8/1/14

TQ không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông

TQ không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông

Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.
Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.
VOA 8/1/14Trung Quốc ra lệnh cho tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Theo tin của hãng thông tấn AP, lệnh mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được công bố bởi chính quyền tỉnh Hải Nam hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái.

Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.

Qui định mới còn nói rằng tàu nào vi phạm sẽ bị xua đuổi, cá tôm bắt được sẽ bị tịch thu và bị phạt vạ với tiền phạt lên tới 82.600 đô la; và trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu sách pháp lý rõ ràng đối với ngư trường nằm trong phạm vi của đường chín đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vạch ra và cho là “hải phận lịch sử” của họ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bình luận gì về các qui định mới của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, hôm nay cho biết chính phủ ở Manila đang xác minh tin này với các đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh và Hà Nội.

Hãng thông tấn AP trích thuật tin tức của báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cho biết một chiếc tàu hải giảm của Trung Quốc đã tông vào một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam hôm 3 tháng 1 gần quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Trong vụ việc đầu tiên sau khi Trung Quốc đưa ra qui định mới, lính Trung Quốc đã dùng súng điện và dùi cui đánh đập các ngư phủ Việt Nam và tịch thu 5 tấn cá cùng với ngư cụ của họ.

Các nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc có phần chắc sẽ làm cho vụ tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ.” Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần của chính sách của Trung Quốc nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.

Theo ông Tkacik, Bắc Kinh đang bước ra khỏi sự mơ hồ trước đây về qui chế pháp lý của “đường chín đoạn” để ban bố “một biện pháp cấp tỉnh” để xem phản ứng của các nước khác như thế nào. Ông Tkacik cho biết các nước Đông Nam Á có thể thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Trung Quốc. Ông nói rằng “Với loan báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc.”

Trung Quốc và Việt Nam từng xảy ra nhiều vụ đụng độ quân sự ở Biển Đông trong 40 năm qua. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng sức mạnh để chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1988, hải quân Trung Quốc cũng đã tấn công các lực lượng hải quân Việt Nam để chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), gây tử vong cho hơn 60 binh sĩ Việt Nam. Năm 2005, các tàu của Trung Quốc đã bắn vào hai chiếc tàu đánh cá của Việt Nam, giết chết 9 người.

Các đoạn phim video do phía Việt Nam đăng tải trên internet cách nay vài năm cũng cho thấy các tàu tuần của Trung Quốc nổ súng bắn vào các ngư phủ Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn: AP, GMA News

Theo VOA

Ông Dương Chí Dũng khai cả bộ trưởng Trần Đại Quang


THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 1 NĂM 2014

Ông Dương Chí Dũng khai cả bộ trưởng Trần Đại Quang

Dương Tự Trọng cầm loa kêu gọi anh em anh Vươn đầu hàng lúc tham gia tấn công cướp đất nhà anh Đoàn Văn Vươn và Dương Tự  Trọng đứng trước tòa hôm nay - Ảnh và chú thích của Nguyễn Lân Thắng

Một điều đáng chú ý khác trong lời khai của ông Dương Chí Dũng trước tòa, đó là việc ông xác nhận "đã khai báo ở Sài Gòn" về việc ông Phạm Quý Ngọ. Thế nhưng ai đã là người cản trở hướng điều tra này, để cho sự việc chìm đi và chỉ đến hôm nay ông Dũng ra tòa, nhắc lại sự việc thì báo chí và công an mới biết?

Video: Lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan đến thứ trưởng bộ CA Phạm Quý Ngọ và bộ trưởng Trần Đại Quang (Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Báo Tuổi Trẻ Online vừa công bố một đoạn clip khá đầy đủ về lời khai của ông Dương Chí Dũng trong phiên tòa ngày 7/1/2014. Trong vai trò nhân chứng, ông Dũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin, bằng chứng về các khoản hối lộ lên 1,5 triệu đô-la cho thứ trưởng bộ công an Phạm Quý Ngọ. Ngoài ra, một số nhân vật đang giữ các vị trí quan trọng trong bộ công an và cả giới tài phiệt cũng đã được nêu đích danh tên tuổi, chức vụ.


Đáng chú ý, bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang cũng xuất hiện trong lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan đến khoản hối lộ 20 tỷ, tức 1 triệu đô-la Mĩ cho tướng Ngọ. Bộ trưởng Quang được nói là người đã 'nêu ý kiến với anh Ngọ' để 'anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp'.

Trong lời khai tiếp theo, ông Dương Chí Dũng kể lại buổi tiếp xúc và trao đổi riêng với ông Trần Đại Quang tại nhà bộ trưởng. Tuy nhiên, khi đang nói tiếp những vấn đề liên quan đến bộ trưởng công an Trần Đại Quang thì phía hội đồng xét xử lập tức lên tiếng cắt lời.

Dưới đây là nội dung lời khai của ông Dương Chí Dũng tại tòa có liên quan đến tướng Phạm Quý Ngọ và bộ trưởng Trần Đại Quang:

* * *
Ông Dương Chí Dũng: Kính thưa hội đồng xét xử

Tôi nói những điều như trước khi tôi nói, tôi đã gần như tuyên thệ rồi. Tôi nói những điều thật nhất, bởi vì tôi là anh, tôi không thể nói những điều oan cho ai cả.

Việc tôi đưa cho anh Ngọ 20 tỷ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Chị Lan chuyển cho một người khác. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: “Sẽ có người ở Hà Nội chuyển cho anh, gặp người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này dùng để đưa cho ai, hoặc làm gì”

Chị còn dặn tôi như thế. Và anh Tiệp là người đưa cho tôi. Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi. Đấy là cái thứ nhất, tức là có 2 người biết. (* Chú Thích: 'Chị Lan' tức là bà Trương Mỹ Lan là giám đốc công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.)

Còn một việc nữa mà hôm nay tôi mới nói, anh Tiệp có đưa tiền cho tôi 2 lần, sau đó anh Tiệp còn còn điện thoại hẹn tôi một lần để nói chuyện.

Anh Tiệp có nói là “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - bộ trưởng bộ công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa”.

Sau đó một thời gian, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Khi ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo với anh Quang là “Anh Ngọ có giới thiệu công ty … (không nghe rõ) như thế, em hiện nay thì...” 

Anh Quang bảo: “Chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả”

- Tiếng một người trong hội đồng xét xử cắt lời: Thôi thôi... trình bày rồi

Ông Dương Chí Dũng nói tiếp: Vâng, riêng cái tiền ấy (20 tỷ – CTV) thì có ít nhất 2 người biết, thế rồi tôi gặp chị Lan qua anh Minh – tổng giám đốc Cảng Sài Gòn bố trí cho tôi và chị gặp.

Còn cái tiền 500 nghìn đô tôi đưa sau này, khoảng 6-7 giờ tối ngày mùng 2/5, chú lái xe tôi chở đi. Đây là tiền tôi vay của mấy người, tôi khai lúc còn ở Sài Gòn tôi báo cáo với… (tiếng gõ vào micro cắt lời)

- Tiếng người trong hội đồng xét xử: Thôi anh Dũng ạ, anh dừng ở đây.

Nguồn Video: Tuổi Trẻ Online


(Dân luận)

7/1/14

Ông Dương Chí Dũng ‘khai tên của Thứ trưởng Bộ Công an’

VOA


Ông Dương Chí Dũng ‘khai tên của Thứ trưởng Bộ Công an’


Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.


 
Người từng bị tuyên án tử hình trong vụ Vinalines hôm nay khai rằng ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, là người ‘báo tin khởi tố’ cho mình.

Ông Dương Chí Dũng nói như vậy khi được đưa ra làm chứng trong phiên xử em trai ông là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, về hành vi tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Trọng, xác nhận với VOA Việt Ngữ về lời khai của nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).

“Ở phiên tòa, anh Dũng khai thông tin rằng chiều ngày 17 [tháng Năm 2012], ông Ngọ cho biết ý kiến của Thủ tướng đồng ý khởi tố, bắt giam anh Dũng rồi nói là anh hãy lánh đi một thời gian. Sau đó anh Dũng khai là trên cơ sở đó ông ấy hoảng loạn nên tìm đường đi trốn”.

Tại tòa, ông Dũng cho biết ông đã bị tuyên án tử hình, nên ‘ra đây tôi chỉ khai sự thật’.

Trong khi đó, báo điện tử VnExpress đã dẫn lời ông Ngọ phủ nhận lời khai của ông Dũng và khẳng định rằng ông ‘không liên quan tới việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng’.

Giới chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam còn nói rằng ‘Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này’.

Thoạt đầu, nhiều tờ báo của Việt Nam không nêu đích danh ông Ngọ, trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines, khi đưa tin về lời khai của ông Dương Chí Dũng. Một số trang tin điện tử chỉ viết rằng ông Dũng đã được ‘ông anh’ mật báo.

Tới tối hôm nay, theo quan sát của VOA tiếng Việt, các báo lớn trong nước đều đưa tên của Thứ trưởng Bộ Công an lên trên tít.

Báo chí trong nước còn đưa tin, ông Dũng ‘khai đã mang 500.000 đôla tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an’.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, tình tiết mới phát sinh tại tòa này ‘có thể thay đổi tính chất vụ việc’.

“Theo quan điểm của tôi, nó sẽ phải thay đổi. Tôi đã trình bày quan điểm của tôi tại phiên tòa bởi vì tôi cho rằng như vậy thì không thể nói thân chủ của tôi là người chủ mưu được. Nếu như anh Dũng ông khai đúng, thì nó sẽ sinh ra việc có một người khác ở đâu đấy còn quan trọng hơn. Người ta sẽ xác định được mức độ của anh Dũng nguy hiểm hay không nguy hiểm, hoặc là những người ở bên dưới này chỉ nghe tin những người trên kia nói như thế thì người dưới trở thành người chấp hành. Tôi bảo vệ cho thân chủ của tôi, chúng tôi khẳng định rằng việc kết luận rằng ông Trọng chủ mưu, cầm đầu vụ đó, chúng tôi cho rằng không thỏa đáng vì nó đã có một người khác định hướng trước rồi thì làm sao lại nói những người bên dưới chủ mưu được. Chủ thì chỉ có một chủ chứ làm sao có nhiều chủ được”.

Báo chí trong nước đưa tin, sau khi căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng thì thấy có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị hội đồng xét xử ‘khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự’.

Theo điều luật này, ‘người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm’, và nếu ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm’.

Ngoài ra điều 286 còn quy định rằng ‘người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm’.

Ông Hưng cho biết sáng ngày 8/1, Viện kiểm sát sẽ đáp lại các quan điểm của luật sư và luật sư sẽ tranh luận tiếp rồi tòa sẽ tuyên án vào buổi chiều.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra hôm 16/12, tòa án Việt Nam đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng về tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

VOA

Khả năng nào là Phạm Quý Ngọ vô tội.?


Khả năng nào là Phạm Quý Ngọ vô tội.?

Người Buôn Gió
Sẽ không có nhân chứng nào xác nhận Ngọ báo tin cho Dũng. Việc báo tin giữa hai người đều bằng sim rác, với việc sử dụng một điện thoại mới, dùng một sim rác mới để liên lạc một hai lần rồi bỏ cả sim lẫn điện thoại đi thì việc tìm bằng chứng người gọi là mò kim đáy bể.

Chuyện tiền nong chỉ trên lời khai của Dũng, không có ai xác nhận Dũng đã đưa tiền đến nhà Ngọ.


Một lập luận nữa Ngọ có thể cãi rằng. Vì Ngọ chỉ huy vụ án, cho nên xét về mặt lời khai của bị cáo trong vụ án mà chính Ngọ điều tra,  động cơ tố cáo không trong sạch vì sự thù hằn. Đối tượng bị kết án tử hình tất mang bụng oán người điều tra, vu cáo để trả thù là chuyện dễ xảy ra.

Về lý thì Ngọ cãi được, chưa kể mang Ngọ ra điều tra còn phải có ý kiến của BCT hay trung ương Đảng. Tầm của Ngọ không thể VKS nói khơi khơi là đề nghị làm rõ là có thể triệu Ngọ đến điều tra được. Đợi được ý kiến chỉ đạo thống nhất xử lý Ngọ là cả một vấn đề lớn.

Nhận 1, 5 triệu đô la hối lộ. Khung hình phạt có khi đến mức tử hình chứ chẳng phải chơi, chưa kể đến tội cố ý làm lộ bí mật cũng xấp xỉ 10 đến 20 năm. Nên chuện dù có tội hay không thì người bị vào khung này chối tội là chuyện đương nhiên, người thường còn chối huống chi người đứng trên bậc cao danh vọng, quyền lực.

Bởi thế chắc thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ là một con người trong sạch, vô tội, một lòng một dạ tận tụy vì công việc. Việc tên tội phạm vì động cơ đê hèn trả thù mà tố cáo thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, lời tố cáo ấy chỉ càng chứng mình cho thấy  thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã làm việc hết mình. Một cấp cao sẽ khẳng định lời khai của Dương Chí Dũng là không đủ cơ sở để điều tra khởi tố Phạm Quý Ngọ....chỉ đạo chấm dứt điều tra.

Nhưng mà nếu không phải Ngọ báo tin cho Dũng trốn. ?

Vậy thì ai là người báo, cấp trên cao hơn nữa của thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chăng.? Ngọ đã là thứ trưởng công an, ủy viên trung ương đảng. Cấp trên của Ngọ chắc là ủy viên BCT. Ngay buổi chiều thủ tướng '' chấp nhận '' bắt giam Dương Chí Dũng, thì đến tối cách nhau vài chục phút Dũng đã biết tin để trốn thoát. Khoanh vùng những người biết thông tin này tại thời điểm đó không nhiều. Dương Chí Dũng biết tin thì ắt phải có người báo tin. Đáp án ở đây là phải có người báo tin cho Dương Chí Dũng, không thể không có người báo tin. Vậy không phải Ngọ thì là ai.?

Kịch bản đã được soạn từ trước, có lẽ Dương Chí Dũng biết phiên tòa sẽ diễn ra thế nào, mức án tử hình mà tòa tuyên cho mình là điều Dũng không bất ngờ. Dũng bình tĩnh đọc thơ và bình thản nhận lời tuyên án khắc nghiệt. Bởi Dũng biết mọi việc đến đây chưa kết thúc.

Ngọ và cấp trên'' nào đó nếu có '' của Ngọ đã bị đánh lừa trước phiên tòa vài hôm bằng văn bản quy định không tiết lộ bí mật liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng được chính những người giải quyết vụ án này đưa ra . Tưởng chắc rằng bí mật ở vụ án báo tin , tham nhũng, đại án này sẽ được giữ lại và sẽ có cách xử lý, giải quyết bên đằng sau hậu trường. Cả cấp trên Ngọ và Ngọ đều ung dung với hy vọng chắc mẩm lối thoát 5 tỷ đồng sẽ cứu Dương Chí Dũng thoát tội chết, mọi việc sẽ giải quyết thêm sau này để nhẹ dần thời gian chịu hình phạt của Dương Chí Dũng. Chưa kể trước nữa thông tin um xùm mà Ngọ vẫn được lên chức, lên lon càng làm cho Ngọ vững tin hơn.

Nhưng ở phiên tòa, bỗng nhiên chủ tọa cho Dương Chí Dũng khai tuốt tuột, cho báo chí ghi âm nguyên văn. Để báo chí tha hồ đưa tin lên các phương tiện đại chúng, tên tuổi,chức vụ, thời điểm, số tiền. Một đòn thật bất ngờ và hiểm, và cũng đâu có phạm quy định nào. Đây là lời khai giữa phiên tòa công khai cơ mà, đâu có phải hướng điều tra, bí mật gì nữa, đã ra tòa là phanh phui hết sự thật mới gọi là tòa chứ.

Mọi việc đã bị đẩy ra giữa ánh sáng. Kẻ trốn chạy vì có người báo tin. Bài toán pháp luật trong vụ án Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng  là phải có đối tượng báo tin, dư luận quần chúng sôi sục đòi tìm ra kẻ báo tin. Giờ cứ gọi cho là lời khai của Dương Chí Dũng chưa đủ cơ sở để khẳng định Ngọ báo tin. Vậy thì ai là kẻ báo tin. Nếu không tìm ra kẻ khác nào Ngọ, tức là không tìm ra được kẻ báo tin cho Dương Chí Dũng. Thì coi như pháp luật Việt Nam đã tự kết liễu niềm tin của nhân dân trong vụ án này. Đó sẽ là một tổn thất rất lớn có thể nguy hại đến cả thể chế, khi mà ở một vụ đại án như thế này có  bị hại ( thông tin bị tiết lộ ) mà không tìm ra được thủ phạm ( kẻ tiết lộ ).

Với thế trận cùng đường như vậy, việc tìm ra người báo tin cho Dương Chí Dũng bắt buộc là phải có. Và đương nhiên kẻ biết tin vào thời điểm ấy phải từ cấp thứ trưởng Phạm Quý Ngọ trở lên.

Đây là một trận đánh đẹp của ban Nội Chính Trung Ương. Chỉ hy vọng nó không phải là món võ của người Tàu, nếu là sự hướng dẫn dạy bảo của người Tàu cho trưởng ban Nội Chính. Thì chưa hẳn đây đã là điều đáng mừng trọn vẹn. Có khi nó lại là một mối lo.


Kinh Tế Thế Giới 2014: Một tia hy vọng


Tuesday, January 7, 2014

Kinh Tế Thế Giới 2014: Một tia hy vọng

Thanh Hà & NguyễnXuân Nghĩa - RFI ngày 140107
Tạp Chí Kinh Tế
 
Một năm sáng nhiều hơn tối và rủi ro lớn nhất là Trung Quốc
 



Năm 2014 vừa mở ra với nhiều hứa hẹn tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn năm cũ. Theo dự phóng, tình hình của nước Pháp và khối euro khả quan hơn so với 2013. Nhưng 2014 là một năm đầy thách thức: thay đổi trong chính sách kinh tế, tiền tệ của Mỹ là một ẩn số. Các nền kinh tế đang trỗi dậy đi tìm một luồng sinh khí mới. Nhật bắt đầu tỏ dấu hiệu phục hồi sau hai thập niên đình đốn và giảm phát.

Trước hết về toàn cảnh kinh tế của nước Pháp, sau một năm 2013 khá tệ hại với tỷ lệ tăng trưởng gần như số không, các chuyên gia chờ đợi GDP của Pháp năm nay sẽ tăng ở mức từ 1 đến 1,3 %. Dù vậy thất nghiệp vẫn không thuyên giảm.

Theo dự phóng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, số người bị sa thải vẫn tăng, nhưng ở một mức độ chậm hơn so với hai năm liên tiếp vừa qua. Tình trạng xã hội của nước Pháp do đó còn tiếp tục căng thẳng. 


Một chút hy vọng cho châu Âu 

Nhìn rộng ra ngoài phạm vi nước Pháp, châu Âu bắt đầu hy vọng trở lại sau hơn ba năm đen tối. Khu vực đồng Euro bắt đầu bước vào vùng đất an toàn hơn. Khác với năm ngoái, GDP không còn giảm sút mà sẽ tăng lên 1,3 %. Đương nhiên, tỷ lệ đó quá èo uột để hy vọng cải thiện thị trường lao động. Những thành viên kém cỏi nhất như Hy Lạp hay Tây Ban Nha vẫn phải đương đầu với một tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: trên 25 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm. 

Hy vọng lớn nhất của châu Âu đến từ chính sách kinh tế của nước Đức: sau khi liên minh với đảng Xã hội Dân chủ SDP, chính sách kinh tế của thủ tướng Merkel có chiều hướng được nới lỏng để kích thích tiêu thụ nội địa. Chính tiêu thụ và đầu tư công cộng của bản thân nước Đức sẽ là một động cơ giúp kinh tế của khối euro đi lên. Nhưng tất cả các cơ quan dự báo đều mới chỉ nói tới một sự phục hồi mới vừa manh nha mà chỉ cần một đợt cơn sóng mạnh cũng đủ dập tắt. 

Nhìn sang sang Hoa Kỳ, 2014 là năm kinh tế Mỹ sẽ có hai thay đổi quan trọng: một là chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương và hai là chính sách chi tiêu công cộng của chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Nhưng trước khi đi sâu thêm về những dự phóng liên quan đến nền kinh tế số một toàn cầu, chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa phác họa ra bức tranh kinh tế của thế giới trong năm 2014 như sau: 


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ năm năm nay, sau nạn tổng suy trầm thời 2008-2009, cứ đến đầu năm dương lịch là người ta lại chớm hy vọng rồi lại thất vọng vì tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa mấy khả quan, nhất là trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật của các nước giàu nhất. Riêng năm nay thì mọi người đồng ý rằng dù kinh tế thế giới chưa hẳn là phục hồi sau một năm 2013 có quá nhiều lao đao, tình hình có vẻ sáng sủa hơn, nhất là trong khối công nghiệp hoá.  

- Thứ nhất, ta không quên mọi chuyện khởi đầu từ năm 2008 khi các nền kinh tế Âu-Mỹ-Nhật bị khủng hoảng tài chính, chủ yếu là do mắc nợ quá nhiều và đến hồi phải trả nợ. Trong năm năm qua, việc trả nợ ấy của các nước công nghiệp hóa có gây ra vấn đề dây chuyền và đánh sụt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nhưng qua năm 2014 thì gánh nợ của khu vực tư nhân, là các hộ gia đình, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, tương đối đã giảm, biện pháp kích thích sản xuất cũng có hiệu quả và bội chi ngân sách được thu hẹp, ngoại trừ tại Nhật. Trong bối cảnh đó khối công nghiệp hoá trở thành lực đẩy đáng kể cho kinh tế toàn cầu.  

- Cùng lúc, các nền kinh tế thuộc loại gọi là đang lên lại không được khả quan, nhiều nước còn sa sút hơn nữa, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và các nước Châu Mỹ La Tinh hướng ra Đại Tây Dương, như Brazil, Achentina và Venezuela. Kết quả chung là năm nay, kinh tế toàn cầu hết bị suy trầm, theo định nghĩa của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là khi chỉ tăng trưởng có khoảng 2,5%, mà sẽ khá hơn vậy. Tuy nhiên rủi ro vẫn còn và nếu có thì nặng nhất là từ kinh tế Trung Quốc và nhiều quốc gia thuộc loại đang phát triển sống nhờ xuất cảng nguyên nhiên vật liệu. 


Rủi Ro từ Trung Quốc  


Nhiều thách thức đang đặt ra cho Trung Quốc. Các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đang đứng trước nhiều ẩn số. Vậy vì sao 2014 là một năm có nhiều rủi ro đặt ra cho Trung Quốc cho dù là nước này đã có nhiều bước cải cách ? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại bài học vẫn nóng hổi của khối Euro và Liên hiệp châu Âu. 

- Các nước khó cải cách khi kinh tế suy trầm vì việc cải tổ đòi hỏi chấn chỉnh chi thu và tiết giảm nợ nần, là loại biện pháp cần thiết trong lâu dài mà làm sút giảm sản xuất trong ngắn hạn. Lãnh đạo Trung Quốc muốn cải cách từ những năm 2005 đến 2007 mà lại đảo ngược quyết định và bơm tiền kích thích kinh tế khi toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008 với hậu quả là họ mắc nợ đến mức kỷ lục và phải nói đến việc tiết giảm tín dụng. Khi kinh tế cũng suy trầm và lãnh đạo chuẩn bị Đại hội 18 vào cuối năm 2012 thì họ lại tiếp tục kích thích kinh tế trong năm 2012 và gây thêm vấn đề. Đến năm 2014 thì còn trầm trọng hơn trước nên thật ra sẽ khó tiến hành cải cách như đã thông báo. 

- Một cách cụ thể thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là nhờ đầu tư quá nhiều, với phương tiện do lãnh đạo trưng thu của dân và trút vào hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và các công ty đầu tư địa phương, tất cả đều của nhà nước, trong khi tiêu thụ lại bị ép và chỉ còn chiếm 35% của tổng sản lượng. Chiến lược ấy hết tác dụng. Đà sản xuất bị đánh sụt, nay chỉ mấp mé 7% trong khi núi nợ đã lên tới mức báo động như Hoa Kỳ trước cơn khủng hoảng 2008.  

- Năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh gặp bài toán lưỡng nan. Một là phải chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn và tiến hành cải cách từ cơ cấu, trước tiên là giảm mức tín dụng. Điều ấy có ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế các nước vì đánh sụt số cầu của một nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới. Hai là họ vẫn “nghiến răng đạp xe thật mạnh” và lao vào một vụ khủng hoảng tài chính khi núi nợ của ngân hàng và công ty đầu tư của chính quyền địa phương sụp đổ. Kịch bản này cũng sẽ gây tai hại cho các nước, nhất là các nền kinh tế bán nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế Trung Quốc. Vì do dự giữa hai điều cùng nan giải, lãnh đạo xứ này có thể chọn giải pháp thứ ba lại còn rủi ro hơn nữa, đó là đàn áp ở bên trong và phiêu lưu quân sự ở bên ngoài. 


Điểm khởi đầu mới của Nhật Bản  


Nhìn sang Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới: sau hai thập niên bị đình đốn kinh tế và tê liệt vì giảm phát, phải chăng 2014 là một bước khởi đầu mới đối với Nhật Bản? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thủ tướng Shinzo Abe chả có giải pháp nào hơn là liều lĩnh bơm tiền với mức cao gấp ba nước Mỹ để gây mối lo lạm phát khiến dân chúng tung tiền ra xài và tạo sức kéo cho sản xuất đồng thời đẩy mạnh xuất cảng nhờ đồng yen sụt giá khi tiền bơm ra quá nhiều. Ngoài ra, ông Abe còn muốn cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế, tài chính và phá vỡ sự cấu kết giữa các thế lực chính trị và kinh tế khi xã hội ù lì với dân số bị lão hóa quá mạnh. Tôi nghĩ rằng ông Abe có thể lý luận là nếu không táo bạo như vậy thì nước Nhật lặng lẽ đi vào một tiến trình tự sát chậm rãi.  

- Một năm sau khi lên cầm quyền với đảng Tự do Dân chủ của mình thắng phiếu tại cả Hạ viện và Thượng viện, ông Abe có thể yên tâm cầm quyền cho đến năm 2016 để thúc đẩy cải cách qua ba mũi tên đã bắn ra. Năm nay, dấu hiệu thành công đã rõ rệt hơn nên chính quyền Abe có cái trớn khá mạnh để đẩy tiếp cải cách.  

- Chúng ta sẽ có dịp kiểm nghiệm qua trận đánh về thuế khóa và nhất là về ngoại thương khi Nhật Bản cố tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP trước sức cản của các nông gia muốn được bảo vệ bởi chính sách bảo hộ mậu dịch truyền thống của nước Nhật từ sau Thế chiến II.  

- Chi tiết đáng chú ý nhất là chính Trung Quốc đã bỏ phiếu cho Thủ tướng Shinzo Abe từ năm 2010 cho đến năm ngoái khi gây tranh chấp nặng với Nhật về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lãnh đạo Bắc Kinh có nhu cầu khích động người dân bằng chủ nghĩa dân tộc và hướng nỗi bất mãn của họ qua xứ khác, nhưng lại khiến dân Nhật đoàn kết sau lưng lãnh đạo và chấp nhận những bất lợi kinh tế trước mắt.  

- Nhờ vậy mà Thủ tướng Abe hy vọng thành công và Nhật Bản sẽ hồi phục sau hơn hai chục năm lao đao vất vả. Nhưng cũng vì vậy mà rủi ro xung đột lại gia tăng ngoài Đông hải vì tai nạn dễ xảy ra trong tình trạng căng thẳng này. Vì ông Abe lại sinh vào năm Giáp Ngọ, tôi nghĩ rằng năm Giáp Ngọ này sẽ có sự lạ tại Đông Á! Ta không quên một năm Giáp Ngọ kia, là khi Nhật Bản đại thắng nhà Mãn Thanh vào năm 1894, cách nay 120 năm, hai vòng hoa giáp! 


Việt Nam, vùng bản lề của Đông Nam Á 

Rời khỏi khu vực Đông Bắc Á để nhìn đến những quốc gia trong vùng Đông Nam Á: đâu là những triển vọng và thách đố với khu vực này? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vẫn trở về Trung Quốc với sự lạc quan tếu về nền kinh tế cứ tưởng là rồng cọp nên mới thổi giá thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, nông sản và kim loại cho kỹ nghệ. Từ mấy năm nay, khi đà tăng trưởng của kinh tế xứ này sụt dưới 8%, rồi 7,8% và nay chỉ còn 7,3% thì giá thương phẩm đã giảm mạnh khiến các nước bán thương phẩm bị tai họa. Nhiều nước khác cũng do yếu kém về quản lý vĩ mô hoặc bất ổn chính trị nên năm nay sẽ còn khốn đốn.

- Tựu chung, trong các nước Đông Nam Á, năm nay có Indonesia, Thái Lan, Cam Bốt là gặp bất trắc. Miến Điện và Việt Nam nằm ở vùng bản lề. Ngược lại, Malaysia và Philippines lại khá hơn cả, dù chưa thể bằng Hàn Quốc hay Đài Loan thì vẫn có mức tăng trưởng cao. Khác biệt chính giữa mạnh hay yếu là 1) sống nhờ xuất cảng nguyên liệu hay sản phẩm chế biến và 2) có quân bình vĩ mô và ổn định tài chánh hay không. 


Việt Nam vùng bản lề giống như Miến Điện  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Miến Điện bước vào năm thứ ba của việc chuyển hướng chính trị và cải cách kinh tế với tốc độ tăng trưởng năm ngoái lên tới 6,5% và năm nay có thể lên tới 7%. Nhưng cơ chế lạc hậu tồn tại quá lâu dưới chế độ độc tài chưa giúp Miến Điện bung ra như người ta hy vọng. Dù sao, cục diện chưa sáng sủa cũng sẽ không tụt hậu vào tình trạng cũ vì vậy Miến Điện ở vào vị trí bản lề, tranh tối tranh sáng. Việt Nam là một bản lề khác.  

- Sau 15 năm đạt mức tăng trưởng trung bình là trên 7%, Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn và phải cải cách mạnh mẽ từ năm 2008 sau khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới OMC/WTO. Nhưng lãnh đạo xứ này lại do dự giữa hai yêu cầu trái ngược là tống ga cho mạnh để đạt mức tăng trưởng cao hay cải tổ cơ chế cho quân bình hơn. Kết cuộc của sự trí hoãn là chuỗi biến động dài từ năm 2011. Kinh tế có ổn định hơn, lạm phát bị đẩy lui nhưng đã tăng trưởng hết là 7% mà trong những năm tới chỉ còn hơn 5% là mừng. Từ hai năm nay, lãnh đạo kinh tế xứ này lại nói đến cải cách mà vẫn chỉ có nói thôi nên có thể hụt mất cơ hội. 


Và những cơ hội bị bỏ lỡ của Việt Nam?  


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta biết kinh tế Trung Quốc hết là công xưởng toàn cầu nhờ lực lượng lao động dồi dào và tương đối rẻ như trong cả chục năm trước. Nhờ vậy, nhiều quốc gia có thể thu hút đầu tư và trám vào khoảng trống để thành trung tâm biến chế hàng công nghiệp nhẹ. Việt Nam có điều kiện giành lấy ưu thế Trung Quốc đã mất, thí dụ như khi các tập đoàn Intel và Samsung đã đầu tư rất mạnh vào Việt Nam và nâng mức xuất cảng sản phẩm điện tử từ Việt Nam. Nhưng sau đó còn phải bước lên trình độ sản xuất cao hơn và muốn vậy thì phải có hạ tầng cơ sở vật chất và luật lệ hiện đại và có nguồn nhân lực thích hợp.  

- So với nhiều xứ khác, Việt Nam quá chậm trong lĩnh vực này, trong khi cơ chế vĩ mô vẫn thất quân bình, ngân hàng thì bất ổn và nhiều doanh nghiệp nhà nước là loại xác chết chưa chôn nên cản trở sức bật của cả nền kinh tế. Vì vậy, dù chỉ tăng trưởng ở khoảng 5%, năm nay Việt Nam vẫn phải cải cách mạnh như đã nói quá nhiều. Nhưng năm nay cũng là năm dễ có biến động từ Hoa Kỳ nên Việt Nam càng gặp nhiều rủi ro. 

Ẩn số Hoa Kỳ  

«Quẻ bói» về tương lai kinh tế thế giới 2014 sẽ thiếu sót nếu như chúng ta khổng đề cặp tới trường hợp của nước Mỹ : 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm năm qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có loại biện pháp kích thích vĩ đại nhất sau khi Chính quyền tăng mức công chi đến kỷ lục mà vô hiệu và chỉ gây tranh luận chính trị. Trong khi ấy, cuộc cách mạng kỹ thuật về năng lượng và công nghệ sản xuất đã lặng lẽ thay đổi mọi sự, khiến năm nay kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn và mạnh nhất trong khối kỹ nghệ hoá.  

- Qua năm nay, có hai chuyện đáng chú ý. Thứ nhất Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm dần và thu hồi biện pháp bơm tiền và còn có thể nâng lãi suất khỏi mức mấp mé zero hiện nay. Thứ hai, nhờ cách mạng về năng lượng và về sản xuất khiến giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ giảm mạnh, việc đầu tư tại Mỹ lại hấp dẫn còn hơn là đầu tư vào các thị trường chỉ có ưu thế nhân công rẻ.

- Hậu quả của cả hai chuyện này là Mỹ kim lên giá, tư bản nóng sẽ rút khỏi Á Châu mà trở về Mỹ để kiếm lời cao hơn. Khi đó, các nước khác đều có thể bị chấn động sau năm năm quá quen với việc đô la chảy từ Hoa Kỳ vào thị trường của mình. Việt Nam nên tự chuẩn bị cho kịch bản đó, là khi bóng bể, kinh tế trì trệ, đi cùng biến động về hối đoái.

 
Source : RFI, dainamax tribune




Ai nắm chắc ngọn cờ ở Đại hội 12?

Ai nắm chắc ngọn cờ ở Đại hội 12?

Cập nhật: 13:32 GMT - thứ hai, 6 tháng 1, 2014

Dàn lãnh đạo Đảng Cộng sản ra mắt tại Đại hội XI năm 2011
Cùng với sự kiện hàng trăm người dân oan đất đai tập trung biểu tình tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngay ngày đầu năm 2014, thông điệp chào đón năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi một dấu ấn khá đặc biệt về tinh thần “chia tay cái cũ”.
Trong không khí trì đọng giằng co của chính trường Việt Nam cùng kinh tế ảm đạm chưa từng có trước Tết Nguyên đán, bản thông điệp mang tính quốc dân của người đứng đầu chính phủ đã dứt dư luận khỏi cơn buồn ngủ và lập tức tạo nên lớp triều lao xao giữa trí thức trong, ngoài Đảng và người Việt ngoài nước.

Kể cả lối dẫn dụ “người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm” được tuyên xưng trong bản thông điệp, cho dù đã quá nhiều năm qua những câu chữ đó đã trở nên lạc lõng khi nhà cầm quyền chẳng mấy lưu tâm đến ý nguyện của dân, còn các nhóm lợi ích vẫn mặc sức lũng đoạn dù bị pháp luật nghiêm cấm…
Người ta bàn tán, tranh cãi, hy vọng hoặc hoài nghi về những ấn tượng mới mà lần đầu tiên cộng hưởng trong cùng bản thông điệp trên: “đổi mới thể chế”, “xóa độc quyền”, “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”, và thú vị không kém là khái niệm chưa có tiền lệ về “nhà nước kiến tạo phát triển”.
Minh chứng là bản Hiến pháp năm 2013 vẫn không hề giảm giá quan niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, vẫn đổ thêm dầu vào cơn binh lửa thu hồi đất được đặc cách cho một tầng lớp dân oan rộng khắp.
Tạm gác lại khái niệm “dân chủ” mà bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập như một khẩu hiệu được giới lãnh đạo Đảng tuyên ngôn nhiều năm qua, hy vọng là lời hứa hẹn “xóa độc quyền” sẽ được Chính phủ thực hiện trong nay mai.

Xóa độc quyền?

Vào những ngày cuối năm 2013, một thông tin bất ngờ cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gần như hoàn tất quá trình “chuyển vốn” từ doanh nghiệp mẹ sang các doanh nghiệp con chỉ trong khoảng nửa năm qua.
Cũng không loại trừ chu trình chuyển hóa sinh học này đã được âm thầm hành sự ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Hiện tượng “chuyển vốn” trên cho thấy điều gì?
Dường như những kẻ âm thầm thực hiện mưu sự này đã nắm được thông tin “sẽ bỏ độc quyền” và còn được “bật đèn xanh” từ phía cấp cao hơn, ít nhất từ cơ quan chủ quản của họ là Bộ Công thương - cơ quan chủ chốt trong phái đoàn Việt Nam đàm phán về TPP.

Việt Nam có thể xóa độc quyền trong ngành điện?
Bộ Công thương cũng chính là địa chỉ phải chịu trách nhiệm về cú xả lũ vô nhân đạo làm chết hơn 50 người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa hề bị truy cứu theo bất kỳ điều khoản nào của Bộ luật hình sự.
Trước đó vào tháng 9/2013, tổng giám đốc Petrolimex đã làm công luận bất ngờ bởi lời than thở của ông ta về tâm trạng “chán độc quyền”.
Nhưng không lâu sau, tâm trạng đó bị giới quan sát độc lập lôi ra ánh sáng: nếu không phải do đòi hỏi bắt buộc của những quốc gia chủ trì trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) về “một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh” cùng cơ chế “cạnh tranh sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế”, chắc chắn không có chuyện ai đó tự nguyện rời bỏ vũ khí độc quyền.
Nhưng dĩ nhiên, bản chất của cá mập vẫn luôn là cá mập.
Người ta đồ rằng chu trình “chạy vốn” của các tập đoàn đặc lợi chính sách sẽ chỉ là mang tính chuyển đổi thế độc quyền từ cơ chế tập thể sang độc quyền cá nhân, từ lũng đoạn quy mô lớn sang thao túng quy mô nhỏ, khi rất có thể những chức danh chủ chốt trong các tập đoàn độc quyền nhà nước sẽ không thể buông lơi cổ phần chi phối của họ tại các công ty con.
Cũng bởi thế, mặc dù có thể tò mò và được gợi chút hy vọng bởi quan điểm “đổi mới thể chế” và tư tưởng “xóa độc quyền” trong bản thông điệp 2014 của người nắm giữ chính phủ, song giới phân tích vẫn nghi ngờ hình ảnh “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” được dành cho cơ chế “độc quyền con”, một khi toàn bộ lực lượng vật chất vẫn nằm trong tay các nhóm lợi ích độc quyền và lại kiến tạo nên một cơ chế độc quyền mới cùng các chiến dịch tăng giá theo kiểu “giá trị gia tăng”.
Nếu mâu thuẫn vẫn tiếp tục, có nguy cơ là mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” sẽ không thuần túy là phương châm “nhà nước không làm thay cho dân”, mà sẽ trở thành “nhóm lợi ích làm thay nhà nước”.
Và nếu bản thông điệp này không có gì mới về tính hành động, tức không khác tinh thần bảo thủ của Hiến pháp năm 2013, làm sao đời sống các tầng lớp nhân dân sẽ được giảm bớt về áp lực đè thuế gián tiếp bởi các nhóm độc quyền?
Làm sao để vị Thủ tướng đang được hy vọng mơ hồ vào mục tiêu cải cách thể chế có thể đón nhận thái độ hân hoan và ủng hộ từ phía trí thức và dân chúng - một điều kiện quá cần thiết để ông hoàn tất điều kiện đủ vào năm 2016?

Ai phất cờ?


Dư luận đánh giá khác nhau về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 chỉ còn hai năm nữa. Có vẻ như những quân bài phải ngả chiếu “quyết liệt” hơn.
Cũng có vẻ đã đến giờ phút mà một chính khách quá từng trải như ông Nguyễn Tấn Dũng ý thức rõ ràng về một xác quyết không thể chậm trễ nữa.
Rất có thể, bản thông điệp đầu năm 2014 của ông chính là bước khởi động cho một quyết định lớn lao nhưng không thể từ chối tính phiêu lưu dẫn đến năm 2016.
Chắc chắn phải được soạn thảo bởi một bộ máy tham mưu có kiến thức và am hiểu phương Tây hơn ê kíp cũ, bản thông điệp này còn không quá ngần ngại khi nêu ra mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” của học giả có tên Chalmers Ashby Johnson.
Đáng chú ý, Chalmers Ashby Johnson lại là một giáo sư người Mỹ, giảng dạy tại Đại học California.
Năm 2013, Nguyễn Tấn Dũng được coi là một trong hai chính khách “thành công” trên trường quốc tế, cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Một chi tiết đáng chú ý là cả hai vị nguyên thủ quốc gia này đều được ghi dấu nổi bật và giành được thiện cảm hơn hẳn trong những chuyến đi Washington và New York chứ không phải đến Bắc Kinh.
"Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông."
Số đông dư luận vẫn đang hoài nghi năng lực thiếu tính hành động của một vị Thủ tướng “yêu trung thực, ghét giả dối” và lời cam kết “sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng” từ khi nhậm chức vào năm 2006.
Nên nhắc cả sự kiện ông chủ xướng yêu cầu về chủ quyền biển đảo và luật biểu tình tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2011 nhưng đã bặt vô âm tín từ đó đến nay.
Nhưng vẫn có một thiểu số lại cảm nhận về một kế hoạch đã thành hình đến mức chi tiết của Thủ tướng Dũng trong hai năm tới, về một “quyết tâm chính trị” không chỗ lùi và không thể để chậm trễ hơn.
Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông, một thông điệp mà không nhất thiết phải luôn được thông qua bởi “tập thể Bộ Chính trị”.
Cũng bởi cho tới giờ phút này, vẫn chưa có một thông điệp nào khác từ những gương mặt then chốt khác, kể cả một gương mặt được coi sáng giá là ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội.
Trong khi đó, trên một bình diện rộng hơn hẳn và không quá quan tâm đến từng động cơ ẩn giấu của giới chính khách đương đại Việt Nam, một luồng tâm lý hiện hữu trong khối trí thức và dân chúng vẫn là mong chờ và khao khát đến cháy bỏng về cải tổ kinh tế và hơn nhiều nữa là “thay máu” về chính trị.
Phải chăng luồng tâm lý của đại đa số ấy sẽ là vườn ươm cho những hạt giống chính khách thâm hiểu và có khả năng “nắm chắc ngọn cờ” để gây men một dòng máu mới cho nền chính trị tương lai ở Việt Nam?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do hiện sống tại TPHCM.
BBC