Tờ Hoàn Cầu Thời báo vẫn được coi là Fox News của Trung Quốc. Trên một phương diện nào đó, thật khó phân loại tờ báo với số lượng phát hành 1,5 triệu bản này.
Vì đây là một tờ báo do nhà nước Trung Quốc quản lý, trực thuộc tờ Nhân dân Nhật báo và thường chạy các bài xã luận mang tính dân tộc chủ nghĩa mà dường như thể hiện xu hướng gây hấn hơn trong các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Sau đây là cuộc phỏng vấn Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), do chương trình Newshour của BBC thực hiện,Mặt khác thì phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo lại nhắc tới sự kiện Thiên An Môn năm 1989 nhân dịp kỷ niệm 20 năm - một việc làm khá táo bạo tại Trung Quốc.
BBC: Ông nhận định thế nào về những phát triển tại đất nước Trung Quốc hiện đại như một xã hội tư bản?
Hồ Tích Tiến (HTT): Tôi không nghĩ Trung Quốc là một xã hội tư bản. Trung Quốc đã và đang có những cải tổ theo kinh tế thị trường. Đó là nền kinh tế thị trường, nhưng không phải là một xã hội bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa tư bản. Các quyết định được chính phủ và nhân dân cùng đưa ra chứ không phải được quyết định bởi chủ nghĩa tư bản.
"Trung Quốc phát triển cơ chế nhân quyền riêng của mình. Hoa Kỳ có thể là một ví dụ tốt cho Trung Quốc nhưng nó là tùy thuộc vào quyết định của Trung Quốc muốn làm cách nào và làm gì trên phương diện này"
BBC: Cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản là niềm tin đã được đưa vào Hiến pháp của Trung Quốc rằng phương tiện sản xuất là thuộc sở hữu toàn dân. Đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng nhiều phương tiện sản xuất tại Trung Quốc này thuộc sở hữu tư nhân. Làm sao ông có thể nói rằng Trung Quốc là một xã hội cộng sản. Nó không phải là cộng sản.
HTT: Tôi không nghĩ là như vậy. Trung Quốc không phải là một xã hội cộng sản mà đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Trong xã hội của chúng tôi, định nghĩa về sở hữu phương tiện sản xuất đã và đang có thay đổi không ngừng. Vào lúc này chính xác kiểu sở hữu nào Trung Quốc cần theo chỉ có thể được quyết định bởi thực tế, bởi kiểu sở hữu đem lại lợi ích nhất cho xã hội.
BBC: Ông nói tới thực tế. Rõ ràng là chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc đã thất bại và Trung Quốc đã chấp nhận hệ thống kinh tế của phương tây là ưu việt hơn so với hệ thống kinh tế mà đảng của ông theo đuổi?
HTT: Không thể nói là Trung Quốc đã thất bại. Trung Quốc luôn có những tiến bộ, từ ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tới ngày nay, nền kinh tế luôn phát triển không ngừng. Chúng tôi nhận ra rằng nền kinh tế thị trường là cách tốt để tổ chức nguồn lực xã hội nhưng nền kinh tế thị trường không thể được coi là tương ứng với chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tư bản là khái niệm phân chia nguồn lực vì lợi ích của xã hội và nhân dân bằng tiền bạc (tư bản). Kinh tế thị trường là sự phản ánh mức độ tiến triển của nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản không thể độc quyền hóa kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là khái niệm toàn cầu.
'Có thể học ở Hoa Kỳ?'
BBC: Là một đảng viên cộng sản, ông có tự hào rằng Trung Quốc có rất nhiều các nhà triệu phú trong khi cũng còn rất nhiều người đang sống ở mức sống với thu nhập rất ít ỏi?
HTT: Tôi nghĩ là vấn đề này cần được giải quyết. Khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo không phải là tốt. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực trong việc làm giảm khoảng cách về thu nhập này.
BBC: Hoa Kỳ tự xem họ là người đi đầu về dân chủ và nhân quyền trên khắp thế giới. Ông nhận định về Hoa Kỳ như thế nào? Ông sẽ dùng những từ gì để miêu tả về Hoa Kỳ?
HTT: Tôi cho rằng Hoa Kỳ là một đất nước rất thành công. Nó cũng là một đất nước dân chủ. Hoa Kỳ có rất nhiều thứ mà Trung Quốc nên học hỏi. Nhưng Trung Quốc có hoàn cảnh rất riêng biệt khiến rất khó có thể bắt chước một số cách thức của Hoa Kỳ.
"Chuyện tranh đấu thì vẫn luôn còn đó. Nhưng chúng tôi có giới hạn của mình. Nay, tại Biển Đông đang có hòa bình, chứ không phải là chiến tranh"
Trung Quốc có thể học được ở Hoa Kỳ rất nhiều điều. Nền dân chủ của Hoa Kỳ là một cơ chế hay mà Trung Quốc có thể nghiên cứu. Khái niệm về nhân quyền của Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc có những tiến bộ.
Đồng thời Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống dân chủ riêng của mình. Chúng tôi phát triển cơ chế riêng của mình về nhân quyền. Nhưng Trung Quốc không thể hành động giống hệt như Hoa Kỳ.
BBC: Vâng, nhưng ông có cảm thấy hài lòng khi các chính trị gia Hoa Kỳ tới Bắc Kinh và cố tìm cách bảo đảm cho công dân nước ông các quyền này? Ông chào đón sự can thiệp của họ?
HTT: Tôi phản đối những việc họ làm. Trung Quốc phát triển cơ chế nhân quyền riêng của mình. Hoa Kỳ có thể là một ví dụ tốt cho Trung Quốc nhưng nó là tùy thuộc vào quyết định của Trung Quốc muốn làm cách nào và làm gì trên phương diện này.
'Đại bác ở Biển Đông'
BBC: Nhưng tạp chí của ông, tôi xin được đề cập tới ở đây, dường như chuyên về các tư vấn, đe dọa và thậm chí cả những xúc phạm tới các nước khác. Tại sao ông lại có thái độ thù nghịch như vậy đối với những người Mỹ tới Trung Quốc để nói chuyện về chính sách của Trung Quốc trong khi ông lại sẵn sàng bảo các nước khác phải làm gì?
HTT: Tôi cho rằng phương tây có quyền chỉ trích chúng tôi. Và chúng tôi cũng có quyền chỉ trích phương tây và đồng thời chỉ trích những chỉ trích của phương tây về Trung Quốc. Sự hội nhập giữa các nền văn hóa thường dựa vào những tương tác chặt chẽ hơn.
BBC: Nhưng ông vừa nói rằng ông phản đối các chính trị gia Mỹ tới Trung Quốc và khuyên đất nước ông phải làm gì để bảo vệ quyền công dân? Điều đó là hoàn toàn mâu thuẫn.
HTT: Tôi nghĩ suy nghĩ của ông là quá đơn giản. Trung Quốc là một đất nước phức tạp. Chúng tôi tiếp nhận các ý tưởng từ Hoa Kỳ, rất nhiều ý tưởng từ Hoa Kỳ nhưng khi các chính trị gia Mỹ tới Trung Quốc và đưa ra các yêu cầu thì đó là chuyện chính trị chứ không phải là chuyện ý tưởng nữa.
Chính trị có hậu quả tương tự. Chúng tôi phản bác chính trị của họ vì đó là chuyện chính trị chứ không phải là những ý tưởng.
BBC: Thế khi Trung Quốc bảo với Việt Nam rằng họ phải chuẩn bị sẵn sàng lực luợng hải quân của họ, và bảo cả Philippines phải chuẩn bị nghe tiếng súng đại bác, khi tờ báo của ông xỉ vả các nước khác thì đó là ý tưởng hay là chính trị?
HTT: Họ không thể can thiệp vào chính trị của chúng tôi. Và chúng tôi không can thiệp vào chính trị của họ.
BBC: Nhưng ông nói với tôi rằng chúng ta phải tương tác và phải đối xử tốt với nhau, phải lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau?
HTT: Chúng ta phải đấu tranh với nhau. Nhưng ông có nghe thấy tiếng đại bác không? Không. Ông có nghe tiếng súng đại bác ở Biển Đông không? Không. Chuyện tranh đấu thì vẫn luôn còn đó. Nhưng chúng tôi có giới hạn của mình. Nay, tại Biển Đông đang có hòa bình, chứ không phải là chiến tranh.
Source : BBC