21/1/14

Sam Rainsy: 'Trung Quốc là tương lai'

Sam Rainsy: 'Trung Quốc là tương lai'

Cập nhật: 12:08 GMT - thứ hai, 20 tháng 1, 2014

Quan hệ Việt Nam – Campuchia lần nữa lại vào tâm điểm chú ý của báo chí và giới quan sát sau các chuyến thăm lẫn nhau của thủ tướng Campuchia và Việt Nam.
Mới đây, đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc phát biểu quan ngại về các ngôn từ bài Việt Nam của lãnh đạo đối lập Campuchia. Chiêu bài chống Việt Nam thực ra đã được các đảng phái ở nước này sử dụng nhiều lần.

BBC:
 Nay công viên Tự do đã bị giải tỏa, chương trình của đảng ông trong thời gian tới sẽ là gì? Sẽ có thêm biểu tình hay thay đổi chiến thuật ạ?
Hồng Nga của BBC vừa có chuyến đi Campuchia và phỏng vấn riêng lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập Sam Rainsy.
Chúng tôi đòi khôi phục quyền tự do của người dân như hiến định. Các quyền tự do này đang bị đình chỉ, nhưng hy vọng là chỉ tạm thời. Tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sắp tới, và chúng tôi sẽ lại tiếp tục lên tiếng trình bày các yêu cầu của chúng tôi thông qua biểu tình hòa bình.
BBC: Ông có nói đảng của ông không chủ trương ủng hộ bạo lực trong bất kỳ hình thức nào. Ông có biết trường hợp một cơ sở do người Việt Nam làm chủ đã bị cướp phá ngay gần nơi xảy ra biểu tình không, thưa ông?
Việc này không có liên quan gì tới đảng của tôi. Chúng tôi tổ chức các cuộc biểu tình lớn tại công viên Tự do, còn các công nhân và công đoàn của họ tổ chức biểu tình gần nơi làm việc. Chúng tôi không tham gia các cuộc biểu tình này.
BBC: Có cáo buộc rằng người biểu tình đã làm dấy lên hiện tượng bài ngoại ở trong nước. Ông nghĩ thế nào về cáo buộc này?
Điều đó không đúng. Người biểu tình chỉ phản đối những vấn đề chính như tham nhũng, bất công trong xã hội, chính quyền yếu kém. Chúng tôi tìm cách giải quyết các vấn đề đó và đó là công việc người Campuchia giải quyết với nhau.
Thủ tướng Việt Nam vừa có chuyến thăm Campuchia ba ngày vào tháng 1/2014
BBC: Ông chắc cũng biết việc ông Hun Sen vừa đi thăm Hà Nội (tháng 12/2013) và tuần rồi ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, cũng có mặt ở Phnom Penh. Việc đó có liên quan gì tới đợt biểu tình vừa bị dập tắt mới rồi hay không?
Đối với chúng tôi, những chuyến đi đó không có ý nghĩa gì hết. Chúng tôi có các quan tâm của mình nên không có để ý tới các chuyến đi này.
BBC: Tôi có đọc các bản tường trình về đợt đi vận động của ông mới đây. Tại Siem Reap ông đã lên tiếng cổ suý cho quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc. Ông nghĩ gì về Trung Quốc?
Chúng tôi muốn làm bạn với tất cả các nước, đó là điều cần thiết cho một quốc gia nhỏ và yếu như Campuchia. Chúng tôi cần làm sao để đối trọng với bất cứ nước nào muốn giành ảnh hưởng, làm sao để không có nước nào thống trị và các nước đều bình đẳng.
BBC: Trung Quốc có thể giúp Campuchia đối trọng như thế nào?
Chúng tôi noi gương cố Quốc vương [Norodom Sihanouk], người ngay từ những năm 1950 đã xây dựng quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc, không ai có thể bỏ qua. Trung Quốc là tương lai.
Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giúp Campuchia bảo vệ chủ quyền cũng như giúp phát triển, thí dụ trong đầu tư, công nghệ...
BBC: Tôi xin dẫn lời ông nói tại Siem Reap rằng ông ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Campuchia tại sao lại liên quan tới Biển Đông? Ông có thể nói rõ hơn không?
Chúng tôi đang gặp vấn đề về biên giới với một số nước láng giềng. Trung Quốc thì không có biên giới với Campuchia và lịch sử cho thấy nhiều thế kỷ qua Trung Quốc đã giúp Campuchia bảo vệ lãnh thổ trước sự bành trướng của các nước láng giềng.
Campuchia giống như Ba Lan, người Ba Lan lúc nào cũng lo sợ ảnh hưởng của Đức và Nga. Chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền trước hết là bằng bảo vệ bản sắc dân tộc của mình.
Nhìn vào lịch sử, thì ai cũng thấy nhiều thế kỷ Campuchia bị kẹt giữa hai láng giềng mạnh hơn: Thái Lan ở phía Tây còn Việt Nam ở phía Đông. Chúng tôi luôn phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của các nước này với trợ giúp của một nước thứ ba. Trung Quốc trong vai trò nước thứ ba này có thể giúp Campuchia đối trọng lại ảnh hưởng của hai nước láng giềng kia.
Bộ trưởng quốc phòng - Tướng Tea Banh nhận trực thăng TQ tặng
Trung Quốc vừa tăng hỗ trợ quân sự cho Campuchia hồi tháng 11/2013
BBC: Trong cuộc diễn thuyết ở Siem Reap, ông còn gọi Việt Nam là ‘yuon’ nhiều lần.
Từ ‘yuon’ được dùng khoảng 100 năm nay. Chúng tôi gọi người Thái là Xiêm, còn ‘yuon’ là bắt nguồn từ chữ Yunan (Vân Nam), miền Nam Trung Quốc chỉ những ai có hình dáng giống người dân vùng đó. Từ ‘yuon’ đối với tôi không xấu.
BBC: Ông nhiều lần nói rằng kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta. Vậy đối với ông ai là kẻ thù, ai là bạn?
Đó chỉ là những câu nói chung chung thôi. Trong lịch sử, điều đó có thể đúng trong các ngữ cảnh nhất thời. Nhưng ngữ cảnh có thể thay đổi. Thí dụ như Việt Nam đã giúp Campuchia thoát quân Khmer Đỏ, nhưng sau họ lại ở lại cả chục năm.
Chúng tôi không chủ trương chống bất cứ quốc gia nào hay dân tộc nào, mà chỉ chống chính sách nào đó của chính phủ nào đó vào một thời điểm nào đó. Nhưng mọi việc đều có thể thay đổi, chính sách thay đổi, chính phủ ra đi…
BBC: Vào thời điểm này thì rõ ràng ông ngả về Trung Quốc trong lĩnh vực biển đảo với Việt Nam?
Chúng tôi biết ơn Trung Quốc vì họ giúp chúng tôi rất nhiều mà không đòi hỏi gì ngược lại.
BBC: Nhưng nếu ông dựa vào họ, thì làm sao có độc lập?
Đó là việc của tôi.

Source : BBC

VN dùng tin tặc tấn công mạng dân chủ?

VN dùng tin tặc tấn công mạng dân chủ?

Cập nhật: 09:01 GMT - thứ ba, 21 tháng 1, 2014
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội từng thừa nhận về lực lượng 900 dư luận viên của cơ quan này
Chính phủ Việt Nam bị tình nghi đứng đằng sau những vụ tấn công mạng nhằm vào các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài, theo hãng thông tấn AP.

Trang blog Ba Sàm, nổi tiếng với những bài viết chỉ trích chính quyền Hà Nội, hồi tháng Ba năm 2013 đã đột ngột đăng hàng loạt thông tin và các hình ảnh cá nhân của bà Thu cùng với những lời lẽ lăng mạ.
Trong tin đăng ngày 20/1, AP dẫn trường hợp trang blog của bà Đinh Ngọc Thu, một nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam ở California, bị mất kiểm soát sau khi máy tính của bà nhiễm mã độc.
Trả lời phỏng vấn BBC vào lúc đó, chủ trang Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh xác nhận trang này đã bị tin tặc tấn công, tuy nhiên ông cũng không bình luận về việc bà Thu có phải là một biên tập viên khác của trang hay không.
Theo AP, sau khi trang Ba Sàm bị tấn công, bà Thu đã phải tốn một tuần lễ để lấy lại quyền kiểm soát trang này, sau đó phải chuyển blog tới một địa chỉ khác. Chỉ trong vài tuần, địa chỉ mới này cũng đã bị chặn từ trong nước.
"Họ đã khiến gia đình và cá nhân tôi tổn thương. Họ hạ nhục chúng tôi để chúng tôi không dám viết blog nữa," bà Thu được AP dẫn lời nói.
"Họ còn gửi cho tôi những lời đe dọa và nói sẽ 'viếng thăm tôi ở California'."

Tấn công hàng loạt

Các chuyên gia tin học điều tra vụ tấn công nhằm vào bà Thu được AP dẫn lời nói mã độc đã được cài vào một đường link gửi đến email của nạn nhân. Sau khi bà Thu nhấn vào đường dẫn này, một phần mềm đánh cắp mật mã được tự động cài vào máy tính của bà, giúp kẻ tấn công có thể tiếp cận những thông tin cá nhân.
Cũng theo AP, các cuộc điều tra sau đó cho thấy một phiên bản được nâng cấp của loại mã độc này cũng đã được cùng một nhóm tin tặc gửi đến ít nhất ba mục tiêu khác.
Những người này bao gồm một phóng viên người Anh của hãng thông tấn AP tại Hà Nội, một giáo sư toán học, đồng thời cũng là một nhà hoạt động dân chủ người Việt đang sống tại Pháp, một thành viên của tổ chức hoạt động cho quyền tự do thông tin trên mạng Electronic Frontier Foundation (EFF), có trụ sở tại Mỹ.
Cả ba người này đều không nhấn vào đường link.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 21/1, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của công ty công nghệ BKAV, cho biết một máy tính bị nhiễm độc có thể sẽ được tin tặc sử dụng như một máy chủ để tiếp tục phát tán mã độc tới các máy khác.
"Những mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính để ăn cắp thông tin và gửi ra ngoài thì người sử dụng không thể biết được, chỉ khi xảy ra hậu quả như mất tiền trong ngân hàng hay mật khẩu của tài khoản bị đổi đi chẳng hạn, lúc đó họ mới biết," ông Sơn nói.

Chính phủ hậu thuẫn?

Google nói phần mềm FinFisher đang được sử dụng để theo dõi điện thoại của các nhà hoạt động trong nước
Các nhà hoạt động và giới phân tích đang nghi ngờ chính quyền Hà Nội đứng đằng sau cuộc tấn công này, cũng như hàng loạt những cuộc tấn công khác, AP cho biết.
Những người này nói một lực lượng tin tặc thân chính phủ đang ngăn chặn, tấn công và theo dõi các nhà hoạt động người Việt trên khắp thế giới nhằm chống phá phong trào dân chủ.
"Các chiến dich nhằm vào những tiếng nói bất đồng đã được tiến hành ở nhiều nơi khác nhau. Và giờ thì chúng ta thấy chúng đang nhằm vào cả những người đăng tin về những tiếng nói đó," ông Morgan Marquis-Boire, một nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto, Hoa Kỳ, được AP dẫn lời nói.
Hồi năm 2010, Google và McAfee cũng cáo buộc hàng nghìn phần mềm chứa mã độc đang được sử dụng nhằm vào hàng nghìn cư dân mạng tại Việt Nam.
McAfee nói họ nghi ngờ rằng những kẻ tấn công "có thể có quan hệ" với chính phủ.
Hồi năm ngoái, một nhóm nghiên cứu do ông Marquis-Boire dẫn đầu cũng đã phát hiện ra một phần mềm với tên gọi FinFisher được sử dụng để theo dõi liên lạc giữa các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam.
Những nghi ngờ xung quanh việc chính phủ Việt Nam đứng sau các vụ tấn công mạng còn dựa vào việc tin tặc đã bỏ ra hàng chục nghìn đôla để thuê các máy chủ trên toàn cầu, Dieu Hoang, một kỹ sư tin học người Úc ủng hộ các nhà hoạt động, nói với AP.
"Việc hạ nhục được tiến hành một cách không chính thức, bởi một lực lượng giấu mặt," ông Hoang nói.
"Còn việc ngăn chặn [các trang web], được thực hiện bởi một lực lượng chính thức."
Hồi năm 2012, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thừa nhận cơ quan này đã thuê 900 dư luận viên nhằm đối phó với sự chỉ trích nhằm vào chính phủ trên không gian mạng.

Có truy được thủ phạm?

"Hiện nay về mặt công nghệ mà nói thì hoàn toàn có thể truy được những cuộc tấn công và lừa đảo,"
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Phát triển của BKAV
"Hiện nay về mặt công nghệ mà nói thì hoàn toàn có thể truy được những cuộc tấn công và lừa đảo," ông Sơn nói.
"Khi chúng ta tham gia vào Internet thì tất cả những hoạt động của chúng ta đều để lại dấu vết trên Internet, và từ đó có thể lùng lại để tìm ra hung thủ đằng sau những vụ tấn công."
Tuy nhiên, theo bà Eva Galperin, thành viên của EFF nhận phải mã độc, đó không phải là điều đơn giản.
"Việc xác định thủ phạm rất khó. Khó hơn việc phân tích mã độc rất nhiều," bà nói.
"Tất nhiên sẽ có nghi ngờ, nhưng tôi vẫn chưa thể khẳng định rằng cá nhân tôi biết chắc chính phủ Việt Nam là thủ phạm".
Hiện nay một số nhóm vận động đã cho các thành viên của mình trải qua những khóa huấn luyện kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng, tuy nhiên, lực lượng tin tặc đang chiếm ưu thế tại nhiều nơi, ông Hoang cho biết.
"Về lực lượng và tiền bạc, chúng tôi không thể so sánh với họ. Sau một thời gian, chúng tôi sẽ kiệt sức. Họ sẽ làm người khác bực bội, sợ hãi, làm cho ngày càng có thêm nhiều người không dám nói lên tiếng nói của mình," ông nói.

Source : BBC

Thông điệp gửi lại từ cuộc sống


22-01-2014

Thông điệp gửi lại từ cuộc sống

Phạm Kỳ Đăng
Tin tức từ đại án tham nhũng chỉ xác nhận lại những gì bàn dân nói đến một hiện trạng sống của quan chức đem công quỹ đánh bạc, đút lót tới hàng triệu USD. Hiện trạng xì ra tại một phiên tòa xử, đến nhanh hơn mọi lời đồn thổi từ nhiều năm nay, rất trần trụi, trắng trợn, thực ra với những người suy ngẫm nhiều về đất nước này, ngán ngẩm tới nỗi chẳng còn gì để nói.
Nhưng với số tín đồ ngước mắt nhìn lên bục giảng, tin công bố đánh thức họ lờ mờ vỡ vạc ra điều gì về sự sa đọa của nhóm người ở tầng cao hơn mình không sao tiếp cận nổi đang hùa nhau ăn theo, ở tầng cao nhất phát động ngày càng nhiều đợt giáo dục quần chúng “sống, chiến đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.

Một hiệu ứng domino đổ theo hướng về bất lương, và táng tận.

Ngay lập tức trên báo chính thống có những bài viết lập luận về “lý” và “tình”. Người viết viện dẫn bình luận của Khổng Tử trong Tứ Thư. Căn cứ vào những hàm ý gửi gắm, ta sẽ có hình ảnh ông Dương Tự Trọng sa vào vòng lao lý vì trọng chữ “nghĩa” và bởi sống rất có “tình”, mà “pháp luật vốn rất vô tình”. Các bình luận ở dưới bài báo, dĩ nhiên qua sàng lọc, thật ngạc nhiên, đồng thanh bày tỏ tình cảm chí thiết với con người “bổn phận với nước nhà anh luôn làm xuất sắc [...] vì tình riêng anh sẵn sàng chịu thiệt thân để cứu anh. Người như vậy tuy phạm tội nhưng đầy nhân cách”.

Tờ Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong cho đăng bài của Hoàng Chiến Thắng, còn dành những lời có cánh cho con người “vẹn tài vẹn tâm”, “tính cách có phần nghệ sĩ, sống phóng khoáng”. Tác giả viết: “Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an”, “[…] ông Trọng, còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ”. Và theo diễn giải của tác giả, ông Trọng chỉ là người sa ngã vì quá trọng chữ “tình”. Petrotimes đăng ý kiến của độc giả về bài báo; chả hiểu sao bài báo này đã khiến độc giả lã chã nước mắt bày tỏ lòng cảm phục và kính trọng đối với ông Dương Tự Trọng. Người đọc coi ông là tấm gương và sẵn sàng làm như vậy trong hoàn cảnh của ông, như thể đều dập chân vẫy chào ông hẹn người có nụ cười anh hùng hào sảng sớm quay trở về. Họ cảm phục tác giả thấm đẫm nhân văn, đầy tình cảm và tinh thần vị tha.

Về con người ông Dương Tự Trọng, tôi không phản bác các ứng xử vị tình của ông nếu như ông chỉ một mình đưa anh đi chạy trốn và chịu đựng hậu quả. Vượt ra phạm vi đó, huy động cả bộ máy công quyền thừa hành vào việc giúp đào thoát là sự lạm dụng quyền lực, do đó là hành vi phạm pháp, ở nhà nước văn minh nào cũng bị truy tố vậy thôi. Hơn nữa điều hành người xã hội đen vào cuộc, càng không thể chấp nhận nổi, bởi ở các quốc gia thực sự là nhà nước pháp quyền, các cơ quan điều tra cấm chỉ nhân viên quan hệ chén chú chén anh với các loại đầu gấu, xã hội đen. Người ta đã cười về sự vị tình vô nguyên tắc, từ tình “anh em”, tình “đồng chí”, không một rào cản lụy ngay vào tình “đồng bọn” và “đồng đảng”. Những hành động vượt rào của viên sĩ quan công an, tự nó bôi xóa lên, màu gì thì khỏi phải nói, cái “vẹn đức vẹn tài” mà tác giả Hoàng Chiến Thắng và độc giả Petrotimes ca ngợi.

Lẽ nào có sự mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tình và lý. Hay đặt vấn đề theo một cách khác: sự tận tâm đối với pháp luật sẽ bắt buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ đều phải hy sinh nhiều hoặc tất cả những gì thuộc về đạo đức?

Chúng ta nên nhớ đạo lý làm người ở Tứ Thư, các bộ luật và bộ máy tư pháp của nhà nước phong kiến thời Hồng Đức, cũng như của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều không đáp ứng được chuẩn mực của một nhà nước dân sự - pháp quyền. Tùy mức độ thân thế và huyết thống, chuẩn mực đạo lý nó tùy nghi cho cách diễn giải và đánh giá khác nhau. Tùy vị trí quyền lực và tiền tài, các điều luật ở các nhà nước quân chủ chuyên chế và chuyên chính vô sản, hay cộng sản chỉ là một tên gọi khác, được áp dụng tùy tiện một cách hà khắc hoặc nương nhẹ khác nhau. Giống nhau là ở chỗ các nhà nước ấy chối từ quyền bình đẳng cho mọi người dân. Chỉ có vua quan hay lãnh đạo, công chức bên trên và đám đông bên dưới còn lại là thần dân, không hơn, không kém. Bộ luật và bộ máy thi hành pháp luật ở hai thể chế luôn có bản song trùng đi kèm, mang tính nước đôi, giống nhau trong bản chất ở tính độc đoán. Cho nên ta không ngạc nhiên những ngày tiếp sau đây, bộ máy tư pháp, công an hóa đến tận chân răng, sẽ còn loay hoay với việc khởi tố vị Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, bởi hàng năm nay Đảng vẫn còn chưa tìm ra danh tính, diện mạo đồng chí X. Bộ Chính trị từ khi ra đời đóng thay vai trò Tòa án Hiến pháp, ngay sau Hội nghị trung ương VI, đã thống thiết đề nghị một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mãi mà vẫn không được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn thuận.

Các bài báo trên với cách dẫn giải và các ý kiến bình luận được đăng tải, rất thiếu lý lẽ thuyết phục. Nội dung dẫn giải và cả bình luận của độc giả trên báo chính thống cùng loại trừ hai yếu tố pháp quyền và công dân, hơn nữa đều tố giác một sự thực đau đớn: Nhà nước Việt Nam hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền, ý thức người dân Việt Nam về quyền và trách nhiệm công dân của mình chưa chín độ, và người dân Việt Nam chưa trưởng thành, bởi dưới chính quyền 65 năm nay từ chối nhân quyền phổ quát, người dân ta chưa bao giờ được làm công dân thực thụ.

Nhưng nhiều người duy cảm hãy nhớ rằng cái bộ luật Hồng Đức đòi hỏi xử nặngnhững kẻ tố giác người thân của mình nào có đảm bảo tính nhân văn? Cũng như không thể bừa bãi gọi cách bao che cho nhau vì tình đồng chí là nhân văn được. Xét trong tương quan với một hệ thống khác, pháp luật ở một nhà nước dân chủ - pháp quyền theo mô hình văn minh phương Tây, không triệt tiêu những giá trị thuộc về đạo đức. Một nghi can bị điều tra có quyền từ chối không khai báo gì về thân nhân của mình ở cấp thân quyến nhất (cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng). Điều tra viên hay công an có trách nhiệm phổ biến cho họ về quyền đó, vì điều tra là việc của công an hay cơ quan điều tra. Gặp những trường hợp như vậy, công an/điều tra viên còn khuyên nghi can không nên khai báo về thân nhân của mình. Nếu so sánh như vậy, nền tư pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với thực tế xúi giục con tố cha, vợ tố chồng từ hồi Cải cách ruộng đất vẫn chà đạp quyền công dân tới ngày hôm nay, và trong công tác điều tra, chưa kể bức cung bạo hành, với sự chia rẽ và vùi dập quan hệ gia đình gây nhiều oan khuất, còn phải làm rất nhiều điều hệ trọng mới đảm bảo được tính chính đáng cho một đòi hỏi về đạo đức. Nhưng xét thật sâu xa, khía cạnh đạo đức chỉ được đề cập, nếu như nó đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho mọi thành viên xã hội thuộc mọi thành phần và sắc tộc. Vì lẽ đó, nhiều nhà nước dân chủ phân chia các nhánh quyền lực, cạnh bên Hành pháp và Lập pháp (cũng như truyền thông, báo chí) dành một chỗ đứng độc lập cho ngành Tư pháp, nơi công an, với một trong các chức năng là cơ quan điều tra, được phân bổ vị trí thừa hành rất rõ ràng. Viện Công tố chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc từ khâu điều tra khi phát hiện tình tiết cấu thành tội phạm, tới khởi tố, xét xử và thi hành án. Nhất là trong khâu điều tra, Viện Công tố (là Viện Kiểm sát Nhân dân ở Việt Nam hiện nay) có chức năng yêu cầu mọi cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin, huy động toàn bộ các cơ quan điều tra như công an, hải quan, cơ quan truy thuế vụ, v.v. vào cuộc. Như vậy, với tư cách là cơ quan điều tra, công an, còn có nhiều chức năng rất cần thiết cho xã hội xin miễn bàn tới ở đây, chỉ được phép hoạt động dưới sự điều hành của Công tố viện. Riêng phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng ở Việt Nam cho ta thấy một bộ máy tư pháp công an hóa đến mức quái gở: tòa xử một sĩ quan công an với đại diện bên công tố (Viện Kiểm sát) đeo hàm sĩ quan công an. Nhân chứng tại tòa khai ra một viên chức cấp cao của Bộ Công an, và sự đưa hối lộ nghi còn dính dáng tới Bộ trưởng Bộ Công an. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán ngồi ghế chủ tọa đã kết án Dương Tự Trọng bằng một bản án nghiêm khắc nghiêng theo một "quyết tâm chính trị" hơn là luật pháp, và, căn cứ vào tình tiết mới xuất hiện đã làm đơn chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu truy tố bởi nghi vấn (ông Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ) nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước. 

Động đến cấp lãnh đạo Bộ Công an, "quyết tâm chính trị" sẽ phải chùng xuống vì ở thể chế này, việc truy cứu trách nhiệm ông Ngọ sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đơn giản vì người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, hai ông Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là tướng cấp cao của ngành công an đưa sang cả. Khả năng công an cao cấp sẽ được hưởng quy chế miễn trừ là rất cao, như thể họ là một “lực lượng lạ” trong lòng dân tộc, vì công an đã có lời thề trung với Đảng, công khai diễn phớ ra phương châm “còn Đảng còn mình”.

Đáng lẽ có thể dân sự hóa ngành tư pháp được đảng hóa và công an hóa toàn thể, và hoàn thiện luật pháp phù hợp với trào lưu văn minh, Hiến pháp sửa đổi vào năm 2013 đã duy trì điều 4, như vậy từ chối nhân quyền và bóp nghẹt những ý kiến đóng góp của nhân sĩ và trí thức mang tính bùng nổ từ cuộc vận động góp ý sửa Hiến pháp 1992, rất quan trọng cho cải cách tư pháp. 

Những vòng xoáy từ trước PMU đã tạo lên vòng xoáy to và mạnh mẽ Vinashin và Vinalines tệ hơn ở sức phá hoại. Ông Tổng Bí thư, sau khi giật lại quyền chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương, lại tiếp tục vận động chỉnh đốn quay vòng và kêu gọi sống theo làm theo. Sự thuyết pháp giả hay thật của ông rồi đó sẽ phù phép ra một vòng xoáy lốc tàn hại khác của tham nhũng. Đằng sau hậu trường bưng bít đang bung xung vì những cuộc đấu đá ở tầng cao nhất, hé từ màn xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, người ta ngửi thấy sặc sụa hơn khí vị của sòng bài.

Thiếu vắng một bước đột phá từ hành động chứ không phải từ lời nói, thực tế thảm hại của nền chính trị Việt Nam sụp đổ không có lý do gì trì hoãn. Bắc Hàn còn có thể trưng mẽ một thủ đô hoành tráng và bom nguyên tử. Trung Quốc có thể phô trương thành tựu kinh tế trong 30 năm qua, và ý Đảng của họ còn chiêu mộ được lòng dân dưới tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc hung hãn đến mức phát xít. Việt Nam bốn mươi năm sau cuộc chiến vỗ ngực thắng cuộc không có gì để an ủi nhân dân. Bên một lăng xây, chưa chắc làm mát lòng người nằm trong linh cữu, ngổn ngang một đống những công trình dở dang từ trung ương đến địa phương là sản phẩm của một nền kinh tế vòng vo định hướng giữ manh mối làm giàu bất chính, đang đến hồi vỡ nợ và sạt nghiệp.

Nhiều người nhận định, chính quyền Việt Nam đang tiếp tục chính sách đi dây mạo hiểm giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và phương Tây. Xét thực tế thi hành chính sách phi dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, tôi cho rằng, nhà nước này còn đi dây với Nhân dân nữa, chừng nào người dân bị tước bỏ quyền chủ sở hữu không có chỗ đứng trên ruộng vườn và không có quyền làm công dân tự do biểu lộ ý kiến khác trong ngôi nhà tổ quốc của mình. Họ, những người chưa làm chủ ruộng vườn, xuống đường đòi lại lãnh thổ cha ông bị cướp đoạt, ngày 19.01.2014, thêm một lần bị chính những người đồng bào tiếp tay cho ngoại bang, chính là công an kết hợp với côn đồ, lẽ ra phải bảo vệ cho cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tốt đẹp, xúm vào quây hành hung và đánh đập.

Thế thì ông Thủ tướng ra cái thông điệp đầu năm với những kêu gọi “đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” mà làm gì. Thông điệp chỉ đại diện cho lợi ích một nhóm, chà đạp quyền lợi toàn dân, không khác gì các nghị quyết, dứt khoát không bao giờ đi vào cuộc sống. Mặc nhiên đối lại, từ những mối lở loét trên cơ thể của một thể chế phi nhân xì ra nhiều bức bối, cứ như từ những thúc hối, muốn hay không, cuộc sống còn gửi trả lại rất nhiều thông điệp.

P. K. Đ.

Source : BVN , Que Choa .

20/1/14

Miếng Ăn Là Miếng Thịt


Tuesday, January 21, 2014

Miếng Ăn Là Miếng Thịt



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 140120
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Chuyện thịt thà của Trung Quốc thiếu thật thà  

 * Những miếng ngon của Chúng Quở * 


Tết đến, trẻ nhỏ trong nhà đều nghe ông bà nói câu "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", và gắp cho miếng thịt kho ăn với bánh chưng, loại món ngon không thể thiếu trong một ngày lễ đầu năm. Người ra vẻ uyên bác còn dạy món thịt heo kho này là một đặc sản của đất Hàng Châu, xưa kia là một phát minh của Tô Đông Pha, danh gia đời Tống bên Tầu, cách nay đã 900 năm....

Láo cả!

Các tay đầu bếp trứ danh của Trung Quốc ngày nay không xác định được xuất xứ của loại thịt lợn kho vuông vức từng miếng rất thơm. Họ ngờ rằng vì Tô Đông Pha quá nổi tiếng lại thích ăn món thịt này nên đời sau mới dùng tích đó để quảng cáo. Nhưng vì sao trong một bài về kinh tế, người viết lại phiếm về thịt ông Tô?

Chỉ vì theo dõi thị trường chứng khoán và nhớ đến lời các cụ, "miếng ăn là miếng nhục". Câu nói ứng vào Trung Quốc!


***

Trung Quốc có lãnh thổ rộng bằng Hoa Kỳ, mà ăn heo gà nhiều hơn các loại thịt bò hay dê cừu của nhiều dân tộc lân cận. Vì họ hiếm đất khả canh, chỉ 14% diện tích, bằng 1/3 của trung bình thế giới, nên thiếu đồng cỏ bạt ngàn cho loại gia súc kia. Mà nuôi heo gà trong nhà hay trong trại thì cũng phải có mễ cốc, sản phẩm không mọc trong rừng mà phải trồng trọt mới có. Trồng trọt tức là canh tác, trên đất khả canh và phải có nước, là tài nguyên khan hiếm khác.

Ngày xưa, khi đòi tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa kiểu Mao thì họ chỉ đủ vặt mũi bỏ mồm. Khi Mao Trạch Đông đòi nhảy vọt vào công nghiệp thì trong có bốn năm từ 1958 đến 1961 đã có gần 40 triệu người chết đói giữa mùa gặt.

Sau thời cải cách, đời sống khá hơn nên nhà nhà đều thèm ăn thịt, nhưng muốn có một ký thịt thì phải mất từ năm đến tám ký ngũ cốc.... Cho nên nhu cầu lương thực vẫn nguyên vẹn là bài toán sinh tử. Dù lãnh đạo xứ này đã đặt ra chỉ tiêu "tự túc về lương thực" là phải sản xuất được 95% của nhu cầu tiêu thụ nội địa về gạo, mì và bắp, theo lượng định gần đây của hai cơ quan Lương nông Quốc tế FAO và OECD thì trong cả chục năm tới Trung Quốc phải tiếp tục nhập cảng ngô bắp và đậu nành.

Trung Quốc có thể đe dọa an ninh xứ khác qua nhiều biện pháp huê dạng ngoài Đông hải mà vẫn phải nhập cảng miếng ăn nên chưa thấy an toàn về lương thực vì chỉ sợ bị thiên hạ điểm huyệt vào cái bao tử. Điều ấy mới giải thích chiến lược "lấn đất giành cơm", là ào ạt đầu tư vào các nông trại Á Phi để có lúa từ gốc, rồi trò "chặn biển giữ cá" gần đây của tỉnh Hải Nam.

Trò chơi nhuốm mùi thực dân mới khiến nhiều nước giật mình báo động - trừ nước Nam bốn tốt đen, được đóng đai bằng 16 chữ vàng....


***


Vì kinh tế cũng là chính trị - và cũng là nhiều chuyện khác nữa – ta nên nhìn qua xứ khác....

Nhật Bản có lãnh thổ rất hẹp, mật độ dân số quá cao (340 người một cây số vuông, hơn gấp đôi Trung Quốc) và đất canh tác chỉ bằng 12% diện tích lãnh thổ. Dù khan hiếm đủ loại tài nguyên, dân Nhật chưa than đói, vẫn duy trì chế độ bảo hộ nông sản để giữ giá cho nông dân và còn biểu diễn món thịt bò Kobe đắt hơn nem công chả phượng.

Hoa Kỳ may mắn có lãnh thổ vuông vức và phì nhiêu hơn Trung Quốc. Nhưng may nhất là họ có cái đầu.

Hai trăm năm trước, đến 90% dân Mỹ còn phải phơi lưng cấy lúa, ngày nay, dân số ngồi xe khoác áo nông dân chỉ còn chừng 1,6% mà canh tác dư thừa để nuôi xứ khác. Họ được hối lộ bạc tỷ để giảm sản lượng và giữ giá lương thực. Không chỉ xuất cảng ngô bắp, xứ này còn xuất cảng mọi loại nông cơ nông cụ.... và đang là nguồn sống cho Trung Quốc.

Chuyện ấy dẫn ta về thị trường tài chánh.

Cơ xường Song Hối bên Tầu














Thời sự nức nở loan tin là Tập đoàn Song Hối (Shuanghui hay Shineway) sắp yết giá cổ phiếu trên thị trường Hong Kong để huy động năm tỷ vốn, tính bằng đô la. Tư bản Trung Quốc khôn thật!

Song Hối là doanh nghiệp chế biến thực phẩm số một của Trung Quốc, năm ngoái gây sôi nổi khi dạm mua hãng bán thịt heo lớn nhất của Mỹ là Smithfield Foods, Inc. với giá gộp là hơn bảy tỷ đô la, kể cả hơn hai tỷ nợ và 4,7 tỷ cổ phiếu. Sôi nổi vì tại sao phải mua heo của Mỹ với đắt như vậy – thay vì nuôi heo ở nhà?

Có chứ! Song Hối cũng vừa mua tinh trùng của heo tại Anh quốc. Chuyện gây giống thì ai mà chẳng biết....

Nhưng có 13 hãng xưởng trên toàn quốc, một năm Song Hối ngả thịt 15 triệu con heo để chế biến ra gần ba triệu tấn thịt, mà chỉ nuôi được 400 ngàn con nên phải tìm nguồn cung cấp ở nơi khác. Nơi khác không nhất thiết là nơi khác tại Trung Quốc.

Đất canh tác vốn có hạn, lại bị đảng viên các tỉnh cướp sống cho nhu cầu kỹ nghệ hoá, nhân tiện gây ra cả triệu thảm họa môi sinh linh tinh không đáng kể. Hậu quả là tháng trước, nhà nước Bắc Kinh đã báo động là 2% diện tích canh tác đã bị ô nhiễm nên không thể trồng trọt được gì nữa. Lúc đó ta mới nhớ đến cả ngàn xác heo nhiễm độc đã làm nghẹt sông Dương Tử vào năm ngoái.

Khi thấy truyền thông Mỹ ca ngợi việc Trung Quốc bỏ bạc tỷ ra mua thịt ngoài chợ của mình thì ta có hai cách nhìn.

Bi quan thì sợ là ăn phải heo độc của Tầu bán trên đất Mỹ. Hơi lo xa! Các cơ quan hữu trách của Mỹ đều biết mối nguy này và còn biết rằng miếng thịt tại Trung Quốc còn đắt hơn ở Hong Kong. Ưu tiên là cái bao tử ở nhà.

Bi quan hơn nữa thì nên sợ là Trung Quốc gieo họa cho người dân khi gây ra nạn khan hiếm lương thực vì chính sách quái đản của họ. Tai họa kinh tế cũng là chính trị.


***

Từ thời "lập quốc" của Mao, xứ này tập trung thu mua và phân phối lương thực mà không có chính sách khuyến nông để tăng gia sản xuất. Lại còn trưng thu lợi tức nông dân tại thôn quê để nâng đỡ giai cấp công nhân tiên tiến tại thành thị trong nỗ lực công nghiệp hoá và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là sản lượng sụt và dân bị đói trong bước nhảy vọt vào cơ hoang.

Khi tiến hành cải cách từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình áp dụng chế độ khoán nông nghiệp cho các hộ gia đình: khuyến khích sản xuất, sau khi đạt chỉ tiêu thu mua của nhà nước ở cấp tỉnh thì cho bán sản lượng dư thừa. Trong 20 năm sau đó, Bắc Kinh lập thêm kho dự phòng để thu mua lương thực hầu đáp ứng cung cầu ở từng nơi. Từ năm 1995, họ mở rộng chế độ khoán cho từng tỉnh: các tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát lấy hạn ngạch để cân bằng cung cầu. Nhưng chỉ dăm ba năm sau thì Bắc Kinh bãi bỏ chế độ khoán cho cấp tỉnh để trung ương kiểm soát và giải quyết việc cung cấp cho các tỉnh bị khan hiếm lương thực.

Đến năm 2001, khi gia nhập Tổ chức WTO thì Trung Quốc phải giải phóng các thị trường, kể cả thị trường nông sản, lương thực. Mà vẫn chưa giải quyết được nhu cầu của mình.

Việc cải cách từ 1979 đến nay có giúp Trung Quốc nâng sản lượng ngũ cốc từ hơn 300 triệu tấn lên tới 600 triệu tấn và giảm được tỷ lệ "suy dinh dưỡng" là thiếu ăn theo tiêu chuẩn của FAO, từ 21% dân số xuống 12%. Nhưng dù có sản lượng lương thực lớn nhất thế giới nhờ cải tổ chánh sách và cải thiện phương tiện sản xuất, xứ này vẫn chưa đủ ăn vì đất đai có hạn mà sai lầm thì vô hạn. Khá hơn trước, ngày nay người dân thèm ăn thịt.

Hèn gì mà tư bản Mỹ vỗ đầu khen bốn tốt cái đám tư bản đỏ thiếu thật thà đi mua thịt Mỹ. Gian không chịu nổi! 
N.X.N


Source  : Người Việt , dainamax tribune

Biển Đông một thời sủi bọt


21-01-2014

Biển Đông một thời sủi bọt

Nhân đọc ‘Sân Khấu Ba Đình’ của Bắc Phong
Đỗ Xuân Tê
Nếu Trường sơn trở thành chốn giao tranh ác liệt của những kẻ coi nhau như  kẻ nội thù, trong chuỗi dài lịch sử ba mươi năm nội chiến từng ngày thì biển Đông coi vậy mà hiền, được coi như dòng chảy đưa những con tàu xuyên đại dương băng ngang hải phận như một lộ trình ngã tư quốc tế, tuyệt nhiên nước không tanh mùi máu, gió không khơi mùi tử khí, sóng vỗ đều êm ả như biển thái bình.


Chỉ một lần vào năm 74, khi hai người anh em cùng cha khác mẹ lo quần thảo nhau trên rừng trên đất, thì đột nhiên nước biển Đông sủi bọt. Tàu chiến của người vừa là đồng chí vừa là anh em của các lãnh đạo Hà nội từ Hải nam tiến chiếm Hoàng Sa. Lúc này Hoàng Sa là của Việt nam, đất mẹ muôn đời phải gìn giữ nên chính quyền miền Nam không chịu làm ngơ. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã xuất trận. Rất tiếc lực lượng  không đủ mạnh, khiến hạm trưởng Ngụy văn Thà cùng 58 chiến sĩ đã ở lại với biển. Hoàng Sa tạm thời bị mất về tay địch. Đâu đây mùi tử khí đã vận hành theo gió, con tàu Nhật Tảo HQ 10 như con chim báo bão cho một ngày không xa sẽ có những tranh chấp lớn tại biển Đông. 

Ngày ấy cũng chẳng xa, mười bốn năm sau,  người ta quen  gọi là ‘sự kiện 14 tháng 3’ (1988), tàu lạ Trung quốc lại bất ngờ tấn công ba đảo của quần đảo Trường Sa là Gạc Ma, Cô-lin và  Len Đao. Lần này chánh quyền Hà nội phải đối mặt, do thiếu cân bằng lực lượng và cảnh giác từ phía chủ nhà, thuyền trưởng Trần Đức Thông cùng 64 chiến sĩ của con tàu HQ 604 lại chung số phận với thủy thủ đoàn khu trục hạm Nhật Tảo năm xưa. Trung quốc chiếm được Gạc-Ma và chỉ một tháng sau Hoàng Sa và Trường Sa chính thức nằm trong biên cương của tỉnh Hải nam, buộc Hà-nội phải chấp nhận chuyện đã rồi vô phương tranh cãi.

Cùng biến thiên với sự đổi thay của vận nước, biển Đông đột nhiên trở thành một địa danh hãi hùng, mồ chôn của bao sinh linh con dân đất Việt bất kể già trẻ lớn bé tự chọn con đường liều chết rời bỏ quê hương, lênh đênh trên những chiếc thuyền nan, thuyền gỗ phó mặc cho số mệnh nổi trôi đẩy đưa đến những bến bờ vô định với hi vọng  tìm được tự do no ấm, nhân quyền nhân phẩm cho kiếp người. Cũng từ đây, một từ vựng quốc tế ra đời ‘thuyền nhân’ (boat people) đánh dấu cho một thời kỳ khổ nạn mà lịch sử Việt cũng như thế giới chưa có một cuộc xuất dương bỏ nước ra đi nào vĩ đại như vậy. Ba mươi năm sau, lịch sử như được lập lại. Những tiếng vọng uất ức - Hoàng Sa! Trường Sa! - được tha thiết vang lên không phải chi người trong nước, trớ trêu thay hăng hái nhất lại là những kẻ một lần bỏ nuớc ra đi do hệ quả tham vọng bá quyền của những người đã ‘dạy cho Việt nam một bài học’. Lần này họ đi xa hơn bằng cách vẽ lại bản đồ cho vùng lãnh hải của họ. ‘Cái lưỡi bò’ xuất phát từ Hải nam thè ra liếm trọn một vùng xuống tận cực nam tiếp giáp lãnh hải Philippines/Indonesia, nuốt chửng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ ngang nhiên tuyên bố là ao nhà của dân tộc Hán. Bản đồ này  không phải chỉ là tài liệu tung trên mạng, mà trở thành văn bản phụ đính cho tập hồ sơ  của phía Trung Quốc công khai gởi Liên Hiệp Quốc để biện minh cho chủ quyền lãnh thổ của mình, khi người đồng chí  láng giềng lâu năm của họ thất thế phải kiện cáo cơ quan trọng tài tối cao này dựa theo Công ước Luật biển 1982 mà cộng đồng quốc tế cùng thừa nhận ký kết.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Trung quốc họ làm như vậy. Từ nhiều thập niên qua khi phong trào thuyền nhân đi vào yên nghỉ, mùi tử khí nhạt dần thì mùi dầu khí lại được các bên hữu quan đánh hơi bén tiếng. Biển Đông không còn đơn thuần là dòng chảy giao lưu quốc tế mà trong cách nhìn chiến lược nào đó, trở thành tiềm năng vô tận cho những giếng vàng đen của các thập niên sau. Các nước quanh vùng đua nhau tuyên bố chủ quyền, thậm chí Đài Loan không có một chút biển nào dính liền với biển Đông cũng đem quân đến ăn có một vài đảo quanh vùng Trường sa, chưa kể mấy nước ASEAN trong đó có Thái, có Mã lai, Brunei, Indonesia cũng nhận xằng lãnh hải, quanh một quần thể gồm nhiều đảo nhỏ mà chánh quyền VNCH đã phái một đại đội Địa phương quân của tiểu khu Bà rịa Phước tuy thường xuyên trú đóng để bảo vệ hải phận tiền đồn của Tổ quốc.

Kẻ viết bài này có một dịp đã theo tàu tiếp tế lương khô đem toán văn nghệ dã chiến ra khơi giúp vui cho chiến sĩ và gia đình trên đảo, sau đó vòng về Côn Đảo cách đó không xa. Ngày ấy chẳng có ma nào nhòm ngó đến chốn khỉ ho cò gáy này, báo chí quốc tế thì mải lo khai thác chuyện chuồng cọp bôi xấu chế độ miền Nam.

Nhìn lại Hoàng Sa cũng chỉ là hòn đảo nhỏ hơn cả Lý Sơn (Quảng ngãi) với thổ sản duy nhất là phân chim chẳng ai buồn khai phá, có chăng là các đội thuyền buồm của quan quân triều Nguyễn vãng lai ra cắm cọc mốc như một hình thức minh xác chủ quyền tuần duyên quanh đảo hoặc các tàu đánh cá viễn khơi của ngư dân vùng Quảng táp vào tránh bão mỗi khi gặp nạn trên biển Đông. Sau này, Thủ tướng của miền Bắc vì lý do ‘nhạy cảm’ đã ký văn bản nhường quyền cho Mao Chủ tịch vì nhà nước nghĩ rằng xá gì một đảo nhỏ xa xôi khi tình hữu nghị anh em là điều kiện sống còn cho mối quan hệ quốc tế vô sản. Có ngờ đâu chỉ nửa thế kỷ sau Hoàng Sa trở thành một phần của huyện đảo Tam Sa, nối dài cho sân sau của bá quyền Đại Hán, trở thành tâm điểm cho một đường kính hàng ngàn hải lý quét đủ một vòng ôm trọn biển Đông!

Rồi đến một ngày, một tấc đất là một tấc vàng trong thời hội nhập, một hải lý trên biển trở thành một kho báu đô la, thế là tranh chấp nổ ra giữa những người mang tiếng là ‘láng giềng’ gần trên đất. Xấc xược nhất, sống sượng nhất vẫn là quốc gia bá quyền Trung Quốc. Khiếp nhược nhất, né tránh nhất lại là quốc gia tự xưng một thời ba lần thắng ba đế quốc sừng sỏ nhất thế gian. Chuyện lúc đầu nạn nhân “mới chỉ là” những ngư dân vô tội vì miếng cơm manh áo đi đánh bắt cá tôm trên vùng biển vùng ven mà từ đời này qua đời kia cha ông họ vẫn thường ra khơi đánh bắt. Chính hải phận quen thuộc như ao nhà bỗng dưng trở thành ‘đất lạ’, bị ‘tàu lạ’ đâm bị ‘người lạ’ bắt, bị giam bị giữ, bị đòi tiền chuộc nộp giao cho những kẻ hành xử như bọn thảo khấu trên biển khơi.

Bất giác người viết lại nhớ mấy câu thơ Chủ tịch Giang trạch Dân tặng phái đoàn bộ ba lãnh đạo Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng, Đỗ Mười tại hội nghị Thành Đô (tháng 11/91) khi hai nước cộng sản anh em nối tình hòa khí chỉ ba năm sau sự kiện Gạc-Ma,

            Qua hết sóng dữ, anh em vẫn còn
             Gặp nhau cười một cái là rửa sạch ân oán!
            (Đô tận kiếp ba huynh đệ tại/Tương phùng nhất tiếu mãn ân cừu)
                                                (Nhật ký Lý Bằng - tháng giêng/08)

Chuyện ngày nay (hiện Đỗ Mười còn sống) chẳng phải cười một cái là xong, ân oán chẳng phải một ngày mà rửa sạch khi tình đồng chí chỉ là vỏ bọc, nghĩa láng giềng là chuyện xa xưa. Nếu quả ‘anh em vẫn còn’ như các nhà lãnh đạo Việt nam  khẳng định thì ‘sóng dữ’ vẫn chưa qua nếu cứ nhìn hình ảnh mấy ngư phủ già vái lạy quân cướp biển, nỗi ‘bức xúc’ với thời cuộc trên biển Đông vẫn là niềm trăn trở của những người còn nặng lòng với Tổ Quốc. Bùi Chí Vinh, một nhà thơ ‘Zăng-gô’ của thành phố tên Bác, một cựu binh có nhiều bài thơ yêu nước, đã phải than thở,

 máu bầm đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
ai cho phép Hoàng Sa, Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
tội nghiệp rừng cọc nhọn Hưng Đạo Vương trên sóng Bạch Đằng...

Chính vậy mà mấy năm gần đây tình hình Biển Đông như ngọn gió đổi chiều. Người Hà nội lên tiếng, người Sài gòn lên tiếng, thanh niên, sinh viên, trí thức lên tiếng, nhiều bloggers và cộng đồng dân mạng lên tiếng. Tất cả như tiếng vọng đồng thuận với những người hải ngoại sống xa quê hương. Điều đáng ngạc nhiên và lý thú là cả Mỹ cũng lên tiếng. Jim Webb, một ứng viên sáng giá của Đảng Dân Chủ, chủ tịch tiểu ban Đông Á của thượng viện Mỹ, nơi định hình cho các chính sách lâu dài của Á châu, trong chuyến viếng thăm Hà nội sau khi đi một vòng Đông Nam Á đã lên tiếng khi đươc hỏi quan điểm của Mỹ liên quan đến cuộc tranh chấp trên biển Đông, TNS Mỹ có cô vợ là luật sư gốc Việt trả lời, “Quan điểm của tôi là Mỹ nên có thái độ cụ thể hơn về việc bảo vệ chủ quyền của khu vực này, không nhất thiết bằng biện pháp quân sự, mà cần thể hiện bằng ngoại giao. Mỹ sẵn sàng là lực lượng cân bằngđối với Trung Quốc trong khu vực. Đã có sự tranh cãi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cần có sự giải quyết công bằng và Washington cần tham gia” Rồi cách đây hơn một năm, như được định hình về chính sách của Mỹ,  ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thẳng thừng là Mỹ có lợi ích trên biển Đông và sự có mặt của Mỹ trên giao lộ này là cần thiết và ‘chúng tôi sẽ trở lại Biển Đông như một thời chúng tôi đã có mặt tại vùng này.’

Trở lại các diễn biến gần đây của quần chúng trong nước, điều đáng mừng là sự kiện Biển Đông  như được sự vẫy gọi của truyền thống Bạch Đằng. Lòng dân sục sôi ý chí phản kháng bá quyền Trung quốc bằng các cuộc biểu tình tự phát, trong khi dư luận quốc tế sẵn sàng hậu thuẫn cho một giải pháp công bằng cho khu vực  Biển Đông.  Cái khó xử là các nhà lãnh đạo Hà nội tự thân phải chọn lựa giữa tình đồng chí Đại Hán ngoài môi hay chủ quyền biển đảo của ngàn năm Đại Việt

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Source : Blog Quê Choa 

CÁC TẬP SAN NHƯ NATURE, CELL VÀ SCIENCE ĐANG PHÁ HOẠI KHOA HỌC RA SAO

Theo PRO&CONTRA

Tháng 1 19, 2014
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Những động cơ khuyến khích của các tập san hàng đầu làm méo mó khoa học, cũng như các khoản tiền thưởng hậu hĩnh làm méo mó ngành ngân hàng.
Tôi là một nhà khoa học. Thế giới của tôi là một thế giới chuyên môn đạt được nhiều thành tựu vĩ đại cho nhân loại. Nhưng thế giới này bị suy đồi vì các động cơ khuyến khích không thích hợp. Các cơ cấu phổ biến hiện nay để tạo danh tiếng cá nhân và tiến thân thường trọng thưởng những công trình nghiên cứu hào nhoáng nhất, chứ không phải nghiên cứu có giá trị nhất. Những người trong giới chúng tôi chạy theo các động cơ khuyến khích này thực ra chỉ hành xử rất duy lý – bản thân tôi từng chạy theo chúng – nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của nghề nghiệp chúng tôi, nói gì đến các lợi ích của nhân loại và xã hội.
Chúng ta đều thấy rõ các động cơ khuyến khích méo mó đã ảnh hưởng thế nào đến ngành tài chính và ngân hàng. Các động cơ khuyến khích dọn ra trước mắt những đồng nghiệp của tôi không phải là những khoản tiền thưởng hậu hĩnh, mà là các phần thưởng chuyên môn nhờ được đăng bài trong các tập san [khoa học] uy tín – chủ yếu là Nature (Tự nhiên), Cell (Tế bào) và Science (Khoa học).
Những tập san xa xỉ này được xem là khuôn vàng thước ngọc về chất lượng, chỉ đăng những bài nghiên cứu xuất sắc nhất. Vì các ban xét duyệt kinh phí tài trợ nghiên cứu và bổ nhiệm [nhân sự hàn lâm] thường xem nơi đăng bài là đại diện cho chất lượng của khoa học, nếu có bài đăng ở các tập san này, ta thường cầm chắc được tài trợ nghiên cứu và được bổ nhiệm chức danh giáo sư. Nhưng tiếng tăm của các tập san lớn chỉ được bảo đảm một phần. Tuy có đăng nhiều bài xuất sắc, các tập san này không chỉ đăng những bài xuất sắc. Mà họ cũng không phải những tập san duy nhất đăng công trình nghiên cứu xuất sắc.
Các tập san này tích cực chăm chút cho thương hiệu của mình, theo những cách tạo điều kiện tăng số lượng đăng ký mua tập san hơn là khuyến khích những nghiên cứu quan trọng nhất. Giống như các nhà thiết kế thời trang tạo ra những túi xách hay bộ vét loại số lượng hạn chế, họ biết rằng tình trạng khan hiếm sẽ kích cầu, vì thế họ hạn chế một cách giả tạo số bài nghiên cứu mà họ nhận đăng. Các thương hiệu độc quyền này sau đó được tiếp thị bằng một thủ thuật gọi là “hệ số ảnh hưởng” (impact factor) – loại điểm số dành cho mỗi tập san, đo số lần các bài đăng trong tập san đó được các nghiên cứu về sau trích dẫn. Trên lý thuyết, những bài có giá trị hơn thường được trích dẫn nhiều hơn, vì vậy các tập san có giá trị hơn có điểm số cao hơn. Tuy nhiên, đây là một số đo còn rất nhiều khiếm khuyết, theo đuổi cái mà tự thân nó đã trở thành một cứu cánh – và đang phá hoại khoa học giống như văn hóa tiền thưởng đang phá hoại ngành ngân hàng.
Việc một bài nghiên cứu được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng của tập san đăng bài đó là chuyện phổ biến và được nhiều tập san khuyến khích. Nhưng vì hệ số của một tập san là điểm số trung bình, nó chẳng thể hiện gì về chất lượng của bất kỳ một bài nghiên cứu riêng lẻ nào. Hơn nữa, việc trích dẫn đôi khi, chứ không phải luôn luôn, có liên quan đến chất lượng. Một bài có thể được trích dẫn nhiều vì đó công trình khoa học có giá trị – hoặc vì nó có tính hấp dẫn, có vẻ khiêu khích, hoặc sai. Ban chủ biên các tập san xa xỉ hiểu rõ điều này, nên họ chấp nhận những bài sẽ gây xôn xao vì chúng nghiên cứu những chủ đề hấp dẫn hoặc đưa ra những nhận định thách thức. Điều này ảnh hưởng đến loại hình khoa học mà giới khoa học theo đuổi. Nó tạo ra những bong bóng trong các lĩnh vực thời thượng, trong đó các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những nhận định táo bạo mà các tập san này muốn, trong khi lại ngăn cản những hoạt động nghiên cứu quan trọng khác, chẳng hạn như nghiên cứu lặp lại (replication studies).
Trong những trường hợp cực đoan, sức hấp dẫn của tập san xa xỉ có thể khuyến khích thủ đoạn đi tắt, và góp phần dẫn đến số lượng ngày càng nhiều các bài bị hủy bỏ vì sai sót hay gian lận. Riêng tập san Science gần đây đã hủy bỏ một số bài đình đám báo cáo về phôi người sinh sản vô tính, các liên hệ giữa việc xả rác và bạo lực, và hồ sơ di truyền của những người sống đến trăm tuổi. Có lẽ tệ hơn là tập san này chưa hủy bỏ những nhận định cho rằng một vi khuẩn có thể dùng a-sen trong DNA của nó thay vì phốt-pho dù giới khoa học chỉ trích nặng nề.
Có một cách tốt hơn, thông qua loại hình mới là các tập san nguồn mở mà bất cứ ai cũng được đọc miễn phí, và không cần phải khuyến dụ đăng ký mua tập san với giá cao. Ra đời trên mạng, các tập san này chấp nhận tất cả những bài đáp ứng các chuẩn mực chất lượng, mà không có hạn mức giả tạo nào cả. Nhiều tập san có chủ biên là các nhà khoa học đang hoạt động khoa học; họ có thể thẩm định giá trị của các bài nghiên cứu mà không cần quan tâm đến số lần trích dẫn. Theo kinh nghiệm của tôi trong vai trò chủ biên eLife, một tập san nguồn mở nhận kinh phí tài trợ của Wellcome Trust, Viện Y khoa Howard Hughes và Hội Max Planck, các tập san này tuần nào cũng đăng công trình nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới.
Các nhà tài trợ và các trường đại học vẫn còn có vai trò. Họ phải yêu cầu các ủy ban chịu trách nhiệm ra quyết định về tài trợ nghiên cứu và bổ nhiệm chức danh không được đánh giá các bài nghiên cứu dựa vào nơi đăng bài. Chất lượng của công trình khoa học đó, chứ không phải thương hiệu của tập san, mới là điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là giới khoa học chúng ta cần phải có hành động. Giống như nhiều nhà nghiên cứu thành công, tôi đã đăng bài ở những tập san có thương hiệu lớn, trong đó có những bài đã giúp tôi được trao Giải Nobel Y khoa mà tôi sẽ được vinh dự đón nhận vào ngày mai [10/12/2013]. Nhưng không còn như vậy nữa. Hiện nay tôi quyết tâm cho phòng thí nghiệm của mình tránh các tập san xa xỉ và tôi khuyến khích những người khác làm tương tự.
Cũng như Wall Street cần phá bỏ tầm ảnh hưởng của văn hóa tiền thưởng vốn khuyến khích việc chấp nhận rủi ro, một hành vi duy lý đối với cá nhân nhưng có tính phá hoại hệ thống tài chính, khoa học phải phá bỏ sự chuyên chế của các tập san xa xỉ. Kết quả sẽ là hoạt động nghiên cứu có giá trị hơn để phục vụ khoa học và xã hội tốt hơn.
___
Ảnh: Tập san Science gần đây đã hủy bỏ một bài đình đám báo cáo về các liên hệ giữa việc xả rác và bạo lực. (Ảnh: Alamy/Janine Wiedel)
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra