4/2/14

Khi Đồng Tiền Tháo Chạy


Tuesday, February 4, 2014

Khi Đồng Tiền Tháo Chạy



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140203
"Kinh Tế Cũng là Chính Trị"

 Những Quyết Định Lạnh Mình Của Ngân Hàng Trung Ương Thế Giới

* Đổng tiền có cánh thì bay * 



Tết con Ngựa chưa qua là thiên hạ đã bị tréo giò: các thị trường chứng khoán theo nhau rơi rụng như lá thu.....

Báo chí lơ đãng nói rằng mùng bốn Tết ta, bà Janet Yellen tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, khi vị tiền nhiệm là Ben Bernanke khăn áo vào viện nghiên cứu Brookings làm học giả. Từ bên ngoài, các nước khác thì theo dõi xem thống đốc mới tại Hoa Kỳ sẽ đạp thắng hay tống ga thế nào để cỗ xe của họ ở nhà khỏi bị lật!  


***

Hãy nói về Hoa Kỳ trước.

Sáng mùng bốn, thị trường Giáp Ngọ tại Mỹ vừa mở bát là tơi tả như đội Denver trong trận Super Bowl hôm trước. Chỉ vì một con số thống kê.

Chỉ số ISM của viện quản lý tiếp liệu Institute of Supply Management tại Tempe, Arizona, vẫn khảo sát đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đoán trước sinh hoạt chế biến trong tương lai. Cao hơn số 50 là chỉ dấu lạc quan, thấp hơn hoặc gần mức đó là dấu hiệu bi quan. Đa số giới nghiên cứu đều dự đoán là từ mức 56,5 của tháng trước, chỉ số ISM sẽ giảm chút đỉnh, tới số 56. Nào ngờ lại sụt mạnh đến mức 51,3. Vì vậy, cổ phiếu tại Mỹ đã rớt nặng. Tính từ đầu năm 2014, chỉ số S&P 500 khá tiêu biểu cho 500 công ty lớn nhỏ tại Mỹ đã mất 5%.

Nhưng với thiên hạ thì biết đâu chuyện mở màn năm Ngọ chẳng là màn Tái ông mất ngựa? Tái Ông Thất Mã có nghĩa là trong tin xấu lại có mầm hy vọng. Phải chăng tin xấu đó có thể khiến bà Thống đốc Janet Yellen sẽ bớt đạp thắng?

Thật ra, người lên lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn chú ý đến thống kê khác, về tình hình nhân dụng hay thất nghiệp. Ngày Thứ Sáu đầu tiên của Tháng Giêng vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ sụt đến mức 6,7%, nhanh hơn mọi dự đoán. Thứ Sáu này mới nhức tim.

Mọi người đều biết là kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh hơn trước nên đoán là qua năm 2015 thì thất nghiệp có thể trở về mức 6,5%. Nào ngờ là vừa qua năm 2014 thì đã thấy con số 6,7% quá đẹp. Giới kinh tế gọi số thất nghiệp đó là U3, kết quả khảo sát các hộ gia đình xem có bao nhiêu người vẫn chưa có việc làm dù bảo là kiếm việc từ bốn tuần trước. Nhưng đấy là con số ảo, vì sự thật là có 92 triệu người đã nản chí bầu cua mà ra khỏi thị trường lao động. Nôm na là hết muốn kiếm việc nữa. Sự thật thì mức thất nghiệp tại Mỹ vào Tháng 12 vừa qua, đo lường ở chỉ số U6, vẫn hơn 13%. Thống đốc Janet Yellen phải nhìn qua ngần ấy số liệu rắc rối và mâu thuẫn ấy để quyết định về chánh sách tiền tệ tại Mỹ. Và tin buồn đó là tin vui cho các thị trường trên thế giới nếu vì vậy mà bà Yellen sẽ bớt đạp thắng.

Chúng ta sẽ nhìn ra thế giới sau khi hiểu được chuyện kinh tế tại Mỹ.


***

Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế từ Tháng 12 năm 2007 cho đến Tháng Bảy năm 2009. Sau đó kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục mạnh và thất nghiệp đã tăng.

Quyết định kích thích kinh tế của Chính quyền Barack Obama chỉ gây tăng bội chi ngân sách mà vô hiệu. Sau khi hạ lãi suất tới sàn, Ngân hàng Trung ương Mỹ bèn ào ạt bơm tiền vào các ngân hàng qua biện pháp QE, tăng mức lưu hoạt có định lượng. Lần cuối là năm 2012, với mức định lượng là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la. Về kỹ thuật thì đó là mua vào Công khố phiếu và bơm ra qua lối bút ghi một lượng tiền tương đương trong trương mục của các ngân hàng.

Qua ba đợt trong năm năm, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bơm vào nền kinh tế hơn ba ngàn tỷ đô la theo phương thức bất thường này.

Đồng tiền nó vốn có chân. Khi tràn ngập thị trường Mỹ với lãi suất quá rẻ thì nó chạy qua xứ khác để kiếm lời cao hơn. Nhờ vậy mà biện pháp kích thích tại Hoa Kỳ lại là liều thuốc bổ cho xứ khác. Các nước thu về một lượng tiền vĩ đại, đa số trút vào lãnh vực đầu tư tài chánh (trái phiếu dài hạn và chứng phiếu địa ốc có tài sản thế chấp) hơn là đầu tư trực tiếp (tức là để lập ra hãng xưởng sẽ chỉ hoạt động sau vài ba năm thành lập dự án sản xuất).

Tình trạng đó bắt đầu kết thúc năm ngoái khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ vuốt lại (tapering) chánh sách tiền tệ cho tinh tế hơn. Trước hết là sẽ giảm dần lượng tiền bơm ra, và nếu thất nghiệp trở lại mức 6,5% thì sẽ từ từ nâng lãi suất. Sau khi thông báo từ Tháng Năm năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã thực tế hành động, giảm 10 tỷ một tháng (từ 85 tỷ xuống 75 tỷ), rồi kể từ hôm Thứ Tư 29 Tháng Giêng giảm thêm 10 tỷ nữa.

Nếu tình hình kinh tế tiếp tục khả quan, trong kỳ họp đầu tiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, bà Yellen có thể quyết định đạp thắng nữa, tức là giảm thêm 10 tỷ. Viễn ảnh sau đó là có ngày nâng lãi suất căn bản ra khỏi mặt sàn.

Chính là những quyết định ấy tại Hoa Kỳ mới làm thị trường tài chánh của các nền kinh tế gọi là đang lên, emerging economies, bị chấn động nặng. Vì sao lại như vậy?


***

Nhìn từ kích thước của nước Mỹ, so với lượng tiền hơn ba ngàn tỷ được Ngân hàng Trung ương Mỹ bơm ra thì việc mỗi tháng rút về 10 tỷ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng 10 tỷ đầu tiên lại cao hơn tổng số đầu tư tài chánh hàng tháng trút vào bảy thị trường Ấn Độ, Brazil, Chile, Indonesia, Thái Lan, Turkey và Ukraine; 10 tỷ sau thì bằng lượng tiền đổ vào hai xứ láng giềng bạn hàng số một của Mỹ là Canada và Mexico.

Nghĩa là một giọt máu đào của Mỹ bằng môt ao huyết lệ của thiên hạ.

Từ nhiều năm qua, các nền kinh tế đang lên mà nhận tư bản nóng đều thấy mình khôn vì mượn đòn của Mỹ mà bẩy lên một mức lời cao hơn cho mình. Nhưng khi đồng minh tháo chạy – xin lỗi, khi đồng tiền tháo chạy – mỗi nước lại vận hạn một cách.

Kinh tế nhập môn dạy là khi tiền Mỹ vào thì đồng bạc của mình lên giá thì hàng xuất cảng sẽ đắt hơn; ngược lại khi tiền Mỹ rút thì đồng bạc xuống giá và mức lời của nhà xuất cảng sẽ tăng. Nhưng các nước xuất cảng thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu) mà thiếu nền móng chế biến vững bền thì sẽ bị động, trường hợp của Brazil, Colombia hay Peru. Các nước được tư bản hâm nóng mà tăng số tiêu thụ và đầu tư nội địa thì cũng lãnh hóa đơn nhập cảng cao hơn, trường hợp của Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan hay Turkey. Các nước có thị trường tài chánh lỏng lẻo thì lãnh họa nặng nhất khi thủy triều tại Mỹ đảo chiều, nếu vay tiền ngắn hạn cho dự án đầu cơ dài hạn.

Đó là trường hợp thừa giấy vẽ voi của Trung Quốc.

Các đấng con trời khôn ngoan vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là "Nhân dân tệ", Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Càng vẽ vời càng có lời lớn. Nhưng thủy triều từ Mỹ vào đã che khuất nhiều vấn đề bên trong.

Nhờ định hướng của nhà nước với màu sắc Trung Hoa do chánh sách tín dụng còn hào phóng hơn Mỹ, Trung Quốc có sẵn sản phẩm nội hóa là nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Hoa Kỳ điều chỉnh, thủy triều sẽ rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là các ngân hàng vỡ nợ dây chuyền, và sau cùng là nạn suy thoái kinh tế. Tuần qua, thế giới mới xanh xám mặt mày vì tin tức quá tệ của kinh tế Trung Quốc. 

Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự lạ năm Ngọ. Quyết định về tiền tệ hay tín dụng của Ngân hàng Trung ương Mỹ tùy vào mức thất nghiệp hay lạm phát, hoặc những con số mơ hồ như ISM hay U3, U6 ở tại Hoa Kỳ. Nhưng hậu quả là lãnh đạo xứ khác không bị hàm chó thì cũng lãnh vó ngựa! 

N.X.N.

3/2/14

Vận động trước kỳ UPR của Việt Nam

Vận động trước kỳ UPR của Việt Nam

Cập nhật: 05:26 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Các diễn giả trong Ngày Việt Nam ở Geneva hôm 30/1
Tuần này là tuần của nhân quyền Việt Nam và những nghịch lý
Vào chiều thứ Tư ngày 5/2 giờ Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát – UPR – để nhìn lại tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ lần kiểm điểm trước và cũng là lần đầu tiên vào năm 2009.

Trước phiên UPR, Việt Nam đã công bố báo cáo 20 trang về chuyện tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện với số lượng cơ quan báo chí tăng so với hồi năm 2009, các quyền con người được đảm bảo về luật pháp và trong thực tiễn.
Điểm đặc biệt của lần kiểm điểm này là Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền hôm 1/1/2014.
Một trong những bằng chứng về chuyện người dân được tham gia đóng góp ý kiến đối với mọi vấn đề hệ trọng của đất nước là chuyện có tới 26 triệu lượt đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến Pháp.
Việt Nam nói họ luôn coi trọng quyền con người của người dân nhưng luôn bị những người “có dụng ý xấu” tuyên truyền không đúng về Việt Nam.

Hội thảo vận động

Một ngày trước phiên UPR của Việt Nam, một số tổ chức, như PEN International, UN Watch và Đảng chính trị Việt Tân, mà Việt Nam liệt vào dạng “có dụng ý xấu” sẽ mở hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.
Hội thảo này nói về trách nhiệm của chiếc thẻ thành viên Hội đồng Nhân quyền và làm sao để nhân quyền được tôn trọng ở Việt Nam.
Một trong những diễn giả của hội thảo ngày 4/2, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, đã bị cấm xuất cảnh sau khi có yêu cầu của Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tin từ ban tổ chức sự kiện nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã làm việc “rất chặt chẽ” với ông Dũng và can thiệp để ông được xuất cảnh nhưng bất thành.
Cũng nguồn tin này nói người duy nhất từ Việt Nam xuất cảnh trót lọt hôm 2/2 và sẽ tới Geneva chiều 3/2 là luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội.
Ngoài ông Hà Huy Sơn, nhà báo Trần Quang Thành, người từng làm báo trong nước và hiện là nhà báo tự do sống tại Slovakia, cũng sẽ có mặt bên cạnh các đại diện của Việt Tân và Ủy ban Vận động Nhân quyền cho Việt Nam từ Hoa Kỳ.
Các diễn giả quốc tế dự kiến có giám đốc của PEN International Writers in Prison Committee, trưởng vùng châu Á của Reporters Without Borders, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Tổng giám đốc Đài Á châu Tự do và một số người khác.
Trước sự kiện ngày 4/2, hôm 30/1 và cũng là ngày 30 Tết, đại diện của sáu tổ chức và nhóm xã hội dân sự không được thừa nhận ở Việt Nam cũng đã tổ chức Ngày Việt Nam ở Geneva và mời đại diện của các nước tới để báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trong đó có tổ chức thiện nguyện VOICE trụ sở chính ở Philippines, Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, nhóm Dân làm báo, Mạng lưới Bloggers Việt Nam, Con đường Việt Nam và No-U Việt Nam.
Anh Bùi Tuấn Lâm, đại diện cho No-U Việt Nam từ thành phố Hồ Chí Minh, nói các nhóm đã trình bày về “những vi phạm về nhân quyền” của chính quyền Hà Nội.
“Chúng tôi là những người đưa ra bằng chứng và đưa ra những sự việc đang xảy ra thực tế ở Việt Nam cho các đại diện đại sứ quán và đại diện các tổ chức NGO đang hoạt động về vấn đề nhân quyền quốc tế và họ sẽ tham gia vào ngày điều trần UPR sắp tới ở Việt Nam,” anh Lâm nói.
“ Chúng tôi đưa ra vấn đề và nhờ họ đưa ra chất vấn trong phiên UPR tới đây.”

Con đường tới Geneva

Anh Lâm cũng cho biết các thành viên của nhóm đã phải 'rất khôn khéo' mới có thể tới được Geneva.
“Để đến được đây chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và rất nhiều cách để đến được đây chứ không phải tự do đi lại.
"Để đến được đây chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và rất nhiều cách để đến được đây chứ không phải tự do đi lại."
Anh Bùi Tuấn Lâm
“Nếu không có sự ngăn cản của chính quyền Việt Nam thì đã có rất nhiều đại diện đã đi đến được đây.
“Trước khi phiên họp này diễn ra thì đã có sáu người đại diện cho những tổ chức khác nhau ở Việt Nam xuất cảnh nhưng đã bị cấm xuất cảnh.
“Bản thân Lâm trước đây gần hai tháng Lâm đã đi qua Philippines trước với lý do đi làm thiện nguyện sau cơn bão Haiyan vừa rồi và đợi tới thời điểm này để được đi đến đây.
“Nếu như Lâm quay về Việt Nam và đợi đến sự kiện này sang đây thì chắc chắn Lâm sẽ không đi được bởi vì bị cấm xuất cảnh.”
Cùng tham gia còn có một phái đoàn vừa hoàn tất chuyến đi vận động tại Hoa Kỳ, với nhà báo và blogger Phạm Đoan Trang; ông Trịnh Hữu Long, từng là luật sư và nhà báo ở Việt Nam nhưng hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Philippines; bà Nguyễn Thị Trâm, thân mẫu của Luật sư Lê Quốc Quân, người đang chịu án tù ở Việt Nam và ông Trần Văn Huỳnh, thân sinh của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm.
Bên cạnh đó còn có anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Mạng lưới Bloggers Việt Nam và anh Đặng Văn Ngoãn, đại diện nhóm Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống.
Những người này đã có hành trình vận động qua nước MỸ và một số nước châu Âu từ giữa tháng 1.

Kiến nghị

Ba nước chủ trì phiên kiểm định định kỳ đối với Việt Nam năm nay qua bốc thăm là Kenya, Kazakhstan và Costa Rica.
Anh Nguyễn Anh Tuấn nói đoàn vận động của Việt Nam đã gặp đại diện của Costa Rica và “nêu lên những kiến nghị quan trọng, những ưu tiên, những đề nghị cụ thể để Costa Rica trong vai trò của mình họ sẽ nhấn mạnh đến những kiến nghị đó.”
“Theo tài liệu giải mật Wikileaks năm 2009 thì phái đoàn Việt Nam ở Geneva người ta đã có những thủ thuật mà các chuyên gia về UPR mà chúng tôi gặp cũng đã nói đến đó là họ cố gắng sắp xếp các nước thân thiện để có thể đưa ra những kiến nghị yếu với chính phủ Việt Nam.
“Với ba nước này chúng tôi cũng không có đủ thông tin để đánh giá mức độ thân thiện của họ với chính quyền nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để gặp mặt đại diện của ba nước này và cố gắng cung cấp các thông tin chính xác, trung thực với đầy đủ bằng chứng để họ có thể làm tốt nhất vai trò của mình trong phiên điều trần.”
Mặc dù tiếp xúc với nhiều đại diện quốc tế, ông Trịnh Hữu Long nói người Việt Nam vẫn đóng vai trò chính trong quá trình nhằm mang lại thay đổi nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Long nói: “Hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không được như mong đợi của những người sáng lập ra nó. Cái điểm yếu của luật quốc tế, các cơ chế quốc tế là nó không có tính thực thi cao, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
“Càng ngày chúng ta càng nhận thức rõ nhân quyền là vấn đề chúng ta tự quyết định, do chúng ta tự vận động … chứ không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của quốc tế cả.
“Chúng tôi đi ra nước ngoài nhưng mục đính chính của chúng tôi là … nói cho người dân trong nước biết rằng thứ nhất là chúng ta có những cơ chế quốc tế để chúng ta có thể bảo vệ cho nhân quyền của chúng ta.
“Thứ hai nữa [chúng tôi] mong muốn rằng người dân của chúng ta, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, quan tâm nhiều hơn tới thực trạng nhân quyền của đất nước. Thứ ba là cùng nhau cố gắng làm nhiều hơn nữa để có thể cải thiện tình hình nhân quyền còn đang khá bê bết ở đất nước chúng ta ngày hôm nay. ”

Các đại biểu nước ngoài tham dự Ngày Việt Nam

‘Tự do, ấm no, hạnh phúc’

Ông Long cũng nói tình hình nhân quyền ở Việt nam đã bị vi phạm “ngày càng nghiêm trọng hơn” từ năm 2009, năm ông nói nhiều nước đã đưa ra khuyến nghị với Hà Nội.
“Tại phiên điều trần UPR 2009 có nhiều nước đưa ra những kiến nghị khá gay gắt với Việt Nam bao gồm việc yêu cầu Việt Nam cho phép báo chí tư nhân, thả các tù nhân lương tâm, điều chỉnh lại bộ Luật hình sự, điều chỉnh các tội về an ninh quốc gia, và đảm bảo tự do tôn giáo cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. … Các kiến nghị đã bị phía Việt Nam từ chối và phía Việt Nam chỉ đồng ý với các kiến nghị mang tính chất chung chung ví dụ như là Việt Nam phải từng bước tuân thủ theo Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hay Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc…
“Các cam kết của Việt Nam không có gì cụ thể cả cho nên chúng ta không thể đánh giá về tình hình nhân quyền của Việt Nam dựa trên những cam kết quốc tế của họ.”
Bình luận về tuyên bố của Hà Nội rằng Hiến pháp mới sửa đổi đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân Việt Nam, ông Long nói:
“Chỉ có sự thay đổi duy nhất về nhân quyền là chương về quyền con người được đưa từ chương giữa Hiến pháp lên chương gần đầu tiên. Nhưng việc làm đấy là vô nghĩa và Việt Nam thậm chí còn không tuân thủ Hiến pháp của chính họ.”
"Chúng tôi đi ra nước ngoài nhưng mục đính chính của chúng tôi là … nói cho người dân trong nước biết rằng thứ nhất là chúng ta có những cơ chế quốc tế để chúng ta có thể bảo vệ cho nhân quyền của chúng ta."
Ông Trịnh Hữu Long
Còn anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam có được cải thiện trong nhiệm kỳ ba năm Việt Nam có chân trong Hội đồng Nhân quyền phụ thuộc vào những gì người Việt sẽ làm.
Anh nói: “Nếu chúng ta ngồi yên không làm gì nó sẽ là khó khăn. Nếu chúng ta biết cách làm, chúng ta làm nhiều hơn, chúng ta thu thập tài liệu đưa ra ngoài cho cộng đồng quốc tế để người ta hiểu thêm, quan tâm thêm nữa về tình hình Việt Nam thì đó sẽ là thuận lợi.”
Anh khẳng định các đại diện của chính quyền Việt Nam “sẽ nói ngược lại” với những gì mà nhóm vận động đã trình bày với các đại diện quốc tế.
Bản thân ông Trần Văn Huỳnh, người có con trai đang bị tù 16 năm, nói Việt Nam đang “thiếu nhân quyền, thiếu dân chủ, xã hội dân sự bị ngăn trở.”
Và lời chúc năm mới của ông tới độc giả của BBC và tới những người thân mà ông không được gặp trong dịp Tết là: “Chúc một năm Giáp Ngọ tự do, ấm no và hạnh phúc”.
Còn các quan chức Việt Nam sẽ nói tất cả những điều ông chúc đã đang hiện hữu ở Việt Nam.

BBC

Lê Công Định: 'Tôi không đổi lý tưởng'

Lê Công Định: 'Tôi không đổi lý tưởng'

Cập nhật: 09:27 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Luật sư Lê Công Định
Luật sư Lê Công Định vẫn đang chịu quản thúc tại nhà
Tròn một năm sau ngày được thả khỏi tù nhưng vẫn bị quản chế (06/2/2013), từ Sài Gòn, luật sư đấu tranh dân chủ, ông Lê Công Định lần đầu tiên lên tiếng chính thức và dành cho BBC cuộc trả lời phỏng vấn đầu Xuân.
Luật sư Định nói vụ việc ông bị chính quyền bỏ tù bốn năm về trước không làm ông thay đổi lý tưởng và mong muốn giúp cho Việt Nam xây dựng một "quốc gia pháp trị và xã hội dân sự".

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng ông "bị dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với người thân" vì đã gây nên những điều "phiền muộn, đau khổ và mất mát" cho những người mà ông cám thấy phải "có trách nhiệm."
Cựu tù nhân chính trị đang chịu quản chế ba năm nói ông "chưa bao giờ hối tiếc" về những việc mà ông đã làm và về những gì đã xảy ra với ông khi những việc đó là hệ quả của "lý tưởng" của ông.
Cựu tù nhân lương tâm cũng thuật lại những trải nghiệm chính của ông trong thời gian bị bắt giữ, tù đầy và nói ông thích việc được nhà chức trách và giới chức điều tra gọi tên là "tội phạm tư tưởng" hay "tù nhân tư tưởng", và nói ông đã được đối xử đặc biệt, khác với các tội phạm khác.
Cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đang trong một giai đoạn đặc biệt của một quá trình quy luật xã hội mà ông khái quát là "vật cùng tắc biến".
Đồng thời chia sẻ rằng, đối với cá nhân những người đang tranh đấu cho một sự chuyển đổi ở Việt Nam thì, họ nên cố gắng đừng để bị ảnh hưởng tới thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu bởi cả những lời ca ngợi hay chê trách nào.
"Khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4 năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi"
Luật sư Lê Công Định, sinh năm 1968, bị bắt ngày 3/6/2009 và bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong phiên sơ thẩm ngày 20/01/2010 xét xử theo Điều 79 của Bộ Luật hình sự với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Cùng bị kết án với ông có các bị cáo khác là các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung.
Ông Định nhận mức án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế, và được ra thả tù sớm hơn thời hạn vào ngày 06/2 năm ngoái.
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, luật sư trả lời câu hỏi "Lê Công Định bây giờ và Lê Công Định trước đây có gì khác nhau không?".

'Trả giá khá đắt'

LS. Lê Công Định: Về lý tưởng, trước đây và bây giờ tôi vẫn không thay đổi. Từ năm lên 7 tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4 năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi.
Tuy nhiên, về hành động, tôi đã khác trước. Bây giờ tôi điềm tĩnh, kiên nhẫn và lắng nghe nhiều hơn.
BBC: Từ một luật sư có triển vọng bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp, gia đình ly tán, bản thân phải ngồi tù. Phải nói ông đã trả một cái giá khá đắt. Ông có hối tiếc về điều đó không?
Lê Công Định
Ông Lê Công Định bị bắt khẩn cấp ngày 13/6/2009 ở Sài Gòn.
LS Lê Công Định: Quả thật, so với nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi đã trả một cái giá khá đắt. Dù vậy, tôi chưa bao giờ hối tiếc những gì đã làm và về sự việc đã xảy ra, nhất là khi điều đó xuất phát từ lý tưởng của mình. Điều tôi ân hận nhất là hành động của mình đã gây nên phiền muộn, đau khổ và mất mát lớn cho những người thân yêu mà cuộc đời của họ tôi có trách nhiệm, có những điều không thể cứu vãn được. Tuy hậu quả tôi phải gánh chịu, song đó là điều tôi bị dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với người thân của mình.
BBC: Từ ngày ra tù đến nay, ông có theo dõi tình hình đất nước và thế giới không? Ông có thấy sự thay đổi gì so với trước không?
LS. Lê Công Định: Tôi vẫn luôn theo dõi tình hình kinh tế, chính trị và xã hội trong và ngoài nước kể cả khi ở trong tù, dù thông tin vô cùng hạn chế. Thế giới và Việt Nam đã khác trước nhiều.
Sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cho thấy không thành trì nào không thể sụp đổ trước lòng căm phẫn của người dân. Cái chết của nhà độc tài Gaddafi ở Libya là tấm gương lớn cho những ai cùng chung ảo tưởng với ông. Trước khi bị sát hại, ông vẫn tin và tuyên bố không ngượng rằng chế độ của ông là do lịch sử và nhân dân Libya lựa chọn. Song lịch sử và nhân dân đã chọn một cách khác cho ông mà chúng ta đều đã chứng kiến.
Việt Nam cũng đã thay đổi. Thời “sự im lặng của bầy cừu” không còn nữa. Trước đây, đôi lúc tôi cảm thấy cô đơn khi lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội của đất nước. Bây giờ, xung quanh nhiều người can đảm và mạnh mẽ hơn tôi nhiều, nhất là giới trẻ. Công nghệ thông tin, mặt khác, đã tạo nên chuyển biến lớn trong nhận thức chung của xã hội ngày nay. Nhãn quan của người dân không bị che phủ bởi bức màn sắt nữa. Sự đoàn kết và khích lệ lẫn nhau ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi thật sự quan ngại về tình hình kinh tế, cả vĩ mô lẫn vi mô. Đời sống của các gia đình có thu nhập thấp sẽ ra sao trong cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu này? Tôi cảm thấy đau xót.

'Trải nghiệm trong tù'

BBC: Trong tù ông được đối xử như thế nào?
LS. Lê Công Định: Về đời sống và sinh hoạt, cũng như bao nhiêu người tù khác, tôi đã chạm đến ranh giới giữa con và người. Về cách đối xử, trước mặt tôi, các cán bộ quản giáo tỏ ra tôn trọng tôi. Tôi nhớ hồi mới bị bắt giam, các nhân viên an ninh điều tra thường nói rằng vì chúng tôi là những người phạm tội “tư tưởng”, nên sẽ được đối xử khác với các tù nhân thường phạm.
Phiên tòa sơ thẩm xử vụ Lê Công Định
Ông Lê Công Định bị xét xử cùng các bị cáo khác cùng vụ án tại phiên sơ thẩm hôm 20/01/2010.
Nhân tiện, xin lạm bàn đôi chút, tôi thích khái niệm “tội phạm tư tưởng” hay “tù nhân tư tưởng” mà chính các nhân viên điều tra của Bộ Công an đã sử dụng khi làm việc với chúng tôi, vì điều đó cho thấy chúng tôi bị bắt do có tư tưởng khác. Thật lý thú, bởi khác với hầu hết các nước, luật pháp Việt Nam vẫn bảo vệ một đường lối tư tưởng độc tôn, mà bản Hiến pháp mới sửa đổi là một minh chứng.
Do suy nghĩ khác với đường lối đó và không chấp nhận sự áp đặt tư tưởng, nên tôi đã muốn thay đổi hệ thống luật pháp này. Để một đạo luật hay hệ thống luật bất hợp lý được thay đổi, trước hết phải vi phạm nó, tất nhiên một cách ôn hòa. Một người dấn thân vì tự do tư tưởng như chúng tôi mà không vi phạm những Điều 79, 88 và 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam thì quả nhiên lạ, phải không? Tôi phải vi phạm và cũng đã nói rõ điều đó từ khi bị bắt giam đến lúc ra tòa. Tôi cũng đã trình bày đầy đủ mọi sự việc với cơ quan điều tra, bởi không có gì cần phải giấu diếm cả.
Thông điệp từ sự bất tuân luật pháp của tôi đơn giản chỉ là: “Hãy thay đổi luật pháp!” Từ năm 2007, khi biện hộ cho chị Lê Thị Công Nhân và anh Nguyễn Văn Đài, tôi từng nói:
“Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy.”
Tất nhiên, tôi đã trả giá đắt vì điều đó, nhưng tôi chấp nhận và đã đi đến tận cùng những gì lương tri mình tin là đúng.
Tấm gương lớn của tôi chính là Rosa Parks, người phụ nữ Mỹ da đen vĩ đại của nước Mỹ. Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 tại Montgomery, Alabama, Parks, khi đó 42 tuổi, Rosa Parks đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt James Blake yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng để xuống ngồi phía cuối xe theo luật định. Khi cảnh sát đến nói rằng bà đã vi phạm luật, Rosa Parks chấp nhận bị bắt. Hành động của bà đã trở thành biểu tượng của phong trào dân quyền hiện đại. Nước Mỹ sau đó đã thay đổi luật để tôn trọng nhân quyền hơn.

'Lời khuyên, chia sẻ'

"Nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm là đúng đắn, thì dù ai đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và không lùi bước, vì suy cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những gì bạn làm mà thôi"
BBC: Thời gian ở trong tù là thời gian mà con người có thể chiêm nghiệm rất nhiều. Với ông, ông đã chiêm nghiệm điều gì và rút ra được những gì?
LS. Lê Công Định: Không ai thích ở tù để chiêm nghiệm, song tôi đã tranh thủ thời gian đó để chiêm nghiệm nhiều điều bổ ích cho riêng mình, nhất là về nhân sinh. Hầu hết những điều đó liên quan đến triết học, mà không phải ai cũng thích nghe ở đây. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã học được cách tha thứ để đạt được sự bình an trong tâm. Ngày xưa tôi đã “biết” như vậy rồi, nhưng chưa “làm” được. Đôi khi người ta phải trải qua một biến cố lớn lao mới có thể thu hẹp được khoảng cách giữa tri và hành.
BBC: Ông có lời khuyên gì dành cho những người cũng đang dấn thân vào con đường tranh đấu giống như ông?
LS. Lê Công Định: Tôi không muốn khuyên ai vì chưa xứng đáng làm như vậy, chỉ mong chia sẻ một kinh nghiệm rằng nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm là đúng đắn, thì dù ai đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và không lùi bước, vì suy cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những gì bạn làm mà thôi. Lời ca tụng hay chê trách chỉ giúp mình suy ngẫm thêm, song cố gắng đừng để bị ảnh hưởng mà thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu.
BBC: Con đường Việt Nam là phong trào do ông là người đồng khởi xướng, thế nhưng đến giờ sao ông vẫn chưa lên tiếng gì về phong trào này để mọi người hiểu thêm về nó? Nếu nói thì ông sẽ nói gì?
Ông Lê Thăng Long
Ông Định từ chối bình luận về phong trào 'Con đường VN' mà ông Lê Thăng Long (trong ảnh) đồng chủ xướng.
LS. Lê Công Định: Tôi chưa muốn nói về vấn đề này vào lúc này.
BBC: Ông nghĩ thế nào về lập trường của ông Lê Thăng Long muốn ‘chuyển hóa Đảng’ và ‘ôm hôn kẻ thù’?
LS. Lê Công Định: Mỗi người có một sự lựa chọn. Dù thế nào, tôi vẫn yêu quý và kính trọng Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, bởi chúng tôi đã chia sẻ hoạn nạn với nhau.
Tôi thích từ ‘vượt bỏ’ hơn ‘chuyển hóa’. ‘Vượt bỏ’ (thuật ngữ do Bùi Văn Nam Sơn dịch từ ‘aufheben’ của tiếng Đức) là một khái niệm trong triết học biện chứng của Hegel khi ông bàn về sự vận động. Đối với tôi, phong trào cộng sản nói chung và đảng cộng sản nói riêng là một phần của lịch sử đã qua, mà tôi thì chỉ quan tâm đến hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Tôi không xem họ là kẻ thù. Vì thế, chưa bao giờ tôi muốn chống lại và không có ý định “ôm hôn”.

'Vật cùng tắc biến'

BBC: Ông có niềm tin vào tương lai đất nước không? Với tình hình hiện nay thì theo ông tương lai đất nước sẽ như thế nào?
"Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi nghĩ khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại cũng đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc. Do đó, tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước"
LS. Lê Công Định: Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi nghĩ khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại cũng đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc. Do đó, tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước hơn bao giờ hết.
Ở trong tù, tôi làm nhiều thơ về các nhân vật lịch sử của nước ta, mà sự nghiệp của họ để lại nhiều bài học cho thế hệ ngày nay. Tôi muốn ghi lại đây một bài thơ về Hồ Quý Ly, người đã đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà Trần. Vương triều ấy đã khởi đầu bởi Trần Thủ Độ và kết thúc bởi Hồ Quý Ly, đều một cách đẫm máu, ân oán trả đủ. Thật đáng tiếc! Tôi mong tương lai chúng ta không đến nỗi như vậy.
Vịnh Hồ Quý Ly
"Trí vượt đương thời xướng cách tân, Vua suy bỏ ước thúc quân thần. Nền san Minh Đạo, thay lề cũ, Thủ đắp Tây Đô, tránh họa gần. Triều trước cướp ngôi, oan chất hận, Buổi tàn trả nợ, oán quên ân. Thời gian dời đổi anh hùng xuất, Sử chẳng u mê mãi “chọn” Trần."

Source : BBC

GS Phạm Duy Hiển : « Hoãn dự án hạt nhân sẽ là quyết định sáng suốt »

THỨ HAI 03 THÁNG HAI 2014
GS Phạm Duy Hiển : « Hoãn dự án hạt nhân sẽ là quyết định sáng suốt »
 
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Thanh Phương
Việt Nam đã dự trù bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận I ngay từ năm 2014, với sự trợ giúp của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Ninh Thuận I dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Ngoài Ninh Thuận I, chính phủ Việt Nam đã chọn các tập đoàn Nhật để xây dựng một nhà máy điện nguyên tử thứ hai cũng tại tỉnh Ninh Thuận, với hai lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2023-2024.
Thế nhưng, theo tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 16/01/2014, trong một cuộc họp ngày hôm trước, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng phải đình hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I cho đến năm 2020, nhằm bảo đảm « an toàn nhất, hiệu quả nhất » cho dự án.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như trên sau khi trước đó một tuần, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano đã khuyên Hà Nội không nên vội vàng tiến đến năng lượng nguyên tử và trước hết phải bảo đảm có đủ khả năng để vận hành nhà máy hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, hoan nghênh tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và theo giáo sư Hiển, nếu thật sự ông Dũng đình hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, thì đây sẽ là quyết định « sáng suốt ». Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với giáo sư Phạm Duy Hiển.
RFI : Xin kính chào Giáo sư Phạm Duy Hiển. Là một người mà từ lâu vẫn chủ trương là Việt Nam chưa nên xây nhà máy hạt nhân, trước hết ông nghĩ gì về tuyên bố nói trên của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
GS Phạm Duy Hiển : Về thông tin ấy, chúng tôi hiểu đó chưa phải là quyết định cuối cùng. Có nhiều người nói rằng quyết định cuối cùng phải thông qua Quốc hội. Tôi không rõ là việc đó có làm hay không, nhưng cách nói của thủ tướng, người có quyết định khá là lớn trong vấn đề này, cho chúng tôi và rất nhiều người khác có niềm tin rằng việc đó sẽ phải là như vậy.
Đó là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân và có thể nói, nếu thủ tướng quyết tâm thi hành quyết định này, thì phải nói ông là một nhà lãnh đạo có bản lãnh chính trị rất cao.
Để hiểu được bối cảnh của việc thủ tướng nêu lên ý kiến như vậy thì ta phải trở ngược lại từ cách đây hơn 10 năm và xin lỗi quý vị là tôi sẽ nói một số ý kiến liên quan đến cá nhân của mình hơi nhiều một tí, bởi vì tôi nhớ rõ và vì ngay từ đầu, trong giới khoa học, đặc biệt là khoa học hạt nhân, tôi là người quán triệt từ đầu đến bây giờ là chưa nên làm vội. Dĩ nhiên, bây giờ nghe thủ tướng nói như thế thì tôi rất là vui mừng.
Cách đây hơn 10 năm, khi bắt đầu nói đến chuyện hạt nhân Việt Nam, mà chưa có quyết định gì cả, thì tôi có viết một bài đăng trên tờ Tuổi Trẻ « Điện hạt nhân, tại sao phải vội ? », phân tích rõ là Việt Nam chưa đến mức cần phải làm vội như thế. Vả lại, điện hạt nhân không phải muốn làm là được, mà phải xem có đủ điều kiện để làm hay không.
Điều lo ngại nhất đó là tính kỷ luật của người Việt mình, từ sản xuất tiểu nông đi lên công nghiệp hiện đại, chưa cao. Điện hạt nhân cũng không an toàn, không rẻ như người ta tưởng. Lúc cao trào nhất là vào năm 2009, khi Bộ Công thương trình dự án nhà máy hạt nhân ra Quốc hội, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có gởi Quốc hội một kiến nghị, dựa trên cơ sở bài phát biểu của tôi tại Liên hiệp hội, phân tích rất nhiều khía cạnh cho thấy là chưa nên làm vội như thế.
Rất tiếc là Quốc hội ấy vẫn thông qua, và có lẽ đây là lần đầu tiên mà một Quốc hội của Việt Nam thông qua một quyết định với một phần tư số đại biểu Quốc hội không đồng tình.
RFI : Vậy thì những lý do nào khiến Quốc hội thông qua dự án này mặc dù có nhiều người không đồng tình như vậy ?
GS Phạm Duy Hiển : Lý do thứ nhất là chúng ta thiếu điện lắm, và họ đưa ra con số là vào khoảng năm 2020, Việt Nam sẽ phải cần lượng điện tiêu thụ 340 tỷ Kwh. Lý do thứ hai là chúng ta sẽ không còn nguồn năng lượng nào cả, vì đến năm 2020, tất cả sẽ đều được khai thác hết rồi, chỉ còn điện hạt nhân. Lý do thứ ba là điện hạt nhân rẻ so với các điện năng khác.
Sau khi có quyết định của Quốc hội, thủ tướng Dũng đã đi Nga và ký một hiệp định với Nga về nhà máy hạt nhân đầu tiên do Nga xây dựng. Tiếp theo là xảy ra vụ Fukushima đầu năm 2011, làm cả thế giới sững sờ, thấy rằng hóa ra điện hạt nhân không an toàn và vấn đề xử lý tai nạn không dễ dàng chút nào. Việt Nam cũng thấy điều đó, nhưng rất làm lạ là một số giới chức Việt Nam lúc đó vẫn dứt khoát nói sẽ làm như cũ, không có gì thay đổi cả. Cả Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử, nơi mà tôi có làm việc và có lãnh đạo trước đây, cũng tuyên bố là chúng ta sẽ có công nghệ hiện đại rất nhiều.
Từ đó đến nay, chúng ta đã có những bước chuẩn bị làm điện hạt nhân nhưng cũng cảm thấy rất khó khăn, nhất là vấn đề đào tạo nhân lực. Nga có hứa giúp đào tạo, nhưng đấy chỉ là những sinh viên đại học thôi, còn về vấn đề chuyên gia thì lúng túng vô cùng. Những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thấy là không đơn giản.
Nhưng một sự kiện có tác động cũng có ý nghĩa đó là chuyến viếng thăm gần đây của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Amano ( người Nhật ). Cuối năm 2011, ông có đi thăm Việt Nam một lần, sau vụ Fukushima. Lúc đó, ông nói một cách đơn giản rằng Việt Nam làm điện hạt nhân là tốt và ông tin tưởng là Việt Nam sẽ thành công. Cuối năm 2013, khi sang thăm lại Việt Nam thì ông nói khác : Không nên vội vàng làm điện hạt nhân mà phải chuẩn bị rất kỹ.
Trong nước mà nói thì các vị lãnh đạo khó mà nghe, nhưng một người có thẩm quyền như ông Amano mà nói thì có tác động rất lớn. Tại vì sao mà sau hai năm, ông lại đổi ý kiến như vậy ? Đó là vì trong hai năm qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và nhiều nước có cử chuyên gia sang Việt Nam đánh giá tình hình và trợ giúp Việt Nam. Nếu không vì những quyền lợi riêng, nếu không phải là đại diện cho các tập đoàn hạt nhân, thì tôi chắc rằng toàn bộ những người có tâm tốt đều thấy là chúng ta chưa đủ sức để làm điện hạt nhân.
Lực lượng của chúng ta quá mỏng. Luật pháp, cơ sở hạ tầng đều rất yếu kém. Nhiều cái phải được sửa lại toàn bộ, nếu không thì không giải quyết được. Ví dụ như cơ quan về an toàn hạt nhân, các nước yêu cầu phải tách ra, không thể để dính với các cơ quan quản lý hoặc cơ quan điều hành như ở Việt Nam hiện nay. Còn về xét duyệt nhà máy hạt nhân ở Việt Nam vẫn là do bộ Công thương xét duyệt. Những cái đó họ thấy không thể chấp nhận được.
Trở lại vấn đề nhân lực. Nga thì lúc nào cũng nói là họ sẽ đào tạo, những người chỉ huy, những người có trách nhiệm khi xảy ra các sự cố, quyết định chuyện này chuyện khác thì chúng ta không có.
Cho nên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là hoàn toàn phó thác cho các chuyên gia nước ngoài. Thậm chí bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ có nói là giám sát thi công cũng sẽ phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Do đó, thủ tướng nói rất đúng : Chúng ta làm điện hạt nhân là phải an toàn nhất và hiệu quả nhất thì mới làm. Chừng nào chưa đạt được thì chưa làm. Đó là chỉ mới nói về an toàn, còn vấn đề hiệu quả thì sao ? Xây một nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều tiền, ít nhất phải là 10 tỷ đôla. Với cách kinh doanh như hiện nay thì làm sao có lời được ? Cho nên, Nhà nước phải bù giá. Trong khi đó, có nhiều nguồn năng lượng khác có thể thay thế được.
RFI : Giáo sư có nói ở trên là nếu thủ tướng quyết định hoãn xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên thì đây sẽ là một quyết định sáng suốt, nhưng điều này có nghĩa là chưa hoàn toàn chắc chắn là chính phủ sẽ ra quyết định tạm ngưng dự án này ?
GS Phạm Duy Hiển : Có một số người không muốn chậm lại. Ngay như Rosatom là tổ chức cung cấp thiết bị nhà máy hạt nhân cho Việt Nam, một ngày sau khi thủ tướng tuyên bố, đã khẳng định là họ vẫn khởi công năm 2017. Vậy thì phải chờ xem quyết định sắp tới phải như thế nào. Nhưng tôi nhắc lại rằng một quyết định như vậy sẽ là một quyết định rất sáng suốt, rất hợp lòng dân.
RFI : Nếu hoãn xây nhà máy hạt nhân, chúng ta phải tìm những nguồn năng lượng nào khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của Việt Nam ?
GS Phạm Duy Hiển : Việt Nam không thiếu điện. Có thể một số người không đồng ý với điều này, nhưng bây giờ ngày càng thấy là ý kiến của tôi đúng với thực tế. Dự báo sản lượng điện năm 2020 là 340 tỷ Kwh là một dự báo rất lớn, không đúng.
Thực tế là dẫu chúng ta có tiêu thụ điện với tốc độ như hiện nay thì cũng không cần đến mức như thế. Tôi đã nói nhiều lần : Việt Nam xài điện rất là không hiệu quả. Người Việt Nam làm ra 1 đôla thì phải tiêu thụ gần 1 Kwh điện, trong khi đó người Thái Lan với 1 Kwh điện họ làm ra được 2 đôla, Philippine và Indonesia làm ra được gần 3 đôla.
Điện dùng vào những công trình không mang lại hiệu quả và điện được tiêu thụ bởi những hãng nước ngoài vào Việt Nam với những công nghệ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Nếu chúng ta biết giải quyết bài toán sử dụng năng lượng hiệu quả, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất sáng sủa, bởi vì đầu tư sẽ có hiệu quả.
Các nhà kinh tế trong những tháng gần đây có đưa ra những thông tin cho thấy đầu tư ở Việt Nam không có hiệu quả. Tôi về nông thôn cũng thấy như vậy, tức là người ta xây rất nhiều đường nhưng lại không có xe chạy ! Đầu tư như vậy tốn rất nhiều điện. Xi măng, sắt thép đều tốn rất nhiều điện. Hiện nay rất khó giải quyết, vì EVN quản lý việc này.
Nhưng thủ tướng cũng có nói là nếu từ đây đến năm 2020 mà thiếu điện thì sẽ xây những nhà máy chạy khí ở miền Nam, tổng cộng 5000 Mw, thay cho hai nhà máy điện hạt nhân. Như thế là hợp lý và đơn giản hơn rất nhiều, rẻ hơn rất nhiều. Còn khí đốt thì chúng ta vẫn còn để xài. Tại sao lại phải vội ?
Thứ hai, nếu như thủ tướng hoãn được trong sáu năm, thì thời gian sáu năm ấy sẽ là thời gian thử thách đối với điện hạt nhân trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Lý do là vì người ta đang chuyển về sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể ở Việt Nam là điện gió. Ở Việt Nam có một vài nhà máy điện gió. Đan Mạch gần đây có thông báo là điện gió kể từ nay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng điện của nước này.
Trong 5,6 năm tới, sự tăng tốc của phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, sẽ càng cho thấy là điện hạt nhân khó có thể cạnh tranh được. Ngay trong điện hạt nhân, công nghệ cũng sẽ được cải tiến theo hướng rất là an toàn, như Mỹ và một số nước khác sản xuất các nhà máy điện hạt nhân, với công suất chỉ vài trăm Mw, nhưng làm thành từng mođun, chở thẳng tới lắp tại nơi.
Đến năm 2020 chúng ta bắt đầu xây nhà máy hạt nhân thì cũng có gì là muộn cả, bởi vì sẽ vẫn có đủ nguồn năng lượng. Thủ tướng đã nói là sẽ xây các nhà máy chạy khí, tức là ông bảo đảm sẽ có đủ khí để chạy. Không có gì phải lo lắng. Còn nếu mà từ đây đến đó đẩy mạnh chính sách sử dụng năng lượng có hiệu quả thì càng tuyệt vời hơn nữa, vì lúc đó lượng điện tiêu thụ sẽ giảm rất nhiều.
Hai năm vừa rồi, công nghiệp của Việt Nam đã chuyển sang công nghiệp cao, không phải là do Việt Nam, mà là do nước ngoài đầu tư vào, cụ thể là Hàn Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam năm qua là 14 tỷ đôla là từ các nhà máy của Hàn Quốc lắp ráp điện thoại di động thông minh, hầu như không tốn điện, so với những nhà máy luyện thép, nhà máy xi măng tốn rất nhiều điện. Chính vì thế mà trong hai năm vừa rồi, mỗi một năm sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam chỉ tăng khoảng 9%, so với mấy năm trước là 15%.
Nhu cầu về điện của Việt Nam từ đây đến năm 2020 sẽ không như trước đây theo như tính toán của những người làm kế hoạch ( nhà máy điện hạt nhân ). Với tình hình như hiện nay, giá thành của năng lượng ngày càng giảm, trong khi đó chưa có một dấu hiệu gì cho thấy giá thành điện hạt nhân giảm. Nếu chúng ta vẫn cứ xây những nhà máy công suất rất lớn như thế, thì đầu tư vào để bảo đảm an toàn cho những nhà máy ấy sẽ rất nặng.
RFI : Xin cám ơn Giáo sư Phạm Duy Hiển.

Source : RFI

Hà Văn Thùy - KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ “TỪ HÁN VIỆT”


THỨ BA, NGÀY 04 THÁNG 2 NĂM 2014

KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ “TỪ HÁN VIỆT”

Hà Văn Thùy
Trên trang mạng Bách Việt, ông Trần Kinh Nghị có bài “Di sản Hán Việt”*. Sau khi nhận định: quãng trên dưới 70-80 % từ vựng tiếng Việt có thành tố Hán-Việt, ông cho rằng “nếu vì một lý do nào đó mà để ngôn ngữ nước mình bị một ngôn ngữ khác lấn át và tình trạng lấn át kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa hoặc thoái hóa.” Kết thúc bài viết, ông đề nghị Nhà nước có biện pháp hạn chế việc dùng từ Hán Việt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đồng cảm với nỗi bức thúc của ông nhưng nhận thấy đây là vấn đề lớn và không hề đơn giản, chúng tôi xin thưa lại đôi lời.

I. Có đúng tiếng Việt vay mượn từ ngôn ngữ Hán?

Muốn giải quyết thỏa đáng chuyện này, không còn cách nào khác là phải đi tới tận cùng cội nguồn ngôn ngữ, không chỉ của người Việt mà cả của người Trung Hoa.

Nửa sau thế kỷ XIX, ngay khi chưa đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Vệt Nam, những học giả người Pháp đã có mặt để nghiên cứu thiên nhiên, con người, văn hóa, xã hội xứ Annam. Từ kết quả nghiên cứu, năm 1898, nhà nước bảo hộ Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Đứng đầu lĩnh vực khoa học nhân văn là những nhà Hán học như E. Aymonier, L. Maspéro… Là học giả phương Tây, họ mang quan niệm Âu trung: châu Âu là trung tâm của văn minh nhân loại. Là nhà Hán học, họ theo thuyết Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm của châu Á. Họ cũng chịu ảnh hưởng của tri thức sai lầm đương thời cho rằng, con người từ Tây Tạng xâm nhập Trung Quốc rồi sau đó xuống Việt Nam và Đông Nam Á nên ánh sáng văn minh cũng từ Trung Hoa lan tỏa tới phương Nam. Khi nghiên cứu tiếng nói của người Việt Nam, họ có trong tay những bộ từ điển Trung Hoa đồ sộ như Từ Hải, Tứ khố toàn thư, Khang Hy… Trong khi đó, tiếng Việt chỉ có Từ điển Việt-Bồ-La của Alexander de Rhodes cùng Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, hai cuốn sách nhỏ, tập hợp từ ngữ Việt chữ Latinh mới có khoảng 300 tuổi. Bằng thao tác đơn giản là thống kê, so sánh những từ được cho là gốc Hán có trong tiếng Việt, họ eureka: “Tiếng Việt mượn khoảng 70% từ Hán ngữ!”
Sự thật có đúng như vậy không?

Vào năm 1898, H. Frey, một đại tá người Pháp, từng công tác ở Tây Phi sau đó có mặt ở Việt Nam, đã xuất bản cuốn Tiếng Annam, mẹ của các ngữ (L’Annamite, mère des langues): Tiếng Annam, xuất xứ của các ngôn ngữ: Cộng đồng các chủng tộc Xentơ, Xémit, Xuđăng và Đông Dương. Bằng kinh nghiệm ở Châu lục đen, nhà ngữ học chân thực này cho rằng tiếng Việt gần gũi với tiếng các sắc dân châu Phi và là nguồn cội của mọi ngôn ngữ phương Đông. Tiếp đó ông còn cho ra hai cuốn khác khẳng định quan điểm của mình. Tuy nhiên, các viện sĩ của Viễn Đông Bác Cổ “không thèm chấp” gã tay ngang võ biền. Không chỉ vậy, vào năm 1937-1938 còn có cuộc tranh luận giữa nhà ngữ học trẻ người Ba Lan Prilusky với viện sĩ Maspéro. Từ khảo cứu của mình, Prilusky phát triển quan điểm của H. Frey nhưng kết cục phần thắng thuộc về bậc lão làng!

Kết luận của Viện Viễn Đông Bác Cổ dáng đòn hủy diệt không chỉ vào văn hóa mà cả vào tương lai dân tộc Việt Nam! Do ngón đòn ác hiểm này mà sau đó, khi phân loại ngôn ngữ phương Đông, đề xuất một họ ngôn ngữ Annam bị bãi bỏ do “không xứng đáng vì vay mượn quá nhiều từ nước ngoài!” Thay vào đó là họ ngôn ngữ mang cái tên không tiêu biểu: ngôn ngữ Mon-Khmer. Kết quả là cho đến nay, trong sách giao khoa ngôn ngữ của nhiều đại học hàng đầu thế giới vẫn viết “Tiếng Việt vay mượn khoảng 60% từ ngôn ngữ Trung Hoa (!)” Dù sao thì cũng được an ủi phần nào vì 60% ít hơn con số chúng ta tự nhận!

Điều khủng khiếp nhất là, vào thập niên 1920, các học giả tiên phong người Việt như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố… tiếp nhận tri thức sai lầm đó, dạy cho con dân Việt. Ý tưởng tiếng Việt vay mượn tiếng Hán như cỏ dại lan rộng trên cánh đồng tư tưởng, thấm tới toàn bộ người có học Việt Nam hiện nay! Gần suốt thế kỷ, học giả Việt không một lời cãi lại. Ở thập niên 80, trong công trình ngữ học công phu Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn “khám phá”: ngoài cái gọi là “từ Hán Việt”, trong tiếng Việt còn lớp từ Hán cổ và lớp từ Hán Việt Việt hóa (1). Không đưa ra con số thống kê nhưng với hai lớp từ được bổ sung đó, có lẽ tỷ trọng vay mượn của tiếng Việt còn tăng lên gấp bội!

Nhưng dù sao, đấy chỉ là tính toán của nhà bác học, còn với người dân Việt, ít người tin, chỉ vì lý do đơn giản: một dân tộc vay mượn đến bằng nấy tiếng nước ngoài không thể là dân tộc trưởng thành, chắc chắn đã bị đồng hóa sau nghìn năm nô lệ!

Năm 2006, từ nghiên cứu của mình, chúng tôi công bố bài viết Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa (2). Rất may là ý tưởng “điên rồ” đó chẳng những không bị ném đá mà còn không rơi vào im lặng. Ít lâu sau, từ Sacramento nước Mỹ, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành gửi cho chúng tôi những bài viết chấn động: Phát hiện lại Việt Nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm…(3) trong đó dẫn ra hàng nghìn bằng chứng không thể phản bác cho thấy, tiếng nói nguyên thủy của người Trung Hoa là tiếng Việt. Người bạn Việt Triều Châu của tôi khẳng định: “Tất cả các chữ tượng hình được làm ra là để ký âm tiếng Việt. Vì vậy, mọi chữ vuông chỉ khi đọc và giải nghĩa bằng tiếng Việt mới chính xác!” Một sự ủng hộ vô giá! Càng may hơn là đầu năm 2012, chúng tôi nhận được tin: Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt tỉnh Quảng Tây Trung Quốc phát hiện chữ Việt cổ khắc trên xẻng đá, giống với chữ Giáp cốt (4)! Từ những nguồn tư liệu phong phú và vững chắc, chúng tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết: Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa (5)!

Như vậy, sang thế kỷ này, nhờ tiến bộ của khoa học thế giới, nhờ tấm lòng và công sức của cộng đồng người Việt, không những chúng ta xác định được người Việt có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á, có nghĩa, Việt Nam là cái nôi của các dân tộc phương Đông mà còn chứng minh được, tổ tiên ta để lại trên đất Trung Hoa không chỉ tiếng nói mà cả chữ viết.

Chúng tôi hình dung quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết trên đất Trung Hoa như sau:

Nhiều dữ liệu khoa học cho thấy, 40.000 năm trước, người Việt cổ đã từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Tới 4000 năm TCN, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu, vượt Hoàng Hà vào chiếm đất Việt, dựng vương triều Hoàng Đế. Trong vương quốc Hoàng Đế, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ bú sữa mẹ Việt, học tiếng nói Việt. Do ngôn ngữ Mông Cổ nghèo nên tiếng Việt thành chủ thể của tiếng nói vương triều. Cùng với thời gian, người Hoa Hạ thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, đã áp đặt dân chúng nói theo cách nói Mông Cổ (Mongol parlance: tính từ đứng trước danh từ, hay như ta vẫn gọi là cách nói ngược.) Trên thực tế, ngôn ngữ của dân cư vương triều Hoàng Đế là tiếng Việt được nói theo văn phạm Mông Cổ. Sau này, nhà Tần, nhà Hán mở rộng lãnh thổ, ngôn ngữ tại các vùng bị kiêm tính cũng chuyển hóa theo cách tương tự. Do người Việt sống trên địa bàn rộng với thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, nên ngôn ngữ bị phân ly thành nhiều phương ngữ. Trong đó, tiếng nói vùng Quảng Đông (Việt Đông), Phúc Kiến (Mân Việt) là chuẩn mực nên được gọi là Nhã ngữ với ý nghĩa ngôn ngữ thanh nhã. Đời nhà Chu, rồi nhà Hán, triều đình khuyến khích nói theo Nhã ngữ.

Vấn đề khác cũng cần minh định là ảnh hưởng của chữ viết tới sự hình thành ngôn ngữ phương Đông. Chữ tượng hình được phát hiện sớm nhất ở văn hóa Giả Hồ 9000 năm rồi ở văn hóa Bán Pha tỉnh Sơn Tây 6000 năm trước. Khảo cổ học cũng cho thấy, khoảng 4000-6000 năm cách nay, chữ tượng hình được khắc trên xẻng đá ở di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây. Chữ Lạc Việt sau đó được đưa lên đồng bằng Trong Nguồn, bây giờ là Trung Nguyên, vốn là một trung tâm lớn của người Dương Việt, để khắc lên xương thú và yếm rùa, về sau được gọi là văn Giáp cốt.

Chữ viết trên yếm rùa và xương thú là chữ đơn lập, không thể ghép vần. Tiếng Việt cổ vốn đa âm nên muốn được ký âm buộc phải đơn âm hóa. Do đó, tại trung tâm đầu não của người Việt, ít nhất là từ Quý Châu Quảng Tây tới Hà Nam, tiếng nói chuyển dần thành đơn âm. Một vấn đề khác nảy sinh: tiếng nói thì nhiều nhưng số chữ chế ra có hạn nên chỉ có những tiếng tiêu biểu mới được ký tự. Do vậy, chữ tượng hình tập hợp được những tiếng nói tiêu biểu nhất của người Việt. Đây là quá trình độc lập, diễn ra trong cộng đồng Việt mà người Hoa Hạ từ thời Hoàng Đế tới giữa đời Thương không biết. Khi vua Bàn Canh chiếm đất Hà Nam, lập nhà Ân (1384 TCN), mới biết chữ Giáp cốt của người Dương Việt. Với nhà nước được tổ chức tốt, Bàn Canh đã tiếp thu và cải tiến chữ của người Việt để ghi việc bói toán, cúng tế cùng địa lý, lịch sử (5). Trong triều đình nhà Ân, những “họa sư”- người vẽ chữ, “bốc sư”- thày bói, người Việt, được “lưu dụng” làm công việc này. Thay nhà Thương, nhà Chu chuyển sang viết chữ trên thẻ tre, trên lụa, cũng sử dụng nhiều ông thầy người Việt. Nhà Tần vốn là bộ lạc người Việt, khi dựng nước đã thể chế chữ Giáp cốt thành chữ Triện tồn tại tới nay. Như vây, có thể nói, không chỉ sáng tạo ra chữ Giáp cốt mà người Việt còn tích cực góp phần cải tiến, hoàn thiện chữ viết. Do đó quá trình đơn âm hóa tiếng nói được đẩy mạnh.

Sau đời Hán, Trung Quốc loạn lạc, nhiều triệu người thiểu số phía Tây thâm nhập, khiến cho tiếng nói bị pha tạp, theo hướng tăng cường giọng điệu du mục. Tiếng nói của cư dân trong vương triều thay đổi, dẫn tới việc người trong nước không hiểu được nhau. Để khắc phục, các vương triều dùng tiếng nói của kinh đô làm chuẩn mực giao tiếp của triều đình: quan thoại ra đời. Nhà Đường lấy tiếng nói của kinh đô Tràng An làm tiếng nói chính thức, được gọi là Đường âm. Đường âm là tiếng Việt được người Tràng An nói thời nhà Đường. Đấy là bộ phận tinh hoa của tiếng Việt được ký tự bằng chữ vuông. Đường âm được mang sang dạy và giao dịch ở Việt Nam. Khi giành được quyền tự chủ, nước ta thoát ách đô hộ của phương Bắc về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, văn tự tượng hình vẫn là chữ viết chính thống và Đường âm được duy trì dưới tên gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền. Trong khi đó, quan thoại của Trung Hoa biến cải theo sự thay đổi của vương triều và kinh đô. Tới giữa thế kỷ trước, tiếng Bắc Kinh là tiếng nói chính thống của Trung Hoa, chỉ được số lượng nhỏ người dùng. Nhà Mãn Thanh rồi chính quyền Quốc dân đảng không làm nổi việc thống nhất ngôn ngữ. Chỉ tới năm 1958, sau gần 20 năm nhà nước Trung Hoa nỗ lực thực hiện cuộc đồng hóa khốc liệt, tiếng Bặc Kinh mới được phủ sóng trên phần lớn lãnh thổ. Tuy nhiên, tới nay trong vùng Nam Dương Tử vẫn có khoảng 20% từ địa phương, truyền miệng trong dân gian mà không được ký tự.

Một vấn đề từ lâu được đặt ra: chữ Nho xuất hiện ở nước ta từ bao giờ? Chưa ai xác định được ! Chúng tôi không biết, hàng nghìn năm trong nước Văn Lang, vùng đất bây giờ là Việt Nam, chỉ cách Cảm Tang, Quý Châu khoảng 150 km, có sử dụng chữ tượng hình? Nhưng biết chắc, bộ lạc Thủy, di duệ của người Lạc Việt ở Quảng Tây, từ thời Tần Hán trốn vào rừng, bị thiểu số hóa, vẫn giữ được sách cổ ghi bằng chữ Thủy, tương tự Giáp cốt văn của tổ tiên Bách Việt, gọi là Thủy thư (5). Nay được coi là văn tự hóa thạch sống, một bảo vật văn hóa nhân loại. Một điều chắc chắn khác là, muộn nhất, chữ Nho có mặt ở nước ta thời Triệu Vũ Đế. Việc khám phá lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu với rất nhiều di vật khắc chữ Nho chứng tỏ điều này. Chắc chắn rằng, trong 100 năm xây dựng và bảo vệ Nam Việt,  nhà Triệu đã dùng chữ Nho trong hành chính, luật pháp và dạy học. Vì vậy, khi sang nước ta, Mã Viện phát hiện “Luật Giao Chỉ có tới 10 điều khác luật nhà Hán”(6). Có phần chắc là luật Việt được viết bằng chữ Nho. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, muộn nhất, tiếng Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ, được đơn âm hóa từ thời nhà Triệu. Và cùng với việc phổ biến chữ Nho, tiếng Kinh ngày càng trở nên đơn âm.

Một câu hỏi: khi sang nước ta, người của Triệu Đà rồi quan quân nhà Hán nói tiếng gi? Sử ký viết, “Đà giết trưởng lại người Tần rồi đưa người của mình lên thay.” Triệu là một tiểu quốc của người Việt, nên Triệu Đà và tâm phúc của ông là người Việt (7). Xuống Giang Nam, người của ông gặp tiếng Việt Quảng Đông, Mân Việt, thứ tiếng Việt thanh nhã chuẩn mực. Thời Hán cũng tương tự, vì ngoài một số không nhiều quan cao cấp người phương Bắc thì tới nước ta phần lớn là người Giang Nam. Họ là người Việt, cho dù có nói ngược theo cách nói Hoa Hạ thì vẫn là tiếng Việt. Vì lẽ đó, rất có thể hai bên gần như hiểu được nhau. Vì vậy, việc học chữ Nho khá dễ dàng.

Về sau, qua mỗi thời đại, tiếng của quan quân phương Bắc lại khác đi. Đến thời Đường, tiếng nói của kinh đô Tràng An được dùng làm quan thoại. Thực chất, đó là tiếng Việt ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường. Điều này cho thấy một bộ phận tiếng Việt trải qua quá trình biến đổi dài từ đa âm, không thanh điệu, tới đây đã thành đơn âm và sáu thanh. Có lẽ, tiếng nói của bộ phận cư dân mà sau này là người Kinh cũng được chuyển hóa như vậy?

Sau thời Đường, nước ta độc lập, chữ Nho trở thành quốc ngữ. Theo dòng thời cuộc, tiếng nói của người Trung Hoa thay đổi, ngày càng xa gốc Việt. Chẳng những người Việt không hiểu tiếng người phương Bắc mà người Trung Quốc cũng không còn nói được Đường âm. Di sản vô giá thơ Đường chỉ còn người Việt Nam thưởng thức trong âm điệu tuyệt vời.

Từ phân tích trên chứng tỏ rằng, tiếng Việt không những không vay mượn mà trái lại, còn là gốc gác, là mẹ đẻ của ngôn ngữ Trung Hoa. Cái mà nay người ta quen gọi là “từ Hán Việt” là sự lầm lẫn lớn bởi chưa hiểu cội nguồn sinh học cũng như văn hóa dân tộc, trong đó có quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết.

II. Vai trò của lớp từ Việt cổ trong văn hóa dân tộc

Như đã nói ở trên, tiếng thì nhiều nhưng chữ làm ra quá ít nên tổ tiên ta bắt buộc phải chọn thật kỹ những tiếng cần ký tự. Đó là những tiếng có nội dung sâu sắc, hàm chứa ý nghĩa uyên thâm, mà sau này được gọi là ngôn ngữ hàn lâm. Dù có áp dụng cách tạo từ đồng âm dị nghĩa thì cũng còn vô số tiếng không được ký âm vì không đủ chữ. Ở phía bắc Trung Hoa, dần dần những tiếng không được ký tự bị mai một.

Trong khi đó, ở miền nam, chúng trở thành từ địa phương, được truyền miệng trong dân gian. Ở Việt Nam tình hình tương tự. Khi làm chủ đất nước, người Việt thấy quá nhiều tiếng không có chữ, nên vào đời Trần đã mô phỏng chữ Nho để tạo ra chữ Nôm. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, chữ Nôm không được coi là văn tự chính thức. Mọi giao dịch hành chính đều phải dùng chữ Nho, nên nhiều địa danh phải chuyển sang chữ Nho, việc làm bất khả kháng ngày xưa khiến nay nhiều người bức thúc.

Một vấn đề cũng cần bàn cho ra lẽ, đó là tìm tên gọi xác đáng cho lớp từ đặc biệt này. Thoạt kỳ thủy, nó là Đường âm. Tới lúc nào đó được gọi là chữ Nho. Ở miền Nam cho tới năm 1975, gọi là cổ văn. Vào thập niên 1960, các học giả miền Bắc gọi là “từ Hán Việt”. Một thời gian dài nửa thế kỷ ta chấp nhận tên gọi đó vì tưởng rằng hợp lý. Nhưng bản thân khái niệm “từ Hán Việt” lại mâu thuẫn và vô nghĩa. Thuật ngữ này hàm ý: chữ của Hán, còn cách đọc của Việt, ghép lại thành “từ Hán Việt.” Nhưng như phát hiện của Nguyễn Tài Cẩn, cách đọc đó chính là tiếng nói ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường! Như vậy, theo cách hiểu hiện nay, cả chữ viết và cách đọc đều của người Hán, nên không thể là “từ Hán Việt!”. Nay ta thấy không thể tiếp tục dùng thuật ngữ sai lầm cũ. Nhưng dùng tên nào thích hợp hơn?

Đường âm là đúng nhưng bây giờ không thể trở lại tên gọi này vì đó là sản phẩm của một thời điểm lịch sử. Tiếng Hán không đúng vì đó không phải là tiếng nói thời nhà Hán, càng không phải tiếng nói của người Trung Hoa hôm nay. Có lẽ tên gọi chữ Nho phù hợp hơn cả, vì nó có nghĩa là chữ của nhà nho, sâu xa hơn, như phát hiện của triết gia Kim Định, là sản phẩm của văn hóa Việt nho nguồn cội. Sở dĩ gọi là “từ Hán Việt” vì người ta lầm tưởng đó là sản phẩm vừa của Hán vừa của Việt. Tuy nhiên cách hiểu như thế vừa không chính xác vừa gây phản cảm, đè nặng lên tâm trí chúng ta một cảm giác lệ thuộc bên ngoài. Thực chất, đó không phải “từ Hán Việt” mà là tiếng Việt cổ. Khác với nhiều ngữ khác, tiếng cổ là tử ngữ, thì trong ngôn ngữ Việt, tiếng Việt cổ vô cùng sống động. Lý do nó trở thành cổ ngữ là vì lịch sử dân tộc có biến động lớn, chữ Nho bị bãi bỏ để thay bằng thứ chữ viết khác. Mấy trăm năm trước, khi chuyển giao chữ La Tinh quốc ngữ cho chúng ta, một học giả phương Tây từng nói đại ý: Chúng ta trao cho người Annam một thứ chữ dễ học, giúp họ nhanh chóng bắt kịp đà văn minh. Nhưng chắc chắn nó sẽ làm cho thế hệ tương lai của họ cắt đứt với nguồn cội. Hôm nay, lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực với toàn bộ nền văn hóa Việt. Về ngôn ngữ thì đó là lớp lớp người Việt không hiểu tiếng nói của tổ tiên, như tác giả Trần Kinh Nghị than phiền. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần nhìn nhận lại gia sản quý giá này để sử dụng tốt nhất.

III. Kết luận

Hàng ngàn năm nay do ngộ nhận nên ta cho rằng, bộ phận tinh hoa, quan trọng nhất của tiếng Việt là đồ vay mượn! Sự lầm lẫn này đã tạo nên nỗi đau ngàn năm khi ta vừa căm ghét một công cụ mà trong quá khứ kẻ thù dùng để đồng hóa, nô lệ mình lại vừa không thể chối bỏ! Không thể không dùng nhưng rồi mỗi khi dùng lại day dứt nỗi niềm cay đắng mặc cảm vay mượn!

Nay chúng ta phát hiện ra sự thật: không hề có cái gọi là “Từ Hán Việt”! Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc. Vấn đề hiện nay là tuyên truyền để mọi người cùng hiểu. Công việc quan trọng khác là nghiên cứu sử dụng vốn tài sản này, làm phong phú ngôn ngữ, góp phần xây dựng văn hóa dân tộc.

Cái to nhất ngăn trở ta dám nhận lại tài sản vô giá này là thói nô lệ, thói tự kỷ ám thị nặng nề khiến ta vô thức đẩy nhiều di sản quý báu của tổ tiên cho người ngoài để rồi cúc cung làm chú học trò ngu ngơ, bị đè bẹp dưới cái bóng hoang tưởng!

Một khi nhận ra chủ quyền, ta sẽ làm gì với tài sản vô giá này?

Nhiều người đã hiểu cơ sự nên kiến nghị khôi phục việc học chữ Nho. Đấy là việc không thể không làm. Trước hết vì giá trị lớn lao của chữ Nho. Tính triết lý sâu xa, ý nghĩa thâm thúy của nó khác với bất cứ chữ viết nào, giúp người học rèn trí thông minh, luyện tư duy… Chỉ điều này mới giúp chúng ta tiếp nối với truyền thống, tránh được mối nguy mất gốc như học giả nước ngoài cảnh báo mấy trăm năm trước. Đó là việc cần chủ trương và kế hoạch lớn. Trước mắt, việc có thể làm ngay là, trong chương trình tiếng Việt phổ thông, nên bổ sung một số tiết giảng tiếng Việt cổ, nhằm giải nghĩa những từ thường dùng để học sinh hiểu và sử dụng đúng, đồng thời tập cho họ cách tra Từ điển tiếng Việt.

Chúng tôi xin mạo muội đề nghị, cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ “từ Hán Việt” khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.

*http://trankinhnghi.blogspot.com/2013/11/di-san-han-viet.html

Madrak, 1. 12. 2013



Tài liệu tham khảo: 

1. Nguyễn Tài Cẩn – Nguồn gốc và quá trình     hình thành cách đọc Hán Việt. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1979

2. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.

3. Đỗ Ngọc Thành. Nhannamphi.com

4. Hà Văn Thùy. Chữ Việt chủ thể sáng tạo chữ viết Trung Hoa  http://huc.edu.vn/chi-tiet/1868/Chu-Viet-la-chu-the-sang-tao-chu-viet-Trung-Hoa.html

5. Lịch sử hình thành chữ viết Trung Hoa  http://khoahocnet.com/2013/11/11/ha-van-thuy-lich-su-hinh-thanh-chu-viet-trung-hoa/

6. Hậu Hán thư- Mã Viện truyện

7. Hà Văn Thùy – Nỗi bất an của lịch sử http://trannhuong.com/tin-tuc-15551/noi-bat-an-cua-lich-su.vhtm


Theo Blog Huynh Ngoc Chenh

Link :  http://huynhngocchenh.blogspot.com

UN Watch phản đối Việt Nam cấm nhà báo Phạm Chí Dũng đi Genève

UN Watch phản đối Việt Nam cấm nhà báo Phạm Chí Dũng đi Genève

Thụy My -RFI

UN Watch, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Genève với nhiệm vụ giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc, ra thông cáo ngày 02/02/2014 phản đối chính quyền Việt Nam ngăn chận nhà báo Phạm Chí Dũng đi Genève tham dự hội thảo về nhân quyền với tư cách diễn giả.

Thông cáo nêu ra sự kiện, ông Phạm Chí Dũng là một nhà báo độc lập có uy tín và là người ủng hộ cho xã hội dân sự, sở hữu một hộ chiếu Việt Nam hợp lệ và đã có visa vào Thụy Sĩ, tối 1/2 đã bị công an ngăn chặn tại sân bay không cho xuất cảnh đi Genève.
Được biết nhà báo Phạm Chí Dũng là diễn giả chính trong cuộc hội thảo diễn ra bên lề cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Việt Nam, đến tham dự theo lời mời của UN Watch.
Ông Hillel Neuer, giám đốc điều hành của UN Watch tuyên bố : « Chúng tôi lo lắng trước việc chính phủ Hà Nội nỗ lực dập tắt tiếng nói của ông Phạm Chí Dũng. Việt Nam đang vi phạm một trong các nguyên tắc đã nêu ra trong tiến trình kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc, đó là đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay lên tiếng phản đối sự vi phạm thô bạo này, và bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm của Việt Nam ».
Cho dù nhà báo Phạm Chí Dũng không thể đến tham dự, các nhà tổ chức sự kiện bên lề cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát sẽ sắp xếp để thông điệp của ông được đọc lên tại cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc lần này. Theo một số nhà quan sát, đã ba năm qua UN Watch mới ra một thông cáo liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, với lời lẽ mạnh mẽ như thế. UN Watch là tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực nhân quyền và tư vấn cho Hội đồng Kinh tế Xã hội của tổ chức quốc tế này.
Thông cáo của UN Watch cũng nhắc lại, Phạm Chí Dũng là nhà báo và nhà nghiên cứu độc lập, có nhiều bài viết chất lượng đăng trên các đài phát thanh quốc tế. Ông còn là một nhà văn sung sức và cây bút bình luận chính trị sâu sắc, đồng thời là tiến sĩ kinh tế. Là đảng viên cộng sản từ 20 năm qua, Phạm Chí Dũng đã gây chấn động khi công bố bức « Tâm thư từ bỏ đảng » vào tháng 12/2013, và kêu gọi đa đảng.
Trong lá thư gởi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, UN Watch, Ban tổ chức hội thảo và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là những cơ quan đã đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ cho chuyến đi, nhà báo Phạm Chí Dũng khẳng định với tư cách công dân, ông không vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào và cũng chưa từng được cơ quan an ninh thông báo về việc ông không được xuất cảnh.
Lá thư viết, tuy việc xuất ngoại của cá nhân ông là nhỏ bé, nhưng sự kiện này lại được lồng trong khung cảnh quyền con người ở Việt Nam vẫn còn thụt lùi sâu sắc, bất chấp nhiều hứa hẹn sẽ cải thiện. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng nhiều công dân Việt Nam như ông đang khắc khoải mong đợi những tác động đủ mạnh từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là kỳ UPR sắp tới, hầu phần nào cải thiện não trạng cũng như cách hành xử của Nhà nước và các cơ quan an ninh Việt Nam.

Source : RFI