Phùng Hoài Ngọc
Suốt gần ngàn năm qua trong nhiều hoàn cảnh bị cai trị trực tiếp mà người Việt học Khổng tử vẫn không bị Hán hoá, bây giờ có cần phải lo lắng một cái Viện Khổng tử chăng?
Ngày xưa người Việt học Hán ngữ và Khổng tử vì không thể không học. Tuy nhiên thời ấy các cụ nhất định phiên âm Hán ngữ ra âm Hán-Việt để xài, quyết không học nguyên vẹn tiếng Hoa, nhằm giữ vững tự chủ tự lập, tránh khỏi bị đồng hoá. Khi thấy chữ Hán không đủ phục vụ nhu cầu cần thiết, các cụ soạn ra chữ Nôm để ghi âm nốt một phần tiếng Việt cho đủ dùng.
Tìm hiểu vai trò của Khổng tử ở Trung Quốc và Việt Nam, tưởng chúng ta cũng nên điểm qua vài nét về Khổng học.
Khổng tử sống vào cuối thời Xuân thu (sinh 551 trước CN, mất 479 tr CN) .
Thời Xuân thu (770 – 455 tr.CN) xã hội Trung Hoa đang bước vào giai đoạn sơ kỳ phong kiến. Thể chế xã hội chia hai bậc cai trị chính thức: hoàng đế 帝và chư hầu 侯. Hoàng đế nhà Chu ngày càng tỏ ra không đủ sức cai quản lãnh thổ ngày càng rộng lớn với cả trăm nước chư hầu (chư 诸: các, số nhiều). Đã vậy còn nảy sinh một bậc chen giữa không chính danh là “vương王”, có lúc lên tới 14 vị (nguyên là 霸王, nhưng còn dùng chữ bá 伯 không chính thức kèm với vương王, bá tức là “bác”, anh của cha, nhưng giữ quyền cao hơn cha, tức là lạm quyền. Vậy người dân mới bực mình dùng chữ “bá/bác” với ý mỉa mai, bực bội trong các từ bá đạo, bá quyền, bá chiếm…Bá vương lấn lướt tung hoành bất chấp hoàng đế. Dân chúng chịu một cổ ba tròng. Đây là giai đoạn loạn lạc, đời sống bất an do các chư hầu đua nhau “tranh bá đồ vương”, họ vơ vét của cải thuế khoá, tuyển lính để chứng tỏ lực lượng mình hùng hậu, nhằm tham dự các đại hội chư hầu bầu chọn “bá vương”. Nếu đạt được tước “vương” thì sẽ tiếp tục lôi kéo chư hầu và bá vương khác, nhắm cái đích cuối cùng là tranh “đế”. Trong hoàn cảnh như vậy, kẻ sĩ hay võ sĩ thấy cần phải chọn đúng minh chúa mà theo (làm chính trị thời ấy như đánh bạc). Đất nước bất an thì lòng người cũng ly tán, lối sống bừa bãi, tệ nạn xã hội phát triển, chả biết đâu là chuẩn mực văn minh…
Trong bối cảnh ấy, nhiều trí thức học giả thấy cần phát huy vai trò của mình để vãn hồi trật tự, sao cho giữ được cuộc sống thanh bình an lạc ngày xưa. Lão Tử đưa ra học thuyết “Đạo đức kinh” (kinh: đường dọc vạch ra làm chuẩn) không ngoài mục đích trên… Kế đến nhà giáo Khổng tử xuất hiện. Tuy làm quan cho vua Lỗ, tham mưu cho một ông vua, Khổng tử lại không được nhà vua tin cậy nên ông thấy cần phải biên soạn bài giảng mở lớp dạy học, phổ biến tư tưởng cho mọi người. Ông lại chọn một số môn đệ cùng đi qua nhiều nước chư hầu khác thuyết giảng. Nói chung tư tưởng của ông chỉ được các vua hầu khen chứ không sử dụng…Khổng tử nêu gương các minh chúa tiền nhân từ giai đoạn đầu nhà Chu trở về trước (đến các vua truyền thuyết Nghiêu -Thuấn- Vũ) làm điểm xuất phát cho học thuyết. Hạt nhân của Khổng học là chữ “Lễ”, từ đó học thuyết được phát triển khá phong phú, toàn diện.
Trước khi soạn bài giảng, ông sưu tầm tài liệu và biên soạn thành sách. Do khiêm tốn ông đều nói rằng “cổ nhân dạy”, thực ra đó là tư duy của chính ông, chiêm nghiệm của chính mình về thời cuộc. Điều đặc biệt là cách hành xử của ông trong cuộc sống thường nhật, ông giảng bài làm sao thì thực hành đúng như vậy.
Bộ sách Khổng tử gồm: Ngũ kinh có 5 sách: Kinh Lễ, Kinh Thượng thư, Kinh Xuân thu, Kinh thi và Kinh Dịch. Tứ thư có 4 sách: Đại học, Trung dung, Luận ngữ (bài giảng của ông và có phần học trò phát triển) và Mạnh tử thư là trước tác của Mạnh tử (385–303 tr.CN, Mạnh tử ra đời sau Khổng tử gần một trăm năm) tập trung vào đối tượng vua chúa để khuyên răn, được coi là phát triển sâu sắc tư tưởng của Khổng tử. Do đó đời sau gọi đầy đủ là học thuyết Khổng-Mạnh, nhưng nếu gọi vắn tắt là “Khổng học” cũng không sai mấy và được chấp nhận. .. Đến thời nhà Hán (203 tr.CN– 220) sau khi thống nhất giang sơn, họ Lưu chủ yếu đã xoá bỏ hai cấp “bá vương” và “chư hầu” để xây dựng chế độ phong kiến quân chủ tập trung (quy trọn vào chữ “đế”), họ bắt đầu vận dụng học thuyết Khổng tử làm nền tảng giáo dục, từ đó kéo dài suốt gần hai ngàn năm, tạm tính đến 1911.
Sách Khổng tử ngày nay chỉ thấy có ba cuốn còn ít nhiều giá trị là Luận ngữ, Kinh thi và Kinh Dịch. Người Việt đã từng biên dịch phát hành nhiều lần, nhà nho hiện đại Viêt Nam có đủ khả năng truyền bá những gì cần thiết về Khổng học cho các lớp hậu sinh.
Ngày nay, các nước mở tung cửa tri thức cho con người lựa chọn. Chúng ta có cần phải lo lắng một cái Viện nhỏ đặt trong một cái trường đại học không thuộc hàng đầu ở Hà Nội không ? Người ta chỉ ngạc nhiên vì sao phải cần hai Thủ tướng mới ký kết được một cái văn bản nho nhỏ ấy đặt trong “Tuyên bố chung” ? Thay vì chỉ cần hai Bộ giáo dục hay Bộ văn hoá, thậm chỉ hai trường đại học ký kết với nhau cũng được. Còn một điều lạ nữa: viện Khổng tử không dám tự nhiên tồn tại độc lập ngoài mặt tiền, mà chịu nép mình vào trong khuôn viên một trường đại học cỡ trung bình ở Hà Nội (Đại học Hà Nội nguyên là trường Cao đẳng SP Hà Nội mới nâng cấp). Có lẽ họ còn e dè, nghe ngóng tình hình và thái độ phản ứng mặn hay nhạt của dân Hà Nội, dân Việt Nam chăng ?
Khổng học đã lặn sâu vào nền văn hoá Việt với nhiều mức độ, trên nhiều lớp người khác nhau. Nhiều lần tôi ngẫu nhiên tiếp xúc mấy cụ già không biết chữ, nói chuyện đời, các cụ bật ra những câu văn Khổng tử khiến tôi giật mình. Sau đoán rằng các cụ “học Luận ngữ” qua một số tích chèo, tuồng đồ và cải lương hay qua chuyện trò khi nhâm nhi rượu trà với các cụ đồ nho làng…
Bàn về vai trò của một học thuyết trong lịch sử.
Sáng lập và chủ trương một học thuyết là nhu cầu khát vọng của nhà trí thức. Khi họ viết ra, hầu như chỉ muốn giãi bày với thiên hạ, họ không hình dung được về sau thiên hạ sẽ sử dụng ra sao. Việc sử dụng học thuyết trong một chế độ cai trị bạo ngược vô pháp vô thiên lại là việc khác. Một chế độ độc tài toàn trị trong lịch sử loài người từ thời xưa đến nay vẫn ưa dùng một học thuyết (nào đó) để làm bình phong, làm ngọn cờ.. Thành ngữ thời phong kiến nói “Ngoại nho nội pháp” (ngoài miệng nói nho giáo trọng chữ Nhân, thực tế coi trọng dùng Pháp gia tức hình phạt. Bao nhiêu chế độ độc tài đều dùng hai lực lượng tay trái- tay phải này: Ban tuyên truyền mị dân rao giảng học thuyết (có biên tập, cắt xén) và “Công cụ vũ lực đàn áp khủng bố” mỗi khi mị dân bất thành (mị: làm cho si mê vì nịnh khéo, làm cho ngủ say).
Tô đã từng đọc thấy một số bài báo của một số ít người, thậm chí của một số học giả nho học có tiếng ở Việt Nam, phê phán Nho học rất nặng nề. Rằng Nho giáo kìm hãm đất nước Trung Quốc và Việt Nam vào vòng lạc hậu lâu dài, rằng Khổng học trở thành công cụ cho giai cấp phong kiến thống trị đè nén áp bức nhân dân. v.v… Tôi nghĩ, nhà thống trị họ muốn làm gì thì làm, quen thói bá đạo bá quyền, họ chỉ cần học thuyết để mị dân thôi. Họ hiểu đúng đắn hay sai lạc học thuyết ấy cũng chẳng sao. Họ vận dụng hay xếp xó cũng không sao. Họ cũng lập ra Viện, Khoa triết học này nọ nghiên cứu học thuyết ông A, ông B hoặc ghép bừa bãi hai ông thành học thuyết A-B nhưng chẳng thực hành được gì đáng kể nếu chưa nói là đã thực hành sai be bét. Khi thấy học thuyết A-B mất giá thì họ đẻ ra Tư tưởng C, họ ghép lung tung cho có như một bức bình phong nham nhở, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng bi quan than thở rằng “chính trị”ở xứ ta là một “món lẩu thập cẩm” quả không sai.
Chúng ta biết rằng đến thế kỷ 18, phương Tây mới trỗi dậy, vượt qua mặt phương Đông nhờ các thành tựu khoa học kỹ thuật và tư tưởng cộng hoà, và tất nhiên không thể thiếu vai trò các nhà lập thuyết. Như vậy, trước đó phương Đông chúng ta có cái khoa học xã hội – nhân văn nào hay hơn Khổng học đâu? Lỗi là ở các giai cấp thống trị phương Đông không mở mang giao thương với phương Tây sớm hơn, chứ đâu phải lỗi tại Khổng tử khiến cho chế độ phong kiến TQ trì kéo 2000 năm, Việt Nam non 1000 năm !
Văn Miếu- Quốc tử giám nghìn năm trầm mặc ở giữa thủ đô Thăng Long- Hà Nội, dân chúng và trí thức chẳng hề phàn nàn (họ chỉ phàn nàn cái bức tượng một ông Tây đứng giơ tay chỉ trỏ ở một vườn hoa gần bờ Hồ Hoàn Kiếm vài chục năm qua mà đặt thơ lục bát giễu nhại chơi). Người Việt Nam, kể cả nhà nước ngày nay vẫn tự hào về Văn Miếu- Quốc tử giám, coi đó như biểu tượng văn hoá nghìn năm của mình, cái cổng vào là Khuê văn các (bên trong cổng chính) được chọn là biểu tượng logo Hà Nội, hễ có khách quốc tế thì thế nào cũng dẫn họ đến đó chiêm ngưỡng. Tôi chưa biết một quan điểm nào phê phán quần thể kiến trúc đó.
Liên hệ đến Karl Marx, dù ông là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản (theo cách nhìn của những người cộng sản), nhưng nước Anh tư bản thâm niên cổ thụ vẫn tôn trọng ông trong công viên nghĩa trang Highgate với mộ phần cả gia đỉnh và tượng đài Marx trang nghiêm ở đó. Có thể, người ta coi ông là nhà phản biện vĩ đại không tự nguyện, vô hình trung giúp chủ nghiã tư bản tự cải thiện mình. Có thể, người ta gạn đục khơi trong, chọn ra được những trước tác triết học của Marx có ích cho tư duy nhân loại. Họ chỉ không cần kỷ niệm cái giải pháp thất bại thảm hại đầy hệ luỵ của ông là “dùng bạo lực chuyên chính vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản” mà thôi.
Viện Khổng tử, vì thế chỉ là cây cầu truyền bá ngôn ngữ, văn hoá nói chung, đại thể như một “Trung tâm văn hoá Trung Hoa”. Giả sử không có Viện đó thì hiện nay ở nước ta vẫn lai rai nghiên cứu học tập ngôn ngữ và văn hoá TQ (trong đó có Khổng học), tuỳ theo đa dạng nhu cầu của nhân dân và nhà nước…
Một người bạn đồng nghiệp góp bàn chí lý rằng: Người ta không sợ ông Khổng, hay cái Viện Khổng tử, mà người ta sợ cái kẻ (cả phía TQ lẫn phía VN) đang muốn lợi dụng Khổng giáo cho mục đích riêng họ. Và Khổng giáo cùng Viện Khổng tử bị lên án là vì (vô tình) trở thành công cụ cho những kẻ này. Đạo Khổng có những nội dung bất cập, đồng thời có nhiều điểm hay, nhưng chắc chắn nó chưa đầy đủ. Trong khi người dân VN còn đang rất thiếu hiểu biết về tự do, dân chủ, pháp quyền (những khái niệm xa lạ với Khổng giáo) mà nhà nước không những đã không tạo điều kiện để làm tăng sự hiểu biết của người dân về những vấn đề trên, lại đi lo vun đắp cái tinh thần Khổng giáo, là điều mà truyền thống VN cũng đã thấm nhuần lắm rồi, lại xuất phát từ chủ trương của một anh thực dân (mới nổi lên) là TQ, thì việc ấy chẳng phải cũng đáng lo lắm sao ?
Do đó tôi nghĩ rằng chẳng cần phải lo ngại Viện Khổng tử sắp mở ở Việt Nam nhưng chúng ta vẫn thường xuyên nâng cao cảnh giác.
Mời đọc tham khảo (trích bài viết của tác giả Huỳnh Văn Út trên Trần Nhương blog):
“Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học McMaster University Canada bị đóng cửa từ tháng 7/2013 sau năm năm hoạt động. Học viện này bị chỉ trích là được chỉ đạo bởi Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Canada để làm công tác tình báo nhằm chi phối và gây ảnh hưởng tới các quan chức bản xứ. Người Anh cho rằng sự tồn tại của Viện Khổng Tử ở Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE- London School of Economics and Political Science) là một điều kỳ quặc vì Khổng Tử vốn trọng Nho học và xem khinh buôn bán. Tờ China Daily đưa ra một thống kê cho rằng có 64 Viện Khổng Tử đang hoạt động trong các trường đại học ở Mỹ (Cũng tờ báo này lại mâu thuẩn khi đưa ra một thống kê rằng có 81 Viện Khổng Tử ở Mỹ). Năm 2012 có 51 trong số 600 giảng viên người Trung Quốc làm việc trong các Viện này buộc phải về nước vì vi phạm luật di trú của Mỹ”.
Thế đấy, Viện Khổng tử sắp mở, hàng ngàn lao động TQ bất hợp pháp đang tồn tại trên đất VN, phim Tàu bá chiếm hầu hết đài truyền hình trung ương và địa phương suốt ngày đêm, cái nào cũng đáng ngại và cảnh giác.
GNLT.PHN
Source : Blog GNLT