13/2/14

PHÚT BI TRÁNG Ở PÒ HÈN, 17.2.1979


THỨ NĂM, NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 2014

PHÚT BI TRÁNG Ở 

PÒ HÈN, 17.2.1979

Ngọc Uyên
Theo Thế Giới Mới
Đồn biên phòng Pò Hèn hay còn gọi là đồn 209 thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã chứng kiến một trận chiến đấu bất khuất. Ở đó, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hầu hết những người lính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang, không lùi bước.
Bị thương ngất đi, tỉnh lại tiếp tục chiến đấu
Nếu có một câu nói nào đó thể hiện được toàn bộ tinh thần chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới những ngày chống quân Trung Quốc có lẽ câu nói của liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Hoạ là câu nói tiêu biểu nhất: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đứng ở đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xây trên nền của chính đồn công an vũ trang Pò Hèn năm 1979. Một buổi sáng mùa xuân, đứng bên đài tưởng niệm, câu nói ấy của liệt sĩ Hoạ chợt văng vẳng khiến chúng tôi không khỏi sởn da gà và cay mắt. Nghe đồng đội của anh kể lại thời khắc anh chiến đấu ngoan cường ngay cả khi đã bị thương rất nặng, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn
Ông Hoàng Như Lý, hiện sống tại thành phố Móng Cái, một trong số rất ít những người lính Pò Hèn còn sống sót sau trận chiến rạng sáng 17.2.1979, còn nhớ như in từng vị trí của đồn cũ.
Ông chỉ cho tôi đâu là khu nhà ăn nơi dính đạn pháo đầu tiên của địch, đâu là dãy nhà chỉ huy nhưng có một địa điểm ông Lý đặc biệt lưu ý và trầm ngâm hồi lâu: “Kia là đồi quế, nơi anh Họa hy sinh”.
Ngay đằng sau đài tượng niệm hiện nay là một quả đồi nho nhỏ, trông rất bình thường, không còn dấu tích gì của nơi từng diễn ra trận chiến tranh giành nhau từng tấc đất, nhưng 35 năm năm trước đó là nơi anh Họa đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu một trận bằng máu của mình.
“Tại đồi Quế, anh Họa bố trí đội hình đánh lại quân Trung Quốc khi đó đã chiếm được đồn. Phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta, quân Trung Quốc nã pháo dồn dập vào đồi Quế, đồng đội chúng tôi hy sinh rất nhiều. Anh Họa cũng bị thương, mặt và người bê bết máu. Hỏa lực của địch mạnh hơn và cứ sau mỗi loạt pháo chúng lại bắc loa yêu cầu ta ra hàng nhưng anh Họa vẫn chỉ huy bắn trả”- ông Lý nhớ lại.
Chúng buộc phải dùng bộ binh với số lượng áp đảo xông lên để đánh giáp lá cà với quân ta và chiếm được đồi Quế. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa cùng nhóm chiến sĩ của mình phải rút lui nhưng họ vẫn không đầu hàng mà lên ụ súng tổ chức lại lực lượng chiến đấu tiêu diệt 227 tên lính Trung Quốc, đến khi chiếm lại được đồi Quế.
Liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Họa
Bị thương và mất máu quá nhiều anh Họa đã hy sinh nhưng khi trút hơi thở cuối cùng anh vẫn dặn đồng đội phải giữ vững trận địa. Ông Lý ngẹn lời: “Hình ảnh anh Họa bị thương ngất đi hai, ba lần liền nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chiến đấu và chỉ huy rất dũng cảm”. Trong chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Trị, anh Họa từng bị thương nhưng khi non sông thu về một mối dù quê ở Ân Thi (Hải Hưng) anh vẫn xung phong lên làm một người lính bảo vệ biên giới.
Nữ dũng sĩ Pò Hèn
Có một bài hát viết về một người con gái cũng có mặt ở đồn Pò Hèn vào ngày 17.2 của 35 năm trước. Người con gái đó không thuộc biên chế của đồn Pò Hèn nhưng chị tình cờ có mặt ở Pò Hèn đúng ngày giặc nổ súng.
Hoàng Thị Hồng Chiêm vốn là cô nhân viên thương nghiệp của cửa hàng bách hóa Pò Hèn. Đêm trước hôm 17.2, chị Chiêm nhận lệnh của trên phải sơ tán cửa hàng vì quân Trung Quốc có thể đánh sang bất cứ lúc nào. Không ngờ ngay trong đêm sơ tán cửa hàng, chị Chiêm cùng anh Vượng, cửa hàng trưởng lại phải đối mặt với đạn pháo liên hồi.
Trong tay cô gái Hoàng Thị Hồng Chiêm khi đó chỉ có một khẩu CKC và hai quả lựu đạn nhưng người con gái quê ở Bình Ngọc dõng dạc khẳng định với anh Vượng, anh Thắng, chủ tịch xã và anh Đinh, y sĩ của xã: “Các anh cứ đi trước để em yểm trợ. Trước ở trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ em được huấn luyện để dùng súng và lựu đạn rồi”.
Và chị Chiêm đã yểm trợ để một số người trốn thoát sau đó một mình chạy về chốt chiến đấu của đồn công an vũ trang 209.
Ông Hoàng Như Lý kể lại: “Lúc ấy, chị Chiêm và anh Bùi Anh Lượng, một người lính của đồn 209 đang yêu nhau. Thời điểm Chiêm có mặt, các chiến sĩ trong đồn cũng đang chiến đấu ác liệt với quân Trung Quốc, anh em ban đầu khuyên chị lui về tuyến sau nhưng chị kiên quyết xin đồn phó Đỗ Sỹ Họa cho chị sát cánh bên bộ đội chiến đấu”.
Những người trong bức ảnh này đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc 2.1979. Tên của họ được ghi trên bia tưởng niệm ở Pò Hèn.
Được đồn phó Đỗ Sỹ Họa giao nhiệm vụ tiếp đạn và băng bó cho thương binh nhưng cứ mỗi lần lên tiếp đạn là chị lại phụ anh em chiến đấu. Đến khi địch phải dùng đến pháo 130 ly nã điên cuồng vào đồi Quế mới khiến chị Chiêm bị thương.
Khi đồn phó Họa đã hy sinh, chị Chiêm gần như là người thủ lĩnh tinh thần của bộ đội. Chị trực tiếp cầm khẩu K54 của anh Họa bắn về phía quân địch khi máu đã ướt đẫm áo. Chị dính loạt đạn trung liên và ngã xuống khi vừa tròn 25 tuổi. Ở xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, quê hương người nữ dũng sĩ anh hùng có một bức tượng Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt ở sân trường trung học mang tên chị.
Nhạc sĩ Trần Minh một lần đến Pò Hèn nghe về câu chuyện của chị đã viết ca khúc Người con gái trên đỉnh Pò Hèn với những lời ca: “Từ biên giới này tỏa tiếp lời ca thắng lợi/ Hương hồi thơm bay tỏa lan trên vách núi/ Có cánh đào tươi đẹp trời xuân mới trên đỉnh núi Pò Hèn/ Hoàng Thị Hồng Chiêm, Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy/ Đã vào trang sách, đã thành bài ca” .
Cách đây ít lâu chúng tôi đến thăm đồn Pò Hèn và có dịp “gặp” lại những người đã ngã xuống nơi đây ở gian phòng truyền thống. Ám ảnh chúng tôi không phải là khi thấy đồn biên phòng trước đây trở thành đài tưởng niệm liệt sĩ mà là bức ảnh có đầy đủ 45 liệt sĩ trong trận chiến năm ấy.
Ngọc Uyên 



Báo VN gỡ bài về chiến tranh biên giới

Báo VN gỡ bài về chiến tranh biên giới


BBC         .  Cập nhật: 02:52 GMT - thứ năm, 13 tháng 2, 2014
Bia tưởng niệm cuộc thảm sát ở Tổng Chúp, Cao Bằng, năm 1979
Báo điện tử BấmMột thế giới phải gỡ loạt bài kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi đăng tải.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành tuyên giáo bác bỏ liên quan với lý do "không biết việc này".

Loạt phóng sự này gồm ba phần có tựa đề "Biên giới, hồi ức 35 năm", "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau" và "Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ"; với nhiều phỏng vấn các nhân chứng của cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng khốc liệt.
Chiều thứ Tư 12/2, báo mạng mới thành lập của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam đăng chùm phóng sự của nhà báo Đào Tuấn về sự kiện xảy ra ngày 17/2/1979.
Cạnh đó, Một thế giới cũng đăng bài viết "Phút bi tráng ở Pò Hèn" của Ngọc Uyên, nói về cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), với quân Trung Quốc vào rạng sáng 17/2/1979, trong đó toàn bộ 45 chiến sỹ biên phòng Việt Nam đã hy sinh.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, các bài viết này đã bị gỡ bỏ và nay khi truy cập, người đọc chỉ thấy dòng chữ báo lỗi "Không tìm thấy trang".
"Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật."
Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế́ Kỷ
Việc báo điện tử Việt Nam đăng bài rồi sau đó gỡ bỏ đã nhiều lần xảy ra, thường là do có yêu cầu của cơ quan tuyên giáo.
Thế nhưng, Bấmtrả lời BBC chiều thứ Năm 13/2, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, nói ông "không biết" việc báo Một thế giới phải gỡ bài.
"Tôi nói rất thực là tôi không biết về việc này. Việc họ đưa lên hay đưa xuống thì chắc chắn là việc của họ. Còn tôi không có tác động bất cứ gì vào chuyện ấy."
Ông Kỷ cũng khẳng định: "Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật".
"Cơ quan truyền thông tự cân nhắc lấy, xem việc đó có lợi hay không, với sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, với trách nhiệm với đất nước."

Có được đưa tin?

Còn bốn ngày nữa là đúng 35 năm ngày quân đội Trung Quốc tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong chiến dịch mà lãnh đạo Trung Quốc khi đó, Đặng Tiểu Bình, gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Cho tới giờ, cuộc chiến biên giới 1979 vẫn không được ghi nhận trong sách giáo khoa lịch sử và gần như không được nhắc tới trong báo chí chính thống.
Gần tới đợt kỷ niệm, đã có nhiều đồn đoán về việc liệu các tờ báo trong nước có được đưa tin về sự kiện này hay không.
Một số nguồn khả tín trong lĩnh vực báo chí nói với BBC cả tuần trước đó, các báo lớn "đã nhận được chỉ đạo" về hạn chế tin bài.
"Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc."
GS Vũ Minh Giang, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Một nhà báo, đề nghị giấu tên, nói theo chỉ đạo, các báo bị hạn chế gần như không được đưa tin.
Một người khác thì nói các báo không bị buộc phải hoàn toàn im lặng, nhưng khi viết bài đưa tin "phải sử dụng cứ liệu cụ thể, không suy diễn".
Hôm 11/2, báo Lao Động đăng phỏng vấn với thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang, nói hội này dự tính sẽ có lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới.
GS Giang cho hay lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về chủ đề này. Ông cũng nói theo lệnh của Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN, trong quá trình biên soạn bộ lịch sử Việt Nam, cuộc chiến 1979 sẽ không bị bỏ qua.
"Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc."
Ý tưởng đưa các cuộc đụng độ với Trung Quốc vào sách giáo khoa lịch sử đã được chính Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đề cập trong buổi làm việc với các sử gia hàng đầu Việt Nam hôm 30/12/2013.
Lúc đó, trước kỳ kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, các báo trong nước đã đăng khá nhiều bài về trận đánh này của hải quân Việt Nam Cộng hòa cho đến khi đột ngột ngừng một ngày trước đó.

Source : BBC

12/2/14

Chữ tín



Chữ tín

Nguyễn Trung
theo Viet-studies
         Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam nên bắt đầu từ đi tìm chữ tín, làm tất cả mọi việc có thể để thực hiện chữ tín.
          Thiết nghĩ đây là điều quan trọng nhất, thách thức đến mức sống hay là chết, ĐCSVN lúc này nên làm, nhất là quá trình chuẩn bị đại hội XII đã bắt đầu.
          Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì những lý do sau đây:
          Một là:
          Tuy chưa dám đụng tới bản chất của sự vật, nhưng tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng không dưới một lần đã phải nói trước toàn đảng và toàn dân tệ nạn quan liêu tham nhũng và sự tha hóa về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên đã tới mức đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm cho lòng tin của nhân dân vào ĐCSVN giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó đất nước ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết vượt quá tầm năng lực của đảng. Tình trạng mất dân chủ và các thói hư tật xấu khác của tàn tích văn hóa phong kiến tiểu nông hầu như loại bỏ khả năng thay máu đổi mới đảng. Cái gọi là kiên định ý thức hệ xã hội chủ nghĩa một mặt là vũ khí bảo vệ quyền lực của đảng, nhưng đồng thời mặt khác là kẻ thù số một đối với mọi xu thế và nỗ lực trong đảng muốn đổi mới đảng[1].
Nhìn vào đời sống thực, phải nói từ gần một thập kỷ nay đất nước lâm vào một thời kỳ sa sút toàn diện và trầm trọng nhất chưa có lối thoát kể từ khi sự nghiệp độc lập – thống nhất của đất nước được hoàn thành ngày 30-04-1975. Đà phát triển năng động của đất nước bị chặn đứng; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải đối phó với những uy hiếp mới. 
Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng nói trên là: Sự tha hóa của ĐCSVN trong thời bình đã chọn việc bám giữ vai trò cầm quyền (thực ra là vai trò cai trị) của mình làm mục tiêu tối thượng, sẵn sàng dùng mọi biện pháp tệ hại có thể của quyền lực để thực hiện mục tiêu này. Lợi ích quốc gia và quyền làm chủ của nhân dân phải xếp xuống hàng thứ hai và chỉ được thực hiện khi tình thế bắt buộc và trong chừng mực bảo toàn được quyền lực của đảng.  
Nói cho rốt ráo, quyền lực của ĐCSVN hôm nay thực chất chỉ còn lại là quyền lực của những người, những nhóm nắm thực quyền trong đảng; nghĩa là chính bản thân ĐCSVN với tính cách là một tổ chức cũng bị quyền lực của những người và những nhóm có thực quyền này chi phối. Sự chi phối này thể hiện rõ nhất ở chỗ cương lĩnh, điều lệ và những nguyên tắc làm việc trong đảng thường xuyên bị vi phạm ở mọi cấp, nhất là sự vi phạm từ trên xuống; dân chủ trong đảng thực ra không tồn tại.  
Hệ quả đối với toàn đảng là kỷ cương không nghiêm, tính tiền phong chiến đấu của đảng từng bước bị loại bỏ, trên thực tế đến hôm nay đảng chỉ còn lại là một lực lượng chính trị mạnh áp đảo, đang nắm trọn trong tay vận mệnh đất nước. 
Hệ quả đối với toàn bộ đời sống đất nước là luật pháp bị chà đạp, nhiều giá trị đạo đức – xã hội bị băng hoại nghiêm trọng, có biết bao nhiêu quyết sách đúng thất bại, năng lượng phát triển của đất nước bị tiêu phí, hủy hoại.  
Hệ quả chung cuộc là để bù lại những yếu kém đang ngày càng đe dọa mình, ĐCSVN buộc phải tiếp tục “siết” hơn trong việc cầm quyền và đồng thời phải tiếp tục cho dối trá lộng hành để bảo toàn địa vị nắm quyền của đảng. Tình hình nguy hiểm đến mức độ ĐCSVN bây giờ có định làm việc gì tốt cũng khó thành công, định nói đúng nói thật điều gì dân cũng khó tin, không tin.  
Nhưng cho dù tăng “siết” và dối trá như thế, quyền lực của đảng vẫn cứ tiếp tục suy yếu. Dẫn tới đảng và dân ngày càng xa cách nhau hoặc đối nghịch nhau. Thậm chí ngay trong nội bộ đảng với nhau, chữ tín thường phải nhường bước trước sức mạnh của dối trá và quyền lực…  Chính cái vòng luẩn quẩn này đang làm mục ruỗng sức sống của ĐCSVN, khiến cho tha hóa trong đảng ngày càng ngự trị, với hệ quả cực kỳ nguy hiểm: đảng không giữ được chữ tín đối với dân, còn chữ tín trong dân dành cho đảng bị đánh cắp. Thực tế này đang làm sâu sắc thêm tình trạng đảng và dân phải đối phó lẫn nhau, và cứ thế ngày đêm gây thêm tai ương mới cho đất nước. 
          Đã đến lúc phải thừa nhận: Vì thiếu vắng chữ tín trong đời sống đất nước, chưa bao giờ ý chí của người dân và của người đảng viên ĐCSVN bị làm nhụt như hiện nay, lòng dân phân tán. Thử hỏi, đất nước như thế này làm sao đi lên được?         
Hai là: 
          Đất nước phải bước vào một cuộc chạy đua quyết liệt với nhiều thách thức mới ập đến từ mọi phía. Nhất là trong bối cảnh khu vực của chúng ta đang nóng lên những biến động bất thường – nóng bỏng nhất là cái “đường lưỡi bò”. Thế giới đang diễn ra một cuộc sắp xếp lực lượng mới… 
Ngay trước mắt, chuyển đất nước ta đi vào một thời kỳ phát triển mới như thế nào, hiện nay chưa có lời giải, chưa được chuẩn bị về rất nhiều mặt. Trong khi đó giai đoạn phát triển đầu tiên của đất nước đã kết thúc, đặt ra cho đất nước nhiều vấn đề mới và khó, thậm chí cực khó. Lực lượng nắm quyền lãnh đạo đất nước biết, hoặc không biết thấu, không biết đủ, hoặc không có khả năng biết đúng nhiều vấn đề đang đặt ra cho đất nước. Quan trọng hơn thế là lãnh đạo đang giấu dân, hoặc không để dân biết toàn bộ hiện trạng của đất nước, giấu dân cả về những thách thức mới cũng như tình trạng bất cập của đảng và của chế độ chính trị. Thất bại và việc dùng đội ngũ dư luận viên che giấu sự thật chỉ càng tăng thêm hủy hoại lòng tin của nhân dân đối với đảng. Chữ tín của đảng đối với dân đã thiếu vắng lại càng thiếu vắng.
Có thể lẩy ra một vài điểm để bàn thảo. 
Chỉ tính từ khi đổi mới, gần ba thập kỷ đã qua, nhưng đất nước còn đứng rất xa cái mốc trở thành một nước công nghiệp hóa, mặc dù mục tiêu này đã nhiều lần được các đại hội đảng điều chỉnh thấp đi (vận dụng cách nói co dãn) và kéo dài thời gian. Nghị quyết hiện hành nói năm 2020 cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng mục tiêu này có đạt được không? Nhất là chưa ai nói được đó sẽ là một Việt Nam công nghiệp như thế nào trong thị trường của thế giới toàn cầu hóa hôm nay?..  
Tính theo sức mua (PPP), GDP p.c. năm 2013 của ta bằng khoảng 1/3 của Thái Lan (3500 USD/10.000 USD). Giới chuyên môn đánh giá, cứ giữ cung cách làm ăn và chế độ quản lý đất nước như hiện nay, Việt Nam cần vài ba thập kỷ nữa mới đuổi kịp trình độ phát triển của Thái Lan bây giờ (hiện được coi là nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nghĩa là chưa phải là một nước công nghiệp). 
Không ít nhà kinh tế trong nước và trên thế giới lo lắng Việt Nam làm sao thoát được cái bẫy thu nhập trung bình thấp, bởi vì khủng hoảng kinh tế trầm trong hiện nay tuy đang có triển vọng có thể thoát đáy, song nếu giỏi cũng phải vài ba năm nữa kinh tế Việt Nam mới phục hồi – bởi vì những u bướu không ít phần ác tính của nợ nần, của những ách tắc mang tính cơ cấu trong kinh tế, của vỡ bong bóng thị trường bất động sản, của thất thoát trong các tập đoàn kinh tế quốc doanh, của rối rắm trong hệ điều hành… nan giải lắm. Sau đó có tìm được đường đi lên hay không – đó sẽ là một câu chuyện khác và còn để ngỏ. Bởi vì đến giờ này vẫn chưa có chiến lược và mục tiêu sản phẩm, chưa có quy hoạch bài binh bố trận, chưa biết lấy đâu ra nguồn lực triển khai kết cấu hạ tầng cho giai đoạn phát triển mới… Lại càng không thể có một nước công nghiệp hóa trong một thể chế chính trị có bản chất không đáp ứng được sự vận động của nó… Nghĩa là, ngay từ bây giờ đã thấy không thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020. Mà để chậm như thế một ngày, uy hiếp mọi mặt đối với đất nước sẽ lớn thêm một ngày. Song cho đến nay đảng tuyệt nhiên chưa có một lời cảnh báo nào về tình hình này để cả nước định liệu. 
Thật đáng lo là hiện nay Việt Nam chưa chuẩn bị được bao nhiêu cho thời kỳ phát triển mới. Khái niệm chung chung “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” không vạch ra được điều gì cụ thể về tư duy chiến lược. Trong khi đó mọi nguồn lực  – kể từ kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng, tiềm năng khoa học kỹ thuật và công nghệ, sự tích lũy của nội địa, chất lượng của thị trường, năng lực quản lý của nhà nước, khả năng thực thi của luật pháp, vân vân… – để đưa Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới đều vô cùng hạn hẹp, thậm chí thiếu nhiều thứ. Cho đến giờ phút này Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược dưới dạng một chương trình hành động có tính ràng buộc pháp lý (cam kết bằng luật pháp của quốc hội, của nhà nước, được cụ thể hóa bằng quy hoạch, kế hoạch…) cho mục tiêu, cho con đường, cho lộ trình các bước đi của một thời kỳ phát triển mới. Hiển nhiên trí tuệ, tầm nhìn của ý thức hệ cũng như tư tưởng nhiệm kỳ không cho phép đảng làm việc này.  
Xin lưu ý, cùng một xuất phát điểm gần giống nhau, Hàn Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa trong khoảng 3 thập kỷ (1960 – 1990), với một nguồn lực trong nước và thu hút được từ bên ngoài chỉ bằng ½ khối lượng Việt Nam có được từ đổi mới đến nay (1986 – 2014)! Trong khi đó, đến hôm nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nông nghiệp của một quốc gia công nghiệp hóa, để vừa có một nền nông nghiệp hiện đại theo đúng đòi hỏi của một nước công nghiệp, vừa có một tỷ trọng là khoảng ¼ hay 1/5 lao động xã hội làm việc trong nông nghiệp (tỷ trọng này của Hàn Quốc 1990 khoảng 12%, hiện nay khoảng 6%). Trớ trêu hơn nữa, hiện nay đang cùng một lúc xảy ra hiện tượng nông dân ta không đủ ruộng làm, nhưng diện tích nông dân trong cả nước bỏ ruộng hoang lên đến nhiều vạn hecta – chỉ vì làm nông nghiệp như hiện nay không sống được (bỏ ruộng vì biến đổi của môi trường tự nhiên không tính). Luật pháp và các chính sách hiện hành hầu như bất lực trước thực trạng này, cũng không thể hỗ trợ quá trình tích tụ ruộng đất để đi lên sản xuất lớn và hiện đại. Nông dân nhiều nơi đành tự lo, tự phá rào, luật pháp chứa chấp thêm những bất thiêng mới, kinh tế xuất hiện những rủi ro mới… 
Cho đến hôm nay và trong vòng một, hai thập kỷ tới, chưa làm sao xác định được công nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong chuỗi cung / ứng nào, chiếm lĩnh sản phẩm nào, thị phần nào trong nền kinh tế toàn cầu hóa… Chẳng lẽ vẫn cứ dệt may là chủ lực? Rồi đây sẽ vươn lên đến xuất khẩu hộ thép và sản phẩm lọc dầu được nước ngoài đưa vào sản xuất trên đất nước ta? – nghĩa là tiếp thu một nền công nghiệp bẩn, biến đất nước ta thành đất nước cho thuê đất đai và môi trường, dân ta trở thành người đi làm thuê bằng lao động cơ bắp là chủ yếu!.. Chưa nói đến, hiện nay nếu không giải quyết thành công hàng năm đưa hàng chục vạn người đi lao đông ở nước ngoài thì không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp và vấn đề xóa đói giảm nghèo. Rồi hàng vạn phụ nữ Việt Nam phải đi lấy chồng nước ngoài chỉ vì lý do kinh tế!.. Vân vân và vân vân.
Nước ta có tứ trụ của hệ thống chính trị là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Một điểm nổi bật là tất cả những vị lãnh đạo này khi đăng đàn tại các địa phương, các bộ, ngành.., đều chỉ thị và chỉ đạo công việc rất sát sao: nêu câu hỏi cho kinh tế phải nuôi con gì, trồng cây gì, đặt vấn đề phải phát triển sản phẩm gì, phải phấn đấu xây dựng nông thôn mới ra sao, phải thi đua học tập tấm gương và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải xây dựng đảng vững mạnh, phải phát huy quyền làm chủ của dân… Không thể không đặt ra nhiều câu hỏi: Nếu chỉ thị và chỉ đạo giống nhau như vậy có phải là nhiệm vụ giống nhau của cả tứ trụ không? Nếu làm một việc giống nhau như thế liệu có cần cả 4 người không? Làm việc như thế, nhiệm vụ được phân công riêng cho từng vị sẽ như thế nào? V… v… Chỉ một ví dụ nhỏ này đủ phản ảnh sự rối rắm, chồng chéo và chồng lấn lên nhau với nhiều hệ lụy rất tệ hại của hệ thống chính trị quốc gia: đảng, nhà nước (?), quốc hội và chính phủ. Hàng ngày đất nước có muôn vàn ví dụ rối rắm chồng chéo nhau như thế. Mọi đề nghị cải cách thể chế chính trị – nhất là vào dịp sửa đổi hiến pháp – để khắc phục sự rối rắm này đều bị bác bỏ – với giải thích: Đấy là cách thực hiện sự thống nhất quyền lực của hệ thống chính trị và của nhà nước dưới sư lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN. Vân vân… 
Ba là: 
Vốn quý nhất của nước ta là con người và vị trí địa kinh tế – địa chiến lược của Việt Nam. Nhiều nước mơ có được lợi thế này. Nhưng nền giáo dục và thể chế chính trị hiện hành là những nguyên nhân hàng đầu cản trở phát huy lợi thế chiến lược này, thậm chí còn gây ra nhiều hậu quả lớn cho đất nước.  
Song nguyên nhân cơ bản nhất hủy hoại lợi thế nói trên và dẫn đến sự yếu kém mọi mặt của đất nước hôm nay là sau khi hoàn thành sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước, ĐCSVN với tính cách là lực lượng lãnh đạo duy nhất, đã không đặt ra cho mình nhiệm vụ chiến lược hàng đầu là xây dựng bằng được quyền làm chủ đất nước của nhân dân trong một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ, không giúp cho nhân dân tự trau giồi và trang bị cho chính mình quyền năng thực thi quyền làm chủ đất nước của mình. Khỏi phải bàn, cổ nhân đã nói: Dân là chủ nhân mạnh, thì sẽ “thuê” được sự lãnh đạo mạnh của đảng và sự quản lý giỏi của nhà nước; và như thế đảng sẽ mạnh, nhà cũng nước cũng sẽ mạnh, đất nước sẽ hùng mạnh. Cổ nhân cũng nói tiếp: để dân là chủ không ra chủ, để tớ không ra công bộc của dân, thì đất nước lụn bại. Những điều hiển nhiên này đâu có gì xa lạ?!
 Song rõ ràng ĐCSVN kể từ 30-04-1975 cho đến hôm nay vẫn không coi thực hiện nhiệm vụ này là tiền đề đầu tiên mang tính quyết định tất cả và mãi mãi cho toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của một nước Việt Nam độc lập thống nhất.
 Không thể đổ lỗi cho nhân dân ta lạc hậu, cho hoàn cảnh quốc tế khắc nghiệt… để thanh minh, để biện hộ…
 Đúng ra phải nói: Chính vì xuất phát điểm của nước ta lạc hậu, chính vì bối cảnh quốc tế rất khắc nghiệt, nên sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc kể từ khi giành được độc lập thống nhất nhất thiết phải bắt đầu từ thực hiện bằng được nhiệm vụ chiến lược nêu trên. Bởi vì chỉ một đất nước do nhân dân thực sự làm chủ như thế mới có thể sẽ có tất cả, mới có thể thắng được tất cả mọi thách thức bất kể từ đâu tới. Lãnh đạo là thực hiện sứ mệnh tạo ra cho dân và cho đất nước một sức sống như thế của quốc gia, chứ không phải là ngồi lên dân. 
Nhưng từ sau 30-04-1975 cho đến hôm nay ĐCSVN đã và đang có sự lựa chọn khác – mặc dù đảng ghi trên lá cờ của mình: Tất cả vì đất nước, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. 
Nhìn lại, cũng phải nói: Gần 4 thập kỷ đã tiêu phí, và nguồn lực mọi mặt có thể huy động được của đất nước, của truyền thống kiên cường sáng tạo Việt Nam, của trí tuệ văn minh thế giới ngày nay, của bối cảnh toàn cầu hóa… thực ra đã hoàn toàn cho phép ĐCSVN đủ sức hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ sống còn bậc nhất này, nếu đảng coi đấy là sự lựa chọn của mình.  
Nhưng, như đã nói, ĐCSVN đã không lựa chọn như vậy, do đó đã dẫn đến thực trạng đất nước hôm nay. Chính đây là sự thất hứa nghiêm trọng nhất đối với những gì đảng đã cam kết với dân tộc, với đất nước.  
Sự thất hứa nêu trên đồng thời cũng là thất bại nghiêm trọng nhất của đảng trong toàn bộ lịch sử đấu tranh của mình kể từ khi thành lập, là thắng lợi đáng khiếp sợ nhất của tha hóa trong đảng. Sự thất hứa này còn là nhân tố hàng đầu đang hủy hoại phẩm chất và truyền thống cách mạng của đảng. Sự tha hóa này tạo ra ngay trong đảng kẻ thù không đội trời chung đang nhăm nhăm biến chất và tiêu hủy đảng.  
Bốn là: Phải bắt đầu lại từ chữ tín
Trí tuệ của văn minh nhân loại và bối cảnh thế giới toàn cầu hóa ngày nay trong thời đại tin học hoàn toàn cho phép sự khởi nghiệp của các quốc gia đi sau như nước ta thành công. 
Bí quyết thành công của quốc gia khởi nghiệp đã được trí tuệ của nhân loại đúc kết, đó là thực hiện nghiêm túc các tiêu chí:  (a)quyền sở hữu tư nhân, (b) quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ một thể chế chính trị dân chủ, (c) trí tuệ giữ vai trò ưu tiên để trở thành động lực của phát triển. Bí quyết thành công của quốc gia khởi nghiệp còn nằm trong quá trình hoàn thiện và phát triển không ngừng kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự… … Trong thế giới hôm nay, những bí quyết này chẳng còn gì là bí mật, là hoang tưởng, chẳng có gì phải mò mẫm, phải đoán già đoán non như thời đại Nguyễn Trường Tộ, mà đang là hiện thực ngoạn mục của hàng chục nước đi sau ở mọi châu lục. Cũng thực tiễn đáng học hỏi này của các nước đi sau đang khẳng định một thực tế như một nguyên lý:Những bí quyết nêu trên chỉ có thể vận dụng thành công trong một quốc gia lựa chọn con đường phát triển hòa bình của cải cách thường xuyên và triệt để, bắt đầu từ giáo dục… 
Nhưng ĐCSVN đã để mọi việc phải làm trễ mất gần 4 thập kỷ rồi, sự tha hóa đã chiếm được thế thượng phong trong đảng rồi, làm thế nào bây giờ? 
Trả lời:  Vẫn còn kịp, nếu ĐCSVN bắt đầu lại từ chữ tín. 
Trên đời này không thiếu gì một con người thất bại hay một quốc gia đổ vỡ đã lập lại cuộc đời hay khởi nghiệp lại bằng cách bắt đầu từ chữ tín. Cũng không thiếu gì kinh nghiệm sống ở khắp thế gian này: Giữ được chữ tín sẽ làm nên tất cả. 
Còn quan trọng hơn thế, nhân dân ta đủ kinh nghiệm xương máu đã trải qua, đủ hiểu biết những gì đang phải chịu đựng trong chế độ chính trị hiện tại, đồng thời cũng đủ nghị lực, bản lĩnh và sự bao dung để lựa chọn con đường cải cách hòa bình và hòa giải, không mong muốn gì hơn con đường cải cách trong hòa bình, trong hòa giải.  
Tối ưu nhất đối với đất nước trong tình hình hiện nay chính là ĐCSVN – với tính cách là lực lượng chính trị mạnh áp đảo – tự đứng lên cởi trói cho bản thân mình, và đồng thời vận động toàn dân khai phá con đường cải cách này. Có đủ căn cứ để nói: Cho đến giờ phút này, nhân dân vẫn sẽ hoan nghênh, vẫn sẽ chấp nhận sự lựa chọn này của đảng. Vâng, cho đến giờ phút này. Bởi vì đấy là con đường ngăn chặn tái diễn thảm cảnh nồi da xáo thịt, là con đường sống của cả đất nước, cả dân tộc. Có thể dám chắc nhiều đảng viên chân chính có hiểu biết thấy rõ được thực trạng của đảng và của đất nước, tán thành con đường cải cách. Nhiều người trong số họ đã công khai có những ý kiến tâm huyết và trí tuệ về giải pháp, về cách tiếp cận con đường cải cách.  
Có thể khẳng định trong nhân dân và trong đảng có đủ trí tuệ và năng lực cho một cuộc cải cách vỹ đại rất xứng đáng với tầm vóc của đất nước. Chất xám của thế giới có thể huy động được cho sự nghiệp cải cách vỹ đại này không thiếu. Cả thế giới tiến bộ chắc chắn hậu thuẫn nỗ lực này của đất nước ta. 
Để có được con đường cải cách như thế, ĐCSVN hãy bắt đầu từ thực hiện chữ tín với nhau trong đảng, và đồng thời thực hiện chữ tín của đảng đối với dân. 
Việc đảng thực hiện chữ tín của mình đối với dân hãy bắt đầu từ việc đảng thực hiện nói thật, nói đi đôi với làm, từ việc đảng để cho dân nói và chịu nghe dân nói, đồng thời thực hiện công khai minh bạch để tất cả cùng nhau xác nhận chữ tín. 
Bắt đầu các khâu chuẩn bị từ hôm nay, có còn cách nào tốt hơn để xúc tiến đại hội XII không?  
Nếu ĐCSVN không tìm cách bắt đầu lại từ chữ tín, đại hội XII chắc chắn sẽ không thể đi quá được cái vạch đã định sẵn từ các đại hội trước: Cuối cùng sẽ chỉ thực sự làm được mỗi một việc là quyết định ai ở ai đi trong “ê-kíp” lái tầu mới mà thôi, còn con tầu đảng vẫn lao tiếp trên con đường đang đi, với quy luật muôn đời là: đường nào đích nấy, nhân nào quả ấy. 
Nếu quyết không phản bội lại truyền thống cách mạng của chính mình, không phản bội lại hy sinh của dân tộc, ĐCSVN hoàn toàn có đủ điều kiện bắt đầu lại từ chữ tín./. 
Hà Nội, ngày 12-02-2014

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Trung, “Chữ tín”, bài viết cho tạp chí Văn hóa Phật giáo – TPHCM, số mùa Thu năm 2012: nguyentrung-vt.blogspot.com – nhãn AAA nhật ký.


[1] Trên thực tế từ sau 30-04-1975 (trước đó không tính), thiết nghĩ nước ta cũng không thoát khỏi hiện tượng phổ cập nhiều nơi trong lịch sử thế giới là “cách mạng thường ăn thịt những đứa con của mình”.

Nói lại về trận Hoàng Sa



Nói lại về trận Hoàng Sa

Cập nhật: 16:43 GMT - thứ tư, 12 tháng 2, 2014
Tác giả không đồng ý với bài viết của phóng viên Bill Hayton về trận Hoàng Sa

Mới đây trang web BBC đăng tải bài viết của tác giả BấmBill Hayton về trận hải chiến Hoàng Sa.
Nhận thấy đây là bài viết có nhiều chi tiết không đúng với sự thật, đồng thời nội dung lại thiếu tính cách khách quan cần thiết của một bài viết trình bày một biến cố lịch sử quan trọng, chúng tôi từ Ủy Ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa (UBHS) thấy có trách nhiệm cần nêu ra những sự kiện sau.

Đại Tá Đỗ Kiểm không phải là “người có cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ hải quân VNCH“ như bài viết nhắc đi nhắc lại. Trong Quân chủng Hải quân (HQ) VNCH lúc bấy giờ, ngoài vị Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó, còn có nhiều cấp tướng lãnh khác cao cấp hơn Đại Tá Kiểm. Riêng tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân lúc xẩy ra trận Hoàng Sa, dù Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó không hiện diện, nhưng còn có Phó Đề đốc Tham Mưu Trưởng Hải Quân, cấp bậc cao hơn Đại Tá Kiểm;Các chi tiết không đúng sự thật trong bài viết kể trên chính yếu là:
Vào buổi sáng ngày diễn ra cuộc chiến, Tư Lệnh HQ, Đề đốc Trần Văn Chơn đang trên máy bay từ Sài Gòn đến Đà Nẵng với dự tính sẽ trực tiếp theo dõi trận chiến. Rất tiếc khi ông đến nơi thì cuộc chiến đã chấm dứt. Vì vậy không có cái gọi là “Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang “ và sự kiện “ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo đó.”
Tương tự, cũng trong buổi sáng ngày diễn ra cuộc chiến, Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư Lệnh phó HQ, cũng đang trên đường bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng theo chỉ thị của Đề đốc Chơn để theo dõi các diễn biến tại chỗ.
Vì vậy các từ ngữ “biến mất”, “mất tích” trong bài viết của ông Hayton để chỉ việc không liên lạc được với các cấp chỉ huy của HQ đã tạo ra sự ngộ nhận.
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải, trú đóng tại Đà Nẵng, trực tiếp liên lạc với lực lượng các chiến hạm HQ tham chiến là người đã ra lệnh nổ súng, không phải Đại Tá Đỗ Kiểm.
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại được cho là người ra lệnh nổ súng
Trên đây chỉ là một số trong nhiều chi tiết không chính xác trong bài viết của ông Hayton. Các sai lầm này chứng tỏ tác giả đã thiếu cẩn trọng trong việc sưu khảo tài liệu. Thay vì truy tầm nhiều nguồn để tìm ra các sự kiện khách quan mà độ chính xác cao, ông Hayton đã chỉ đọc một vài tài liệu (bằng tiếng Anh) trong đó tác giả trình bày các sự kiện theo góc độ riêng tư, phiến diện, theo cảm quan và ký ức, không được đối chiếu, phối kiểm.
Cũng vì khuyết điểm quan trọng này mà tác giả bài “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974” đã đi đến kết luận “trận chiến là một thảm họa”. Ông Hayton không biết rằng mặc dù HQVNCH mất một chiến hạm và 74 quân nhân đã hy sinh nhưng chính sự hy sinh sinh mạng và hao tốn chiến cụ này đã là một chứng cớ cụ thể xác quyết quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và người Việt đã đổ máu để bảo vệ.
Đây là một bằng chứng thực tế không thể hiểu sai, bên cạnh các bằng chứng về lịch sử và địa lý, để xác nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam mà Trung Cộng đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Trong ý nghĩa đó, trận hải chiến Hoàng Sa là một chiến tích quan trọng của dân tộc Việt.
Muốn biết thêm chi tiết về trận Hải chiến Hoàng Sa, xin đọc “Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974” do Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa biên soạn và ấn hành năm 2010, sau 5 năm nghiên cứu tài liệu và thực hiện hơn 30 cuộc phỏng vấn các quân nhân Hải Quân VNCH, từ các sĩ quan chỉ huy cao cấp đến các quân nhân tham chiến trận Hoàng Sa, cùng quân nhân các quân binh chủng bạn, các chính khách VNCH đương thời và một số chuyên gia.
Bài giới thiệu tác phẩm này của tác giả Trần Bình Nam với tên “Đọc cuốn Hải Chiến Hoàng Sa” cũng đã được đăng tải trên Bấmtrang mạng của BBC.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin thông báo, để tránh tình trạng vì thiếu tài liệu bằng ngoại ngữ dẫn đến những ngộ nhận tai hại như bài viết của ông Bill Hayton, Ủy Ban đang nỗ lực dịch cuốn “Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974” ra Anh ngữ, với dự tính sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Tác giả là chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa, do các cựu quân nhân hải quân Việt Nam Cộng Hòa thành lập.

Theo BBC

Hoa đào biên viễn


12-02-2014

Hoa đào biên viễn

Bài 1: Biên giới, hồi ức 35 năm
Đào Tuấn
Theo Một thế giới 

NQL: Quê Choa đăng vội cả ba bài của Đào Tuấn đăng trên Một thế giới vì sợ chùm bài sẽ bị lột xuống. Làm báo thời lú lấp sao mà khổ thế hở trời, muốn yêu nước cũng chẳng được.


 Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.
Một số phận
Trong ngôi nhà nhỏ ở dốc cầu Nà Rụa, phường Tân An, Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng có một cành đào nhỏ trước ban thờ chồng, người 35 năm trước bất đắc dĩ trở thành “tù binh chiến tranh”.
Câu chuyện liên tục ngắt quãng khi đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn run lên bần bật trước những hồi ức từ 35 năm trước. Chiến tranh đã lấy đi của bà một đứa con. Và sau 35 năm, vết thương ấy chưa bao giờ lành khi hàng đêm, hình ảnh đứa nhỏ tím tái chết trong mưa lạnh vẫn ùa về như một nỗi kinh hoàng không bao giờ phai nhạt.
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt.
Sáng 17.2.1979, trời rất mù và lạnh. Từ thị trấn Nước Hai, bà Quỳ chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy loạn khi tiếng pháo của lính Trung Quốc “như bom Mỹ rải thảm” khắp nơi. Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, người sản phụ khốn khổ đang mang thai đến tháng thứ 9 chỉ còn biết vác bụng lặc lè để  chạy.
“Cô chạy vào núi đá Mỏ Hách. Rồi từ Mỏ Hách chạy sang Đại Tiến. Chạy ngược với tiếng pháo”. Đám người chạy loạn bị lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi, và lại tứ tán khắp nơi. “Chúng nó đông lắm cháu ơi! Đâu đâu cũng thấy lính Trung Quốc”.
Trong gần một tuần lễ trốn trên động đá, bà Quỳ đau đẻ trong cái đói, trong cái rét, trong trời mưa lạnh, trong tối tăm mò mẫm. Không một hạt gạo mang theo. Không một tấm chăn. Cả đám người đói khát, rét mướt và lo sợ đến hoảng loạn. Chỉ ngay phía dưới, lính Trung Quốc đông lúc nhúc, vây hãm khắp nơi.
Những con người khốn khổ lấy nước bằng cách hứng từ giọt gianh trong một tấm nilon rộng chừng 2 bàn tay. Ăn tất cả những gì mà ban đêm mấy người đàn ông mò mẫm được từ bờ cây, gốc sắn… ngay sát nơi lính Trung Quốc dựng trại.
Đến hôm đau đẻ, bà được đồng bào gom cho thìa đường cuối cùng, hòa với vốc nước “để có sức mà đẻ”. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hang đá nhưng 3 hôm sau thì qua đời.
Bia thảm sát tại Tổng Chúp, Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng. Bà Hậu, một người dân Tổng Chúc xưa từng cắp con chạy loạn bảo rằng: Bà không thể quên những ngày tháng 2 năm ấy 
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt. Những giọt nước mắt mờ đục lăn dài trên khuôn mặt “một ngàn nếp nhăn” tưởng chừng đã không còn có thể đau khổ được nữa: “Lúc đó cô yếu quá, bỏ mấy đồng nhờ một ông già mang cháu đi. Chắc vứt nó ở một đâu đó”.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Đêm ngày 25.2, người chồng nửa đêm đi kiếm ước uống bị sa vào tay lính Trung Quốc. Ông bị giam giữ cho đến ngày 3.6 và từ sau đó, những đồng nghiệp của ông ở Ty Thể thao Cao Bằng cho biết ông bỗng dưng có thói quen ăn cơm với nước lã.
Còn bà Quỳ, quãng thời gian trong động đá và cái chết bi thảm của đứa con đầu lòng khiến bà trở nên trầm uất suốt 3 tháng. Tuyến sữa viêm tắc khiến sau đó người phụ nữ khốn khổ phải cắt đi một bên ngực.
35 năm, bằng đấy thời gian chưa đủ để bà Quỳ quên đi hình ảnh đứa con đầu lòng chết tím tái. “Đau xót lắm cháu ơi. Cô đi cúng, Thầy bảo nó không có nhà, lang thang ở một gốc cây nào đó”…
Không chỉ Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, cả thị xã Cao Bằng lỗ chỗ tổ ong như vừa trải qua “một trận B52 mặt đất”, không còn thứ gì cao quá 1m. Bách hóa tổng hợp, một biểu tượng của Cao Bằng bị hủy hoại đến không còn một viên gạch lành.
Chị Hoài Phương, phóng viên của Đài truyền hình Cao Bằng, năm đó 9 tuổi, đến giờ vẫn không thể quên hình những xác người bị súng phun lửa đốt cháy trên mặt đất. Khắp nơi.
Ông Nguyễn Duy, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hòa An nhớ lại: Đến ngày 20.3, cả thị xã vẫn như một đụn khói lớn. Chiều 29.3. Không một chiếc xe, không một người dân đi trên đường. Kho lương thực còn cháy nghi ngút. Thị xã tan hoang khi lính Trung Quốc trước khi rút đã ốp mìn giật đổ từng cây cầu, từng cột điện. Cái gì lấy được thì lấy hết. Cái gì không lấy được thì phá hết.
Khi giặc đến nhà
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân sự chính quy lên tới 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên khắp chiều dài 1.200 km biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Cao Bằng chính là một trong những trọng điểm đánh phá của quân đoàn 41A với sự tham gia của xe tăng và pháo binh.
Theo nhận định của Xiaoming Zhang trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12.2005, cuộc tấn công của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nhanh chóng chiếm được Cao Bằng.
Nhưng hai mũi tấn công không đến được mục tiêu trong vòng 24 tiếng. Khu vực đồi núi cùng kháng cự của dân quân Việt Nam tạo ra khó khăn lớn. Việc đi chậm khiến Xu Shiyou, lãnh đạo cánh quân Quảng Tây, phải hoãn cuộc tấn công vào Cao Bằng, mặc dù phó tướng Wu Zhong đã đến sát thành phố này ở mạn phía đông và nam.
Trong một bài phát biểu được nhà nghiên cứu Dương Danh Hy dịch ra tiếng Việt ít năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã xác nhận đó là cuộc chiến "giết gà đã phải dùng dao mổ trâu". Cụ thể “vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một”.
Vì sao ở Cao Bằng, chiến tranh lại đồng nghĩa với tàn phá như vậy?
Trang mạng quân sự milchina.com của Trung Quốc 3 năm trước đã cho đăng thư của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 phần nào giải thích lý do: "Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau hai ngày đánh nhau, lính tham chiến bắt đầu chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”.


Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư tỉnh ủy rưng rưng nước mắt. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.

Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giai đoạn 1979-1992 nhớ lại: Bấy giờ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm và vấn đề người Hoa đã khá căng thẳng, nhưng không ai nghĩ là chiến tranh xảy ra. Chủ trương của ta là đưa thanh niên ra biên giới tổ chức các lâm nông trường. “TƯ xác định cũng phải đề phòng, nhưng là phòng xích mích biên giới thôi”- ông Tường nói.
Tỉnh ủy Cao Bằng bấy giờ chủ trương đưa một số bộ đội về một số xã để củng cố đội ngũ cán bộ. Quân đội không có ở Cao Bằng. Lực lượng công an vũ trang chỉ có ở cấp tỉnh chứ cấp huyện là không có người. Cả thị xã bấy giờ chỉ có 1 một trung đoàn bộ đội địa phương (E567), nhưng cũng chủ yếu là  làm kinh tế. Đến đội ngũ dân quân tự vệ, “có thì có đấy, căng thì căng như thế nhưng đã được phát súng đâu”. Thậm chí khi chiến tranh đã nổ ra, có thêm một sư đoàn được thành lập, nhưng lúc đó cũng chưa có quân”.
Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng, thời điểm 1979 đeo quân hàm trung sĩ, tiểu đoàn 40 Bộ đội địa phương còn nhớ như in là khi xe tăng Trung Quốc vượt cầu Sông Hiến vào đến tận dốc Nà Toòng, đại đội 3 phòng không của trung đoàn 567 phải thay đạn, chúc nòng pháo 37 ly xuống để bắn xe tăng bằng đạn xuyên.
Chính ông Hùng là một trong những người đầu tiên chạy bộ đạp lá sa mộc đến bên xác xe tăng còn nghi ngút khói.
“Chúng tôi chỉ có 3 khẩu súng AK để bảo vệ trận địa”, ông Hùng nói, “về sau, khi lính Trung Quốc lên quá đông, đơn vị đã phải tháo súng (pháo) để rút”.
Theo Xiaoming Zhang, đến ngày 23.2, Trung Quốc mới chiếm được Cao Bằng sau khi nhận ra nơi này chỉ có một số lượng nhỏ quân Việt Nam cố thủ. Nhưng sự chậm chân khi chiếm Cao Bằng đã ngáng trở kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh việc tác chiến nhanh và quyết liệt.
Cao Bằng có gì để chống lại 6 sư đoàn chính quy với xe tăng và pháo binh yểm trợ?
“Dân Cao Bằng sẵn biết Trung Quốc rồi. Ở đâu cũng đánh, gặp đâu cũng đánh, ai cũng đánh. Một, hai người cũng đánh. Chặn khắp nơi”- ông Vương Dương Tường nói.
Ở Hòa An, dù lúc đó mất hoàn toàn liên lạc, một nhóm cựu binh vẫn tự tập hợp nhau lại lập chốt đánh địch. Nhặt được cái gì thì đánh được bằng cái đó. Ở Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng đều có những chốt đánh địch như vậy.
Người Cao Bằng sau phút bất ngờ đã chủ động trở lại. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư già rưng rưng. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.
Tháng 2 năm nay, trên nền bách hóa tổng hợp bị đánh sập năm xưa, một siêu thị mới đã được dựng lên, cho dù người Cao Bằng vẫn gọi đó là Tổng Hợp Đổ.
Còn người nữ cựu binh Nguyễn Thị Quỳ, đến giữa câu chuyện, bỗng bất ngờ hỏi lại chúng tôi: “Sao các cháu không hỏi vì sao tháng 2 năm ấy cô không đi tìm một cây súng? Và rồi, bà quả quyết tự trả lời: “Năm xưa, cô phải chạy giặc vì lúc đó đang mang bầu, không muốn ảnh hưởng đến anh em đồng chí. Còn nếu bây giờ giặc đến nhà, cô sẽ tìm một khẩu súng. Nếu cô già yếu không đánh được, những đứa con của cô sẽ cầm súng".
Con gái bà, một cô gái niềng răng sinh năm 1988 sau đó nói sẽ đưa chúng tôi vào Tổng Chúp, dù ở Cao Bằng, không còn nhiều người biết đến những gì xảy ra tại Tổng Chúp 35 năm trước, dù theo lời cô bé: "nơi đó giờ đã hoang vắng lắm rồi anh ạ”.
Bài 2:  "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau"
Đào Tuấn
Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên Bí thư tỉnh Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979.



Trận tập kích bất ngờ
 
Ở Bát Xát, Lào Cai, khi pháo Trung Quốc bắt đầu bắn sang từ phía bên kia biên giới, ông Nguyễn Văn Tuyến, đại đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305 (Đoàn 5) đang ở Bản Vược, ngay trong tầm súng trường lính Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn pha trà uống. Chiến sự vẫn liên miên từ trước đó, đêm nào cũng có tiếng súng, cho nên không ai ngờ Trung Quốc đánh lớn”- ông nói.
Chỉ trước khi cuộc tấn công diễn ra 48 tiếng, cả dân lẫn lính Trung Quốc vẫn “sang bên này xem chiếu bóng bình thường".
Ông Tuyến từng là lính trong chiến tranh với Mỹ, sau chiến tranh làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, nhớ lại: "Khi pháo Trung Quốc chuyển làn, ông mới giật mình hô anh em vì cảm giác rằng bộ binh Trung Quốc sẽ sang. Mấy người hoảng hốt chạy ra đến đến ngã ba Bản Vược thì khắp nơi đã tràn ngập màu áo lính đang vận động từ phía trong ra điểm chốt của công an vũ trang. Chúng tôi tưởng bộ đội mình đã lên ngay thành thử súng cầm trong tay mà không bắn”. 
Từ trong hậu phương, lính Trung Quốc tiến đánh từ phía sau đồn công an vũ trang và chốt tự vệ địa phương. Hỏa lực từ bên kia biên giới bắn sang như mưa rào. Đơn vị ông Tuyến cơ động ra đến chốt Cây 2 thì bị một khẩu đại liên chặn lại. Bấy giờ, anh em vẫn có người giơ súng, giơ cờ vẫy ra hiệu vì vẫn tưởng bộ đội mình bắn nhầm.
Chỉ một lát sau đó, từ khu vực bản Xèo, lính công binh Trung Quốc lao cầu phao và sau đó xe tăng Trung Quốc tiến sang. “Họ đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Cây cầu phao thả ra trôi theo dòng nước là áp khít sang bờ bên này”, lời ông Tuyến.
Tự vệ bản Xèo hy sinh vô số kể. “Chúng tôi chỉ được trang bị trung liên và súng K63. Không có vũ khí chống tăng”- ông Tuyến nói.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bát Xát thời điểm tháng 2.1979 đang là lính sư đoàn 316, một trong hai sư đoàn chủ lực duy nhất hiện diện ở biên giới phía Bắc.
Sáng đó, đang ở Than Uyên, đơn vị ông có lệnh báo động. Ai cũng tưởng chỉ báo động hành quân dã ngoại, thành thử “có người chỉ mang theo một quả đạn, có người trút lại tượng gạo, và có người, chỉ mang độc một bộ quần áo trên người”.
Đơn vị ông Trường hành quân lên đến Sapa thì những người lính mới biết chiến tranh đã xảy ra, và sau đó chạm địch ngay tại đèo Ô Quy Hồ. 218 đồng đội của ông đã hy sinh trong trận đánh đó.
Bát Xát là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với những địa danh anh hùng và đau thương: A Mú Sung, Y tý.
Những người lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17 tháng 2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.


Một góc pháo đài Đồng Đăng
 
Cú đánh trộm của "người anh em"
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng nhớ lại, trưa ngày 17, khi một người dân chạy đến đơn vị báo tin xe tăng Trung Quốc đã vào đến Nước Hai, Hòa An, thủ trưởng của ông còn lệnh cho lính "trói nó lại” vì cho rằng người này phao tin đồn nhảm.
Vì sao quân dân ta lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công toàn tuyến với quy mô 32 sư đoàn?
Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường, nhớ lại ở Cao Bằng hôm ấy, quân khu còn đưa các chỉ huy quân sự tỉnh về họp. Không ai biết Trung Quốc đánh mình. Ngay cả khi tiếng súng đã nổ vang từ hướng Hà Quảng, Thông Nông, trưởng ty Thủy lợi băn khoăn nói tiếng súng nhiều lắm, không biết súng ta hay súng địch. Một lãnh đạo Cao Bằng khi đó nói anh em cứ yên trí. Đó là súng mình.


Ông Tường thừa nhận: "Cơ bản nhất là bấy giờ không ai tin anh em đồng chí lại đánh nhau", ông Tường nói.
Cao Bằng bấy giờ vừa tách tỉnh. Đến 1 giờ đêm, pháo Trung Quốc bắn phá dồn dập. Sáng ngày 17.2, lính Trung Quốc đã đến chân đèo Minh Tâm. 2 tiếng sau, xe tăng chúng đã vào đến Cao Bình, rồi vào đến Nà Tàu. Pháo binh Trung Quốc dồn dập nã xuống Nà Tản.
Ngày 18.2, lính Trung Quốc đã vào đến Hòa An, Cao Bình. Đến ngày 19, khắp nơi đã bị đốt phá giết chóc.
“Ai cũng nghĩ là chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi, ai nghĩ là sẽ đánh nhau” - ông Tường nói, và theo ông, 35 năm sau vẫn chưa hiểu nguyên nhân câu chuyện đã xảy ra.
Cho đến năm 1992, khi các cơ quan của Bát Xát, Lào Cai từ Mường Vi trở lại Bản Xèo thì “vẫn chỉ có cỏ may và đất đỏ”.
Chúng tôi trở lại Đồng Đăng, Lạng Sơn vào đúng ngày lễ Đền Mẫu, lễ lớn nhất Lạng Sơn, nằm ngay dưới chân pháo đài Đồng Đăng.
Từ 35 năm nay, mỗi dịp tháng hai, đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đến đây thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội của mình.
Ông Điện được phong Anh hùng lực lượng vũ trang sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, và sau 35 năm, ông vẫn nhớ như in những cái tên Trần Văn Thái, Vi Văn Cao, những người đồng đội trong tổ tam tam và bữa cháo cơm nếp cuối cùng đêm 16.12.
Bài 3: Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ
Đào Tuấn
Từ 35 năm nay, vào dịp tháng 2 mỗi năm, Đại tá Triệu Quang Điện, trưởng Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn đều đến đền Mẫu để thắp hương cho đồng đội của mình.

35 năm, thời gian chưa đủ để ông quên đi bữa cháo nếp cuối cùng. 35 năm, ông vẫn nhớ như in hình ảnh của những người đồng đội trong tổ tam tam: Những Trần Văn Thái. Những Vi Văn Cao.

Pháo đài Đồng Đăng và pháo hoa Trung Quốc

Năm đó, binh nhì Triệu Quang Điện vừa cưới vợ được 4 tháng, cũng vừa qua khóa huấn luyện 4 tháng ở Đông Khê, trở lại Lạng Sơn vào đúng buổi chiều ngày 16, khi phía Trung Quốc cho người đuổi trâu dò phá những bãi mìn biên giới.

5h sáng, khi pháo bắn cấp tập vào Đồng Đăng, ông cùng hai người đồng đội trong tổ thậm chí còn chưa kịp ăn nồi cháo gạo nếp đã đặt trên bếp để vội vã xách súng lên chốt ngay tại khu vực Đền Mẫu, pháo đài Đồng Đăng.

Tới 7h, sương còn chưa tan thì lính Trung Quốc đã kéo sang khắp nơi. Ba người kê súng bắn. Ông Điện, giữ súng trung liên bắn suốt 1 giờ đồng hồ.

“Hồi huấn luyện, tôi bắn bia được 3 điểm 9 - ông Điện nhớ lại - nhưng hôm đó, lính Trung Quốc lên quá đông, có lẽ là không cần bắn giỏi cũng có thể trúng”. Riêng tại chốt Đền Mẫu, binh nhì  Điện đã tiêu diệt tới 30 lính Trung Quốc.

Lính Trung Quốc cứ theo tiếng kèn lớp lớp xông lên. Bị hắt ngược trở lại, rồi lại xông lên.

Trong một thời khắc, khi ông vừa nhảy xuống hào thay đạn thì chỉ nghe “bầm”. Ngoảnh lại, nơi 2 người đồng đội nằm chỉ còn lại một hố pháo đen xì. Không còn chút vết tích.

Tới 10h, xe tăng Trung Quốc đã tràn ngập khắp nơi. Pháo binh Trung Quốc nã đạn vào pháo đài trong suốt nửa ngày 18.

Bấy giờ trong hang Đền Mẫu, ngay phía dưới chốt của ông Điện có tới 300 - 400 dân tới tránh pháo.
Đến tối 18, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân trong hang ra. Và chỉ trong một đêm, binh nhì Triệu Quang Điện trực tiếp đưa dân, ra ra vào vào 3 lần để cõng được ra 3 người đồng đội bị thương nặng.

Khẩu trung liên của ông giờ đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng công an nhân dân.


Bia trấn ải ở Pha Long, Mường Khương, Lào Cai
Ít năm sau đó, khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một buổi lễ, ông thậm chí không trả lời được vì sao chỉ trong 1 đêm, với quãng đường 17km, một người chỉ nặng chưa tới 49kg đã 3 lần bò vào cõng đồng đội bị thương ra nơi an toàn.

Chúng tôi theo lối mòn trèo lên pháo đài Đồng Đăng, nơi bị đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến biên giới.

Vào ngày 17.2.1979, 2 sư đoàn bộ binh Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt nơi này.

Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn.

Tháng 2 năm nay, pháo đài trở nên cô đơn, trơ trọi giữa sự náo nhiệt của lễ hội Đền Mẫu.

Hoặc như ở chính cái nơi mà lính Trung Quốc xả súng vào chiếc xe cứu thương 12A 04-35 của bệnh viện Lạng Sơn đi Đồng Đăng cứu nhân dân bị thương, giết chết cả người lái xe, cả BS Nguyễn Thu Thủy, y tá Trịnh Thị Sâm, giờ một con đường mới đã được mở ra dập dìu xe cộ, hàng hóa thông thương qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Ở Tổng Chúp có tấm bia ghi bại vụ thảm sát này. Tấm bia giờ vẫn còn sau 35 năm, dù chiếc giếng cạn, nơi năm xưa chứa đầy xác phụ nữ, trẻ em bị hành quyết bằng rìu bổ củi giờ đã lấp đầy cây lá.
Quá khứ không dễ quên. Nhất là khi đó là những gì đau thương nhất. Cho dù theo thời gian, những nhân chứng chiến tranh giờ đã lần lượt ra đi. Ông Hoàng A Tỉn, nhân chứng thảm sát trong sân Bách hóa tổng hợp Bát Xát đã mất 2 năm trước.

Đến Tổng Chúp, lại nghe tin ông Nông Văn Ất, nguyên trưởng trại giống Đức Chính, người đã mất vợ và 4 đứa con trong vụ thảm sát Tổng Chúp giờ cũng không còn.
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long

Nhưng cũng có những tấm bia trấn ải mới được dựng lên. Ngay bên tay phải đồn biên phòng tiền tiêu Pha Long, Mường Khương, Lào Cai, có những dòng chữ mới, được in trên bia đá:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.

Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh dịch: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.

Thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long cho biết tấm bia trấn ải vừa được dựng hồi tháng 5, đúng vào điểm đối diện đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Bên này từng hàng, từng hàng tên tuổi của 37 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám.
Năm ấy, những chiến sĩ công an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng, đã đâm gẫy đến chiếc lưỡi lê cuối cùng để bảo vệ tổ quốc.

Ngày 17.2.1979, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một người lính Pha Long đã gửi bức điện cuối cùng về hậu phương. Và cũng chỉ vài chữ, đại ý: Chúng tôi hết đạn. Xin Vĩnh biệt. 

Chợt nhớ đến những câu thơ Vương Trọng:

Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..

Năm nay, chỉ duy nhất một, trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa. 

Không xa Pha Long là điểm cao Tả Ngải Chồ, nơi một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo, anh hùng liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết đã tay bút tay súng hy sinh vào ngày 17.2.1979.

Có lẽ, chính những người lính biên phòng, chính những nhà báo liệt sĩ, chính nhân dân anh hùng, những người đã ngã xuống từ cả ngàn năm nay, những người đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc năm 1979 mới là những tấm “bia trấn ải” thiêng liêng nhất mà mỗi người làm báo chúng tôi cần phải nhắc lại để thế hệ con cháu còn có được cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi nhắc đến hai chữ “Tổ Quốc”.

Đào Tuấn

Theo Blog Que Choa