Kerry sẽ nêu nhân quyền khi thăm VN?
Cập nhật: 12:19 GMT - thứ năm, 12 tháng 12, 2013
47 dân biểu Mỹ đã ký vào một lá thư thúc giục Ngoại trưởng John Kerry khuyến khích chính phủ Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền trong chuyến công du của ông tới Việt Nam bắt đầu từ ngày 15/12.
Nhiều người trong số này là các dân biểu vốn từng lớn tiếng phản đối hồ sơ nhân quyền của Việt Nam như bà Loretta Sanchez, ông Chris Smith và Zoe Lofgren.
"Việt tăng thêm bất cứ mối quan hệ kinh tế nào, đặc biệt là thỏa thuận thương mại, cần phải tùy thuộc vào điều kiện nhân quyền tại Việt Nam," lá thư đề cập.Trong lá thư đề ngày 10/12, các dân biểu Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc về việc tăng cường quan hệ với chính phủ nước này" và đặc biệt lo ngại về hợp tác thương mại ngày càng tăng giữa hai nước, trong đó có các cuộc đàm phán TTP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương )
Lá thư cũng trích dẫn báo cáo gần đây của các tổ chức nhân quyền như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) và của tổ chức Human Rights Watch năm 2013 nhắc tới hồ sơ nhân quyền của Việt Nam "nói chung vẫn trong tình trạng yếu kém và thực trạng nhân quyền tiếp tục tồi tệ đi.
Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng được các dân biểu Mỹ nhắc tới trong thư như một ví dụ về việc chính phủ Việt Nam áp dụng một cách thái quá quyền lực của mình trong việc giới hạn tự do internet.
"Đây là một chính thể độc tài dùng các luật lệ hà khắc và chế độ độc đảng để trấn áp công dân của mình"
"Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những nỗ lực tuyệt vọng của chính phủ Việt Nam nhằm bắt chính công dân của họ phải im tiếng và thiết lập kiểm soát đối với việc chia sẻ thông tin.
"Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục ngài hãy đặt nhân quyền lên trước hết trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ngài. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Việt Nam thể hiện mình là một đối tác thương mại mẫu mực, đây là một chính thể độc tài dùng các luật lệ hà khắc và chế độ độc đảng để trấn áp công dân của mình," thư đề nghị viết.
Các dân biểu kết thúc lá thư với nhận định "hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ" và họ hy vọng ông Kerry sẽ yêu cầu Việt Nam chấm dứt những bất công đó trong các cuộc thảo luận với chính phủ nước này.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chuyến thăm lần đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Việt Nam trong tháng này sẽ tập trung vào trọng tâm hợp tác song phương về kinh tế - tài chính và an ninh khu vực hơn là chủ đề thúc đẩy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 12/12/2013 từ Hà Nội, cựu thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng "Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn có nhiều mặt thực sự lớn hơn và quan trọng hơn đối với cả hai phía,
"Thành ra bao giờ những người lãnh đạo như ông John Kerry đi bao giờ cũng sẽ bàn vào những vấn đề lớn, tôi cho là trước mắt hiện nay, thí dụ như làm sao để thúc đẩy cho Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP có thể sớm thành công được."
"Thử sức quan hệ"
"Nếu Hà Nội không có những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền thì chúng tôi không thể có được ủng hộ của quốc hội cho thỏa thuận TPP"
Trong lần tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt gần đây tại ngoại ô Washington vào hôm 16/08, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã chia sẻ thông điệp của Tổng thống Mỹ khi gặp Chủ tịch Sang tại Tòa Bạch Ốc.
Đại sứ Shear nói rằng chính quyền Obama xem các cuộc đàm phán TPP là “hết sức quan trọng.” Nhưng nếu Hà Nội không có những “tiến bộ rõ rệt về nhân quyền” thì “chúng tôi không thể có được ủng hộ của quốc hội” cho thỏa thuận TPP.
Cách đây khoảng một năm, tạp chí Economist của Anh nói ông Kerry nên sử dụng vị thế của mình để Bấmthử sức trong quan hệ Mỹ Việt và đưa ông Lê Quốc Quân và một số các nhà hoạt động dân chủ thân hữu của ông Quân ra tù.
Trong khi đó một số nhóm hoạt động tại Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12 và cũng nhân dịp này Đại sứ Mỹ, ông David Shear, đã ra thông cáo nói "Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của hai nước về ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam được Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy".
Một lần nữa, chính phủ Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam "trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc".
"Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền," Đại sứ David Shear nói.
Trước đó, cũng trong tháng này, mười hai tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tự do thông tin đã lên tiếng kêu gọi thả luật sư Lê Quốc Quân sau khi Liên Hiệp Quốc có ý kiến.
Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Trái phép kết luận hồi tháng 11 rằng việc giam giữ ông Quân là "tùy tiện" và trái với Hiến chương Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Tuy nhiên theo chính phủ Việt Nam thì "Ông Quân là một luật sư, với kiến thức và nghĩa vụ bảo vệ công lý và luật pháp, làm việc trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng việc ông dùng những xảo thuật lừa đảo tinh vi để lừa dối cơ quan thuế đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và đạo đức kinh doanh."
"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc bắt, giam giữ và điều tra ông Lê Quốc Quân được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục mà luật pháp Vệt Nam quy định cũng như các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế," phản hồi của chính phủ Việt Nam trước kêu gọi thả luật sư Lê Quốc Quân của 12 tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tự do thông tin này.
Lịch trình cụ thế chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry chưa được thông báo chi tiết, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông sẽ tới hai thành phố Jerusalem và Ramallah trước khi tới thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, và cuối cùng sẽ tới Tacloban và Manila ở Philippines.
Đây là chuyến công du Á châu lần thứ tư của ông Kerry từ khi ông nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là lần đầu tiên ông tới thăm Việt Nam trên cương vị này.
Theo tờ The Diplomat, việc chọn lựa các quốc gia Đông Nam Á sẽ tới thăm trong chuyến công du này của ông Kerry có lẽ sẽ khiến các nhà lập chính sách tại Bắc Kinh khó chịu.
Một nhà quan sát tại Việt Nam muốn ẩn danh nói với BBC rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn thăm dò về quan điểm của nhau sau sự kiện Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông gần đây.
Việt Nam và Philippines là hai nước có tranh chấp căng thẳng nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Những tranh chấp đó đã tạo cơ hội cho Hoa Kỳ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với cả hai quốc gia này, bất chấp có những lo ngại trong một số giới nhất định tại Hà Nội và Manila.
Tòa Bạch Ốc cũng vừa đưa lên youtube một video chuyển tải thông điệp của ông Kerry trước khi ông tới Hà Nội vào tuần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét