Cập nhật: 21:57 GMT - thứ ba, 19 tháng 11, 2013
Ngày 19 tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln, đứng trên một cánh đồng ở Pennsylvania đã đọc bài diễn văn ngắn trước đám đông mà có lẽ chính những người có mặt cũng khó có thể nghe được từng lời ông nói.
Đúng 150 năm sau, người ta vẫn nhớ tới những gì có thể được xem là phát biểu chính trị vĩ đại nhất từ xưa tới nay.
Diễn văn Gettysburg là một báu vật chính trị vô giá. Nó có lẽ là diễn văn nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên dân chủ, không chỉ chắt lọc được hình ảnh một nước Mỹ sau cuộc nội chiến cay đắng mà còn trở thành chuẩn mực cho các thế hệ người dân Mỹ vốn đang vật lộn trước tình trạng chia rẽ chủng tộc cho tới khi Luật Quyền Dân Sự được thông qua đúng một trăm năm sau bài diễn văn đó.
Chỉ gỏn gọn 271 từ (có bản ghi là 272) nhưng diễn văn đó đã xuyên suốt 150 năm lịch sử nước Mỹ.
271 từ trong 10 câu ngắn gọn đã tạo nên bài diễn nổi tiếng nhất từng có của một Tổng thống Mỹ và nó được tất cả các vị Tổng thống kế nhiệm nghiên cứu từng câu từng chữ như một dẫn dắt về tính hùng biện.
Diễn văn Gettysburg được đọc trước khoảng 15 ngàn người vào thời điểm bốn tháng sau khi phe Liên bang Miền Bắc đánh bại Liên minh Miền Nam ở trận Gettysburg trong cuộc Nội chiến Mỹ và khi đó nó không được dự định là sự kiến chính.
Sự kiện chính trong ngày 19/11/1863 tại Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg là bài diễn văn của chính trị gia Edward Everett để tưởng niệm những chiến binh đã hy sinh trong cuộc nội chiến.
Bài diễn văn của Everett dài 13,607 từ và dài gần hai tiếng nhưng đã không được một ai trích dẫn. Chỉ sau khi Everett phát biểu trước đám đông, Lincoln mới bước lên và đọc diễn văn của mình, trong hai phút, và nó đã đi vào lịch sử.
Chính phủ của dân, do dân, vì dân
Ý tưởng rằng nước Mỹ, bị chìm đắm trong cuộc Nội chiến, cần phải nhìn lại (với lời mở đầu 'Tám mười bảy năm' - ý nhắc tới Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và dùng bài học quá khứ để hướng tới một "sự ra đời mới của tự do".
Sự ra đời mới này, Lincoln nói, sẽ là dựa trên một "chính phủ của dân, do dân, vì dân" và người Mỹ chịu ơn những đồng bào của họ đã ngã xuống cho đất nước khi đi theo con đường đó.
Trong bài diễn văn của mình, Lincoln nói: "Thế giới sẽ chẳng chú ý là bao và sẽ không nhớ mãi những gì chúng ta nói ở đây nhưng sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây."
Tuy nhiên ông đã không đúng khi nói như vậy vì 150 năm sau người ta vẫn nhớ tới lời nói mở đầu bài diễn văn của ông, dù không phải ai cũng nhớ những gì sau câu mở đầu đó.
Theo tiến sĩ John R Hale, Giám đốc nghiên cứu về tự do tại Đại học Louisville ở Kentucky, Hoa Kỳ, thì vẻ đẹp trong bài diễn văn của Tổng thống Lincoln chính là ở độ chính xác của nó.
"Diễn văn Gettysburg của Lincoln có lẽ là diễn văn tuyệt vời nhất từng được viết," ông nói. "Ông đã tóm tắt cả lịch sử nước Mỹ chỉ trong vài câu, đồng thời đưa ra một động lực mới để tiếp tục chiến đấu, để những người đã ngã xuống tại Gettysburg 'sẽ không hy sinh một cách vô ích'."
Có ý kiến cho rằng diễn văn của Lincoln đi trước thời đại và đó là lý do tại sao đến giờ nó vẫn làm rung động lòng người khi người nghe mệt mỏi với những bài nói dài dòng văn tự.
Việc sử dụng mạng xã hội trở nên rất phổ biến ngày nay đã làm thay đổi cách thức diễn văn được viết và được tiếp nhận, không phải chỉ vì ngày càng có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý của người nghe mà còn vì cách thức các diễn văn được phát đi nữa.
"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng"
Abraham Lincoln
"Các chính trị gia hiện đại đang đáp ứng trước đòi hỏi của truyền thông hiện đại và thực tế công chúng chóng chán khiến các chính trị gia bị đẩy tới chỗ phải đưa ra các câu ngắn kiểu 10 giây, phù hợp cho việc phát đi phát lại trên truyền thông," tiến sĩ Stephen Farnsworth, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Virginia, nói.
Sau khi John F Kennedy trở thành Tổng thống năm 1961, ông hỏi người chuyên viết diễn văn cho ông là Theodore Sorenson hãy giải thích thành công của diễn văn Gettysburg.
Ông Sorenson kết luận rằng nó là do cách nói khúc triết, giản dị, và việc lựa chọn những từ ngắn gọn của Lincoln.
Trong vài câu ngắn nhưng hùng hồn, Lincoln đã hòa trộn được lý tưởng của cuộc cách mạng Mỹ với nỗi buồn chiến tranh và hứa hẹn một tương lai dân tộc.
"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.
"Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không."
Tự do
Trận Gettysburg đã bẻ gãy sức mạnh quân sự của Liên minh miền Nam và đảm bảo sự tồn tại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cái giá thật khủng khiếp: 46.000 binh lính từ cả hai phe bị thiệt mạng hoặc bị thương.
Lincoln nói với những đồng bào của ông rằng cách tốt nhất để vinh danh những người đã ngã xuống trong trận Gettysburg là bằng giải pháp "rằng quốc gia này, dưới sự bảo trợ của Thượng đế, sẽ có một sự ra đời mới của tự do".
Khi ông nói những lời này chính ông đang ốm nặng và chỉ sống thêm 17 tháng nữa. Ông bị một kẻ ám sát, John Wilkes Booth, bắn ngày 14 tháng Tư năm 1865, và qua đời ngày hôm sau.
Khi linh cữu của ông được đưa đi trên đường phố tại Washington, hàng triệu người từ cả phe Miền Nam và Miền Bắc đã tụ tập tưởng niệm ông.
Kể từ khi Lincoln viết diễn văn này, văn bản Bliss là văn bản được tái bản nhiều nhất, đặc biệt là trên tường tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington.
Văn bản này lấy tên Đại tá Alexander Bliss, con riêng của sử gia George Bancroft.
Ông Bancroft đã đề nghị xin Tổng thống Lincoln một bản sao để dùng vào việc quyên góp tiền cho binh lính. Thế nhưng vì Lincoln viết vào cả hai mặt giấy nên diễn văn đó không thể in lại được.
Do vậy Lincoln đã chép lại một bản khác theo yêu cầu của Bliss. Đây là văn bản cuối cùng được biết đến do chính Lincoln viết và là bản duy nhất do chính ông ký và đề ngày. Nay bản này được trưng bày tại Phòng Lincoln ở Tòa Bạch Ốc.
Source : BBC
-----------------------------------------------------------------------------
Phụ lục
. 1. Original text
The Gettysburg address
Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent, a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.
Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battle-field of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.
But, in a larger sense, we can not dedicate -- we can not consecrate -- we can not hallow -- this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us -- that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion -- that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain -- that this nation, under God, shall have a new birth of freedom -- and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.
Abraham Lincoln
19.11.1863
Source: Collected Works of Abraham Lincoln, edited by Roy P. Basler.
2. Diễn văn Gettysburg
( Bản dịch : Nguyễn Xuân Xanh )
Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.
Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều phù hợp và chính đáng để chúng ta làm việc này.
Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm thiêng liêng nó, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ đã làm ở đây. Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.
Bản dịch : Nguyễn Xuân Xanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét