12/12/13

Con gái Ngoại trưởng Mỹ: ‘Việt Nam là một phần cuộc đời tôi’

VOA

Con gái Ngoại trưởng Mỹ: ‘Việt Nam là một phần cuộc đời tôi’


Ông Kerry và gia đình trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu những năm 90.
Ông Kerry và gia đình trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu những năm 90
VOA Tiếng Việt
Ông John Kerry sẽ lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào ngày 15/12 với mục đích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hơn 20 năm trước, ông cũng từng thực hiện một chuyến đi đã có tác động mạnh tới cuộc sống sau này của con gái ông, cô Vanessa Kerry. VOA đã hỏi chuyện cô về chuyến đi cũng là đầu tiên tới Việt Nam ở tuổi 14 cũng như những câu chuyện về Việt Nam mà cha cô chia sẻ. Trước hết cô kể lại cơ duyên về chuyến thăm tạo cảm hứng lớn cho cô những năm 90. 

Bà Vanessa Kerry: Tôi hết sức may mắn vì cha tôi tham gia tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm 90. Và chính vì thế, ông thường xuyên tới Việt Nam. Nước này chiếm một phần lớn trong cuộc đời của cha tôi bởi Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và văn hóa của nước này dường như là một phần của cuộc đời chúng tôi.

Cha tôi muốn đưa chúng tôi tới thăm Việt Nam, và tôi tới đó khi 14 tuổi. Tới khi ấy, tôi thực sự chưa bao giờ tới một nơi nào mà lại khác xa so với nước Mỹ đến vậy. Lúc đó Việt Nam vẫn chịu cảnh bị cấm vận nên mọi thứ đều thiếu thốn hơn so với những gì chúng tôi có ở Mỹ. Điều đó gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi không thể hiểu nổi vì sao lại có sự bất công đến vậy.  Đó là một trải nghiệm sâu sắc và ám ảnh tôi mãi. Nó thực sự tác động tới quyết định theo đuổi ngành y và làm việc khắp toàn cầu của tôi.

Cô Vanessa (phải) trong chuyến làm việc ở Bangladesh.Cô Vanessa (phải) trong chuyến làm việc ở Bangladesh.
VOA: Kể từ đó bà đã khi nào quay trở lại Việt Nam chưa? 

Bà Vanessa Kerry:  Có. Tôi trở lại Việt Nam vào năm 2000 trong một tuần. Chuyến đi đầu tiên tới đó có tác động sâu sắc tới tôi nên khi tới Trung Quốc tôi muốn quay lại Việt Nam. Và lần này, tôi lại ấn tượng mạnh với mức độ phát triển và đổi thay tại đó. Tôi thấy vui vì quay lại Việt Nam để gặp gỡ người dân ở đó.

VOA:  Đương kim Ngoại trưởng Mỹ có ảnh hưởng như thế nào tới bà?

Bà Vanessa Kerry:  Cha cũng như mẹ tôi có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời tôi. Mẹ tôi qua đời 7 năm trước. Nhưng cả hai người đã nuôi dưỡng trong tôi khái niệm công dân toàn cầu.  Đặc biệt là cha tôi, những gì ông đã làm đều là trong lĩnh vực công và luôn hướng tới việc trả ơn. Ông cũng nói với tôi rằng tôi thuộc về một thế giới rộng lớn và phải chịu trách nhiệm cho vai trò của mình trong xã hội. Tôi thật may vì là con của ông.

VOA: Cha bà từng chiến đấu tại Việt Nam, và sau đó trở thành người có tiếng nói phản chiến mạnh mẽ. Ông có kể với bà về những gì đã xảy ra với ông hay không? 

Bà Vanessa Kerry:  Thật buồn cười, nhưng tôi không nghĩ cha tôi từng thực sự kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra với ông tại Việt Nam. Bản thân tôi thì nghĩ rằng chiến đấu trong một cuộc chiến là một trải nghiệm đầy bối rối và đau khổ.

Tôi nghĩ ông chiến đấu cho nước Mỹ nên phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng thời ông cũng phải vật lộn với suy nghĩ về những gì xảy ra, về cách thức tiến hành cuộc chiến, cũng như ý nghĩa của nó đối với đất nước. Tôi nghĩ đó là lý do lớn khiến ông trở lại và biểu tình phản chiến. Tôi lớn lên với một truyền thống là phải nói lên suy nghĩ của mình và phải bảo vệ những gì mình cho là đúng đắn. Đó là điều hình thành từ cuộc biểu tình phản chiến của cha tôi.

Tôi nghĩ ông chiến đấu cho nước Mỹ nên phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng thời ông cũng phải vật lộn với suy nghĩ về những gì xảy ra, về cách thức tiến hành cuộc chiến, cũng như ý nghĩa của nó đối với đất nước.
Việc ông đưa chúng tôi tới Việt Nam vì ông thấy được vẻ đẹp và niềm vui ở nước này. Đó là điều ông muốn chia sẻ với chúng tôi. Và tôi nghĩ ông cũng muốn chúng tôi thấy vết sẹo mà cuộc chiến gây ra cũng như những gì ông đã trải qua vì đó là một phần lớn của cuộc đời ông. Tôi nghĩ đôi khi thật khó để kể bằng lời về những gì đã xảy ra đến với mình, và điều đó khó hơn so với việc chứng kiến tận mắt.

Khi chúng tôi đến năm 1991, Việt Nam rõ ràng là đã thanh bình hơn so với những năm 60 và 70. Nhưng vì lệnh cấm vận, tôi có thể cảm nhận được tác động lâu dài của cuộc chiến. Ông đưa chúng tôi tới một trại trẻ mồ côi mà ở đó trẻ em có mẹ Việt và bố là lính Mỹ. Chúng bị bỏ rơi vì điều đó, và thật đáng buồn khi phải chứng kiến di sản không tốt đẹp từ cuộc chiến. Tôi nghĩ đó cũng là một ví dụ cho thấy cách cha tôi muốn chúng tôi hiểu sự phức tạp của một trong những điều ông từng chứng kiến.

VOA:  Là người sáng lập tổ chức y tế cộng đồng ‘Seed Global Health’, bà có dự định thực hiện một dự án về sức khỏe nào ở Việt Nam trong tương lai hay không? 

Bà Vanessa Kerry:  Đó là điều có thể. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ‘Peace Corps’ (đoàn thanh niên phụng sự hòa bình của Mỹ) nên chúng tôi có thể mở rộng phạm vi hoạt động tại các nước.  Việc có thể giúp cải thiện hoạt động giáo dục y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam sẽ là điều rất có ý nghĩa.   

Thông điệp gửi tới nhân dân Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry trước chuyến thăm ngày 15/12:

BBC - Kerry sẽ nêu nhân quyền khi thăm VN?



Kerry sẽ nêu nhân quyền khi thăm VN?

Cập nhật: 12:19 GMT - thứ năm, 12 tháng 12, 2013
Ngoại trưởng Kerry gặp Chủ tịch Sang trong bữa trưa tại Nhà Trắng hồi tháng Bảy.
47 dân biểu Mỹ đã ký vào một lá thư thúc giục Ngoại trưởng John Kerry khuyến khích chính phủ Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền trong chuyến công du của ông tới Việt Nam bắt đầu từ ngày 15/12.
Nhiều người trong số này là các dân biểu vốn từng lớn tiếng phản đối hồ sơ nhân quyền của Việt Nam như bà Loretta Sanchez, ông Chris Smith và Zoe Lofgren.

"Việt tăng thêm bất cứ mối quan hệ kinh tế nào, đặc biệt là thỏa thuận thương mại, cần phải tùy thuộc vào điều kiện nhân quyền tại Việt Nam," lá thư đề cập.
Trong lá thư đề ngày 10/12, các dân biểu Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc về việc tăng cường quan hệ với chính phủ nước này" và đặc biệt lo ngại về hợp tác thương mại ngày càng tăng giữa hai nước, trong đó có các cuộc đàm phán TTP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương )
Lá thư cũng trích dẫn báo cáo gần đây của các tổ chức nhân quyền như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) và của tổ chức Human Rights Watch năm 2013 nhắc tới hồ sơ nhân quyền của Việt Nam "nói chung vẫn trong tình trạng yếu kém và thực trạng nhân quyền tiếp tục tồi tệ đi.
Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng được các dân biểu Mỹ nhắc tới trong thư như một ví dụ về việc chính phủ Việt Nam áp dụng một cách thái quá quyền lực của mình trong việc giới hạn tự do internet.
"Đây là một chính thể độc tài dùng các luật lệ hà khắc và chế độ độc đảng để trấn áp công dân của mình"
"Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những nỗ lực tuyệt vọng của chính phủ Việt Nam nhằm bắt chính công dân của họ phải im tiếng và thiết lập kiểm soát đối với việc chia sẻ thông tin.
"Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục ngài hãy đặt nhân quyền lên trước hết trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ngài. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Việt Nam thể hiện mình là một đối tác thương mại mẫu mực, đây là một chính thể độc tài dùng các luật lệ hà khắc và chế độ độc đảng để trấn áp công dân của mình," thư đề nghị viết.
Các dân biểu kết thúc lá thư với nhận định "hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ" và họ hy vọng ông Kerry sẽ yêu cầu Việt Nam chấm dứt những bất công đó trong các cuộc thảo luận với chính phủ nước này.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chuyến thăm lần đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Việt Nam trong tháng này sẽ tập trung vào trọng tâm hợp tác song phương về kinh tế - tài chính và an ninh khu vực hơn là chủ đề thúc đẩy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 12/12/2013 từ Hà Nội, cựu thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng "Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn có nhiều mặt thực sự lớn hơn và quan trọng hơn đối với cả hai phía,
"Thành ra bao giờ những người lãnh đạo như ông John Kerry đi bao giờ cũng sẽ bàn vào những vấn đề lớn, tôi cho là trước mắt hiện nay, thí dụ như làm sao để thúc đẩy cho Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP có thể sớm thành công được."

"Thử sức quan hệ"

"Nếu Hà Nội không có những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền thì chúng tôi không thể có được ủng hộ của quốc hội cho thỏa thuận TPP"
Trong lần tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt gần đây tại ngoại ô Washington vào hôm 16/08, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã chia sẻ thông điệp của Tổng thống Mỹ khi gặp Chủ tịch Sang tại Tòa Bạch Ốc.
Đại sứ Shear nói rằng chính quyền Obama xem các cuộc đàm phán TPP là “hết sức quan trọng.” Nhưng nếu Hà Nội không có những “tiến bộ rõ rệt về nhân quyền” thì “chúng tôi không thể có được ủng hộ của quốc hội” cho thỏa thuận TPP.
Cách đây khoảng một năm, tạp chí Economist của Anh nói ông Kerry nên sử dụng vị thế của mình để Bấmthử sức trong quan hệ Mỹ Việt và đưa ông Lê Quốc Quân và một số các nhà hoạt động dân chủ thân hữu của ông Quân ra tù.
Trong khi đó một số nhóm hoạt động tại Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12 và cũng nhân dịp này Đại sứ Mỹ, ông David Shear, đã ra thông cáo nói "Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của hai nước về ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam được Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy".
Một lần nữa, chính phủ Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam "trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc".
"Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền," Đại sứ David Shear nói.
Trước đó, cũng trong tháng này, mười hai tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tự do thông tin đã lên tiếng kêu gọi thả luật sư Lê Quốc Quân sau khi Liên Hiệp Quốc có ý kiến.
Ngoại trưởng Kerry gặp Thủ tướng Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hồi tháng 10 năm nay.
Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Trái phép kết luận hồi tháng 11 rằng việc giam giữ ông Quân là "tùy tiện" và trái với Hiến chương Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Tuy nhiên theo chính phủ Việt Nam thì "Ông Quân là một luật sư, với kiến thức và nghĩa vụ bảo vệ công lý và luật pháp, làm việc trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng việc ông dùng những xảo thuật lừa đảo tinh vi để lừa dối cơ quan thuế đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và đạo đức kinh doanh."
"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc bắt, giam giữ và điều tra ông Lê Quốc Quân được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục mà luật pháp Vệt Nam quy định cũng như các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế," phản hồi của chính phủ Việt Nam trước kêu gọi thả luật sư Lê Quốc Quân của 12 tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tự do thông tin này.
Lịch trình cụ thế chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry chưa được thông báo chi tiết, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông sẽ tới hai thành phố Jerusalem và Ramallah trước khi tới thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, và cuối cùng sẽ tới Tacloban và Manila ở Philippines.
Đây là chuyến công du Á châu lần thứ tư của ông Kerry từ khi ông nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là lần đầu tiên ông tới thăm Việt Nam trên cương vị này.
Theo tờ The Diplomat, việc chọn lựa các quốc gia Đông Nam Á sẽ tới thăm trong chuyến công du này của ông Kerry có lẽ sẽ khiến các nhà lập chính sách tại Bắc Kinh khó chịu.
Một nhà quan sát tại Việt Nam muốn ẩn danh nói với BBC rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn thăm dò về quan điểm của nhau sau sự kiện Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông gần đây.
Việt Nam và Philippines là hai nước có tranh chấp căng thẳng nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Những tranh chấp đó đã tạo cơ hội cho Hoa Kỳ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với cả hai quốc gia này, bất chấp có những lo ngại trong một số giới nhất định tại Hà Nội và Manila.
Tòa Bạch Ốc cũng vừa đưa lên youtube một video chuyển tải thông điệp của ông Kerry trước khi ông tới Hà Nội vào tuần này.


VOA - 47 dân biểu Mỹ kêu gọi ông Kerry nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam


47 dân biểu Mỹ kêu gọi ông Kerry nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 24/7/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 24/7/2013.


Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam trong chuyến công du của ông sang Trung Đông và Đông Nam Á từ ngày 11/12 đến 18/12.

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez cùng với dân biểu Zoe Lofgren đứng đầu lá thư bao gồm chữ ký của 47 nghị sĩ thuộc lưỡng đảng hôm 11/12 gửi tới Ngoại trưởng Kerry kêu gọi ông ưu tiên vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

Phát biểu vinh danh các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam, nói thực trạng nhân quyền của Hà Nội rất đáng quan tâm.

Bà Sanchez tố cáo: ‘Chính phủ Việt Nam vẫn đàn áp các tiếng nói đối lập với nhà nước bằng cách sách nhiễu, đe dọa, và bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ. Các nhà hoạt động bị giam cầm thường bị tra tấn, không được hỗ trợ pháp lý và không được gặp người thân’.

Dân biểu Sanchez cho biết bà ‘đặc biệt lo ngại về sự tàn ác của công an Việt Nam đối với các sinh viên, các nhà cổ xúy nhân quyền, và thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam’.

Bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam.Bà Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam.
Bà Sanchez nói các vi phạm nhân quyền của Việt Nam phải được giải quyết trước khi Hoa Kỳ tiến hành quan hệ đối tác kinh tế với Hà Nội.

Dân biểu Sanchez nhấn mạnh bà dứt khoát không ủng hộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội có các bước cụ thể chứng minh cải thiện thành tích nhân quyền.

Kêu gọi mọi người vinh danh những người Việt Nam dấn thân tranh đấu cho quyền tự do, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, dân biểu Loretta Sanchez nói: ‘Chúng ta phải tiếp tục góp phần làm vang vọng tiếng nói của họ, buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải ngưng đàn áp nhân quyền, và kêu gọi phóng thích các tù nhân lương tâm bị cầm tù khắc nghiệt.’

Bà Sanchez thúc giục mọi người tiếp tục góp phần làm vang vọng tiếng nói của những nhà dân chủ tại Việt Nam, buộc Hà Nội phải ngưng đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.

Cùng lúc đó, chiều ngày 11/12, một phái đoàn liên tôn của cộng đồng người Việt có cuộc tiếp xúc với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền-Dân chủ-Lao động, để trình bày những quan tâm về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam và vận động Ngoại trưởng Kerry lưu ý vấn đề nhân quyền khi tới Hà Nội.

Ông Trần Thanh Tùng, một thành viên trong phái đoàn, đại diện Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu, cho biết:

"Phái đoàn chúng tôi khoảng 12 người là đại diện các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Công giáo, Hiệp hội Giáo dân Cồn Dầu..v..v..lên gặp ông Scott Busby và các nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chiều nay lúc 4 giờ tại trụ sở Bộ. Chúng tôi sẽ nêu các vấn đề nhân quyền như quyền tự do tôn giáo để Ngoại trưởng Mỹ đặt ra với Việt Nam."

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kerry với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội sắp tới nhằm thăng tiến mối quan hệ Đối tác Toàn diện.

Các cuộc thảo luận khi ông Kerry ghé TPHCM dự kiến xoay quanh việc phát triển quan hệ thương mại Việt-Mỹ và đẩy mạnh vai trò giáo dục.

Đôi bên cũng sẽ trao đổi một loạt các vấn đề song phương và khu vực.

Việt Nam và Philippines là hai chặng dừng cuối trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng John Kerry. Đây là chuyến đi Châu Á thứ tư kể từ khi ông Kerry nắm chức Ngoại trưởng Mỹ.

VĨ NHÂN CUỐI CÙNG


VĨ NHÂN CUỐI CÙNG

Tháng 12 12, 2013
J. M. Coetzee
Phạm Thị Hoài dịch
Nelson Mandela đã mất, sau một cuộc đời dài. Một cuộc đời dài, nhưng bị cắt khốn khổ. Hai mươi bảy năm sung sức nhất của đời mình, ông phải sống trong tù vì sự độc đoán của chính quyền. Nhưng ở trong lao ông không bất lực. Những năm cuối án tù dài dằng dặc ấy, thực tế ông đã sử dụng quyền phủ quyết về chính sách ngoại giao của đất nước và khiến cai tù ngày càng ngả theo ông. Cùng với  F.W. de Klerk, một người kém vóc dáng đạo đức hơn nhiều nhưng cũng đóng góp cho công cuộc giải phóng Nam Phi theo cách của mình, Mandela đã giữ vững một đất nước sục sôi biến động trong những năm nguy nan 1990-1994 và dùng sức quyến rũ lớn của bản thân để vừa thuyết phục những người da trắng rằng họ cũng có chỗ trong nền cộng hòa dân chủ mới, vừa tước quyền lực của phe da trắng cánh hữu li khai.
Khi chính mình trở thành tổng thống, ông đã già. Việc ông không thể quan tâm mạnh mẽ hơn đến vấn đề cấp thiết nhất của thời đại – thiết lập một thể chế kinh tế công bằng – là dễ hiểu, song cũng là bất hạnh. Ông cũng bị lóa mắt trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới như toàn bộ giới lãnh đạo Đảng ANC. Để chống lại cái chủ nghĩa duy lí kinh tế cướp bóc, Đảng của ông không đủ khả năng kháng cự về tư tưởng.
Mandela bênh vực đấu tranh vũ trang chống chế độ apartheid về nguyên tắc, và hứng chịu sự trừng phạt nặng nề cho thái độ ấy. Uy tín cá nhân và uy tín chính trị của ông dựa trên những điểm này. Những điểm tựa khác của ông là một phong thái quý tộc đượm chút dân dã mà lịch duyệt, và nếp giáo dục xưa, khiến ông tuân theo những mẫu mực nghiêm ngặt của thời Victorian về tư cách cá nhân và tinh thần phụng sự lợi ích chung. Với một sự rộng lượng vô bờ bến, ông đã thu xếp được cuộc chung sống với một người phụ nữ càng ngày càng tác quái[1]. Ông là một vĩ nhân và cả thế giới đều thừa nhận điều đó khi ông qua đời. Rất có thể ông là vĩ nhân cuối cùng, bởi ý tưởng về độ lớn của tầm vóc tan vào bóng tối của lịch sử.
NguồnFAZ, 08-12-2013
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
Ảnh: Tượng đài Nelson Mandela của nghệ sĩ Marco Cianfanelli tại Nam Phi

[1] Bà Winnie Madikizela, người vợ thứ hai, có với Nelson Mandela hai người con. Sau 38 năm hôn nhân, họ li dị năm 1996.

Source : pro&contra

Ngọn Hải đăng Nelson Mandela


Wednesday, December 11, 2013

Ngọn Hải đăng Nelson Mandela

Gia Minh & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131211
Diễn Đàn Kinh Tế


Nelson Mandela là người cộng sản, nhưng rất đáng kính trọng
000_ARP3571183-305.jpg
* Một người đàn ông đi ngang bức chân dung của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela 
bên ngoài bệnh viện Medi Clinic Heart, nơi ông nhập viện hôm 30/6/2013. AFP photo* 


Tuần này, cả thế giới thương tiếc trong niềm ngưỡng mộ ông Nelson Mandela, một nhà lãnh đạo của Cộng Hoà Nam Phi vừa từ trần ở tuổi 95 sau một đời đấu tranh cho tổ quốc. Nhìn từ giác độ kinh tế, và từ Việt Nam, kinh nghiệm của ông Mandela có gì là đáng nhớ và đáng học hỏi?


Gia Minh: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này chúng ta sẽ tạm ngưng phần tổng kết cuối năm vì khi thực hiện chương trình này khi Cộng Hoà Nam Phi đang tổ chức lễ quốc táng cho ông Nelson Mandela với sự tham dự của cả trăm nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Từ nhiều năm qua, thế giới ngưỡng mộ nhân vật xuất chúng này với Giải Nobel Hoà Bình, Huân chương Tự Do của Tổng thống Hoa Kỳ và Huân Chương Lenin cho Hoà Bình Quốc Tế của Liên bang Xô viết. Nhìn từ Việt Nam và theo giác độ kinh tế thì ông Nelson Mandela có để lại những kinh nghiệm gì mà chúng ta nên học không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là nếu muốn học thì người ta có thể học được rất nhiều, đầu tiên là từ di sản ông Mandela nhận được từ lịch sử trên mảnh đất gọi là Cộng Hoà Nam Phi.

- Khác với Việt Nam đã là quốc gia độc lập trong ý nghĩa là một cộng đồng dân tộc hiện hữu từ mấy ngàn năm trước, nước Cộng Hoà Nam Phi chỉ manh nha thành hình từ giữa thế kỷ 17, khi Công ty Đông Ấn của Hà Lan bành trướng hoạt động xuống miền Nam của Phi Châu để tiến về Ấn Độ dương và qua Châu Á. Vào thời ấy, ta chưa có kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa giữa hai lục địa Âu Á bằng đường biển mà phải vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam Phi Châu.

- Sau Hà Lan, các nước Âu Châu khác cũng tìm đến vùng đất này làm tiền trạm phát triển cơ sở kinh doanh và còn tranh chấp hoặc gây chiến với nhau. Khi đó, lãnh thổ xứ này có các bộ lạc của nhiều sắc tộc khác nhau và trở thành một quốc gia của di dân da trắng, gọi là dân Afrikaners. Họ chỉ là thiều số, ngày nay khoảng 9%, mà thống trị đa số còn lại gồm có 80% là người Phi Châu da đen, 9% là dân da màu và chừng 2,5% là người gốc Á Châu, đa số là Ấn Độ.

- Khi muốn giành quyền bình đẳng cho dân da đen, ông Mandela đấu tranh trong một tổ chức do Đệ tam Quốc tế của Liên Xô lập ra tại Nam Phi, là Nghị Hội Quốc Gia Phi Châu, gọi tắt là ANC, y như đảng Cộng sản Việt Nam do một cán bộ của Đệ tam là ông Hồ Chí Minh lập ra tại Hong Kong. Nhưng ông Mandela thành công vì sớm hiểu rằng tổ chức này phải xuất phát từ lòng dân chứ không thể là định chế khai sinh ra quốc gia như nhiều người cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn lẩm tưởng và làm người dân hiểu lầm theo, rằng không có đảng Cộng sản thì Việt Nam không có độc lập.

Gia Minh: Ông nêu ra bài học về ý thức dân tộc lồng trong sự kiện tổ chức đấu tranh ANC này của Nam Phi lại do Liên Xô lập ra, có lẽ chẳng khác gì đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu nguồn vào chín mươi năm về trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng vậy. Vì nước Nam Phi này do người da trắng lập ra với chế độ phân biệt chủng tộc "apartheid", là một từ ngữ Hà Lan, dân Nam Phi da đen có thể lầm tưởng quốc gia của họ chỉ thành hình từ khi có tổ chức Nghị hội ANC, chứ dân Việt Nam thì đấu tranh chống thực dân Pháp từ thế kỷ 19, và trước khi có chủ nghĩa cộng sản. Đó là một bài học.

- Bài học thứ hai từ quá trình đấu tranh của ông Nelson Mandela là ta có nhiều phương thức khác nhau. Xứ Nam Phi ở giữa Đại Tây Dương ở hướng Tây và Ấn Độ Dương tại hướng Đông đã tiếp nhận nhiều di dân Ấn Độ. Ngày xưa, lãnh tụ Gandhi của người Ấn đã từng tới Nam Phi quảng bá phương thức đấu tranh bất bạo động. Nhìn lại thì cũng không khác gì chủ trương ôn hòa của cụ Phan Châu Trinh nếu so với tinh thần bạo động của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù có khác biệt về chủ trương, hai cụ không coi nhau là kẻ thù phải tiêu diệt. Ban đầu, luật sư Nelson Mandela cũng theo chủ trương ôn hòa của Gandhi, khi thấy không thành công thì mới đổi qua phương thức bạo động và đánh bom các cơ sở an ninh của người da trắng. Vì vậy mà ông bị kết án năm năm tù rồi đổi qua tù chung thân từ năm 1964. Trong 27 năm ngồi tù, ông nghiền ngẫm lại bài học đấu tranh và chuyển về phương thức ôn hòa bất bạo động căn cứ trên hoàn cảnh của đất nước.

Gia Minh: Thưa ông hoàn cảnh của Nam Phi khi đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên Nam Phi có một lãnh thổ rất lớn, rộng gấp bốn Việt Nam, với nhiều tài nguyên đáng kể hơn các nước Phi Châu ở chung quanh. Ngoài canh nông, xứ này có trữ lượng rất cao về kim cương và vàng để bán cho các nước Âu Châu và một kho kim loại hiếm rất cần thiết cho các nước muốn công nghiệp hóa tại Á Châu. Vào thời đó, việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này nằm trong tay các tập đoàn kinh tế Tây phương và dân da đen chỉ làm công ở dưới và bị thiểu số da trắng ngược đãi. Chính là chế độ bất công ấy mới bị thế giới kết án và trừng phạt qua chính sách phong toả kinh tế, gọi là cấm vận. Gặp hoàn cảnh đó, ai cũng có thể nghĩ tới giải pháp triệt để là lật đổ và tiêu diệt chế độ cai trị của người da trắng để dân da đen lên làm chủ đất nước. Ông Mandela lại nghĩ khác.



000_Par7735542-200.jpg
Một bức chân dung của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Bảo tàng Nelson Mandela, Nam Phi hôm 07/12/2013. AFP photo


Gia Minh: Khi đó, ông Nelson Mandela chủ trương những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là lãnh tụ kỳ cựu của dân da đen ở trong tù, Mandela được chính quyền da trắng tiếp xúc khi xứ Nam Phi của dân da trắng bị thế giới lên án và trừng phạt. Qua các cuộc tiếp xúc ở trong tù, ông Mandela thương thảo ngay về quy chế sống chung giữa đa số da màu và thiểu số da trắng. Rồi chính là sự thiết tha của Mandela về số phận của dân da trắng mới làm Tổng thống Nam Phi khi ấy là F. W. de Klerk tin vào thiện chí hòa giải và bắt đầu tiếp xúc. Từ các cuộc tiếp xúc và đàm phán ấy mới có quyết định ân xá ông Mandela vào năm 1990 và việc tổ chức bầu cử sau này. Nhờ thiện chí của đôi bên mà cả hai ông Mandela và de Klerk đều được Giải Nobel Hoà Bình vào năm 1993, một năm trước khi ông Mandela đắc cử Tổng thống và ông de Klerk làm Phó Tổng thống. 

- Ta không quên là trong cuộc tranh cử để thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, ông Mandela có sự ủng hộ của nhiều người da trắng vì họ tin vào thực tâm sống chung của ông. Bài học ở đây của Mandela là ta muốn sống thì phải để người khác sống, chứ tiêu diệt người khác thì xứ sở không có hoà bình thịnh vượng. Đây không là giả thuyết mà là thực tế nếu ta để ý đến hoàn cảnh bi đát của một nước láng giềng là Cộng Hoà Zimbabwe sau khi dân da đen nổi lên và tiêu diệt Cộng Hoà Rhodesia của dân da trắng từ năm 1979 trở về sau.

Gia Minh: Sau khi đắc cử Tổng thống trong tinh thần thật sự hoà giải, ông Nelson Mandela đã làm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có một chi tiết do Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi kể lại là đầu năm 1992, ông Mandela dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos của Thụy Sĩ. Nơi đây ông có gặp đoàn đại biểu của Trung Quốc và Việt Nam và trình bày với họ chủ trương của tổ chức Nghị hội ANC một khi thắng cử. Đó là quốc hữu hóa các doanh nghiệp để nhà nước tập trung quản lý.

- Ta nhớ rằng Nghị hội ANC là một tổ chức cộng sản bên trong có nhiều xu hướng khác nhau nhưng đa số còn lầm tưởng về con đường xã hội chủ nghĩa. Thế rồi nhờ tiếp xúc với bên ngoài, kể cả các viên chức của Bắc Kinh và Hà Nội, ông Mandela mới thấy rằng quốc hữu hóa tư doanh và quản lý theo kiểu tập trung là đi ngược trào lưu phát triển. Khi trở về, ông dùng uy tín rất lớn của mình để thuyết phục các đảng viên. Nếu ông ta dại dột cải tạo kinh tế theo kiểu lạc hậu thì xứ Nam Phi sẽ chứng kiến nạn tẩu tán tài sản rồi di tản, và xứ sở non yếu sẽ kiệt quệ vì thiếu tư bản và kỹ thuật khai thác nguồn tài nguyên phong phú của họ. Khi đó, dân Nam Phi sẽ chết đói trên đống vàng và chắc chắn là bị khủng hoảng. Đấy là một bài học về lý luận dựng nước.

Gia Minh: Có lẽ chi tiết ông vừa nêu là điều khá lý thú mà vẫn có ý nghĩa hiện đại nếu ra nhớ tới tình trạng tiêu cực của hệ thống quốc doanh tại Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, ông còn thấy bài học nào khác từ ông Mandela khi ông ta lên làm Tổng thống?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng các nước nhược tiểu Á Phi đều có một nếp văn hóa rất tệ là "ở đời muôn sự của chung". Vì là của chung, những kẻ có quyền rất dễ tự nhiên biến quyền thành lợi. Họ trưng thu công sản làm tài sản riêng cho gia đình, tay chân, thân tộc hay thị tộc. So với nhiều lãnh tụ Á Phi, Tổng thống Mandela ít bị tai tiếng như vậy chính là do tinh thần đạo đức của ông ta hơn là vì cơ chế dân chù hay luật lệ minh bạch. Lý do là sau Mandela, nhiều lãnh tụ Nam Phi chẳng được như vậy và bị phê bình khá nặng về tội tham nhũng và chính sách bất công.

- Bài học còn quan trọng hơn là sau khi làm Tổng thống hết nhiệm kỳ năm năm, ông Mandela thật sự rút khỏi chính trường để làm thường dân. Ta thấy nhiều anh hùng độc lập Á Phi đã nhiễm bệnh mê quyền và tưởng rằng họ là người không ai thay thế được. Hoặc thiếu họ là xử sở sẽ bị loạn. Từ đó, họ biến dần thành nhà độc tài và được tay chân tổ chức ra việc sùng bái để trục lợi. Vì vậy, sau khi các quốc gia này giành lại độc lập là bị ách độc tài di cùng nạn tham nhũng khiến xứ sở và người dân còn lụn bại hơn thời trước. Sau khi ra về, với uy tín rất cao, ông Mandela không thủ vai thái thượng hoàng hoặc đồng chí Cố vấn Trung ương để tiếp tục chi phối vào chính trường. Ông chỉ có tiếng nói của tinh thần đạo đức và để người kế nhiệm quyết định về việc lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng đây là bài học của nền dân chủ, rằng chẳng có ai là người không thay thế được.

Gia Minh: Nếu đếm lại thì có lẽ người ta tiếp nhận được sáu bảy bài học từ đạo đức tới chính trị và kinh tế của ông Nelson Mandela. Lời kết của ông là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông Nelson Mandela nhận lãnh di sản địa dư và lịch sử trên một xứ sở có nhiều tài nguyên và lợi thế lẫn nhiều thách đố và vấn đề. Ông ta hy sinh bản thân, giải quyết vấn đề của đất nước và để lại một di sản tốt đẹp hơn cho các thế hệ về sau. Thế giới kính phục và ngợi ca ông Mandela chính là vì các đức tính hiếm hoi đó, nhất là tinh thần khắc kỷ quên mình, và vì ông tin vào sự tử tế của con người, một niềm tin có khía cạnh tôn giáo, của người đốt đuốc soi đường cho người khác.

- Sau đó, là ngày nay đây, Cộng Hoà Nam Phi cũng có rất nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà các thế hệ nối tiếp phải cùng nhau giải quyết. Tang lễ dành cho ông Mandela có thể là cơ hội cho các thế hệ này suy ngẫm và có can đảm giải quyết như ông Mandela đã từng làm khi còn tại thế.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
 
Source : RFA ,dainamax tribune

Có thể nào đất nước đã đến hồi mạt vận, mọi giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn?


12-12-2013

Có thể nào đất nước đã đến hồi mạt vận, mọi giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn?

Hoài Linh Dương 


 Hai mươi sáu năm mới gặp lại Nhất, không phải trên FB, nơi bắt đầu những mối quan hệ và cũng là nơi bẻ gãy các mối quan hệ, mà là trên những trang blog thấm đẫm một cá tính rất Quảng Nam, mảnh đất mà Nhất đang sống-"Một góc nhìn khác".


Những vấn đề Nhất đề cập không mới, cũng là những điều mà hầu hết những người có chút ít tri thức đang trăn trở,nhưng cách suy nghĩ thì rất mới. Đó là cách lập luận, diễn đạt trực diện, thẳng thắn, không quanh co,  úp mở. Dù không đồng tình với một vài quan điểm mình vẫn phải thừa nhận rằng Nhất là người rất có chí khí. Đó không hề là chí khí của một kẻ thất phu, một kẻ không biết mình là ai như luận điểm mà bài báo rẻ tiền kia cố tình ghán ghép, mà đó là chí khí của một kẻ rất hiểu rõ giá trị của mình, một công dân trong một nước độc lập.

 "Một góc nhìn khác"của Nhất chính vì vậy không phải là góc nhìn của một kẻ tự cuồng, tự cho mình là vĩ nhân để đi phê phán người khác. Nó xuất phát từ một cái quyền rất căn bản của con người đó là quyền tự do ngôn luận. Quyền này rành rành trong hiến pháp Mỹ 1789,trong tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam là một thành viên và cũng có trong cả hiến pháp CHXHCN Việt Nam 1992(Điều 69 hiến pháp 1992,điều 4 luật báo chí). Thế Trương Duy Nhất có lợi dụng quyền đó để xâm phạm lợi ích nhà nước XHCN không?  Thế nào là lợi dụng và thế nào là xâm phạm? 

Văn bản pháp luật mang tính quy phạm chặt chẽ không thể có lối nói trừu tượng, chung chung mà phải cụ thể. Về điểm này rõ ràng để luận tội Nhất chỉ là một cách ghán ghép.áp đặt và bao biện. Vì rõ ràng Nhất chỉ"lợi dụng"quyền của người công dân để "xâm phạm"vào lợi ích của các nhóm , tập đoàn tham nhũng,của những phe cánh ăn trên mồ hôi nước mắt của đồng loại. Nếu buộc Nhất ở mặt này trước hết phải buộc tội ông Trương Tấn Sang người tuyên bố"tham nhũng là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết",của ông Nguyễn Phú Trọng: "cả một bầy sâu ,chúng ăn hết phần của dân", của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "ăn hết của dân không chừa một thứ gì". Tại sao quan nói được mà dân thì không thể?

 Nói Trương Duy Nhất đi ngược lại quan điểm và lương tâm người cầm bút. Thế thì quan điểm và lương tâm người cầm bút là gì? Đó phải chăng là lên tiếng bảo vệ sự thật và trung thành với sự thật? Thế thì hãy lược lại tất cả những bài báo của Nhất thử xem bài nào không đúng sự thật. Chẳng lẽ nói Thủ Tướng viết không đúng chính tả là sai sự thật, chẳng lẽ nói kinh tế Việt Nam" tuột dốc, lạc hậu ,nát bươm..." là sai sự thật, trong khi các báo cáo kinh tế của Bộ Tài Chính, Bộ Đầu Tư Kế hoạch, các công ty tập đoàn đang chỉ ra kinh tế Việt Nam đang ở trên mây ?

.Một lối quy chụp vô căn cứ. Bài "Chất lượng chính phủ quá tệ" cũng chỉ là một bài tổng kết đánh giá ý kiến bạn đọc trên chính trang blog của Nhất nhưng cũng phản ánh khá chính xác cách nhìn của nhân dân hiện nay với chất lượng chính phủ hiện tại. Dựa trên cơ sở nào để nói đó là một bài viết bịa đặt, xấc láo? 

Nói Trương Duy Nhất bẻ cong ngòi bút là cách nhìn của một kẻ thiểu năng về trí tuệ. Văn học, báo chí, blog là những phương tiện thông tin phản ánh hiện thực. Một xã hội tốt đẹp cũng có những mặt trái của nó và cũng cần những nhà văn ,phóng viên đi sâu phản ánh cái mặt trái đó để mang lại ý nghĩa nhân bản, giáo dục con người. Thế mới có dòng văn học hiện thực phê phán, dòng báo chí cách mạng...Huống chi xã hội hiện tại đang trên đà băng hoại các giá trị đạo đức,giá trị làm người đang ở mức thấp nhất. Điều này đã được mặc nhiên thừa nhận từ chính những người trong cuộc,từ những cán bộ cộng sản lão thành, từ đại đa số các tầng lớp nhân dân và từ chính những người đang nắm những cương vị cao nhất của cái chính thể nhà nước hiện tại. Tô hồng xã hội hiện nay một cách khiên cưỡng mới là "bẻ cong ngòi bút". 

Một xã hội luôn có hai mặt ,nếu cái tốt đè bẹp cái xấu, cái thiện lấn cái ác, cái tích cực phủ nhận cái tiêu cực thì có lẽ xã hội Việt Nam 68 năm qua đã tiến tới thiên đường CSCN, và có lẽ những bài báo của Trương Duy Nhất nếu bỏ vào thùng rác thì cũng phải nói là đã làm ô nhiễm cái thùng rác đó.  Nói chi blog của Nhất có hàng trăm,hàng ngàn độc giả trên khắp mọi miền đất nước truy cập vào. Những người này không hề ngu, chỉ có điều họ không thể là con chiên nhẹ dạ của một thứ tín ngưỡng ngoại lai, không tưởng...Ngòi bút của Nhất vì thế không hề bị bẻ cong mà trái lại nó vẫn rất thẳng. 

Việc từ bỏ báo sang viết blog là để giữ cho độ thẳng của ngòi bút đó. Nó chưa đến nỗi có sức mạnh như"trăm vạn hùng binh"(Nguyễn Trãi) nhưng ít ra nó cũng "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"(Nguyễn Đình Chiểu).Nó đi sâu vào lột trần ngóc ngách của tham nhũng, của các nhóm lợi ích,  của bộ máy chính quyền các cấp, của lãnh đạo nhà nước, nó khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc trong cuộc chiến giành chủ quyền với người bạn láng giềng Trung Quốc, nó ca ngợi những người lính Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Gạc ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa...nó cổ võ phong thái lãnh đạo sáng tạo, chuẩn mực của các nguyên thủ quốc gia,cung cấp các thông tin thú vị ở hậu trường chính trị, nó bênh vực những bà mẹ VNAH, những nông dân nghèo bị cướp đất... 

Yêu nước không phải là nói tốt về đất nước bởi vì thực tế nó màu hồng hay màu đen thì tất cả đều rõ như ban ngày. Không phải ngẫu nhiên mà đội ngũ blogger đang ngày càng lớn mạnh, bởi họ đứng về phía những người dân thấp cổ bé họng. Thử hỏi họ được lợi gì trong cuộc chiến không cân sức với các thế lực cầm quyền? Danh tiếng hay tiền tài,vật chất? Hoàn toàn không, đổi lại là sự an toàn bị đánh mất, tính mạng có thể bị đe dọa, tự do bị cướp đoạt vào bất cứ lúc nào. Nói rằng các blogger như Nhất đang xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây hoang mang mất lòng tin trong quần chúng...là một cách nhìn suy diễn, cảm tính và đầy chủ quan.

Trong một hình thái nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ...thì Đảng và nhà nước chỉ đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Người dân có quyền phản kháng hoặc lật đổ các thể chế chính trị mà theo họ là bất công thối nát...một cách ôn hòa bằng các hình thức bất bạo động. Chỉ cần họ không xâm phạm đến tính mạng và tài sản công dân...tức là không vi phạm pháp luật. Do vậy cũng đã qua rồi cái thời các trung thần can vua thì bị bắt bỏ vạc dầu sôi, cũng đã đến lúc cáo chung các chế độ độc tài đàn áp bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Bởi thể chế ,lãnh tụ ,đảng phái ... chỉ đại diện cho một tầng lớp giai cấp nhất định, không thể đại diện cho tất cả người dân. Tất cả các quan điểm chính trị khác nhau đều phải được tôn trọng, khuyến khích trong một xã hội thật sự dân chủ. 

Loài người từ khi thoát thai từ loài vượn đã trải qua nhiều hình thái xã hội, nhiều chế độ chính trị, tôn giáo khác nhau. Từ trong các cuộc cách mạng đầy máu và nước mắt họ biết rút ra bài học cho dân tộc mình. Một dân tộc có lẽ chưa chắc đúng nhưng đã tạo ra một xu hướng chung của cả loài người thì không hề sai. Việc lật đổ tượng đài Lê nin của người dân Ucraina cách đây vài ngày lại là một minh chứng sống động cho việc nhân loại đã quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với CNCS. Thế nhưng trong khi cả thế giới hướng về đám tang của Nelson Mandela một biểu tượng của nhân quyền, của lòng bác ái thì đâu đó trên đất nước này, nhân quyền vẫn là một món thực phẩm rất xa xỉ, chỉ có trên bàn tiệc của những kẻ có chức quyền. Các blogger vẫn bị bắt, bị hành hung ,đánh đập lăng nhục...và những ngày sắp tới một blogger nữa lại được đưa ra xét xử vì những tội mà họ không hề mắc phải.

Có thể nào đất nước đã đến hồi mạt vận, mọi giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn? Dù sao thì chúng ta cũng phải tin dân chủ là một ý thức bản năng của con người, nó không thể vì bạo quyền mà mất đi. Và quyền được sống tự do ,hạnh phúc cũng vẫn sẽ là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Gởi về Nhất những tình cảm thắm thiết, tự hào khi bạn vẫn không chịu cúi đầu. Và mong rằng bạn sẽ bước ra từ phiên tòa sắp tới với phong thái tự tin của một người biết nắm lấy vận mạng của chính mình.
 Dương Hoài Linh.


Source : Blog Quê Choa