5/2/14

BBC - TRỰC TIẾP Nhân quyền Việt Nam: 'Nói và làm'

TRỰC TIẾPNhân quyền Việt Nam: 'Nói và làm'


    1. Trong lời kết, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc gửi lời cảm ơn những lời khen về thành tựu của Việt Nam trong 4 năm qua và nói ông "lấy làm tiếc" vì nhiều ý kiến ngày hôm nay là những "ý kiến chủ quan", dựa trên những nhận định sai lệch, thiếu thông tin về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


  1. Việt Nam nói sẽ làm tốt hơn để quảng bá và bảo vệ quyền con người, trong đó có các động tác như xem xét về lĩnh vực tra tấn và chăm sóc người khuyết tật trong năm 2014, của người tị nạn, những người không tổ quốc và quyền của các lao động di cư cùng gia đình.
    Việt Nam sẽ xem lại hệ thống pháp luật và phối hợp với các tổ chức nước ngoài để làm việc với các nhóm đối tượng cụ thể.
    Quốc gia này cũng cam kết sẽ cho các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền vào Việt Nam, nhưng riêng các báo cáo viên đặc biệt về lĩnh vực tra tấn,... sẽ được mời vào thời điểm thích hợp.
    Ngày mai, 06/02 văn bản trả lời chính thức của Việt Nam sẽ được công bố.
  2. Văn bản Đối thoại Nhân quyền Anh - Việt tháng 12/2013: "Bộ trưởng Công an Việt Nam, Trần Đại Quang tuyên bố hồi tháng 11/2013 trước Quốc hội rằng có bảy tù nhân đã bị tử hình kể từ khi án tử hình được khôi phục từ 6/8/2013/ Ông cũng đề nghị áp dụng trở lại việc thi hành án tử hình bằng xử bắn, bên cạnh tử hình bằng tiêm thuốc độc, cho đến hết năm 2015. Phó Đại sứ Anh đã nêu quan ngại của chúng tôi với ông Mai Phan Dũng, Vụ phó Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện đang có các tin tức chưa được kiểm chứng về một vụ tử hình kéo dài ba tiếng đồng hồ ở Đà Nẵng. Nếu điều này đúng thì sẽ là một vụ vi phạm tiêu chuẩn quốc tế về tù nhân."
  3. Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân.
    "Trước đây không có được nói và quốc tế cũng không hiểu gì, và đây là nơi để nói và người ta còn có sự kiểm định bằng các đoàn phi chính phủ đến để nói trước các cơ quan nhân quyền quốc tế, thì tôi thấy đấy là một sự tiến bộ," chuyên gia về luật nhân quyền và luật hiến pháp nói với BBC hôm 05/2/2014.
    "Về vấn đề quyền con người, cần khẳng định rằng càng ngày, nhận thức của người dân, trong nhận thức của học giả, trong cán bộ chính quyền, kể cả Đảng, nhà nước, cũng như nhân dân càng ngày càng thấy thể hiện rõ, trước hết về mặt nhận thức.
    "Và người ta cảm nhận thấy trước hết là quyền của con người là gì, và về phía chính quyền, phía nhà nước cũng đã thúc đẩy quyền con người trong hiến pháp mới. Trước hết về mặt nhận thức, chúng tôi thấy đã có sự động chạm đến vấn đề này, không như trước đây, trước đây nói đến nhân quyền, không ai dám nói cả."
    Theo Giáo sư Dung, có hai vấn đề cần lưu ý hiện nay đối với Việt Nam nói chung và chính quyền nói riêng trong việc đưa các nhận thức, cam kết về vấn đề nhân quyền vào thực thi trên thực tế.
    Ông nói: "Có hai vấn đề tôi thấy cần phải làm, cái thứ nhất là người dân, cũng như mỗi con người, phải nhận biết được mình có quyền gì, và về phía nhà nước cũng thế, cũng phải nhận thức được người dân họ có những quyền gì, ở bên cạnh đó, nhà nước phải có trách nhiệm gì."
    Về vai trò của một số phong trào xã hội dân sự và công dân của Việt Nam ở trong nước gần đây liên quan tới vận động cho cải tổ dân chủ, xã hội và nhân quyền, nhà nghiên cứu bình luận:
    "Đúng là những tháng gần đây, những năm gần đây, vấn đề các hiệp hội xã hội dân sự cũng như những hoạt động của những tổ chức này ít nhiều cũng có tác dụng, người ta cũng nhận thấy quyền của các tổ chức này và phía nhà nước cũng đã ít nhiều, đỡ hơn trước đây, khi có những cản trở những tổ chức này hoạt động."
  4. Về vấn đề ứng xử giữa hai bên là chính quyền Việt Nam và các lực lượng người Việt Nam trong và ngoài nước đấu tranh và yêu sách về đẩy mạnh dân chủ, tự do, chia sẻ quyền lực và cải thiện nhân quyền, nên ra sao, hôm 05/2/2014, ông Phạm Khắc Lãm(nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Người VN ở Nước ngoài, cựu Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) nêu quan điểm:
    “Giải pháp thứ nhất là hai bên nhân nhượng nhau để đạt đến một sự đồng thuận. Có thể sự đồng thuận đó có khó khăn nhưng tôi tin rằng nếu có sự thiện chí của các bên thì chắc chắn một sự đồng thuận là có thể kiếm được.”
    Tuy nhiên, ông Lãm vẫn có vẻ muốn giới hạn vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ở năng lực nhận thức, khả năng tiếp thu ở mức độ “cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành”.
    Ông nóI:
    “Quyền con người là đích cao cả toàn nhân loại phải vươn tới, bất cứ chế độ chính trị nào cũng phải đảm bảo quyền con người. Hoàn cảnh mỗi nước một khác, trình độ đạt được cũng có thể chênh lệch, so le, nhưng tôi nghĩ đó là mục tiêu chung của tất cả.
    "Quyền con người ở Việt Nam trước kia không có, kể cả quyền ăn cho no, mặc cho đủ ấm, thế thì nói đến quyền con người ở Việt Nam, trước hết phải nói đến những chuyện đó. Chuyện làm sao nước nhà được độc lập, cơm no, áo ấm cho mọi người.
    “Còn có những nước khác họ có những mục tiêu do tình hình khác, mục tiêu có phần khác. Còn mục tiêu của chúng ta (Việt Nam), trước mắt quyền con người có lẽ là quyền của người dân Việt Nam được sống tự do, độc lập, ăn đủ no, mặc đủ ấm, được học hành.
    "Còn những nước có trình độ cao hơn, họ đòi hỏi, họ có thể có điều kiện để vươn tới quyền con người trừu tượng hơn mà không phải là vật chất cụ thể, bao gồm cả về mặt tư tưởng, về mặt này, mặt khác. Tôi nghĩ ai cũng mong muốn có quyền con người cả, nhưng hoàn cảnh lịch sử mỗi nước, mỗi dân tộc phải bằng lòng với cái mình đạt được để vươn tới cái mà mình chưa có.”
  5. Đại diện Ủy ban Dân tộc Việt Nam tại Geneva nói hàng năm Nhà nước chi 8 triệu đô la để duy trì 19 tờ báo, tạp chí cho các dân tộc thiểu số. Có 2000 câu lạc bộ để phổ biến pháp luật tại các vùng dân tộc thiểu số...Hơn 4 năm qua, quyền của các dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo.
    Đại diện Ban Tôn giáo CP nói tới nay đã có 38 tổ chức tôn giáo được công nhận, hàng nghìn cơ sở thờ tự, tôn giáo, nhân dân được tự do hoạt động từ thiện phù hợ́p quy định của pháp luật...(webtv.un.org)
  6. Bà đại diện Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam đọc giấy bằng tiếng Việt đáp lại câu hỏi từ một nước nhưng nói sai tên nhiều nước: Xi-zi (Syria), Slôvazia (Slovakia) và đọc vấp nhiều chỗ (webtv.un.org)
  7. Đại diện đoàn Pháp nói hai nước đã có quan hệ chính trị và kinh tế nhiều năm, Pháp cũng đã nhiều lần đặt vấn đề tra tấn và hình phạt tử hình đối với phía Việt Nam từ trước đây.
    Ông cũng nói Nghị định 72, điều 79 và điều 88 trong luậ Hình sự Việt Nam giới hạn tự do của con người trong quyền biểu hiện, quyền internet, và các quyền khác.
    Pháp cũng mong muốn Việt Nam xem xét và xóa bỏ các hình thức tra tấn, và hình phạt tử hình.
  8. Australia hoan nghênh tiến bộ ở Việt Nam so với lần kiểm điểm trước nhưng rất lo ngại về chuyện ngăn cấm mạng Internet và dùng Luật Hình sự để ngăn chặn các ý kiến khác biệt.
  9. Đại diện của Trung Quốc chúc mừng các kết quả Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền.
    Chẳng hạn như Việt Nam đã thúc đẩy bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo, và Trung Quốc bày tỏ ủng hộ sự lựa chọn độc lập của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.
  10. Cộng tác viên BBC Hương Vũ tường thuật từ bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva:
    "Có khoảng hơn 200 người tụ tập biểu tình phản đối Việt Nam, mọi người đều rất hăng hái, có cả những cụ già hơn 80 tuổi.
    Thế nhưng thời tiết không thuận lợi, trời rất lạnh và mưa tầm tã khiến cuộc biểu tình phải rút ngắn lại và kết thúc lúc khoảng hơn 3 giờ chiều dù dự định ban đầu là tới 4h30.
    Một số người ăn mì sống chống đói do không có điều kiện nấu ăn.
    Người biểu tình hô nhiều khẩu hiệu khác nhau như 'Nhân quyền cho Việt Nam', 'Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam' hay 'Đả đảo Đảng Cộng Sản'.
    Các ca khúc của cố nhạc sỹ Việt Dzũng cũng được những người biểu tình đồng thanh hát.
    Trước đoàn Việt Nam, đoàn biểu tình Khmer tụ tập từ bảy giờ sáng để phản đối Việt Nam với những biểu ngữ cáo buộc Việt Nam cướp đất, giết người Khmer.
  11. Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt: Ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam (đứng bên phải) cảm ơn Trưởng phái đoàn đại diện của Campuchia ở Liên Hiệp Quốc vì đã đổi lịch làm UPR để các quan chức Việt Nam có thể "đón Tết".
    Đáng ra Việt Nam có phiên UPR hôm 28/1 và hôm nay là ngày của Campuchia. Trưởng đại diện của Campuchia, Đại sứ Samol Ney nói với BBC Tiếng Việt nước ông nhận được hơn 250 khuyến cáo của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc và hy vọng sẽ thực hiện được tất cả các khuyến cáo này.
  12. Đại diện Bộ Công An Việt Nam (ngoài cùng bên trái hàng đầu) trả lời về việc giam giữ tội phạm an ninh quốc gia:
    Cơ sở pháp lý của việc bắt giữ các tội phạm an ninh quốc gia nằm trong các điều luật của Bộ luật Hình sự, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như các điều 19, 22 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
    Việt Nam tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp. VN khuyến khích người dân tham gia góp ý, phê phán, phản biện các chính sách quốc gia.
    Việt Nam áp dụng các giới hạn để đảm bảo trật tự an toàn an ninh xã hội, phù hợp với điều 29 ICCPR.
    Chính phủ Việt Nam đảm bảo các điều kiện sinh sống của phạm nhân. Phạm nhân được quyền nhận thư từ, thức ăn từ người thân, được nhắn tin gửi thư cho gia đình.
  13. Đại diện Afghanistan ghi nhận tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền và khuyến nghị Việt Nam tăng cường giáo dục song ngữ.
  14. Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam (ngồi giữa, hàng đầu).
    Việt Nam không có kiểm duyệt báo chí xuất bản, không kiểm duyệt internet, Việt nam Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tuy nhiên hạn chế quyền tự do ngôn luận theo qui định của luật Việt Nam như việc cấm kích động hằn thù tôn giáo, kích động bạo lực chống nhà nước...
    Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận, không có qui định nào hạn chế người sử dụng phổ biến thông tin.
  15. Phát biểu 65 giây của Đại diện đoàn Hoa Kỳ:
    Nội dung chính là Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và có tiến bộ về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới và cho phép đăng ký nhiều nhà thờ hơn.
    "Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và giam giữ những người thực thi các quyền phổ quát và tự do như tự do ngôn luận và hội họp. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn tiếp diễn.
    "Chúng tôi lo ngại về các hạn chế đối với việc thành lập công đoàn độc lập, việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính quyền sử dụng lao động bắt buộc.
    "Chúng tôi cũng thất vọng vì Việt Nam đã ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào tiến trình UPR nói chung.
    "Chúng tôi khuyến cáo Việt Nam:
    1. Xem xét lại luật an ninh quốc gia đang được dùng để trấn áp các quyền phổ quát và thả không điều kiện tất cả các tù nhân chính trị như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, các ông Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức.
    2. Bảo vệ các quyền của người công nhân đã được quốc tế công nhận và thực thi luật cấm cưỡng bức lao động; và
    3. Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn."
  16. Giáo sư Tương Lai nói ông vẫn ủng hộ thông điệp đầu năm với nội dung cổ súy cho dân chủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, dù cho rằng "thủ tướng chưa có đủ điều kiện" để thực hiện lời hứa của mình.
    Bình luận với BBC về việc một tháng sau khi phát biểu của ông Dũng được đưa ra, các tù nhân lương tâm vẫn chưa được trả tự do và một số nhà hoạt động bị ngăn chặn xuất cảnh trước thềm cuộc Kiểm điểm Nhân quyền định kỳ (UPR) cho Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, ông Tương Lai nói:
    "Không thể căn cứ vào một vài sự kiện để mà bác bỏ một xu hướng".
    "Tôi không ngả về một ông A ông B nào hết. Khi tôi hoan nghênh thông điệp của thủ tướng, chính là hoan nghênh tư tưởng khẳng định rằng muốn tạo một động lực cho sự phát triển bền vừng thì phải thay đổi thể chế và phát huy dân chủ."
    "Tôi tin rằng đó là một tuyên bố chắt lọc, còn làm được hay không, thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Không phải là ông thủ tướng muốn làm là làm được ngay."
    "Có những lực lượng đối chọi với ông ấy. Nếu để ông ấy làm thì uy tín ông ấy lên cao quá, hạ thấp người khác, thì cũng rất nguy hiểm".
    "Tôi chỉ đáng buồn là ông thủ tướng chưa đủ điều kiện hoặc chưa tìm mọi cách để thực thi những điều mà xã hội trông đợi".
  17. Bồ Đào Nha cũng khuyến nghị Việt Nam lập ra một cơ quan bảo vệ nhân quyền độc lập căn cứ vào các nguyên tắc Paris và đảm bảo không xảy ra các vụ 'bị bắt đi mất tích' (forced disappearance),
    Hàn Quốc khuyến nghị Việt Nam bảo vệ tự do, nhân quyền theo những công ước đã ký kết.
    Moldova nói thừa nhận các nỗ lực của Việt Nam từ lần trước, bảo vệ trẻ em, chống nạn buôn trẻ em và khai thác tình dục, nhưng muốn Việt Nam bảo vệ hơn trẻ em không bị lao động cưỡng bức và bị khai thác tình dục.
    Hungary hoan nghênh phái đoàn Việt Nam và thừa nhận các tiến bộ nhưng Hungary bày tỏ lo ngại về nạn kiểm duyệt mạng ở Việt Nam và mong Việt Nam có cơ chế thực hiện các cam kết không trừng trị những tiếng nói về tự do.
  18. Đại biểu Ba Lan khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng thông qua Công ước chống tra tấn và lập ra cơ chế bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực.
  19. Đại biểu Thái Lan khuyến nghị Việt Nam lập một cơ quan độc lập về nhân quyền.

  20. Đại biểu Pakistan: "Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam đảm bảo tự do ngôn luận."
  21. Sau phát biểu của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Đại biểu Na Uy nói: "Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam đảm bảo có cơ chế pháp luật để truyền thông được độc lập và tự do..."
  22. Trả lời báo Điện tử ĐCSVN không lâu trước phát biểu tại Geneva, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói: "Chúng ta sẽ tham gia tích cực tại Hội đồng Nhân quyền LHQ và Ủy ban Nhân quyền ASEAN; bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ II của LHQ; chủ động thúc đẩy và tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực nhân quyền, qua đó giảm thiểu và vô hiệu hóa việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá ta."
  23. Ông Ngọc (đứng thứ hai từ phải sang)
    Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: (tiếng Anh) "Việc thực thi pháp luật không phải lúc nào cũng tốt...Việt Nam tiếp tục cải cách để cắt giảm tệ quan liêu, tham nhũng và cải thiện việc bảo vệ nhân quyền."
  24. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc đọc bài diễn văn bằng tiếng Anh nói rằng:
    "Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tự do và các quyền con người, vốn là nguyên tắc chủ đạo cho mọi chính sách và chiến lược cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia."
  25. Ông Nam Lộc từ California, Hoa Kỳ: Lần biểu tình này quan trọng hơn nhiều lần biểu tình khác bởi vì chúng tôi muốn nói lên tiếng nói cho những người tranh đấu ở trong nước hiểu rằng người Việt từ khắp năm châu đều hỗ trợ cuộc tranh đấu đó của quí vị và họ không có cô đơn, và đồng thời chúng ta cần phải nói lên tiếng nói cho những người không nói được ở trong nước.
  26. Ông Đoàn Văn Bất và bà Đào Đông Nghi
    Hai vợ chồng người gốc Việt, ông Đoàn Văn Bất và bà Đào Đông Nghi từ Đức cũng bay sang Geneva để tham dự biểu tình.
    Ông Bất nói ông muốn có mặt trong đoàn biểu tình hôm nay để nói lên tiếng nói của những người ở Việt Nam không được nói, nhằm đóng góp một phần nhỏ cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
    Đoàn từ Đức sang Geneva lần này có một xe bus chở ba mươi người, cùng vợ chồng ông và một người nữa đi máy bay. Ông nói ông được biết còn một số người nữa từ Đức đi nhưng không đăng ký đi cùng nhóm của ông.
  27. Phóng viên Nguyễn Hùng của Ban Việt ngữ BBC tường thuật các diễn biến mới nhất. Trong bài viết " Vận động giờ chót trước UPR Việt Nam", Nguyễn Hùng nhận xét:
    Và nếu tự do mà các nhà hoạt động muốn to như cái chiếu trong khi họ cho rằng Hà Nội chỉ muốn cho người dân tự do bằng cái chén thì những lời qua tiếng lại sẽ không bao giờ chấm dứt.
  28. Ông Leon Saltiel, Phó Giám đốc tổ chức UN Watch nói vào tháng Ba sẽ cùng các tổ chức phi chính phủ gửi đơn kháng nghị tới tất cả các tổ chức Nhân quyền để từ chối Việt Nam và các quốc gia tương tự như Việt Nam không tôn trọng, thậm chí vi phạm các tiêu chuẩn cao nhất về nhân quyền.
    "Chúng tôi rất quan ngại khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền. Hồi tháng 11 chúng tôi tổ chức một sự kiện lớn ở New York kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc không bầu Việt Nam vì quốc gia này không thực hiện đủ các tiêu chí theo quy định.
    Theo Giải pháp 6251 của Hội đồng Nhân quyền, quốc gia được bầu phải duy trì được tiêu chuẩn cao nhất về nhân quyền.
    Chúng tôi tin rằng sau những gì đã được nghe trong sự kiện hôm nay [04/02], Việt Nam không có được điều đó, và thực ra thất bại trong các lĩnh vực tối quan trọng như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do của luật sư, thậm chí là cả tra tấn, giam giữ..."
  29. Thân mẫu của luật sư Lê Quốc Quân nói bà mong Việt Nam sớm có thay đổi để con trai bà không còn phải ở tù và bà sẽ được đoàn tụ với tất cả tám người con của mình trong những ngày Tết chứ không phải đi vận động nhân quyền xa nhà như dịp Tết Giáp Ngọ này.
    Bà Nguyễn Thị Trâm nói “Tôi mong rằng trong năm mới sẽ có những thay đổi cho hết cái chế độ đi, thay đổi cho tự do, cho hết nhà tù chính trị, để cho đất nước Việt Nam được đổi mới, gia đình tôi, cho con tôi đỡ khổ đi và đất nước được lớn mạnh.
  30. Trích Bản tài liệu tổng kết của các tổ chức PEN International, English PEN, Article 19 và Access về cam kết nhân quyền của Việt Nam kể từ năm 2009:
    Trong giai đoạn 2009, Việt Nam đã chấp nhận 94 khuyến nghị của Working Group. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã không thực hiện được nhiều điều trong khuyến nghị và tiếp tục đối mặt với các chỉ trích từ quốc tế cho các hành động của mình ở lĩnh vực liên quan tới tôn trọng và bảo vệ quyền tự do biểu đạt.
    ...Thay vì tiến bộ, tình hình nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục đi xuống từ năm 2009, và chúng tôi đặc biệt lo ngại về quyền tự do biểu đạt, đàn áp tiếp diễn, bắt bớ cá cây viết, nhà báo, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động.
  31. Báo Quân đội Nhân dân 02/02/2014: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về quan hệ giữa Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam rằng "Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Chỉ có làm được như vậy, thì Đảng ta mới thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
  32. Nhân quyền Mỹ - Việt: Hồi tháng 7/2013, Tổng thống Barack Obama nói sau cuộc gặp với Chủ tịch VN, Trương Tấn Sang: "Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp."
    Ông Obama cũng nói với báo giới tại Phòng Bầu dục với Chủ tịch Sang đứng bên cạnh, "Chúng tôi đã có cuộc hội đàm rất thẳng thắn về cả những tiến bộ mà Việt Nam đang thực hiện và những thách thức còn tồn tại", theo AFP.
  33. Bà Libby Liu, giám đốc đài Á châu Tự do
    Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hùng (BBC tiếng Việt) ở Geneva, Giám đốc Đài Á châu Tự do (RFA) bà Libby Liu nói:
    "Những tuyên ngôn trên mạng là một nguồn rất lớn để chính phủ Việt Nam bắt giữ, bỏ tù và trừng phạt nhiều người.
    Họ vẫn đang theo dõi, kiểm soát và thậm chí cả trả thù những người lên tiếng trên mạng. Chúng ta cũng thấy được ảnh hưởng của cộng đồng mạng internet đối với những kêu gọi biểu tình trong đời thực.
    Rất đáng tiếc là nhiều lần chính phủ Việt Nam đã theo dõi và ngăn chặn mọi người.
    Chúng tôi biết rằng một trong những người đáng ra hôm nay tham gia làm chứng đã bị chặn lại ở biên giới và không thể tới dự sự kiện hôm nay.
    Đây là những chiến lược mà chính phủ dùng để kìm nén tự do ngôn luận dù là với tư cách cá nhân hay trên mạng.
    Họ coi các hoạt động trên mạng là nghiêm trọng vì có mối nguy hiểm thực sự thành hình từ bên ngoài Việt Nam."
  34. Đại diện một tổ chức nhân quyền cho rằng Việt Nam chỉ chấp nhận khuyến nghị về nhân quyền thôi là chưa đủ.
    Cô Judy Taing, phụ trách về Á Châu thuộc tổ chức Article 19 với chi nhánh ở New York, trả lời BBC tại Geneva vào hôm 04/02/2014, một ngày trước ngày Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
    "Cái chính là trong bốn năm tới họ [Việt Nam] cần đưa ra các chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng để làm sao những đề nghị đó được thực hiện tới cùng bằng các biện pháp ý nghĩa, theo tiêu chuẩn quốc tế," cô Judy Taing trả lời khi được hỏi về ý kiến của ông Phạm Bình Minh rằng Việt Nam đã "làm tốt" trong vấn đề nhân quyền.
    Cô cũng nhấn mạnh rằng các kêu gọi tăng cường nhân quyền đối với Việt Nam không phải do "không thích Việt Nam", mà mong Việt Nam "đứng lên bắt đầu giải quyết mọi việc".
    Judy Taing cũng nói với BBC hôm 4/2 rằng "tiêu chuẩn về nhân quyền là như nhau trên cả thế giới".
  35. Luật sư đấu tranh dân chủ Lê Công Định: Sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cho thấy không thành trì nào không thể sụp đổ trước lòng căm phẫn của người dân. Cái chết của nhà độc tài Gaddafi ở Libya là tấm gương lớn cho những ai cùng chung ảo tưởng với ông. Trước khi bị sát hại, ông vẫn tin và tuyên bố không ngượng rằng chế độ của ông là do lịch sử và nhân dân Libya lựa chọn. Song lịch sử và nhân dân đã chọn một cách khác cho ông mà chúng ta đều đã chứng kiến.
    Việt Nam cũng đã thay đổi. Thời “sự im lặng của bầy cừu” không còn nữa. Trước đây, đôi lúc tôi cảm thấy cô đơn khi lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội của đất nước. Bây giờ, xung quanh nhiều người can đảm và mạnh mẽ hơn tôi nhiều, nhất là giới trẻ. Công nghệ thông tin, mặt khác, đã tạo nên chuyển biến lớn trong nhận thức chung của xã hội ngày nay. Nhãn quan của người dân không bị che phủ bởi bức màn sắt nữa. Sự đoàn kết và khích lệ lẫn nhau ngày càng gia tăng.
    Tuy nhiên, tôi thật sự quan ngại về tình hình kinh tế, cả vĩ mô lẫn vi mô. Đời sống của các gia đình có thu nhập thấp sẽ ra sao trong cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu này? Tôi cảm thấy đau xót.
    Cuộc phỏng vấn đầu Xuân ông dành cho BBC nhân dịp tròn một năm sau ngày được thả khỏi tù nhưng vẫn bị quản chế (06/2/2013).
  36. Ông Trần Văn Tích, một người trong ban tổ chức biểu tình cho nhóm hàng chục người từ Đức sang Thụy Sỹ nói với BBC về các mục đích của đoàn:
    Chúng tôi tổ chức biểu tình là trước hết là để biểu dương lực lượng để cho chính quyền cộng sản tham gia phiên hôm nay thấy rõ khí thế chống cộng.
    Mục đích thứ hai là chúng tôi muốn hướng về quốc nội. Chúng tôi đang được hưởng tự do nhưng đồng bào trong nước thiếu tất cả nên chúng tối hướng về đồng bào, những người đang ở trong nhà tù lớn.
    Mục đích thứ ba là chúng tôi muốn nói với quốc tế là tập đoàn cộng sản đang ngự trị trên đất nước chúng ta gây ra biết bao nhiêu đau thương. Vì vậy tập thể cộng đồng tị nạn, cộng đồng lưu vong luôn luôn hướng về quốc nội và sẵn sàng tiếp tay đấu tranh với quốc nội để mong một ngày đất nước được tự do dân chủ. Chúng tôi mang truyền đơn bằng Anh, Pháp và Đức để phát cho quan khách, du khách có mặt tại địa điểm biểu tình.
    Ông Tích cũng nói với BBC rằng số lượng người biểu tình từ Đức sang không được nhiều do điều ông mô tả là phía Việt Nam dùng thủ thuật đổi ngày UPR với Campuchia. Theo ông Tích đáng ra đã có UPR từ hôm 28/01/2014 nhưng việc Việt Nam đổi ngày khiến một số nhóm biểu tình bị động và phải hủy chuyến đi do đã mua vé trước.
  37. Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, nói với BBC ông cho rằng những tiêu chuẩn về nhân quyền của Việt Nam và quốc tế sẽ "dần đạt được tính đồng thuận và hài hòa".
    "Rõ ràng là những tổ chức nhân quyền thế giới thì họ có những tiêu chuẩn nhân quyền nhất định".
    "Nhưng năm ngoái thì Việt Nam đã được bầu vào hội đồng nhân quyền, thì rõ ràng là chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định".
    "Tuy nhiên rõ ràng là tính đồng thuận về nhân quyền thì có nhiều cái còn chưa đạt được."
    "Hiện nay về vấn đề quyền con người, nhà nước Việt Nam đã và đang xem xét những gì đảm bảo tính khách quan, rõ ràng theo quy định chung của quốc tế và thích hợp với điều kiện của Việt Nam".
    "Rõ ràng là không thể áp đặt quyền con người của một dân tộc khác mà áp đặt vào Việt Nam được, nó có những đặc thù riêng của nó".
  38. Bình luận về nhận định của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng "vẫn luôn luôn có những thế lực tìm cách để chỉ trích" Việt Nam về quyền con người "vì những mục tiêu khác nhau", giáo sư Tương Lai nói:
    "Đứng về ngôn từ ngoại giao thì tôi cho rằng ông Ngoại trưởng Phạm Bình Minh không thể nói khác. Nếu muốn giữ nguyên vị trí hiện nay thì phải nói theo xu hướng chung của đường lối đang được vận hành hiện nay".
    "Phải đặt mình vào trong vị thế của ông ấy."
    "Vấn đề cần lên án, không phải là một ông A, ông B, ông C, mà là lên án chung một đường lối."
    Trong khi đó trả lời RFA, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùngbình luận về thông điệp của Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh:
    "Với cá nhân anh Phạm Bình Minh Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao thì tôi rất kính trọng và khâm phục. Tuy nhiên phát biểu của anh ấy vừa rồi thì tôi thấy là các anh ấy dù đã đứng trong vị trí Phó thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao nhưng vai trò của anh ấy cũng chỉ thực thi cái chỉ đạo của Bộ chính trị, do đó bài phát biểu của anh ấy thì bản thân tôi tôi thấy là không khéo léo.
    "Anh ấy có thể nói theo một cách khác. Nếu nói như vậy trong nội bộ đảng để khuyến khích lẫn nhau thì được chứ còn nói ra với bên ngoài thì điều đó là cái bệnh của lãnh đạo khi phải thi hành chỉ thị của đảng."
  39. Phát biểu tại Geneva, luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ quan ngại về cách áp dụng các điều luật 79 và 88 trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) và nói ông từng bị đe dọa.
  40. Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ trong nước cho rằng phiên Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ (UPR) tại Geneva không phải là cách hữu hiệu nhất để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện tình hình nhân quyền.
    "Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam", ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hôm 5/2.
    "Nhưng những áp lực đấy có thực sự hữu hiệu để khiến nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách liên quan đến nhân quyền thì tôi e rằng tính hiệu quả của nó là không nhiều."
    Ông Quang A cho rằng việc Việt Nam được bầu vào hội đồng nhân quyền với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong phiên bầu vừa qua "chứng tỏ rằng những ảnh hưởng quốc tế hoặc là bản thân những tổ chức đó cũng không thực sự được như tên gọi của nó."
    "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là người dân trong nước Việt Nam, nếu hiểu được quyền của mình, thì cứ ra sức thực thi quyền của mình ở mọi lĩnh vực."
    "Đó mới là áp lực mạnh mẽ nhất để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thừa nhận những quyền đó của người dân và từ từ không chỉ thừa nhận mà phải ghi nhân bằng pháp luật những quyền đó."

  41. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
    Tôi nghĩ rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam từ ngày Đổi Mới đến giờ đang ngày càng được cải thiện một cách rõ rệt.
    Ngày trước, không thể có chuyện chúng tôi được đấu tranh một cách thẳng thắn tại nghị trường như trong những khóa Quốc hội mà chúng tôi tham gia.
    Điều đó chứng tỏ các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhận thức được vấn đề, và cũng mong muốn có sự cải thiện về nhân quyền.
    Nhưng những bước đi về nhân quyền của Việt Nam vẫn còn chậm và chắc chắn cần có những cải cách lớn hơn nữa để đảm bảo quyền dân chủ của người dân, có như vậy đất nước mới mong tiến bộ được.
  42. Các phiên kiểm điểm UPR có hiệu quả hay không? Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang A, đây không phải phương cách hữu hiệu nhất.
  43. Cam kết chống tra tấn: "Ngày 5/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết 118/NQ-CP quyết định ủy quyền Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ký Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người," theo truyền thông Việt Nam.
  44. Thiếu tướng công an, tiến sỹ Bùi Quảng Bạ, Tổng biên tập tạp chí Nhân Quyền Việt Nam nói hồi tháng 12/2013: Nhìn lại những năm qua, trên lĩnh vực nhân quyền Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Điều này thể hiện qua việc các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa đã được phát huy; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tự này vì thế đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên cho Hội đồng nhân quyền vào tháng 11 vừa qua. Việc tham gia vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu nhân quyền đã đạt được cũng như tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế phù hợp để các quyền con người ngày càng được đảm bảo và thực hiện tốt hơn tại Việt Nam.
  45. Nhắc lại quyết định của Việt Nam muốn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ  Đài Tiếng nói Việt Nam hồi tháng 11/2013 đăng tin: "Việt Nam mong muốn tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khóa 2014 - 2016 để đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau."
  46. Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng vấn đề nhân quyền đã được nhận thức rõ hơn ở Việt Nam "tuy còn nhiều điều phải làm".
  47. Phiên Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ cho Việt Nam (UPR) diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva trong ngày 5/2 từ 20:30 tới 24:00 giờ Việt Nam.