15/1/14

Muôn mặt mạng xã hội

Muôn mặt mạng xã hội

Nguyễn Vạn Phú 

Muôn mặt mạng xã hội
Với sự dễ dàng cất tiếng, muốn ẩn danh cũng được, nêu rõ danh tính cũng hay, ai nấy đều tưởng sẽ có một không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn trên các mạng xã hội khi các ý tưởng sẽ có cơ hội cọ xát, trao qua đổi lại và cuối cùng ý tưởng nào thuyết phục nhất sẽ chiến thắng!
Không hề - trái ngược với trông đợi của nhiều người, Internet nói chung, các diễn đàn và các mạng xã hội nói riêng là môi trường thuận lợi cho tâm lý đám đông khi con người ta thấy an toàn hơn khi nấp sau đám đông, hùa theo đám đông một cách vô thức. Lúc đó sự tỉnh táo phải nhường bước cho làn sóng bầy đàn, cuốn phăng mọi lý trí lại dễ chao qua đảo về, bất kể chân lý. Dĩ nhiên bức tranh này đúng với đa số chứ không phải đúng với tất cả.

Dân chủ trên mạng? – Đừng hòng!

Lúc Justine Sacco, giám đốc truyền thông của hãng InterActiveCorp gởi một tin nhắn dạng tweet: “Sắp đi châu Phi. Hy vọng tớ không bị dính AIDS. Đùa thôi. Tớ da trắng mà!” rồi lên máy bay, cô ta không ngờ mẩu tin này làm cô mất việc và quan trọng hơn bị “lăng trì” trên cộng đồng mạng. Sự phẫn nộ của dân trên mạng vì câu nói mang tính phân biệt chủng tộc, kỳ thị, ngu ngốc này thật dữ dội, Sacco và người thân của cô bị đe dọa, ngay cả bất kỳ người nào chỉ cần nói, chuyện đâu có gì mà ầm ĩ là bị ném đá tơi bời. Những lời chửi bới kiểu ả này đáng bị tra tấn, bắn bỏ và cho người bị AIDS hiếp đến chết lan rộng suốt cả tuần lễ sau đó. Câu nói của Sacco đáng bị chê trách nhưng cái không khí đòi “xử” của đám đông cũng ghê rợn không kém và ghê rợn hơn, đó là phản ứng thường thấy trên mạng.

Thông thường con đường hình thành nên một tâm lý đám đông sẽ như thế này: thoạt tiên trước một vấn đề gây tranh luận nào đó, sẽ có những ý kiến khác nhau nhưng chủ nhân của ý kiến nguyên thủy sẽ dùng quyền “ngăn chận” (block) hay “hủy kết bạn” (unfriend) những người phản đối. Dần dà quanh anh ta sẽ chỉ còn những người cùng ý kiến nhưng anh ta sẽ lầm tưởng ý kiến của anh ta được mọi người chấp nhận, tán đồng. Ảo tưởng này sẽ ngày càng lớn dần, tạo ra những thái cực – hoặc theo ta, hoặc đi chỗ khác chơi. Tình trạng tạo ra màng lọc “kiểm duyệt” kiểu như thế sẽ không còn chỗ cho những tranh luận tỉnh táo, những trao đổi sòng phẳng nữa. Đám đông tiền hô hậu ủng như thế sẽ tạo ra tâm lý ngại nói khác mọi người vì không ai muốn chuốc vào mình sự phiền toán bị chỉ trích dù trên không gian ảo. Thế là hoặc họ bỏ đi để tụ tập với nhóm mình có nhiều điểm chung hoặc im lặng theo cách đồng thuận ngầm. Ngay cả khi ở trong nhóm có điểm chung, họ cũng dần dà không lên tiếng phản đối những điểm dị biệt còn sót lại để được chấp nhận ở trong nhóm. Hi vọng gì trong một bầu không khí như vậy?

Một trong những đặc điểm của nền giáo dục hiện đại là tập cho con người có thói quen tò mò, quan sát, nhận định đúng sai với đầu óc phê phán. Người có học không bao giờ dễ dãi chấp nhận mọi chuyện được trình ra cho họ mà phải sàng lọc, phán đoán với tư duy độc lập. Đáng tiếc tình hình bầy đàn trên các mạng xã hội làm mai một kỉ năng này đến nỗi con người ngày càng lười suy nghĩ, sẵn sàng ăn thức ăn nấu sẵn theo nghĩa bóng. Họ không thèm kiểm chứng thông tin, không thèm suy nghĩ xem lập luận được đưa ra có lô-gich không, có thuyết phục không. Các câu nhận xét hà dùa ăn theo ngày càng phổ biến.

Có lẽ ai cũng biết văn hóa là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác. Con đường hình thành một nét văn hóa mới là con đường chia sẻ những giá trị được chấp nhận rộng rãi. Vì vậy cái đáng lo là hiện tượng bầy đàn trên mạng dần dà sẽ được chấp nhận rộng rãi, trở thành một giá trị văn hóa thì nó sẽ tác động ngược trở lại các thế hệ sau này.

Nhìn từ phía người bị đám đông “lăng trì” trên mạng xã hội, có thể họ đáng bị phê phán, chê trách nhưng chắc chắn không phải tất cả đều đáng bị “xử tử”. Nhưng trong đa phần trường hợp, họ sẽ biến mất, không còn dấu vết. Các tài khoản Facebook, Twitter, blogs... dễ dàng tan vào khoảng trống hư vô – và như thế nó tương đương với án “xử tử hình” một con người ảo.

Nhìn từ góc độ xã hội, tác động của tâm lý đám đông lên ứng xử của tòa án, chính quyền, công luận và báo chí là có thật, rất thật nữa là đằng khác. Đã có những trường hợp án xử nặng hơn vì sức ép từ đám đông trên mạng xã hội; nhân viên bị sa thải; doanh nghiệp phải cho người điều hành từ chức – tất cả để xoa dịu đám đông ảo. Điều lạ là một khi nhân danh công lý, từng cá nhân trong đám đông ảo đó có thể có những hành vi quá khích gấp bội lần hành vi đang bị lên án nhưng không ai xem đó là chuyện quan trọng cả.

Ứng xử thế nào?

Với một bối cảnh như thế, doanh nghiệp nên ứng xử như thế nào một khi tên tuổi họ được nhắc đến trên mạng xã hội? Rất dễ chứng kiến một công ty tên tuổi bỗng một hôm bị một khách hàng không hài lòng chê bai, rồi bạn bè của khách hàng này mỗi người một chi tiết, tất cả hùa vào, tạo một luồng dư luận không hay ho gì về công ty đó.

Thiết nghĩ phản ứng đầu tiên là phân biệt cuộc sống thật và cuộc sống ảo. Câu chuyện đang diễn ra trên mạng xã hội thì nên gói gọn nó trên mạng xã hội, không nên sử dụng báo chí chính thống để phân bua, giải thích làm gì. Doanh nghiệp nên có sẵn sự hiện diện trên mạng xã hội và lúc này là lúc sử dụng sự hiện diện đó. Có thể dùng mạng lưới của chính mình trên mạng xã hội để đối phó, đáp trả các cáo buộc sai lệch nhưng nên giữ thái độ “trên cơ” – có nghĩa không đôi co tiểu tiết, có thông điệp rõ ràng và bám vào thông điệp đó, không nhảy qua tình tiết mới làm rối tung mọi chuyện lên.

Với công ty lớn, nên có nhân viên chuyên trách theo dõi thông tin trên các mạng xã hội lớn. Bởi phản ứng nhanh khi dư luận chưa lan rộng lúc nào cũng có hiệu quả hơn là đối phó khi chuyện đã như đám cháy rừng. Trái với thế giới thật, không nên đe dọa sử dụng luật sư hay luật pháp trên không gian ảo mà nên duy trì một óc khôi hài nhẹ nhàng, thậm chí dùng cách đồng tình để dập tắt những đòn tấn công dồn dập.


Quan trọng nhất là phải hiểu quy mô của vấn đề. Với nhân viên được giao để theo dõi một mảng hoạt động nào đó, anh ta rất dễ nhầm tưởng cả thế giới đang dồn mắt vào câu chuyện liên quan đến công ty của anh. Thực tế, thế giới ảo rộng mênh mông, mọi người có những mối quan tâm rất rộng, bước ra khỏi vòng ảnh hưởng mà công ty đang dính vào, người nhân viên có thể rất ngạc nhiên khi biết hầu như chẳng ai quan tâm. Thế mới gọi là thế giới ảo!


NHÂN NGÀY MẤT CỦA ROSA LUXEMBURG (1871 – 1919): TỰ DO LUÔN LUÔN LÀ TỰ DO CỦA NGƯỜI KHÁC CHÍNH KIẾN

NHÂN NGÀY MẤT CỦA ROSA LUXEMBURG (1871 – 1919): TỰ DO LUÔN LUÔN LÀ TỰ DO CỦA NGƯỜI KHÁC CHÍNH KIẾN

Tháng 1 15, 2014
Phạm Hải Hồ
Trên bia mộ cũng như trong cuộc đời tôi không có những sáo ngữ huênh hoang. Trên bia mộ tôi chỉ được để hai vần “chuy chuyˮ. Đó là tiếng chim sơn tước đầu đen tôi bắt chước hay đến nỗi nó đến ngay khi nghe tôi gọi. Bạn thử nghĩ xem, mấy ngày nay trong tiếng chuy chuy bình thường lóe lên như ánh kim ấy có một âm rung nho nhỏ, một giọng ngực tí ti. Bạn biết điều ấy có nghĩa gì không? Đó là những chuyển động nhẹ đầu tiên của mùa xuân sắp tới. Bất chấp tuyết giá và nỗi cô đơn, chúng tôi − chim sơn tước đầu đen và tôi – vẫn tin tưởng ở mùa xuân sắp tới. Và nếu vì thiếu kiên nhẫn tôi không còn chứng kiến nó nữa thì bạn đừng quên trên bia mộ tôi không để gì khác hơn hai vần “chuy chuyˮ thôi nhé. [i]
Berlin một tối mùa đông…
Nằm đối diện vườn Bách thú, khách sạn Vườn Địa đàng sang trọng là nơi sư đoàn Xạ thủ – Kỵ binh – Cận vệ chiếm đóng và đặt tổng hành dinh hồi sáng này. Người ta chưa qua cơn sốt về việc Karl Liebknecht, chủ tịch Đảng Cộng sản Đức mới thành lập vừa bị áp giải đến thì chẳng bao lâu, một toán dân phòng mang súng trường 98 rầm rập bước vào, kèm theo một phụ nữ xấp xỉ năm mươi và một người đàn ông trẻ hơn chị vài tuổi. Chị phụ nữ có thân hình nhỏ thó và bước chân hơi khập khiễng. Đôi mắt thâm quầng, gương mặt mệt mỏi biểu lộ lòng khoan dung pha lẫn tính cương quyết không nhân nhượng.
Những sĩ quan và khách trọ có mặt ở tiền sảnh nhìn chị trân trối, rồi một sự sôi nổi bồn chồn lan rộng trong giây lát. Đâu đây có tiếng mắng chửi hằn học:
“Mụ Rosa vấy máu!”
“Đồ phản quốc!”
Toán dân phòng giải hai người lên lầu một. Họ ra lệnh cho người đàn ông đứng yên ở một góc hành lang rồi đẩy chị phụ nữ vào một căn phòng khá rộng, nơi một sĩ quan sói đầu với cặp mắt lạnh lùng và đôi môi mỏng mím chặt đang đứng chờ chị. Đó chính là Waldemar Papst, tư lệnh sư đoàn Xạ thủ – Kỵ binh – Cận vệ. Sau khi Đức thua trận, Cách mạng tháng Mười Một bùng nổ, rồi hoàng đế Wilhelm Đệ nhị thoái vị, Pabst đã biến đổi sư đoàn “tình nguyện” ấy thành một đạo quân trang bị vũ khí nặng với bộ máy tuyên truyền – tình báo riêng biệt. Nó đóng vai trò nòng cốt trong việc đè bẹp lực lượng nổi dậy do Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg lãnh đạo.
Pabst hỏi:
“Bà có phải là Rosa Luxemburg không?”
“Ông hãy tự quyết định lấy.”
“Căn cứ vào hình chụp thì bà đúng là Rosa Luxemburg.”
Chị phụ nữ cười nhạt:
“Ông cứ cho là thế!”
Thấy không khai thác được gì thêm, Pabst ra lệnh đưa chị sang phòng làm việc của ông ta ở bên cạnh. Một chiếc mũ quân đội Phổ chĩa mũi nhọn hoắt lên trần nhà. Trước đó vài phút, cũng từ căn phòng này, sáu sĩ quan đã dẫn Liebknecht ra khỏi toà nhà. Chị phụ nữ không ai khác hơn là Rosa Luxemburg ngồi vá mấy chỗ rách ở gấu váy rồi lấy cuốnFaust của Goethe ra đọc, tuồng như không để ý đến sự hiện diện của Pabst khi ông ta bước vào phòng. Pabst bực tức trở lại căn phòng rộng, đi đi lại lại. Chợt có tiếng gõ cửa. Các sĩ quan áp giải Liebknecht trở về, báo cáo đã giết anh và giao thi hài cho trạm cấp cứu ở cách đó vài trăm mét. Pabst gật gù tỏ vẻ hài lòng. Rồi không chút do dự, ông ta ra lệnh giải Rosa đi. Trước cửa khách sạn, gã thợ săn mà một sĩ quan thuê giết hai lãnh tụ cách mạng chực sẵn, lấy trớn giáng mạnh bá súng vào đầu chị. Rosa bất tỉnh ngã sóng soài trên mặt đất, để rơi cái xách tay và một chiếc giày. Gã thợ săn lại đập chị lần nữa. Lúc ấy, toán người áp giải mới can thiệp, kéo lê người chị đẩy vào băng sau chiếc xe đậu gần đó. Cũng như lần chở Karl Liebknecht đi, một gã mặc quần áo thủy thủ cố rượt theo xe, nhảy lên bàn đạp đấm vào mặt người hắn tuồng như căm ghét. Xe chạy được vài chục mét, một tiếng súng vang lên. Người ta khiêng xác Rosa ném xuống dòng kinh Landwehr lạnh giá.
Bấy giờ gần 12 giờ đêm 15 tháng Giêng năm 1919.[ii]
Cuộc đời ấy ra sao? Người ấy từng trải những gì? Đã sống vì mục đích nào?[iii]
Rosa Luxemburg chào đời ngày 5-3-1871 (hoặc 1870) tại Zamość, một phố nhỏ thuộc vùng lãnh thổ Ba Lan chịu ách đô hộ nặng nề của Nga. Chị là con út trong một gia đình Do Thái trí thức có năm con. Chị sớm tiếp nhận từ nơi cha mẹ mình tinh thần yêu chuộng tự do cũng như lòng hâm mộ văn học nghệ thuật. Từ 1880 đến 1887 chị học tại một trường trung cấp ở Warszawa và tốt nghiệp với bằng xuất sắc.
Ngay từ lúc còn đi học, Rosa đã có những hoạt động yêu nước, bất chấp sự đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng Ba Lan dưới chế độ Nga hoàng. Ra trường chẳng bao lâu, chị tham gia gầy dựng lại một đảng marxist đã bị chính quyền Nga phá vỡ và tổ chức nhiều cuộc đình công. Chị bị mật vụ Nga phát hiện nên phải rời Warszawa đi ẩn trốn nơi khác. Đầu năm 1889, khi vừa thoát khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo, chị bí mật vượt biên sang Thụy Sĩ với ý định theo học đại học.
Học kỳ mùa đông 1889 – 1890, Rosa đăng ký học các môn khoa học tự nhiên ở trường Đại học Zürich khi ấy là một trong vài trường cao đẳng trên thế giới tiếp nhận nữ sinh viên. Về sau, Rosa chuyển sang học chính trị và kinh tế quốc dân. Cuối thế kỷ 19, Zürich là nơi có nhiều người tị nạn chính trị, nhất là từ Đức, Nga và Ba Lan. Trong thời gian ở Thụy Sĩ, chị có quan hệ tình cảm sâu đậm nhưng khá phức tạp với Leo Jogisches[iv], một nhà cách mạng Lithuania cũng buộc phải lưu vong như chị. Rosa vừa học tập, vừa viết bài mang tính xã luận cho tờ Sự nghiệp Công nhân ra đời năm 1893 và trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan (DCXH Ba Lan) do Leo, Rosa và một số đồng chí Ba Lan khác thành lập trong cùng năm ấy. Giữa đảng này và Đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan (PPS) xuất hiện trước đó một năm có mâu thuẫn chủ yếu về mục tiêu: Trong khi Đảng PPS đấu tranh cho độc lập dân tộc, Đảng DCXH Ba Lan chủ trương đoàn kết giai cấp vô sản Nga và Ba Lan nhằm lật đổ chế độ Nga hoàng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn đế quốc Nga, tức là bao gồm cả các nước thuộc địa. Một tuần sau đó, Đại hội Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Quốc tế XHCN) họp tại Zürich với hơn 400 đại biểu từ 20 nước và nhiều nhân vật có tiếng tăm, uy tín lớn trong phong trào công nhân quốc tế như Friedrich Engels, August Bebel[v], Wilhelm Liebknecht[vi], Karl Kautsky[vii], Clara Zetkin[viii], Victor Adler[ix], Georgi Plekhanov[x], Eleanor Marx-Eveling[xi], v.v.. Người phụ nữ mới 22 tuổi ấy đã can đảm bước lên diễn đàn, đề nghị Đại hội cho hai đại biểu của đảng mình được quyền tham dự, bên cạnh các đại biểu của Đảng PPS. Lúc ấy, chưa ai biết đến Đảng DCXH Ba Lan nên đề nghị của Rosa không được chấp thuận. Năm 1897, Rosa hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “Phát triển công nghiệp của Ba Lanˮ nghiên cứu về quá trình công nghiệp hóa của một vùng trước kia chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong quan hệ hữu cơ với “mẫu quốcˮ. Đó cũng là cơ sở lý luận của chị để chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Với ý muốn hoạt động ở địa bàn rộng hơn, năm 1898 Rosa rời Thụy Sĩ sang Đức, gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội Đức (DCXH Đức) là đảng lớn mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ. Tuy là “lính mớiˮ, chị bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh chống khuynh hướng xét lại đang ngóc đầu lên trong đảng. Tại Đại hội Quốc tế XHCN năm 1900, chị vạch rõ sự cần thiết của một phong trào quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc, chế độ quân phiệt và chính sách thuộc địa.
Trong mười năm 1904 – 1914, Rosa làm việc cho Văn phòng Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế. Trở về quê hương tham gia vào cuộc Cách mạng 1905/1906 chống chế độ Nga hoàng, chị bị bắt giam từ tháng 3 cho đến tháng 6-1906 mới được trả tự do. Rút kinh nghiệm từ cuộc cách mạng ấy, chị nhận định rằng tổng đình công là một vũ khí lợi hại của phong trào công nhân, quan trọng hơn việc đấu tranh nghị viện do lãnh đạo Đảng DCXH Đức chủ trương. Qua đó, chị được xem là người cầm đầu “cánh tảˮ trong đảng.
Tại Đại hội Quốc tế XHCN năm 1907, Rosa được giao nhiệm vụ cùng với Vladimir Lenin và Julius Martov[xii] soạn thảo đề cương chống chiến tranh của phong trào công nhân quốc tế. Từ 1907 đến 1914, chị là giáo viên trường đảng ở Berlin. Với tác phẩm chínhTích lũy tư bản (1913), Rosa giải thích chủ nghĩa đế quốc về mặt kinh tế, đồng thời phê phán Karl Marx đã sai lầm trong lý thuyết về sự tích lũy tư bản của ông.[xiii]Ba tuần sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, chị lần lượt bị giam giữ trong nhiều nhà tù của Đế chế Đức cho đến khi chiến tranh chấm dứt, chỉ được tự do hai lần trong suốt thời gian đó, mỗi lần kéo dài vài tháng. Năm 1914, chị cho ra đời quyển sách nhỏ nổi tiếng với bút danh Junius phân tích nguyên nhân cuộc chiến tranh thế giới mà lãnh đạo Đảng DCXH Đức và nhóm đại biểu của đảng trong Quốc hội Đức ủng hộ. Mùa Đông 1915, chị cùng Karl Liebknecht và một số đảng viên dân chủ xã hội khác họp thành nhóm Quốc tế, tiền thân của Liên đoàn Spartakus, tổ chức sau này hợp nhất với nhiều nhóm thiên tả nhỏ hơn thành Đảng Cộng sản Đức. Cách mạng tháng Hai, rồi Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra, chị viết nhiều bài báo ủng hộ, đồng thời phê phán Lenin và Đảng Bolshevik đã duy trì quá lâu chính sách khủng bố, độc tài mà họ buộc phải thi hành trong “thời kỳ khó khăn ghê gớmˮ ban đầu. Mùa Thu 1918, Rosa tổng hợp những quan điểm của mình về Cách mạng tháng Mười Nga cũng như về một chủ nghĩa xã hội dân chủ và đầy tính nhân văn trong một bản thảo giao cho luật sư của mình là Paul Levi giữ, với ý định biên soạn một quyển sách hoàn hảo hơn trong tương lai, điều chị không thể thực hiện được. (Ba năm sau khi chị mất, Levi mới xuất bản bản thảo ấy dưới dạng sách, lấy tựa đề Cách mạng Nga.[xiv])
Sau cuộc nổi dậy của thủy thủ ở Kiel, cuộc Cách mạng tháng Mười Một lan rộng khắp nước Đức, Ủy ban Công nhân và Quân nhân được thành lập ở nhiều thành phố. Vừa mới được tự do, Rosa đã lao mình ngay vào công việc, mặc dù sức khỏe của chị sút kém rất nhiều từ khi còn ở trong tù. Chị phát hành chung với Karl Liebknecht tờ Cờ Đỏ và viết bài tuyên truyền kích động quần chúng tiếp tục làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, không dừng lại ở việc lật đổ chế độ quân chủ. Đường lối ấy của chị cũng như của Liên đoàn Spartakus không được sự ủng hộ của đa số người dân muốn trở lại đời sống bình thường sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Cuộc “nổi dậy Spartakusˮ do Karl Liebknecht lãnh đạo được Rosa hết sức ủng hộ mặc dù chị đã thấy trước là nó sẽ thất bại. Hàng trăm chiến sĩ và thường dân bị sát hại bởi lực lượng phản cách mạng đông đảo, thiện chiến và vũ trang đến tận răng. Hai lãnh đạo cách mạng thì bị truy lùng gắt gao rồi bị giết một cách dã man.
Tự do luôn luôn là tự do của người khác chính kiến
Rosa Luxemburg mất cách đây 95 năm. Nhưng chị vẫn còn sống mãi với những người yêu chân lý, công bằng, tự do. Quan điểm “Tự do luôn luôn là tự do của người khác chính kiếnˮ của chị đã trở thành phương châm của phong trào đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền ở CHDC Đức cũ. Còn các chế độ toàn trị mang màu sắc leninist, stalinist, maoist v.v. thì lợi dụng cái chết của chị và Karl Liebknecht để tuyên truyền chống chủ nghĩa tư bản và các “thế lực thù địchˮ khác, bào chữa cho sự tham quyền cố vị của họ. Họ kết hợp hai nhà cách mạng Đức phê phán chế độ bolshevik với người đứng đầu chế độ này là Lenin thành một cấu trúc kỳ quặc là LLL (Lenin-Liebknecht-Luxemburg). Thật sự mục tiêu của Rosa là chủ nghĩa xã hội. Nhưng đó phải là một chủ nghĩa xã hội được quần chúng xây dựng nên với đầy đủ ý thức và trách nhiệm, chứ không phải do một đảng hay một phe nhóm độc tài chỉ định. Đó có thể là một “Mùa Xuân Prahaˮ như nhân dân Tiệp Khắc từng mong muốn nhưng bị đập tan bởi quân đội khối Hiệp ước Warszawa năm 1968. Hay các chế độ xã hội chủ nghĩa do một số nhà lãnh đạo dân cử ở châu Mỹ La-tinh thực hiện cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước mà giới quân phiệt đã kết thúc bằng bạo lực, ít nhiều với sự hỗ trợ của Mỹ. Việc các mầm mống xã hội chủ nghĩa dân chủ bị giẫm nát bởi những tên khổng lồ không đội trời chung với nhau là một bi kịch của lịch sử loài người. Có lẽ còn lớn hơn thế nữa, là bi kịch những chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa lại độc đoán hơn cả chế độ quân chủ chuyên chế và lộng hành hơn cả tư bản độc quyền.
Trong cuộc đời sôi động, tương đối ngắn ngủi của mình, chị đã biên soạn nhiều sách và viết nhiều bài báo về kinh tế – chính trị – xã hội. Các văn bản đó cho thấy chị là một người marxist có lý luận sắc bén và lối tư duy độc lập, sáng tạo, “chưa bao giờ tôn sùng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa marxistˮ.  Nhiều ý nghĩ của Rosa được diễn đạt rõ ràng và chính xác đến nỗi một số tác giả cho là “giống như những lời tiên triˮ, nhưng thật ra chúng chỉ phản ánh những quy luật khách quan. Chúng ta hãy thử xem vài trích đoạn từ bản thảo của chị về Cách mạng Nga và liên tưởng đến đời sống chính trị của đất nước hiện nay, gần một thế kỉ sau đó:
“Có một thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận là nếu thiếu tự do báo chí rộng rãi, thiếu các hoạt động hội họp và lập hội không hạn chế thì khó có thể hình dung được quyền làm chủ của nhân dân.ˮ
“Cùng với sự đè nén đời sống chính trị trong cả nước, hoạt động ở các xô-viết ngày càng suy yếu hơn. Thiếu bầu cử phổ thông, thiếu tự do báo chí và hội họp rộng rãi, tự do đấu tranh tư tưởng, thì cuộc sống trong bất kỳ thể chế công nào cũng sẽ tắt lịm và trở thành giả tạo, trong đó chế độ quan liêu là yếu tố động duy nhất. Đời sống xã hội lịm dần đi, vài chục lãnh đạo đảng với năng lực vô hạn và lý tưởng cao xa nắm quyền chỉ đạo và cai trị, trong số đó chỉ một chục cái đầu xuất chúng mới thực sự lãnh đạo, còn tầng lớp công nhân ưu tú thì thỉnh thoảng được huy động đến những cuộc họp để vỗ tay tán thưởng diễn văn của lãnh đạo, nhất trí thông qua nghị quyết do họ đề ra; kỳ thực đó là chế độ bè phái – cũng chuyên chính đấy, có điều không phải là chuyên chính của giai cấp vô sản mà của một vài chính khách, tức là chuyên chính trong ý nghĩa tư sản, ý nghĩa thống trị của phái Jacobin[xv]
“Tự do dành riêng cho những người ủng hộ chính phủ hay những đảng viên của một chính đảng – cho dù họ có đông tới đâu đi nữa – cũng không phải là tự do. Tự do luôn luôn là tự do của người khác chính kiến. Không phải bởi lòng yêu ‘công bằng’ mù quáng mà vì mọi điều hay lẽ phải, mọi đặc tính bổ ích và tẩy sạch của tự do chính trị đều gắn liền với thực thể ấy và sẽ mất tác dụng nếu ‘tự do’ trở thành đặc quyền đặc lợi.ˮ
“Nhất thiết phải có sự kiểm tra của công chúng. Nếu không, kinh nghiệm chỉ được trao đổi trong vòng khép kín của giới cán bộ của nhà nước mới. Tham nhũng – tha hóa là điều không thể tránh khỏi. […] Thực tiễn xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cả một sự khuấy động tinh thần trong quần chúng vốn bị thoái hoá qua hàng thế kỉ thống trị của giai cấp tư sản. Bản năng xã hội thay vì thói ích kỷ; sáng kiến quần chúng thay vì tính trì trệ; lý tưởng giúp ta vượt qua mọi gian khổ v. v. và v. v. Điều ấy, không ai hiểu rõ hơn, diễn tả mạnh mẽ hơn, nhắc đi nhắc lại bền bỉ hơn Lenin. Tuy nhiên, ông lại sử dụng những phương tiện hết sức sai lầm. Sắc lệnh, quyền lực độc đoán của các đốc công nhà máy, hình phạt khắc nghiệt, chế độ khủng bố, tất cả đều là những liều thuốc giảm đau tạm thời. Con đường duy nhất dẫn tới sự hồi sinh là sự rèn luyện của chính bản thân đời sống công chúng, tự do rộng rãi không hạn chế, dư luận quần chúng. Còn chế độ khủng bố chỉ làm suy đồi đạo đức.ˮ
Là một nhà tư tưởng marxist, Rosa có nhận thức và hành động phù hợp với các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Chị đòi hỏi tự do tư tưởng cho người khác chính kiến không phải vì “lòng yêu công bằng mù quángˮ mà vì những tác dụng vô cùng hữu ích của nó. Bởi vì nếu trấn áp đối lập, thậm chí không cho phép đối lập tồn tại thì làm sao có sự “thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lậpˮ vốn là nguồn gốc và động lực của phát triển? Nếu cấm nhân dân biểu tình, lập hội, diễn đạt tự do, tư hữu ruộng đất v.v. và tuyển chọn nhân sự theo chủ nghĩa lý lịch, dành ưu tiên cho những kẻ cơ hội thì làm thế nào có được một mặt bằng dân trí cao với một đội ngũ lãnh đạo tài đức, có năng lực quản lý đất nước hiệu quả?
Hơn thế nữa, Rosa chủ trương quần chúng phải tự rèn luyện và nâng cao ý thức của mình qua những cuộc đình công đại chúng, những buổi học tập chính trị, những hoạt động văn hóa – xã hội v.v.. Theo cách nói hiện nay, đó là những đặc tính của một xã hội dân sự năng động, lành mạnh. Đối với chị, đảng lãnh đạo có nghĩa là tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho nhân dân, giáo dục quần chúng thật sâu sắc về chính trị, đưa ra những đề xuất để họ xem xét, quyết định và sẵn sàng chấp nhận nếu bị từ chối, chứ không phải dùng mọi cách để buộc họ phải đi theo con đường do đảng chọn.
Điều sau cùng cần nói ở đây là Rosa luôn luôn trung thành với quan điểm của mình cho đến chết, đó là: chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với tự do dân chủ và tính nhân văn. Mặc dù sau khi ra khỏi nhà tù và dấn thân vào cuộc Cách mạng Đức, chị có phần cực đoan hơn trước, nhưng ý kiến khá phổ biến cho rằng chị đã thay đổi theo đường lối và phương pháp cách mạng của Lenin bắt nguồn từ một huyền thoại.[xvi] Huyền thoại ấy đã bị bác bỏ bởi Paul Levi[xvii], người luật sư đồng hành với Rosa từ 1914 và kế thừa tư tưởng chính trị của chị, cũng như bởi những nghiên cứu gần đây[xviii]. Chính Rosa đã nhận định trong tờ Cờ Đỏ do chị phụ trách:
“Bản chất của chủ nghĩa xã hội nằm ở chỗ đông đảo quần chúng lao động chấm dứt tình trạng bị thống trị, hơn thế nữa, còn sống trọn vẹn đời sống kinh tế và chính trị, thay đổi nó với quyền tự quyết trong tự do và có ý thức.ˮ[xix]
“Chỉ có hành động cách mạng bất chấp mọi sự và lòng nhân đạo rộng lượng nhất mới thật là sinh khí của chủ nghĩa xã hội. Một chế độ phải bị lật đổ nhưng mỗi giọt nước mắt dù có thể lau khô là một lời buộc tội và kẻ nào vì vội vã công việc hệ trọng mà vô ý giẫm nát một con trùn thì cũng đã phạm tội ác.ˮ[xx]
© 2014 Phạm Hải Hồ & pro&contra

[i] Trích thư gửi Mathilde Jacobs. Những câu văn viết chữ nghiêng trong bài này là của Rosa Luxemburg được tác giả dịch từ nguyên bản tiếng Đức.
[ii] Viết theo tài liệu lịch sử, nhất là nghiên cứu của Klaus Gietinger: Eine Leiche im Landwehrkanal. Die Ermordung Rosa Luxemburgs [Một tử thi trong kênh Landwehr. Vụ sát hại Rosa Luxemburg]. Verlag 1900, Berlin 1995.
[iii] Trong thư ngày 24-6-1898 của Rosa Luxemburg gửi Leo Jogisches, đoạn nói về cái chết.
[iv] Leo Jogisches (1867-1919): nhà marxist hoạt động ở Lithuania, Ba Lan và Đức; là người yêu của Rosa Luxemburg trong một thời gian dài và có hoạt động cách mạng gắn bó với Rosa cho đến khi chị qua đời (xem chi tiết trong bài); bị ám sát ở Berlin năm 1919 trong khi tìm cách vạch trần tội ác giết Rosa và Karl Liebknecht.
[v] August Bebel (1840-1913): nhà văn, chính trị gia marxist, cùng với Wilhel Liebknecht thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Đức sau này hợp nhất với một đảng khác thành Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).
[vi] Wilhelm Liebknecht (1826-1900): chính trị gia Đức đã kết hợp thuyết marxist với hoạt động thực tiễn hợp pháp; dưới sự lãnh đạo của ông, Đảng SPD trở thành đảng lớn nhất nước Đức; ông là cha của Karl Liebnecht.
[vii] Karl Kautsky (1854-1938): nhà báo và lý thuyết gia marxist Đức. Sau khi Friedrich Engels mất (1895) cho tới đầu Thế chiến thứ nhất, Kautsky là người truyền bá chủ nghĩa marxist có ảnh hưởng nhất. Năm 1917, ông rời Đảng SPD, gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội Độc lập (USPD), một chính đảng chống chiến tranh và chủ nghĩa xét lại. Cuối cuộc chiến, ông chỉ trích cuộc cách mạng bolshevik, tham gia luận chiến với Lenin và Trotsky về nhà nước Xô-viết.
[viii] Clara Zetkin (1857-1933): nhà marxist, đấu tranh cho nữ quyền, tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên vào năm 1911; bạn thân của Rosa Luxemburg và cũng như chị đổi từ Đảng SPD sang Liên đoàn Spartakus rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức; từ 1920 đến 1933 là đại biểu của đảng này trong Quốc hội Đức.
[ix] Victor Adler (1852-1918): nhà báo, lãnh tụ phong trào công nhân Áo; năm 1888, thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội (Áo) và trở thành chủ tịch thứ nhất của đảng này; ủng hộ chính sách chiến tranh của chính quyền Áo trong Thế chiến thứ nhất.
[x] Georgi Plekhanov (1856-1918): nhà cách mạng Nga và lý thyết gia marxist; năm 1880, do chính sách đàn áp của chế độ Nga hoàng, ông buộc phải đi tị nạn ở Thụy Sĩ, nơi ông tiếp tục đấu tranh nhằm lật đổ chế độ ấy; sau Cách mạng tháng Hai Nga 1917, ông trở về quê hương; đối lập với Lenin và chính quyền Xô-viết nhưng vẫn được Đảng Cộng sản Liên Xô xem là cha đẻ của chủ nghĩa marxist Nga sau khi ông mất.
[xi] Eleanor Marx-Eveling (1855-1898): nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa, con gái út của Karl Marx, năm 16 tuổi trở thành thư ký riêng của cha bà; được Karl Marx (trước khi mất năm 1883) giao cho trách nhiệm xuất bản các bản thảo chưa hoàn tất và bản tiếng Anh quyển Tư bản của ông.
[xii] Cả hai đều thuộc Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga nhưng là đối thủ với nhau, Lenin (1870-1924) đứng đầu phái bolshevik (phái đa số), còn Martow (1873-1923) là một lãnh đạo nổi tiếng của phái menshevik (phái thiểu số).
[xiii] Michael Krätke: “Das verdrängte ökonomische Erbe”. In: Jörn Schütrumpf (Hrsg.): Rosa Luxemburg oder: Der Preis der Freiheit. 2., erg. u. überarb. Aufl. Berlin 2010.
[xiv] Rosa Luxemburg (1918): The Russian Revolution. Translated by Bertram Wolfe. marxists.org 1999.
[xv] Chế độ cai trị của phái Jacobin trong Thời kỳ Khủng bố (kéo dài từ tháng 9-1793 đến tháng 7-1794) sau Cách mạng Pháp, sát hại khoảng 41.600 “kẻ thù của cách mạng”, kể cả “cha đẻ của hóa học hiện đạiˮ Antoine Lavoisier. Chế độ này chấm dứt sau khi các lãnh tụ như Robespierre, Saint-Just bị giết.
[xvi] Nó được hai đồng chí gần gũi của Rosa là Clara Zetkin (Um Rosa Luxemburgs Stellung zur russischen Revolution. Verlag der Kommunistischen Internationale, 1922.) và Adolf Warski (Rosa Luxemburgs Stellung zu den taktischen Problemen der Revolution. Bibliothek der Kommunistischen Internationale, 1922.) tung ra trong năm 1922 sau khi Levi công bố Cách mạng Nga, có lẽ do tác động của Lenin và áp lực của Quốc tế Cộng sản mà Đảng Cộng sản Liên Xô chiếm ưu thế tuyệt đối.
[xvii] Xem: Jörn Schütrumpf: “Der Name der Rose. Der Streit um Luxemburgs Fragment “Zur russischen Revolutionˮ und eine Klarstellung von Paul Levi”. Neues Deuschland 12.01.2013
[xviii] Ottokar Luban: Problemstellungen und Tendenzen in wissenschaftlichen deutschen Rosa-Luxemburg-Publikationen nach 1990. – Verbesserte und erweiterte Fassung (22. Februar 2004). Jörn Schütrumpf: Bài đã dẫn.
[xix] Rosa Luxemburg: “Was will der Spartakusbund?” Die Rote Fahne(Berlin), Nr. 29, 14. Dezember 1918.

[xx] Rosa Luxemburg: “Der Anfang”. Die Rote Fahne, 18. November 1918.

Source : pro&contra

14/1/14

Anh em nhà họ Dương

Anh em nhà họ Dương

Phạm Thị Hoài

Câu chuyện của anh em nhà họ Dương có vài tình tiết khiến tôi phải liên tưởng đến bộ tiểu thuyết cuối cùng của Dos, Anh em nhà Karamazov.

Nhân vật người cha, Fyodor Karamazov, hoàn toàn có thể được thay thế bằng một biểu tượng khác trong bối cảnh Việt Nam đương đại, một uy quyền thối nát nhưng vẫn thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Sa đọa, bỉ ổi, tự đắc và to mồm, cái uy quyền trưởng thượng đó đồng thời là nguồn phát sinh và nguồn xung đột với những đứa con của chính nó. Dmitri giết cha hay Dương Chí Dũng sát hại cái uy quyền đó – bằng cách chôn vùi uy tín của nó, thiết lập một tình trạng “không có vua” – trong tâm tưởng hay trong thực tế không phải vì khao khát kết liễu cái Ác mà vì sự cạnh tranh của cùng những động cơ đê tiện. Tiền, tình, tham vọng và dục vọng, mưu mô, tị hiềm, lường gạt, quyền lực và bạo lực, sự ngông cuồng của bản năng, sự hiếu thắng của một lí trí đã cực kì cùn mòn và sự lải nhải của luân lí trộn cứng vào nhau trong tấn bi kịch ở nước Nga cuối thế kỉ 19 và trong câu chuyện hình sự ở nước Việt đầu thế kỉ 21.

Dmitri hát. Dương Chí Dũng ngâm thơ. Cả hai đều vướng vào đàn bà, dù chúng ta không biết nàng Grushenka Hà Nội có ma lực nào khiến đàn ông mất ví, mất trí và mất mạng. Còn có một tình tiết tương đồng khác, nhất định không phải là ngẫu nhiên: người em, Ivan, cũng lập kế giúp anh chạy trốn án lưu đày Siberia như Dương Tự Trọng giúp anh tẩu thoát án tử hình đang đợi. Và lạ chưa, điểm đến trong kế hoạch thoát thân của cả hai đều là nước Mỹ. Nhưng trong khi Dmitri hình dung cụ thể phải lao động cật lực, phải học ngữ pháp, phải nói tiếng Anh thật chuẩn trong vòng ba năm rồi sẽ thay hình đổi dạng, thậm chí nếu cần thì chọc mù một mắt, để trở về sống trong lòng nước Nga yêu dấu, thì Dương Chí Dũng không hề nghĩ đến chuyện phải rửa chén chạy bàn ở vùng đất hứa: ông chọn nước Mỹ vì kết quả bấm quẻ. Như để bù cho sự thiếu vắng của tôn giáo, chiều kích quan trọng nhất của tấn bi kịch Nga, mê tín xuất hiện trong câu chuyện Việt dưới hình hài một anh hề không biết công chúng ôm bụng cười vì điều gì.

Sự khác nhau còn nằm sâu hơn.

Người anh, Dmitri, vò xé trong đau khổ vì tin rằng mình có tội, đã sẵn sàng chuộc tội bằng bản án lưu đày. Dương Chí Dũng thì không, ông hoàn toàn bất ngờ khi nghe tin mình sẽ bị bắt và khẳng định mình vô tội cho đến tận bây giờ. Người em, Ivan, nhàu nát trong tự truy vấn về tội lỗi của bản thân nên bỏ tiền ra giúp anh chạy trốn, như để chuộc cái tội mà pháp luật không truy tố của mình. Dương Tự Trọng thì không, ông hành động vì tình nghĩa ruột thịt như dư luận được biết và thậm chí có phần cảm phục. Ở anh em nhà Karamazov, một uy quyền xứng đáng bị kết liễu đã bị sát hại và tất cả đều sám hối, dù người đọc đã biết rõ thủ phạm. Tất cả đều tham gia tội ác. Ở anh em nhà họ Dương, một uy quyền xứng đáng bị kết liễu đã bị tổn thương và tất cả đều đổ tội hoặc cho hoàn cảnh – cái đang được gọi một cách mịt mù là thể chế -, hoặc cho kẻ khác, và dư luận thì nóng lòng chờ điểm danh kẻ thủ phạm tiếp theo. Tất cả đều có thể rũ tội cho phần mình.

Anh em nhà Karamazov cuốn người theo dõi số phận họ vào vòng xoay nghẹt thở của những luận đề nặng trĩu về giới hạn của đạo đức và trách nhiệm, về tội ác và sự trừng phạt, về tội lỗi thực tế và tội lỗi siêu hình, và trùm lên tất cả là câu hỏi về sự hiện hữu của Thượng đế và ý nghĩa của kiếp người. Anh em nhà họ Dương cuốn người theo dõi số phận họ vào vòng xoáy đứng tim của những tiết mục trinh thám giật gân và những pha mùi mẫn. Với biết bao là nợ tình: tình cách mạng, tình đồng chí, tình huynh đệ, tình chiến hữu, tình nghệ sĩ, tình giang hồ hảo hớn, đó là chưa kể tình ngoại tình. Gỡ mỗi cái nợ ấy là hết ít nhất một thế hệ.

Tấn bi kịch Nga chỉ mượn cốt truyện hình sự. Câu chuyện Việt tự kiềm chế trong khuôn khổ một vụ án hình sự đơn thuần. Nó không cần đến người em thứ ba, Alexey, nhân vật thánh thiện, để rọi ánh sáng vào mạch chuyện. Truyền thông Việt Nam, lắc lư ngoạn mục bằng một chân chính thống, một chân lá cải và chiếc đuôi tự do liên tục bị cắt và liên tục tìm cách mọc lại, đảm nhiệm vai dẫn chuyện. Cũng không cần đến Smerdyakov, người em vô thừa nhận, kẻ cùng quẫn tăm tối, dùng tốt cho việc thừa hành những tội ác trong tâm tưởng người khác. Những Smerdyakov trong xã hội Việt Nam nhiều và đương nhiên đến mức chúng ta không nhìn ra nữa.

Một tác giả tôi không còn nhớ tên đã nhận xét rằng trong nước Nga của anh em nhà Karamazov, cứ vài ba phút người ta lại đấm ngực khóc rống lên và quỳ xuống hôn chân Chúa xin tha tội, để ngay sau đó với vodka trong máu và lời cầu nguyện trên môi cho nhau một nhát rìu vào sọ. Trong nước Việt của anh em nhà họ Dương, với một quốc giáo vô thần và một Đấng Toàn năng là Đảng Cộng sản, người ta cũng hành xử không khác. “Nguyên lí Karamazov”, được đặt vào miệng kẻ vô thần Smerdyakov, phát biểu rằng mọi thứ đều được phép, rằng cái Ác là chính danh, nếu Thượng đế không tồn tại, hay nói cách khác: Thượng đế phải tồn tại để cái Thiện lên ngôi. Song sự hiện hữu không thể phủ nhận của Đấng Toàn năng ở Việt Nam đã phủ nhận nguyên lí đó. Lật ngược lại nguyên lí Karamazov, câu chuyện của anh em nhà họ Dương trong hiện thực Việt Nam hôm nay hoàn toàn có cơ hội vươn lên tầm hư cấu của nhà văn Nga vĩ đại hơn 130 năm trước.



Bạn gái ông Hollande 'buồn ơi chào mi'?


Bạn gái ông Hollande 'buồn ơi chào mi'?



BBC   .  Cập nhật: 11:56 GMT - thứ ba, 14 tháng 1, 2014
Bà Valerie Trierweiler là bạn gái chính thức của ông Francois Hollande
Theo phóng viên BBC từ Paris, Hugh Schofield, người theo dõi câu chuyện tình trên chính trường nước Pháp có thể cảm thấy thích thú với một vài cách nói hiện đang được báo chí sử dụng.
Ví dụ khi người phát ngôn của Tổng thống Pháp nói rằng bà Valerie Trierweiler, bạn gái chính thức của ông Hollande cảm thấy 'le blues' thì điều đó có nghĩa là gì?

Trong trường hợp của Valerie Trierweiler, từ này được sử dụng để nhấn mạnh nỗi đau buồn của bà.
Le blues (cũng giống như the blues trong tiếng Anh) có nghĩa là buồn bã hoặc sầu muộn. Hứng chịu 'coup de blues' có nghĩa người đó bị một cú suy sụp tinh thần.
Câu chuyện nổ ra trên mặt báo khi người ta nêu cáo buộc ông Hollande, dù đang ở với bà trong Điện Elysee, đã hàng đêm đi thăm và ở lại với nữ diễn viên Julie Gayet.

Phái tả ăn sang và gà trống

Nhưng thông thường không ai phải nhập viện chỉ vì le blues.
Một vài báo nói rằng Trierweiler, Tổng thống Francois Hollande và người bạn gái mới của ông là Julie Gayet đều thuộc giới 'gauche caviar' - phe tả nhưng ăn trứng cá, một món đắt tiền.
Tiếng Anh có cách nói tương tự là những người theo phe xã hội nhưng uống sâm panh.
"Tổng thống Hollande chìm đắm trong các chuyến xuất hành khỏi Điện Elysee một cách bí mật"
Hàm ý của các khái niệm này là tố ra những người tuyên bố theo phe tả, thiên về bình đẳng xã hội, nhưng thực sự lại hưởng thụ như tầng lớp trên.
Tuy nhiên vì tư tưởng cánh tả là một phần rất đặc trưng của xã hội Pháp nên khi nói 'gauche caviar' thì người đọc nhận ra ngày đây là tầng lớp xã hội nào.
Những người thuộc giới 'gauche caviar' tỏ ra khinh đồng tiền nhưng lại coi chuyện có 'pied-a-terre' - căn nhà thứ nhì, để cho thuê hoặc để nghỉ - ở Rue du Cirque - phố của giới giàu có không xa dinh Tổng thống, là chuyện bình thường.
Rue du Cirque là nơi Julie Gayet được diễn viên Emmanuelle Hauck cho mượn một căn hộ để (theo tin đồn) tiện gặp Tổng thống.
Cổng có gà trống là nơi Tổng thống Hollande thường 'luồn ra ngoài buổi đêm'
Giả sử như căn hộ đó chính là của Tổng thống Hollande thì căn hộ sẽ không được gọi là 'pied-a-terre' mà sẽ là 'garconniere' (nơi ở của các chàng độc thân).
Trong khi đó, Hollande vẫn đắm chìm trong 'escapades discretes' - những chuyến xuất hành bí mật - theo cách nói rất chừng mực trên tờ L'Express về các cuộc phiêu lưu lãng mạn của Tổng thống Pháp.
Tờ L'Express biết Tổng thống đang làm gì nhưng không nói rõ ra, họ để dành phần đàm tiếu cho 'presse people' (các báo chuyên viết về người nổi tiếng).
Người Pháp cũng được biết về sự tồn tại của Grille du Coq.
Đó là cánh cổng kim loại trang trí cầu kỳ với chú gà trống Gôloa trên đỉnh nằm ở cuối vườn Elysee, nơi mà L'Express nói rằng Tổng thống thường 's'exfiltrer' (luồn ra ngoài).
Đôi khi Tổng thống Hollande đi môtô - hoặc chính xác hơn là 'scooter a trois roues' - một loại môtô có hai bánh xe trước và một bánh sau.
Trong thành phố Paris đông đúc, loại xe này giờ chỉ thường là lựa chọn của các nhân viên công sở thường thường bậc trung mặc comlê nhưng cưỡi xe máy khi họ cần đi họp.
( BBC sẽ còn tiếp tục đưa tin về các chuyện liên quan đến Tổng thống Francois Hollande ).

Theo BBC

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Chuyện Trường Đua


Tuesday, January 14, 2014

Chuyện Trường Đua



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140113
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Chưa qua năm Ngọ, bầy ngựa đã xổng chuồng.... 

* Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ: "còn tí xíu nữa là xong!" *


Ba ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Bắc Kinh đơn phương thông báo việc thành lập Vùng phòng không ADIZ (Air Defense Identification Zone) ngoài Đông hải của Trung Quốc thì tỉnh Hải Nam tặng các nước Đông Nam Á một món quà khó nuốt: kể từ đầu năm dương lịch 2014 mọi ngư thuyền ra vào Trung Nam Hải sẽ bị kiểm soát. Khu vực mơ hồ này bao trùm lên vùng độc quyền kinh tế EEZ của tỉnh, mà còn phủ lên hai triệu cây số vuông ngoài biển là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp về chủ quyền với các nước Đông Nam Á. Chưa biết tỉnh Hải Nam có khả năng kiểm soát thực tế hay chăng, biện pháp công bố cũng đã là một sự cưỡng từ đoạt lý. Nói cho gọn là cưỡng đoạt trắng trợn.

Trận đánh về ngoại giao và pháp lý đã bắt đầu.

Hoa Kỳ lập tức lên tiếng phản đối, qua lời phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao. Khốn nỗi, ưu tiên của Hoa Kỳ không nằm tại Đông Hải mà ở Trung Đông.

Kể từ ngày 20 này, Hoa Kỳ cùng năm quốc gia Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Liên bang Nga có sáu tháng thử nghiệm một tạm ước với Iran để nhất thời đông lạnh dự án hạch tâm của Tehran. Đổi lại thì các nước Tây phương sẽ giải tỏa dần lệnh cấm vận kinh tế. Tức là trận đánh về ngoại giao và pháp lý cũng bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Iran và có thể kéo dài suốt năm Ngọ.

Nhưng lồng trong hồ sơ ưu tiên của Chính quyền Barack Obama lại còn nhiều trận đánh khác.

Quốc hội Mỹ không yên tâm về thỏa thuận của Ngoại trưởng John Kerry với Iran. Nhiều dân biểu nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đang trù tính biểu quyết đạo luật tăng cường phong tỏa kinh tế Iran dù ông Obama đã hăm sẽ dùng quyền phủ quyết để vượt rào Quốc hội.

Trận đánh thứ hai là giữa Hoa Kỳ với các đồng minh truyền thống trong khu vực Trung Đông.

Chẳng những Israel nghi ngờ thiện chí và lời cam kết của Tehran, các nước Á Rập Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni không yêm tâm với việc Mỹ lặng lẽ hòa giải với Iran, một nước Hồi giáo của dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Theo phép đảo điên cố hữu, vì nhu cầu của mình, Hoa Kỳ sẵn sàng bắt tay đối thủ cũ – khi là phe Sunni như tại Iraq, khi là phe Shia như với Iran ngày nay – và gây khó chịu cho các đồng minh.

Lần này là Saudi Arabia, một nước Á Rập theo hệ phái Sunni và đang ngầm cạnh tranh với Iran. Đằng sau Saudi Arabia là nhiều nước Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư. Với các quốc gia này, Iran là thủ phạm của tình trạng bất ổn tại Lebanon với lực lượng Hezbollah, của vụ khủng hoảng tại Syria khi yểm trợ chế độ độc tài ở Damascus để lãnh tụ Bashar al-Assad thẳng tay đàn áp các lực lượng võ trang Sunni.

Ngoài chuyện Lebanon hay Syria, lực lượng al Qaeda nguyên thủy cùng các nhóm khủng bố nội hóa, tự xưng danh al Qaeda hoặc dùng phiêu hiệu al Qaeda để mở ra cuộc Thánh Chiến Hồi giáo vẫn tiếp tục tung hoành. Mục tiêu của các lực lượng này có thể là tôn giáo hay dân tộc, nhưng về phương pháp thì vẫn là khủng bố và bạo động.

Tuần qua, thành tích của nhóm al Qaeda tại Ramadi và Fallujah trong lãnh thổ Iraq khiến mọi người lo ngại. Sau khi hao tốn cả người và của tại Iraq trong cả chục năm, nước Mỹ đang "mất" Iraq khi thả nổi xứ này cho lực lượng Shia thân Iran, hay cho khủng bố al Qaeda, lực lượng Thánh Chiến xuất phát từ một nhánh cực đoan nhất của hệ phái Sunni.

Tổng kết lại chuyện rắc rối này, bước vào năm Giáp Ngọ, Chính quyền Obama nhất quyết rút khỏi Afghanistan theo đúng kỳ hạn là cuối năm 2014, không can dự vào Iraq, bước vào vòng hòa đàm với Iran và coi như mối nguy từ al Qaeda đã kết thúc.

Nhìn từ bên ngoài, ta cần thấy ra sự hợp lý của chiến lược quái quỷ này.

Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi vũng lầy Hồi giáo bằng cách lập ra một trật tự bất ổn giữa các cường quốc trong khu vực rộng lớn này để các quốc gia, hệ phái tôn giáo hay sắc tộc chĩa súng hờm nhau. Nếu trật tự đó của nước Mỹ là sự bất ổn cho các nước khác thì đấy là vấn đề của họ!

Nhìn cách khác, nếu ngần ấy con ngựa có dại dột lao ra trường đua thì Hoa Kỳ cũng đánh cả trên ngần ấy cửa. Cho tới khi sự bất ổn này dội ngược về nước Mỹ....

Mà không chỉ có trường đua tại Trung Đông.

Obama đã đặt tiền ở cửa Vladimir Putin để giải quyết hai hồ sơ Syria và Iran của mình và tránh đụng Liên bang Nga trên các trường đua Âu Châu. Chuyện Georgia hay Ukraine là vấn đề của hai xứ này, của Ba Lan hay Thụy Điển, của Liên hiệp Âu châu và nhất là của Đức. Các nước Âu Châu sẽ phải xử lý hồ sơ Đông Âu và Trung Âu của họ với Liên bang Nga, chứ không thể trông đợi vào nước Mỹ vì Obama đang cần con ngựa Putin cho chuyện khác.

Khi nào mà xứ Iran lại là đồng minh hay đối tác của Mỹ thì đấy mới là mối nguy ở tại cửa ngõ của Liên bang Nga.

Chúng ta quay trở lại Đông Á, với nhiều trận đua ngựa khác trong năm Ngọ.

Lãnh đạo Trung Quốc đang có cuộc đua ở bên trong để cố chuyển hướng khi kinh tế đình trệ mà không gây ra động loạn. Đấy là chuyện nội bộ của nước Tầu mà cũng có thể là cơ hội làm giàu cho nước Mỹ khi Bắc Kinh phải mở cửa. Cuộc đua thứ hai là giữa thế lực quân sự của Trung Quốc với phản ứng quật khởi của Nhật Bản. Nước Nhật sẽ lặng lẽ tái võ trang để bảo vệ quyền lợi của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trong cuộc đua này, Hoa Kỳ hâm nóng chuyện chuyển trục về Đông Á, mà không dại gì giành lấy tuyến đầu của Nhật Bản. Cuộc đua thứ ba là giữa các nước Đông Nam Á với nhau để tranh lấy mối lợi kinh tế từ cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, mà không bị mối nguy về an ninh từ Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc, nhưng sẽ yên tâm hơn nếu họ được Hoa Kỳ bảo vệ.

Y như tại trường đua Trung Đông, cuộc đua tại Đông Á có bao hàm trò chơi quân sự và rủi ro nháng lửa trong năm Ngọ là chuyện tất yếu.

Trong cuộc đua quái đản này, con ngựa yếu nhất không là Phi Luật Tân hay Mã Lai Á mà là Việt Nam. Khi tưởng niệm trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, người Việt không nên quên lập trường của Hoa Kỳ vào thời điểm tháo chạy đó. Hoa Kỳ đứng ngoài giám trận chẳng phải vì đạo luật War Power Act năm 1973 không cho phép Hành pháp dụng binh, mà vì nước Mỹ đã lập ra một trật tự bất ổn khác trong khu vực, để dùng Trung Quốc chặn đường Nam tiến của Liên Xô.

Những tan hoang hay tử vong thời đó nằm trong trương mục lời lỗ khi nước Mỹ nhất quyết xoá sổ và bày ra cuộc đua khác. Trong năm Ngọ này, cuộc đua lại tái diễn với một đối thủ cần chặn đường là Trung Quốc. Và đối tác sẽ giữ tuyến đầu là Nhật Bản. Xứ nào dại dột chen chân vào đó thì hãy ráng chịu.

Hèn gì mà dân Mỹ cứu giúp rất nhiều người trên thế giới, nhưng nước Mỹ vẫn là siêu cường không đáng tin.


_______________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Trong khi thiên hạ đang tự hỏi là Mỹ tính sao khi thế giới có quá nhiều rủi ro xung đột thì dân Mỹ lại nói đến một vụ "apocalypse" khác. Đó là nạn khan hiếm một sản phẩm nhu yếu trong mùa Super Bowl: loại phó mát Velveeta béo ngậy và vàng ệnh để cử tri Mỹ lai rai chấm bánh khi theo dõi trận đấu banh bầu dục trên truyền hình. Họ gọi đó là "cheesepocalypse". Một tay sành điệu đã báo động trên Tweeter: "Nếu quả là thiếu thì tôi chết mất!"


--------------------------------------------

Source  :  Người Việt . dainamax tribune