17/2/14

Nói lên sự thật không là kích động chủ nghĩa dân tộc


18-02-2014

Nói lên sự thật không là kích động chủ nghĩa dân tộc

Đăng Thúy ghi

Ảnh bên:Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

"Chúng ta cần phải kỷ niệm sự kiện này hàng năm và có chính sách đãi ngộ những gia đình có công trong cuộc chiến", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói về cuộc chiến tranh biên giới bắt đầu ngày 17.2.1979.


Mở đầu cuộc trò chuyện với PV NTNN - Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Kỷ niệm cuộc chiến là việc bình thường nên làm và nhiều nước đã làm, bất kỳ quốc gia có độc lập chủ quyền nào cũng làm thế.
Tướng Cương đánh giá: Nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung cần phải nhận thức rõ về bản chất của cuộc chiến.
“Chúng ta phải khẳng định thêm một triệu lần rằng, ngày 17.2.1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho 60 vạn quân vượt biên giới vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam để xâm lược chúng ta. Cuộc chiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 17.2 đến 15.3 là cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam chống lại quân xâm lược. Bản chất của cuộc chiến là Trung Quốc đi xâm lược và chúng ta chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trong cuộc chiến này, hàng chục ngàn người con ưu tú của Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Vấn đề thứ 2 là chúng ta phải khẳng định những người con của dân tộc Việt Nam ngã xuống trong trận chiến này là anh hùng, chúng ta phải vinh danh, ghi công, tạc tượng họ vào dòng chảy của lịch sử Việt Nam”, Tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Cũng theo ông Lê Văn Cương, đây là cuộc chiến tranh cả thế giới biết đến, chứ không phải chỉ diễn ra một đêm, vì vậy sự thật không thể nói khác được. Về bản chất, cuộc chiến này không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng quân nhà Thanh. Năm 1788 đầu 1789, trong vòng 10 ngày, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc để giải phóng và tiêu diệt 29 vạn quân Thanh vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Hàng năm ta vẫn kỷ niệm sự kiện này trong lễ hội Gò Đống Đa.
“Trong khi đó, cuộc chiến năm 1979, chỉ với khoảng thời gian 18 ngày, ta đã đuổi được 60 vạn quân Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Một cuộc kháng chiến chống xâm lược như vậy rất oanh liệt, vĩ đại, cần phải vinh danh và đền đáp công ơn. Chúng ta cần phải kỷ niệm sự kiện này hàng năm và có chính sách đãi ngộ những gia đình có công trong cuộc chiến”, Tướng Lê Văn Cương bày tỏ quan điểm.
Ông Lê Văn Cương nhấn mạnh thêm, việc kỷ niệm cuộc chiến là việc làm bình thường, nhiều nước trên thế giới đã làm: “Ví dụ với sự kiện Trân Châu Cảng 7.12.1941, hàng năm nước Mỹ vẫn kỷ niệm và thế hệ sau vẫn hiểu rất sâu sắc về thảm họa, coi nó như một bài học lịch sử quân sự đắt giá. Còn thanh niên Nhật vẫn tỏ tường tội ác của Mỹ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật ghi rõ sự kiện này trong sách giáo khoa và cũng tưởng niệm hàng năm. Như vậy không có nghĩa là Nhật Bản đang chống lại Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện đó, họ vẫn là đồng minh của nhau…”.
Nói về những tổn thất do cuộc chiến gây ra, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, cuộc chiến trong khoảng thời gian từ ngày 17.2 đến 15.3 được coi là cuộc “chiến tranh nóng”, còn sau thời điểm Trung Quốc rút quân đó mới là “cuộc chiến tranh lạnh”, kéo dài nhiều năm sau đó, khiến nền kinh tế Việt Nam suy kiệt. Quá trình phát triển của Việt Nam bị đẩy lùi, tụt hậu khoảng 20 năm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Nhắc lại lịch sử, nói lên sự thật không liên quan đến kích động chủ nghĩa dân tộc, mà chỉ nhằm tưởng nhớ và ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống. Thế hệ những người đang sống không bao giờ quên ơn những anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến này. Nhắc đến công lao, sự hi sinh và lòng dũng cảm của họ là để nhắc nhở các thế hệ tiếp theo luôn cảnh giác, hun đúc lòng yêu nước…”.
“Tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc bất di, bất dịch là: Việt Nam không bao giờ kích động dân tộc, chống lại Trung Quốc. Đảng và Nhà nước ta không bao giờ liên kết với nước khác để chống lại Trung Quốc. Việt Nam mong muốn cháy bỏng xây dựng quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc trên nguyên tắc tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, bình đẳng hai bên cùng có lợi. Việt Nam luôn có ý thức trong việc củng cố quan hệ Việt – Trung, khiến cho “cái cây” quan hệ này ngày càng đơm hoa kết trái”, ông Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét