10/12/13

những người bất đồng chính kiến hôm nay : salman rushdie


 


♦ Chuyển ngữ: 

 10.12.2013

le monde 25-5-2013

Lời Người Dịch: Nhật báo Le Monde / Sélection Hebdomadaire (bài tuyển trong tuần) ngày 25-5-2013 đăng trong mục Débats (Tranh luận) ba tham luận của Salman Rushdie, Liao Yiwu, Philip Roth kèm lời giới thiệu của Nicolas Truong, Comment être dissident aujourd’hui? phác họa về hoạt động bất đồng chính kiến trong bối cảnh chính trị toàn cầu hôm nay. Cả ba ngòi bút nói trên đều cảnh giác về sự lơ là đáng ngại của phương Tây đối với cuộc đấu tranh chung cho các quyền làm người sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc và mặt trận kinh tế toàn cầu trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và chính khách. Nếu trước đây phương Tây từng ngưỡng mộ và ủng hộ cuộc chiến đấu can đảm của Soljenitsyn, Sakharov, Havel, Mandela, Aung San Suu Kyi… hào quang của các nhà bất đồng chính kiến hôm nay đã nhạt mờ trước xu thế dân chủ hóa những phong trào quần chúng phản kháng lan rộng nhờ các mạng xã hội, đặc biệt là microbloggers, và không cần các gương mặt tiếng tăm phất cờ đi trước theo lối tranh đấu trước đây. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn là thị trường và cuộc chạy đua tìm lợi nhuận khiến thiên hạ nhắm mắt bỏ qua thực tế tiêu cực của các chế độ phi nhân và nạn độc tài đảng trị, như Nicolas Trương có nêu lên nhận xét “les valeurs d’échange supplantent les valeurs morales dans le nouvel ordre économique” (các giá trị trao đổi đã thay thế các giá trị đạo đức trong trật tự kinh tế mới). Điển hình là sự bắt tay làm ăn của các nước Âu-Mỹ với Trung Quốc – như lời tố cáo của Liệu Diệc Vũ – quay mặt làm ngơ trước chính sách đàn áp tự do ngôn luận và các quyền công dân của chế độ toàn trị Bắc Kinh.
* * *
Sau bản dịch giới thiệu Liệu Diệc Vũ, mời các bạn đọc tiếp tham luận của Salman Rushdie về vấn đề bất đồng chính kiến. Không cần dài dòng về tiểu thuyết gia gốc Ấn này, người đã nổi tiếng toàn cầu sau vụ fatwa Hồi giáo vì đã xúc phạm giáo chủ trong cuốn The Satanic Verses và cũng là tác giả của Midnight’s Children – một trong những tiểu thuyết hàng đầu của hậu bán thế kỷ 20. Với kinh nghiệm về cuộc chiến Ấn độ-Pakistan do xung đột tôn giáo, và bi kịch bản thân với các thế lực Hồi giáo cuồng tín đã kết án tử hình ông, Salman Rushdie là một tiếng nói quốc tế luôn sát cánh với các ngòi bút bất đồng chính kiến. Các độc giả từng sống dưới chế độ cộng sản sẽ tìm thấy ở ông một đồng minh đầy nhiệt tình đã quan tâm liên tục đến số phận các ngòi bút dưới ách toàn trị. Ông từng nhắc lời Milan Kundera “Cuộc tranh đấu giữa con người và quyền lực là cuộc tranh đấu của ký ức chống sự lãng quên” (trong tiểu luận Imaginary Homelands, 1991). Trong bài tham luận dưới đây nổi bật một ý thức thời đại bên cạnh một lương tâm toàn cầu đã không ngừng kêu đòi tự do tư tưởng và ngôn luận. Nếu trước đây Rushdie chú ý đến các nhà văn Nga và Đông Âu, hiện nay ông đang theo dõi sinh hoạt tư tưởng và văn học ở Á châu, đặc biệt là Nam Á và Trung Quốc. Ông rất minh bạch về chức năng chính trị của văn học, nhất là tiểu thuyết: … miêu tả tự nó là một hành động chính trị; cũng như… tiểu thuyết là một cách phủ nhận phiên bản chính thức về sự thật của các nhà chính khách. (Imaginary Homelands)
Tóm lại, Salman Rushdie cũng như Liệu Diệc Vũ kêu gọi người đọc lên tiếng. Thái độ tích cực này sẽ biến từng người công dân thành chứng nhân có ý thức chống lại các âm mưu đánh tráo hoặc bôi xóa sự thật lịch sử của các chế độ toàn trị và bạo quyền.
Chân Phương


Can đảm chính trị, một đức tính

ngày nay bị nghi ngờ


Hình như ta dễ dàng khâm phục sự gan dạ thể xác hơn là sự can đảm tinh thần vào thời buổi loạn thế này. Chúng ta ca ngợi người mang nón cao bồi can cường leo qua rào chắn để cứu nguy các nạn nhân lúc Boston bị đặt chất nổ trong lúc những kẻ khác tháo chạy. Nhưng khó hơn cho chúng ta khi muốn công nhận lòng can đảm ở các vị có tinh thần trách nhiệm chính trị, trừ Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi ra. Có lẽ chúng ta đã thấy biết quá nhiều, và bị các trò thỏa hiệp khó tránh với quyền lực đẩy ta vào thói hoài nghi nhạo báng (cynisme). Còn đâu cái thời của Gandhi với Lincoln!
Điều còn lạ lùng hơn là chúng ta lại đi ngờ vực những ai có thái độ chống các lạm dụng quyền lực hay giáo điều. Trước đây đâu có như vậy. Các ngòi bút và trí thức chống cộng, như Alexander Soljenitsyn và Andrei Sakharov, được ngưỡng mộ rộng rãi vì lập trường của họ. Nhà thơ Osip Mandelstam được khâm phục vì đã viết bài thơ châm biếm Stalin vào năm 1933. Vị lãnh tụ đáng gờm ấy được miêu tả bằng những từ dũng cảm: “Lúc ông ta cười, râu mép động đậy như loài gián”. Bài thơ ấy khiến thi sĩ bị tù đày và sau cùng chết trong một trại lao động xô viết.
Cũng gần đây thôi, vào năm 1989 hình ảnh một người đang xách hai túi thực phẩm dám chặn đường xe tăng giữa Thiên An Môn đã gần như tức thời trở thành biểu tượng toàn cầu của lòng can đảm. Sau đó hình như sự thế đã đổi khác. “Người chặn xe tăng” đã rơi vào quên lãng ở Trung Quốc; và các người biểu tình cỗ vũ cho dân chủ, kể cả những ai đã bỏ mạng trong mấy vụ thảm sát hai ngày 3 và 4 tháng 6 -1989, đã bị giới cầm quyền Bắc Kinh tố cáo gán cho tội chống phá cách mạng.
Thuật diễn giải lại các sự việc là cuộc tranh chấp không ngừng và nó làm rối mù khả năng lĩnh hội của chúng ta khi phán xét những người “can đảm”. Đấy là cách nhà cầm quyền Trung quốc xử lý những kẻ chống đối có danh tiếng nhất. Thói kết án “nghịch tặc” gán cho nhà cầm bút Lưu Hiểu Ba và tội trốn thuế gán cho nghệ sĩ Ngải Vị Vị là những mưu toan cố tình nhằm xóa nhòa lòng can đảm của họ và biến họ thành tội đồ.
Ở Nga, ảnh hưởng của giáo hội Chính Thống mạnh đến nỗi các thành viên bị cầm tù trong ban nhạc Pussy Riot còn bị dư luận nói chung kết tội xúc phạm luân lý vì đã trình diễn sự phản kháng lẫy lừng của họ nơi các khuôn viên của giáo hội. Quan điểm họ cho rằng giới lãnh đạo giáo hội Nga có liên hệ quyền lợi quá khăng khít với tổng thống Putin đã bị bọn người bài bác đông đảo lờ đi, và hành động của ban nhạc thay vì được khen can đảm lại bị cho là thất cách.
Hai năm trước ở Pakistan, cựu thống đốc Punjab là Salman Taseer đã bảo vệ Asia Bibi, một phụ nữ theo đạo Thiên Chúa bị kết án tử hình sai lầm vì pháp luật khắt khe của địa phương đối với tội miệt thị tôn giáo. Do đó ông bị một người bảo vệ của mình ám sát. Tay này, Mumtaz Qadri, lại được hoan nghênh và được thiên hạ đón bằng trận mưa hoa hồng trên đường đến tòa án. Về phần Salman Taseer, ông phải chịu nhiều chỉ trích và dư luận đã chống báng ông.
Tháng Hai 2012, một ký giả kiêm thi sĩ ở Ảrập Sau-đi là Hamza Kashgari đã phổ biến ba ý kiến trên Twitter về nhà tiên tri Mahomet. Sau đó ông khẳng định rằng “đã giành lại quyền” tự do tư tưởng và ngôn luận của mình. Chẳng có bao nhiêu người ủng hộ ông, ông bị kết án phản đạo và có lắm kẻ lên tiếng đòi xử tử ông. Hiện nay ông vẫn ngồi tù.
Các nhà văn và trí thức thời Khai Sáng ở Pháp cũng đã thách đố sự chính thống tôn giáo (orthodoxie religieuse) của thời đại họ, và qua đó sáng lập khái niệm hiện đại về tự do tư tưởng. Voltaire, Diderot, Rousseau với nhiều nhân vật khác trở thành những người hùng trí thức của chúng ta. Khốn khổ thay, chẳng có mấy người trong thế giới Hồi giáo dám nói về Hamra Kashgari như thế.
Tư tưởng mới cho rằng phải kết tội các nhà văn, giáo chức đại học và nghệ sĩ đấu tranh chống sự chính thống tôn giáo và sự bất khoan thứ (intolerance) vì họ đã làm phiền thiên hạ một cách vô ích đang lan truyền nhanh chóng ở cả những xứ như Ấn độ – trước đây từng có thể tự hào về sự tự do trên khắp đất nước mình.
Những năm gần đây, đại họa gia của hội họa Ấn là Maqbool Fida Husain đã buộc phải lưu vong sang Dubai, rồi Luân Đôn nơi ông qua đời. Người ta trách ông đã thể hiện trần truồng nữ thần Ấn độ giáo Sarawasti ( trong lúc chỉ cần quan sát qua loa các tượng hình Ấn độ giáo cổ xưa là có thể nhận ra sự thoát y khá thường xuyên của nữ thần này, cho dù trên người bà đeo đầy ngọc ngà và trang sức.)
Cuốn tiểu thuyết lừng danh của Rohinton Mistry ( bản dịch tiếng Pháp Un si long voyage – Một chuyến đi quá dài, 2003), bị rút khỏi chương trình giảng dậy của đại học Bombay vì những kẻ cực đoan địa phương bài bác nội dung tiểu thuyết. Giáo sư Ashis Nandy bị tấn công vì đã phát biểu các ý tưởng không được chính thống lắm về sự đồi trụy của các giai cấp thấp hèn. Và trong mỗi trường hợp như thế, dư luận chính thức có vẻ đã thu thập sự đồng tình của nhiều bình luận viên cùng một phần quan trọng của dư luận đường phố khi kết luận rằng các nghệ sĩ và giới chức đại học ấy đã tự mình gây ra những phiền lụy nọ và không nên đổ lỗi người khác. Những kẻ mà vào các thời điểm khác trước đây sẽ được ngợi ca là có đầu óc độc lập không giống ai bây giờ càng lúc càng được nghe nhiều người khuyên can: “Mi nên ngồi xuống đi, không khéo mi sẽ làm lật ghe chìm xuồng.”
Đây là thời buổi buồn nản đối với những ai tin vào quyền đẩy lùi các giới hạn của tự do, quyền thử thách rủi ro, cũng như đôi khi quyền biến đổi cách nhìn thế giới của các nghệ sĩ và các công dân bình thường đang bị áp bức.
Không còn gì khác ngoài việc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đức tính can đảm này và cố gắng bảo đảm làm thế nào các nạn nhân của sự đàn áp như Ngải Vị Vị, ban nhạc Pussy Riot, Hamza Kashgari, không bị tước đoạt thực chất của họ: những người đàn ông và đàn bà chiến đấu trên tuyến đầu của tự do. Bằng cách nào làm được việc này? Đóng góp chữ ký của bạn vào các kiến nghị chống lại cách đối xử của bạo quyền, tham gia vào các phong trào phản đối. Hãy lên tiếng. Mỗi sáng kiến dù nhỏ bé thế nào cũng có tầm quan trọng của nó.

Salman Rushdie


Nguồn: Nhật báo LE MONDE 25-5-2013, “Le courage politique, une vertu hier célébrée dont on se méfie à présent”. Gérard Meudal dịch nguyên tác sang Pháp văn. Bản dịch Việt ngữ có các đoạn in đậm do dịch giả nhấn mạnh. Bản dịch này cũng là món quà tặng nhỏ cho các trí thức Việt Nam can đảm đã lên tiếng cho dân chủ và nhân quyền lâu nay. –C.P.

damau.org

9/12/13

BBC - Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp thăm Việt Nam


Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp thăm Việt Nam

Cập nhật: 02:52 GMT - thứ ba, 10 tháng 12, 2013
Đây là chuyến công du Á châu lần thứ tư và thăm Việt Nam lần đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới TP HCM và Hà Nội trong chuyến công du nước ngoài kéo dài từ 11/12-18/12.

Lịch trình của ông ngoại trưởng chưa được thông báo chi tiết, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ông sẽ tới hai thành phố Jerusalem và Ramallah trước khi tới TP HCM rồi Hà Nội, và cuối cùng là tới Tacloban và Manila ở Philippines.
Giới quan sát nhận định ông Kerry có thể sẽ thảo luận với lãnh đạo Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thông cáo của bộ này cho hay đây là chuyến công du Á châu lần thứ tư của ông Kerry từ khi ông nhậm chức bộ trưởng ngoại giao.
Đây cũng là lần đầu tiên ông thăm Việt Nam trong chức vụ này.
"Trong chính sách tái cân bằng về châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt và chuyến đi của ông bộ trưởng tới Việt Nam và Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Hoa Kỳ cũng như liên hệ cá nhân của ông với khu vực."
"Chuyến thăm Việt Nam của ông bộ trưởng sẽ nhấn mạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ song phương những năm qua và quan hệ đối tác đang lớn mạnh của chúng ta trong nhiều lĩnh vực."

Thúc đẩy hợp tác

Tại TP HCM ông John Kerry sẽ có các cuộc gặp tập trung vào quan hệ thương mại song phương và giáo dục. Ông cũng sẽ thăm đồng bằng sông Cửu Long để xem xét khả năng hợp tác Mỹ-Việt trong lính vực thay đổi khó hậu và năng lượng tái sinh.
"Tại Hà Nội, ông bộ trưởng sẽ gặp các quan chức cao cấp của Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện mà Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã loan báo hồi tháng Bảy, đồng thời thảo luận một loạt các chủ đề song phương và khu vực."
Giới thạo tin nói có thể ông John Kerry sẽ ở Việt Nam ba ngày, một thời gian khá dài.
Cả Mỹ và Việt Nam lâu nay đều tỏ cam kết sớm hoàn tất đàm phán TPP, đã từng có kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
TPP giữa Hoa Kỳ với các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ thiết lập một khu vực hợp tác quanh khu vực Thái Bình Dương chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó các nhóm vận động về quyền lao động, nghiệp đoàn và nhân quyền cũng coi đây là dịp để nêu ra các chủ đề mang tính toàn cầu nhằm gây sức ép lên các chính phủ đang đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam.

Kỷ niệm Ngày Nhân quyền

Một số nhóm hoạt động đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 ở trong nước. Có cáo buộc một số người bị sách nhiễu, làm phiền.
Đại sứ Hoa Kỳ David Shear nhân dịp này ra thông cáo nói "Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của hai nước về ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam được Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy".
"Ở Hoa Kỳ, chúng tôi đều đồng thuận rộng rãi rằng những tiến bộ đáng kể về nhân quyền là điều cần thiết để có quan hệ song phương chặt chẽ hơn..."
Đại sứ Mỹ David Shear
Một lần nữa, chính phủ Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam "trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc".
Thông điệp của Mỹ, theo ông Shear, là rất rõ ràng: "Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền".
Mỹ cho rằng như vậy, Việt Nam "sẽ là một đối tác vững mạnh hơn nữa đối với Hoa Kỳ và sẽ có khả năng tốt nhất để ủng hộ hiệu quả các ưu tiên chung Hoa Kỳ-Việt Nam về an ninh khu vực và thương mại song phương".
Washington ghi nhận các hành động của Việt Nam như ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn và tổ chức cho Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng của Mỹ thăm Việt Nam.
Việt Nam được khuyến khích đưa ra các minh chứng bằng hành động cho cam kết nhân quyền của mình.
"Đạt được tiến bộ rõ ràng về nhân quyền có tầm quan trọng quyết định đối với mối quan hệ của chúng ta, có tác động đến mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại."
Thông cáo của Đại sứ Shear nhấn mạnh: "Ở Hoa Kỳ, chúng tôi đều đồng thuận rộng rãi rằng những tiến bộ đáng kể về nhân quyền là điều cần thiết để có quan hệ song phương chặt chẽ hơn và để củng cố vững chắc hơn nữa những lợi ích mà chúng ta đã đạt được trên một loạt các lĩnh vực gồm kinh tế, chính trị, xã hội, và an ninh."
BBC

BBC - Các báo đồng loạt gỡ bài về tượng Lenin


Cập nhật: 03:55 GMT - thứ ba, 10 tháng 12, 2013


Một loạt báo trong nước đã phải gỡ bài tường thuật về biểu tình hôm 8/12 ở Ukraina, trong đó có phản ánh việc người dân lật đổ và đập vỡ tượng Lenin.
Các báo như Thanh Niên, Dân Trí, Pháp luật TP HCM, VietnamPlus... đều đã xóa bài và các đường link dẫn tới tin này đều báo lỗi.
Tuy nhiên các bài báo ngắn về cuộc biểu tình ở Kiev vẫn được lưu lại tại một số diễn đàn và blog riêng.
Hôm Chủ nhật 8/12, một nhóm người biểu tinh đã dùng dây và thanh sắt kéo đổ bức tượng Lenin tại Đại lộ Shevchenko ở Kiev. Cho tới tận tối muộn, họ vẫn tiếp tục dùng búa đập tượng.
Tượng đài lãnh tụ Cách mạng Nga Vladimir Iliytch Lenin được coi như biểu tượng cho quan hệ của Ukraina với nước Nga và thời kỳ Xô viết.
Những người tham gia biểu tình hô vang 'Vinh quang cho Ukraina' khi đập tan bức tượng Lenin to đẹp nhất thủ đô Kiev này.

'Chỉ đạo miệng?'

Trong các bản tin mà báo Việt Nam đăng tải trước khi gỡ xuống, đa phần dịch từ tin của các hãng thông tấn quốc tế và còn bản lưu cache trên mạng, người biểu tình Ukraina bị gọi là "đám đông quá khích".
Cũng có báo dẫn lời quan chức địa phương nói đây không phải chủ trương của chính quyền mà chỉ là 'bạo động'.
Tuy nhiên dường như hình ảnh tượng vị lãnh tụ Cộng sản Nga bị đập tan một cách đau thương vẫn bị cho là khó có thể chấp nhận trên mặt các báo chính thống do nhà nước quản lý.
Nguồn tin trong ngành cho BBC hay biên tập một số tờ báo đã nhận 'chỉ đạo miệng' từ quan chức quản lý báo chí về việc phải dỡ bỏ bài về "lật đổ tượng Lenin".
Lệnh chỉ đạo này không được thể hiện bằng văn bản, có thể vì sợ bị rò rỉ ra ngoài như một số trường hợp đã xảy ra trước đó.
Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan phụ trách báo chí của Đảng, từng bị phản ánh đã "nhắc nhở, khiển trách, kỷ luật" các báo không tuân thủ chỉ thị của ban này.

BBC


CƠ QUAN LẬP PHÁP VÀ SỰ TAN RÃ XÃ HỘI: NHÌN TỪ JOHN LOCKE


   CƠ QUAN LẬP PHÁP VÀ SỰ TAN RÃ XÃ HỘI: NHÌN TỪ JOHN LOCKE

Tháng 12 7, 2013

Lê Tuấn Huy
Viết cho việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII thông qua Hiến pháp sửa đổi, và cho việc một giảng viên quân đội, đang làm luận án tiến sỹ, liên lạc với tôi sau khi đọc Khảo luận thứ hai về chính quyền.
Trước khi mang diện mạo như ngày nay dưới một số hình thức khác nhau, đã có hai định chế làm luật ghi lại dấu ấn trong quá trình tiến hóa của cơ quan lập pháp và của lịch sử loài người. Đó là Hội nghị Công dân ở Hy Lạp, La Mã cổ đại, và Nghị viện ở nước Anh trung và cận đại. Cái đầu là cơ quan lập pháp trực tiếp, cái sau là cơ quan lập pháp đại diện.
Với sự phát triển của cộng đồng lãnh thổ, lập pháp toàn dân, với tư cách một định chế thường trực, đã ngày càng trở nên bất khả ngay ở thời đại của nó. Đến thời phong kiến, trên tổng thể, lập pháp không còn là định chế riêng.
Tuy nhiên, tại Anh, sau khi cho ra đời Đại Hiến chương (Magna Carta, Great Charter, 1215), trong thế kỷ XIII và XIV, cũng đã hình thành nên nghị viện. Ở những thế kỷ tiếp sau, kinh tế, văn hóa, xã hội châu Âu có những bước phát triển vượt bậc. Nghị viện Anh quốc không tránh khỏi sự tác động chính trị từ đó, và trở thành một trong những tuyến đầu chống lại quyền lực lỗi thời của nhà vua và giới quý tộc cũ, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, định hình nền quân chủ lập hiến.
Trong tiến trình chuẩn bị bước ngoặt này, John Locke viết Khảo luận thứ hai về chính quyền, công bố lần đầu năm 1689.
Sau khi mở đầu bằng lý lẽ bác bỏ kiểu nhà nước truyền nối, Locke bàn về các quyền tự nhiên, về một số tiến trình kinh tế liên quan, về các chính thể…, và kết thúc với việc giải thể chính quyền bằng sức mạnh của nhân dân.
Có thể diễn giải tiến trình khiến chính quyền phải giải thể từ việc xác định, rằng nhà nước không phải là cái tự dưng có quyền lực mà mọi người mặc định phải chấp nhận và phục tùng. Ngược lại, chính mỗi con người trong cộng đồng mới là cái đem lại cho nó điều đó, khi họ chấp nhận chuyển giao quyền lực tự nhiên của mình cho chính quyền, để tránh tình trạng ai cũng tự sử dụng uy quyền ở mức cao nhất đối với người khác. Việc chuyển giao này diễn ra từ hình thức thô sơ nhất, là chính quyền của người cha, để tiến triển thành chính quyền của xã hội.
Và như vậy, quyền lực nhà nước chỉ là loại quyền lực được ủy thác, chứ không phải cái quyền lực mặc nhiên và tuyệt đối.
Sự chuyển giao vừa nói đưa con người và cộng đồng từ trạng thái tự nhiên bước vào trạng thái xã hội. Nhưng dù trong bối cảnh phi trạng thái tự nhiên, chính quyền vẫn phải tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, với những cái nổi bật nhất là quyền sinh mạng, quyền tự do, quyền sở hữu. Bảo toàn các quyền này là mục đích của những chính quyền chân chính. Xâm phạm các quyền này là mục đích của nhữngchính thể bất chính.
Một khi đã xâm phạm các quyền của con người, chính quyền đã tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân, đẩy xã hội về lại trạng thái tự nhiên.
Dù vậy, trạng thái tự nhiên không phải là cái dễ dàng tái diễn, vì một khi đã chuyển giao quyền lực vào tay cộng đồng, người ta không thể rút lại cho mình (§243)[1]. Đồng thời, nhân dân lại luôn nhẫn nại với áp bức. Những trường hợp riêng lẻ không khiến họ khác đi. Nhiều sự việc như thế có thể vẫn khiến họ chịu đựng. Sự thiệt hại lớn hơn nữa, có lẽ họ cũng chưa sẵn sàng phản kháng. Thế nhưng, một khi chúng trở nên phổ biến, cùng với xác tín rõ rệt về sự xâm phạm, thì khó mà giữ cho họ bất động (§235, 230).
Đến khi đấy, quyền lực tối cao được ủy thác vào một cá nhân hay một hội đồng sẽ bị chính những người đã ủy thác tước bỏ. Nhân dân sẽ tự hành động với tư cách tối cao, lập nên chính thể mới hoặc giữ chính thể cũ nhưng trao quyền lực vào tay những con người mới (§243).
Suốt quá trình ấy, có hai định chế mà Locke tập trung vào như những cái khiến đi đến kết cục này, là quốc vương và cơ quan lập pháp. Vai trò của chủ quân trước biến động của quốc gia, là rõ ràng. Còn lập pháp, sao phải đặt nặng vấn đề khi nó vốn không thể vượt qua cái quyền uy mặc định kia?
Đó là bởi, một khi đã tồn tại với tư cách đại diện, lập pháp là nơi lưu giữ và công bố ý chí của xã hội, và cũng là cái linh hồn tạo nên hình thể và sự thống nhất của chính quyền. Khi cơ quan này bị phá vỡ hay giải thể, mọi sự vụ chính trị cũng theo đó mà kết thúc (§212).
Do vậy, đối với Locke, lập pháp bị hoán đổi là nhóm nguyên nhân đầu tiên khiến chính quyền bị giải thể. Có bốn biểu hiện khiến cơ quan này rơi vào tình trạng đó: 1. Quốc vương đặt ý chí độc đoán của mình cho lập pháp công bố; 2. Quốc vương cản trở lập pháp nhóm họp; 3. Quốc vương khiến cho cử tri hoặc cách tuyển cử bị hoán đổi mà không có sự châp thuận của nhân dân; và 4. Lập pháp khiến nhân dân rơi vào cảnh khuất phục ngoại bang (§214-217).
Trong nhóm nguyên nhân thực hiện trách nhiệm, ngoài lập pháp, còn có việc hành pháp sao nhãng, bỏ mặc việc thực hiện luật pháp. Và một khi luật pháp không còn được thực thi, cũng hiển nhiên xem như chính quyền không còn tồn tại (§219).
Nhóm nguyên nhân khác khiến chính quyền biến động, là sự phản loạn trách nhiệm. Đó là việc lập pháp hoặc hành pháp tối cao, hoặc cả hai hành động trái ngược sự ủy thác của nhân dân, khi thay vì bảo vệ, lạixâm đoạt sở hữu của người dân, tự biến mình thành ông chủ và định đoạt tài sản của họ. Khi hai nơi này đặt quyền lực độc đoán vào tay kẻ khác để áp bức người dân, cũng là một hành động chống lại sự ủy thác (§221).
Locke nói rằng một khi những nơi nắm giữ quyền lực bị, hoặc tự hoán đổi mình, thì chính họ đã làm loạn chống lại nhân dân (§227). Khi đó, họ tự đánh mất quyền lực mà nhân dân đặt vào, và nhân dân có quyền khôi phục quyền tự do nguyên thủy của mình (§222).
Trước khi đề cập đến sự giải thể chính quyền, ở những phần trước, Locke thường nói đến việc mọi người phải cáo kiện đến trời cao khi không có sự phân xử thế tục một cách công minh. Đến phần cuối của tác phẩm, người đọc sẽ hiểu, ông không khuyên nhân dân thụ động “kêu trời”, mà là sau khi cáo với trời, đến lượt người dân phải tự đưa ra phán xét để bảo vệ mình (§241-242). Lúc đấy, không tránh khỏi họ phải “đánh đấm” tương xứng với sự “đánh đấm” của những kẻ áp bức (§235).
Với giải pháp đó, không phải Locke cổ xúy cho loại bạo lực tuyệt đối. Ông nói rõ rằng học thuyết của mình, chủ trương quyền lực nơi nhân dân, mới chính là cái để ngăn ngừa bạo loạn, vì chính quyền phải biết rằng nó phải bảo toàn sở hữu của mọi người, nếu không, nhân dân sẽ phải thực hiện quyền thiết lập một cơ quan lập pháp mới (§226). Nổi loạn của người dân là điều răn đe mà Locke muốn nhà nước phải biết để tránh, để không buộc nhân dân phải đi đến giải pháp cuối cùng, sau khi chính quyền đã làm loạn trước bằng việc xâm đoạt những thứ mà nó phải bảo vệ cho họ.
Ngoài ý nghĩa chung của một tác phẩm kinh điển triết học chính trị,Khảo luận thứ hai về chính quyền đặc biệt có giá trị với những nơi mà ngày nay vẫn mang nhiều đặc trưng của hoàn cảnh ra đời cuốn sách.
Về kinh tế, đó là bối cảnh của chủ nghĩa tư bản buổi sơ khai và mông muội, tức sự vận hành của một nền kinh tế thị trường không đầy đủ, và tước đoạt bằng sức mạnh phi kinh tế là chuyện phổ biến. Trong đó, tích lũy đất đai, mà cũng là tích lũy tư hữu, diễn ra dưới hai hình thức trái ngược nhau, là sự tích lũy tự nhiên bằng lao động và chiếm hữu, và sự tích lũy bằng quyền lực và cưỡng đoạt. Nước Anh xưa cũng có hình thức sở hữu toàn dân về đất đai, để rồi trên danh nghĩa đất công, nhà vua (quyền lực trung ương) hay lãnh chúa (quyền lực đia phương) có quyền tước đoạt của nơi này hay người này, để trao cho nơi khác hay người khác, chung phe nhóm (lợi ích) của mình.
Về chính trị, đó là sự tồn tại của một chính thể dựa trên sự mặc định lịch sử và bất biến từ sự mặc định đó. Nhà vua đương nhiên cai trị xã hội nhờ công lao của vương triều và do mệnh trời quy định. Nghị viện thì có đó nhưng chỉ là cánh tay nối dài của chủ quân, không phải là cơ chế thường trực và thực quyền, mà là chỉ nơi hợp thức hóa những quyết định có sẵn của định chế tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện kia, bởi đa phần “đại biểu” là người thân tín và có đặc quyền đặc lợi gắn liền với sự chuyên chế ấy. Ngày nay, những thể chế lấy “lịch sử mệnh” (sứ mệnh lịch sử), “dân tộc mệnh” hay “giai cấp mệnh” làm nền tảng cho sự lãnh đạo tuyệt đối thì chẳng qua chỉ là thay ngôn từ cho cái thiên mệnh cai trịđược Thượng đế ban phong bất di bất dịch khi xưa.
Mâu thuẫn ngày càng trở gay gắt hơn giữa xu hướng biến đổi của kinh tế với định hướng bất biến của chính trị, sẽ khiến chính quyền ngày càng sử dụng những phương cách khắc nghiệt hơn để duy trì cái phải thay đổi. Và càng như thế thì chủ thể vận dụng chúng cũng càng tự hoán đổi, từ chính quyền chân chính trở thành chính quyền bất chính, từ sự giải thể tự trong lòng nó đi đến sự giải thể của nhân dân. Quá trình đó cũng đồng thời là quá trình tan rã xã hội, mà kết cục sẽ là định hình một xã hội mới, với một chính quyền mới an toàn hơn cho mọi người. Thời của Locke đã vậy, mà thời mang danh của bất kỳ ai cũng vậy.
Locke không nói đến sự tan rã về mặt văn hóa, đạo đức, hay giáo dục…, mà diễn đạt sự tan rã xã hội về mặt chính trị.
Sự hoán đổi của cơ quan lập pháp, sự phản loạn của chính quyền đối với những người đã ủy thác quyền lực cho mình, bằng cách tước đoạt sở hữu của họ, chính là sự tan rã đó.
Thực thi luật pháp yếu kém, khiến xảy ra tình trạng vô chính phủ khi người thừa hành luật pháp lẫn người dân đều thực thi luật tự nhiên đối với sinh mạng người khác, chính là sự tan rã đó.
Khi chính quyền tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với dân chúng bằng việc sử dụng loại bạo lực không có quyền dùng, ra những luật không có thẩm quyền ra, chính là sự tan rã đó.
Ở thời hiện đại, sự tương đồng bối cảnh tan rã xã hội càng được cụ thể hóa, đến độ đặc thù, mà có lẽ tư duy sắc bén của Locke cũng khó lòng nghĩ đến.
Xưa, vua chúa công nhiên khẳng định phẩm giá và quyền lực tối thượng, chỉ sau có Thượng đế. Nay, cũng là sự công nhiên nhưng là công nhiên lập lờ, khi có một kiểu “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” có luật định, nhưng đứng sau một quyền lực cao nhất khác (không kèm chữ “nhà nước”), phi luật định nhưng quyền hạn vô biên và siêu tối thượng.
Xưa, người ta lấy đất công chuyển thành đất tư và thẳng thắn với sự phân phong sở hữu đó. Nay, “sở hữu toàn dân” nơi những người dân cụ thể được “chuyển nhượng” cho những người, những nhóm tư nhân được mang danh công lợi mơ hồ.
Xưa, chính quyền không đồng bộ nên người dân phải bột phát tự vệ. Nay, chính quyền hoàn chỉnh với lập pháp, hành pháp, tư pháp vừa thống nhất, vừa có sự phân công và phối hợp để “chăm lo” tốt nhất, mà người dân phải tự đứng ra định liệu mình cả theo kiểu tự phát lẫn tự giác[2].
Xưa, hành xử luật tự nhiên là để bảo toàn các quyền tự nhiên, trong điều kiện thiếu vắng luật xã hội. Nay, giữa “rừng luật” người ta lại sử dụng “luật rừng” để bảo toàn các quyền chuyên chế, cả ở phạm vi dân sự lẫn hình sự.
Xưa, luật tự nhiên về sinh mạng là bởi phải “mạng đổi mạng”. Nay, luật rừng về sinh mạng là để người dân liều mạng để giữ lấy sinh mạng trước đe dọa mất mạng thường xuyên từ những người phải bảo vệ nó, là để người dân đi đến chỗ tự đoạt mạng người đổi lấy mạng chó, là để chính quyền trọng vật mạng hơn nhân mạng.
Đương nhiên, còn nhiều thứ nữa có độ khác biệt giữa xưa và nay về biểu hiện của sự tan rã xã hội về chính trị, nhưng đối với lập pháp, những gì góp phần to lớn vào sự tan rã ấy, thì thời nào cũng thế. Đó là, do tham vọng, sợ sệt hay tham nhũng mà cơ quan này cố nắm giữ một quyền lực tuyệt đối, hay đặt nó vào tay người khác, áp nó lên cuộc sống, quyền tự do và tài sản của nhân dân. Rồi thực thể tuyệt đối ấy lại tiếp tục gạ gẫm, đe dọa, hứa hẹn để lôi kéo và sử dụng cơ quan này phục vụ cho mưu đồ của mình, để nhận trước từ các thành viên lập pháp lời hứa là sẽ bỏ phiếu cho cái gì và sẽ ban hành cái gì. Vào khi trạng thái chính trị đã như thế, nhân dân sớm muộn cũng phải giành lại vị trí tối cao của mình (§222).
Vào thời của Locke, quyền thay đổi chính quyền bằng lá phiếu chưa được chế định, tức chưa có biện pháp hòa bình để nhân dân “đuổi chính phủ” (theo ngôn từ của Hồ Chí Minh, mà đúng từ ngữ phải là “đuổi chính quyền”), nên ông phải khẳng định biện pháp vũ lực để cảnh báo.
Ngày nay, dù đã phát kiến phương pháp bất bạo động, nhưng nếu thực chất quyền thay đổi chính quyền vẫn chỉ là như xưa, tức chỉ tồn tại những quyền hiến định trên giấy, thì bối cảnh hiện diện của bạo lực vẫn còn nguyên đấy – đặc biệt ở thể chế nào xác tín sự tồn tại của mình bằng vũ lực – mà không thực thể bất bạo động nào có thể ngăn cản khi nó đã chín muồi (và ngược lại, không thực thể bạo động nào có thể thúc ép khi nó không là cái tất thiết).
Chủ nghĩa tư bản giãy hoài không chết bởi đã biết mở con đường hòa bình và đa nguyên cho người dân thay đổi cả thể chế kinh tế lẫn chính trị, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ nghĩa xã hội không giãy cũng chết bởi chỉ biết có con đường vũ lực và đơn nguyên, để người dân phải chấp nhận và thuần phục những định chế “toàn năng” mặc nhiên và những quyết định “lịch sử” sẵn có.
Marx không sai khi nói vũ khí phê phán không thể thay thế cho sự phê phán bằng vũ khí. Nhưng trước đó, Locke đã bổ khuyết cho ông, với việc vạch rõ phạm vi bối cảnh của hai loại phê phán này, ở sự tan rã chính trị của xã hội và sự hoán đổi của lập pháp, cùng với sự chuyên chế của chủ thể nắm trong tay quyền lực tối thượng.
Vấn đề còn lại chính là nhận thức của giới quyền lực sẽ đẩy hiện thực vào bối cảnh nào. Thay đổi hòa bình hay chuyển biến vũ lực đều là do họ. Chỉ là, trì hoãn càng lâu, sự phân rã xã hội càng rộng, tàn phá kinh tế càng lớn, hậu quả chính trị càng nặng, hụt hẫng chiến lược càng sâu.
29/11 – 05/12/2013

[1] Con số chỉ số tiết trong sách.
[2] Các link được dẫn chỉ là tượng trưng những sự việc gần đây trong dòng sự việc cùng loại.
Source : pro&contra

7/12/13

Dân tham và quan tham


Dân tham và quan tham

Cập nhật: 13:37 GMT - thứ bảy, 7 tháng 12, 2013

Người dân hôi bia - ảnh của Phương Thanh/Tuổi Trẻ
Người dân lấy đi hơn 1000 thùng bia (ảnh Phương Thanh/Tuổi Trẻ)
Sau một loạt các quan tham trong những 'đại án' tham nhũng, giờ tới lượt dân tham lên mặt báo vì đi hôi bia của xe gặp tai nạn giao thông.
Báo Tuổi Trẻ đăng đoạn video của một độc giả ghi lại cảnh hàng trăm người dân công khai trộm bia giữa ban ngày của xe tải chở bia bị sự cố bất chấp "sự bất lực và gào khóc đến khản cổ của tài xế".
Vụ việc xảy ra hôm 4/12 ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
BấmVideo cho thấy người ta ào ào đổ tới lấy bia, cả nam lẫn nữ, cả người dùng tay lẫn người dùng túi.
Tuổi Trẻ nói đây là những hình ảnh "hết sức xấu xí" của người dân "vô cảm" trong khi có báo dùng từ "dân man rợ" để chỉ những người hôi của.
Đông đảo độc giả đã lên án hành động hôi của của người dân.
Nhưng phải nói rằng chuyện hôi của cũng không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nó cũng xảy ra khi Philippines hay Hoa Kỳ gặp bão hay khi London bị đốt phá.

'Đổ bia, trôi liêm sỉ'

Các độc giả của BBC cũng có những phản ứng mạnh trên trang BấmFacebook của BBC Tiếng Việt.
Xuân Hùng viết: "Đổ môṭ xe bia trôi hết bao nhiêu liêm sỉ."
"Đổ môṭ xe bia trôi hết bao nhiêu liêm sỉ."
Xuân Hùng
Tim Nguyen bình luận: "Nghĩ lại ông Hồ và Đảng cộng sản giỏi thật. Họ chỉ cần trồng con người 40 năm thì đã có cây ăn trái rồi."
Diep Hai Nguyen nói: "Thật nhục nhã thay cho kiếp con người, hoạn nạn chả giúp nhau thì thôi, lại tranh thủ kiếm trên hoạn nạn của người khác."
Độc giả Koanh Huynh bình luận: "Từ nhỏ đã được dạy "hãy chép bài của bạn để được điểm cao", "ăn xong rồi à! con vứt vỏ ngoài đường đi", "nó đánh con thì con đánh nó đi, cô giáo không giúp được gì đâu", "đồ của bạn con, con xài đi có sao đâu", "mình lấy thêm có một trái cà thôi mà", "cô ơi, bạn này đánh con,... mày không biết đánh lại à?"...
Trong khi đó An Truong không đồng tình với chuyện gọi những người hôi bia là "vô cảm" và nói:
"Phải mình làm thêm xe bia nữa xong bơm đầy thuốc sâu vào rồi quay lại làm đổ tiếp..."
Linh Hải
"Vô cảm à, thôi cho tôi xin, cứ lấy từ đó ra mị hoài. Vô cảm mà biết đem xe ba gác đến hôi bia, người người đổ ra hôi của người ta. Đó là tham lam, trên tham nhũng, dưới tham lam chung quy gọi là ăn cướp có quy trình."
Cũng có người bình luận cực đoan. Linh Hải viết: "Phải mình làm thêm xe bia nữa xong bơm đầy thuốc sâu vào rồi quay lại làm đổ tiếp..."
Còn độc giả có nick Nguoi Ha Noi bình luận: "Khi nghe tin ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép, đánh đập tàn nhẫn, quẳng ngư cụ xuống biển thì có được bao nhiêu người lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ ngư dân?
"Chính cái chính quyền đang điều hành đất nước này đang tìm mọi cách để người dân bàng quan với chính đồng bào của mình, bưng bít thông tin, nói sai sự thật, ngu dân để trị, từ đó nó dẫn đến những việc như hôi của mà BBC đưa."
Độc giả có nick Một Chén Say lại viết: "Người Việt Nam đây sao? Dân việt nam là vậy sao? Đâu rồi: lá lành đùm lá rách. Nhân cách con người để đâu. Thật đáng xấu hổ."

'Giáo dục công dân'

Cũng có độc giả BBC, người có nick Shaco Aquarius bình luận: "Sự thất bại của bộ môn giáo dục công dân."
Không phải người dân Việt nào cũng đi hôi của và không phải cứ có tai nạn xảy ra là hôi của xảy ra ở mọi nơi trên thế giới.
Nhưng chuyện một số lượng lớn người lấy đi hàng ngàn thùng bia cho thấy trình độ và đạo đức của một bộ phận dân chúng.
Hàng trăm người bình luận trên Facebook của BBC
Nó cũng phần nào cho thấy cách họ từng được giáo dục trong gia đình và nhà trường.
Nhân đây xin kể hai chuyện nhỏ, một về ảnh hưởng của giáo dục tới cách ứng xử và một về thay đổi cách tổ chức xã hội để thay đổi hành vi.
Chuyện thứ nhất liên quan tới cậu con trai lớn của tôi, năm nay 12 tuổi.
Hồi đầu năm tôi dẫn cậu và hai đứa em đi thăm Công viên Olympics đang được sửa sang lại.
Tôi có sẵn vé đi tàu hàng năm và cần mua vé cho lũ con. Với vé năm của tôi, khi mua vé cho người khác tôi được giảm 30% đối với mỗi vé mua thêm.
Phòng vé đóng cửa mà máy bán vé thì không biết cách giảm giá cho tôi nên tôi quyết định khi đến ga cuối sẽ mua vé để được giảm giá.
Cậu con trai thấy tôi không mua vé vùng vằng đòi về không đi. Sau khi bị tôi bắt phải lên tàu, cậu liền gọi nhân viên nhà ga đứng điều khiển tàu lên hỏi.
Thấy nhân viên này gật gù đồng ý với giải thích của tôi cậu ta mới thôi.

Hành không là chính

Chuyện thứ hai liên quan tới việc xin hộ chiếu cho cậu út.
Nếu ở một nước quan liêu, tôi sẽ phải ra công an phường hay quận, tốt nhất là cầm theo cái phong bì, để làm mọi thủ tục.
Hộ chiếu Anh
Người Anh muốn làm hộ chiếu chỉ việc ra bưu điện
Nhưng ở Anh, tôi chỉ việc ra bưu điện lấy bộ hồ sơ, điền vào, lấy chữ ký và cam đoan của một người có tư cách và có hộ chiếu Anh là họ biết tôi, biết con tôi và ảnh đúng là của cháu.
Tôi nhờ một đồng nghiệp chứng thực rồi mang ra bưu điện. Bưu điện lại có dịch vụ kiểm tra xem tôi điền có đúng quy định của nhà nước không, dĩ nhiên tôi phải trả cho họ vài bảng, rồi họ thu tiền lệ phí hộ chiếu gần 50 bảng cho trẻ con và gửi đi.
Chừng một tuần sau tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của cơ quan cấp hộ chiếu báo là họ đã nhận được và đang xử lý hồ sơ, ba ngày sau họ gửi hộ chiếu về.
Thay đổi hành vi của người dân và của quan chức không phải là điều bất khả thi và rất nhiều nước đã làm thành công.
Vấn đề là người ta có dũng cảm để chấp nhận rằng những gì họ làm là không hợp lý và từ đó thay đổi hay không.

BBC 

TƯỞNG NIỆM NELSON MANDELA


08/12/2013


TƯỞNG NIỆM NELSON MANDELA


clip_image001Mười lăm danh ngôn của NELSON MANDELA
(USA Today 6/12/2013)
Bản dịch tiếng Việt của BVN
1. Khó khăn bẻ gãy một số người nhưng làm nên những người khác. Không có chiếc rìu nào đủ bén để chặt đứt linh hồn của kẻ có tội đang gắng sức, được vũ trang bằng hy vọng mình sẽ đứng lên dù chỉ đứng lên được khi đến bước đường cùng.
2. Việc gì cũng có vẻ như bất khả thi cho đến khi nó được thực hiện.
3. Nếu tôi đi hết đời mình, tôi sẽ đi lại đúng như thế. Sẽ như thế với bất kỳ người nào dám tự gọi mình là một con người.
4. Tôi thích những người bạn có đầu óc độc lập, vì họ có thể khiến mình thấy các vấn đề từ mọi góc cạnh.
5. Những nhà lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả cho tự do của dân tộc mình.
6. Mối quan tâm căn bản đối với người khác trong đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta về lâu dài vẫn là làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn mà chúng ta hằng say mơ.
7. Ai cũng có thể vượt lên trên hoàn cảnh của mình và đạt được thành công nếu say mê dâng hiến cho việc mình làm.
8. Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà ta có thể dùng để thay đổi thế giới.
9. Tôi học được rằng lòng can đảm không phải là sự vắng mặt nỗi sợ, mà là sự chiến thắng nỗi sợ. Người can đảm không phải là người không cảm thấy sợ, mà là người chinh phục được nỗi sợ ấy.
10. Được tự do không chỉ là vứt bỏ xiềng xích của chính mình, mà là sống theo cung cách tôn trọng và đề cao tự do của người khác.
11. Hận thù giống như uống thuốc độc mà lại hy vọng như thế sẽ giết được kẻ thù.
12. Lãnh đạo từ phía sau và khiến mọi người tin rằng họ đang ở phía trước.
13. Đừng xét đoán tôi ở thành công của tôi, mà hãy xét đoán tôi ở chỗ đã bao lần tôi ngã xuống rồi lại đứng lên.
14. Tôi ghét sự phân biệt chủng tộc một cách mãnh liệt nhất trong mọi biểu hiện của nó. Tôi đã chiến đấu chống lại nó suốt đời mình; giờ đây tôi chiến đấu chống lại nó, và tôi sẽ mãi chống lại nó cho đến hết đời mình.
15. Một cái đầu sáng suốt và một trái tim nhân hậu bao giờ cũng là sự kết hợp tuyệt vời.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: usatoday.com
Mười sự kiện ít được biết về NELSON MANDELA
(CNN 7/12/2013)
Bản dịch tiếng Việt của BVN
1. Sống đúng tên mình: Tên khai sinh của Mandela là Rolihlahla. Theo ngôn ngữ bộ lạc Xhosa của ông, tên ấy có nghĩa là “kéo cành cây” hay “kẻ gây rối” . Tên “Nelson” là do bà giáo đặt cho ông ngay ngày ông nhập học cấp tiểu học, lý do bà chọn cái tên ấy thì chưa rõ. Đó là thập niên 1920, trẻ em châu Phi được đặt tên tiếng Anh để các giáo viên thực dân dễ gọi.
2. Mandela đóng phim: Ông được mời đóng trong một bộ phim của đạo diễn Spike Le vào năm 1992. Đó là phim “Malcolm X.”, (nói về cuộc đời của nhà đấu tranh cho người Da Đen M, không loại trừ phương pháp cực đoan – ND). Đến cuối phim, ông đóng vai một thầy giáo đọc bài diễn thuyết nổi tiếng của Malcolm X. cho các học trò ở Soweto. Nhưng Mandela, người theo đường lối “diễn biến hoà bình”, không chịu đọc câu “(đấu tranh) bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào”. Vậy là Lee cắt bỏ đoạn quay này.
3. Có một con chim gõ kiến mang tên ông: Tên ông được đặt cho không biết bao nhiêu đường phố từ Phi sang Mỹ, nhưng cũng có những trường hợp tôn vinh khá độc đáo. Năm 2012, các nhà khoa học lấy tên ông đặt cho một loài chim gõ kiến thời tiền sử: Australopicus nelsonmandelai. Năm 1973, Viện Vật lý trường ĐH Leeds đặt tên cho một hạt nguyên tử là Hạt Mandela.
4. Ông đã từng cưới một “đệ nhất phu nhân”: Trước khi kết hôn với Mandela vào sinh nhật thứ 80 tuổi của ông, Graca Machel đã là vợ của Samora Machel, tổng thống quá cố của Mozambique. Như vậy, bà Gracia trở thành “lưỡng quốc đệ nhất phu nhân” .
5. Ông là bậc thầy ngụy trang: Khi Mandela trốn tránh các “cơ quan chức năng” trong cuộc chiến đấu chống apartheid, ông đã hoá trang rất nhiều cách, như đóng vai người lái xe… Giới báo chí đặt cho ông biệt danh “Cây Pimpernel Đen” vì những chiến thuật thoát khỏi cảnh sát của ông. “Tôi trở thành một người của đêm tối. Tôi giấu mình suốt ban ngày và lộ diện để hoạt động khi màn đêm xuống”, ông viết thế trong cuốn tiểu sử “Cuộc đi dài tới Tự do”.
6. Ông rất mê một môn thể thao dữ dội: Đó là môn quyền Anh. Ông viết trong cuốn tiểu sử: “Tôi không thích bạo lực của môn quyền Anh mà thích cái khoa học của nó – làm sao di chuyển thân để bảo vệ mình, làm sao sử dụng một kế hoạch tấn công và rút lui, và làm sao dẫn bước đi của mình trong cuộc đấu”
7. Món ăn ưa thích của ông: là dạ dày bò.
8. Công việc đầu tiên: Ông học luật tại ĐH Witwatersrand ở Johannesburg và mở công ty luật của người da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm1952.
9. Ông từng có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ: mãi cho đến năm 2008, ở tuổi 89 mới được bỏ. Ông và các thành viên của đảng “Quốc hội châu Phi” bị đưa vào danh sách này vì những hoạt động chống apartheid.
10. Ông lấy cảm hứng từ một bài thơ: Khi ở trong tù, Mandela đọc cho các bạn tù nghe tác phẩm “Invictus” của William Ernest Henley, nói về tinh thần “không bỏ cuộc” (chuyện này chỉ có trong nhà tù của bọn “giãy chết”, kể cả bọn tồi tệ nhất như chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi – ND). Câu thơ này luôn vang vọng trong hồn Mandela: “Ta là chủ nhân của số phận mình. Ta là thuyền trưởng của tâm hồn mình.” (I am the master of my fate. I am the captain of my soul”). Có một bộ phim về Mandela trong đó tài tử Morgan Freeman diễn cảnh đọc thơ này.
Nguồn tiếng Anh: edition.cnn.com


Source  : BVN