiếng động trắng, 1985) của Don DeLillo miêu tả những nhân vật bị tấn công dồn dập bởi "tiếng động trắng" của truyền hình, nhãn hiệu hàng hóa, câu chuyện sáo rỗng…trong những đề tài nổi lên từ giữa đến cuối thế kỷ 20, thí dụ như cơ chế thị trường, sự bão hòa phương tiện truyền thông đại chúng, chứng làm việc trí não mê cuồng, những âm mưu ngầm, sự tan vỡ và tái hòa nhập gia đình, những thảm họa do con người gây ra… Tính chất kỹ- văn hóa và bội hiện thực còn được thể hiện qua Neuromancer (1984) của William Gibson, một truyện dài đậm chất cyberpunk.
- Cyberpunk: là thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hậu hiện đại, tập trung vào việc khai thác công nghệ cao và “thế giới ngầm” (5) (6). Nó khắc họa nét đặc biệt của khoa học tiên tiến, thí dụ như công nghệ thông tin và điều khiển học,  kết hợp với mức độ suy sụp tinh thần và sự thay đổi cơ bản trong các tầng lớp xã hội.
Cyberpunk thường tập trung vào sự xung đột giữa những hacker, công nghệ và ngành khoa học máy tính chuyên nghiên cứu, phát triển những phần mềm, máy thông minh (artificial intelligences). Nó tập trung vào những tập đoàn lớn mạnh, có khuynh hướng “thiết kế” trái đất trong tương lai gần chứ không quá xa hay lấy bối cảnh dải ngân hà khổng lồ như trong Foundation (Nền tảng, 1951) của Isaac Asimov, một tiểu thuyết kể về nhóm khoa học gia tìm cách bảo quản kiến thức khi những nền văn minh chung quanh họ bắt đầu trôi ngược trở lại, hay trong quyển Dune (Cồn cát, 1965) của Frank Herbert, nói về cuộc sống của con người khoảng hơn 21.000 năm sau.
Trong văn chương hậu hiện đại, nhiều tác giả đã vay mượn chất cyberpunk nguyên thủy, kết hợp với ý tưởng sáng tạo cyberpunk mới của riêng họ. Điều này hiện rõ qua When Gravity Fails (Khi sức hấp dẫn không còn, 1986) của George Alec Effinger, một tiểu thuyết có tựa trích từ câu “When your gravity fails and negativity don’t pull you through" trong ca khúc Just Like Tom Thumb’s Blues của Bob Dylan.
Tạp chí Wired do Louis Rossetto, Jane Metcalfe và Ian Charles Stewart thành lập năm 1993 cho thấy sự pha trộn công nghệ mới với nghệ thuật và văn chương, thể hiện những đề tài hiện đại giúp thể loại cyberpunk có lượng độc giả tăng lên đáng kể. Những tác giả trụ cột trong giai đoạn đầu của tạp chí này gồm có Bruce Sterling, Stewart Brand và William Gibson…
- Steampunk: là thể loại phụ của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, khắc họa nét đặc trưng của máy chạy hơi nước, đặc biệt là miêu tả những thành tựu nổi bật của nền văn minh phương Tây công nghiệp hóa trong thế kỷ 19. Năm 1981, quyển Elementary BASIC – Learning to Program Your Computer in BASIC with Sherlock Holmes của Henry Singer và  Andrew Ledgar có thể là tác phẩm hư cấu đầu tiên về cách sử dụng Máy phân tích (Analytical Engine) của Charles Babbage – một loại máy tính tự động hoàn toàn được miêu tả lần đầu năm 1837.
Gần một thập niên sau, William Gibson và  Bruce Sterling giới thiệu tiểu thuyết The Difference Engine (1990), giúp nhận thức về thể loại steampunk phổ biến hơn. Quyển này cung cấp nguyên tắc viết steampunk của Gibson và Sterling về thời Victoria, giai đoạn mà máy vận hành bằng hơi nước của Ada Lovelace và  Charles Babbage được đề xuất. Năm 2008, tuyển tập  Extraordinary Engines của Nick Gevers cho thấy có sự thể hiện chấtsteampunk mới hơn, cũng như những thể loại khoa học viễn tưởng khác.
- Hoang tưởng (paranoia): “paranoia” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp παράνοια (paranoia). Thuật ngữ này được dùng để miêu tả một loại bệnh tâm thần. “Hoang tưởng” là quá trình suy nghĩ tin là bị ảnh hưởng nặng bởi sự lo âu hay sợ hãi, thường liên quan tới sự phi lý hay lừa dối. Ý nghĩ về chứng hoang tưởng có nét đặc trưng là tin bị ngược đãi, tin là có âm mưu nào đó đe dọa mình. Thí dụ: “Ai cũng muốn trả thù tôi!”
Catch-22 của Joseph Heller là quyển tiểu thuyết xuất bản năm 1961, chứng minh cho sự nổi tiếng nhất, hiệu quả nhất về khái niệm “hoang tưởng”. Câu chuyện diễn ra năm 1943 trong Thế chiến II, trình bày quan điểm của nhiều nhân vật phát triển theo trục thời gian của cốt truyện.
Đối với người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, không có toan tính nào hoàn toàn lệ thuộc vào đề tài, vì sự hoang tưởng thường dao động giữa ảo giác và sự tri giác sâu sắc. The Crying of Lot 49 của Pynchon là tác phẩm đầu tiên của văn chương hậu hiện đại thể hiện tình trạng có thể xem là ngẫu nhiên, là âm mưu hoặc một chuyện đùa độc ác xoay quanh nhân vật chính Oedipa Maas – một bà nội trợ bị tra tấn, dao động giữa điều nên tin hay không tin vào bằng chứng này hay bằng chứng khác.
Sự hoang tưởng cũng có thể xảy ra cùng lúc với đề tài kỹ-văn hóa và bội hiện thực. Thí dụ, tiểu thuyết Breakfast of Champions (1973) của Kurt Vonnegut lấy bối cảnh là thành phố Midland tưởng tượng, nói về hai người đàn ông da trắng, lớn tuổi, gầy còm và cô đơn trên một hành tinh gần như không còn sự sống. Nhân vật Dwayne Hoover đã trở nên hung tợn khi hắn tin chắc rằng những người khác trên thế giới đều là người máy, chỉ còn hắn là con người thật sự.
- Tối đa luận (maximalism): là thuật ngữ được dùng để giải thích một dòng chảy hoặc khuynh hướng chứa mọi nhân tố của thuật ngữ đa mục đích như chủ nghĩa biểu hiện (expressionism). Vì thuật ngữ này thường được dùng để miêu tả phản ứng chống lại chủ nghĩa tối giản, còn gọi là tối giản luận (minimalism). Nó miêu tả tính chất thừa mứa phơi bày qua sự tích lũy vật dụng phản chiếu xã hội hiện tại. Thuật ngữ này còn diễn tả sự khoe khoang tài sản khổng lồ của kẻ siêu giàu hoặc sự ám ảnh xuất hiện thường xuyên trong hành vi của những người bán đồ cũ, những kẻ đã tích lũy quá nhiều vật dụng gia đình trong quá khứ.
Trong tiểu thuyết hậu hiện đại, ta có thể thấy tính chất tối đa luận trong tiểu thuyết của hai nhà văn Mỹ:  David Foster Wallace với The Broom of the System (1987), Infinite Jest (1996), The Pale King (2011) và Thomas Pynchon với Vineland (1990), Mason & Dixon (1997), Against the Day (2006); Inherent Vice (2009) và Bleeding Edge (2013)…Trong những tác phẩm đó ta sẽ thấy sự lạc đề, tài liệu tham khảo, những chi tiết biên soạn công phu là những miếng nhỏ, tích lũy thành đống trong văn bản. Nó có thể ám chỉ bất cứ cái gì thừa mứa, phức tạp và đầy “tính phô trương”, hoặc cung cấp khả năng tàn phá quá mức trong những đặc điểm và chi tiết đính kèm, tính thô bạo trong khối lượng và chất lượng.
- Tối giản luận (Minimalism): còn gọi là chủ nghĩa tối giản. Khái niệm này trong văn chương thể hiện sự tập trung vào việc mô tả bề mặt, nơi mà độc giả tin rằng họ đóng vai trò hành động trong quá trình sáng tạo câu chuyện. Các nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết chứa tối giản luận thường không có vẻ gì nổi bật, nói cách khác: rất bình thường. Họ chỉ là những lát cắt nhỏ của đời sống. Nhìn chung, tối giản luận đối lập với tối đa luận. Nó chỉ đại diện cho cái cơ bản nhất, thiết yếu nhất với những mảng miếng cần thiết, thể hiện cụ thể, rõ ràng qua sự kiểm soát chặt chẽ ngôn từ. Những tác giả hậu hiện đại ứng dụng tối giản luận thường lưỡng lự khi dùng những tính từ, trạng từ (phó từ) hay những chi tiết vô nghĩa. Thay vì cung cấp từng chi tiết nhỏ, tác giả trình bày một văn cảnh chung, sau đó cho phép trí tưởng tượng của người đọc định hình câu chuyện.
Có thể nói Samuel Beckett là tác giả tiêu biểu nhất, bậc thầy ứng dụng tối giản luận trong văn chương hậu hiện đại. Điều này có thể tìm thấy trong những tác phẩm của ông: kịch Happy days (Những ngày tươi đẹp, 1961), tiểu thuyết Meercier et Camier (Meercier và Camier, 1970), tập thơ Mirlitonnades (1978), ngoài ra còn phải kể đến tác phẩm Ohio impromptu (Ứng khẩu Ohio, 1981) và Worstward Ho (1984).
Trên thế giới
Có thể nói văn chương hậu hiện đại là một khuynh hướng sáng tác phổ biến hiện nay trên thế giới, tập trung nhất có lẽ là ở Hoa Kỳ, với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Thomas Pynchon, John Barth, Hunter S. Thompson, Kurt Vonnegut, William Gaddis, Robert Shea, Robert Anton Wilson, Donald Barthelme, Samuel R. Delany, Robert Sheckley, Robert Coover, Gilbert Sorrentino, Philip K. Dick, Paul Auster, Joseph McElroy, Nicholson Baker, Mark Leyner, Richard Powers, David Foster Wallace, Chuck Palahniuk, Don DeLillo, Donald Antrim, Tim O’Brien, David Markson, Bret Easton Ellis, Christopher Sorrentino, Joshua Cohen và William H. Gass…
Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu những tác phẩm hậu hiện đại xuất sắc bên ngoài nước Mỹ, ngõ hầu chứng minh sự lan rộng của khuynh hướng sáng tác này.
- The Atrocity Exhibition (Sự phơi bày tàn bạo, 1970) của nhà văn Anh J. G. Ballard: một quyển tiểu thuyết súc tích, được cắt rời từng phần và mỗi phần có đời sống riêng. Mỗi chương lại được chia thành những mảng nhỏ. Không có gì rõ ràng cho thấy đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc, nghĩa là không theo kết cấu của tiểu thuyết thông thường. Nhân vật chính thay đổi tên trong từng chương hoặc câu chuyện (Talbert, Traven, Travis hay Talbot…), vai trò và cái nhìn của ông ta về thế giới cũng liên tục thay đổi…
- Le città invisibili (Những thành phố vô hình,1972) của nhà văn Ý Italo Calvino: bao gồm những bài thơ tản văn mô tả 55 thành phố do nhân vật chính (nhà thám hiểm Marco Polo) thể hiện; ngoài ra còn có những đoạn đối thoại ngắn giữa Marco Polo và hoàng đế Hốt Tất Liệt (Trung Hoa) xen kẽ mỗi 5-10 thành phố, cho thấy những chủ đề về ngôn ngữ học, bản chất con người và kiến trúc, không giới hạn qui luật vật lý hoặc hạn chế của lý thuyết đô thị…
- It’s Me, Eddie (Tôi là Eddie, 1976) của nhà văn Nga Eduard Limonov : nội dung sách nói về Eddie, một đứa trẻ rời Liên Xô đến nước Mỹ với ảo tưởng giàu sang, có đàn bà, ma túy và tự do nghệ thuật. Thế rồi về sau, Eddie lâm vào cảnh nghèo túng, vợ bỏ, rượu chè. Câu chuyện cho thấy tình yêu và cảm xúc đan xen trong sự buồn chán của công việc và cuộc sống đô thị. Nhìn chung, tác giả chống tất cả, chống lại cả con người, còn cách giải quyết chỉ là nước mắt. Văn của Limonov có khuynh hướng vươn tới mức cuồng loạn của cảm xúc, điều này có là tín hiệu tốt hay xấu, tất cả tùy thuộc vào người đọc.
- La Vie mode d’emploi (Cuộc sống: phương thức sử dụng, 1978) của nhà văn Pháp Georges Perec: một quyển tiểu thuyết phức tạp với những tình tiết và ý tưởng đan xen nhau, với những ám chỉ lịch sử và văn chương, dựa trên cuộc sống của cư dân Paris trong chung cư tưởng tượng ở số 11 đường Simon-Crubellier (con đường không có thật). Cấu trúc tác phẩm dựa trên một số yếu tố, mỗi yếu tố lại kết hợp với một lớp đa phức.
Lanark: A Life in Four Books (Lanark: Cuộc đời trong bốn quyển sách, 1981) của nhà văn Scotland Alasdair Gray: quyển này được viết gần 30 năm mới hoàn tất, từng đoạt giải Sách của năm của Saltire Society và giải David Niven. Tiểu thuyết này bao gồm 4 quyển: quyển 1 và 2 là sách giáo dục nhân cách theo chủ nghĩa thực tế trong giai đoạn đầu thời tiền chiến Glasgow; quyển 3 nói về một chàng trai tỉnh dậy trong một toa xe, không còn nhớ quá khứ, phải đặt tên mình theo một bức ảnh quen thuộc trên tường. Anh ta đến Unthank, nơi đó có một thành phố tưởng tượng không có ánh sáng ban ngày, cư dân đã biến mất vì bị những bệnh biểu tượng kỳ lạ; quyển 4 cho thấy nhân vật Lanark bắt đầu cuộc hành trình trở về Unthank giống như một giấc mơ kỳ quái, với đỉnh điểm của sự tan vỡ, bị tàn phá do xung đột chính trị, thói hám lợi, sự hoang tưởng, suy thoái kinh tế mà anh ta không thể ngăn chặn được…
- Il pendolo di Foucault (Thiết bị quả lắc của Foucault, 1988) của nhà văn – triết gia Ý Umberto Eco: Tiêu đề sách đề cập đến một con lắc có thật, do nhà vật lý Pháp Léon Foucault thiết kế để chứng minh sự quay của trái đất, trong đó có ý nghĩa biểu trưng của sách. Nội dung quyển này tập trung vào sự huyền bí, nhằm cung cấp cách giải thích riêng về thuyết âm mưu của một số nhân vật. Trên thực tế, có thể xem quyển này là một bài phê bình, một sự bịp bợm hoặc giải cấu trúc của những âm mưu lớn, bao quát toàn bộ thường được tìm thấy trong văn chương hậu hiện đại.
- Хазарски речник / Hazarski rečnik (Từ điển Khazar, 1984) của nhà văn Serbia Milorad Pavić: một tiểu thuyết rất khó nhận ra cốt truyện theo cách thông thường, câu hỏi trọng tâm của sách (sự chuyển giáo của người Khazar) dựa trên sự kiện lịch sử những thập niên cuối thế kỷ 8 hay đầu thế kỷ 9, khi hoàng gia và giới quí tộc Kharar chuyển sang Do Thái giáo. Phần lớn nhân vật và sự kiện trong sách đều hư cấu, ngay cả văn hóa của người Kharar (không giống bất kỳ bằng chứng văn học và khảo cổ nào). Quyển này có hình thức ba quyển bách khoa toàn thư mini với sự tham chiếu chéo, tổng hợp từ nguồn Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo; không cho thấy niên đại, mỗi người đọc tự đặt mình vào sách, giống như chơi bài hay domino và tự rút ra kết luận.
- Memoirs of Many in One (1986) của nhà văn Úc Patrick White, người đã đoạt giải Nobel năm 1973. Nội dung sách cho thấy cái nhìn bất thường trong quá trình sáng tạo, so sánh với hoạt động của người mất trí vô hại. Nhà văn đã gánh vác vai trò biên tập cho hồi ký tưởng tượng của Alex Gray, một bà già hơi gàn. Qua ngôn ngữ của bà ta, tác giả cố "khám phá văn phong đóng kịch, giải thích cuộc sống của bà, vì sao bà có mặt trên cõi đời này". Với tư cách là người cầm bút, bà già tạo ra nhiều vai kịch cho bản thân, từ nữ tu sĩ Orthodox Hy Lạp cho tới diễn viên trong kịch Shakespeare, do đó Patrick White mới đặt tựa tiểu thuyết của ông là "many in one" (nhiều người trong một).
- Empire of Dreams (Đế quốc của những giấc mơ, 1988) của nhà văn Puerto Rico Giannina Braschi: miêu tả một cuộc tình dài suốt thập kỷ 1980 ở New York với tất cả những mâu thuẫn của nó. Sự trụy lạc và đam mê của thành phố, quyền lực và sự phụ thuộc, sự tráng lệ và nghèo túng trở thành cuộc sống sôi động trong sách, một màn trình diễn lễ hội lấy cảm hứng từ Cuộc diễu hành Ngày Puerto Rico, đậm chất hiện thực huyền ảo kiểu châu Mỹ La Tinh.
- ねじまき鳥クロニクル (Bản ghi chép chim vặn dây cót, 1995) của nhà văn Nhật Haruki Murakami:  một tiểu thuyết đã từng đoạt giải Văn chương Yomiuri , gồm có 3 phần, nội dung xoay quanh nhân vật chính Toru Okada, một người đàn ông trẻ thất nghiệp, tìm kiếm con mèo bị mất tích của vợ ông. Sau đó ông nhận thấy cũng đang tìm kiếm vợ ông trong cõi âm ti nằm dưới lòng thành phố Tokyo yên bình. Câu chuyện hư cấu, đậm chất trinh thám, đầy sự đe dọa xen lẫn hài hước, miêu tả một cuộc hôn nhân tan vỡ, một cuộc khai quật những bí mật chôn vùi trong Thế chiến II…
- Astronautilía Hvězdoplavba (1995) của nhà văn Cộng hòa Czech Jan Křesadlo: một bài thơ sử thi dài 6575 câu lục ngôn trong tiếng Hy Lạp cổ được dịch song song với thơ lục ngôn Cộng hòa Czech. Câu chuyện khoa học viễn tưởng hậu hiện đại này được truyền cảm hứng từ định đề triết lý của vật lý học lượng tử, cho thấy cái gì đó tồn tại cần được quan sát. Người quan sát trên vũ trụ hóa thân thành con cừu xa lạ. Giết con cừu đồng nghĩa với kết thúc mọi việc. Con cừu và những người khác bị một kẻ hung ác tên là Mandys bắt nhốt rồi bị rượt đuổi bởi một lực lượng biệt kích phản ứng nhanh, thủ lĩnh của bọn này được gọi  là Udeis. Tình tiết câu chuyện có nhiều bất ngờ đối với người đọc.
- Die Ringe des Saturn: Eine englische Wallfahrt (Những chiếc nhẫn của Saturn: Một cuộc hành hương trên đất Anh?, 1999) của nhà văn Đức W. G. Sebald: tiểu thuyết nói về nhân vật kể chuyện không tên (xưng hô ở ngôi thứ nhất) có cuộc hành trình đi bộ xuyên qua Suffolk, một hạt ở East Anglia, đông bắc nước Anh. Nội dung cho thấy sự ám chỉ đến hoàng gia Anh trong quá khứ và bản chất của sự suy tàn, thối nát và mục rửa…
- Natural Novel (Tiểu thuyết tự nhiên, 1999) của nhà văn Bungari Georgi Gospodinov: thể hiện sự phân mảnh phức tạp, chứa nhiều chuyện kể, sự phản chiếu và những chi tiết…lạc đề; bao gồm lịch sử của những nhà vệ sinh và nghệ thuật viết chữ trên tường (graffiti), một sự suy tưởng về mối quan hệ giữa bầy ong và ngôn ngữ, một sự thể nghiệm viết sách bằng cách sử dụng những động từ có một không hai. Quyển này cho thấy những điều buồn cười khó tin qua sự tan vỡ hôn nhân của nhân vật chính, sự không chung thủy của vợ hắn với những người bạn thân của hai vợ chồng và sự mãnh liệt cá nhân, minh họa chân thực cho điều không tưởng trong đời sống hiện nay.
- 2666 (Bí số 2666, 2004) của nhà văn Chile Roberto Bolaño: quyển tiểu thuyết có 5 phần: nói về những nhà phê bình văn chương châu Âu; giáo sư triết học Oscar Amalfitano; nhà báo Mỹ Oscar Fate; những kẻ giết người hàng loạt ở Santa Teresa; nhà văn bí mật Archimboldi (Hans Reiter)…tất cả liên kết ở những mức độ khác nhau, đều liên quan tới những vụ giết hơn 300 người chưa được giải quyết (nạn nhân là những người nữ Mexico trẻ và nghèo ở Ciudad Juárez (khu vực Santa Teresa trong tiểu thuyết).
- Ζ213: ΕΞΟΔΟΣ (Z213: Ra đi, 2009) của nhà văn Hy Lạp Dimitris Lyacos: một câu chuyện giống như nhật ký cá nhân trong hình thức thơ tản văn hậu hiện đại, cho thấy những chuyến lang thang của một người đàn ông trốn khỏi tòa cao ốc như một cơn ác mộng. Nhân dạng của người chạy trốn hay kẻ rượt đuổi không hề được xác định trong cuộc săn lùng ấy, không có nguyên nhân nào cho thấy tại sao người chạy trốn lại bị giam cầm trong tòa cao ốc. Hoàn cảnh lúc đó dường như ám chỉ tình trạng của một loại cầm quyền chuyên chế theo thuyết vị lai đã suy tàn. Cuộc rượt đuổi không được miêu tả bằng ngôn ngữ hiện thực, nó có liên quan đến chủ nghĩa biểu hiện, tạo ra cảm giác sắp bị chết đến nơi, cái có thể nhận thấy trong hai quyển của bộ tam bi kịch Poena Damni. Ấn tượng chung của quyển Z213 là gợi nhớ đến cuộc tìm kiếm tâm linh hay kinh nghiệm của thuyết mạt thế (eschatological experience).
- Crash (Đâm sầm, 1973) của nhà văn Anh J. G. Ballard: trong tiểu thuyết ảo giác này, nhân vật chính Vaughan, "một nhà khoa học truyền hình", bị ám ảnh tình dục qua những tai nạn xe hơi. Gã cho thấy những hoạt cảnh của địa ngục, những "thiên thần ác mộng trên đường cao tốc", những thí nghiệm có hành động tàn bạo, gợi dục trong cảnh đụng xe. Crash là một tiểu thuyết gây tranh cãi,  thám hiểm vào sự phiền muộn và những khả năng đáng sợ của xã hội đương đại. Công nghệ đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ của con người.
Ngoài những tiểu thuyết trên, còn có những tác phẩm nổi bật như Москва – Петушки (Moscow-Petushki,1970) của Venedikt Erofeev (Nga), Nikopol Trilogy (1980 – 1993) của Enki Bilal (Pháp), Mantissa (1982) của John Fowles (Anh) và Omon Ra (1991) của Victor Pelevin (Nga)…
Lời kết
Cuối thập niên 1990, ý niệm về sự “cáo chung” của chủ nghĩa hậu hiện đại đã bắt đầu nhen nhúm, hình thành dần, thể hiện qua những bài lý luận phê bình của một số nhà nghiên cứu phương Tây. Người ta bắt đầu nói nhiều hơn về “Chủ nghĩa siêu hiện đại” (Metamodernism), “Chủ nghĩa hậu hậu hiện đại” (Post-postmodernism) hay những khái niệm khác để chỉ giai đoạn sau chủ nghĩa hậu hiện đại như Performatism của Raoul Eshelman, Hypermodernity của Gilles Lipovetsky, Altermodern của Nicolas Bourriaud hay Digimodernism (trước đây gọi là pseudo-modernism) của Alan Kirby…
Dẫu thế nào đi nữa thì văn chương hậu hiện đại vẫn tiếp tục dòng chảy của mình trên thế giới, cũng giống như kẻ “tiền nhiệm” văn chương hiện đại vậy. Các khuynh hướng văn chương vẫn tiếp tục chuyển động trong đời sống tinh thần con người, lớp này bồi lớp trước, đan xen nhau, có thể được tìm thấy đâu đó trong những tác phẩm của đất nước này hoặc đất nước kia. Cái lỗi thời hay “has gone out of fashion” chỉ là những cách nói, chỉ là “dòng ý thức”. Chúng ta hãy chờ xem, giai đoạn kế tiếp của văn chương hậu hiện đại thực sự là gì…
Vương Trung Hiếu

Nguồn tham khảo chính
1.Fowler, Alastair,1989. The History of English Literature, p. 372 Harvard University Press, Cambridge.
2.Ergodic literature: là thuật ngữ do Espen J. Aarseth tạo ra trong quyển Cybertext -Perspectives on Ergodic Literature, có nguồn gốc từ hai chữ Hy Lạp: ergon có nghĩa là tác phẩm, còn hodoscon đường.
3.Wikipedia, 2013. Hyperreality. Truy cập ngày 13 tháng 7 từ http://en.wikipedia.org/wiki/Hyperreality
4.Wikipedia, 2013. Postmodernism. Truy cập ngày 13 tháng 7 từ http://en.wikipedia.org/wiki/Postmodern_literature#Technoculture_and_hyperreality
5.Anonymous, 2009. What is cyberpunk? Cyberpunked. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2013, từ http://www.cyberpunked.org/cyberpunk/
6.Ketterer, David 1992. Canadian Science Fiction and Fantasy. Indiana University Press. p. 141.
- Wikipedia, 2013. Postmodernism, Postmodernity, Deconstruction, Structuralism, Post-postmodernism, Postmodern literature, Intertextuality, Pastiche, Metafiction, Fabulation, Poioumena, Historiographic metafiction, Temporal distortion, Magic realism, Technoculture and hyperreality, Paranoia, Maximalism, Minimalism…Truy cập từ ngày 13 đến 16 tháng 7 năm 2013.
- Postmodernism. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2013, từ http://plato.stanford.edu/entries/postmodernism/
- Lyotard, J.-F., 1984. The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, Geoff Bennington and Brian Massumi (trans.), Minneapolis: University of Minnesota Press.
- Vattimo, Gianni, 1988. The End of Modernity: Nihilism and Hermeneutics in Postmodern Culture, Jon R. Snyder (trans.), Baltimore: Johns Hopkins University Press.
- General Introduction to the Postmodern. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.cla.purdue.edu/english/theory/postmodernism/modules/introduction.html
- Postmodern Literature. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://gunn-final.weebly.com/summary.html
- Postmodern Literature. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.studymode.com/essays/Postmodern-Literature-380594.html
- What is Postmodern Literature? Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.examiner.com/article/what-is-postmodern-literature
- A list of postmodern characteristics. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://postmodernblog.tumblr.com/post/106532710/a-list-of-postmodern-characteristics
- Postmodernism. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://writershistory.com/index.php?option=com_content&task=category&sectionid=4&id=29&Itemid=42
- Postmodernism and SF. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.sf-encyclopedia.com/entry/postmodernism_and_sf
- Histoire de la littérature française Modernité et postmodernité. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.la-litterature.com/dsp/dsp_display.asp?NomPage=6_20s_030_postmod
- Postmodernisme. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.universalis.fr/encyclopedie/postmodernisme/2-litterature/
- Le postmodernisme en littérature. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://theses.univ-lyon3.fr/documents/getpart.php?id=lyon3.2009.goilan_l&part=238107
- Introduction au postmodernisme. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://e-toile.org/theorie-aide-creation-introduction-au-postmodernisme-33.html
- POSTMODERNISME / Postmodernism. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.flsh.unilim.fr/ditl/Fahey/POSTMODERNISMEPostmodernism_n.html

 Vương Trung Hiếu

Source : damau.org