VOA


Ông Dương Chí Dũng ‘khai tên của Thứ trưởng Bộ Công an’


Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.


 
Người từng bị tuyên án tử hình trong vụ Vinalines hôm nay khai rằng ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, là người ‘báo tin khởi tố’ cho mình.

Ông Dương Chí Dũng nói như vậy khi được đưa ra làm chứng trong phiên xử em trai ông là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, về hành vi tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Trọng, xác nhận với VOA Việt Ngữ về lời khai của nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).

“Ở phiên tòa, anh Dũng khai thông tin rằng chiều ngày 17 [tháng Năm 2012], ông Ngọ cho biết ý kiến của Thủ tướng đồng ý khởi tố, bắt giam anh Dũng rồi nói là anh hãy lánh đi một thời gian. Sau đó anh Dũng khai là trên cơ sở đó ông ấy hoảng loạn nên tìm đường đi trốn”.

Tại tòa, ông Dũng cho biết ông đã bị tuyên án tử hình, nên ‘ra đây tôi chỉ khai sự thật’.

Trong khi đó, báo điện tử VnExpress đã dẫn lời ông Ngọ phủ nhận lời khai của ông Dũng và khẳng định rằng ông ‘không liên quan tới việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng’.

Giới chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam còn nói rằng ‘Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này’.

Thoạt đầu, nhiều tờ báo của Việt Nam không nêu đích danh ông Ngọ, trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines, khi đưa tin về lời khai của ông Dương Chí Dũng. Một số trang tin điện tử chỉ viết rằng ông Dũng đã được ‘ông anh’ mật báo.

Tới tối hôm nay, theo quan sát của VOA tiếng Việt, các báo lớn trong nước đều đưa tên của Thứ trưởng Bộ Công an lên trên tít.

Báo chí trong nước còn đưa tin, ông Dũng ‘khai đã mang 500.000 đôla tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an’.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, tình tiết mới phát sinh tại tòa này ‘có thể thay đổi tính chất vụ việc’.

“Theo quan điểm của tôi, nó sẽ phải thay đổi. Tôi đã trình bày quan điểm của tôi tại phiên tòa bởi vì tôi cho rằng như vậy thì không thể nói thân chủ của tôi là người chủ mưu được. Nếu như anh Dũng ông khai đúng, thì nó sẽ sinh ra việc có một người khác ở đâu đấy còn quan trọng hơn. Người ta sẽ xác định được mức độ của anh Dũng nguy hiểm hay không nguy hiểm, hoặc là những người ở bên dưới này chỉ nghe tin những người trên kia nói như thế thì người dưới trở thành người chấp hành. Tôi bảo vệ cho thân chủ của tôi, chúng tôi khẳng định rằng việc kết luận rằng ông Trọng chủ mưu, cầm đầu vụ đó, chúng tôi cho rằng không thỏa đáng vì nó đã có một người khác định hướng trước rồi thì làm sao lại nói những người bên dưới chủ mưu được. Chủ thì chỉ có một chủ chứ làm sao có nhiều chủ được”.

Báo chí trong nước đưa tin, sau khi căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng thì thấy có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị hội đồng xét xử ‘khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự’.

Theo điều luật này, ‘người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm’, và nếu ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm’.

Ngoài ra điều 286 còn quy định rằng ‘người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm’.

Ông Hưng cho biết sáng ngày 8/1, Viện kiểm sát sẽ đáp lại các quan điểm của luật sư và luật sư sẽ tranh luận tiếp rồi tòa sẽ tuyên án vào buổi chiều.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra hôm 16/12, tòa án Việt Nam đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng về tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

VOA