10/8/13

Vương Trung Hiếu - Văn chương hậu hiện đại (phần II)



Vương Trung Hiếu 

 9 August 2013

(tiếp theo phần I)

- Bản thể luận (Ontology): xuất phát từ tiếng Hy Lạp Οντολογία, dùng để chỉ sự nghiên cứu triết học về bản chất sự sống, sự tồn tại, thực tại cũng như các phạm trù cơ bản của sự sống và toàn bộ mối quan hệ của chúng …Nó là một phần trong phân nhánh quan trọng của triết học gọi là “siêu hình học” (metaphysics), thường nêu những câu hỏi liên quan tới sự tồn tại của những thực thể nào đó. Nhìn chung, luận đề cơ bản của bản thể luận là “Tồn tại là gì?”, “Cái gì tồn tại?”, “Sự tồn tại của cái hữu hình là gì?” “Sự tồn tại của cái vô hình là gì?” hay “Nếu một đối tượng vô hình tồn tại thì điều đó có nghĩa gì?”…
Trong văn chương hậu hiện đại, những điều trên xuất hiện rải rác trong tiểu thuyết Perdido Street Station (2000) của nhà văn Anh China Miéville, miêu tả thế giới Bas-Lag tưởng tượng – nơi cư ngụ của nhiều chủng tộc thông minh, có ma thuật và phép thần thông…Tác giả sử dụng kỹ thuật steampunk hiện đại rất điêu luyện, xoay quanh trục những nhân vật chính như Isaac Dan der Grimnebulin, Yagharek, Lin và Derkhan Blueday….
Tiểu thuyết House of Leaves (2000) của nhà văn Mỹ Mark Z. Danielewski cũng đặt ra những câu hỏi bản thể luận, cho thấy định dạng và cấu trúc độc đáo qua phong cách và cách thiết kế trang bất thường, tạo ra loại văn chương Ergodic (Ergodic literature) (2). Một số trang chỉ có vài từ hoặc vài dòng chữ, sử dụng cách sắp xếp kỳ lạ để phản ánh các sự kiện trong câu chuyện, thường tạo ra bóng tối và hiệu ứng ngột ngạt.
- Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism): năm 1925, nhà phê bình nghệ thuật Đức Franz Roh sử dụng cụm từ này để nói về phong cách hội họa gọi là Neue Sachlichkeit (Tính khách quan mới), cho thấy đó là một phản ứng đối với chủ nghĩa biểu hiện trên tạp chí Ý Novecento, do nhà văn – nhà phê bình Massimo Bontempelli biên tập. Đến thập niên 1940, nhiều tác giả Mỹ La Tinh kết hợp lý thuyết của Roh và Bontempelli với những khái niệm kỳ lạ của siêu thực Pháp, sáp nhập những thần thoại bản địa và qui tắc truyền thống vào tiểu thuyết Mỹ La Tinh.
Nhìn chung, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một thể loại, trong đó những yếu tố ảo cấu thành bộ phận tự nhiên của môi trường hiện thực thế tục. Một tác phẩm hiện thực huyền ảo thường được đánh dấu bằng việc sử dụng tranh ảnh đã xác định rõ, hoặc những vật thể được mô tả một cách siêu thực. Đề tài và chủ đề thường là hư cấu, một cái gì đó xa xăm, không tưởng, giống như một loại giấc mơ nào đó. Đặc điểm của thể loại này là sự pha trộn, cái có thật và cái tưởng tượng được đặt cạnh nhau, cho thời gian xoắn vào nhau, luân phiên thay đổi một cách kỳ lạ, thậm chí cốt truyện và lời kể phức tạp đến mức khó hiểu. Ngoài ra kỹ thuật này còn là cách sử dụng những giấc mơ hỗn hợp, chuyện thần tiên và thần thoại, sự diễn tả siêu thực và biểu hiện, những kiến thức thần bí, yếu tố tạo ngạc nghiên, gây sốc đột ngột, sự khủng khiếp và điều không thể giải thích được.
Trong văn chương hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo xuất hiện khi một nhân vật trong truyện vẫn tiếp tục sống bên kia thế giới, vượt qua giai đoạn sống thông thường của con người. Điều này được mô tả một cách huyền ảo, cho thấy nhân vật đó sống xuyên suốt nhiều thế hệ. Diễn biến câu chuyện trong một môi trường có thật, nhưng với nhân vật như thế thì qui tắc của thế giới thực sẽ bị phá vỡ.
Từ thập niên 1920 đến 30, chất hiện thực huyền ảo xuất hiện trong lý thuyết của  Roh và Bontempelli, trong những tác phẩm của Kafka, Junger và Musil, trong khuynh hướng Tính khách quan mới của Franz Roh do Doblin thể hiện. Chất này còn có trong tiểu thuyết của những nhà văn Pháp như André Breton, Louis Aragon và Julien Gracq – người đã phát triển lý thuyết mới le merveilleux (yếu tố huyền diệu). Trong giai đoạn này, cần chú ý chi tiết: nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tập truyện ngắn Historia universal de la infamia (Lịch sử phổ quát về sự ô danh, 1935) của Jorge Luis Borges là tác phẩm đầu tiên về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Từ thập niên 1940 đến 1950, khuynh hướng hiện thực huyền ảo Mỹ La Tinh thể hiện trong lý thuyết của Alejo Carpentier và Flores, trong tác phẩm của Carpentier, Borges, Asturias và Uslar Pietri; ngoài ra, cần phải kể đến trong quyển El reino de este mundo (Vương quốc của thế giới này, 1949) của Alejo Carpentier (Cuba), nói về Cuộc cách mạng Haiti trong thế kỷ 18 và trong tập truyện ngắn Guerra del tiempo (Cuộc chiến thời gian, 1958) chứa đầy chất siêu thực với những tình tiết kỳ lạ. Một đại biểu xuất sắc khác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chính là Gabriel García Marquez, một nhà văn Colombia nổi tiếng với tiểu thuyết Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn, 1967).
Riêng trong văn chương hậu hiện đại, có những  đại diện tầm cỡ như Gunter Grass (Đức), Salman Rushdie ( Ấn Độ) và Italo Calvino (Ý). Những tác giả này thường sử dụng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm của họ. Đến đầu thế kỷ 21, một khuynh hướng mới pha trộn chất ngụ ngôn với hiện thực huyền ảo xuất hiện trong những truyện ngắn Mỹ, thí dụ The Ceiling của Kevin Brockmeier, Big Me của Dan Chaon, Exposure của Jacob M. Appel và The Mourning Door của Elizabeth Graver…
- Kỹ-văn hóa và bội hiện thực (Technoculture and hyperreality): kỹ văn hóa là một từ ghép mới, hiện nay chưa được định nghĩa chuẩn trong từ điển, tuy nhiên nó đã phổ biến phần nào đó trong giới học viện. Hai nhà biên tập Constance Penley và Andrew Ross đã phổ biến khái niệm này một sách luận văn, miêu tả "kỹ-văn hóa" là sự tương tác giữa chính trị, kỹ thuật và văn hóa.
Bội hiện thực là thuật ngữ được sử dụng trong ký hiệu học và triết học hậu hiện đại, miêu tả sự bất lực của ý thức trong việc phân biệt thực tại với sự mô phỏng thực tại, đặc biệt là trong những xã hội hậu hiện đại có công nghệ tiên tiến. Bội hiện thực được xem là một điều kiện, trong đó cái thực và hư cấu trộn lẫn nhau liền mạch, không thể phân biệt rõ cái gì khởi đầu và cái gì là kết thúc. Nó cho phép hòa trộn cái thực vật chất với cái thực ảo giác, khả năng hiểu biết của con người với khả năng hiểu biết nhân tạo. Những lý thuyết gia hàng đầu về bội hiện thực gồm có Jean Baudrillard, Albert Borgmann, Daniel J. Boorstin, Neil Postman và Umberto Eco (3).
Nhà phê bình văn chương Mỹ Fredric Jameson gọi chủ nghĩa hậu hiện đại là "Lô gíc học văn hóa của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ (cultural logic of late capitalism). " Chủ nghĩa tư bản hậu kỳ" gợi ý rằng xã hội đã trôi từ thời đại công nghệ sang thời đại thông tin. Tương tự như vậy, triết gia Pháp Jean Baudrillard khẳng định rằng thời hậu hiện đại (postmodernity) được định rõ bằng bội hiện thực, trong đó sự mô phỏng thay thế cho thực tại. Con người thời hậu hiện đại chìm ngập trong công nghệ và thông tin, trở thành tiêu điểm cho nhận thức của chúng ta về cái thực do sự mô phỏng thực tại dàn xếp (4). Nhiều tác phẩm hư cấu đã xử lý diện mạo của thời hậu hiện đại bằng sự châm biếm và giễu nhại đặc trưng. Thí dụ, tiểu thuyết White Noise (Tiếng động trắng, 1985) của Don DeLillo miêu tả những nhân vật bị tấn công dồn dập bởi "tiếng động trắng" của truyền hình, nhãn hiệu hàng hóa, câu chuyện sáo rỗng…trong những đề tài nổi lên từ giữa đến cuối thế kỷ 20, thí dụ như cơ chế thị trường, sự bão hòa phương tiện truyền thông đại chúng, chứng làm việc trí não mê cuồng, những âm mưu ngầm, sự tan vỡ và tái hòa nhập gia đình, những thảm họa do con người gây ra… Tính chất kỹ- văn hóa và bội hiện thực còn được thể hiện qua Neuromancer (1984) của William Gibson, một truyện dài đậm chất cyberpunk.
- Cyberpunk: là thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hậu hiện đại, tập trung vào việc khai thác công nghệ cao và “thế giới ngầm” (5) (6). Nó khắc họa nét đặc biệt của khoa học tiên tiến, thí dụ như công nghệ thông tin và điều khiển học,  kết hợp với mức độ suy sụp tinh thần và sự thay đổi cơ bản trong các tầng lớp xã hội.
Cyberpunk thường tập trung vào sự xung đột giữa những hacker, công nghệ và ngành khoa học máy tính chuyên nghiên cứu, phát triển những phần mềm, máy thông minh (artificial intelligences). Nó tập trung vào những tập đoàn lớn mạnh, có khuynh hướng “thiết kế” trái đất trong tương lai gần chứ không quá xa hay lấy bối cảnh dải ngân hà khổng lồ như trong Foundation (Nền tảng, 1951) của Isaac Asimov, một tiểu thuyết kể về nhóm khoa học gia tìm cách bảo quản kiến thức khi những nền văn minh chung quanh họ bắt đầu trôi ngược trở lại, hay trong quyển Dune (Cồn cát, 1965) của Frank Herbert, nói về cuộc sống của con người khoảng hơn 21.000 năm sau.
Trong văn chương hậu hiện đại, nhiều tác giả đã vay mượn chất cyberpunk nguyên thủy, kết hợp với ý tưởng sáng tạo cyberpunk mới của riêng họ. Điều này hiện rõ qua When Gravity Fails (Khi sức hấp dẫn không còn, 1986) của George Alec Effinger, một tiểu thuyết có tựa trích từ câu “When your gravity fails and negativity don’t pull you through" trong ca khúc Just Like Tom Thumb’s Blues của Bob Dylan.
Tạp chí Wired do Louis Rossetto, Jane Metcalfe và Ian Charles Stewart thành lập năm 1993 cho thấy sự pha trộn công nghệ mới với nghệ thuật và văn chương, thể hiện những đề tài hiện đại giúp thể loại cyberpunk có lượng độc giả tăng lên đáng kể. Những tác giả trụ cột trong giai đoạn đầu của tạp chí này gồm có Bruce Sterling, Stewart Brand và William Gibson…
- Steampunk: là thể loại phụ của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, khắc họa nét đặc trưng của máy chạy hơi nước, đặc biệt là miêu tả những thành tựu nổi bật của nền văn minh phương Tây công nghiệp hóa trong thế kỷ 19. Năm 1981, quyển Elementary BASIC – Learning to Program Your Computer in BASIC with Sherlock Holmes của Henry Singer và  Andrew Ledgar có thể là tác phẩm hư cấu đầu tiên về cách sử dụng Máy phân tích (Analytical Engine) của Charles Babbage – một loại máy tính tự động hoàn toàn được miêu tả lần đầu năm 1837.
Gần một thập niên sau, William Gibson và  Bruce Sterling giới thiệu tiểu thuyết The Difference Engine (1990), giúp nhận thức về thể loại steampunk phổ biến hơn. Quyển này cung cấp nguyên tắc viết steampunk của Gibson và Sterling về thời Victoria, giai đoạn mà máy vận hành bằng hơi nước của Ada Lovelace và  Charles Babbage được đề xuất. Năm 2008, tuyển tập  Extraordinary Engines của Nick Gevers cho thấy có sự thể hiện chấtsteampunk mới hơn, cũng như những thể loại khoa học viễn tưởng khác.
- Hoang tưởng (paranoia): “paranoia” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp παράνοια (paranoia). Thuật ngữ này được dùng để miêu tả một loại bệnh tâm thần. “Hoang tưởng” là quá trình suy nghĩ tin là bị ảnh hưởng nặng bởi sự lo âu hay sợ hãi, thường liên quan tới sự phi lý hay lừa dối. Ý nghĩ về chứng hoang tưởng có nét đặc trưng là tin bị ngược đãi, tin là có âm mưu nào đó đe dọa mình. Thí dụ: “Ai cũng muốn trả thù tôi!”
Catch-22 của Joseph Heller là quyển tiểu thuyết xuất bản năm 1961, chứng minh cho sự nổi tiếng nhất, hiệu quả nhất về khái niệm “hoang tưởng”. Câu chuyện diễn ra năm 1943 trong Thế chiến II, trình bày quan điểm của nhiều nhân vật phát triển theo trục thời gian của cốt truyện.
Đối với người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, không có toan tính nào hoàn toàn lệ thuộc vào đề tài, vì sự hoang tưởng thường dao động giữa ảo giác và sự tri giác sâu sắc. The Crying of Lot 49 của Pynchon là tác phẩm đầu tiên của văn chương hậu hiện đại thể hiện tình trạng có thể xem là ngẫu nhiên, là âm mưu hoặc một chuyện đùa độc ác xoay quanh nhân vật chính Oedipa Maas – một bà nội trợ bị tra tấn, dao động giữa điều nên tin hay không tin vào bằng chứng này hay bằng chứng khác.
Sự hoang tưởng cũng có thể xảy ra cùng lúc với đề tài kỹ-văn hóa và bội hiện thực. Thí dụ, tiểu thuyết Breakfast of Champions (1973) của Kurt Vonnegut lấy bối cảnh là thành phố Midland tưởng tượng, nói về hai người đàn ông da trắng, lớn tuổi, gầy còm và cô đơn trên một hành tinh gần như không còn sự sống. Nhân vật Dwayne Hoover đã trở nên hung tợn khi hắn tin chắc rằng những người khác trên thế giới đều là người máy, chỉ còn hắn là con người thật sự.
- Tối đa luận (maximalism): là thuật ngữ được dùng để giải thích một dòng chảy hoặc khuynh hướng chứa mọi nhân tố của thuật ngữ đa mục đích như chủ nghĩa biểu hiện (expressionism). Vì thuật ngữ này thường được dùng để miêu tả phản ứng chống lại chủ nghĩa tối giản, còn gọi là tối giản luận (minimalism). Nó miêu tả tính chất thừa mứa phơi bày qua sự tích lũy vật dụng phản chiếu xã hội hiện tại. Thuật ngữ này còn diễn tả sự khoe khoang tài sản khổng lồ của kẻ siêu giàu hoặc sự ám ảnh xuất hiện thường xuyên trong hành vi của những người bán đồ cũ, những kẻ đã tích lũy quá nhiều vật dụng gia đình trong quá khứ.
Trong tiểu thuyết hậu hiện đại, ta có thể thấy tính chất tối đa luận trong tiểu thuyết của hai nhà văn Mỹ:  David Foster Wallace với The Broom of the System (1987), Infinite Jest (1996), The Pale King (2011) và Thomas Pynchon với Vineland (1990), Mason & Dixon (1997), Against the Day (2006); Inherent Vice (2009) và Bleeding Edge (2013)…Trong những tác phẩm đó ta sẽ thấy sự lạc đề, tài liệu tham khảo, những chi tiết biên soạn công phu là những miếng nhỏ, tích lũy thành đống trong văn bản. Nó có thể ám chỉ bất cứ cái gì thừa mứa, phức tạp và đầy “tính phô trương”, hoặc cung cấp khả năng tàn phá quá mức trong những đặc điểm và chi tiết đính kèm, tính thô bạo trong khối lượng và chất lượng.
- Tối giản luận (Minimalism): còn gọi là chủ nghĩa tối giản. Khái niệm này trong văn chương thể hiện sự tập trung vào việc mô tả bề mặt, nơi mà độc giả tin rằng họ đóng vai trò hành động trong quá trình sáng tạo câu chuyện. Các nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết chứa tối giản luận thường không có vẻ gì nổi bật, nói cách khác: rất bình thường. Họ chỉ là những lát cắt nhỏ của đời sống. Nhìn chung, tối giản luận đối lập với tối đa luận. Nó chỉ đại diện cho cái cơ bản nhất, thiết yếu nhất với những mảng miếng cần thiết, thể hiện cụ thể, rõ ràng qua sự kiểm soát chặt chẽ ngôn từ. Những tác giả hậu hiện đại ứng dụng tối giản luận thường lưỡng lự khi dùng những tính từ, trạng từ (phó từ) hay những chi tiết vô nghĩa. Thay vì cung cấp từng chi tiết nhỏ, tác giả trình bày một văn cảnh chung, sau đó cho phép trí tưởng tượng của người đọc định hình câu chuyện.
Có thể nói Samuel Beckett là tác giả tiêu biểu nhất, bậc thầy ứng dụng tối giản luận trong văn chương hậu hiện đại. Điều này có thể tìm thấy trong những tác phẩm của ông: kịch Happy days (Những ngày tươi đẹp, 1961), tiểu thuyết Meercier et Camier (Meercier và Camier, 1970), tập thơ Mirlitonnades (1978), ngoài ra còn phải kể đến tác phẩm Ohio impromptu (Ứng khẩu Ohio, 1981) và Worstward Ho (1984).
Trên thế giới
Có thể nói văn chương hậu hiện đại là một khuynh hướng sáng tác phổ biến hiện nay trên thế giới, tập trung nhất có lẽ là ở Hoa Kỳ, với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Thomas Pynchon, John Barth, Hunter S. Thompson, Kurt Vonnegut, William Gaddis, Robert Shea, Robert Anton Wilson, Donald Barthelme, Samuel R. Delany, Robert Sheckley, Robert Coover, Gilbert Sorrentino, Philip K. Dick, Paul Auster, Joseph McElroy, Nicholson Baker, Mark Leyner, Richard Powers, David Foster Wallace, Chuck Palahniuk, Don DeLillo, Donald Antrim, Tim O’Brien, David Markson, Bret Easton Ellis, Christopher Sorrentino, Joshua Cohen và William H. Gass…
Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu những tác phẩm hậu hiện đại xuất sắc bên ngoài nước Mỹ, ngõ hầu chứng minh sự lan rộng của khuynh hướng sáng tác này.
- The Atrocity Exhibition (Sự phơi bày tàn bạo, 1970) của nhà văn Anh J. G. Ballard: một quyển tiểu thuyết súc tích, được cắt rời từng phần và mỗi phần có đời sống riêng. Mỗi chương lại được chia thành những mảng nhỏ. Không có gì rõ ràng cho thấy đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc, nghĩa là không theo kết cấu của tiểu thuyết thông thường. Nhân vật chính thay đổi tên trong từng chương hoặc câu chuyện (Talbert, Traven, Travis hay Talbot…), vai trò và cái nhìn của ông ta về thế giới cũng liên tục thay đổi…
- Le città invisibili (Những thành phố vô hình,1972) của nhà văn Ý Italo Calvino: bao gồm những bài thơ tản văn mô tả 55 thành phố do nhân vật chính (nhà thám hiểm Marco Polo) thể hiện; ngoài ra còn có những đoạn đối thoại ngắn giữa Marco Polo và hoàng đế Hốt Tất Liệt (Trung Hoa) xen kẽ mỗi 5-10 thành phố, cho thấy những chủ đề về ngôn ngữ học, bản chất con người và kiến trúc, không giới hạn qui luật vật lý hoặc hạn chế của lý thuyết đô thị…
- It’s Me, Eddie (Tôi là Eddie, 1976) của nhà văn Nga Eduard Limonov : nội dung sách nói về Eddie, một đứa trẻ rời Liên Xô đến nước Mỹ với ảo tưởng giàu sang, có đàn bà, ma túy và tự do nghệ thuật. Thế rồi về sau, Eddie lâm vào cảnh nghèo túng, vợ bỏ, rượu chè. Câu chuyện cho thấy tình yêu và cảm xúc đan xen trong sự buồn chán của công việc và cuộc sống đô thị. Nhìn chung, tác giả chống tất cả, chống lại cả con người, còn cách giải quyết chỉ là nước mắt. Văn của Limonov có khuynh hướng vươn tới mức cuồng loạn của cảm xúc, điều này có là tín hiệu tốt hay xấu, tất cả tùy thuộc vào người đọc.
- La Vie mode d’emploi (Cuộc sống: phương thức sử dụng, 1978) của nhà văn Pháp Georges Perec: một quyển tiểu thuyết phức tạp với những tình tiết và ý tưởng đan xen nhau, với những ám chỉ lịch sử và văn chương, dựa trên cuộc sống của cư dân Paris trong chung cư tưởng tượng ở số 11 đường Simon-Crubellier (con đường không có thật). Cấu trúc tác phẩm dựa trên một số yếu tố, mỗi yếu tố lại kết hợp với một lớp đa phức.
Lanark: A Life in Four Books (Lanark: Cuộc đời trong bốn quyển sách, 1981) của nhà văn Scotland Alasdair Gray: quyển này được viết gần 30 năm mới hoàn tất, từng đoạt giải Sách của năm của Saltire Society và giải David Niven. Tiểu thuyết này bao gồm 4 quyển: quyển 1 và 2 là sách giáo dục nhân cách theo chủ nghĩa thực tế trong giai đoạn đầu thời tiền chiến Glasgow; quyển 3 nói về một chàng trai tỉnh dậy trong một toa xe, không còn nhớ quá khứ, phải đặt tên mình theo một bức ảnh quen thuộc trên tường. Anh ta đến Unthank, nơi đó có một thành phố tưởng tượng không có ánh sáng ban ngày, cư dân đã biến mất vì bị những bệnh biểu tượng kỳ lạ; quyển 4 cho thấy nhân vật Lanark bắt đầu cuộc hành trình trở về Unthank giống như một giấc mơ kỳ quái, với đỉnh điểm của sự tan vỡ, bị tàn phá do xung đột chính trị, thói hám lợi, sự hoang tưởng, suy thoái kinh tế mà anh ta không thể ngăn chặn được…
- Il pendolo di Foucault (Thiết bị quả lắc của Foucault, 1988) của nhà văn – triết gia Ý Umberto Eco: Tiêu đề sách đề cập đến một con lắc có thật, do nhà vật lý Pháp Léon Foucault thiết kế để chứng minh sự quay của trái đất, trong đó có ý nghĩa biểu trưng của sách. Nội dung quyển này tập trung vào sự huyền bí, nhằm cung cấp cách giải thích riêng về thuyết âm mưu của một số nhân vật. Trên thực tế, có thể xem quyển này là một bài phê bình, một sự bịp bợm hoặc giải cấu trúc của những âm mưu lớn, bao quát toàn bộ thường được tìm thấy trong văn chương hậu hiện đại.
- Хазарски речник / Hazarski rečnik (Từ điển Khazar, 1984) của nhà văn Serbia Milorad Pavić: một tiểu thuyết rất khó nhận ra cốt truyện theo cách thông thường, câu hỏi trọng tâm của sách (sự chuyển giáo của người Khazar) dựa trên sự kiện lịch sử những thập niên cuối thế kỷ 8 hay đầu thế kỷ 9, khi hoàng gia và giới quí tộc Kharar chuyển sang Do Thái giáo. Phần lớn nhân vật và sự kiện trong sách đều hư cấu, ngay cả văn hóa của người Kharar (không giống bất kỳ bằng chứng văn học và khảo cổ nào). Quyển này có hình thức ba quyển bách khoa toàn thư mini với sự tham chiếu chéo, tổng hợp từ nguồn Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo; không cho thấy niên đại, mỗi người đọc tự đặt mình vào sách, giống như chơi bài hay domino và tự rút ra kết luận.
- Memoirs of Many in One (1986) của nhà văn Úc Patrick White, người đã đoạt giải Nobel năm 1973. Nội dung sách cho thấy cái nhìn bất thường trong quá trình sáng tạo, so sánh với hoạt động của người mất trí vô hại. Nhà văn đã gánh vác vai trò biên tập cho hồi ký tưởng tượng của Alex Gray, một bà già hơi gàn. Qua ngôn ngữ của bà ta, tác giả cố "khám phá văn phong đóng kịch, giải thích cuộc sống của bà, vì sao bà có mặt trên cõi đời này". Với tư cách là người cầm bút, bà già tạo ra nhiều vai kịch cho bản thân, từ nữ tu sĩ Orthodox Hy Lạp cho tới diễn viên trong kịch Shakespeare, do đó Patrick White mới đặt tựa tiểu thuyết của ông là "many in one" (nhiều người trong một).
- Empire of Dreams (Đế quốc của những giấc mơ, 1988) của nhà văn Puerto Rico Giannina Braschi: miêu tả một cuộc tình dài suốt thập kỷ 1980 ở New York với tất cả những mâu thuẫn của nó. Sự trụy lạc và đam mê của thành phố, quyền lực và sự phụ thuộc, sự tráng lệ và nghèo túng trở thành cuộc sống sôi động trong sách, một màn trình diễn lễ hội lấy cảm hứng từ Cuộc diễu hành Ngày Puerto Rico, đậm chất hiện thực huyền ảo kiểu châu Mỹ La Tinh.
- ねじまき鳥クロニクル (Bản ghi chép chim vặn dây cót, 1995) của nhà văn Nhật Haruki Murakami:  một tiểu thuyết đã từng đoạt giải Văn chương Yomiuri , gồm có 3 phần, nội dung xoay quanh nhân vật chính Toru Okada, một người đàn ông trẻ thất nghiệp, tìm kiếm con mèo bị mất tích của vợ ông. Sau đó ông nhận thấy cũng đang tìm kiếm vợ ông trong cõi âm ti nằm dưới lòng thành phố Tokyo yên bình. Câu chuyện hư cấu, đậm chất trinh thám, đầy sự đe dọa xen lẫn hài hước, miêu tả một cuộc hôn nhân tan vỡ, một cuộc khai quật những bí mật chôn vùi trong Thế chiến II…
- Astronautilía Hvězdoplavba (1995) của nhà văn Cộng hòa Czech Jan Křesadlo: một bài thơ sử thi dài 6575 câu lục ngôn trong tiếng Hy Lạp cổ được dịch song song với thơ lục ngôn Cộng hòa Czech. Câu chuyện khoa học viễn tưởng hậu hiện đại này được truyền cảm hứng từ định đề triết lý của vật lý học lượng tử, cho thấy cái gì đó tồn tại cần được quan sát. Người quan sát trên vũ trụ hóa thân thành con cừu xa lạ. Giết con cừu đồng nghĩa với kết thúc mọi việc. Con cừu và những người khác bị một kẻ hung ác tên là Mandys bắt nhốt rồi bị rượt đuổi bởi một lực lượng biệt kích phản ứng nhanh, thủ lĩnh của bọn này được gọi  là Udeis. Tình tiết câu chuyện có nhiều bất ngờ đối với người đọc.
- Die Ringe des Saturn: Eine englische Wallfahrt (Những chiếc nhẫn của Saturn: Một cuộc hành hương trên đất Anh?, 1999) của nhà văn Đức W. G. Sebald: tiểu thuyết nói về nhân vật kể chuyện không tên (xưng hô ở ngôi thứ nhất) có cuộc hành trình đi bộ xuyên qua Suffolk, một hạt ở East Anglia, đông bắc nước Anh. Nội dung cho thấy sự ám chỉ đến hoàng gia Anh trong quá khứ và bản chất của sự suy tàn, thối nát và mục rửa…
- Natural Novel (Tiểu thuyết tự nhiên, 1999) của nhà văn Bungari Georgi Gospodinov: thể hiện sự phân mảnh phức tạp, chứa nhiều chuyện kể, sự phản chiếu và những chi tiết…lạc đề; bao gồm lịch sử của những nhà vệ sinh và nghệ thuật viết chữ trên tường (graffiti), một sự suy tưởng về mối quan hệ giữa bầy ong và ngôn ngữ, một sự thể nghiệm viết sách bằng cách sử dụng những động từ có một không hai. Quyển này cho thấy những điều buồn cười khó tin qua sự tan vỡ hôn nhân của nhân vật chính, sự không chung thủy của vợ hắn với những người bạn thân của hai vợ chồng và sự mãnh liệt cá nhân, minh họa chân thực cho điều không tưởng trong đời sống hiện nay.
- 2666 (Bí số 2666, 2004) của nhà văn Chile Roberto Bolaño: quyển tiểu thuyết có 5 phần: nói về những nhà phê bình văn chương châu Âu; giáo sư triết học Oscar Amalfitano; nhà báo Mỹ Oscar Fate; những kẻ giết người hàng loạt ở Santa Teresa; nhà văn bí mật Archimboldi (Hans Reiter)…tất cả liên kết ở những mức độ khác nhau, đều liên quan tới những vụ giết hơn 300 người chưa được giải quyết (nạn nhân là những người nữ Mexico trẻ và nghèo ở Ciudad Juárez (khu vực Santa Teresa trong tiểu thuyết).
- Ζ213: ΕΞΟΔΟΣ (Z213: Ra đi, 2009) của nhà văn Hy Lạp Dimitris Lyacos: một câu chuyện giống như nhật ký cá nhân trong hình thức thơ tản văn hậu hiện đại, cho thấy những chuyến lang thang của một người đàn ông trốn khỏi tòa cao ốc như một cơn ác mộng. Nhân dạng của người chạy trốn hay kẻ rượt đuổi không hề được xác định trong cuộc săn lùng ấy, không có nguyên nhân nào cho thấy tại sao người chạy trốn lại bị giam cầm trong tòa cao ốc. Hoàn cảnh lúc đó dường như ám chỉ tình trạng của một loại cầm quyền chuyên chế theo thuyết vị lai đã suy tàn. Cuộc rượt đuổi không được miêu tả bằng ngôn ngữ hiện thực, nó có liên quan đến chủ nghĩa biểu hiện, tạo ra cảm giác sắp bị chết đến nơi, cái có thể nhận thấy trong hai quyển của bộ tam bi kịch Poena Damni. Ấn tượng chung của quyển Z213 là gợi nhớ đến cuộc tìm kiếm tâm linh hay kinh nghiệm của thuyết mạt thế (eschatological experience).
- Crash (Đâm sầm, 1973) của nhà văn Anh J. G. Ballard: trong tiểu thuyết ảo giác này, nhân vật chính Vaughan, "một nhà khoa học truyền hình", bị ám ảnh tình dục qua những tai nạn xe hơi. Gã cho thấy những hoạt cảnh của địa ngục, những "thiên thần ác mộng trên đường cao tốc", những thí nghiệm có hành động tàn bạo, gợi dục trong cảnh đụng xe. Crash là một tiểu thuyết gây tranh cãi,  thám hiểm vào sự phiền muộn và những khả năng đáng sợ của xã hội đương đại. Công nghệ đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ của con người.
Ngoài những tiểu thuyết trên, còn có những tác phẩm nổi bật như Москва – Петушки (Moscow-Petushki,1970) của Venedikt Erofeev (Nga), Nikopol Trilogy (1980 – 1993) của Enki Bilal (Pháp), Mantissa (1982) của John Fowles (Anh) và Omon Ra (1991) của Victor Pelevin (Nga)…
Lời kết
Cuối thập niên 1990, ý niệm về sự “cáo chung” của chủ nghĩa hậu hiện đại đã bắt đầu nhen nhúm, hình thành dần, thể hiện qua những bài lý luận phê bình của một số nhà nghiên cứu phương Tây. Người ta bắt đầu nói nhiều hơn về “Chủ nghĩa siêu hiện đại” (Metamodernism), “Chủ nghĩa hậu hậu hiện đại” (Post-postmodernism) hay những khái niệm khác để chỉ giai đoạn sau chủ nghĩa hậu hiện đại như Performatism của Raoul Eshelman, Hypermodernity của Gilles Lipovetsky, Altermodern của Nicolas Bourriaud hay Digimodernism (trước đây gọi là pseudo-modernism) của Alan Kirby…
Dẫu thế nào đi nữa thì văn chương hậu hiện đại vẫn tiếp tục dòng chảy của mình trên thế giới, cũng giống như kẻ “tiền nhiệm” văn chương hiện đại vậy. Các khuynh hướng văn chương vẫn tiếp tục chuyển động trong đời sống tinh thần con người, lớp này bồi lớp trước, đan xen nhau, có thể được tìm thấy đâu đó trong những tác phẩm của đất nước này hoặc đất nước kia. Cái lỗi thời hay “has gone out of fashion” chỉ là những cách nói, chỉ là “dòng ý thức”. Chúng ta hãy chờ xem, giai đoạn kế tiếp của văn chương hậu hiện đại thực sự là gì…
Vương Trung Hiếu

Nguồn tham khảo chính
1.Fowler, Alastair,1989. The History of English Literature, p. 372 Harvard University Press, Cambridge.
2.Ergodic literature: là thuật ngữ do Espen J. Aarseth tạo ra trong quyển Cybertext -Perspectives on Ergodic Literature, có nguồn gốc từ hai chữ Hy Lạp: ergon có nghĩa là tác phẩm, còn hodoscon đường.
3.Wikipedia, 2013. Hyperreality. Truy cập ngày 13 tháng 7 từ http://en.wikipedia.org/wiki/Hyperreality
4.Wikipedia, 2013. Postmodernism. Truy cập ngày 13 tháng 7 từ http://en.wikipedia.org/wiki/Postmodern_literature#Technoculture_and_hyperreality
5.Anonymous, 2009. What is cyberpunk? Cyberpunked. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2013, từ http://www.cyberpunked.org/cyberpunk/
6.Ketterer, David 1992. Canadian Science Fiction and Fantasy. Indiana University Press. p. 141.
- Wikipedia, 2013. Postmodernism, Postmodernity, Deconstruction, Structuralism, Post-postmodernism, Postmodern literature, Intertextuality, Pastiche, Metafiction, Fabulation, Poioumena, Historiographic metafiction, Temporal distortion, Magic realism, Technoculture and hyperreality, Paranoia, Maximalism, Minimalism…Truy cập từ ngày 13 đến 16 tháng 7 năm 2013.
- Postmodernism. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2013, từ http://plato.stanford.edu/entries/postmodernism/
- Lyotard, J.-F., 1984. The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, Geoff Bennington and Brian Massumi (trans.), Minneapolis: University of Minnesota Press.
- Vattimo, Gianni, 1988. The End of Modernity: Nihilism and Hermeneutics in Postmodern Culture, Jon R. Snyder (trans.), Baltimore: Johns Hopkins University Press.
- General Introduction to the Postmodern. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.cla.purdue.edu/english/theory/postmodernism/modules/introduction.html
- Postmodern Literature. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://gunn-final.weebly.com/summary.html
- Postmodern Literature. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.studymode.com/essays/Postmodern-Literature-380594.html
- What is Postmodern Literature? Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.examiner.com/article/what-is-postmodern-literature
- A list of postmodern characteristics. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://postmodernblog.tumblr.com/post/106532710/a-list-of-postmodern-characteristics
- Postmodernism. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://writershistory.com/index.php?option=com_content&task=category&sectionid=4&id=29&Itemid=42
- Postmodernism and SF. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013, từ http://www.sf-encyclopedia.com/entry/postmodernism_and_sf
- Histoire de la littérature française Modernité et postmodernité. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.la-litterature.com/dsp/dsp_display.asp?NomPage=6_20s_030_postmod
- Postmodernisme. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.universalis.fr/encyclopedie/postmodernisme/2-litterature/
- Le postmodernisme en littérature. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://theses.univ-lyon3.fr/documents/getpart.php?id=lyon3.2009.goilan_l&part=238107
- Introduction au postmodernisme. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://e-toile.org/theorie-aide-creation-introduction-au-postmodernisme-33.html
- POSTMODERNISME / Postmodernism. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013, từ http://www.flsh.unilim.fr/ditl/Fahey/POSTMODERNISMEPostmodernism_n.html

 Vương Trung Hiếu

Source : damau.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét