14/1/14

Bạn gái ông Hollande 'buồn ơi chào mi'?


Bạn gái ông Hollande 'buồn ơi chào mi'?



BBC   .  Cập nhật: 11:56 GMT - thứ ba, 14 tháng 1, 2014
Bà Valerie Trierweiler là bạn gái chính thức của ông Francois Hollande
Theo phóng viên BBC từ Paris, Hugh Schofield, người theo dõi câu chuyện tình trên chính trường nước Pháp có thể cảm thấy thích thú với một vài cách nói hiện đang được báo chí sử dụng.
Ví dụ khi người phát ngôn của Tổng thống Pháp nói rằng bà Valerie Trierweiler, bạn gái chính thức của ông Hollande cảm thấy 'le blues' thì điều đó có nghĩa là gì?

Trong trường hợp của Valerie Trierweiler, từ này được sử dụng để nhấn mạnh nỗi đau buồn của bà.
Le blues (cũng giống như the blues trong tiếng Anh) có nghĩa là buồn bã hoặc sầu muộn. Hứng chịu 'coup de blues' có nghĩa người đó bị một cú suy sụp tinh thần.
Câu chuyện nổ ra trên mặt báo khi người ta nêu cáo buộc ông Hollande, dù đang ở với bà trong Điện Elysee, đã hàng đêm đi thăm và ở lại với nữ diễn viên Julie Gayet.

Phái tả ăn sang và gà trống

Nhưng thông thường không ai phải nhập viện chỉ vì le blues.
Một vài báo nói rằng Trierweiler, Tổng thống Francois Hollande và người bạn gái mới của ông là Julie Gayet đều thuộc giới 'gauche caviar' - phe tả nhưng ăn trứng cá, một món đắt tiền.
Tiếng Anh có cách nói tương tự là những người theo phe xã hội nhưng uống sâm panh.
"Tổng thống Hollande chìm đắm trong các chuyến xuất hành khỏi Điện Elysee một cách bí mật"
Hàm ý của các khái niệm này là tố ra những người tuyên bố theo phe tả, thiên về bình đẳng xã hội, nhưng thực sự lại hưởng thụ như tầng lớp trên.
Tuy nhiên vì tư tưởng cánh tả là một phần rất đặc trưng của xã hội Pháp nên khi nói 'gauche caviar' thì người đọc nhận ra ngày đây là tầng lớp xã hội nào.
Những người thuộc giới 'gauche caviar' tỏ ra khinh đồng tiền nhưng lại coi chuyện có 'pied-a-terre' - căn nhà thứ nhì, để cho thuê hoặc để nghỉ - ở Rue du Cirque - phố của giới giàu có không xa dinh Tổng thống, là chuyện bình thường.
Rue du Cirque là nơi Julie Gayet được diễn viên Emmanuelle Hauck cho mượn một căn hộ để (theo tin đồn) tiện gặp Tổng thống.
Cổng có gà trống là nơi Tổng thống Hollande thường 'luồn ra ngoài buổi đêm'
Giả sử như căn hộ đó chính là của Tổng thống Hollande thì căn hộ sẽ không được gọi là 'pied-a-terre' mà sẽ là 'garconniere' (nơi ở của các chàng độc thân).
Trong khi đó, Hollande vẫn đắm chìm trong 'escapades discretes' - những chuyến xuất hành bí mật - theo cách nói rất chừng mực trên tờ L'Express về các cuộc phiêu lưu lãng mạn của Tổng thống Pháp.
Tờ L'Express biết Tổng thống đang làm gì nhưng không nói rõ ra, họ để dành phần đàm tiếu cho 'presse people' (các báo chuyên viết về người nổi tiếng).
Người Pháp cũng được biết về sự tồn tại của Grille du Coq.
Đó là cánh cổng kim loại trang trí cầu kỳ với chú gà trống Gôloa trên đỉnh nằm ở cuối vườn Elysee, nơi mà L'Express nói rằng Tổng thống thường 's'exfiltrer' (luồn ra ngoài).
Đôi khi Tổng thống Hollande đi môtô - hoặc chính xác hơn là 'scooter a trois roues' - một loại môtô có hai bánh xe trước và một bánh sau.
Trong thành phố Paris đông đúc, loại xe này giờ chỉ thường là lựa chọn của các nhân viên công sở thường thường bậc trung mặc comlê nhưng cưỡi xe máy khi họ cần đi họp.
( BBC sẽ còn tiếp tục đưa tin về các chuyện liên quan đến Tổng thống Francois Hollande ).

Theo BBC

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Chuyện Trường Đua


Tuesday, January 14, 2014

Chuyện Trường Đua



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140113
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Chưa qua năm Ngọ, bầy ngựa đã xổng chuồng.... 

* Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ: "còn tí xíu nữa là xong!" *


Ba ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Bắc Kinh đơn phương thông báo việc thành lập Vùng phòng không ADIZ (Air Defense Identification Zone) ngoài Đông hải của Trung Quốc thì tỉnh Hải Nam tặng các nước Đông Nam Á một món quà khó nuốt: kể từ đầu năm dương lịch 2014 mọi ngư thuyền ra vào Trung Nam Hải sẽ bị kiểm soát. Khu vực mơ hồ này bao trùm lên vùng độc quyền kinh tế EEZ của tỉnh, mà còn phủ lên hai triệu cây số vuông ngoài biển là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp về chủ quyền với các nước Đông Nam Á. Chưa biết tỉnh Hải Nam có khả năng kiểm soát thực tế hay chăng, biện pháp công bố cũng đã là một sự cưỡng từ đoạt lý. Nói cho gọn là cưỡng đoạt trắng trợn.

Trận đánh về ngoại giao và pháp lý đã bắt đầu.

Hoa Kỳ lập tức lên tiếng phản đối, qua lời phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao. Khốn nỗi, ưu tiên của Hoa Kỳ không nằm tại Đông Hải mà ở Trung Đông.

Kể từ ngày 20 này, Hoa Kỳ cùng năm quốc gia Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Liên bang Nga có sáu tháng thử nghiệm một tạm ước với Iran để nhất thời đông lạnh dự án hạch tâm của Tehran. Đổi lại thì các nước Tây phương sẽ giải tỏa dần lệnh cấm vận kinh tế. Tức là trận đánh về ngoại giao và pháp lý cũng bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Iran và có thể kéo dài suốt năm Ngọ.

Nhưng lồng trong hồ sơ ưu tiên của Chính quyền Barack Obama lại còn nhiều trận đánh khác.

Quốc hội Mỹ không yên tâm về thỏa thuận của Ngoại trưởng John Kerry với Iran. Nhiều dân biểu nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đang trù tính biểu quyết đạo luật tăng cường phong tỏa kinh tế Iran dù ông Obama đã hăm sẽ dùng quyền phủ quyết để vượt rào Quốc hội.

Trận đánh thứ hai là giữa Hoa Kỳ với các đồng minh truyền thống trong khu vực Trung Đông.

Chẳng những Israel nghi ngờ thiện chí và lời cam kết của Tehran, các nước Á Rập Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni không yêm tâm với việc Mỹ lặng lẽ hòa giải với Iran, một nước Hồi giáo của dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Theo phép đảo điên cố hữu, vì nhu cầu của mình, Hoa Kỳ sẵn sàng bắt tay đối thủ cũ – khi là phe Sunni như tại Iraq, khi là phe Shia như với Iran ngày nay – và gây khó chịu cho các đồng minh.

Lần này là Saudi Arabia, một nước Á Rập theo hệ phái Sunni và đang ngầm cạnh tranh với Iran. Đằng sau Saudi Arabia là nhiều nước Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư. Với các quốc gia này, Iran là thủ phạm của tình trạng bất ổn tại Lebanon với lực lượng Hezbollah, của vụ khủng hoảng tại Syria khi yểm trợ chế độ độc tài ở Damascus để lãnh tụ Bashar al-Assad thẳng tay đàn áp các lực lượng võ trang Sunni.

Ngoài chuyện Lebanon hay Syria, lực lượng al Qaeda nguyên thủy cùng các nhóm khủng bố nội hóa, tự xưng danh al Qaeda hoặc dùng phiêu hiệu al Qaeda để mở ra cuộc Thánh Chiến Hồi giáo vẫn tiếp tục tung hoành. Mục tiêu của các lực lượng này có thể là tôn giáo hay dân tộc, nhưng về phương pháp thì vẫn là khủng bố và bạo động.

Tuần qua, thành tích của nhóm al Qaeda tại Ramadi và Fallujah trong lãnh thổ Iraq khiến mọi người lo ngại. Sau khi hao tốn cả người và của tại Iraq trong cả chục năm, nước Mỹ đang "mất" Iraq khi thả nổi xứ này cho lực lượng Shia thân Iran, hay cho khủng bố al Qaeda, lực lượng Thánh Chiến xuất phát từ một nhánh cực đoan nhất của hệ phái Sunni.

Tổng kết lại chuyện rắc rối này, bước vào năm Giáp Ngọ, Chính quyền Obama nhất quyết rút khỏi Afghanistan theo đúng kỳ hạn là cuối năm 2014, không can dự vào Iraq, bước vào vòng hòa đàm với Iran và coi như mối nguy từ al Qaeda đã kết thúc.

Nhìn từ bên ngoài, ta cần thấy ra sự hợp lý của chiến lược quái quỷ này.

Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi vũng lầy Hồi giáo bằng cách lập ra một trật tự bất ổn giữa các cường quốc trong khu vực rộng lớn này để các quốc gia, hệ phái tôn giáo hay sắc tộc chĩa súng hờm nhau. Nếu trật tự đó của nước Mỹ là sự bất ổn cho các nước khác thì đấy là vấn đề của họ!

Nhìn cách khác, nếu ngần ấy con ngựa có dại dột lao ra trường đua thì Hoa Kỳ cũng đánh cả trên ngần ấy cửa. Cho tới khi sự bất ổn này dội ngược về nước Mỹ....

Mà không chỉ có trường đua tại Trung Đông.

Obama đã đặt tiền ở cửa Vladimir Putin để giải quyết hai hồ sơ Syria và Iran của mình và tránh đụng Liên bang Nga trên các trường đua Âu Châu. Chuyện Georgia hay Ukraine là vấn đề của hai xứ này, của Ba Lan hay Thụy Điển, của Liên hiệp Âu châu và nhất là của Đức. Các nước Âu Châu sẽ phải xử lý hồ sơ Đông Âu và Trung Âu của họ với Liên bang Nga, chứ không thể trông đợi vào nước Mỹ vì Obama đang cần con ngựa Putin cho chuyện khác.

Khi nào mà xứ Iran lại là đồng minh hay đối tác của Mỹ thì đấy mới là mối nguy ở tại cửa ngõ của Liên bang Nga.

Chúng ta quay trở lại Đông Á, với nhiều trận đua ngựa khác trong năm Ngọ.

Lãnh đạo Trung Quốc đang có cuộc đua ở bên trong để cố chuyển hướng khi kinh tế đình trệ mà không gây ra động loạn. Đấy là chuyện nội bộ của nước Tầu mà cũng có thể là cơ hội làm giàu cho nước Mỹ khi Bắc Kinh phải mở cửa. Cuộc đua thứ hai là giữa thế lực quân sự của Trung Quốc với phản ứng quật khởi của Nhật Bản. Nước Nhật sẽ lặng lẽ tái võ trang để bảo vệ quyền lợi của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trong cuộc đua này, Hoa Kỳ hâm nóng chuyện chuyển trục về Đông Á, mà không dại gì giành lấy tuyến đầu của Nhật Bản. Cuộc đua thứ ba là giữa các nước Đông Nam Á với nhau để tranh lấy mối lợi kinh tế từ cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, mà không bị mối nguy về an ninh từ Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc, nhưng sẽ yên tâm hơn nếu họ được Hoa Kỳ bảo vệ.

Y như tại trường đua Trung Đông, cuộc đua tại Đông Á có bao hàm trò chơi quân sự và rủi ro nháng lửa trong năm Ngọ là chuyện tất yếu.

Trong cuộc đua quái đản này, con ngựa yếu nhất không là Phi Luật Tân hay Mã Lai Á mà là Việt Nam. Khi tưởng niệm trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, người Việt không nên quên lập trường của Hoa Kỳ vào thời điểm tháo chạy đó. Hoa Kỳ đứng ngoài giám trận chẳng phải vì đạo luật War Power Act năm 1973 không cho phép Hành pháp dụng binh, mà vì nước Mỹ đã lập ra một trật tự bất ổn khác trong khu vực, để dùng Trung Quốc chặn đường Nam tiến của Liên Xô.

Những tan hoang hay tử vong thời đó nằm trong trương mục lời lỗ khi nước Mỹ nhất quyết xoá sổ và bày ra cuộc đua khác. Trong năm Ngọ này, cuộc đua lại tái diễn với một đối thủ cần chặn đường là Trung Quốc. Và đối tác sẽ giữ tuyến đầu là Nhật Bản. Xứ nào dại dột chen chân vào đó thì hãy ráng chịu.

Hèn gì mà dân Mỹ cứu giúp rất nhiều người trên thế giới, nhưng nước Mỹ vẫn là siêu cường không đáng tin.


_______________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Trong khi thiên hạ đang tự hỏi là Mỹ tính sao khi thế giới có quá nhiều rủi ro xung đột thì dân Mỹ lại nói đến một vụ "apocalypse" khác. Đó là nạn khan hiếm một sản phẩm nhu yếu trong mùa Super Bowl: loại phó mát Velveeta béo ngậy và vàng ệnh để cử tri Mỹ lai rai chấm bánh khi theo dõi trận đấu banh bầu dục trên truyền hình. Họ gọi đó là "cheesepocalypse". Một tay sành điệu đã báo động trên Tweeter: "Nếu quả là thiếu thì tôi chết mất!"


--------------------------------------------

Source  :  Người Việt . dainamax tribune

Biển Đông và Trung Quốc : Điểm nóng đối ngoại của Việt Nam



Biển Đông và Trung Quốc : Điểm nóng đối ngoại của Việt Nam
 
Trung Quốc từng bị người Việt xem là cướp biển như trong cuộc biểu tình gần sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 03/07/2011. Theo Gs Úc Carl Thayer, tấn công tàu cá nước ngoài trong hải phận quốc tế ở Biển Đông là hành vi hải tặc của một Nhà nước.
Trung Quốc từng bị người Việt xem là cướp biển như trong cuộc biểu tình gần sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 03/07/2011. Theo Gs Úc Carl Thayer, tấn công tàu cá nước ngoài trong hải phận quốc tế ở Biển Đông là hành vi hải tặc của một Nhà nước.
Reuters
RFI  .     Trọng Nghĩa 
Sau một năm tương đối yên tĩnh, ngay trong những ngày đầu năm 2014 này, Biển Đông lại có dấu hiệu dậy sóng trở lại, với quyết định của chính quyền Trung Quốc được gọi nôm na là « cấm tàu cá nước ngoài », do tỉnh Hải Nam ban hành từ cuối năm 2013, nhưng bắt đầu có hiệu lực kể từ 01/01/2014. Trong tình hình đó, xử lý ổn thỏa quan hệ với Trung Quốc trong tương quan với hồ sơ Biển Đông, đã được cho là thách thức đối ngoại gay go nhất cho chính quyền Việt Nam trong năm 2014 này.
Đối với các nhà quan sát, quyết định của tỉnh Hải Nam hết sức phi lý, thậm chí phi pháp, mà đối tượng chủ yếu bị nhắm tới là Việt Nam. Theo các thông tin báo chí, đây là những quy định nằm trong những « Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam », được chính quyền tỉnh này thông qua vào cuối năm ngoái 2013, nhưng chỉ bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng Giêng năm nay.
Đáng chú ý nhất trong các quy định này là quyền mà tỉnh Hải Nam tự giao cho mình là chặn giữ, xua đuổi, có thể tịch thu tài sản, xử phạt hành chính, mọi tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh cá hay khảo sát. Muốn hoạt động trong vùng « cấm », tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền Bắc Kinh.
Từ đường lưỡi bò đến vùng cấm tàu cá ngoại quốc
Vấn đề đặt ra là vùng biển mà tỉnh Hải Nam được trao quyền quản lý lại rất rộng lớn, bao trùm phần lớn Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà họ tự đặt ra. Hải Nam chính là nơi đặt « thành phố Tam Sa », đơn vị hành chánh được Bắc Kinh trao nhiệm vụ điều hành vùng Biển Đông rộng lớn bao gồm cả những nơi đang tranh chấp với các láng giềng mà nước đứng đầu danh sách là Việt Nam.
Trong một bài nhận định nóng công bố hôm 09/01 vừa qua – một hôm sau khi thông tin về những quy định này được tiết lộ trên báo chí - về hành động leo thang của tỉnh Hải Nam trong hồ sơ Biển Đông, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu tại Học viện Quốc phòng Úc đã ghi nhận ngay tính chất đi ngược lại luật lệ quốc tế trong các quy định của tỉnh Hải Nam.
Đối với giáo sư Thayer, các tác hại có thể thấy được của hành động đó là phá hoại triển vọng thương thảo về một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông đang manh nha giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc và ba nước ASEAN là Việt Nam, Philippines và Malaysia có nguy cơ căng thẳng trở lại vì các vùng thuộc thẩm quyền chế tài gắt gao của tỉnh Hải Nam lại là những vùng thường đánh bắt của ngư dân ba nước Đông Nam Á.
Trong bài trả lời phỏng vấn qua thư điện tử của Ban Việt ngữ RFI nhân dịp đầu năm, về các thách thức mà Việt Nam phải đối phó trong năm 2014 này, Giáo sư Carl Thayer đã cho rằng Biển Đông hoàn toàn có thể trở lại thành điểm nóng đối với Việt Nam trong năm nay, khiến cho cách xử lý quan hệ với Trung Quốc trở thành thách thức đối ngoại hàng đầu của Việt Nam.
Phải xóa bỏ "văn hóa" tham nhũng
Tuy nhiên, theo Giáo sư Thayer, thách thức quan trọng nhất đối với chính quyền Việt Nam trong năm 2014 vừa bắt đầu này là vấn đề đối nội, liên quan đến kinh tế và tham nhũng.
GS Carl Thayer : Vấn đề kinh tế và tham nhũng sẽ là những thách thức chính yếu. Việt Nam phải đẩy mạnh tăng trưởng GDP. Điều đó đòi hỏi Viêt Nam phải cải tổ doanh nghiệp nhà nước và cải cách khu vực ngân hàng. Và Việt Nam cũng sẽ phải tham gia khối Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP để đảm bảo khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Việt Nam cũng phải tiếp tục thực hiện việc đưa ra trước công lý những kẻ có trách nhiệm trong những vụ tham nhũng quy mô lớn tại các tập đoàn nhà nước, chẳng hạn như Vinalines. Chiến dịch chống tham nhũng phải được mở rộng ra những người trong đảng và chính phủ, kể cả Bộ Công an, những thành phần hỗ trợ và hưởng lợi từ nạn tham nhũng.
Quản lý quan hệ với Trung Quốc sẽ là vấn đề đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam .
RFI : Thách thức quan trọng nhất đối với Việt Nam là gì ?
GS Carl Thayer : Thách thức quan trọng nhất là xóa bỏ thứ văn hóa hỗ trợ tham nhũng. Việt Nam không thể hy vọng chấm dứt nạn tham nhũng trừ phi cởi trói báo chí và tạo ra một ngành tư pháp và cơ quan điều tra độc lập. Tiến trình đó phải được thực hiện bên ngoài khuôn khổ của các phe nhóm chính trị và các thế lực bao che.
Do việc Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội Đảng sắp tới, chiến dịch chống tham nhũng sẽ bị chính trị hóa. Chần chờ và đấu đá phe nhóm liên tục sẽ chỉ góp phần làm xói mòn tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai áp lực từ Bắc Kinh : Nhận nhà thầu Trung Quốc và đồng khai thác Biển Đông
RFI : Về những vấn đề mà chính quyền Việt Nam phải đối mặt trong năm 2014, Giáo sư đã nói rằng « Quản lý mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là vấn đề đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam ». Cụ thể là như thế nào ?
GS Carl Thayer : Việt Nam bị một khoản thâm thủng mậu dịch khổng lồ 19 tỷ đô la với Trung Quốc và đang tìm kiếm một sự thay đổi trong thủ tục hành chính của Trung Quốc để giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.
Về phần Trung Quốc, họ đang gây áp lực buộc Việt Nam nhận các khoản cho vay ưu đãi để tài trợ cho các đề án phát triển hạ tầng cơ sở đường bộ và đường sắt rất quy mô tại Việt Nam, và sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện. Trung Quốc cũng tiếp tục ép Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên biển, bao gồm cả việc cùng nhau phát triển. Cả hai địa hạt trên đều rất nhạy cảm tại Việt Nam, cả đối với xã hội nói chung, lẫn trong các tầng lớp thuộc đảng cầm quyền.
Thách thức đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam là làm sao quản lý mối quan hệ với Trung Quốc mà không kích động thêm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong công chúng.
Quy định đánh cá mới của tỉnh Hải Nam - chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa - có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thách thức đối với Việt Nam không chỉ là quản lý tốt vấn đề mới nhất đó, mà còn là ngăn không cho hồ sơ Hoàng Sa trở thành một vấn đề gây tổn hại cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác. Nhiều nước ASEAN xem tranh chấp Hoàng Sa là một vấn đề hoàn toàn song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, và ngần ngại trong việc công khai hậu thuẫn Việt Nam trên hồ sơ này.
Vụ "cấm tàu" : Việt Nam phản ứng chậm nhưng mạnh
RFI : Đánh giá của Giáo sư ra sao về phản ứng của Việt Nam trước quyết định của tỉnh Hải Nam ? Một số người cho rằng, Hà Nội phản ứng vừa chậm, vừa quá nhẹ so với phản ứng từ Đài Bắc, Washington và Manila.
GS Carl Thayer : Trong thực tế, Việt Nam đã phản ứng hai ngày sau khi chính quyền Trung Quốc công khai hóa các quy định đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam, sau khi Đài Loan, Philippines và Hoa Kỳ đã có phản ứng.
Phản ứng tương đối chậm trễ của Việt Nam có thể bắt nguồn từ hai yếu tố. Đầu tiên hết, có thể là Việt Nam đã muốn đợi cho đến khi các quốc gia khác phản ứng trước rồi sau đó mới tham gia. Yếu tố thứ hai liên quan đến cơ chế ra quyết định trong một nhà nước độc đảng.
Ngoại trưởng Việt Nam đồng thời là Phó Thủ tướng. Trên nguyên tắc, ông ấy đã có thể tiếp cận ngay với Thủ tướng Chính phủ để xin cho công bố một bản thông cáo. Hiện vẫn chưa rõ là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có phải tham khảo ý kiến với một hoặc nhiều thành viên của Bộ Chính trị để tìm kiếm sự đồng thuận hay không.
Ngược lại, Hội đồng Đại lục của Đài Loan (MAC) là cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp về các quan hệ với Trung Quốc, do đó đã ở vị trí tốt nhất để có thể phản ứng ngay lập tức. Hội đồng MAC do một quan chức ngang cấp bộ trưởng lãnh đạo. Còn ở Philippines và Hoa Kỳ, Ngoại trưởng của họ đều có thẩm quyền để phản ứng ngay, và họ cũng có thể liên lạc ngay lập tức với Tổng thống nước họ trong trường hợp cần sự đồng ý của người đứng đầu Nhà nước.
Tuyên bố của Việt Nam không « quá mềm » so với lời lẽ của Đài Loan, Philippines và Hoa Kỳ. Tuyên bố của Việt Nam khá chi tiết và cụ thể.
Diễn biến các sự kiện là như sau : Ngày 08/01, sau khi Trung Quốc công bố quy định của tỉnh Hải Nam, Đài Loan là phía đầu tiên có phản ứng. Vào tối thứ Tư, ngày 08/01, Hội đồng Đại lục cho ra một tuyên bố gồm hai đoạn, xác định là Đài Loan không công nhận các quy định mới của tỉnh Hải Nam.
Mỹ phản ứng vào ngày hôm sau, thứ Năm 09/01 (theo giờ Washington). Bà Jen Psaki, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố rằng các quy định của Trung Quốc mang tính chất "khiêu khích và nguy hiểm."
Philippines phản ứng hai ngày sau đó, hôm 10/01. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói trong một cuộc họp báo rằng Philippines đã « hết sức quan ngại » trước các quy định mới và « đó là một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Diễn biến đó làm căng thẳng leo thang, làm tình hình ở Biển Đông phức tạp thêm một cách không cần thiết, và đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. »
Mãi đến thứ Sáu, ngày 10/01, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới cho ra một tuyên bố, xác định rằng các quy định mới của Trung Quốc « bất hợp pháp và vô giá trị » và « làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông ». Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc « hủy bỏ những việc làm sai trái » và « đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. »
Tuyên bố Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác định rằng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông và bản Thỏa thuận năm 2011 về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
RFI : Trong nhận định ngày 09/01 về quyết định của tỉnh Hải Nam, Giáo sư có nói rằng : « Trung Quốc có quyền hợp pháp để ban hành một chỉ thị hành chính mà phạm vi áp dụng bao trùm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ». Xin Giáo sư giải thích thêm ?
GS Carl Thayer : Trung Quốc hiện đang quản lý quần đảo Hoàng Sa và hầu hết các nước Đông Nam Á đều sẽ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trong bài viết của tôi, tôi đã phân biệt rõ ba vùng biển khác nhau : (1) lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có quyền chủ quyền và tài phán ; (2) lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Hoàng Sa hiện đang có tranh chấp với Việt Nam. Theo luật quốc tế, Trung Quốc không được quyền hành động đơn phương để phá vỡ hiện trạng, và Trung Quốc bị bắt buộc phải hợp tác và tự kiềm chế để không dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực cho đến khi tranh chấp được giải quyết ; và (3) vùng biển quốc tế.
Việt Nam có cả một quá trình liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bằng cách phản đối mọi hành động của Trung Quốc nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Đây là một điều cần thiết trong luật pháp quốc tế để giúp Việt Nam duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình.
Tuy nhiên, một cách thực tế, chắc chắn là sẽ không có quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, hoặc thậm chí ASEAN nào, có lập trường ủng hộ Việt Nam (trong vấn đề Hoàng Sa).
Biển Đông sẽ nóng nếu Bắc Kinh không sửa chữa sai lầm của Hải Nam
RFI : Với quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam về tàu cá nước ngoài, phải chăng - một lần nữa - Biển Đông sẽ là vấn đề nóng nhất đối với chính quyền Việt Nam trong năm ?
GS Carl Thayer : Việc Biển Đông có trở thành một vấn đề nóng trong năm 2014 hay không, phụ thuộc vào việc chính quyền trung ương Trung Quốc có dấn thân vào hồ sơ này hay không, và ra lệnh cho chính quyền tỉnh Hải Nam phải điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cần nhớ lại rằng khi chính quyền thành phố Tam Sa ban hành quy định về chặn bắt và khám soát tàu trong vùng biển của họ, chính quyền trung ương Trung Quốc đã phải nói rõ là điều đó chỉ áp dụng cho vùng biển nằm bên trong đường cơ sở mà thôi.
Nói cách khác, các quy định của tỉnh Hải Nam (trên nguyên tắc) được áp dụng cho ba vùng biển khác nhau : (1) hải phận quốc tế ; (2) vùng biển tranh chấp (xung quanh quần đảo Hoàng Sa và các thực thể địa lý khác tại quần đảo Trường Sa) ; và (3) vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của đảo Hải Nam.
Theo luật quốc tế, Trung Quốc không thể thực thi các quy định vừa ban hành trong vùng biển quốc tế. Các hành động như vậy đồng nghĩa với điều tôi gọi là « hành vi hải tặc của một Nhà nước ».
Trong trường hợp của luật pháp quốc tế liên quan đến các vùng biển đang tranh chấp, Trung Quốc có nghĩa vụ không hành động đơn phương để làm thay đổi hiện trạng. Trung Quốc bị bắt buộc phải hợp tác với các quốc gia khác là một bên tranh chấp.
Còn đối với Hải Nam, Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế EEZ chung quanh đảo này (trừ phi có sự chồng lấn với vùng EEZ của nước khác). Khu vực chồng lên nhau sẽ là một vùng tranh chấp.
Cuối cùng, tỉnh Hải Nam đã nhận là họ có thẩm quyền hành chính đối với 57% Biển Đông. Tuy nhiên, họ không có phương tiện để thực thi các quy định của mình. Điều đó dẫn đến khả năng chính quyền địa phương có thể chọn lọc đối tượng áp dụng các quy định.
Họ có thể hướng sự chú ý tới Philippines, trong khi tìm cách trấn an Malaysia và Indonesia rằng ngư dân hai nước này sẽ không bị ảnh hưởng. Căn cứ vào diễn biến trong quan hệ song phương với Việt Nam, tỉnh Hải Nam có thể bật hay là tắt cách áp dụng có chọn lọc các quy định vừa ban hành đối với ngư dân Việt Nam.
Biển Đông sẽ nổi bật tại ASEAN 2014
RFI : Giáo sư có nghĩ rằng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhất định trên Miến Điện để nước Chủ tịch ASEAN lần này để nêu bật vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự năm nay ?
GS Carl Thayer : Các quan chức Miến Điện mà tôi đã tiếp xúc nhân các hội nghị gần đây ở Phnom Penh và Seoul đều xác định rằng nước họ, trong tư cách Chủ tịch ASEAN, sẽ kiên quyết thúc đẩy sự đồng thuận trong toàn khối về hồ sơ Biển Đông với tất cả các thành viên ngoài ASEAN, bao gồm cả Trung Quốc.
Các quan chức nói trên đều thừa nhận rằng Biển Đông là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, không chỉ vì ảnh hưởng của Trung Quốc, mà còn là vì Miến Điện đang trong thời kỳ chuyển tiếp trong vấn đề phát triển quan hệ với các nước khác.
Hiện có một nhóm nòng cốt trong số các quốc gia ASEAN đã nhất trí với nhau là phải thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử (DOC) với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore và Thái Lan. Điều này sẽ đảm bảo khả năng vấn đề Biển Đông được nêu bật trong chương trình nghị sự của ASEAN.
Các hành động của tỉnh Hải Nam, nếu không bị chính quyền trung ương Trung Quốc kềm hãm, chắc chắn sẽ làm cho Biển Đông trở thành một vấn đề được ASEAN ưu tiên xem xét.

Source : RFI

2014, bài toán trắc nghiệm thuyết Abenomics

Theo RFI

2014, bài toán trắc nghiệm thuyết Abenomics
Tokyo cùng lúc huy động ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ và chiến lược kinh tế để thực sự đưa nước Nhật đi lên - REUTERS
Tokyo cùng lúc huy động ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ và chiến lược kinh tế để thực sự đưa nước Nhật đi lên - REUTERS
Thanh Hà
Chính sách kinh tế Abenomics bắt đầu đem lại những thành quả mong đợi. 2014 mở ra nhiều hứa hẹn với kinh tế Nhật Bản. Nhưng thách thức vẫn còn đó. RFI Việt ngữ phỏng vấn chuyên gia kinh tế Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế CEPII, Evelyne Dourille Feer.
Chỉ số tin tưởng của các doanh nhân Nhật cao chưa từng thấy trong 6 năm qua. Thị trường chứng khoán Tokyo tăng giá hơn 50 % trong năm 2013. GDP của nền kinh tế thứ 3 thế giới đạt 2 %. Đó là những thành tích của thủ tướng Shinzo Abe sau một năm cầm quyền. Thủ tướng Shinzo Abe đề ra mục tiêu đẩy lùi giảm phát và nâng tăng trưởng kinh tế nước nhà lên 3% trong tương lai.
Ông Shinzo Abe trở lại chức vụ Thủ tướng vào lúc Nhật Bản vừa thoát khỏi giai đoạn 3 năm đình đốn ; xuất khẩu giảm sút một phần do căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và khủng hoảng tài chính châu Âu ; tiêu thụ nội địa giậm chân tại chỗ.
Trong bối cảnh đó ông Shinzo Abe tung ra « ba mũi tên » trong chính sách kinh tế mang tên mình, được gọi là Abenomics. Cụ thể là sử dụng cùng lúc ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế quốc gia, huy động ngân hàng trung ương BoJ mở van tín dụng với hai dụng ý : phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và cố tình đẩy vật giá leo thang, hòng chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm pháp. Tokyo muốn đẩy lạm phát lên thành 2 %.
Ở giai đoạn ba, chính phủ Nhật bắt đầu tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ cơ cấu để đem lại khả năng cạnh tranh lớn hơn cho nước Nhật. Để giải quyết núi nợ đã tương đương với gần 250 % GDP chính phủ quyết định tăng thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 5 % lên thành 8 % (kể từ ngày 01/04/2014) và 10 % vào đầu năm 2015. Đổi lại Tokyo thông báo thêm một kế hoạch hỗ trợ kinh tế 50 tỷ euro cho tài khóa 2014-2015 và giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp.
Tăng trưởng Nhật Bản trong năm 2013 đạt 1,8 %. Chỉ số giá cả tăng 0,3 %. Giới phân tích đang nói tới một « sự phục hồi từng bước » của nước Nhật.
Toàn cảnh kinh tế Nhật Bản 2014
Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI bà Evelyne Dourille Feer chuyên gia kinh tế Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế CEPII, tác giả cuốn « L’Economie du Japon – Kinh tế Nhật Bản », nhà xuất bản Repères - ấn bản 2014 vừa ra mắt độc giả, chờ đợi trong một hoặc hai quý đầu năm nay, tiêu thụ và đầu tư của Nhật sẽ bị chựng lại dưới tác động của việc Tokyo tăng thuế TVA.
« Đáng chú ý hơn cả là thuế trị giá gia tăng TVA của Nhật sẽ tăng lên thành 8 % kể từ ngày 01/04/2014. Điều đó có nghĩa là tiêu thụ sẽ giảm đi và qua đó kinh tế Nhật sẽ giảm sụt trong 1 hoặc 2 quý đầu năm. Cũng phải nói là trong sáu tháng qua các hộ gia đình Nhật Bản đã mua sắm nhiều hơn thường lệ. Họ mua sắm trước khi thuế TVA tăng.
Như vậy trong quý 2/2014 chỉ số tiêu thụ sẽ thấp hơn so với chờ đợi. Mỗi khi tăng thuế TVA thì tác động đầu tiên là người dân ít mua sắm hơn. Qua đó kinh tế sẽ bị chựng lại ở giai đoạn đầu. Mức độ giảm mạnh hay nhẹ thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Thí dụ như theo dự phóng của ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse, kinh tế Nhật Bản nhìn chung trong năm nay sẽ tăng thêm hơn 2 % so với tài khóa 2013 (+ 1,7 %). Trong khi đó hầu hết các dự báo khác đều cho rằng GDP của Nhật trong năm 2014 sẽ tăng chậm hơn so với thành tích của năm vừa rồi một chút.
Có ba lý do khiến ngân hàng Crédit Suisse tương đối lạc quan : một là trước viễn cảnh Nhật Bản sắp thoát khỏi cảnh giảm phát các doanh nghiệp sẽ đầu tư trở lại. Hai là mức tiêu thụ của tư nhân tuy có bị giảm đi nhưng thay vào đó là tiêu thụ công cộng sẽ tăng lên qua các dự án đầu tư của nhà nước. Lý do thứ ba là Crédit Suisse thực sự chờ đợi xuất khẩu của Nhật Bản trong tài khóa 2014 đi lên ».
Nhật đã thoát khỏi giai đoạn đình đốn
Theo dự phóng của ngân hàng trung ương Nhật, tỷ lệ tăng trưởng của xứ hoa anh đào trong tài khóa 2013-2014 sẽ lên tới 2,7 % một mức cao hiếm có. Nhưng do tác động của thuế TVA chỉ số đó sẽ sụt xuống chỉ còn 1,3 % trước khi tăng lên trở lại vào năm 2015 và 2016. Về câu hỏi Nhật Bản đã thoát khỏi giai đoạn đình đốn hay chưa chuyên gia của trung tâm CEPII, bà Dourille Feer tỏ ra thận trọng. Bà phân tích :
« Tôi không hoàn toàn đồng ý khi nói rằng kinh tế Nhật đã bị đình đốn trong suốt thời gian dài. Bởi vì trong giai đoạn 2002-2007 GDP Nhật Bản tăng ở nhịp độ trên dưới 2% một năm. Đà vươn lên đó bị khủng hoảng toàn cầu 2008 đánh sập. Thế rồi năm 2011, thì Nhật Bản phải đối mặt với trận động đất và sóng thần, tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Kèm theo đó là những hậu quả tai hại về mặt kinh tế.
Nhưng cũng phải nói là trong năm 2013 vừa qua, chỉ số tin tưởng của người dân Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Dư luận chưa bao giờ tỏ ra lạc quan như trong 12 tháng trở lại đây. Chỉ số chứng khoán Tokyo tăng 57 % năm ngoái. Đây là một kỷ lục thế giới ! Nhưng tất cả những dấu hiệu khả quan đó khá mong manh vì sự phục hồi kinh tế có lâu dài hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ».
2014 đầy bất trắc
Vậy câu hỏi đặt ra đâu là những rủi ro đối với kinh tế Nhật Bản trong năm nay. bà Dourille Feer, tác giả cuốn « L’Economie du Japon » trả lời :
« Năm nay Nhật Bản vẫn đứng trước một bất trắc lớn. Trong hai giai đoạn đầu của chính sách kinh tế do Thủ tướng Abe khởi động đã cho phép đẩy lui lạm phát, đồng yen giảm giá 18 % so với đô la Mỹ và điều này đã đem lại một làn sinh khí mới cho ngành xuất khẩu của Nhật, huy động ngân sách nhà nước để bơm tiền vào cho hệ thống kinh tế. Giờ đây đến lượt khu vực kinh tế tư nhân phải tham gia, phải đầu tư, tiêu thụ để tạo đà cho một sự phục hồi vững chắc. Ở giai đoạn này, giới chủ phải tăng lương cho người lao động, để người ta mua sắm.
Các thống kê gần đây cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư trở lại. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy lương tháng của nhân công Nhật Bản sẽ tăng kể từ tháng 4/2014. Trong khi đó tăng sức mua cho các hộ gia đình là một yếu tố cần thiết để biến tiêu thụ nội địa thành một động lực kéo kinh tế đi lên.
Câu hỏi đặt ra là lương của người dân có được tăng hay không. Đấy hãy còn là một ẩn số. Nếu không có sự hỗ trợ của tư nhân, chính sách kích cầu của chính phủ Nhật chỉ trông cậy vào chi tiêu công cộng thì điều này sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta biết rằng nợ công của Nhật Bản hiện đã cao gấp đôi so với GDP của quốc gia này ».
Tổng kết một năm Abenomics
Với hai mũi tên đầu, thủ tướng Abe đã phần nào đạt mục tiêu. Tức là vực dậy kinh tế và tạo ra lạm phát. Nhưng hai mục tiêu đó đều rất « dễ vỡ ». Chuyên gia kinh tế Nhật Bản, bà Evelyne Dourille Feer tổng kết lại một năm của chính sách « Abenomics » :
« Các mục đích ưu tiên của ông Abe là nhằm kích thích kinh tế. Cụ thể là đẩy tỷ lệ tăng trưởng lên thành 3 % trong trung và dài hạn, bài trừ giảm phát. Nhật Bản đang từng bước đạt được mục tiêu thứ nhì. Năm nay chỉ giá của Nhật sẽ tăng khoảng 2 % nhưng đó chủ yếu do hàng nhập vào sẽ đắt hơn khi mà đồng yen đang giảm giá. Thế rồi Nhật Bản lại phải nhập năng lượng nhiều hơn để thay thế cho điện hạt nhân. Nói cách khác Nhật Bản bắt đầu thoát khỏi hiện tượng giảm pháp nhưng đó mới chỉ là một sự khởi đầu còn mong manh.
Về mục tiêu kích cầu thì chính quyền Nhật khá thành công như đã nói, nhất là trong sáu tháng cuối 2013 và trước khi Tokyo tăng thuế trị giá gia tăng. Biện pháp dùng ngân sách nhà nước để kích cầu cũng đã đạt được kết quả mong muốn. Chi tiêu công cộng củng cố tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản trong quý 2 và đặc biệt là quý 3/2013. Có thể nói là hai mũi tên đầu trong chính sách Abenomics mà Tokyo bắn đi đã trúng đích.
Còn lại mũi tên thứ ba : Sau khi đã chiếm được đa số ở Thượng viện, Thủ tướng Shinzo Abe yên tâm điều hành đất nước ít nhất là cho đến năm 2016. Kể từ sau cuộc tuyển cử hồi tháng 7/2013, Thủ tướng Nhật bắn đi mũi tên thứ ba : tức là kích thích khả năng cạnh tranh và khơi dậy tiềm năng phát triển của Nhật Bản.
Mục tiêu của mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế mang tên mình, thủ tướng Abe muốn nâng cao thu nhập đầu người cho toàn dân trong suốt 10 năm sắp tới và nhân lên gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Khác với hai vế đầu của chương trình vực dậy kinh tế Abenomics, mũi tên thứ ba là một chương trình cải tổ dài hơi và tác động đến toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản.
Nhìn chung chích sách Abenomics khá thành công. Vấn đề còn lại là tư nhân phải tiếp tay với chính phủ để tạo nên một sự phục hồi vững chắc. Năm 2014 tăng trưởng chưa thể cao vì chính phủ tăng tuế TVA. Nhưng tôi tin rằng cho hai năm tới, tức 2015 và 2016, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Đồng thời, chính quyền và ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ phải từng bước đóng bớt van tín dụng, giảm bội chi ngân sách.
Điểm son của chính sách Abenomics nằm ở chỗ Tokyo cùng lúc huy động nhiều phương tiện - ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ và chiến lược kinh tế lâu dài - để thực sự đưa kinh tế Nhật đi lên ».
Nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ như muối đổ bể nếu đầu tư và tiêu thụ tư nhân không tiếp tay với chính phủ, nếu như ngành xuất khẩu của xứ hoa anh đào bị trở ngại hay khủng hoảng đẩy giá năng lượng lên cao. Đó là những thách thức trong năm 2014, có thể đe dọa đến sự thành công của một chính sách kinh tế đầy tham vọng đã được ông Shinzo Abe áp dụng từ một năm qua.


13/1/14

Tội Ác của Tư Bản


Tội Ác của Tư Bản

Alan Phan
11 January 2014


Trước hết, đây hẳn là một đề tài khá quen thuộc với đa số dân Việt Nam; sau gần 70 năm trường kỳ huyên thuyên về những tội ác “đất không dung, trời không tha” của bọn giẫy chết. Tuy nhiên, trước khi đào sâu về các tội ác này, hãy xét lại cho kỹ những huyền thoại và thực tại.
Huyền thoại
Danh từ tư bản thường đi liền với thực dân và hình ảnh đầu tiên khi nói về tội ác là sự kiện những ông bà chủ da trắng từ Âu Châu qua xâm chiếm các nước nghèo đói lạc hậu ở Á, Phi…để thu nhặt khoáng sản tài nguyên đem về cho mẫu quốc, cũng như để bóc lột sức lao động của dân địa phương không khác gì chế độ nô lệ thời phong kiến. Khi gặp bất cứ sự chống đối nào, họ sẵn sàng đem quân đội công an ra đàn áp, giết hại…và sau đó, dùng vũ khí mềm như tôn giáo, văn hoá…để xoa dịu, bóp nặn tư tưởng.
Thành công nhất là đế chế Anh nơi mặt trời không bao giờ lặn; và tham tàn nhất là các anh chị Pháp, cũng tạo được nhiều khối thuộc địa khắp thế giới. Dù nhỏ hơn nhưng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý Đại Lợi…cũng kiếm được khá nhiều tài sản và chiến lợi phẩm. Nhật và Mỹ cũng tham gia cuộc chơi, nhưng đến muộn nên không tạo nhiều tiếng vang.
Hình ảnh này khá chính xác cho đến khoảng 1945, sau Thế Chiến thứ hai. Cuộc diện thế giới thay đổi mạnh mẽ thời đó, bắt buộc các quyền lực tư bàn phải đổi thay.
Thực tại
Khoảng 60 năm trở lại đây, phải nói những tội ác thiêu huỷ đời sống bình nhật của người dân thường xuất phát từ các lãnh tụ cùng mầu da, và bọn trắng đã chùi sạch tay chân dơ bẩn.
Phổ thông nhất là các cuộc thảm sát dựa trên khác biệt về triết lý chính trị. Sách vở Trung Quốc đầy dẫy những cuộc thảm sát dân vô tội từ phát xít Nhật hay các cường quốc da trắng. Một thống kê lịch sử ghi nhận con số hơn 1 triệu nạn nhân dân sự của bàn tay xâm lược Nhật. Tuy nhiên, không người Tàu nào đả động đến con số 60 triệu người dân bị Mao thanh trừng. Hay cuộc nội chiến giữa phe Quốc Dân Đảng và Cộng Sản đã khiến hơn 8 triệu người thiệt mạng. Chỉ riêng anh độc tài tí hon Pol Pot, theo gương Mao, giết hơn 1/3 dân số của xứ Kampuchia.
Hiện nay, Bắc Triều Tiên vẫn coi chuyện tử hình là án nhẹ…chỉ cần đóng phim khiêu dâm hay không hát bài ca tụng cha con ông Kim là đủ tội để ra pháp trường. Các nước Zimbabwe, Somalia, Rwanda, Central African Republic, Congo.. là nhũng ví dụ não lòng khác cho số phận con người sinh nhầm chỗ.
Ngoài ra, phải nói thêm là mầu da của các tay tư bản đã không còn thuần trắng. Các tỷ phú Á Rập và Nhật Bản, các đại gia mới nổi của Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ La Tinh…đang sánh vai cạnh tranh với giới tư bản Âu, Mỹ, Úc…về quyền lực và phần bánh ngọt.
Chiến tranh uỷ thác
Một cuốn sách tôi đọc cách đây 10 năm (quên mất tên) mô tả về âm mưu của các nhà tài phiệt Do Thái tái cấu trúc lại bàn cờ quyền lợi của thế giới sau khi trật tự cũ bị lung lay. (Nhóm này sau hoạt động chính thức dưới danh nghĩa Trilateral Commission). Dù rất chi tiết và thuyết phục, tài liệu được xếp hạng như tiểu thuyết vì khó ai có thể tìm ra chứng cớ. Theo sách, các lãnh tụ và tỷ phú của Âu Mỹ nhận thấy những áp đặt bằng vũ lực và kềm kẹp khối dân thuộc địa không những tốn kém, thiếu hiệu quả…mà còn có thể gây những phản ứng xã hội và chính trị tổn hại đến mục tiêu sau cùng: sự thâu tóm tài nguyên và tiền bạc của các giống dân bị trị. Họ sáng tạo ra một chiến lược mới: chiến tranh uỷ thác (proxy wars).
Cũng tương tự như “outsourcing” ngày nay: hãy để bọn lãnh đạo địa phương hưởng một phần quyền lợi nhỏ. Bù lại, chúng sẽ cai quản và thay thế mình trong việc tận thu lợi nhuận. Tay chân và tăm tiếng các nhà tài phiệt sẽ không bị ảnh hưởng xấu; họ có thể nằm dài hưởng thụ những trái ngọt từ các thiên đường lớn nhỏ mà họ đã xây dựng với đủ loại đồ chơi cũng như hệ thống an ninh.
Hơn nữa, những số tiền hay tài sản mà các đàn em địa phương thâu tóm rồi cũng “châu về hiệp phố”. Nhờ một hệ thống pháp trị dân chủ, tự do và minh bạch, tiền từ các nơi vẫn liên tục chạy về Âu Mỹ Úc để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Sự chuyển giao tội ác cho các tay chân địa phương là một bước đi vô cùng thông minh mà tôi tin rằng Tôn Tử cũng phải vuốt râu khen bọn hậu thế.
Những tội ác thực sự
Có cả triệu sách vở, hồ sơ tham khảo, tài liệu nghiên cứu…về những tác hại của hệ thống tư bản gây nên trên đủ mọi lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội, kinh tế của hầu như tất cả quốc gia. Bạn nào ưa thích đề tài này có thể bỏ ra hơn chục năm mà vẫn chưa nắm được phần ngọn. Bài này chỉ là một gợi ý về tư duy tổng thể, một góc nhìn nhỏ nhoi của một vấn đề thực ra quá lớn, bao trùm mọi vận hành của chúng ta. Tôi chỉ xin các bạn lưu tâm đến vài “tội ác” chính mà giới tài phiệt đã điều khiển, xây dựng và phải chịu trách nhiệm.
Văn Hoá
Dù khó có thể định lượng và hiện gây ra nhiều tranh cãi, ảnh hưởng lớn nhất của triết lý tư bản mới qua “proxy wars” cũng như “toàn cầu hoá – globalization” là sự phát triển đại trà của một nền văn hoá dựa trên tham vọng và quyền lợi cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chụp giựt và thu tóm, không đếm xỉa gì đến những ích lợi hay nghĩa vụ công cộng. Văn hoá tạo nên những con kiến hùng hổ, chăm chú vào sự nghiệp, đồng tiền và hưởng thụ instant- ngay lập tức. Lớp người thuộc giới giàu có, khôn ngoan…càng ngày càng trở nên vô cảm và xây khắp nơi những bức tường cách ly để ngăn ngừa bệnh nghèo và người nghèo xâm nhập. Trên thể chế quyền lực, cụm từ “ái quốc” vẫn còn hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn trong cán cân tổng thể, lợi nhuận của các công ty đa quốc là tối ưu tiên.
Ngày xưa, học thuyết xã hội của Mác Lê cố dành ảnh hưởng với chiêu bài “quốc tế cộng đồng”, nhưng sau mấy thập kỷ thử nghiệm tại các nước nhỏ, rồi Đông Âu và Trung Quốc, bộ máy chánh quyền bị lộ chân tướng bịp bợm và lừa đảo. Ngày nay, các nước cựu Cộng Sản như Liên Sô, Trung Quốc lại là các nước theo thuyết tư bản hăng hái nhất, với tất cả tính chất độc tài, man rợ, sơ khai.
Trong khi đó, những nước khai sáng chế độ tư bản đang gặp nhiều chống đối trong nội bộ và theo đúng đường lối dân chủ pháp trị, nhiều xã hội đã phải điều chỉnh lần hồi, nhanh nhất là Bắc Âu và chậm chạp hơn là Bắc Mỹ.
Môi Trường
Từ nền văn hóa này, chúng ta không lạ khi thấy một thiểu số nhân loại đang cố tình che giấu và quên đi những tác hại về môi trường sinh sống chung của thế giới. Nạn biến đổi khí hậu với sự rã băng nhanh chóng của vùng Nam Bắc Cực, sự tàn phá môi trường xanh còn sót lại của những khu rừng từ Brasil đến ASEAN, sự ô nhiễm tồi tệ của các giòng sông bên Trung Quốc, sự việc “mưa át xít’ tràn ngập Âu Mỹ cũng như Á Phi… là một đe doạ thường trực mà những người dân nghèo ngu dốt vẫn chưa suy ra.
Tất cả phát sinh từ căn tính tham lam của con người không bị xã hội cộng đồng kiềm chế, mà còn được khuyến khích hàng ngày hàng giờ qua các bộ máy tuyên truyền. Các mẩu chuyện tào lao về đại gia, về siêu sao chân dài, về “cướp, hiếp, giết” được đại đa số nhân loại từ dân trung lưu Âu Mỹ đến các bạn chân đất nghèo khổ ở Á, Phi…thu nhận làm món quà tinh thần vô cùng quý báu. Những ai nhàm chán thì có những gánh xiếc thời công nghệ số…các trận đá bóng, các giải thể thao, các màn nhạc hội…Tất cả khiến con người sau giờ làm việc không còn sức lực để suy ngẫm, thiền định hay lưu tâm đến những việc “không phải chuyện mình”.
Cố tình nhiễm độc
Cái tàn bạo tưởng là vô tình của hệ thống xã hội tư bản đẻ ra một tầng lớp quản lý chăm chú vào lợi nhuận cho các ông bà chủ (gọi là nhà đầu tư) đến nỗi họ quên mất những đạo lý tối thiểu của nhân cách. Ngoài những nhũng lạm tồn tại khắp nơi, khi thì kín đáo vì pháp trị, khi thì công khai nhờ luật rừng, qua hình thức kinh doanh dùng tiền người khác – OPM (dù là đầu tư của tư nhân hay lấy tiền thuế phí của công), sự chiếm đoạt và cướp giật trở thành một trò chơi nhiều giải thưởng.
Những thí dụ về sự cố tình nhiễm độc qua thực phẩm, dược phẩm, hoá chất, biến đổi gen… không chỉ giới hạn vào các anh chị kinh doanh nhỏ lẻ ở Trung Quốc mà còn là nguyên tắc làm việc và xây đế chế đa quốc đa lợi của cả ngàn đại gia Âu Mỹ từ mấy trăm năm qua.
Chỉ sau khi bị phơi bày về liên hệ giữa ung thư phổi họng và thuốc lá, các công ty Phillip Morris, BAT… mới ngừng là những cổ máy in tiền. Nhưng nếu bị chận ở các quốc gia phát triển, họ vẫn ào ạt tiến chiếm thị trường của các quốc gia mới nổi nhưng còn lạc hậu.
Bao nhiêu thập kỷ qua, Coca Cola và Pepsi biết rõ về tác hại khủng khiếp của sô đa chứa đường hoá học trên căn bệnh đái đường của bao nhiêu trẻ nhỏ. Nhưng họ chặn đứng mọi mưu toan can thiệp của các tổ chức xã hội bằng cách mua chuộc mọi chính trị gia sẵn sàng nhận đóng góp. Các công ty giải khát lớn nhỏ tại các quốc gia nghèo cũng học sát tấm gương để trở thành những blue chips của thị trướng chứng khoán, a la Coke and Pepsi models.
Mỡ hoá chất transfat đã được minh chứng là nguy hiểm cho tim mạch, nhưng đến nay, các công ty thực phẩm lớn như Nestle, Kraft… và cả McDonald, KFC… vẫn tìm đủ cách để tránh né ngăn chận những bộ luật đang được soạn thảo.
Về dược phẩm, sự cấu kết giữa các quan chức FDA, các bác sĩ cho toa và các nhà quản lý Pfizer, Novartis, Merck, Roche, AstraZeneca … để bán thuốc giá cao tối đa cho dân, vẫn là một đề tài đang bị điều tra và khảo sát bởi rất nhiều nhà khoa học và hoạt động xã hội.
Tóm lại, tôi không có ý định viết một cuốn sách ngàn trang về những thí dụ vô cùng đa dạng và nhơ nhớp của các công ty đa quốc. Nhưng bất cứ ai có thì giờ và động lực, các bạn sẽ không thiếu tài liệu tham khảo khắp thế giới.
Thay cho câu kết
Qua một đoạn văn ngắn của tư duy cá nhân về một triết thuyết có thể mô tả là vĩ đại (nói về tầm ảnh hưởng, không phải tốt xấu), tôi muốn xác định thêm hai điều về tư bản:
a.      Chúng ta đều là tư bản
Trong thực tại, dù mang bất cứ tên gọi hay tước hiệu gì, khi tham gia vào kinh doanh, đi làm cho chánh phủ hay tư nhân hay các tổ chức thiện nguyện, đầu tư, sử dụng ngân hàng và các hệ thống thương mại tài chính quốc tế, chúng ta đã trở thành một mắc xích của chế độ tư bản. Trừ những nhân vật phi thường đã thoát ra thế tục, về ở ẩn, sống tự lập không cần trao đổi mua bán (các vị lãnh đạo tôn giáo thường giao tiếp với thế tục nhiều hơn các bạn), những ai còn lại đều chấp nhận cuộc chơi của tư bản, dù thương hay ghét hay dửng dưng.
Ngay cả tại Bắc Triều Tiên, ngoài 1 thiểu số rất nhỏ đang lây lất chờ chết, một người dân khi nhận thực phẩm cứu trợ, sủ dụng các vật dụng từ thiên đường Trung Quốc…cũng đã và đang làm một con cờ trong trò chơi tư bản.
b.      Cái tự do của tư bản
Dù là một triết thuyết tràn khắp toàn cầu và gần như 100% nhân loại là tín đồ, tư bản không có kinh sách nào chánh thức, không có tổ chức, không có lãnh đạo, không có đảng phái, không có cả một bộ phận nào để ban phát thẻ hội viên. Bạn có muốn gia nhập hay đứng ngoài cuộc chơi là một lựa chọn đơn thuần cá nhân. Tuân theo quy luật (không viết ra rõ ràng) thì bạn có thể thâu ngắn con đường đến mục tiêu. Không thì cứ chậm rãi, không ai thúc hối, phê bình hay đòi bạn tự phê hết. Muốn học về tư bản thì phải tự đi tìm tài liệu, chỉ muốn nghe Lý Nhã Kỳ dậy về kinh doanh thì cứ tự nhiên.
Chính vì cái căn bản “tự do” này, nên tư bản tha hồ diễn biến hoà bình hay chiến tranh, tha hồ điều chỉnh, tái cấu trúc…kiểu lớn kiểu nhỏ, tuỳ người tham dự quyết định. Và đó cũng là lý do tư bản sẽ sống thêm vài thế kỷ  nữa, mặc cho những khiếm khuyết luôn luôn tồn tại.
Nhưng cá nhân tôi thích nhất một điều về tư bản: không ai léo nhéo bên tai tôi suốt ngày về ưu việt, về đỉnh cao, về quyết liệt. Cứ làm đi rồi biết liền.

Alan Phan

Source : GOC NHIN ALAN

Đồng sàng Bắc Kinh - Hà Nội: Nỗi bi thiết từ nợ công


14/01/2014

Đồng sàng Bắc Kinh - Hà Nội: Nỗi bi thiết từ nợ công

Phạm Chí Dũng


Thân phận “nước giàu dân nghèo” của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ làm liên lụy đến số phận nền kinh tế thế giới mà còn góp phần chung quyết đối với vận mạng của nền kinh tế và cả thể chế Việt Nam.
Linh cảm bất an của những người Việt còn tinh thần dân tộc về một sự chuẩn y tai hại của chính thể Bắc Kinh vào thể chế cầm quyền Hà Nội - thông qua “gói hỗ trợ” kinh tế bất thường trong những năm tới - sẽ có thể được giải nguy bởi cơn nguy biến có khả năng nổ ra ngay trong lòng nền kinh tế Nội Hán chỉ trong vài ba năm nữa.
Ít nhất vài dấu hiệu nguy biến như thế đang phát lộ và trở nên lớn lao hơn nhiều so với những nhận định thầm cảm trước đây. Tinh thần trưởng thành khá nhanh chóng như vậy đã diễn biến theo chuỗi logic bất biến: ngân hàng và nợ xấu.
3.000 tỷ USD nợ công!
Từ đầu năm 2013, ít nhất 3 ngân hàng lớn của nước ngoài là Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đã bất ngờ thoái toàn bộ vốn đầu tư khỏi hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Trào lưu chủ động rút vốn này đã kéo theo sự thoái lui của một số quỹ tài chính quốc tế khỏi thị trường chứng khoán quốc gia đầy kiêu ngạo này, khiến cho chỉ số Thượng Hải Composite không thể nào ngóc đầu lên được. Từ thời điểm hoàng kim năm 2007 đến nay, dù chỉ số này đã mất đi 40% giá trị đỉnh, nhưng dĩ nhiên đà suy thoái chưa dừng ở đó.
Nếu chứng khoán được xem là tín hiệu tiên phong báo trước xu hướng vận động của kinh tế, thì đó chính là một logic khác đã dẫn đến tình thế nợ công trở nên hiểm nghèo đột ngột đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, điều mà ngay cả “tiến sĩ tận thế” Nouriel Roubini, trong nhiều đánh giá và dự báo trước đây về chuyển động của kinh tế Trung Hoa, cũng không thể bao quát được.
Đột biến đã xảy ra khi năm 2013 bước vào những ngày cuối cùng. Chính vào lúc đó, cơ quan kiểm toán Trung Quốc bất ngờ công bố số nợ công của nhà nước này đã lên đến 3.000 tỷ USD. Con số này, xét về mặt giá trị tuyệt đối, gần bằng toàn bộ kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Hoa đại lục.
Một kinh ngạc cũng đã phát vỡ. Mới vào năm 2011, nợ của các chính quyền địa phương chỉ được báo cáo vào khoảng 1.450 tỷ USD, cho dù khi đó ước đoán của những tổ chức xếp hạng tài chính độc lập có tiếng trên thế giới như Credit Suisse và Fitch Ratings là 2.200 tỷ USD. Thế nhưng đến nay, nợ của khối chính quyền địa phương đã tăng lên gấp đôi.
Cú vọt lên gấp đôi đó lại chỉ tăng tốc trong một thời gian ngắn ngủi. Vì sao lại xảy ra một giấc mơ chóng mặt như thế?
Có hai cách giải thích: hoặc giới ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm về con số thực nợ xấu của các chính quyền địa phương và cả về số nợ công của đất nước này; hoặc những người làm chính trị chuyên nghiệp như Tập Cận Bình muốn thực sự nhìn thẳng vào sự thật trần trụi để tiến hành một cuộc cải cách kinh tế lớn chưa từng thấy - chỉ dấu được xem là ngang ngửa với kế hoạch hiện đại hóa Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình đã ồn ào khoa trương từ cuối những năm 1970.
Cũng còn một cách lý giải sâu xa và khó nói hơn: sau khi đã trở thành hiện tượng chưa từng có trong giới chính khách Trung Quốc về thắng lợi thâu tóm quyền lực chỉ trong vòng một năm từ khi nhậm chức, Tập Cận Bình muốn dùng sự thật về nợ xấu và nợ công để tạo nên một chiến dịch “perestroika” mà từ đó sẽ khuynh loát toàn bộ hệ thống điều hành của chính quyền, khiến chính phủ và các thành viên của nó phải phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, từ đó làm rõ hơn hẳn tính thực tiễn về cơ chế “nhất thể hóa” trong việc tập trung hóa quyền lực trên toàn cõi Trung Hoa.
Cần lưu ý, chủ đề dần công khai hóa nợ xấu và nợ công đã chỉ diễn ra sau hội nghị trung ương 3 của đảng vào tháng 11/2013 - một cuộc họp cho thấy Tập Cận Bình đã không hoàn toàn thành công trong ý đồ muốn tạo ra một cuộc cải cách liên quan đến cơ chế giảm độc quyền doanh nghiệp quốc doanh, cải cách hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa chế độ sở hữu đất đai.
Đồng sàng
Nhưng nói gì thì nói, mọi chuyện cũng đã trở nên xấu hơn đáng kể so với vài năm trước. Có đến 70% hoặc hơn nợ của các chính quyền địa phương phụ thuộc không thể chối cãi vào thị trường bất động sản tại đất nước này. Mà tình trạng bất động sản lại vẫn nằm nguyên trong một nghịch lý quá nan giải: bất chấp giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng tiến tại phần lớn trong 70 thành phố chính của Trung Quốc, chính quyền ở nhiều nơi vẫn không thể giải quyết được hàng tồn kho nhà đất, đặc biệt là khối ung thư khổng lồ căn hộ cao cấp. Tính thanh khoản vẫn chưa thoát khỏi bóng ma giảm phát.
Nhiều người trong giới phân tích quốc tế và cả tại Hồng Kông đã khẳng định là thị trường bất động sản Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ. Thời điểm sụp đổ có thể trong từ 3 - 5 năm nữa.
Khác hẳn với tốc độ giảm nhiệt đáng kể đến 30% của thị trường bất động sản Singapore, giới điều hành chính sách nhà đất Trung Quốc đã hầu như thất bại trong việc điều tiết giá nhà quá nóng, cho dù những chính sách như đánh thuế đối với việc người dân sở hữu căn hộ thứ hai đã được đưa ra từ năm 2012. Cho tới nay, không những không giảm, giá nhà vẫn tiếp tục phi mã. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có đến 70% người được hỏi không hài lòng hoặc phản ứng phẫn nộ vì giá nhà quá cao so với thu nhập trung bình của người lao động.
Tình hình phân hóa quá lớn về giá nhà đất và thu nhập ở Trung Quốc cũng có thể gần tương tự xã hội Việt Nam - nơi mà giá nhà đất cao gấp 25 lần thu nhập bình quân của người lao động, trong khi tiêu chí hợp lý của Liên hiệp quốc đưa ra chỉ dưới 5 lần.
Không thể giải quyết được việc bình ổn giá nhà đất, chế độ chính trị ở Trung Quốc cũng đương nhiên đang tuyệt vọng trong mục tiêu làm cho hố phân hóa giàu nghèo hẹp lại, do đó càng khiến tâm trạng bất mãn và tâm lý thù ghét người giàu trong dân chúng trở nên đại trà và sắt máu hơn.
Cũng không thể giải quyết được nạn tồn kho nhà đất, hệ thống ngân hàng Trung Quốc luôn phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, và hơn nữa là dạng domino sụp đổ liền mạch giữa các ngân hàng. Bài học gần nhất mà chắc chắn giới điều hành kinh tế Trung Quốc không thể nào quên là sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ vào tháng 10/2007, dẫn tới cuộc suy thoái toàn diện tại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này trong 17 tháng.
Đó cũng là hình ảnh đơm hoa kết trái của cơ chế “đầu tư nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất” ở Trung Quốc vào thời kinh tế hoàng kim những năm 2006-2007, tương tự với Việt Nam. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa phải hết, vì ngay cả sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và đến thời kỳ tạm phục hồi năm 2009-2010, Bắc Kinh và Hà Nội vẫn đua nhau tiếp tục đầu tư theo cái cách “tiền đổ vào cho đến lúc sụp đổ hoàn toàn”.
Hoàn cảnh Hà Nội còn tàn thiết hơn: sau 6 năm suy thoái với nền kinh tế vẫn hầu cạn kiệt sức hồi sinh, sau cú đổ nợ lên đầu con cháu với tỷ lệ nợ công hiện thời lên đến 95-98% GDP, giới lãnh đạo và những tập đoàn cá mập nhà nước vẫn không ngớt vay mượn từ ODA và các nguồn tín dụng quốc tế khác.
Vay mượn cho đến khi sự đổ vỡ trở nên tuyệt đối…
Đèn nhà ai nấy rạng
Không thể né tránh rằng, tương lai đổ vỡ sẽ hoàn toàn không xa vời, đặc biệt ứng với nền kinh tế Việt Nam. Còn với Trung Quốc, bởi tiềm lực kinh tế mạnh hơn hẳn, trước mắt giới điều hành kinh tế tại quốc gia này vẫn chưa phải quá lo lắng về một cận cảnh kinh hoàng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công/GDP ở Trung Quốc hiện thời đã lên đến 50% theo các con số báo cáo của chính cơ quan kiểm toán nước này. Còn nếu theo tính toán của một số cơ quan phân tích độc lập của châu Âu, tỷ lệ nợ công tại Trung Quốc có thể cao hơn nữa, thậm chí đến 200%.
200% cũng là tỷ lệ nợ công mà Nhật Bản đã lâm vào trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Dù cơ cấu nợ công chủ yếu là nợ trong nước, chừng đó đã là quá đủ để người Nhật phải rơi vào thập kỷ mất mát không tránh khỏi.
Sau nhiều năm tăng trưởng nóng và quá hãnh tiến về chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy”, có thể không bao lâu nữa nền kinh tế và cả xã hội của đất nước này sẽ phải rước lấy sự mất mát ghê gớm. Cũng rất có thể, đó sẽ là một sự trả giá đau đớn, hoàn toàn không liên quan với ngữ nghĩa “hạ cánh mềm”. Thậm chí, cuộc hạ cánh cứng sẽ có thể mang ý nghĩa “đòn xoay chế độ”.
Với hiện tượng xuất hiện dấu hiệu khá rõ ràng về nợ xấu và nợ công được công bố ở Trung Quốc vào cuối năm 2013, có khả năng độ trễ để dấu hiệu biến thành thực chứng sẽ từ một đến hai năm. Và nếu trong năm 2014 các chính quyền địa phương tiếp tục bị ám ảnh nặng nề bởi núi hàng tồn kho nhà đất, cũng như không thể thanh toán phần lớn nợ cho chính quyền trung ương, thần chết sẽ lừng lững hiện ra. Năm 2015 sẽ chứng kiến sự biến mất của một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp bất động sản và kéo theo tình cảnh băng hà của một bộ phận trong giới ngân hàng.
Viễn cảnh không mấy xa xôi đó hiển nhiên sẽ tác động tức thì qua đường biên giới Việt - Trung. Những gì mà giới quan chức “bốn tốt” ở Hà Nội đặt niềm tin và ấp ủ không ít hy vọng vào một “gói giải cứu” nhiều tỷ đô la từ Bắc Kinh cho năm 2014 và những năm tới sẽ có thể trở thành cái bánh vẽ không lồ không hơn không kém.
Thậm chí một khi kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, một tỷ đô la cũng không sẵn dành cho Hà Nội, để nói như một chuyên gia quốc doanh, một tỷ đô la cũng có thể khiến cho Nhà nước Việt Nam vỡ nợ.
Khi đó và như một câu tục ngữ dân gian, sẽ là “đèn nhà ai nấy rạng”. Không thể có chuyện ứng cứu lẫn nhau, nhất là khi các nền chính trị độc tài bị ngập ngụa bởi nạn tham nhũng và đã trở thành một thứ phản cảm không thể quá đáng hơn đối với lịch sử nhân loại.
P. C. D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Source : BVN