8/1/14

Xung quanh cáo buộc thứ trưởng công an nhận hối lộ


08-01-2014

Xung quanh cáo buộc thứ trưởng công an nhận hối lộ

Dân Luận tổng hợp 
Osin Huy Đức: Hôm qua, khi Dương Chí Dũng khai đưa cho Phạm Quý Ngọ tổng cộng 1,5 triệu USD và đích thân điện thoại kêu Dũng bỏ trốn, Tướng Ngọ đã bác bỏ lời khai này (trên VNEpress). Nhớ, chiều 13-12-2013, khi Trần Hải Sơn khai đưa cho Dương Chí Dũng một vali tiền, Dũng chối, cho rằng đó là vali rượu nhưng Dũng vẫn bị Tòa vẫn tuyên tử hình.
Không thể không khởi tố vụ án khi Dũng đã nói quá rõ trước Tòa nhưng khởi tố thì các cơ quan tố tụng sẽ phải đối diện với một lựa chọn không hề đơn giản. Không lẽ chấp nhận lời khai của Trần Hải Sơn lại bác bỏ lời khai của Dương Chí Dũng. Không lẽ trước tòa, Dương Chí Dũng Cục trưởng không được đối xử bình đẳng như với Tướng Ngọ Trung ương ủy viên.

Đoan Trang: Câu hỏi pháp luật:

Nếu có những lời khai (chẳng hạn của Dương Chí Dũng) cho rằng cả Bộ trưởng Trần Đại Quang lẫn Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – nghĩa là hai quan chức đầu ngành của Bộ Công an, riêng Trần Đại Quang còn là ủy viên Bộ Chính trị – đều có liên quan đến chạy án, tham nhũng, làm lộ bí mật công tác, v.v., thì theo bạn, căn cứ vào pháp luật Việt Nam hiện hành, cá nhân / cơ quan nào có thể đứng ra khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Bộ trưởng Công an? Nói cách khác, ai sẽ là người điều tra khi chính cơ quan điều tra phạm pháp?

Có thể có 2 phương án trả lời:

1. Bộ Chính trị
2. Quốc hội.

Với phương án (1): Thì đấy là việc ''nội bộ'' của Bộ Chính trị rồi, nhân dân không được quyền biết, không được phép bàn thảo.

Với phương án (2): Theo bạn, căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành, Quốc hội có quyền lập ủy ban điều tra đặc biệt không? Nếu có, đó là luật nào? Làm cách nào để Quốc hội thành lập một ủy ban như thế?

Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Quan tòa sẽ khó mà khách quan khi xét xử vụ án do chính mình khởi tố. Bởi vậy, quy định "Hội đồng Xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án" theo Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành thường bị các luật gia phê phán, và trên thực tế, khi phát hiện tình tiết mới hoặc dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX thường đề nghị VKS khởi tố thay cho mình, để tránh phần trách nhiệm về sau.

Tuy nhiên trong vụ việc lần này có thể thấy sự sốt sắng của HĐXX khi gần như ngay lập tức đưa ra quyết định khởi tố vụ án lộ mật.

Câu chuyện có thể không chỉ dừng lại ở đây, và các diễn biến vừa qua cho thấy một phe nào đó có vẻ như đang nắm rất chắc thiết chế tòa án trong trận đánh lần này.

"Khi được hỏi, bộ Công an sẽ vào cuộc thế nào nếu tòa trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ án hay khởi tố vụ án làm lộ bí mật điều tra, Trung tướng Cộng từ chối trả lời."

Dương Chí Dũng đã khai cả Thứ trưởng lẫn Bộ trưởng công an, thì liệu có ai trong Bộ này dám tiến hành điều tra khi hai vị vẫn còn tại chức và nắm trong tay quyền sinh sát đối với các điều tra viên?

Hai cơ quan có quyền tạm đình chỉ công tác bộ trưởng để phục vụ điều tra là Quốc Hội và Chủ tịch nước, tuy nhiên, với điều kiện là có sự đệ trình của Thủ tướng.

Nhưng chẳng may, vì lý do gì đó, Thủ tướng kiên quyết không đệ trình thì sao?

Một phương án là Quốc Hội có thể lập Ủy ban Điều tra lâm thời theo đúng thẩm quyền quy định trong Luật Hoạt động Giám sát của Quốc Hội. Chỉ có điều, phiên họp gần nhất diễn ra vào tháng 5, vì QH Việt Nam chỉ họp xuân thu nhị kỳ.

Ủy ban Thường vụ QH, Nhóm đại biểu chiếm trên 1/3 số ghế QH và Chủ tịch nước là các chủ thể có quyền triệu tập cuộc họp bất thường. Trong thực tế chính trị Việt Nam có lẽ khả thi nhất là chủ thể thứ 3.

(giả định rằng các hướng xử lý nội bộ trong đảng bị bế tắc và các phe nhóm sử dụng các quy định luật pháp và thiết chế chính quyền để 'xử' nhau)

Luật sư Trần Đình Triển: CHUYỆN CHỈ CÓ 500 NGHÌN USD ĐƯA ÔNG THƯỢNG TƯỚNG NGỌ CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ

Mong các anh chị em FB, công luận, báo chí,... bình tĩnh. Phải cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân và nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã quan tâm giải quyết vụ án này. 

Tôi khẳng định ông Dương Chí Dũng không hưởng lợi dù 1 xu nào trong 1,666 triệu đô-la trong việc mua ụ nổi. Tại sao phải ghép ông vào tội tham ô tài sản trong 1,666 tr USD để buộc ông Dũng phải chịu mức án tử hình (càng sớm càng tốt). Tôi tham gia bào chữa cho anh Dương Tử Trọng từ giai đoạn điều tra và cho anh Dương Chí Dũng từ giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tại tòa sơ thẩm tôi đã có ý kiến đề nghị anh Dũng bình tĩnh không và chưa đưa thông tin về "mật báo và tiền", đưa Ông Ngọ trong vụ này vì chính anh là bị cáo nên mọi người dễ cảm nhận không khách quan,... chờ vụ xử "tổ chức người trốn ra nước ngoài"sẽ khách quan hơn,với tư cách nhân chứng,...

Ai cãi và che dấu vụ việc này và đổ lỗi cho ông Dương Chí Dũng vu khống ông Ngọ chăng? Mọi người bình tâm và cố gắng chờ đợi, tôi công bố thông tin, liệu Ông Ngọ có trốn chạy được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không?!


Lệnh của Trung Quốc không cho các tàu đánh cá nước ngoài đi vào ... Biển Đông


09/01/2014


Người dịch: Ngọc Thu
clip_image002

Quy định mới ban hành trước khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến Mỹ và tàu hải quân Trung Quốc không lâu.
Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu đánh bắt cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương trước khi đánh bắt cá hoặc khảo sát ở 2/3 khu vực trên Biển Đông, tạo khả năng cho các cuộc đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về các tuyên bố chủ quyền trên biển ở các đảo tranh chấp.
Lệnh mới đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 [năm 2014] sau khi được các nhà chức trách chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành hồi cuối tháng 11.
Theo quy định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài quá cảnh vào khu vực hành chánh mới trên biển ở Hải Nam — khu vực gồm 2/3 vùng biển nằm trong 1,5 triệu dặm vuông trên Biển Đông — phải được sự chấp thuận của các nhà chức trách Trung Quốc.
Các biện pháp mới được áp đặt ngày 29 tháng 11 và công bố ngày 3 tháng 12 qua các phương tiện truyền thông nhà nước, là một phần trong chính sách thực thi luật thủy sản của Trung Quốc.
Luật pháp Trung Quốc nói rằng, các tàu vi phạm quy định lệnh đánh bắt cá sẽ bị buộc rời khỏi khu vực, thủy sản đánh bắt được sẽ bị tịch thu và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 82.600 Mỹ kim. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu cầu pháp lý rõ ràng đối với ngư trường tranh chấp mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước khác trong khu vực tuyên bố chủ quyền.
Một tàu tuần tra hàng hải Trung Quốc tấn công một thuyền đánh cá Việt Nam hôm 3 tháng 1 gần quần đảo Hoàng Sa là sự cố đầu tiên theo quy định mới, theo truyền thông nhà nước Việt Nam. Trung Quốc sử dụng súng điện và dùi cui để đánh các ngư dân và tịch thu 5 tấn [thủy sản] của họ cùng các thiết bị đánh bắt cá. Vụ việc đã được loan tải trên trang web Câu chuyện Ngư dân (Fishermen Stories).
Các quy định đánh bắt cá ở Biển Đông chưa được tiết lộ công khai ngoài Trung Quốc.
Bị đe dọa trong cuộc tranh chấp là những vấn đề quan trọng của tự do hàng hải quốc tế, và nỗ lực của Trung Quốc là nắm bắt và kiểm soát vùng biển được biết có ngư trường lớn và có lượng dự trữ dầu khí chưa được khai thác.
Tháng trước, Trung Quốc tạo ra tình trạng rắc rối quốc tế với Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn và Hoa Kỳ qua tuyên bố khu vực nhận diện phòng không (DIZ) ở gần vùng Biển Hoa Đông. Nhật Bản bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với khu vực phòng không. Lầu Năm Góc đã cho hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 bay qua khu vực để thách thức đối với những tuyên bố của Trung Quốc.
Tháng trước, một tàu tuần tiễu của Hải quân Mỹ với tên lửa dẫn đường gần như đụng độ với một tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông gần đảo Hải Nam, khi tàu USS Cowpens của Mỹ quan sát Trung Quốc diễn tập hải quân.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không có bình luận gì. “Một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc không có lời bình luận ngay lập tức”.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry nói ở Manila ngày 17 tháng 12 rằng, Hoa Kỳ muốn các tranh chấp hàng hải trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc để nhanh chóng ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử, như là chìa khóa để giảm nguy cơ các tai nạn hoặc tính toán sai lầm”.
“Trong quá trình đó, chúng tôi nghĩ rằng các bên tranh chấp có trách nhiệm làm rõ yêu cầu của mình và làm cho yêu cầu của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông Kerry nói, khu vực phòng không trên Biển Hoa Đông không nên thực thi và cảnh báo Trung Quốc “kiềm chế những hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã loan tải rằng, do phản ứng dữ dội của quốc tế trên vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc không tuyên bố một khu vực phòng không tương tự ở Biển Đông.
Các khu vực cấm đánh bắt cá ở 2/3 trên Biển Đông dường như là nỗ lực của Trung Quốc để củng cố tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ trên vùng biển này.
Các nhà phân tích nói rằng các quy tắc đánh cá mới của Trung Quốc có khả năng tạo ra các tranh chấp lớn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
“Điều này rất quan trọng, nhưng không bất ngờ”, ông John Tkacik, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc cho biết.
Ông Tkacik nói rằng, tuyên bố về vùng biển mới ở Hải Nam dường như là một phần trong chính sách của Trung Quốc để dần dần xiết chặt kiểm soát trong khu vực. Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ khu vực Biển Đông là lãnh thổ của họ qua “đường chín đoạn đứt khúc” mơ hồ, bao gồm vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.
Ông nói: “Bắc Kinh hiện nay đang đẩy mạnh sự mơ hồ trước đây về tình trạng pháp lý của ‘đường chín đoạn đứt khúc’, ban hành một ‘phương sách cấp tỉnh’ để xem phản ứng [của các nước trong khu vực] ra sao”.
Tuyên bố khu vực đánh cá mới ở Hải Nam cũng cho thấy [Trung Quốc] từ từ buộc các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Hoa Kỳ chấp nhận sự xâm chiếm biển của Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ quân sự trong 30 năm qua về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo nằm trong khu vực mới [mà Trung Quốc đưa ra]. Tàu Trung Quốc đã bắn vào hai tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2005, giết chết 9 người. Video từ Việt Nam đăng tải trên mạng cách đây vài năm cũng cho thấy tàu tuần tra Trung Quốc bắn súng máy vào ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, các tàu hải quân Trung Quốc đã đối đầu với Philippines về tuyên bố của họ ở quần đảo Trường Sa, cũng nằm trong khu vực cấm đánh cá mới của Hải Nam.
Các tranh chấp đánh bắt thủy sản khác trong khu vực đảo Hải Nam gồm bãi ngầm Macclesfield Bank, nằm phía đông Parcels, và bãi cạn Scarborough, gần đảo Luzon của Philippines.
Trung Quốc cũng đã quấy rối tàu thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
Biển Đông là nơi diễn ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc hôm 5 tháng 12, khi tàu đổ bộ xe tăng của Hải quân Trung Quốc khởi hành và dừng lại khoảng 100 mét trước mặt tàu sân bay USS Cowpens, một tàu tuần tiểu có tên lửa dẫn đường.
Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, nỗ lực của Trung Quốc để ngăn chặn tàu Cowpens là “vô trách nhiệm” và cho biết vụ việc có thể gây ra một thách quân sự lớn hơn.
Ông Tkacik nói các nước Đông Nam Á có thể thách thức khu vực cấm đánh bắt cá mới [của Trung Quốc đưa ra] thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ông nói: “Rõ ràng là Trung Quốc đang coi thường [công ước] qua thông báo này”.
Bắc Kinh có thể sẽ làm lệch những lời chỉ trích khu vực cấm đánh bắt cá bằng cách tuyên bố quy định này do chính quyền địa phương khởi xướng, và do vậy lệnh này không phải là một phần của chính sách quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc không có vẻ muốn hủy bỏ các lệnh đó và có thể bắt đầu hạn chế đánh bắt cá tương tự ở Biển Hoa Đông.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có vẻ tin rằng Hải quân Hoa Kỳ đủ sức duy trì và bảo vệ quyền lợi hàng hải của Mỹ theo luật pháp quốc tế, không cần Công ước LHQ về Luật Biển, ông Tkacik nói, lưu ý rằng trong khi Nhật Bản đã ký công ước này nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa ký. Ông nói: “Khi Hải quân Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và Hải quân Hoa Kỳ thu nhỏ lại, các lựa chọn của Washington sẽ không còn nhiều trong một vài năm”.
Ông nói thêm: “Tôi không biết bất kỳ người nào ở Washington, hoặc là ở Bộ Ngoại giao hoặc ở Lầu Năm Góc, nghĩ rằng thách thức này sẽ vượt khỏi [tầm kiểm soát] trong một năm. Đó là nỗi bất hạnh của Mỹ, rằng họ không còn bất kỳ một nhà chiến lược hàng hải thật sự nào nữa”.
B.G.
Nguồn bài gốc: The Washington Free Beacon
Nguồn bài dịch: basam.info


TQ không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông

TQ không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông

Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.
Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.
VOA 8/1/14Trung Quốc ra lệnh cho tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Theo tin của hãng thông tấn AP, lệnh mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được công bố bởi chính quyền tỉnh Hải Nam hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái.

Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.

Qui định mới còn nói rằng tàu nào vi phạm sẽ bị xua đuổi, cá tôm bắt được sẽ bị tịch thu và bị phạt vạ với tiền phạt lên tới 82.600 đô la; và trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu sách pháp lý rõ ràng đối với ngư trường nằm trong phạm vi của đường chín đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vạch ra và cho là “hải phận lịch sử” của họ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bình luận gì về các qui định mới của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, hôm nay cho biết chính phủ ở Manila đang xác minh tin này với các đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh và Hà Nội.

Hãng thông tấn AP trích thuật tin tức của báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cho biết một chiếc tàu hải giảm của Trung Quốc đã tông vào một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam hôm 3 tháng 1 gần quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Trong vụ việc đầu tiên sau khi Trung Quốc đưa ra qui định mới, lính Trung Quốc đã dùng súng điện và dùi cui đánh đập các ngư phủ Việt Nam và tịch thu 5 tấn cá cùng với ngư cụ của họ.

Các nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc có phần chắc sẽ làm cho vụ tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ.” Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần của chính sách của Trung Quốc nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.

Theo ông Tkacik, Bắc Kinh đang bước ra khỏi sự mơ hồ trước đây về qui chế pháp lý của “đường chín đoạn” để ban bố “một biện pháp cấp tỉnh” để xem phản ứng của các nước khác như thế nào. Ông Tkacik cho biết các nước Đông Nam Á có thể thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Trung Quốc. Ông nói rằng “Với loan báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc.”

Trung Quốc và Việt Nam từng xảy ra nhiều vụ đụng độ quân sự ở Biển Đông trong 40 năm qua. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng sức mạnh để chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1988, hải quân Trung Quốc cũng đã tấn công các lực lượng hải quân Việt Nam để chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), gây tử vong cho hơn 60 binh sĩ Việt Nam. Năm 2005, các tàu của Trung Quốc đã bắn vào hai chiếc tàu đánh cá của Việt Nam, giết chết 9 người.

Các đoạn phim video do phía Việt Nam đăng tải trên internet cách nay vài năm cũng cho thấy các tàu tuần của Trung Quốc nổ súng bắn vào các ngư phủ Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn: AP, GMA News

Theo VOA

Ông Dương Chí Dũng khai cả bộ trưởng Trần Đại Quang


THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 1 NĂM 2014

Ông Dương Chí Dũng khai cả bộ trưởng Trần Đại Quang

Dương Tự Trọng cầm loa kêu gọi anh em anh Vươn đầu hàng lúc tham gia tấn công cướp đất nhà anh Đoàn Văn Vươn và Dương Tự  Trọng đứng trước tòa hôm nay - Ảnh và chú thích của Nguyễn Lân Thắng

Một điều đáng chú ý khác trong lời khai của ông Dương Chí Dũng trước tòa, đó là việc ông xác nhận "đã khai báo ở Sài Gòn" về việc ông Phạm Quý Ngọ. Thế nhưng ai đã là người cản trở hướng điều tra này, để cho sự việc chìm đi và chỉ đến hôm nay ông Dũng ra tòa, nhắc lại sự việc thì báo chí và công an mới biết?

Video: Lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan đến thứ trưởng bộ CA Phạm Quý Ngọ và bộ trưởng Trần Đại Quang (Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Báo Tuổi Trẻ Online vừa công bố một đoạn clip khá đầy đủ về lời khai của ông Dương Chí Dũng trong phiên tòa ngày 7/1/2014. Trong vai trò nhân chứng, ông Dũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin, bằng chứng về các khoản hối lộ lên 1,5 triệu đô-la cho thứ trưởng bộ công an Phạm Quý Ngọ. Ngoài ra, một số nhân vật đang giữ các vị trí quan trọng trong bộ công an và cả giới tài phiệt cũng đã được nêu đích danh tên tuổi, chức vụ.


Đáng chú ý, bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang cũng xuất hiện trong lời khai của ông Dương Chí Dũng liên quan đến khoản hối lộ 20 tỷ, tức 1 triệu đô-la Mĩ cho tướng Ngọ. Bộ trưởng Quang được nói là người đã 'nêu ý kiến với anh Ngọ' để 'anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp'.

Trong lời khai tiếp theo, ông Dương Chí Dũng kể lại buổi tiếp xúc và trao đổi riêng với ông Trần Đại Quang tại nhà bộ trưởng. Tuy nhiên, khi đang nói tiếp những vấn đề liên quan đến bộ trưởng công an Trần Đại Quang thì phía hội đồng xét xử lập tức lên tiếng cắt lời.

Dưới đây là nội dung lời khai của ông Dương Chí Dũng tại tòa có liên quan đến tướng Phạm Quý Ngọ và bộ trưởng Trần Đại Quang:

* * *
Ông Dương Chí Dũng: Kính thưa hội đồng xét xử

Tôi nói những điều như trước khi tôi nói, tôi đã gần như tuyên thệ rồi. Tôi nói những điều thật nhất, bởi vì tôi là anh, tôi không thể nói những điều oan cho ai cả.

Việc tôi đưa cho anh Ngọ 20 tỷ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Chị Lan chuyển cho một người khác. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: “Sẽ có người ở Hà Nội chuyển cho anh, gặp người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này dùng để đưa cho ai, hoặc làm gì”

Chị còn dặn tôi như thế. Và anh Tiệp là người đưa cho tôi. Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi. Đấy là cái thứ nhất, tức là có 2 người biết. (* Chú Thích: 'Chị Lan' tức là bà Trương Mỹ Lan là giám đốc công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.)

Còn một việc nữa mà hôm nay tôi mới nói, anh Tiệp có đưa tiền cho tôi 2 lần, sau đó anh Tiệp còn còn điện thoại hẹn tôi một lần để nói chuyện.

Anh Tiệp có nói là “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - bộ trưởng bộ công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa”.

Sau đó một thời gian, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Khi ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo với anh Quang là “Anh Ngọ có giới thiệu công ty … (không nghe rõ) như thế, em hiện nay thì...” 

Anh Quang bảo: “Chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả”

- Tiếng một người trong hội đồng xét xử cắt lời: Thôi thôi... trình bày rồi

Ông Dương Chí Dũng nói tiếp: Vâng, riêng cái tiền ấy (20 tỷ – CTV) thì có ít nhất 2 người biết, thế rồi tôi gặp chị Lan qua anh Minh – tổng giám đốc Cảng Sài Gòn bố trí cho tôi và chị gặp.

Còn cái tiền 500 nghìn đô tôi đưa sau này, khoảng 6-7 giờ tối ngày mùng 2/5, chú lái xe tôi chở đi. Đây là tiền tôi vay của mấy người, tôi khai lúc còn ở Sài Gòn tôi báo cáo với… (tiếng gõ vào micro cắt lời)

- Tiếng người trong hội đồng xét xử: Thôi anh Dũng ạ, anh dừng ở đây.

Nguồn Video: Tuổi Trẻ Online


(Dân luận)

7/1/14

Ông Dương Chí Dũng ‘khai tên của Thứ trưởng Bộ Công an’

VOA


Ông Dương Chí Dũng ‘khai tên của Thứ trưởng Bộ Công an’


Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.


 
Người từng bị tuyên án tử hình trong vụ Vinalines hôm nay khai rằng ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, là người ‘báo tin khởi tố’ cho mình.

Ông Dương Chí Dũng nói như vậy khi được đưa ra làm chứng trong phiên xử em trai ông là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, về hành vi tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Trọng, xác nhận với VOA Việt Ngữ về lời khai của nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).

“Ở phiên tòa, anh Dũng khai thông tin rằng chiều ngày 17 [tháng Năm 2012], ông Ngọ cho biết ý kiến của Thủ tướng đồng ý khởi tố, bắt giam anh Dũng rồi nói là anh hãy lánh đi một thời gian. Sau đó anh Dũng khai là trên cơ sở đó ông ấy hoảng loạn nên tìm đường đi trốn”.

Tại tòa, ông Dũng cho biết ông đã bị tuyên án tử hình, nên ‘ra đây tôi chỉ khai sự thật’.

Trong khi đó, báo điện tử VnExpress đã dẫn lời ông Ngọ phủ nhận lời khai của ông Dũng và khẳng định rằng ông ‘không liên quan tới việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng’.

Giới chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam còn nói rằng ‘Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này’.

Thoạt đầu, nhiều tờ báo của Việt Nam không nêu đích danh ông Ngọ, trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines, khi đưa tin về lời khai của ông Dương Chí Dũng. Một số trang tin điện tử chỉ viết rằng ông Dũng đã được ‘ông anh’ mật báo.

Tới tối hôm nay, theo quan sát của VOA tiếng Việt, các báo lớn trong nước đều đưa tên của Thứ trưởng Bộ Công an lên trên tít.

Báo chí trong nước còn đưa tin, ông Dũng ‘khai đã mang 500.000 đôla tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an’.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, tình tiết mới phát sinh tại tòa này ‘có thể thay đổi tính chất vụ việc’.

“Theo quan điểm của tôi, nó sẽ phải thay đổi. Tôi đã trình bày quan điểm của tôi tại phiên tòa bởi vì tôi cho rằng như vậy thì không thể nói thân chủ của tôi là người chủ mưu được. Nếu như anh Dũng ông khai đúng, thì nó sẽ sinh ra việc có một người khác ở đâu đấy còn quan trọng hơn. Người ta sẽ xác định được mức độ của anh Dũng nguy hiểm hay không nguy hiểm, hoặc là những người ở bên dưới này chỉ nghe tin những người trên kia nói như thế thì người dưới trở thành người chấp hành. Tôi bảo vệ cho thân chủ của tôi, chúng tôi khẳng định rằng việc kết luận rằng ông Trọng chủ mưu, cầm đầu vụ đó, chúng tôi cho rằng không thỏa đáng vì nó đã có một người khác định hướng trước rồi thì làm sao lại nói những người bên dưới chủ mưu được. Chủ thì chỉ có một chủ chứ làm sao có nhiều chủ được”.

Báo chí trong nước đưa tin, sau khi căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các nhân chứng thì thấy có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị hội đồng xét xử ‘khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự’.

Theo điều luật này, ‘người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm’, và nếu ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm’.

Ngoài ra điều 286 còn quy định rằng ‘người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm’.

Ông Hưng cho biết sáng ngày 8/1, Viện kiểm sát sẽ đáp lại các quan điểm của luật sư và luật sư sẽ tranh luận tiếp rồi tòa sẽ tuyên án vào buổi chiều.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra hôm 16/12, tòa án Việt Nam đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng về tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

VOA

Khả năng nào là Phạm Quý Ngọ vô tội.?


Khả năng nào là Phạm Quý Ngọ vô tội.?

Người Buôn Gió
Sẽ không có nhân chứng nào xác nhận Ngọ báo tin cho Dũng. Việc báo tin giữa hai người đều bằng sim rác, với việc sử dụng một điện thoại mới, dùng một sim rác mới để liên lạc một hai lần rồi bỏ cả sim lẫn điện thoại đi thì việc tìm bằng chứng người gọi là mò kim đáy bể.

Chuyện tiền nong chỉ trên lời khai của Dũng, không có ai xác nhận Dũng đã đưa tiền đến nhà Ngọ.


Một lập luận nữa Ngọ có thể cãi rằng. Vì Ngọ chỉ huy vụ án, cho nên xét về mặt lời khai của bị cáo trong vụ án mà chính Ngọ điều tra,  động cơ tố cáo không trong sạch vì sự thù hằn. Đối tượng bị kết án tử hình tất mang bụng oán người điều tra, vu cáo để trả thù là chuyện dễ xảy ra.

Về lý thì Ngọ cãi được, chưa kể mang Ngọ ra điều tra còn phải có ý kiến của BCT hay trung ương Đảng. Tầm của Ngọ không thể VKS nói khơi khơi là đề nghị làm rõ là có thể triệu Ngọ đến điều tra được. Đợi được ý kiến chỉ đạo thống nhất xử lý Ngọ là cả một vấn đề lớn.

Nhận 1, 5 triệu đô la hối lộ. Khung hình phạt có khi đến mức tử hình chứ chẳng phải chơi, chưa kể đến tội cố ý làm lộ bí mật cũng xấp xỉ 10 đến 20 năm. Nên chuện dù có tội hay không thì người bị vào khung này chối tội là chuyện đương nhiên, người thường còn chối huống chi người đứng trên bậc cao danh vọng, quyền lực.

Bởi thế chắc thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ là một con người trong sạch, vô tội, một lòng một dạ tận tụy vì công việc. Việc tên tội phạm vì động cơ đê hèn trả thù mà tố cáo thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, lời tố cáo ấy chỉ càng chứng mình cho thấy  thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã làm việc hết mình. Một cấp cao sẽ khẳng định lời khai của Dương Chí Dũng là không đủ cơ sở để điều tra khởi tố Phạm Quý Ngọ....chỉ đạo chấm dứt điều tra.

Nhưng mà nếu không phải Ngọ báo tin cho Dũng trốn. ?

Vậy thì ai là người báo, cấp trên cao hơn nữa của thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chăng.? Ngọ đã là thứ trưởng công an, ủy viên trung ương đảng. Cấp trên của Ngọ chắc là ủy viên BCT. Ngay buổi chiều thủ tướng '' chấp nhận '' bắt giam Dương Chí Dũng, thì đến tối cách nhau vài chục phút Dũng đã biết tin để trốn thoát. Khoanh vùng những người biết thông tin này tại thời điểm đó không nhiều. Dương Chí Dũng biết tin thì ắt phải có người báo tin. Đáp án ở đây là phải có người báo tin cho Dương Chí Dũng, không thể không có người báo tin. Vậy không phải Ngọ thì là ai.?

Kịch bản đã được soạn từ trước, có lẽ Dương Chí Dũng biết phiên tòa sẽ diễn ra thế nào, mức án tử hình mà tòa tuyên cho mình là điều Dũng không bất ngờ. Dũng bình tĩnh đọc thơ và bình thản nhận lời tuyên án khắc nghiệt. Bởi Dũng biết mọi việc đến đây chưa kết thúc.

Ngọ và cấp trên'' nào đó nếu có '' của Ngọ đã bị đánh lừa trước phiên tòa vài hôm bằng văn bản quy định không tiết lộ bí mật liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng được chính những người giải quyết vụ án này đưa ra . Tưởng chắc rằng bí mật ở vụ án báo tin , tham nhũng, đại án này sẽ được giữ lại và sẽ có cách xử lý, giải quyết bên đằng sau hậu trường. Cả cấp trên Ngọ và Ngọ đều ung dung với hy vọng chắc mẩm lối thoát 5 tỷ đồng sẽ cứu Dương Chí Dũng thoát tội chết, mọi việc sẽ giải quyết thêm sau này để nhẹ dần thời gian chịu hình phạt của Dương Chí Dũng. Chưa kể trước nữa thông tin um xùm mà Ngọ vẫn được lên chức, lên lon càng làm cho Ngọ vững tin hơn.

Nhưng ở phiên tòa, bỗng nhiên chủ tọa cho Dương Chí Dũng khai tuốt tuột, cho báo chí ghi âm nguyên văn. Để báo chí tha hồ đưa tin lên các phương tiện đại chúng, tên tuổi,chức vụ, thời điểm, số tiền. Một đòn thật bất ngờ và hiểm, và cũng đâu có phạm quy định nào. Đây là lời khai giữa phiên tòa công khai cơ mà, đâu có phải hướng điều tra, bí mật gì nữa, đã ra tòa là phanh phui hết sự thật mới gọi là tòa chứ.

Mọi việc đã bị đẩy ra giữa ánh sáng. Kẻ trốn chạy vì có người báo tin. Bài toán pháp luật trong vụ án Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng  là phải có đối tượng báo tin, dư luận quần chúng sôi sục đòi tìm ra kẻ báo tin. Giờ cứ gọi cho là lời khai của Dương Chí Dũng chưa đủ cơ sở để khẳng định Ngọ báo tin. Vậy thì ai là kẻ báo tin. Nếu không tìm ra kẻ khác nào Ngọ, tức là không tìm ra được kẻ báo tin cho Dương Chí Dũng. Thì coi như pháp luật Việt Nam đã tự kết liễu niềm tin của nhân dân trong vụ án này. Đó sẽ là một tổn thất rất lớn có thể nguy hại đến cả thể chế, khi mà ở một vụ đại án như thế này có  bị hại ( thông tin bị tiết lộ ) mà không tìm ra được thủ phạm ( kẻ tiết lộ ).

Với thế trận cùng đường như vậy, việc tìm ra người báo tin cho Dương Chí Dũng bắt buộc là phải có. Và đương nhiên kẻ biết tin vào thời điểm ấy phải từ cấp thứ trưởng Phạm Quý Ngọ trở lên.

Đây là một trận đánh đẹp của ban Nội Chính Trung Ương. Chỉ hy vọng nó không phải là món võ của người Tàu, nếu là sự hướng dẫn dạy bảo của người Tàu cho trưởng ban Nội Chính. Thì chưa hẳn đây đã là điều đáng mừng trọn vẹn. Có khi nó lại là một mối lo.