14/11/13

Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc



Thursday, November 14, 2013


Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Ngày 14 Tháng 11, Năm 2013


Với thể thức chọn 4 chỉ loại 1 trong 5 ứng viên của khu vực châu Á, các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Maldives và Saudi Arabia đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đó, việc Jordan rút tên khỏi danh sách ứng viên đã mở đường cho 4 quốc gia kể trên đắc cử một cách đương nhiên và không có cạnh tranh.

Theo nghị quyết 60/251 của UNHRC, với vai trò thành viên, quốc gia Việt Nam trong đó bao gồm cả chính quyền lẫn hơn 90 triệu công dân phải có nghĩa vụ gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Nghĩa vụ này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận sau khi Việt Nam đắc cử vào UNHRC: “Thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liệp Hiệp Quốc”.

Trước sự kiện này, Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho rằng:

Để thật sự xứng đáng là một thành viên của UNHRC, Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ và cam kết này bằng những hành động cụ thể và không chỉ dừng lại ở những tuyên bố của một số quan chức chính phủ. Cụ thể là Việt Nam phải:

1. Đồng ý với 7 yêu cầu từ Liên Hiệp Quốc - nhưng chưa được đáp ứng bởi chính phủ Việt Nam - để Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn đến Việt Nam điều tra những tố giác vi phạm nhân quyền.

2. Chấm dứt mọi hành vi tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá đối với mọi công dân Việt Nam như đã ký kết vào Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 tháng 11 năm 2013.

3. Trả tự do cho những công dân đang bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác dựa trên những nền tảng giá trị, tiêu chuẩn phổ quát từ các công ước của Liên Hiệp Quốc.

4. Hủy bỏ những điều luật có nội dung mơ hồ và bị diễn giải tùy tiện như Điều 258, Bộ luật Hình sự với nội dung:“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...”

5. Chấm dứt tình trạng độc quyền trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, đảm bảo quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản của mọi cá nhân, tổ chức, gỡ bỏ tường lửa ngăn chặn sự truy cập của người sử dụng vào các trang mạng xã hội, đồng thời chấm dứt hiệu lực của Nghị đinh 72/2013/NĐ-CP với các nội dung siết chặt tự do biểu đạt và thông tin trên mạng.

Trong vị trí và vai trò của những công dân tự do và với quan niệm Việt Nam trở thành thành viên của UNHRC đồng nghĩa với “đất nước Việt Nam với tất cả hơn 90 triệu công dân Việt Nam” trở thành thành viên của UNHRC, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) sẽ tham gia, đóng góp vào việc gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc đẩy mạnh và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Cụ thể là MLBVN sẽ khởi xướng và kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp công dân Việt Nam cùng nhau:

1. Xuống đường công khai phổ biến các văn bản về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể là Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công Ước Chống Tra Tấn và các văn bản khác có liên quan.

2. Công khai tổ chức những buổi trao đổi hoặc cổ súy nhân quyền dưới nhiều hình thức như thảo luận nơi công cộng, dã ngoại, cà phê tuổi trẻ, đi bộ / lái xe đạp vì nhân quyền.

3. Cử đại diện đến các văn phòng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói riêng và tổ chức Liên Hiệp Quốc nói chung để đệ trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và những đề nghị, yêu cầu cải tiến để nhân dân Việt Nam thật sự được hưởng những quyền làm người phổ quát và đất nước Việt Nam thực sự xứng đáng là một thành viên của UNHRC.

4. Phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để xúc tiến xây dựng một cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm lưu trữ những vi phạm nhân quyền của Việt Nam để các tổ chức, cá nhân quan tâm (bao gồm cả các cơ quan chính phủ) dễ dàng tham khảo nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tròn nghĩa vụ và cam kết của một thành viên trong Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

5. Công khai và chính thức ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam vào ngày 10 tháng 12 - Ngày Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.



              http://tuyenbo258.blogspot.com

Nước mắt Philippines và bài phát biểu khiến thế giới chết lặng


THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 2013

Nước mắt Philippines và bài phát biểu khiến thế giới chết lặng


 “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?”...Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây...
Trưởng đoàn đàm phán Philiipines tham dự Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19), ông Yeb Sano đã có bài phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn một cơn bão tàn khốc khác có thể ập tới, giống như siêu bão Haiyan ập vào đất nước này hồi cuối tuần.
Ông Sano cũng đã bất ngờ nói thêm một lời tuyên bố - vốn không được soạn sẵn trước đó - về việc tuyệt thực trong quá trình diễn ra hội nghị cho đến khi đạt được những bước tiến có ý nghĩa. Ông nói:
“Để đoàn kết với đồng bào tôi, những người đang đấu tranh để tìm thức ăn ở nhà và với em trai tôi, người chưa ăn gì suốt ba ngày qua, với tất cả lòng kính trọng, thưa ông Chủ tịch, và tôi không hề có ý không tôn trọng sự hiếu khách tử tế của ông, bây giờ tôi sẽ bắt đầu tình nguyện tuyệt thực vì khí hậu. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ tự nguyện không ăn trong COP này cho đến khi thấy được một kết quả có ý nghĩa.”.

Trưởng đoàn đàm phán Philiipines COP 19 Yeb Sano
Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Sano tại COP 19:
Thưa Ngài Chủ tịch, tôi vinh dự được phát biểu, thay mặt người dân kiên cường của đất nước Cộng hòa Philippines.
Đầu tiên, người dân Philippines và đoàn đại biểu của chúng tôi có mặt ở đây, tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP19) tại Warsaw, xin gửi lời cảm ơn từ đáy lòng tới sự đồng cảm của các bạn đối với đất nước chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn của cả nước hiện nay.

Người Philippines: 'Chúng tôi đói lắm'
Giữa thảm kịch này, đoàn đại biểu Philippines cảm thấy được an ủi bởi lòng hiếu khách nồng ấm của Ba Lan, người dân nước các bạn đã luôn mỉm cười chào đón chúng tôi ở bất cứ nơi đâu. Nhân viên khách sạn, người đi đường, tình nguyện viên và nhân viên ở Sân vận động Quốc gia đều dành cho chúng tôi những lời chia sẻ ấm áp. Xin cảm ơn Ba Lan.

Người dân Philippines tuyệt vòng tìm kiếm sự giúp đỡ sau bão Haiyan
Sự chuẩn bị của các bạn cho COP lần này vô cùng tuyệt vời và chúng tôi thực sự trân trọng nỗ lực to lớn mà các bạn đã dành cho việc chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này.
Chúng tôi cũng cảm ơn tất cả các bạn, những người bạn và đồng nghiệp ở trong khán phòng này và từ khắp mọi miền trên thế giới vì các bạn sát cánh bên chúng tôi trong thời khắc khó khăn này. Tôi cảm ơn tất cả các quốc gia và chính phủ đã dành tình đoàn kết và sự hỗ trợ cho Philippines. Tôi cảm ơn những người trẻ có mặt ở đây và hàng tỷ bạn trẻ trên khắp thế giới đã trước sau như một, ủng hộ đoàn đại biểu của tôi và dõi theo chúng tôi kiến tạo tương lai của các bạn.
Tôi cảm ơn xã hội dân sự, cả những người đang làm việc ở cơ sở khi chúng ta đang chạy đua với thời gian ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất lẫn những người đang ở Warsaw hối thúc chúng ta về tính cấp bách và khát vọng. Chúng tôi xúc động sâu sắc trước những hành động đoàn kết đầy nhân văn này. Sự ủng hộ dạt dào ấy chứng tỏ rằng, là con người, chúng ta đoàn kết; cùng giống loài, chúng ta quan tâm.
Cách đây chưa đầy 11 tháng, ở Doha, phái đoàn tôi đã kêu gọi thế giới…hãy mở to mắt để nhìn thẳng vào thực tế khắc nghiệt mà chúng ta đang phải đối mặt…bởi khi đó chúng tôi đang phải đương đầu với một cơn bão thảm khốc, thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử Philippines.
Bởi vậy, gần một năm sau, chúng tôi không thể tưởng tưởng nổi một tai họa tàn khốc hơn còn có thể xảy ra. Với sự xoay chuyển tàn nhẫn của số mệnh, đất nước tôi đang bị thử thách bởi cơn bão địa ngục tên là Siêu bão Haiyan mà các chuyên gia mô tả là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong suốt lịch sử loài người. Nó mạnh đến nỗi nếu có cấp 6 thì nó sẽ rơi trọn vào nhóm đó.
Đến thời khắc này, chúng tôi vẫn không thể chắc chắn về toàn bộ mức độ của sự tàn phá vì thông tin được cập nhật một cách nhỏ giọt tới khốn khổ bởi điện và viễn thông đã bị cắt đứt, có thể còn lâu mới được khôi phục. Đánh giá ban đầu cho thấy Haiyan đã để lại những tổn thất khủng khiếp chưa từng có trong tiền lệ, không thể hình dung nổi và vô cùng tàn khốc, ảnh hưởng tới 2/3 Philippines, khiến khoảng một nửa triệu người mất nhà, cảnh tượng gợi nhớ tới hậu quả của sóng thần đối với vùng đất lớn, lầy lội, đầy bùn, ngập mảnh vỡ vụn và xác người chết.
Theo ước tính từ vệ tinh, Cơ quan Khí tượng và Hải dương quốc gia Hoa Kỳ cũng ước tính rằng Haiyan đã có áp suất tối thiểu khoảng 860 mbar, còn Trung tâm Cảnh báo bão chung ước tính Haiyan có thể đã đạt tới sức gió 315 km/h và gió giật 378 km/h, khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử hiện đại mà chúng ta từng biết.
Bất chấp những nỗ lực to lớn mà nước tôi đã chuẩn bị để đối đầu với sự tấn công dữ dội của cơn bão quái vật này thì bão cũng quá mạnh, và mặc dù Philippines một quốc gia quen thuộc với bão thì siêu bão Haiyan không giống với bất cứ thứ gì chúng tôi trải qua trước đây, hay có lẽ là không giống với điều gì mà bất cứ quốc gia nào từng trải qua.
Hình ảnh sau cơn bão cũng dần dần từng bước chậm chạp trở nên rõ ràng hơn. Sức tàn phá thật khủng khiếp. Và như thể điều đó còn chưa đủ, một cơn bão khác đang hình thành trong vùng nước ấm ở bờ tây Thái Dình Dương. Tôi rùng mình khi nghĩ tới một cơn bão khác sẽ tấn công chính những nơi mà người dân thậm chí còn chưa thể gượng sức để đứng dậy nổi.
Với ai vẫn còn phủ nhận thực tế rằng đó là biến đổi khí hậu, tôi xin thách người đó bước ra khỏi tháp ngà của mình, rời khỏi chiếc ghế bành êm ấm.
Tôi thách người đó dám đến các đảo ở Thái Bình Dương, ở Ấn Độ Dương và nhìn mực nước biển đang dâng lên; đến những vùng đồi núi ở Himalayas và Andes để nhìn các cộng đồng người đang đương đầu với lũ lụt do băng tan; đến vùng Bắc Cực, nơi các cộng đồng cố bấu víu vào các đỉnh băng đang bị thu hẹp nhanh chóng; đến các vùng đồng bằng rộng lớn, vùng sông Hằng, Amazon, sông Nile, nơi sinh kế và sinh mạng con người đang bị nhấn chìm, tới đồi núi vùng Trung Mỹ, nơi đang phải đối mặt với những cơn bão hung dự tương tự; tới những đồng cỏ khô châu Phi, nơi biến đổi khí hậu cũng đang trở thành vấn đề sống còn khi thực phẩm và nước trở nên khan hiếm. Cũng xin đừng quên những trận bão lớn ở Vịnh Mexico và Duyên hải miền đông Bắc Mỹ.
Và nếu như thế vẫn chưa đủ, người đó có lẽ nên đến thăm Philippines luôn bây giờ.
Khoa học đã cho chúng ta thấy một bức tranh đang trở nên rõ ràng hơn nhiều. Báo cáo của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC về vấn đề này và các sự kiện tàn khốc đã nhấn mạnh những rủi ro đi liền với thay đổi về cấu trúc và tần suất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Khoa học cho chúng ta biết rằng thật đơn giản, biến đổi khí hậu sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều những cơn bão nhiệt đới mạnh hơn. Khi Trái đất ấm lên, và các đại dương cũng vậy. Năng lượng trữ trong các vùng biển ngoài khơi Philippines sẽ tăng cường độ của các cơn bão và xu hướng bão trở nên mạnh hơn - điều mà chúng ta thấy bây giờ - sẽ trở thành chuẩn mới.
Điều đó sẽ có tác động sâu sắc tới nhiều cộng đồng của chúng ta, nhất là những người phải vật lộn với thách thức kép từ khủng hoảng phát triển và khủng hoảng biến đổi khí hậu. Các cơn bão như Yolanda (Haiyan) và tác động của nó là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế rằng chúng ta không thể trì hoãn hành động về khí hậu. Warsaw phải mang đến tham vọng mạnh mẽ và cần phải tập hợp ý chí chính trị để giải quyết biến đổi khí hậu.
Tại Doha, chúng ta đã hỏi: “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?” (mượn lời lãnh đạo sinh viên Philippines Ditto Sarmiento trong thời thiết quân luật) – [Ditto Sarmiento, 1950-1977, chống lại chế độ thiết quân luật của cố Tổng thống Ferdinand Marcos, bị bỏ tù và chết trong đó – PV]. Những lời ấy có thể đã từng bị bỏ ngoài tai. Nhưng ở đây, tại Warsaw, chúng ta có lẽ cũng rất cần đặt ra những câu hỏi thẳng thắn ấy. “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở Warsaw thì ở đâu?”
Những gì đất nước tôi đang trải qua, kết quả của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sự kiện, thật điên rồ. Khủng hoảng khí hậu là sự điên rồ.
Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây, ở Warsaw.
Đây là Hội nghị các bên lần thứ 19 nhưng chúng ta có lẽ không nên đếm nữa, bởi vì đất nước tôi không chấp nhận việc chúng ta cần đến COP30 hay COP40 mới giải quyết biến đổi khí hậu. Và bởi vì mặc dù đã có những thành tựu đáng kể từ khi ra đời Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, nhưng 20 năm nay chúng ta vẫn không thực hiện được mục tiêu cao nhất của Công ước.
Bây giờ chúng ta đang ở trong tình thế phải tự vấn bản thân: liệu chúng có thể đạt được mục tiêu đặt ra ở Điều 2, tức là ngăn chặn được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu, hay không? Khi không hoàn thành được mục tiêu của Công ước, chúng ta có lẽ đã phê chuẩn cho sự diệt vong của những nước dễ bị tổn thương.
Và nếu chúng ta không hoàn thành được mục tiêu của Công ước, chúng ta phải đối diện với vấn đề mất mát và thiệt hại. Mất mát và thiệt hại từ biến đổi khí hậu là vấn đề thực tiễn hiện nay trên toàn thế giới. Các mục tiêu giảm phát thải của các nước phát triển đang thấp ở mức nguy hiểm và phải được nâng lên ngay lập tức, nhưng cho dù họ tuân thủ yêu cầu giảm 40 - 50% xuống dưới mức năm 1990, chúng ta vẫn còn đó vấn đề biến đổi khí hậu và vẫn sẽ cần phải giải quyết sự mất mát và thiệt hại.
Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng và vấn đề là, kể cả mức giảm thiểu phát thải tham vọng nhất ở các nước phát triển – những nước lẽ ra phải dẫn đầu cuộc chiến biến đổi khí hậu hai thập niên qua – vẫn sẽ không đủ để đẩy lùi cuộc khủng hoảng.
Bây giờ đã là quá muộn, quá muộn khi nói tới việc thế giới có thể trông chờ Điều 1 để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới đòi hỏi sự đoàn kết toàn cầu nhằm chiến đấu với biến đổi khí hậu và bảo đảm rằng việc theo đuổi sự phát triển con người bền vững được xếp hàng đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Đó là lý do tại sao các phương thức thực thi điều này ở các nước đang phát triển trở nên quan trọng hơn nhiều.
Chính Maurice Strong - Tổng thư ký của Hội nghị LHQ về Môi trường và Phát triển, Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất tại Rio de Janeiro 1992 – đã nói rằng “Lịch sử nhắc chúng ta nhớ rằng điều không thể diễn ra hôm nay có thể sẽ trở thành điều tất yếu vào ngày mai”.
Chúng ta không thể ngồi và nhìn một cách vô vọng vào sự bế tắc về khí hậu quốc tế này. Giờ là lúc hành động. Chúng ta cần có lộ trình khẩn cấp về khí hậu.
Tôi phát biểu thay cho đoàn đại biểu của tôi. Nhưng hơn cả vậy, tôi nói thay cho vô số những người không còn có thể tự nói cho chính họ vì đã mất mạng trong cơn bão. Tôi cũng nói cho những ai mất cha mẹ bởi thảm kịch này. Tôi nói cho những người đang chạy đua với thời gian để cứu người sống sót và để giảm nhẹ nỗi đau cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Chúng ta có thể hành động quyết liệt bây giờ để đảm bảo rằng có thể ngăn chặn được một tương lai, khi mà siêu bão trở thành chuyện thường. Bởi vì với tư cách là một quốc gia, chúng tôi không chấp nhận một tương lai, khi mà siêu bão kiểu Haiyan trở thành thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi không chấp nhận việc chạy khỏi bão tố, sơ tán gia đình, chịu đựng sự tàn phá và đau khổ, đếm người chết trở thành đời thường. Đơn giản là chúng tôi không chấp nhận.
Chúng ta phải thôi gọi những sự kiện như vậy là tai họa tự nhiên. Chẳng tự nhiên chút nào khi người dân phải tiếp tục vật lộn để xóa nghèo và phát triển để rồi bị quật ngã bởi sự tấn công dữ dội của một cơn bão mà giờ đây được coi là cơn bão mạnh nhất từng ập vào đất liền. Không tự nhiên chút nào khi khoa học đã cho chúng ta biết sự ấm lên toàn cầu sẽ gây ra nhiều cơn bão mạnh hơn. Không tự nhiên chút nào khi loài người đã thay đổi khí hậu một cách sâu sắc.
Tai họa chẳng bao giờ là tự nhiên. Chúng là sự kết hợp của các yếu tố chứ không chỉ đơn thuần mang tính tự nhiên. Chúng là sự tích tụ của việc liên tiếp vượt qua các ngưỡng kinh tế, xã hội và môi trường. Hầu hết các tai họa đều là kết quả của bất bình đẳng và những người nghèo nhất thế giới phải chịu rủi ro nhiều nhất vì họ dễ bị tổn thương và vì qua nhiều thập niên phát triển không bình thường mà tôi phải nhấn mạnh rằng nó có liên quan tới kiểu theo đuổi tăng trưởng kinh tế đang thống trị thế giới; đây cũng là kiểu theo đuổi cái gọi là tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng không bền vững đã làm biến đổi hệ thống khí hậu.
Bây giờ, nếu các vị cho phép, tôi xin nói ở khía cạnh cá nhân hơn.
Siêu bão Haiyan đã đổ vào quê hương tôi và sức tàn phá của nó đã gây choáng váng. Tôi không có từ nào để nói về những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trên các bản tin. Tôi không có từ nào để mô tả cảm giác của mình về những mất mát và thiệt hại mà chúng tôi chịu từ biến cố lớn này.
Đến giờ này, tôi đau khổ khi chờ tin về tính mệnh của người thân tôi. Điều tiếp cho tôi thêm sức mạnh và sự an ủi là khi em trai tôi liên lạc được với chúng tôi để báo là cậu đã sống sót sau đợt tấn công dữ dội. Hai ngày qua, cậu đã thu thi thể người bằng đôi bàn tay của mình. Cậu ấy đói và kiệt sức vì thực phẩm chưa thể đến được với những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chúng tôi kêu gọi COP hãy theo đuổi việc này cho đến khi có kết quả ý nghĩa nhất. Cho đến khi đạt được những cam kết vững chắc nhằm đảm bảo việc huy động các nguồn lực cho Quỹ Khí hậu Xanh. Cho đến khi hoàn thành lời hứa thành lập một cơ chế về tổn thất và thiệt hại; cho đến khi đảm bảo có tài chính cho việc áp dụng cơ chế đó; cho đến khi có các lộ trình cụ thể nhằm đạt được con số 100 tỷ đô la đã cam kết từ trước; cho đến khi chúng ta nhìn thấy tham vọng thực sự với việc bình ổn khí nhà kính. Chúng ta phải chi tiêu tiền vào đúng nơi đúng chỗ.
Trong khuôn khổ Công ước khung LHQ về BĐKH, quá trình này được gọi bằng nhiều tên. Nó được gọi là một trò hề. Nó được gọi là cuộc tụ họp phát ra lắm khí các-bon của những kẻ nhiều tham vọng nhưng vô dụng. Nó được gọi bằng nhiều cái tên. Nhưng nó cũng có tên Dự án cứu hành tinh. Nó được gọi là “cứu ngày mai ngay hôm nay”. Chúng ta có thể sửa lại điều này. Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ này. Ngay bây giờ. Ngay ở đây, ở giữa sân chơi này.
Tôi kêu gọi các bạn hãy dẫn dắt chúng tôi. Và để Ba Lan mãi được biết đến là nơi chúng ta thật sự quan tâm tới việc chấm dứt sự điên rồ ấy. Liệu nhân loại có tận dụng được cơ hội này? Tôi vẫn tin chúng ta có thể.


Source : Blog Huynh Ngoc Chenh

Alice Munro ( Nobel văn chương 2013 ) : Bộ váy đỏ

Bộ váy đỏ


Truyện ngắn, nguyên tác “A Red Dress”. Tác giả: nữ văn sĩ Alice Munro, giải Nobel văn chương 2013
Người dịch: Phùng Hoài Ngọc
MunroAlice1
Mẹ tôi đang làm cho tôi một chiếc váy. Suốt tháng Mười một khi tôi từ trường học về và nhìn thấy mẹ trong nhà bếp, bao quanh bởi những dải vải nhung đỏ và các mảnh mô hình giấy. Bà sử dụng một máy may đạp chân cũ, cửa sổ chống lên để có được ánh sáng, và cũng để cho mẹ nhìn ra, qua các dải đất lởm chởm và vườn rau trơ trụi, xem có ai đi ngang qua trên đường. Lâu lâu mới có người đi qua.
 Vải nhung đỏ rất khó may cắt, nó co lại, và kiểu váy mẹ tôi đã chọn cũng không dễ may. Bà không hẳn là một thợ may giỏi. Bà thích chế tạo mọi thứ, nhưng đó chuyện khác.
 Luôn luôn trong khi làm việc, bà cố gắng để khỏi bỏ qua mũi đột thưa, nhấn nhón tay và bà đã chẳng tự hào về những điểm tốt của kỹ thuật may, việc hoàn thiện các nút khuy và vắt sổ như  dì  tôi và bà tôi đã làm. Không giống như họ, bà đang bắt đầu với một cảm hứng, một ý tưởng táo bạo và kinh ngạc, từ thời điểm đó trở đi, niềm vui của bà giảm dần. Ngay từ đầu, bà không bao giờ có thể tìm thấy một mô hình phù hợp với mình. Chẳng có gì lạ, không có mô hình thực hiện phù hợp với ý tưởng nở hoa trong đầu bà. Bà đã làm cho tôi, tại thời điểm khác nhau khi tôi còn trẻ, một chiếc váy đầm vải hoa bông mịn với một đường viền cổ áo kiểu Victoria cao viền ren hỗn tạp, với chiếc mũ có vành, dây buộc dưới cằm cho phù hợp, một bộ trang phục kẻ sọc Scotland với một chiếc áo khoác nhung và mũ bê rê, một chiếc áo nông dân thêu mặc với một chiếc váy dài màu đỏ và áo lót có đăng ten màu đen. Tôi đã mặc những bộ quần áo với sự ngoan ngoãn, thậm chí với niềm vui trong những ngày tôi chưa ý thức gì về dư luận người đời. Bây giờ, lớn khôn hơn, tôi muốn có váy áo như  Lonnie người bạn của tôi đã có, mua tại cửa hàng của Beale.
 Tôi phải mặc thử cái váy. Đôi khi Lonnie đi học về cùng với tôi và cô ấy sẽ ngồi trên ghế xe bus mà nhìn ngắm. Tôi rất xấu hổ vì cách mẹ tôi bò trườn len lỏi quanh tôi, đầu gối của bà kêu cót két, với hơi thở dồn dập nặng nề. Bà lẩm bẩm một mình. Đi xung quanh nhà, bà không mặc áo lót ngực hoặc vớ, bà đi đôi giày nêm gót và vớ tới mắt cá chân, chân bà đã được đánh dấu bằng những cục tĩnh mạch màu xanh- xanh lá cây. Tôi nghĩ rằng dáng ngồi xổm của bà thực đáng hổ thẹn, thậm chí tục tĩu; tôi đã cố gắng tiếp tục nói chuyện với Lonnie để kéo cô ra khỏi chú ý tới mẹ tôi càng nhiều càng tốt. Lonnie mặc trang phục lịch sự, biểu lộ sự đáng khen, đó là cách ngụy trang của cô trong sự hiện diện của người lớn. Cô đã cười giễu người lớn và là một cách bắt chước mãnh liệt, và họ chẳng bao giờ biết.
Mẹ kéo tôi xung quanh, và đánh dấu tôi với những cái kẹp. Bà bắt tôi quay tròn, lại bảo tôi bước đi, lại bảo tôi đứng yên. “Cháu nghĩ thế nào, Lonnie?”, Bà nói lúng búng với các ghim kẹp ngậm quanh miệng.
“Nó đẹp lắm ạ,” Lonnie nói nhỏ nhẹ, vẻ chân thành. Mẹ đẻ của Lonnie đã chết. Cô ấy sống với cha, ông ấy chẳng bao giờ chú ý đến cô, và điều này, theo tôi nghĩ, đã khiến cô ấy dường như vừa dễ bị tổn thương vừa có đặc quyền.
 ”Nó sẽ đẹp, nếu tôi có thể điều chỉnh cho phù hợp,” mẹ tôi nói. “Ah,” bà nói với vẻ phô trương, cố đứng dậy với một tiếng cọt kẹt thiểu não và thở dài sườn sượt, “Mẹ không tin nếu cô ấy đánh giá cao cái váy”. Bà nổi giận với tôi, nói chuyện như với Lonnie, như thể Lonnie đã lớn và tôi vẫn là một đứa trẻ. “Đứng yên”, bà nói, kéo mạnh chiếc váy có kẹp và lược vài mũi kim trên đầu tôi. Đầu tôi bị bóp nghẹt trong vải nhung, cơ thể của tôi đặt vào trong một đống bông cũ. Tôi cảm thấy như một mảng lớn, thô nháp và luộm thuộm như da ngỗng bị mụn nhọt. Tôi ước gì mình được như Lonnie, thân thể nhẹ nhàng, xanh xao và gầy gò, cô ấy đã từng đượcgọi là một Blue Baby bởi khi sinh ra xanh tái, có khuyết tật bẩm sinh về tim.
 ”Ôi dà, không ai làm cho mẹ một chiếc váy khi mẹ vào trung học,” bà nói, “Mẹ tự làm lấy”, hoặc “đã làm không có ai giúp”. Tôi sợ mẹ sẽ bắt đầu lại kể câu chuyện bà đi bộ bảy dặm vào thị trấn, tìm kiếm một công việc phục vụ bàn trong một nhà trọ để bà có thể học trung học. Tất cả những câu chuyện về cuộc sống của mẹ tôi đã từng gây thích thú cho tôi giờ đã bắt đầu có vẻ khoa trương, không thích hợp và gây buồn chán.
 ”Một lần mẹ đã có một chiếc váy của mình”, bà nói. “Đó là một loại vải len cashmere màu kem với màu xanh hoàng gia đường ống xuôi phía trước và nút lớn bằng ngọc trai đáng yêu, mẹ tự hỏi không biết đã bao giờ  trở thành như thế?”
 Khi chúng tôi được tự do, Lonnie và tôi đi lên lầu vào phòng của tôi. Trời lạnh, nhưng chúng tôi ngồi ở đó. Chúng tôi nói về các chàng trai trong lớp lượn lên lượn xuống các hàng ghế, và nói: “Bạn có thích anh ta không ? Ui, bạn có thích một nửa anh ta? Bạn có ghét anh ta ? Bạn có dám đi chơi với anh ta nếu anh ta rủ bạn ? “. Chẳng có ai rủ rê chúng tôi. Chúng tôi đã mười ba tuổi, và chúng tôi sắp được đi học trung học trong hai tháng nữa. Chúng tôi đã làm bảng câu hỏi trên các tạp chí để tìm hiểu xem chúng tôi có cá tính hay chỉ có tính cách bình thường. Chúng tôi đọc các bài báo về cách trang điểm khuôn mặt để làm nổi bật ưu điểm của mình và làm thế nào để thực hiện một cuộc hò hẹn đầu tiên và phải làm gì khi một cậu bé cố gắng muốn đi “quá xa”. Ngoài ra chúng tôi còn tìm đọc bài viết về sự lãnh cảm của thời kỳ mãn kinh, của sự phá thai và tại sao người chồng tìm kiếm sự hài lòng khi xa nhà. Khi không phải làm bài tập, chúng tôi đã dùng hầu hết thời gian tìm kiếm thông tin, chuyền cho nhau  các vấn đề tình dục và thảo luận. Chúng tôi đã thực hiện một hiệp ước để nói với nhau tất cả mọi thứ khác. Nhưng có một điều tôi không nói là về buổi khiêu vũ này, buổi vũ hội nhân lễ Giáng sinh ở  trường trung học mà mẹ tôi đã làm cho tôi một chiếc váy để đi dự. Lần đó tôi nói không muốn đi.
Ở trường trung học tôi đã chẳng bao giờ thoải mái được một phút. Tôi không biết gì về Lonnie. Trước một kỳ thi, cô ấy nhận được sự giúp đỡ lạnh lùng và cô ấy hồi hộp, còn tôi đã gần tuyệt vọng ở tất cả các lần thi. Khi tôi được hỏi một câu hỏi trong lớp học, bất kỳ câu hỏi đơn giản nào, giọng nói của tôi có khuynh hướng phát ra nghe chút chít, ​​hoặc nghe như tiếng người nào khác khàn khàn và run rẩy. Khi phải đi đến trước bảng đen, tôi chắc rằng, ngay cả khi vào kỳ kinh nguyệt, điều này thực khó tin, tôi đã thấy có máu trên váy mình. Tay của tôi trở nên trơn mồ hôi khi đôi tay phải làm việc vẽ vòng tròn trên bảng đen. Tôi không thể vụt bóng khi chơi bóng chuyền, không thể bị gọi thực hiện một hành động trước mặt những người khác đã làm tất cả các phản ứng của tôi bị bỏ dở. Tôi ghét môn Kinh doanh thực hành bởi vì phải ra quy tắc cho các trang mục trong một cuốn sách kế toán với việc sử dụng một cây bút ngay ngắn, và khi giáo viên nhìn qua vai tôi thấy tất cả các dòng chữ mảnh khảnh, nghiêng ngả và xô líu ríu với nhau. Tôi ghét môn Khoa học, chúng tôi ngồi trên ghế đẩu dưới ánh sáng gay gắt phía sau tấm bảng quen thuộc, thiết bị mong manh, và được giảng dạy bởi thầy hiệu trưởng của trường, một người đàn ông tự mãn lạnh lùng, ông ấy đọc Kinh Thánh mỗi buổi sáng và có một tài năng tuyệt vời để  sỉ nhục người ta. Tôi ghét môn tiếng Anh vì các chàng trai chơi bingo (một loại cờ bạc) ở phía sau của căn phòng trong khi cô giáo hơi lé mắt, giọng khỏe khoắn đọc nhẹ nhàng thơ Wordsworth ([1]) ở phía trước. Cô đe dọa họ, cô năn nỉ họ, khuôn mặt đỏ lên và giọng nói của cô dường như không tin cậy tôi. Họ đưa ra lời xin lỗi hài hước và khi cô bắt đầu đọc một lần nữa, họ làm điệu bộ chăm chú, những khuôn mặt xúc động, họ liếc xéo, đập tay lên tim mình. Đôi khi cô ấy bật khóc, không có sự giúp đỡ lúc ấy, cô đã phải chạy ra ngoài, vào phòng lớn. Sau đó, các chàng trai đã gây tiếng ồn; những tiếng cười thèm khát của chúng tôi (ôi tôi cũng vậy) đuổi theo cô ấy. Có một bầu không khí lễ hội thô bạo trong phòng vào những thời điểm như vậy, đáng sợ là những người yếu đuối và nghi ngờ như tôi.
Nhưng những gì đã thực sự xảy ra trong nhà trường không phải là môn Kinh doanh thực hành và Khoa học và tiếng Anh, có điều gì đó khác làm cho cuộc sống thêm khẩn cấp và bừng sáng. Đó là tòa nhà cũ, với tầng hầm đá vách lạnh, phòng treo áo màu đen và hình ảnh của các nhà quý tộc hoàng gia đã chết và nhà thám hiểm mất tích, đầy những sự căng thẳng và hứng thú  về cuộc cạnh tranh tình dục, và trong chỗ này, bất chấp những giấc mơ  ban ngày về những thành công lớn, tôi đã có linh cảm về sự thất bại toàn bộ. Một cái gì đó phải xảy ra, để giữ cho tôi tránh buổi khiêu vũ.
 Tháng Mười Hai đến với tuyết, và tôi đã có một ý tưởng. Trước đây tôi đã suy nghĩ về vụ ngã xe đạp và bong gân mắt cá chân và tôi đã cố gắng làm chủ việc này, khi tôi chạy xe về nhà dọc theo con đường nông thôn đầy vết bánh xe lún sâu, trời lạnh dữ dội. Nhưng điều đó thực là quá khó khăn. Tuy nhiên, cổ họng và phế quản của tôi được coi như là rất yếu, tại sao không dám hở cổ ra? Tôi bắt đầu ra khỏi giường vào ban đêm và hé mở cửa sổ một chút. Tôi quỳ xuống và để cho gió, đôi khi buốt nhói vì có tuyết rơi táp vào xung quanh cổ họng trần của tôi. Tôi cởi phần trên áo pajama. Tôi tự nói với mình những lời  như”xanh tái vì lạnh” và khi tôi quỳ ở đó, tôi nhắm mắt lại, tôi hình dung ngực và cổ họng của tôi chuyển sang màu xanh, tĩnh mạch dưới da xanh xám và lạnh. Tôi ở đó cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, và sau đó tôi vốc đầy tay tuyết đóng từ các bậu cửa sổ, bôi nó trên ngực, trước khi tôi cài nút bộ đồ ngủ trên mình. Nó sẽ tan vào đồ nỉ và tôi sẽ ngủ trong quần áo ướt,  cái được coi là điều tồi tệ nhất tất cả. Vào buổi sáng, khi tôi thức dậy, tôi hắng giọng, thử  cho đau nhức, hy vọng, ho thử xem, sờ trán xem có bị sốt. Điếu đó là không tốt. Mỗi buổi sáng kể cả ngày vũ hội, tôi trở dậy không nổi, trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo.
 Ngày khiêu vũ, tôi đã làm tóc mình bằng dụng cụ thép uốn. Tôi chưa từng bao giờ làm điều này, bởi vì tóc tôi là xoăn tự nhiên, nhưng hôm nay tôi muốn bảo vệ tất cả các trình tự trang điểm của phụ nữ. Tôi nằm trên chiếc ghế dài trong nhà bếp, đọc Những ngày cuối cùng của Pompeii ([2]), và muốn tôi ở đó. Mẹ tôi, chẳng bao giờ hài lòng, đang may cổ áo ren trắng trên trang phục, bà đã khẳng định, trông nó có vẻ quá già. Tôi đã trông ngóng nhiều giờ. Đó là một trong những ngày ngắn nhất trong năm. Trên chiếc ghế dài, trên hình nền, những trò chơi cũ Xs và Os ([3]), bản vẽ cũ và chữ viết vội vàng mà anh trai tôi và tôi đã làm khi chúng tôi bị bệnh viêm phế quản. Tôi nhìn họ và nóng lòng mong mỏi được trở về an toàn sau biên giới của thời thơ ấu.
 Khi tôi lấy ra các dụng cụ uốn tóc của tôi, cả tự nhiên và nhân tạo hào hứng, kéo lò xo khỏi ống lót bóng loáng hồ hởi. Tôi nhúng ướt tóc, tôi chải nó, đánh nó với bàn chải và kéo nó xuống dọc theo má tôi. Tôi thoa bột mặt, trộn với phấn lên khuôn mặt nóng của mình. Mẹ tôi đã lấy ra thứ nước hoa Ashes of Roses Cologne của bà, mà cô không bao giờ  sử dụng, và để cho tôi vấy trên cánh tay tôi. Sau đó, bà kéo khóa bộ váy và quay người tôi  nhìn vào tấm gương. Trang phục là theo kiểu công chúa, thắt chặt chỗ bụng. Tôi đã thấy ngực của mình ra sao trong áo nịt vú cứng mới, nhô ra một cách ngạc nhiên, với uy quyền của sự trưởng thành, dưới cái cổ áo diềm xếp nếp kiểu trẻ con.
“Ôi, mẹ muốn chụp tấm ảnh,” mẹ tôi nói. “Mẹ thực sự chân thành tự hào về sự phù hợp đó. Và con có thể nói lời cảm ơn mẹ vì điều đó”.
 ”Cảm ơn mẹ,” tôi nói.
 Điều đầu tiên Lonnie nói khi tôi mở cửa cho cô ấy là “Lạy Chúa Giêsu, bạn đã làm gì với mái tóc của bạn?”.
“Tôi đã uốn tóc”.
“Bạn trông giống như một Zulu. Oi, đừng lo. Lấy cho tôi một chiếc lược và tôi sẽ làm phía trước thành cuộn. Nó sẽ coi được lắm. Thậm chí nó sẽ  làm cho bạn trông già dặn hơn”.
Tôi ngồi trước gương, Lonnie đứng đằng sau tôi, sửa chữa mái tóc tôi. Mẹ tôi dường như không thể rời khỏi chúng tôi. Tôi ước gì bà đi khỏi. Bà nhìn những cuộn tóc và nói: “Cháu là một kỳ quan, Lonnie. Cháu phải làm nghề uốn tóc”.
 ”Đó là một ý tưởng” Lonnie nói. Cô đã có một  bộ váy kếp màu xanh nhạt, với một cái cổ áo ngắn, nó có vẻ trưởng thành hơn tôi thậm chí không có cổ áo. Tóc của cô đã trở nên bóng mượt như kiểu dáng cô gái  trên phù hiệu đeo của cảnh sát. Tôi đã luôn luôn nghĩ thầm kín rằng Lonnie không thể xinh đẹp vì cô có hàm răng khấp khểnh, nhưng bây giờ tôi không thấy rõ răng cô khấp khểnh hay không, kiểu thời trang của cô và mái tóc mượt của cô làm tôi nhìn hơi giống như một con búp bê bằng vải nhồi nhung đỏ, mắt mở to, với mái tóc hoang dã, gợi ra sự cuồng nhiệt.
Mẹ tôi đi theo chúng tôi ra cửa và gọi vào bóng tối, “Tạm biệt !” bằng tiếng Pháp.  Đây là lời chia tay truyền thống của Lonnie và tôi, nó nghe có vẻ ngớ ngẩn và bơ vơ đến từ bà  ấy, và tôi đã rất  giận với bà ấy khi sử dụng nó đến nỗi tôi không trả lời. Chỉ có mình Lonnie đáp lời vui vẻ, khích lệ, “Chúc ngủ ngon!”
Phòng tập thể dục có mùi của cây thông và tuyết tùng. Những cái chuông màu đỏ và màu xanh lá cây bằng giấy có rãnh treo trên vành đai bóng rổ, cao, cửa sổ cấm mở  bị ẩn bởi cành cây xanh. Tất cả mọi người trong các lớp trên dường như đã đến trong từng cặp. Một số cô gái lớp Mười Hai và lớp Mười ba đã mang bạn trai theo- những người đã tốt nghiệp rồi- những người doanh nhân trẻ xung quanh thị trấn. Những con người trẻ hút thuốc trong phòng thể dục, không ai có thể ngăn chặn chúng, họ được tự do. Các cô gái đứng bên cạnh họ, buôn tay của họ như tình cờ trên cánh tay người nam, khuôn mặt của họ uể oải, khép kín và xinh đẹp. Tôi khao khát được như thế. Họ cư xử như thể chỉ có họ – những người lớn tuổi hơn, đã thực sự bước vào điệu nhảy, như thể phần còn lại chúng tôi, những người di chuyển chen trong giữa và  xung quanh hạn hẹp, là, nếu không vô hình, vô tri vô giác, khi điệu nhảy đầu tiên đã được công bố, điệu Paul Jones – họ di chuyển tản ra chậm rãi, mỉm cười với nhau như thể họ đã được mời tham gia một số trò chơi trẻ con nửa bị quên lãng. Nắm tay và run rẩy, tràn ngập lên cùng nhau, Lonnie và tôi và các cô gái lớp Chín khác theo sau.
Tôi không dám nhìn vào vòng tròn bên ngoài khi họ lướt qua tôi, vì nỗi sợ tôi sẽ nhìn thấy một sự thô tục vội vã. Khi âm nhạc dừng lại, tôi vẫn ở chỗ ban đầu, và he hé mắt nhìn, tôi thấy một chàng tên là Mason Williams có vẻ miễn cưỡng tiến về phía tôi. Cậu ta chạm vào eo tôi và các ngón tay của tôi một cách thô kệch, và bắt đầu nhảy với tôi. Chân tôi cảm thấy như trống rỗng, tay tôi run lên từ bả vai, tôi đã không thể nói được. Mason Williams là một trong những anh hùng của trường, cậu chơi bóng rổ và khúc côn cầu và bước đi trong hội trường với một không khí rầu rĩ quý tộc và khinh rẻ man rợ. Phải nhảy với một kẻ vô danh như tôi là sự  xúc phạm với cậu, như khi phải ghi nhớ thơ của Shakespeare. Tôi cảm thấy hăng hái như cậu ta cảm thấy, và tưởng tượng rằng cậu đã trao đổi những cái nhìn bất an với bạn bè của mình. Cậu điều khiển quay tôi một vòng, vấp vào cạnh sàn nhà. Cậu nắm  tay qua eo tôi và bỏ thõng cánh tay tôi.
“Hẹn gặp lại”, Mason nói. Rồi bỏ đi.
 Tôi phải mất một hoặc hai phút để nhận ra những gì đã xảy ra và rằng anh không quay trở lại. Tôi bước đi và đứng bên bức tường một mình. Cô giáo dạy giáo dục thể chất, nhảy lướt qua hăng hái trong vòng tay một cậu bé lớp Mười, đã khiến tôi tò mò nhìn theo. Cô là giáo viên duy nhất trong trường đã sử dụng các từ điều chỉnh xã hội, và tôi sợ rằng nếu cô đã nhìn thấy, hoặc nếu cô ấy phát hiện ra, cô ấy có thể có nỗ lực đáng sợ nào để làm cho Mason kết thúc điệu nhảy với tôi. Bản thân tôi đã không tức giận hay bất ngờ với Mason, tôi chấp nhận vị trí của anh ta và tôi trong thế giới trường học, và tôi thấy rằng những gì anh đã làm là điều thực tế để làm. Anh là một anh hùng tự nhiên, không phải một loại anh hùng Hội học sinh nhảy vọt thành công ngoài trường học; một trong những người sẽ nhảy với tôi một cách lịch sự và trịch thượng khiến tôi cảm thấy không khá hơn. Tuy nhiên, tôi hy vọng không nhiều người đã nhìn thấy tôi. Tôi ghét người ta nhìn thấy. Tôi bắt đầu cắn lớp da ngón tay cái của mình.
 Khi âm nhạc dừng lại, tôi tham gia vào làn sóng con gái đi đến cuối phòng thể dục. Giả vờ nó đã không xảy ra, tôi nói với bản thân mình. Giả vờ thế này là sự khởi đầu, ngay bây giờ.
Ban nhạc lại chơi tiếp. Có một sự chuyển động trong đám đông dày đặc ở cuối của sàn nhảy, nó tản dần nhanh chóng. Các chàng trai đi qua, các cô gái bước ra để nhảy. Lonnie đã ra sàn. Cô gái ở  bên tôi đã ra sàn. Không ai mời tôi. Tôi nhớ một bài viết trên tạp chí mà Lonnie và tôi đã đọc, có câu “Hãyđồng tính! Hãy để chàng trai nhìn thấy đôi mắt của bạn lấp lánh, cho họ nghe tiếng cười trong giọng nói của bạn! Đơn giản, rõ ràng, nhưng bao nhiêu cô gái đã quên điều đó! Đúng vậy, tôi đã quên. Hai hàng lông mày của tôi đã rãn ra cùng với sự căng thẳng, hẳn là trông tôi sợ hãi và xấu xí lố bịch lắm. Tôi hít một hơi thật sâu và cố gắng nới lỏng khuôn mặt mình. Tôi mỉm cười. Nhưng tôi cảm thấy vô lý, chẳng mỉm cười với ai. Và tôi quan sát thấy rằng những cô gái trên sàn nhảy, những cô gái được ngưỡng mộ, đã không mỉm cười, nhiều người trong số họ vẻ buồn ngủ, khuôn mặt hờn dỗi và chẳng mỉm cười chút nào.
 Các cô gái vẫn đi ra sàn nhảy. Một số, tuyệt vọng, đã đi với nhau. Nhưng hầu hết đi với con trai. Những cô gái béo, những cô gái với mụn nhọt, những cô gái nghèo không sở hữu một chiếc áo đầm tốt và phải mặc một chiếc váy và áo len đi vũ hội, họ đã quả quyết nhảy ra xa. Tại sao chọn họ mà không chọn tôi? Tại sao mọi người khác mà không phải tôi? Tôi có một áo đầm nhung đỏ, tóc tôi đã uốn trong dụng cụ, tôi sử dụng một chất khử mùi và thoa nước hoa cologne. Cầu nguyện, tôi nghĩ. Tôi không thể nhắm mắt được nhưng tôi đã nói nhiều lần trong tâm trí mình, Xin vui lòng, tôi đây, làm ơn, và tôi nắm ngón tay tôi ra sau lưng trong một dấu hiệu mạnh hơn, bắt chéo  cùng một dấu hiệu mật mà Lonnie và tôi không quen sử dụng khi bị gọi đến bảng đen trong giờ học Toán.
 Điều đó chẳng tác dụng. Những gì tôi sợ đã là sự thật. Tôi sẽ bị bỏ lại. Có điều gì đó bí ẩn và là vấn đề quan trọng với tôi, cái gì đó mà không thể sửa cho đúng, như hơi thở hôi hoặc bị bỏ qua như nổi mụn, và tất cả mọi người biết điều đó, và tôi biết điều đó, tôi đã biết tất cả. Nhưng tôi đã không biết nó cho chắc chắn, tôi đã hy vọng bị nhầm lẫn. Chắc chắn tăng lên trong tôi như bệnh tật. Tôi vội vã  đi qua một hoặc hai cô gái cũng bị bỏ lại và đi vào nhà vệ sinh nữ. Tôi ẩn mình trong một căn phòng nhỏ.
 Đó là nơi tôi đứng. Giữa các điệu nhảy, các cô gái bước vào và đi ra ngoài một cách nhanh chóng. Có rất nhiều phòng nhỏ, không ai nhận thấy rằng tôi không phải là một người cư ngụ tạm thời. Trong những điệu nhảy, tôi nghe âm nhạc mà tôi thích nhưng không có một phần nào hơn nữa. Đối với tôi, sẽ không cố gắng nữa. Tôi chỉ muốn ẩn trong đây, đi được ra mà không nhìn thấy bất cứ ai, muốn về được đến nhà.
Một lúc sau khi nhạc bắt đầu, có người đứng lại phía sau. Cô ấy mất một lúc lâu vặn nước, rửa tay, chải tóc. Cô nghĩ rằng thực buồn cười là tôi ở lại quá lâu. Tôi thấy tốt hơn là đi ra ngoài và rửa tay, và có thể trong khi tôi đang rửa tay, cô ấy sẽ ra về.
 Đó là Mary Fortune. Tôi biết cô ấy bằng tên, bởi vì cô là một chỉ huy của Hội điền kinh nữ và cô đang ở trong Danh sách danh dự và cô ấy đã luôn luôn tổ chức mọi việc. Cô đã có làm một việc gì đó để tổ chức vũ hội này, cô đã được bao vây để tất cả các lớp học yêu cầu các tình nguyện viên làm các đồ trang trí. Cô học lớp Mười một hoặc Mười hai.
 ”Ở đây dễ chịu và mát mẻ “, cô nói. “Tôi vào cho đỡ lạnh. Tôi muốn nóng hơn”.
 Cô vẫn còn chải tóc khi tôi đã rửa xong bàn tay. “Bạn có thích ban nhạc?”, cô hỏi.
“Được ạ.”- Tôi thực sự không biết phải nói gì. Tôi ngạc nhiên nhìn cô, một cô gái lớn tuổi hơn, dành thời gian này để nói chuyện với tôi.
“Tôi  thì không. Tôi không thể chịu đựng được. Tôi ghét nhảy khi tôi không thích ban nhạc. Nghe kìa. Họ rất hay thay đổi. Tôi chỉ không nhảy như nhảy kiểu đó “.
 Tôi chải tóc. Cô ấy dựa vào một chậu rửa, nhìn tôi.
“Tôi không muốn nhảy và  đặc biệt không muốn ở lại đây. Chúng ta hãy đi và lấy một điếu thuốc”.
“Ở đâu?”
“Đi nào, tôi sẽ chỉ cho bạn.”
Ở cuối phòng vệ sinh có một cửa. Nó đã được mở khóa và dẫn vào một phòng quần áo tối đầy giẻ lau sàn và thùng. Cô ấy đã để tôi giữ cho cửa mở, để có được ánh sáng nhà vệ sinh, cho đến khi cô tìm thấy núm cửa khác. Cánh cửa này mở vào bóng tối.
 ”Tôi không thể bật đèn hoặc lỡ ai đó có thể nhìn thấy”, cô nói. “Đây là phòng của người gác cửa” Tôi nghĩ rằng các vận động viên luôn luôn có vẻ biết nhiều hơn chúng tôi về trường học như một tòa nhà, họ biết nơi mà mọi thứ được lưu giữ và họ đã luôn luôn ra khỏi cái cửa cấm ra vô trái phép với một không khí bận tâm rõ rệt. “Cẩn thận nơi bạn đang đi,” cô nói. “Ở phía xa kia có một cầu thang. Họ đi đến một phòng quần áo trên tầng hai. Cửa bị khóa ở phía trên, nhưng có như một vùng trống giữa cầu thang và phòng. Vì vậy, nếu chúng ta ngồi trên bậc thềm, ngay cả khi tình cờ có một người nào đó vào đây, họ sẽ không nhìn thấy chúng tôi. “
 ”Họ sẽ không ngửi thấy mùi khói thuốc chứ ?” Tôi hỏi.
“Ồ chà. Sống thế này thực nguy hiểm. “
Có một cửa sổ cao trên cầu thang cho chúng tôi một chút ánh sáng. Mary Fortune có thuốc lá và hộp diêm trong ví của cô. Tôi chưa từng hút thuốc trước đây trừ thuốc lá Lonnie và tôi đã chính mình sử dụng giấy báo và sợi thuốc lá đánh cắp từ cha cô, họ đã đi ngoài ở giữa. Những chỗ  là tốt hơn nhiều.
 ”Lý do duy nhất tôi thậm chí đến tối nay,” Mary Fortune cho biết, “là bởi vì tôi chịu trách nhiệm cho các đồ trang trí và tôi muốn thấy, bạn biết không, một khi người ta có trong đó trông thế nào và tất cả mọi thứ. Nếu không tại sao bận tâm? Tôi không phải là cậu bé điên “
Trong ánh sáng từ cửa sổ cao rọi xuống tôi có thể thấy khuôn mặt khinh bỉ của cô, da xẫm tối, rỗ hoa và mụn trứng cá, cô nghiến răng lại ở phía trước, làm cho cô ấy trông trưởng thành và có vẻ chỉ huy.
 ”Hầu hết các cô gái là vậy. Bạn không nhận thấy điều đó ư? Bộ sưu tập lớn nhất của các cô gái, chàng trai điên mà bạn có thể tưởng tượng là ở ngay tại trường này. “
Tôi rất biết ơn sự quan tâm của cô, bạn bè của cô và thuốc lá cô cho. Tôi nói tôi cũng nghĩ như vậy.
“Giống như chiều nay. Chiều nay tôi đã cố gắng nhờ họ treo các chuông và đồ tạp nhạp. Họ chỉ trèo lên trên các thang và đùa rỡn với bọn con trai. Họ chẳng quan tâm  nó có được trang trí không. Đó chỉ là một cái cớ. Đó là mục tiêu duy nhất mà họ có trong cuộc sống là đùa giỡn với đám con trai. Về phần tôi nghĩ, họ là những kẻ ngu ngốc. “
 Chúng tôi nói chuyện về giáo viên, và những thứ khác ở trường. Cô cho biết cô muốn trở thành một giáo viên giáo dục thể chất và cô sẽ phải đi học đại học thể dục, nhưng cha mẹ cô không có đủ tiền. Cô cho biết cô dự định làm việc theo cách riêng của mình, dù sao cô cũng muốn được độc lập, cô sẽ làm việc trong các tiệm ăn và vào mùa hè cô ấy sẽ làm công việc trang trại, như chọn thuốc lá. Nghe cô nói, tôi cảm thấy giai đoạn khó khăn bất hạnh của tôi trôi qua. Đây là một người đã phải chịu đựng sự thất bại giống như tôi đã chịu, tôi thấy vậy, nhưng cô tràn đầy năng lượng và lòng tự trọng. Cô đã nghĩ đến những điều khác để làm. Cô sẽ chọn thuốc lá.
 Chúng tôi ở đó nói chuyện và hút thuốc trong thời gian tạm dừng lâu trong khi âm nhạc diễn, khi nào, ở bên ngoài, họ đã có bánh rán và cà phê. Khi âm nhạc bắt đầu lần nữa Mary nói: “Hãy nhìn xem, chúng ta phải chờ loanh quanh ở đây bao lâu nữa? Hãy lấy áo của chúng ta và đi thôi. Chúng ta có thể đi xuống cửa hàng Lee và mua một ly sô cô la nóng và nói chuyện thoải mái, tại sao không? “
Chúng tôi cảm thấy như chúng tôi ngang qua căn phòng của người gác cửa, mang theo tro tàn và mẩu thuốc lá trong tay. Trong phòng quần áo, chúng tôi dừng lại và lắng nghe để chắc chắn rằng không có ai trong phòng vệ sinh. Chúng tôi trở lại dưới ngọn đèn sáng và ném tro vào nhà vệ sinh. Chúng tôi phải đi ra ngoài và cắt ngang qua sàn nhảy để đến phòng treo áo, nó ở bên cạnh cửa  ngoài.
 Một điệu nhảy nữa vừa bắt đầu. “Đi vòng quanh mép sàn nhà”, Mary nói, “Không ai để ý đến chúng ta đâu”. Tôi đi theo cô ấy. Tôi không nhìn vào bất cứ ai. Tôi không tìm kiếm Lonnie. Lonnie có lẽ sẽ không phải là người bạn của tôi nữa, nhưng không đậm tình như trước nữa. Cô ấy là cái mà Mary sẽ gọi là “cậu bé điên”.
 Tôi thấy rằng tôi đã không quá sợ hãi, bây giờ thì tôi đã quyết tâm rời bỏ cuộc khiêu vũ. Tôi không chờ đợi bất cứ ai mời tôi ra nhảy. Tôi đã có ý đồ riêng. Tôi không phải mỉm cười hoặc ra dấu hiệu cầu may mắn. Nó đã không quan trọng với tôi. Tôi đang trên đường tìm một ly sô cô la nóng với người bạn của tôi.
 Một cậu bé nói gì đó với tôi. Cậu ta cũng làm như tôi. Tôi nghĩ cậu phải nói với tôi rằng tôi đã đánh rơi một cái gì đó hoặc là tôi không thể đi theo cách đó hay rằng phòng treo quần áo đã bị khóa. Tôi không hiểu rằng cậu ta đã yêu cầu tôi nhảy cho đến khi cậu nói một lần nữa. Đó là  Raymond Bolting từ lớp của chúng tôi, người mà tôi chưa bao giờ nói chuyện với cậu ta trong đời tôi. Cậu ta nghĩ tôi đồng ý. Cậu ta đặt tay lên eo tôi và hầu như chẳng cần phải giải thích, tôi bắt đầu nhảy.
 Chúng tôi di chuyển vào giữa sàn nhà. Tôi đang nhảy. Chân tôi đã quên run rẩy và tay tôi đổ mồ hôi. Tôi đang nhảy với một chàng trai đã mời tôi. Không ai bảo cậu ta làm việc ấy, cậu  không phải nói, mà cậu ấy chỉ mời tôi. Điều đó có chắc vậy không, tôi có thể tin được chăng, rút cục  không có vấn đề gì quan trọng với tôi chứ ?
 Tôi nghĩ rằng tôi nên nói với anh ấy là có một trục trặc, rằng tôi sắp dời đi, tôi sẽ đi lấy một ly sô cô la nóng với bạn nữ của tôi. Nhưng tôi đã không nói được gì cả. Khuôn mặt của tôi đã có sự điều chỉnh tinh tế nhất định, đạt được như ý mà không có nỗ lực chút nào trước những cái nhìn vừa đãng trí vừa nghiêm trang của những người đã được chọn, những người đang nhảy. Đây là khuôn mặt mà Mary Fortune đã thấy khi cô nhìn ra ngoài cửa phòng treo áo, khăn quàng cổ xòe xung quanh đầu. Tôi đã thực hiện một chuyển động vẫy nhẹ với bàn tay đặt trên vai của cậu bé, ý là tôi xin lỗi, rằng tôi không biết những gì đã xảy ra và cũng có thể  là không cần chờ đợi tôi. Sau đó, tôi quay đầu đi, và khi nhìn lại thì cô ấy đi rồi.
 Raymond Bolting đưa tôi về nhà và Harold Simons đưa Lonnie về. Tất cả chúng tôi đi cùng nhau  xa dần lối rẽ của Lonnie. Các chàng trai đang tranh luận về một trò chơi khúc côn cầu, mà Lonnie và tôi không thể đi theo chơi. Sau đó, chúng tôi chia thành các cặp vợ chồng và Raymond tiếp tục với tôi cuộc trò chuyện anh ta đang có với Harold. Anh dường như không nhận thấy rằng lúc này anh đang nói chuyện với tôi. Một hoặc hai lần tôi đã nói, “Ui, tôi không biết, tôi đã không nhìn thấy trò chơi  đó,” nhưng sau một thời gian tôi quyết định chỉ để nói, “H’m, hmm”, và dường như đó là tất cả những gì cần thiết.
 Một điều khác anh đã nói là, “Tôi không nhận ra bạn đã sống lâu theo cách đó.” Và anh sụt sịt. Cái lạnh đã làm mũi tôi chảy một chút, và tôi đã thọc ngón tay của mình qua giấy gói kẹo trong túi áo khoác của tôi cho đến khi tôi tìm thấy một cái kẹo Kleenex tồi tàn. Tôi không biết liệu tôi có nên mời anh ta hay không, nhưng anh sụt sịt lớn tiếng đến nỗi cuối cùng tôi nói: “Tôi chỉ có một cái Kleenex này, nó có thể thậm chí không sạch, nó có thể bị vấy mực. Nhưng nếu tôi xé nó ra hai phần, hai chúng tôi đều có một cái gì đó. “
“Cảm ơn,” anh nói. “Tôi chắc là có thể sử dụng được nó.”
 Đó là một điều tốt, tôi nghĩ, rằng tôi đã làm điều đó, tại cửa nhà tôi, khi tôi nói: “Vâng, chúc ngủ ngon”, và sau khi anh nói, “Oh, yeah. Chúc ngủ ngon”, anh cúi người về phía tôi và hôn tôi,  ngắn ngủi, với không khí của một người biết công việc của mình khi nhìn nó, trên khóe miệng của tôi. Sau đó, anh quay trở lại thị trấn, không bao giờ biết rằng anh đã là người cứu hộ của tôi, rằng anh đã mang lại cho tôi từ lãnh thổ của Mary Fortune vào thế giới bình thường.
 Tôi đã đi xung quanh nhà để ra cửa sau, suy nghĩ, tôi đã đến một buổi khiêu vũ và một cậu bé đã đi bộ đưa tôi về nhà và hôn tôi. Đó là tất cả sự thật. Cuộc sống của tôi có thể là triển vọng. Tôi đã đi qua cửa sổ nhà bếp và nhìn thấy mẹ tôi. Bà đang ngồi gác chân trên cửa lò mở, uống trà trong một cốc không có đĩa. Bà chỉ ngồi và chờ đợi tôi trở về nhà và nói tất cả mọi chuyện đã xảy ra. Và tôi sẽ không làm điều đó, tôi sẽ không bao giờ làm thế. Nhưng khi tôi nhìn thấy nhà bếp chờ đợi, và mẹ tôi trong bộ kimono Paisley đã bạc màu, với khuôn mặt buồn ngủ nhưng kiên trì chờ đợi, tôi hiểu  một nghĩa vụ bí ẩn ngột ngạt mà tôi đã có để được hạnh phúc, và tôi đã gần như thất bại thế nào đó, và gần như thất bại, mọi lúc, và bà ấy sẽ không biết được.
 Hết
 (nguồn: From Dance of the Happy Shades: And Other Stories (Vintage, 1998). Reprinted by permission of The Random House Group Limited.)
 An Giang 13/11/2013
PHN


[1] .Wordsworth:  William Wordsworth (7.4.1770 – 23.4.1850): nhà thơ lãng mạn người Anh (ND chú thích)
[2] .Những ngày cuối cùng của thành Pompeii (nguyên tác tiếng Italia). Đây là tác phẩm  viết từ năm 79 sau công nguyên (tức thế kỷ 1, viết về con người, tình yêu và thiên nhiên cách đây đã 20 thế kỷ, xuất bản lần đầu năm 1834. Nhưng dường như những gì chứa đựng trong cuốn sách vẫn chưa cũ, chưa lạc hậu chút nào (ND chú thích)
[3] . Trò chơi Xs và Os: có lẽ là cờ ca rô, một bên đánh dấu X, bên kia khuyên chữ O, chặn đầu nhau liên tục…(ND)