Chép lại nhật kí lính cũ đánh Tàu
Trường An Vina Nhút
Chẳng hơi đâu mà buồn. Gần thất thập rồi, còn vui được mấy nả. Nhưng cái thời phơi phới thì có cố quên cũng không thể nào quên được. Cái thời, tuổi xuân đang phơi phới thì bị ăn cướp. Ăn cướp tuổi xuân. Ai cướp? Giặc cướp! Giặc nào? Còn giặc nào nữa. Chúng mày cướp thì tao giữ. Mà tao giữ có phải cho riêng tao đâu. Ừ, thì đi đánh giặc. Giặc cứ như Phạm Nhan, cứ chặt đầu này thì nó lại mọc ra cái đầu khác.
Lại đánh. Đánh cho đến khi nó nhào thì mình cũng nhão luôn. Tưởng được trút áo lính về nhà dưỡng sức để kiếm tí vợ chứ tuổi đã băm đi băm lại mấy nhát rồi. Nhưng cái đất nước mình chi lạ rứa hè! Phía mô cũng có giặc. Lại ra trận. Lần này thì không Nam tiến hay Tây tiến nữa mà là Bắc tiến! Lần này thì lên biên giới đi đánh cái lũ giặc truyền kiếp là các đồng chí đại Hán núi liền núi sông liền sông.
Đồng chí đéo gì mà lại kéo quân sang xâm lược và giết hại dân lành của một nước láng giềng, những người đã bao năm nay đổ máu ra đánh Mỹ để cho hơn tỉ dân của các đồng chí được ngủ ngon mà thụi nhau, sát phạt nhau, tranh cướp nhau trong trong khúc ca “ tung phang hùng”! Thật xấu hổ cho một quốc gia có nhiều người gọi nhau là đồng chí nhất thế giới. Và sẽ là xấu hổ lây cho những ai gọi nhau là đồng chí mà biết thế nào là xấu hổ.
Ba giờ rưỡi sáng, chiếc xe tải Giải phóng trần truồng không mui không bạt vốn là hàng viện trợ của Tàu chở ban tham mưu trung đoàn 52 chạy gấp ra sân bay Quán Hành để đi tiền trạm cho đơn vị lên biên giới đánh Tàu. Xe chạy ì à ì ạch được một hồi, khi đến ngay trước cổng đền Cuông thì chết máy. Trong lúc cậu Trung lái xe đang mở nắp máy hí hoáy tháo bu ji ra sửa mà mặt tái xanh như đít nhái, thì các sĩ quan tham mưu lại pha trò: “ Xe anh mà hỏng bu ji / Thì đừng mó máy gì gì với em”.
Thấy vậy, Phó chính ủy Chu Văn Khại làm công tác tư tưởng bằng cách: “ Thôi, các đồng chí tranh thủ ăn cơm nắm đi!” Vừa nghe chưa dứt câu, Trưởng ban tác chiến thượng úy Hoàng Văn Đỏ quặc ngay: “ Cơm đâu mà cơm. Bo bo nấu vội chưa chín đây chứ cơm nắm đâu ra!” Mọi người lặng im, không ai thốt nên câu nào nữa. Lác đác vài người nhảy xuống xe tìm chỗ đi tiểu. Mình cũng uể oải nhảy xuống. Nhìn thấy tấm biển bê tông đóng khung sơn đỏ chữ vàng: Di tích lịch sử đã xếp hạng – Đền thờ An Dương Vương, mình vội lên tiếng cảnh báo: “ Này, mấy bố ơi, cầm vòi đi nơi khác nha, đền thiêng đấy!” Mình lần theo bậc cấp đi lên cổng đền, định bước qua tam quan vào khấn xin ngài phù hộ cho đánh thắng giặc.
Nhưng nghĩ lại, xưa ngài đã bị bố con nhà lão thông gia Triệu Đà nó đuổi cho chạy thục mạng, đến đây ngài tuốt gươm chém chết ái nữ Mỵ Châu rồi mang mối hận trầm mình xuống biển. Bây giờ mà khấn ông bại vương này thì đi trận chuyến này mình tỏi là cái chắc. Thôi thì đành mượn cổng đền của quý ngài ngả lưng cái đã chứ đêm qua thức trắng. Bụng đói lại buồn ngủ nên mình thiếp đi lúc nào không biết. ( Nếu mình là cán bộ tuyên giáo thì trong dòng nhật kí này có thể mình sẽ bịa ra là mình ngủ mơ thấy Thục Phán An Dương Vương đến trao cho bảo kiếm và bày cho mấy chiêu để đánh thắng giặc đại Hán! Nhưng may, mình không có mả theo cái nghiệp ấy! Nhưng mà mình vẫn viết:
Trước đền thờ An Dương Vương
Lối xưa lông ngỗng không rơi nữa
Đám bụi Triệu Đà khuất nẻo xa
Bia miệng thế gian ghi vạn thủa
Nhắc cái tội vua chứa rể tà )
Đến khi nắng chiếu vào chói mặt và cọng thêm cái đói nữa mình tỉnh dậy. Ngó quanh các đồng đội cũng đang lấy mũ cối che mặt nằm ngủ vật vạ trước cổng đền. Theo như điện lệnh của sư đoàn thì bọn mình phải có mặt ở sân bay Quán Hành trước 5 giờ sáng để đúng 5 giờ máy bay cất cánh. Thế mà bây giờ đã gần 9 giờ rồi mà cả bộ sậu chỉ huy và tham mưu vẫn đang nằm ngáp ngủ ngáp đói ở đây. Cậu Trung vẫn chưa sửa được cú pan hiểm hóc của cỗ xe giải phóng Tàu, mặc cho Phó chính ủy, rồi cả trợ lý tuyên huấn đã làm công tác tư tưởng rất bài bản, động viên khích lệ rất mùi nhưng cậu Trung vẫn bó tay.
Còn cái xe Tàu này, nó vốn được tạo ra nơi sản sinh ra hằng hà sa số chính trị viên, chính ủy, chủ nhiệm chính trị và hàng đống hàng kho giấy in sách in và cả phim ảnh băng đĩa những bài giảng về kĩ năng, nghệ thuật và kĩ thuật tuyên huấn. Nghe lắm, đến cái xe vô tri giác kia nó cũng nhàm ba cái trò gọi là động viên chính trị. Đã mấy lần anh em xúm nhau chổng khu mà đẩy nhưng cái xe Tàu vẫn lì lợm không chịu nổ máy. Bụng đói, mắt tóa hoa cà hoa cải, đám sĩ quan và mấy cậu vệ binh ngao ngán lắc đầu.
May sao có chiếc xe tải đi cùng chiều ghé lại rồi móc cáp kéo giúp cho một quãng thì cái xe Tàu hộc lên mấy tiếng như vãi rắm phun ra đám khói đen rồi máy nổ đều. Lúc này mọi người mới ớ ra bởi cái trớ trêu nhãn cảnh. Ấy là cái xe kéo giúp kia là xe GMC vốn là xe nhà binh của Mĩ, chắc là chiến lợi phẩm hồi 75. Thật là khôi hài, xe Mĩ kéo xe Tàu cho ta lên đường đi chống cuộc xâm lăng của các đồng chí Trung Hoa!
Ngược với mấy năm trước, các đồng chí Trung Hoa dúi AK và đong gạo cho ta đánh cái quân xâm lược mà chưa bao giờ ta mắc mưu gọi chúng là đồng chí, vì đó là giặc Mĩ. Ta chưa bao giờ mắc mưu Mĩ. Nhưng mắc mưu các đồng chí Trung Hoa thì nỏ đứa mô giám nói là không. Xe đến sân bay lại càng ngao ngán. Sân bay như một vùng hoang mạc. Từng đợt gió mùa thổi mạnh trên đường băng làm cho những ngọn cỏ vốn đã xơ xác héo khô không sức sống càng cúi rạp xuống chịu đựng đến thảm thương. Lác đác vài ba chục bước lại một đám sĩ quan và lính kẻ nằm người ngồi uể oải trên cỏ hoang, có anh ngủ vùi, có anh nằm ngửa nhìn lên bầu trời phủ dày mây xám.
Thấy các đơn vị bạn nổi lửa bắc nồi, mấy cậu vệ binh 52 cũng đi kiếm củi nấu cơm. Hỏi, gạo đâu ra mà các cậu nấu cơm? Đáp, gạo dân cho chứ đâu! Biết bọn em nhận bo bo để đi trận, các mẹ các chị bí mật trút hết bo bo của lính trong ruột tượng ra rồi thay gạo trắng vào đó. Đến khi ra xe chúng em mới biết. Bưng bát cơm nóng hổi lên, từ quan đến lính đều im lặng, một sự im lặng thành kính thiêng liêng. Bỗng trên sân bay có tiếng còi lệnh gọi tập trung. Trung tá Tiếp thay mặt phòng chính trị sư đoàn phổ biến nghị quyết đảng ủy với mấy câu khẩu hiệu ngắn gọn: quyết tâm chiến đấu giữ vững trận địa, tiêu diệt quân giặc bành trướng xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới của tổ quốc.
Tiếp đến, trung tá Tiếp thông báo tin chiến thắng, ngày hôm qua không quân ta bắn rơi và bắt sống nhiều máy bay của địch. Trong khi mình chăm chú ghi chép đầy đủ những thông tin quan trọng này thì có người hỏi, nhiều chiếc là bao nhiêu và máy bay địch là loại máy bay gì ạ? Không nghe tiếng trả lời. Mình cũng ghi vào nhật kí: không nghe tiếng trả lời. Độ khoảng 13 giờ thì nghe tiếng máy bay. Mọi người nhỏm cả dậy và hướng lên bầu trời hướng đông bắc. Tiếng máy bay rõ dần, rồi thấy cái chấm đen mốc trên trời to dần.
Thì ra con chuồn chuồn MI 8. MI 8 thì chở sao hết chừng này lính. Đếm ít cũng phải cả trăm. Cuối cùng theo lệnh của ban chỉ huy hành quân thì đoàn của E 52 mình lên máy bay đầu tiên không sót một ai, kể cả sĩ quan, lính vệ binh, y sĩ, y tá, anh nuôi với đầy đủ soong nồi xủng xoảng. Sư đoàn bộ chỉ có ban tác chiến và một số cán bộ tham mưu được lên máy bay. Còn lại hầu hết cán bộ sĩ quan sư đoàn bộ và đoàn của E 92 do E trưởng thiếu tá Phổ dẫn đầu phải ở lại đi chuyến sau.
Dù rất khẩn trương và nghiêm cẩn nhưng mình cảm thấy cái thời điểm máy bay chuẩn bị và cất cánh sao mà nó dài thế. Cứ mỗi giây, mỗi giây, nó tra tấn thần kinh và tình cảm những người con sắp rời mặt đất lên trời, rời mảnh đất quê hương thân yêu lên đường ra trận. Mình nhìn sang các đồng đội, anh nào mặt mày cũng căng thẳng và có nét thểu não. Anh nào cũng trên ba bốn chục tuổi cả rồi. Anh nào cũng xuất thân bần cố nông thành phần cơ bản cả.
Sau chiến tranh anh nào giỏi lắm thì báo hiếu cho bố mẹ được chiếc áo tấm khăn, cho vợ được cái khung xe đạp, cho con gái được con búp bê. Rồi hôm nay lại đi. Đi mà không kịp viết lấy một dòng, nhắn lấy một lời với những người thân yêu. À, mà các anh đã có vợ, có con rồi, tức là có tất cả rồi. Còn tôi, tôi đã ngoài ba mươi cái xuân thời rồi mà đã có chi mô. Nếu lúc này mà nói tếu được một câu cho đỡ phần chua chát, rằng nếu trận này tôi có chết thì đất nước tội nghiệp này sẽ bớt đi một vòng khăn tang trên đầu một chinh phụ góa chồng. Nhưng tôi vẫn còn có gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột và các cháu gọi tôi bằng bác cả.
Bố mẹ tôi sinh ra được mười người con, tôi là con trai cả. Trong chiến tranh chống Pháp, bố tôi là chiến sĩ Điện Biên, mẹ tôi không trực tiếp cầm súng nhưng cũng đã từng làm y tá cứu thương. Và trong các cuộc chiến kế tiếp, bố mẹ tôi trao cho đất nước này sáu thằng con cầm súng thì một thằng liệt sĩ, bốn thằng thương binh. Tôi ra trận cũng vì sau lưng tôi còn có cả một gia đình lớn gắn số mệnh với vận mệnh một đất nước ít được hưởng yên bình, thời mô cũng có giặc, thời mô cũng nghèo, nghèo hơn những nước ít bị có giặc. Không biết vì răng? vì mô?
Rồi cũng đến lúc cái con chuồn chuồn MI 8 dù lưu luyến lắm, bịn rịn lắm cuối cùng cũng nhấc mình rời khỏi bãi cỏ vàng úa sân bay Quán Hành. Nhưng mà sao máy bay không bay ra hướng Bắc mà nó vòng vào thành phố Vinh. Nó giảm dần độ cao. Nó bay thấp đến mức cho mình nhìn thấy rõ ga Vinh, bến xe, rồi kia rạp chiếu bóng 12/9, thấy rõ người đi đường. Có rất nhiều người chạy ra khỏi nhà nhìn lên giơ tay vẫy vẫy. Và nhà mình kia rồi, mái nhà nửa ngói cũ nửa giấy dầu, vườn rau, ao cá, cái sân nhỏ sao vắng lặng.
Bố mẹ ơi, con đây, các em ơi, anh đây, các cháu ơi, thằng Hưng, thằng Hiệp, con Thúy, con Quỳnh ơi, bác Trường đây. Bố mẹ ơi, các em các cháu ơi, con đi rồi con sẽ về. Nhớ mùa hạ năm 1972, trên đường vào Quảng Trị mình cũng được chạy ghé về nhà vài phút chỉ để chào tạm biệt căn nhà trống vắng vì bố mẹ và các em đã đi sơ tán cả rồi. Máy bay vòng qua chợ Vinh rồi tăng dần độ cao bay ra hướng bắc. À, đúng rồi, cậu phi công này chắc là quê nó cũng ở thành phố Vinh. Chắc nó quay vòng vào đây để chào tạm biệt người thân nên mình cũng may mắn hưởng ké.
Khi máy bay hạ cánh giữa đường băng bê tông, hỏi mới biết đây là sân bay Kép. Rời cái bụng của con chuồn chuồn MI 8, bọn mình phong phanh áo lính xuân – hè lảo đảo vừa dựa vào nhau vừa bước. Gió bấc rít từng hồi trên đường băng. Bỗng thượng úy Đỏ hốt hoảng vừa kêu vừa quay lại máy bay: quên, quên khẩu B40! Rất may Đỏ còn kịp lấy lại được vật bất ly thân, nhưng vội với tay cầm dốc ngược nên làm đổ hết nước điếu ra đường băng làm cho cả phi hành đoàn và mấy phi công đang trực chiến được bữa cười thoải mái.
Đã vậy, Đỏ còn tỏ vẻ không hài lòng và nói, đi máy bay này xóc và ồn bỏ mẹ. Chứ trước đây tớ bay loại kia kìa, êm ru. Thấy Đỏ chỉ cái Mic 21, biết cái thóp của Đỏ, mình hỏi ông đi cái máy bay ấy nó chở được mấy người? Đỏ đáp, hơn ba chục. Mình bắt bài ngay, bốc vừa thôi ông ơi, cái đó là MIC 21 làm sao mà chở được ba chục người. Nhờ tràng tiếng cười của chuyện tếu và nghe tiếng trọ trẹ Xứ Nghệ của bọn mình mà đám phi công quàng chăn chiên ngồi trực chiến dưới cánh máy bay MIC 21 nhận ra đồng hương và gọi, các đồng hương ơi, xách B40 lại đây cho bọn tui bắn nhờ một điếu với.
Bọn mình ùa tới vây quanh mấy chàng phi công cao to đẹp trai. Vừa phà khói thuốc, cậu phi công nói: biết các anh lên tuyến trước là bọn tui yên tâm rồi. Tuyến trước mỏng lắm. Sân này là sân tiền tiêu, cách biên giới và cách thị xã Lạng Sơn không xa đâu. Như một phản xạ, mình vội lôi ngay quyển sổ ghi những dòng ban sáng ở Quán Hành ra hỏi liền: nghe nói hôm qua không quân ta bắn rơi và bắt sống nhiều máy bay của không quân Trung Quốc, vậy… mình đang định hỏi thì cậu phi công cắt ngang liền: bốc phét, làm gì có. Thằng Tàu chưa dùng không quân. Mà không quân ta cũng chưa có xuất kích. Nếu có thì chúng tôi sẽ được quân chủng thông báo ngay. Mình nhìn sang thấy trung tá Tiếp cũng đang nhìn mình với ánh mắt thấy tội tội.
………
Những lúc buồn lại mở nhật ký lính cũ đánh Tàu ra đọc. Đọc để mà nhớ, nhớ tuổi xuân, nhớ đồng đội, nhớ những ngày đáng nhớ.
Tháng Hai năm nay im lìm như… 35 cái tháng Hai kể từ ngày lên đánh Tàu ở Khánh Khê. Ngày đó, đang đánh nhau thì nghe radio từ Hà Nội đọc ra rả suốt ngày ca ngợi chiến công của chiến sĩ Đoàn Khánh Khê Anh hùng đã dũng cảm kiên cường chặn đứng và đánh lui quân Trung quốc xâm lược trên trận tuyến biên giới Lạng Sơn. Hỏi đồng đội, Đoàn Khánh Khê Anh hùng là đoàn nào? liền bị anh em chê mình “âm lịch”.
Té ra Đoàn Khánh Khê Anh hùng chính là đơn vị mình F 337, mà E mình là E 52 – mang danh Đoàn Tây Tiến thế hệ đàn em, đàn cháu của nhà thơ lính tài hoa Quang Dũng. Bọn mình trận đầu vừa mới tử thủ ở Khánh Khê. Mấy bữa sau, nhân đi họp quân chính trên F, hỏi mấy cha tuyên huấn rằng F ta được Anh hùng sao không thấy ăn mừng khao quân cho anh em được bữa ăn tươi? Mấy cha tuyên huấn lại nói mình đúng là “âm lịch”! Người ta nói mồm chứ có ai quyết định phong anh hùng cho F 337 ta mô! Mà mồm + ( cọng) với mồm là = ( Bằng ) không!
Rứa mà đã 35 năm rồi, hơn một phần ba thế kỷ rồi! Không biết người ta đã lấy được hết tử sĩ trên bình độ 400 chưa? À, mà sư đoàn còn nợ cái vụ bia mộ chí liệt sĩ Dương Xuân Thủy hi sinh trong trận Khánh Khê hồi tháng Hai năm 1979. Sau đó mấy tháng, Viện 108 có điện về trung đoàn 52 đề nghị cử người đưa tiền ăn và tem gạo cho thương binh Dương Xuân Thủy. Lính Thông tin E52 truyền cho nhau trên điện thoại, trên bộ đàm sóng ngắn và cực ngắn từ 2 wat đến 15 wat và cả tuyền mồm nữa, tin Dương Xuân Thủy đang nằm ở viện 108. Rứa là Thủy còn sống?
Rứa thì liệt sĩ nào nằm dưới mộ có cái bia ghi tên Binh nhất Dương Xuân Thủy? Tháng 10.1981 mình rũ bụi chiến hào bình độ 400, rời quân ngũ về với đời thường. Tháng 9.2005 có dịp về Vinh, cùng mấy đồng đội cũ đến thăm Dương Xuân Thủy. Thủy ngồi xe lăn, vẫn nhận ra mình. Nhiều chuyện lính trận ôn lại, nhưng một câu hỏi mà bọn mình không nỡ nhắc lại với Thủy, vì không có ai chịu trách nhiệm trả lời: ai là người nằm dưới tấm bia mộ có ghi tên Binh nhất Dương Xuân Thủy?
Nhớ đồng đội, ngẫm thân phận mình, thế hệ mình, cái thời xuân của mình lại thương cho đất nước giống nòi mình. Một đất nước mà thời mô cũng có giặc. Giặc mô mà lắm rứa. Ngoại xâm có, nội xâm có, viễn xâm có, cận xâm có, thượng xâm có, mà hạ xâm cũng có. Kể cả tung xâm, hoành xâm. Xâm ba chiều. Giặc như vi trùng trong không khí, chỗ mô cũng có giặc.
Với cái gọi là lập trường kiên định, luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng, chống diễn biến hòa bình và luôn đề phòng các thế lực thù địch. Mình không chức không quyền, không bổng lộc, không cổ phần cổ phiếu, không tài khoản nước ngoài nước lạ, không lời không lãi, không nợ tình nợ tiền, không gây thù chuốc oán với ai, không giết người, không cướp của, không giành chức đoạt quyền, không luồn lọt, không tham nhũng, không phạm pháp, không phá hoại môi trường, không bè phái chia rẽ mất đoàn kết thì mình đéo sợ thằng đếch nào, dù nó là thứ giặc gì, giặc mang áo gì, nhãn mác gì, thậm chí cả những thằng giặc mà một thời mình đã lỡ mồm gọi nó là đồng chí!
Tháng Hai, 2014
...................................
Những lúc buồn lại mở nhật ký lính cũ đánh Tàu ra đọc. Đọc để mà nhớ, nhớ tuổi xuân, nhớ đồng đội, nhớ những ngày đáng nhớ.
Tháng Hai năm nay im lìm như… 35 cái tháng Hai kể từ ngày lên đánh Tàu ở Khánh Khê. Ngày đó, đang đánh nhau thì nghe radio từ Hà Nội đọc ra rả suốt ngày ca ngợi chiến công của chiến sĩ Đoàn Khánh Khê Anh hùng đã dũng cảm kiên cường chặn đứng và đánh lui quân Trung quốc xâm lược trên trận tuyến biên giới Lạng Sơn. Hỏi đồng đội, Đoàn Khánh Khê Anh hùng là đoàn nào? liền bị anh em chê mình “âm lịch”. Té ra Đoàn Khánh Khê Anh hùng chính là đơn vị mình F 337, mà E mình là E 52 – mang danh Đoàn Tây Tiến thế hệ đàn em, đàn cháu của nhà thơ lính tài hoa Quang Dũng. Bọn mình trận đầu vừa mới tử thủ ở Khánh Khê. Mấy bữa sau, nhân đi họp quân chính trên F, hỏi mấy cha tuyên huấn rằng f ta được Anh hùng sao không thấy ăn mừng khao quân cho anh em được bữa ăn tươi? Mấy cha tuyên huấn lại nói mình đúng là ” âm lịch”! Người ta nói mồm chứ có ai quyết định phong anh hùng cho F 337 ta mô! Mà mồm + ( cọng) với mồm là = ( Bằng ) không!
Rứa mà đã 35 năm rồi, hơn một phần ba thế kỷ rồi! Không biết người ta đã lấy được hết tử sĩ trên bình độ 400 chưa? À, mà sư đoàn còn nợ cái vụ bia mộ chí liệt sĩ Dương Xuân Thủy hi sinh trong trận Khánh Khê hồi tháng Hai năm 1979. Sau đó mấy tháng, Viện 108 có điện về trung đoàn 52 đề nghị cử người đưa tiền ăn và tem gạo cho thương binh Dương Xuân Thủy. Lính Thông tin E52 truyền cho nhau trên điện thoại, trên bộ đàm sóng ngắn và cực ngắn từ 2 wat đến 15 wat và cả tuyền mồm nữa, tin Dương Xuân Thủy đang nằm ở viện 108. Rứa là Thủy còn sống? Rứa thì liệt sĩ nào nằm dưới mộ có cái bia ghi tên Binh nhất Dương Xuân Thủy? Tháng 10.1981 mình rũ bụi chiến hào bình độ 400, rời quân ngũ về với đời thường. Tháng 9.2005 có dịp về Vinh, cùng mấy đồng đội cũ đến thăm Dương Xuân Thủy. Thủy ngồi xe lăn, vẫn nhận ra mình. Nhiều chuyện lính trận ôn lại, nhưng một câu hỏi mà bọn mình không nỡ nhắc lại, vì không có ai chịu trách nhiệm trả lời: ai là người nằm dưới tấm bia mộ có ghi tên Binh nhất Dương Xuân Thủy?
Trường An Vina Nhut
truongan48@gmail.com
Source : Blog Quê Choa