18/2/14

Trận chiến chính trong thế kỷ 21

Trận chiến chính trong thế kỷ 21



Nếu mâu thuẫn chính xuyên suốt gần như toàn bộ thế kỷ 20 vừa qua là mâu thuẫn ý thức hệ mà hình ảnh tiêu biểu nhất là cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản chủ nghĩa – đứng đầu là Mỹ - và khối xã hội chủ nghĩa – đứng đầu là Liên Xô – với hai điểm nóng bùng nổ ở Triều Tiên trong ba năm 1950-53 và ở Việt Nam trong hai mươi năm 1954-1975 thì mâu thuẫn chính trong thế kỷ 21 này là gì?

Có nhiều câu trả lời. Sớm, gây tiếng vang lớn và có nhiều ảnh hưởng nhất có lẽ là quan điểm của Samuel P. Huntington, được trình bày trong một bài giảng tại American Enterprise Institute năm 1992, sau đó, được viết lại dưới hình thức tiểu luận mang nhan đề “The clash of civilization” đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1993; và, cuối cùng, phát triển thành hẳn một cuốn sách dày cả gần 400 trang, được xuất bản lần đầu tiên năm 1996 (bản tôi đang dùng được in năm 2011).

Luận điểm chính của Huntington là: sau sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, tức là sau thời Chiến tranh lạnh, thế giới bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới với ba đặc điểm chính: Một, lần đầu tiên trong lịch sử, nền chính trị toàn cầu trở thành đa cực (multipolar) và đa văn minh (multicivilizational); hai, trong kỷ nguyên ấy, yếu tố quan trọng nhất phân biệt các dân tộc không phải là vấn đề ý thức hệ, chính trị hay kinh tế mà là văn hóa; và ba, cũng trong kỷ nguyên ấy, chính trị địa phương là chính trị của sắc tộc, chính trị mang tầm vóc toàn cầu lại là chính trị của văn minh (“In this new world, local politics is the politics of ethnicity; global politics is the politics of civilization”, tr. 28).

Tại sao? Theo Huntington, trước xu hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, khi ranh giới giữa các quốc gia càng ngày càng trở nên mờ nhạt, ý niệm bản sắc càng ngày càng trở nên bức bối. Câu hỏi chính mỗi dân tộc tự đặt ra cho mình là: Mình là ai? Trả lời câu hỏi ấy, người ta không phải chỉ cần biết mình không phải là ai mà, quan trọng hơn, cần biết mình đang chống lại ai. Việc định nghĩa dựa trên cái không và cái chống ấy hình thành nên một thứ chính trị mới, thứ chính trị không phải chỉ nhắm đến lợi ích mà còn để khẳng định bản sắc. Bản sắc ấy được cắm rễ sâu xa ở tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, giá trị và các thiết chế, Huntington gọi chung là “văn minh”.

Hệ quả là, theo Huntington, thế giới bây giờ không phải chỉ được chia thành ba khối (thế giới thứ nhất gồm các nước phát triển; thế giới thứ hai gồm các nước xã hội chủ nghĩa và thế giới thứ ba gồm các nước đang hoặc kém phát triển) mà là bảy hoặc tám nền văn minh khác nhau, bao gồm:

Thứ nhất, văn minh Trung Quốc (Sinic) với nét chủ đạo là ảnh hưởng thống trị của Nho giáo, gồm, ngoài Trung Quốc, còn có các nước: Việt Nam và Hàn Quốc (có thể kể thêm Đài Loan, nếu xem Đài Loan là một nước).

Thứ hai, văn minh Nhật Bản tuy chịu ảnh hưởng khá nhiều của Trung Hoa thời cổ đại nhưng sau, phát triển thành một nền văn minh riêng.

Thứ ba, Ấn Độ giáo chủ yếu ở Ấn Độ,Bhutan và Nepal.

Thứ tư, Hồi giáo, chủ yếu ở Trung Đông (trừ Armenia, Cyprus, Ethopia, Georgia, Israel, Malta và Nam Sudan), Bắc Phi, phía nam của Tây Phi, Albania, Bangladesh, Brunei, Comoros, Indonesia, Malaysia, Pakistan và Maldives.

Thứ năm, Chính thống giáo,bao gồm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, Yugoslavia, Bulgaria, Cyprus, Hy Lạp và Romania.

Thứ sáu, văn minh Tây phương, bao gồm Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Âu, Úc và Tân Tây Lan.

Thứ bảy, văn minh châu Mỹ La Tinh, bao gồm vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ (trừ Guyana, Suriname và French Guiana), Cuba, Cộng hòa Dominican và Mexico.

Thứ tám, có thể kể thêm văn minh châu Phi. Nói “có thể” vì nhiều học giả không công nhận châu Phi có một nền văn minh riêng. Lý do là vì châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều nền văn minh khác, ví dụ, phía Bắc của châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của Hồi giáo, phía Nam châu Phi chịu ảnh hưởng của Tây phương (hoặc từ Pháp hoặc từ Anh) với đặc trưng chính là Thiên chúa giáo.

Yếu tố đóng vai trò trung tâm của các nền văn minh kể trên là tôn giáo.

Thật ra, nhận định này cũng đã được nhiều người nêu lên. Theo Christopher Dawson, “các tôn giáo lớn là nền tảng trên đó các nền văn minh được xây dựng”. Theo Max Weber, trong năm tôn giáo có tầm vóc thế giới, trừ Phật giáo, bốn tôn giáo còn lại – Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Nho giáo đều gắn liền với các nền văn minh lớn. Tại sao Phật giáo lại không gắn liền với nền văn minh nào? Có nhiều lý do: Một, ngay từ đầu Phật giáo đã bị phân hóa thành hai, Đại Thừa và Tiểu Thừa; hai, nó không phát triển mạnh ở mảnh đất nó được khai sinh mà lại được phát triển ở những nơi khác, ví dụ, một nhánh phát triển ở Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản; một nhánh khác, phát triển ở Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia; và ba, ở mỗi nơi, Phật giáo ít nhiều đều được nội địa hóa, hòa lẫn với các tín ngưỡng khác, do đó, tuy vẫn là một tôn giáo lớn, nó lại không đóng vai trò nền tảng của một nền văn minh nào cả (tr. 47-8).

Trước đây, trong nhiều thế kỷ, kể từ khi Tây phương nổi lên như những đế quốc mang quân đi chinh phạt khắp nơi, thế giới được chia thành hai: Tây phương (West) và phi-Tây phương (non-West), trong đó, cái gọi là phi-Tây phương bao gồm sáu hoặc bảy nền văn minh còn lại. Bây giờ, các nền văn minh ấy càng lúc càng phát triển, trước, về phương diện kinh tế, sau, về phương diện chính trị, trở thành những nền văn minh độc lập, họ muốn thách thức lại Tây phương. Ngay chính cái gọi là Tây phương ấy cũng bị phân hóa với một bên là Hoa Kỳ và một bên là châu Âu. Bởi vậy, Henry Kissinger mới cho hệ thống quyền lực thế giới trong thế kỷ 21 tập trung vào sáu trung tâm: Hoa Kỳ, Âu châu, Trung Quốc, Nhật, Nga và có lẽ, Ấn Độ (tr. 28).

Quan điểm của Samuel Huntington mặc dù gặp nhiều sự phê phán, nhưng càng lúc rõ ràng là càng có ảnh hưởng. Gần đây nhất, nó được tái khẳng định bởi Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, người được xem là một nhà chiến lược sắc sảo của Tây phương.
Trong một bài báo đăng trên tờ The Observer ngày 26 tháng 1 năm 2014, Tony Blair khẳng định: không phải ý thức hệ mà chính là những sự dị biệt về tôn giáo mới là những trận chiến quyết định trong thế kỷ 21 này.

Để chứng minh, ông nêu lên một số ví dụ từ các cuộc tấn công khủng bố ở Syria, Libya, Iraq, Lebanon, Ai Cập, Yemen, Tunisia và Pakistan cũng như ở một số vùng thuộc Nigeria, Trung Phi, Nga, Trung Á, Miến Điện, Thái Lan và Philippines. Tất cả, với những phạm vi và mức độ khác nhau, gắn liền với những lý do lịch sử và chính trị khác nhau, đều có một bản chất: xuất phát từ những niềm tin mang tính tôn giáo. Nhân danh tôn giáo, người ta ném bom vào nhau. Nhân danh tôn giáo, người ta mang bom vào người để vừa tự sát vừa giết chết người khác, ngay cả những thường dân vô tội trong các khu thương mại hay các nhà thờ, kể cả trong bệnh viện và trường học. Nhân danh tôn giáo, người ta chống lại dân chủ, phần lớn là các nền dân chủ còn non trẻ, để dựng lên các chế độ toàn trị mới châu tuần chung quanh tôn giáo của chính mình. Theo Tony Blair, đó là điều các chính phủ nên nhìn nhận và tìm cách giải quyết.

Trong bài “The New Age of Nationalism”, Zachary Keck, phụ tá chủ bút của tờ The Diplomat, phản bác lại ý kiến của Tony Blair. Theo Keck, Tony Blair vấp phải một số sai lầm. Thứ nhất, ông xây dựng quan điểm của mình chung quanh các sự kiện đang diễn ra tại Trung Đông, nhưng như Hillary Clinton, nguyên Ngoại trưởng Mỹ, nhận định: “Tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq”. Thứ hai, Tony Blair không chú ý đúng mức đến vai trò của các cường quốc: Tất cả các ví dụ ông nêu lên đều giới hạn trong các nước nhỏ, ít có khả năng làm thay đổi cục diện chính trị của thế giới.

Zachary Keck quan niệm, để hình dung tình hình chính trị và chiến tranh trên thế giới ở thế kỷ này, chúng ta phải nhìn vào các cường quốc, những kẻ có thể tác động lên xu hướng vận động hay phát triển của lịch sử. Trong thế kỷ 19, vai trò đó thuộc về Anh và châu Âu. Trong thế kỷ 20, vai trò đó thuộc về Mỹ, người lãnh đạo khối Tự do trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, thời chiến tranh lạnh cũng như thời hậu-chiến tranh lạnh. Còn bây giờ, ở thế kỷ 21, vai trò ấy thuộc về vùng Thái Bình Dương, ngoài các cường quốc ở châu Á, còn có những cường quốc mới nổi như Brazil, Turkey và có thể cả Iran. Tất cả đều có một đặc điểm giống nhau: tinh thần quốc gia cực kỳ mạnh mẽ.

Zachary Keck kết luận: Thế kỷ 21 là thế kỷ của chủ nghĩa quốc gia. Chứ không phải của tôn giáo. Ngay ở những nước tôn giáo phát triển mạnh, hơn nữa lại là thứ tôn giáo khá cực đoan, như ở Trung Đông, chủ nghĩa quốc gia cũng thường là một yếu tố nổi bật nhất. Ở tận cùng của các cuộc chiến ở Trung Đông hay châu Phi là tinh thần quốc gia, nhằm tranh đấu cho quyền lợi quốc gia. Tôn giáo chỉ là một chiêu bài.

Ở trên là ba quan điểm khác nhau về các mâu thuẫn chính sẽ quy định diện mạo chính trị và chiến tranh trong thế kỷ 21: Với Samuel Huntington, đó là văn minh; với Tony Blair, đó là tôn giáo, hơn nữa, thứ tôn giáo cực đoan nhất (hàm ý chỉ Hồi giáo); và với Zachary Beck, đó là chủ nghĩa quốc gia.

Khác nhau, nhưng cả ba, cũng như hầu hết các học giả có uy tín khác trên thế giới, đều đồng ý với nhau ở một điểm: thời đại của ý thức hệ đã qua rồi.

Viết vậy, tôi biết ít nhất có một người, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ nhảy nhổm lên cãi: Không phải. Trận chiến trong thế kỷ này, và có khi, cả thế kỷ sau nữa, vẫn là trận chiến ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Ối giời!

Source Blog NHQ /VOA

Mùa xuân dệt liệm

Mùa xuân dệt liệm


Nước Đức già nua, ta dệt liệm cho mi
Dệt vào đó ba lần chửi rủa 
Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa…
(bài “Những người thợ dệt miền Xiledi”, thơ Heinrich Heine)

Áng thơ quá đỗi sầu muộn

Cái tết suy thoái liên tiếp thứ ba đã chính thức dệt liệm cho mùa xuân đất nước hình chữ S.

Bài ca “Kinh tế năm 2014 tràn đầy hy vọng” cùng điệp khúc “Kinh tế Việt Nam đang phục hồi” vẫn được phát đi bất tận trên chiếc loa phóng thanh rỉ sét toàn diện của hệ thống tuyên giáo một chiều, bất chấp hiện thực khốn quẫn còn chưa tới đáy của người nghèo.
Song tết Giáp Ngọ lại là một bằng chứng không thể chối cãi về những dấu hiệu chuyển xấu đối với nền kinh tế vốn còn hơn cả què quặt này.

Chưa bao giờ kể từ thời phi mã lạm phát “giá - lương - tiền” được kiến tạo bởi nhà thơ Tố Hữu chuyển sang làm kinh tế, chất thơ lại được lột tả sống sượng và mặc tình bởi chủ nghĩa lợi ích kẻ giàu đến thế.

Những chuyên gia giáo điều nhất của chiếc loa phóng thanh rỉ sét cũng không thể phủ nhận rằng sức mua là một trong những tiêu chí quyết định để phán quyết về một nền kinh tế phụ thuộc đến 80% vào thị trường tài chính và đầu cơ ở cấp bậc chủ nghĩa tư bản dã man.

Như một áng thơ quá đỗi sầu muộn, khoảng mười ngày trước tết nguyên đán 2014, toàn bộ thị trường bán lẻ vẫn bình chân như vại. Cán bộ quản lý của một số siêu thị lớn nhất than vãn “So với năm trước, vào thời điểm này lượng khách hàng giảm đến phân nửa”.

Với không ít siêu thị và cửa hàng tiêu dùng lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, chỉ số sức mua biểu thị cho hàm số suy giảm theo cấp số nhân. Bởi vào dịp tết năm 2014, bất chấp phong trào khuyến mại tràn xuống đường không thua kém các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, lượng tồn kho hàng đại hạ giá của các doanh nghiệp vẫn chỉ được xử lý chưa đầy 30%.

Một hiện tượng lạ lùng là mới vào ngày 28 tết Giáp Ngọ, một số ngân hàng đã đóng cửa, trong khi vào những năm 2009 -2010 chính những ngân hàng này còn mở đến sáng ngày giao thừa. Dòng người chật cứng nêm đặc trước các quầy ATM đã khó có thể hy vọng rút được tiền một cách êm thắm. Đó và đây lại rộ lên tin đồn về chuyện ngân hàng hết tiền. Những đám đông tụm lại với nhau rỉ tai về nỗi nguy biến không còn quá kín đáo từ những ngân hàng có nguy cơ vỡ nợ. Minh chứng hùng hồn nhất và gần gũi thuộc về Vietinbank - một trong số những ngân hàng lớn nhất và có mối quan hệ “bền vững” nhất với Ngân hàng nhà nước - đã vừa trải qua cơn động kinh với vụ lừa đảo đến 4.000 tỷ đồng của người phụ nữ có cái tên rất “thiền” là Huyền Như. Và nếu đến cả các nhân viên của Ngân hàng ACB còn bị mất tiền gửi tại Vietinbank, làm sao những khách hàng bình thường lại không bị đe dọa bởi vô số khuất tất chưa lộ mặt trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần thời quá dễ trở mặt và trở thành chí phèo này?

Cũng khác với tết năm ngoái, vào năm nay đã không có lấy một tín hiệu tạm gọi là khởi sắc về việc Ngân hàng nhà nước bơm tiền để kích thích sức mua cho nền kinh tế. Tất cả hầu như đều bặt tăm. Và dường như tin tức về chuyện ngân hàng cạn kiệt tiền mặt đã trở nên có xác cứ.

Nguyễn Văn Bình - người được tờ báo mạng Vnexpress bầu chọn là “Nhân vật của năm 2011”, nhưng cùng năm đó lại bị tạp chí Global Finance phân loại như “một trong 20 vị thống đốc ngân hàng tệ nhất thế giới”, đã làm nên một công cuộc điều hành tài chính - tín dụng không thể chán ngán hơn mà đang dẫn đến hiểm họa khủng hoảng tín dụng - bất động sản có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

ANZ - một trong những ngân hàng nước ngoài chịu dấu ấn “dưới ánh sáng đại hội đảng…”, giờ đây không còn quá lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế. “Sự cải thiện trong lĩnh vực ngân hàng sẽ phụ thuộc lớn vào ý chí chính trị của các cơ quan Nhà nước trong giải quyết các khoản nợ xấu”, báo cáo của ANZ đầy chất ẩn dụ.

Bản xonnê đáng nguyền rủa

Hình ảnh thủng túi ngân sách lại liên quan mật thiết với những gói kích cầu kinh tế. Khác hẳn năm 2009 khi các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản được kích động mạnh và nền kinh tế cũng ăn theo tạm phục hồi bởi gói kích cầu lên đến 8,5 tỷ UD, ít nhất trong hai năm suy thoái đặc biệt nặng nề 2012 và 2013 đã không có bất cứ gói tín dụng chữa cháy nào. Những thông tin về “gói kích cầu 200.000 tỷ đồng” theo cách mà Bộ Xây dựng - cơ quan có mối liên hệ đặc biệt “thân quen” với thị trường bất động sản ngập ngụa tồn kho - cuối cùng vẫn chỉ mang tính cách của một cái bánh vẽ không hơn không kém.

Cũng trong năm 2013, hiện tượng trần bội chi ngân sách được Chính phủ lần đầu tiên phải xuống nước khẩn cầu Quốc hội chuẩn y cho nâng từ 4,7% lên 5,3% đã làm nên một cơn chấn động chưa có tiền lệ về tình trạng thu không đủ chi. Rất nhiều khoản chi lãng phí và bị rút ruột đã giống như cơn bão cát ngoài sa mạc tràn lấp những giếng đào nước ngọt cuối cùng, khiến cho bất cứ một sinh lực nào muốn hồi sinh cũng chẳng còn lấy cơ hội tối thiểu.

Làm sao nền kinh tế có thể tươi sáng và hồi phục được khi hệ thống ngân hàng trung ương và ngân sách gần như sạch tiền? Cho dù sức mua thị trường bán lẻ có chút khí sắc vào sát tết, nhưng chừng đó vẫn là quá ít so với độ sớm từ 2-3 tuần của thời hoàng kim những năm 2006-2007. Bởi hiện tượng “giảm phát sức mua” đã xảy ra ngay trong những ngày đầu năm mới.

Vào năm mới, nhiều bà nội trợ đã thốt lên sung sướng khi chỉ phải bỏ một số tiền tương đương một nửa hoặc một phần ba tết năm ngoái để mua một bó rau hoặc một kg xu hào, bắp cải. Hiệu ứng “suy thoái tư tưởng” như vậy lại tiếp biến khi giá rau củ tại các chợ đầu mối thi nhau giảm sụt. Nhiều gia đình nông dân trở nên đắng chát khi bị âm vốn. Một số nơi thậm chí còn không mang rau ra chợ bán mà đành cho lợn ăn. Trong khi đó, giá thịt  lợn cũng giảm đến một phần ba, làm nên một hình ảnh tuyệt đẹp về hiện tượng giảm phát kinh tế và tình hình suy sụp không cưỡng nổi nơi dân chúng về niềm tin thị trường cùng xác tín chế độ.

Hình ảnh trên là hoàn toàn trái ngược với những tết trước đó, khi cứ sau tết là giá rau củ và thịt lợn tăng vọt đến 1,5-2 lần. Không thể chối cãi, đây là cái tết thứ ba liên tiếp các mặt hàng chiến lược cho người tiêu dùng không thể tăng sau tết cổ truyền của dân tộc.

Không chỉ bởi lượng cung dư thừa, mà chính là túi tiền vơi thẳm của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định. Chưa bao giờ từ năm 2007 đến nay, số công nhân và sinh viên không có tiền mua vé tàu xe về quê ăn tết lại ngồn ngộn như năm nay. Nhiều công nhân và sinh viên không dám bước ra ngoài đường vì họ phải chắt bóp những đồng bạc quá eo hẹp cho nhu cầu ăn uống. Khối con người túng thiếu ấy đã không cầm được những giọt nước mắt tuôn lăn trên má vào đêm giao thừa.

Với những giọt nước mắt ấy và với con sóng còn lâu mới nổi của các thị trường, làm sao nền kinh tế có thể thoát khỏi thế trườn bò của năm con Rắn?

Bài thơ lãng mạn kinh tế đã mau chóng biến thành bản xonnê đáng nguyền rủa trong khối đông đảo độc giả bất đắc dĩ.

Cùng đinh thể chế

Nếu “một nửa” là độ giảm trung bình của sức mua thị trường vào tết năm 2014, 50% cũng là tỷ lệ giảm sút bình quân về tiền thưởng tết tại nhiều doanh nghiệp và kể cả cơ quan nhà nước. Thậm chí ở đồng bằng sông Cửu Long có đến vài ngàn doanh nghiệp không thể xoay đâu ra tiền tết cho công nhân. Và số lượng công nhân nằm trong diện nghèo khó này lên đến ít nhất hàng trăm ngàn.

Song điều khốn khổ chưa từng có là khác hoàn toàn với tư thế “cười trên nỗi đau khổ của kẻ khác” vào tết năm 2011, giờ đây nhiều ngân hàng thậm chí không có nổi tháng lương thứ 13 cho nhân viên. Những người rút tiền vào dịp tết đã chứng kiến một số ngân hàng còn không đoái hoài gì đến chuyện trang trí tết, dù rằng các loại cây cảnh như mai và đào ế ẩm chưa từng thấy với mặt bằng giá giảm đến hơn phân nửa.

Cũng bởi thế vào tết năm nay, “nghèo khó quan chức” lại là một khái niệm khá mới mẻ, khi như lời trần tình của một số doanh nghiệp, chất lượng phong bao phong bì mà họ “đi tết” cho các quan chức đã vơi đến 50-60%. Trong tâm thế bĩ cực của nhiều doanh nghiệp, điều quá dễ biện bạch là tiền trả lương cho công nhân còn không có thì làm sao có “đạn” để trám lấp những cái miệng ngoác rộng chờ sung của các quan chức đói khát và tham lam không đáy?

Sự khốn khó của giới ngân hàng và quan chức là tiêu chí cuối cùng để làm nên bản sơ kết về tương lai cùng đinh của nền kinh tế. Giờ đây, tất cả đang làm nên một bức tranh trần trụi và sắt máu hơn nhiều so với những lời dối trá trước đó.

Đã đến lúc các thị trường đầu cơ phải trả giá cho thói thực dụng không có điểm dừng lồng lộn đến vài thập kỷ của chúng. Cũng không một cố gắng che giấu nào còn chút giá trị khi ngay quyền lợi của những thành phần trong khu vực nhà nước và trong đảng bị ảnh hưởng nặng nề đến thế vào tết Giáp Ngọ.

Cuối cùng nhưng chưa phải tất cả, bản xonnê cứu vớt kinh tế đã bị dệt liệm bởi thói vô lương tâm không thể táng tận hơn của giới quan chức đầu tỉnh ăn trên ngồi trốc. Ngay sau tết nguyên đán, công luận đã phải gầm lên trước câu chuyện những địa phương như Phú Yên xin gạo cứu đói dân trước tết nhưng lại còn tồn đến 2/3 số gạo được cấp trong kho khi tết đã biệt trôi. Một tiếng thét rền vang trên nền trời vằn vện tia sét: Vậy dân nghèo ăn tết bằng gì?

Ninh Thuận - nổi tiếng toàn quốc không chỉ bởi toàn bộ chiều dài bờ biển bị các tập đoàn quan chức - bất động sản che lấp, mà còn bằng thói điêu bạc của cấp xã khi bớt xét đến 5 trên con số ít ỏi 15 kg gạo cấp phát cho người nghèo vào tết nguyên đán vừa qua, dù ai cũng biết tỉnh này là địa phương khốn khó nhất nước.

Mùa xuân dệt liệm 

Hiện hình như một bóng ma, mùa xuân năm nay đã được dệt liệm bởi những vần thơ của nhà báo Lê Phú Khải:

Thơ tôi khóc, lệ rơi hình chữ S 
Để tang cho Tổ quốc của tôi

Một mùa xuân dệt liệm, những mùa xuân dệt liệm đang lao đến triệt buộc lớp dân nghèo dưới đáy và cả thượng tầng chính thể ở Việt Nam…

Theo VOA

17/2/14

Những bước nhảy đầy ấn tượng trước tượng đài vua Lý


Những bước nhảy đầy ấn tượng trước tượng đài vua Lý

Mặc Lâm

 Bình luận của Giáo sư Trần Hữu Dũng: Trấn áp, dù tàn bạo, bất nhân, cũng có nhiều cách.  Có cách thì phải công nhận là khôn ngoan, có học, có cách thì ngu xuẩn, vô học. Cách trấn áp này thuộc loại sau. (Bi hài hơn nữa là những người có "sáng kiến" này hẳn đang ngồi quanh bàn nhậu, dương dương tự đắc, vỗ đùi tự khen "diệu kế" của mình)


Từ điệu nhảy thực dân

Khiêu vũ được du nhập vào Việt Nam cùng với bước chân đổ bộ của thực dân Pháp và những bước nhảy đầu tiên có lẽ đã diễn ra trong các bữa tiệc ít người thuộc giới chính trị nhằm mua chuộc, lôi kéo người Việt cộng tác với Pháp khi chính giới Pháp hiểu rất rõ chỉ có thể lấy người Việt để thu phục người Việt cho mẫu quốc.

Sau đổi mới, chính quyền đã khuyến khích thanh niên trên toàn quốc tham gia vào các cuộc khiêu vũ dưới tên gọi múa tập thể. Hàng ngàn thanh niên nam nữ trong các tổ chức Đoàn được huấn luyện những bài học khiêu vũ rất vui, tay trong tay cùng nhảy với  nhau sau những giờ sinh hoạt đoàn đầy gượng ép. Chính những buổi nhảy tập thể này là chất liệu hấp dẫn thanh niên tới với sinh hoạt đoàn khi Đảng Cộng sản thấy rằng các lý thuyết cộng sản đã từ lâu không còn hấp dẫn họ.

Không những các buổi khiêu vũ tập thể ấy là vũ khí để chống lại sự nhàm chán mà chúng còn tỏ ra có khả năng chống lại nhiều thứ khác, đó là vô hiệu hoá các cuộc tập trung đông người mà đảng cho là chống lại mình. Câu chuyện xảy ra vào ngày 16 tháng 2 là minh chứng cụ thể nhất cho công tác huấn luyện này.

... đến bước nhảy Đoàn thanh niên 

Ảnh bên:Công an canh giữ cho cuộc nhảy đầm dưới tượng đài vua Lý, không cho biểu tình - Video caption from danlambao.com

 Ít nhất bốn mươi đoàn viên thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh đã tưng bừng nhảy múa tập thể tại Tượng đài Cảm tử trong khi một làn sóng âm ỉ từ nhiều người muốn tỏ thái độ chống Trung Quốc trong ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới vào ngày 17 tháng 2. Chính quyền biết việc làm này và đã điều động đoàn viên của họ để phá tan sự tập họp của đám đông nếu có.

Ông Ngô Nhật Đăng, một chiến binh của chiến trường biên giới phía Bắc nói về tâm trạng người lính sau 35 năm qua cách đối xử của chính quyền hiện nay:

- Nhiều năm nay chuyện đó hoàn toàn bị lãng quên. Tất nhiên tôi không đòi hỏi sự đãi ngộ nhưng ít nhất phải có sự nhắc nhở để những thế hệ trẻ sau này biết là đã có một sự kiện lịch sử như vậy.
Hôm qua tôi gặp một một cựu chiến binh anh là lính đặc công của sư đoàn 305 tham gia cuộc chiến từ năm 69-70. Anh nói rằng nhà của anh có ba anh em đều đi bộ đội, bản thân anh ấy là thương binh còn người em thì an lành trở về và một người nữa thì nằm lại biên giới năm 1979. Anh ấy kể khi ngồi ăn cơm với nhau trong ngày giỗ của người em hy sinh tại biên giới phía Bắc năm 79, thằng em nó hỏi anh một câu, các anh đi đánh Mỹ thì được trọng vọng còn chúng tôi đi đánh Tàu này, anh có biết không nhục như con chó không thằng nào nhớ tới hết.

 Ảnh bên:Biểu tình kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới, đả đảo Trung Quốc xâm lược - Courtesy of danlambao's video

 Nhảy tập thể đã thành công trước Tượng đài Cảm tử và đây là thắng lợi của những người trẻ chuẩn bị vào đảng bằng những bước nhảy của những năm 1870 do người Pháp huấn luyện.

Tại Hà Nội, tượng đài Lý Thái Tổ không im lặng như Tượng đài Cảm Tử của Sài gòn. Từ nhiều ngày trước người ta đã biết rất rõ hôm nay sẽ có ít nhất trăm người sẽ đến để dâng hương cho người đã khuất. Tên tuổi của họ công khai trên mạng Internet và dù muốn hay không chính quyền Hà Nội cũng khó lòng lấy bạo lực ngăn cản mục đích chính đáng của người dân.

Tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội có kinh nghiệm nhiều hơn Sài Gòn trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc. Tham mưu của UBND thành phố đã mang những bước nhảy được gọi là khiêu vũ để vô hiệu hoá buổi tưởng niệm này.

Họ đã nhảy múa vui mừng…

Nữ nghệ sĩ Kim Chi có mặt tại tượng đài trong phái đoàn từ miền nam ra đã xúc động nói với chúng tôi khi bà chứng kiến cảnh tượng này:
- Tôi có hai cảm xúc đối với việc hôm qua, thứ nhất là đối với tấm lòng của bao nhiêu người xót thương, biết ơn những người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy để bảo vệ tổ quốc thì số ấy đông lắm ở phía bờ hồ. Còn điều mà nó làm cho tôi rất khó chịu mà nói nặng hơn là phẫn nộ trước những hành động rất là lố bịch. Cái ngày như thế mà họ bắt loa thiệt to rồi họ ôm nhau nhảy nhót này kia, nó không có tự nhiên…tôi không hiểu các bạn sung sướng gì mà ra đây ăn mừng cái ngày đó.
 
Phía đền Ngọc Sơn, thanh niên, nhân sĩ cùng đồng bào yêu nước làm lễ tưởng niệm chiến sĩ hy sinh năm 1979 - Courtesy of CTV danlambao.com
 Vài chục cặp nam nữ có độ tuổi của những người Pháp khi mới đặt chân xuống miền Nam Việt Nam vào thế kỷ 18, đã trình diễn những bước nhảy tự tin mặc dù nhiều người cho là lố bịch. Thông điệp của những bước chân ấy được mang tới người xem dưới nền nhạc “Con bướm xinh” xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến vấn đề được nhìn ngỡ ngàng từ người tham dự khi yếu tố Trung Quốc xuất hiện có chủ đích trong những bước nhày này.
Ký giả Chris Brummitt của hãng thông tấn AP còn ngỡ ngàng hơn và một tiếng đồng hồ sau khi buổi khiêu vũ tập thể ấy diễn ra, toàn thế giới đã nhận được bản tin trọn vẹn về cơn mưa dưới tượng đài Lý Thái Tổ với hình ảnh của những công dân đầy tự hào đang nhảy múa trên buổi tưởng niệm về cái chết của 60 ngàn đồng bào của họ.
Nhà văn Võ Thị Hảo một người tham gia buổi tưởng niệm cho biết:
- Các tờ báo ấy đã ghi lại những hình ảnh những người nhảy múa trước ngày đau buồn của nước Việt Nam thì tôi nghĩ rằng nó sẽ gây ra sự phản cảm. Mặc dù không có những chứng cứ rõ ràng để xác định nhưng những việc ấy cho thấy một bàn tay thiết kế nhằm xoá nhoà những sự thật lịch sử đã xảy ra

Từ chủ trương im lặng

Nhìn lại một chuỗi các việc làm của chính quyền từ đàn áp, vận động từng nhà người dân để chống biểu tình, mạ lỵ vu khống người biểu tình trên hệ thống truyền thông đại chúng cho tới tổ chức nhảy múa phá rối người có lòng với đất nước, nhà văn Võ thị Hảo cho biết cảm nghĩ của bà:

- Chính quyền Việt Nam trong thời gian vừa rồi có nhiều cử chỉ khiến cho người Việt băn khoăn. Chẳng hạn như đàn áp người biểu tình trong khi họ chỉ bày tỏ lòng yêu nước và nguyện vọng muốn nhà cầm quyền đứng lên bảo vệ đất nước mà thôi. Họ không phải là những người gây mất trật tự trị an hay muốn gây hấn, muốn gây hận thù chia rẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng sự đàn áp lâu dài và có hệ thống cũng như việc có chỉ đạo ngầm yêu cầu dừng những buổi lễ tưởng niệm lại đã khiến cho nhiều người đặt câu hỏi rằng phải chăng những người đó có quyền lợi thống nhất với Trung Quốc hay là chính bàn tay của Trung Quốc đã lũng đoạn những người đó hay sao? 

Những người yêu nước tiếp tục tuần hành quanh bờ hồ - Courtesy of bachhongquyen's facebook
Vậy là hôm nay 17 tháng Hai, ngày chính thức kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới, các chính trị gia trên thế giới sẽ tiếp tục theo dõi xem sau buổi khiêu vũ tập thể đầy ấn tượng ấy những con người tận lòng với chính quyền sẽ có những động thái nào khác để tiếp tục gây ấn tượng cho họ.

Họ chú ý vì có lẽ chưa một thế chế dân chủ hay độc tài quân phiệt nào lại nghĩ ra được một biện pháp bất bạo động chống biểu tình hay và hiệu quả đến như vậy.

Nói lên sự thật không là kích động chủ nghĩa dân tộc


18-02-2014

Nói lên sự thật không là kích động chủ nghĩa dân tộc

Đăng Thúy ghi

Ảnh bên:Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

"Chúng ta cần phải kỷ niệm sự kiện này hàng năm và có chính sách đãi ngộ những gia đình có công trong cuộc chiến", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói về cuộc chiến tranh biên giới bắt đầu ngày 17.2.1979.


Mở đầu cuộc trò chuyện với PV NTNN - Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Kỷ niệm cuộc chiến là việc bình thường nên làm và nhiều nước đã làm, bất kỳ quốc gia có độc lập chủ quyền nào cũng làm thế.
Tướng Cương đánh giá: Nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung cần phải nhận thức rõ về bản chất của cuộc chiến.
“Chúng ta phải khẳng định thêm một triệu lần rằng, ngày 17.2.1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho 60 vạn quân vượt biên giới vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam để xâm lược chúng ta. Cuộc chiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 17.2 đến 15.3 là cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam chống lại quân xâm lược. Bản chất của cuộc chiến là Trung Quốc đi xâm lược và chúng ta chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trong cuộc chiến này, hàng chục ngàn người con ưu tú của Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Vấn đề thứ 2 là chúng ta phải khẳng định những người con của dân tộc Việt Nam ngã xuống trong trận chiến này là anh hùng, chúng ta phải vinh danh, ghi công, tạc tượng họ vào dòng chảy của lịch sử Việt Nam”, Tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Cũng theo ông Lê Văn Cương, đây là cuộc chiến tranh cả thế giới biết đến, chứ không phải chỉ diễn ra một đêm, vì vậy sự thật không thể nói khác được. Về bản chất, cuộc chiến này không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng quân nhà Thanh. Năm 1788 đầu 1789, trong vòng 10 ngày, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc để giải phóng và tiêu diệt 29 vạn quân Thanh vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Hàng năm ta vẫn kỷ niệm sự kiện này trong lễ hội Gò Đống Đa.
“Trong khi đó, cuộc chiến năm 1979, chỉ với khoảng thời gian 18 ngày, ta đã đuổi được 60 vạn quân Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Một cuộc kháng chiến chống xâm lược như vậy rất oanh liệt, vĩ đại, cần phải vinh danh và đền đáp công ơn. Chúng ta cần phải kỷ niệm sự kiện này hàng năm và có chính sách đãi ngộ những gia đình có công trong cuộc chiến”, Tướng Lê Văn Cương bày tỏ quan điểm.
Ông Lê Văn Cương nhấn mạnh thêm, việc kỷ niệm cuộc chiến là việc làm bình thường, nhiều nước trên thế giới đã làm: “Ví dụ với sự kiện Trân Châu Cảng 7.12.1941, hàng năm nước Mỹ vẫn kỷ niệm và thế hệ sau vẫn hiểu rất sâu sắc về thảm họa, coi nó như một bài học lịch sử quân sự đắt giá. Còn thanh niên Nhật vẫn tỏ tường tội ác của Mỹ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật ghi rõ sự kiện này trong sách giáo khoa và cũng tưởng niệm hàng năm. Như vậy không có nghĩa là Nhật Bản đang chống lại Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện đó, họ vẫn là đồng minh của nhau…”.
Nói về những tổn thất do cuộc chiến gây ra, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, cuộc chiến trong khoảng thời gian từ ngày 17.2 đến 15.3 được coi là cuộc “chiến tranh nóng”, còn sau thời điểm Trung Quốc rút quân đó mới là “cuộc chiến tranh lạnh”, kéo dài nhiều năm sau đó, khiến nền kinh tế Việt Nam suy kiệt. Quá trình phát triển của Việt Nam bị đẩy lùi, tụt hậu khoảng 20 năm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Nhắc lại lịch sử, nói lên sự thật không liên quan đến kích động chủ nghĩa dân tộc, mà chỉ nhằm tưởng nhớ và ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống. Thế hệ những người đang sống không bao giờ quên ơn những anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến này. Nhắc đến công lao, sự hi sinh và lòng dũng cảm của họ là để nhắc nhở các thế hệ tiếp theo luôn cảnh giác, hun đúc lòng yêu nước…”.
“Tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc bất di, bất dịch là: Việt Nam không bao giờ kích động dân tộc, chống lại Trung Quốc. Đảng và Nhà nước ta không bao giờ liên kết với nước khác để chống lại Trung Quốc. Việt Nam mong muốn cháy bỏng xây dựng quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc trên nguyên tắc tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, bình đẳng hai bên cùng có lợi. Việt Nam luôn có ý thức trong việc củng cố quan hệ Việt – Trung, khiến cho “cái cây” quan hệ này ngày càng đơm hoa kết trái”, ông Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Văn hóa VN khước từ thỉnh nguyện thư của RSF

Bộ trưởng Văn hóa VN khước từ thỉnh nguyện thư của RSF

Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) hôm Chủ nhật đã không thành công khi cố gắng trao thỉnh nguyện thư cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh khi ông có chuyến thăm chính thức Paris hôm thứ Bảy.

RSF cho biết trong khi ông Hoàng Tuấn Anh ký kết một thỏa thuận về hợp tác phát sóng với người đồng cấp Pháp thì bên ngoài hơn một chục thành viên của RSF giơ biểu ngữ và bắc loa nêu lên tình trạng thiếu tự do thông tin tại Việt Nam, cũng như kêu gọi thả 35 blogger hiện đang bị chính quyền giam giữ.

Ông Benjamin Ismail, trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói rằng việc chính quyền Việt Nam khước từ đối thoại với RSF là “dấu hiệu cho thấy sự khinh thường 32.000 chữ ký trên thỉnh nguyện thư.”

“Cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 9 vừa qua, hồi đáp của Bộ trưởng Văn hóa [Việt Nam] trước những đòi hỏi mà chúng tôi đưa ra là sự im lặng đáng buồn lòng. Tình trạng tự do thông tin và tình trạng của những người cố gắng sử dụng quyền này đang dần xầu đi,” ông Ismail nói.

RSF dẫn ra những vụ việc mới nhất là việc ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cha của blogger Huỳnh Thục Vy, bị hành hung và blogger Bùi Thị Minh Hằng bị bắt giam. Hai nhà hoạt động này bị công an tỉnh Đồng Tháp chặn lại khi cố đến thăm nhà luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển hồi tuần rồi.

RSF cho biết sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực để gia tăng áp lực đối với chính quyền Việt Nam, nhất là khi phiên xử phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân sắp diễn ra vào ngày 18/2 tới.

Việt Nam xếp hạng 174 trên 180 nước về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2014 của RSF, thấp hơn một bậc so với năm 2013.

Nguồn: RSF .VOA

Nhiều ủng hộ cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân trước phiên phúc thẩm


Thắp nến tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội để ủng hộ, và cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân.
Thắp nến tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội để ủng hộ, và cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân.
Trà Mi-VOA
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, giới lập pháp Hoa Kỳ, và những người ủng hộ trong nước kêu gọi phóng thích một nhà cổ xúy nhân quyền Việt Nam được thế giới biết tiếng.

Phiên phúc thẩm xét kháng cáo của luật sư Lê Quốc Quân dự kiến diễn ra ngày 18/2 tại Hà Nội. Ông bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam hồi tháng 10 năm ngoái về tội danh ‘trốn thuế’, một bản án bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo là đòn trả thù của Hà Nội đối với các hoạt động ôn hòa của ông Quân kêu gọi tự do-dân chủ và đấu tranh bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Một liên minh quốc tế gồm 16 tổ chức phi chính phủ ngày 13/2 ra thông cáo kêu gọi nhà nước Việt Nam phóng thích ông Quân ngay lập tức.

Liên minh, trong đó có tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Pháp, Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ của Hoa Kỳ, viện dẫn kết luận của Nhóm Công tác Liên hiệp quốc Chống Giam giữ Tùy tiện tố cáo việc Hà Nội bắt giữ ông Quân là vi phạm các nhân quyền được bảo đảm trên toàn thế giới bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, quyền được tư vấn pháp lý, và quyền được có một phiên tòa xét xử công minh.

Ngày 14/2 bốn dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam bày tỏ quan ngại về bản án của luật sư Quân và tình trạng sức khỏe suy yếu của ông trong trại giam.

Trong thư các dân biểu Zoe Lofgren, Frank Wolf, Loretta Sanchez, và Alan Lowenthal nêu rõ họ hiểu rằng nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân bị bắt và bị tuyên án ‘trốn thuế’ vì động cơ chính trị. Bốn nhà lập pháp Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam chứng tỏ cam kết tôn trọng nhân quyền  bằng cách trả tự do cho ông Quân, ‘người đang bị giam cầm tùy tiện chỉ vì thể hiện chính kiến ôn hòa’.

Tối 16/2, hàng ngàn người đã tham gia các buổi thắp nến tại nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) và nhà thờ Kỳ Đồng (Sài Gòn) để bày tỏ tinh thần hiệp thông, ủng hộ, và cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân.

Gia đình ông Quân cho biết ông tuyệt thực trong trại giam kể từ ngày 2/2 tới nay để phản đối bản án bất công.

Các cuộc thăm gặp theo dự kiến của các luật sư Hà Huy Sơn và Bùi Quang Nghiêm với ông Quân trong trại giam trước phiên phúc thẩm cũng bất thành, khiến gia đình hoài nghi về tình trạng sức khỏe của ông hiện nay.

Em trai luật sư Quân, ông Lê Quốc Quyết nói với VOA Việt ngữ:

“Anh Quân mong muốn gặp luật sư để bàn thảo về bài bào chữa trong phiên phúc thẩm ngày 18/2. Thế nhưng, khi luật sư Hà Huy Sơn vào hôm thứ sáu vừa rồi, trại giam nói anh Quân từ chối gặp luật sư. Điều này làm gia đình nghi ngờ. Hôm nay, luật sư Bùi Quang Nghiêm vào, họ lại bảo người duyệt thăm gặp đi vắng. Luật sư có giấy bào chữa rồi mà phải có người duyệt thăm gặp mới được vào thì việc đấy không thể tin được. Tôi lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh Quân vì anh tuyệt thực đến hôm nay là ngày thứ 17 rồi.”

Gia đình luật sư Quân công bố thư trên các trang mạng xã hội kêu gọi mọi người đến dự phiên phúc thẩm ngày 18/2 để quan sát diễn tiến của phiên tòa mà nhà nước gọi là ‘công khai’ và để ‘chấn chỉnh kịp thời những khuất tất, những hành vi vi phạm pháp luật như đã từng vi phạm thời gian qua đối với luật sư Lê Quốc Quân’.
 
Source : VOA