1/2/14

Câu chuyện đầu xuân: Văn hóa Việt trong vận khí suy vong


01-02-2014

Câu chuyện đầu xuân: Văn hóa Việt trong vận khí suy vong

Thụy My & Phạm Chí Dũng
Theo RFI
Đầu năm, khi đất trời vào xuân, cũng là dịp để suy ngẫm lại những vấn đề về văn hóa. RFI đã phỏng vấn tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà văn đồng thời còn là người có nhiều bài viết phê bình về văn học nghệ thuật.

RFI : Thân chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất vui được tiếp chuyện anh nhân dịp xuân về. Trước hết anh có thể cho biết cảm xúc của anh trong bầu không khí đầu năm mới ?

Rất khó tả, nhưng rõ rệt nhất là thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Làm sao có thể vui nổi khi đây là cái Tết thứ ba liên tiếp tôi chứng kiến cảnh tượng hàng vài chục ngàn công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có đủ tiền mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Với họ, đang xảy ra một nét văn hóa rất mới, có thể gọi là “văn hóa tết cấm trại”. Tức phỏng theo một điều lệnh trong quân đội, công nhân ở nguyên trong khu nhà trọ mà không dám bước ra đường vì chẳng có tiền. Mà như vậy thì còn gì là tết?

Không khí đường phố cũng uể oải và bải hoải. Chỉ sát Tết người dân mới có chút tiền để mua sắm, nhưng ở nhiều tụ điểm mai và đào vẫn ế chỏng chơ. Khách hàng đã và đang quay lưng với thị trường như một dạng văn hóa phủ nhận trong kinh doanh.

Đã đến lúc người dân không thể mặc định sắc màu của nền văn hóa dân tộc như những báo cáo tô hồng của chính phủ về nền kinh tế hay những nghị quyết của đảng về đường lối kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội đến hết thế kỷ 21. Hiện tại được dẫn dắt bởi quá khứ, và tương lai lại được quyết định bởi những gì trong hiện tại.

Quá khứ đó, chúng ta thấy cái gì? Năm 2013 chứng kiến những trận hôi của vĩ đại chưa từng thấy ở một số địa phương, cuộc tranh cướp bánh sushi trong một nhà hàng ngay tại thủ đô, cho dù không thể cho rằng tất cả những người tranh giành đều đói khát và đất nước cũng chưa đến thời đói kém…

Những hiện tượng xã hội đó đang góp phần triệt tiêu nhanh chóng khẩu hiệu của đảng “xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Tương tự, điều lạ lùng là trong mấy năm gần đây, chẳng mấy cơ quan tuyên giáo và dân vận còn nhắc tới khẩu hiệu này. Vì sao vậy? Đơn giản là thực tiễn đã trở nên tồi tệ đến mức giới chức đảng lẫn chính quyền không thể cứ mãi tự ru ngủ mình và mị dân xã hội bằng những lý lẽ một chiều đã bị thực tế bào mòn đến tận chân gốc. Dù luôn bị ăn sâu tâm lý thành tích, ít nhất họ cũng phải tự rung động một nỗi xấu hổ tối thiểu nào đó chứ!

RFI : Những giá trị truyền thống của ông cha như « Giấy rách phải giữ lấy lề », « Một câu nhịn chín câu lành »…dường như đã bị thay bằng sự vô cảm, tâm lý mạnh được yếu thua. Ngày nào đọc báo cũng đều thấy những tin được gọi là « cướp, hiếp, giết », người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau, thậm chí mạng người có thể bị mất đi vì những lý do rất nhỏ nhặt. Thưa anh, phải chăng đạo đức xã hội đang rơi xuống tận đáy ?

Khi xảy ra cái chết ở thẩm mỹ viện Cát Tường tại Hà Nội vào năm 2013, một quan chức cao cấp ngành y tế đã phải thốt lên rằng đạo đức và y đức đã xuống đến đáy. Nhưng tôi cho là tất cả vẫn chưa phải tồi tệ nhất. Cái tồi nhất nằm ở phía trước, ở thì tương lai đầy sương mù và dưới vực thẳm, mà chế độ này và phần lớn dân chúng vẫn chưa hình dung hết.

Phía trước ấy là một cuộc tha hóa vĩ đại của toàn bộ nền văn hóa. Tuân theo quy luật vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định văn hóa và bất kỳ khi nào nền kinh tế lao vào hố sâu khủng hoảng, đời sống sẽ trở nên thiếu thốn và đói kém đến mức một bộ phận dân chúng sẵn sàng giết nhau để sinh nhai.

Lịch sử đã chứng minh hết sức cận kề ở một quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là Trung Quốc trong thời Cách mạng văn hóa những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó có đến 30 triệu người bị chết không chỉ bởi vô số cuộc thanh trừng, mà còn bởi đất nước này đã rơi vào thảm trạng đói kém đến mức tại một số nơi người dân đã phải ăn nhau để cầm hơi. Đó chính là điều tồi tệ phi nhân tính nhất, mà một nền văn hóa suy đồi đến tận cùng có thể mang lại.

Năm 2013 đã trở nên một đặc tả khá kinh khủng, trên bức tranh khốn quẫn của nền văn hóa đang lao dốc và còn chưa tìm thấy đáy ở Việt Nam. Cùng với cái gọi là nền văn hóa tham nhũng chưa từng thấy ở đất nước này, khắp nơi trong xã hội đã diễn ra cảnh cha con giết nhau, vợ chồng giết nhau, thầy đánh trò và trò giết thầy, nạn cướp của và hiếp dâm nổi lên khắp nơi. Cường hào ác bá cũng hoàn hành tàn lộng và bất chấp đạo lý. Nhưng nghịch lý ghê gớm là kinh tế càng suy thoái, người giàu lại càng giàu. Không biết bao nhiêu quan chức đã ních đầy túi và chỉ còn chờ chực cơ hội biến khỏi tổ quốc nếu xảy ra động loạn…

Rồi một điều tất yếu phải xảy ra là khi luật pháp không còn là mái nhà che chở cho người dân, chính nhân dân đã phải làm thay luật pháp. Nạn tự xử đối với những kẻ trộm chó mèo diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, … Ở Bắc Giang, khi vài người dân bị công an khởi tố bắt giam vì đánh chết cẩu tặc, đã có đến 800 người dân khác đồng ký tên vào một bản tuyên bố cùng nhận tội. Đó là cái gì? Một loại văn hóa phản kháng của người dân đang phát tiết ngay trong lòng chế độ “của dân, do dân và vì dân”.

Tố chất văn hóa phản kháng đó đã dẫn đến làn sóng chống người thi hành công vụ lan rộng một cách đầy tự phát và bạo lực ở nhiều nơi. Không hiếm cảnh thanh niên đi đường và những người dân “săn sóc” một cách đặc biệt đến hành vi của cảnh sát giao thông, bởi lực lượng cảnh sát bị xem là đối tượng tham nhũng nhất quốc gia này càng ngày càng mang ý nghĩa như một mồi lửa châm ngòi cho các cuộc xung đột tự phát và rất khó kềm chế.

RFI : Thưa anh đầu năm thường nói chuyện vui, nhưng bức tranh thực tế xã hội lại quá xám. Những cách hành xử của con người thường từ nền giáo dục mà người đó được hấp thụ. Vậy thì theo anh trách nhiệm của ngành giáo dục đối với nền văn hóa như thế nào ?

Đóng góp không nhỏ vào sự xuống cấp của nền văn hóa là thực trạng lầy lội và ô nhiễm nặng mùi của ngành giáo dục vẫn chưa hề được cải tạo. Tiên đề “Tiên học lễ, hậu học văn” từ ngàn đời nay đã từ lâu bị phần lớn trường học biến thành thảm trạng mà chúng ta nên nhận thức lại là “Tiên học phí, hậu học thêm”. Có lẽ mệnh đề này mới nói lên tất cả cái thực trạng quay quắt đến mức khốn cùng của môi trường giáo dục đào tạo và giới quan chức điều hành ngày nay.

Không khác gì thị trường bất động sản, vài năm gần đây người ta đã phải dùng đến cụm từ “bong bóng đại học” cho sự bùng nổ bội cung của hàng trăm trường đại học tư thục và dân lập từ Bắc chí Nam. Nhưng ngược lại với đà tăng tiến theo cấp số nhân về số lượng các trường đại học, cao đẳng và chương trình “đào tạo 20.000 tiến sĩ’ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và đời Bộ trưởng kế vị, chất lượng đào tạo còn lâu mới làm nên một nền văn hóa xứng tầm với Thái Lan. Ít nhất là về tỉ lệ công trình nghiên cứu được công bố trên đầu các tiến sĩ, cùng bài luận văn tả cảnh các cô giáo bỏ nghề và học sinh vùng cao phải bắt chuột ăn thay cơm.

Tình trạng xuống cấp toàn diện của giáo dục và văn hóa cũng khiến cho hiện tượng không có tác phẩm hay trong văn học nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua trở nên rất dễ lý giải trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Bất chấp các cuộc thi và trao giải thưởng đều đặn hàng năm của các hội đoàn văn học và nghệ thuật nhà nước, vẫn không có lấy vài ba tác phẩm trong lĩnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… ghi dấu ấn cho một tinh thần hồi tâm thành khẩn.

Hầu như tất cả đều nhàn nhạt, nhòa nhạt và luôn đi sau hiện tồn nhức nhối của xã hội ít ra vài thập kỷ. Nhiều nhà văn và nhà viết kịch đủ lòng tự trọng không còn cầm nổi bút, bởi tâm trạng chán chường và thất vọng quá giới hạn cho phép. Chỉ còn một số người viết vì cơm áo gạo tiền, hoặc làm cái gọi là “sáng tạo” vì các đơn đặt hàng và giải thưởng từ Nhà nước. Không thể nói khác hơn, văn học nghệ thuật quốc doanh từ lâu nay đã mang trên mình thiên chức văn hóa cộng sinh.

RFI : Khái niệm « văn hóa cộng sinh » mà anh vừa đề cập, có lẽ không thể loại trừ giới quan chức, vì những lề thói đã ăn sâu vào họ ?

Văn hóa gia đình, văn hóa trường học và văn hóa cộng đồng là ba rường cột của một nền văn hóa. Nhưng một khi cả ba trụ cột ấy đều bị xâm hại một cách trầm kha, thì không còn gì có thể cứu vãn nổi một nền văn hóa chính trị. Nhất là khi nền văn hóa chính trị ấy lại bị ruỗng mục bởi thói vô cảm, vô trách nhiệm và quá đậm đặc tố chất lợi ích nhóm của giới quan chức.

Vì thế, chúng ta có thể coi văn hóa quan chức là thành tố thứ tư gây xâm hại đối với nền văn hóa Việt Nam đương đại, nhưng đặc biệt hơn cả lại là nhân tố cộng sinh ưu tú nhất. Giới quan chức đổ cho 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, nhưng làm sao có thể lý giải sự mâu thuẫn không thể chấp nhận được, giữa tỉ lệ “chỉ có 1% công chức yếu kém” như báo cáo của chính quyền, với con số ít nhất 30% công chức “chủ động nhận hối lộ” trong những kết quả khảo sát về tham nhũng?

Một cuộc khủng hoảng văn hóa đang tăng tiến với gia tốc ngày càng gấp rút. Cuộc khủng hoảng ấy lại biến diễn sang cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân đối với xã hội, của công dân đối với đất nước và cuối cùng là của người dân đối với chế độ. Những cuộc điều tra xã hội học đã cho thấy niềm tin của giới trẻ vào đảng và chế độ sa sút khủng khiếp, và trong giới trẻ giờ đây không còn cái gọi là lý tưởng nữa. Nếu có được một cuộc khảo sát độc lập, người ta tin chắc rằng chỉ còn không đầy 10% trong số lớp trẻ tin vào việc “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” có thể tôn tạo cho nền văn hóa dân tộc.

Ngược lại, một chủ nghĩa văn hóa phủ nhận đang hình thành và phát triển rất ghê gớm trong một số khá đông lớp trẻ ở Việt Nam.

RFI : Về « chủ nghĩa văn hóa phủ nhận » như anh nói, theo anh lớp trẻ đang phủ nhận những giá trị gì ?

Phủ nhận những giá trị tinh thần, phủ nhận những giá trị truyền thống, và phủ nhận với chính những thế hệ đi trước. Hiện tượng đó làm chúng ta nhớ lại thế hệ mất mát, nảy sinh ở châu Âu trong vài thập kỷ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng là suy thoái kinh tế trầm kha, cũng là cái nhìn về một tương lai mơ hồ, cũng là tâm trạng đầy bất an và dễ nổi loạn.

Nhưng ở Việt Nam, điều nguy hiểm hơn nhiều là cái tương lai như thế còn trở nên vô định bởi một nền chính trị hủ hóa, cố chấp và luôn có nguy cơ gây nên hiệu ứng hạ cánh cứng. Từ đó sẽ sinh đẻ vô số hậu quả trầm luân cho đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Hơn bao giờ hết, đặc thù văn hóa Việt Nam được quyết định bởi nội lực nền kinh tế và kế sinh tồn của mỗi công dân. Trong giai đoạn “cất cánh” từ thời mở cửa kinh tế những năm 1990, chủ nghĩa kiếm tiền và đầu cơ thượng hạng đã phủ trùm lên cả xã hội, để sau đó vào thời kỳ suy thoái từ năm 2008 đến nay, điều được coi là “văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” cũng bị suy mòn theo lý lịch không mấy trong sáng của đồng tiền.

Phía trước, màu đen khó che giấu của của nền kinh tế đang chờ đón một khoảng trống chân không văn hóa, nơi mà hố sâu bất bình đẳng xã hội sẽ sâu thẳm hơn bao giờ hết. Tâm lý chà đạp lẫn nhau sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu cực kỳ tàn khốc giữa các giai tầng và trong chính từng giai cấp, để cuối cùng bản thân nền văn hóa bị giẫm đạp đến kiệt sức.

Không thể lạc quan về nền văn hóa Việt trong năm 2014 và cả những năm sau đó, tôi cho rằng sự biến mất của một nền chính trị đương thời còn dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, so với những mất mát của một nền văn hóa dân tộc mà người dân nước Việt có thể phải mất đến nửa thế kỷ để phục hồi nó.

Rất nhiều người như tôi vẫn ngày đêm dồn dập thổn thức trong lòng một câu hỏi đích đáng: Ai và những tác nhân nào đã khiến cho nền văn hóa dân tộc suy đồi và suy vong ghê gớm đến thế? Kẻ nào phải chịu trách nhiệm lịch sử về hậu quả lịch sử quá đau đớn ấy?

RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ để tâm tình với thính giả RFI Việt ngữ trong những ngày đầu năm về những suy tư liên quan đến nền văn hóa Việt.

Source : RFI

TS PHẠM CHÍ DŨNG NÓI VỀ CHUYỆN BỊ CẤM XUẤT CẢNH


THỨ BẢY, NGÀY 01 THÁNG 2 NĂM 2014


TS PHẠM CHÍ DŨNG NÓI VỀ CHUYỆN BỊ CẤM XUẤT CẢNH

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (trái) và người thân tại phi trường (DR)
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (trái) và người thân tại phi trường (DR)


TS PHẠM CHÍ DŨNG BỊ CẤM XUẤT CẢNH ĐI DỰ HỘI THẢO NHÂN QUYỀN TẠI GENÈVE
THỤY MY -RFI
TỐI NAY 01/02/2014 TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT KHI ĐANG LÀM THỦ TỤC XUẤT CẢNH ĐI THAM DỰ HỘI THẢO VỀ NHÂN QUYỀN TỔ CHỨC TẠI GENÈVE, THỤY SĨ VỚI TƯ CÁCH DIỄN GIẢ THEO LỜI MỜI CỦA TỔ CHỨC UN WATCH – MỘT TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ THỤY SĨ CÓ CHỨC NĂNG GIÁM SÁT CÁC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ THUỘC LIÊN HIỆP QUỐC, TIẾN SĨ PHẠM CHÍ DŨNG ĐÃ BỊ GIỮ LẠI VÀ TỊCH THU HỘ CHIẾU.

Sau nhiều cuộc gọi bất thành do điện thoại của tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị công an thu giữ, cuối cùng RFI Việt ngữ cũng đã liên lạc được. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết :
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
01/02/2014


Như vậy là tôi đã qua khâu gửi hành lý và trình hộ chiếu, nghĩ là mọi chuyện đã tương đối ổn. Nhưng khi đến khâu kiểm tra an ninh thì họ ngần ngại, ngừng một chút. Một người nói là « Máy kẹt rồi ! ». Sau đó mấy nhân viên công an mặc sắc phục tới, đề nghị tôi đi vào một căn phòng riêng để kiểm tra lại, vì theo họ, tên của tôi tương đối phổ thông, trùng với một số người khác.
Nhưng sau đó có một sĩ quan an ninh mặc thường phục của cơ quan PA 81 thuộc Công an thành phố đến, nói với tôi là trường hợp của tôi không được xuất cảnh. Tôi hỏi lý do tại sao, họ nói là việc đi Thụy Sĩ có thể bị lợi dụng bởi những thế lực thù địch, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam. Vì vậy trường hợp tôi đi không có lợi.
Sau đó họ làm biên bản và giữ hộ chiếu của tôi, có ghi lý do là Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, vì tôi là diện bị cấm xuất cảnh. Họ đề nghị tôi đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh của Bộ Công an để nhận lại hộ chiếu.
Nhưng với tôi, thì tôi không cần nhận lại hộ chiếu nữa. Tại vì từ nay trở đi tất cả những việc đi lại của tôi ra nước ngoài sẽ do Nhà nước Việt Nam quyết định, trên căn bản tinh thần nhân quyền của Nhà nước khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Nếu Nhà nước Việt Nam cảm thấy còn muốn giữ một chút hình ảnh nào đó về nhân quyền, thì ít nhất họ phải tôn trọng quyền tự do đi lại, quyền được xuất cảnh của công dân một cách bình thường, một cách tự do như Hiến pháp Việt Nam đã quy định. Còn nếu họ không cần tới điều đó nữa thì tôi cũng đương nhiên không cần tới hộ chiếu.
Và ngày mai tôi sẽ chính thức viết thư khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về vụ việc này. Đồng thời sẽ thông tin rộng rãi và sâu sắc tới tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ vào ngày 5 tháng Hai sắp tới.

Source : RFI

31/1/14

KHÔNG CÓ GÌ QUÝ....... DO .......






 KHÔNG CÓ GÌ QUÝ....... DO  (*)


RIEN N'EST  (PLUS )  PRECIEUX  .... PARCE QUE ....

NOTHING IS  (MORE) PRECIOUS ...... BECAUSE ....

( Photo  : Zone 9 in Ha Noi -VN )
Source :  BBC


Comment :
(*) :

Khai báo (mất của)  đầu năm  (? ) !

Mới đầu năm mà đã bị xui xẻo , hổng có (còn) gì quí (giá ) , (chắc là ) do ...
 a) bị cướp
 b) bị trộm
 c ) bị gạt ( như vụ Huyền Như   vừa rồi )
 d ) hay là tài sản bị (mấy cha nội ) mang đi tẩu tán ,cất giấu mất rồi????








Năm Ngọ kể chuyện Ngựa trong lịch sử văn chương

Năm Ngọ kể chuyện Ngựa trong lịch sử văn chương
 
Việt Nam và nhiều thành phố châu Á chaủan bị đón năm Ngọ - REUTERS
Việt Nam và nhiều thành phố châu Á chaủan bị đón năm Ngọ - REUTERS
Tú Anh

Đúng vào lúc 12 giờ đêm 30/01/2014 con rắn của Quý Tỵ bàn giao năm mới cho con ngựa Giáp Ngọ. Theo một số nhà chiêm tinh Á Châu đặc biệt là ở Hồng Kông thì năm Giáp Ngọ sẽ có nhiều biến động và đầy bất trắc, tai tiếng, xung đột, bạo lực cho đến động đất … ở nhiều nước châu Á.
Tuổi Ngọ được mô tả là con người phóng khoáng, nhanh nhẹn, trung thực nhưng từ « Ngựa » lại gây không ít ngộ nhận cho người tuổi ngựa kể cả trong thành ngữ …
Những hình ảnh tuyệt đẹp con ngựa trong lịch sử Việt Nam, từ con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương hay sự hy sinh của các chiến mã của Bình Định Vương Lê Lợi có lẽ người Việt nào cũng biết . Nhưng trong cuộc sống hằng ngày tại sao từ Ngựa lại mang hai ý nghĩa lúc khen lúc mắng.
Thành ngữ « thẳng ruột ngựa » là đẹp hay xấu ? Bằng cách nào mà con ngựa Pháp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng … đủng đỉnh đi vào đời sống và văn chương bình dân của Việt Nam ? Trong bài khảo luận « Ngựa… và Thẳng ruột ngựa », giáo sư Nguyễn Dư ở Lyon tìm cách trả lời các câu hỏi này.
RFI : Nhân đầu năm Giáp Ngọ, RFI, qua phần phỏng vấn sau đây, xin giới thiệu bài khảo luận vừa nghiêm túc vừa ý nhị của tác giả.  Ngựa và… Thẳng ruột ngựa !
Nguyễn Dư : Ngựa không gần gũi người Việt bằng trâu. Ngựa chỉ biết kéo xe, không biết kéo cày. Ngựa còn bị khiển trách là không chịu tham gia khề khà chén chú chén anh. Đảo mắt nhìn quanh chỉ thấy nào lẩu dê, bê thui, nào dồi chó, cật heo, nào… Thôi đừng nói nữa, ta thèm !
Tuy vậy, ngựa chưa phải là hoàn toàn vô tích sự. Ngược lại, ngựa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Thần thoại của ta có cậu bé làng Phù Đổng sinh ra chẳng nói chẳng cười, trơ trơ, nghe tin vua tìm người cứu nước, bèn vươn vai hoá thành chàng trai cao lớn. Chàng xin vua cho đúc một con ngựa sắt để đi dẹp giặc Ân. Giặc tan…
Áo nhung cởi lại Linh-san
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên. (Đại Nam quốc sử diễn ca)
Hình ảnh đẹp tuyệt vời. Dẹp giặc, giữ nước, cứu dân. Giặc tan, thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời. Không ở lại lo tính chuyện làm vua! Phải là thánh mới hành động… như vậy. (Suýt buột miệng phê bình thánh Gióng hành động… thiếu suy nghĩ. Tấu lạy Ngài, vạn lạy Ngài, xin Ngài xá tội cho).
Tục truyền vua Lý Thái Tổ (1010-1028) xây thành Thăng Long cứ bị lún, đổ. Xây mãi không được. Vua phải sai các quan đến cầu đảo tại đền Long Đỗ. Lễ vừa xong thì có một con ngựa trắng (Bạch Mã) từ trong đền đi ra, chạy một vòng rồi trở về đền. Vua bèn hạ lệnh bắt xây thành theo dấu chân ngựa chạy.
Thành Thăng Long được hoàn thành. Vua phong Bạch Mã là tối linh thượng đẳng thần, Thành Hoàng của thành Thăng Long.
Ngựa ngự trị trong tín ngưỡng dân gian. Tĩnh, điện trong nhà, hay gốc đa, gốc me, hốc đá ngoài đường được chọn làm nơi nhang khói thờ các ông hoàng, bà chúa, cậu quận. Ban thờ luôn có vài con ngựa để các ngài dùng làm phương tiện di chuyển.
Từ ngày nước ta bị Pháp cai trị, dân ta bất đắc dĩ phải làm quen với ngoại hình, nội tạng của ngựa.
Xưa kia, ai vô phúc phải đáo tụng đình (đến toà án), thì sẽ được biết cái vành móng ngựa. Vành bằng gỗ cao độ một mét, hình bán nguyệt. Trông giống hình miếng sắt đóng dưới móng chân ngựa (fer à cheval). Bị can đứng trong vành nghe quan toà buộc tội, thầy cãi bào chữa. Vành móng ngựa của thực dân ngày nay vẫn còn được dùng.
Mấy ông lính cô-lô-nhần (thực dân) ngoài Bắc rất ngán ngẩm cái mùa đông rét mướt, nhiều mưa phùn. Đóng cái áo bành tô màu cứt ngựa nặng chình chịch mà vẫn chưa đủ ấm. Cái màu xanh lá cây độc đáo! Không sáng như màu hoa thiên lí. Không xỉn như quần áo bộ đội. Không tươi như quần áo công an bây giờ. Khó tả. Dân Hà Nội thời tây cứ trông mặt đặt tên, gọi là màu cứt ngựa. Đúng nhất, hay nhất. Ai cũng hiểu.
Một dạo, thanh niên Hà Nội đua nhau cắt tóc ngắn. Mốt húi cua (court). Mái tóc chỉ còn như cái móng chân (sabot) ngựa. Gọi là đầu móng ngựa.
Vào khoảng những năm 1960, Sài Gòn có mốt tóc đuôi ngựa (queue de cheval). Các cô cột mớ tóc thề thành cái đuôi ngựa con con. Nhún nhảy, rung rinh… Ô mê ly, mê ly đời ta !
Bên cạnh ngựa thần thoại, ngựa của tín ngưỡng dân gian hay ngựa của đời sống hàng ngày, phải kể thêm mấy con ngựa của văn học. Mỗi con một số phận.
Có con mang vẻ đẹp oai hùng :
- Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in (Chinh phụ ngâm)
Có con đồng loã với chủ, làm chuyện lén lút :
- Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn (Kiều)
Có con hay tự hào, tự tôn :
Ớ ! nầy, nầy, tao bảo chúng bay
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa? (Lục súc tranh công)
Ngựa khoe cái mặt dài thòng với đám trâu, chó, dê, gà, lợn cùng hội cùng thuyền. Không biết rằng dưới con mắt của người ngoài thì mặt ngựa… thấy mà phát khiếp!
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi (Kiều)
(Đầu trâu mặt ngựa là bọn quỷ sứ dưới địa ngục. Nghĩa đen chỉ bọn hung ác vô lương tâm).
Ngược lại, có con mang mặc cảm tự ti. Tự hạ thấp mình một cách hơi quá đáng.
Tâu rằng: «Hổ phận ngu si,
Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông» (Nhị độ mai)
(Khuyển mã là chó và ngựa. Hai giống vật có nghĩa, mến chủ).
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai (Kiều)
(Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, người nào lúc sống mắc nợ ai mà không trả, thì chết rồi, đầu thai lại làm thân trâu ngựa để trả cho hết nợ).
Có con xả thân vì đại nghĩa :
- Năm 1422, Trẫm (Lê Lợi) thu binh trở về núi Chí Linh, quân sĩ tuyệt lương hơn hai tháng, chỉ đào rễ cây, hái rau và măng để ăn đỡ đói mà thôi. Trẫm làm thịt bốn thớt voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ, thế mà thỉnh thoảng vẫn có kẻ bỏ trốn … (Lam Sơn thực lục).
Có Con ngựa già của chúa Trịnh (Phùng Cung, 1956) chết thảm thương.
Ngoài ra, bên lề văn học còn có một con… có vấn đề. Thật không ? Ngựa cũng có vấn đề à?
Ta có thành ngữ Thẳng ruột ngựa. Ngắn gọn nhưng… khó hiểu. Chỉ có 3 từ mà còn than khó hiểu à? Chịu khó lật sách ra…
Loay hoay tra tìm trong đống thơ văn cổ của Tàu, của ta thì không thấy danh ngôn, điển tích nào có thành ngữ này.
- Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895), từ điển Génibrel (1898) không có Thẳng ruột ngựa.
- Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1928), Thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Lực - Lương Văn Đang (1978) có Thẳng như ruột ngựa.
- Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức (1931) lại có Ngay ruột ngựa.
- Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (1989) có Thẳng ruột ngựa.
Thành ngữ Thẳng ruột ngựa và các biến thể được giải nghĩa là: Nghĩ thế nào thì nói ra như thế, không giấu giếm, không nể nang. Cởi mở và thẳng thắn. Tính tình thẳng thắn, bộc trực.
Nói gọn lại, Thẳng ruột ngựa nghĩa là thẳng thắn, nói thẳng.
Thế nhưng, ai cũng biết rằng ruột người, ruột chó, ruột gà, ruột bò hay ruột ngựa, ruột nào cũng… không thẳng. Bộ ruột, bộ đồ lòng nào cũng được sắp xếp lòng vòng, uốn éo trong bụng con vật, con người.
Chúng ta có thể loại bỏ hai câu Thẳng như ruột ngựa và Tính thẳng đuột như ruột ngựa (Hoàng Phê, thí dụ của từ Thẳng đuột) vì thẳng như cái không thẳng là một điều chưa ai chứng minh được. Các tác giả đã chép thừa chữ như.
Còn lại hai thành ngữ có nghĩa giống nhau là Thẳng ruột ngựa và Ngay ruột ngựa,
Xin bàn về câu Thẳng ruột ngựa.
Từ trước đến nay, người ta thường hiểu câu nói được chia thành hai phần : Thẳng / ruột ngựa. Phân chia như vậy vừa đúng ngữ pháp tiếng Việt vừa dễ hiểu. Chỉ phiền một điều là… thẳng như cái không thẳng. Một nghịch lí khó chứng minh!
Chỉ còn một cách chia khác là Thẳng ruột / ngựa.
- Chia cắt kiểu gì ngộ nghĩnh vậy? Ruột ngựa bị chia hai, chẳng có nghĩa gì! Thẳng ruột nghe muốn… lộn ruột. Ngựa đứng một mình lơ láo vô duyên ! Thẳng ruột / ngựa hoàn toàn không có… bản sắc Việt Nam!
- Dạ, đúng vậy. Thẳng ruột ngựa không phải là tiếng Việt của người Việt !
1) Thẳng ruột là dịch từ chữ Hán Trực trường.
Trực trường nghĩa là : Ruột gan ngay thẳng. Tên một chứng bệnh ăn vào thì đi tả ra ngay, tuồng như đại trường thẳng tuột, nên không giữ được đồ ăn (Từ điển Đào Duy Anh).
Thực tế thì không có ruột người hay ruột súc vật nào thẳng cả. Vì vậy, Thẳng ruột chỉ được dùng theo nghĩa bóng. Đào Duy Anh cũng nói rõ là tuồng như đại trường thẳng tuột.
Thẳng ruột (Tự điển Khai Trí Tiến Đức gọi là Ngay ruột) nghĩa bóng là ruột gan ngay thẳng hay lòng dạ ngay thẳng. Trong bụng nghĩ thế nào thì nói thẳng ra như thế, không giấu giếm. Ruột gan, lòng dạ được dùng để chỉ tâm tính con người. Ruột gan, lòng dạ, tâm tính không đặt ra vấn đề thẳng như.
Mấy cách giải nghĩa của các học giả còn thiếu sót. Vô tình hay cố ý các học giả chỉ giải nghĩa hai từ Thẳng ruột và đã bỏ rơi mất từ ngựa.
2) Ngựa của thành ngữ Thẳng ruột ngựa là… ngựa Tây, ngựa thực dân. Ngựa này không biết kéo xe, không ham chạy đua. Ngựa này chỉ để cưỡi chơi trong phòng.
Tiếng Pháp phân biệt ngựa đực (cheval), ngựa cái (jument). Ngựa cái (jument) được văn chương gọi là cavale (gốc tiếng Ý là cavalla). Cavalla (giống cái) và Cavallo (giống đực) của tiếng Ý còn đẻ ra mấy từ của tiếng Pháp như cavalerie (kị binh), cavalier (kị sĩ), cavaleur (mấy ông đi tán gái), cavalière (được Việt hoá thành ca-ve, gái nhảy) v.v.
Vòng vo một hồi mới thấy ngựa (cái) có dây mơ rễ má với gái nhảy.
Mấy em ca-ve, nhảy trên sàn không đủ sống, phải nhảy cả lên giường. Thế là… ca-ve bị biến dạng, trở thành gái điếm. Từ đó, nghĩa là từ ngày thực dân Pháp cai trị dân ta, ngựa (tiếng Việt không phân biệt ngựa đực hay ngựa cái) được dùng để ám chỉ bọn me tây, đĩ tây (Nguyễn Khuyến gọi là Tây kĩ). Chẳng bao lâu ngựa của tây chạy cả vào làng xóm bình dân của ta. Cuối thế kỉ XIX ngựa đủng đỉnh đi vào sách vở.
Tự vị Huỳnh Tịnh Của có câu Thua ngựa một cái đuôi nghĩa là dâm dục quá (tiếng mắng).
Từ điển Génibrel có Nết ngựa : ám chỉ người đàn bà lăng loàn, sa đoạ (de moeurs légères, débauchée). Đĩ ngựa : đàn bà thô lỗ, hạ cấp (poissarde).
Các bà thời thượng trong Nam bắt đầu lớn tiếng chửi nhau là đồ ngựa, hay đĩ ngựa.
Năm 1931, Nguyễn Công Hoan viết Ngựa người và người ngựa, kể chuyện đêm giao thừa, anh phu xe tay bị cô gái điếm lừa.
Ngựa người ám chỉ cô gái điếm. Người ngựa (homme-cheval) là anh phu kéo xe tay. Hai loại ngựa đặc sản của thời Pháp thuộc.
Rốt cuộc, Thẳng ruột ngựa nghĩa là lòng dạ ngay thẳng của gái điếm, hay là nói thẳng, nói thật như gái điếm.
- Trời đất quỷ thần ơi ! Đĩ điếm cũng nói thẳng, nói thật sao ?
- Còn lâu ! Thẳng ruột ngựa phải được « hiểu ngầm » theo một cách khác !
- Cách nào ? Đính chánh lẹ lên.
Trước khi trả lời, đề nghị được lạc đề chút xíu.
Người xưa có câu Thật thà lái trâu và Thật thà lái buôn. Ai cũng biết rằng lái buôn, nhất là lái trâu, đều nói điêu, nói láo, lừa dối khách hàng để kiếm lợi. Không có lái trâu hay lái buôn thật thà. Thật thà lái trâu hay Thật thà lái buôn là một cách nói châm biếm, hài hước, tương tự như Vè nói ngược :
Bong bóng thì chìm/ Gỗ lim thì nổi/ Đào ao bằng chổi/ Quét nhà bằng mai…
Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng…
Ai không thích « giễu dở » thì nói : Thật thà cũng thể lái trâu, Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
Người xưa quan niệm rằng gái điếm cũng gian dối như lái buôn. Không có gái điếm ngay thật.
Nghe các em « giãi bày tâm sự » thì tình cảnh em nào cũng đáng thương. Cha chết, mẹ bịnh, một lũ em thơ. Phải bỏ nhà, bỏ quê, lên tỉnh kiếm sống, gởi tiền về nuôi gia đình. Em mới « đi » được một tuần. May sao bữa nay gặp được anh hào hoa phong nhã…
Anh nghe mà muốn rớt nước mắt… cá sấu.
Thẳng ruột ngựa muốn khuyên mấy ông hơi bị bay bướm, lang bang phải coi chừng « ruột gan ngay thẳng… của ca-ve ». Chẳng khác gì người miền Nam ngày trước khuyên nhau đừng tin lời hứa cuội của mấy ông bự hét ra lửa mửa ra khói.
Gái điếm lòng dạ không ngay thẳng. Cuội không giữ lời hứa. Lái buôn không thật thà. Thành ngữ Thẳng ruột ngựa phải được hiểu ngược, hiểu theo lối nói châm biếm.
Thẳng ruột ngựa là kết quả chồng chéo của ba nền văn hoá Tàu, Tây và Ta. Ý nghĩa quanh co chứ không thẳng đuột như người ta thường lầm tưởng, hiểu sai.
- Tôi bấy giờ còn trẻ, tính bồng bột, trả lời thẳng như ruột ngựa . Tôi không bị hạn gì cả. Đế quốc bắt tôi vì tôi làm cộng sản (Nhiều tác giả, Nhân dân ta rất anh hùng) (*).
- Anh Tịch phải năn nỉ mãi. Cũng bởi Út hay nói lô la thẳng ruột ngựa nên anh sợ (Nguyễn Thi, Người mẹ cầm súng) (*).
Nhà văn muốn khen anh cán bộ và cô Út, nhưng e rằng có người hiểu là anh cán bộ và cô Út đang bị chê.
Nói thẳng nhưng đừng nói… thẳng ruột ngựa!
Rắc rối quá! Nói thẳng, nói thật… khó nói quá!
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết con Ngựa 2014)
 (*) theo Thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Lực - Lương Văn Đang.

Source : RFI

Liệu Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đến được Genève dự điều trần về nhân quyền?

Liệu Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đến được Genève dự điều trần về nhân quyền?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
DR

   Thụy My ( RFI )

Nhận lời mời từ UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc, nhà báo độc lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự kiến sẽ có chuyến đi Genève vào ngày 01/02/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ và nhân quyền, bên cạnh cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra tại Genève ngày 05/ 02/2014.

Được giới thiệu như một trong những diễn giả chính của cuộc hội thảo trên, bài tham luận của tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”. Bài tham luận này là bức tranh phác thảo về hiện tình kinh tế - xã hội - chính trị ở Việt Nam cùng những tiền đề cho xã hội dân sự tại quốc gia này. Đồng thời nêu ra một số dự báo cho năm 2014 và xu hướng những năm sau đó, đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người.
Ngày 29/01/2014, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của TS Phạm Chí Dũng. Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này.
Được biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Tuy nhiên, một câu hỏi thách đố đối với cá nhân tiến sĩ Phạm Chí Dũng và giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam nói chung là liệu ông có được xuất cảnh theo lời mời của UN Watch đến Genève hay không.
Vào lần này, cũng đã xuất hiện tín hiệu “vận động” của cơ quan an ninh Sài Gòn đối với gia đình TS Phạm Chí Dũng về việc ông “không nên đi Thụy Sĩ để tránh bị lợi dụng”. Đến ngày 31/01/2014 (mùng một tết), một nhân viên công an của phường 1, quận Tân Bình là địa bàn TS Phạm Chí Dũng cư trú, đã đến nhà ông để đưa giấy mời ông đến trụ sở công an phường với lý do “làm việc” vào sáng ngày 01/02/2014 (mùng 2 tết). Người ký giấy mời là đại tá Nguyễn Thành Dân - trưởng phòng PA81 thuộc Công an TP.HCM.
Cần nhắc lại, vào tháng 8/2012 tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị một cơ quan an ninh Việt Nam khuyến cáo “không nên đi” khi ông được mời dự hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Việc không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh cũng được hiểu là đương sự hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay, nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.
Gần đây nhất, vào khoảng giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở Sài Gòn là Paulo Thành Nguyễn đã bị an ninh cửa khẩu ách chuyến bay sang Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’.
Theo Hiến pháp Việt nam, một trong những quyền con người được quy định là quyền tự do đi lại, trong đó ghi rõ “Công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.
Hành động “mời làm việc” của cơ quan công an Sài Gòn ngay trước chuyến đi Thụy Sĩ cho thấy vẫn có thể xảy ra việc cố tình ngăn chặn TS Phạm Chí Dũng, thậm chí ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, bất chấp mối quan tâm đặc biệt của các cơ quan quốc tế về nhân quyền. Nếu xảy ra,  hành động ngăn chặn như vậy rõ ràng sẽ trái với các cam kết về nhân quyền của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khi quốc gia này được chấp thuận là thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền vào tháng 12/2013.
TS Phạm Chí Dũng cho biết, nếu chuyến đi Thụy Sĩ bị ngăn chận bất hợp pháp, ông sẽ chính thức khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời thông tin rộng rãi cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế về vụ việc này.

Source : RFI

Tương Lai Trung Quốc


Friday, January 31, 2014

Tương Lai Trung Quốc



Hùng Tâm / Người Việt Ngày 140130
Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình

 * Có một bài hay như lời chúc đầu năm - nếu nhìn ra Hoa lịch! *


Trung Quốc đang là mối quan tâm của thế giới. Thế giới đó có các doanh gia và chiến lược gia Hoa Kỳ khi họ nghĩ đến quyền và lợi của nước Mỹ. Thế giới đó có các nước Á Châu, từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, từ Ấn Độ tới các nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Thế giới đó cũng có Việt Nam và hơn 90 triệu người ở trong và ngoài nước. Cho một số tất niên trước thềm năm mới, "Hồ Sơ Người-Việt" xin vén mở tương lai về Trung Quốc – hoàn toàn dựa trên những dữ kiện của thực tế....

Thực Tế Về Trung Quốc

Trung Quốc có một lãnh thổ bát ngát bằng diện tích của nước Mỹ, là 10 triệu cây số vuông. 

Nhưng Trung Quốc có một lãnh thổ nghèo, rất thiếu hai phương tiện sinh sống căn bản cho con người là đất canh tác và nước ngọt. Diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và cả nước mưa, thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. 

Lãnh thổ của Trung Quốc lại có những khác biệt chết người. Đó là một vòng bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở phía Đông, gần duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc. 

Nếu biết nhìn vào địa dư người ta cũng có thể hiểu ra một phần của lịch sử.

Với thực tế ngàn đời ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một quốc gia có hơn một tỷ 300 triệu người, đà gia tăng ấy quả nhiên là đáng kể. Những người lãnh đạo Trung Quốc và giới kinh doanh làm ăn tại đây đều ngợi ca rằng đấy là sự kỳ diệu, một phép lạ kinh tế. 

Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Hãy nói về cái nghèo đó.

Cả thế giới cứ nói đến các đại gia mới nổi của Trung Quốc, thành phần tỷ phú đang làm loại sản phẩm xa xỉ đắt tiền tăng giá lên trời. Nhưng theo thống kê của nhà nước Bắc Kinh, chỉ có 60 triệu người là có lợi tức đồng niên nhiều hơn hai vạn đô la. Sáu mươi triệu người thì đông thật, nhưng là thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu người.

Lợi tức trung bình của dân Mỹ là 53 ngàn đô la và của dân Tầu là 10 ngàn hai trăm đô la. Con số trung bình ấy che giấu nhiều chuyện khác: khoảng 600 triệu người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống. Có 400 triệu người khá giả gấp đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt mức lợi tức bần cùng là bốn Mỹ kim một ngày!

"Hồ Sơ Người-Việt" cứ nói đến lời ngợi ca của doanh gia Mỹ về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Ăn cây nào họ rào cây nấy. 

Nhưng sự thật thì kinh tế Trung Quốc làm giàu cho các tổ hợp như Wal Mart, Home Depot hay Carrefour của Pháp. Và cả một khu vực duyên hải lại gắn bó và gần gũi với Wal Mart hay Apple hơn là với các tỉnh khác ở bên trong. Nghĩa là kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào giới tiêu thụ ở bên ngoài, trong các nước giàu có tại Hoa Kỳ hay Âu Châu. 

Nếu giới tiêu thụ đó từ chối thì hàng hóa "Made in China" dù có rẻ mạt vẫn vượt khỏi sức mua của đa số người dân Hoa lục. Bài toán của lãnh đạo Bắc Kinh là nâng sức mua đó, nhưng họ không có giải pháp kỳ diệu!

Từ kinh tế mà nhìn ngược về lịch sử, người ta thấy rằng trong quá khứ, Trung Quốc đã từng có những bước nhảy vọt và thời nguy nàn. Sau giai đoạn mộng mị của Mao Trạch Đông, nếu xứ này có vọt lên trong ba thập niên thì cũng sẽ có lúc tuột xích, nhất là khi lãnh đạo không tìm ra cái phép thần thông để giải quyết tình trạng nghèo khốn và khác biệt ở bên trong.

Ra khỏi lãnh vực kinh tế, nhiều người lạc quan cũng nói đến một tương lai khác, là khi Trung Quốc có thể dân chủ hóa và tiến tới thể chế liên bang. 

Đây là chuyện mộng mị khác. 

Đa số người dân Trung Quốc rất hài lòng với hiện tại. Họ hãnh diện về sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và chưa từng say đắm nguyên tắc dân chủ. Những người có trí nhớ sâu xa nhất, lên tới trăm năm về trước, thì còn e sợ dân chủ như đã thấy dưới thời Cộng hoà của Trung Hoa Dân Quốc. Họ coi đó là mầm đại loạn và nội chiến.

Trong cái DNA của họ chưa hề có tế bào dân chủ.

Quốc gia rộng lớn này đang trở về trạng thái cũ, chẳng có gì là phép lạ. Và nếu trạng thái cũ có là nội loạn thì cũng chỉ là truyền thống.


Cận Cảnh của Trung Quốc

Nói về những chuyện xa xôi, lớn lao hay mơ hồ như kinh tế xã hội của trăm năm thì nhiều người khó mường tượng ra thực tế trước mắt, nghĩa là nhìn trong cận cảnh.

Thực tế trước mắt là các doanh nghiệp quốc tế đều đang nhìn lại Trung Quốc, và nhìn qua xứ khác trước khi xứ này có loạn. Có ba lý do đều chính đáng cho sự chuyển hướng ấy. 

Thứ nhất là sau hai chục năm mở cửa đón nhận các tổ hợp quốc tế đầu tư vào trong nước, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã học được một số bí quyết làm ăn và với quyền lực chính trị trước đây không hề có, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước không muốn chia phần cho thiên hạ. Là Trung ương Ủy viên có ảnh hưởng, họ bắt đầy gây khó cho doanh nghiệp ngoại quốc. Ăn của địch để đánh địch là một phép khôn ngoan đã từng có trong Binh pháp Tôn Ngô!

Thứ nhì, ưu thế của thị trường Trung Quốc là dân nhiều lương rẻ nay đã không còn. 

Dân số Trung Quốc hết tăng, vựa người từ thôn quê ra tỉnh kiếm việc đã cạn dần và thợ thuyền ở tỉnh muốn phải có lương cao hơn. Trung Quốc bị nạn thiếu người và mức lương tối thiểu khoảng 300 đô là một tháng hết được coi là rẻ, vì gấp đôi Việt Nam, gấp ba Cam Bốt, gấp bốn năm lần mức lương của Bangladesh hay Miến Điện. Bị nhà nước gây khó và công nhân đòi tăng lương, doanh nghiệp quốc tế đã thất vọng về thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, thị trường này sẽ không tăng mà có khi lại gặp loạn. 

Thị trường này không tăng và tốc độ 10% một năm đã hết. Đầu tiên là sức người có hạn, dân số đã hết tăng mà còn bị lão hóa. Năng suất cũng vậy khi giảm dần vì kinh tế bước qua hình thái khác. Khi thấy đà tăng trưởng sút giảm dưới 8%, lãnh đạo xứ này đã ồ ạt bơm tiền.

Tín dụng đổ ra có thể chảy vào ba ngả, là đầu tư sản xuất cho số cung, là tiêu thụ để nâng số cầu, hay đầu cơ để làm giàu cho các đại gia. Vì những lệch lạc ngay trong cơ chế kinh tế và chính trị, lượng tiền bơm ra đã chảy vào khu vực nhà nước, chứ không vào sức mua của người dân, và từ khu vực nhà nước chảy qua lãnh vực đầu cơ. Nạn đầu cơ thổi lên bóng bóng và khi bể thì sẽ như Nhật Bản hơn 20 năm trước. 

Nhưng khủng hoảng kinh tế trong một xứ độc tài lại dễ đưa tới khủng hoảng chính trị. Nghịch lý ở đây là các doanh nghiệp quốc tế càng rút chạy thì nguy cơ bể bóng càng tăng và đấy là mầm khủng hoảng tài chánh, rồi kinh tế. 

Khi thị trường cổ phiếu tại Mỹ sụt giá mạnh từ tuần qua cho đến hôm qua, một trong những nguyên nhân chính là mối lo của giới đầu tư về kinh tế Trung Quốc!

________________________

Kết luận ở đây là gì?

Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình. Nghĩ cho mình là cho Việt Nam. Đừng phục Trung Quốc như đã từng trong cả ngàn năm. Hãy tin vào dân mình để tìm ra ngả khác. Đấy là ước nguyện cho năm Giáp Ngọ khang cường.