19/11/13

JP Morgan bị phạt vạ kỷ lục 13 tỉ đôla

VOA


JP Morgan bị phạt vạ kỷ lục 13 tỉ đôla

20/11/2013



19.11.2013


Ngân hàng lớn nhất ở Mỹ JP Morgan Chase đã đồng ý trả khoản tiền phạt kỷ lục 13 tỉ đô la để giải quyết những cáo buộc nói rằng ngân hàng này bán chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp có tính rủi ro cao, góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Thỏa thuận này được ký kết sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa JP Morgan, Bộ Tư pháp và các cơ quan chính phủ khác. Thỏa thuận khép lại nhiều vụ khiếu nại dân sự cấp tiểu bang và cấp liên bang, nhưng lại để ngỏ khả năng truy tố hình sự hành vi gian lận.

Như nhiều ngân hàng khác, JP Morgan biến hàng trăm khoản cho vay mua nhà thành chứng khoán và quảng cáo rằng chúng giao dịch như cổ phiếu.

Khi hàng loạt chủ nhà mất khả năng chi trả, giá chứng khoán sụt giảm thê thảm và nhà đầu tư gánh lỗ lớn.

Bộ Tư pháp Mỹ nói nhân viên ngân hàng đã "trình bày sai nghiêm trọng" với nhà đầu tư về rủi ro của loại chứng khoán này.

Một phần số tiền phạt sẽ được đem giúp những chủ sở hữu nhà đang lâm cảnh khốn đốn.

Source : VOA

VOA - Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh bắt cựu lãnh đạo TQ về cáo buộc diệt chủng

VOA

Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh bắt cựu lãnh đạo TQ về cáo buộc diệt chủng


Tu sĩ Phật giáo Thubten Wangchen và những người tham gia cuộc tuần hành 'Vì Hòa bình và Bất bạo động' ở Barcelona, Tây Ban Nha, cầm quốc kỳ Tây Tạng và hình nhà lãnh đạo tinh thần Ấn Độ Mahatma Gandhi, 2/10/10
Tu sĩ Phật giáo Thubten Wangchen và những người tham gia cuộc tuần hành 'Vì Hòa bình và Bất bạo động' ở Barcelona, Tây Ban Nha, cầm quốc kỳ Tây Tạng và hình nhà lãnh đạo tinh thần Ấn Độ Mahatma Gandhi, 2/10/10
19.11.2013
Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha đã ra lệnh bắt giữ cựu Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân và 4 quan chức khác vì nghi ngờ dính líu đến điều được cho là diệt chủng ở Tây Tạng.

Ðài VOA có trong tay tờ trát này của tòa án Madrid từ một trong những nguyên đơn vào ngày thứ Ba. Văn bản được đưa ra một ngày trước đó kêu gọi bắt giữ cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và các quan chức khác để cho phép cơ quan chức năng thẩm vấn họ về những cáo buộc diệt chủng.

Nguyên đơn cung cấp văn bản này là một tổ chức của Tây Ban Nha vận động cho quyền của người Tây Tạng ở Trung Quốc.

Trung Quốc chưa có bình luận gì về hành động của tòa án Tây Ban Nha. Hôm 9 tháng 10, tòa án đã truy tố cựu Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào liên quan đến vụ diệt chủng. Ðộng thái này khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án là một nỗ lực "can thiệp vào công việc nội bộ" của Bắc Kinh.

Ủy ban Hỗ trợ Tây Tạng (Comite de Apoyo Al Tibet) đã đệ đơn kiện những cựu lãnh đạo của Trung Quốc ở Tây Ban Nha vì quốc gia châu Âu này cho phép tòa án truy tố những hành vi bị cho là tội ác chiến tranh và diệt chủng xảy ra ở bất cứ nơi nào, miễn là nạn nhân là công dân Tây Ban Nha.

Một trong những đồng nguyên đơn là một tu sĩ Phật giáo người Tây Tạng giữ quốc tịch Tây Ban Nha tên Thubten Wangchen.

Các quan chức Trung Quốc khác có tên trong lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Lý Bằng, cựu trưởng phụ trách an ninh Kiều Thạch, cựu quan chức Đảng Cộng sản Trần Khuê Nguyên và cựu bộ trưởng kế hoạch gia đình Bành Bội Vân.

Trong một thông cáo gửi cho đài VOA, Ủy ban Hỗ trợ Tây Tạng cho biết Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha ban hành văn bản thứ hai vào hôm thứ Hai, nói rằng tòa án sẽ chính thức thông báo cho ông Hồ Cẩm Đào về bản cáo trạng và muốn ông trả lời những câu hỏi về những hành động ở Tây Tạng. Tòa án chưa cho biết liệu có tìm cách bắt giữ của ông Hồ Cẩm Đào không.

Ông Hồ từng là bí thư Đảng Cộng sản ở khu tự trị Tây Tạng từ năm 1988-1992 và sau đó đứng đầu nhà nước Trung Quốc từ năm 2003-2013 .

Tây Tạng được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh từ năm 1950.

Nhiều người Tây Tạng tố cáo chính phủ Trung Quốc đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ. Trung Quốc nói rằng người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng và mức sống tốt hơn nhờ đầu tư của Trung Quốc ở khu vực Tây Tạng kém phát triển.

'Khi người Nga trở lại Cam Ranh'

BBC


'Khi người Nga trở lại Cam Ranh'

Cập nhật: 05:42 GMT - thứ ba, 19 tháng 11, 2013

Hai ông Vladimir Putin và Trương Tấn Sang
Tổng thống Putin vừa thăm Việt Nam ngày 12/11
Với các hợp đồng cung cấp vũ khí, khí tài và chuyển giao công nghệ quốc phòng khổng lồ, Nga đang ở vị trí không thể cạnh tranh về hợp tác quân sự với Việt Nam.
Báo Nga những ngày qua tập trung sự chú ý khá lớn tới việc Nga và Việt Nam ký kết Hiệp định giữa hai chính phủ về hợp tác quốc phòng trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà Nội.

Việt Nam và Nga trong chuyến đi của ông Putin tuyên bố "ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự không ngừng phát triển và có độ tin cậy cao" giữa hai bên.Tuy nội dung hiệp định này chưa được công bố chính thức, các nguồn tin ở Nga cho rằng trong đó có việc thiết lập cơ sở kỹ thuật phục vụ hải quân ở Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa.
Một trong những tờ báo lớn nhất của Nga, tờ Nezavisimaya Gazeta, vừa có bài của bình luận viên về quốc phòng Vladimir Mukhin dưới tựa đề: "Cam Ranh đổi lấy liên minh thương mại và tàu ngầm".
Tác giả bài viết nhận định rằng quan hệ giữa hai quốc gia sẽ được đẩy mạnh trước hết thông qua hợp tác quân sự và kỹ thuật.

Trở lại Cam Ranh?

Chuyên gia Mukhin viết: "Trong những năm tới, hải quân Nga sẽ quay lại cảng Cam Ranh. Theo kế hoạch một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần và kỹ thuật sẽ được thiết lập tại đó trước cuối năm 2014".
Ông Mukhin đánh giá đây là một trong những kết quả quan trọng về mặt địa chính trị của chuyến đi Việt Nam của ông Putin.
Các nguồn tin nói rằng tại trung tâm này, các chuyên gia của Nga sẽ sửa chữa và tiếp vận tàu của hải quân Nga trên đường từ căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đi Vịnh Aden.
Chi tiết này hiện chưa được ký kết nhưng phía Nga cho đây chỉ là thủ tục.
Thông thường báo chí Nga hay được cung cấp tin để đưa trước về những vụ việc mà Nga muốn vận động.
Hải quân Liên Xô đã từng lập căn cứ ở Cam Ranh từ 1979 tới 2001, sử dụng một diện tích khoảng 100 cây số vuông miễn phí trong thời gian đó.
Tuy nhiên năm 1998 chính phủ Việt Nam bắt đầu có ý định đòi tiền thuê đất 300 triệu đôla/năm nhưng Nga từ chối.
Tàu mang tên Đô đốc Panteleev thăm Việt Nam
Quan hệ quốc phòng Nga-Việt đang được củng cố
Thượng tướng Leonid Ivashov, người từng lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc phòng của Nga trong một thời gian dài và trực tiếp tham gia đàm phán về Cam Ranh những năm 1998-2000, cho báo Nezavisimaya biết rằng Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga lúc đó là Anatoliy Kvashnin đã tích cực ảnh hưởng tới quyết định rút hải quân khỏi Việt Nam.
"Quyết định đó sau bị cho là sai lầm, nhưng ̣đã quá trễ."
Theo tờ báo này, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ từng đề xuất thuê lại căn cứ Cam Ranh với giá 500 triệu đôla/năm nhưng Việt Nam đã quyết định sẽ không cho nước ngoài vào đây.
"Tuy nhiên thời thế đã thay đổi. Để thể hiện thiện chí, Hà Nội nay thuận cho Nga lập cơ sở hậu cần và kỹ thuật ở Cam Ranh, tuy chưa rõ giá thuê là bao nhiêu," theo bài báo.
Tác giả bài viết cũng hé lộ là trong khi hợp đồng bán sáu tàu ngầm hạng Kilo cho Việt Nam trị giá 2 tỷ đôla, trị giá của việc xây dựng hạ tầng cơ sở căn cứ tàu ngầm và chuyển giao công nghệ vận hành sẽ thêm 2 tỷ đôla nữa.
Tháng Bảy 2013 một công ty của Nga mang tên Avrora đã cung cấp hệ thống mô phỏng toàn diện tàu ngầm cho trung tâm huấn luyện thủy thủ tại Cam Ranh.
Sẽ không có quốc gia nào có thể cạnh tranh với Nga trong quan hệ quốc phòng với Việt Nam, tác giả Mukhin nhận xét.
Những năm vừa qua, Việt Nam mua của Nga 32 chiến đấu cơ Su-30MK2, 12 chiến hạm tên lửa Molniya, bốn tuần dương hạm Gepard, nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-300PMU1, một hệ thống hỏa tiễn di động bờ biển Bastion có trang bị tên lửa Yakhont siêu âm tự động và các loại vũ khí khác.
Giới chuyên gia Tây phương cho rằng trong thời kỳ 2011-2014 Nga chiếm tới 97% lượng vũ khí nhập vào Việt Nam (tăng từ con số 87,4% trong khoảng 2003-2010).
BBC

"Khi Đồng Minh Tháo Chạy"


Tuesday, November 19, 2013

"Khi Đồng Minh Tháo Chạy"



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 13111
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

 Trục Xoay Về Châu Á Bị Lỏng Chốt
 

* Tổng thống Pháp Francois Hollande đọc diễn văn trước Quốc họi Israel hôm Thứ Hai 18 *













Bị chiếu bí ở nhà, Tổng thống Mỹ có thể đi tìm thành quả đối ngoại để chứng tỏ quyền lực của mình vì Hiến pháp cho Lập pháp nhiều quyền hạn về ngân sách và nội chính nhưng để khoảng trống về ngoại giao cho Hành pháp. Nhưng trong cơn sóng gió hiện nay về đạo luật bảo dưỡng y tế của mình, với sự thất vọng và xé rào của nhiều đảng viên Dân Chủ vì viễn ảnh thất cử năm tới, Tổng thống Barack Obama lại chỉ mong là dư luận đừng chú ý đến chuyện đối ngoại.

Nhưng tứ bề thọ nạn!

***


Hôm Chủ Nhật vừa qua, chuyến thăm viếng Israel của Tổng thống Pháp François Hollande giải tỏa được một nghi vấn. Nghi vấn là vì sao hôm Thứ Năm mùng tám, Ngoại trưởng Laurent Fabius lật đật qua Geneva dự hội nghị về Iran và bất ngờ xé rào khi đơn phương bước ra thông báo việc Pháp bác bỏ đề nghị hòa giải của Ngoại trưởng Mỹ mà ông gọi là "mua hớ" - marché de dupes? Lý do không chỉ vì Fabius là gốc Do Thái nên có lập trường gần gũi với Chính quyền Israel của dân Do Thái và hoài nghi lời hứa của Iran để thoát khỏi nạn cấm vận.

Tổng thống Pháp được Chính quyền của Thủ tướng Benyamin Netanyahu và dư luận Do Thái đón tiếp như một anh hùng đã dám đơn phương chống Mỹ! Câu chuyện có nguyên do sâu xa hơn vậy.

Chiều 31 Tháng Tám, Chính quyền Paris chuẩn bị chiến dịch can thiệp vào Syria theo kế hoạch hỗn hợp Pháp-Mỹ thì Tổng thống Hollande được ông Obama điện thoại cho biết quyết định bất ngờ: bãi bỏ việc tấn công trù tính vào đêm hôm đó, mà tìm giải pháp khác! Sau đấy là thái độ cả tin của Chính quyền Obama với Iran trong hội nghị của nhóm P5+1 (năm hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cộng với nước Đức) về kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran. Vào giờ chót tại Geneva, Ngoại trưởng John Kerry lòi ra đề nghị mới tinh mà ba đồng minh Anh, Pháp, Đức chưa kịp tham khảo trước. Sau khi đọc ra, Ngoại trưởng Fabius bèn nói thẳng với báo chí về quyết định từ chối của Pháp.

Nhưng vấn đề không chỉ là đối sách bất ngờ hoặc tráo trở vì bất lực của Tổng thống Obama.

Trong một cuộc hội thảo hôm 13, ông Fabius công khai trình bày mối e ngại của Pháp về việc Mỹ thiệt thoái khỏi Trung Đông để tập trung vào khu vực quan yếu hơn cho quyền lợi của Hoa Kỳ, thí dụ như Á Châu. Hậu quả là nhiều quốc gia sẽ gặp bất ổn như Lebanon hay Iraq. Trầm trọng hơn vậy, thế giới không ở trong tình trạng "đa cực" multipolaire mà "vô cực" a-polaire! Chữ của ông Fabius, người đã từng là một Thủ tướng trẻ nhất của Pháp ở tuổi 37 vào năm 1984 khi ông Obama mới tập tành phát triển cộng đồng tại Chicago.

Sau phản ứng bất ngờ của Saudi Arabia - từ chối gia nhập Hội đồng Bảo an - để bày tỏ nỗi bất mãn với Hoa Kỳ, sau những chỉ trích của Israel về chủ trương hòa dịu với Iran, sau quyết định ngưng viện trợ cho Egypt, Hoa Kỳ đang gặp sự chống đối không còn ngấm ngầm của Pháp. Khi nháo nhào tháo chạy khỏi Trung Đông, Hoa Kỳ đang mất đồng minh ở một khu vực bất ổn nhất.

Chỉ vì muốn chuyển trục về Châu Á? Á châu lại bị oan!

Vì phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng ngân sách và nguy cơ chính quyền liên bang bị đóng cửa, hồi Tháng Chín Tổng thống Obama đã liên tục hủy bỏ các cuộc họp quan trọng với lãnh đạo của các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines và cũng chẳng tham dự các Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC (Hợp tác Á châu Thái bình dương) và Đông Á. Đây là lần lỡ hẹn thứ ba sau hai lần trước vào năm 2010 cũng vì đang thai nghén chuyện ObamaCare của mình.

Với các nước Đông Nam Á, sự khả tín của nước Mỹ đã trở thành một vấn đề.

Ngược với những thông báo rầm rộ của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, việc "chuyển trục về Châu Á" chưa là ưu tiên của một Tổng thống từng khoe rằng thiếu thời thì mình có quan hệ với Á châu Thái bình dương khi đã sống tại Indonesia và Hawaii. Khi vừa đắc cử cuối năm 2008, Obama từng nói như người Hà Nội, đến chuyện "đẩy sóng ra khơi, nối chân trời gần lại". Không, siêu phàm hơn vậy – "sẽ đảo ngược thủy triều".

Trong cuộc họp báo 51 phút vào Thứ Năm 14 vùa qua, Obama nói về cái "tôi" đến 120 lần, mà cái tôi đó không chặn được làn sóng đáy tại Thái bình dương, hay trong Quốc hội Mỹ. Chỉ vì hôm đó, ông nhận được một lá thư ngỏ của 151 Dân biểu Hạ viện thuộc đảng Dân Chủ.

Số là Hoa Kỳ có thể thức đàm phán ngoại thương theo thủ tục nhanh gọn: Hành pháp được rộng quyền thương thảo với các nước về hiệp định tự do mậu dịch, khi hoàn tất thì trình bày trọn gói cho Lập pháp biểu quyết. Đó là thủ tục "fast track", để tránh việc Quốc hội can thiệp vào từng điều khoản khi còn thương thảo. Thủ tục đó kết thúc từ năm 2007 và Hành pháp Obama đang muốn xin tái tục. Khối Dân biểu vừa gửi thư ngỏ đã yêu cầu chấm dứt trò chạy bộ một mình!

Mà chuyện ấy liên hệ gì đến Á châu Thái bình dương?

Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 quốc gia trong vành cung Thái bình dương Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP. Đây là kế hoạch lớn nhằm hạ thấp hàng rào quan thuế gần tới số không và giải tỏa luồng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và chế độ bảo vệ tác quyền, v.v.... Với sự gia nhập của Nhật Bản cùng nhiều nước Đông Nam Á, mà không có Trung Quốc, kế hoạch TPP này là một phần trọng yếu và thiết thực của việc "chuyển trục".

Nhưng ngay trong Quốc hội Mỹ, xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh đã vừa gây thêm phân hóa trong đảng Dân Chủ của ông Obama. Như trong hồ sơ ObamaCare, hậu phương Dân Chủ đã tuột đáy còn nhanh hơn lãnh tụ.

Họa vô đơn chí, ngày 13 vừa qua, hệ thống WikiLeaks lại tiết lộ một phần quan trọng của hồ sơ TPP liên quan đến quy chế bảo vệ tác quyền. Phe chống đối kế hoạch TPP từng đả kích Chính quyền Obama là che giấu nhiều cam kết trong việc đàm phán nên vụ tiết lộ liền thổi bùng tranh luận bên trong. Kỹ nghệ điện ảnh Hollywood xưa nay vốn ưa ca tụng Obama đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối những cam kết ngầm của Đặc sứ Thương mại trong Nội các Obama.

Vì vậy, việc hoàn tất Hiệp định TPP nội trong năm nay chỉ là chuyện ảo. Huống hồ là các quốc gia khác cũng phải ráo riết bảo vệ quyền lợi của họ trước sự phê phán của dân chúng ở nhà. Đấy cũng là những làn sóng ngầm tại Thái bình dương....

Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ đang thấy các đồng minh lần lượt tháo chạy ra khỏi vòng lãnh đạo của nước Mỹ. Lời phát biểu của Ngoại trưởng Pháp về một thế giới vô cực không chỉ ứng vào Trung Đông. Chính quyền Obama nhất quyết rút khỏi Iraq và Afghanistan, thả nổi khu vực Trung Đông và nói đến quyền lực mềm của ngoại giao và kinh tế. Về ngoại giao, Mỹ mất nhiều đồng minh chiến lược. Về kinh tế để tạo ra một luật chơi khác ở Châu Á và Mỹ châu La Tinh với những đối tác mới qua hiệp định TPP thì kết quả cũng là một sự thất vọng.

Một định nghĩa khác của "vô cực" là mất trục xoay.

_______________________________

Chỉ có tại nước Mỹ

Khi Trung Quốc đang mà mắt thế giới về nỗ lực cải cách sau Hội nghị kỳ Ba của khóa 18 thì hệ thống thông tin kinh doanh Bloomberg lãnh đạn. Để khỏi phật ý Trung Quốc và khó hành nghề, Bloomberg bất ngờ hủy bài phóng sự của phóng viên điều tra Michael Forsythe về mối quan hệ giữa tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Hoàng Kiến Lâm không chỉ cầm đầu tập đoàn Vạn Đạt Wanda với tài sản trị giá hơn 14 tỷ đô la mà còn là đảng viên Cộng sản có thần thế. Hãng Bloomberg không chỉ ngưng bài báo mà còn sa thải tác giả, một ký giả từng đoạt giải về điều tra. Khi bị tờ New York Times và Financial Times khui vụ này thì Bloomberg chối bay. Bloomberg là cơ sở kinh doanh của ông tỷ phú cùng tên, Thị trưởng vừa mãn nhiệm của New York. Có nên tin truyền thông của Hoa Kỳ về tình hình Trung Quốc hay chăng? Còn tùy!

Source : Viet Bao / Dainamax Tribune

Hoa Kỳ kỷ niệm 150 năm bài Diễn văn Gettysburg nổi tiếng


Hoa Kỳ kỷ niệm 150 năm bài Diễn văn Gettysburg nổi tiếng

Bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng.
Bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng.19.11.2013

Hôm thứ Ba, nước Mỹ kỷ niệm một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử, Diễn văn Gettysburg, của Tổng thống Abraham Lincoln 150 năm trước.Bài diễn văn kêu gọi đất nước tiêu điều vì chiến tranh tiếp tục hành trình tìm kiếm tự do và bình đẳng cho mọi người.

Bài diễn văn của Tổng thống Lincoln được đọc vào ngày 19 tháng 11 năm 1863 giữa lúc cuộc Nội chiến Mỹ đang diễn ra. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa một nhóm các tiểu bang miền Nam muốn tách khỏi liên bang quốc gia, chủ yếu là vì vấn đề chiếm hữu nô lệ ở miền Nam. Nước Mỹ vào thời điểm đó mới tồn tại được 87 năm kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Anh Quốc.

Khách đốt nến trong Nghĩa trang Quốc gia tưởng niệm các sự kiện đánh dấu kỷ niệm thứ 150 của trận chiến ở Gettysburg, PennsylvaniaKhách đốt nến trong Nghĩa trang Quốc gia tưởng niệm các sự kiện đánh dấu kỷ niệm thứ 150 của trận chiến ở Gettysburg, Pennsylvania
Trong bài phát biểu dài 2 phút, Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Mỹ, nói rằng "thế giới sẽ ít lưu tâm mà cũng sẽ chẳng ghi nhớ điều chúng ta nói ở đây" tại chiến trường ở thôn trang Gettysburg, bang Pennsylvania. Thực tế là hàng thế hệ học sinh Mỹ đã thuộc lòng bài diễn văn này.

Sử gia về nước Mỹ Carolyn Eastman thuộc trường Ðại học Virginia Commonwealth nói với đài VOA rằng bài diễn văn này là "bài diễn văn vĩ đại nhất mà một tổng thống Mỹ từng đọc" và nói rằng thông điệp của nó tạo tiếng vang ngoài nước Mỹ.

Tổng thống Lincoln đã bảo toàn liên bang bằng việc chiến đấu qua phần lớn những bang phía nam của đất nước kéo dài từ năm 1861-1865, trước khi những bang chủ trương ly khai đầu hàng và Hợp chúng quốc châu Mỹ được giữ vững.

Một trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh xảy ra ở Gettysburg, nơi lãnh đạo của những bang ly khai, Tướng Robert E. Lee chỉ huy quân đội của ông thực hiện cuộc tiến công đầy tham vọng vào phần phía bắc đất nước vào đầu tháng 7 năm 1863. Nhưng sau 3 ngày giao chiến ác liệt với khoảng 50.000 thương vong, quân đội Liên minh miền Bắc đẩy lùi lực lượng của Tướng Lee trong một trận chiến mà các nhà sử học nói là bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến đối với miền Bắc.

Gần 4 tháng sau, Tổng thống Lincoln đọc bài diễn văn tại chiến trường mà một số bài báo vào thời điểm đó chế giễu là "ngớ ngẩn" và không liên quan.

Ông nhắc lại Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1776 của đất nước, nói rằng Trận Gettysburg và nhiều trận khác trong cuộc nội chiến sẽ thử thách xem liệu quốc gia được thành lập dựa trên nguyên tắc tự do "có bền lâu" được hay không.

Tổng thống Lincoln kêu gọi đồng bào không chỉ tôn vinh những người đã tử trận ở Gettysburg mà còn nói rằng Hoa Kỳ "sẽ khai sinh nền tự do mới - và rằng chính phủ của dân, do dân, vì dân, không lụi tàn khỏi trái đất."

Sử Eastman nói Tổng thống Lincoln thực chất nhắc nhở đồng bào của ông rằng việc giữ gìn quốc gia non trẻ và chấm dứt chế độ nô lệ là đáng để tranh đấu.

Hàng trăm người đã tập trung tại Gettysburg hôm thứ Ba để nhớ lại bài diễn văn và suy tưởng về ý nghĩa của nó với đất nước hôm nay.

Source : VOA

50 năm Diễn văn Gettysburg

Cập nhật: 21:57 GMT - thứ ba, 19 tháng 11, 2013
Đài tưởng niệm Abraham Lincoln tại Washington
Diễn văn Gettysburg được ghi trên tường tại khu Đài tưởng niệm Abraham Lincoln
Ngày 19 tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln, đứng trên một cánh đồng ở Pennsylvania đã đọc bài diễn văn ngắn trước đám đông mà có lẽ chính những người có mặt cũng khó có thể nghe được từng lời ông nói.
Đúng 150 năm sau, người ta vẫn nhớ tới những gì có thể được xem là phát biểu chính trị vĩ đại nhất từ xưa tới nay.

Diễn văn Gettysburg là một báu vật chính trị vô giá. Nó có lẽ là diễn văn nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên dân chủ, không chỉ chắt lọc được hình ảnh một nước Mỹ sau cuộc nội chiến cay đắng mà còn trở thành chuẩn mực cho các thế hệ người dân Mỹ vốn đang vật lộn trước tình trạng chia rẽ chủng tộc cho tới khi Luật Quyền Dân Sự được thông qua đúng một trăm năm sau bài diễn văn đó.
Chỉ gỏn gọn 271 từ (có bản ghi là 272) nhưng diễn văn đó đã xuyên suốt 150 năm lịch sử nước Mỹ.
271 từ trong 10 câu ngắn gọn đã tạo nên bài diễn nổi tiếng nhất từng có của một Tổng thống Mỹ và nó được tất cả các vị Tổng thống kế nhiệm nghiên cứu từng câu từng chữ như một dẫn dắt về tính hùng biện.
Diễn văn Gettysburg được đọc trước khoảng 15 ngàn người vào thời điểm bốn tháng sau khi phe Liên bang Miền Bắc đánh bại Liên minh Miền Nam ở trận Gettysburg trong cuộc Nội chiến Mỹ và khi đó nó không được dự định là sự kiến chính.
Sự kiện chính trong ngày 19/11/1863 tại Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg là bài diễn văn của chính trị gia Edward Everett để tưởng niệm những chiến binh đã hy sinh trong cuộc nội chiến.
Bài diễn văn của Everett dài 13,607 từ và dài gần hai tiếng nhưng đã không được một ai trích dẫn. Chỉ sau khi Everett phát biểu trước đám đông, Lincoln mới bước lên và đọc diễn văn của mình, trong hai phút, và nó đã đi vào lịch sử.

Chính phủ của dân, do dân, vì dân

Ý tưởng rằng nước Mỹ, bị chìm đắm trong cuộc Nội chiến, cần phải nhìn lại (với lời mở đầu 'Tám mười bảy năm' - ý nhắc tới Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và dùng bài học quá khứ để hướng tới một "sự ra đời mới của tự do".
Sự ra đời mới này, Lincoln nói, sẽ là dựa trên một "chính phủ của dân, do dân, vì dân" và người Mỹ chịu ơn những đồng bào của họ đã ngã xuống cho đất nước khi đi theo con đường đó.
Abraham Lincoln
Abraham Lincoln là Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Trong bài diễn văn của mình, Lincoln nói: "Thế giới sẽ chẳng chú ý là bao và sẽ không nhớ mãi những gì chúng ta nói ở đây nhưng sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây."
Tuy nhiên ông đã không đúng khi nói như vậy vì 150 năm sau người ta vẫn nhớ tới lời nói mở đầu bài diễn văn của ông, dù không phải ai cũng nhớ những gì sau câu mở đầu đó.
Theo tiến sĩ John R Hale, Giám đốc nghiên cứu về tự do tại Đại học Louisville ở Kentucky, Hoa Kỳ, thì vẻ đẹp trong bài diễn văn của Tổng thống Lincoln chính là ở độ chính xác của nó.
"Diễn văn Gettysburg của Lincoln có lẽ là diễn văn tuyệt vời nhất từng được viết," ông nói. "Ông đã tóm tắt cả lịch sử nước Mỹ chỉ trong vài câu, đồng thời đưa ra một động lực mới để tiếp tục chiến đấu, để những người đã ngã xuống tại Gettysburg 'sẽ không hy sinh một cách vô ích'."
Có ý kiến cho rằng diễn văn của Lincoln đi trước thời đại và đó là lý do tại sao đến giờ nó vẫn làm rung động lòng người khi người nghe mệt mỏi với những bài nói dài dòng văn tự.
Việc sử dụng mạng xã hội trở nên rất phổ biến ngày nay đã làm thay đổi cách thức diễn văn được viết và được tiếp nhận, không phải chỉ vì ngày càng có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý của người nghe mà còn vì cách thức các diễn văn được phát đi nữa.
"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng"
Abraham Lincoln
"Các chính trị gia hiện đại đang đáp ứng trước đòi hỏi của truyền thông hiện đại và thực tế công chúng chóng chán khiến các chính trị gia bị đẩy tới chỗ phải đưa ra các câu ngắn kiểu 10 giây, phù hợp cho việc phát đi phát lại trên truyền thông," tiến sĩ Stephen Farnsworth, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Virginia, nói.
Sau khi John F Kennedy trở thành Tổng thống năm 1961, ông hỏi người chuyên viết diễn văn cho ông là Theodore Sorenson hãy giải thích thành công của diễn văn Gettysburg.
Ông Sorenson kết luận rằng nó là do cách nói khúc triết, giản dị, và việc lựa chọn những từ ngắn gọn của Lincoln.
Trong vài câu ngắn nhưng hùng hồn, Lincoln đã hòa trộn được lý tưởng của cuộc cách mạng Mỹ với nỗi buồn chiến tranh và hứa hẹn một tương lai dân tộc.
"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.
"Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không."

Tự do

Trận Gettysburg đã bẻ gãy sức mạnh quân sự của Liên minh miền Nam và đảm bảo sự tồn tại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cái giá thật khủng khiếp: 46.000 binh lính từ cả hai phe bị thiệt mạng hoặc bị thương.
Lincoln nói với những đồng bào của ông rằng cách tốt nhất để vinh danh những người đã ngã xuống trong trận Gettysburg là bằng giải pháp "rằng quốc gia này, dưới sự bảo trợ của Thượng đế, sẽ có một sự ra đời mới của tự do".
Khi ông nói những lời này chính ông đang ốm nặng và chỉ sống thêm 17 tháng nữa. Ông bị một kẻ ám sát, John Wilkes Booth, bắn ngày 14 tháng Tư năm 1865, và qua đời ngày hôm sau.
Khi linh cữu của ông được đưa đi trên đường phố tại Washington, hàng triệu người từ cả phe Miền Nam và Miền Bắc đã tụ tập tưởng niệm ông.
Kể từ khi Lincoln viết diễn văn này, văn bản Bliss là văn bản được tái bản nhiều nhất, đặc biệt là trên tường tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington.
Văn bản này lấy tên Đại tá Alexander Bliss, con riêng của sử gia George Bancroft.
Ông Bancroft đã đề nghị xin Tổng thống Lincoln một bản sao để dùng vào việc quyên góp tiền cho binh lính. Thế nhưng vì Lincoln viết vào cả hai mặt giấy nên diễn văn đó không thể in lại được.
Do vậy Lincoln đã chép lại một bản khác theo yêu cầu của Bliss. Đây là văn bản cuối cùng được biết đến do chính Lincoln viết và là bản duy nhất do chính ông ký và đề ngày. Nay bản này được trưng bày tại Phòng Lincoln ở Tòa Bạch Ốc.

Source : BBC
-----------------------------------------------------------------------------

Phụ lục 


. 1.  Original text


The Gettysburg address


Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent, a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.


Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battle-field of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.


But, in a larger sense, we can not dedicate -- we can not consecrate -- we can not hallow -- this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us -- that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion -- that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain -- that this nation, under God, shall have a new birth of freedom -- and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.



Abraham Lincoln

19.11.1863
Source: Collected Works of Abraham Lincoln, edited by Roy P. Basler.



2. Diễn văn Gettysburg
( Bản dịch : Nguyễn Xuân Xanh )

Abraham Lincoln

Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.

Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều phù hợp và chính đáng để chúng ta làm việc này.

Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm thiêng liêng nó, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ đã làm ở đây. Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.


Bản dịch : Nguyễn Xuân Xanh